Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển chia sẻ câu chuyện ông được phóng thích sang Đức - VOA

 

Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển tại Berlin, Đức.

Ông Nguyễn Bắc Truyển, người được biết nằm trong số ít tù nhân Việt Nam được thả trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết rằng vào phút chót Bộ Công an Việt Nam đề nghị ông làm đơn xin tạm hoãn thi hành án để xuất cảnh định cư tại Đức. Tuy nhiên, ông Truyển không đồng ý với đề nghị này.Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến nay vẫn chưa phản hồi các đề nghị bình luận của VOA về việc phóng thích các tù nhân chính trị trước và sau chuyến thăm của ông Biden.

<!>

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không xác nhận cũng không bác bỏ việc có hay không các tù nhân được phóng thích hoặc các cá nhân liên quan đến hoạt động nhân quyền được xuất ngoại theo yêu cầu của Washington, nhưng nhấn mạnh rằng nhân quyền là “ưu tiên hàng đầu của cả Chính quyền và người dân Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Đức và Liên minh châu Âu không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.

Từ Đức, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển trao đổi với VOA qua cuộc phỏng vấn sau đây, vài ngày sau khi vợ chồng ông đến Berlin hôm 8/9.

VOA: Thưa ông Nguyễn Bắc Truyển, xin ông cho biết cảm tưởng của ông về việc ông được trả tự do?

Nguyễn Bắc Truyển (NBT): Tôi được trả tự do ngày 8 tháng 9, 2023 tại phi trường Tân Sơn Nhất và tôi đã từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Charles de Gaulle và sau đó tới Berlin vào ngày 8 tháng 9, 2023 (theo giờ Đức).

Tôi di chuyển từ Sài Gòn tới Berlin được sự giúp đỡ rất tận tình của Tổng Lãnh sự Đức tại Sài Gòn và đại diện của Đại sứ quán Đức tại Paris. Vì là một người bị kết án oan sai 11 năm tù và đến thời điểm tôi ra tù là hơn 6 năm, tôi cảm thấy rất là hạnh phúc.

Tôi cũng muốn nhân cơ hội này được cám ơn các nghị sĩ của Quốc hội của Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên Bang Đức, Anh Quốc, Na Uy và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng ủng hộ tôi và kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho tôi. Tôi cũng xin được cảm ơn Ủy Hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF), cảm ơn các tổ chức nhân quyền tại châu Âu và Hoa Kỳ đã cùng đồng hành với gia đình tôi để vận động nhân quyền cho chúng tôi. Và hôm nay tôi được tự do.

USCIRF ‘hoan nghênh’ việc ông Nguyễn Bắc Truyển được phóng thích
  • Auto
  • 240p
  • 360p
  • 480p
  • 720p
  • 1080p

No media source currently available

0:001:460:00
 Tải xuống 

VOA: Thưa ông, ông có thể cho biết về các thủ tục khi ông rời khỏi trại giam Việt Nam?

NBT: Vào ngày 3/9/2023 Bộ công an đã vào trại giam Gia Trung để làm việc trực tiếp với tôi và đề nghị tôi hai vấn đề: Một là, điền vào đơn để cấp hộ chiếu, Hai là, làm đơn tạm hoãn thi hành án với lý do xuất cảnh định cư. Và tôi đã đáp ứng được yêu cầu thứ nhất là điền vào đơn xin cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, đơn xin tạm hoãn thi hành án gửi Tòa án Tối cao thì tôi không làm. Bởi vì đối với bản án đã buộc tội oan sai tôi, tôi không công nhận từ khi vào trại tạm giam. Từ khi bị bắt cho tới nay thì tôi vẫn không công nhận bản án đó.

Vì thế mà tôi cũng không được giảm án tù và cho đến thời điểm đó thì tôi cảm thấy là cái đơn mà xin tạm hoãn thi hành án là không cần thiết. Cho đến ngày 4/9 thì cán bộ Bộ Công an đã trở vào một lần nữa và cũng thuyết phục tôi, đề nghị tôi làm cái đơn xin tạm hoãn thi hành án. Tôi cũng nói với họ rằng là tôi không thể làm.

Và tới ngày 7/9 thì họ đến phòng giam của tôi và yêu cầu tôi là chuẩn bị hành lý để rời khỏi trại giam Gia Trung đi về Sân bay Tân Sơn Nhất, sáng mai đi tiếp chuyến bay lúc 8 giờ 20. Và lúc đó vợ tôi cũng sẽ có mặt ở đó.

Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng tại Berlin, Đức, sau khi ông được ra tù ở Việt Nam ngày 7/9/2023.
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng tại Berlin, Đức, sau khi ông được ra tù ở Việt Nam ngày 7/9/2023.

VOA: Thưa ông, ông vừa nói bản án của ông là bản án oan sai, vậy ông nhận định như thế nào về bản án 11 năm tù và 3 năm quản chế?

NBT: Tôi là một nhà hoạt động về nhân quyền, chú trọng của tôi là hoạt động về vấn đề quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn luôn nghĩ về mục đích và trách nhiệm của mình trong vấn đề hoạt động nhân quyền. Nên khi Nhà Nước Việt Nam buộc tội tôi là có “âm mưu lật đổ chính quyền” tôi cảm thấy rất là oan sai. Bởi vì tôi không bao giờ có ý định đó. Tôi cũng không có khả năng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ hoạt động nhân quyền.

Và việc tiến hành thực hiện những vấn đề bảo vệ nhân quyền ở tại Việt Nam, tôi cũng nghĩ rằng nhà nước Việt Nam phải ủng hộ tôi thay vì kết án tôi, nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết những vấn đề nhân quyền với quốc tế, cũng nên tôn trọng và thực hiện nhân quyền để cho người dân mình có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.

VOA: Thưa ông về kế hoạch tương lai, ông có thể chia sẻ ý định của mình?

NBT: Trong tương lai thì trước mắt tôi và vợ tôi đã đến Đức, phải làm các thủ tục để được định cư lâu dài tại đây và học tiếng Đức. Sau đó học nghề để kiếm một cái nghề trong cuộc sống của mình.

VOA: Đối với hoạt động tự do tôn giáo Việt Nam, vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL). Ông nghĩ gì về việc Việt Nam bị liệt vào danh sách này? Và theo ông thì chính phủ Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây đã lên tiếng đủ mạnh chưa đối với chính phủ Việt Nam về tự do tôn giáo?

NBT: Khi tôi ở trại giam Gia trung, tôi có nghe nói Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát về vấn đề về quyền tự do tôn giáo…Trong những thư tôi viết về cho gia đình hay là gặp vợ tôi tại nơi thăm gặp, tôi đều tỏ ra lo ngại về vấn đề quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị vi phạm. Tôi nghĩ rằng quyền tự do tôn giáo là quyền tuyệt tối trong nhân quyền và mọi người dân đều được chọn cho mình một tôn giáo hay không chọn một tôn giáo nào, đó là quyền tối thượng.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nên tuân thủ những cam kết quốc tế để làm sao cho người dân mình sinh hoạt tự do vì nhà nước Việt Nam luôn nói rằng người dân là trung tâm. Đây là cơ hội để nhà nước Việt Nam chứng minh cho quốc tế rằng là chúng tôi thực hiện quyền tự do tôn giáo một cách ngay thẳng, không ngụy biện, không dối trá để việc giám sát này nó không được tiến tới một bước nữa là Việt Nam bị đưa vào CPC [Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt]. Nếu Việt Nam bị vào CPC có thể dẫn tới hậu quả rất lớn là vấn đề cấm vận.

VOA: Ông suy nghĩ gì khi quan hệ Việt – Mỹ được nâng cấp lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện? Và liệu rằng sau khi nâng cấp thì vấn đề nhân quyền và tôn giáo Việt Nam có còn được Washington chú trọng?

NBT: Việt Nam với Hoa Kỳ vừa nâng cấp lên quan hệ chiến lược toàn diện. Tôi thật sự cũng không hiểu hết là cái nội dung đó, nội hàm của những quan hệ như vậy. Nhưng mà tôi nghĩ rằng, một khi Hoa Kỳ đã chọn giải pháp và nâng cấp mối quan hệ lên, thì họ cũng nhìn thấy tình hình ban giao tốt đẹp giữa hai bên thì mới nâng cấp quan hệ lên.

Thành thật là quan trọng. Chúng ta nói đơn giản thôi, khi chúng ta trở thành một người bạn với nhau thì dĩ nhiên chúng ta phải thành thật với nhau, chứ không thể nào chúng ta nói một đằng và chúng ta làm một nẻo. Hay là nói rồi không làm. Mà điều đó là cái điều tối kỵ của mối bang giao.

VOA: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về điều kiện giam giữ trong trại giam?

NBT: Họ bắt tôi ở Sài Gòn sau đó họ chuyển ra trại tạm giam B14. Ở trại B14 tôi thấy rằng có những vấn đề phải được cải thiện. Ở Trại giam An Điềm thì tôi cũng đã cố gắng với khả năng của mình, tôi đối thoại với trại giam An Điềm để trại An Điềm có thể cởi mở hơn trong vấn đề giam giữ bớt sự khắc nghiệt đi. Có một điều là 13 lá thư tôi gửi về nhà thì tại giam An Điềm đã tịch thu một cách không có lý do.

Khi tôi về tới trại giam Gia Trung thì tôi thấy mọi việc nó cũng ổn hơn. Tôi không còn bị biệt giam nữa. Ở An Điềm thì tôi bị biệt giam. Còn về Gia Trung thì việc giam giữ thông thoáng hơn. Tôi đã trồng rau. Lấy những mảnh đất trong khu giam của mình còn trống, tôi trồng rau và cải thiện đời sống của mình cũng như là có thể gửi biếu cho các chị em nữ tù bên kia hay là những người khó khăn bệnh hoạn gì đó. Tôi cảm thấy 1 năm sống tại giam Gia Trung cũng được đối xử tương đối tốt …họ không làm gì khó khăn đối với tôi nhiều.

VOA: Cho đến khi nào thì ông biết rằng chính quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho ông trước thời hạn?

NBT: Tôi chỉ biết họ trả tự do cho tôi khi Bộ Công an vào trại giam Gia Trung làm hộ chiếu cho tôi.

Đại diện của Đại sứ quán Đức và phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) vào thăm tôi tại trại giam An Điềm hai lần, lần đầu vào tháng 2/2020 và lần thứ hai vào tháng 2/2022 và họ có hỏi tôi có muốn định cư tại Đức sau khi ra tù không, lúc đó tôi nói: “Tôi muốn định cư tại Đức”.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét