Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

ĐIỂM TIN 02/08/2023 - Long Đỗ

Hơn 350 công dân Pháp được di tản khỏi Niger
Vài giờ sau khi Pháp khởi động chiến dịch di tản thường dân bằng đường hàng không rời khỏi Niger, hai chuyến bay chở hơn 350 công dân Pháp đã hạ cánh tại sân bay Roissy, ngoại ô Paris trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay 02/08/2023, theo thông báo của bộ Ngoại Giao và bộ Quân Lực Pháp, được AFP trích dẫn. Chuyến bay đầu tiên chở công dân Pháp và châu Âu di tản khỏi Niger, hạ cách tại sân bay Charles de Gaulle của Pháp hôm 02/08/2023. © STEPHANIE LECOCQ / REUTERS Thùy Dương
<!>
Quyết định đi tản được bộ Ngoại Giao Pháp đưa ra hôm qua 01/08 sau khi đại sứ quán Pháp tại Niger bị tấn công hôm 30/07 và việc đóng cửa không phận khiến người dân Pháp nói riêng và châu Âu nói chung không thể tự rời khỏi đất nước Niger, trong bối cảnh vụ đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum khiến tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở quốc gia châu Phi này.

Việc di tản thường dân đang tiếp diễn. Paris đề ra mục tiêu di tản công dân Pháp ra khỏi Niger bằng máy bay hoàn tất vào giữa ngày hôm nay 02/08.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, khi máy bay hạ cánh tại sân bay Roissy, ngoại ô Paris, một thường dân chia sẻ : « Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Hơn nữa, đây là do các quân nhân Pháp và Niger phối hợp cùng nhau để tổ chức đưa chúng tôi về nước. Tôi không thấy mọi người lo lắng, cả khi lên máy bay và khi về đến đây. Tôi không lo lắng cho sự an toàn của tôi, nhưng có thể là tôi đã lo lắng về việc nếu biên giới bị đóng cửa thì tôi có thể sẽ lỡ mất cơ hội đưa các con tôi trở về ». Trên mạng xã hội X, tiền thân là Twitter, bộ Quân Lực Pháp cho biết việc đi tản hàng trăm công dân Pháp và châu Âu do lực lượng quân sự Pháp và cảnh sát Niger điều phối.

🔴 Aujourd’hui, la France a débutél’évacuation de ses ressortissants bloqués au #Niger. Lancée à 15h, l’opération intervient moins d’une semaine après le coup d’Etat contre le président Bazoum.
Le point sur la situation ⤵️ 1/11pic.twitter.com/z11vHfQrWH

— Ministère des Armées 🇫🇷 (@Armees_Gouv) August 1, 2023
Trong các chuyến bay giải cứu do Pháp tổ chức, cũng có một số thường dân trong và ngoài khối Liên Âu, như công dân Đức, Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Ethiopia, Liban và cả công dân Niger, theo khẳng định của bộ Ngoại Giao Pháp với báo giới tại sân bay Orly.

Liên quan đến các quân nhân Pháp đang trú đóng tại Niger, bộ tham mưu quân đội Pháp hôm 01/08 cho biết việc di tản binh sĩ chưa được đưa ra bàn thảo.

Về phía Liên Âu, hôm qua, theo đài France 24, Bruxelles chưa đề ra một kế hoạch di tản tập thể công dân của khối. Riêng chính phủ Ý cũng đã điều một máy bay di tản 87 người ra khỏi Niger. Chuyến bay chở 87 người Ý và nhiều công dân trong và ngoài Liên Âu đã hạ cánh sáng hôm nay tại Roma.

Ba Lan tố cáo trực thăng Belarus xâm phạm không phận

Bộ Quốc Phòng Ba Lan hôm 01/08/2023 ra thông cáo cho biết hai máy bay trực thăng của Belarus đã xâm phạm không phận của Ba Lan, buộc Vacxava tăng cường quân số ở biên giới với Belarus.


Lính Belarus thuộc lực lượng đặc nhiệm (Special Operations Forces (SOF) và lính đánh thuê Wagner trong buổi tập luyện gần Brest, Belarus, giáp ranh với Ba Lan, ngày 20/07/2023. © AP/Belarus' Defense Ministry
Thùy Dương
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Ba Lan đã giải thích rằng các trực thăng Belarus đã xâm phạm không phận quốc gia tại " khu vực Bialowieza ở độ cao rất thấp, khiến radar khó phát hiện". Là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - Ba Lan đã thông báo vụ việc với Liên Minh.

Bộ Quốc Phòng Ba Lan cũng cho biết đã tăng quân số ở biên giới với Belarus, do Nga và Belarus đẩy mạnh "các hành động phối hợp" nhắm vào Ba Lan.

Đáp lại, bộ Quốc Phòng Belarus cho rằng các cáo buộc mà các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Ba Lan đưa ra là nhằm "biện minh một lần nữa về việc tăng cường lực lượng và phương tiện quân sự gần biên giới Belarus".

Ba Lan và các nước láng giềng ở sườn phía đông của NATO tỏ ra lo ngại về mối đe dọa tiềm ẩn từ Belarus, hiện đang tiếp nhận công ty lính đánh thuê Wagner của Nga.

Vào thứ Bảy 29/07, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định một nhóm gồm "một trăm lính đánh thuê Wagner" trú đóng ở Belarus đã tiến đến gần biên giới Ba Lan. Vacxava xem đó là "một bước tiến hướng tới nhiều cuộc tấn công phối hợp hơn nữa nhắm vào lãnh thổ Ba Lan (…) Họ có thể sẽ cải trang thành lính biên phòng Belarus, giúp đỡ những người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Ba Lan, nhằm gây bất ổn cho Ba Lan".

Nga tiếp tục oanh kích Odessa và Kiev bằng drone

Chính quyền Ukraina, hôm 02/08/2023, cho biết các drone của Nga đã làm hư hại cơ sở hạ tầng ở cảng Odessa và tấn công thủ đô Kiev từ nhiều hướng.


Một drone bị nổ trên bầu trời Kiev, Ukraina, rạng sáng ngày 02/08/2023. © REUTERS / GLEB GARANICH
Phan Minh
Theo AFP, quân đội Ukraina thông báo đã đánh chặn các drone Shahed-136 do Iran sản xuất, được phóng từ Biển Azov qua Biển Đen nhắm vào khu vực Odessa.

Trên mạng xã hội Telegram, Bộ chỉ huy tác chiến miền nam Ukraina cho biết mục tiêu oanh kích của quân địch rõ ràng là cảng và cơ sở hạ tầng công nghiệp của Odessa, đồng thời khẳng định rằng lực lượng phòng không đã ngăn chặn không ngừng nghỉ trong gần 3 tiếng đồng hồ.

Theo thống đốc Odessa, Oleg Kiper, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại cơ sở hạ tầng cảng biển và công nghiệp trong khu vực, nhưng ông không đề cập đến tổn thất về nhân mạng. Nga đã liên tục tấn công Odessa sau khi rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraina xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua ngả Biển Đen.

Vẫn về tình hình chiến sự, các quan chức Ukraina cho biết tối qua, thủ đô Kiev đã bị tấn công bằng drone và đã bắn hạ được 10 chiếc... Theo thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, cuộc oanh kích đã gây ra thiệt hại ở nhiều khu vực, bao gồm cả quận Solomyansky sầm uất, nơi có sân bay quốc tế Zhuliany. Còn tại quận Golosiivsky, các mảnh vỡ của drone rơi xuống một sân chơi cho trẻ em, đồng thời gây hỏa hoạn một tòa nhà.

Chính quyền Ukraina, trước đó, đã cảnh báo về các cuộc tấn công của Nga bằng drone và cảnh báo người dân không ra khỏi nhà.

Biển Đông : Philippines lên án hành động của Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác hàng hải với Việt Nam

Ngày 01/08/2023, Thượng Viện Philippines đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc liên tục quấy rối tầu cá Philippines và không ngừng xâm nhập vùng biển của nước này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng thúc đẩy chính quyền Manila « có những biện pháp phù hợp để khẳng định và bảo đảm » chủ quyền, đồng thời « kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động phi pháp ».


Một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (P), bị cáo buộc cản trở tàu của cảnh sát biển Philippines Malabrigo (T) ở gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 30/06/2023. © AP/Philippine Coast Guard
Thu Hằng
Theo trang Philstars, nghị quyết của Thượng Viện kêu gọi bộ Ngoại Giao Philippines sử dụng mọi diễn đàn quốc tế để huy động sự ủng hộ đa phương về việc áp dụng phán quyết lịch sử năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, nâng cao nhận thức về tình hình ở Biển Đông (Philipines gọi là Biển Tây Philippines), vận động những nước « có cùng chí hướng » kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, một trong những người đề xuất nghị quyết, thuộc đảng Akbayan (đảng Hành động Công dân), đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa đảng của bà và đảng Pwersang Masang Pilipino (đảng Đấu tranh của quần chúng Philippines) đảng của chủ tịch Thượng Viện Juan Miguel Zubiri, để nghị quyết được thông qua.

Nữ thượng nghị sĩ cũng nhấn mạnh « cuộc chiến chống cách hành xử thiếu thận trọng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không dừng ở đó ». Một nghị quyết trước đó của Thượng Viện, cũng do thượng nghị sĩ Risa Hontiveros ủng hộ, đã kêu gọi chính phủ Manila đưa các hành động của Bắc Kinh ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Philippines - Việt Nam thúc đẩy hợp tác hàng hải
Ngày 01/08, phát biểu tại Học Viện Ngoại Giao ở Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo kêu gọi hai nước đẩy mạnh hợp tác hàng hải, được cho « là một động lực mạnh mẽ cho Quan hệ Đối tác Chiến lược » song phương, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng như tranh chấp kéo dài ở vùng biển giàu tài nguyên.

Theo ngoại trưởng Philippines, « ngoài ý nghĩa chiến lược, Biển Đông là huyết mạch của hàng triệu người dân Philippines và Việt Nam, những người sống dựa vào biển», cho nên « phải thúc đẩy hơn nữa trong việc khám phá các phương thức hợp tác mới về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển ».

Trang GMA của Philippines nhắc lại Việt Nam là một trong hai Đối tác chiến lược của Philippines (cùng với Nhật Bản).

Đài Loan tăng cường hoạt động phản gián nhằm chống xâm nhập từ phía Trung Quốc

Quân đội Đài Loan, hôm nay 02/08/2023, tuyên bố sẽ đẩy mạnh các hoạt động phản gián khi chính quyền hòn đảo tiến hành điều tra một số sĩ quan quân đội đương chức và đã về hưu, bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.


Một nhóm binh sĩ Đài Loan trong cuộc tập trận thường niên Han Kuang, mô phỏng một cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Đào Viên, phía bắc Đài Loan, ngày 26/07/2023. AP - ChiangYing-ying
Phan Minh
Theo Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) và được Reuters trích dẫn, một trung tá họ Tiêu (Hsiao), làm việc tại Bộ Tư lệnh Hàng không và Lực lượng Đặc nhiệm của quân đội Đài Loan, đã bị bắt giam vì bị tình nghi tiết lộ bí mật quốc phòng cho « các lực lượng nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc ».

Trong tuần này, các nhà điều tra đã lục soát trụ sở bộ Chỉ Huy Quân Sự ở thành phố Đào Viên, nằm ở phía bắc hòn đảo, và thông báo rằng 4 sĩ quan quân đội đã về hưu cũng như một « người trung gian » họ Tiêu đang bị điều tra. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết là chính quyền đã thu thập được « bằng chứng cụ thể » về những hoạt động bất hợp pháp của các sĩ quan nói trên.

Đối mặt với sự xâm nhập của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào hòn đảo, bộ Quốc Phòng Đài Loan nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường các chiến dịch phản gián, đồng thời cảm thấy thất vọng trước việc binh sĩ nước nhà « bán rẻ đất nước và nhân dân ».

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang thúc ép hòn đảo chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, đã tiến hành hàng loạt chiến dịch cài gián điệp nhằm làm suy yếu giới lãnh đạo quân sự và dân sự của Đài Loan.

Trong khoảng 10 năm qua, đã có ít nhất 21 sĩ quan Đài Loan đương chức hoặc đã về hưu với cấp đại úy trở lên, đã bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu drone và các thiết bị dân sự công nghệ cao

Trung Quốc thông báo kể từ ngày 01/09/2023, kiểm soát xuất khẩu các loại drone dân sự dùng công nghệ cao cũng như các thiết bị liên quan để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Drone dân sự của Trung Quốc chiếm hơn 70% thị trường thế giới.


Drone loại Phantom 2 Vision của doanh nghiệp Trung Quốc DJI Technology Co. bay thử ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/12/2014. AP - Kin Cheung
Thanh Hiếu
Bộ Thương Mại Trung Quốc và các cơ quan chức năng khác, được hãng tin Nhật ngày 01/08/2023 trích dẫn, giải thích rằng quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 9 và được áp dụng trong vòng hai năm, trên cơ sở luật kiểm soát xuất khẩu.

Các loại drone có thể bay liên tục trong 30 phút trở lên và nặng từ 7 kg trở lên, khi cất cánh, thuộc diện bị kiểm soát.

Các nhà xuất khẩu sẽ phải nêu rõ đối tượng sử dụng cuối cùng, mục đích của họ, đồng thời phải xin phép chính phủ. Mặt khác, chính quyền cấm xuất khẩu các loại drone được dùng vào mục đích quân sự.

Biện pháp này xuất hiện như một phản ứng trước những chỉ trích của phương Tây về việc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine.

Ngoài ra, theo AFP, lệnh hạn chế xuất khẩu hai kim loại hiếm là galium và germanium mà chính quyền Trung Quốc đã đưa ra trước đó, có hiệu lực từ ngày 01/08/2023.

Nam Cực đang nóng báo động

Khi các nước nằm ở bắc bán cầu như Canada, Hy Lạp hay các nước vùng Bắc Phi Maghreb đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu với những đợt cháy rừng khốc liệt, thì nam bán cầu cũng bị ảnh hưởng, Nam Cực đang nóng lên một cách báo động.


Ảnh minh họa : Cờ của các quốc gia thành viên thuộc Hiệp ước Nam Cực © Photo: Business Wire
Phan Minh
Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse tường trình :

2,6 triệu km2 là diện tích băng thiếu hụt xung quanh Nam Cực vào giữa mùa đông ở nam bán cầu, tương đương với diện tích của một quốc gia như Achentina. Điều chưa từng xảy ra trong hơn 40 năm qua và là hiện tượng mà các nhà khoa học không thể lý giải. Nhiệt độ thực sự không phải là yếu tố duy nhất được tính đến, mức độ băng hà còn phụ thuộc vào sức gió và sự tương tác giữa khí quyển và đại dương.

Việc tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, rõ ràng khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Tình trạng đóng băng ở đại dương vào mùa đông có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự nóng lên của các đại dương và cũng có tác động trực tiếp đến loài nhuyễn thể, nguồn thức ăn chính của cá voi, cũng như đến sự sinh sản của chim cánh cụt.

Ngoài ra, tất cả các sinh vật biển đang bị đe dọa. Do đó, nếu nhiệt độ toàn cầu nóng lên thêm hơn 2 độ, tất cả các rạn san hô trên hành tinh sẽ biến mất.

Vẫn về biến đổi khí hậu, sau khi trải qua những đợt nắng nóng kéo dài, cơ quan khí tượng Trung Quốc, hôm nay 02/08/2023, cho biết thủ đô Bắc Kinh đang phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất kể từ 140 năm qua, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Còn tại Nhật Bản, cơn bão Khanun đã ập vào đảo Okinawa khiến 1 người chết và 11 người bị thương, đồng thời, vẫn còn 200.000 hộ gia đình bị cúp điện tính đến sáng nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét