Mỗi ngày trôi qua lại là một ngày thật “phí phạm” đến tiếc nuối! Mỗi đêm tôi trằn trọc, cố dỗ giấc ngủ, tự vấn an mình: – Rồi sẽ tìm ra nó thôi, mẹ nhất định sẽ tìm ra con trước khi nhắm mắt! Cứ thế, hết cuốn lịch này đến cuốn lịch khác, thời gian đã mặc kệ sự nóng ruột của tôi, thử thách lòng kiên trì của người mẹ; 13 năm trôi qua, kể từ khi thằng bé mới lên 8 tuổi! Tôi sống như đã chết, bám víu vào khoảng trống của tương lai…Một cái Tết mới vừa đến, một năm nữa vừa thoáng qua, không mong đợi; những hình ảnh lúc mờ nhạt, lúc thật rõ ràng trong ký ức hiện ra…
<!>
Đoàn người ồ ạt quýnh quáng kéo nhau lên tàu, chen lấn, mạnh được yếu thua; tiếng đạn nã sau lưng nghe chát chúa, vài mạng người chết oan, té bật ngửa ra khỏi thành tàu, máu vọt tung có vòi đỏ au cả một vùng nước biển đen lờ. Tuy vậy, chẳng ai lo hay đoái hoài đến họ, sống chết mặc bay, cứ tiếp tục giành giựt, xô lấn nhau lên! Lạ một điều, tiền đã nộp đủ, sao mọi người vẫn cứ chen đua nhau lên trước, hình như họ sợ ai đó sẽ lật lọng, sẽ không được tới phiên mình!
Một số công an thoái hóa bị mua chuộc, đấu lại với nhóm công an “vô tư” liêm chính, những lằn đạn bắn qua bắn lại chỉ có người dân vô tội là nạn nhân! Rốt cuộc đồng tiền cũng chiến thắng, mua được cả lòng tin con người!
Trời tối đen chỉ có những ngôi sao trên trời làm đèn chiếu sáng. Một tay dắt bé Nghi Lâm, lúc ấy mới 8 tuổi, một tay dìu chị Lan Khanh đang bị bệnh sốt cao, chị vật vờ than khóc:
– Hãy để mặc tôi! Hãy để tôi ở lại chết cùng chồng tôi! Anh ấy đã chết trong trại cả năm nay rồi, vậy mà bây giờ tôi mới được biết!… Tôi còn lòng dạ nào sống, hưởng phú quý một mình nữa chứ… hai mẹ con em cứ đi đi, hãy mặc chị nơi này… chị muốn cùng được chết bên anh ấy!
– Chị à! Hãy đừng nghĩ quẩn, cuộc đời chị còn dài, hãy ráng lên, đi cùng em và cháu, sau này mình có thể làm lại cuộc đời, sống chết có nhau… chị ở lại một thân một mình có mệnh hệ nào thì ai sẽ lo cho chị…
– Chị đi với em chỉ là gánh nặng cho em mà thôi, chị không được khỏe, lại đau yếu thế này, em còn con nhỏ làm sao lo được cơ chứ! Em thật tốt quá, lúc nào cũng nghĩ đến người khác, chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân mình! Nhưng chị nói thật, em hãy đi cùng cháu đi! Hãy kệ chị mà… chị thật khó thở quá!
– Thôi chết rồi, lúc nãy đi nhanh quá, em quên mất không đem theo thuốc hạ sốt cho chị, lỡ chị có mệnh hệ nào thì sao đây! Hay để em quay về lấy thuốc cho chị nhe, chị dắt cháu lên tàu trước giùm em nhe, em chạy về lấy nhanh ghê lắm sẽ trở lại ngay! Em nhớ đã gói sẵn hết và để trong ngăn kéo ngay đầu giường chị, thế mà khi đi lại không nhớ!
Tôi quay lưng định chạy đi, chị Lan Khanh nắm cánh tay tôi kéo lại:
– Tường Linh! Không được đâu em, đừng đi! Tàu sắp nhổ neo rồi, em đi không kịp về thì sao…
Nói rồi chị che tay chặn ngực như không thở được nữa, hai mắt nhắm nghiền, tưởng như chị đang sắp nói lời trối trăn, miệng thều thào muốn nói mà không ra lời… Tôi lo lắng hoang mang, không biết nên đi hay nên ở; nếu cứ mặc chị ấy như tình trạng này thì lỡ có chuyện gì trên đường đi thì sau này lại hối hận, còn nếu chạy về lấy thuốc thì sợ không biết có kịp giờ hay không; nhưng cứu người đang nguy kịch đến tánh mạng thì chẳng đặng đừng! Cuối cùng tôi quyết định, nắm tay thằng bé dặn dò:
– Con cùng bác gái lên tàu, con lo cho bác giúp mẹ nhe, mẹ sẽ chạy về nhà lấy thuốc cho bác rồi ra ngay!
– Không! Không được đâu, con không muốn xa mẹ đâu!
– Con nhìn đây, bác đang không thở được đó, lại không mở mắt nổi, làm sao có thể đi suốt quãng đường dài được, bác sẽ mất trên đường đi thôi! Con… ráng chờ mẹ, nhà không xa lắm, mẹ chạy rất nhanh, sẽ về ngay!
Không để thằng bé trả lời, tôi vụt bỏ chạy thục mạng ngược với hướng tàu.
Căn nhà lá đơn sơ tại vùng Rạch-Giá mà chúng tôi mướn ở tạm cả tuần nay, lúc nãy đi theo đoàn thì không thấy xa, còn bây giờ vừa chạy vừa nấp mãi vẫn không tới! Cả bọn công an đều được mua chuộc rồi, còn sợ gì nữa chứ!
Sắp đến nhà, tôi đã nghe tiếng chửi lộn vọng ra của bọn công an tuần tra bất ngờ, họ đang ăn chia, kẻ nhiều người ít nên văng tục, chửi thề! Không ngờ lại có kẻ dưới quyền qua mặt, phỗng tay trên!
Tôi không dám bước vào nhà, đành trốn sau bụi rậm gần con rạch nhỏ, chờ xem nếu họ cứ lo cãi nhau ở gian trước thì tôi sẽ lẻn vào gian sau nhà để lấy thuốc rồi chạy ra ngay. Bỗng một con vật gì mềm mềm ẩm ướt từ dưới bờ rạch nhảy phóc lên cổ, vốn từ xưa đến nay tôi chỉ ở thành thị, rất sợ chuột, nhái, rắn…
Tôi giật mình, sợ hãi, hét lên! Vội bụm miệng lại ngay! Tiếng cãi nhau bỗng nhiên im bặt, họ lắng tai nghe ngóng, có người nói:
– Hình như có tiếng người la gần đâu đây!
– Phải rồi! tôi cũng nghe thấy.
– Chắc tiếng ếch nhái đó. Đêm khuya nghe to và rõ, không phải người đâu. Giờ này chả còn ma nào ở đây nữa. Họ đã xuống tàu cả rồi.
Tôi sợ hãi, chịu đựng nằm bẹp xuống đám lau sậy, chờ cho họ không còn động tĩnh gì nữa tôi mới nhẹ nhàng trườn mình ra khỏi nơi ẩn nấp, tiến về phía sau căn nhà; cũng may trời tối đen, tôi lại nhỏ con nên không gây ra tiếng động nào cả. Cánh cửa sổ bằng rơm đã hạ xuống từ hồi nào, tôi phải cẩn thận hết sức nhấc lên để không phát ra tiếng cót két của hai khớp sắt cũ, nhìn vào bên trong với ánh đèn leo lét từ phòng trước chiếu vào, tất cả như đảo lộn, không còn cái tủ nhỏ mà mới buổi sáng đây chúng tôi còn đựng đồ nữa, cái thì lộn nhào, cái thì gẫy rụng, mấy tấm gỗ thô của những ngăn kéo ngổn ngang chắn lối phòng, chứng tỏ đã có sự truy lùng, lục xét để hôi của vừa qua. Mấy viên thuốc chắc chắn đã bị đạp bẹp dí rồi, làm sao mà tìm ra chúng nữa chứ!
Tôi thẫn thờ, thất vọng không biết phải làm sao. Không có thuốc làm sao chị Lan Khanh có thể qua nổi cơn nguy hiểm này. Tôi đã cất công về đến đây rồi, chả lẽ lại về tay không. Xung quanh lại không có một tiệm thuốc nào cả, phải đi rất xa vào thành phố mới có; nơi đây toàn những nhà lá; nếu cứ chần chờ tìm kiếm thì lỡ chuyến tàu làm sao đây! Tôi đành lòng nhắm mắt quay về tàu, để cho ông Trời quyết định số mệnh con người vậy.
Tôi đành nhẹ bước ra khỏi chỗ nấp, vừa chạy lúp xúp, vừa ngoái lại phía sau lưng xem chừng có ai theo hay không, được khá xa, tôi mới nhắm mắt ù té chạy như bay về hướng tàu…
Về tới nơi cũng là lúc tôi chỉ thấy cái đuôi tàu còn lại đang rời khỏi bến! Bất chấp cả nguy hiểm đến tánh mạng, nhảy ùm xuống nước, khua vẫy tứ tung, ầm ĩ, miệng la thật to đến rát cả cổ họng:
– Chờ với! Hãy chờ tôi với! Còn tôi nữa mà! Làm ơn… chờ tôi!… Con tôi…
Bầu trời đen kịt, máy tàu xình xịch kêu, át đi cả giọng la hét khan cổ của tôi, không một người trên boong, làm sao ai thấy được tôi mà vớt!
Hơi thở đứt quãng, máu dồn cả vào tim, cố gắng vừa bơi, vừa làm dấu, vừa hét, nước mắt, nước mũi tràn mờ mắt, tôi cảm thấy tức ngực vô cùng. Mái tóc búi sau lưng tung xõa theo dòng nước cuốn như con trăn quẫy ngược dòng! Vô vọng!
– Con ơi! Mẹ… mất con rồi sao? Chị Lan Khanh. Chị đừng bị gì nhe! Trời ơi lỗi tại tôi mà!
Khi tỉnh dậy, xung quanh tôi bao nhiêu người vây quanh, họ mừng khi thấy tôi đã không còn mê sảng nữa, họ đỡ tôi dậy và cho tôi cốc nước nóng cho ấm bụng, thế là may lắm rồi, vì nơi đây chỉ có nắng và cát.
Những giọt nước mắt bắt đầu thi nhau rơi xuống, tôi cảm thấy cả lòng đau đớn, trái tim tan nát, đầu óc quay cuồng, kể từ đây tôi đã mất con rồi! Làm sao tìm lại đây. Làm sao đây! Tôi thề sẽ phải tìm lại nó! Sẽ tìm lại. Không lâu đâu!
– Con ơi! Nhớ chờ mẹ nhe! Nhớ chờ mẹ đến đón con về!
Chồng tôi và chồng chị Lan Khanh cùng chung một trại cải tạo, ngày chúng tôi cùng đi thăm nuôi chồng, tôi được biết là chồng tôi đã mất vì không may giẫm phải mìn khi anh bị bắt đi gỡ mìn mà anh chỉ là dân sự; còn chồng chị Lan Khanh thì mất không biết rõ ngày tháng, chỉ biết là anh ấy đã mất trên đường chuyển trại vì một bệnh ngặt nghèo, mà hai anh chị mới chỉ lấy nhau không lâu!
Khi hay tin ấy, cả hai chúng tôi sửng sốt, cùng ôm nhau khóc; nếu không tiếp tục sống can đảm, thì làm được gì “chúng nó” đây?! Từ đó tôi bất cần đời, không còn sợ gì nữa cả, vì chả còn gì để mất mát! Tôi cố gắng thất thểu nuôi con để chờ đợi ngày vượt biên này! Còn chị Lan Khanh thì không vững vàng như tôi, chị ngày càng yếu, lúc nào cũng nói muốn chết theo chồng, muốn theo anh ấy từ bỏ thế giới con người lầm than này.
Tôi đã cố gắng thuyết phục chị đi cùng với chúng tôi, may ra cứu được chị, cho chị ấy một cuộc sống tốt đẹp sau này, quên đi quá khứ đọa đày của cả dân tộc… Ai ngờ ông Trời lại không giúp chúng tôi toại nguyện!
Tôi đã khóc hết nước mắt, trái tim rạn vỡ thành nghìn mảnh khi hay tin chị Lan Khanh đã bỏ mạng trên chiếc tàu vượt biên, nhưng một điều đáng mừng là con tôi đã đến được đảo, được một gia đình hiếm muộn trên tàu bảo bọc và đang chờ ngày định cư! Đó là tất cả những gì tôi được hay tin từ chuyến tàu ấy!
***
Lòng nóng như lửa đốt, chả lẽ tôi đã mất chồng rồi, bây giờ lại đánh mất cả con nữa hay sao! Có ai tồn tại được trên đời nếu không có người thân? Chẳng còn mục đích sống nào nữa cả. Nôn nao tôi vay mượn khắp nơi để vượt biên hòng tìm lại Nghi Lâm, con trai yêu quý của tôi!
Những chuyến vượt biên không thành tiếp nối theo làm tôi mất hy vọng và mệt nhoài, niềm tin tìm được con ngày càng khó khăn xa vời, tôi chỉ biết khóc lóc, khổ sở đau đớn, vết thương cứ mãi âm ỷ nóng bỏng trong trái tim người mẹ trẻ, không sao khép kín lại được! Nợ nần tăng cao, việc làm và sức khỏe ngày càng hao hụt, tôi không thể chấp nhận được mỗi khi nghĩ mình sẽ phải mãi mãi mất đứa con duy nhất ấy!
Thẫn thờ như người điên dại, tôi lang thang vào công viên vắng vẻ gần biển của tỉnh Rạch-Giá ngồi suy tư, nước mắt chan hòa trên mặt… Đây là điểm cuối cùng tôi và con trai đã dạo chơi trước khi trời tối để xuống tàu; con tôi như một chú sóc con, đã đánh chiếc đu này, đã nhảy lên cái cầu tuột đàng kia, tiếng cười ròn rã của nó hãy còn văng vẳng bên tai tôi kia mà, nó còn xây một căn nhà nhỏ bằng cát ướt với chiếc xẻng tí hon và nói:
– Con sẽ xây cho mẹ một căn bếp thật to để mẹ làm bánh mang vào thăm bố… Cũng xây luôn cái hàng hiên để mẹ ngồi đan áo khi chờ con đi học về, mà không cần phải ra đầu đường làm gì, rồi lại bị ướt mưa…
Tiếng nói hồn nhiên của Nghi Lâm ríu rít như tiếng chim hót, làm tôi như xé ruột! Tôi bị giày vò vì tội lỗi đánh mất con! Có ai có thể làm khác tôi vào lúc nguy khốn ấy không chứ, một là hy sinh tánh mạng chị Lan Khanh, hai là cả ba chúng tôi cùng nhau lên tàu và ngồi nhìn chị ấy từ từ kiệt sức, xa dần mẹ con tôi.
Chiều nào tôi cũng vào công viên này, tưởng tượng hình bóng của con trai đang chơi cát, đá banh đàng kia; tôi cứ ngồi như thế từ lúc trời bắt đầu sáng đến khi mặt trời lặn xa xa ở góc biển, tôi vẫn cứ hy vọng sẽ thấy được con trai. Tôi không dám rời cái tỉnh bé nhỏ này, sợ nếu bỏ đi thì coi như cũng mất luôn tin tức của nó. Tôi cứ bám víu ngày qua ngày, lây lất khổ sở.
Có một chiều khi hoàng hôn đã xuống, mặt trời đỏ treo lủng lẳng ở cuối chân trời, tôi mệt nhoài nằm xuống bãi cát, chỉ có mình tôi đơn côi cùng lũ chim biển quang quác kiếm ăn gọi bầy… Lúc ấy tôi mới thấm thía cái lạnh giá, cái trơ trọi của kẻ tìm người thân xâu xé tâm hồn như thế nào! Bỗng dưng từ sau mỏm đá to, một bé gái chừng 5, 6 tuổi bước ra, khuôn mặt kháu khỉnh, da trắng mũm mĩm, đôi mắt to tròn, mái tóc với những lọn quăn tự nhiên, mặc một chiếc áo đầm hồng như một nàng tiên nhỏ xuất hiện giữa vùng biển chiều, ánh nắng sắp tắt màu da cam, trông cháu như nàng tiên nhỏ không đến từ thế giới con người, cháu vừa đi vừa khóc gọi người thân, dừng lại nhìn tôi, sợ hãi, tiếng khóc càng to hơn nữa, tôi nhìn quanh quất xem mẹ cháu nơi nào, nhưng tìm kiếm mãi cũng chẳng thấy mẹ hay bố của đứa bé gái ấy ở đâu.
Tôi vội vàng ngồi xuống bên cạnh cháu:
– Con tên gì? Con đi với ai đến đây? Mẹ đâu?
Cháu bé còn khóc to hơn nữa, trong tiếng nấc tôi chỉ nghe được:
– Bà ơi!… Con muốn về!… Về nhà!
Tôi vội lục trong người cháu bé xem có tên tuổi hay địa chỉ của gia đình hay không, may quá, tôi thấy có chữ viết rõ ràng của người thân của cháu trên chiếc cặp nhỏ đeo sau lưng. Nghĩ chắc rằng cả gia đình cô bé đang lo lắm khi bị mất con, tôi vội vàng dắt cháu về đến địa chỉ ghi trong chiếc cặp.
Ngôi nhà thật to cao sừng sững hiện ra trước mắt, chứng tỏ gia đình cháu phải là hàng khá giả quý tộc, hay cán bộ cấp cao?! Con chó nhỏ lông trắng nhảy xổ ra mừng rỡ khi gặp lại cô chủ nhỏ của nó, kế đến cả gia đình và những người kẻ ăn người ở chạy vội ra mở cửa đón chúng tôi vào nhà. Bà của cháu bé nước mắt ngắn dài, ôm chầm lấy cháu gái:
– Bội Du! Bội Du đáng thương của bà, sao cháu lại không theo sát bà mà bỏ chạy đi đâu vậy chứ? Bà già rồi nên không chạy kịp theo cháu, bà xin lỗi đã làm cháu hoảng sợ một phen. Bà đã gọi cả công an giúp bà tìm cháu, mà tìm mãi vẫn không thấy tăm hơi cháu, bà đành về nhà ngồi chờ tin của họ! Thật may quá là có cô đây tìm ra cháu, chứ không… bà biết làm sao sống, làm sao đền lại đứa cháu gái yêu quý của bố cháu đây!
Tôi kể lại cho mọi người nghe là bắt gặp cô bé ở góc biển ít người lai vãng. Mọi người cám ơn tôi rối rít và đòi hậu tạ; tôi thật lòng chẳng muốn ai đền ơn nghĩa gì cả, mà chỉ mong khi mình làm điều tốt thì con trai tôi nơi xa xôi ấy cũng được gặp những điều tốt lành.
Từ lúc dẫn Bội Du về cho gia đình, cô bé vẫn cứ ngồi yên bên tôi, đầu ngả vào lòng tôi, như đứa con gái ngoan cần hơi ấm của người mẹ, bé có vẻ mệt nên đôi mắt lim dim nhắm lại theo bàn tay vuốt mềm mại như ru ngủ của tôi.
Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, bà nội cháu lên tiếng:
– Thôi nếu được thì xin cô hãy đến làm vú nuôi cho Bội Du nhé, nhà chúng tôi thật sự cô đơn, thiếu vắng người phụ nữ chăm lo quán xuyến gia đình, vì mẹ con bé đã mất khi sanh cháu, bố nó thì vắng nhà hoài… Cô hãy đến chăm nom cho cháu bé cho đến khi nào cô thấy cần đi thì hãy đi!… Cô hãy suy nghĩ và trả lời cho tôi biết vào tuần tới nhé.
Như người vừa đắm chìm trong bao cơn sóng lớn, nhận được chiếc phao vừa quăng xuống giữa biển, tôi vội bắt ngay:
– Thưa bác, cháu rất vui và bằng lòng được sống cùng gia đình bác, trông nom cho Bội Du và cơm nước cho cả nhà, vì cháu chỉ có một thân một mình, chả còn ai thân cận nữa, bố mẹ đã qua đời, lại không có anh chị em gì cả, cháu không còn gì để sống, cũng chả có nơi nương tựa, xin bác và gia đình nếu đã thương con thì xin cho con một nơi chốn nương thân…
Thế là từ ngày ấy, 1980, sau khi miền Nam bị chiếm đóng, như một định mệnh, tôi sống với gia đình của bà Bội. Một gia đình khá phức tạp, người anh lớn đi tập kết với bố ra Bắc hồi trẻ, người em trai ở trong Nam với mẹ, theo chính nghĩa quốc gia, trong một gia đình có hai chính thể; khi đất nước đổi chủ thì gia đình bà Bội được hưởng sự “ân xá” của chính quyền miền Bắc, gia đình bà không bị đánh tư sản, cũng không bị đi kinh tế mới, cả gia đình vẫn sống trong sự “thoải mái” làm nhiều người ganh tỵ; hàng xóm cứ tưởng gia đình bà thân cộng, nằm vùng, nhưng tôi là một thành viên sống trong nhà, tôi thật hiểu bà không phải như họ nghĩ. Tôi vẫn không dám trút tâm sự thầm kín của mình cho một ai trong gia đình bà, tôi sợ sau này liên lụy không tốt đến chính bản thân mình và con trai tôi.
Tôi kín đáo sống âm thầm bên bà và cô bé Bội Du, tôi coi cháu gái như chính con đẻ của mình, vì cháu chả có tội tình gì mà bị ghét bỏ. Vả lại cũng trạc tuổi của con trai tôi đã mất tích, nên tất cả tình mẫu tử, nhớ nhung thương yêu của tôi như trút cả vào Bội Du; cả hai chúng tôi quấn quít nhau không rời, cô bé rất ngoan, lễ phép và trám một khoảng lớn trong tâm hồn trống trải của tôi.
Bố cháu, người đàn ông trẻ góa bụa, thường hay xa nhà, tôi chưa có cơ hội chạm mặt từ ngày bước chân vào làm. Nghe đâu ông đang đi tu nghiệp ở “nước láng giềng” Tiệp-Khắc…
Những tấm hình treo trong phòng họp mặt gia đình, bà Bội ngồi giữa, hai bên là bố mẹ của Bội Du lúc mới cưới năm đầu tiên, trông cả ba người thật hạnh phúc, khuôn mặt của mẹ Bội Du thật dịu dàng và trong sáng như đóa hoa, còn bố trông rất hùng dũng và uy nghi; tôi cứ ngắm mãi nét đẹp của cả hai người và nghĩ thầm nếu mẹ của Bội Du còn sống thì chắc chắn bây giờ họ sẽ sung sướng và hòa thuận lắm, và vị trí vú nuôi này của tôi cũng sẽ không bao giờ hiện hữu. Không có gì là hoàn toàn như ý của con người trên cõi đời này cả!
– Cô Tường Linh ơi! Cô xem con mặc chiếc áo này có đẹp không?
Tiếng của Bội Du vang lên ngay cửa phòng làm tôi giật mình trở về thực tế, tôi ngước mặt nhìn cháu:
– Con thử quay sang phía trái cô xem nào!
Không chờ tôi nói nhiều, cháu vội vàng xoay một vòng cho tôi xem, chiếc áo đầm tôi đã thức khuya may cho kịp ngày tốt nghiệp tiểu học của cháu, thật vừa khít! Mái tóc được kết một chiếc bím dài chấm vai, thắt một chiếc nơ hồng như một con búp-bê xinh xắn, khuôn mặt hài hòa duyên dáng thừa hưởng nét đẹp của mẹ và một chút cá tính của bố, làm cô bé thật sinh động. Mỗi lần nói hay cười là chiếc đồng điếu lúm ở khóe miệng, cô bé bá lấy cổ tôi:
– Cô đi tham dự với con kỳ này nhé… Bà nói bà sẽ đi cùng luôn đó!
– Không biết cô có rảnh để đi không, cô sẽ sắp xếp để đi dự, cô sẽ nói chuyện này với bà xem sao.
– Bố mẹ bạn con đều đi dự hết. Còn con thì chả có bố, cũng không có mẹ! Chỉ có mỗi bà và cô… Vậy mà còn không ai muốn đi nữa chứ.
Tôi xúc động, kéo Bội Du vào lòng:
– Con gái yêu của cô, Cô rất muốn đi! Muốn tham dự lắm, nhưng nghe bà nói là sẽ có khách vào buổi tối hôm đó, nên cô không biết có làm kịp mọi thứ hay không, cô sẽ ráng, nếu được cô sẽ đi ngay, cô biết đó là ngày quan trọng của con mà! Hồi xưa cô cũng thế, nhưng cô còn may mắn hơn là thời ấy đất nước mình còn tự do, không như thế này…
– Tức là sao hả cô? Tại sao hồi xưa lại tự do hơn?
– Khi nào con lớn sẽ hiểu thôi! Hồi ấy thật đẹp, cô có những kỷ niệm thời còn cắp sách đến trường tiểu học không thể nào quên được! Để rồi cô sẽ nói chuyện với bà nhé; con gái mặc áo này đẹp lắm, lại vừa nữa!
– Kỳ này con sẽ được gặp lại bố đó… Bố nói sẽ về thăm bà và con, ở lại nhà một vài tháng rồi mới đi tiếp!
Năm năm đã chầm chậm trôi qua tại gia đình của bé Bội Du, mỗi tối tôi đều nhìn lên bầu trời đầy sao khấn nguyện cho con trai tôi được may mắn, mạnh khỏe! Nước mắt chỉ có thể chảy ngược vào bên trong trái tim khi nghĩ đến sự xa cách nghìn trùng như thế này. Hy vọng gặp lại nhau thật mong manh, tâm sự tôi vẫn giấu kín, không dám hở môi cho ai biết hoàn cảnh mình, đất nước như không còn thuộc về những người dân, vợ của những tên “bại trận” nữa. Làm sao tôi dám tin mà thổ lộ cùng ai?
Người đàn ông với tên Bội Quý, con trai thứ hai của gia đình bà Bội Hiền, bố cháu gái Bội Du, bước vào nhà với hai chiếc valises to, ông mới đi tu nghiệp hai năm từ Tiệp-Khắc trở về. Thời gian ấy (1975-1990) số người đi học tập cải tạo, kinh tế mới, bị đánh tư sản rất nhiều, nhưng gia đình bà Bội được hưởng nhiều sự “chiếu cố đăc biệt”, và được “ưu đãi” của nhà nước độc tài, làm tôi càng phải giữ từng lời ăn tiếng nói cũng như phải “đóng kịch”, để họ không tìm được tin tức gì từ quá khứ của tôi.
Vừa bước vào nhà, Bội Quý đã lớn tiếng gọi con:
– Bội Du! Bội Du con gái của bố đâu rồi… ra đây cho bố gặp mặt xem!
Tiếp theo tiếng của bà Bội Hiền:
– Cô Tường Linh… Hãy dắt cháu Bội Du ra cho bố nó đi! Anh ấy đã xa nhà lâu lắm rồi… Cô Tường Linh à!
Tôi nghe tiếng gọi từ ngoài phòng khách, vội vàng đi tìm cháu Bội Du, cô bé nắm chặt tay tôi:
– Là bố cháu sao? Thật là bố không? Sao… bây giờ bố mới “xuất hiện”? … Chắc nhìn cháu xong bố lại đi nữa chứ gì…
Ra tới phòng khách, cháu Bội Du vẻ mặt giận dỗi, giấu mặt vào ngực tôi, không chịu ra mừng bố, tiếng ông vang lên trầm ấm, dõng dạc nhưng hiền hòa:
– Bố biết con giận bố đã lâu không về nhà thăm con, bố xin lỗi… Bố đi mới đó đã hai năm rồi, con gái đã lớn nhanh như thổi, ở nhà bố cũng ít có dịp gần con, bố xin lỗi bố sẽ ráng ở cạnh con nhiều hơn… Con hãy lại đây với bố được không…
Quay sang tôi, ông thản nhiên nói:
– Cám ơn cô đã trông cháu năm năm qua, trông cả bà nội cháu… chắc vất vả lắm, thành thật cám ơn cô… Cô không còn người thân nào ở đây nữa sao?
– Dạ không! Tôi chỉ có một thân một mình, nên sống hết lòng với bà Bội và cháu Bội Du…
Ánh mắt ông dừng lại trên mái tóc dài búi sau lưng tôi, một chút quan sát kín đáo, rồi ông tiến đến gần bé Bội Du đang hờn mát ôm chặt lấy tôi, ông gỡ nhẹ hai tay cháu đang quấn sau lưng tôi, cả người to lớn khỏe của ông như che kín phủ cả hai thân thể mảnh khảnh của chúng tôi, kéo cháu vào lòng ông:
– Con gái hãy ra đây nói chuyện với bố, hãy kể cho bố nghe việc học của con ra sao nhé, bà đã nói cho bố biết ngày mai bà và bố sẽ cũng đi tham dự ngày lễ ra trường của con, con có vui không? Bố muốn về sớm để kịp ngày quan trọng này.
– Con muốn có cô đi cùng nữa!
Cặp mắt to rộng của chàng như thôi miên mỗi khi nhìn tôi:
– Cô cũng đi cùng với cháu chứ?
– Tôi… tôi… để xem thế nào…
Bà Bội Hiền tự dưng xen vào:
– Thôi thì cả ba chúng ta cùng đi cho vui! Ngày mai nhà có một số khách từ ngoài Bắc vào, mẹ sẽ nói chuyện này với con tối nay…
Những gia đình khá giả khác vào thời ấy đã phải “sợ hãi” cho gia nhân về quê, hoặc cho nghỉ việc, nhưng gia đình bà Bội vẫn còn giữ hai người, một chị bếp và anh tài xế, họ là cặp vợ chồng khá thân thiết và trung thành với gia đình bà Bội từ bao đời nay nên được coi như người nhà và ở gian dưới của ngôi nhà to rộng.
Tôi nghe bà Bội ra lệnh cho họ:
– Ngày mai ông chủ lớn cùng con trai cả từ ngoài Bắc vào Nam, đây là lần đầu tiên cả gia đình họp mặt sau 30 năm, chú tài hãy sửa soạn xe cộ cho tốt, còn chị hai lo sửa soạn bữa cơm cho thật thịnh soạn để đón tiếp họ… Cho dù có như thế nào đi nữa, có là hai chính thể đối chọi trong một gia đình đi nữa… chúng ta cũng phải bỏ qua bên lề để sống với nhau trong một tình gia đình! Cũng chính nhờ họ mà ngày hôm nay chúng ta không bị “phe bên kia” tước đoạt tất cả mồ hôi công sức.
Bà nhấn mạnh thêm:
– Đây là người nhà của chúng ta!
Bà Bội nói một mạch, vợ chồng chị bếp vẫn ngồi yên nghe, không xen nửa lời, bà Bội lại tiếp tục:
– Một sự nhịn chín sự lành, cứ coi như mình bị thiệt, kẻ thua cuộc bại trận đi, có làm sao đâu. Để rồi có được sự tự do của mình… sẽ làm những điều mình muốn làm. Mình chẳng thay đổi được gì đâu!
Mọi người đều yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, không ai lên tiếng trách móc cũng như phủ nhận lời bà Bội, ai cũng muốn được yên thân, được có chỗ trú ngụ, thời buổi này, nói ra những suy nghĩ của mình lại có thể hại đến thân… Cứ như thế là may mắn và phước đức lắm rồi!
Sau khi giúp chị bếp sửa soạn mọi thứ bếp núc cho bữa tiệc ngày mai, tôi lên phòng, chưa ngủ được ngay, nên ra lan can ngắm những ngôi sao lóng lánh nhất từ bên kia bờ đại dương, tôi lại nhớ về đứa con trai yêu quý, bây giờ nó cũng đã xong phần tiểu học như Bội Du rồi, không biết nó có được cha mẹ nuôi yêu thương như tôi đang yêu thương con gái của người ta không. Nó có được hạnh phúc không? Có được ngủ những giấc ngủ không mộng mị chứ? Giọt nước mắt bỗng nhiên ứa ra khóe mắt, lăn dài trên má, tôi cúi xuống kéo vạt áo lên thấm…
Bất ngờ tôi thấy bóng người vừa lướt qua sau lưng tôi, chắc ai đó cũng như tôi chưa ngủ được. Những đêm dài chỉ một mình tôi với những ngôi sao xa lấp lánh nhìn về nhau khát khao tâm sự, tại sao tôi không có được một người tri kỷ để nói lên nỗi chất chứa trong lòng. Còn ai quạnh quẽ bơ vơ hơn tôi.
Sáng hôm sau, tôi đã phải lo sắp xếp từ sáng sớm cho cuộc tiếp đón người của trên 30 năm hội ngộ, kế đó tôi được giao nhiệm vụ đi dự lễ phát giải cho Bội Du cùng với bố cháu, còn bà Bội phải ở nhà lo thu dọn và chuẩn bị để đón mọi người sẽ đến khoảng 12 giờ trưa.
Đã rất lâu tôi mới được khoác lên người chiếc áo dài thiên thanh, màu của hy vọng, hòa bình, khi Bội Du tung tăng chạy theo lũ bạn chụp hình đàng sau sân trường, chỉ còn mỗi tôi và Bội Quý, hai mắt nheo lại vì nắng chiếu, chàng ngắm tôi và nói:
– Cũng nhờ chiếc áo dài xanh của cô làm màu nắng không quá chói.
Tôi phì cười:
– Cám ơn anh khen! Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp được mặc nó… Thời buổi này chẳng còn ai mặc áo dài làm gì nữa!
– Đúng rồi, chả còn ai biết thưởng thức vẻ đẹp nữa, chỉ chạy theo cái ăn cái mặc đủ cho một ngày là may rồi. Thật không biết tại sao phải gặp mặt nhau, tại sao lại là người cùng một gia đình! Tôi không chấp nhận được… Không thể nhịn được nữa!
Tôi mở tròn hai mắt nhìn Bội Quý, bây giờ tôi mới hiểu chút suy nghĩ của chàng, mới biết được chàng đang ở vào phe nào!
Bất chợt Bội Du chạy ùa đến:
– Bố ơi, cô ơi, mình cùng chụp hình với nhau nhé, ông chụp hình nói gia đình mình phải chụp một tấm đó! Bố và cô cùng chụp với con chứ?
Chưa biết trả lời ra sao, tôi đứng yên phân vân, Bội Quý quàng vai tôi kéo vào:
– Được rồi, cả gia đình mình cùng chụp với nhau nhé! Con sẽ đứng giữa ở đây, còn bố với Tường Linh đứng hai bên…
Tấm hình được in ra ngay từ máy, ông thợ đưa cho Bội Quý, chàng trao lại cho chúng tôi cùng xem, tấm hình trông thật hạnh phúc, con gái đứng giữa “bố mẹ”, cười thật tươi, hai tay ôm lấy bố và mẹ, còn bố một tay đặt lên vai con, và một tay kia choàng lên vai mẹ, ánh nắng lung linh xuyên qua những chiếc lá xanh từ sau lưng trông thật đẹp, Bội Du reo lên:
– Cô Tường Linh, cô chụp hình thật ăn ảnh đó, con muốn được giống cô, muốn có được nụ cười có lúm đồng tiền bên má, và mái tóc dài nữa.
Bội Quý thêm vào:
– Muốn giống cô, con phải học giỏi, phải ngoan và biết vâng lời… có biết không?
– Con muốn giữ tấm hình này! Con muốn cất làm kỷ niệm… để sau này lỡ cô không còn ở với mình nữa… không được, không được đi đâu! Cô sẽ không bao giờ được rời khỏi con đâu cô nhé!
Vừa nói, cô bé vừa ôm ngang hông tôi, ánh mắt Bội Quý nhìn tôi như dò hỏi giùm con gái:
– Cô… không có ý nghĩ đó chứ?
– … Bây giờ thì chưa ạ!
– Tức là sẽ có ngày ấy… đúng không?
– Vâng! Sẽ có ngày ấy! Nhưng chưa phải là bây giờ.
– … Cô… cô sẽ cho tôi biết trước chứ?
Về đến nhà khoảng hai giờ trưa, mọi người còn đang tề tựu bên trong phòng khách, không khí không như tôi thấy ở những buổi họp mặt của gia đình vui vẻ đề huề, mà hình như bên trong phảng phất sự chịu đựng đè nén! Nhất là trên khuôn mặt bà Bội tỏa ra một niềm đau khổ dằn vặt nội tâm; vì chồng bà không còn là người đầu ấp tay gối của 30 năm trước nữa, tất cả ý nghĩ của ông dường như chỉ vì lợi ích của Đảng và nhà nước, còn bà thì không trông chờ tình cảm lạnh nhạt của người chồng sau 30 năm chia cắt đối với vợ, hình như ông chỉ là người khách lạ của gia đình, thật khô khan và vô tình quá.
Còn người con trai lớn, anh Bội Khanh, cũng to cao khỏe mạnh như Bội Quý, nhưng đầu óc anh thật trống rỗng, anh nói cười chỉ là bề ngoài xã giao với mẹ và em trai, không thấy được chút tình cảm nào qua lời nói và ánh mắt cả… hay vì mọi người đã xa nhau quá lâu mà tình cảm không dễ thống nhất được như sự thống nhất dễ dàng từ Bắc chí Nam?!
Buổi tối khi mọi người về, bà Bội đã rơi nước mắt, tức tưởi:
– Thà không gặp thì thôi, thà cứ để tôi tưởng họ nhớ, mong mình, mong thống nhất đất nước để đi lại, để yêu thương, để không bị chia cắt… thà cứ để cho tôi cứ mơ mộng, tưởng tượng còn hơn là nhìn thấy sự thật đứt ruột này!… Còn hơn cả người dưng nước lã. Tôi làm sao sống tiếp đây!
– Con đã nói với mẹ rồi là không thể được mà!… Bây giờ con sẽ theo con đường của con, rồi ra sao thì ra, xin mẹ đừng cản… Lúc nào cũng phải đóng kịch, phải trá hình, phải làm bộ… Con mệt mỏi lắm rồi…
– Dù gì cũng là cha của con và anh trai cả của gia đình…
– Cha của con mà không bao giờ có mặt ở cạnh con mỗi lần con cần đến! Anh trai của con có cùng dòng máu với con… thế nhưng lại xa lạ hơn cả anh tài xế nhà nữa! Sao trớ trêu thế hả mẹ?!
Hoàn cảnh dở khóc dở cười của gia đình bà Bội làm tôi không sao không để tâm được, họ sẽ ra sao trong tương lai? Nước nhà đã thống nhất, không còn chia cắt nữa, liệu ông bà có thể cùng hòa hợp nhau để sống cùng nhà không? Hai người con trai có thể nhường nhịn nhau để sống? Hay bề ngoài tưởng là đoàn tụ, nhưng bên trong là hiềm khích?!
Rồi tôi sẽ ra sao? Có thể sống giữa hai thế giới tù đày và tự do như thế này được không? Những ngày tháng tới có còn yên ổn cho tôi?
Mọi người “bên ấy” đã tạm về nhà họ rồi, sau này cũng phải “thống nhất” gia đình này chứ? Làm sao chúng tôi có thể “thống nhất” ý nghĩ cộng sản và cộng hòa trong một cái đầu?!
Trước khi lên giường ngủ, tôi hay có thói quen viết một vài trang nhật ký, tôi đang chăm chú viết bên cửa sổ phòng khách rộng mở, ánh sáng của vầng trăng tròn tỏa rõ, cùng với ngàn ánh sao chiếu vào phòng thành những đốm chỗ rõ chỗ mờ ảo, tôi vẫn ngồi yên nơi cửa sổ viết lách, không bật đèn, bà Bội và Bội Du đã ngủ từ sớm, tôi hơi rùng mình vì cơn gió bên ngoài bất chợt thổi vào, làm tung bay cả những trang giấy tôi đang viết dở để ở góc bàn không có đồ chặn lại… Nhoài người cúi xuống định nhặt lên, tôi thấy một bàn tay to rộng, rồi một đôi chân cứng cáp đang khom người xuống nhặt giúp tôi những tờ giấy viết chưa ráo mực.
Tôi ngạc nhiên bật dậy, cũng đôi bàn tay to rộng ấy, giữ hai vai tôi lại, nhẹ đẩy người tôi xuống ghế, giọng nói trầm ấm vang lên giữa bầu không khí tĩnh mịch:
– Cô… viết thư cho ai mà viết nhiều thế? Viết đến nỗi quên cả bật đèn, trời đã tối, gió nhiều, cô… Hình như không hay biết mà chỉ biết trải lòng trên trang giấy… Cô…
Tôi lính quýnh như kẻ phạm tội:
– … Xin lỗi anh! Tôi không biết anh đến từ hồi nào… Anh cần gì tôi làm không ạ? Giờ này anh chưa ngủ sao?
– Chưa! Tôi mới đi công chuyện về, tôi mở cửa vào nhà, cô cũng không biết. Tôi đã đứng đây từ hơn 15 phút mà cô cũng vẫn say mê với suy nghĩ của cô… Cô không hề để ý đến mọi vật xung quanh, chứng tỏ cô phải có việc bận tâm … Có thể coi tôi như một người bạn mà tâm sự hết ra không? Dù sao tôi và cô cũng là người “cùng một nhà” rồi, chỉ có cái là tôi không ở trong tầm mắt của cô.
– Tôi… xin lỗi! Tôi không có ý gì khi đến nhà này xin việc, tôi thật sự chỉ muốn một mái nhà, một nơi nương tựa không chết đói, có việc làm là tốt rồi, tôi được giao nhiệm vụ làm vú nuôi cho bé Bội Du… Tôi sợ bị mang tiếng, sợ bị hiểu lầm, tôi…
Nước mắt tôi tưởng chừng như đã đóng băng từ bao năm, nay bỗng như được sưởi ấm, những giọt nước mắt thi nhau rơi, không hiểu sao tôi lại tin chàng. Không nghi kỵ và trong thâm tâm tôi biết chàng là người cùng đứng về “phe” với tôi. Ánh mắt chàng dịu dàng, bao che như những con sóng nhỏ giúp đưa tôi vào bờ khi tôi đã bao lần tự vẫn ngoài biển khơi… Tôi đau đớn kể lại kỷ niệm ngày vượt biên không thành với con trai và chị Lan Khanh, câu chuyện đã xảy ra năm năm nay rồi, nhưng trong tôi còn mới mẻ như ngày hôm qua. Tôi nức nở ray rứt vì không biết hiện giờ con tôi như thế nào!
Bỗng một vòng tay rắn chắc thật trìu mến ôm hai bờ vai đang thổn thức của tôi ấp vào ngực. Bội Quý, chàng đã làm tôi thật cảm động và biết ơn!
Chàng thì thầm bên tai tôi:
– Đã lâu nay, tuy cùng chung một mái nhà, dưới mắt anh, em là một cô giáo gương mẫu, kín đáo và đầy tâm sự; anh đã muốn hiểu em nhiều hơn, muốn chia sẻ, gánh vác bớt cho em, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu! Anh cứ ngầm theo dõi hành động của em, nhưng em thì lúc nào cũng đề phòng cảnh giác, rất cẩn thận… Bây giờ anh đã hiểu… từ nay hãy để anh cùng chia bớt nỗi nặng nhọc ấy cho em.
Từ hôm ấy, Bội Quý, người đàn ông cường tráng và rắn rỏi, lúc nào cũng như để mắt vào tôi, chàng muốn cùng tôi thực hiện ước nguyện khao khát nhất của tôi và muốn coi tôi là người quan trọng trong cuộc đời chàng.
Chàng bắt đầu ngấm ngầm nghiên cứu việc đóng thuyền, tìm người tin cẩn hợp tác…
Mỗi tối, quyển nhật ký của tôi dày hơn nữa với những trang mực tím hồng, hạnh phúc ngọt ngào, biết ơn chứ không còn làn mực đen thô sơ đầy nước mắt của năm năm trước khi bước chân vào nhà này nữa.
Gia đình bà Bội Hiền như đã qua một ngã rẽ sau một năm gặp mặt với những người “phe bên ấy”; mọi người đã ngầm phân chia ranh giới, bà Bội vẫn giữ vững lập trường, từng ngày một, từng chút, từng chút tháo gỡ mọi niềm tin mù quáng của chồng và con từ bao năm qua vào Đảng và nhà nước.
Bà kiên nhẫn hơn ở bên ông để giảng giải, chứng minh cho ông thấy sự thật phũ phàng của những người cấp trên bao che cho nhau, mà ông và con trai cả của họ chỉ là “đầy tớ”… Cho đến lúc chính gia đình bà Bội cũng bị đánh tư sản và đuổi về vùng kinh tế mới. Chồng bà đã cố gắng cãi trả, bảo vệ cho gia đình đến tận sức, ông đau khổ, thất vọng khi bị chế độ mà ông đã bao công sức tận tụy, hy sinh cả đời bỗng dưng ngược đãi ông vào cuối đời, ông bị bệnh nặng và qua đời không lâu sau đó. Còn con trai cả bị đổi đi xa làm việc…
Mất người chống lưng, gia đình bà Bội cũng phải từ giã ngôi nhà to lớn sang trọng để về vùng quê xa xôi. Tưởng là xui lại hóa may! Vùng quê khỉ ho cò gáy, chả ai để ý đến, Bội Quý cho xúc tiến đóng tàu và kế hoạch được vẽ ra tỉ mỉ…
Cái chết của ông Nội Bội Du không làm lay chuyển bà Bội, vì bà đã quen sống một mình từ 30 năm nay, bà lại là người phụ nữ xông xáo, ít nói nhưng suy tính, bà có vẻ nhẹ nhõm, an vui, chấp nhận định mệnh, thà về quê sống như bao gia đình bị đánh tư sản khác, còn hơn chịu ơn “ưu đãi” của thế mạnh “bên ấy”!
Bà rất hài lòng khi biết Bội Quý đã chọn tôi làm kế mẫu cho Bội Du, cháu bé đã lớn như thổi, 12 tuổi, nết na, thùy mị và biết vâng lời.
Sau lần mất con trai cách đây bảy năm, tôi sống lại những hồi hộp lo lắng cho chuyến đi đầy thử thách gian nan trước mắt với gia đình Bội Quý, chàng đã thu xếp đầy đủ, chu đáo, nhưng tôi vẫn cứ lo sợ, bồn chồn…
Ngồi bên cạnh chồng trong khoang, chàng siết lấy đôi vai gầy của tôi, căn dặn:
– Nếu có chuyện gì không may, em hãy thay anh nuôi dạy con gái, tiếp tay trả hiếu giùm anh nuôi mẹ già, có được không?
Tôi đã bịt miệng chàng:
– Đừng nói quở! Mẹ đã nhận nuôi em vô điều kiện khi em mất cả gia đình người thân; anh đã yêu thương em, cho em một cuộc sống mới; con gái Bội Du, em đã nuôi nấng dạy dỗ nó từ lúc năm tuổi, gia đình này đã gắn trong trái tim của em rồi, làm sao anh lại nói em “giúp” anh! Chính đây là gia đình thứ hai của em đó! Bên cạnh, em cũng chịu ơn mọi người đã chấp nhận em là thành viên của họ! Em mong vợ chồng mình sẽ bình an và hạnh phúc sau này.
Chàng quay mặt nhìn thẳng vào đôi mắt tôi trong bóng tối, áp trán tôi vào má anh như lấy thêm sức mạnh, chúng tôi cùng siết tay nhất định sống chết bên nhau.
Chuyến tàu chúng tôi chỉ có khoảng 50 người thôi, nên lướt sóng nhẹ nhàng, ai cũng yên tâm chờ đợi đến đất lành.
Được 2/3 đường, cơn giông tố bất ngờ nổi lên giữa đêm, làm nghiêng ngả chiếc tàu, đánh gãy mấy cây cột buồm và những cơn sóng tới tấp ập lên không do dự, đánh thẳng vào thuyền, cả thuyền náo loạn, Bội Quý cùng những đàn ông trên tàu leo lên cột buồm dựng lại, vất vả đong đưa trên những cây cột cao vì sóng vẫn không ngừng ập tới… Một cơn sóng to khác rồi một lúc mấy cơn sóng liên tiếp hất mạnh đồ đạc và cuốn luôn những người trên tàu xuống biển, tiếng hét la cầu cứu… Không ai có thể trở tay kịp và cũng không còn sức lực để đối chọi với những cơn sóng bạc đầu ấy.
Khi tất cả phờ phạc nằm sóng soài, mặc cho cơn phong ba gào thét đảo điên, thì tất cả đột nhiên ngừng lại một cách thật yên bình… Chúng tôi đảo mắt tìm nhau, tôi không còn thấy Bội Quý đâu nữa, tiếng con gái hét lớn:
– Bố! Bố ơi! Bố đâu rồi!
– Bội Quý! Anh ở đâu! Hãy trả lời đi, hãy… đừng bỏ…
Tất cả như những tiếng vọng giữa biển cả: Bội Quý! Bội Quý!
Không một tiếng đáp trả!
____________________
Như một giấc mộng dài, khi tỉnh giấc mới biết mình đã trải qua bao nỗi cơ cực về thể xác lẫn tâm hồn. Nơi quê hương thứ hai, Canada, chúng tôi bắt đầu từ con số không, bà Bội không được ngồi không như khi còn ở quê nhà nữa, bà phải đi ra ngoài, chợ búa, làm cơm giúp chúng tôi, vì mỗi buổi sáng chúng tôi ra khỏi nhà lúc bảy giờ, đi làm, đi học cho tới sáu giờ chiều tối mới về đến nhà, nên bà cũng bận bịu làm bếp giúp chúng tôi, trông bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn…
Con gái Bội Du được tiếp tục tới trường, cháu chăm chỉ học tập, về nhà ban đêm lại ngồi bên tôi để hai mẹ con tiếp tục giúp nhau làm bài tập…
Thời gian lao vùn vụt, chúng tôi đã được năm năm từ khi bước chân đến xứ người, cực khổ vì kiếm miếng ăn; thời gian, công việc bận rộn đã giúp chúng tôi quên bớt đi nỗi đau thương trong tâm hồn, chữa lành những “hố bom” lỗ thủng mất mát trong tôi, tôi đã mất một người chồng trong trại cải tạo, chưa bớt đau thương thì giờ lại mất thêm Bội Quý, người chồng chưa đủ nợ duyên; trái tim rách nát ấy khó vá lành! Tôi nhất định không bước thêm bước nào nữa dù chỉ mới 45 tuổi.
Bội Du đã 17 tuổi, một thiếu nữ rất duyên dáng và có trái tim nhân ái. Nhà chúng tôi khá xa trường học của cháu, nên Bội Du đã phải mướn căn phòng ở tạm gần trường và chỉ về nhà khi cần thiết, mỗi tuần tôi đều lái xe lên cháu để cung cấp thêm thức ăn và hai mẹ con tỉ tê tâm sự, tôi và Bội Du dù là hai thế hệ khác nhau nhưng rất hợp nhau, cháu rất hay tâm sự cùng tôi về chuyện học cũng như về mối quan hệ bạn bè…
Một buổi tối thứ sáu, khoảng 11:00 giờ, khi mẹ chồng đã vào phòng ngủ, chỉ còn mình tôi ngồi đọc sách chuẩn bị đi ngủ, tôi nghe tiếng bấm chuông, nhìn ra bên ngoài qua chiếc cửa sổ, tôi thấy Bội Du quần áo xốc xếch, tóc tai rối bù, mắt nhắm nghiền, đứng dựa vào một cậu con trai ăn mặc trông rất du côn, đầu tóc cắt dựng lên, đeo khoen to một bên lỗ tai, áo phanh ngực, trên ngực đeo sợi dây sắt hình đầu lâu và thánh giá, quần rách lỗ chỗ, cánh tay lại xâm đủ hình dạng; tôi hốt hoảng, lính quýnh vội vàng mở mấy cái móc xích ở cánh cửa mới mở được cánh cửa cổng, đưa tay đỡ lấy Bội Du, tôi quan sát cậu “du côn” đầy mùi rượu:
– Bội Du bị sao thế này? Cậu làm sao gặp được em ấy? Bội Du! Con có sao không? Con có nghe mẹ gọi không?
Tôi đặt con gái nằm xuống sofa, cháu đang từ từ tỉnh lại từ trong cơn mê hoảng:
– Mẹ! Mẹ ơi!
– Chuyện gì vậy con? Để mẹ vào nhà lấy khăn nóng cho con…
Cậu du côn lo lắng, ngồi bên cạnh hỏi han:
– Bội Du! Cô không sao chứ? Hãy tỉnh lại đi… Tôi xin lỗi!
Tôi ngạc nhiên thấy một tên du côn có tình người! Thông thường du côn làm tổn thương người yếu thế và bỏ chạy, giấu tên… Sao tên du côn này lại hiền lành dễ thương và làm phước đưa người bị nạn về nhà giùm. Tôi tò mò quan sát cậu ta trong lúc đi lấy nước, tôi nghe Bội Du nói trong làn nước mắt:
– Cám ơn anh đã không sợ hiểm nguy đến tính mạng, cứu em! Anh cũng không sao chứ? Không bị gì chứ? Em thấy chúng nó lấy cây gậy dài đánh vào đầu anh, em sợ quá nên ngất đi! Anh hãy lấy hết tiền và đồ đưa họ đi, trả lại cho em giấy tờ tùy thân là được rồi. Nếu không…
– Hãy nín đi. Đừng khóc! Anh không sao rồi, mình đã về nhà của mẹ em rồi đây!… Họ đã ra tay làm những chuyện không hay lại còn ăn cắp đồ của sinh viên học sinh nữa… Anh không chấp nhận kiểu chơi như thế. Lúc đầu tụi anh chỉ muốn chơi, hù dọa cho mọi người sợ thôi, đâu định ăn cắp đồ đạc hay đánh đập ai, nhưng nhiều đứa làm quá trớn, đi đến ăn cắp rồi bị cảnh sát bắt… uống rượu, hút sách…
– Tại sao anh là người tốt mà lại theo băng đảng của họ làm gì? Mấy lần anh đã giúp em cùng các bạn thoát thân, bị tụi nó đuổi theo đánh. Sao anh không truy tố chúng nó với cảnh sát? Hôm nay anh cứu chúng em từ tay bọn nó nữa thế nào cũng có chuyện lớn cho xem…
– Anh có một quá khứ không gì yên bình, cũng đã nhờ một trong những tên đó cứu sống anh khi anh bị một nhóm khác bắt nạt, anh vì trả ơn nên đã gia nhập băng đảng này, có những người trong ấy vì hoàn cảnh, không còn chọn lựa nào khác, phải ở với họ… Tuy anh giả trang ăn mặc như bọn chúng nhưng anh không phải vậy đâu, em đừng sợ nhé!… Vẻ ngoài không làm nên con người mà!
– Gia đình anh… không nói gì với cách ăn mặc này của anh sao?
– Gia đình sao? Hừm! Gia đình! Làm gì có chữ gia đình trên trần gian này chứ?
– Anh có bố mẹ?
– Không! Họ nhận nuôi tôi, xong lại vì tiền bán tôi cho một gia đình giả khác để trục lợi, tôi đã phải trốn tránh bao nhiêu lâu mới thoát được họ! Chẳng ai yêu thương mình cả, tất cả chỉ vì tiền thôi… Nghĩ lại anh rất ghét “con người”. Con người lừa lọc, mưu mô…
– Thế còn cha mẹ ruột của anh đâu?
Tôi bước vào phòng khách với chiếc khăn nóng trên tay:
– Cám ơn cậu đã cứu con gái tôi! Cậu là một đồng hương của chúng tôi, sống trên mảnh đất tỵ nạn, nếu mình không làm việc gì hữu ích cho mảnh đất cưu mang mình thì cũng hãy đừng nên làm một vết nhơ cho dân tộc mình bị xấu hổ, phỉ báng! Tôi là mẹ của Bội Du, đã sống và trải qua bao nhiêu điều tưởng chừng đến mất mạng, thì những gì cậu đã và đang trải qua cũng không thể nào không đường cứu chữa được, chỉ là mình không đủ ý chí thôi… Hãy nghe lời tôi, làm lại cuộc đời, một công dân tốt, có được không?
Cậu du côn ngước mắt lên nhìn tôi, cậu ta nhìn thật lâu đến nỗi tôi cứ tưởng dài đến hàng giờ. Không hiểu sao, tôi cũng nhìn cậu ta như trong ánh mắt thôi miên ấy có rất nhiều điều muốn kể, không chán!
Từ trong ánh mắt ấy, long lanh giọt nước mắt đong đưa:
– Thưa bác, con cám ơn bác đã khuyên bảo! Con cảm động lắm. Đã mười mấy năm nay con chưa nghe ai nói với con những câu như thế từ đáy lòng. Con chẳng bao giờ có được tình gia đình, cũng chả bao giờ nghe được những lời yêu thương khuyên nhủ như vừa rồi…
Bội Du tiếp lời:
– Nếu anh tiếp tục đi theo bọn xấu đó, tương lai anh sẽ không còn gì cả! Tên của anh chắc chưa có trên list của những côn đồ tội phạm, vậy hãy mau bỏ chúng đi! Điều anh cứu giúp nhóm sinh viên tụi em chắc chắn chúng em sẽ làm chứng cho anh khi ra tòa là anh là người vô tội… Sau đó, anh hãy đi học lại và làm việc…
– …
– Cháu tên gì?
– Jimmy!
– Còn tên trên khai sanh?
– Ai cũng gọi con là du côn cả, nên bác cứ gọi con thằng Jimmy du côn thì ai cũng biết!
– Không! Bác không hề thấy con du côn tí nào cả, mà bác lại thấy con là người rất tốt. Một tên du côn biết cứu người, rất thánh thiện!
Tôi lại thấy ánh mắt quen thuộc của tên du côn nhìn tôi đầy vẻ biết ơn, một nụ cười hy vọng nở trong ánh mắt ấy:
– Tên trong khai sinh của con ư?
– Phải! Tên Việt-Nam của con đó!
– Đã rất lâu, lâu lắm rồi con đã quên mất con tên là Nghi Lâm!
SỎI NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét