Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Buồn vui đời tị nạn (1) - Phiet Phan


Mòn mỏi trong trại tù A 20 Xuân Phước trên 5 năm sau khi chuyển trại từ Nam ra Bắc, rừng thiêng nước độc Yên báy Sơn La ,phá sơn lâm (nhưng chưa đâm hà bá )làm trọc bao nhiêu ngọn núi theo chỉ thị ngu dốt để trồng khoai lang khoai mì gây hậu quả lũ lụt tang thương như hiện nay , rồi di chuyển bao lần nữa… để rồi chuyển về nhốt xà lim Chí Hoà vì đòi được đối xử là người . Sau trên một năm xà lim hôi hám muổi mòng trong đơn độc , khi cộng thù vào tháng tám năm 1982 chuyển chúng tôi lên Xuân Phước A20 tôi như một xác thằng lằng trơ xương , và đây là câu nói không phải để dọa nhưng là sự thật của tên vc trại trưởng khi hắn đón chúng tôi :
<!>
“Chào các anh , đây là trại kiên giam A20 , các anh nghe kỹ, tới trại này các anh có hai lựa chọn: một là các anh cải tạo tốt để về với gia đình, hai là các anh lên đồi trước mặt mà nằm , thả hay không là ở chúng tôi không phải ở bộ nội vụ, chúc may mắn “ .
Câu nói điếm đàng đó là sự thật vì cuộc sống tù thiếu ăn, khí hậu khắc nghiệt mùa nóng như thiêu đốt mà lạnh rét run , anh em nào chống đối là nhốt conex( mà việt cộng ba ke phát âm là : con lách), theo các bạn như Trung điên , Ngọc đen , Phan ,Tám chùa ,Vũ Ánh ( mất tại Quận Cam ) v.v kể lại cái conex bằng thiết 4 thước vuông mà đôi khi trên mười thằng tù cùng nằm ngồi cả tuần để tắm hơi nồng nặc mùi nước tiểu, mùi mồ hôi!!!!🤬🤬🤬, các bạn lần lượt kẻ lên đồi nằm ngắm trăng vĩnh biệt, người được thả ra khỏi tù , tôi và một số anh em vẫn còn khoai sắn cho đến15 tháng 9 năm 1987 tôi và vài bạn tù được gọi tên “ tạm tha “ sau đúng 12 năm 3 tháng “ cải tạo gì ? “ . Không hiểu sao tâm trạng tôi lúc đó như ù lì như chai sạn có lẽ qua bao vùi dập mất mát kéo dài đăng đẳng trên thập niên đã khiến đầu óc tôi trở thành trơ như đá? Tôi chọn một vài món cần thiết kỷ niệm còn bao nhiêu để lại cho các anh em tội phạm trước 1975 , một chút về các huynh đệ này: thật ra họ là các quân nhân VNCH bị phạm tội đại hình và vài chàng đại ca giang hồ như Mã thành Kỳ , Lâm chín ngón bị phạt tù từ trước 75 v.v mục đích của việt cộng là dùng họ để trấn áp chúng tôi , những kẻ không thể “ cải tạo “ được , tuy nhiên kết quả ngược lại điều họ mong muốn vì họ , những huynh đệ này khi tiếp xúc hàng ngày với chúng tôi họ đã học được những điều mà cuộc đời đau thương mất phương hướng khiến họ không nhận biết hoặc vì lầm lạc như chuột lọt vô hủ keo không lối thoát ! thật sự tôi mong rằng họ thoát được cuộc đời tăm tối bất hạnh này.!

Chúng tôi , những người tù không tội, bị nghe những lời đe dọa cuối nào là chỉ tạm tha , cố làm người “xuống hố cả nước “v.v tuy nhiên tên vc phó trại nói một câu làm chúng tôi thắc mắc : gì đây ?
“ các anh nhớ rằng đây là một lần thả rất đặt biệt , rồi các anh sẽ hiểu và nhớ làm điều tốt cho đất nước “
Tôi cùng Ng Ngọc Tường, Hà mạnh Phan , Trần hữu Xiêm ( mất tại Mỹ) Ng văn Ngọc quận trưởng Tánh Linh ( mất tại VN vì hậu quả của vết thương bị bắn khi vượt ngục tại biên giới Việt Trung !!! )cùng nhìn nhau “ có điều gì? Gì đi nữa cũng tốt hơn địa ngục cải tạo này !”
Với vài đồng bạc tụi trại tù đưa làm lộ phí về Sài Gòn chúng chở ra bỏ tại ga xe lửa La Hay / Đồng Xuân để đón về Sài Gòn.
Tiền gọp lại cũng chỉ đủ cho một phần của bữa ăn, chúng tôi bấn xúc xích vì nào là tiền ăn, tiền vé xe lửa, rồi tiền ăn dọc đường ! Thôi kệ cứ để cho trời tính?
Thế rồi bữa ăn đó đã được chủ quán chỉ tính như cho không, cám ơn rối rít, nhưng chủ quán nói:” nhìn các anh tôi đau lắm nên chỉ lấy cho có thôi , các anh đừng bận tâm “
Khi xe lửa tới, chúng tôi lần lượt bước lên thì gặp ngay cô soát vé còn trẻ, mặn mà hoạt bát nói giọng miền nam đã làm chúng tôi bớt căng thẳng vì túi tiền, cô không những lịch sự mà còn hướng dẫn chúng tôi chổ ngồi , tôi hỏi:
“ Thưa cô chúng tôi phải trả tiền vé tới Sài Gòn như thế nào ?”
Cô soát vé vui vẻ trả lời :
“ các anh các chú cứ ngồi đây nếu ai hỏi gì thì cứ nói em chỉ ngồi đây và em tên là … ( xin tạ lỗi vì đã quên tên của Ân nhân !😵‍💫””)
Rồi không hiểu sao các tay du côn xe lửa khi thấy chúng tôi đều chào hỏi mặc dù một vài người là dân Bắc sau 75 ??? Và ngay cả đã mời chúng tôi vài món ăn???
Khi xe ngừng tại các ga chúng tôi hầu như ngập trong sự thương yêu chào hỏi và đủ mọi thức ăn không nhận không được 👍❤️

Rồi xe cũng tới Sài Gòn thân yêu sau bao năm xa cách , chúng tôi chia sẽ địa chỉ và mạnh ai nấy đón xe ôm lòng hồi hộp mong nhìn người thân yêu . Nhà tôi tại chợ Cây Quéo/ Gia Định nên không thể nào xe ôm lạc được, lại được ôm xe miễn phí , trời hởi ! chúng con đã nợ đất nước này từ chuyện không bảo vệ được cho đến bao ân tình nghĩa nặng này , bao giờ trả hết !!!
Vừa đứng trước cửa nhà là tôi vội cởi áo quần tù vất cả dưới chân miệng thì đổ mười!!!! Các cháu thấy tôi về nên chạy báo cho Bà Ngoại là Má tôi :
“ Ngoại ơi cậu chín về ( vì tôi thứ 9 trong gia đình mười người) “
Má tôi lúc đó 79 tuổi nhưng còn khá khỏe mạnh vội vàng bước ra ôm tôi như là đứa con nhỏ thất lạc đã lâu, Má con đều muốn rơi nước mắt trùng phùng sau trên thập niên xa cách vì tù mà không tội do bọn người cùng tiếng nói cùng màu da nhưng khác nhau giữa người và quỷ 👹 Tôi vô nhà chào Ba tôi vì Ông bị yếu đôi chân chỉ đi khi có người đở .
Qua bao trở ngại trong cuộc sống của cái xã hội quái dị xhcn này thì tin đồn được đi Mỹ đã thành sự thật, rồi bao chuyện cười ra nước mắt ghép tên trong danh sách để đổi ra tiền ra xe và cá nhân tôi cũng bị hay được lên danh sách vì tôi đi độc thân, ngay cả một cô công an làm việc trong sở ngoại vụ hỏi:
“Sao anh đi có một mình uổng vậy? “
Tôi là tay hay chọc nên trả lời: “ thế có cô nào muốn nhập cuộc hong?”
Một cô cả gan :
“em “rồi tự trả lời:”nhưng mà trể rồi , anh sắp lấy vé máy bay làm sao kịp “
Thương cho dân mình ngay cả công an cũng muốn thoát cái xã hội ma quỷ này !!!
Rồi ngày chờ đợi để thoát khỏi cái đất nước tôi sinh ra ,chia lìa Ba Má , anh chị em , bạn bè, hàng xóm thân yêu cũng tới 🙏; tôi nhớ hoài: 13 tháng tám 1992 khi phi cơ cất cánh tôi nhìn lại phi trường Tân sơn Nhất lần cuối nơi tôi phục vụ được đúng 6 tháng sau 9 năm lang bạt trên 4 vùng chiến thuật ; qua khung cửa oval của phi cơ nhìn hình ảnh Sài Gòn tôi như muốn khóc vì biết rằng có thể là lần cuối trong đời, buồn lắm vì tôi còn người Mẹ già ( Ba tôi đã mất vào tháng tư 92 ) đã bán hết mọi thứ để nuôi thằng con làm cho Bà thấp thỏm âu lo vì ai biết con hơn Mẹ với tánh “thấy gông hay phá thấy gánh hay mang “
Buồn nhiều hơn vui , tôi nhắm mắt để dòng đời đưa đẩy tới Mỹ nơi tôi đã du học, nơi nền văn hóa, phong tục tập quán khác biệt (đó cũng là lý do tôi quyết định ở lại VN )không biết đó là khôn là dại ???
Phi cơ đáp xuống Bangkok sau trên một giờ bay , tất cả mọi người thuộc thành phần tị nạn chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ được xe thuê của chính phủ Mỹ chở thẳng vào khu tạm cư từ trại tù Thái Lan biến cải thành nơi cho dân refugees ở tạm . Tôi ở đây trên tuần lể thì được gọi tên trong danh sách trên mười mạng chuẩn bị hành lý, riêng tôi chỉ có túi xách nhỏ, lên xe ra phi trường để bay tới Los Angeles / LAX , và vì biết quọt quẹt mấy chữ tiếng Mỹ mà tôi bị chỉ định làm đại diện cho cả toán , oh man !
Mấy tiếng sau thì tới Japan đáp phi trường Narita , sau mọi thủ tục, chúng tôi , mấy tay tị nạn cùng gia đình được hướng dẫn tới một góc terminal để dể tiếp xúc khi cần và thằng tui lại làm thông dịch viên bất đắc dĩ, nhắc nhở mấy chú nhóc đừng chạy lung tung , rồi thay mặt tiếp viên phát thức ăn nhẹ, rồi , rồi… và cái tôi lo nhất là quý vị đi lạc trong lúc có phi cơ chuyển tiếp tới LAX ,
“tự nhiên mang gánh vào thân
xin đừng léo nhéo người cười quá ngu “
Ông captain của phi cơ thông báo đang trên không phận Los Angeles sau trên 10 giờ bay liên tục, mọi người trong toán tị nạn mừng rỡ vì đã thật sự thoát khỏi bàn tay việt cộng , mặt ai cũng mừng rơn, riêng tôi cứ “ que sera , sera “ ; dù có khác hoàn cảnh nhưng dù sao cũng đã biết Mỹ khi đi du học nên tôi cũng có chút tự tin, lúc bấy giờ 1992 chưa có khủng bố phi trường nên người thân vào tận nơi cửa ra cái lối acordeon , tôi không biết gọi là gì nên đặt tên cho dể hiểu, thì thấy chị chú bác của tôi , một ni cô là người sponsor và vài người bà con nên tôi bước tới chào hỏi, mọi người chào đón nhưng cũng có vẻ ngạc nhiên vì tôi mập bự như ở Mỹ đã lâu họ đâu biết thời gian tù đày đã trui rèn tâm tính với lại tôi đã ra khỏi tù cả 5 năm nên cơ thể tôi đã trở lại như xưa .

Tôi lại quên không nhớ ai đã chở tôi về apartment của bà chị ni cô này trên tầng 12 của cái building cho người già bịnh , chỉ có một phòng nhưng khá rộng và rất tiện nghi . Rồi tôi phải tới USCC để làm giấy tờ thủ tục và được hưởng tiền trợ cấp 180 một tháng và trên trăm food stamp cũng tạm dùng trong lúc chờ đợi kiếm việc làm.
Sau vài ngày tạm trú với chị , tôi thấy khá bất tiện vì chị có nhiều Phật tử lui tới nghe thuyết giảng trong khi tôi thì đủ thứ tội lỗi nên cách tốt nhất là phải tìm nơi khác hợp với hoàn cảnh để tránh phiền toái cho chị . May thay , tôi có một chú bà con cùng KQ nhưng khóa sau tới đề nghị cho tôi tạm ở với ông tại Orange city ( thuộc quận cam ) , nhà chỉ có hai phòng trên lầu, dưới là nhà bếp và phòng khách, gia đình năm người nên cách tốt nhất là “ngự”phòng khách cho ổn đã rồi tính sau , một người em họ dẫn tôi đi làm thủ tục với Sở An Sinh . Tại đây tôi gặp chuyện khá vui , hầu như khách là người Việt và các nhân viên ( social workers) cũng phần đông là dân mũi tẹt, tôi đợi mãi thì cũng được gọi tên mà người gọi là bà Việt Nam da vàng:”hôn đô “ tôi biết là tôi nhưng vẫn im re .
“ hôn đô, hôn đô, who’s hôn đô “ . Đó là năm 92 nghĩa là mới 17 năm mà sao ngộ vậy hè ? Cũng cái tánh hay chọc nên tôi vẫn ngồi yên ( cái tui đáng ghét thiệt)
Tức quá bà ta gọi lại bằng phát âm Việt
: “ Hoàng Đỗ , ai là Hoàng Đỗ ? “
“ dạ tui “
Tôi đứng lên tiến về phía bà ta . “Dạ tôi nghĩ bà gọi người Nhật tên Honda “
“Mời ông “ bà ra dấu !
Tôi vờ khép nép bước vào phòng, bà chỉ ghế với vẻ “nghiêm mà buồn “
Sau khi một hồi hỏi và ghi chép cái gì đó thì bà hỏi tôi :
“ ông qua đây theo diện gì ? Vượt biên hay Ho “
“Dạ tôi qua theo diện ở tù được chính quyền Mỹ bảo lãnh danh sách H 14 , sao tôi không thấy chữ O đi trước “
“À thế ông là sĩ quan cải tạo?”
“ dạ tôi là lính ở tù sau 75“
“ cấp bậc ông ?”
“ dạ Đại úy “
Nàng liền thay đổi thái độ, nói chuyện bớt tự cao kênh kiệu và sau khi xong việc nàng lại hỏi :
“Anh thấy tôi làm việc như thế nào?”
Tôi nói nhẹ như hơi thở:
“ dạ tôi thấy giống công an “
Nàng nhìn tôi như muốn nói: “ xéo ngay khỏi mặt bà !”
Nói xong tôi nhẹ cúi chào
Và biết nàng nhìn theo như…, không biết nữa, há há .

Trong tuần lễ đầu một vài anh em biết nên tới thăm, và chuyện trái cẳng ngỗng xảy ra , vì tôi vai cháu nên mấy đứa nhỏ , tuổi con tôi nhưng lại là em , tôi lại khóa trước nên khi các bạn khóa sau tới thăm tụi nhỏ bước ra chào bác nhưng quay sang tôi lại kêu anh , mấy ông bạn nhìn tôi dở khóc dở cười , tôi cười trừ , “dù sao đi nữa thì giấy rách vẫn giữ lấy lề “ niên trưởng với niên đệ là thứ luật quân trường, chào hỏi trước khi mầy tao tôi tớ . Ông chú bà con dẫn tôi đi xin ghi tên học E S L
vì ở Mỹ thì phải nói nghe cho khá chứ không thì như câm điếc , mặc dù biết chút đỉnh tiếng Mỹ nhưng học thêm là cần thiết để khỏi câm điếc, mấy lớp học này thuộc trường Fullerton college , thi sắp lớp thì tôi thuộc hạng trên trung bình, lớp tôi đa số là tuổi con cháu, còn lại là mấy ông xồn xồn , tôi nhớ có anh Ngô khóa 16 vỏ bị , một ông khóa 22 TQLC ( quên tên ) mặc dù các bài đã học nhưng ôn lại vẫn thấy mình thuộc công dân nước “đại ngu “
Học chừng hai tháng thì bà giáo ( là người Latvia ) còn khá trẻ đẹp tị nạn từ 1950 với Cha Mẹ , theo bà cho biết ! Đã ra một đề tài cho mấy “ em học sinh “ ! Hãy viết về cuộc đời bạn .
Tôi thừa hiểu tiếng Mỹ của tôi thuộc loại “ xỉn “ nên bài essay của tôi ngắn ngủn:
“ Thưa , tôi là một sĩ quan trẻ tham chiến để bảo vệ dân tôi , tổ quốc tôi trước sự xâm lăng của cộng sản bắc việt. Vì một vài lý do tôi tình nguyện ở lại với Ba Má tôi và gia đình sau 30/4/75 , thế rồi tôi cùng hầu như tất cả quân nhân đã vào trại “cải tạo “, nhưng thật ra đó là trại tù khổ sai theo kiểu Siberia ở Nga sau khi cộng sản chiến thắng tại Russia , qua hơn thập niên tù đày thật sự tôi đã từ một thanh niên miền Nam VN sống hiền hòa đã khôn ra, , thấy được bạn thấy được địch thấy được tôn giáo và cuối cùng tôi đã thấy được tôi . “
Tạm dịch theo khả năng Anh văn loại “ xỉn “ của tôi:
“ I was a young officer joining military to protect our people , our country against the cruel , barbarous attacks of north việt nam communist . By some reasons I volunteered stay back with my Parents, my family after April 30 / 1975 , and almost all of us went to “reeducation camp “but it’s really a penal servitude prison followed the way of Russia in Siberia after the communist took control . Over 12 years in communist prison I was from a young , political innocent soldier , I learned a lot , I knew who’re my friends who’re my enemy, I knew about religions and finally I knew who I am .”
Sau đó cả lớp nghỉ break
15 phút rồi trở lại , yên vị để nghe bà giáo phê bình bài essays , bà cầm một tờ đưa lên và nói bà chọn bài này, dĩ nhiên là không phải tui nên tôi mặc kệ, làm cho có mà !
Bất ngờ bà gọi tên tôi, tôi đứng lên không hiểu mô tê , mặt ngớ ra .
“ Đây là bài tôi chấm vì ông này không than vãn không kể khổ, ông sẽ hòa hợp với xã hội Mỹ, chúc mừng “
Tôi như á khẩu, tui à ? ??
Mỗi ngày đi bộ cả trên một dậm để đón xe bus , ngày nọ đang tìm mua mấy băng nhạc của Sĩ Phú, Thái Thanh tại thủ phủ Little Sài Gòn của người Việt chạy trốn cộng phỉ thì ai đó vỗ vai thật mạnh dĩ nhiên phải là bạn mới làm thế, tôi quay lại té ra tên bạn khóa đàn anh cựu trưởng phòng hành quân phi đoàn Chinook 241 ở phi trường Phù Cát / Qui Nhơn, Trần văn Ngọc ( vừa cất cánh đi vào vùng bình yên 🙏 2022 )
“Mới qua hả mầy , đi uống cà phê rồi tới tao chơi, lát tao chở về . “ hắn lúc nào cũng ào ào , nhưng với bạn bè thì hết mình , “hồi tưởng lại một thời không gian bảo quốc của các bạn các niên trưởng , thôi thì hẹn nhau kiếp sau nếu được!!!😞”
Ngọc nói:” ngày mai thứ sáu KQ nam Cali có tổ chức đại hội, mầy đi với tao nghe “
Nghe tin này tôi mừng quá vì có cơ hội gặp lại những bạn bè xa cách từ ngày mất quê hương tự do , tan đàn vở tổ nên OK liền .
Tôi hẹn nó ngày mai gặp vì tôi có hẹn với chủ nhà , thật ra tôi cũng muốn đi với anh ta nhưng phải kiếm áo quần cho xịn một chút , đón xe bus tại đường Bolsa để về lại Orange city vì gần chỗ tôi ở trên đường Katella có một tiệm good will chắc hy vọng tìm được bộ nào kha khá, xuống xe ngay trước Parking của tiệm, vội vàng bước nhanh vào như sợ ai đi trước chộp lấy thì khốn.
Đi rảo vài hàng bán đồ đàn ông đã qua xử dụng , tôi chọn được một áo thun hơi giống áo Montegu màu nâu dợt và một quần Jean Levi’s màu nâu đậm Size 40 đúng với cái bụng thùng nước lèo của tui , ôi sao mà tiệp màu mà Tây gọi là ton sur ton , quá đã , như thế này mặc vào chắc mình không tệ lắm 🤣, nhưng good will thì không có phòng thử nên
về tới nhà ông chú họ, vào phòng half bath mặc thử xem , à không tệ! 😵‍💫

Đến chiều thứ sáu tôi nhờ ông chú chở tôi tới nhà hàng, tôi bước vào nhà hàng hy vọng gặp bạn cũ , tôi nhìn ra vài người xem họ nhận ra tôi không ? Mọi người ai cũng veston chỉnh tề chỉ có tôi mặc ( theo tôi) “ có vẻ xì po hay “ xì ke “ và kết quả hình như tôi là invisible man ( người tàn hình ) vì không ai ngó tới cả ! Đang xớ rớ thì bạn Ngọc cứu tinh xuất hiện
: “ mày đứng đây đợi tao lên nói chuyện rồi tính “
Bất thình lình: “ phải anh là anh Hoàng quân báo Phù Cát ?”
Tôi quay lại và nhìn ra ngay đó là Dung , trung úy chinook 241 , vội bắt tay thì Dung tiếp: “anh Ngọc bảo tôi anh đang đứng đây nên ra tiếp, mời anh đến ngồi cùng bàn với vợ chồng tôi “
“ còn gì bằng 🤙”
( xin mở ngoặc tại đây sau này khỏi phải giải thích giải ghét: sở dĩ không ai chào, nói chuyện vì sau 17 năm xa cách bây giờ tôi già quá , bụng nước lèo , tay quẹo đe như móc câu nhìn không ra vả lại trong buổi đại hội mọi người đều mặc complet chỉnh tề còn thằng tui thì mặc đồ quá “xịn “ ai cũng nhìn được là ma dze in good will , há há há !
Gần ba tháng tới Mỹ vẫn chưa có việc làm mặc dù cũng thử phụ hồ nhưng chẳng xong , tôi quyết định thử thời vận lên miền Bắc Cali kiếm việc và cũng xin học college ở San Francisco, kết cục tôi tìm được việc làm chức vụ là waiter cho một nhà hàng ở Oakland, sáng tờ mờ, đường còn đầy sương tôi đã ra đường đi bộ tới trường chừng hai dậm , xong lớp là đón bus tới bến xe Bart / đường Market để qua Oakland, đường xe BART chạy xuyên dưới biển với tốc độ nhanh , tôi hỏi người soát vé thì anh ta nói khoảng 80 dậm giờ
Có hai chuyện vui khi tôi đi học :
-Vào buổi sáng còn mờ sương, đang đi trên vệ đường tay cầm cập học tới trường thì chợt nghe một tiếng hét thật to bên lề đối diện “: hey ! stop “
Nhìn qua thì đó là một anh da đen khá to , mắt nhìn trừng trừng vào tôi đe dọa như con quỷ nhưng bấy giờ tôi mới chưa tới 50 , (nếu như tuổi hiện nay chắc chớt )hoàn toàn khỏe mạnh lại được đào tạo qua : quân trường KQ Nha trang, chiến trường VN rồi đại hộc ( máu ) cải lộn cải tạo nên chàng bình tĩnh đứng lại , nhìn thẳng vào tên đen chờ đợi, và đã có cách đối phó, tên đen chạy phóng lẹ qua tôi nhưng đến giữa đường thì đi từng bước , tôi mỉm cười rồi nói: “ you have only halfway to reach me , come on man“
Và hắn chấp tay nói:”I m hungry pls give me some dollars “
Đó là cách tụi nó nhát ma nhưng mình phải là thầy chùa thì hóa giải (
“nhát ma thầy chùa “ ý nói nhát lầm người)
-Chuyện thứ hai là ngày đầu lớp văn phạm, ông thầy Mỹ trắng râu xồm bước vào rất vui vẻ tự giới thiệu “ my name …. , and I’m gay (lắc mông một cái ) before we start the class, I tell you guys a real story: “one good guy died , and he was a nice one so he went to heaven , Saint Peter greeted him as a new comer to heaven, showing him everything, everywhere and ask him how he thinks about, he said : “ it’s nice, quiet, safe , beautiful but no exciting “ Saint Peter:
“ ok , because you’re a good and a faithful man so I give you a special choice, here’s a ticket going to hell one week for visiting “
Immediately this guy saw in front of him a beautiful beach, restaurant, coffee shops …beers, whiskey sexy girls , he enjoyed so much a whole week and time to back to heaven, Saint Peter asked him for time in hell , he said he loved it and wanted to move there ,
“ are you sure ? You can’t go back here when you’re there “ Peter replied
He surely accepted and bye.
He was immediately at hell , seeing the horrible guards yelling, ordering pushing him work work work without break , so when he had a short break, he bashful asked the guard :
“ sir , one week ago I was here it’s really enjoyable but now …”
The hell’s guard replied
“ one week ago you were a visitor, and now you’re a resident, d’you know where’s here ? San Francisco/ USA, go work and don’t ask me anymore, understand???”
Thật sự là vậy , ngày đi học trong tuần tôi dậy 5 giờ sáng , chuẩn bị mấy lát bánh mì xong đi như chạy tới trường, xong lớp thì dọt lẹ đón bus để tới đúng giờ xe BART qua Oakland làm bồi , cuối tuần thì tối thứ sáu khách thật đông chạy muốn tắt thở về tới nhà một hai giờ đêm, người lả ra như bả mía ! nhiều lúc phải vác cái bụng nước lèo chui xuống bàn để cleaning up thức ăn đổ bừa bãi, phải chìu từng khách một, nhiều khi tôi muốn nổi cơn vất bỏ tất cả, tại sao bây giờ mày như thế này hả Hoàng???

Một hôm ngày chủ nhật, vừa mở cửa tiệm thì có 4 tên khách bước vào, tôi vội bước tới chào và mời ngồi, thì một cậu chàng chào tôi bằng giọng bắc 75 việt cộng
“Chào anh ạ , cho em ó đơ “
Nghe tới giọng này là tôi bị side effects ngay lập tức, dằn xuống tôi hỏi :
“Mấy anh gọi gì ? “
Tôi đã cố gắng hết sức để không lên cơn , sau ghi hết orders xong, tôi nói
“ tôi sẽ nói chuyện với các anh sau “
Đem order vào bếp xong tôi trở ra và hỏi
“ có phải các anh vượt biên ở Bắc Việt?”
Một tên hỏi lại
“ sao anh biết hay thế ?”
“ vì các anh nói giọng đặc thù việt cộng “
Bọn họ hơi bất ngờ:
“ anh nhớ và thù cộng sản lắm hở “
“ tôi nói cho mấy chú em biết, nếu tôi có cơ hội sẽ cho nổ banh lăng ba đình “
Mấy chú chàng nín khe cúi đầu ăn khi tôi còn xớ rớ đó , tôi bước vào bếp thì ông chủ vừa là đầu bếp chánh nói:
“ anh nói tụi nó như vậy tôi nghe khoái lổ tai nhưng chắc chắn mình mất tụi nó luôn , tụi nó là khách thường xuyên của tiệm “
Tôi nghe thế chỉ biết im lặng rút êm , biết sao !!!
Làm bồi cũng “ trăm đắng ngàn cay !“ . Tôi nhớ một chiều thứ sáu có lẽ vào tháng hai vì trời còn rất lạnh , một bà tuổi ngoài 50 vẻ trí thức vào gọi món ăn, thấy tôi bưng thức ăn ra thì bà hỏi:” hình như anh là chủ mới?” Giọng Bắc 54
Tôi hoảng hốt ( không phải vì sợ mà vì mắc cỡ!)
“ dạ không phải, tôi là bồi mới “
Có lẽ bà đoán mò tôi là tù mới qua Mỹ:
“ vậy có phải anh qua theo diện HO “
“ dạ tôi mới qua được 6 tháng nay “
“ chồng tôi người Mỹ, anh ấy rất muốn gặp các anh để tìm hiểu , ngày mai anh có đi làm không?”
“ dạ tiệm mở ngày nào là tôi đều có mặt “
“ thế ngày mai thứ bẩy giờ này, ba giờ, chúng tôi có mặt “
Ngày mai thứ bẩy đúng giờ thì bà và chồng bước vào, tôi đang lui cui lau chén dĩa chuẩn bị cho buổi chiều tối chạy mờ mắt thì anh chủ tiệm gọi tôi : “ ê Hoàng hai Ông Bà nào muốn gặp “
Tôi bước ra vừa lau tay bằng khăn trên vai :” dạ chào chị , hi sir , “tôi quay qua anh chồng .
Anh ta vội chìa tay bắt và nói tiếng Việt giọng Bắc Hà nội 54:” chào anh , tôi nói được tiếng Việt “
“ ồ tốt quá chứ nói tiếng Mỹ thì tôi mệt lắm “
Vợ chồng cười cởi mở
“ Tôi đã nói về anh , cải tạo mới qua “
“ dạ tôi ở tù cộng sản chứ không phải cải tạo, xin phép chị đừng giận “
“ xin lỗi anh, tôi quen miệng “
Anh chồng nghe và mỉm cười gật đầu, và hỏi tôi
“ chúc mừng anh tới Mỹ, anh thấy thế nào ?”
Vì cũng đang còn hận vì chính quyền Mỹ đã bỏ rơi miền Nam vào tay giặc cộng nên tôi phản ứng hơi bất nhã :
“ thật sự mà nói, tôi yêu quê hương tôi nên mới ở lại , tình yêu đó cho tới nay nhưng vì cộng sản tôi phải ra đi , ở Mỹ này điều duy nhất mà tôi nhận được là tôi hít thở được không khí của tự do “ sau câu trả lời đó thì xin phép vào chuẩn bị tiếp thực khách.
Trong thời gian này, tôi đang xin trợ cấp tàn tật và mượn địa chỉ một người bạn chủ một hai nhà hàng gì đó ở San Francisco thì câu trả lời làm tôi chới với:” nhà tao ở khu này không thể cho mượn địa chỉ được “
( ý nói khu nhà giàu??? tình đời cho kẻ trắng tay ??? )Sau đó tôi lấy địa chỉ của tiệm và tôi được gọi khám và phỏng vấn bởi một bác sĩ tâm lý bên San Francisco ; ông bác sĩ khám tổng quát là người Mỹ trắng khoảng trên 50 và tự giới thiệu đã phục vụ chiến tranh VN , ông ta hỏi lý do tại sao tôi bị què kinh hãi thế này, tôi tả lại tai nạn khi ở tù và tạm yên tâm vì cùng “ phe ? “, sở dĩ thế vì mặc dù què quặt nhưng tôi vẫn tập tạ , kéo giây … nên cơ thể tôi vẫn không đến nỗi tệ nên khi khám xong anh ta nói
“ bắp thịt tay trái vẫn còn khỏe và to “
Vì tôi khai tay trái quặt quẹo không làm gì được cả nên cũng hơi lo , sợ không được chấp thuận hưởng tàn tật, tuy nhiên ông ta mỉm cười thông cảm và nói: “ you passed the exempt “
Qua một cửa , còn bác sĩ tâm lý nữa mới khó đây !
Đợi khoảng nửa tiếng thì được gọi vào, có một thông dịch viên Việt , trước mặt tôi là một bác sĩ khoảng 40 tuổi , anh ta lịch sự mời tôi ngồi và giới thiệu anh thông dịch, vì xin trợ cấp tàn tật nên phải đóng khờ khờ một chút, anh ta nói gì dĩ nhiên tôi hiểu nhưng vẫn đợi thông dịch rồi trả lời bằng tiếng Việt : như Ông có biết làm toán không? Tôi đóng vai ngu, trả lời dĩ nhiên qua thông dịch:
“ tôi là sĩ quan nên có học qua toán “
Tôi trả lời thật chậm như 3+5 hay 6+7 bao nhiêu vv , anh bác sĩ ghi chép gì đó , xong hỏi tôi một câu làm tôi hơi bực vì lối nhìn của y ta ( có thể tôi hiểu lầm!) Anh ta hỏi
“ Có bao giờ anh có ý định tự tử không?”
Tôi trả lời bằng cách hỏi ngược lại anh ta bằng tiếng Mỹ:
“ thưa bác sĩ, nếu ông đang có cuộc sống an lành, có gia đình yên ấm, bất ngờ vì sự xụp đổ của đất nước mà mất tất cả , không quyền không tiền mất vợ con và trở thành một người tàn tật trong tù của kẻ thù thì ông nghĩ sao ?”
Tôi thấy vẻ bối rối hiện trên mặt , rồi anh ta hơi xúc động vài giây, viết lên giấy gì đó xong nói cuộc phỏng vấn chấm dứt , đưa tay tiển tôi. Tôi nghĩ là thua rồi ! Thôi tìm cách khác để sống vậy!

Tôi đã làm bồi bàn hơn 7 tháng, những lúc trưa vắng khách tôi nghĩ chẳng lẽ ở tù mười mấy năm , qua tới Mỹ , tuần lễ sáu ngày quanh quẩn trong 4 vách tường nhà hàng thì có khác gì ở tù nên quyết định ra đi dù rằng trong túi chỉ có 100 đồng tiền food stamps , chàng chủ tiệm biết ý định nên chận tôi để đưa tiền, nhưng tôi đã ra đi tay không, hơi khùng hay ngu nhưng bản tính tôi biết sao !?
Tôi được một niên trưởng tên Chánh khóa 62 giới thiệu tôi Việt , Ngô quốc Việt để tá túc tạm một thời gian , Việt cũng là KQ và cùng tù A20 Xuân Phước, anh ta về trước tôi mấy năm bây giờ gặp lại nơi xứ cờ hoa thật quả đất tròn! Trong thời gian ở tạm với Việt, anh thỉnh thoảng chở tôi ra Oakland để xem có thơ của sở xã hội và tôi đã được chấp thuận hưởng tàn tật suốt đời, sau khi trả cho văn phòng luật, tôi còn trên hai ngàn đô tính từ tháng 10 / 92thế là tạm thời tôi bớt lo về tiền ăn cũng vài tháng, tôi đề nghị trả phụ cho Việt nhưng anh ta từ chối tuy nhiên trước đó tôi cũng năn nỉ đưa food stamps cho bà vợ, tôi không muốn mang tiếng lợi dụng bạn bè !
Sau đó chúng tôi Việt, cùng em rể Sa xuống San Jose, gặp Nguyễn Bẩy pilot A 37 / Phan Rang, bấy giờ là chủ một shop mộc cũng khá và mừng mừng tủi tủi những thằng bạn trong quân trường KQ Nha trang lúc thanh niên đầy nhiệt huyết , Bẩy cho tôi một Honda civic củ nhưng chạy còn tốt , cám ơn rối rít.

Tháng tám cùng năm thì tôi dọn về San Jose bắt đầu một cuộc sống bằng chính mình.( hết phần đầu Tị nạn )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét