Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

ÂM VANG MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG KHÓI LỬA - Uyên Thao



Pierre Darcourt chấm dứt tác phẩm bằng mối băn khoăn: “Phải chăng chỉ là giấc mơ không thể thực hiện nổi? – Giấc mơ tháo gỡ bức màn đẫm máu đã trùm phủ mảnh đất bị dày vò tàn nhẫn và nỗ lực nhận ra những gì có thể kiến tạo một đất nước không còn hận thù, chém giết giữa những người chung huyết mạch để cùng cố gắng tìm lại nẻo đường hạnh phúc“. (Est-ce un rêve impossible, enfin, que d’entrouvrir le rideau sanglant qui pèse sur cette terre torturée, pour essayer d’apercevoir ce que pourrait être un pays sans haine et sans guerre où des hommes d’une même race essaieraient de retrouver le chemin de bonheur ).
<!>
Pierre Darcourt băn khoăn vì không thể bôi xoá các ấn tượng đã hằn sâu trong ký ức — “Rất nhiều kỷ niệm và lý lẽ hiện ra trong trí tôi. Tôi đã trải nhiều biến cố, qua nhiều trận đánh hay các vòng vây hãm, đã theo sau nhiều võng cáng trên mảnh đất ngập tràn tang chế và đầy rẫy thây ma này“.

Gần như mỗi địa danh Việt Nam đều là lời gợi nhắc một thảm cảnh kinh hoàng.

Huế là hình ảnh lúc khai quật những mồ chôn tập thể sau cuộc tàn sát ghê rợn Tết Mậu Thân 1968 trước những gương mặt thảm não, những dòng nước mắt chan hoà của hàng hàng lớp lớp người mẹ, người vợ, người con ngơ ngác với những mảnh khăn tang chen chúc tạo thành những con sóng nhấp nhô trắng xoá.

Quảng Trị là đoạn đường 40 cây số mà màu nhựa đen trên mặt đường phủ kín một lớp màu nâu đỏ sạm của máu khô với hàng chục ngàn xác chết gồm hầu hết là đàn bà, trẻ nít gục ngã bởi những chùm đạn pháo tập trung xối xả trút xuống, và tiếp tục bị tung lên nhiều lần xé thành mảnh nhỏ.

An Lộc là đống gạch vụn và ngôi nhà thờ bay hết nóc với cả trăm thi hài chồng chất, thối rữa giữa các hàng ghế nát vụn dưới bục thờ Chúa. Hai tuần lễ trước, một chiến xa T.54 đã dùng đại bác bắn trực xạ vào đám tín đồ đang cầu nguyện giết không còn một ai và toàn bộ xác chết vẫn nằm tại chỗ.

Cùng chung một gợi nhắc là hàng loạt địa danh khác từ Khe Sanh, Đông Hà, Phù Ly, Phù Cũ tới Pleime, Dakto, Ben Het… và thậm chí từ cả những vùng đất không tên:

“Tôi đã đi xuyên qua một ngôi làng ở Dakson bị huỷ diệt bởi một tiểu đoàn Bắc Việt. Chân tôi bước trên những đống tro tàn còn hơi nóng, ngập đến mắt cá, tro của các căn nhà tranh bị đốt bằng súng phun lửa. 250 xác người Thượng trong đó có 103 trẻ em gục chết khắp nơi trên mặt đất đang âm ỉ cháy. Một cảnh tượng ghê rợn, tàn ác, không thể chịu nổi với các tử thi sình trương bị nướng phồng dưới ánh mặt trời, tương tự những con heo quay có đầu người…”

“…Lúc 5 giờ chiều ngày 12-4-1975, một xe vận tải nhẹ từ Xuân Lộc đi liên lạc với Trảng Bom. Tôi nhảy lên xe đó… Đi được khoảng 3 cây số, cách chúng tôi hơn 100 thước, một xe chở dân chúng bị trúng một quả pháo. Tiếp theo tiếng nổ chói tai là bụi, lửa bắn lên tung tóe. Cả chiếc xe và người trên xe đều không còn gì! Chỉ còn trên đường một chấm đen lớn và vung vãi thịt xương tóc tai người chết với mấy mảnh kim khí của hộp số…Vậy là chỉ trong một giây đồng hồ, hơn 20 người vô tội đã bị xóa tên trên danh sách người Việt“.

Những hình ảnh đó không thể không khiến dấy lên những băn khoăn. Với Pierre Darcourt là: “Tôi muốn gào lên, muốn hét thật to để cả thế giới cùng nghe: Hãy để cho họ được sống! Hãy chấm dứt sự đau khổ của họ đi!”

Nhưng tiếng gào của một cá nhân hay của cả một dân tộc chỉ là âm vang mong manh thoáng gợn rồi nhanh chóng rơi chìm giữa sa mạc mênh mông. Nguyện vọng hoà bình luôn được nhắc nhở như ngọn đuốc soi đường để thúc đẩy mọi nỗ lực, đòi hỏi mọi hy sinh… vẫn phải nhường gần trọn 5 năm cho các cuộc bàn thảo về một bản hiệp định ngừng bắn, trong đó có hơn 10 tuần lễ tranh cãi về hình dạng chiếc bàn hội nghị. Tầm mức hình dạng chiếc bàn là dài, tròn hay vuông không chỉ đo riêng bằng ngày tháng mà bằng xương máu của hàng chục ngàn nạn nhân vô tội đã cho thấy mọi lời lẽ tuyên xưng mục tiêu hoà bình chỉ là các mỹ từ vô nghĩa.

Cho nên, ngay sau khi hiệp định ngưng bắn Ba Lê được ký kết, hoà bình vẫn xa thẳm.

Ngày 27 tháng Giêng 1973 được ghi lại như ngày chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ trên đất nước Việt Nam, nhưng trên thực tế chính là ngày mở ra một giai đoạn mới gia tăng gấp bội lần mức độ tàn phá. Với danh nghĩa vãn hồi hoà bình, bản hiệp định chỉ là bước chuẩn bị cho các mưu đồ hoàn toàn xa cách nguyện vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. Bằng các tính toán chi li, mỗi phía đều cần có bản hiệp định để đạt mục tiêu và việc ký kết không ngoài mưu đồ đó.

Với Nhà Trắng, bản hiệp định thành hình là điều kiện toàn hảo nhất về mọi mặt từ pháp lý, đạo đức tới uy danh để có thể rút chân khỏi vũng lầy mà 10 năm trước họ đã quyết lao vào bằng mọi giá với lý do giữ gìn truyền thống bênh vực tự do và học thuyết domino đòi hỏi củng cố một tiền đồn ngăn chống hiểm hoạ Cộng Sản. Lý do vẫn còn đó nhưng những bất cập trầm trọng trong quyết định tham gia cuộc chiến, trong phương sách tiến hành chiến tranh đã dẫn đến tình trạng quyền lực bị đe doạ nặng nề và trở thành vấn đề nóng bỏng đòi hỏi cấp thời giải quyết.

Để vượt khó khăn mà vẫn có thể biện giải không buông rơi ngọn cờ chính nghĩa từng dựng lên, không rũ bỏ các cam kết từng tuyên hứa, ý nghĩ về tác dụng mở đường thoát hiểm bằng pháp lý qua một bản hiệp định đã hiện hình với quyết tâm biến thành thực tế bất kể cái giá phải trả ra sao.

Trên thực tế, có lẽ đã có sự cân nhắc cái giá phải trả là không nặng lắm đối với nước Mỹ. Tổn thất hơn 50 ngàn binh sĩ và tốn phí 300 tỉ Mỹ kim là chuyện đã xong. Cái giá này ít nhất cũng đã giúp chuyển đổi cuộc cờ thế giới với thái độ mới của hai đối thủ Nga Xô, Trung Quốc. Cả hai thủ đô Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh đều đã mở rộng cửa đón tiếp người cầm đầu Nhà Trắng là hiệu báo cụ thể về một thời kỳ mà học thuyết Domino không còn lý do tồn tại. Từ đây, giá trị chiến lược của cái tiền đồn tự do Đông Nam Á là miền Nam Việt Nam đã giảm hẳn tầm quan trọng so với thời Tổng Thống Eisenhower.

Do đó, bản hiệp định có thể mang bất kỳ nội dung nào, dẫn tới bất kỳ hậu quả nào miễn là được ký kết để người Mỹ nắm trong tay một yếu tố pháp lý giúp thoải mái rút chân khỏi vũng lầy Việt Nam. Mọi chuyện tiếp nối ra sao đều không còn ý nghĩa với nước Mỹ, bởi cuộc cờ thế giới đã đổi thay và người dân Việt Nam dù bị dồn vào cảnh huống trói buộc khốn khó nào vẫn phải gánh trọn trách nhiệm về số phận tương lai của mình. Cho nên, ngay thời điểm đó, một nhà ngoại giao Đại Hàn đang có mặt tại Sài Gòn đã thốt ra những lời phát biểu đầy giận dữ: “Nền hòa bình trong danh dự của ông Nixon hả? Chỉ là một trò gian lận quái đản của thế kỷ!”

Ngày 27 tháng Giêng 1973, vì thế, chỉ ghi dấu thành tựu của Nhà Trắng trong nỗ lực tháo gỡ một tình thế nan giải bất chấp cách tháo gỡ sẽ trút xuống đầu người dân Việt Nam mọi hậu quả khốc hại, và đương nhiên không hề liên quan tới vấn đề vãn hồi hoà bình cho Việt Nam. (*)

(*) Ngày 22-8-2007, khi nói chuyện với các cựu chiến binh ở Kansas, Missouri, Tổng Thống Bush khẳng định là nhìn lại cuộc rút chân của Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam không thể phủ nhận cái giá rất đắt mà hàng triệu người vô tội đã phải trả qua lời diễn giải: Sự khổ đau của họ đã sinh ra những từ ngữ mới trong ngôn từ chúng ta như “thuyền nhân“, “trại học tập cải tạo“ và “những cánh đồng chém giết“.

Với Bắc Việt, ngày 27 tháng Giêng 1973 trở thành ngày mở đầu hối hả cho các nỗ lực tăng cường chiến tranh, dù họ không ngừng nhắc hai tiếng hoà bình.

Ngay sau khi ký hiệp định, Bắc Việt đã đánh chiếm các quận Sa Huỳnh, Đức Phổ tại Quảng Ngãi ngày 29-1-73, căn cứ Cửa Việt tại Quảng Trị ngày 30-1-73. Căn cứ Cửa Việt do một đơn vị nhỏ Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ nên bị tràn ngập, nhưng tại Sa Huỳnh, Đức Phổ, lực lượng Bắc Việt bị Sư Đoàn 2 đẩy lui vào ngày 16 tháng 2. Các cuộc tấn công với mọi cấp độ của Bắc Việt tiếp tục lan rộng. Ngày 25-3-1973, quân Bắc Việt tràn ngập căn cứ Tống Lê Chân tại Bình Long, đồng thời chiếm căn cứ Đức Huệ tại Kiến Phong và nhiều làng xã tại các tỉnh Kiên Giang, An Xuyên, Chương Thiện… Cuối tháng 10-1973, Bắc Việt mở chiến dịch tấn công Quảng Đức, đồng loạt uy hiếp các căn cứ Bu Prang, Bu Bong, Dakson, quận lỵ Kiến Đức. Trận đánh chỉ chấm dứt hơn một tháng sau khi quân đội miền Nam đẩy lui các đơn vị địch.

Tình trạng ngưng bắn da beo theo bản hiệp định cho phép Bắc Việt diễn tả bất kỳ vùng đất nào họ tiến chiếm sau ngày 27 tháng Giêng 1973 cũng là “vùng giải phóng” thuộc quyền kiểm soát hợp pháp của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam (*) và mọi hành động chiến đấu tự vệ hoặc phản công tái chiếm của miền Nam đều bị buộc là hành động hiếu chiến, vi phạm hiệp định ngưng bắn.

(*) Thành lập tháng 6-1969 theo sắp đặt của Bắc Việt và được Mỹ đồng ý để có thêm thành phần thứ tư tại hội nghị Ba Lê, một chính phủ không dân, không đất và chỉ thi hành chỉ thị của phái đoàn Bắc Việt tại Ba Lê.

Rõ ràng không hề có ngưng bắn và tình hình còn căng thẳng tới mức trong tháng 3 và tháng 5-1973 phòng không Bắc Việt đã ngang nhiên bắn hạ 2 trực thăng của Uỷ Ban Quân Sự Kiểm Soát Đình Chiến khiến Canada tuyên bố rút khỏi Uỷ Ban này ngày 7-5-1973, tức chỉ sau 3 tháng tham gia.

Tác động quốc tế cũng theo chiều hướng tương tự.

Trong khi Mỹ cắt giảm viện trợ cho miền Nam từ 2 tỉ 300 triệu xuống 964 triệu và cuối cùng bác bỏ luôn ngân khoản này thì Nga Xô tăng mức viện trợ quân sự năm 1974 cho Bắc Việt lên gấp đôi là 1 tỉ 700 triệu. Trung Quốc cũng gửi qua Bắc Việt 500 ngàn súng cá nhân với 90 triệu đạn, 21 ngàn súng cộng đồng với 4 triệu 500 ngàn đạn và ngót 3 triệu quân trang, quân phục… Trong khi quân đội Mỹ cùng các quốc gia đồng minh rút khỏi miền Nam thì tàu hàng Nga Xô chở đầy ắp chiến cụ nối nhau cập bến cảng Hải Phòng.

Cuối tháng 2-1973, tức vỏn vẹn 30 ngày sau hiệp định ngưng bắn, phi cơ quan sát đã ghi nhận 175 xe vận tải và 223 chiến xa Bắc Việt băng qua khu phi quân sự vượt đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập miền Nam. Cuộc xâm nhập không còn lén lút vì quân đội Mỹ đã rời cuộc chiến và hiệp định ngưng bắn cũng loại bỏ hoàn toàn khả năng ngăn chặn bằng không quân của quân đội Miền Nam. Cuối tháng 4-1975, tin ghi nhận cho biết đã có 18 ngàn lượt xe vận tải công khai chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh chở vào Nam gần 80 ngàn quân cùng hàng trăm ngàn tấn chiến cụ, các loại đại pháo, hoả tiễn tối tân của Nga Xô và 650 xe tăng…

Giữa năm 1974, tin tình báo xác định 17 sư đoàn cơ giới chính quy Bắc Việt đầy đủ quân số và trang bị võ khí tối tân gồm nhiều loại đại bác hạng nặng, hoả tiễn phòng không … đã hiện diện tại miền Nam. Tin chi tiết cho biết lực lượng xâm nhập được bố trí 7 sư đoàn tại Vùng I, 5 sư đoàn tại Vùng II, 3 sư đoàn tại Vùng III, 2 sư đoàn tại Vùng IV. Ngoài ra, một lực lượng trừ bị cũng đã tập trung tại nhiều căn cứ thuộc lãnh thổ Lào và Campuchia với quân số 40 ngàn tại Campuchia và 50 ngàn tại Lào. Mấy tháng sau, lực lượng xâm nhập được ghi nhận tăng lên 23 sư đoàn và một sư đoàn đặc công thành lập tại Nam Kinh, Trung Quốc đã được đưa về vùng Thượng Du Bắc Việt để sẵn sàng tham chiến.

Bản thống kê năm 1974 về tình hình an ninh miền Nam chỉ gồm các mũi tên hướng thượng với những con số ghi mức trung bình hàng tháng gia tăng gấp bội lần so với thời gian trước khi có hiệp định ngừng bắn: các vụ ám sát tăng từ 22 lên 48, các vụ bắt cóc tăng từ 50 lên 120, các cuộc tấn công tăng từ 200 lên 320…

Tình hình đã biểu hiện viễn cảnh miền Nam khó tránh bị vùi dập trong lửa đạn qua tiến trình chuẩn bị hối hả của cả Hà Nội, Bắc Kinh lẫn Nga Xô, đặc biệt là Trung Quốc công khai đưa lực lượng hải quân chiếm quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng Giêng 1974. (*)

(*) Ngay thời gian đó đã có nhận định Việt Nam đang trở thành vùng đất tranh chấp của hai đối thủ mới là Nga Xô và Trung Quốc. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vì đã biết chắc Việt Nam sẽ bị Cộng Sản hoá và lúc đó đảng Cộng Sản Việt Nam đang ngả theo Nga Xô nên Trung Quốc chuẩn bị trước trận thế trên biển Đông để phòng ngừa đối phó với sự hiện diện của Nga Xô tại Việt Nam. Điều này cũng được kể là một trong số các lý do khiến Mỹ hoàn toàn im lặng trước sự việc vì đang thụ hưởng một “lợi tức” bất ngờ.

Thời gian Lê Duẩn chỉ thị cho toàn quân tấn công miền Nam với trận đánh mở đầu tại Đồng Xoài dẫn đến việc Bắc Việt kiểm soát gần trọn lãnh thổ tỉnh Phước Long cũng là thời gian phái đoàn quân sự cao cấp Nga Xô do đại tướng tham mưu trưởng V. A. Jukilov cầm đầu liên tục tới Việt Nam hai lần, giữa tháng Chạp 1974 và đầu tháng Giêng 1975. Nối gót liền sau đó là Nicolai Firyubin, một nhân vật đặc biệt thuộc hàng ngũ ngoại giao cao cấp Nga Xô xuất hiện tại Hà Nội. Đối với giới quan sát quốc tế, cứ mỗi lần Firyubin xuất hiện ở khu vực nào thì gần như chắc chắn tại đó sẽ bùng nổ một đột biến quân sự hoặc chính trị.

Hơn 3 tuần sau, cuối tháng Hai 1975, tướng Yang Yung, cựu phụ tá tư lệnh chí nguyện quân tại Triều Tiên, cầm đầu một phái đoàn quân sự Trung Quốc cũng tới Hà Nội để thực hiện một cuộc viếng thăm kỳ lạ chưa từng có: viếng thăm dài hạn!

Mọi diễn biến tiếp nối không là chuyện ngạc nhiên.

Nhưng suốt thời gian từ sau ngày 27 tháng Giêng 1973, trên hầu khắp thế giới lại tiếp diễn liên tục một hiện tượng không thể không ngạc nhiên.

Ngày thứ tư 13-3-1975, Pierre Darcourt đã không kìm nổi sững sờ trước bản tin trên báo France Soir về trận tấn công của 3 sư đoàn Bắc Việt vào Ban Mê Thuột. Bản tin viết:

“Trong khi các trận đánh ở Phnom Penh tiếp diễn thì MTGPMN chiếm một phần thị xã Ban Mê Thuột, một thị trấn quan trọng trên Cao Nguyên, sau khi chiếm quận lỵ Đức Lập. Tấn chiếm như vậy là kháng chiến quân miền Nam Việt Nam muốn ngăn chận một sự can thiệp của quân đội Sài Gòn vào Campuchia để giải vây cho Phnom Penh. Kế hoạch can thiệp này có sự không trợ từ không lực Hoa Kỳ được đề nghị với Tổng Thống Thiệu gần đây. Vị nguyên thủ miền Nam Việt Nam đã dự trù tiến tới một hành động như vậy. Ông hy vọng có hai điều lợi: trên phương diện tài chánh ông sẽ được tăng cường một ngân khoản viện trợ từ phía Hoa Kỳ, trên phương diện chính trị sẽ tăng cường được vị thế… Sự tấn công của kháng chiến quân đặt lại tất cả mọi vấn đề, từ nay quân lực miền Nam có rất ít khả năng để hành động ở Campuchia“.

Pierre Darcourt tự hỏi do đâu mà ký giả này biết chắc quân đội miền Nam sẽ tấn công Phnom Penh với hàng loạt chi tiết cụ thể như Hoa Kỳ yểm trợ không lực, tăng tiền viện trợ… trong lúc khoản viện trợ ngót 1 tỉ Mỹ kim do Nhà Trắng đề nghị dành cho miền Nam đã bị Quốc Hội Mỹ bác bỏ, do đâu mà ký giả này nắm rõ cả ý nghĩ đang trù tính cùng niềm hy vọng chỉ nhen nhúm trong đầu tổng thống Thiệu, và do đâu mà quân đội chánh quy cơ giới Bắc Việt trang bị chiến xa, súng phòng không, hỏa tiễn, đại pháo tầm xa hạng nặng lại biến thành “kháng chiến quân” miền Nam?…

Càng gây sững sờ hơn là không chỉ riêng một tờ báo Pháp mà hầu hết báo chí Tây Phương kể cả báo chí Mỹ đều loan những tin tương tự, thậm chí có những tin mà Pierre Darcourt mệnh danh là hoang đường như tin xuất hiện trên tờ Le Figaro: “14 thành phố, 13 quận lỵ và một tỉnh lỵ đã rơi vào tay “những người nổi dậy” từ khi Hiệp Định Paris được ký kết. Đó là do lực lượng cánh tả ở miền Nam đang đánh bật từng chốt doquân chính phủ Miền Nam kiểm soát“.

Cho đến khi tấn công thị xã Ban Mê Thuột, quân Bắc Việt chỉ vừa chiếm được tỉnh lỵ Phước Long nhưng bản tin trên đã xuất hiện trên báo Le Figaro. Tờ báo cũng cho xuất hiện một “lực lượng nổi dậy” tại miền Nam với lối gợi ý là dân chúng miền Nam đang đứng lên chống chính quyền Sài Gòn và chính quyền này đang trên đà thất bại.

Tương tự, giữa lúc trận chiến Xuân Lộc tiếp diễn, hãng thông tấn Mỹ UPI cũng loan tin thị trấn này đã rơi vào tay quân Bắc Việt, một cách loan tin quen thuộc vào thuở đó.

Phóng viên quốc tế vẫn có mặt thường trực tại miền Nam và chứng kiến tận mắt từng sự việc, nhưng tin tức loại trên cứ thường trực xuất hiện trên nhiều tờ báo Tây Phương. Gần như đã có một dàn hoà tấu trỗi lên những tấu khúc nhịp nhàng bằng tiếng đại bác của quân đội Bắc Việt và các lời lẽ mô tả tình hình miền Nam Việt Nam trên báo chí quốc tế.

Vào thời điểm hàng chục sư đoàn cơ giới Bắc Việt chiếm hết các tỉnh duyên hải miền Trung và tiến sát Sài Gòn, dàn nhạc hoà tấu lại trình diễn một tấu khúc mới diễn tả chính quyền Sài Gòn đang phá vỡ hiệp định Ba Lê.

Sự việc không chỉ giới hạn trong hoạt động báo chí.

Suốt thời khoảng này, chính giới từ Hoa Thịnh Đốn tới Paris cũng tập trung nỗ lực theo hướng loại bỏ mọi yếu tố pháp lý biểu hiện bằng quyền đầu phiếu của người dân và quan hệ quốc tế đã có của chế độ Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam, cùng ý chí tự vệ và mọi khả năng đề kháng không chấp nhận Cộng Sản.

Quốc Hội Mỹ không những bác bỏ việc viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế cho miền Nam mà còn thông qua đạo luật giảm quyền hạn của người lãnh đạo Nhà Trắng không cho phép nhúng tay vào vùng Đông Nam Á. Các giới chức từ Hoa Thịnh Đốn tới Paris luôn đề cao tác dụng vãn hồi hoà bình của hiệp định Ba Lê theo cách khăng khăng nêu rõ điều kiện thi hành hiệp định là chính quyền Sài Gòn phải được giao cho thành phần nhân sự phù hợp yêu cầu của Hà Nội — một điều kiện ngược ngạo không đặt trên nền tảng thuận tình hợp lý tối thiểu nào và cũng không hề có trong nội dung bản hiệp định. Các đạo quân cơ giới Bắc Việt với đủ loại khí giới tối tân tràn ngập gần khắp miền Nam trở nên hoàn toàn vô hình trong khi chỉ riêng sự hiện diện của chính quyền Sài Gòn bỗng biến thành một bóng đen khổng lồ đang phá bỏ bản hiệp định mà chính quyền đó là một thành viên ký kết.

Ngày 26-4-1975, tại Tân Sơn Nhất, phát ngôn viên Võ Đông Giang của phái đoàn Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam vẫn mở họp báo tố cáo chính quyền Sài Gòn cản trở việc vãn hồi hoà bình và nêu một loạt đòi hỏi:

– Thi hành Hiệp Định Ba Lê.
– Loại bỏ tất cả những người đã nằm trong guồng máy của Thiệu.
– Từ bỏ đường lối hiếu chiến, phát xít, áp bức và đàn áp đối với nhân dân.
– Hủy bỏ tất cả luật lệ phản dân chủ. Bảo đảm tôn trọng tự do dân chủ.

Giữa tiếng súng tấn công của quân đội Bắc Việt đang nổ ran ngay tại Hố Nai, những đòi hỏi không chỉ lộ hình xảo trá trắng trợn mà còn mang đầy tính bi hài nhưng vẫn được loan truyền như một sự việc nghiêm túc.

Chuyện còn vượt xa mức tưởng tượng khi hình ảnh những đám đông dân chúng trốn chạy khỏi các vùng sắp rơi vào tay quân miền Bắc được kèm theo lời tố cáo của đại diện Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam tại Ba Lê về “tội ác ép buộc dân chúng di tản của chính quyền Ford và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu“. Đại diện của cái chính phủ được chính quyền Pháp biệt đãi nhưng không người dân Việt Nam nào biết đến đã quả quyết “hàng trăm ngàn người bị hăm dọa dưới họng súng đã phải lìa bỏ nhà cửa và nơi chôn nhao cắt rún để chết đói, chết bệnh trên đường di tản. Nhiều ngàn người khác đã bị hành quyết vì không chịu chạy trốn…!”

Hành vi biến đổi trắng, đen này không chỉ nhắm tạo thêm một “tội ác Mỹ-Ngụy” mà chủ yếu nhắm diễn tả người dân miền Nam khao khát hướng về kháng chiến quân giải phóng. Nối theo việc bíến chính quyền Sài Gòn thành hung thần đe dọa hủy hoại nỗ lực vãn hồi hòa bình là việc vẽ lại hình ảnh người dân khiếp hãi Cộng Sản đang lao vào cuộc trốn chạy đầy hiểm nghèo để hy vọng tìm tới nơi hợp với tâm nguyện. Những người dân này được choàng cho lớp áo nạn nhân khốn khổ của chính quyền Sài Gòn đang trông đợi sự che chở của Cộng Sản đã được cải danh thành kháng chiến quân giải phóng hoặc lực lượng cánh tả đang nổi dậy — mọi diễn biến thực tế vẫn phơi bày rõ cội nguồn cảnh ngộ tàn khốc kinh hoàng không thể tả nổi của hàng triệu người dân từ Cao Nguyên, từ các tỉnh địa đầu miền Trung…

Một cụ già còn giữ được mạng sống trong cuộc tháo chạy từ Pleiku về Phú Yên theo tỉnh lộ 7B đã kể với một nhà báo Sài Gòn về đoạn đường của mình: “Chúng tôi gồm hơn 100 ngàn người đi bộ, gồng gánh tất cả những gì có thể mang theo… Con đường nhỏ xuyên qua rừng giữa những bụi rậm và tre dày đặc. Chúng tôi không có thức ăn, tuyệt đối không có gì để uống và đi suốt 3 ngày 3 đêm như vậy… Khi gần tới sông Ba thì từ trong rừng xuất hiện một toán bộ đội có người cầm cờ đi đầu. Người chỉ huy toán bộ đội phát loa ra lệnh cho chúng tôi ngừng lại và quay trở về. Nhưng làm sao được bây giờ vì có quá nhiều người ở phía sau cứ đùn chúng tôi đi tới. Tất cả bị dồn cứng thành một khối không nhúc nhích nổi. Thế là bọn cộng sản bắn với tất cả các loại súng họ đang có… các loại pháo nặng nhẹ, súng cối, súng không giật… nã thẳng vào chúng tôi dọc theo con lộ đang bị kẹt cứng. Tất cả đều nổ đồng loạt. Một trái đạn pháo đã chém ngang con gái tôi và hai đứa con của nó. Trên đoạn đường dài 3 cây số thây nằm la liệt, lẫn lộn kẻ chết người bị thương. Hàng trăm xe đủ loại bị cháy, nổ ì ầm như người ta ném đạn vào lửa vậy. Tôi ôm đứa cháu chín tuổi, cố gắng chạy bừa tới đâu hay tới đó. Đứa bé bị một mảnh đạn pháo xuyên qua lưng. Nó khóc thét lên nhắc đi nhắc lại: “Ông ơi, ngực cháu thủng rồi, đau lắm”. Rồi đùng một cái, tôi không nghe nó nói nữa. Tôi nhìn lại, đôi môi của nó đen hết rồi. Nó đã chết…”

Riêng Pierre Darcourt ghi lại hàng loạt sự việc…

– 15-4-1975 tại Xuân Lộc: “Tôi nhập với đoàn người lánh nạn dài dặc rời khu đồng trống. Nhiều người bị thương, một ông già lạ thường áo trắng, nón cối kiểu thực dân, một vết thương to bằng nắm tay trên vai đang lảo đảo bước. Chừng trăm thước ông ngã quỵ xuống. Tôi cố đỡ ông dậy, nhưng ông không còn nhúc nhích nữa, ông chết rồi!… Bên phải tôi, một bà mặt mày lơ láo lo sợ và đau khổ, vừa đi vừa lớn tiếng cầu nguyện. Bà ôm cứng đứa con gái khoảng 4, 5 tuổi bị trúng đạn ở đầu, tóc tai bê bết máu…”

– 23-4-1975 giữa Biên Hoà và Long Thành: “Tôi dừng tại một đoạn quốc lộ. Quốc lộ gần như vắng tanh. Dân chúng đã cân nhắc kỹ nên tránh xa quốc lộ, băng đồng mà đi. Xa hơn một chút, nhưng tôi hiểu ngay tại sao. Phía bên trái cách lề đường chừng 20 thước có 2 xe vận tải bị vỡ tan vì đạn pháo cộng sản, đang cháy và bốc lên một mùi khét rất khó chịu của dầu lẫn thịt người. Phía bên phải, một sườn xe nát vụn của chiếc xe ba bánh Lambretta làm tôi nổi da gà: tử thi một đứa trẻ khoảng 10 tuổi treo lủng lẳng phía sau thùng xe, hai tay lòng thòng, đầu bị mảnh đạn cắt đi quá nửa đến cặp mắt. Trong một góc thùng xe phía sau còn hai xác chết, một người đàn bà và một bé gái ôm nhau nằm bất động, ngực và mặt đều bể nát máu me vung vãi. Cách đó 2 thước gần một lỗ được đào hơi cạn dựa nền đường nhựa còn một mảnh kim khí cong vẹo đánh dấu nơi viên đạn rốc-kết đã nổ và gây ra sự tàn sát bẩn thỉu mù quáng này…”

Đã có 52 nhà báo ngoại quốc tử nạn suốt cuộc chiến Việt Nam, và người tử nạn cuối cùng là Michel Laurent bị bắn gục tại Hố Nai ngày 27-4-1975. Thảm cảnh tàn khốc mà người dân Việt Nam phải gánh chịu cùng diện mạo kẻ sát nhân cho tới cuối cuộc chiến không hề thiếu thực tế chứng minh. Nhưng Pierre Darcourt vẫn phải thắc mắc: “Tại sao khắp nơi chỉ nhắc tới vụ thảm sát Mỹ Lai, chỉ nhắc tới tấm hình viên tướng miền Nam bắn hạ một cán bộ chỉ huy cộng sản giữa trận giao tranh trên đường phố Sài Gòn, và tấm hình một bé gái trần truồng chạy giữa khói lửa đạn bom?”

Vài cảnh đau lòng đó chỉ là những hạt cát trong núi xương sông máu của cuộc chiến Việt Nam kéo dài mấy thập kỷ và mức ghê tởm trong hành vi điên loạn nhất thời của vài cá nhân không thể sánh ngang với mức ghê tởm của các chủ trương thúc đẩy tội ác, nhưng các chủ trương này luôn được né tránh không hề nhắc tới.

Trong tác phẩm La mort du Viet Nam, tác giả Vanuxem ghi lại câu chuyện của bác sĩ Vincent, một bác sĩ Pháp trong nhóm Bác Sĩ Không Biên Giới có mặt tại Vũng Tàu cuối tháng 4-1975. Tại một bệnh viện dân sự, vị bác sĩ tiếp nhận 80 người bị thương gồm cả binh sĩ miền Nam lẫn dân chúng. Khi quân Bắc Việt tiến vào, vị bác sĩ được lệnh ngưng tức khắc việc điều trị bệnh nhân. Kế tiếp, lại có lệnh chuyển hết bệnh nhân khỏi bệnh viện. Bác sĩ Vincent đang chưa biết giải quyết ra sao thì viên chỉ huy Bắc Việt lên tiếng: “Chúng tôi đã có cách“. Dứt lời, y rút súng kê vào đầu người bị thương đang nằm ngay bên cạnh bóp cò. Bác sĩ Vincent la lên phản đối thì lập tức bị lôi đi và tiếng súng tiếp tục nổ trong các phòng bệnh viện. 80 bệnh nhân biến tức khắc thành các xác chết.

Sự kiện trên không chỉ xẩy ra lần đầu tại Vũng Tàu vào cuối tháng 4-1975 mà xẩy ra tại nhiều nơi như tác giả Michel Tauriac từng ghi trong tác phẩm Vietnam, le dossier noir du Communisme: “Không xa Mỹ Lai bao nhiêu là một ngôi làng nhỏ Quảng Ngãi… Trong đêm Tết Mậu Thân 1968, quân Cộng Sản xông vào một bệnh viện tại đây. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân nằm trên giường bệnh đều bị giết chết, súng cứ nhả đạn thả dàn. Khi người Cộng Sản ra đi, thần chết đã mang theo hết mọi người…” Và, Michel Tauriac cũng đã tự hỏi y hệt như Pierre Darcourt: “Tại sao tới nay báo chí không thốt lên tiếng kêu khiếp hãi nào về những vụ tàn sát man rợ đó mà chỉ nói tới riêng vụ Mỹ Lai?”

(*) Tây Phương phẫn nộ về cuộc bắn giết Mỹ Lai và Hoa Kỳ đã truy tố trung úy Calley, kẻ ra lệnh nổ súng. Về tấm hình chụp viên tướng được coi như bằng chứng tàn ác của chế độ VNCH thì chính tác giả bức hình là nhiếp ảnh viên Adams đã nêu trên báo Times một câu hỏi với những người Mỹ kết tội viên tướng: “…Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật. Điều mà tấm ảnh đã không nói lên được là “Bạn sẽ làm gì nếu bạn là viên tướng vào giữa lúc đó, ở đúng cái nơi của một ngày hực lửa mà bạn bắt được kẻ gọi là phá hoại ngay sau khi hắn vừa cho nổ tan xác một, hai hay ba người lính Mỹ?” — …They are only half-truths. What the photo-graph didn’t say was, ‘What would you do if you were the general at that time and place on that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two or three American soldiers?’”

Cho đến tháng 4-1975, không ít tin tức và chứng nhân đã nhiều lần kể về lệnh xích chân binh sĩ trên chiến xa của quân đội Bắc Việt trong cuộc tấn công mùa hè 1972, về những cuộc “truy điệu sống” thương binh trước khi tàn sát họ để giảm nhẹ gánh nặng cho đơn vị và hạn chế số binh sĩ miền Bắc rơi vào tay miền Nam hầu tránh các tác động tâm lý bất lợi, đặc biệt là cái khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam” phi nhân tới giờ này vẫn được đề cao như biểu hiện của tinh thần dũng cảm. Ngay cả trường hợp hết thẩy thanh niên miền Bắc đều tự nguyện chấp nhận cái chết để xâm nhập miền Nam, hết thẩy đều tự nguyện đưa chân vào còng trên các chiến xa trước khi lâm trận, hết thẩy thương binh đều thanh thản xếp hàng để nhận những viên đạn của đồng đội kết thúc mạng mình thì tính nhẫn tâm tàn bạo của chủ trương trên vẫn không sút giảm để có thể không gọi là tội ác đối với nhân loại. Trên thực tế không hề có tình trạng tự nguyện như vậy, vì không ít thương binh đã tìm mọi cách trốn để sau đó thành tù binh và kể lại mọi việc như anh bộ đội bị thương tên Danh đã gặp được một đơn vị miền Nam tại vùng Phương Lâm đầu năm 1970, cùng tâm tư của những người đã ngã trên các trận địa còn lưu lại qua chữ viết của họ, như mấy câu thơ ký tên Huyền Trân tìm thấy trên tử thi một bộ đội mà Bảo Tàng Viện Quân Sự Alberdeen, Maryland đang lưu trữ:
Từ buổi con lên đường xa Mẹ,
Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Đã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá cầu
Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Đã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để rồi sau bỗng thấy
Xác người tung máu đổ chan hoà
Máu của ai, máu của bà con ta
Của những người như con, như mẹ
Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc
Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu
Đời của con nay sương gió giãi dầu
Con cảm thấy lòng của mình tê tái.

Pierre Darcourt đã nghĩ tới một lời giải đáp: U tối hay xảo trá bất nhân?

Dù là gì thì lời giải đáp cũng hoàn toàn vô nghĩa nếu chỉ để hiểu lối nhìn vấn đề của những người xa lạ.

Nhưng, đặt thắc mắc trong hướng nhận chân diện mạo một đoạn đường đã qua để xác định cội nguồn thảm hoạ mà người dân Việt Nam phải gánh chịu nhiều thập kỷ thì tìm lời giải đáp vẫn là một yêu cầu khẩn thiết.

Cuộc chiến Việt Nam thường được diễn tả như cuộc chiến chống ngoại xâm với tiếng súng mở đầu đêm 19-12-1946 tại Hà Nội chống thực dân Pháp và sau đó, từ 1954 là chống ách đô hộ Mỹ tại miền Nam.

Cách diễn tả này hình thành từ sự có mặt đoàn quân viễn chinh Pháp và quân đội Mỹ trên một chiến tuyến và do đó đã khẳng định chiến tuyến bên kia là lực lượng dân tộc kháng chiến Việt Nam. Đây là cách diễn tả theo tuyên xưng của chính quyền Hà Nội được tán dương phổ biến bởi khối Cộng Sản Quốc Tế từ Nga Xô, Trung Quốc tới hết thẩy các quốc gia Đông Âu và các tổ chức tả khuynh khắp thế giới.

Tác động thúc đẩy của cách diễn tả này đã dấy lên nỗi bất bình của dư luận năm châu với các lực lượng ngoại bang đồng thời thổi bùng nhiệt tình yêu nước từ đáy tim mỗi người dân Việt Nam và hình ảnh cuộc chiến chỉ đơn giản là hình ảnh trực diện đối đầu giữa người Việt Nam với những đoàn quân xâm lược.

Nhưng nhiều sử gia đã nhìn về các yếu tố hậu trường để cho rằng cuộc chiến Việt Nam không khởi từ tiếng súng kháng Pháp đêm 19-12-1946 tại Hà Nội mà từ giữa thập kỷ 1920 do chủ trương độc bá chính trường của Cộng Sản phủ nhận mọi lực lượng dân tộc đấu tranh. Võ khí ở thời điểm này là lời lẽ đả phá, nhục mạ những người yêu nước không chấp nhận Cộng Sản, là sự cộng tác với mật thám Pháp để phá vỡ các tổ chức yêu nước, là những mũi dao găm đâm lén trong bóng tối hạ sát các phần tử kiên quyết chối từ chủ thuyết Cộng Sản… (*)

(*) Chí sĩ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp đón bắt ngày 15-6-1925 giữa cuộc du hành bí mật tại Thượng Hải. Năm 1928, Nam Đồng Thư Xã tại Hà Nội phát hành một tài liệu nêu rõ Lý Thụy và Lâm Đức Thụ đã báo cho mật thám Pháp về chuyến đi bí mật của cụ Phan để lãnh một khoản tiền rất lớn. Thuở đó Lý Thụy chỉ được biết đến như một nhân viên của tổ chức Viễn Đông Vụ thuộc Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản hoạt động tại Quảng Châu, vì mãi 15 năm sau Lý Thụy mới đổi tên thành Hồ Chí Minh để xuất hiện trước công chúng. Riêng việc Hồ Chí Minh lúc mang tên Nguyễn Ái Quốc cung cấp tài liệu cho mật thám Pháp khiến hàng trăm người yêu nước bị bắt ở cả trong nước lẫn tại Thái Lan, Trung Hoa thì chính Hà Huy Tập với tư cách tổng bí thư Cộng Đảng Đông Dương thuở đó đã ghi rõ chi tiết và còn ước định cả con số nạn nhân trong bản báo cáo gửi Đệ Tam Quốc Tế ngày 20-4-1935.

Cuộc chiến tiếp diễn sau khi triều đình Huế tuyên cáo xé bỏ mọi hiệp ước ký kết với Pháp trong thế kỷ trước để mở đầu kỷ nguyên độc lập cho Việt Nam từ ngày 11-3-1945 (*) và căng thẳng hơn sau khi Bảo Đại tuyên bố trao quyền cho Hồ Chí Minh ngày 30-8-1945 – dù lúc này, các tổ chức yêu nước đều chủ trương đoàn kết mọi xu hướng với niềm tin người Việt Nam dù theo ý hệ chính trị nào cũng đấu tranh vì dân vì nước như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã phát biểu.

(*) Ngày 17-6-1945, ngay tại Hà Nội, khi các đoàn thể tổ chức lễ tưởng niệm 13 liệt sĩ Yên Báy, cán bộ Cộng Sản đã kéo tới hành hung đập phá buổi lễ vì chủ trương chống đối các đoàn thể dân tộc đầu tranh trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Chính niềm tin xuất phát từ nhiệt tình yêu thương đồng bào và đất nước này đã đẩy hàng ngũ dân tộc đấu tranh vào ngõ cụt. Với ưu thế nắm quyền lãnh đạo và trong tình trạng mở rộng vòng tay gần như buông lơi cảnh giác của các tổ chức bị coi là đối thủ, Cộng Sản đã thẳng tay thanh trừng mọi phần tử khác chính kiến. Mọi phần tử thuộc hàng ngũ dân tộc đấu tranh nếu không chịu đóng vai công cụ cho Cộng Sản đã chỉ còn lối thoát duy nhất để giữ mạng sống là trở về ẩn thân trong vùng Pháp đang chiếm đóng.

Cuối năm 1948, cuộc chiến vào một khúc quanh mới do cục diện thế giới và thực tế chiến trường buộc Pháp phải chuyển vai trò để duy trì ảnh hưởng tại bán đảo Đông Dương. Sự có mặt hàng ngũ dân tộc đấu tranh Việt Nam trên chính trường trở thành đòi hỏi mà Pháp phải đáp ứng dù hoàn toàn ngoài ý muốn. Do đó, cuộc chiến Việt Nam đã biến dạng không còn giữ tính chất chống ngoại xâm như những ngày đầu — không phải ngày 19-12-1946 tại Hà Nội mà từ ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn. Bởi, bên cạnh quân đội Pháp đã xuất hiện quân đội quốc gia Việt Nam và sau hiệp định Genève 1954, khi Pháp chấm dứt vai trò thì Việt Nam biến thành hai phần lãnh thổ với hai xu hướng như Triều Tiên, Đức Quốc: Miền Bắc đặt dưới chế độ Cộng Sản, miền Nam xây dựng chế độ Cộng Hòa và tính chất đối kháng từ thập kỷ 1920 sống lại mãnh liệt.

Các yếu tố thúc đẩy từ hậu trường là nền tảng hình thành quan điểm định tính cuộc chiến Việt Nam gắn kết với mục tiêu mà đảng Cộng Sản Việt Nam nhắm tới. Ngay từ tiếng súng mở đầu ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn cho tới năm 1949, dù khắp mọi trận địa chỉ là sự đối đầu giữa các lực lượng dân quân kháng chiến và quân đội Pháp, tính chất tranh thủ và bảo vệ chủ quyền dân tộc vẫn xa vời trên thực tế. Tính chất này có thực trong tâm tư người dân và những người có mặt trên chiến trường, nhưng không hề có trong mục tiêu tranh thủ của toàn cuộc chiến do những người Cộng Sản nắm quyền chỉ đạo.

Đã có không ít tài liệu ghi rõ hành động và ngôn ngữ của các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, từ văn kiện chính thức tới những dòng hồi ký, xác nhận mục tiêu chống xâm lăng chỉ là chiêu bài của đảng Cộng Sản với hai tác dụng chủ yếu cấp thiết. Trước hết, chiêu bài giúp che kín tung tích Cộng Sản đã được nhận rõ là đang khiến nhiều giới e dè, nghi ngại. Kế tiếp quan trọng hơn, chiêu bài có sức thu hút mạnh mẽ để thuyết phục và lôi cuốn quần chúng cùng dư luận trong nỗ lực duy trì và củng cố vị thế của đảng Cộng Sản.

Chiêu bài chống xâm lăng đã giúp Cộng Sản Việt Nam khai thác sức mạnh đấu tranh của quần chúng để vượt qua mọi khó khăn đồng thời gặt hái sự tán trợ rộng rãi trong dư luận quốc tế để tăng cường uy lực. Tuy nhiên, không vì thế mà tính chất cuộc chiến Việt Nam có thể thay đổi từ giành đoạt quyền lực phe phái thành kháng chiến chống ngoại xâm.

Kết luận của những sử gia nhìn vấn đề qua các yếu tố hậu trường là Việt Nam đã trải 30 năm khói lửa dưới chiêu bài kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng trên thực tế chỉ có cuộc chiến cốt nhục tương tàn do đảng Cộng Sản tiến hành vì mục tiêu tranh thủ và tăng cường quyền lực.

Khởi từ hướng nhận thức này, đã có ý kiến cho rằng Việt Nam thậm chí không phải trải cuộc chiến mở rộng khắp nước vào năm 1946 nếu đảng Cộng Sản không theo đuổi chủ trương độc bá chính trường bằng cách tiêu diệt các lực lượng khác chính kiến với cả cái giá bắt tay Pháp ký thỏa ước 6-3-1946 cho quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc. Sự kiện này là hành vi khuyến khích Pháp tái chiếm Việt Nam bằng võ lực và chính Hồ Chí Minh đã nhìn thấy hậu quả sẽ diễn ra. Nhưng Hồ Chí Minh lại nhìn thấy chiến tranh bùng nổ sẽ giúp tăng giá trị chiêu bài chống xâm lăng mà đảng Cộng Sản đang vận dụng đồng thời mang về nhiều thuận lợi cho việc thanh toán mọi đối thủ chính trị. Vì thế, đảng Cộng Sản đã đón sự kiện trên như một thắng lợi trong khi cái giá phải trả là xương máu của người dân Việt Nam đổ ra sau đó. (*)

(*) Trong hồi ký, Võ Nguyên Giáp ghi lại tại buổi họp Trung Ương Đảng ngày 3-3-1946, Hồ Chí Minh đã phân tích việc quân Pháp đổ bộ vào Bắc Việt sẽ giúp giải toả hậu thuẫn của các đoàn thể quốc gia là quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa đồng thời sẽ khiến không còn ai ưu tư về chủ nghĩa Cộng Sản vì bị đẩy tới thế trực diện đối đầu với Pháp.

Cũng thế, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc không thể xảy ra nếu không vì mục tiêu mở rộng quyền thống trị của đảng Cộng Sản. Lý do giải phóng người dân miền Nam đang bị hành hạ, bóc lột dưới ách đô hộ Mỹ tàn ác — dù ngay lúc này còn được nhắc lại — đã không cần phải chứng minh về tính chất ngụy tạo. Cuộc chiến được Cộng Sản chuẩn bị ngay sau hiệp định Genève 1954 để khởi phát từ 1960 đã biểu hiện rõ mục tiêu theo đuổi. Sự trực tiếp can thiệp của quân đội Mỹ năm 1965 có thể đã được Cộng Sản Việt Nam đón nhận như một tin vui, một thắng lợi, tương tự khi thực hiện được hành vi mở cửa đón quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc năm 1946. Bởi sự xuất hiện của quân đội Mỹ đã giúp cơ hội phổ biến luận điệu phủ nhận hàng ngũ dân tộc đấu tranh không chấp nhận Cộng Sản tại miền Nam và tô điểm thêm cho chiêu bài chống xâm lăng những sắc màu hấp dẫn để thúc đẩy quần chúng và cuốn hút dư luận.

Cộng Sản đã thành công với chiến thắng 1975 trở thành lực lượng độc bá quyền lực trên toàn đất nước, nhưng cái giá mà người dân Việt Nam phải trả là hàng triệu người bị cướp mạng sống, hàng triệu người khác trở thành tàn phế. Song song là cảnh huống tan hoang của một đất nước bị bom đạn huỷ hoại với không biết bao nhiêu gia đình lâm cảnh tang tóc, chia lìa và những di họa chiến tranh khó thể kể xiết từ những dị chứng của chất độc da cam — như Cộng Sản vẫn đang tố cáo — tới những vết hằn thù hận đau đớn mà chủ trương và sách lược đấu tranh Cộng Sản đã khắc sâu vào tâm não những người cùng chung huyết mạch.

Những oan khiên này sẽ không bao giờ có, nếu người Cộng Sản không theo đuổi mục tiêu độc bá quyền lực. Nhưng sau tiếng “nếu” này chỉ là một lời phủ định và mọi diễn biến đều đã hoàn tất. Không còn phép lạ nào có thể xoay chuyển tình thế đoạn đường đã qua của Việt Nam.

Dù giăng mắc chông gai hay ngập tràn ánh sáng, đoạn đường đó đã trở thành dĩ vãng. Điểm chủ yếu là đất nước Việt Nam đang trong thực tế nào?

Pierre Darcourt khẳng định cuộc chiến 30 năm tại Việt Nam không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Tất cả thảm cảnh mà mọi người muốn vượt qua và từ đó đã chấp nhận mọi hy sinh đau đớn đều còn nguyên vẹn. Cái giá phải trả quá kinh hoàng nhưng thành quả thu về chỉ là khoảng trống bao la. Khoảng trống này càng mở lớn hơn theo thời gian mà đời sống Việt Nam hiện nay là minh chứng.

Khi nhìn vào xã hội Việt Nam thập kỷ 1920 dưới chế độ Pháp thuộc, một văn hào Pháp — André Malraux — đã phải thốt lên là bất kỳ người Việt Nam nào có ý thức và lương tâm đều phải đứng lên chống lại bạo quyền. Hiện nay, thực tế Việt Nam vẫn chất chứa những vấn đề của một trăm năm trước với mức độ tệ hại gấp bội lần. Sự đổi thay phải trả bằng cái giá kinh hoàng chỉ là đổi thay diện mạo kẻ nắm quyền thống trị. Thoái hoá, đói nghèo, bất công, áp chế vẫn ngự trị trong tình huống kéo dài cuộc chiến giành đoạt và củng cố quyền lực. Tiếng súng ngưng nổ năm 1975, nhưng cuộc chiến khởi nguồn từ giữa thập kỷ 1920 chưa hề chấm dứt mà chỉ bước qua một giai đoạn mới trong đó kẻ thù đã được đặt tên là diễn biến hoà bình, là phản động, là vi phạm luật pháp, là chống phá chế độ… và người dân lại đứng trước đòi hỏi nhập cuộc để thẳng tay tận diệt.

Điều không thể phủ nhận là 30 năm khói lửa oan khiên 1945-1975 chính là cái Quả tất yếu của một Nghiệp Chướng mà hết thẩy nạn nhân đã tìm đến. Bởi, cuộc chiến dù được diễn tả bằng mục tiêu nào — kháng chiến chống xâm lăng hay tranh giành quyền lực — vẫn chỉ được nuôi dưỡng bằng con tim, khối óc và thân xác của chính người dân Việt Nam. Đây là điều kiện tối yếu để hình thành mọi trận tuyến, kiến tạo mọi sức mạnh và bảo đảm cho mọi mưu đồ. Bị cuốn hút bởi các chiêu bài để tự nguyện tham gia hay bị cưỡng chế phải cúi đầu tuân phục thì tất cả đều đã góp phần cho sự hình thành trận tuyến, đã vun bồi cho những mưu đồ và đã làm một công việc trớ trêu là nỗ lực huỷ hoại cuộc sống ước mơ của chính mình. Những tấm gương hy sinh, những hành vi dũng cảm khó thể kể xiết suốt chiều dài cuộc chiến chính là những nhát búa giáng xuống đập tan mọi mưu cầu tốt lành vốn là động cơ thúc đẩy hình thành những tấm gương, những hành vi đó. Pierre Darcourt đã sững sờ trước nhận thức và thái độ bất chấp thực tế của dư luận về cuộc chiến, nhưng đáng sững sờ hơn chính là nhận thức và thái độ của hết thẩy nạn nhân đã có mặt trong lòng cuộc chiến.

Lời giải đáp mà Pierre Darcourt nêu ra là: U tối hay xảo trá bất nhân khi cố chối bỏ mọi sự thực hiển nhiên để tiếp tục biện minh và che đỡ cho tội ác — nhất là tội ác lại trút lên chính bản thân mình?

Trả lời ra sao thì cũng không thể đặt mình ngoài vị thế duy nhất dành cho mọi người Việt Nam còn lương tâm và ý thức ở đầu thế kỷ 20 mà André Malraux đã nhắc.

Bước đi tới vị thế đó dường như vẫn ngập ngừng và ngổn ngang chướng ngại dù con người bao giờ cũng ôm ấp các mơ ước tốt lành. Chướng ngại là vô vàn hiểm hoạ luôn hiển hiện, là trí óc chao đảo chưa hết ngờ vực… nhưng lớn hơn hết có lẽ là nỗi tiếc nuối những ảo ảnh ma mị đã tạo nên chính cái Nghiệp Chướng mà mình tìm tới. Đoạn tuyệt một quá khứ trong đó hình ảnh mình từng được điểm tô bằng các sắc màu chói lọi dù đượm đầy cay đắng vẫn có vẻ không dễ dàng, kế cả khi đã nhận thức rõ đó chỉ là đoạn đường ngập tràn tội ác.

Khi đả kích hướng thăng tiến lạnh lùng của chủ nghĩa tư bản, Karl Marx từng phát biểu:”Chỉ có loài thú mới xoay lưng trước những đau đớn của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của riêng mình“.

Hồ Chí Minh vẫn suy tôn Karl Marx là thánh nhân, nhưng năm 1963, khi nói với Chu Ân Lai về cuộc chiến vừa phát động tại miền Nam đã khẳng định: “Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm. Dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh“. Ba tháng sau đó, Hồ Chí Minh đã chỉ thị về phương cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam: “Ta vừa tiêu diệt, vừa tuyên truyền“. Và, đêm 26-1-1968, Hồ Chí Minh ngồi tại Bắc Kinh cùng bí thư Vũ Kỳ, khi nhận báo cáo từ Võ Nguyên Giáp cho biết đã đánh khắp miền Nam thì ánh mắt rực sáng niềm vui.

(*) Bài viết của Vũ Kỳ được đọc ngày 11-4-2001 tại trường Cán Bộ Giáo Dục Quản Lý Hà Nội.

Không kể những nạn nhân bị tàn sát tại Huế và khắp miền Nam, chỉ riêng số tử vong của miền Bắc theo Võ Nguyên Giáp là hơn 300 ngàn cán binh. Nhưng, trận đánh 1968 ngập ngụa máu xương và huỷ hoại không biết bao nhiêu tổ ấm gia đình đã trở thành nguồn cảm hứng cho Hồ Chí Minh cầm bút làm thơ:
Đã lâu chưa làm bài thơ nào
Đến nay thử làm xem ra sao
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy
Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.


Khó có đánh giá nào chính xác hơn phát biểu của Karl Marx về tính ác thú và cái giá tô điểm màu sắc rực rỡ của một bộ lông. Nhưng đã có bao nhiêu lời sám hối cất lên như Chế Lan Viên qua những câu thơ vào giờ giã biệt cuộc đời:
Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi
Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi?
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận trở về
sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ.
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa!
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi: Người có lỗi!

Mức oan khiên khắc nghiệt càng đau xót hơn khi chính các nạn nhân không hề biết mình đã hoá thân thành loài thú để tô điểm bộ lông bằng cách thản nhiên tàn sát đồng loại:

“Lúc 23 giờ khuya 28.4.75 tại Tân Sơn Nhất, một tiếng nổ lớn làm rung cả hầm trú ẩn của tôi. Cách đó chừng 50 thước, một trực thăng vận tải Chinook đầy binh sĩ bị cháy và đang rơi xuống đất. Rất nhiều mảnh kim khí đỏ như lửa bắn tung tóe khắp phi đạo và thây người vừa bị cháy vừa bị bắn tung khắp một vùng khét lẹt mùi xăng dầu và thịt người bị cháy. Từ xa, về hướng Đông, pháo binh vẫn nã vào Biên Hòa không dứt và đã biến vùng bị pháo kích thành một biển lửa vàng hực.Tôi biết những ngọn lửa trong đêm tối đó đã hủy hoại cả một thị trấn, những ngôi nhà sẽ sụp đổ sau nhiều loạt đạn pháo nối tiếp của cộng sản nghiền nát nhiều gia đình. Tôi nghĩ tới những tự vệ Công giáo trẻ của Hố Nai, những thiếu niên 15, 16 tuổi chỉ với một khăn choàng cổ và hai quả lựu đạn vẫn đương đầu với các chiến xa cộng sản! Cùng lúc đó, dưới ánh sáng ở thánh đường, cha mẹ chúng quỳ gối cầu xin Chúa ban cho chúng đủ can đảm để không chùn bước trước cái chết…”

Khó có cảnh tuyệt vọng thương tâm nào lớn hơn cảnh cha mẹ quỳ gối nguyện cầu cho những đứa con chưa qua tuổi trẻ thơ đủ can đảm nhận cái chết để bày tỏ quyết tâm không cúi đầu trước uy lực của một tai ương.

Nhưng, có khi nào những người vẫn bám giữ ánh hào quang vì nước vì dân đã nhìn lại thực tế bằng cái nhìn ngay thẳng và mối động tâm không thể thiếu của con tim chưa biến thành ác thú để tự hỏi về giá trị thực của những hành vi dũng cảm, những tấm gương hy sinh do chính mình từng thể hiện? Có khi nào những người từng lăn xả vào khó nguy để tàn sát chính đồng bào ruột thịt đã ý thức về mức độ huỷ hoại mà bản thân mình cũng phải nhận lãnh từ hành động của chính mình qua thực tế cuộc sống đang phơi bày? Có khi nào tất cả đã tự hỏi về phần trách nhiệm của bản thân trước những thảm cảnh — như Pierre Darcorut từng ghi lại:

“Ngày 29-3-1975, tại Đà Nẵng, sáu trái hỏa tiễn rơi vào phi trường… Sự ra đi của những chiếc phi cơ cuối cùng đã tạo cảnh tượng hết sức kinh hoàng. Đám đông tị nạn ùa lại tranh nhau cố leo lên những chiếc phi cơ đã đầy ắp người. Một chiếc trực thăng cất cánh lắc lư làm rơi rụng mấy chùm người đang cố bám vào hai gọng sắt dưới lườn, giống như những con sâu nhỏ đeo vào một con bọ hung lớn. Họ rơi lả tả từ trên không, rớt xuống đất bẹp nát từng đống nhỏ không còn hình dạng con người, máu me be bét. Phụ nữ trẻ con gào khóc, van xin và cố trèo lên một chiếc khác cũng đã đầy cứng. Có những báng súng đập vào bàn tay và cánh tay của họ. Một số cố bám vào lườn một chiếc Boeing đang gầm rú để bốc lên khỏi đường bay. Khi đến Sài Gòn người ta tìm thấy tử thi bị xé nát của một người bị cuốn chặt vào hệ thống bánh xe hạ cánh của chiếc Boeing 707 nói trên“.

Tất cả chỉ là thảm cảnh trốn chạy, nhưng có ai tự hỏi tại sao lại có sự trốn chạy để tìm một câu trả lời như người bạn của Pierre Darcourt:

“Tháng 3 năm nay (1975), khi nằm thoải mái trên ghế phô-tơi để xem truyền hình ở Ba Lê, cũng như tất cả người Pháp khác, tôi nghĩ người Việt Nam chạy trốn chiến tranh hoặc họ đã bị sự tuyên truyền chống cộng đầu độc. Thật sự tôi đã lầm! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người Việt Nam đã chạy trốn đầy đường. Không phải họ chỉ chạy trốn đạn pháo và các đơn vị cộng sản Bắc Việt. Thật sự họ chạy trốn bộ máy ở phía sau bộ đội cộng sản đó“.

Vào thời điểm này đã có không thiếu bằng chứng hiển nhiên kéo dài nhiều năm tháng và trải khắp đất nước về mong muốn trốn chạy của người dân Việt Nam khỏi cái bộ máy đó. Nhưng, “Phải chăng chỉ là giấc mơ không thể thực hiện nổi?“ — như mối băn khoăn đã có của Pierre Darcourt.

Câu trả lời chính xác cho thắc mắc này hoàn toàn thuộc về thực tế và thời gian.

Âm vang chủ yếu từ đoạn đường mà Pierre Darcourt ghi lại là đã có không ít sự việc chứng minh không thể có sự sống song hành hoà thuận giữa mọi con dân Việt Nam với bộ máy ở phía sau họng súng của người Cộng Sản, vì bản chất ngược chiều với qui luật tự nhiên của bộ máy này. Và điều đáng trân trọng qua tác phẩm của Pierre Darcourt là tâm tư chia xẻ của tác giả với những thống khổ của đồng loại mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng phải ao ước là sẽ hiện hình trong con tim của hết thẩy những người đang mang dòng máu Việt Nam.

Uyên Thao (Virginia 8-2007)

Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên

Hồi Ký Pierre Darcourt
Tựa đề nguyên tác: “Viet Nam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils?”
* Edition Albatros, 1975
* Bản dịch Việt ngữ: Dương Hiếu Nghĩa
* Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản tại Virginia, Hoa Kỳ (2007)
Tái bản lần thứ nhất (2016) – 440 trang – Ấn phí 25 usd
Đặt mua sách gửi thư về :
Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653 — Falls Church — VA 22044 –– USA
hoặc E-mail :
Nhà văn Uyên Thao : uyenthaodc@gmail.com
Bưu phí giao sách tới nhà : 3 USD tại Hoa Kỳ — 10 USD gửi ra nước ngoài.
Thanh toán bằng Check hoặc International money order xin ghi trả cho :
VLAC/TIẾNG QUÊ HƯƠNG

Bấm vào link dưới để đọc sách dạng File Pdf.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét