Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

Tác giả Phan Thúy Hà: Để sự thật không mất đi ... LINH THOẠI - (VanhoaOnline)


Những tác phẩm của Phan Thúy Hà. Ảnh: Tự Trung
TTCT - Thẳng thắn, kiệm lời, mộc mạc và cương trực... là ấn tượng mà Phan Thúy Hà - cây bút “phi hư cấu” rất đáng đọc trong 5 năm trở lại đây với 5 cuốn sách ít nhiều gây xôn xao (4/5 cuốn đã tái bản 1-4 lần) - mang lại khi chúng tôi trò chuyện online. Phan Thúy Hà rõ ràng không thích bộc lộ mình, có lẽ vì vậy mà khi tôi ngỏ lời phỏng vấn, cô từ chối. “Hà rất ngại trả lời phỏng vấn, vì những gì muốn nói đã nói trong sách rồi. Đó là những cuốn sách cho tất cả mọi người chứ không phải của Hà”. Song, giữa những ngày dịch bệnh đầy bất an, từ Hà Nội, cô nhắn cho người bạn mới quen ở Sài Gòn: “... Cũng nên nói đôi điều về công việc tôi đã làm 5 năm qua”.
<!>
Bức tranh đời sống của những người già

* Chị ra đời sau khi đất nước đã thống nhất bốn năm, có cha là người lính của quân giải phóng, chiến tranh có từng ám ảnh tuổi trẻ của chị không khi mà sinh thời, cha chị hầu như không kể gì với con gái? Điều gì đã thôi thúc chị đi tìm những câu chuyện kể từ người lính để viết nên cuốn sách đầu tay Đừng kể tên tôi, để rồi từ đó theo đuổi đề tài về thân phận người lính trong chiến tranh và thời hậu chiến với Tôi là con gái của cha tôi và mới đây nhất là Những trích đoạn của các anh?

Chiến tranh không ám ảnh tôi. Nhưng các nhân vật trong sách của tôi đều sống trong cuộc chiến đó, từ thuở thiếu niên cho đến bây giờ. Tôi có nỗi lo, là những chuyện có thật xảy ra trong những năm tháng ấy bị quên bẵng, bị biến mất, bị thêm bớt. Điều đó thôi thúc tôi đi tìm các bác, các chú để ghi âm, ghi chép, làm thành trang sách. Tôi làm việc này một cách gấp gáp, không gấp gáp e không kịp. Vì ngay cả người kể cũng mất dần ký ức. Và ngay cả tôi cũng không biết ngày mai còn làm được việc này nữa không.

Cuốn Đừng kể tên tôi ghi lại nhiều câu chuyện ở một ngôi làng xã Gia Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh), trong đó có câu chuyện gia đình ông Trí, xảy ra vào trưa ngày mùng hai tháng chạp năm 1972. “Bà Trí bò lại bên từng đứa con. Bà liếm máu trên từng xác con. Máu đã khô. Máu vẫn còn rịn ra từ cánh tay đứt lìa của thằng Tám. Máu vẫn rỉ ra từ tai con Hương. Bảy cái xác nằm trên đất. Sáu đứa con và một đứa cháu. Đứa lớn nhất mười hai tuổi. Đứa bé nhất ba tuổi”.

Một câu chuyện như vậy mà người bạn tôi sinh ra và lớn lên ở đây, là hàng xóm với ông, đến khi đọc sách mới biết. Tôi không nỡ trách bạn tôi. Bởi vì tôi cũng từng vô tâm.

Tôi đi ra đường 15 cũ - đường đi B - nay là đường ra cánh đồng, hỏi các anh chị đang làm việc bên cánh đồng có biết đây là con đường ngày xưa bộ đội đi vào chiến trường miền Nam không, họ nói không biết.

Một lần tôi đến nghĩa trang đường 9, thấy một ngôi mộ đề tên Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1953, trùng tên và năm sinh với chú Ngọc trong câu chuyện “Người bên sông Ngàn Sâu”. Tôi ngồi xuống rất lâu bên ngôi mộ. Một câu chuyện về anh Ngọc quê ở Thái Bình nằm lặng dưới đất.


Một nhân vật trong sách của Phan Thúy Hà.

* Không dừng lại ở quê nhà Hà Tĩnh, không chỉ “viết giùm” các chiến binh Bắc Việt với Đừng kể tên tôi; chị đã lặn lội nhiều chuyến xe đò, xe máy... lục tìm từng địa chỉ có thể tìm đến ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bến Tre, Huế, Quảng Trị... để mong được nghe chuyện từ các cựu binh Việt Nam cộng hòa. Tôi là con gái của cha tôi ra đời cũng là từ nỗi khao khát được biết những câu chuyện còn “nằm lặng” và sẽ bị lãng quên?

Đi vào miền Nam tìm những người lính từng phục vụ trong quân đội Việt Nam cộng hòa là cái cớ để khám phá về đất nước, tâm hồn người Việt Nam. Tôi ghi vào sách cái nhìn của tôi. Một ly cà phê bảy nghìn đồng, một chục dừa là mười hai quả, ngồi ở quán cà phê nào cũng nhìn thấy nóc nhà thờ, đi trên một đoạn đường rợp bóng dừa… với tôi là nỗi rung động lớn.

Tôi là con gái của cha tôi cũng là bức tranh đời sống của những người già mà tôi gặp ở miền Nam. Bắt đầu từ câu chuyện của ba Quốc Kiệt; rồi đến chú Giang, bác Lý, bác Diệp, bác Bưu, bác Bội, chú Ẩn, cô Dung, cô Bé, chú Khải, chú Hà Long.

69 tuổi, ước mơ của chú Hà Long là ráng bán vé số thêm 5 năm nữa rồi về quê trồng rau, nuôi gà. Bác Bưu 78 tuổi vẫn chạy xe ôm. Bác Diệp hằng ngày ngồi xe lăn đi lần ra phố, mệt mỏi đến độ nắm vé số cầm trên tay rơi lúc nào không biết. Vào tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, được chăm sóc, các bác vẫn phải kiếm tiền sống qua ngày.


Tác giả Phan Thúy Hà và một nhân vật trong cuốn sách Tôi là con gái của cha tôi. Ảnh: NVCC
* Các cuốn sách của chị đúng là một bức tranh liên hoàn về đời sống của những người già. Họ và chị hẳn đã mang lại cho nhau những giao tình đẹp đẽ và cảm động. Chị có thể chia sẻ thêm về phản hồi chung của các nhân vật - cũng chính là các độc giả lớn tuổi - sau khi đọc sách?

Các bác hỏi “Sao cháu viết ngắn thế, nhẹ thế?”. Bởi vì, mỗi cuốn sách thể hiện một ý tưởng. Rất tiếc tư liệu nhưng tôi không cố đưa vào.

Một bác chia sẻ rằng đọc lại câu chuyện của tôi và những người cùng cảnh ngộ, bác yên tâm vì quá khứ không bị quên. Các bác đều mong tôi đừng dừng lại, hãy tiếp tục tìm và giữ tư liệu.


Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách của tác giả.

Câu chuyện nào cũng gây chấn động mạnh với tôi

* Vô tình hay cố ý mà Những trích đoạn của các anh đều là các cuộc chạy dài đầy thương vong bi đát? Hay vì đã có nhiều chiến thắng được gọi tên, ghi chép nên chị thấy không cần kể thêm nữa; cái cần kể hơn vẫn là một khuôn mặt khác của chiến tranh mà nhiều người cầm bút chưa (dám) vẽ nên?

Trận thung lũng Sa Thầy, gò Trung An, đồi 25 bên đường 7 Bến Cát, và cả trận đánh vào thị xã Đông Hà lần thứ hai mà anh lính xe tăng bị ám ảnh là những trận thắng đấy chứ. Nhưng đó cũng không phải là cái tôi cố ý. Cuốn sách không kể về một trận đánh thắng hay thua. Chiến thắng hay thua đau thì tiếng rít của UH-1A, viên đạn găm vào lưng và ra phía trước bằng ruột, người cháy xém bên hàng rào, hình ảnh đồng đội hoảng loạn, lời nói cuối cùng… mãi mãi không ra khỏi tâm trí các anh, trở thành những cơn ác mộng về đêm khi tuổi ngày càng cao, thành những trích đoạn.

Tôi đọc quá ít sách về chiến tranh để mà biết những gì đã được kể nhiều hay chưa kể. Họ đã chiến đấu, các anh đã hy sinh… Từ nhỏ tới lớn tôi nghe quen những từ đó, dùng mãi những từ đó trong các bài thi môn sử, môn văn, nhưng không có cảm xúc gì. Bởi vì tôi chẳng biết gì cả: Chiến đấu là như thế nào. Người lính ấy nghĩ gì trước trận đánh, đã hành động ra sao trong từng tình huống chiến trận. Đồng đội đã hy sinh như thế nào trước mắt, bên cạnh, hay trong vòng tay họ … Những trích đoạn của các anh ghi lại những khoảnh khắc đó.

Cuốn sách không thuật lại các trận đánh. Không một người lính nào có thể thuật lại được trận đánh. Ký ức mỗi người chỉ lưu giữ được một góc nào đó trong trận đánh mà họ ấn tượng mạnh.

"Phan Thúy Hà chỉ cần kể lại chân thật các sự kiện, hơi trần trụi, cũng đủ làm ta xúc động. Thật lạ, một giọng kể bình thản, với những câu văn ngắn, không tỉa tót mà vẽ được những bức tranh đời bất hạnh.

GS.TS Huỳnh Như Phương

* Trong gần 90 nhân vật chị đã gặp qua 5 cuốn sách, câu chuyện nào khiến chị ám ảnh nhất? Có góc khuất chiến tranh, sự thật nào bản thân chị “giác ngộ” sau khi trở thành người - chép - sử qua các cuốn sách của mình?

Câu chuyện nào cũng gây chấn động mạnh đối với tôi. Bác Lý cụt hai chân, cụt một cánh tay, mù một mắt, một mắt mờ, hơn nửa thế kỷ không thể tự đi vệ sinh. Chú Châm đeo bên mình bịch nước tiểu suốt một đời không để cho ai biết.

Có người nói tôi là người ghi chép những góc khuất chiến tranh. Tôi không nghĩ như vậy. Những gì các chú, các bác kể trong sách không có gì mới lạ với rất nhiều người. Những câu chuyện đó bạn cũng từng nghe, có gì là góc khuất đâu.

Điều tôi nhận ra sau nhiều cuộc nói chuyện: Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, trải nghiệm khác nhau, vì thế có quan điểm riêng về những gì đã xảy ra. Họ nghĩ gì, đó là điều ta không thể đoán được. Tôi phải hỏi trực tiếp tất cả những điều tôi muốn biết.


Một nhân vật trong sách của Phan Thúy Hà (Ảnh: Phan Thúy Hà cung cấp)

* Không ít nhà văn từng cầm súng ở cả hai phía đã nói lời cảm ơn Phan Thúy Hà về những câu chuyện chị mang đến qua 3 cuốn sách về người lính. Bản thân chị không thừa nhận mình là một nhà văn, chị có bất ngờ trước nhiều lời khen tặng mọi người viết trên báo, trên trang cá nhân dành cho một cây bút mới là mình?

Tôi nghĩ mọi người khen vì cảm kích việc tôi làm, ủng hộ việc tôi làm, chứ chưa hẳn vì tác phẩm tôi làm ra tốt đến mức được nhận những lời ca ngợi như vậy. Tôi hy vọng những cuốn sách của tôi sẽ khuyến khích được các bạn trẻ đi gặp các cựu chiến binh, trò chuyện và ghi lại câu chuyện của họ. Mà không cứ là cựu chiến binh, mỗi người già trong làng cũng là một kho ký ức. Tôi gọi đó là những mỏ quặng.

Bất cứ ai quan tâm lịch sử ngoài đời thực và có lòng nhiệt tình đều có thể làm được việc này.

Là một bảo tàng ký ức đặc biệt của những người lính Bắc Việt thời chiến tranh Việt Nam, Đừng kể tên tôi có thể xem là một trong những tài liệu bổ sung quan trọng nhất gần đây về một cuộc chiến có ý nghĩa góp phần kiến tạo lịch sử thế kỷ 20. Với cuốn sách này, Phan Thúy Hà đã thực sự tôn vinh các cựu chiến binh Việt Nam bằng cách để họ nói lên tiếng nói của mình, bộc lộ nỗi đau mà họ đã gánh chịu suốt hơn nửa đời người. Tôi nghĩ, một cuốn sách như vậy nên được phổ cập rộng rãi trong các trường đại học và trường phổ thông, để những người trẻ được hiểu về sự thật lịch sử ở khía cạnh nhân văn của nó”.

(Tiến sĩ sử học Jason Picard)

Thương người khổ là bản tính

* Có thể thấy tuổi niên thiếu lam lũ (tác phẩm Qua khỏi dốc là nhà) đã góp phần tạo nên một cây bút luôn tìm đến người cùng khổ, những thân phận bên lề và có thiên hướng nhìn thẳng vào cuộc đời như chị. Chị có nghĩ thế không?

Tuổi thiếu niên tôi được sống bên cạnh người cha tâm hồn tinh tế. Cha có cách kể chuyện hài hước. Cha quan sát và diễn đạt được đúng tâm lý của người ta qua một chi tiết. Ngày sinh viên và cả khi mới ra trường đi làm, mỗi lần tôi về quê là cha ra ga Thanh Luyện đón. Tôi xuống tàu là cha đã chờ sẵn với vài điều thú vị cha vừa thấy ở sân ga nhỏ. Chỉ một chi tiết mà hai cha con tưởng tượng ra một câu chuyện, bàn luận, rúc rích cười cho đến khi về nhà.

Đọc những bài viết tôi đăng báo, cha nói, bài viết nào của con cũng có tứ, sao con không thử phát triển tứ đó lên thành truyện ngắn. Cha vẫn thầm mong tôi viết được cái gì đó lớn lao hơn. Tôi phớt lờ những lời cha nói. Tôi không có tài văn chương, không nuôi mộng văn chương.

Tôi viết cuốn sách Qua khỏi dốc là nhà kể lại trải nghiệm tuổi thơ chị em tôi chứ không phải là cuốn sách kể khổ. Chị em tôi ham lao động. Mẹ tôi là giáo viên, làm nhiều ruộng, chăn nuôi thêm, nấu rượu nữa, nên bọn tôi có cuộc sống khá nhất ở làng bấy giờ. Với tôi, đó là tuổi thơ sôi động, chị em đầy đủ bên nhau.

Hàng xóm, bạn bè cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra nhưng khi đó tôi chỉ nghĩ sơ sơ vậy thôi. Sau này trưởng thành, hiểu hơn về con người, thì chuyện nào nhớ lại cũng làm tôi buồn. Thương người khổ là bản tính con người. Mãi gần bốn mươi tuổi tôi mới nhìn ra được vì sao họ khổ. Nhìn ra được vấn đề thì tôi cần phải viết.

Mỗi lần ký tặng sách các chú, các bác tôi lại mủi lòng. Các chú, các bác vẫn ở đây đọc sách con viết mà cha thì nằm dưới đất mười mấy năm rồi...


Tác giả Phan Thúy Hà (Ảnh: NVCC)

* Khác hẳn mạch đề tài về người lính mà chị theo đuổi, Gia đình là tác phẩm hiếm hoi ghi lại lời kể của các nhân chứng trong nạn cải cách ruộng đất ở Nghệ An, Hà Tĩnh và một câu chuyện cuối cùng ở Nam Định. Cũng vì “thương người khổ” thấy “cần phải viết” hay muốn thử thách chính mình mà chị chọn mảng đề tài đầy “chấn thương tinh thần” này?

Cuốn sách Gia đình tôi thực hiện cùng lúc với cuốn Đừng kể tên tôi, mùa hè 2017. Việc tìm nhân chứng khó khăn, nên viết đến câu chuyện thứ ba, tôi phải tạm dừng. Tôi tập trung làm cho xong cuốn Tôi là con gái của cha tôi rồi mới thong thả quay lại với đề tài đó.

Các nhân chứng trong giai đoạn lịch sử những năm 1950 còn sót lại nay đều tuổi ngoài tám mươi. Chần chừ là không bao giờ làm được nữa. Nếu không ghi ngay lúc này những câu chuyện đó sẽ mất đi mãi mãi hoặc tồn tại dưới dạng hư hư thực thực. Sách mới xuất bản được nửa năm thì ba nhân vật trong sách đã ra đi. Một số cô bác sức khỏe cũng yếu đi nhiều.

Một bác 81 tuổi ở làng tôi khi đọc xong cuốn Gia đình, trong đó có hai câu chuyện về người quen của bác là ông Trần Lệ và Ngô Việt, bác không tin câu chuyện kể đó có thật. Bác gọi điện hỏi tôi, có phải cháu sáng tác thêm không, vì Trần Lệ học một lớp với bác, sao bác không biết những chuyện đó. Chưa thỏa mãn với câu trả lời của tôi, bác đạp xe đến nhà hai nhân vật hỏi ngược hỏi xuôi. Bác Trần Lệ nói rằng những gì cô Hà viết chưa thấm vào đâu so với thực tế gia đình tôi đã trải qua.

Một người bạn của bác Nguyễn Bút nhắn tin, bác học cùng cấp hai với Nguyễn Bút, lên cấp ba học cùng lớp và ở cùng nhà trọ, bác vừa đọc vừa khóc thương bạn. Từ trước tới nay chỉ biết bạn cùng hoàn cảnh với mình nhưng không biết chi tiết như thế này.

Những người cùng thế hệ mà còn như thế, thì hỏi có bao nhiêu bạn trẻ và lớp trẻ sau này sẽ vừa đọc vừa thầm hỏi, sao có thể có chuyện như thế này, bao nhiêu phần trăm là sự thật.

“Phan Thúy Hà đã làm ra hai tác phẩm Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi không giống ai, ghi lại rất nhiều nỗi đau trần thế của những người khác, những người ngoài lề, bị bỏ quên. Tôi sững sờ khi đọc những câu chuyện ấy. Tôi ghen với tác giả - tôi đã không làm được điều tương tự, dù những câu chuyện trong sách không lạ với tôi, chúng đầy rẫy với bất cứ ai”.

Nhà văn Vũ Thư Hiên

Còn nhiều câu bỏ ngỏ...

* Công việc của một biên tập viên nhà xuất bản trước đây chắc cho chị nhiều kinh nghiệm xử lý bản thảo?

Từng là biên tập viên cho tôi kinh nghiệm xử lý bản thảo nhưng cũng nhiều nuối tiếc do tự kiểm duyệt. Có nhiều câu bỏ ngỏ, bạn đọc phải tự hiểu ý.

Những cuốn sách lần lượt được Nhà xuất bản Phụ Nữ cấp phép xuất bản. Giám đốc và biên tập viên nhà xuất bản kính trọng các nhân vật trong sách. Các chị ủng hộ công việc tôi làm. Không phải người viết sách nào cũng có thuận lợi như vậy.

* Chị có định danh cho thể loại mà mình chọn? Và chị có nghĩ việc chị chọn cùng một giọng kể cho các câu chuyện làm mất đi giọng riêng của từng nhân vật, hay chị cố tình để mọi câu chuyện được cất tiếng qua “giọng” của Phan Thúy Hà?

Tôi thấy khó viết nếu không dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Đặt mình vào nhân vật tôi mới viết được dài hơi. Với cách các nhân vật để cho “tôi” kể chuyện sẽ làm cho người đọc cảm giác được nghe trực tiếp.

Tôi lựa chọn cách viết như vậy, còn đặt thể loại gì, cả vấn đề hư cấu hay phi hư cấu có lẽ cần phải nghĩ thêm. Một bạn đọc nhắn cho tôi: “Tôi không thích, như một số người, đã gán cho thể loại các cuốn sách của Thúy Hà là "phi hư cấu". Hư cấu, chỉ là một phương pháp để tái hiện sự thật, còn "phi hư cấu" là gì? Là nói sự thật. Đọc sách Thúy Hà tôi vẫn thấy một thể loại văn xuôi rất gần gũi”.n

Lịch sử nhìn từ một con người, một gia đình

Ngoại trừ Qua khỏi dốc là nhà (NXB Kim Đồng, 2018) - tác phẩm gần như tự truyện về tuổi thơ ở Hương Khê, Hà Tĩnh qua cái ngoái nhìn ở tuổi 40; Đừng kể tên tôi (NXB Phụ Nữ, 2017), Tôi là con gái của cha tôi (NXB Phụ Nữ, 2019), Gia đình (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2020) và Những trích đoạn của các anh (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2021) đều là những ghi chép từ tâm sự của những nhân vật nay đã đi gần hết một đời người, từng vào sinh ra tử, kinh qua những thời đoạn đầy biến động của đất nước. Họ là những người lính đi ra từ cuộc chiến, là nhân chứng của cuộc cải cách ruộng đất, là nạn nhân của vô thức lịch sử... Ký ức của họ đầy máu và nước mắt; hòa bình của họ, hiện tại của họ vẫn còn nhiều bóng tối của tủi buồn vây quanh... Những sự thật của riêng họ lật giở giúp người đọc một phần bức tranh chân thật của lịch sử - nhìn từ lịch sử một con người, một gia đình...

5 năm dài tìm gặp từng cựu binh, gợi chuyện, lắng nghe, sống với từng mảnh vỡ phận người rồi dùng khả năng ngôn ngữ riêng biệt để nén từng cuộc đời lên bức tranh tả thực của bi kịch chiến tranh và hậu chiến...; hành trình đó của Phan Thúy Hà đòi hỏi lòng yêu sự thật và cả sức mạnh nội tâm.

Dù giấu đi cảm xúc riêng trên các trang viết, không ít lần tác giả kể lại, chị muốn hét lên hay dừng lại khóc nấc sau khi chứng kiến, nghe chuyện từ một cảnh đời. Gãy gọn mà giàu thông tin, lạnh ở vỏ ngôn ngữ mà ấm trong nội hàm, tiết chế cảm xúc chủ quan mà vẫn đẩy cảm xúc độc giả lên cao độ qua những chi tiết đắt giá được khắc tả; Hà khiến người đọc vừa chất vấn lịch sử, vừa điều phục cảm xúc khi đọc, để rồi cảm ơn tác giả đã cho họ biết thêm nhiều cuộc đời, cảnh huống đáng được kể lại...

Trong cuộc tìm về những phận người bé nhỏ trong Tôi là con gái của cha tôi, tác giả viết: “Ở đâu cũng khuôn mặt vò võ khổ đau. Ở đâu cũng ám trên mặt người nỗi sợ. Ở đâu cũng nhiều người tốt phải sống trong bất hạnh. Ở đâu cũng ân tình”.

Ở các cuốn sách của Hà, ân tình của đồng đội, của những phận người nương nhau đi qua đau thương, những người gánh lấy oan khiên vẫn tha thứ cho những sai lầm của quá khứ... cũng luôn lấp lánh. Độc giả đau đớn trước những tàn khốc của khúc tối thời cuộc, những mong manh sống chết nhưng cũng tựa vào những ân tình đó để yêu hơn cuộc đời, yêu hơn từng con người đã chọn bình tĩnh, bình thản sống tiếp cuộc đời nhiều thua thiệt...

VĂN HÓA ONLINE – SỰ KIỆN NĂM XƯA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét