Buổi họp tại Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn được tuyên bố chấm dứt, tất cả mọi người lần lượt rời phòng họp, Đại Úy Huỳnh Văn Long, Tiểu Đoàn Trưởng đến bên Tôi và nói :- Phong, tao cần gặp riêng mầy có chút việc. (Đại Úy Huỳnh Văn Long là người miền Nam, quê ở Rạch Giá, ông có thói quen gọi các thuộc cấp nhỏ tuổi hơn mình, ngoài những buổi họp chính thức của đơn vị, là "Mầy" và xưng "Tao" một cách thân mật). Châm điếu thuốc lá, hít một hơi dài rồi đại úy Long từ từ nói với Tôi : - Phong... đại đội trinh sát của trung đoàn vừa đưa về cho mình một thằng lính ba-gai, tao đã hỏi thằng Quý, thằng Hào, không thằng nào chịu nhận nó, tao muốn giao nó cho mầy..
<!>
Không trả lời ngay yêu cầu của đại úy Long, Tôi hít một hơi thuốc xong và nói :
- Kỳ rồi đại úy "thảy" cho tôi một lúc 3 thằng "ôn dịch", bây giờ đại úy lại tấn tiếp cho tôi ôn dịch nữa ... tôi thấy thằng Quý, thằng Hào, tụi nó hơi ...
Không để cho tôi chấm dứt câu nói, đại úy Long chen ngay vào :
- Phong, tao chịu mầy, tao muốn giao nó cho mầy. Mấy thằng "trời đánh thánh đâm" về với mầy, tụi nó chịu nằm yên. Tụi nó về với thằng Quý, thằng Hào rồi cuối cùng cũng đào ngũ ... phần lớn "mấy con ngựa chứng là mấy con ngựa giỏi nếu mình biết cầm cương". Thôi, mầy lấy dùm cho tao kỳ nầy nữa thôi ...
Tôi mĩm cười trả lời đại úy Long :
- Thưa đại úy, được. Tôi xin nhận.
* * *
Ngô Văn Tư, mệnh danh là " Tư Dao Bấm ", một tên du đãng khét tiếng vùng Lò Heo Chánh Hưng, Trại Tế Bần và Cầu Chữ Y ... trước khi bước chân vào lính ... Cuộc đời quân ngũ của Ngô Văn Tư đã trải qua nhiều sắc lính ... Biệt Kích Mỹ, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Thám Sát Tỉnh ... và thời gian gần đây là Đại Đội Trinh Sát Vương Đạo, trung đoàn 48, sư đoàn 18 bộ binh.
Cách đây hơn một tháng, với bản tánh du đãng, giang hồ và ba-gai, Ngô Văn Tư đã bắn và đánh lộn với các quân nhân thuộc Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh tại quán cà-phê, sinh tố Dạ Lan ở Long Khánh. Ngô Văn Tư bị phạt giam kỷ luật và bây giờ được đưa về Tiểu Đoàn 3 Mãnh Sư Bộ Binh của chúng tôi.
* * *
Thượng sĩ Nguyễn Văn Liên, thường vụ của đại đội đưa Ngô Văn Tư đến trình diện Tôi tại văn phòng của đơn vị: Binh 2 Ngô Văn Tư, trong tư thế nghiêm, trình diện và chào kính Tôi theo đúng lễ nghi quân cách của một người quân nhân.
Sau khi ra lệnh cho thượng sĩ Liên, trung sĩ 1 Lương Văn Buông (hạ sĩ quan Tiếp Liệu của đại đội), binh 1 Trần Phi Lộc ( thư ký của đại đội ) ra khỏi văn phòng, Tôi ra lệnh cho binh 2 Ngô Văn Tư ngồi vào chiếc ghế sát tường trước bàn giấy trong phòng làm việc để có một cuộc đàm thoại riêng ...
Tôi lấy gói thuốc lá trong túi áo ra, rút một điếu châm lửa hút rồi đưa cả gói thuốc lá và chiếc quẹt lửa về phía góc bàn gần Ngô Văn Tư và nói :
- Hút thuốc lá và thành thật trả lời những câu hỏi của Tôi.
Ngô Văn Tư lấy thuốc lá và hút với vẻ thật tự nhiên trước mặt Tôi.
Qua một cuộc đàm luận ngắn ngủi, Tôi nhận thấy Ngô Văn Tư là một con người có nghĩa khí và bản lãnh.
Cuối cùng Tôi nói với Ngô Văn Tư:
- Tôi sẽ cho cậu 3 ngày phép về thăm nhà. Sau 3 ngày đó hãy suy nghĩ cho thật kỹ, nếu cảm thấy có thể làm việc được với Tôi thì trở lại đơn vị, còn nếu cảm thấy không thích thì có quyền "đào ngũ". Tôi cần những người lính can đảm và chịu chơi đúng cách, không thích những thằng lính hèn nhát và vô kỷ luật ... Chút nữa gặp thượng sĩ Liên để lấy giấy phép. Cầm gói thuốc lá mà hút đi đường và đây là một ngàn đồng Tôi tặng cho để làm lộ phí. ( Tôi móc túi lấy tiền đưa cho Ngô Văn Tư ).
* * *
Sau đúng 3 ngày nghỉ phép, Ngô Văn Tư trở lại đơn vị, đến trình diện Tôi và nói :
- Thưa trung úy, em xin được làm việc dưới quyền của trung úy và xin hứa sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó.
Tôi ra lệnh bổ sung Ngô Văn Tư vào Toán Thám Báo của đại đội.
Toán Thám Báo của đại đội hiện gồm có 6 quân nhân và có những nhiệm vụ chính như sau: bảo vệ bộ chỉ huy đại đội, đảm trách các công tác đặc biệt, nguy hiểm do đại đội giao phó, tăng cường cho các trung đội tác chiến trong những trường hợp cần thiết.
Những quân nhân của toán thám báo là những quân nhân gan dạ, khỏe mạnh, lanh lẹ và có nhiều kinh nghiệm tác chiến ... vì sự nhanh nhẹn tháo vát và gan dạ mà các quân nhân của toán thám báo được xem như là "những con Sóc" và toán thám báo được gọi là "Toán Sóc"
Toán Sóc của đại đội hiện được chỉ huy bởi Sóc Trưởng Thoại (hạ sĩ 1 Nguyễn Minh Thoại ), Sóc Phó Gòn (hạ sĩ Nguyễn Văn Gòn), và 4 Sóc Con là Sóc Ấn binh 1 Bùi Duy Ấn), Sóc Hùng (binh 1 Nguyễn Văn Hùng), Sóc Tha (binh 2 Đào Tha), Sóc Bảnh (binh 2 La Văn Bảnh) và bây giờ được tăng cường thêm binh 2 Ngô Văn Tư.
* * *
Ngô Văn Tư đã sống với Tôi gần 2 năm trong đơn vị chiến đấu và luôn luôn tỏ ra là một quân nhân gan dạ can trường, tôn trọng kỷ luật và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Ngô Văn Tư luôn ở bên cạnh Tôi trong mọi tình huống nguy nan của các cuộc hành quân trên chiến trường và luôn tỏ ra kính trọng và quý mến Tôi vô cùng.
Tôi được thăng cấp Đại Úy và được thuyên chuyển về một đơn vị tại hậu phương, đó là một quân trường thuộc Tổng Cục Quân Huấn đồn trú ở Vùng 3 Chiến Thuật ... Ngày rời đơn vị, chia tay nhau, Ngô Văn Tư đã xúc động ôm Tôi khóc ròng ... và Tôi đã ra đi với nhiều xót xa thương mến.
* * *
Sau gần 7 năm bị giam cầm trong các trại tù lao động khổ sai của Cộng Sản Việt Nam, Tôi được thả ra do sự can thiệp của chính phủ Pháp (vợ của Tôi mang quốc tịch Pháp, cùng 2 con đến Pháp trước Biến Cố Đau Thương 30.4.1975 và hiện là Công Chức của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Pháp), và Tôi về Sài Gòn, chuẩn bị lo các thủ tục giấy tờ để sang Pháp trong diện (đoàn tụ Sum gia đình) cùng vợ và các con trong thời gian sớm nhất.
Nhờ sự giúp đỡ của vợ tôi từ Pháp, của em gái tôi từ Hoa Kỳ, và gia đình của cha mẹ tôi được buôn bán trở lại cho nên cuộc sống vật chất tiền bạc của Tôi hoàn toàn khá đầy đủ và dư dả thoải mái ...
* * *
Để tiện việc di chuyển và đặc biệt thỉnh thoảng về quê Bình Dương thăm cha mẹ và các em, để chạy tới chạy lui lo các thủ tục giấy tờ xuất ngoại ... Tôi quyết định mua một chiếc xe gắn máy hai bánh để làm phương tiện di chuyển cho nhanh chóng ít mất thì giờ.
Qua sự giới thiệu của một người bạn, Tôi mua lại một chiếc xe Yamaha kiểu đàn bà màu xanh của một cô giáo tên là Trần Thị Mộng Lan nhà ở đường Điện Biên Phủ (tên cũ là Phan Thanh Giản).
Theo lời kể của cô giáo Mộng Lan:
- Chiếc xe Yamaha màu xanh nầy là do cha mẹ của cô mua tặng cho năm 1974, là chiếc xe kỷ niệm khi cô vừa mới ra trường Quốc Gia Sư Phạm, cô rất cưng và luôn luôn bảo trì rất cẩn thận nên chiếc xe mặc dù từ lâu nhưng rất còn tốt ... Nay vì cần tiền lo thuốc thang bệnh tật cho cha già cho nên cô phải bán để có phương tiện tài chánh .
Tôi hoàn toàn đồng ý một cách nhanh chóng không do dự, chấp nhận ngay giá bán của chiếc xe do cô giáo Mộng Lan đề ra.
Tại nhà của người bạn giới thiệu, sau khi làm xong thủ tục, giao tiền và nhận xe xong, Tôi đề nghị lái xe một vòng có cô Mộng Lan ngồi phía sau đi kèm và được cô Mộng Lan đồng ý.
Chiếc xe còn rất tốt, máy chạy rất êm ... sau khi chạy một vòng, Tôi mời cô Mộng Lan đi uống nước giải khát trước khi lái xe đưa cô Mộng Lan về nhà bằng chiếc xe thân yêu của cô và cô Mộng Lan cũng đồng ý.
Chiếc xe Yamaha Dame màu xanh dương nhạt
Tôi mời cô Mộng Lan vào một quán nước ở khu vực Hồ Con Rùa đường Duy Tân cũ.
Để chiếc xe Yamaha ở trước cửa quán, khóa xe cẩn thận, xong chúng tôi cùng vào quán để uống nước. Khi cả hai chúng tôi vừa kéo ghế ngồi xuống, thì trước cửa quán có 2 tên du đãng dùng chìa khóa đặc biệt mở ngay khóa xe, đồng thời cho nổ máy xe và vọt chạy mất ... Hai tên du đãng thực hiện việc cắp xe một cách quá nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.
Mộng Lan thất sắc và tỏ vẻ thật buồn, vô cùng ái ngại cho sự việc vừa xảy ra ... nhưng Tôi vẫn bình tỉnh và vui vẻ trấn an Mộng Lan:
- Đây là số mạng của Tôi, không làm chủ được chiếc xe nầy, cô Mộng Lan đã hết trách nhiệm với nó, xin cô đừng bận tâm ... uống nước xong Tôi sẽ đưa Mộng Lan về .
Uống nước xong, Tôi đưa Mộng Lan về. Cả hai cùng đi bộ trên một quãng đường ngắn, Mộng Lan buồn và im lặng không nói chuyện khi đi bên cạnh Tôi ... Để trấn an thêm, Tôi vừa cười vừa nói với Mộng Lan :
- Không sao đâu cô Mộng Lan ơi ... Tôi vừa trúng số, Tôi sẽ mua một chiếc xe khác, tiền trúng số của Tôi còn nhiều lắm, chỉ tiếc là không giữ được chiếc xe kỷ niệm của cô mà thôi ... mà Tôi cũng sắp đi Pháp rồi không sao đâu ... .
Qua câu nói của Tôi, Mộng Lan có vẻ vui tươi trở lại trên khuôn mặt;
Đến trước cửa nhà, Mộng Lan mời Tôi vào nhà nhưng Tôi từ chối và hứa vào một ngày khác sẽ đến thăm.
* * *
Trên chuyến xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Chợ Lớn, Tôi ngồi ở chiếc băng sau cùng vì Tôi sẽ xuống trạm cuối cùng, đó là trạm Minh Phụng - Lục Tỉnh.
Ngồi bên trái của Tôi là một cậu bé trai khoảng 12, 13 tuổi với chiếc áo sơ - mi trắng ngắn tay, trên cổ quàng một chiếc khăn đỏ, mặt mày có vẻ láo liên, lúc nào cũng luôn ngó trước ngó sau, ngó ngang ngó dọc và ngồi không yên. Tôi nghĩ thầm trong bụng:
- Có lẽ đây là thứ đầu trộm đuôi cướp mà xã hội đã tạo nên nhưng ra vẻ ĐẠO ĐỨC qua CÁI KHĂN QUÀNG ĐỎ kiểu CHÁU NGOAN BÁC HỒ.
Ngồi bên phải của Tôi là một thiếu nữ trẻ, đẹp, tuổi vào khoảng 30 trở lại, khuôn mặt có vẻ hiền lành duyên dáng, trên môi như luôn luôn có một nụ cười. Tôi nghiêng đầu nhìn cô gái, mĩm cười khẻ gật đầu chào trong im lặng và cô ta cũng mĩm cười im lặng gật đầu chào lại Tôi.
Tôi khẽ nhích cánh tay phải nhìn giờ trên chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Zodiac của Tôi (Tôi có thói quen đeo đồng hồ bằng cánh tay phải), và đồng thời khẻ liếc qua chiếc đồng hồ hiệu Citizen trên cánh tay trái của cô gái ngồi bên cạnh. Chiếc đồng hồ của Tôi chỉ 6 giờ kém một phút (giờ buổi chiều), trong khi đồng hồ của cô gái chỉ 6 giờ và một phút hơn ... và Tôi thấy cô gái cũng liếc nhìn cả hai chiếc đồng hồ như Tôi. Tôi khẽ nói chuyện làm quen:
- Thưa cô, không biết đồng hồ của Tôi và đồng hồ của cô, chiếc nào chỉ đúng giờ đây ? .
Cô gái mỉm cười trả lời:
- Có lẽ đồng hồ của anh đúng vì mỗi khi đi làm, sợ trễ giờ cho nên tôi luôn luôn để đồng hồ sớm hơn .
Thấy thái độ vui vẻ của cô gái cho nên Tôi tiếp chuyện làm quen và nói:
- Lần đầu tiên xin được hân hạnh quen với cô và hai chiếc đồng hồ cạnh nhau chỉ có một phút hơn kém nhau thì Tôi xin đề nghị chúng mình hòa nhau, có nghĩa là cả hai chiếc đồng hồ đều chỉ sai và theo Tôi thì bây giờ là đúng 6 giờ .
Liền ngay đó, cô gái mỉm cười và nói:
- Anh có ý kiến hay quá ...
Và Tôi cũng bắt chuyện tiếp theo:
- Thưa cô, trong bất cứ cuộc thi đấu hay tranh tài nào thì tỷ số hòa nhau vẫn luôn luôn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người .
Cả hai cùng vui cười sau câu nói của Tôi.
Qua một cuộc tiếp chuyện ngắn, Tôi được biết cô gái hiện nay là một giáo viên, nhà ở đường Minh Phụng và cô cũng sẽ xuống trạm xe cuối cùng như Tôi. Trước khi xe đến trạm cuối, chúng tôi cho nhau địa chỉ và cô gái có nhã ý mời Tôi đến nhà chơi khi nào Tôi rỗi rảnh.
Chiếc xe buýt từ từ dừng lại ở trạm cuối, mọi người cũng vội vã lo đứng lên để chuẩn bị xuống xe. Cô gái chào Tôi xuống trước và sẽ đi về hướng đường Minh Phụng, còn Tôi thì ngược lại đi về hướng Cầu Cây Gõ để thăm một người bạn ở đại lộ Hậu Giang ...
Tôi vừa đi vừa cảm thấy sung sướng vì mới quen được một Người Đẹp và hy vọng những ngày sắp tới sẽ ghé thăm như lời mời thân ái của cô ta.
Khi đến dốc Cầu Cây Gõ, Tôi giơ tay lên xem giờ thì khám phá ra rằng:
- Chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Zodiac của Tôi đã không cánh mà bay mất từ lúc nào mà Tôi không hề hay biết.
Tôi giật mình nhớ lại : Lúc xuống xe ở trạm cuối cùng, khi cô gái vừa xuống, đúng ra tới phiên Tôi, Tôi vừa nhổm đứng dậy thì cậu trai trẻ ngồi bên trái của Tôi, đứng lên trước và cản ngay trước mặt Tôi và nói:
- Anh có thuốc lá cho em xin một điếu.
Tôi thò tay vào túi móc thuốc lá và cho cậu bé một điếu và cùng lúc, vừa đưa thuốc lá cho cậu bé vừa vẩy tay chào Người Đẹp vừa xuống dưới đường ... Thôi ... thì chắc chắn rồi ... chính thằng trẻ con đầu trộm đuôi cướp có KHĂN QUÀNG ĐỎ CHÁU NGOAN BÁC HỒ đã lấy cắp chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Zodiac của Tôi rồi ...
* * *
Một tuần lễ sau, Tôi đến đường Minh Phụng thăm người con gái trẻ đẹp mà Tôi đã quen trên chuyến xe buýt tuyến đường Sài Gòn - Chợ Lớn: Lê Thị Thiên Phước, giáo viên cấp 2 môn hóa học của trường Trung Học Phổ Thông Cấp 2 Võ Văn Tần ở Chợ Lớn ( Quận 6 ). Tôi được Thiên Phước và những người trong gia đình đón tiếp một cách vui vẻ và nồng hậu.
* * *
Sau gần hai tuần lễ quen nhau, Thiên Phước đã có nhiều cảm tình dành cho Tôi.
Tôi mời Thiên Phước đi ăn một bữa ăn trưa ở nhà hàng Brodard và sau đó sẽ đưa Thiên Phước đi dạo ở Sở Thú và Thảo Cầm Viên.
Điểm hẹn của chúng tôi là tại góc đường Nguyễn Biểu và Nguyễn Trãi phía trước cửa Trường Bác Ái:
- Thiên Phước đến với chiếc áo dài kiểu tay Raglant màu vàng nhạt và chiếc xe Yamaha màu xanh kiểu đàn bà .
Vừa gặp Thiên Phước, Tôi giật mình và nghĩ thầm ngay trong lòng:
- Lại một cô giáo với chiếc xe Yamaha màu xanh ... không biết có chuyện gì xảy ra nữa không đây ? ...
Thiên Phước đề nghị Tôi lái xe.
Sau bữa ăn trưa ở nhà hàng Brodard, đúng như chương trình dự trù, chúng tôi vào Sở Thú - Thảo Cầm Viên. Tôi gửi xe trước cổng ở địa điểm gửi xe, khóa xe cẩn thận xong lấy giấy biên nhận gửi xe và cẩn thận cất vào túi quần ... rồi cả hai cùng dạo chơi, cùng ăn uống, cùng ngồi nói chuyện trên những chiếc băng ghế bên cạnh bờ sông Thị Nghè.
Buổi chiều, khi ra lấy xe để về thì giấy biên nhận lấy xe không còn trong túi quần của Tôi nữa mà nó đã mất từ lúc nào không hay. Và chiếc xe Yamaha màu xanh của Thiên Phước đã không còn ở chỗ gửi xe và nhân viên phụ trách địa điểm gửi xe cho biết là đã có người có biên nhận và họ đã đến lấy xe đi rồi ... trong khi chìa khóa xe vẫn còn nằm trong túi quần của Tôi ... Đúng là tai họa lại đến với Tôi rồi ...
Chiếc xe Yamaha Dame màu xanh dương nhạt
Thú thực, lúc đầu Tôi giật mình thất sắc, còn Thiên Phước thì có vẻ sợ, buồn, thất sắc gần như muốn khóc ... Tôi trấn tỉnh lại ngay và nói ngay với Thiên Phước để cô ấy an lòng:
- Thiên Phước này, anh nghĩ rằng anh có trách nhiệm với chiếc xe nầy, tuần rồi anh vừa trúng số, tiền của anh cũng còn nhiều, ngày mai anh sẽ mua lại cho em một chiếc xe khác, xin em an tâm, anh hứa ... thôi đừng buồn ... ngày mai sẽ có chiếc xe khác .
Ngay sáng sớm ngày hôm sau, Tôi đưa Thiên Phước đi mua một chiếc xe Honda kiểu đàn bà màu đỏ còn mới và tốt vì không có loại xe Yamaha bày bán. Thiên Phước có vẻ vui mừng và cảm động ... và riêng Tôi cũng cảm thấy thật an lòng vui sướng ...
* * *
Những ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, thỉnh thoảng Tôi đến thăm Mộng Lan cũng như đến thăm Thiên Phước và mời các cô đi ăn, xem phim, nghe nhạc ... những cuộc đi chơi thật vui ... Tôi xem Mộng Lan, Thiên Phước như những người bạn, người em ... và hai người thì xem Tôi như là một người anh tinh thần vì họ biết Tôi đã có vợ, con đang ở Pháp và trong thời gian ngắn tới đây Tôi sẽ đi Pháp để sum họp gia đình.
* * *
Còn gần một tháng nữa Tôi sẽ lên đường sang Pháp, Tôi lợi dụng thời gian ngắn ngủi còn lại về quê Bến Cát, Bình Dương thăm cha mẹ, các em, bà con họ hàng thân thuộc ... và đi mua sắm một ít đồ dùng cần thiết như quần áo, giầy dép ... Ở khu chợ Phan Bội Châu bên hông chợ Bến Thành Sài Gòn, đứng trước một gian hàng quần áo, Tôi đang chọn những dây thắt lưng da thì có một thanh niên mặc quần jean, áo sơ-mi hoa, tay phải đeo một chiếc lắc vàng to, tay trái cũng đeo một chiếc đồng hồ to ( tôi không biết rõ hiệu gì nhưng chắc là loại đắt tiền ), cổ đeo một sợi dây chuyền vàng to với cái móng cọp màu trắng ngà bịt vàng ... anh ta đến trước mặt Tôi và hỏi ngay tôi:
- Xin lỗi, có phải ông là đại úy Phong không ? .
Tôi định thần và nhìn anh ta, thấy khuôn mặt quen, trong khoảnh khắc, Tôi nhận ra ngay đó là Ngô Văn Tư tức Tư Dao Bấm, một quân nhân thuộc cấp của Tôi trước đây ... Tôi giả vờ do dự không trả lời ngay ... anh ta nói tiếp ngay:
- Trời ơi ! Thẩm Quyền không nhận ra Em sao, sóc Tư của đại đội đây Thẩm Quyền, em là Ngô Văn Tư đây.
Lúc bấy giờ Tôi mới lên tiếng:
- À, em là Tư đó à ! .
Tôi chỉ nói có thế thôi chứ không dám nói gì hơn vì không biết, bây giờ người quân nhân thuộc cấp của mình trước đây, hiện giờ ra sao trong cái xã hội mới nầy ...
Sau khi thầy, trò nhận ra nhau, Ngô Văn Tư có vẻ vui mừng thực sự, mời ngay Tôi sang một quán cà-phê ở bên lề đường phía bên kia của đường Phan Bội Châu để uống cà-phê và nói chuyện. Trước khi đi, Tư bảo người chủ sập hàng đưa cho Tôi sợi dây lưng da, Tôi bảo cho Tôi trả tiền thì Tư nói ngay:
- Không được đâu Thẩm Quyền, thằng nầy là em út của Em ... việc đó để em lo ... thôi mình đi Thẩm Quyền. Trong dáng điệu của một đàn anh kẻ cả, Tư nói với người chủ sập hàng :
- Dũng, mầy biểu thằng Tiến Ray-Ban đúng 9 giờ rưỡi tối nay đem xe đến đón tao ở nhà hàng Brodard và biểu nó kéo Bích Loan và thằng Hùng Lé đến gặp tao luôn nghe ... Người chủ sập hàng kính cẩn trả lời:
- Dạ, anh Tư để em lo, nó sẽ đến đón anh Tư như anh Tư biểu .
* * *
Trong lúc ngồi uống cà-phê, Ngô văn Tư có hỏi về tình trạng cuộc sống hiện nay của Tôi ra sao ... Tôi có cho Ngô Văn Tư biết một cách đơn giản và dè dặt là sau 30 tháng 4 năm 1975 Tôi đi " học tập cải tạo " ( nói cho đúng chữ của Cộng Sản Việt Nam ), vừa được về và hiện đang chuẩn bị các thủ tục giấy tờ để sang Pháp trong diện Sum Họp Gia Đình ( mà sự thật là đúng như vậy ). Phần của Ngô Văn Tư thì Tư cho Tôi biết như sau :
- Sau khi buông súng đầu hàng và tan hàng, Tư về Sài Gòn, tập trung một số em út du đãng giang hồ cũ ngày xưa và gần như sống ngoài vòng pháp luật trong lúc giao thời tranh tối tranh sáng ... tổ chức đánh cắp các kho hàng của chính quyền cũ mà Cộng Sản vừa tiếp thu, sau đó có vốn cho đàn em bung ra buôn bán chợ trời, móc nối, mua chuộc những cán bộ Cộng Sản tham nhũng, cắp trộm hàng hóa của các cửa hàng quốc doanh đem ra thị trường bán chợ đen rồi chia nhau ... sau đó làm trung gian với các cán bộ Cộng Sản đưa các người Hoa Kiều vượt biên trốn đi nước ngoài ... rồi cũng chia tiền nhau trong các việc làm ăn phi pháp nầy ... Bây giờ cuộc sống vật chất tiền bạc của Tư rất đầy đủ và có nhiều quen biết thế lực với các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Cộng Sản tại thành phố Sài Gòn hiện nay."
Tôi chỉ im lặng ngồi nghe Ngô Văn Tư kể và hoàn toàn không có ý kiến gì cả.
Ngô Văn Tư bảo Tôi có cần gì thì cho Tư biết và Tư sẵn sàng giúp đở ... tình thầy trò vẫn như xưa ... Tư vẫn luôn luôn xem Tôi như một ông Thầy ... Tôi tế nhị trả lời Tư :
- Cám ơn em, hiện tại thì Tôi không cần gì, khi nào cần gì thì sẽ nhờ đến em .
Buổi tối, Tư mời Tôi đi ăn tối ở nhà hàng Brodard ở đường Đồng Khởi ( tên cũ là Tự Do ).
* * *
Tại nhà hàng Brodard, Ngô văn Tư giới thiệu với Tôi hai người đàn em và một người đàn bà là một người Tình ... Ngô Văn Tư nói :
- Thưa Thẩm Quyền, đây là Bích Loan, người Tình hiện nay của em ... chắc sau nầy sẽ là Vợ của em ... còn hai thằng nầy là hai thằng em thân tín nhất trong đám đàn em của em ... thằng Trần Mạnh Tiến, có tên là Tiến Ray-Ban vì nó thích đeo kiếng Ray-Ban, còn thằng nầy là Lê Anh Hùng tức Hùng Lé vì mắt nó lé và nó có vẻ-Thưa Thẩm Quyền, đây là Bích Loan, người Tình hiện nay của em ... chắc sau nầy sẽ là Vợ của em ... còn hai thằng nầy là hai thằng em thân tín nhất trong đám đàn em của em ... thằng Trần Mạnh Tiến, có tên là Tiến Ray-Ban vì nó thích đeo kiếng Ray-Ban, còn thằng nầy là Lê Anh Hùng tức Hùng Lé vì mắt hãnh diện với cái tên Hùng Lé ... hai thằng nầy trước đây cũng gốc Lính như em ... Sau đó Ngô Văn Tư nói với 3 người :
- Đây là Thẩm Quyền ngày xưa của tao và của anh ... hai thằng tụi bây là Lính thì phải gọi ông Thầy là Thẩm Quyền, còn Bích Loan thì được phép gọi là Đại Huynh ... cả 3 nghe rõ chứ ... Cả 3 người cùng " Dạ " một cách nhỏ nhẹ ...
Trong lúc ngồi nói chuyện Tôi kín đáo quan sát và nhận thấy như sau:
- Người đàn bà mang tên Bích Loan thì trẻ, đẹp nhưng có vẻ quê mùa, ít học, không duyên dáng, không hiền lành và hơi lẳng-lơ ... Tiến Ray-Ban thì cao ráo, trắng trẻo đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép nhưng có vẻ đạo đức giả không thành thật ... Hùng Lé thì to con, cục mịch, týp người vai u thịt bắp, nói năng bộc trực và du-côn ... còn Ngô Văn Tư thì lúc nào cũng tỏ ra cao ngạo tự tôn, tự tin, kẻ cả, đàn anh của đám em út nầy ...
Lúc 10 giờ 30 tối, tất cả mọi người rời nhà hàng xuống đường, Ngô Văn Tư đích thân lái chiếc xe hơi du lịch Nhật Bản hiệu Toyota Corona, mời Tôi ngồi phía trước, 3 người còn lại ngồi phía sau ... Tư đưa Tôi về tận nhà và hẹn sáng ngày hôm sau sẽ đến đón mời Tôi đi ăn sáng.
* * *
Từ đó, hầu như ngày nào Ngô Văn Tư cũng đích thân lái xe đến mời Tôi đi ăn sáng và thỉnh thoảng mời đi ăn tối ... còn trong ngày thì Tôi đi lo giấy tờ, thăm gia đình, nghỉ ngơi, đến thăm Mộng Lan, Thiên Phước hoặc tại nhà hoặc tại trường học nơi họ dạy học và mời đi ăn trưa.
Qua sự tiêu xài và giao thiệp của Ngô Văn Tư, Tôi có thể kết luận :
- Ngô văn Tư hiện đang sống thật giàu sang và có nhiều thế lực ... ở biệt thự, đi xe hơi và có nhiều đàn em đang buôn bán, chạy áp-phe qua đủ mọi thứ ... và Tôi cũng có đã có dịp giới thiệu gia đình Mộng Lan và Thiên Phước với Ngô Văn Tư ... và cũng nhờ sự quen biết thế lực của Ngô Văn Tư mà thân phụ của Mộng Lan được đưa vào chữa trị ở Bệnh Viện Hồng Bàng và được lành bệnh .... Em trai của Thiên Phước khi đi Nghĩa Vụ Quân Sự không phải qua chiến đấu ở chiến trường Kampuchia mà được làm việc phục vụ tại thành phố Sài Gòn ... hai gia đình nầy, mỗi lần gặp khó khăn gì tại địa phương phường, quận thì khi Ngô Văn Tư can thiệp vào ... mọi việc được giải quyết một cách nhanh chóng và tốt đẹp ...
* * *
Có một lần Ngô Văn Tư mời Tôi đến nhà riêng của Tư là một ngôi biệt thự to và sang trọng ở đường Nguyễn Du Sài Gòn ... Và một điều hết sức bất ngờ và ngạc nhiên làm Tôi phải giật mình như đang sống trong mơ :
- Ngôi biệt thự mà hiện nay Tư đang là chủ nhân là ngôi biệt thự của một người bạn của Tôi trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ... người bạn đó là Trần Túc Phong, người bạn cùng khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức ( Trung Đội 22, Đại Đội 6, Tiểu Đoàn 2 ). Đồng thời, lúc bấy giờ Trần Túc Phong còn là chủ nhân của Nhà Hàng-Dancing Nuit D'Orient ở số 146 đường Pasteur, Sài Gòn ... và cá nhân Tôi đã có nhiều lần đến cư ngụ ở biệt thự ở đường Nguyễn Du cùng vài người bạn khi chúng tôi được về phép trong thời gian thụ huấn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức và hân hạnh được Trần Túc Phong mời đến.
Khi ngồi uống cà-phê với Ngô Văn Tư ở phòng khách của ngôi biệt thự nầy, Tôi có hỏi Tư như sau :
- Tư à, em có căn nhà đẹp và to quá, trong trường hợp nào mà em trở thành chủ nhân của ngôi biệt thự sang trọng nầy vậy ? .
Ngô Văn Tư vui vẻ và tự nhiên trả lời với Tôi :
- Thưa Thẩm Quyền, em nghe nói ngôi biệt thự nầy trước năm 1975 là nhà của ông chủ Nhà Hàng-Dancing tên Nuit D' Orient ở đường Pasteur ... gia đình ông vọt trước 30 tháng 4 năm 1975, một cán bộ cao cấp của Việt Cộng khi vào chiếm Sài Gòn và lấy căn nhà nầy, sau đó bán lại cho một thằng đại thương gia Tàu ... và em mua lại với giá rẻ của thằng Tàu nầy trước khi thu xếp cho cả gia đình nó đi vượt biên ... nó vừa bán vừa cho với giá rẻ tượng trưng thôi ... khi nào Thẩm Quyền cần tiếp đón, mời mọc các người đẹp thì Thẩm Quyền có toàn quyền xử dụng bất cứ lúc nào Thẩm Quyền muốn ...
Tôi mỉm cười trả lời Tư :
- Hỏi cho biết vậy thôi chứ không cần đâu em ... cám ơn em.
* * *
Còn đúng một tuần lễ trước khi chính thức lên đường sang Pháp ( đã có tên trong danh sách chuyến bay ), Tôi mời một bữa ăn tại nhà hàng Tản Đà ( trước đây là nhà hàng Arc En Ciel ), khách mời gồm Mộng Lan, Thiên Phước và Ngô Văn Tư. Trong bữa ăn, trong lúc vui miệng Tôi có nhắc lại vụ hai chiếc xe Yamaha của Mộng Lan và Thiên Phước đã bị mất cắp một cách dễ dàng và huyền bí ... vừa nghe xong, Ngô Văn Tư có vẻ ngạc nhiên và hỏi Tôi :
- Em gặp Thẩm Quyền cũng thường xuyên mà sao không nghe Thẩm Quyền nói đến chuyện nầy vậy Thẩm Quyền ... sao bữa nay Thẩm Quyền mới cho biết vậy Thẩm Quyền ?.
Tôi trình bày cho Ngô Văn Tư nghe các trường hợp và địa điểm bị mất xe ... Ngô Văn Tư nghiêm nghị nói với Tôi trước mặt Mộng Lan và Thiên Phước:
- Thưa Thẩm Quyền, ngày mai em sẽ cho Thẩm Quyền biết chi tiết về tình trạng hai chiếc xe nầy và em xin hứa trong vòng hai ngày hai chiếc xe nầy sẽ được hoàn trả lại cho hai chủ nhân của nó. Xin hai cô Mộng Lan và Thiên Phước trước khi về ghi lại cho tôi số xe của hai chiếc xe nầy.
Mộng Lan và Thiên Phước im lặng nhìn nhau và sau đó cả hai cùng nhìn Tôi.
* * *
Sau khi ăn xong và sau khi đưa Mộng Lan và Thiên Phước về ... khi còn một mình Tôi, lúc đưa Tôi về, Ngô Văn Tư nói với Tôi:
- Thẩm Quyền ơi ! thằng Hùng Lé, đệ tử của em mà Thẩm Quyền cũng đã gặp nó nhiều lần với thằng Tiến Ray-Ban, nó là thằng chuyên môn mua xe gắn máy ăn cấp trên toàn thể địa bàn Sài Gòn, Chợ Lớn nầy ... rồi đem về cho em út sơn sửa lại, móc nối giấy tờ với đám cán bộ thành phố rồi gửi ra Bắc bán lại ... Em nghĩ hai chiếc xe nầy còn nằm trong kho của nó ... thường phải trên một tháng rưỡi mới có chuyến tàu chuyển ra Bắc ... tối nay về em phải gập nó ngay để giải quyết vụ nầy ... em hứa phải lo vụ nầy để làm vui lòng Thẩm Quyền trước hai người đẹp ... coi như đó là hai món quà của Thẩm Quyền tặng cho hai người đẹp trước khi Thẩm Quyền lên đường sang Pháp .
* * *
Đúng hai ngày sau, trong một bữa ăn tại nhà hàng Tản Đà do Ngô Văn Tư khoản đãi ... hai chiếc xe Yamaha màu xanh với nước sơn thật bóng loáng được hoàn trả lại cho Mộng Lan và Thiên Phước.
Cả Mộng Lan và Thiên Phước đều ngạc nhiên và không dám nhận vì cho rằng trước đây 2 chiếc xe bị mất đều đã được tôi hoàn trả bồi thường, nhưng Ngô Văn Tư đã xin phép và tuyên bố :
- Thưa hai cô, đây là hai món quà của Thẩm Quyền của Tôi tặng cho hai cô trước khi ông lên đường sang Pháp, xin hai cô nhận cho ông được vui .
Qua sự thuyết phục của Tôi, Mộng Lan và Thiên Phước vui vẻ nhận lại xe của mình.
* * *
Ngày Tôi lên đường sang Pháp, ngoài những người thân trong gia đình, bạn bè, có thêm Mộng Lan, Thiên Phước, Ngô Văn Tư, Bích Loan, Tiến Ray-Ban và Hùng Lé tiễn đưa Tôi.
Trước khi từ giã mọi người vào phòng cách ly để chờ lên phi cơ ... Ngô Văn Tư là người từ giã và bắt tay Tôi sau cùng ( điều nầy Tôi cố tình làm như vậy ), lúc bắt tay Tư, Tôi nói:
- Thầy trò mình chắc chắn sẽ có ngày còn gặp lại nhau ... Em ở lại, nếu gặp các quân nhân cũ của mình, nhất là những con Sóc của mình, Em nên giúp đỡ họ ... Em ở lại mạnh khỏe và bảo trọng .
Buông tay Tôi ra, Ngô Văn Tư đứng trong tư thế nghiêm, giơ tay lên chào Tôi theo lễ nghi quân cách và nói:
- Em xin hứa và xin tuân lệnh của Thẩm Quyền ... Xin kính chào Thẩm Quyền ".
* * *
Sau khi có mặt ở Pháp, Ngô Văn Tư từ Việt Nam thường xuyên viết thư sang thăm Tôi và Tôi cũng trả lời thư thăm lại Tư mỗi lần Tôi nhận được thư ... và một năm sau thì sự liên lạc thưa dần ... Vào một ngày mùa Đông giá lạnh, Tôi nhận được một thư từ Việt Nam, không phải là thư của Ngô Văn Tư mà là thư của Lê Anh Hùng tức Hùng Lé, lá thư viết từ tỉnh Tiền Giang ( tức Mỹ Tho ) chứ không phải từ Sài Gòn ... trong thư Hùng Lé báo Tin Buồn cho Tôi biết như sau:
- Ngô Văn Tư đã bị người tình mang tên Bích Loan sát hại tử vong bằng độc dược qua một bữa ăn. Ngày Tư qua đời cũng chính là ngày Bích Loan cùng Tiến Ray-Ban ( mà từ lâu 2 người đã lén lút tư tình phản bội Tư ), hai người đã trốn, vượt biên đi nước ngoài bằng đường biển trên chiếc ghe 65 người ... và sau 5 ngày lênh đênh trên biển, chiếc ghe gặp sóng to gió lớn bị đánh chìm, chỉ có 5 người còn sống sót nhờ thuyền đánh cá của ngư dân Mã-Lai vớt được ... trong 5 người sống sót trong đó không có Bích Loan và Tiến Ray-Ban ... những người sống sót đã viết thư về Việt Nam báo cho biết tin trên khi họ được vào đất liền ở Mã-Lai.
Sau ngày Ngô Văn Tư qua đời, băng đảng tan rã ... mạnh ai tự lo kiếm sống cho riêng mình ... vợ chồng Hùng Lé về lại quê nhà Mỹ Tho mở một Quán Cơm Chay Từ Thiện mang tên Phước Duyên tại chợ Mỹ Tho ( bán cơm với giá rẻ và giúp đỡ cho những người bần hàn ).
......... Bỏ lá thư lên bàn ... Tôi ngồi sát sâu vào lưng ghế sa-lon, ngửa cổ lên phía trên thành ghế nhìn lên trần nhà ... rồi nhắm mắt lại ... mơ màng nghĩ đến ... Ngô Văn Tư, một quân nhân thuộc cấp đã cùng Tôi một thời ngang dọc trên chiến trường ... Ngô Văn Tư, ngang tàng, sang trọng, ăn ngon, mặc đẹp, cao ngạo, tự tôn, tự tin tại thành phố Sài Gòn sang tên đổi chủ của một cuộc Đổi Đời Tang Thương ... bên cạnh một Bích Loan trẻ đẹp, gian dâm phản bội ... một Tiến Ray-Ban, lừa thầy phản bạn ... một Hùng Lé, khẩu Phật tâm xà ... và Thiên Phước, Mộng Lan, với 2 chiếc xe Yamaha màu xanh làm Tôi choáng váng giật mình ... nhưng cuối cùng ... có thằng đệ tử biết thương ông Thầy ... để cả 2 thầy trò trở thành Người Hùng Cô Đơn ... vì 2 chiếc xe còn nằm trong kho của thằng Hùng Lé chưa kịp xuống tàu ra thăm Lăng Bác ... Trời ơi ... Trời ơi ...lại thêm thằng Cháu Ngoan Bác Hồ ... vừa xin thuốc lá vừa chôm chiếc đồng hồ Zodiac của Tôi ... Đúng là những kiếp người của HỶ... NỘ ... ÁI ... Ố ... trên cõi trần gian nầy ... Xin có được một thoáng nhớ về Sài Gòn năm xưa ….
Ba-Lê, ngày 13 tháng 4 năm 2020.
* Nguyễn Vân Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét