Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Lời Chúc & Tết Trung Thu Tại Hàn Quốc và Kính Chuyển Tin Quốc Tế Việt NamTheo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Lời Chúc Tết Trung Thu 2023!
Kính Chúc Quý Vị và Gia Quyến, Một Tết Trung Thu Tràn Ngập Ánh Trăng Vàng Sáng Hạnh Phúc, Bên Cạnh Tiếng Cười Vui Của Chú Cuội, và Với Nét Dịu Dàng Yêu Thương Đầm Ấm Của Chị Hằng Nga!
Nhân dịp hiện giờ Gia đình tôi đang ở Hàn Quốc, xin chuyển chút không khí Mừng Tết Trung Thu tại xứ sở Kim Chi, để thêm một chút hương vị cho cái Tết đặc biệt này.
<!>

Chúc Mừng Tết Trung Thu!


Lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc cho người dân ăn Tết lớn chưa từng thấy! cho nghỉ vui chơi, mừng Tết Trung Thu 2023, kéo dài…6 ngày!


-Tết Trung Thu, còn có tên (Chuseok) là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm của Hàn Quốc! Lần đầu tiên chính phủ nước này cho phép nghỉ Trung Thu 6 ngày liên tục! nên người dân vui mừng đổ về quê đón Tết rất đông.


(Ảnh: Người dân chờ xe tại một bến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/9, để trở về quê nhà đón Tết Trung Thu (Chuseok).


Hàn Quốc chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Trung Thu (Chuseok) kéo dài trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 28/9. Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm đối với người dân nước Kim Chi này.


Nhân dịp lễ Têt Trung Thu năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Kun-hee, đã gửi thông điệp chúc Tết Chuseok tới toàn thể người dân. Trong video chúc mừng, Tổng thống gửi lời chúc toàn dân có “một mùa Trung Thu thịnh vượng, hạnh phúc tràn đầy.”


Tổng thống Yoon Seok Yeol cũng bày tỏ cảm ơn lượng lực quân đội, cảnh sát và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong kỳ nghỉ lễ, đồng thời kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, để lan tỏa tình người và để mọi người dân dù ở đâu cũng đều có được một mùa Trung Thu an lành, ấm áp.


Nhân đây xin được nêu lên những điều thú vị về Tết Trung Thu ở Hàn quốc mà có thể bạn chưa biết

Đây là Tết Trung Thu đầu tiên Hàn Quốc bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch COVID-19 sau 3 năm kéo dài và cũng là lần đầu tiên chính phủ cho phép nghỉ Trung Thu 6 ngày liên tục! nên người dân Hàn Quốc di chuyển đổ về quê đón Tết rất đông.


Khoảng có hơn 40 triệu! lượt người sẽ về quê hoặc đi du lịch, thăm thân trong dịp nghỉ lễ Tết năm nay, tăng 27% so với năm ngoái.

Tổng Công ty Thương mại Nông Thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc cho biết, theo kết quả khảo sát giá cả các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung Thu, chi phí chuẩn bị đồ cúng lễ tổ tiên dịp Tết năm nay của người dân Hàn Quốc bình quân 304.434 won (227,9 USD), giảm 13.000 won (9,7 USD) so với dịp lễ năm 2022.


(Ảnh: Cảnh kẹt xe, giao thông trên một tuyến đường ở Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, do đông người dân về quê đón Tết Trung Thu Chuseok.)

Nguyên nhân là nguồn cung các mặt hàng năm nay dồi dào hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ giảm giá với các sự kiện khuyến mãi của các doanh nghiệp phân phối, nên giá cả duy trì ở mức tương đối ổn định.


Theo số liệu khảo sát, giá cả năm nay thấp hơn 6,4% so với năm ngoái. Từ ngày 7-20/9, giá tỏi, củ cải, cá hố giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá một số mặt hàng thủy sản như cá đù vàng, cá minh thái, cá thu và thịt gà tăng so với cùng kỳ năm trước.

Các chợ đầu mối truyền thống đã bắt đầu phát triển chương trình hoàn tiền một phần giá trị mua hàng bằng phiếu mua hàng "Onnuri."

Chính phủ đang hỗ trợ 67 tỷ won (50,1 triệu USD) cho các sự kiện giảm giá và dự kiến nâng thêm hạn ngạch thuế quan, tức miễn thuế với thịt gà và thịt lợn nhập khẩu cho tới trước Trung Thu nhằm ổn định giá tiêu dùng./.

Nhân dịp này, khám phá nét đẹp Tết Trung Thu Hàn Quốc không phải ai cũng biết


-Lễ Chuseok – ngày tết Trung Thu của người Hàn Quốc là một trong những ngày Tết truyền thống lớn nhất. Vào ngày lễ này, người dân xứ sở kim chi được nghỉ lễ chính thức. Vậy Tết trung thu Hàn Quốc có ý nghĩa, nguồn gốc và phong tục đặc sắc nào? Cùng khám phá trong bài viết này nhé!

Tết trung thu – ngày lễ truyền thống lớn nhất tại Hàn Quốc


Chuseok có nghĩa là “đêm mùa thu”, đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Đây là thời điểm khi việc đồng áng đã đến độ thu hoạch, người nông dân có thời gian nghỉ ngơi, rảnh rang, vụ xuân cũng nhàn nhã hơn.

Vào thời điểm này, người nông dân dâng lễ để biết ơn thần linh, tổ tiên đã giúp mùa màng bội thu và cầu nguyện cho mùa màng sau. Các gia đình sum họp, quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình sau buổi cúng lễ.


Tại Hàn quốc, người dân được nghỉ nhiều ngày để trở về nhà, sum vầy bên người thân, dành tặng nhau những món quà ý nghĩa trong ngày Tết trung thu.

* Phong tục đón tết trung thu ở Hàn Quốc với Mâm cơm cúng trung thu cầu kỳ, công phu ở Hàn Quốc

Mâm cỗ cúng Tết trung thu Hàn Quốc rất công phu, hoành tráng và ấn tượng. Người Hàn quốc chú trọng mọi món ăn trong ngày lễ Trung thu, mâm cơm cúng có thể lên đến tận 10 món khác nhau.


*Hoạt động phổ biến trong ngày Chuseok, Phong tục thờ cúng tổ tiên (Charye)

Vào buổi sáng ngày đầu tiên của lễ Chuseok, gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm. Món ăn chủ đạo được dùng để cúng bái là Mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch). Sau khi cúng, các thành viên quây quần bên nhau để “thụ lộc” của tổ tiên ban cho.


Nghi thức “Beolcho và Seongmyo” là cách người dân Hàn quốc thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Hoạt động này giống với phong tục tảo mộ trong tiết Thanh minh của người Việt Nam trong Tết Nguyên đán.


Trong ngày Chuseok, cả gia đình đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, họ bày biện mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa dâng cúng lên tổ tiên, cầu mong bình yên, hạnh phúc và sung túc.



*Trò chơi truyền thống trong Tết Trung Thu Hàn Quốc, Múa ganggangsullae

Điệu múa ganggangsullae được xem là hoạt động nghệ thuật tiêu biểu trong dịp Tết Chuseok. Các cô gái mặc những bộ hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc), tụ họp lại dưới ánh sáng đêm trăng rằm, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa.

*Trò chơi Juldarigi (kéo co)

Trò chơi kéo co là trò chơi phổ biến dành cho tất mọi lứa tuổi. Các đội được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố.

Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài. Tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười và những khuôn mặt hăng say khiến cho bầu không khí thêm rộn ràng, vui nhộn.


*Trò chơi Ssireum (đấu vật)

Trò chơi này là cơ hội để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình. Trên bãi cỏ hoặc bãi cát, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp. Người chiến thắng là người trụ lại đến cuối cùng – Jangsa (tráng sĩ) được nhận rất nhiều các giải thưởng của dân làng.

*Phong tục Olgesimni (tục treo ngũ cốc khô trước cửa)

Sau khi thu hoạch, người Hàn Quốc chọn ra trong mỗi loại ngũ cốc những bó chín đượm nhất để treo lên cột nhà, cửa chính hay trước hiên nhà. Phong tục này thể hiện tinh tuần hoàn của đất trời, mùa màng và ước nguyện có những mùa màng sung túc, bội thu.

*Món ăn tiêu biểu trong Tết Trung Thu

-Món Songpyeon

Là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, gạo không dính, có nhân là vừng, đậu, đậu đỏ. Songpyeon được hấp trên một lớp lá thông mang đến hương thơm đặc biệt. Bánh cũng được tạo hình giống trăng non với gửi gắm mang đến tương lai tươi sáng và thành công của mọi gia đình.

-Món Toranguk – canh khoai sọ

Khoai sọ, tiếng Hán còn được gọi là thổ noãn – nghĩa là trứng dưới lòng đất. Vì khoai sọ chứa nhiều tinh bột và có nhớt nên khi chế biến, nhất thiết phải luộc qua nước muối hoặc nước vo gạo. Canh khoai sọ thường được ninh cùng với ức bò hoặc gân bò và được coi là món canh bổ dưỡng, thanh đạm rất thích hợp để thưởng thức vào mùa thu.

-Rượu Baekju – bạch tửu

Vào dịp Chuseok, người Hàn Quốc rất thích tụ tập ăn uống với gia đình, tiếp đãi bạn bè nên trên bàn tiệc không thể thiếu men rượu. Ngoài loại rượu thông thường là Soju còn có một loại rượu truyền thống được làm từ gạo mới gọi là Baekju.

Tết trung thu là một dịp lễ rất quan trọng đối với người dân xứ kim chi. Hy vọng bài viết ngắn này sẽ giúp bạn khám phá nét đẹp của phong tục, văn hóa Hàn Quốc, mà mỗi Quốc Gia mừng Tết Trung Thu khác nhau, rất nhiều nét thú vị so với Tết Trung Thu Việt Nam.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Do Thái và Ả Rập Saudi Tiến Gần Đến Bình Thường Hóa Quan Hệ

-Ngày càng có thêm những tín hiệu Do Thái và Ả Rập Saudi xích lại gần nhau: Do Thái gửi điện chúc mừng Quốc khánh Ả Rập Saudi, cử các viên chức đến họp tại Riyadh. Gần đây, lãnh đạo hai nước liên tiếp có những phát biểu lạc quan về một thỏa thuận bình thường hóa giữa Nhà nước Do Thái và vương quốc vùng Vịnh, trong sự hy vọng của Hoa Kỳ, nhưng lại gây không ít lo lắng cho người Palestine và một số nước Ả Rập.

Thông tín viên Nicolas Keraudren của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Dubaï tóm lược:

Giữa Ả Rập Saudi và Do Thái, những dấu hiệu xích lại gần nhau ngày càng thường xuyên hơn.

Đầu tháng này, một phái đoàn gồm 5 nhà ngoại giao Do Thái đã tới vương quốc Ả Rập, lần đó là để tham dự một cuộc họp do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi-Do Thái dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhất là khi Hoàng Thái tử Ả Rập Saudi, ông Mohammed ben Salmane, tuần trước đã tuyên bố trên kênh truyền hình Mỹ Fox News rằng vương quốc này "từng ngày đang tiến gần" tới một thỏa thuận với Do Thái.

Điều đó không có nghĩa là việc bình thường hóa quan hệ đang gần kề. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đó, ông Mohammed ben Salmane vẫn được gọi tắt là MBS, cũng đã nhấn mạnh sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine vẫn "rất quan trọng" với Riyadh. Những tuần qua, Ả Rập Saudi liên tục lên án "các hành vi khiêu khích liên tục diễn ra tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng chiếm đóng Do Thái.


Chỉ Huy Hạm Đội Hắc Hải Nga Xuất Hiện Qua Cầu Truyền Hình, Sau Khi Ukraine Đưa Tin Ông Thiệt Mạng

-Hôm 26/9/2023, Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải Nga, dự một cuộc họp qua cầu truyền hình.

Mạc Tư Khoa gián tiếp bác bỏ tin được phía Ukraine loan tải vài tiếng đồng hồ trước đó, khẳng định vị Đô đốc này đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhắm vào trụ sở của Hải quân Nga ở Sebastopol, Crimea, hôm 22/9/2023. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

Một sự phối hợp rất chặt chẽ về mặt thời gian. Vào lúc 1 giờ 15 phút trưa, giờ Mạc Tư Khoa, trong cuộc họp báo thường nhật, một nhà báo Nga đặt câu hỏi với phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh, yêu cầu ông Dmitri Peskov bình luận, xin trích, "về những tin đồn từ phía truyền thông Ukraine cho rằng, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải dường như đã thiệt mạng trong cuộc tấn công gần đây nhắm vào trụ sở của Hạm đội ở Biển Đen, tại Sebastopol".

Dmitri Peskov đáp lại: "Không, không có bất kỳ một thông tin nào từ bên Bộ Quốc phòng, và đây là thẩm quyền của bộ này. Chúng tôi không có gì để bình luận ở đây cả".

Chỉ 4 phút sau đó, nghĩa là thời gian vừa đủ để cho báo giới truy cập vào mạng Telegram của Bộ Quốc phòng trong lúc cuộc họp báo của ông Peskov vẫn tiếp diễn, để mọi người trông thấy hình ảnh Bộ trưởng Sergei Shoigu phát biểu trước các viên chức Bộ Quốc phòng, như những cuộc họp thường lệ, nhưng hôm qua mọi người trông thấy hình ảnh của Đô đốc Sokolov.

Đến 1 giờ 35 phút trưa, kênh Zvezda, một kênh riêng của Bộ Quốc phòng Nga, phát bài phát biểu kéo dài 8 phút của Bộ trưởng Shoigu và Đô đốc Sokolov xuất hiện tổng cộng 5 lần trong nhiều giây.


Đức Kêu Gọi Azerbaijan Cho Quan Sát Viên Quốc Tế Tới Thượng Karabakh Thẩm Định Tình Hình

-Một tuần lễ sau khi Azerbaijan dễ dàng chiếm được ốc đảo Thượng Karabakh, nơi đa số dân cư là người Armenia, hàng chục ngàn người tiếp tục tìm cách sang Armenia tị nạn. Hôm 27/9/2023, Ngoại trưởng Đức kêu gọi chính quyền Baku cho phép quan sát viên quốc tế đến thẩm định tại chỗ.

Trong thông cáo, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nhấn mạnh, "cho phép quan sát viên quốc tế đến giám sát tình hình chứng tỏ Azerbaijan thi hành nghiêm túc cam kết bảo đảm an toàn cho dân cư trong vùng Thượng Karabakh". Chính quyền Bá Linh đòi Azerbaijan bảo đảm cho tất cả những người Armenia ở Thượng Karabakh phải được "bình yên và không bị truy đuổi khỏi nơi họ đang sinh sống". Viện trợ nhân đạo của Đức cho dân cư trong vùng được nâng từ 2 lên thành 5 triệu Euro.

Theo hãng tin Pháp AFP cho biết, tính đến tối 25/9, đã có hơn 28.000 người di tản đến được Armenia, nhưng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn như tường thuật trực tiếp vào lúc 8 giờ sáng 27/9 của đặc phái viên đài truyền hình France 24 Taline Oundjian từ Goris. Đây là một thành phố trên lãnh thổ Armenia giáp ranh với Thượng Karabakh và là cửa ngõ đón nhận người di tản:

"Hàng ngàn người vẫn tiếp tục chạy sang Armenia. Họ phải đi mất 30 tiếng đồng hồ để ra khỏi ốc đảo Thượng Karabakh bởi không có xăng. Những tình nguyện viên đem thùng xăng ra đến tận sát biên giới để những ai có xe có thể đi tiếp đến Goris. Trước nhà hát của thành phố này, hàng trăm người đã tập hợp về đây, nhiều người phải ngủ qua đêm trong xe cho dù là trời đã bắt đầu lạnh.

Nhân viên cấp cứu đã bị quá tải, không còn xăng hay bánh mì để phát cho những người vừa mới đến. Chính quyền Armenia, các hội đoàn, giới quan sát viên trong khu vực kêu gọi Azerbaijan để cho các toán thanh tra và kể cả phóng viên đến thẩm định tình hình tại vùng Thượng Karabakh và nhất là để cung cấp nhu yếu phẩm cho những người bị cưỡng bách di dời chỗ ở kể từ vụ tấn công của Azerbaijan hôm 19/9/2023.

Hôm 26/9, trực thăng liên tục hoạt động trong khu vực này. Azerbaijan mở không phận cho Nga di tản hàng trăm người bị trọng thương sau vụ nổ ở một trạm xăng. Hàng chục người đã thiệt mạng. Dân cư tiếp tục di tản khỏi vùng Thượng Karabakh. Dự kiến sẽ có hơn 100.000 người Armenia ở đây phải rời ốc đảo này và rất nhiều người biết chắc là sẽ không bao giờ có thể quay trở lại".

Baku trong thông cáo sáng 27/9 cho biết đã có 192 quân nhân và 1 thường dân thiệt mạng trong đợt oanh kích hôm 19/9/2023. Hơn 500 lính bị thương. Lực lượng ly khai Armenia ở Thượng Karabakh thì đưa ra con số 213 người chết.

Ốc đảo Thượng Karabakh nằm trên lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng đa số dân cư là người Armenia theo đạo Thiên Chúa.


Gia Nã Ðại: Chủ Tịch Hạ Viện Từ Chức Vì Vinh Danh Một Nhân Vật Phát-Xít

-Đón tiếp Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, hôm 22/9/2023 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Gia Nã Ðại đã có phát biểu vinh danh cựu binh Ukraine, Yaroslav Hunka (98 tuổi), như là vị anh hùng chống Liên Xô, trước sự tung hô của tất cả cử tọa và khách mời tại Hạ viện.

Có điều là ngay sau đó, một tổ chức của người Do Thái phát giác ra người "anh hùng" đó đã phục vụ Đức Quốc xã. Hệ quả của sự việc này, hôm 26/9, Chủ tịch Hạ viện Anthony Rota đã phải từ chức. Thông tín viên Pascale Guéricolas của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Québec cho biết thêm thông tin:

Thật khó hiểu làm thế nào mà một sai lầm như vậy lại có thể xảy ra tại Quốc hội Gia Nã Ðại. Theo ý cá nhân, Chủ tịch Hạ viện Gia Nã Ðại đã vinh danh một cựu chiến binh Ukraine chống Liên Xô thời kỳ đầu tiên (trong Đệ nhị Thế chiến). Nhân vật này là công dân trong khu vực bầu cử của ông và ông không hay biết về quá khứ phát-xít của nhân vật này.

Khi sự việc bị phát giác, trước tiên hai đảng đối lập yêu cầu ông từ chức. Ngay sau đó, bà Ngoại trưởng Mélanie Joly nhận định sự việc này khiến mọi người dân Gia Nã Ðại cảm thấy khó xử.

Ông Anthony Rota đã không còn sự lựa chọn nào khác là từ chức. Đây là lần đầu tiên ở Gia Nã Ðại, Chủ tịch một viện Quốc hội từ chức. Tuy nhiên, một số đảng đối lập còn muốn đi xa hơn. Họ yêu cầu Thủ tướng phải xin lỗi. Đó là lời xin lỗi cộng đồng người Do Thái, các nước đồng minh và không nên quên cả Tổng thống Zelensky mà chuyến thăm của ông đã bị làm hoen ố vì sự việc đáng tiếc này.


Lãnh Đạo Quần Đảo Solomon: Không Họp Thượng Đỉnh Với Tổng Thống Hoa Kỳ Để Khỏi Nghe 'Rao Giảng'

Thủ tướng Quần đảo Solomon, ông Manesseh Sogavare cho biết là ông quyết định không dự cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này để tránh phải nghe "rao giảng" và vì ông có nhiều vấn đề cấp bách hơn ở ngay trong nước.

Ông Sogavare, người đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Tư (27/9/2023), sau khi trở về Quần đảo Solomon từ Hoa Kỳ, nơi ông đã phát biểu tại Liên Hiệp Quốc nhưng không tham gia cùng với các nhà lãnh đạo khác thuộc Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương để họp thượng đỉnh ở Hoa Thịnh Ðốn trong 2 ngày.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp giới lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai tại Tòa Bạch Ốc chỉ trong hơn một năm hôm 25/9. Đây là một phần trong chiến dịch gây thiện cảm nhằm kiềm chế sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực mà Hoa Thịnh Ðốn coi là quan trọng về mặt chiến lược.

Ông Sogavare cho hay ông đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2022 và "không có kết quả gì từ sự kiện đó".

"Họ rao giảng với bạn về chuyện họ tốt đẹp ra sao", ông nói, theo đoạn video về cuộc họp báo do hãng truyền thông Tavuli News của Quần đảo Solomon công bố vào tối 27/9.

Thủ tướng Sogavare cho biết ông về nước vì còn 10 tuần họp Quốc hội ở Quần đảo Solomon, là hoạt động quan trọng hơn.

Trong một tuyên bố hôm 27/9, Thủ tướng Papua New Guinea, ông James Marape nói rằng cuộc họp thượng đỉnh đã ghi nhận việc Hoa Kỳ đưa ra cam kết quan trọng về đầu tư cơ sở hạ tầng và cuộc họp là một "bước quan trọng hướng tới việc làm cho Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng hơn".

Ông Biden cam kết sẽ làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để cấp thêm 200 triệu Mỹ kim tài trợ cho các dự án trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Sogavare đã ca ngợi rằng sự hợp tác về phát triển của Trung Quốc "ít tính hạn chế hơn".


Mỹ-Ấn Kêu Gọi Tự Do, Ổn Định Cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

-Ngày 26/9/2023, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ nói nước này cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và ổn định, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia được tôn trọng, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tướng Manoj Pande đưa ra nhận xét này tại Hội nghị Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Ấn Độ và Mỹ tổ chức, tập trung vào việc thúc đẩy ngoại giao và hợp tác quân sự cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các tư lệnh Lục quân và các phái đoàn từ 30 quốc gia sẽ tham dự sự kiện kéo dài hai ngày, kết thúc vào 27/9.

Tướng Pande nói rằng trong khi các nước trong khu vực đang nỗ lực hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, "chúng ta đang chứng kiến những biểu hiện của tranh chấp và cạnh tranh giữa các quốc gia" – ám chỉ Trung Quốc, quốc gia đã tăng cường các hoạt động trong khu vực.

Cả Tướng Pande lẫn Tư lệnh Lục quân Mỹ Randy George đều không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong phát biểu của họ.

Khi được hỏi về sự bành trướng của Trung Quốc, tại một cuộc họp báo, Tướng George cho biết khu vực này là một ưu tiên quan trọng đối với Hoa Kỳ. "Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây và tại sao chúng tôi tập trận nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở Thái Bình Dương, để xây dựng tất cả những điều này. Điều mà hội nghị này chứng tỏ... là sự đoàn kết và cam kết của (chúng ta)", Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ nói.

Tại lễ khai mạc được tổ chức sau đó, Tướng Pande cho biết quan điểm của Ấn Độ là tập trung vào giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh sử dụng vũ lực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nói thêm rằng ngoài những thách thức về an ninh hàng hải, khu vực này còn phải đối mặt với những lo ngại về an ninh và nhân đạo trên đất liền, bao gồm tranh chấp lãnh thổ và "các hòn đảo được mở rộng nhân tạo để có được bất động sản và thiết lập căn cứ quân sự" – một ám chỉ khác đến Trung Quốc.

Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đối với các hòn đảo đã khiến các nước láng giềng nhỏ hơn của Bắc Kinh ở Đông Nam Á cũng như Nhật Bản lo lắng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Tân Ðề Ly và Bắc Kinh đã xấu đi kể từ năm 2020, khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ dọc biên giới ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.


Phi Luật Tân Kêu Gọi Ngư Dân Tiếp Tục Hoạt Động Tại Khu Vực Bãi Cạn Scarborough

-Theo hãng tin Reuters, hôm 27/9/2023, lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân kêu gọi các ngư dân của nước này tiếp tục hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough cũng như tại các khu vực khác ở Biển Đông, đồng thời cam kết sẽ gia tăng các cuộc tuần tra, bất chấp sự hiện diện đông đảo của phía Trung Quốc.

Trả lời đài phát thanh DZRH, phát ngôn viên của lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân, Commodore Jay Tarriela cho biết các tàu của Phi Luật Tân không thể hiện diện thường trực, nhưng lực lượng này cam kết sẽ bảo vệ quyền của ngư dân trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân.

Hôm 25/9, lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân thông báo đã dỡ bỏ phao nổi mà Trung Quốc lắp đặt gần bãi cạn Scarborough, nhằm ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tiếp cận khu vực này.

Hôm 26/9, Bắc Kinh đã có phản ứng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Manila tránh những hành động "khiêu khích" và "gây bất ổn". Đáp lại tuyên bố đó, trong một cuộc điều trần trước Thượng viện Phi Luật Tân hôm 27/9, Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro khẳng định việc tháo dỡ phao nổi của Trung Quốc "không phải là một hành động khiêu khích".

Từ năm 2012, Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough, mà Phi Luật Tân gọi là Bajo de Masinloc, và thường xuyên ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tới gần bãi cạn này.

Hiện chưa rõ là Bắc Kinh sử dụng hàng rào phao nổi tại khu vực bãi cạn là nhằm thay đổi nguyên trạng đã có từ năm 2017 hay không. Kể từ năm đó, lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc vẫn cho phép ngư dân Phi Luật Tân hoạt động tại khu vực này, tuy với quy mô nhỏ hơn so với ngư dân Trung Quốc.

Sự việc xảy ra vào lúc quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang xấu đi do Phi Luật Tân phản ứng ngày càng mạnh trước các vụ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân. Manila đồng thời đã tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận ngày càng nhiều căn cứ của Phi Luật Tân.

Trong khi đó, tranh chấp Biển Đông cũng tiếp tục khuấy động quan hệ Việt-Trung. Hôm 25/9, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc lắp đặt và sử dụng trạm nhận dạng tàu thuyền tại quần đảo Hoàng Sa, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này.


Liên Hiệp Quốc Tố Cáo Miến Điện "Chìm Trong Vòng Xoáy Bạo Lực"

-Từ sau cuộc đảo chính năm 2021, Miến Điện tiếp tục trong tình trạng hỗn loạn bạo lực. Quân đội chính phủ liên tục mở các cuộc tấn công các lực lượng nổi dậy chống chính quyền.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHR) tố cáo Miến Điện đang "chìm trong vòng xoáy bạo lực quân sự không hồi kết" và kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để chấm dứt các cuộc tàn sát mà nạn nhân chủ yếu là thường dân. Thông tín viên Jérémie Lanche của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Geneva (Thụy Sĩ) tường trình:

Ít nhất 4.000 người đã chết trong các vụ bạo lực từ sau đảo chính. Dường như các hành động bạo lực tiếp tục tăng. Từ một năm qua, số lượng các cuộc oanh kích của Không quân nhắm vào thường dân đã tăng hơn gấp đôi. Các vụ giết người hàng loạt giờ xảy ra thường xuyên.

Ông Volker Türk, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, cho biết: "Theo những nhân chứng mà chúng tôi đã thu thập được, binh lính tràn vào các làng, bao vây tất cả những người chưa chạy kịp để sau đó hành quyết họ. Quân đội sử dụng các phương pháp bỉ ổi gây thương đau không thể tả được cho dân chúng: Các nạn nhân bị đốt sống, bị chặt đầu, chân tay, bị hãm hiếp và bị đánh đập dã man. Họ còn dùng thường dân làm bia đỡ đạn để chống lại các vụ tấn công hay để phá mìn. Những hành động đê tiện không còn nhân tính".

Chính quyền quân sự không ngại sử dụng đói ăn như là thứ vũ khí với việc cắt nguồn viện trợ nhân đạo cho dân chúng, nhất là đối với người Rohingya. Ông Volker nói, tất cả những việc như vậy không thể tiếp tục được nữa.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận tình hình tại Miến Điện. Nhân dân Miến Điện phải chịu sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế trước nỗi đau khổ của họ quá lâu rồi".

Hội đồng Bảo an phải đề nghị Tòa án Quốc tế thụ lý hồ sơ Miến Điện, theo vị Cao ủy Liên Hiệp Quốc. Một kịch bản khó khả thi khi mà người ta biết rằng Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền quân sự Miến Điện.


Phi Hành Gia Mỹ Rubio Nói 'Rất Vui Được Về Nhà' Sau Khi Hạ Cánh ở Kazakhstan

-Phi hành gia Mỹ Frank Rubio, người phá kỷ lục về thời gian bay trên không gian liên tục dài nhất của một người Mỹ, và 2 phi hành gia người Nga hạ cánh xuống thảo nguyên Kazakhstan hôm thứ Tư (27/9/2023) sau hơn 1 năm ở trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Khoang phi thuyền Soyuz MS-23 của họ đã tách khỏi trạm ISS sớm hơn 1 phút so với dự kiến và mất khoảng 3 tiếng rưỡi để đi xuống Trái đất. Nó hạ cánh cách thành phố Zhezqazghan về phía Đông-Nam.

"Thật là điều tốt khi được về nhà", Rubio (47 tuổi) mỉm cười nói sau khi hạ cánh cùng các phi hành gia người Nga Sergey Prokopyev (48 tuổi) và Dmitry Petelin (40 tuổi).

Cơ quan kiểm soát chuyến bay không gian của Nga tại Star City ở ngoại ô thủ đô Mạc Tư Khoa cho biết phi hành đoàn cảm thấy khỏe sau hơn một năm ở trên ISS. Họ hạ cánh đúng giờ đã định, vào lúc 11h 17 phút, giờ chuẩn quốc tế GMT.

Đây là lần đầu tiên Rubio có chuyến du hành không gian. Ông và hai nhà du hành còn lại quay về trái đất chậm 6 tháng vì chiếc phi thuyền không gian ban đầu của họ bị rò rỉ nên người ta phải điều lên một chiếc phi thuyền thay thế để đưa họ trở về. Vì vậy, họ bất ngờ phải tham gia chương trình làm việc dài tới 371 ngày trên quỹ đạo không nằm trong kế hoạch.

Vào ngày 11/9, Rubio đã phá kỷ lục trước đó của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) là 355 ngày liên tục trong không gian do phi hành gia người Mỹ hiện đã nghỉ hưu Mark Vande Hei lập nên. Rubio cũng là người Mỹ đầu tiên dành trọn 1 năm trong không gian.

Mặc dù Rubio đã phá kỷ lục của Mỹ, nhưng ông và các đồng nghiệp người Nga vẫn còn cách xa kỷ lục thế giới do nhà du hành Nga Valeri Polykov nắm giữ. Ông Polykov đã sống 437 ngày và 18 tiếng đồng hồ liên tục trong một chương trình trên trạm không gian Mir từ tháng 1/1994 đến tháng 3/1995. Polykov qua đời vào tháng 9 năm 2022 ở tuổi 80.

Rubio, có cha mẹ là người Salvador và sinh ra ở Los Angeles nhưng lớn lên ở Miami, là Bác sĩ Gia đình và Bác sĩ Phẫu thuật trong ngành hàng không được một hội đồng chứng nhận, từng là sĩ quan lực lượng đặc biệt của Lục quân Hoa Kỳ và là phi công trực thăng Blackhawk với nhiều huân chương, huy chương, ông đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Bosnia, Afganistan và Iraq.

Rubio, có vợ và 4 đứa con, cho biết rằng ông có thể phải mất nhiều tháng để lấy lại toàn bộ cảm giác cân bằng và sức mạnh cơ thể sau một thời gian dài ở trong môi trường vi trọng lực, và ông mong được hưởng thụ sự yên tĩnh ở sân sau nhà, so với tiếng những tiếng ồn liên tục của máy móc khi ở trên ISS.


Công Nghiệp Xe Hơi Mỹ: Tổng Thống Biden Ủng Hộ Công Nhân Đình Công

-Lần đầu tiên một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm đến ủng hộ công nhân ngành công nghiệp xe hơi đình công.

Hôm 26/9/2023, Tổng thống Joe Biden đến thăm công nhân tại một nhà máy ở tiểu bang Michigan và đã tuyên bố: Sau nhiều "hy sinh" trong giai đoạn khó khăn 2008, giờ đây, công nhân ngành xe hơi Mỹ xứng đáng được tăng lương. Hôm 27/9, đến lượt cựu Tổng thống Trump cũng đến tiểu bang Michigan ve vãn cử tri trước khi chính thức lao vào cuộc vận động tranh cử.

Từ Hoa Thịnh Ðốn thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:

"Ông đã đến vào quãng trưa, mặc một chiếc áo khoác như những tài xế xe vận tải, đầu đội mũ lưỡi trai màu đen của giới công đoàn trong ngành xe hơi. Ông Biden đã cầm lấy loa phóng thanh trong vài phút và trực tiếp nói chuyện với người biểu tình: "Các vị bên công đoàn, quý vị đã cứu ngành công nghiệp xe hơi Mỹ năm 2008. Trước đó nữa, các vị đã hy sinh nhiều, đã từ bỏ nhiều quyền lợi khi mà công ty gặp khó khăn. Giờ đây, ngành xe hơi đã thịnh vượng trở lại. Các vị biết gì không? Các vị cũng phải được hưởng những thành quả đó. Hãy tiếp tục! Quý vị xứng đáng được tăng lương và được hưởng những quyền lợi khác nữa. Hãy giành lại những gì mà chúng ta đã mất!"

Joe Biden nhấn mạnh ông ủng hộ nhân viên đòi tăng lương 40% trong 4 năm. Đứng cạnh Tổng thống, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe hơi Mỹ Shawn Fain hài lòng qua phát biểu: "Xin cảm ơn ngài Tổng thống đã đến đây với chúng tôi, sát cánh cùng chúng tôi vào một thời điểm then chốt cho cả một thế hệ của chúng tôi".

Tuy nhiên, ông Joe Biden tránh nhắc lại lập trường gay gắt của lãnh đạo công đoàn xe hơi Mỹ nhắm vào tầng lớp các nhà tỉ phú, giới tinh hoa và giới chủ. Ông Biden tự nhận là vị Tổng thống ủng hộ mạnh mẽ giới công đoàn mạnh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng ông cũng thường xuyên nhắc nhở mình là người của phe tư bản, và các doanh nghiệp cũng như giới chủ được quyền kiếm ra tiền".


Tin Việt Nam Hôm, Nay

Mưa Lũ Tàn Phá Các Tỉnh Miền Trung, Bảy Người Thương Vong, Cảnh Báo Lũ Quét, Sạt Lở Đất ở Nhiều Nơi

-Mưa lớn kéo theo lũ tàn phá các tỉnh miền Trung Việt Nam trong 3 ngày qua và khiến ít nhất một người chết và sáu người bị thương, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai được truyền thông nhà nước trích dẫn.

Cụ thể, mưa lớn kèm lốc, sét đã khiến một người ở Quảng Bình bị chết do sét đánh, sáu người ở Thừa Thiên Huế bị thương.

Mưa lũ ở miền Trung cũng khiến 28 nhà bị ngập và 155 nhà bị tốc mái, 32 nhà ở Quảng Bình phải di dời khẩn cấp, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai.

Mưa lớn do áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông trong những ngày qua cũng khiến giao thông ở miền Trung bị ảnh hưởng, nhiều quốc lộ bị chia cắt.

Các hình ảnh và video được truyền thông nhà nước loan tải cho thấy mưa lũ gây ngập đường nhiều nơi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Thanh Hóa.

Các trường học nhiều nơi tại Nghệ An đã phải cho học sinh nghỉ học vào ngày 27/9 do nước ngập.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vào ngày 27/9 đã phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo đó, có 65 huyện, thị xã và thành phố bị cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong sáu giờ tới, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 90mm.


Việt Nam Ghi Nhận 2 Ca Mắc Bệnh Đậu Mùa Khỉ Tại Sài Gòn và Bình Dương

-Việt Nam mới ghi nhận hai ca dương tính với bệnh đậu mùa khỉ ở Sài Gòn và Bình Dương, đồng thời yêu cầu khai triển ngay việc giám sát và phòng bệnh.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) cho biết, Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ trên, nhằm xác định nguồn lây nhiễm để quản lý, giải quyết kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

VGP News dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp. HCM cho biết đã "điều tra tiền sử đi lại" và "lập danh sách" gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Tuy nhiên, tin cho hay, những người này "hiện sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng bất thường".

Theo trang tin của chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn cho cán Bộ Y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, Bộ này cũng chỉ đạo thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, không để "người dân hoang mang lo lắng không cần thiết".

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, năm 2022, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ đã có buổi cung cấp thông tin liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ cho Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện sứ mệnh mở rộng an ninh y tế toàn cầu.

Tòa Ðại sứ Mỹ nói rằng việc làm của CDC Hoa Kỳ là nhằm "bảo đảm Việt Nam có thông tin để đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ nếu cần".


Hãng Sản Xuất Pin Mặt Trời của Trung Quốc Đầu Tư 400 Triệu Mỹ kim Xây Dựng Nhà Máy ở Việt Nam

-Hãng sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc là Trina Solar đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với mặt hàng này từ Trung Quốc.

Thông tấn xã Reuters dẫn 3 nguồn tin giấu tên cho biết nhà sản xuất pin điện mặt trời này sẽ đầu tư từ 400 triệu đến 600 triệu Mỹ kim đầu tư vào nhà máy mới có diện tích 25 hecta tại một khu công nghiệp. Nhà máy dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.

Các nguồn tin không cho thông tấn xã Reuters biết kế hoạch cụ thể của dự án đầu tư này trong khi Trina hiện cũng chưa đưa ra bình luận gì.

Vào tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra kết luận rằng Trian và bốn công ty sản xuất pin mặt trời khác của Trung Quốc sử dụng nhà máy ở Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để lẩn tránh thuế trừng phạt lên tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ áp đặt.

Tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 1/3 lượng nhập cảng sản phẩm này của Mỹ trong quý một năm nay, theo thống kê của S&P Global Market Intelligence – công ty chuyên nghiên cứu thị trường.

Trina hiện là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư ngoại quốc lớn thứ hai vào Việt Nam trong năm nay. Vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tính từ tháng một đến giữa tháng tám vừa qua lên đến 2,7 tỉ Mỹ kim, gấp hơn năm lần so với đầu tư từ các công ty Mỹ trong cùng kỳ, theo số liệu của Chính phủ Việt Nam.


Việt Nam và Hoa Kỳ Khai Trương Trung Tâm Hợp Tác Khởi Nghiệp Về Biến Đổi Khí Hậu

-Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng các đối tác Việt Nam, trong đó có Học viện Kỹ thuật Bưu chính Viễn thông (PTIT), hôm 27/9 đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và khai trương Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi Khí hậu (CCE Hub).

Theo Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ, với việc ký kết và khai trương CCE Hub, hai phía "thống nhất cùng nhau hướng đến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng các nguồn lực doanh nghiệp khởi nghiệp, khai thác kỹ thuật, để từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bằng nguồn năng lượng sạch".

Bà Dorothy McAuliffe, Đặc phái viên về Quan hệ Đối tác Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn lời nói rằng "Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cùng với các đối tác tổ chức và khai triển của chúng tôi, đã sẵn sàng sử dụng trung tâm này trong những năm tới để nhận diện và quy tụ các doanh nhân tập trung phát triển bền vững và trang bị cho họ các công cụ và nguồn lực cần thiết để đưa ra thị trường các giải pháp về biến đổi khí hậu phù hợp".

"Chúng tôi tin tưởng rằng trung tâm CCE sẽ góp phần thúc đẩy phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Biden khi chúng ta cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu", bà Dorothy nói, theo Tòa Ðại sứ Mỹ.

Việc khai trương CCE Hub diễn ra không lâu sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Theo Tòa Ðại sứ Mỹ, Tổng thống Joe Biden hoan nghênh các cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), cũng như mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 của Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sự đóng góp của Hoa Kỳ trong việc huy động tài chánh công và tư nhân cho JETP của Việt Nam và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo đảm thực hiện thành công đồng thời bảo đảm chủ quyền, an ninh năng lượng và khả năng chi trả của quốc gia.

Theo phía Mỹ, Hoa Kỳ "cam kết hỗ trợ Việt Nam cả về tài chánh lẫn kỹ thuật khí hậu tiên tiến để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu".


Tòa Quảng Ninh Sẽ Xét Xử Vụ AIC Trong Tháng 10 Liên Quan Lũng Đoạn Đấu Thầu và Đưa, Nhận Hối Lộ

-Bà Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế (AIC) sẽ hầu tòa trong tháng 10/2023 tới đây, liên quan đến vụ đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Cùng tháng 10, Tòa án Quảng Ninh cũng xét xử cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án khác.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 27/9, nêu rõ, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết vào ngày 10/10, vụ án đưa nhận hối lộ liên quan đến phó tướng của bà Nguyễn Thị Thành Nhàn (Tổng Giám đốc AIC đang trốn truy nã) sẽ được đưa ra xét xử Sơ thẩm.

Trong vụ án này, cựu Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh – bà Vũ Liên Oanh bị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với cáo buộc nhận hối lộ 14 tỉ đồng từ bà Nga.

Có 17 người sẽ hầu tòa vì cáo buộc vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hơn 80 tỉ đồng tại các gói thầu của Sở Giáo dục; riêng bà Hoàng Thị Thúy Nga bị truy tố thêm tội "Đưa hối lộ".

Bà Hoàng Thị Thúy Nga từng là Phó tổng Giám đốc Công ty AIC và đã bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội phạt 12 năm tù trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Đồng Nai. Bà Nga còn bị Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ phạt tám năm tù vì vi phạm đấu thầu tại Sở Y tế tỉnh này.

Theo cáo buộc, Hoàng Thị Thúy Nga đã thông đồng với bà Vũ Liên Oanh, và được bà Oanh "tạo điều kiện" trúng sáu gói thầu trong giai đoạn 2016 - 2019.

Các gói thầu này đều cung cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi... cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh với tổng giá trị hơn 636 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vật tư bị nhóm NSJ "nâng khống" bằng cách nhập cảng hàng hóa qua các công ty trung gian, gây thiệt hại hơn 80 tỉ đồng cho Nhà nước.

Trong cùng ngày 27/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho truyền thông hay, tới đây sẽ mở phiên tòa xét xử Sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, và 15 bị cáo khác trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.

Vụ án sẽ được xét xử công khai, dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 25/10, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 15 người khác, trong vụ án này. Trong số 16 bị can bị truy tố, có 4 người đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng Giám đốc Công ty AIC, Trương Thị Xuân Loan, cựu Trưởng ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC và Nguyễn Thị Tích, cựu Tổng Giám đốc Công ty Mopha.

Ngoài ra, trong số các bị can có Đỗ Văn Sơn và Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng bộ phận Thư ký tài chánh Công ty AIC) bỏ trốn nhưng đã lần lượt ra đầu thú trong thời gian vừa qua.


Bắt Tạm Giam Hiệu Trưởng và Hai Kế Toán Trường Cao Đẳng Công Nghiệp Thanh Hóa

-Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 cán bộ Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa để điều tra việc gây thiệt hại cho nhà nước hơn 4,7 tỉ đồng.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho truyền thông hay tin trên trong ngày 27/9. Ba người trên gồm ông Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; Nguyễn Giang Quân (54 tuổi), kế toán trưởng và Lê Đình Đặng (34 tuổi), kế toán viên đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cùng lúc, cơ quan cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 2017 đến năm 2019, ông Nguyễn Văn Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo Nguyễn Giang Quân và Lê Đình Đặng lập khống danh sách học sinh đã bỏ học, có quyết định xóa tên để đề Nghị quyết toán tiền cấp bù, miễn giảm học phí, tiền chi theo định mức cho học sinh, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.

Số tiền nêu trên đã được các bị can sử dụng chi tiêu vào các hoạt động đào tạo thường xuyên của nhà trường. Hiện công an đang tiếp tục điều mở rộng điều tra vụ án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét