Năm 1967, Trung Úy Trần Thy Vân là đại đội trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân. (Hình: Trần Thy Vân cung cấp)
Ông Trần Thy Vân luôn đi hàng đầu, cùng đồng bào trong các cuộc biểu tình chống Cộng Sản tại Little Saigon, Nam California. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
<!>
HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Tại vùng Little Saigon, Nam California, ai cũng thấy 1 người thương binh Mũ Nâu trong Quân Lực VNCH, ngồi xe lăn, luôn đi đầu cùng đồng bào trong đoàn người biểu tình chống Cộng Sản. Ông chính là cựu Trung Úy Trần Thy Vân, thuộc đơn vị Biệt Động Quân từng làm khiếp vía quân thù trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến Việt Nam.
Biệt Động Quân đã in dấu chân ở khắp chiến trường xưa qua những trận đánh ác liệt với quân Cộng Sản Bắc Việt tại các mặt trận Bình Giã, Đồng Xoài, trận Mậu Thân 1968, chiến dịch Cambodia, chiến dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và chiến tích lừng danh của Biệt Động Quân là trận tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, vào Tháng 2, 1973.
Trần Thy Vân là trung đội trưởng sau lên đại đội phó, hành quân Hạ Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719, đóng ở Đồi 300 trên đất Lào cách biên giới Lào-Việt 10 cây số. Cùng với Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đóng căn cứ trên 1 ngọn đồi ở Đông Bắc cách 2 cây số của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân, và Tiểu Đoàn Dù trên đường số 9 từ Khe Sanh chạy qua Savanakhet, Lào.
Ngồi tại nhà ở Huntington Beach, ông Trần Thy Vân kể, sau trận Hạ Lào, đơn vị Biệt Động Quân rút về, liên tục hành quân qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Tín, tham gia mặt trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, với nhiệm vụ án ngữ mặt hông, yểm trợ cho các Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn Dù tiến chiếm cổ thành.
Theo Hiệp Định Paris ngày 27 Tháng Giêng, 1973, Hiệp Định “Chấm Dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam,” còn gọi tắt là Hiệp Định Ba Lê hay Hiệp Định Paris, được chính thức ký kết giữa 4 bên gồm Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Cộng Sản Bắc Việt, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.
Hiệp định này có hiệu lực từ 8 giờ sáng (giờ Sài Gòn) ngày 28 Tháng Giêng, 1973.
Chữ ký chưa ráo mực, Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm ngay lập tức Hiệp Định Paris bằng các cuộc tấn công trên 4 quân khu khắp miền Nam Việt Nam. Vốn kinh nghiệm đối phó qua âm mưu “lấn đất giành dân” của Cộng Sản, các binh chủng Quân Lực VNCH đã đề cao cảnh giác với những cuộc tấn công này.
Đặc biệt nơi địa đầu giới tuyến Bắc Nam, tại Quân Khu 1 từ Quảng Trị trở vào, Cộng Sản đã tấn công Chi Khu Đức Dục tỉnh Quảng Nam, pháo kích Đà Nẵng gây áp lực tại Cửa Việt Quảng Trị, và Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 2 Sao Vàng Bắc Việt đánh chiếm giữ Sa Huỳnh gần tháng trời.
Về mặt địa lý, Sa Huỳnh mặt lưng giáp dãy Trường Sơn, mặt trước phình ra giáp biển, nơi mà Quốc Lộ 1 và cả đường rầy xe lửa Nam Bắc đều chạy dọc theo bờ biển, nên dân gian thường hay nói ví von “chạy ngang qua đây, người đi xe đò và người đi xe lửa có thể bắt tay nhau được.”
Từ lúc Sa Huỳnh bị chiếm, nguyên cả vùng Sa Huỳnh bị bế tắc, giao thông rất khó khăn. Mục đích của Cộng Sản Bắc Việt là cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế Nam Bắc, cắt thông thương về mặt dân sự và quân sự, nhất là Sa Huỳnh, 1 hải cảng quan trọng tiếp liệu từ mặt biển.
Sa Huỳnh thuộc quận Đức Phổ, nằm phía Nam thành phố Quảng Ngãi, giáp ranh tỉnh Bình Định, do Trung Đoàn 141/2, Sư Đoàn Sao Vàng Bắc Việt chiếm giữ khoảng 1 tháng trời. Vùng đất này thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH do Tướng Trần Văn Nhựt, Tư Lệnh Sư Đoàn 2, trấn giữ, sau khi điều 2 Trung Đoàn 5 và 6 tới không chọc thủng được phòng tuyến Cộng Sản, vì địa hình khá hiểm hóc và quân Cộng Sản được yểm trợ hùng hậu của các Sư Đoàn 302, 304 Bắc Việt nên phải rút trở ra.
Sau đó Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Quách Thưởng, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Biệt Động Quân 21, gồm 4 đại đội Biệt Động Quân đánh tái chiếm Sa Huỳnh.
Sinh viên sĩ quan Trần Thy Vân Khóa 22 Thủ Đức tại bến tàu Sài Gòn năm 1966. (Hình: Trần Thy Vân cung cấp)
“Dứt đẹp” Trung Đoàn 141/2 và tiểu đoàn phòng không Việt Cộng
Địch với lợi thế về địa hình trên bờ hướng Bắc đầm Nước Mặn bắn xuống, còn ta ở phía dưới trống trải, chỉ còn một cách duy nhất là đánh ngang hông quân Bắc Việt. Trung Úy Đại Đội Trưởng Trần Thy Vân, chỉ huy Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân, phải len lỏi trên đường rầy xe lửa từ hướng Bắc vô Nam, địa hình bằng phẳng và trống trải, dễ bị lộ diện rất nguy hiểm. Chỉ có 1 tuyến đối diện hướng Bắc mà cả tiểu đoàn Biệt Động Quân đánh hoài không vô được, vì bọn địch chiếm cứ cả khu đồi, ở trên cao bắn xuống, quan sát được hết mọi hoạt động ở phía dưới.
“Chúng tôi phải bò men theo đường rầy xe lửa Bắc-Nam đã bỏ hoang, cây cối um tùm che phủ, dây leo chằng chịt, bí mật di chuyển hàng dọc về hướng Nam, áp sát đánh ngang hông, tất cả hỏa lực lúc này ào ạt tập trung trực diện đánh bất ngờ, cận chiến dữ dội bằng lựu đạn từ ngang hông và cả sau lưng, đạn xẹt chan chát tóe lửa như pháo bông từ thành cầu bằng sắt dội lại, địch bị thương vong nặng nề nên bọn chúng phải tháo chạy,” ông kể.
Ông Thy Vân cho hay, nói nghe gọn nhẹ vậy chứ thật ra là cả một sự chịu đựng kinh khủng khi đại đội của ông chỉ còn 52 người, gặp sự kháng cự với hỏa lực rất mạnh của địch từ chỗ nấp bắn ra, trong khi quân ta mình trần thân trụi phải bò đến thật gần địch khoảng 100 mét mới đồng loạt khai hỏa.
Trận “Hỏa Táng” “nướng” gần hết phòng tuyến thép 141/2 Bắc Việt
Ông Trần Thy Vân cho biết: “Sau khi tái chiếm lại Sa Huỳnh, Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân thừa thắng tiến áp sát vô 1 đồn của Địa Phương Quân bị bỏ hoang nằm trên đồi, nhưng vẫn còn lá cờ VNCH cắm trên nóc. Ngay sau khi toán thám báo Đại Đội 1/21 cho biết trong đồn không có người, lập tức tôi nghĩ rằng Việt Cộng đã lấy được đồn nhưng để lại lá cờ VNCH để nhử bọn tôi vào, lúc đó chúng ở bên ngoài sẽ tấn công đánh úp vô.”
Với suy tính thật nhanh trong đầu, ông Vân nghĩ: “Tương kế tựu kế, tôi liền cho đại đội tràn vô đồn bố trí, nấu cơm chiều và mời đồng bào ở phía dưới đầm Nước Mặn lên, căn dặn rằng đêm nay chúng tôi đóng quân tại đây, nếu có ai đau ốm cần thuốc men chữa bệnh cứ thắp đèn cầm tay, đi vào đồn chúng tôi sẽ chu cấp đầy đủ, với mục đích là để tin tức này lan truyền đến tai Việt Cộng.”
Sinh viên sĩ quan Trần Thy Vân Khóa 22 Pháo Binh tại Dục Mỹ. (Hình: Trần Thy Vân cung cấp)
Ông Thy Vân kể tiếp: “Trời chạng vạng, tôi cho nấu cơm khói bay mịt mù, và sau buổi cơm chiều, tất cả đại đội bí mật rút hết ra ngoài, không một ai ở trong đồn. Đúng như dự đoán, 9 giờ trời tối hẳn bọn chúng xung phong biển người dùng thủ pháo tấn công trước, mặt bên hông đánh vô, còn mặt phía bên đầm ở dưới đánh lên, nhào vô đồn cận chiến, cùng với đạn cối 82 nổ dồn dập, tiếp theo là B40, AK và các thứ bộc phá dộng vào đồn ầm ầm vang rền, nhất là 2 mặt Tây và Nam. Pháo binh nhờ chúng tôi báo trước tọa độ, cứ thế mà rót đạn thật chính xác, khi lọt vô đồn, bọn chúng rút ra cũng không được vì bị bọn tôi bao vây bên ngoài bắn chặn, tất cả các loại đạn nổ vang, sáng cả bầu trời đêm, cả khu đồn đỏ rực như núi lửa phun trào. Đây được coi là trận "Hỏa Táng" làm tiêu tan gần hết sạch cả "Phòng tuyến thép 141/2" của Việt Cộng”.
Theo ông, sáng hôm sau vào đồn kiểm tra, ông thấy cả 1 khối thịt xương tan nát vương vãi khắp nơi, máu tung tóe trên vách hầm lô cốt, bên giao thông hào, và các hàng rào kẽm gai chung quanh, không ai còn hình thù gì. Trận đó tịch thu 22 súng AK gãy nát và 1 súng cối.
“Đúng như tôi nhận xét, nếu Việt Cộng chiếm được đồn mà sao cờ VNCH vẫn còn tung bay trên nóc. Đây là chiến thuật nghi binh mà người xưa đã từng áp dụng và nay cả 2 bên đều xài lại, nhưng chính bọn chúng cũng không ngờ bị phản kích 1 đòn chí mạng, chịu thất bại chua cay. Trận "Hỏa Táng" này tôi có viết lại đầy đủ trong sách "Anh Hùng Bạt Mạng," và gần đây phía bên kia có lấy sử dụng làm tư liệu lịch sử của họ về việc đánh chiếm Sa Huỳnh, tất nhiên họ bỏ đi những đoạn bị thất bại nặng nề sau trận tấn công của Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đêm ấy, tái chiếm lại Sa Huỳnh, đánh tan phòng tuyến thép Trung Đoàn 141/2 Cộng Sản, bọn chúng chết gần hết,” ông Trần Thy Vân kể.
“Theo đà, bọn tôi tạt ngang tiến về phía núi gần mé biển, đánh chiếm khu đồi, tịch thu được nguyên "Con gà cồ 12 ly 8", là súng phòng không để bắn máy bay, đường đạn bay rất xa và mạnh, là chiến thuật bọn Việt Cộng áp dụng, vừa bắn máy bay vừa có thể hạ thấp nòng xuống, bắn thẳng vào lực lượng bộ binh, do đó khi gặp hỏa lực này, bộ binh khó tránh khỏi thương vong! Như vậy chỉ trong 2 ngày, Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân đã tái chiếm được Sa Huỳnh và tiến chiếm thêm toàn bộ vùng chung quanh,” ông Vân giải thích.
Ông Trần Thy Vân gặp lại Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lần 2 năm 1998 tại Nam California. (Hình: Trần Thy Vân cung cấp)
Trên đầm Nước Mặn
Ông Vân kể tiếp: “Sau trận tái chiếm Sa Huỳnh, chúng tôi trấn cả 1 vịnh ngay cửa biển. Đám tàn quân Sư Đoàn 2 Sao Vàng Cộng Sản Bắc Việt từ vịnh này, lợi dụng trời tối, dựa theo các hốc đá, cả đám tháo chạy dọc theo sát vách đồi dưới bờ đầm. Khi chúng tôi phát giác được, từ trên cao, những khẩu M60 quạt tới tấp cùng với lựu đạn nổ vang trời xé tan màn đêm. Sáng ra kiểm tra lại, có 27 xác chết, thu được 24 súng gồm AK, B40, K59, cạnh đó là căn hầm kiên cố hình chữ L sát mé nước, có lẽ là chỗ trú đóng của bộ chỉ huy Trung Đoàn 141/2 Cộng Sản Bắc Việt, đó là dịp tịch thu được nhiều chiến lợi phẩm nhất của Biệt Động Quân.”
Sau đó có 1 nhóm tàn quân Cộng Sản trên hàng chục chiếc ghe, lợi dụng trời tối chèo từ phía Đông vô bờ về phía Quốc Lộ 1 để trốn vào núi, ông Vân cho tọa độ để pháo binh bắn T.O.T (target-on-time) chính xác, với những quả 105 ly đã nhận chìm hết đám ghe, tiêu diệt gọn gần trăm tên, súng ống đạn dược bị “thủy tang” ngay trong đêm.
Điều gây ngạc nhiên khi ông Vân nói: “Trận tái chiếm Sa Huỳnh kể cũng lạ, nói là đại đội chứ chúng tôi thực sự chỉ còn có 52 tay súng (vì trước đó đã bị Không Quân VNCH oanh kích nhầm, làm tiêu vong gần nửa quân số), lại đánh tan cả 1 trung đoàn 141/Sư Đoàn 2 Sao Vàng Cộng Sản cùng với 1 Tiểu Đoàn Phòng Không Bắc Việt tăng cường, tức bọn chúng có 4 tiểu đoàn là 16 đại đội. Hàng ngàn xác chết bị vùi dập, từ trên các dãy đồi xuống tận đáy sâu đầm Nước Mặn. Tính trung bình là 1 chiến sĩ Biệt Động đánh bại xuội ít nhất 16 tên địch tại đây, chuyện rất hiếm có trong chiến tranh Việt Nam.”
Ngày 15 Tháng 2, 1973, Quốc Lộ 1 được khai thông, đoàn xe dân sự kéo dài hàng mấy cây số, chờ đợi cả nửa tháng nay vui mừng tiếp tục xuôi Nam ngược Bắc.
Từ đó, Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân tiến xuống phía Nam đánh thêm mấy trận nhỏ nữa, chiến thắng toàn bộ trận Sa Huỳnh vào Tháng Ba, 1973, bình định cả vùng Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Sau đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có đến thăm và khen thưởng các cấp, và ông Vân cũng có nhắc lại trận đánh này khi được gặp tổng thống tại San Jose, Bắc California, ngày 25 Tháng 3, 1990, trong dịp Tổng Thống Thiệu gặp lại các cựu quân nhân VNCH và đồng hương.
Ông Thy Vân hồi tưởng: “Từ khi khởi sự tái chiếm Sa Huỳnh, 4 Đại Đội Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân với thành tích chung đã loại khỏi vòng chiến khoảng 500 quân địch, bắt sống 19, tịch thu 256 súng đủ loại. Riêng Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân do tôi chỉ huy tiêu diệt hơn 200 tên, bắt sống 19 như trên, tịch thu 106 súng, trong đó có 1 Phòng Không 12 ly 8, chưa kể đạn và thuốc nổ, cũng như không thể đếm được đống thịt bầy nhầy trong đồn lính, và hơn 100 tên bị "thủy tang". Phía Đại Đội của tôi hy sinh 2 người, bị thương 4 người.”
“Trong trận tái chiếm Sa Huỳnh, có 1 chuyện không vui xảy ra, khi Tổng Thống Thiệu và phái đoàn Bộ Tổng Tham Mưu bay ra thị sát mặt trận và khen thưởng chiến sĩ, không hiểu tại sao súng ống các loại bày ra hơn 300 khẩu, có cả khẩu Phòng Không 12 ly 8 mà Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đã hy sinh bao nhiêu xương máu, gian khổ mới chiếm được để trừ khử mối nguy hiểm cho anh em. Khi chúng tôi ra ngoài dàn chào tổng thống, đưa phái đoàn vào trình diện chiến lợi phẩm tịch thu, trước đó được ghi rõ là của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân mà bây giờ lại trở thành là Sư Đoàn 2 Bộ Binh, làm anh em ai nấy đều chưng hửng. Phái đoàn Tổng Thống Thiệu đến và đi nhiều nơi khác nữa nên không ai có thời gian để trình bày, làm Biệt Động Quân mất luôn cả công trận và khen thưởng đặc cách. Chuyện này tôi có viết lại rất rõ trong quyển "Anh Hùng Bạt Mạng" đã tái bản đến lần thứ tư,” ông Vân cười buồn kể lại.
(Văn Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét