Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Mùa thu nơi góc nhỏ trời Âu – Ara Phat



Cuộc đời có những quy luật riêng, một trong những quy luật này ai cũng phải trải qua là « Sinh lão bệnh tử », hiển nhiên là sinh ra, lớn lên , già rồi ốm đau bịnh tật và cuối cùng là từ giã cõi đời. Tôi không bàn quy luật này theo tính cách phong thủy hay tử vi mà nhiều người hay đề cập đến, nhiều khi đưa đến mê tín là bất cứ công việc có tính cách chọn lựa thường muốn có con số cuối cùng rơi vào cung Sinh. Tức là con số chia cho 4 dư 1, vì sinh lúc nào cũng tươi mới , đem lại sự sống trong vạn vật. Mua một sợi vòng tay cũng phải đếm số hạt sao cho rơi vào « sinh » , mà có thoát được già yếu bịnh hoạn đâu. Thiên nhiên là vậy, vạn vật cây cỏ, con người cũng thay đổi theo thời gian vì đây là quy luật. Có sinh ắt phải có tử . Có mùa xuân đến thì cũng phải ngồi ngắm tuyết mùa đông .
<!>
Ngày tôi mới định cư nơi miền ôn đới này có một điều nhận thấy là những người bước vào thế hệ thứ ba là những người điệu đà ưa màu sắc,thích ăn diện . Ban đầu hơi có thành kiến nhưng sống một thời gian thấy đó là điều đáng sống và phù hợp với thiên nhiên, những cửa hàng thời trang dành cho những thế hệ thứ ba này nhiều màu sắc tươi thắm mà nhìn vào, giới trẻ bảo là « gu người già », mà những người già dám vung tay lắm. Quan niệm của họ khác với những người á đông; không cần thiết để dành dụm cho con cháu . Tôi cũng đang ở vào cái tuổi này nên thông cảm và binh vực họ tối đa. Thử nhìn thiên nhiên vạn vật vào mùa thứ ba hay gọi là mùa thu mà xem , đất trời như thay áo mới, màu sắc vàng đỏ rực rỡ thay thế màu xanh cằn cỗi, có ai dám bảo mùa thu không phải là mùa đẹp nhất trong năm .

Mùa thu nơi tôi sống nếu tìm trong « Google map » khu ngoại thành Liège tôi ở chắc chỉ lớn bằng « nửa hạt mè » , nước Bỉ đã nhỏ huống chi cái khu vực Angleur tôi sinh sống thì có là bao nhưng cũng may là thiên nhiên thứ gì cũng thấp thoáng, tuy núi không cao, sông không sâu, hang động kém kỳ bí so với muôn vàn nơi khác nhưng nhìn thấp thoáng trên ảnh xem cũng được và có lẽ sống lâu nên có cảm tình, thấy nó duyên dáng trong cả bốn mùa. Ngày còn đi học, bao nhiêu tác giả, tác phẩm ca ngợi mùa thu Hà Nội nhưng chỉ là những người đã sống và gắn bó lâu dài với nơi này, còn người từ nơi khác đến vào mùa này không có nhiều cảm xúc với cây cơm nguội vàng hay cây bàng lá đỏ, gió thu lãng đãng bờ hồ mà chỉ thấy màu đỏ che rợp phố phường mất hết sắc thu vàng, cái nhộn nhịp ca ngợi cách mạng mùa thu, thì ra đảng lúc nào cũng hỗn, muốn hơn cả đất trời.

Gắn bó vùng Angleur này đã 35 năm, hiện đã ngang bằng thời gian ở Việt Nam mà thời gian sau tuy không cam go như một thời đã qua nhưng chiêm nghiệm cuộc sống nhiều hơn lúc đầu, nghỉ ngơi cũng đã vài năm nhờ vậy có dịp ta bà thế giới, gặp gỡ tìm kiếm bạn bè để ba hoa.
Đi lang thang lúc nào trong túi cũng có máy chụp ảnh, lười thì có chiếc smarphone còn lúc hứng thì dùng loại máy khác nên hay ghi lại hình ảnh gởi các bạn xem .

Gare xe lửa Guillemins-Liège được xếp loại trong 10 nhà ga đẹp nhất thế giới với mái vòm bằng thép và những vật liệu hiện đại bằng kính và béton trắng, khánh thành năm 2009 để thay thế nhà gare cũ xây dựng năm 1958 với kinh phí 312.000.000 Euro
(photo Ara)Nhà thờ Sacré-Cœur và đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Cointe nằm cách gare vài trăm mét.
Tháng 11 sắp đến ngày lễ Các thánh và chiến sĩ trận vong được tổ chúc trọng thể tại đây,năm truóc vua và thủ tướng có đến dự lễ ngày chiến sĩ trận vong .
Vị trí chụp cách xa hơn cây số mới lấy được toàn cảnh, phải zoom lại 30 lần nên không được nét lắm (photo Ara)
Trên con đường đi vào « xóm thuyền » cái tên này là do tôi gọi, những chiếc thuyền lớn không còn được phép lưu hành trên sông nước, họ về khúc sông này, buông neo tạo thành khu xóm, cũng có địa chỉ hợp lệ , có đường gaz, điện, đường dẫn nước và thoát nước để không làm ô uế khúc sông. Những hàng cây che chắn thuyền như bờ rào , ló bên bờ rào ven sông một nhánh cúc báo hiệu mùa thu đến. Nhớ đến một điệu hò tán tỉnh của những chàng trai thương hồ phép tắc lễ nghĩa
Cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy
Saigon xa mà chợ Mỹ cũng xa
Gởi thư thăm hết người nhà
Trước thăm cha mẹ sau là thăm em
(photo Ara)
Những chiếc ghe thương hồ một thời tung hoành các bến bãi nay về nằm hưởng nhàn bên dòng sông lơ đãng trữ tình được nhà nước cấp phép « cắm sào » còn có đón khách hay không chỉ có trời biết nước biết (photo Ara)
Đưa đẩy vài mái chèo trên chiếc xuồng tam bản là đã đến một trung tâm thuơng mại mua sắm đồ dùng cần thiết hoặc la cà nơi quán café bâng quơ vài câu với các cô phục vụ.
(photo Ara)Từ gare đến cầu Fragnée độ hơn cây số, là chiếc cầu đẹp nhất Liège bắc ngang sông Meuse, cặp theo bờ sông vào mùa thu nhìn như tranh vẽ cũng sông núi cảnh sắc hữu tình.
(photo Ara)Phải zoom đến 30 lần mới thấy được đồi xanh xanh thoai thoải, đến đây tha hồ rước em lên đồi cỏ xanh ngập lối … hãy vất chiếc dép bước lên trên cỏ mềm.
( photo Ara)
Đường vào xóm thuyền
(photo Ara)Kênh đào Albert I ( Canal Albert I ) nằm ở phía đông bắc Bỉ, là tên vua Albert I của Bỉ , được kết nối các thành phố lớn Anvers và Liège bởi sông Meuse và sông Scheldt. Kênh có độ sâu 3,4 mét và chiều dài tổng cộng 129,5 km, cho phép lưu thông cho một sà lan trọng tải tối đa 10.000 tấn
(photo Ara)Chiếc thuyền nơi khúc sôngđược che chắn do một thân cây đổ ngang , trông có nét đẹp nhất là những hôm lãng đãng sương mù
(photo Ara)Con đường đi dạo vào mùa thu nằm trong một cù lao nhỏ mang tên Belle-île
(photo Ara)Dọc theo bờ sông Ourthe hàng cây rực rỡ riêng một góc trời, lá vàng lá đỏ chen nhau như tạo một bức tranh thiên nhiên tuyệt hảo , hàng cây này đẹp vào lúc hai tuần đầu tháng 10. Đến tháng 11 là đã trơ cành.
(photo Ara)Đây là loại cây Tilleul, có lá hình quả tim có răng cưa dùng làm trà uống an thần dễ ngủ, trồng nhiều ở các lối đi ,được đóng gói bán trong các siêu thị , hộp 20 gói cũng khoảng 1,5 Euro
(photo Ara)Cây lá đỏ này tôi chưa biết tên , hay trồng xen với các loại cây lá vàng khác
(photo Ara)Một con đường đi dạo và chạy bộ ven sông mang tên Quai Ardenne hàng cây hai bên đường là Maron dại, hạt maron dại này rụng đẩy đường, không ăn được, học sinh tiểu học đã được dạy cho biết
.(photo Ara)Giống như ao vuông(ao Bà Om)ở Trà Vinh nhưng nhỏ hơn nằm sau lưng château Péralta, gần con đường lên rừng
(photo Ara)Mùa thu giáo đường, đi ngang khi những hồi chuông ngân vang , nhà thờ St. Paul là nhà thờ lớn tại Liege , tọa lạc tại Place Cathédrale , chung quanh toàn quán café vỉa hè , nơi một vỉa hè thấy gác chuông bên cạnh nhánh lá vàng rực nên ghi lại.
(photo Ara)Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
…..
Khói thu xây thành (Tản Đà)
(photo Ara)Một buổi sáng tinh sương tháng 10 khi nghe dự báo thời tiết là nhiều sương mù, Ara bị cám dỗ bởi hình ảnh này nên dù có se lạnh cũng thức dậy sớm khoác áo tìm một góc được sương mù bao phủ .Cành cây rũ xuống dòng sông được phủ dầy sương
(photo Ara)Sương phủ kín nhà thủy tạ, nơi nghỉ chân của người đi dạo trong Belle-île; không phải lúc nào cũng có nhiều sương mù, cũng không phí một giấc ngủ nướng
(photo Ara)Một đêm thu trăng chưa được tròn trịa ,nhưng tôi lại thấy thích cái thiêu thiếu mới thấy cần đòi hỏi,cần tìm kiếm thêm cho được hoàn mỹ ; trăng thu 13 đấy , cũng sáng rực khoảng sân. Ở những nơi bình yên khi nghe » em không nghe mùa thu, dưới trăng mờ thổn thức, em không nghe rạo rực, hình ảnh kẻ chinh phu, bên lòng người cô phụ » làm sao họ hiểu được ngày xưa mùa thu nước ta là mùa bắt lính , mùa phơi thây trăm họ nên công một người.
( photo Ara)Hoàng hôn ven sông, vừa mới đỏ đèn, mấy hôm nay đổi giờ,6 giờ rưỡi chiều đã chập choạng tối
(photo Ara)Bóng đêm đã tràn ngập dòng sông, dưới nước phản chiếu lại hàng đèn đường
(photo Ara)Nàng thu khoác áo vàng lóng lánh đi dự bữa tiệc trần gian như óng ả hơn lên dưới ánh đèn
(photo Ara)Đêm thu lộng lẫy dưới ánh đèn như thế đó mà vắng bóng người chiêm ngưỡng, giờ này mọi người êm ấm quanh bàn ăn hay quây quần bên tách trà, chỉ có gã khờ này loay hoay với ống kính cảnh « áo gấm đi đêm »
(photo Ara)Ngập lá thu vàng chung quanh những bậc thềm, hắn la cà nơi này săn những khoảnh khắc lá rơi để ghi lại, mỗi chiếc lá dường như có tâm tình và cảm xúc riêng , có chiếc vẫn đỏng đảnh vương vấn sắc xanh, tươi cười, ngạo nghễ bên cạnh chiếc lá khác kiêu sa gợi tình trong chiếc áo nâu vàng kèm theo chiếc khăn quàng cổ xanh thẫm vẫn còn vương vấn trên cành, còn phần đông đã mang nhiều nếp nhăn nơi khóe mắt vành môi, chỉ đợi luồng gió mạnh là đáp xuống cạnh bạn bè.
hắn chọn cho tấm ảnh này một cái tên là « Thềm xưa »
(photo Ara)Không biết đến lúc nào Ara mới học được cái tính kiên nhẫn, tĩnh tâm như những ông »khều Hà Bá » này, cũng là một thú vui tao nhã đấy chứ ! nhưng biết làm sao sinh ra thích cái tính làm người « khôn » như cụ Trạng bàn chuyện nhân tình thế thái, » người khôn người đến chốn lao xao ». Cứ đén chốn lao xao là Ara như « cá gặp nước ».
(photo Ara)Chiếc xe đạp chỉ còn trơ khung bỏ lăn lóc, vậy mà vào tay một nghệ sĩ phố phường đem « thếp vàng », đặt vào một thân cây trên bãi lá vàng bỗng trở nên một tác phẩm nghệ thuật , ai đi ngang cũng dùng lại ngắm nghía gật gù.
(photo Ara) » Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá » hai cái nghề vốn trời cho. Lúc ở Bà Rá nghe những tay thợ rừng đi lùng gỗ khi gặp được thứ cần tìm là thông báo cho bạn bè » hôm nay đạp được 5 gốc cẩm lai », những cây mà họ tìm được đều vạt vỏ cây để lại dấu vết riêng ;họ có luật giang hồ bất thành văn là những kẻ đến sau không được đụng vào, rồi từ từ tìm cách kéo súc gỗ ra khỏi rừng.
Khu rừng Ara đến có những loại gỗ tốt như Chêne( sồi), hêtre. Tủ bàn làm bằng loại gỗ này giá đắt. Khúc gỗ đang ngồi là gỗ chêne cũng dùng làm thùng rượu vin
(photo Ara chụp tự động)Có đến 45 năm mới cầm lại chiếc pipe, quà kỷ niệm của bố tôi tặng lúc đi làm nơi vùng cao nguyên gió lạnh,những hôm se lạnh như hôm nay, nhồi một tẩu thuốc mà thưởng thức mùi thơm lan tỏa, nắm nồi thuốc ấm trong tay thú vị lắm.
Đã vào tháng thứ nhì của mùa thu, ngày đã ngắn dần càng lúc càng lạnh thêm cũng sắp thêm tuổi đời, cũng đã đến lúc cần thu xếp lại cuộc sống cho nhẹ nhàng hơn.(photo Ara chụp tự động)Giàn su trồng sau nhà, là nhà phố nên vườn không rộng, tôi cũng không thích trồng trọt chỉ vì chiều vợ làm tặng người bạn đời một giàn su,việc nặng tôi làm còn săn sóc thì…không có tôi, việc này thích hợp với nhà tôi . Giàn su có trên 20 năm , năm nào cung sai quả, có đến 500 quả mà nhà ăn nhiều lắm cũng chỉ vài ba chục quả, trồng không chút phân hóa học chỉ nhờ vào có nhiều giun đất thôi, biếu tặng nhiều người mà năm nào cũng để làm phân bón cả trăm quả.Quả to, cứ 3 quả là 1 kg(photo Ara)Cứ cuối tháng 10 là phải thu hoạch để tránh bất chợt nhiệt độ xuống âm.(photo Ara)Mọi năm còn thả dây bầu chung giàn ,bầu su lẫn lộn vui mắt lắm, nhưng năm nay bầu mất mùa,những quả su còn trên giàn.(photo Ara)Hoa su bé tí tẹo vậy mà đậu quả to gấp vài chục lần, khu vườn có nhiều ong bướm nên dễ dàng thụ phấn. Chụp lúc sáng sớm quả su còn tươm nhựa sau một đêm giao hòa với đất trời (photo Ara)Những cây đâm chồi sớm sẽ vàng lá và rơi rụng sớm theo chu kỳ, trên cành chỉ còn vài ba chiếc lá chờ cơn gió đưa đẩy nằm bên đồng loại( photo Ara)

Chỉ loanh quanh nơi góc nhỏ của Liège cũng ghi lại vài trăm bức ảnh trong carte mémoire(thẻ nhớ) của máy ảnh. Tôi chỉ gởi vào đây những hình ảnh của « nửa hạt mè » vào những mùa thu. Có những nơi có dịp đi qua đẹp lắm nhưng thiếu cái tâm tình nên chỉ để riêng thỉnh thoảng có dịp xem lại.

0 giờ sáng ngày lễ Các thánh
Toussaint Liège 1/1/2019
Ara Phát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét