'Thượng đỉnh Johannesburg : Trung Quốc kêu gọi mở rộng BRICS
Trong phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS hôm qua 22/08/2023, tại Johannesburg, Nam Phi, Trung Quốc đã tỏ ra năng nổ ủng hộ kế hoạch mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi, để BRICS, hiện tại vẫn là định chế lỏng lẻo, có thể trở thành một khối khẳng định ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình trên phạm vi thế giới.vTừ trái sang phải : Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 22/08/2023. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY Anh Vũ
Đang thăm chính thức Nam Phi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS, ủy quyền cho bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào, thay mặt đọc diễn văn. Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định « chủ nghĩa bá quyền không có trong ADN của Trung Quốc ». Ông cho biết các cuộc thảo luận ở Johannesburg này không nhằm mục đích « yêu cầu các nước đứng về phía nào hoặc tạo ra sự đối đầu giữa các khối, mà là để mở rộng cấu trúc trúc hòa bình và phát triển ».
Chủ tịch Trung Quốc, được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong BRICS mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy việc mở rộng thành viên và giúp làm cho trật tự quốc tế trở nên công bằng và bình đẳng hơn. »
Thượng đỉnh ở Johannesburg càng làm nổi bật sự chia rẽ với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraina và sự ủng hộ Matxcơva từ các đối tác khác của BRICS, vào lúc Nga bị cô lập trên toàn cầu.
Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ không lên án hành động xâm lược của Nga, trong khi Brazil từ chối cùng các nước phương Tây gửi vũ khí tới Ukraina hay áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, do bị lệnh truy nã của Tòa Án hình Sự Quốc Tế, không trực tiếp tham dự thượng đỉnh. Như dự trù, tổng thống Nga vẫn phát biểu qua video trong ngày khai mạc hội nghị. Trong diễn văn, ông Putin chủ yếu chỉ trích trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm vận của phương Tây với Nga về phân bón và ngũ cốc đã góp phần gây ra khủng hoảng lương thực trên thế giới.
Trên hết, ông Putin muốn chứng minh rằng ngay cả từ xa, ông không đơn độc. Tổng thống Nga nhấn mạnh đến trọng lượng của BRICS với dân số đông, đầu tư tăng, sức mua tăng mạnh. Theo nguyên thủ Nga, đây là một khối phần lớn có khả năng cạnh tranh với G7, một tổ chức mà Nga đã bị gạt ra ngoài vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimée.
Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI tại Johannesburg, Claire Bargelès, những chia rẽ đã xuất hiện trở lại trước khi các nước bước vào cuộc tranh luận quan trọng về khả năng mở rộng khối :
Điểm chung của các bài phát biểu khai mạc này là tất cả các diễn giả đều muốn nêu bật một hình ảnh về sức sống kinh tế của nhóm. Đối với tổng thống Brazil, « sự năng động của các nền kinh tế phía nam và BRICS chính là động lực ». Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi nhấn mạnh, ông vui mừng vì đất nước của ông sẽ sớm trở thành « đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu ».
Nhưng những phát biểu đó cũng ngầm cho thấy sự chia rẽ trong nhóm, với sự cạnh tranh tiềm ẩn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thực tế, kinh tế giữa 5 quốc gia không được đồng nhất lắm, hoặc mối quan hệ của họ với các cường quốc phương Tây cũng khác nhau.
Sẽ không dễ dàng gạt bỏ những chia rẽ để tìm được sự đồng thuận xung quanh vấn đề mở rộng BRICS. Trong khi đó, nhiều quốc gia, rất đa dạng, từ Iran đến Ả Rập Xê Út, qua đến Cuba, Ethiopia, Achentina hay Indonesia đã nộp đơn xin gia nhập nhóm.
Các lãnh đạo BRICS đã có thể thảo luận về vấn đề gai góc này nhiều hơn vào buổi tối khi họ gặp nhau tại một dinh thự sang trọng. Và các cuộc tranh luận sẽ tiếp tục ngày hôm nay, xen kẽ với các bài phát biểu của 5 nguyên thủ quốc gia.
Nga phóng drone phá hủy cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina tại vùng Odessa
Đêm hôm qua rạng sáng hôm nay 23/08/2023, Nga đã tiến hành các vụ tấn công bằng drone phá hủy cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina trong vùng Odessa.
Một vựa lúa bị drone của Nga tấn công phá hủy, tại cảng Danube gần Odessa, Ukraina, ngày 16/08/2023. AP
Thùy Dương
Trên mạng xã hội Telegram, thống đốc vùng Odessa, Oleg Kiper, cho biết các vụ tấn công bằng drone của Nga kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ ở miền nam Odessa và đã làm hư hại cơ sở hạ tầng sản xuất, vận chuyển và kho trữ ngũ cốc của Ukraina, nhưng không gây thiệt hại nhân mạng. Theo Reuters, tổng cộng, quân đội Ukraina đã hạ được 9 drone Shahed-136-/131 trong số các drone mà quân Nga phóng từ phía đông biển Azov.
Còn tại Hắc Hải, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua 22/08 thông báo đã đánh chìm một tàu quân sự của Ukraina và một tàu khác của Ukraina do Mỹ chế tạo, ở ngoài khơi Đảo Rắn mà Kiev đã thu hồi từ tay quân Nga trong năm 2022. Nga cũng đã điều hai máy bay phản lực đến Hắc Hải để đánh chặn hai drone (MQ-9 Reaper và Bayraktar TB2). Không nêu rõ hai drone này là của lực lượng nào, bộ Quốc phòng Nga chỉ cho biết việc này « nhằm ngăn chặn khả năng xâm phạm biên giới của Nga và nhiệm vụ trinh sát điện tử của hai drone này ».
Ngày thứ sáu Matxcơva bị tấn công bằng drone
Tại Nga, hôm nay 23/08/2023 là ngày thứ sáu liên tiếp vùng Matxcơva hứng chịu các vụ tấn công bằng drone bị xem là do quân đội Ukraina tiến hành.
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Nga thông báo « các phương tiện chiến tranh điện tử »của Nga đã vô hiệu hóa được 1 drone, khiến drone này mất lái và đâm vào một tòa nhà thuộc Moscou City, khu trung tâm kinh doanh ở thủ đô, cách điện Kremlin khoảng 5 km, nhưng không gây thiệt hại về nhân mạng. Trên Telegram, đô trưởng Matxcơva, Sergueï Sobianine, cho biết nhiều cửa sổ của hai tòa nhà 5 tầng bị hư hại. Cũng theo bộ Quốc Phòng Nga, hai drone khác đã bị lực lượng phòng không ở các quận Mojaïsk và Khimki ở ngoại ô Matxcơva, bắn hạ.
Trong khi đó, tại vùng biên Belgorod của Nga, chỉ vài giờ sau các vụ oanh kích tối hôm qua của Nga nhắm vào 2 làng gần Lyman, miền đông Ukraina, khiến 3 người chết và 2 người bị thương, các lực lượng Ukraina sáng nay đã phóng drone khiến 3 người ở làng Lavy, quận Valouïsk của Nga thiệt mạng. Thống đốc vùng Belgorod, Viatcheslav Gladkov, hôm nay thông báo như trên qua mạng Telegram.
Nga cách chức tướng Surovikine và sắp xếp lại nhân sự quân đội
Hãng thông tấn Nga RIA, hôm nay, 23/08/2023, dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết quân đội Nga đã tạm thời bổ nhiệm thượng tướng Viktor Afzalov làm tư lệnh không quân, thay tướng Serguei Surovikine đã bị miễn nhiệm mọi chức vụ. Reuters nhắc lại, tướng Serguei Surovikine đã không được nhìn thấy kể từ sau vụ nổi loạn ngắn ngủi hồi cuối tháng 06/2023, của Yevgeny Prigozhin – lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner.
Tướng Serguei Surovikine trong đoạn video yêu cầu lính đánh thuê Wagner quy hàng, ngày 24/06/2023. © Service de presse du ministère russe de la Défense / via AP
Minh Anh
Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri cho biết chi tiết :
« Lần cuối cùng người ta còn nhìn thấy Serguei Surovikine là lúc nửa đêm ông ấy, súng tiểu liên trên gối, yêu cầu Yevgeny Prigozhin và các binh sĩ quy hàng. Nhưng một số người sau đó cho rằng cảnh này được dàn dựng do áp lực. Quả thật, vị tướng này kể từ hôm đó đã biến mất. Một nhà quan sát thuật rằng "ông ấy dường như bị quản thúc tại gia, người ta có lẽ đã khuyên ông ấy nên để bị lãng quên".
Truyền thông Nga hôm thứ Ba viết vài hàng là Serguei Surovikine đã bị miễn nhiệm, "nghỉ phép ngắn hạn nhưng vẫn dưới sự điều động của bộ Quốc Phòng". Vị tướng này đã để lại tên tuổi với tuyến phòng thủ nổi tiếng mà quân đội Ukraina tìm cách phá vỡ và rất có thể sẽ trở lại một ngày nào đó.
Trùng hợp hay không, nhưng thứ Ba này, người ta cũng biết qua một thông báo chính thức từ bộ Quốc Phòng là thượng tướng (colonel general) Yevkurov đã đến Libya. Đây chính là người được một sĩ quan cao cấp khác của quân đội tháp tùng mà người ta đã nhìn thấy cùng với Yevgeny Prigozhin tại trụ sở bộ chỉ huy quân sự ở Rostov.
Ông ấy là con tin hay là người hòa giải ? Vào lúc đó khó thể biết được. Quân đội Nga khẳng định, sự hiện diện của ông tại Libya là "theo lời mời của thống chế Haftar". Theo nhiều nhà phân tích, đây có thể báo hiệu có một sự sắp xếp lại đang diễn ra về nhân sự quân đội ở trong nước, kể cả trong tập đoàn quân sự lính đánh thuê Wagner. »
Vua Thái Lan phê chuẩn tân thủ tướng Srettha Thavisin
Quốc vương Maha Vajiralongkorn hôm nay 23/08/2023 phê chuẩn ông Srettha Thavisin, của đảng Pheu Thai, làm thủ tướng mới của Thái Lan, một ngày sau khi Quốc Hội Thái Lan bỏ phiếu bầu. Ông Srettha Thavisin, 61 tuổi, nhậm chức vào tối nay (giờ địa phương), kế nhiệm cựu thủ tướng, tướng Prayut Chan-O-Cha.
Tân thủ tướng Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai trong cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/08/2023. AP - Wason Wanichakorn
Thùy Dương
Theo AFP, thư phê chuẩn của hoàng gia Thái Lan dự kiến được công bố vào khoảng 18h tại trụ sở đảng Pheu Thai ở Bangkok, buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu chính thức cho nhiệm kỳ thủ tướng của Srettha Thavisin, được xem là nhà lãnh đạo đầu tiên của xã hội dân sự kể từ cuộc đảo chính năm 2014 nhắm vào thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, để giành được quyền lực, đảng Pheu Thai của Srettha Thavisin cũng đã liên minh với các đảng thân quân đội. Ông Srettha Thavisin, vốn là người điều hành một trong những công ty bất động sản lớn ở Thái Lan, chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Ngay trước chiến dịch tranh cử bầu Quốc Hội, Srettha Thavisin mới gia nhập đảng Pheu Thai, phong trào liên minh với gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tân thủ tướng thái Lan nhậm chức trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp được theo dõi sát sao trong nước, kể cả trong giới nông dân. Từ Chiangmai, thông tín viên Carole Isoux cho biết thêm chi tiết :
« Ở vùng núi phía bắc, mọi người bình thản theo dõi sự hỗn loạn chính trị ở Bangkok : việc bổ nhiệm một thủ tướng mới và trên hết là việc gạt ra khỏi bộ máy quyền lực đảng đã giành được đa số phiếu của cử tri Thái Lan trong kỳ bầu cử lập pháp vừa qua. Sau 3 tháng đối đầu với đảng Bảo Thủ, đảng của giới trẻ đã bị đẩy sang phe đối lập. Và đảng trước đây là của những người nông dân nổi loạn, đảng Pheu Thai, lên lãnh đạo đất nước, liên minh với các đảng thân quân đội mà trước đây họ từng chống.
Nhưng đối với Anuwwat, nông dân trồng ngô, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ông nói : « Nhân dân đã bày tỏ rõ ràng ý kiến. Quả thực người dân có quyền bầu cử nhưng quyền này chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có giá trị gì, cũng không thay đổi được điều gì. Bây giờ, đảng Pheu Thai lại liên minh với quân đội. Có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn nắm quyền điều hành. Đó là luật chơi ở Thái Lan. Thế có khi còn tốt hơn là chẳng được gì ».
Còn hơn không, tức là còn hơn là có một chính phủ quân sự hoặc lại thêm một cuộc đảo chính mới. Nhiều người xem sự xích lại gần quân đội là một phần trong cuộc đàm phán cho phép cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại lãnh thổ Thái Lan sau 17 năm vắng bóng. Các thế lực bảo thủ, mặc dù chỉ đạt kết quả kém trong bầu cử, vẫn giữ được quyền lực đáng kể ở Thái Lan ».
Biển Đông : Hải cảnh Trung Quốc và Philippines đối đầu « nguy hiểm » ở bãi Cỏ Mây
Ngày 23/08/2023, Manila lên án Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế sau khi nhiều tầu hải cảnh Trung Quốc đã có hành động phong tỏa và ngăn chặn một cách nguy hiểm các tầu của Philippines đến tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trước) chặn tàu hải cảnh Philippines gần bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 05/08/2023. AP
Minh Anh
Theo tường thuật của các phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ) và AFP (Pháp), hai tầu cảnh sát biển Philippines hộ tống các tầu tiếp tế cho binh sĩ trú đóng trên tầu Sierra Madre, mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, đã bị ít nhất bốn tầu hải cảnh Trung Quốc và bốn tầu dân quân biển truy đuổi, bao vây và chặn lại trong vòng 5 giờ. Vào thời điểm xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng này, còn có sự hiện diện một máy bay trinh thám của Mỹ.
Trước đó, hải cảnh Trung Quốc trong một tín hiệu radio cảnh báo hai tầu chiến hộ tống của Philippines phải rời địa điểm nếu không muốn « gánh lấy toàn bộ trách nhiệm của mọi hậu quả ». Hải cảnh Trung Quốc cho rằng Philippines đã lợi dụng các hoạt động tiếp tế để đưa « các vật liệu xây dựng trái phép » đến bãi đá ngầm.
Tuy nhiên, các tầu của Philippines đã hoàn tất việc tiếp tế, luân chuyển binh sĩ và rời khu vực này mà không xảy ra thêm sự cố nào.
AP cho biết, lực lượng tuần duyên Philippines đã mời các phóng viên của ba hãng thông tấn lớn đi cùng các tầu tiếp tế như một phần chiến lược mới nhằm vạch trần các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
Philippines đã cố tình cho tầu chiến Sierra Madre, có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, mắc cạn ở bãi Cỏ Mây năm 1990, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Binh sĩ trú đóng trên chiếc tầu cũ này phụ thuộc vào nguồn tiếp tế từ bên ngoài. Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Philippines 200 km, nhưng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 cây số.
Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển, Trung Quốc bất bình
Kể từ ngày mai 24/08/2023, nước thải của nhà máy điện nguyên tử Fukushima – được lưu giữ sau thảm họa hạt nhân hồi tháng 03/2011, mà theo giới chuyên gia Nhật Bản là đã được xử lý - sẽ được đổ ra Thái Bình Dương.
Một tấm biển phản đối Nhật Bản xả nước thải của nhà máy Fukushima đặt bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/08/2023. AP - Lee Jin-man
Thùy Dương
Dự án này của chính phủ Nhật Bản, dù được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua hồi tháng trước, đã gây lo ngại cho ngư dân ở vùng bờ biển phía đông bắc Nhật Bản. Nhìn ra nước ngoài, quyết định của Tokyo bị cả Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối. Tại Trung Quốc, nhiều người không dám ăn cá biển nữa.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde và Louise May gửi về bài phóng sự :
« Ở quầy bán cá, một con cá chép sông to đang được xẻ thịt, nhưng bên cạnh, những con cá biển vẫn nằm nguyên đó, không có ai mua. Một khách thường xuyên mua cá biển ở khu chợ thủy sản ở đường vành đai 3 của Bắc Kinh cho biết là kể từ khi có thông báo của Nhật Bản, nhiều người không còn muốn mua cá biển nữa. Khách hàng này nói : « Tất nhiên là tôi lo lắng. Tất cả thủy sản đều sẽ bị ảnh hưởng. Họ không thể xả nhiều chất gây ô nhiễm như vậy ra đại dương. Tôi thậm chí còn không dám mua cá biển nữa ».
Đối với chủ quầy cá, người bán cá ở khu phố này suốt 20 năm nay, việc xả nước thải từ Fukushima không cải thiện hình ảnh của Nhật Bản trong mắt người dân Trung Quốc. Bà nói : « Mọi người cứ nghĩ đến điều đó và sẽ không ăn cá nữa. Chúng tôi rất sợ. Khi mua thêm hàng, chúng tôi sẽ phải lưu ý để chỉ đặt mua cá của phía bờ biển của Trung Quốc. Nhưng dù vậy thì chúng tôi cũng đã cảm thấy lượng cá bán được đã bị sụt giảm. Nhật Bản đúng là quỷ dữ. Có rất nhiều người nổi giận với Nhật Bản ».
Ở quầy thu tiền của hàng cá khác, có một tờ giấy với hàng chữ viết tay : « Cá của chúng tôi đến từ vùng Sơn Đông và Chiết Giang của Trung Quốc ». Nhiều khách hàng hiện giờ yêu cầu phải ghi rõ nguồn gốc cá trên nhãn hàng. Người khách hàng này khoảng 60 tuổi, bà nói : « Bây giờ tôi tự nhủ liệu tôi còn có thể tiếp tục ăn cá nữa hay không. Chúng tôi không thể không quan tâm tới điều đó. Nhật Bản đã đô hộ chúng tôi trong suốt nhiều năm ».
Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc thậm chí hôm qua (thứ Ba), đã triệu đại sứ Nhật ở Trung Quốc lên để phản đối quyết định của Tokyo ».
Pháp : Báo động đỏ vì nắng nóng gay gắt tại 19 tỉnh thành
Một nửa nước Pháp, chủ yếu ở miền nam, từ Đông sang Tây, tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ có thể sẽ tăng đến từ 40-42°C, thậm chí cao hơn tại một số nơi. Đài khí tượng thủy văn Pháp dự báo nắng nóng đạt đỉnh từ đây đến thứ Năm. Mười chín tỉnh thành được đặt trong báo động đỏ.
Ảnh minh họa : Một phụ nữ ngồi dưới nắng trong vườn Tuileries, Paris, Pháp, ngày 10/07/2023. AP - Thomas Padilla
Minh Anh
Theo báo Le Monde, kể từ khi nước Pháp tiến hành đo nhiệt độ, hôm thứ Ba 22/08/2023 là ngày nóng nhất trong giai đoạn sau ngày 15/8. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 43°C tại Puy-Saint-Martin, tỉnh Drôme (đông nam) và 42,7 ở xã Orange, tỉnh Vaucluse (đông nam).
Sáng sớm hôm nay, nhiệt độ đo được ở nhiều nơi cao hơn bình thường trong khoảng từ 24-30°C, tùy theo từng khu vực. Tính đến chiều thứ Ba, mười chín tỉnh thành đã bị đặt trong tình trạng báo động đỏ - mức cao nhất.
Cơ quan khí tượng thủy văn Pháp dự báo nhiệt độ có thể sẽ tăng lên mức tối đa từ 40-42°C, thậm chí cao hơn tại nhiều địa phương. Trong khi đó, 37 tỉnh thành khác vẫn còn nằm trong diện báo động mầucam, từ vùng Vendée (trung tây) đến Bas-Rhin (đông bắc).
Hệ quả của đợt nắng nóng là chất lượng không khí bị giảm ở nhiều nơi như ở Marseille, buộc chính quyền thành phố phải điều chỉnh lưu thông xe cộ. Những phương tiện ô nhiễm nhất không được vào trung tâm thành phố.
Vì nồng độ ozone trong không khí tăng cao, bốn tỉnh ở đông nam nước Pháp là Vaucluse, Bouches-du-Rhone, Var và Alpes-Maritimes hôm nay chuyển sang mức báo động cấp 2, tương đương với mức « cảnh báo tăng cường cho mọi đối tượng » (vigilance renforcée tout public).
Tuy nhiên, Đài khí tượng Thủy văn dự báo, nếu như nhiệt độ đạt đỉnh vào ngày mai, thì thời điểm kết thúc cho đợt nắng nóng là vẫn chưa chắc chắn trước nhiều rủi ro xuất hiện giông bão lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét