Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Bốn phụ nữ Việt trong thùng xe tải được giải cứu tại Pháp - KP

Sáu phụ nữ nhập cư lậu bị kẹt trong một chiếc xe tải thực phẩm đông lạnh đã được cảnh sát Pháp giải cứu, sau khi một trong những nạn nhân liên lạc được với một phóng viên BBC – hãng tin AP cho biết vào hôm nay 28 Tháng Chín 2023. Nhóm phụ nữ – bốn người Việt và hai người Iraq – đã trốn hàng giờ trong một chiếc xe tải chở chuối ở phía Bắc nước Pháp. Họ nghĩ rằng chiếc xe trên đường đến Vương quốc Anh hoặc Ireland. Khi phát hiện chiếc xe tải đi đường khác, họ bắt đầu hoảng loạn. Một người tìm cách liên lạc với phóng viên ban BBC Việt Ngữ ở London.
<!>
Công tố viên Pháp Laetitia Francart cho biết tài xế xe tải thực hiện cuộc hành trình sang Ý chứ không phải Anh hoặc Ireland và ông không có lỗi trong vụ này. Nói với các thanh tra, nhóm phụ nữ cho biết sở dĩ họ nghĩ rằng họ được đưa sang Anh vì chiếc xe mang biển số Ireland.

Trên trang BBC tiếng Việt ngày 28 Tháng Chín 2023, phóng viên Bình Khuê kể:

Vào khoảng giờ trưa, màn hình điện thoại tôi chợt sáng. “Chị ơi, có mấy bạn vượt biên đi Pháp sang Anh, đang trong xe thùng đông lạnh.” Tôi chưa kịp đọc hết, thì có cuộc gọi đến. Người gọi gấp gáp cầu cứu. “Chị ơi, có phải là chị ở châu Âu không? Chị giúp với, gấp quá rồi,” một giọng nói hốt hoảng vang lên. Tôi lạnh toát cả người. Câu chuyện về 39 nạn nhân vụ xe tải đông lạnh năm xưa vẫn còn nằm nguyên trong tâm trí, khiến tôi kinh hoàng hình dung ra những tình huống xấu. Rất nhanh chóng, tôi hỏi vài câu hỏi…

Có một nhóm khoảng sáu người còn rất trẻ, trong đó có người chưa tới 18 tuổi, trốn trong một xe thùng đông lạnh. Chiếc xe không rõ biển số là gì, đang ở đâu, đi về hướng nào. Chỉ biết là xe đang ở Pháp, và hình như quay đầu, không đi về hướng biên giới sang Anh nữa. Trong thùng xe bắt đầu bật máy lạnh. Họ rất lạnh. Họ đang hoảng loạn.

Chiếc xe chở chuối, và thùng xe đã bị đóng niêm phong bằng một thanh sắt. “Lạnh lắm, nó [máy làm lạnh] cứ xả,” cô gái nhắn tin cho tôi từ trong thùng xe. Tôi cũng nhận được hai đoạn video ngắn cho thấy cảnh trong xe.

Trong khoang tăm tối, chất cao đến nóc là các thùng carton đựng hoa quả, có lẽ là chuối, chừa lại một khoảng trống vài chục cm cho họ ngồi trên sàn xe. Có tiếng ho, và một giọng nữ trẻ nói tiếng Anh khá lưu loát, “Tôi không thở được.”

Cô gái cho tôi biết họ lên xe từ khoảng 12 rưỡi đêm hôm trước. Như vậy là họ đã trải qua hơn 10 giờ đồng hồ trong xe. Có vẻ như họ bắt đầu cảm thấy bất an khi chiếc xe không chạy theo hướng ban đầu, tới Anh, mà quay ngược về phía nam, rồi thùng xe bị khóa chặt bằng thanh sắt.

Không có nhiều thời gian để nghĩ, tôi bàn với nhà báo Nguyễn Giang và các đồng nghiệp từ BBC News, gồm cả phóng viên thường trú tại Pháp… Vừa yêu cầu được kết nối với người trong xe và liên lạc tiếng Việt liên tục để họ không hoảng loạn đồng thời tôi gọi điện rồi email cho một số đồng nghiệp trong BBC và nhà báo tự do Phạm Cao Phong, cộng tác viên ở Paris, yêu cầu hỗ trợ.

Cùng lúc, một phóng viên thường trú cho báo Pháp Le Monde tại London cũng được thông báo, và anh đã ‘alert’ ngay cho nữ đồng nghiệp bên toà soạn ở Paris chuyên lo mảng di dân. Các nhà báo, bất kể quốc tịch gì cũng biết rõ ngay tình hình căng thẳng của vụ này, chậm trễ thì chỉ có “tìm ra tử thi” như vụ 39 người Việt chết thảm trong xe đông lạnh ở Essex, Anh hồi cuối 2019…

Dựa vào chia sẻ định vị, tôi xác định được họ đang ở trên xa lộ E15, đoạn gần Drace, phía Bắc Dijon. Nhờ đồng nghiệp ở Pháp tìm giúp số phone của cảnh sát nơi gần nhất, tôi nói họ gọi điện. Từ trong xe, họ báo là không gọi được… Chúng tôi từ BBC tại văn phòng ở London liên tục gửi cập nhật định vị chiếc xe cho cộng tác viên người Việt ở Paris và nhóm làm tin của BBC News ở châu Âu cùng cảnh sát Pháp trong nỗi lo lắng tột cùng khi cô gái báo tình hình trong xe…

Trong số những người đồng hành với cô gái, có ba người vì lý do gì đó đã không lên xe, họ chụp lại được biển số chiếc xe. Manh mối có thêm. Một chiếc mang biển số Ireland. Định vị của xe được chia sẻ lại, và nay có thêm số điện thoại nữa. Cảnh sát Pháp thuộc vùng Rhone cho chúng tôi biết họ đã nhận đầy đủ thông tin, đã xác định được vị trí và đang triển khai chặn xe…

AP cho biết thêm, sáu phụ nữ đã bị giam vì ở Pháp bất hợp pháp trước khi được thả. Bốn người có 30 ngày để rời khỏi nước Pháp; và hai người kia được phép ở lại để xin tị nạn. Công tố viên Pháp Laetitia Francart không cung cấp thông tin về việc sáu phụ nữ này nhập lậu vào Pháp bằng cách nào.

Mỗi năm, có hàng ngàn người nhập cư lậu vào Anh thông qua ngả Pháp (ở phía Bắc nước này), bằng cách trốn trong xe tải hoặc trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ từ nhiều nước khác nhau, từ Afghanistan, Syria đến Iraq. Tháng Bảy, một người đàn ông Rumani được các công tố viên Anh mô tả là một phần của một đường dây buôn lậu người quốc tế đã bị kết án hơn 12 năm tù vì tội gây chết người. Bốn kẻ khác cũng bị cầm tù vào năm 2021, từ 13 đến 27 năm, vì tội ngộ sát. Hơn 18 tên đã bị kết án ở Bỉ, trong đó kẻ cầm đầu (người Việt Nam) bị kết án 15 năm tù. Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang tỏ ra quyết liệt với bọn buôn lậu người lẫn người nhập cư lậu.

Chính phủ London đã thông qua một luật gây tranh cãi, yêu cầu giam giữ những người nhập cư bằng thuyền và sau đó trục xuất họ vĩnh viễn về cố hương của họ hoặc nước thứ ba. Quốc gia thứ ba duy nhất đồng ý nhận những người này là Rwanda. Ở Pháp, nhà chức trách đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn người nhập cư lậu bằng cách tăng cường tuần tra biên giới phía Nam với Ý. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis lại yêu cầu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các nhà lãnh đạo châu Âu mở cảng để tiếp nhận những người chạy trốn cảnh khó khăn và đói nghèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét