Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Quốc Đạt đọc “ PHÙ VÂN" thi phẩm Trần Quốc Bảo

Houston Ngày 10 tháng 7, 2023 - Anh Bảo thân mến, Như đã báo tin cho anh hôm trước, tôi đã nhận được tập thơ ngày 3 tháng 7, một ngày trước Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ năm 2023. Tôi có cảm giác đây là một món quà đặc biệt và qúy báu đã đến từ anh, đúng vào thời điểm mà tôi được nghỉ lễ để đọc và thưởng thức sáng tác của anh. Nhìn vào món quà tôi đã thấy sự trân trọng và kỹ lưỡng của người gởi. Anh đã gói ghém rất chặt chẽ món quà này. Để giữ cho bao giấy gói bên ngoài được trọn vẹn, tôi đã mất một số thời gian để làm việc đó. Khi nhìn vào tập thơ tôi đã thấy ngay tâm hồn thi sĩ và triết lý của anh với 2 câu thơ của lời tựa tập thơ này: Dù đời là kiếp PHÙ VÂN - Tôi như cây cỏ ân cần nở hoa - Tuyệt vời!
<!>
Cách trang trí và cách trình bày hình ảnh, màu sắc, của bìa trước và bìa sau tập thơ trông rất đẹp, với nét trang trọng mà lại nên thơ. Tấm hình đẹp của 2 em bé ở bìa sau tô điểm thêm sự ngây thơ trong trắng trong tâm hồn của tác giả đã hiển hiện trong một số bài thơ của thi phẩm này.

Lời giới thiệu của tập thơ do Giáo sư Phạm Trọng Lệ rất hay, rất đầy đủ và chính xác, phản ảnh được tấm lòng yêu quê hương đất nước, cùng với sự yêu thương con người, yêu thơ và yêu đời của tác giả.

1). Đọc những bài thơ của anh Bảo, tôi nhận thấy giữa anh và tôi có nhiều điểm rất giống nhau:

* Anh yêu tổ quốc Việt Nam từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
* Anh yêu lá Cờ Vàng với 3 sọc đỏ. Anh tha thiết với chế độ VNCH.
* Anh yêu người chiến sĩ miền Nam đã hy sinh xương máu để bảo vệ tự do cho công dân Việt Nam ở dưới vĩ tuyến 17.
* Và anh chán ghét bọn cộng sản đã cưỡng chiếm miển Nam để rồi đem đất nước dâng cho giặc Tàu và đối xử tàn ác, cũng như bóc lột người dân để trục lợi.

Trong cuồn băng “ Tình Người Viễn Xứ” của tôi, nhất là trong 2 bản nhạc “Hoài Hương” và “Thương Về Quê Mẹ”, thính gỉả cũng cảm nhận được lòng yêu nước chân thành của tôi . Và như cô ca sĩ Diễm Châu đã viết:

“ Mặc dù bệnh nhân đa số là người Mỹ, nhưng trong tâm hồn người nhạc sĩ này lúc nào cũng một lòng hoài vọng về cố hương. Anh đã ấp ủ niềm yêu quê hương trong tâm tưởng từ ngày rời Việt Nam qua Mỹ du học, từ năm 1965, và bị lưu vong bên này sau khi Cộng Sản xâm chiếm đất nước”

“ Những bài hát của anh, cho dù đã sống xa quê hương từ lâu nhưng lúc nào tình cảm của anh cũng nhắc nhở về quê hương, như quê hương lúc nào cũng ở trong anh”

2). Anh và tôi cũng có những điểm tương đồng trong trái tim và trong tâm hồn. Tuy tuổi đời đang chồng chất nhưng trái tim của ta vẫn trẻ và khối óc ta vẫn không già. Trong bài thơ “Rằm Xưa” của anh có những câu sau đây rất ngây thơ và dễ thương:
“ Có cô bạn gái bên nhà
Trung Thu thường tới, ăn quà ngắm trăng.”

“Nhớ cô bé giống… Hằng Nga
Và tôi, là…chú Cuội già mộng mơ”

“Giấc mơ thuở ấy, ngây thơ,
Ước gì, hai đứa…được đưa lên Trời

Đêm Trung Thu, bé và tôi,
Rước đèn sao sáng, dạo chơi cung Hằng!

Trong cuồn băng “ Tình Người Viễn Xứ” của tôi, bài hát “Người Trinh Nữ Của Lòng Tôi” cũng có những câu tả người em gái ngây thơ, trong trắng:

“ Tung tăng dạo chơi em hát lên bài ca
Đời người Trinh nữ thắm tươi như muôn ánh hồng
Tung tăng dạo chơi em khẻ ngâm bài thơ
Đời người Trinh nữ thắm tươi như ngàn muôn hoa”

“ Xinh ơi làn tóc khẽ tung bay trong nắng chiều
Đẹp như giòng suối biếc trong vườn hoa Tiên cảnh
Hây hây đôi má ửng lên như hai quả đào
Đẹp ơi người Trinh nữ trong vườn tim của tôi”

3). Trong Phần I–Tâm Tư của tập thơ Phù Vân này tôi đã được thấy tâm hồn tươi trẻ và trái tim yêu đương, lãng mạn của anh Bảo đã lên đến tột đỉnh. Mơ hồ như anh đã trở về độ tuổi đôi mươi hay là tuổi của học trò mơ mộng. Bấy lâu nay tôi vẫn tưởng mình là người duy nhất vẫn giữ trái tim trẻ mãi và tâm hồn lãng mạn không già. Nhưng bây giờ tôi mới biết rằng mình đang có một đối thủ cực kỳ lợi hại. Anh Bảo thực sự đã yêu rất nhiều. Anh yêu Cha Mẹ, Gia đình, yêu người, yêu đời, yêu thơ, yêu đất nước Việt Nam và quê hương thứ hai, xứ Cờ Hoa, này. Anh yêu Thiên Chúa và yêu cả Thiên nhiên. Anh đã nhân cách hóa bốn mùa, Xuân Hạ Thu Đông, trở thành bốn nàng Tiên Nữ để rồi trong lúc say xỉn anh đã Lạc Vào Thiên Thai và yêu hết bốn nàng Tiên Nữ ấy!

“ Một Năm gồm có bốn mùa,
Bốn nàng Tiên Nữ ngây thơ chủ trì
Tôi, chàng nghệ sĩ tình si,
Trọn Năm yêu hết, vị chi bốn mùa”

Độc đáo nhất là anh đã thật sự yêu chị Hằng Nga trong ngày Sinh nhật 88 tuổi đời của anh. Anh đã mời nàng về nằm ngủ với anh. Hết sức lãng mạn!:

“ Ô kìa!...có phải Thanh Hằng
Thương yêu nhau quá, đến thăm bất ngờ
Tôi xin mở rộng cánh thơ
Mời nàng nhẹ gót mộng mơ bước vào”

“(Yêu em)…Như dại, như ngây…
Tôi hôn lên má, lên tay Thanh Hằng,
Đêm nay…có phải đêm rằm?
Em từ cung nguyệt về nằm bên tôi!”

Trong bài “Em Ngồi Quay Tơ”, anh đã mơ đến một nàng Trinh Nữ mười sáu tuổi trăng tròn, và mong khi nàng gọi, anh sẽ đến để gở mối tơ rối cho nàng. Thật đáng yêu và lãng mạn!:

“ Hởi nàng trinh nữ quay tơ,
Dáng xinh như một bài thơ không lời!
Em ơi khi sợi rối bời,
Nhớ kêu anh tới, gỡ rời mối tơ!”

Trong bài thơ “NHỚ” (Missing) của tôi, tôi đã thật sự trải qua một cuôc tình lãng mạn với một nàng Tiên Nữ da trắng, tóc vàng, ở thủ đô ánh sáng, Paris. Cuộc tình tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại âm hưởng sâu xa trong lòng tôi. Tôi sẽ đính kèm bài thơ này trong đây để tặng anh. Câu chuyện lãng mạn này đã được kể lại bằng Anh ngữ và bài thơ cũng đã được dịch ra bằng tiếng Anh để cho các người bạn ngoại quốc của tôi đọc và hiểu được. (Xin xem đính kèm).

4). Có những lúc cô đơn trống trải trong tâm hồn, anh đã mượn cần câu dể thả mồi. Nhưng anh mong cá đừng cắn câu, để cho anh lặng ngắm trời, trăng, mây, nước. Rồi anh nhìn lại thân phận và cuộc đời mình. Khi ra đi anh đã ôm lời thề với giang san, đất nước, rằng một ngày nào đó, khi đất nước không còn bọn côn đồ cộng sản cai trị dân tộc ta nữa, thì anh sẽ quay về. Nhưng than ôi, ngày ấy sao vẫn chưa đến? Đất nước ta vẫn ở mãi trong vòng kềm kẹp và dân tộc ta vẫn sống trong ngu muội, vẫn nhục chí, không còn sức để đấu tranh. Và ta đây vẫn lưu lạc mãi nơi đất khách, quê người này:

“ Cá ơi, đừng có đớp mồi!
Buông câu là để ta ngồi ta mơ.
Từ thân lưu lạc tới giờ,
Viết hoài chưa trọn, bài thơ liên hoàn.
Ôm lời thề với giang san,
Vẫn còn cúi mặt, lang thang quê người!”

Cũng như anh, tôi cũng đã cô đơn ngồi trên con “Thuyền Cô Lữ”. Con thuyền không bến, không bờ. Nó đã bị giòng nước cuốn đi và đi mãi:

“ Giòng sông nước thắm xanh
Không gian lắng theo bao cung đàn
Thuyền nhẹ êm lướt trôi
Tìm về đến chân trời xa…”

“ Tìm lại phút luyến lưu
Bao năm sống xa quê hương rồi!
Còn ai có biết chăng?
Thuyền này vẫ trôi ngàn khơi…”

5). Trong Phần II-Thế Sự, của tập thơ Phù Vân, anh Bảo đã ca tụng những gương sáng của nhân loại bằng những câu chuyện anh đã góp nhặt trong cuộc đời qua thông tin thế giới. Phần này Giáo sư Phạm Trọng Lệ cũng đã đề cập đến trong bài giới thiệu của tập thơ. Nhưng điều làm cho tôi cảm động nhất là anh đã kể nhiều đến những biến cố của đại dịch Covid-19. Anh đã làm bài thơ để Vĩnh Biệt Phi Nhung và anh đã Vinh Danh Thiên Thần Áo Trắng.

Là một bác sĩ đã sống và làm việc trong thời kỳ nguy hiểm nhất của chứng đại dịch trên thế giới này, tôi rất xúc động về những lời cảm tạ anh đã viết trong bài thơ này::

“ Như chiến sĩ , ở tuyến đầu xung kích
Đánh bại Tử thần, cứu sống tha nhân!
Các Bác Sĩ đã quên cả bản thân,
Thương “Con bệnh”, như “Lương Y Từ Mẫu”

“ TẠ ƠN NGƯỜI”, lời Tạ Ơn vô kể!!!
Gửi các “Thiên Thần Áo Trắng” mến yêu,
Bác Sĩ, Y Tá, Y Công… thật nhiều!
Các Vị là Người của Trời ban xuống!”

Để cám ơn anh đã viết lên những lời tha thiết biết ơn này, tôi xin báo tin cùng anh là tôi đã và đang còn chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 này. Tôi có tất cả trên 500 bệnh nhân từ lúc đại dịch bộc phát (năm 2019) cho đến nay. Tất cả các bệnh nhân đều được tai qua nạn khỏi, chỉ trừ có một người. Anh ta đã mất vì không nghe lời tôi mà nhập viện kịp thời. Tôi đã gọi nhắc nhở anh nhiều lần, nhưng anh không trả lời. Anh chờ đến một tuần lễ sau mới để cho vợ anh đưa anh vào bệnh viện. Lúc đó thì đã quá trễ rồi. Anh mất sau 4 ngày nhập viện vào ICU. Thật đáng tiếc!

Trong thời gian sau này, tôi chữa trị bệnh nhân không cần nhập viện nữa, theo phương cách (Protocol) mà tôi tự nghiên cứu và viết ra trong tờ giấy (brochure) để phát cho bệnh nhân khi họ bị dương tính với Covid-19. Tôi đã dùng cách “Xông Hơi” của Việt Nam để hợp tác với 5 loại thuốc mua không cần toa Bác Sĩ. Tôi cho bệnh nhân tự theo dỏi bệnh trạng của mình bằng cách dùng thiết bị đo lượng dưởng khí (Oxygen) đeo trên đầu ngón tay người bệnh (Tiếng Anh là cái Pulse Oximeter). Phải xem lượng Oxygen bằng hoặc trên 95%. Nếu lượng Oxygen < 93% quá lâu (hơn 1 tiếng đồng hồ) hoặc người bệnh cảm thấy khó thở thì phải đi ngay vào phòng cứu cấp của bệnh viện, để được cứu chữa. Khi bệnh nhân không thuyên giảm sau 3 ngày, hoặc bệnh trở nặng quá nhanh thì tôi mới cần cho toa mua thuốc (có 3 loại toa cần đến Bác sĩ ký tên). Xin xem tờ giấy “Protocol” đính kèm.

Thân mến,
Quốc Đạt – NVB      
Bay Van Nguyen, M.D., Ph.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét