Nhắc Nhở Buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Đáng Tham Dự Nhất Ngày Hôm Nay! Lời Mời Trân trọng kính mời Quý Văn Thi Hữu, Quý Cơ Quan Truyền Thông, Độc Giả, Quý Đồng Hương yêu thích văn chương, chữ nghĩa! Tham dự buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật Ra Mắt Sách, độc đáo hiếm có, mà đã vắng bóng trong một thời gian dài tại miền Bắc Cali, của một cây bút can đảm, nhiều năm viết dưới Chế độ XHCN, nói thay Những bất công của Những Người Nông Dân thấp cổ bé miệng!
Xin trích nội dung một đoạn ngắn trong lời giới thiệu của ĐTQ: “Can đảm hay không, chính là sự chọn lựa đứng bên nào của người cầm bút, nhất là phải chạm mặt thường xuyên với cường quyền! Võ Đắc Danh, đã định danh mình sau 30 năm cầm bút: Can đảm!”
Đó là tác giả: Võ Đắc Danh
Với tác phẩm: Chuyện Đời Chuyện Nghề
Buổi RMS được tổ chức: Lúc 3 giờ chiều, Chủ Nhật (hôm nay!), ngày 3 tháng 9 năm 2023
Tại Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121
(408) 223-1199
Ngoài Tác Giả, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng giới thiệu tác phẩm, đặc biệt với sự góp mặt của ca sĩ Thanh Mai, từ Nam Cali – Nổi tiếng là “Búp bê” khả ái của làng nhạc trẻ Sài Gòn trước 1975, Thanh Mai với một vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt búp bê bầu bĩnh dễ thương và giọng hát tươi vui, trong những ca khúc nhạc trẻ vào đầu những năm 1970. Đã có một thời đôi song ca Quốc Dũng – Thanh Mai, đã làm khuấy động, mưa gió trên các sân khấu Sài Gòn và là ca sĩ được khán giả trẻ yêu mến nhất, nổi tiếng với nhạc phẩm “Búp Bê Không Tình Yêu!”
-Đặc biệt với sự có mặt của Ca sĩ Thu Tuyết, từ Úc châu! Lần đầu tiên xuất hiện tại miền Thung Lũng Hoa Vàng này!
-Chưa kể với sự cộng tác của rất nhiều gọng hát, đã được nhiều người nến chuộng miền Thung Lũng Hoa Vàng.
-Nên nhớ, Chiều nhạc RMS, là một sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, mà thời gian sau này, không còn ai…dám đứng ra tổ chức nữa! trừ những Nhóm, Hội Đoàn…còn đam mê chữ nghĩa! Vì đụng tới thì chỉ có “chết tới bị thương!” vì từ ngày có máy vi tính, nhấn con chuột, thì “văn chương hạ giới rẻ như bèo!” đọc free! miễn phí! đọc hoài không hết! thói quen mua sách đọc… hoàn toàn biến mất!
Chính vì lâu lâu mới có sinh hoạt hiếm quý như thế, nên dịp này, xin đừng bỏ qua!
-Đặc biệt nhất: Vào Cửa Tự Do! Nước Uống hoàn toàn Miễn Phí! Chưa kể kèm nhiều mục vui, xổ số, quà tặng!
Nhớ nhé! Rất lâu mới một sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật “Tôi yêu tiếng nước tôi!” ý nghĩa, văn nghệ như thế! bỏ qua rất uổng!
Buổi RMS, do Văn Thơ Lạc Việt tổ chức, nhằm yểm trợ những cây bút đấu tranh! (Như năm ngoái, cũng có tổ chức buổi ra mắt tác phẩm của Phạm Thị Đoan Trang)
Tác giả & VTLV Trân Trọng Kính Mời và giới thiệu.
Tin Việt Nam Hôm Nay
***
Chuyên Gia: Việt-Mỹ Nâng Cấp "Đối Tác Chiến Lược" Sẽ Có Lợi Cho Cả Hai Bên
(Quốc Phương)
(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN ở Nam Vang, thủ đô của Cam Bốt, hôm 12/11/2022.)
-Việc thiết lập quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở cấp độ chiến lược gần như là một khả năng chắc chắn và nếu diễn ra, đây sẽ là một diễn biến có tính 'tích cực' đối với Việt Nam, mặc dù vẫn còn cần thêm thời gian để kiểm nghiệm thực chất chất lượng của mối quan hệ này, một nhà nghiên cứu bang giao quốc tế và an ninh, chính trị khu vực từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Tân Gia Ba) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 31/8/2023.
Trước hết, bình luận về chuyến thăm chính thức Việt Nam được dự kiến vào ngày 10/9 tới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng đây là một nỗ lực đặc biệt của nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ, vì hai lý do, như ông chia sẻ với RFA hôm 31/8:
"Tôi nghĩ rằng để sang thăm Việt Nam trong dịp này, ông Biden đã phải làm hai việc quan trọng, thứ nhất là ông phải bỏ qua cuộc tọa đàm cấp cao Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) mà đối với nhiều chuyên gia thì đó là một trong những cuộc tọa đàm rất quan trọng để kết nối giữa Mỹ và ASEAN. Thứ hai nữa là Tổng thống Biden cũng sẽ phải dành thời gian ở Việt Nam, thay vì tập trung vào chiến dịch tranh cử của ông, đặc biệt trong bối cảnh gần đây cho thấy ông Donald Trump là một ứng cử viên rất mạnh của bên Đảng Cộng hòa, mà có lẽ ông Trump sẽ là ứng cử viên tranh cử Tổng thống được đề cử của Đảng Cộng hòa.
Tôi nghĩ lý do Tổng thống Biden sang Việt Nam giữa bối cảnh như vậy, điều này có lẽ hàm ý rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nâng cấp mối quan hệ đối tác. Nhiều ý kiến cho rằng có thể là 'nhảy cóc' từ mối quan hệ 'đối tác toàn diện' hiện tại lên mức 'đối tác chiến lược toàn diện', cũng có ý kiến cho rằng việc như vậy sẽ đi ngược lại với những nguyên tắc ngoại giao rất cẩn trọng của Việt Nam, tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta cần phải có thêm thời gian để chờ thông báo chính thức mức độ nâng cấp như thế nào, nhưng khả năng nâng cấp mối quan hệ có lẽ gần như là chắc chắn".
Tổng Bí Thư Mời Khách, Chủ Tịch Nước Sẽ Ký Kết?
Đề cập khả năng ai sẽ đại diện nhà nước Việt Nam ký kết cùng với lãnh đạo chính phủ Mỹ một khi mối quan hệ đối tác được thiết lập ở mức độ mới trong dịp Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng sau, như kế hoạch đã được thông báo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nói với RFA:
"Tôi nghĩ đương nhiên về mặt ký kết, chắc chắn sẽ là ký kết giữa Tổng thống Biden và ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước của Việt Nam, theo mặt nguyên tắc của nhà nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, trong vòng một chục năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã rất khôn ngoan trong việc tập trung giải quyết những mối quan hệ về mặt ngoại giao giữa Việt Nam mà dựa trên mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam, thay vì với (chỉ riêng) chính quyền. Tất nhiên chính quyền có vai trò rất quan trọng, song họ (Hoa Kỳ) nhận ra rằng với Việt Nam, để giải quyết được những vướng mắc và những bước đột phá về mặt quan hệ ngoại giao, thì họ phải đi qua bước là kết nối với Đảng Cộng sản.
Và đấy là một trong những lý do vì sao mà lời mời đến thăm Việt Nam lần này đến từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này đã được bên Việt Nam chính thức xác nhận. Tôi nghĩ, về mặt hình thức có lẽ sẽ không khác gì so với những ký kết khác giữa hai nguyên thủ quốc gia, nhưng về mặt thực tế mà nói, tất cả những quyết định liên quan nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Theo nhà nghiên cứu khách mời thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas của Tân Gia Ba này, Việt Nam đã có sự cân nhắc phản ứng từ phía Trung Quốc, nhưng ông cũng cho rằng việc Việt Nam ra quyết định về các mối quan hệ đối ngoại hay bang giao quốc tế của mình là một vấn đề thuộc quyền tự quyết và tự chủ của Việt Nam, ông Giang nói tiếp với RFA:
"Tôi nghĩ khi nâng cấp mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam có lẽ đã có những tính toán nhất định và có lẽ đã có những giao thiệp nhất định về mặt quan điểm với Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trung Quốc vào tháng 6/2023 vừa qua. Thứ hai là việc nâng cấp mối quan hệ với một quốc gia như Mỹ, ví dụ từ đối tác toàn diện lên đối tác thì Mỹ 'chỉ' là đối tác chiến lược thứ 18 của Việt Nam mà thôi, trong rất nhiều những đối tác khác và nếu Mỹ là đối tác 'chiến lược toàn diện', thì cũng chỉ là đối tác chiến lược toàn diện thứ sáu, thứ bảy của Việt Nam, sau hai quốc gia vừa mới được Việt Nam đồng ý nâng cấp mối quan hệ là Tân Gia Ba và Úc Ðại Lợi.
Tôi nghĩ rằng với hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc sẽ khó có lý do để phản ứng quá mạnh về câu chuyện đó. Tất nhiên là họ có thể phản ứng một cách gián tiếp bằng việc là tiếp tục những hành động gây hấn trên Biển Đông như họ vẫn làm trong năm nay, hay là có những kênh giao tiếp ngoại giao mà chúng ta không được biết, thì điều đó là câu chuyện mà có lẽ chúng ta không biết, tuy nhiên việc nâng cấp giữa quan hệ của một nước với một nước khác, theo tôi đấy là vấn đề liên quan chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam rõ ràng là có quyền và nên được làm những điều mà chúng ta nghĩ là tốt nhất cho lợi ích quốc gia của Việt Nam".
Với phân tích trên, ông Giang cho rằng câu chuyện với Trung Quốc, đương nhiên là một vấn đề hệ trọng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Việt Nam không nên vì điều đó mà làm ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại độc lập của mình.
Hai Ảnh Hưởng Tích Cực Từ Việc Nâng Cấp Quan Hệ
Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Giang, ít nhất sẽ có hai tác động được ông cho là có tính tích cực từ việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Biden. Ông Nguyễn Khắc Giang nói:
"Tất nhiên việc nâng cấp quan hệ đối tác với bất kỳ môt nước nào cũng đều có những ảnh hưởng tích cực nhất định, đặc biệt liên quan mối quan hệ kinh tế khi Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, cũng như trong chiến lược giảm thiểu rủi ro (de-risking) của Mỹ, khi mà Mỹ và Trung Quốc đang có những cạnh tranh rất gay gắt. Với Việt Nam, nâng cấp mối quan hệ tạo điều kiện nhiều hơn cho Việt Nam có thể hợp tác và phát triển kinh tế với những nước khác, đặc biệt là với Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ.
Thứ hai là khi nâng cao mối quan hệ hợp tác, nó sẽ tạo điều kiện để Việt Nam có thể tiếp cận được những hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải, với các quốc gia mà có rất nhiều kinh nghiệm và có năng lực hàng hải tốt như là Mỹ, Nhật Bản rồi Úc Ðại Lợi. Tôi nghĩ về mặt tích cực mà nói, việc này luôn luôn là điều tích cực, tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, nâng cấp mối quan hệ lên thành cấp đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện về mặt cơ bản là một diễn ngôn mà thôi, còn thực tế hợp tác như thế nào mới là quan trọng. Điều đó có lẽ chúng ta cần phải có nhiều thời gian hơn để mà đánh giá". - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nguyên trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói với RFA trên quan điểm riêng.
Cũng trong dịp này, Tiến sĩ Bích Trần, thành viên nghiên cứu không thường trú của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Tân Gia Ba, đưa ra bình luận cũng trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do (RFA), bà nói:
"Tôi thấy nếu Mỹ và Việt Nam có thể thực sự nâng cấp được mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược thì sẽ là điều có lợi cho cả hai bên. Đối với phía Việt Nam, tất nhiên Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của Mỹ hơn, đặc biệt về mặt an ninh và quốc phòng, và sẽ rất có lợi cho Việt Nam để bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Còn về phía Mỹ, việc nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh của Việt Nam ở Biển Đông lại quay ngược trở lại giúp ích cho Mỹ. Bởi vì Mỹ và đồng minh của họ phụ thuộc vào tự do đi lại ở trong Biển Đông, tức là có lợi cả hai bên và việc chính thức nâng cấp mối quan hệ này của hai nước giúp cho phía Tòa Bạch Ốc sẽ dễ dàng thuyết phục Quốc hội của Mỹ hơn để tiếp tục có thể cung cấp những trợ giúp khác cho Việt Nam".
Quan Hệ Việt-Mỹ: Chính Trị Thực Dụng và Cơ Hội Cho Việt Nam
(Lê Quốc Quân)
(Hình: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7/2015.)
-Quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và hiện nay đang tiến dần đến một ngưỡng quan trọng và có ý nghĩa, đòi hỏi cao và thách thức các giá trị của các bên. Nhân chuyến đi 2 ngày của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào trung tuần tháng 9 này, chúng ta cần có những phân tích thấu đáo và dự báo nghiêm cẩn về mối quan hệ này.
Nhu Cầu của Cả Hai Bên Mỹ-Việt
Thực tế chiến lược "Xoay trục sang Á Châu" đã được hình thành từ thời Tổng thống Barack Obama và vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Tổng thống Joe Biden. Những kết hợp như QUAD (tứ giác kim cương gồm Nhật, Ấn, Mỹ, Úc) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng không nằm ngoài chiến lược để thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác và kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Ngoài một số chiến lược lớn toàn cầu, Hoa Kỳ liên tục tìm kiếm những đồng minh mới, ở dạng "vùng đệm" gần hơn với Trung Quốc mà những cuộc thảo luận gần đây với Nam Hàn, Phi Luật Tân, Việt Nam và cả Cam Bốt đã cho thấy điều đó. Với vị trí đặc biệt và lịch sử đầy chông gai với Trung Quốc, Việt Nam không thể không thu hút sự chú ý lớn lao của Hoa Kỳ.
Đối với Việt Nam thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp những thách thức lớn khi không giải quyết được vấn đề tham nhũng và tình hình kinh tế đang trì trệ. Trong khi tuổi đang trở nên cao và không thể cầm quyền mãi được, ông buộc phải chấp nhận "binh" những đường banh mới, hầu gia tăng uy tín chính trị và tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế cho đất nước.
Khả năng kiểm soát quyền lực của ông Trọng bằng những lời rao giảng đạo đức đang dần dần chết khô giữa một xã hội mà tính lý tưởng đã trở nên cạn kiệt. Hầu hết các quan tham hủ bại mới ra tòa gần đây đều từng giáo huấn, thậm chí viết sách về chống "diễn biến" và có những lời dạy kinh điển về đạo đức. Lối giáo huấn suông đã rất lỗi thời và bị thực tế phủ nhận trên mọi phương diện.
Vì thế, việc nâng cấp là bước tiến quan trọng và có lợi cho cả đôi bên. Đối với Mỹ là tính kế lâu dài, đối với Việt Nam là ưu tư trước mắt. Hoa Kỳ cần an ninh khu vực, thích thú ngắm bãi biển "dài và đẹp" hơn 3.200 cây số với nhiều cảng nước sâu ưu việt có thể sử dụng đa mục đích, trong khi Việt có thêm một phương tiện vừa thu lợi được kinh tế và vừa cân bằng được với mối quan hệ đối với Trung Quốc và Nga, đồng thời nâng tầm của mình trong toàn khu vực.
Ý Đồ của Trung Quốc và Bước Đi của Việt Nam
Việt Nam hiểu rõ dã tâm của Trung Quốc khi mới đây Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Việt Nam duy trì lý tưởng Cộng sản (3), bảo vệ an ninh chế độ và chống lại sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài, trong khi khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn. Kiểu nói "một đàng làm một nẻo" thì các quan của Việt Nam cũng đều ở bậc thượng thừa, cho nên họ đọc vị nhau rất kỹ.
Báo chí chính thống của Việt Nam vô cùng dè dặt trong việc lên tiếng cụ thể về chuyến đi mặc dù mọi thứ đã chính thức. Thực tế thì trước đó hai bên đã tiến hành các bước đi rất cẩn thận và chi tiết. Sau chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 4 thì Trưởng ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung đã đến Hoa Thịnh Ðốn vào cuối tháng 6, gặp cả Ngoại trưởng Anthony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và hai bên đã bàn bạc nhiều vấn đề về quan hệ hai nước và cả chuyến đi của Tổng thống.
Có lẽ để tôn trọng Việt Nam và cũng đề phòng những bất trắc như trong chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm 2021, trong thông báo của Tòa Bạch Ốc ban đầu cũng chỉ đề cập đến việc Tổng thống Biden đi dự hội nghị G20 từ ngày 4-7 tháng 9 và Phó Tổng thống Kamala Harris đi dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, Nam Dương. Mãi cho đến ngày 28/8, thì mới có thông báo về chuyến đi Việt Nam vào ngày 10/9.
Việc Joe Biden đi thăm Việt Nam ngay sau khi dự hội nghị G20 trong khi không dự thượng đỉnh Jakarta cách đó không xa thể hiện một uy thế đặc biệt của Việt Nam trong khu vực. Tất cả các bên đều nhận thức rõ rằng Việt Nam là một thách thức chính yếu của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ và chủ quyền ở biển Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ coi bước đi của Biden như là một hành động táo bạo và đầy ưu ái cho một "quân cờ" mới.
Việt Nam cũng có cách của mình. Vừa im lặng để đi xa nhưng cũng ý thức rõ về tránh nhiệm mới, vị thế mới của mình nên đang hết sức thận trọng trong mối quan hệ này. Để có thể cân bằng và pha loãng một sự liên kết mới với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã muốn gia nhập khối BRICS và chuẩn bị ký "Đối tác chiến lược" (5) với Úc Ðại Lợi. Báo chí trong nước cũng liên tục nói về sự nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện với Tân Gia Ba.
Mèo Trắng-Mèo Đen và Chính Trị Thực Dụng
Chính trị luôn có sự phiêu lưu và sức hấp dẫn riêng của nó. Nhưng loài người đang trở nên nhanh và ranh hơn trên tất cả các phương diện. Đồng thời sự mập mờ về chủ nghĩa và trỗi dậy của thực tế Trung Quốc đang đặt ra những mâu thuẫn lớn về lý thuyết và thực tiễn, về nói và làm, về khả năng phân biệt đúng và sai, tốt và xấu... trong nền chính trị toàn cầu.
Hoa Kỳ hiện cũng đang thực thi một chính sách chính trị thực dụng và điều đó ít nhiều có mâu thuẫn với các giá trị mà Họ vẫn thường đề cao. Các giá trị như "Tự do, Dân chủ và Nhân quyền" luôn được người Mỹ cổ suý nay có thể tạm bị gác một bên cho những chương trình hành động thực tế hơn. Vào độ tuổi 100 của mình, Henry Kissinger vẫn tiếp tục thăm người bạn "tri âm" Trung Quốc và nói về việc hợp tác Mỹ Trung. Nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục coi ông là chiến lược gia của thế giới trong thế kỷ 21 với cách tiếp cận đầy thực dụng. Câu chuyện "mèo trắng hay mèo đen" có vẻ như không chỉ là của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng nếu không giải quyết những vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam hay Trung Quốc thì Hoa kỳ cũng sẽ gặp phải những thách thức từ các đồng minh của mình. Người ta sẽ hiểu như thế nào về quan điểm của người Mỹ đối với một Việt Nam Cộng sản, đang là đàn em thực sự của Trung Hoa Cộng sản? Tiêu chuẩn kép (Double standard) trải rộng từ đông sang tây và kéo dài từ quá khứ sang hiện tại, vẫn tiếp tục được chính quyền Biden phát huy mạnh mẽ?
Việt Nam cũng thế nhưng công khai và thách thức hơn. Khi ký kết Hiệp định Thương mại với Liên Hiệp Âu Châu (EU), Việt Nam sẵn sàng sửa luôn cả Luật Lao động, cho phép thành lập "Công đoàn độc lập" để hài lòng các đối tác. Nhưng trong thực tế thì không, sau hơn ba năm trôi qua, không một tổ chức công đoàn độc lập nào được ra đời, mà ngược lại, xã hội dân sự ngày càng bị tấn công, thu hẹp. Trong những năm vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt đến 6 Giám đốcthuộc VUSTA là cơ quan "ô dù" của các tổ chức xã hội "bán nhà nước". Còn Hoa Kỳ, liệu có quá tự tin khi khi lao vào một cuộc chơi không phải sở trường của mình?
Dù sao khi các bên đã bước qua quá khứ để dấn bước trong hiện tại, hướng tới tương lai. Đây là một hành động hoàn toàn hợp xu thế tiến bộ và điều này là mong ước của rất nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam hiện nay.
Hiểm Nguy Có Rình Rập Đôi Bên?
Nhân loại đã sững sờ khi thấy sự hài hòa tuyệt vời giữa "đầu tư tư bản" và "chuyên chế Cộng sản" tại Trung Quốc và Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nay thì có lẽ không quá bất ngờ khi ngoại giao "cây tre" đang vờn quanh cùng "cây gậy" nhỏ và một "củ cà rốt" to tướng.
Cũng sẽ vô cùng hòa hợp, như con rắn cuộn quanh cây gậy của thần Asclepios, vươn lên một chiếc ly đựng dược liệu, trong biểu tượng của ngành y. Hình ảnh đó không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan và sức khoẻ mà còn ám chỉ khả năng giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của mối bang giao: "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh" như lời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với bên này, trong một quan hệ "tay ba" thì đồng nghĩa với bên kia cũng phải "vừa hợp tác, vừa đề phòng".
Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến ly rượu "mao đài" sóng sánh mà Mao Trạch Đông đã uống cạn cùng Nixon trước khi ký "Tuyên cáo chung Thượng Hải" vào năm 1972. Chuyến thăm bắt đầu từ một cuộc "Ngoại giao bóng bàn" mà sau đó các nhà báo đã ví von "trái bóng nhỏ" (bóng bàn) đã làm thay đổi trái bóng lớn (trái đất). Sau hơn 50 năm, từ một cuộc chia chác lịch sử của các cường quốc, Hoa Kỳ chợt nhận ra rằng Trung Quốc đã thực sự đã lớn mạnh và trở thành một đối thủ tiềm tàng không thể tránh khỏi. Hai con dê này đang đi qua một chiếc cầu hẹp và có vẻ như không tránh nhau.
Cũng bởi vậy mà có hàng loạt động thái "dồn dập" để nâng cấp quan hệ ngoại giao như đang xảy ra. Liệu Việt Nam lại có tiếp tục đi vào quỹ đạo của những nước lớn mà biết đâu lại trở thành một tiền đồn của những cuộc chiến tranh uỷ nhiệm trong tương lai?
Quyết Định Có Nuôi Dưỡng Lòng Phản Trắc?
Trong hoàn cảnh lúc này, Việt Nam như một cô gái đa tình có thể "bắt cá hai tay" nhưng giả sử có một cuộc chiến tranh xảy ra, dù trên Biển Đông, ở Đài Loan hay bất cứ một nơi nào khác quanh khu vực, Việt Nam rất có thể buộc phải chọn bên như đã từng chọn bên.
Khi đó, một Việt Nam đang "bắt cá hai tay" có thể lại trở nên rất nguy hiểm khi tự nó đã nuôi dưỡng cả "sự thuỷ chung" và "lòng phản trắc" trong các mối quan hệ. Rất có thể quyết định bắt cá hai tay của Việt Nam hôm nay sẽ "xé" Việt Nam ra làm đôi, vào thời điểm bất ngờ nhất của ngọn triều lịch sử như nó đã từng xảy ra. Còn Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ vẫn luôn là một nước lớn, họ sẽ chơi ván lớn với những người chơi xứng tầm?
Lịch sử thì phiêu du và không ai có thể dự báo được, nhưng có một điều chúng ta có thể làm được là đất nước mình phải thực sự mạnh lên. Nhân dân được tự do, ấm no, đất nước được phát triển và thịnh vượng. Có như vậy thì chúng ta mới giữ được chủ quyền, bảo vệ sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của mình trong thế đứng của toàn nhân loại. Đó là lúc chúng ta có thể tự hào được "sánh vai với các cường quốc năm châu" mà không phải "ngả nghiêng" kiểu cây tre.
Chuyến Thăm của Tổng Thống Biden Tới Hà Nội: Hy Vọng Cải Thiện Bang Giao Nhưng Hoài Nghi Về Nhân Quyền
(Hình: Tổng Bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) tại Tòa Bạch Ốc năm 2015.)
-Giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội ở Việt Nam bày tỏ sự hân hoan về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội vào đầu tháng 9 này, coi đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra dè dặt, thậm chí hoài nghi về tác động của sự kiện này lên tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Theo công bố của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng thống Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào ngày 10/9 và rời đi sau đó một ngày. Trong thời gian ở Hà Nội, ông sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam để bàn về việc tăng cường quan hệ song phương trong một loạt những vấn đề từ kỹ thuật, kinh tế đến tình hình ổn định trong khu vực và biến đổi khí hậu.
Giới Hoạt Động Kỳ Vọng Về Tăng Cường Quan Hệ Song Phương
Trần Hoàng Phúc, người mới mãn hạn tù sáu năm về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" vì hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 31/8:
"Tôi kỳ vọng trong chuyến đi này của ông Biden, quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Cụ thể trong chuyến đi này, ông Biden và ông Phú Trọng sẽ vạch ra những bước tiến cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ở các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh.
Sự chủ động của Việt Nam là bước đi quan trọng trong việc cân bằng quan hệ, tránh sự lệ thuộc vào mối quan hệ với Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều vấn đề".
Trần Hoàng Phúc, người từng là thành viên của tổ chức Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI – Young South East Asia Leaders Initiative) và được chọn là một trong những gương mặt trẻ được gặp Tổng thống Barack Obama khi ông tới thăm Hà Nội năm 2016, cho rằng việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong thời điểm khó khăn kinh tế hiện nay rất có lợi cho người dân Việt Nam, không chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt Việt Nam đang gặp phải mà còn mở ra một bức tranh kinh tế-kỹ thuật tươi sáng hơn cho Việt Nam với sự trợ giúp to lớn của đối tác Hoa Kỳ so với khi lựa chọn hợp tác với Trung Quốc.
Một cựu tù nhân lương tâm khác, Huỳnh Thị Tố Nga, người mãn hạn tù cuối tháng ba vừa qua, cho biết cô cũng như tất cả người dân Việt Nam mong muốn đất nước sẽ được cải thiện bởi bối cảnh quốc tế đang tác động một cách mạnh mẽ vào sự thay đổi của một quốc gia.
"Chúng tôi mong muốn một đất nước tự do, phát triển và nhân văn, quyền công dân được thực thi một cách tôn trọng và minh bạch. Nhân quyền được đề cao và được thực hiện một cách triệt để".
Theo cô, nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận song phương toàn diện với Hoa Kỳ, sẽ giúp ích rất nhiều cho sự ổn định và phát triển sắp tới. Muốn làm được điều đó, ban lãnh đạo Việt Nam phải thật sự có thiện chí và cam kết thực hiện các thỏa thuận một cách minh bạch. Bên cạnh đó, Việt Nam phải hợp tác giải quyết về vấn đề nhân quyền đang bị bóp nghẹt ở quốc nội.
Cô cũng cho rằng Việt Nam khó có sự thay đổi lớn sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ nếu như ban lãnh đạo ở Hà Nội vẫn bảo thủ và không chịu thay đổi quan điểm dưới nhiều sức ép và nghiêng về sự tính toán lợi ích có chủ đích.
Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập trở lại quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác toàn diện" vào năm 2013.
Trong chuyến thăm sắp tới của ông Biden, hai nước có thể nâng cấp lên "đối tác chiến lược" hoặc "đối tác chiến lược toàn diện". Việt Nam hiện đã thiết lập "đối tác chiến lược toàn diện" với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, và mức quan hệ thấp hơn với nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Nam Hàn, Nhật Bản và nhiều quốc gia ở Âu Châu.
Cựu giáo chức Trần Thị Thảo ở Hà Nội bày tỏ mong muốn hai quốc gia sẽ ký thoả thuận nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện" trong chuyến thăm của ông Biden tới đây và quan hệ song phương mang tính thực chất, ổn định, và lâu dài.
"Nếu thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi về nhiều mặt trong các lĩnh vực như an ninh, kỹ thuật, hàng xuất cảng nông sản, may mặc,...vào Mỹ. Tất nhiên đó là quan hệ hai chiều nhưng Việt Nam có lợi nhiều hơn khi có quan hệ sâu và rộng với một cường quốc đứng đầu thế giới", bà nói.
Tuy mong muốn là vậy nhưng kỳ vọng của bà vào chuyến thăm không nhiều vì bà cho rằng "đường lối của Việt Nam tuy có tiến bộ và cởi mở hơn nhưng vẫn bảo thủ trì trệ và đặc biệt là vấn nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên ngày càng nhiều, tinh vi và phức tạp".
Còn một khó khăn nữa, đó là nước Mỹ ở xa mà Trung Hoa lại gần, mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đi theo mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà nhấn mạnh.
Một nhà hoạt động môi trường và nhân quyền ở Hà Nội cũng bày tỏ kỳ vọng trong chuyến thăm này, hai quốc gia sẽ đạt được nhiều thoả thuận nhằm tạo ra các bước đột phá vững chắc cho sự phát triển lâu dài giữa bên. Vấn đề phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, nhân quyền, môi trường,... tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ và củng cố tốt hơn.
"Tôi là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường nên tôi đặc biệt kỳ vọng vào sự kiện lần này sẽ thúc đẩy những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên được bảo vệ thực sự tại Việt Nam", người này nói trong điều kiện ẩn danh.
Hy Vọng và Hoài Nghi Về Khả Năng Hà Nội Cải Thiện Hồ Sơ Nhân Quyền
Bên cạnh hy vọng về tác động của Hoa Kỳ lên sự phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, giới hoạt động trong nước cũng trông đợi về việc Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền dưới sức ép của Hoa Kỳ dù vẫn còn nhiều hoài nghi.
Bà giáo Trần Thị Thảo nói về tác động của chuyến thăm cũng như việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ lên hồ sơ nhân quyền của Việt Nam:
"Về ngắn hạn, có thể sẽ không có những chuyển biến mang tính rõ nét và có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, về dài hạn, việc hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền dân chủ phương Tây, chính quyền Hà Nội sẽ có những bước đi phù hợp hơn để cải cách chính sách của họ về quyền con người để phù hợp với bối cảnh kinh tế mới".
Theo bà, trong tương lai, "Việt Nam không nằm ngoài vòng quay của thế giới văn minh tiến bộ, hướng tới xã hội nhân bản và thực thi trọn vẹn giá trị nhân quyền phổ quát".
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga cho rằng nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi vì tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang rất tệ hại. Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam liên tục bắt bớ những người đấu tranh bất đồng chính kiến, vậy nên, vấn đề nhân quyền không còn là vấn đề nội bộ của Việt Nam mà nó đã là vấn nạn nhức nhối của thế giới.
"Một trong những quốc gia lên án vấn đề này một cách mạnh mẽ chính là Hoa Kỳ, vậy nên sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam chắc chắn phía Mỹ sẽ có những thương thuyết với Việt Nam nhằm trợ giúp những người đang hoạt động đấu tranh vì nhân quyền ở quốc gia này", cô nói.
Tuy nhiên, theo cô, vấn đề thương thuyết nội dung thế nào, có đạt hiệu quả hay không tùy thuộc rất lớn vào sự kiên quyết và khôn khéo của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần có hướng giải quyết nếu phía Việt Nam không giữ lời hứa trong lĩnh vực này, cô nhấn mạnh.
Một nữ hoạt động ở Sài Gòn chia sẻ:
"Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận tại Việt Nam. Điều này có thể đặt nền tảng cho việc thúc đẩy tôn trọng tự do dân chủ và thúc đẩy sự cải thiện tự do nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Mặc dù tình hình thực tế rất bi quan nhưng tôi luôn hi vọng tích cực, chuyến thăm này tạo áp lực để Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, đồng nghĩa với việc tiến lại gần thế giới tự do dân chủ hơn là thế giới Cộng sản, người anh láng giềng Trung Quốc".
Tuy có hy vọng vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ để Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều người hoạt động lại bày tỏ sự hoài nghi về khả năng quan hệ song phương phát triển sẽ kéo theo sự cải thiện về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cho dù Mỹ là một trong những quốc gia luôn cổ suý giá trị dân chủ và nhân quyền.
Theo nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn thì "việc nhích gần Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc lơi lỏng mối quan hệ với đàn anh xã hội chủ nghĩa, và chơi vơi giữa phần định hình về một nhà nước tương lai, điều này tức sẽ dẫn đến việc Hà Nội sẽ thắt chặt hơn tất cả các vấn đề về an ninh, đẩy mạnh mọi sự kiểm soát để bảo vệ sự tồn vong của chế độ".
Người này dự đoán "một mô hình trắng về đối kháng chính trị tương tự như Tân Gia Ba sẽ ngày càng rõ hơn" ở Việt Nam.
Tuy hy vọng vào chuyến thăm, cựu giáo chức Trần Thị Thảo cho rằng sau chuyến thăm của ông Biden, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vẫn thế: vẫn có bắt bớ và sau đó là những bản án nặng nề cho những người yêu nước- những người nói ra sự thật hay có các hoạt động phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
"Tôi tin Tổng thống Mỹ sẽ nói với Hà Nội về nhân quyền trong chuyến thăm này, nhưng Việt Nam có cách phản biện của họ như lâu nay họ vẫn làm. Mỹ quan tâm đến nhiều vấn đề khác hơn nhân quyền nên Việt Nam vẫn vi phạm quyền con người", bà nói.
Cựu trung tá tình báo quân đội Vũ Minh Trí cho biết ông không có hy vọng gì từ chuyến thăm Hà Nội sắp tới của ông Biden. Ông cho rằng "thứ mà hai bên cùng đạt được chỉ là một chút son phấn rẻ tiền, không hơn".
"Tôi không kì vọng, mong mỏi gì ở chuyến thăm và sự nâng cấp quan hệ này vì thấy rất rõ một bên không thật lòng, thậm chí còn rất lươn lẹo, tráo trở.
Về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, phiên Tòa Phúc thẩm ông Kỹ sư Trần Bang (bị giữ nguyên mức án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế - PV) vừa mới diễn ra là câu trả lời trực tiếp, sinh động", ông nói trong tin nhắn.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam: Bản Đồ Biển Đông Mới của Trung Quốc Vô Giá Trị
(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.)
-Hôm 31/8/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối bản đồ Biển Đông mới do Trung Quốc phát hành và gọi tấm bản đồ này là vô giá trị.
Hôm 28/8, Bộ Bộ Tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã công bố bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và các nước láng giềng vào chủ quyền của Trung Quốc. Tấm bản đồ cũng cập nhật đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển thành 10 đoạn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định hành động của Trung Quốc là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982".
Tấm bản đồ mới của Trung Quốc cũng vấp phải những phản đối từ các nước Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Đài Loan.
Trung Quốc từ năm 2006 vẫn định kỳ cập nhật các bản đồ chuẩn của nước này để chỉnh sửa cái mà Bắc Kinh gọi là "các bản đồ có vấn đề" trong quá khứ liên quan đến các đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực.
Đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước quan trọng này đã bị Tòa Trọng tài quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 bác bỏ tính hợp lệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.
Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á Bác Bỏ Bản Đồ Mới của Trung Quốc về Biển Đông
-Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Đài Loan vừa bác bỏ bản đồ do Trung Quốc công bố, cho rằng nó vô căn cứ khi thể hiện các tuyên bố chủ quyền của nước này, bao gồm cả Biển Đông, mà Bắc Kinh nói hôm thứ Năm (31/8/2023) rằng cần phải được xem một cách hợp lý và khách quan.
Hôm 28/8, Trung Quốc đã công bố bản đồ có đường chữ U tai tiếng bao phủ khoảng 90% diện tích Biển Đông, nguồn gốc của nhiều bất đồng tại một trong những tuyến đường biển có nhiều tranh chấp nhất thế giới, nơi có hơn 3 ngàn tỉ Mỹ kim thương mại đi qua mỗi năm. Ở Việt Nam, đường chữ U đó thường bị gọi là đường lưỡi bò.
Đài VOV và một số cơ quan báo chí Việt Nam cho hay rằng hôm 31/8, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: "Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là 'bản đồ tiêu chuẩn năm 2023', trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Bà Hằng nói thêm: "Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Nữ phát ngôn viên nhắc lại rằng "Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn".
Cùng ngày, Phi Luật Tân kêu gọi Trung Quốc "hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình" theo luật pháp quốc tế và phán quyết trọng tài năm 2016, vốn đã tuyên bố đường này không có căn cứ pháp lý.
Mã Lai Á cho biết họ đã gửi công hàm phản đối ngoại giao về bản đồ này.
Trung Quốc nói đường này dựa trên bản đồ lịch sử của họ. Hiện chưa rõ liệu bản đồ mới nhất có biểu thị bất kỳ yêu sách mới nào về lãnh thổ hay không.
Đường chữ U của Trung Quốc bao một vòng dài tới 1.500 cây số (932 dặm) về phía Nam đảo Hải Nam và cắt vào các Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói: "Nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng biển của Phi Luật Tân là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế".
Bộ Ngoại giao Mã Lai Á nói trong một tuyên bố rằng bản đồ mới không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với Mã Lai Á, nước "cũng coi Biển Đông là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm".
Bản đồ này khác với phiên bản thu hẹp hơn do Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 về Biển Đông, trong đó bao gồm cái gọi là "đường 9 đoạn".
Bản đồ mới nhất có khu vực địa lý rộng hơn và có đường 10 đoạn, bao gồm Đài Loan dân chủ, tương tự như bản đồ năm 1948 của Trung Quốc. Trung Quốc cũng xuất bản bản đồ có đường 10 đoạn vào năm 2013.
Khi được hỏi về bản đồ mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu nói rằng Đài Loan "hoàn toàn không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
"Cho dù chính phủ Trung Quốc có thay đổi quan điểm của mình về chủ quyền của Đài Loan như thế nào đi nữa, điều đó cũng không thể thay đổi sự thật khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng tôi", ông nói trong một cuộc họp báo.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin hôm 29/8 rằng Trung Quốc hiện đang có "tuần lễ công khai nâng cao nhận thức về bản đồ quốc gia".
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc công bố bản đồ mới nhất có 10 đoạn so với bản đồ có 9 đoạn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói Bắc Kinh đã rất rõ ràng về lãnh thổ của mình.
"Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên cập nhật và phát hành nhiều loại bản đồ tiêu chuẩn khác nhau hàng năm", ông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và hợp lý".
Ấn Độ hôm 29/8 cho biết họ đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc về bản đồ mới đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ, sự kiện khó chịu mới nhất trong mối quan hệ đầy thử thách giữa hai gã khổng lồ Á Châu.
Vì Sao Nhiều Quốc Gia Phản Đối Bản Đồ Mới của Trung Quốc?
(Hoàng Sa)
(Hình: Người biểu tình phản đối Trung Quốc cầm bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong cuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 5/6/2011.)
Trung Quốc Công Bố Một Bản Đồ Mới
Báo chí Trung Quốc mới đây công bố: "Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành vào ngày 28/8 và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên (Trung Quốc) quản lý. Bản đồ này được biên soạn dựa trên phương pháp vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các nước khác nhau trên thế giới".
Thời điểm công bố bản đồ mới báo hiệu những khó khăn cho các tiến trình ngoại giao khi một loạt các hội nghị lớn trên thế giới đang bắt đầu, như hội nghị G20 sắp tới vào đầu tháng 10 tại Tân Ðề Ly, thủ đô của Ấn Độ.
Nhà phân tích chính trị, Giáo sư James Chin từ Đại học Tasmania nói rằng động thái này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự này trước các hội nghị thượng đỉnh là "điển hình của ngoại giao Trung Quốc".
"Thời điểm rất quan trọng. Người Trung Quốc muốn đây trở thành điểm thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh và muốn chứng tỏ rằng họ nhất quán trong việc tuyên bố những vùng lãnh thổ này là của mình".
Trong số các phần lãnh thổ được đưa vào bản đồ mới có tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền là phần phía Nam của Tây Tạng và Aksai Chin, khu vực khô hạn ở phía Bắc Ladakh, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Một điểm khác biệt của bản đồ mới là "đường 10 đoạn", bao quanh Biển Đông ("đường 9 đoạn") và toàn bộ đảo Đài Loan (vạch thứ 10), cùng một số đảo nhỏ mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á và Nam Dương. "Đường 10 đoạn" này cũng bao trùm thêm nhiều khu vực thuộc EEZ của các quốc gia Biển Đông khác.
Ngoài ra, theo bản đồ này, một phần lãnh thổ của Nga là đảo Bolshoy Ussuri, cũng bị coi là lãnh thổ của Trung Quốc mặc dù đã có sự phân định giữa Nga và Trung Quốc. Theo Hiệp ước năm 2008 giữa Nga và Trung Quốc, hòn đảo này được phân chia giữa hai nước. Tuy nhiên, bản đồ chính thức mới của Trung Quốc lại đánh dấu toàn bộ hòn đảo là điểm cực đông của lãnh thổ Trung Quốc.
Đảo Bolshoy Ussuriysky có diện tích từ 327 đến 350 cây số vuông, tùy thuộc vào mực nước sông. Từ đầu thế kỷ 19 đã có một cuộc đấu tranh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát hòn đảo này, nhưng trong những năm 1920 và 1930, hòn đảo này đã được quân đội Liên Xô "bảo vệ".
Sau khi Liên Xô sụp đổ, hòn đảo này vẫn thuộc quyền quản lý của Nga. Trung Quốc có lợi ích đặc biệt đối với vùng lãnh thổ này, và đã tranh chấp quy chế của vùng này kể từ năm 1964. Năm 2008, Nga đã bàn giao phần phía Tây của đảo Bolshoy Ussuriysky và các vùng lãnh thổ khác cho Trung Quốc. Các chuyên gia vào thời điểm đó chỉ ra lợi ích lâu dài của Mạc Tư Khoa trong mối quan hệ ổn định giữa hai nước.
(Hình: Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường đứt khúc do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.)
Phản Ứng của Các Nước Đông Nam Á
Antonio Carpio, cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Phi Luật Tân, hôm 30/8 đã phân tích: "Thật khó tin rằng các đường ở Biển Đông, dù là 9 hay 10 đoạn, đều cấu thành biên giới quốc gia của họ. Vì vậy, nếu đó là ranh giới quốc gia của bạn thì mọi thứ trong đó là lãnh thổ quốc gia của bạn. Bây giờ thì rõ ràng rồi, họ đã làm rõ điều đó theo cách đó. Tôi nghĩ ý đồ của họ muốn khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc". Theo ông, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ không thay đổi phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc.
Thượng Nghị sĩ Phi Luật Tân Francis Tolentino cũng đã chỉ trích tuyên bố của Bắc Kinh, đồng thời nói rằng "Bản đồ mới nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không còn là 'Đường 9 đoạn' nữa, mà là 'Đường 10 đoạn'. Giờ đây, chúng ta đang nói về 'Đường 10 đoạn', chứ không phải 'Đường 9 đoạn nữa"
Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) khuyến cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 dành cho Phi Luật Tân và Trung Quốc. Tham mưu trưởng AFP, ông Romeo Brawner nói: "Họ nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của trọng tài, theo đó coi 'Đường 9 đoạn' là bất hợp pháp. Điều đó không có cơ sở và trên thực tế, họ nên tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Về phần mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân (NSC) và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông) cho biết họ hiện đang yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ bản đồ mới này. Phụ tá Tổng Giám đốc NSC Jonathan Malaya cho biết: "Nếu bản đồ được chính thức xác nhận là do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành, thì NSC sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân (DFA) trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành bản đồ này vì điều đó xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Phi Luật Tân".
Ngoài ra, hôm 30/8, Mã Lai Á cũng bác bỏ "bản đồ tiêu chuẩn" mới của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng biển ngoài khơi bờ biển Mã Lai Á ở Biển Đông. Đây là cuộc "khẩu chiến" mới nhất về sự quyết đoán của Bắc Kinh trên tuyến đường biển này. Theo bản đồ mới, các yêu sách đơn phương của Trung Quốc trên vùng biển chồng lấn với Vùng đặc quyền Kinh tế của Mã Lai Á ngoài khơi bờ biển các tỉnh bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mã Lai Á nhấn mạnh: "Mã Lai Á không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong 'Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023', theo đó bao phủ khu vực biển của Mã Lai Á". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Mã Lai Á, đồng thời khẳng định, bản đồ này, trong số những thứ khác, thể hiện các yêu sách hàng hải đơn phương của Trung Quốc xâm phạm các khu vực hàng hải của Mã Lai Á ở Sabah và Sarawak, dựa trên Bản đồ mới của Mã Lai Á năm 1979. Hơn nữa, như Chính phủ Mã Lai Á đã nhấn mạnh trước đây về vấn đề Biển Đông, bao gồm các vấn đề biên giới trên biển, Mã Lai Á luôn bác bỏ yêu sách của bất kỳ quốc gia nào về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển dựa trên Bản đồ mới của Mã Lai Á năm 1979.
Mô tả vấn đề Biển Đông là "phức tạp và nhạy cảm", Kuala Lumpur khẳng định tranh chấp này phải được "giải quyết một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại" dựa trên luật pháp quốc tế. Mã Lai Á cũng cho biết họ ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về các tranh chấp trên biển mà các quốc gia Đông Nam Á hiện đang đàm phán.
Trước đó, năm 2021, Kuala Lumpur đã triệu Đại sứ Trung Quốc sau khi các tàu Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền Kinh tế của nước này. Mã Lai Á cho biết khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền ở phía Bắc đảo Borneo – bao gồm 5 thực thể biển trong quần đảo Trường Sa – nằm trong khu vực đó.
Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của Trung Quốc là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh vì lẽ đó, "yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982".
"Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn".
Ấn Độ và Đài Loan Cực Lực Phản Đối
Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đã bác bỏ các yêu sách trên của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ đã "phản đối mạnh mẽ" bản đồ này thể hiện tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin là một phần lãnh thổ chính thức của Bắc Kinh.
Ngày 29/8, trả lời phỏng vấn độc quyền của kênh NDTV (Ấn Độ), Ngoại trưởng nước này S. Jaishankar đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp, cho rằng đó là yêu sách là "vô lý", khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: "Việc (Bắc Kinh) đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc". Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc "có thói quen" công bố các bản đồ như vậy và khẳng định rằng việc chỉ đưa lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của mình chẳng có ý nghĩa gì
Trước đó, Tân Ðề Ly đã nhiều lần tuyên bố với Bắc Kinh rằng "Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jeff Liu nói rằng "Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, không phụ thuộc vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị Đài Loan. Đây là những điều phổ biến". sự thật được thừa nhận và hiện trạng trong cộng đồng quốc tế". (12)
Liu nói rằng Đài Loan "hoàn toàn không" là một phần của Trung Quốc. Ông kết thúc bằng cách nói thêm: "Bất kể chính phủ Trung Quốc bóp méo tuyên bố chủ quyền của Đài Loan như thế nào, điều đó không thể thay đổi thực tế khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng ta" (13).
Trung Quốc Luyện Khả Năng Chống Tàu Ngầm Giữa Bối Cảnh Căng Thẳng ở Biển Đông
(Ảnh: Chụp màn hình về bản tin liên quan đến cuộc tập trận quân sự của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc vào ngày 19/8/2023.)
-Quân đội Trung Quốc cho biết gần đây họ đã tổ chức các cuộc tập trận chuyên sâu về chống tàu ngầm ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông như một phần trong nỗ lực trau dồi năng lực giữa bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng với các nước láng giềng và đồng minh của họ.
Trong một tuyên bố, Tư lệnh chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho hay hôm thứ Hai (28/8/2023) rằng tại một khu vực bí mật ở Biển Đông, hơn chục chuyến bay của máy bay tuần tra chống ngầm đã hoạt động không ngừng nghỉ trong hơn 40 tiếng đồng hồ để tìm kiếm tàu ngầm và mô phỏng các cuộc tấn công.
"Hoạt động này đã mài giũa một cách hiệu quả khả năng chiến đấu chống ngầm từ trên không suốt ngày đêm của quân đội", tuyên bố nói.
Cuộc diễn tập được tiến hành vào đêm khuya và sáng sớm để tích lũy kinh nghiệm vào các giờ khác nhau.
Tuyên bố không cho biết liệu có tàu ngầm nào không phải của Trung Quốc đã bị phát giác trong khu vực hay không.
Đây là một trong nhiều cuộc tập trận kiểu này trong năm nay và là một phần trong các hoạt động rộng lớn hơn mà quân đội Trung Quốc đã tiến hành ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ và các đồng minh cũng tăng cường các hoạt động quân sự, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn khu vực.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nam Dương nói yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông "không phù hợp với luật pháp quốc tế". Hải quân Hoa Kỳ nói thêm rằng "hành vi hung hăng" của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng nhằm vào tàu Phi Luật Tân, phải bị chống lại và kiểm soát.
Hạm đội lớn nhất được khai triển ở tiền phương của Hải quân Hoa Kỳ, Ðệ thất Hạm đội, có bản doanh ở Nhật Bản, vận hành tới 70 tàu, có khoảng 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ.
Hải quân Mỹ cũng vận hành khoảng hai chục tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử trên khắp Thái Bình Dương. Năng lực tàu ngầm nguyên tử của các đồng minh của Mỹ trong khu vực sẽ được tăng cường hơn nữa trong những năm tới với thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Úc Ðại Lợi và Anh.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết "Nhật Bản và Mỹ thường xuyên có các hoạt động tàu ngầm trong khu vực", nhưng những hoạt động đó không được tiết lộ.
Hoa Kỳ Nhận Hồ Sơ Đề Nghị Rà Soát Thuế Chống Bán Phá Giá Sản Phẩm của Việt Nam
-Hoa Kỳ thông báo nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm xuất cảng của Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương, cho truyền thông hay trong ngày 31/8/2023, rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất cảng của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Cụ thể gồm cá tra-basa (Frozen Fish Fillets); ống đồng (Seamless Refined Copper Pipe and Tube) và tháp gió (Utility Wind Tower).
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, trong vòng 90 ngày kể từ ngày DOC thông báo khởi xướng rà soát, các bên có quyền rút lại đề nghị rà soát của mình.
Trước đó, hôm 23/8, DOC tiếp tục gia hạn đến tháng 10 năm nay và tháng 1 sang năm mới ban hành kết luận điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam.
Từ tháng 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến hơn 262%; và mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến hơn 293%.
Đối với sản phẩm tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam, DOC lần lượt khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại vào thời điểm 24/5 và 7/6/2022.
Đá Người Đàn Ông 57 Tuổi Chết Trong Trụ Sở, Thiếu Tá Công An Bị Bắt
(Ảnh: Đại úy công an tỉnh Bến Tre đá liên tiếp người đàn ông say xỉn hồi tháng 1/2023.)
-Hôm 30/8/2023, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh sau quá trình điều tra đã xác định Thiếu tá Hồ Thanh Hòa sử dụng vũ lực quá mức cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ làm chết người.
Trong cùng ngày, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Hòa, cơ quan công an đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông này vì hành vi "Làm chết người trong khi thi hành công vụ".
Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: "Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm".
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thông tin từ trang web chính thức của công an Đồng Tháp cho biết, lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 28/8/2023, người dân ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng gọi điện cho cơ quan công an báo tin về việc ông Trần Văn Đảm (57 tuổi) gây mất an ninh trật tự sau khi uống rượu.
Thiếu tá Hồ Thanh Hòa, Phó Công an xã, cùng với 3 công an viên đến thuyết phục và mời ông Đảm về trụ sở công an xã làm việc, tại đây ông Đảm bị cho là đã lớn tiếng, chửi mắng lực lượng công an xã.
"Vì tức giận, không kiềm chế được bản thân, nên Hòa có dùng chân đá vào người ông Đảm rồi bỏ đi ra ngồi ở băng ghế phía trước.
Khoảng 10 phút sau, Hòa thấy ông Đảm nằm bất tỉnh, có hơi thở yếu, co giật nên chở ông Đảm đến Trạm y tế cấp cứu, khi đến Trạm y tế thì nhân viên y tế chẩn đoán ông Đảm đã chết", kết luận điều tra ban đầu về sự việc thể hiện.
Chỉ trong tháng 8/2023, có ít nhất 2 vụ nghi phạm chết hoặc bị hôn mê sau quá trình bị tạm giam tại trụ sở công an được báo chí đề cập đến.
Trong trường hợp anh Nguyễn Văn Hưng chết ở tỉnh Tuyên Quang hôm 19/8 chỉ sau 2 ngày bị tạm giam, cơ quan công an giải thích là do "nghi phạm tự sát" trong khi người nhà khẳng định với RFA ông này bị đánh dẫn đến chết.
Việt Nam Tăng Quản Lý Thông Tin Trên Mạng Qua Nghị định Mới Sớm Ban Hành
(Hình: Một buổi livestream của bà Phương Hằng.)
-Việt Nam chỉ cho phép tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng tải lên kho ứng dụng các ứng dụng đã có giấy phép, giấy chứng nhận.
Đó là một trong những đề xuất tại quy định mới thay thế Nghị định 72 và 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến sẽ trình Chính phủ.
Truyền thông nhà nước trong ngày 31/8/2023 cho biết Hội thảo lấy ý kiến diễn ra trong cùng ngày có sự tham gia của đại diện nhiều big tech kỹ thuật như Google, Meta, Amazon Web Services, TikTok và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN.
Cục Phát thanh Truyền thông thuộc Bộ Truyền thông-Thông tin cho biết trong điểm mới của Nghị định thay thế, Việt Nam chỉ cho phép người dùng từ 16 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản. Ngoài ra, các mạng xã hội được yêu cầu cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu của của Bộ Truyền thông-Thông tin và phải phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin, phổ biến quy định pháp luật có liên quan đến người dùng Việt Nam.
Nội dung đáng lưu ý trong Dự thảo Nghị định thay thế còn có các quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động, quy định về quản lý livestream, các quy định nhằm bảo vệ người dùng mạng xã hội,...
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, do Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018 ban hành đã lâu, không bao quát hết được những thay đổi của thực tiễn, Nghị định thay thế sẽ giúp cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Đối với các chính sách mới quản lý livestream, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh trước đó cho rằng đây là việc cần làm vì thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước, kêu gọi biểu tình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân. Bà Huyền lấy ví dụ vụ bà Nguyễn Phương Hằng -người thường xuyên tổ chức các buổi livestream, trong đó có nhiều nội dung là thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân khác. Bà Hằng và các đồng phạm sẽ ra tòa vào ngày 21/9/2023.
Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Thành Phố Thủ Đức Bị Đề Nghị Truy Tố Tội Tham Ô, Rửa Tiền Lên Đến Hơn 100 Tỉ Đồng
(Hình: Ông Nguyễn Minh Quân - cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức.)
-Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Nguyễn Minh Quân - cựu Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức tội tham ô tài sản và rửa tiền khi thông thầu để hưởng lợi hơn 100 tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước hôm 30/8/2023 cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố chín bị can trong vụ án này về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản, rửa tiền.
Trước đó, ông Nguyễn Minh Quân và ông Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm - bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can với hai người và chuyển tội danh sang tham ô tài sản.
Ông Nguyễn Minh Quân bị cáo buộc đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi và các đối tượng liên quan thành lập các công ty, mua bán lòng vòng để nâng giá, tham gia 27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, từ năm 2016 đến 2019.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm và Giám đốc ba công ty còn lại chỉ là người làm thuê do ông Quân dựng lên để phục sự việc kinh doanh thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo chỉ đạo của ông Quân.
27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế được xác định có tổng giá trị hơn 345 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí như lượng, lãi vay ngân hàng, thuế… số tiền ông Quân được xác định đã chiếm đoạt là 103,6 tỉ đồng.
Ông Quân cũng bị cáo buộc đã nâng khống giá thiết bị y tế 30-50%. Sau khi BV thành phố Thủ Đức thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, ông Quân chỉ đạo Lợi rút tiền, chuyển vào tài khoản của mình và bị can Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ ông Quân) hoặc chuyển khoản vào tài khoản của các công ty mà vợ chồng ông Quân dùng để mua nhà đất.
Ngày 20/8/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Trần Ngọc Diễm về tội rửa tiền.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Bị Truy Tố Trong Vụ Án Gian Lận Thầu Tại Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ninh
(Hình: Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.)
-Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) - bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - vừa bị truy tố trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Truyền thông nhà nước hôm 30/8 cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào cùng ngày vừa hoàn thành cáo trạng truy tố bà Nhàn trong vụ án này.
Đây là vụ án thứ ba bà Nhàn - người đang bỏ trốn lệnh truy nã - bị công an khởi tố. Hồi đầu năm nay, bà Nhàn đã bị tuyên án tù vắng mặt 30 năm trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Bà Nhàn cũng bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kỹ thuật sinh học Tp. HCM.
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích đăng, vụ án xảy ra tại Quảng Ninh vào năm 2012, thời kỳ đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính đang là Bí thư Quảng Ninh. Khi đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt một dự án đầu tư để mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản Nhi với số vốn đầu tư lên đến 238 tỉ đồng. Dự án này được chia thành hai giai đoạn, gồm tổng cộng sáu gói thầu mua sắm trực tiếp.
Công ty AIC đã tham gia thầu và chiến thắng tất cả sáu gói thầu trong dự án, trong đó có bốn gói thầu được tiến hành theo phương thức đấu thầu rộng rãi và hai gói thầu được thực hiện qua việc mua sắm trực tiếp với tổng số tiền là 232 tỉ đồng.
Bà Nhàn bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với giới chức chính quyền địa phương để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị với mục đích xây dựng hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về đấu thầu.
Bà Nhàn bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng trong vụ án này. Cụ thể, theo cáo trạng, bà Nhàn là người có "vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu".
Công An Cộng Sản Việt Nam Lại Phát Lệnh Truy Nã Cựu Tù Nhân Lương Tâm Lê Văn Sơn
(Hình: Đài ANTV loan tin truy nã ông Lê Văn Sơn ngày 18/8/2023.)
-Nhà hoạt động Lê Văn Sơn, cũng là cựu tù nhân lương tâm sống lưu vong ở Mỹ hơn 5 năm nay, vẫn bị công an Cộng sản Việt Nam truy nã vì "Không chấp hành án". Ông chia sẻ với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ông không quá lo lắng về việc này vì ông là một thường trú nhân hợp pháp và được chính phủ Mỹ bảo trợ.
Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an Cộng sản Việt Nam hôm 18/8 loan tin rằng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định truy nã đối với ông Lê Văn Sơn, can tội "Không chấp hành án".
Quyết định này không phải là diễn biến mới đối với ông Sơn vì hồi tháng 3/2018, công an Thanh Hóa ra lệnh truy nã toàn quốc đối với ông Lê Văn Sơn vì "không chấp hành án".
Từ tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ), ông Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm từng bị giam cầm cùng với nhóm 14 thanh niên Công giáo năm 2011, chia sẻ:
"Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng thấy hết sức bình thường! Bất ngờ là họ đã biết rõ ràng tôi đã ở Mỹ, một cư dân hợp pháp ở Hoa Kỳ… họ biết điều đó mà ra lệnh truy nã như vậy. Nó giống như là khủng bố xuyên biên giới".
(Hình: Một người bị công an Cộng sản Việt Nam truy nã đã đến Mỹ an toàn.)
Lê Văn Sơn là một blogger và nhà hoạt động Công Ggiáo, ông bị bắt vào ngày 3/8/2011. Trong phiên Tòa Sơ thẩm ngày 8/1/2013, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", và kết án ông Lê Văn Sơn 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Sau đó, tại một phiên Tòa Phúc thẩm, bản án của ông Sơn được giảm xuống còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương.
Ông Sơn nói rằng ông không chấp hành án quản chế vì ông cho rằng ông không có tội.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA ông Sơn cho biết rằng sau vụ án 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành, hầu hết các thành viên quyết định không chấp hành án quản chế, và họ quyết định không nhận tội, không chấp nhận bản án năm 2013 mà họ cho là bị chính quyền "áp đặt".
Nhà hoạt động 38 tuổi nói với VOA ông không lo lắng vì ông đang sinh sống hợp pháp tại Mỹ:
"Tôi không phải là một tội phạm hình sự đối với pháp luật Hoa Kỳ. Tôi là một tù nhân chính trị được bảo trợ, bảo lãnh và được sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ, từ khi tôi còn ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay".
(Hình: Ông Lê Văn Sơn tham gia cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Việt Nam ngày 17/5/2023 tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.)
Tuy vậy, ông vẫn thắc mắc về lý do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phát lệnh truy nã ông vào thời điểm này, sau khi xảy ra một số sự việc mà ông cho rằng là do mật vụ Cộng sản Việt Nam bắt cóc người từ ngoại quốc.
Ông viết trên Facebook hôm 21/8: "Liệu Cộng sản Việt Nam có mưu đồ gì đối với tôi trong thời gian tới? Họ có thể qua Mỹ để bắt cóc tôi giống như những trường hợp Trịnh Xuân Thanh tại Đức hay Thái Văn Đường, Trương Duy Nhất tại Thái Lan?".
VOA đã liên lạc Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu về trường hợp truy nã ông Lê Văn Sơn, nhưng chưa được phản hồi.
Sau khi ra tù 2015, ông Sơn di chuyển vào Sài Gòn, và tiếp tục con đường tranh đấu. Ông từng tọa kháng tại đường Nguyễn Huệ, Quận 1, ngay trước mặt tượng Hồ Chí Minh, để yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt hành động đàn áp quyền con người, và yêu cầu đa nguyên đa đảng.
Vào tháng 3/2018, công an Thanh Hóa ra lệnh truy nã ông. Ông Sơn cho biết ông đã tìm cách thoát khỏi Việt Nam đến Thái Lan và sau đó đến Hoa Kỳ an toàn vào ngày 7/6/2018 nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và người thân.
Ông Sơn nằm trong số các nhà hoạt động nhân quyền, tôn giáo sống lưu vong ở ngoại quốc nhưng bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam truy tố, truy nã. Những người khác bao gồm Mục sư A Ga, đang sống tại tiểu bang North Carolina, Mỹ, bị truy tố về tội "Phá hoại chính sách đại đoàn kết"; nhà hoạt động Lê Văn Thương, Nguyễn Văn Tráng, đang sinh sống tại Thái Lan, bị truy nã về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Những Tử Tù Đang Kêu Oan Có Cần Xin Ân Xá?
(Diễm Thi)
(Ảnh: Một tù nhân được cấp quần áo mới trước khi được trả tự do, sau buổi lễ công bố lệnh ân xá của Chủ tịch nước tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 31/8/2015.)
-Hôm 30 tháng 8 năm 2023 tin tức nhà nước loan rằng ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký Quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án. Theo Văn phòng Chủ tịch nước, Quyết định này thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, mở cho họ con đường được sống, cải tạo, phục thiện, có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) sáng 31 tháng 8 năm 2023:
"Nhiều người chia sẻ thông tin này vội bày tỏ sự thất vọng vì danh sách 11 người được ân xá không có danh tính Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Thật ra, về phương diện pháp lý, Chủ tịch nước chỉ ban hành quyết định ân xá đối với những trường hợp có đơn xin ân xá mà thôi, trong đó, về tội danh, thì người bị tuyên án tử hình đã thừa nhận tội trạng của mình bị truy tố là đúng đắn, không oan sai, họ chỉ quan tâm đến hình phạt.
Theo đó, họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình chuyển thành chung thân. Trong trường hợp này, Chủ tịch nước ban hành quyết định ân xá là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Nhưng với trường hợp Nguyễn Văn Chưởng (hay Hồ Duy Hải) là hoàn toàn khác biệt. Chung cuộc thì cả hai đều không nhận tội và kêu oan. Nếu xin ân xá thì chẳng khác nào mặc nhiên thừa nhận mình có tội và xin ân giảm mức hình phạt?!
Do đó, về phương diện pháp lý, cả hai trường hợp Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải đều không thuộc thẩm quyền ân xá hình phạt của Chủ tịch nước".
Đúng một năm trước, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có hai bị án là người ngoại quốc.
Tại Việt Nam, các ngày lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh 2 tháng 9, ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5… là dịp để Chủ tịch nước xem xét ân xá, đặc xá cho phạm nhân.
Ân xá là hình thức giảm án cho người có tội đang bị thi hành án. Đây là một đặc quyền mà chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền quyết định. Nhưng với những trường hợp đang kêu oan như Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải thì liệu gia đình có chấp nhận được ân xá hay không?
Ông Nguyễn Trường Chinh, cha tử tù Nguyễn Văn Chưởng, cho RFA biết quan điểm của ông sáng 31 tháng 8 năm 2023:
"Tôi cũng chờ (thông báo ân xá – NV) xem có gì không nhưng không thấy thông tin gì cả. Tôi hy vọng con tôi sẽ được minh oan vì con tôi không có tội, Hồ Duy Hải cũng thế. Mình không thể có tội thì mình không xin ân xá giảm án. Tôi yêu cầu điều tra xét xử lại vụ án này. Có tội thì cứ thi hành án. Không có tội thì phải minh oan".
Hôm 4 tháng 8 năm 2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gửi văn bản thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng về việc cơ quan này sẽ thi hành án tử hình và báo cho gia đình làm thủ tục để xin nhận tro cốt người thân. Khi tin tức lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người, trong đó có ký giả Nguyễn Đức, đã nhắn tin trực tiếp đến số điện thoại di động được cho là của ông Chủ tịch nước Nguyễn Văn Thưởng để đề nghị ông ấy cho hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.
Hầu như, chỉ có ký giả Nguyễn Đức và một vài người nhắn tin được hồi âm rằng Chủ tịch nước đã nhận tin nhắn. Còn lại các tin nhắn khác đều rơi vào im lặng.
Đến ngày 29 tháng 8 năm 2023, gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được cuộc điện thoại từ Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng yêu cầu họ đến gặp con trai vào ngày 5 tháng 8 năm 2023.
(Hình: Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng trong buổi lễ tuyên thệ sáng 2/3/2023.)
Trong khi tin tức về việc cuộc gọi của quản giáo lan rộng trên mạng xã hội Facebook với nhiều hy vọng Chưởng sẽ được ân xá trong dịp 2 tháng 9, thì vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, quản giáo thông báo trở lại rằng, cuộc thăm gặp thân nhân sẽ vẫn như thường lệ, vào ngày 11 tháng 9 tới.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm về quyền của Chủ tịch nước trong việc ban hành quyết định ân xá, đặc xá cho phạm nhân:
"Ký giả Nguyễn Đức và cả tôi khi ấy đều nhắc đến vai trò Chủ tịch nước có thể "cứu" Nguyễn Văn Chưởng là không phải căn cứ vào quy định pháp luật, mà căn cứ vào vai trò, vị thế quyền lực chính trị của ông ấy có khả năng cứu Nguyễn Văn Chưởng mà thôi. Thật vậy, khả năng này hoàn toàn khả thi và đã từng có tiền lệ. Người tạo ra tiền lệ ấy là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với trường hợp vụ án Hồ Duy Hải. Để "cứu" Hồ Duy Hải thoát chết một ngày ngay trước khi bản án tử hình Hồ Duy Hải được mang ra thi hành, thì ông Trương Tấn Sang đã sử dụng vai trò, vị thế quyền lực chính trị của mình để "ra lệnh" hoãn thi hành án, chứ ông ấy không làm theo bất kỳ quy định pháp luật nào cả.
Nhưng tiếc rằng ông ấy chỉ "cứu" Hồ Duy Hải với mức độ thoát chết lúc ấy mà thôi. Ông ấy đã không làm gì thêm để có thể trả tự do cho Hồ Duy Hải trở về với cuộc sống bình thường. Vì vậy, khi công chúng gởi tin nhắn đến điện thoại di động của ông Nguyễn Văn Thưởng, thì chúng ta phải hiểu đấy là động thái mong ông ấy sử dụng vai trò, vị thế quyền lực của Chủ tịch nước để cứu một người tù oan khiên, như người tiền nhiệm của ông ấy, chứ không phải căn cứ theo quy định pháp luật.
Và đó cũng là cách là luật pháp Việt Nam đang vận hành và cũng là cách mà số phận con người trong xứ sở này được định đoạt!? "Biến thế tùng quyền", khi gởi tin nhắn đến điện thoại di động của Chủ tịch nước, là công chúng đã thực thi quyền dân chủ, bày tỏ ý nguyện của mình một cách trực tiếp. Cách mà luật pháp không hề quy định!"
Tại Việt Nam có những vụ án oan nổi tiếng đã được làm sáng tỏ, bị can được trả tự do và nhận tiền bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn…. Song còn những vụ mà các chuyên gia luật nhận định là án tử hình oan vẫn chưa được điều tra lại như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hay Lê Văn Mạnh.
Luật sư Lê Văn Hòa, từng làm Tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, người hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án oan đã được báo chí đưa tin, gây rúng động dư luận trong những năm qua, là do yếu tố con người. Ông nói:
"Tất cả là do con người không quan tâm, không sâu sát chỉ đạo cho nên đã để xảy ra tình trạng một số cán bộ điều tra, sốt sắng để phá án lập thành tích; hoặc cũng có vụ là do trình độ năng lực cán bộ điều tra yếu kém, cũng không loại trừ những vụ án do từ sự chỉ đạo của một ai đó, mà ở Việt Nam gọi là án bỏ túi".
Theo vị Luật sư này, cứ xác định thời điểm xảy ra vụ án rồi tìm ngược lại những ai đã đứng đầu các cơ quan tố tụng thì không khó để tìm ra sự thật.
Năm Cha, Ba Mẹ, Mười Tám Bà Cô
(Lê Ngạo Thiên)
(Hình: Căn cước Công dân ở Việt Nam.)
-Năm 2020-2021, giữa cao điểm dịch COVID-19, Công an các phường ráo riết kêu gọi, thúc ép người dân đi làm Căn cước Công dân gắn chip.
Mục đích-theo Công an giải thích, là để nhanh chóng điện tử hóa tất cả các thông số về dân cư, nhằm giảm bớt lượng giấy tờ hành chính cho người dân, đồng thời cơ quan quản lý được dễ dàng.
Chương trình chạy đua lập Căn cước Công dân gắn chip ráo riết đến nỗi nó được đưa vào hẳn các công ty lớn. Phòng nhân sự của một số công ty có đông nhân viên gửi mail yêu cầu nhân viên phải nộp mã định danh điện tử và số Căn cước Công dân gắn chip cho công ty trong vòng vài tuần. Mail chỉ yêu cầu như thế, chẳng đưa ra mục đích gì nhưng nhân viên nào cũng hiểu đó là mệnh lệnh. Những ai có hộ khẩu ở một nơi nhưng đang sinh sống và làm việc tại nơi khác thì nháo nhác. Nhiều người phải xin nghỉ vài ngày để về quê làm Căn cước gắn chip đặng nộp kết quả cho công ty.
Cho đến tháng 7/2021, sau rất nhiều phàn nàn kêu ca của người dân, đặc biệt trong điều kiện đi lại trong mùa dịch rất khó khăn và liên quan đến việc bị cách ly khi ở địa phương có dịch về, cơ quan Công an mới ra văn bản cho phép người dân được làm Căn cước Công dân tại nơi tạm trú, thay vì bắt buộc phải về nơi thường trú.
Sau Chạy Nước Rút Là… Bị Chuột Rút
Luật Căn cước Công dân quy định Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước Công dân mã vạch vẫn được sử dụng tiếp tục cho đến khi hết thời hạn quy định, tức là còn mấy chục năm nữa. Thế nhưng các phường vẫn liên tiếp kêu gọi, thúc giục người dân đi làm Căn cước gắn chip lại tất.
Ngay trong mùa dịch, khi đường phố vắng tanh thì tại các trụ sở Công an phường, người dân đến làm Căn cước gắn chip đông ngàn nghịt. Do Công an "nhiệt tình" thông báo là làm việc suốt tuần (không nghỉ cả thứ Bảy, Chủ Nhật), xuyên đêm nên nhiều người tranh thủ đi làm về thì đến thẳng trụ sở công an phường làm Căn cước. Cứ ngỡ buổi tối thì vắng người hơn hẳn. Dè đâu vẫn đông ơi là đông, đông chen chúc phát ngại cho sức khỏe. Có người buổi sáng đến bốc số thứ tự nhưng vì danh sách quá dài nên cán bộ khuyên nên về nhà nghỉ ngơi, buổi tối quay lại. Tối đến vẫn phải ngồi chờ cả tiếng nữa.
Chờ đợi và làm việc quá tải cao độ nên từ dân đến cán bộ, ai cũng bơ phờ nhàu nhĩ.
Các đợt cao điểm cấp thẻ Căn cước gắn chip qua đi, báo chí hân hoan loan tin các địa phương chạy nước rút, hoàn tất cấp 100% Căn cước gắn chip trước kỳ hạn đăng ký.
Nhưng, phía sau mặt trước của tấm huy chương là… mặt trái.
Mà cái mặt trái này nó nở hậu, nên to bành trướng gấp mấy lần mặt phải.
Do suốt thời gian dài chạy nước rút nên sau khi về đích thì hầu như tất cả các '"vận động viên" đều bị… chuột rút.
Do phải tăng ca làm ngày làm đêm, mắt toét tòe loe nên lực lượng công an nhập sai thông tin vô số. Sai đủ các kiểu. Sai họ, sai tên, sai ngày / tháng / năm sinh hoặc cả ba loại thông tin này, sai nơi sinh, sai giới tính, sai địa chỉ thường trú, sai quê quán, sai tên cha/mẹ….
Khi sai bất cứ thông tin nào trong các loại trên thì mã số định danh công dân cũng sai. Người dân buộc phải đi làm lại mã số định danh mới, sau đó đi làm lại Căn cước gắn chip mới.
Mở ngoặc một tí là tuy sai sót thuộc về cơ quan quản lý nhưng quá trình sửa sai không hề được lược giản bất cứ bước nào cho người dân.
Nhiều người được cấp mã số định danh ở chỗ ở cũ, sau đó chuyển chỗ ở mới (khác tỉnh/thành) cũng phải bỏ thời gian và tiền bạc quay trở lại nơi ở cũ để nộp hồ sơ chỉnh sửa thông tin, xin cấp lại mã số định danh mới. Người nào đã làm xong Căn cước gắn chip mà sai thông tin thì phải đi làm lại lại từ đầu, lặp lại một quy trình gồm nhiều khâu và gấp bội phiền toái, tốn kém, bực bội.
Đến nỗi xảy ra chuyện vô cùng tiếu lâm là sau khi kết thúc đợt cao điểm làm Căn cước gắn chip thì có địa phương lại tiếp tục mở đợt cao điểm… sửa sai!
"Công an Hà Nội đề nghị mỗi công dân đối chiếu thông tin trên giấy tờ nhân thân và Căn cước Công dân hoặc với thông báo của công an. Nếu phát giác sai sót thì liên hệ với công an cấp xã nơi đăng ký thường trú để lập hồ sơ hủy mã số định danh cũ và cấp lại mã số mới"- cuối tháng 4/2023, Công an Hà Nội phải "mở đợt cao điểm hủy và xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân bị sai cấu trúc số định danh và sai thông tin trên thẻ Căn cước Công dân gắn chip.
Phải thành thật khen ngợi Công an Hà Nội vì sự dũng cảm và thẳng thắn này. Vì nhiều địa phương khác cũng sai be bét cả ra mà có dám công khai nói và sửa sai như vậy đâu.
Hành Cả Củ
Sai thông tin trên tờ khai, dẫn đến sai mã định danh hoặc sai trên Căn cước gắn chip xem như người dân khổ hết nước nói.
Vì, tuy quy định cấp mới hoặc đổi Căn cước gắn chip không quá bảy ngày làm việc, nếu cấp lại thì không quá 15 ngày làm việc, nhưng thực tế làm gì có cái mùa Xuân ấy. Có nhiều người chờ mấy tháng trời nhưng cái Căn cước mới vẫn biệt tăm, trong khi Căn cước cũ đã nộp lại cho công an. Chẳng còn giấy tờ tùy thân nào để đi làm các thủ tục hành chính, như về hưu, xin việc, chứng nhận, mua bán, giao dịch ngân hàng, xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn…. Họ như người vô danh. Lên công an hỏi bao giờ có thì chỉ nhận được câu: "Chờ". Chờ đến bao giờ? Không biết. Khi nào Bộ Công an sửa xong, cấp lại, gửi xuống thì chúng tôi thông báo cho ông bà.
- Anh ơi, sai nhiều lắm. Bạn em là công an mà vợ nó bị sai cũng chờ cả năm nay chưa được cấp lại đây - một chú công an phường an ủi khi tôi đến khiếu nại về vụ sai thông tin trên thông báo mã định danh.
Người bị sai thông tin trên Căn cước còn bị "ăn hành" ra bã.
Có nhà báo kể trên Facebook cá nhân: chị gái bị ghi sai năm sinh trên số định danh, nên phải đi vài trăm cây số về nơi ở cũ xin lập số mới. Nhà cũ không còn, phải thuê khách sạn ở. Thuê xe đi lại. Tốn mấy triệu bạc.
Không có mã định danh nên cho dù thông tin trên chứng minh nhân dân cũ khớp với đăng ký tại nhà mạng điện thoại, nhưng nhà mạng vẫn khẳng định bà không chứng minh được chính chủ thuê bao điện thoại. Họ cắt luôn số điện thoại đã dùng hàng chục năm của bà, lý do là Công an yêu cầu như thế.
Không có số điện thoại để liên lạc, không nhập được hộ khẩu, không làm được Căn cước. Bà chờ ba tháng mới được cấp lại mã định danh mới.
Thì lần này lại sai quê quán.
- Tức là số định danh thứ hai này lại phải hủy tiếp, chờ làm lại lần thứ hai. Lần này Công an phường bảo tôi chụp lại giấy tờ gửi qua cho họ chứ không cần về trực tiếp làm nữa.
Chờ thêm vài tháng, Công an phường trả số định danh mới cho bà nhưng ra lệnh: Ngay trong ngày phải đi làm Căn cước gắn chip và nộp thông báo cho họ.
Bà bảo không thể đi làm ngay trong ngày được, vì cần sắp xếp công việc và thời gian.
Cả tổ trưởng tổ dân phố lẫn công an phường đồng thanh nói đây là quy định của công an.
Khi bà dẫn ra Luật Căn cước Công dân không bắt buộc người dân phải đi làm Căn cước gắn chip mà vẫn sử dụng được chứng minh nhân dân cũ còn hiệu lực hoặc Căn cước mã vạch cho đến hết thời hạn quy định… thì chú công an đuối lý.
Đuối lý thì sao?
Thì đầu dây bên kia, chú lên giọng dọa dẫm ngay: "Tôi không nói lý với chị. Nếu hôm nay chị không làm, tôi sẽ xóa tên chị khỏi diện thường trú tại địa phương, đưa chị vào diện dân cư vãng lai, sau này chị sẽ rất khó khăn trong làm giấy tờ hành chính".
Quả là nói được làm được. Ngay cả khi số định danh mới.. của mới đã được cấp lại, Công an phường vẫn câm như hến, dứt khoát không thông báo cho bà, trong khi nó là chức trách phận sự của họ.
Phải nhờ người quen là cấp trên của công an phường gọi điện hỏi thăm, bà mới được họ cung cấp mã định danh mới.
Người quen tủm tỉm: "Họ nói tại nhà mình mắng họ nhiều quá nên họ giam lại mã số định danh luôn, khỏi mở ra cho mình làm Căn cước nữa".
Trời ơi là trời! Bộ trưởng Tô Lâm ngó xuống mà coi!
Trung ương hứa hẹn không gây xáo trộn, không gây rắc rối phiền hà cho người dân khi đi làm Căn cước gắn chip, nhưng thực tế máu chó như vậy đấy.
Chưa hết.
Bạn tôi, mấy năm nay kiên quyết giữ xài Căn cước Công dân mã vạch (mới cấp được bảy, tám năm, từ 2016). Theo quy định của Bộ Công an thì Căn cước này bạn còn xài được đến tám năm nữa. Nhưng giờ bạn đành chịu phép, phải lót tót đi làm Căn cước gắn chip. Vì khi bạn đi nhập hộ khẩu cho cha mẹ vào nhà mình thì Công an phường trừng mắt: "Cả phường này còn mình anh chưa đi làm Căn cước đó. Anh không làm mai mốt sao nhập cảng (cho người thân) được?"
Nói liều!
Bạn tôi có thể giở Luật Căn cước Công dân và các thông tư của Bộ Công an ra làm việc với công an phường. Nhưng nhỡ mai mốt họ làm khó khi bạn đi nhập hộ khẩu cho cha mẹ thì sao? Họ bắt chẹt cái này cái nọ thì sao? Quan thì xa bản nha thì gần. Nếu công an phường ghim gút sự "cứng đầu" của bạn, sau này khó sống lắm.
Trong khi đó, Quốc hội và Bộ Công an vẫn đang hăng say bàn cãi về Luật Căn cước Công dân Sửa đổi. Ngoài thay đổi dễ thấy nhất là dòng chữ "Căn cước Công dân" trên thẻ sẽ chỉ còn "Căn cước" thì theo Dự thảo Luật, dĩ nhiên là sẽ không gây xáo trộn phiền hà gì cho công dân cả.
Cụ thể Dự thảo Luật quy định:
- Căn cước Công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước.
- Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước Công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
- Thẻ Căn cước Công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật này.
Tóm tắt là nếu Luật này được thông qua và có hiệu lực thì cho dù thay đổi nhiều thông tin ghi trên thẻ Căn cước mới nhưng người dân vẫn được dùng chứng minh nhân dân còn thời hạn/Căn cước Công dân mã vạch/Căn cước Công dân gắn chip như thường.
Đặc biệt, Dự thảo quy định "Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước Công dân trong giấy tờ đã cấp".
Nếu công an cơ sở cứ thực hiện đúng y chang Dự thảo luật thì đúng là cũng không xáo trộn gì lắm cho dân thật, ngoài việc khi đến hạn thì phải tốn thêm một khoản tiền để làm mới hoặc đổi Căn cước.
Nhưng nói thế thôi!
Anh công an phường nói thẳng với tôi: "Dân mà không đi làm Căn cước (gắn chip) 100% thì ảnh hưởng tới chỉ tiêu thi đua của tụi em".
- Ảnh hưởng sao hả em? Có bị cắt tiền thưởng không?
- Không! Tiền thưởng thì cũng chẳng có bao nhiêu. Nhưng mà nó ảnh hưởng nhiều thứ khác….
Anh bỏ lửng câu trả lời. Nhưng với truyền thống của các ngành, có thể suy đoán mà không sợ sai là nếu đơn vị nào không đạt chỉ tiêu thi đua, nhất là thi đua chuyên đề như vừa rồi chẳng hạn, thì đơn vị sẽ bị đánh giá thấp, ví dụ không đạt Đơn vị tiên tiến. Chỉ huy, sĩ quan và lính có thể bị trì hoãn thăng cấp, lên lương.
Chỉ trong vòng bảy năm qua, chứng minh nhân dân/Căn cước Công dân của người Việt Nam đã liên tục thay đổi đến ba lần:
- Lần đầu vào năm 2016, khi Luật Căn cước Công dân có hiệu lực, từ đang sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, người dân bắt đầu được cấp thẻ Căn cước Công dân có mã vạch.
Tuy nhiên, do thiếu điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất, chỉ có 16/63 tỉnh thành cấp được Căn cước mã vạch cho dân. 47 tỉnh thành còn lại vẫn cấp chứng minh nhân dân theo mẫu cũ. Điều này dẫn tới cúng lúc có tới ba loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và Căn cước mã vạch.
- Chỉ 5 năm sau, toàn quốc thực hiện cao điểm cấp Căn cước gắn chip.
Từ 3 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng lên thành 4 loại.
- Luật Căn cước Công dân Sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối năm nay, cụ thể là vào tháng 11/2023. Khi đó, chắc như bắp rằng toàn ngành Công an sẽ lại tiếp tục phát động một đợt cao điểm làm thẻ Căn cước mới.
Tức là chỉ vỏn vẹn trong tám năm, loại giấy tờ tùy thân thiết thân nhất của người dân thay đổi đến bốn lần.
Mỗi lần như thế, dân lại tốn thêm tiền và thời gian để đi cấp đổi.
Chưa kể người dân ở các phường/xã/quận sắp tới sẽ bị xóa sổ để sáp nhập thành đơn vị hành chính mới sẽ phải thay đổi giấy tờ liên tục để cập nhật thông tin.
Trời đất ơi là phiền toái, tốn kém và khổ.
Nhưng cái kiếp làm con dân, à nhầm, làm công dân Việt Nam nó vốn vậy rồi. Năm cha, ba mẹ, mười tám bà cô cùng kịch liệt nắm đầu, à nhầm, quản lý. Chừng nào còn một sợi tóc, chừng đó kiếp nạn thứ 82 n lần của các ông bà chủ còn sống mãi.
Mỹ Muốn Giúp Việt Nam Thành Cường Quốc Về Chip Nhưng Gặp Vấn Đề Thiếu Kỹ Sư
(Hình: Một cơ sở sản xuất chip ở Mỹ.)
-Tình trạng thiếu Kỹ sư kéo dài ở Việt Nam đang nổi lên như một thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành bán dẫn và kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm về chip để phòng ngừa rủi ro nguồn cung liên quan đến Trung Quốc.
Chất bán dẫn dự kiến sẽ là tâm điểm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hà Nội từ ngày 10/9/2023, với mục tiêu chính là nâng tầm quan hệ giữa hai nước. Các viên chức chính quyền Mỹ cho biết rằng ông sẽ đề nghị hỗ trợ Việt Nam để thúc đẩy sản xuất chip.
Việc tìm nguồn cung từ các đồng minh và đối tác trong ngành công nghiệp bán dẫn chiến lược là một trong những động lực chính của Hoa Thịnh Ðốn để thuyết phục các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đồng ý chính thức nâng cấp quan hệ. Hà Nội ban đầu tỏ ra miễn cưỡng trước động thái này vì lo ngại phản ứng bất lợi từ Trung Quốc.
Việc thúc đẩy quan hệ chính thức có thể mang lại hàng tỉ Mỹ kim đầu tư tư nhân mới và một số ngân quỹ công cho ngành bán dẫn của Việt Nam. Tuy nhiên, các viên chức, nhà phân tích và nhà đầu tư trong ngành cho rằng việc chỉ có nhóm nhỏ các chuyên gia được đào tạo sẽ là trở ngại quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chip.
Ông Vũ Tú Thành, người đứng đầu văn phòng tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, nói: "Số lượng Kỹ sư phần cứng hiện có ít hơn nhiều so với mức cần thiết để có thể thực hiện được các khoản đầu tư hàng tỉ Mỹ kim", số lượng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới.
Đất nước 100 triệu dân chỉ có 5.000 đến 6.000 Kỹ sư phần cứng được đào tạo cho lĩnh vực chip, so với nhu cầu dự kiến là 20.000 trong 5 năm và 50.000 trong một thập kỷ tới, ông Thành cho biết, trích dẫn ước tính từ các công ty và Kỹ sư.
Ông Hùng Nguyễn, quản lý chương trình cấp cao về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cho hay còn có một nguy cơ nữa, đó là thiếu nguồn cung Kỹ sư nhu liệu điện toán chip đã qua đào tạo.
Các bộ phụ trách lao động, giáo dục, thông tin, kỹ thuật và ngoại giao của Việt Nam không trả lời cho yêu cầu bình luận.
Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia Đông Nam Á này có kim ngạch xuất cảng sang Mỹ trị giá hơn nửa tỉ Mỹ kim mỗi năm, hiện đang tập trung vào khâu sản xuất phụ trợ của chuỗi cung ứng - đó là lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip - nhưng đang dần mở rộng sang các lĩnh vực như thiết kế.
Tòa Bạch Ốc chưa nêu rõ phân khúc nào của ngành chip tại Việt Nam sẽ được ưu tiên, nhưng các Giám đốc điều hành ngành công nghiệp chip của Mỹ đã chỉ ra rằng khâu sản xuất phụ trợ là lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt.
Ông Hùng thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng Mỹ cũng có thể quan tâm đến việc thúc đẩy để Việt Nam tăng nguồn cung nguyên liệu thô cho chip, đặc biệt là đất hiếm mà nước này ước tính có trữ lượng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, tham vọng bán dẫn có thể chỉ là giấc mơ viển vông nếu tình trạng thiếu lao động có tay nghề không được giải quyết thỏa đáng, khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Mã Lai Á và Ấn Độ.
Tô Phở Việt Nam Có Giá Gần 4 Triệu Đồng Lên Báo Mỹ
(Ảnh: Tô phở với nguyên liệu xa xỉ có giá 4 triệu đồng ở Việt Nam.)
-Tô phở đắt nhất Việt Nam với các nguyên liệu thượng hạng nhập từ ngoại quốc vừa được giới thiệu trên chuyên trang du lịch của CNN.
Đây không phải là tô phở bình thường.
Nước phở được nấu chậm và ninh xương bò lên đến 48 tiếng đồng hồ. Trong tô phở là những thành phần thượng hạng như bò Wagyu, gan ngỗng và nấm cục truffle - và trên cùng là một miếng vàng lá ăn được. Ngoài ra, cũng có sườn non ninh nhừ và mỡ vịt để tô phở thêm phong phú.
Giá bao nhiêu? Một con số giật mình là 3,9 triệu đồng, tức 170 Mỹ kim, cho một tô.
Và mỗi ngày nhà hàng chỉ bán 5 tô phở như vậy.
"Phở là món ăn quốc dân của Việt Nam, có thể thấy nó ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trong ngày... và tôi muốn tỏ lòng tôn kính với phiên bản phở sang trọng mới này", ông Lê Trung, Bếp trưởng điều hành tại nhà hàng Oriental Pearl ở Sài Gòn, người nấu tô phở này, nói với CNN.
Nhà hàng này tọa lạc bên trong tòa nhà chọc trời Vinpearl Landmark 81 của tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Bếp trưởng Trung nói với CNN Travel rằng mặc dù tô phở của ông sử dụng các nguyên liệu nhập cảng từ Úc Ðại Lợi, Ý Ðại Lợi, Pháp, nhưng ông vẫn nấu theo cách nấu truyền thống - ninh xương tủy, đuôi bò, xương gà, sườn thượng hạng trong lửa liu riu cùng các loại gia vị như quế và hồi trong 2 ngày để tạo ra 'hương vị phở đậm đà, phong phú'.
"Đây là sự sáng tạo của tôi đối với một trong những món ăn phổ biến nhất thế giới", ông Trung nói. "Quan niệm bấy lâu nay không coi phở là món ăn sang chảnh, nhưng chúng tôi đã cố gắng làm giàu hương vị để làm cho phiên bản phở này phong phú và thỏa mãn vị giác".
Cho thêm vàng lá vào là để 'nâng tầm thẩm mỹ cho món ăn', ông Trung nói. "Nhờ vậy, nó không trông giống như một tô phở bình thường".
Món phở của Việt Nam được yêu thích trên toàn thế giới, và dân sành ăn cũng như những người yêu phở nói rằng món phở khiêm nhường phản ánh những thay đổi văn hóa, chính trị và kinh tế của Việt Nam.
Phiên bản phở cơ bản nhất gồm có bánh phở trong nước dùng ninh xương bò hay đôi khi là xương gà, bên trên là thịt bò thái lát và tô điểm bằng các loại rau thơm.
Phở được bán ở khắp các góc phố và ngõ hẻm ở các thành phố Việt Nam, với giá một tô phở từ 30 đến 70 ngàn đồng.
Tô phở đặc biệt của Oriental Pearl sẽ khiến bạn giật mình với mức giá cao hơn ít nhất 50 lần.
Và nó không phải là tô phở đắt đỏ duy nhất ở thành phố lớn nhất Việt Nam.
Anan Saigon, một nhà hàng được gắn sao Michelin, cũng đã giới thiệu một phiên bản phở cao cấp với các nguyên liệu phi truyền thống như trứng cá muối, rượu sake Nhật Bản, sứa và cá tầm. Tô phở này có giá 100 Mỹ kim, tức khoảng 2,4 triệu, rẻ hơn nhiều so với tô phở của Oriental Pearl.
Bếp trưởng Trung tin rằng tô phở mới nhất của ông là mới là tô 'đã' nhất thế giới.
"Chúng tôi muốn nâng tầm ẩm thực cổ truyền lên tầm cao mới của sự sang trọng và tinh tế đồng thời mở mang ranh giới nền ẩm thực Việt Nam", ôngTrung nói.
"Kết quả là một tô phở tuyệt vời với hương vị đọng lại trên đầu lưỡi và trong ký ức".
Trang VnExpress dẫn lời ông Jaron Guggenheim, Giám đốc ẩm thực nhà hàng này, cho biết kể từ khi ra mắt, tô phở này đã trở nên rất nổi tiếng trên mạng xã hội và số lượng tìm đến nhà hàng để thưởng thức tô phở này cũng 'vượt mong đợi'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét