Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

ĐIỂM TIN 1/8/2023 - Long Đỗ


Paris sơ tán người Pháp và châu Âu ra khỏi Niger
Bộ Ngoại Giao Pháp, hôm nay 01/08/2023, thông báo đang chuẩn bị sơ tán công dân Pháp ra khỏi Niger, sau cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum. Biểu tình ở Niamey, Niger, ngày 30/07/2023, ủng hộ đảo chính, chống Pháp, ủng hộ Nga. © AP / Sam Mednick Phan Minh Theo AFP, đối mặt với tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Niger, đại sứ quán Pháp sẽ khởi động một chiến dịch sơ tán bằng đường hàng không, vào thời điểm không khí tại thủ đô Niamey đang « bớt căng thẳng ». Paris cho biết hoạt động sơ tán sẽ bắt đầu từ hôm nay, đồng thời, nước Pháp cũng có thể sơ tán « mọi công dân châu Âu muốn rời khỏi nước này ».
<!>
Quyết định sơ tán được đưa ra sau khi đại sứ quán Pháp bị tấn công hôm 30/07 và việc đóng cửa không phận khiến người dân Pháp nói riêng và châu Âu nói chung không thể tự rời khỏi đất nước.

Hiện giờ có khoảng 600 công dân Pháp đang có mặt tại Niger và Paris không nói cụ thể chiến dịch sơ tán sẽ kéo dài bao nhiêu lâu, cũng như có bao nhiêu người muốn rời khỏi đất nước.

Theo tin mới nhất của AFP, vào trưa nay, chiếc máy bay đầu tiên của Pháp đang trên đường tới Niamey, thủ đô Niger. Cũng trong ngày hôm nay, chính quyền Roma cho biết sẵn sàng sơ tán công dân Ý ra khỏi Niger.

Trong khi đó, chính phủ quân sự Burkina Faso và Mali, hôm qua 31/07, cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger để khôi phục tổng thống Mohamed Bazoum sẽ được coi là một « lời tuyên chiến chống lại hai quốc gia nói trên », và cảnh báo về « những hậu quả thảm khốc của việc can thiệp quân sự vào Niger có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực ».

Lời cảnh báo được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Tây Phi, được các đối tác phương Tây hậu thuẫn, đe dọa sử dụng « vũ lực » nhằm đưa ông Bazoum trở lại cầm quyền tại Niger và trừng phạt tài chính phe đảo chính.

Nga tăng cường các cuộc oanh kích nhắm vào Ukraina
Bộ Quốc Phòng Nga, hôm qua 31/07/2023, thông báo đã gia tăng cường độ các cuộc oanh kích chống lại cơ sở hạ tầng quân sự Ukraina để đáp trả các cuộc tấn công của Kiev nhắm vào lãnh thổ Nga.


Phan Minh
Theo hãng tin AFP, thông tin này đã được bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Sergei Shoigu đưa ra trong cuộc gặp các quan chức quân sự của Nga. Cường độ các cuộc oanh kích « tăng vọt » là để phản ứng lại các cuộc tấn công gần đây bằng drone của Ukraina nhắm vào bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập hồi năm 2014, cũng như vào thủ đô Matxcơva hôm 30/07, nơi có hai tòa nhà trong khu thương mại bị hư hại nhẹ.

Ông Shoigu cho rằng đây là biện pháp để cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công trên không và ngoài biển của Ukraina. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Nga cũng khẳng định, cuộc phản công của Ukraina, được tiến hành từ đầu tháng 6 sau nhiều tháng chuẩn bị là « không hiệu quả » và « vũ khí phương Tây cung cấp không mang lại thành công mà chỉ kéo dài xung đột ».

Vẫn về tình hình chiến sự, hôm qua, Nga bắn hai tên lửa vào thành phố Kryvyi Rig, sinh quán của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Theo chính quyền địa phương, cuộc oanh kích này đã khiến 6 người thiệt mạng và 75 người bị thương.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng cho biết đã đánh chặn được cuộc tấn công của ba drone mà hải quân Ukraina phóng đi vào đêm qua nhắm vào các tàu tuần tra của Nga ở Biển Đen, tâm điểm của căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva, kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào giữa tháng 7.

Ukraina được sử dụng cảng của Croatia để xuất khẩu ngũ cốc

Sau cuộc hội đàm với ngoại trưởng Croatia, Grlic Radman, tại Kiev hôm thứ Hai 31/07/2023, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thông báo, hai nước đã nhất trí về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và biển Adriatic để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina.


Ảnh minh họa : Cảng Constanta (Biển Đen) ở Rumani, tháng 6/2022. Cảng Constata, nối với sông Danube, là một trong các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc Ukraina. © VADIM GHIRDA / AP
Thùy Dương
Reuters trích dẫn phát biểu của ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba : “Bây giờ chúng tôi sẽ tìm hiểu để lập các tuyến đường hiệu quả nhất đến các cảng này và tận dụng tối đa cơ hội này (…) Mọi đóng góp để giải tỏa xuất khẩu, mọi cánh cửa được mở ra đều là sự đóng góp thực sự và hiệu quả đối với an ninh lương thực của thế giới”.

Do Nga ngưng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua Biển Đen, Kiev hiện giờ phải dựa vào các tuyến đường bộ qua ngả Liên Hiệp Châu Âu cũng như một đường thủy thay thế trên sông Danube để xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường sông nói trên.

Ngoại trưởng Ukraina Kuleba còn cho biết, ngoài xuất khẩu ngũ cốc, vấn đề vũ khí cũng được đề cập trong cuộc gặp đồng nhiệm Croitia, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.

Tàu Israel “phớt lờ” cảnh báo của Nga, đi qua Biển Đen đến Ukraina
Vẫn liên quan đến Biển Đen, tàu chở hàng “Ams1” của Israel, xuất phát từ cảng Ashdod, đã đi qua Biển Đen và chiều hôm qua 31/07 đã đi vào khu vực sông Danube của Ukraina. Theo trang Israel Magazine, đây là còn tàu đầu tiên dám “thách thức” lệnh của Nga về việc phong tỏa Biển Đen. Tàu hàng của Israel đã được máy bay tuần tra “P8 Poseidon” của Mỹ hộ tống. Đi sau tàu chở hàng “Ams1” của Israel trên sông Danube còn có 4 tàu khác.

Xin nhắc lại là sau khi ngưng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua ngả Biển Đen, Nga hôm 19/07 đã tuyên bố coi tất cả tàu thuyền mang cờ hiệu nước ngoài xuất phát hoặc đi tới các cảng Ukraina ở Biển Đen là mục tiêu quân sự.

Ukraina dỡ bỏ biểu tượng cộng sản và đặt lại tên bức tượng Mẹ Tổ Quốc

Ở Ukraina, nhiều công việc trùng tu mang tính biểu tượng đã bắt đầu cuối tuần qua ở trung tâm thủ đô. Chính quyền Kiev đã quyết định « phi cộng sản hóa » công trình ấn tượng nhất thành phố : Dỡ bỏ búa liềm gắn trên bức tượng Mẹ Tổ Quốc. Tượng đài khổng lồ, được đặt ở trung tâm thành phố từ thời kì Xô Viết kể kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến thế giới thứ 2, đã gây nhiều tranh cãi trong những năm gần đây.


Ảnh minh họa : Biểu tình với cờ ''búa liềm'' Kiev, ngày 01/05/2010. Reuters/Gleb Garanich
Thanh Hiếu
Từ Kiev, thông tín viên Staphane Siohan tường trình.

"Bức tượng Mẹ Tổ Quốc với 62m chiều cao, được dựng trên đồi bên bờ sông Dniepr, là một trong những biểu tượng của Kiev. Hình ảnh một người phụ nữ bảo vệ tổ quốc, một tay cầm gươm và tay kia cầm lá chắn. Hoàn thành năm 1981, được khánh thành bởi cựu tổng bí thư Leonid Brejnev, bức tượng thuộc bảo tàng lịch sử của Ukraina trong chiến tranh thế giới thứ 2.Khu tượng đài này vốn chịu ảnh hưởng lịch sử Xô Viết, nhưng giờ đây cũng là biểu tượng ca ngợi tinh thần kháng chiến của Ukraina chống xâm lăng Nga.

Mùa hè năm nay, sau khi trưng cầu ý kiến người dân qua internet, bộ Văn Hóa Ukraina đã quyết định giữ lại bức tượng này với kiến trúc đặc trưng thời Liên Xô nhưng là một phần cảnh quan của người dân Kiev. Mặt khác, chính quyền quyết định bỏ búa liềm, các biểu tượng của chế độ Cộng Sản, được hàn trên tấm chắn, để thay thế vào đó bằng cây đinh ba, biểu tượng quốc gia của Ukraina.

Công việc chỉnh sửa bắt đầu vào thứ Bảy, ở trên cao, và sẽ được hoàn thành trước ngày 24 tháng 8, ngày Quốc Khánh. Sau đó, tượng đài Mẹ Tổ Quốc sẽ được đổi tên thành tượng Mẹ Ukraina".

Trung Quốc thay chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm qua 31/07/2023, đã bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân (Wang Houbin), nguyên phó tư lệnh Hải Quân, vào vị trí lãnh đạo Lực lượng Tên lửa Chiến lược, bao gồm cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, trong lúc các cơ quan truyền thông đưa tin về một cuộc điều tra chống tham nhũng liên quan đến những viên chỉ huy tiền nhiệm.


Ảnh minh họa: Tên lửa DF-41 của Trung Quốc trong kỳ lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019. AP - Mark Schiefelbein
Phan Minh
Theo Tân Hoa Xã và được AFP trích dẫn, ông Vương Hậu Bân làm chỉ huy Lực lượng Tên lửa thay thế ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao). Ông Lý đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần qua và Tân Hoa Xã không đưa ra lời giải thích nào về sự thay đổi nhân sự này.

Trích dẫn các nguồn tin quân sự, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cách đây vài ngày đưa tin rằng ông Lý Ngọc Siêu cùng với các cấp phó hiện tại và trước đây của ông đang bị bộ phận chống tham nhũng, thuộc Quân ủy Trung ương, điều tra.

Vẫn trong lĩnh vực quân sự, theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) yêu cầu Mỹ phải chấm dứt mọi hình thức « thông đồng quân sự » với Đài Loan sau khi Washington thông qua gói viện trợ quân sự lên tới 345 triệu đô la cho hòn đảo, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ kiềm chế và không lún sâu vào con đường « sai lầm và nguy hiểm ».

Miến Điện lại triển hạn tình trạng khẩn cấp, hoãn bầu cử

Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện lại triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Có nghĩa các kỳ bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 08/2023 sẽ bị hoãn lại. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại « sâu sắc ».


Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sư, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Quân đội Miến Điện ở Naypyidaw, ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo
Thùy Dương
Kênh truyền hình Nhà nước Miến Điện MRTV hôm 31/07/2023 loan báo quyết định của tập đoàn quân sự triển hạn 6 tháng tình trạng khẩn cấp đã được Hội đồng quốc gia về quốc phòng và an ninh, gồm các quan chức quân đội, thông qua và quyết định triển hạn có hiệu lực từ hôm nay 01/08/2023.

Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính hồi tháng 02/2021, biện minh rằng các trận giao chiến và tấn công đang diễn ra tại một số vùng miền và bang trong cả nước.

Theo Hiến pháp Miến Điện, các cuộc bầu cử chỉ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi lệnh khẩn cấp hết hiệu lực. Với việc triển hạn lệnh khẩn cấp lần này, kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng 08/2023, như giới tướng lãnh hứa hẹn, không thể diễn ra.

Hồi tháng 02/2023, tình trạng khẩn cấp đã được triển hạn với lý do tình hình « vẫn chưa trở lại bình thường ».

Hoa Kỳ đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Miến Điện, lên án « sự tàn bạo » của chế độ Naypyidaw, thái độ « khinh thường những khát khao dân chủ » của người dân.

Liên quan đến lệnh ân xá cho hơn 7.000 tù nhân Miến Điện, Naypyidaw hôm nay thông báo nhà lãnh đạo dân sự bị cầm tù Aung San Suu Kyi, được ân xá một phần : bà được giảm án 6 năm tù trong tổng số 33 năm tù giam đã tuyên. Hồi tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã được chuyển từ nhà tù đến quản thúc tại một tòa nhà của chính phủ.

Papua New Guinea :Tuần Duyên Mỹ được quyền ''chặn xét'' tàu nước ngoài trong vùng EEZ

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 31/07/2023, lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ hoạt động trên vùng biển của đảo quốc nam Thái Bình Dương Papua New Guinea (PNG), sẽ có quyền ngăn chặn và lên khám xét tàu nước ngoài, bị tình nghi hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của PNG, mà không cần sự hiện diện của lực lượng chấp pháp sở tại.


Đảo quốc Nam Thái Bình Dương Papua New Guinea (phía bắc nước Úc) © wikimedia
Trọng Nghĩa
Các quan chức Tuần Duyên Mỹ cho biết một thỏa thuận về thực thi pháp luật trên biển ký kết giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea bao gồm một điều khoản mới cho phép lực lượng Mỹ nhân danh PNG chặn giữ và lên khám xét mọi chiếc tàu khả nghi mà không cần đến sự có mặt của đại diện lực lượng thực thi pháp luật - ship rider - người PNG.

Trong tuyên bố với Reuters, một phát ngôn viên của Tuần Duyên Mỹ giải thích thêm: “Việc cụ thể hóa điều khoản đó để đưa vào áp dụng sẽ mất nhiều công sức (…), nhưng khi công việc đó hoàn thành, đó chính là cơ chế cho phép (chúng tôi) nhanh chóng lên tàu (mà không cần ship rider)”. Trong tuyên bố của mình với Reuters, phát ngôn viên Tuần Duyên Mỹ khẳng định có quyền lên khám xét bất kỳ tàu cá nào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của PNG, kể cả “tàu mang cờ Trung Quốc”.

Tuần Duyên Hoa Kỳ có các thỏa thuận về "ship rider" với hơn một chục quốc đảo Thái Bình Dương, tuy nhiên thỏa thuận với Papua New Guinea là thỏa thuận đầu tiên có điều khoản về quyền lên tàu khả nghi để khám xét mà không cần sự có mặt của đại diện nước chủ nhà, mà Mỹ ký kết với một quốc gia mà Washington không có trách nhiệm phòng thủ đầy đủ.

Vùng biển Papua New Guinea là khu vực mà các đội tàu đánh cá xa bờ quy mô lớn của Trung Quốc hoạt động, cũng là khu vực mà Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự. Tàu Hải Quân Trung Quốc thường xuyên đi qua một eo biển hẹp giữa Úc và PNG để qua lại giữa châu Á và Thái Bình Dương.

Tháng 5 vừa qua, PNG đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ và trong chuyến thăm PNG tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về việc triển khai một tàu tuần duyên Mỹ vào tháng 8. Thủ tướng PNG James Marape cho biết nước ông không thể tuần tra vùng đặc quyền kinh tế rộng 2,7 triệu km2 để phát hiện các hoạt động bất hợp pháp từ buôn bán ma túy cho đến đánh bắt trái phép.

Mỹ dựa vào đồng minh ở Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh
Về cách đối phó với Trung Quốc nói chung của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, một viên tướng Mỹ cao cấp vào hôm qua, 31/07/2023 xác nhận rằng Washington sẽ chủ yếu sẽ dựa vào các nước đồng minh trong khu vực thay vì tăng mạnh lực lượng vũ trang Mỹ để chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, tướng Joseph Ryan chỉ huy Sư Đoàn bộ binh 25 bao gồm 12.000 quân đóng ở Oahu, Hawaii, cho rằng trong khu vực, Bắc Kinh có những lợi thế "rất rõ ràng", từ việc sở hữu các hệ thống tên lửa tầm xa, khả năng dễ dàng bố trí quân đội và thiết bị ở Thái Bình Dương, trong khi đó trong trường hợp xảy ra xung đột, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ phải đi qua vùng biển quốc tế hoặc lãnh thổ của một số quốc gia, vừa cần đến sự cho phép của các nước này, vừa phải sử dụng các phương tiện vận tải đường không, đường bộ và đường biển quan trọng.

Trong bối cảnh đó, chiến lược của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, được công bố vào năm ngoái, ưu tiên các liên minh hơn là can dự trực tiếp. Tuy nhiên, tướng Ryan xác định rằng Mỹ không kêu gọi các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh: “Chúng tôi chỉ yêu cầu họ hành động vì lợi ích tốt nhất của mình và chú ý đến việc Hoa Kỳ muốn trở thành đối tác của họ. Và các quốc gia tự do và độc lập khác trong khu vực, chẳng hạn như Úc và New Zealand, đều coi trọng chủ quyền và muốn trở thành đối tác của họ”.

UNESCO muốn ghi Venise vào danh sách các di sản bị đe dọa

Venise đang gặp nguy hiểm? Thành phố này rất có thể sẽ được đưa vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc - Unesco báo động về việc nước Ý thiếu hụt những hành động cần thiết đối phó với những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng du lịch ồ ạt.


Một góc thành phố Venise, Ý. Ảnh chụp ngày 05/02/2023. REUTERS - REMO CASILLI
Thanh Hiếu
Từ Venice, thông tin viên Blandine Hugonnet tường trình.

Unesco báo động, đối với Venise, “mối nguy hiểm được thấy rõ''. Trong một quyết nghị được công bố tuần này, định chế thuộc Liên Hiệp Quốc rất lo ngại về tình trạng đô thị hóa vẫn tiếp tục tại thành phố trên nước này, các tác động của khí hậu cùng du lịch quá mức, mà theo giải thích của các chuyên gia UNESCO, "có nguy cơ gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với giá trị phổ quát đặc biệt" của địa danh này. Các chuyên gia khuyến nghị đưa Venise vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

Và nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự quản lý yếu kém. Cần phải biết là Serenissima (Venise) và hàng trăm hòn đảo nhỏ, được xếp loại di sản văn hóa từ năm 1987, đón tiếp từ 20 đến 30 triệu khách du lịch mỗi năm và đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt kỷ lục trong những năm gần đây.

Cho dù có những nỗ lực đã được công nhận để hạn chế mực nước dâng cao, nhưng các giải pháp mà chính quyền Ý đưa ra được xem là ''không đủ''. Coi Venise như một di sản đang bị đe dọa không phải là một hình phạt, mà Unesco hi vọng rằng cảnh báo đó sẽ khiến chính quyền Ý cam kết mạnh mẽ hơn và hành động nhiều hơn.

Hai năm trước, Venise vào giờ chót đã thoát khỏi danh sách đen các di sản bị đe dọa, nhờ việc chính quyền cấm các tàu du lịch lớn đi qua kênh đào của Venise. Cuộc bỏ phiếu lần này - của các quốc gia thành viên của Ủy ban di sản thế giới, sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 9 tại Riyadh - sẽ quyết định số phận của thành phố Venise.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét