Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG SÓT của một thời man rợ - Khuất Đẩu

Khi tôi vừa ăn xong mấy củ khoai thay cho bữa cơm chiều, thì một người cán bộ đi vào. Như những người miền Bắc tôi thường gặp, sau chiến tranh tràn ngập cả miền Nam, dù không là bộ đội vẫn thường mặc một bộ đồ màu cứt ngựa bạc phếch, nhàu nhò và đội một cái nón cối do Trung Quốc viện trợ. Bộ đồ ông mặc hãy còn mới nhưng vẫn không che giấu được vẻ buồn bã nhàm chán của một thứ quân phục được sản xuất hàng loạt. Ông cũng có một chiếc bị lủng nhủng những túi những dây gọi là ba lô con cóc (vì đeo lên nó giống như một con cóc khổng lồ). Ông mang một đôi săng đan bằng nhựa màu nâu nhạt, loại dép mới cũng do ông Trung Quốc chi viện thay cho dép cao su.
<!>
Ông bước vào sân giữa lúc trời đang còn chút nắng nên mặt ông sáng lên với những giọt mồ hôi lấm tấm, nhưng hai nếp nhăn từ cánh mũi vòng qua cái miệng không râu lại sẫm đen giống như hai đường cày. Một cái bớt trên má trái giống như một giọt mực xạ bị bôi lem. Mái tóc cắt sát hai bên thái dương chỉ chừa một mảng trước trán như một cái lưỡi rìu. Cái mái tóc sắc nhọn giống nhau cả triệu người như một ấy, đã từng xuất hiện trong tết Mậu Thân trên các xác Việt cộng được kéo bỏ ngoài công viên thành phố. Tôi đã nhiều lần hoang mang tự hỏi không biết có ai trong số họ là cha tôi.
Ông đi qua sân không một chút ngập ngừng, rồi ông bước lên thềm quay mặt nhìn ra ngõ, hơi bất ngờ khi thấy mấy con “trâu máy” của hợp tác xã trên đường trở về đang kêu phành phạch thay cho tiếng nghé ngọ. Ông đặt ba lô xuống thềm, lọ mọ lấy điếu cày, xe thuốc nhét vào nõ rồi rít một hơi dài kêu roọc roọc. Ông tựa lưng vào cột, lim dim mắt, thở ra một hơi khói đậm và gắt. Cái vẻ tự tin yên bình, cái vẻ không xa lạ với cửa nhà vườn ruộng, cái vẻ của một người đi xa về lại nhà mình khiến cho tôi trả lời đúng chóc khi nghe ông hỏi:
- Có biết ta là ai không?
- Là cha.
Tôi nói.
- Giỏi đó, con còn nhìn ra cha là nhà có phước.
Đó, cái buổi trùng phùng của hai khúc ruột lìa xa nhau hơn 20 năm chỉ có vậy. Không có chuyện mừng mừng tủi tủi. Không có một giọt nước mắt nào run rẩy nhỏ xuống. Cũng không oái ăm như tôi đã từng tưởng tượng mỗi khi nghĩ đến người cha chưa từng thấy mặt. Có phải vì chúng tôi là hai người đàn ông hay vì chúng tôi đã từng ở hai bờ chiến tuyến?

Tôi đã từng vẽ ra những cảnh cha con gặp nhau rất éo le, oan trái. Như lúc ông bị thương sắp chết sau khi nhận loạt đạn của chính tôi, hay lóp ngóp chui lên từ căn hầm bí mật dưới những họng súng sẵn sàng nhả đạn, trong đó có họng súng của tôi.
Hồi đó, tôi thường tự hỏi, trên cái dải đất mỏng manh hình chữ S này có bao nhiêu người cha và người con, người anh và người em, những người ruột rà máu mủ lại phải bắn giết nhau? Cả trăm, cả ngàn hay đến cả chục ngàn? Và vì sao bọn họ phải trở thành kẻ thù của nhau? Có phải vì chiến tranh quá dài và những kẻ cầm đầu hai bên quá hèn nhát hay quá thủ đoạn, hích vào đầu chúng tôi như bọn trẻ chăn trâu thúc sau đít để trâu bò húc nhau.
Lô lô ầm
Lô lô ạt
Thịt nạc dao phay
Con nào hay để lại cày
Con nào dở dao phay nước mắm…
Bộ máy tuyên truyền của hai bên cũng y chang như vậy đó, chỉ khác là được khuếch đại to hơn và bền bỉ sâu hiểm hơn mà thôi.
Giờ đây, tôi lại tưởng tượng khác. Nhiều người cha xấu hổ đã không muốn nhìn mặt con khi biết chúng đã từng “theo giặc cầm súng bắn vào nhân dân”. Biết con đang “học tập” họ chẳng những đã không ái ngại xót xa, còn bảo không bị giết đã là nhân đạo lắm rồi, hãy để nó học càng lâu càng tốt. Vì vậy, tôi chẳng mong gì được gặp ông một cách đề huề cảm động. Tôi chờ đợi những câu mắng chửi y như bọn họ, những người chiến thắng rồi mà vẫn chưa hết căm thù những kẻ thua trận là chính con cái anh em mình. Nhiều lúc tôi vẽ ra cảnh ông rút súng chĩa vào ngực tôi gào lên, mày là thằng bán nước và tôi nhắm mắt để cho ông bóp cò.

Nhưng bây giờ, “con còn nhìn cha là nhà có phước”, ông nói vậy là sao? Phải chăng ông cũng đang vẽ ra những cảnh trái ngang: con không thèm nhìn cha, hay lớn tiếng kết tội bỏ cả vợ con để đi theo Liên Xô và Tàu Cộng? Và như thế cả hai cha con chúng tôi đều vừa mong mà cũng vừa sợ cái ngày sẽ gặp lại.
Tôi mở cửa mời ông vào nhà, nhưng ông bảo ta muốn đi dạo một chút. Rồi ông đi quanh vườn. Vườn rộng, trồng rất nhiều cây ăn trái, nhưng đã già cỗi. Những mít, những xoài ngày nào giờ đã thành cổ thụ. Dừng lại bên cạnh một cây xoài ngã rạp chắn lối trước mặt, ông nói đây là cây xoài quỳ và quay lại hỏi tôi:
– Lúc nhỏ con cũng thường leo lên đây?
– Dạ.
– Con có bị bà bắt phạt quỳ không?
– Dạ có.
– Bà cấm leo trèo vì sợ té gãy chân.
– Dạ.
– Ta nhớ cái vườn này lắm. Ngoài đó làm gì có được cái vườn như nhà mình.
À ra vậy, tôi nghĩ, lúc nhỏ ông vẫn thường nghịch ngợm leo trèo và ông vẫn nhớ đến khu vườn xưa, ngôi nhà cũ chứ không phải chỉ nghĩ đến đảng không thôi.
– Ta cứ tưởng bị đốt phá hết rồi.
– Thế nhà ngoài đó của cha cũng có vườn chứ?
– Làm gì có nhà, chỉ có 4 thước vuông thôi. Chỉ rộng hơn cái áo quan một chút.
Cái giọng điệu chua chát từ miệng một người miền Bắc lần đầu tiên tôi mới được nghe, thật khác xa với giọng điệu huênh hoang tự hào của những “ông”, những “bà” cán bộ trong trại cải tạo hay những người miền Nam mới theo cách mạng.
Sau đó ông vòng ra giếng, cúi nhìn xuống sâu một lúc như tìm lại hình bóng mình rồi thả gàu múc nước. Ông xối nước rửa mặt, ngửa cổ uống một hơi, khà một tiếng: Nước giếng nhà mình ngon thiệt! Cái cách ông uống và khen cứ như vừa làm một cốc bia mát lạnh, khiến tôi rất xúc động.
Vườn nhà mình! Nước giếng nhà mình! Những tiếng ấy dường như được ông nhốt kín trong lồng ngực suốt hơn 20 năm, giờ bỗng vọt ra như những cánh chim đang bay vút trên bầu trời quê hương. Tôi có cảm giác sẽ còn được nghe tiếng “mình” thêm nhiều lần nữa. Nhà của mình, ruộng của mình, vợ con của mình... Những thứ “của mình” đó làm nên một đời người, vì sao ông lại bỏ tất cả để đi tìm những thứ rất chi xa lạ không phải của mình?
Lúc vào nhà, tôi cẩn thận đi trước, dặn ông coi chừng vấp phải ngạch cửa cao ngang đầu gối, nhưng ông bảo vấp làm sao được, ta thuộc cái nhà này như biết rõ trong lòng bàn tay.

Đèn được thắp lên, căn nhà đã 100 tuổi hơn mở con mắt ngái ngủ của mình ra nhìn ông. Không biết nó nghĩ gì nhưng ông chủ của nó thì bồi hồi đứng nhìn trong yên lặng. Nào cột nào kèo, nào trính nào xiên, cái bàn thờ lạnh lẽo với những bức hình trùm khăn nhiễu đỏ, những tủ giường xưa cũ, tất cả đã bị mối mọt và nhất là bàn tay của con người làm cho xệch xạc méo mó. Ngôi nhà đã hai lần bị “mượn”. Lần thứ nhất, chính quyền cũ “mượn” làm nhà tạm giam những người tình nghi Việt cộng. Lần thứ hai, cách mạng “mượn” làm trụ sở ủy ban. Cứ sau mỗi lần bị “mượn” là tiều tụy xơ xác. Giá như nó là một người vợ đẹp mà bị “mượn” đến những hai lần như thế thì không biết người chồng sẽ đau khổ đến mức nào.
Đến trước bàn thờ, ông có vẻ muốn lật những tấm khăn nhiễu ra để nhìn lại hình những người đã khuất, nhưng tần ngần một lúc, ông lại thôi. Ông ngồi xuống cái tràng kỷ mà một chân sau được thay bằng 4 cục gạch. Tự nhiên ông trở nên bé nhỏ mặc dù ngọn đèn làm cái bóng của ông nở to ra, bôi đen cả chỗ ông ngồi. Ông có vẻ giống như một đứa con có tội đang ngồi lặng nghe những lời rầy la của mẹ cha.
Phải chăng ngôi nhà đã một thời uy nghi lộng lẫy giờ suy sụp thảm hại là do ông đã bỏ nó mà đi? Bởi vì có ông thì ngôi nhà này ai dám mượn đến những hai lần. Và vợ có chồng thì ai dám thập thò tán tỉnh. Nói vậy thôi chứ trong những ngày cách mạng mùa thu, cả kinh đô nhà Nguyễn nằm soi bóng bên bờ sông Hương còn bị Bảo Đại “bỏ của chạy lấy người” huống hồ là ông.
– Cha chắc chưa ăn gì, tôi nói, – để con kiếm cái gì làm bữa tối cho cha.
– Khỏi, ông nói, – ta ăn quà rồi. Kiếm cái gì nhâm nhi thì được. Ta có 2 chai bia đây.
Thật là bất ngờ, thay vì sẽ phải ngồi nghe ông tra hỏi, nguyền rủa, lại được cùng ông ngồi uống la de. Tôi quá vui nhưng cũng rất lúng túng, vì mới đi cải tạo về chưa được 1 tuần, biết lấy gì để làm mồi nhậu đây. Tôi loay hoay mãi, sau cùng đành chạy ra quán nói thật với bà chủ cho mua chịu mấy cái trứng vịt. Tôi không đủ dầu để làm món trứng tráng chỉ còn mỗi cách là đem luộc.
Khi trứng chín đã được bóc vỏ trắng muốt, tôi lấy thêm một chút muối tiêu, trịnh trọng bày lên bàn để mời ông. Lúc đó đã thấy ông để sẵn 2 chai bia La rue hiệu con cọp, giờ là của hiếm. 2 chai bia được cột chặt vào nhau trông rất lạ, đem từ miền Nam “Mỹ ngụy” ra miền Bắc chống Mỹ anh hùng, rồi lại lộn ngược vào Nam, cứ như hai số phận long đong đã được an bài.
– Cái này, ông nói, – ta được phân phối đã 2 năm rồi, để dành mãi đến ngày hôm nay đấy.
– Quán hết đá, cha chờ chút để con lên chợ.
– Khỏi, uống không cũng được.
Đó là đại yến mừng ngày đoàn tụ mà nếu cả tộc họ nhà tôi kể từ ngày lập làng còn sống,nước mắt tủi hờn chắc cũng đựng đầy 2 chai la de. Cha tôi là người mà chính tôi có bổn phận phải lùng diệt. Còn tôi là đứa con đi theo “giặc” đáng nguyền rủa của cha. Số phận nào lại đưa chúng tôi đối mặt nhau một cách nghiệt ngã như thế. Ai cũng bảo là do lịch sử, nhưng cái con mãng xà dài cả ngàn thước ấy, ai đã nhảy lên lưng khiến nó lồng lên suốt mấy chục năm? Ai đã khiến nó nuốt một lúc hàng chục tiểu đoàn ở cổ thành Quảng Trị? Ai khiến nó đuổi theo cả vạn người di tản từ Pleiku? Nếu lúc này cha tôi cầm con dao đang thái trứng kia đâm thẳng vào ngực tôi cũng là do con mãng xà ấy sao?
– Uống đi cha!
– Uống đi con!
Uống để mừng cha con mình đã thoát khỏi cái tội ác lớn nhất trong đạo làm người vì chiến tranh quá dài đủ để cho cha con giết nhau!
Đêm hôm đó hai cha con tỉnh như sáo không phải vì bia ít quá không đủ say mà vì chúng tôi bàng hoàng nhận ra dưới đám lá mục của lịch sử, giấu mặt bao nhiêu là sâu bọ rắn rít, chúng tôi vẫn là cha và là con. Ông nói gần như suốt đêm về cái dòng họ Trần “rân rác” (ý nói danh giá), về lúa chín tràn bờ, về bắp trổ đầy soi, về những ngày giỗ chạp heo gà ngả hết con này đến con khác, về những xe trâu chở lúa từ đồng lớn, đồng dài kẽo kẹt suốt cả tháng, về bằng thành chung của ông (cả huyện chỉ có 2 người đậu), về những ngày đầu cách mạng bà nội đã đem cả rổ vàng ra cúng vào quỹ cứu quốc. Nhưng tuyệt nhiên ông không nói gì về những ngày ông đi tập kết.
Cũng không hỏi tôi đi lính gì, gây bao nhiêu “nợ máu” và phải học tập bao nhiêu năm mới “sáng mắt sáng lòng”. Và, im như băng giá ở Nam cực, ông không hề mở miệng ra hỏi nói gì về mẹ tôi. Tàu Titanic có ngày còn được khai quật lên để cho mọi người thấy lại cái bi kịch hàng hải đau thương nhất thế kỷ, nhưng cái mối tình mà từ đó mới có tôi sinh ra, đụng phải tảng băng của lịch sử (lại lịch sử) bị gãy làm đôi thì ông nhất định chôn chặt dưới đáy đại dương của lòng mình.
2 năm trước ngày ký kết hiệp định Geneve, tôi được sinh ra với một cái bớt đỏ trên môi. Bà nội nói, cha mày cũng có một cái bớt trên má, nhưng xấu hơn vì là bớt màu đen.
Bà nói như thể biết trước cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài và cha con chúng tôi có thể phải đối mặt nhau ngoài mặt trận. Cha tôi phải nhớ là đừng bắn vào đứa có bớt đỏ trên môi, còn tôi thì đừng bắn vào người có bớt đen trên má. Hai cái bớt ấy đã được tổ tiên nhà họ Trần làm dấu để cha con nhận ra nhau.
Mẹ tôi lấy chồng khác khi tôi lên 10. Tôi ở lại với bà nội. Điều ấy chắc làm mẹ tôi đau lòng lắm. Bà ôm tôi khóc như mưa. Tôi không biết gì nhiều về bố dượng, chỉ biết ông ở trong quân đội và cấp bực sau cùng khi Sài Gòn thất thủ là trung tá.
Nếu trên đời này có những người đàn bà rất tần tảo, rất giỏi giang, nhưng cũng rất đau khổ chắc phải kể đến mẹ tôi. Sau 1975, chồng bị bắt đi cải tạo, nhà bị tịch thu, con cái bị đưa đi kinh tế mới... Bao nhiêu tiền của dành dụm bị mất sạch khi đổi tiền. Vậy mà vẫn phải mua đường sữa, mắm cá đi thăm nuôi, hết lặn lội ra tận Bắc để thăm chồng sau, lại lộn vào Nam thăm con chồng trước. Như lúc này đây, nghe đâu mẹ đang ở Bắc.
Những điều ấy tôi muốn tâm sự với cha nhưng ông đã coi như không có người đàn bà ấy trên đời, thì tôi cũng đành biết vậy mà thôi. Ông ăn ít, ngủ ít, không ra ủy ban thôn, không lên huyện, lại càng không vào tỉnh và chưa hề hỏi han hay gặp gỡ những người bạn chiến đấu cũ nay đã là đồng chí bí thư này, chủ tịch nọ.
Có một lần, tôi rụt rè hỏi, cha cũng có gia đình ngoài đó chứ, thì ông bảo, hỏi làm chi chuyện đó. Hãy lo cho con đi. Con phải kiếm một người đàn bà mới giữ được cái nhà này. Ta có còn gì nữa đâu. Cuộc đời ta như một con cá, khúc ngon nhất là khúc giữa thì bị mèo tha chó đớp. Chỉ còn lại cái đầu và khúc đuôi, giữ lại mà làm gì.
Giọng ông u uẩn quá, nghe rất thương. Cái khúc giữa đời ông phải chăng là hơn 20 năm ông đi tập kết. Và trong 20 năm đó, với cái lý lịch con địa chủ chắc là ông đã run sợ xiết bao.
Đến ngày thứ năm, mẹ tôi từ vùng đất đỏ Long Khánh ra thăm. Bà được tin tôi ra khỏi trại cải tạo ngay lúc bà đến thăm nuôi. Khi nghe mấy tiếng đã được tha, không kịp quay về nhà, bà liền đón xe đi suốt đêm để ra gặp con. Lúc bà kêu cửa thì trời chưa kịp sáng.
Không như lúc gặp cha, tôi khóc nức nở khi gặp mẹ. Bà cũng khóc, nhưng tỉnh táo hơn, hỏi:
“Khổ lắm phải không con?”
Tôi lắc đầu, chỉ tay vào trong nhà, nói nói thầm vào tai bà:
“Cha con đang ngủ trong đó”.

Tự nhiên tôi cảm thấy như đầu và ngực bà lạnh ngắt. Bà rời tôi, ngồi sụp xuống đất, cả người bà rung lên. Tôi hiểu bà đang cố kìm giữ tiếng khóc. Giá như có thể được, chắc bà đã kêu thét lên rồi.
Tôi dìu bà lên thềm, mẹ và con cùng lặng im ngồi chờ sáng.
Bên trong có tiếng ho nhỏ, rồi có ánh đèn lọt qua khe cửa.
Cha tôi bước ra sân, ngửa mặt lên trời, làm một vài động tác cho đỡ mỏi. Ông định đi ra giếng nhưng khi thấy mẹ con tôi, ông chớp mắt mấy cái, nói như thể hai người chưa từng xa nhau:
– Kìa, sao hai mẹ con lại không vào trong nhà?
Mẹ tôi đứng lên, một tay nắm tay tôi, một tay quệt nước mắt nói:
– Ông mới về?
– Phải, mới về được mấy bữa.
– Ông vẫn khỏe?
– Ờ, vẫn khỏe. Bà thế nào? Đường xa chắc là mệt lắm. Này Tân, con đưa mẹ vào nhà nghỉ, ta ra vườn một lát.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới lúc cha và mẹ gặp nhau. Mọi sự đã trôi qua rất xa. Phải nói là thật xa, tận trong mịt mờ của quá khứ. Liệu cuộc trùng phùng không được báo trước này có làm cho họ vì thế mà bớt xa nhau chăng.
– Mẹ chỉ mang theo đồ khô, chẳng có gì mời cha con ăn sáng. Hay là để mẹ lên chợ kiếm thứ gì.
– Thôi mẹ, chắc cha không thích bày vẽ. Mẹ có mì gói không?
– Có đây, để mẹ đi nấu nước.
– Việc đó để con, có cái chõng của con, mẹ nằm tạm mà nghỉ.
Một lúc sau, cha tôi vào. 3 bát mì bốc khói được tôi mang lên.
– Mời cha, mời mẹ, – Tôi nói.
– Mời bà, – Cha tôi nói.
– Mời ông, – Mẹ tôi nói.
Những sợi mì ngập ngừng trôi qua miệng cha.
Tiếng húp nước rụt rè chảy qua miệng mẹ.
Tiếng nhóp nhép trong miệng tôi.
Bỗng mẹ tôi đặt bát xuống mâm, nhìn thẳng vào mặt cha hỏi:
– Ông thù tôi lắm phải không?
– Không.
– Ông nói dối.
– Để làm gì?
– Tôi biết, ông hận tôi. Nhưng nếu như tôi đợi ông đến hơn 20 năm thì tôi được gì?
– Tôi có muốn bà đợi tôi đâu. Chẳng ai đợi ai. Thành thực mà nói, tôi rất có lỗi với con và bà.
Đột nhiên tôi vọt ra câu hỏi suốt bao nhiêu lâu cứ đè nặng trong lòng:
– Cha có biết là mình lầm đường không?
Cha tôi hơi bối rối nhưng cũng nói:
– Vấn đề là đừng hỏi biết hay không biết. Một người đã rơi xuống đáy vực thì có gào lên cũng chẳng ai nghe.
Tôi nói lớn:
– Vậy thì rõ rồi. Xin cha và mẹ hãy cùng con ăn hết bát mì. Dẫu sao cũng là một ngày vui.
Chiều hôm đó mẹ tôi xuôi Nam. Sáng hôm sau cha tôi ra Bắc. Tôi còn lại một mình.
Thôi hãy lấy vợ, sinh con.

Khuất Đẩu

*Tựa bài mượn trong lời nhạc của Phạm Đình Chương:
Ngày nao tan đao binh
Mẹ bồng con sơ sinh
Chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét