Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Hướng dẫn cơ bản về ung thư phổi - BaoMai

Ung thư phổi nguyên phát (ung thư bắt đầu từ phổi) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến ung thư trên toàn thế giới.Ung thư phổi nguyên phát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới và là bệnh ung thư phổ biến thứ ba ở Hoa Kỳ. Từ năm 2012-2018, những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi loại phổ biến nhất có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là 28%.
<!>
Các loại ung thư phổi
Dựa trên kích thước tế bào ung thư, ung thư phổi có hai loại chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC-UTPKTBN) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC-UTPTBN).

1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN)

Chiếm 80%-85% tổng số trường hợp ung thư phổi, UTPKTBN là bất kỳ loại ung thư biểu mô của phổi không được phân loại là ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN). UTPKTBN có thể được phân thành nhiều loại, bao gồm cả ung thư biểu mô không phân loại:
· Ung thư biểu mô tuyến: Thông thường bắt nguồn từ các tế bào tuyến nằm ở ngoại vi của phổi, chiếm 40% tất cả các bệnh ung thư phổi.

· Ung thư biểu mô tế bào vảy hay ung thư biểu mô dạng biểu bì: Có thể bắt nguồn từ các tế bào dạng lát mỏng gọi là tế bào vảy, phủ lớp lót của phế quản, đường dẫn khí kéo dài từ khí quản vào phổi. Loại này có mối liên quan chặt chẽ với việc hút thuốc hơn so với các loại UTPKTBN khác, chiếm 25% tổng số ca ung thư phổi.

· Ung thư biểu mô tế bào lớn: Là một khối u ác tính không biệt hóa, không biểu hiện các đặc điểm tế bào đặc trưng của ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tuyến hoặc ung thư biểu mô tế bào nhỏ. Thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các bệnh ung thư không phải tế bào nhỏ khác, khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của phổi và chiếm 10% tổng số ca ung thư phổi.

2. Ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN)

Có nguồn gốc chủ yếu từ các tế bào lót phế quản ở rốn phổi, UTPTBN là một loại ung thư tiến triển nhanh, có thể di căn xa đến nhiều vị trí của cơ thể. UTPTBN chủ yếu gặp ở những người nghiện thuốc lá nặng, chiếm khoảng 10%-15% tổng số ca ung thư phổi, gồm hai loại chính:

Ung thư biểu mô tế bào nhỏ, còn được gọi là ung thư tế bào “lúa mạch.”

Ung thư biểu mô tế bào nhỏ dạng kết hợp, một khối u hỗn hợp chứa tế bào vảy hoặc tuyến.

Ngoài các loại chính, còn có các loại ung thư phổi hiếm gặp khác, bao gồm:

Các khối u carcinoid ở phổi, bắt đầu từ các tế bào thần kinh nội tiết trong phổi và thường phát triển chậm.

Các khối u phổi khác, là những khối u bao gồm ung thư biểu mô tuyến nang (từ các tế bào giống tuyến nước bọt trong khí quản hoặc phế quản), u lympho, sarcoma và khối u phổi lành tính (ví dụ, u mô thừa).

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư phổi

Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi có thể không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào đáng chú ý. Khi khối u tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng mới có xu hướng xuất hiện.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cả UTPKTBN và UTPTBN thường có những điểm tương đồng, bao gồm:

· Ho nặng dần hoặc dai dẳng (kéo dài hơn ba tuần).
· Khó thở.
· Đau ngực dai dẳng, tăng lên khi hít sâu hoặc ho.
· Đau vai dai dẳng.
· Khò khè.
· Sút cân không giải thích được.
· Mệt mỏi liên tục.
· Khó nuốt.
· Hạch cổ trên xương đòn.
· Ho máu lẫn nhầy.
· Đau đầu.
· Vã mồ hôi về đêm .
· Viêm phổi tái đi tái lại.
· Thay đổi giọng nói, như khàn tiếng.
· Ngón tay và/hoặc ngón chân dùi trống.
· Hội chứng tĩnh mạch chủ trên (phù mặt và cổ do khối u chèn ép tĩnh mạch chủ ở ngực).
· Chèn ép tủy: Rối loạn bàng quang hoặc ruột và/hoặc yếu chi có thể xuất hiện do khối u chèn ép vào tủy sống.

1. Các triệu chứng đặc trưng của ung thư phổi không tế bào nhỏ

Hội chứng Horner có thể xảy ra khi UTPKTBN xuất hiện ở thùy trên của phổi (khối u Pancoast). Khối u có thể làm tổn thương dây thần kinh giao cảm gây ra sụp mí mắt, co đồng tử, giảm tiết mồ hôi và đỏ mặt cùng bên.

2. Các triệu chứng đặc trưng của ung thư phổi không tế bào nhỏ

UTPTBN gây ra hội chứng cận u nhiều hơn UTPKTBN. Hội chứng này bao gồm một nhóm các triệu chứng phát sinh đồng thời với bệnh ung thư, bao gồm:

· Hội chứng tiết hormone chống lợi niệu không phù hợp (SIADH): Nếu tế bào ung thư tiết ra hormone chống lợi niệu (ADH), thận sẽ giữ lại nước, dẫn đến giảm nồng độ muối trong máu. Các triệu chứng chính bao gồm yếu cơ hoặc chuột rút, chán ăn, bồn chồn, lú lẫn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Nặng có thể gây co giật và hôn mê.

· Hội chứng Cushing: Khi tế bào ung thư sản xuất hormone adrenocorticotropic (ACTH), cơ thể sẽ sinh ra quá nhiều cortisol. Các triệu chứng bao gồm cao huyết áp và tăng đường máu, khuôn mặt tròn cùng với chân tay teo nhỏ, yếu ớt. Tăng mỡ bụng và phát triển các vết [rạn da] màu tím.

· Hội chứng Lambert-Eaton: Điều này được cho là do các kháng thể kháng u tấn công mối liên kết giữa thần kinh-cơ. Các triệu chứng bao gồm yếu cơ, giảm khả năng vận động và gặp khó khăn trong các hoạt động như đứng dậy từ tư thế ngồi, leo cầu thang hoặc mang vác.

· Tăng calcium máu: Tình trạng này xảy ra khi nồng độ calcium trong máu tăng cao, dẫn đến đi tiểu thường xuyên, khát nước, táo bón, mệt mỏi, chóng mặt và rối loạn ý thức.

· Cục máu đông.

Nguyên nhân gây ung thư phổi?



Giống như tất cả các bệnh ung thư, ung thư phổi là do sự phân chia nhanh chóng của các tế bào bất thường từ đó hình thành khối u hoặc di căn xa theo đường máu hoặc bạch huyết. Các yếu tố môi trường và di truyền khác nhau có thể làm tổn thương tế bào, kích phát sự phân chia tế bào bất thường này.

Các yếu tố sau đây là tác nhân chính gây ra ung thư phổi.

1. Hút thuốc

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, chịu trách nhiệm cho hơn 70% các ca bệnh và khoảng 80% các ca tử vong do ung thư phổi. Những người hút thuốc phải đối mặt với nguy cơ tử vong do ung thư phổi cao gấp 25 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc.

Các loại sản phẩm thuốc lá khác, bao gồm tẩu, xì gà, thuốc lá thảo mộc, thuốc lá “không đốt cháy,” shisha, thuốc lá nhai, các sản phẩm thuốc lá hòa tan, thuốc lá có hàm lượng nhựa đường và nicotine thấp, cũng góp phần gây ra ung thư.

Hút cần sa trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người trẻ tuổi do thành phần tương tự [thuốc lá] và hàm lượng chất gây ung thư cao hơn.

Mặc dù tác động sức khỏe lớn hơn của thuốc lá điện tử vẫn chưa rõ ràng, nhưng nghiên cứu cho thấy vape không phải là giải pháp thay thế lành mạnh hơn cho việc hút thuốc.

2. Hút thuốc thụ động

Hít khói thuốc thụ động được gọi là hút thuốc thụ động hoặc phơi nhiễm không chủ ý. Ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể gây tổn thương tế bào, góp phần gây ra ung thư.

Khoảng 10%-20% trường hợp ung thư phổi ở Hoa Kỳ xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc hút không quá 100 điếu trong cả đời.

3. Khí radon

Phơi nhiễm radon là nguyên nhân chính thứ hai gây ung thư phổi và là nguyên nhân hàng đầu do môi trường gây ra mọi bệnh ung thư ở Hoa Kỳ.

Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên không màu, không vị, không mùi, có nguồn gốc từ sự phân hủy tự nhiên của uranium, thorium và radium trong đá và đất. Radon xâm nhập vào các tòa nhà thông qua các vết nứt hoặc khe hở và tích tụ bên trong. Mức radon thường cao nhất ở tầng hầm và tầng một do chúng nằm gần mặt đất.

Khoảng 1/15 hộ gia đình trên khắp Hoa Kỳ được cho là có mức radon cao. Những ngôi nhà có mức radon tăng cao đã được tìm thấy ở tất cả các tiểu bang.

4. Amiăng và các chất khác

Tiếp xúc với các hóa chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi:

Amiăng: Hít phải những sợi tự nhiên này có thể khiến chúng bị giữ lại trong phổi. Amiăng đã được sử dụng trong vật liệu xây dựng (ví dụ như tấm lợp mái và các sản phẩm xi măng amiăng), các sản phẩm chịu ma sát (ví dụ như các bộ phận phanh và truyền động) và vải chịu nhiệt.

Cadmium: Một nguyên tố tự nhiên hiện diện với số lượng nhỏ, chủ yếu được lấy ở Hoa Kỳ dưới dạng sản phẩm phụ của quá trình sản xuất các kim loại như kẽm, chì và đồng. Vì có khả năng chống ăn mòn nên cadmium đã được sử dụng trong sản xuất pin, bột màu, lớp phủ kim loại và nhựa. Cadmium cũng có trong khói thuốc lá.

Thạch tín: Một loại bán kim loại tồn tại tự nhiên, được phân bố rộng rãi khắp lớp vỏ Trái đất. Hiện nay, ở Hoa Kỳ, thạch tín mạ chromium đồng (CCA) được ứng dụng trong công nghiệp và các hợp chất thạch tín hữu cơ được sử dụng chủ yếu làm thuốc trừ sâu, chủ yếu trên cây bông. Thạch tín có thể xâm nhập vào nước uống từ các nguồn tự nhiên và có trong khói thuốc lá.

Chromium: Nguyên tố tự nhiên chromium phục vụ nhiều mục đích khác nhau, bao gồm sử dụng trong sản xuất thép, mạ chromium, tạo thuốc nhuộm và phẩm màu, thuộc da và bảo quản gỗ.

Silica: Thạch anh, được tìm thấy trong cát, sỏi, đất sét, đá granite và các loại đá khác, đại diện cho dạng silica tinh thể chiếm ưu thế, gây nguy hiểm cho phổi. Hiện tại, hàng triệu công nhân Hoa Kỳ đang hít phải với tinh thể silica trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Khí thải diesel: Một số nghiên cứu liên quan đến những người lao động tiếp xúc với khí thải diesel đã cho thấy nguy cơ ung thư phổi tăng nhẹ nhưng đáng chú ý.

Ô nhiễm không khí: Hít phải các hạt bụi mịn PM 2.5 có thể làm tăng nguy cơ bị UTPKTBN, đặc biệt ở những người có đột biến gene EGFR.

5. Di truyền học

Nếu cha mẹ, anh chị em ruột hoặc có con bị ung thư phổi, nguy cơ bị bệnh có thể tăng lên. Một số gia đình có tiền sử đáng chú ý về bệnh ung thư phổi có thể do đột biến gene. Ví dụ, những người thừa hưởng những đột biến DNA nhất định trên một nhiễm sắc thể cụ thể (ví dụ nhiễm sắc thể 6) tăng khả năng phát triển ung thư phổi hơn, bất kể tình trạng hút thuốc.

Những đột biến gene liên quan đến ung thư phổi thường xảy ra do các yếu tố môi trường hơn là do di truyền. Một số đột biến có thể phát sinh ngẫu nhiên trong tế bào. Một số thay đổi gene mắc phải, chẳng hạn như gene ức chế khối u RB1, được cho là có vai trò quan trọng trong sự phát triển UTPTBN.

Các giai đoạn của ung thư phổi

Phân loại giai đoạn ung thư dựa trên sự lan tràn của ung thư trong cơ thể, kích thước và vị trí khối u. UTPKTBN và UTPTBN có hệ thống phân giai đoạn riêng biệt.

1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Hệ thống TNM là hệ thống phân giai đoạn được sử dụng rộng rãi nhất cho UTPKTBN, bao gồm 5 giai đoạn. Trong hệ thống này:

· T cho biết kích thước và mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát.

· N chỉ ra sự hiện diện của ung thư ở các hạch bạch huyết gần đó.

· M cho biết ung thư đã di căn sang các bộ phận cơ thể khác hay chưa.

Giai đoạn tổng thể dựa trên kết hợp các cấu phần T, N và M:

· Giai đoạn 0: Là giai đoạn sớm nhất. Các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy ở lớp tế bào trên cùng biểu mô phủ đường dẫn khí và chưa xâm lấn sâu hơn vào nhu mô phổi.

· Giai đoạn 1: Ung thư còn khu trú trong phổi.

· Giai đoạn 2: Ung thư phổi vẫn khu trú trong phổi, nhưng khối u lớn hơn và xâm lấn hơn giai đoạn 1.

· Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, ung thư thường lan tràn đến các hạch bạch huyết kế cận và có thể xâm lấn sâu hơn vào các mô xung quanh.

· Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn tiến triển nhất, cho thấy ung thư đã di căn đến các mô, cơ quan ở xa.

2. Ung thư phổi tế bào nhỏ

Có hai giai đoạn

Giai đoạn khu trú: Ung thư tồn tại ở một phổi và/hoặc các hạch bạch huyết kế cận ở cùng một bên lồng ngực.

Giai đoạn lan tràn: Ung thư đã lan rộng trong nhu mô phổi cùng bên, phổi đối bên, các hạch bạch huyết ở đối bên hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Di căn màng phổi (màng phổi chứa dịch lỏng bao quanh phổi) cũng được tính ở giai đoạn này.

Ai có nhiều khả năng bị ung thư phổi?

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi bao gồm:


· Hút thuốc.

· Tiếp xúc với radon.

· Tiếp xúc với amiăng và các chất khác: Những người làm việc trong các mỏ amiăng, ngành công nghiệp ô tô, nhà máy đóng tàu, nhà máy xi măng, buôn bán hệ thống ống nước và sưởi ấm, xây dựng và họa sĩ, thợ mộc và thợ điện đều dễ bị phơi nhiễm.

· Tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

· Ăn nhiều thịt đỏ và/hoặc chất béo bão hòa: Tiêu thụ thịt đỏ có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư phổi, trong khi thịt trắng, thịt chế biến sẵn, nội tạng và cá dường như không góp phần gây ra nguy cơ. Tiêu thụ nhiều tổng lượng chất béo và chất béo bão hòa có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi cao hơn, đặc biệt là ở những người hút thuốc.

· Tuổi cao hơn: Những người dưới 40 tuổi hiếm khi bị loại ung thư này.

· Dân tộc: Đàn ông da đen có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn khoảng 12% so với đàn ông da trắng, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ da đen thấp hơn khoảng 16% so với phụ nữ da trắng. Mặc dù nguy cơ ung thư phổi nói chung thấp hơn ở người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người dân đảo Thái Bình Dương, nhưng đây là nguyên nhân chính gây tử vong liên quan đến ung thư của nhóm người này. Trong số này, người Hawaii bản địa có tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao nhất.

· Tiền sử bản thân hoặc gia đình: Những người trước đây bị ung thư phổi phải đối mặt với nguy cơ tái phát cao. Khoảng 8% bệnh ung thư phổi xuất phát từ di truyền hoặc khuynh hướng di truyền, chẳng hạn như nhiễm sắc thể 6.

· Phơi nhiễm phóng xạ: Những người sống sót sau trải qua xạ trị ung thư vùng ngực phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư phổi cao, đặc biệt nếu họ hút thuốc. Những cá nhân tiếp xúc với bức xạ ion hóa từ vụ nổ bom nguyên tử hoặc tai nạn hạt nhân có nguy cơ cao hơn.

· Một số bệnh lý: bệnh phổi đang diễn ra, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm tăng khả năng bị bệnh ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi cũng tăng lên đối với những người bị một số rối loạn tự miễn dịch, bao gồm lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, bệnh Graves/cường giáp và bệnh sarcoidosis.

· Hệ miễn dịch suy yếu: Mặc dù không gây ung thư, nhưng do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây suy yếu hệ miễn dịch, nên những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) có xu hướng phát triển một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư phổi. Những người có hệ miễn dịch bị ức chế cũng có nguy cơ cao hơn.

· Lối sống tĩnh tại: Những người hút thuốc tham gia hoạt động mạnh ít nhất 1 lần 1 tuần có nguy cơ bị ung thư phổi thấp hơn 29% so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ tham gia các hoạt động đó.

· Bổ sung beta-carotene: Beta carotene là sắc tố màu đỏ cam có trong nhiều loại thực vật và là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ đáng thuyết phục giữa bổ sung beta-carotene và nguy cơ ung thư phổi tăng lên ở những người hút thuốc. Vì vậy, những người hút thuốc được khuyến cáo chỉ nên bổ sung beta carotene thông qua các nguồn thực phẩm tự nhiên.

Chẩn đoán ung thư phổi

Nhiều xét nghiệm khác nhau có thể phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi.

1. Sàng lọc

Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi hàng năm cho những người từ 50-80 tuổi có tiền sử hút thuốc 20 bao/năm, cho dù hiện đang hút thuốc hay những người đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua. Một bao/năm tương ứng với việc hút trung bình một bao thuốc lá mỗi ngày trong một năm.

Hiện tại chỉ có một xét nghiệm sàng lọc được khuyến nghị ở Hoa Kỳ: chụp cắt lớp vi tính (CLVT) liều thấp. CLVT liều thấp là một kỹ thuật nhanh chóng, không xâm lấn và tương tự như chụp CLVT tiêu chuẩn nhưng mức độ tiếp xúc với bức xạ thấp hơn nhiều, giảm các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các xét nghiệm thường niên hoặc thường xuyên.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng CLVT liều thấp là phương pháp duy nhất làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng trong số tất cả các phương pháp sàng lọc hiện có.

2. Xét nghiệm chẩn đoán

Quá trình này thường bắt đầu bằng việc trao đổi với bác sĩ, hỏi về các triệu chứng, yếu tố nguy cơ, sức khỏe tổng quát và thăm khám lâm sàng. Dựa trên những phát hiện này, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn đến bác sĩ chuyên khoa hoặc yêu cầu xét nghiệm để đánh giá bệnh ung thư phổi hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực thường là xét nghiệm đầu tiên để tìm kiếm bất kỳ bất thường nào trong phổi bằng cách quan sát các cơ quan và xương trong lồng ngực.

Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CLVT) thường là xét nghiệm thứ hai trong quy trình chẩn đoán ung thư phổi. Hình thức dùng tia X chuyên dụng này ghi lại hình ảnh chi tiết của phổi. Chụp CT hiệu quả hơn trong việc phát hiện các khối u phổi so với chụp X-quang ngực tiêu chuẩn. Ngoài ra, chụp CT có thể cung cấp thông tin về kích thước, hình dạng và vị trí của khối u phổi và xác định các hạch bạch huyết tăng sinh có thể chứa ung thư di căn.

Chụp PET: Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) là một loại chẩn đoán hình ảnh y học hạt nhân sử dụng đường gắn phóng xạ để tạo ra hình ảnh màu 3D sống động, phản ánh chức năng của các tế bào. Xét nghiệm này rất hữu ích khi bác sĩ nghi ngờ ung thư đã di căn nhưng không biết chắc về vị trí và xét nghiệm cũng có thể xác định giai đoạn ung thư phổi.

Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh cắt ngang chi tiết của các mô mềm trong cơ thể nhưng sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh thay vì tia X. Chụp MRI đặc biệt có giá trị trong việc phát hiện di căn não, tim hoặc tủy sống.

Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của các bộ phận cơ thể. Siêu âm phát hiện sự tích tụ dịch màng phổi và trợ giúp hướng dẫn sinh thiết hoặc dẫn lưu dịch màng phổi.

Xét nghiệm tế bào học dịch đờm: Bác sĩ giải phẫu bệnh soi đờm, chất nhầy ho ra từ phổi, dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Quá trình này có thể giúp xác định bệnh ung thư có nguồn gốc từ đường hô hấp lớn của phổi.

Sinh thiết: Sinh thiết là một thủ thuật trong đó một mẫu mô nhỏ hoặc khối u được lấy ra khỏi cơ thể để kiểm tra bằng kính hiển vi. Sinh thiết được thực hiện để chẩn đoán ung thư phổi hoặc xác định xem một khối bất thường có phải là ung thư hay không. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán ung thư phổi và mức độ lan rộng của nó.

Biến chứng của ung thư phổi

Các biến chứng của ung thư phổi bao gồm:

· Cục máu đông: Nguy cơ cao tạo huyết khối tĩnh mạch sâu do ảnh hưởng của bệnh ung thư đối với các yếu tố đông máu và có thể do hóa trị. Trong một số trường hợp, cục máu đông có thể bong ra và di chuyển đến phổi, dẫn đến thuyên tắc mạch phổi.
· Hội chứng cận u: Hội chứng này phổ biến nhất ở người trung tuổi đến lớn tuổi, cũng thường hay gặp trong ung thư phổi.

· Buồn nôn và nôn do hóa trị.

· Mệt mỏi.

· Khó thở: Các khối u phổi có thể dẫn đến khó thở do gây tắc nghẽn đường thở, từ đó cản trở thông khí. Ung thư phổi cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi cản trở sự giãn nở hoàn toàn của phổi. Ngoài ra, ung thư phổi có thể làm giảm lượng hồng cầu, ảnh hưởng đến sự vận chuyển oxy.

· Ho ra máu: Ho ra máu là khi ho trong đờm có máu. Máu này có thể đến từ nhu mô phổi hoặc các đường dẫn khí.

· Suy nhược: Điều này thường thấy ở những bệnh nhân ung thư phổi tiến triển kèm theo gầy sút cân, bao gồm cả mất khối lượng cơ. Tại thời điểm chẩn đoán, 60% bệnh nhân đã sụt cân rõ rệt.

· Thiếu máu: Thiếu máu thường gặp ở những người bị bệnh ung thư phổi, với sự xuất hiện và mức độ thiếu máu liên quan đến các yếu tố như giai đoạn của khối u, thời gian bị bệnh cũng như các phương pháp điều trị trước đây và hiện tại.

· Giảm bạch cầu trung tính: Giảm bạch cầu trung tính (một loại tế bào bạch cầu) do hóa trị liệu.

· Độc tính trên thận: Độc tính trên thận là sự suy giảm nhanh chóng chức năng thận do tác dụng phụ của thuốc và hóa chất.

Tràn dịch trung thất.

· Tăng calcium máu: Trong một số trường hợp, ung thư phổi có thể gây tăng nồng độ calcium trong máu.

Điều trị ung thư phổi

Kế hoạch điều trị tùy thuộc vào loại ung thư phổi. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính, ngoài ra còn có một số phương pháp khác.

1. Phẫu thuật

Lựa chọn phẫu thuật được xác định chủ yếu dựa trên kích thước, vị trí và mức độ xâm lấn của khối u. Nếu bệnh nhân có UTPKTBN ở một bên phổi và có sức khỏe tốt thì nên phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư. Vì UTPTBN thường ảnh hưởng đến cả hai phổi nên phẫu thuật đơn thuần thường không được khuyến cáo. Các hạch bạch huyết cũng có thể được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật để xác định xem chúng có chứa tế bào ung thư hay không.

Có bốn loại phẫu thuật ung thư phổi:

· Cắt hình chêm hoặc cắt phân thùy phổi: Phẫu thuật này loại bỏ một phần nhỏ của phổi. Chỉ phù hợp với một nhóm bệnh nhân chọn lọc có khối u nhỏ, khu trú, thường ở giai đoạn sớm của UTPKTBN.

· Cắt thùy phổi: Điều này liên quan đến việc loại bỏ một trong những phần lớn hơn (thùy) của phổi. Thường được khuyến cáo khi ung thư chỉ giới hạn ở một phần nhất định của một phổi.

· Cắt một bên phổi: Trong thủ thuật này, toàn bộ phổi được cắt bỏ. Chỉ định khi ung thư nằm ở rốn phổi hoặc đã lan rộng khắp phổi.

· Cắt bỏ thùy phổi kiểu tay áo: Thủ tục này loại bỏ một phần của phế quản.

2. Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm tia mang năng lượng mạnh để loại bỏ các tế bào ung thư. Đôi khi, sự kết hợp giữa hóa trị và xạ trị là phương pháp điều trị chính. Xạ trị có thể làm giảm các triệu chứng đau đớn khi bệnh ung thư phổi tiến triển hoặc đã di căn.

Có hai kỹ thuật xạ trị chính:

· Xạ trị ngoài: Xạ trị ngoài chiếu bức xạ từ bên ngoài cơ thể vào khối u. Phương pháp này không gây đau đớn, mỗi lần chỉ mất vài phút. Phương pháp điều trị này thường được thực hiện 5 ngày trên 1 tuần trong vòng 5 đến 7 tuần.

· Xạ trị áp sát: Còn được gọi là xạ trị nội phế quản, đây là một hình thức xạ trị bên trong, liên quan đến việc đặt nguồn phóng xạ vào bên trong phế quản thông qua nội soi phế quản. Liệu pháp áp sát được sử dụng cho các khối u ở phế quản và giảm thiểu tiếp xúc với bức xạ của các cơ quan lân cận.

Xạ trị dự phòng toàn não: sử dụng chùm tia bức xạ bên ngoài hướng vào toàn bộ não, được khuyến cáo cho những người bị UTPTBN giai đoạn khu trú hoặc lan rộng có đáp ứng tích cực với hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, nó không được cân nhắc đối với những người bị UTPTBN không đáp ứng với hóa trị. Bệnh nhân UTPKTBN không được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này.

Xạ trị dự phòng toàn não nhằm mục đích ngăn chặn sự di căn đến não trong UTPTBN hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư có thể đã di căn nhưng không bị phát hiện.

3. Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc chống ung thư để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách loại bỏ hoặc cản trở sự phân chia tế bào. Hầu hết những bệnh nhân ung thư phổi đều được hóa trị tùy theo giai đoạn hoặc để giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật lần đầu.

Hóa trị thường được thực hiện theo chu kỳ: dùng thuốc trong vài ngày, sau đó nghỉ vài tuần để việc điều trị có hiệu quả và cơ thể phục hồi. Hầu hết mọi người cần 4-6 chu kỳ trong vòng 3-6 tháng.

Sau khi hoàn thành các chu kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá đáp ứng. Nếu bệnh được cải thiện, việc điều trị thêm có thể không cần thiết. Nếu bệnh không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị một liệu pháp hóa trị khác hoặc hóa trị duy trì để kiểm soát ung thư. Hóa trị ung thư phổi bao gồm sự kết hợp của các loại thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch ngoại vi hay tĩnh mạch trung ương. Thuốc đôi khi được dùng dưới dạng viên nang hoặc viên nén uống.

UTPTBN giai đoạn khu trú thường được điều trị bằng sự kết hợp giữa hóa trị và xạ trị (hóa xạ trị). Trong UTPTBN giai đoạn lan tràn, phương pháp điều trị chính thường bao gồm hóa trị, đôi khi kết hợp với liệu pháp miễn dịch.

4. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích, còn được gọi là liệu pháp sinh học, sử dụng các loại thuốc được tạo ra để cản trở sự phát triển của UTPKTBN giai đoạn tiến triển. Những liệu pháp điều trị này phù hợp với những người có những protein nhất định [đích tác động] trong tế bào ung thư.

Việc lựa chọn liệu pháp nhắm trúng đích sẽ phụ thuộc vào đột biến gene được phát hiện trong các xét nghiệm sơ bộ toàn diện và sự sẵn có của các loại thuốc nhắm vào đột biến đó.

Thuốc điều trị nhắm trúng đích có thể có hiệu quả khi hóa trị không mang lại kết quả.

5. Đốt sóng cao tần

Đốt sóng cao tần (RFA) có thể được xem xét cho những người có khối u nhỏ gần rìa phổi. Phương pháp sử dụng năng lượng sóng vô tuyến đốt khối u. Một thiết bị nhỏ giống như kim, dưới hướng dẫn chụp CLVT, được xuyên qua da và định vị cẩn thận bên trong khối u. Sau khi được đặt đúng cách, một dòng điện sẽ chạy qua đầu dò, tạo ra nhiệt để tiêu diệt các tế bào ung thư trong khối u.

6. Can thiệp qua nội soi khí phế quản

Can thiệp qua nội soi khí quản giúp loại bỏ tắc nghẽn do khối u trong các dưỡng dẫn khí (phế quản hoặc tiểu phế quản). Khi phẫu thuật cắt bỏ khối u không khả thi do lo ngại về sức khỏe hoặc vị trí khối u, can thiệp qua nội soi khí phế quản có thể giảm các triệu chứng bằng cách giảm tắc nghẽn đường thở.

7. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một liệu pháp sinh học sử dụng hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại ung thư. Thuốc trị liệu miễn dịch tăng cường, định hướng hoặc khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là một liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị một số bệnh nhân UTPKTBN tiến triển. Một ví dụ là liệu pháp ức chế PD-1 và PD-L1.

PD-1 là một loại protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào T giúp kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể. PD-L1 là một loại protein ở một số loại tế bào ung thư. Khi gắn vào PD-L1, PD-1 sẽ ngăn các tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Các chất ức chế PD-1 và PD-L1 giữ cho các protein PD-1 và PD-L1 không gắn vào nhau cho phép tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư.

Sự kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch PD-L1 với hóa trị cũng có thể giúp một số bệnh nhân UTPTBN sống lâu hơn.

8. Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc trợ giúp, giúp kiểm soát các triệu chứng ung thư phổi và tác dụng phụ của điều trị. Gặp gỡ sớm với nhóm chăm sóc giảm nhẹ có thể bảo đảm sự thoải mái trong và sau khi điều trị.

Tâm thái ảnh hưởng đến ung thư phổi

Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì thái độ tích cực có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống sót hoặc tiến triển của bệnh ung thư phổi, nhưng nghiên cứu khác cho thấy sự lạc quan và cách suy nghĩ tích cực có thể góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người đang đối mặt với bệnh ung thư.

Nhiều người sống sót sau ung thư và những người tích cực chiến đấu với căn bệnh này tin rằng việc duy trì sự lạc quan và tích cực sẽ nâng cao góc nhìn về cuộc sống. Một số người cũng tin rằng tư duy lạc quan và tích cực có thể ảnh hưởng đến việc quản lý bệnh tật, kết quả điều trị và cơ hội sống sót.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh ung thư phổi

Các liệu pháp tự nhiên điều trị ung thư phổi bao gồm một số liệu pháp thay thế, có thể giúp đẩy nhanh sự chết tế bào ung thư và cải thiện các triệu chứng cũng như tác dụng phụ của điều trị, nhưng mục đích để bổ sung cho các phương pháp điều trị thông thường hơn là thay thế chúng. Trước khi sử dụng bất kỳ liệu pháp tự nhiên nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.

1. Tăng thân nhiệt toàn thân

Còn được gọi là nhiệt trị liệu, đốt nhiệt hoặc liệu pháp nhiệt để điều trị ung thư, tăng thân nhiệt là phương pháp điều trị trong đó mô cơ thể được làm nóng đến nhiệt độ cao tới 1130F (450C), nhằm mục đích gây tổn hại và loại bỏ có chọn lọc các tế bào ung thư trong khi giữ lại các mô khỏe mạnh.

Tăng thân nhiệt có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư phổi. Tăng thân nhiệt gây phá vỡ cấu trúc và protein trong tế bào ung thư, làm giảm kích thước khối u. Ngoài ra, tăng thân nhiệt có thể tăng khả năng phản ứng của tế bào ung thư với các phương pháp điều trị khác, như được sử dụng cùng với hóa trị, xạ trị hoặc các hình thức điều trị khác.

Các công cụ được sử dụng trong điều trị tăng thân nhiệt bao gồm đầu dò vi sóng, sóng cao tần, laser, chăn và buồng sưởi.

Có nhiều loại điều trị tăng thân nhiệt khác nhau, bao gồm:

· Tăng thân nhiệt cục bộ: Nhiệt được áp dụng cho một vùng nhỏ của cơ thể.

· Tăng thân nhiệt vùng: Nhiệt được áp dụng cho một cơ quan, chi hoặc vùng rộng lớn của cơ thể.

· Tăng thân nhiệt toàn thân: Bệnh nhân được điều trị trong buồng nhiệt hoặc đắp chăn nóng, nâng nhiệt độ cơ thể lên 1070F hoặc 1080F (420C) trong thời gian ngắn.

· Một nghiên cứu cho thấy phương pháp kết hợp giữa tăng thân nhiệt toàn thân cùng với điều trị kìm hãm tế bào (cyclophosphamide và melatonin) đã dẫn đến sự ức chế đáng kể quá trình phát triển ung thư sarcoma biểu mô Walker 256 nguyên phát. Phương pháp điều trị này cũng ngăn chặn hoạt động phân bào trong các tế bào khối u và đẩy nhanh quá trình chết tế bào theo chương trình. Điều trị tăng thân nhiệt hiện được xem là một “chiến lược chống ung thư đầy hứa hẹn.”

2. Thảo dược cổ truyền

Y học cổ truyền từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong y học bổ sung và thay thế, hướng tới nhiều mục tiêu, với tác dụng phụ tối thiểu và lợi ích điều trị đáng kể.

Thuốc sắc Jinfukang (Kim Phúc Khang – JFK), một bài thuốc thảo dược để điều trị UTPKTBN, bao gồm 12 loại thảo dược Trung y. Thuốc JFK hoạt động như chất ngăn chặn khối u phổi phát triển bằng ức chế DNA. Hơn nữa, các phát hiện lâm sàng cho thấy việc kết hợp thuốc sắc với hóa chất cisplatin giúp kéo dài khả năng sống sót ở bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 2 và 3, tăng miễn dịch và giảm tác dụng phụ do cisplatin gây ra.

Một số loại thuốc sắc thảo dược có thể gây chết tế bào ung thư, làm cho tế bào dễ bị tổn thương hơn với các phương pháp điều trị ung thư khác, giảm tỷ lệ tái phát, điều chỉnh chức năng miễn dịch hoặc kéo dài thời gian sống không bệnh.

Một số dược thảo và chiết xuất đã được phát hiện có tác dụng chống ung thư phổi, bao gồm:

Hoàng kỳ: Astragalus membranaceus polysaccharides (APS), một thành phần của đơn thuốc JFK, đã được phát hiện là làm giảm sự tăng sinh và di chuyển của các tế bào UPTKTBN.

Berberine: Berberine có nguồn gốc từ các loại thực vật như cây dâu tây và hải cẩu vàng của Trung Hoa. Một dạng berberine đặc biệt (berberine gắn phytantriol) có sức mạnh gấp khoảng 20 lần trong việc ngăn chặn sự phát triển và di căn của ung thư phổi so với berberine thông thường. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, berberine gắn phytantriol giúp kiểm soát các gene liên quan đến ung thư phổi, làm giảm hoạt động của các protein kích thích sự phát triển của tế bào ung thư và cũng ít tác dụng phụ hơn berberine thông thường.

Dâu tằm trắng: Albanol B (ABN-B), phân lập từ dâu tằm, có khả năng ức chế sự phát triển của bốn dòng tế bào ung thư phổi ở người và gây chết tế bào. Điều trị bằng Kuwanon M (KWM), một thành phần đặc trưng khác từ vỏ rễ dâu tằm, có thể ngăn chặn sự tăng sinh và di căn của tế bào ung thư phổi trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Cây lưỡi rắn trắng: Trong một nghiên cứu trên động vật, chiết xuất này đã ức chế hiệu quả và gây chết các tế bào ung thư phổi. Ngoài ra, cây còn ức chế đáng kể sự di căn mà không có bất kỳ tác dụng phụ đáng chú ý nào.

Curcumin: Curcumin, có nguồn gốc từ củ nghệ, là một hợp chất quan trọng có nhiều đặc tính trị liệu, như chất chống oxy hóa và tác dụng chống viêm. Curcumin có thể trợ giúp hiệu quả trong điều trị các khối u đặc do khả năng điều chỉnh các gene gây ung thư và không có tác dụng có hại. Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng đều đến từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vì vậy cần có nhiều nghiên cứu hơn trên bệnh nhân để xác nhận tính hiệu quả của hoạt chất này.

Chiết xuất thảo dược Thái Lan: Một nghiên cứu đã tìm thấy một số chiết xuất từ dược liệu Thái Lan như Bi điền xoan, cây Cù đèn và Chi lim xanh có tác dụng gây độc trên một dòng tế bào ung thư phổi. Chiết xuất ethanol của Chi lim xanh là hiệu quả nhất và có tiềm năng đáng kể để điều trị ung thư phổi trong tương lai.

3. Trị liệu bằng hương thơm

Liệu pháp mùi hương sử dụng tinh dầu thực vật như một phương pháp bổ sung cho sức khỏe, thường được hít hoặc bôi da dưới dạng pha loãng. Các loại tinh dầu từ một số loại thực vật đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến tế bào ung thư phổi trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và các sinh vật sống. Một nghiên cứu cho thấy hương tinh dầu của hạt Màng tang có thể tiêu diệt các tế bào ung thư phổi bằng cách gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình và ngừng chu kỳ tế bào.

4. Các liệu pháp có khả năng làm giảm việc dùng thuốc hóa trị

Một số liệu pháp có thể nâng cao hiệu quả của việc sử dụng thuốc điều trị ung thư, từ đó giúp việc điều trị trở nên an toàn hơn cho bệnh nhân. Bao gồm:

Liệu pháp tăng insulin (IPT): Còn được gọi là liệu pháp insulin trúng đích liều thấp, cung cấp một phương pháp bổ sung để điều trị một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư phổi. Thường được gọi là “hóa trị liệu liều thấp,” IPT là phương pháp điều trị bổ sung cùng với các liệu pháp điều trị ung thư khác. Vì insulin có thể làm tăng tính thấm của màng tế bào ung thư do có số lượng thụ thể insulin cao hơn nên liệu pháp này giúp hóa chất dễ dàng xâm nhập vào tế bào ung thư hơn. Do đó, cần ít hóa chất hơn để đạt được hiệu quả điều trị tương tự.

Thuốc khí dung từ tính nhắm đích (MADT): Một kỹ thuật mới nổi có nhiều hứa hẹn trong điều trị ung thư phổi, MADT liên quan đến việc dùng nam châm vĩnh cửu để đưa thuốc đến các vị trí cụ thể trong phổi một cách chính xác. MADT có thể được thực hiện bằng cách dùng nam châm cấy ghép bên trong cơ thể hoặc nam châm đặt bên ngoài. Dùng nam châm vĩnh cửu có tác động rõ rệt đến mức độ hiệu quả của các hạt bị giữ lại.

5. Châm cứu và kích thích huyệt

Việc kích thích các huyệt vị nhất định có tác động mạnh mẽ đến hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư phổi. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự gia tăng đáng chú ý về nồng độ interleukin-2 điều hòa tế bào miễn dịch, cũng như sự gia tăng các tế bào miễn dịch, bao gồm các phân nhóm tế bào T và tế bào diệt tự nhiên. Hơn nữa, kích thích huyệt vị làm giảm đáng kể tình trạng ức chế tủy xương do điều trị thông thường gây ra như giảm lượng huyết sắc tố, tiểu cầu và bạch cầu.

Châm cứu có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng ung thư ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, như đau, buồn nôn và nôn, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm, mệt mỏi và táo bón.

Phòng ngừa ung thư phổi

Dựa trên các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi, có một số cách phòng ngừa dưới đây:

· Tránh hoặc bỏ hút thuốc hoặc ở gần khói thuốc: Trong vòng 12 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ ung thư phổi sẽ giảm hơn một nửa so với người hút thuốc.

· Kiểm tra mức radon trong nhà: bằng cách liên lạc với văn phòng radon của tiểu bang.

· Tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với chất gây ung thư: Trước khi nhận một công việc mới, hãy thẩm định kỹ lưỡng để xác định xem liệu có tiếp xúc với các chất độc hại gây ung thư phổi như amiăng và silica hay không.

· Ăn ít chất béo, nhiều chất xơ: Ăn có nhiều trái cây, rau và các loại thịt tốt cho sức khỏe. Hạn chế thịt đỏ và chất béo bão hòa; thay vào đó hãy tiêu thụ thịt gia cầm, cá và rau. Tiêu thụ thường xuyên các loại rau họ cải, chẳng hạn như bắp cải, bông cải xanh và cải Brussels, đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư phổi.

· Cung cấp đủ omega-3: Ba acid béo omega-3 chính bao gồm acid alpha-linolenic (ALA) có trong dầu thực vật, acid eicosapentaenoic (EPA) có trong cá và các loại hải sản, và acid docosahexaenoic (DHA) có trong hải sản. Acid béo omega-3 có thể cản trở sự phát triển của tế bào ung thư và có khả năng điều chỉnh các con đường chính ảnh hưởng đến sự tiến triển hoặc biến chứng của ung thư phổi.

· Tăng vitamin và chất chống oxy hóa: Căng thẳng oxy hóa là yếu tố chính gây ra tác hại do xạ trị và hóa trị ung thư. Các chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E, cũng như selen và kẽm, giúp gia tăng khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại căng thẳng oxy hóa. Mặt khác, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng vitamin C liều rất cao hoạt động như một chất chống oxy hóa, làm giảm mức năng lượng trong tế bào ung thư, làm hỏng DNA từ đó gây ra một chuỗi phản ứng cuối cùng dẫn đến chết tế bào.

· Tập thể dục ít nhất hai lần mỗi tuần: Người lớn nên dành 150 phút tập thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải mỗi tuần, kết hợp với rèn luyện sức mạnh hai lần một tuần.

· Kiểm tra ung thư phổi nếu có nguy cơ cao: Nếu bạn có nguy cơ cao bị ung thư phổi, hãy trao đổi với bác sĩ để được làm các xét nghiệm sàng lọc thích hợp.

Mercura Wang _ Thanh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét