Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Tin Vui: San Jose Sắp Có Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Cực Vui: Sau Trên Hàng Chục Năm Chờ Đợi, Vượt Qua biết Bao Nhiêu Trở Ngại Khó Khăn. (Giới Chức Chính Quyền Bao Nhiêu Lần Cứ Hứa, Sau Khi Đắc Cử Thì Lại Quên!) Cuối Cùng Bằng Giờ Này Năm Sau (2024). Người Việt ở San Jose, Chắc Chắn Sẽ Có Tượng Đài Chiến Sĩ Việt & Mỹ, Có Tên ‘Thank You America!’ *Một phần lớn, giờ cuối, tiến hành mau chóng là nhờ “Ủy Ban Thúc Đẩy & Xây Dựng Tượng Đài” âm thầm hoạt động hơn 2 năm nay, vượt qua rất nhiều đoạn đường khó khăn, gõ hàng chục cửa chính quyền thúc đẩy, yêu cầu thực hiện ý muốn của Cộng Đồng, giờ đã đến đích!
(Hình: Chiêm ngưỡng Tượng Chiến Sĩ Việt & Mỹ, gần như hoàn tất cho Thành phố San Jose)
<!>
*Tượng coi như đã xong, giờ thực hiện đến bệ! mọi chi phí do Thành phố San jose bảo trợ, Tượng Đài sẽ nằm trong Vườn Truyền Thống Việt!

*Đây là tin rất vui cho Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn CS tại San Jose (nơi có đông người Việt nhất cư ngụ trong một thành phố tại Hải Ngoại) Các thành phố khác ít dân Việt hơn, thì lại đã có từ lâu, giờ thì San Jose mới có!

– Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn, tác giả Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster, Nam California, sắp hoàn tất một tác phẩm khác mang tên “Thank You America” và theo dự trù, tượng đài này sẽ được an vị tại công viên Vườn Truyền Thống Việt (Heritage Park) San Jose, Bắc California, thành phố có khoảng trên 15 0 ngàn cư dân gốc Việt! Đông nhất Người Việt cư ngụ trong một thành phố!

Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn nói: “Đầu năm ngoái, sau khi làm việc với “Ủy Ban Thúc Đẩy & Xây Dựng Tượng Đài” và đại diện ‘Public Art’ (Ủy Ban Nghệ Thuật Công Cộng) của thành phố San Jose liên lạc và yêu cầu tôi sáng tác lại một bức tượng để họ cho trưng bày tại San Jose. Điều kiện của họ là bức tượng này tương tự như Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.”


(Hình: Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn ngước nhìn thành quả, tác phẩm điêu khắc mới nhất của mình.)

Là một nghệ sĩ chân chính, ông Tuấn không muốn làm một bản sao của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, mà muốn sáng tác lại một bức tượng khác, nhưng vẫn có hai quân nhân, một Việt, một Mỹ đứng bên nhau, theo yêu cầu của Ủy Ban Nghệt Thuật Thành Phố San Jose. Sau cuộc họp có sự tham dự của Ủy Ban Thúc Đẩy & Xây Dựng Tượng Đài.

Ông nói: “Nhìn thoáng, người ta có thể nghĩ đây là một phiên bản của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ nhưng, thật sự, tôi đã sửa đổi lại toàn bộ linh hồn của hai bức tượng.”


(Hình: Anh H. trong Ủy Ban Thúc Đẩy & Xây Dựng, trước Tượng Đài Nam Cali)

“Tượng ở Westminster, hai quân nhân này có hai tư tưởng khác nhau. Quân nhân Mỹ đã hoàn tất công tác quân sự và chuẩn bị hạ súng để về nước, trong lúc quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vẫn trong tư thế sẵn sàng xông ra trận!” Ông Tuấn giải thích.

“Trái lại, tượng ở San Jose, hai quân nhân Việt Mỹ này cùng trong tư thế chuẩn bị ra trận! Cả hai cùng đang đứng trước cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, sẽ cướp đi bao nhiêu mạng sống của những người lính trẻ,” ông Tuấn tiếp. “Vũ khí, đạn dược của họ còn đầy đủ cho cuộc chiến sắp tới.”


(Hình: Phối cảnh tượng đài “Thank You America.”)

Tượng “Thank You America” mang tinh thần thực sự của những quân nhân đích thực. Họ không lộ vẻ thích thú vì sắp được bắn giết quân thù, mà có nét mặt chấp nhận thi hành nhiệm vụ được cấp trên giao phó dù mệt mỏi.

“Tôi biết, nhiều người muốn có những bức tượng mô tả những người lính hăng hái cầm súng lao vào cuộc chiến nhưng, theo tôi, những bức tượng như vậy chỉ cần thiết để cổ võ chiến tranh hay bảo vệ đất nước trong lúc cuộc chiến đang tiếp diễn,” ông Tuấn chia sẻ. “Còn bây giờ, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt.” Tượng chỉ có mục đích Tưởng Nhớ và Vinh Danh những Người Lính Việt & Mỹ đã hy sinh , nằm xuống.

Ông Tuấn tiếp: “Sau khi nói chuyện với tôi hồi đầu năm ngoái, đúng một năm, sau nhiều cuộc hội họp, bàn luận, tính toán với Ủy Ban Thúc Đẩy & Xây Dựng, tháng Giêng năm nay, họ gọi báo tin cho tôi là bắt đầu được rồi!”

“Thật khó mà tưởng tượng được 20 năm sau khi hoàn tất Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster, lại có nơi khác muốn tôi thực hiện một tượng đài khác, cũng về chiến sĩ Việt Mỹ,” ông Tuấn cười mãn nguyện. “Nhưng như vậy cũng hay. Tôi có dịp triển khai ý tưởng mới.”

Có kinh nghiệm và ý tưởng rồi, ông Tuấn bắt đầu thực hiện bức tượng “Thank You Amrica.” Cho Thành phố San Jose.

Sáu tháng sau khi được “bật đèn xanh,” điêu khắc gia này hoàn thành giai đoạn một vào cuối Tháng Sáu, 2023.

Ông nói: “Tôi làm xong bản mẫu của bức tượng cao hơn 10 ft. Đây mới là một phần ba công việc thôi.”

Giai đoạn kế tiếp của tôi là sẽ đổ đồng, rồi làm việc với công ty thực hiện. Công ty này sẽ làm việc chặt chẽ với thành phố San Jose, về những đòi hỏi của thành phố trước khi họ đồng ý để bảo đảm an toàn công cộng. Giai đoạn này rất gay go,” ông Tuấn cho biết.


(Hình: Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster, Nam California.)

Theo yêu cầu của thành phố San Jose, Tháng Ba năm tới, ông Tuấn phải hoàn tất việc lắp ráp bức tượng đồng tại công viên Heritage.

“Tôi không biết bao giờ họ sẽ cắt băng khánh thành, chắc khoảng Mùa Hè năm sau (2024) mà chỉ biết chắc chắn, họ muốn dùng tượng đài này là nơi kỷ niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam vào năm 2025,” ông nói.


Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn là người Việt tỵ nạn, định cư tại Hoa Kỳ năm 1989.

Ông học và dạy tại đại học danh tiếng Art Institute of Southern California ở Laguna Beach suốt 5 năm và có nhiều sáng tác tại nhiều nơi trên Hoa Kỳ.

Năm 1994, Hiệp Hội Điêu Khắc Quốc Gia ở New York đã vinh danh Nguyễn Tuấn là một nhà điêu khắc trẻ có công lao và trao tặng ông Huân Chương Gloria danh giá. Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Năm 1995, ông Tuấn được California Art Club trao tặng huy chương vàng về điêu khắc.


(Hình: Bằng tưởng lục do bà Maggie Rice, cố thị trưởng Westminster, ký tặng điêu khắc gia Nguyễn Tuấn.)

Năm 1998, ông giành chiến thắng trong cuộc thi toàn quốc về thiết kế và điêu khắc Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ do thành phố Westminster tổ chức.

Năm 2016, phiên bản Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ được triển lãm thường trực tại Ngũ Giác Đài, thủ đô Washington DC.

Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn thực hiện, được khánh thành ngày 27 Tháng Tư, 2003, đúng vào dịp lễ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư năm ấy.

(Theo Đằng Giao/NV)


Sắp có đường Hai Bà Trưng tại Little Saigon


-Phó Thị Trưởng Nam Quan Nguyễn, Nghị Viên Amy Phan West, cùng đồng hương trình bày bảng tên đường Hai Bà Trưng tương lai, tại góc đường Pagoda và đại lộ Bolsa

“Đồng hương gốc Việt khu Little Saigon chiếm hơn 45% dân số Westminster, có được mấy tên đường Việt Nam, và tên đường Hai Bà Trưng là một dấu mốc lịch sử khi chính thức được đặt tại một thành phố ở Hoa Kỳ,” Phó Thị Trưởng Nam Quan Nguyễn nói.

Hội Đồng Thành Phố Westminster vừa bỏ phiếu 4-0 đồng ý thay các bảng tên lối vào một khu thương mại T&K trên đại lộ Bolsa thành tên “Hai Ba Trung Way”.

Theo nghị trình buổi họp, đề nghị này có tên “Replacement of Little Saigon Entry Signs at 9600 and 9637 Bolsa Avenue” (Thay các bảng tên lối vào số 9600 và số 9637 đại lộ Bolsa của Little Saigon), do Phó Thị Trưởng Nam Quan Nguyễn đưa ra và được Nghị Viên Amy Phan West ủng hộ.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông NamQuan cho biết: “Tôi đề nghị Hội Đồng Thành Phố, trong nỗ lực nâng cấp và quảng bá Little Saigon như là một trung tâm văn hóa, du lịch, và lịch sử quốc tế, đổi tên các lối vào này thành đường Hai Bà Trưng.”


“Hai Bà Trưng, còn được gọi là Trưng Nữ Vương, là những nhân vật có thật trong lịch sử lâu đời của Việt Nam. Hai bà đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa thành công chống lại sự thống trị của ngoại bang phương Bắc. Sự kiện lịch sử này xảy ra cách đây gần 2,000 năm, nhưng tên tuổi và lòng dũng cảm huyền thoại của hai bà vẫn được ghi nhớ và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam,” ông nói tiếp.

Ông kết luận: “Việc lắp đặt tên đường Hai Bà Trưng là một sự tưởng niệm khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa đối với hai nhân vật lịch sử này, đồng thời, cũng để lại một di sản văn hóa cho con cháu chúng ta… Tôi trân trọng kêu gọi đồng viện bỏ phiếu thuận cho dự luật đầy ý nghĩa này.”

Nghị Viên Amy Phan West nói: “Little Saigon được biết khắp Hoa Kỳ là trung tâm cộng đồng người Việt. Các bảng tên này nhấn mạnh chủ nghĩa anh hùng của Hai Bà Trưng. Nó cho thấy sự can đảm của hai bà trong cuộc chiến chống giặc phương Bắc… Chúng ta nên tự hào với lịch sử này, cũng giống như người Mỹ tự hào với Ngày Độc Lập. Đó là lý do tại sao tôi ủng hộ đề nghị của Phó Thị Trưởng Nam Quan Nguyễn.”


Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí cũng cho biết ông “không có lý do gì không đồng ý với đề nghị này.”

Kế đến, Nghị Viên Carlos Manzo nêu ra một số thắc mắc liên quan đến địa chỉ các doanh nghiệp trong khu vực có bảng.

Ông Adolfo Ozaeta, phụ tá tổng quản trị, giải thích: “Họ không phải thay đổi địa chỉ, vì tất cả địa chỉ ở đây đều thuộc đại lộ Bolsa. Hai số 9600 và 9637 là thuộc đại lộ Bolsa. Trường hợp này giống như hồi năm 2015, chúng ta thay tên Cultural Court, nối thương xá Phước Lộc Thọ và thương xá Asian Village trên đại lộ Bolsa, thành Saigon.

Lúc đó, địa chỉ của các doanh nghiệp trong hai khu vực này cũng không thay đổi, vì chúng vẫn thuộc đại lộ Bolsa.”

Như vậy, các bảng tên “Pagoda” hiện nay sẽ được đổi thành “Hai Ba Trung Way,” theo báo cáo của thành phố.

Về chi phí, báo cáo của thành phố cho biết tốn khoảng $5,000, nhưng sẽ do một tổ chức bất vụ lợi gây quỹ để thực hiện. Thành phố không tốn một xu nào.

Bước kế tiếp, vẫn theo báo cáo, nhân viên thành phố sẽ tiếp cận chủ đất và cung cấp thông tin liên quan đến đề nghị này.

Trước đó, vào sáng 27 Tháng Sáu, ngay tại góc đường Bolsa và đường Pagoda, ông Nam Quan và bà Amy có cuộc gặp gỡ với một số đồng hương thông báo đề nghị đổi tên đường.

Phó Thị Trưởng Nam Quan Nguyễn nói: “Xin thông báo đến đồng hương là chúng tôi đang vận động cho nghị quyết đổi tên đường Pagoda ở đây thành đường Hai Bà Trưng, theo sự mong muốn của bà con đồng hương gốc Việt. Nghị quyết này do tôi và Nghị Viên Amy Phan West đồng vận động bảo trợ. Tôi nghĩ rằng các đồng viện của chúng tôi tại Hội Đồng Thành Phố sẽ đồng thuận vì đây là việc làm có ý nghĩa, hợp với nguyện vọng của cư dân.”

“Đồng hương gốc Việt khu Little Saigon chiếm hơn 45% dân số Westminster, có được mấy tên đường Việt Nam, và tên đường Hai Bà Trưng là một dấu mốc lịch sử khi chính thức được đặt tại một thành phố ở Hoa Kỳ,” ông NamQuan tiếp.

Cũng theo ông phó thị trưởng, tên “Hai Ba Trung Way” sẽ chính thức đi vào bản đồ Google của khu vực Little Saigon, và trên bản đồ thế giới.

“Khác với tên đường Trần Hưng Đạo, tuy được vào ghi tên đường nhưng vẫn nằm phía dưới tên đường Bolsa, và mọi người vẫn gọi tên đường Bolsa chứ không gọi tên đường Trần Hưng Đạo,” ông nói tiếp.

Nghị Viên Amy Phan West cho rằng: “Người Việt nào cũng biết Hai Bà Trưng, rất can đảm đại diện người Việt đứng lên đánh đuổi nhà Hán, chống giặc ngoại xâm. Và Hai Bà là phụ nữ đầu tiên làm vua của nước Việt, chiến đấu vì tự do cho đất nước. Chúng tôi cũng rất tin tưởng tên Hai Bà Trưng sẽ được thông qua.”


Việt Nam bao giờ có lại dân chủ như… ngày trước?

-Ý kiến nói chế độ toàn trị triệt tiêu cả tự do lẫn dân chủ. Vì dân không có quyền tự do ngôn luận, không được tự do báo chí, xuất bản và giáo dục, chỉ được có thông tin một chiều, nên người dân chỉ có tư duy một chiều. Vì thế người dân bị triệt tiêu khả năng phản biện và không có kiến thức về khoa học chính trị, hiểu lệch lạc về pháp luật và kinh tế vĩ mô, lịch sử.

Ở Việt Nam, thoạt đầu người Pháp cũng đã copy mô hình dân chủ của mình sang vào giai đoạn thuộc địa. Nam Kỳ được hưởng dân chủ sớm hơn, vì được hưởng pháp luật gần như ở Pháp. Từ cuối thế kỷ 19, dân Nam Kỳ cũng đã được hưởng nền dân chủ hạn chế gần như ở Pháp.

Đó là những người giàu, công chức, quân nhân đã được bầu cử hội đồng Nam Kỳ và hội đồng tỉnh. Đây là cơ quan tư vấn cho chính quyền thuộc địa, giống như Hội đồng Nhân dân hiện nay. Ban đầu thì quyền lực cũng hạn chế và thành viên hội đồng phải đa số là Tây, nhưng cũng chỉ chiếm tối đa 75%, vẫn ít hơn tỷ lệ đảng viên trong QH hiện nay. Người Pháp đương nhiên nắm chính quyền Nam Kỳ và nắm quyền “cố vấn” (gián tiếp nắm quyền) ở Bắc và Trung Kỳ, các thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì quy chế như Nam Kỳ.

Vào thời Quốc gia Việt Nam thì tỷ lệ đó đảo ngược lại, người Việt trực tiếp nắm quyền hành chính và chỉ có 25% là dân biểu người Pháp.

Ở chế độ thuộc địa, người dân vẫn có quyền tự do tương đối, đặc biệt là tự do kinh tế, báo chí và xuất bản. Các quyền tự do không bị bóp nghẹt như dưới chế độ cộng sản sau này.

Lịch sử cho thấy, tự do luôn phải có trước dân chủ thì mới đúng quy trình. Nếu quy trình bị đảo ngược, thì dân chủ là giả tạo. Ví dụ gần gũi chính là nền dân chủ có được do cách mạng tháng 8 quá mong manh.


VNCH cũng là nền dân chủ được rơi vào đầu chủ yếu do Pháp rồi Mỹ tác động, nên nó nhanh chóng biến thành tự do phi dân chủ. Tuy nhiên, đây là chính quyền thời chiến nên không phải là ví dụ chuẩn xác.

Như vậy, có thể kết luận được con gà hay quả trứng phải có trước. Tự do phải có trước dân chủ. Bởi vì, khi có tự do thì tầng lớp trung lưu sẽ dần dần nâng cao dân trí và có thể tích lũy kinh tế, nhờ đó mà gây sức ép được với chính quyền để chính quyền phải chia sẻ quyền lực. Tầng lớp trung lưu càng đông và mạnh thì quyền lực nhà nước càng giảm sút và đó là mầm mống của dân chủ.

Nhưng dưới chế độ toàn trị thì sao?

Chế độ toàn trị triệt tiêu cả tự do lẫn dân chủ. Vì dân không có quyền tự do ngôn luận, không được tự do báo chí, xuất bản và giáo dục, chỉ được có thông tin một chiều, nên người dân chỉ có tư duy một chiều. Vì thế người dân bị triệt tiêu khả năng phản biện và không có kiến thức về khoa học chính trị, hiểu lệch lạc về pháp luật và kinh tế vĩ mô, lịch sử.

Nói cách khác là dân trí thấp về kiến thức kinh tế, chính trị, triết học và lịch sử. Mục tiêu là để không thể có tổ chức ngoài đảng nào mà có hiểu biết chính trị hòng cạnh tranh quyền lãnh đạo với đảng.

Làm thế nào để có thể nâng cao dân trí khi chính quyền cố tình ngu dân thông qua cấm đoán các quyền tự do?

Chỉ có cách duy nhất là tự học, tự khai trí thông qua giáo dục gia đình, du học và qua các kênh thông tin phi “chính thống”. Giai đoạn trước đổi mới thì điều này là khó, chỉ trông vào giáo dục gia đình, cũng hạn chế. Nhưng hiện nay khả năng tự đào tạo khá đơn giản, nhờ mạng xã hội. Tất nhiên tự đào tạo sẽ rất chậm vì nguồn lực quá ít, nhưng còn hơn không. Qua đó, người dân có thể gây sức ép với chính quyền y như người Anh đã từng làm với vua từ mấy trăm năm trước mà không nhất thiết phải lật đổ chế độ quân chủ.

Việc này là khả thi, vì hiện tại chính quyền đang trên quá trình buộc phải thu hẹp phạm vi quản lý. Về logic, chính quyền càng nhỏ, thì “phản động” càng đông, tức là dân chủ sẽ gia tăng. Bởi vì nếu không thu hẹp thì chính quyền sẽ tự sụp đổ do phải ăn thịt chính mình. Quá trình đó có tiến độ nhanh hay chậm chính là phụ thuộc vào việc gia tăng dân trí về kinh tế, chính trị, pháp luật của người dân nhanh hay chậm. Điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân và trí thức sẽ là đầu tàu.

Vậy quy trình nào để đi tới dân chủ?

Mình cho là quy trình theo lịch sử nền dân chủ phương Tây là không thể đảo ngược. Tức là dân chủ sẽ phải có cho tầng lớp tinh hoa trước, dần dần mở rộng cho tầng lớp trung lưu, rồi tới toàn dân. Chi tiết thế nào thì là câu chuyện dài khác.

(Dương Quốc Chính)


Tin Việt Nam Hôm Nay
Cô gái mới sảy thai ‘tố’ bạn trai là công an quận hành hung bầm tím khắp người


(Một Cảnh sát hình sự Công an quận Lê Chân, TP. Hải Phòng bị bạn gái “tố” hành hung gây thương tích, sảy thai.)

-Lãnh đạo Công an quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng cho biết đang điều tra vụ một cô gái tố giác về việc bị bạn trai là công an quận hành hung gây thương tích.

Theo đó, Chị Thu Nguyệt (SN 1997, quê phường Đồng Hòa, quận Kiến An, TP. Hải Phòng, hiện tạm trú tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, tố cáo anh T.H.P. (SN 1994, bạn trai chị Nguyệt, đang công tác tại Đội CSHS Công an quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) hành hung, gây thương tích cho chị.

Công an quận Hồng Bàng đã làm việc, xác minh với cả 2 người nhằm xác định hành vi vi phạm để xử lý.

Qua đó, theo nội dung đơn, chị Nguyệt và anh P. quen biết từ tháng 12/2021, sau đó 2 người có tình cảm với nhau.

Tháng 2/2022, anh P. có khóa học tập trung 1 năm tại Học viện Cảnh sát nhân dân (TP. Hà Nội). Chị Nguyệt và anh P. về một căn hộ ở Hà Nội để thuận tiện việc học hành; kể từ đó, 2 người sống với nhau như vợ chồng đến nay.

Khi hoàn thành khóa học, P. trở về đơn vị là Công an quận Lê Chân thuộc Công an TP. Hải Phòng làm việc. Chị Nguyệt đã cùng về Hải Phòng, thuê căn hộ cả 2 cùng sinh sống vì nhà anh P. đã bán để trả nợ.

Thời gian sau đó, P. mỗi lần đi uống rượu về là hành hung, ngày 1/5 mới đây đã hành hung chị Nguyệt gây thương tích, khiến chị sảy thai bé gái 5 tháng tuổi (con chung của 2 người).

Người thân chị Nguyệt đã liên lạc với Công an quận Lê Chân – nơi P. đang công tác để nhờ can thiệp. Anh P. sau đó đã thừa nhận hành vi sai trái của bản thân, viết bản kiểm điểm cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, đến tối ngày 18/5, do P. không hài lòng việc chị Nguyệt tổ chức sinh nhật cho mẹ của P. tại một nhà hàng ở Hải Phòng nên sau khi tiệc kết thúc, hai người đã xảy ra mâu thuẫn.

Sau buổi tiệc, P. chở chị Nguyệt về đến trước cửa căn hộ thuê tại khu đô thị Vinhomes Imperia, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng rồi P. dùng tay tát, đấm liên tiếp vào mặt, đầu khiến chị phải mở cửa xe chạy thoát thân.

Chị Nguyệt cho biết: “Tôi chạy ra ngoài nhưng đi đến đầu xe ô tô thì bị choáng nên ngã gục ở đầu xe, lúc này P. mở cửa bên lái tiếp tục đi đến đánh thêm mấy cái vào đầu tôi. Toàn bộ sự việc có camera an ninh khu vực ghi lại và tôi đã gửi cơ quan công an”.

Sau sự việc, chị Nguyệt được bạn bè hỗ trợ đưa đi Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp Hải Phòng thăm khám, điều trị trong tình trạng vùng mặt, cổ có nhiều vết bầm tím.

Ngày 19 và 20/5 vừa qua, chị Nguyệt đã gửi đơn trình báo đến Thanh tra Công an TP. Hải Phòng và Công an quận Hồng Bàng.

Chị Nguyệt cho hay khi biết chị gửi đơn đến cơ quan chức năng, anh P. và gia đình anh liên tục gây sức ép, có lời xin lỗi và mong chị N. thay đổi nội dung lá đơn, nhưng chị không chấp nhận.

Đến ngày 20/6, có một nhóm người tìm đến, xông vào nhà đe dọa, chửi bới và khủng bố tinh thần chị. May mắn, lúc này Công an phường Thượng Lý đã kịp thời có mặt, can thiệp.

Anh P. thừa nhận 2 người yêu nhau, chung sống với nhau như vợ chồng được một thời gian và phủ nhận việc đã hành hung chị Nguyệt. Đồng thời, anh cho rằng những vết thương tích trong hình ảnh là cắt ghép, photoshop.

Anh P. nói anh và chị Nguyệt yêu nhau và cũng xác định tiến tới hôn nhân nhưng mỗi lần yêu cầu Nguyệt làm thủ tục kê khai thông tin gia đình để anh còn báo cáo tổ chức thì Nguyệt lại né tránh, tìm cách để hai bên phát sinh mâu thuẫn.

Gần đây anh P. phát hiện ra mình đang bị lừa tiền. Cụ thể, khi bán nhà, bố mẹ anh P. chia cho anh 2,5 tỷ đồng, anh đã đưa hết cho chị Nguyệt để chị này thêm tiền vào mua căn hộ trị giá 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, giấy tờ mang tên anh P. là giấy tờ giả.

Về việc này, chị Nguyệt khẳng định: “Tôi chưa bao giờ cầm 2,5 tỷ đồng của anh P. và anh P. không bao giờ đưa tôi tiền. Khi thuê nhà, tôi trả tiền nhà, anh P. tự bỏ tiền ra thanh toán tiền sửa chữa nội thất và mua đồ dùng trong nhà. Căn hộ này là căn hộ thuê, không phải mua. Việc đó anh P. hoàn toàn biết. Còn giấy tờ mà anh P. nói mang tên anh ấy là giấy tờ giả, việc đó có hay không thì chỉ anh P. biết”.

Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an quận Hồng Bàng tiếp tục xác minh, điều tra.


Đả kích chế độ, YouTuber Hà Nội lãnh án 6 năm tù!


(Ông Phan Sơn Tùng được cho là đã đăng tải nhiều video đả kích chế độ ở Việt Nam)

-Một Youtuber ở Hà Nội đã bị tòa án tuyên án 6 năm tù về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước’ tại phiên xử sơ thẩm hôm 3/7, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Ông Phan Sơn Tùng, 39 tuổi, cư trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, được xác định là đã làm và đăng trên các mạng xã hội Facebook và Youtube các video clip ‘nói xấu chế độ, xuyên tạc sai sự thật về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước’, theo cáo trạng được hãng thông tấn Nhà nước dẫn lại.

Kể từ năm 2011, ông Tùng đã lập ba kênh YouTube, nơi ông đăng những đoạn clip đả kích chính quyền, là ‘Vì Việt Nam thịnh vượng’, ‘Sơn Tùng TV’ và ‘Phan Sơn Tùng’.

Ngoài ra, tài khoản ‘David Phan’ của ông Tùng trên Facebook đã đăng lại các video clip từ các tài khoản Youtube của ông, thu hút gần 150 triệu lượt xem.

Trong số đó, có đoạn clip có nội dung kêu gọi thành lập ‘Đảng Việt Nam thịnh vượng’ nhằm đối chọi với Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng trên kênh ‘Vì Việt Nam thịnh vượng’, cũng theo cáo trạng được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại.

Hành động của ông Tùng đã bị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) theo dõi, thu thập chứng cứ để chuyển cho Công an Hà Nội điều tra, sau đó đưa sang Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội truy tố.

Cơ quan điều tra kết luận các thông tin ông Tùng đăng tải là ‘bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của người khác’ nhằm ‘gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền chiến tranh tâm lý và chống Nhà nước, chống Đảng’.

Theo bản tin của Thông tấn xã thì ông Phan Sơn Tùng không nhận tội tại Tòa mặc dù ông thừa nhận chính ông đã làm và đăng tải các đoạn clip đó lên mạng.

Lâu nay, chính quyền Việt Nam vẫn sử dụng những điều luật nặng nề để kết án những ai lên tiếng chỉ trích chính quyền trên không gian mạng, hành động bị các tổ chức nhân quyền lên án.


Đại gia, đảng viên nào rồi cũng kiếm quốc tịch Mỹ


-Nhà quan sát cho hay, các đại gia, người nổi tiếng thường “nói đạo lý, chạy quốc tịch Mỹ, rồi quay lại Việt Nam, tiếp tục nói đạo lý và kiếm tiền.”

Trong Nhan Nguyen viết: “Mỗi năm Việt Nam có tầm 1.300 người được cấp visa EB5 của Mỹ. Còn với các nước khác thì không rõ, nhưng bảo đảm không ít. Đến mức, đầu tư lấy hộ chiếu bây giờ là một ngành dịch vụ tiền và bạn có thể thấy quảng cáo khắp nơi.

Công thức của các đại gia, ca sĩ và diễn viên Việt Nam:

1. Nói đạo lý, diễn và kiếm tiền.

2. Khi có đủ tiền thì chuyển dần qua Mỹ rồi chạy quốc tịch. Như EB5, định cư hay kết hôn thật, giả.

3. Sau khi có hộ chiếu rồi quay lại Việt Nam, tiếp tục nói đạo lý và kiếm tiền.

Là người thực dụng, mình không lên án. Thậm chí, mình cổ vũ. Đất lành chim đậu. An toàn rồi tính tiếp.

Việc một cá nhân sở hữu thêm hộ chiếu không hề gây hại gì cho kinh tế quốc gia. Không những vậy, nó sẽ giúp đất nước phát triển.

Giờ bạn là một doanh nhân, điều bạn cần là một hộ chiếu mạnh để:

– Dễ đi đó đây.

– Có tâm lý an toàn, sau đó mới có thể mạo hiểm.

– Có đường lùi khi kinh doanh không tích cực.

Cho nên đâu có gì để chế nhạo trong khi thế giới giờ đã phẳng. Người Hồng Kông đã làm điều này từ lâu và ai cũng coi là bình thường.

Sau đây là vài cá nhân nổi tiếng có song tịch Việt-Mỹ: Đan Trường, Lam Trường, Shark Liên, Shark Louis Nguyễn, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Vân Sơn, và mới đây là bà Đặng Thị Hoàng Yến, cựu đại biểu quốc hội, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo.”

Trước bà Yến, báo đảng hồi 2021 cho hay, sau khi “mất tích” tại Việt Nam, Phạm Văn Sáng, cựu Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Đồng Nai, bỗng nhiên định cư tại bang California, Mỹ.

Thời điểm đó, công an Việt Nam hăm dọa thực hiện thủ tục truy nã quốc tế đối với ông Sáng, nhưng tới nay ông này vẫn đang ở Mỹ.

Ngoài ra có tin cho rằng Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập tờ Thanh Niên, cũng đã có quốc tịch Mỹ và mua biệt thự tại nước này.


Sạt Lở Đất ở Đà Lạt Khiến 2 Người Chết: Đình Chỉ Công Tác Trưởng phòng Quản Lý Đô Thị


(Hình: Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.)

-Một vụ sạt lở đất, ta-luy xảy ra hồi rạng sáng 29/6/2023 tại hẻm 36 đường mới Hoàng Hoa Thám, phường 10 thành phố Đà Lạt, khiến nhiều ngôi nhà bị sập, làm 2 người chết.

Hai người chết trong vụ sạt lở là hai vợ chồng cùng quê Phú Yên, đang làm công nhân xây dựng tại khu vực trên.

Tại thời điểm xảy ra sạt lở, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã giải cứu được năm người đưa đến bệnh viện cấp cứu. Uỷ ban nhân dân phường 10 đã di dời khẩn cấp 3 hộ dân cân lận khu vực sạt lở ra khỏi nơi nguy hiểm.

Mưa lớn hai ngày qua khiến nhiều địa điểm khác tại Đà Lạt cũng xảy ra sạt lở như đường Yên Thế, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, đèo Mimosa….

Liên quan đến vụ sạt lở tại phường 10, trong ngày 29/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Đà Lạt, đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình trên mái ta luy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh cùng với đó, yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (phường 10) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh ta luy âm/dương lớn... mà có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Ngoài ra, UBND Đà Lạt được yêu cầu dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực ta luy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt và không bảo đảm điều kiện an toàn để xây dựng công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép đối với các công trình tại những khu vực này.


Bộ Trưởng Công An Tô Lâm Dẫn Đầu Đoàn Công Tác Đến Đắc Lắc


(Hình: Đại tướng Tô Lâm cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ công an ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu.)

-Vào ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Công an CSVN, ông Đại tướng Tô Lâm dẫn đầu một đoàn công tác đến làm việc tại tỉnh Đắc Lắc.

Bộ Công an loan tin trong cùng ngày và cho biết phái đoàn do đích thân người đứng đầu ngành dẫn đầu còn có Thượng tướng Lương Tam Quang- Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các Cục Nghiệp vụ của bộ này cùng tham gia.

Trước đoàn công tác do đích thân Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu, vào ngày 26/6, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng cử một đoàn đến Đắc Lắc do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Tổng Tham mưu phó Quân đội Nhân dân - làm trưởng đoàn. Mục đích được nêu rõ là kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc.

Như tin đã loan, vào rạng sáng ngày 11/6 vừa qua hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc. Đây là tỉnh giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của Cam Bốt.

Vụ tấn công đã khiến 9 người thiệt mạng bao gồm 4 công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân. Ngoài ra, còn có 3 người dân bị bắt làm con tin, 1 người trong số này tự giải thoát, 2 người còn lại được giải thoát sau đó.

Sau vụ nổ súng, công an đã được huy động để truy bắt những người bị tình nghi có liên quan đến sự việc. Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội và được người dân cung cấp cho Ðài Á Châu Tự Do (RFA) cho thấy hình ảnh những người Thượng bị trói tay và bắt giữ.

Vào ngày 20/6, người đứng đầu cơ quan Công an tỉnh Đắc Lắc, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, cho biết, "tất cả các đối tượng cầm đầu của vụ tấn công này đều đã bị bắt giữ. Hiện chỉ còn hai đối tượng đang bỏ trốn nhưng không có vai trò chủ chốt và lực lượng công an đang quyết tâm truy bắt bằng được để giải quyết theo quy định".


Công An Tỉnh Đắc Lắc Và Công An Tỉnh Mondulkiri Tăng Cường Hợp Tác Sau Vụ Nổ Súng Ngày 11/6 ở Huyện Cư Kuin


(Hình: Công an Việt Nam sang thăm công an tỉnh Mondulkiri.)

-Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhật báo Nhân Dân, vào ngày 28/6/2023 loan tin cho hay Công an hai tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Cam Bốt là Đắc Lắc và Mondulkiri tăng cường hợp tác, đặc biệt sau vụ nổ súng tại huyện Cư Kuin hôm rạng sáng 11/6 vừa qua.

Theo đó kế hoạch hợp tác giữa công an 2 tỉnh này cho năm 2023 được ký kết từ đầu tháng ba vừa qua. Kế hoạch này cũng thuộc khuôn khổ "Biên bản hợp tác bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới giữa hai tỉnh" ký vào ngày 9/1/2023.

Một số nội dung hợp tác được nhấn mạnh gồm phòng/chống xuất-nhập cảnh trái phép.

Hợp tác giữa hai phía cũng được cho biết đặt căn bản trên phương châm gồm 16 chữ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thông, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".


Thủ Tướng Cam Bốt Ra Lệnh Quân Đội ở Vùng Biên Giới Với Việt Nam Bắn Hạ Thiết Bị Bay Không Người Lái


(Hình: Thủ tướng Hun Sen.)

-Vào ngày 27/6/2023 Thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt ra lệnh cho lực lượng quân đội tại 4 tỉnh Đông-Bắc (Kratie, Mondulkiri, Ratanakiri, Tboung Khnum giáp ranh với Việt Nam) bắn hạ mọi thiết bị bay không người lái bị cho vi phạm không phận của Xứ Chùa Tháp.

Ban Tiếng Khmer của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) loan tin ngày 28/6 nêu rõ lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban ra cho 500 quân và các đơn vị quản lý 200 hệ thống phòng không tại 4 tỉnh vừa nêu.

Người đứng đầu chính phủ Nam Vang được dẫn kêu gọi các nước cho phép thiết bị không người lái bay sang vi phạm không phận của Xứ Chùa Tháp hãy ngừng ngay điều đó. Đó là hành động khủng bố chống lại Cam Bốt.

Ông Hun Sen nói ông tin rằng những thiết bị bay không người lái do những người thiểu số nổi dậy tại Việt Nam điều khiển; tuy nhiên cơ quan chức năng Việt Nam bác bỏ.

Thủ tướng Chính phủ Hun Sen còn nói thêm khí tài quân sự được gửi đến 4 tỉnh vừa nêu được dùng không chỉ vào việc bắn hạ các thiết bị bay không người lái mà còn để truy lùng những người trốn chạy từ Việt Nam sang ẩn náu trên đất Chùa Tháp. Tuy nhiên, ông Hun Sen không cho biết cho thêm chi tiết liên quan.


Năm Cựu Tướng Cảnh Sát Biển Việt Nam Nhận Án Tù Vì Tham Ô


(Hình: Các bị cáo nghe toà tuyên án.)

-Vào chiều ngày 29/6/2023, năm cựu tướng Cảnh sát Biển Việt Nam nhận các mức án do tòa tuyên về tội tham ô tài sản đặc biệt lớn.

Truyền thông Nhà nước dẫn các bản án ngay sau khi Hội đồng Xét xử tuyên đối với các bị cáo sau ba ngày xét xử và nghị án. Cụ thể cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, bị tuyên 16 năm tù; cựu Trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển bị tuyên phạt 15 năm 6 tháng tù.

Các cựu Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, cựu Phó chính ủy bị tuyên 15 năm tù; Phạm Kim Hậu, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng 15 năm; Bùi Trung Dũng, cựu Phó Tư lệnh 15 năm tù. Bên cạnh đó, cựu Đại tá Nguyễn Văn Hưng, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật bị tuyên phạt 10 năm tù; cựu Thượng tá Bùi Văn Hòe, cựu Phó phòng Tài chánh 12 năm tù.

Ngoài hình phạt tù như vừa nêu, sau khi chấp hành xong bản án, các bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong 3-5 năm.

Cáo trạng nêu rõ vào năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển phân bổ 150 tỉ đồng ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Lúc bấy giờ ông Sơn đã yêu cầu ông Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật "Phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".

Ông Sơn sau đó đã chỉ đạo Phó phòng Tài chánh Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát Biển để phân bổ thêm 29 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật. Do đó, nguồn ngân sách cho Cục Kỹ thuật được tăng lên 179 tỉ đồng.

Thực hiện theo chỉ đạo của ông Sơn, mỗi Trưởng phòng dưới quyền ông Hưng được giao chỉ tiêu phải "rút ruột" từ 50 triệu đồng đến 25 tỉ đồng để đủ mức 50 tỉ đồng ông Sơn yêu cầu.

Những Trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh Cảnh sát Biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Cáo trạng nêu, có tổng cộng 24 hợp đồng đã được Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp rút ruột ngân sách 50 tỉ đồng.

Với số tiền trên, ông Sơn chia cho mình và 4 ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng.


Khởi Tố Vợ Chồng Tổng Giám đốc Công Ty Chứng Khoán Á Châu, Thái Bình Dương


(Hình: Ông Nguyễn Đỗ Lăng Tổng Giám đốc Chứng khoán Á Châu-Thái Bình Dương.)

-Hai vợ chồng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Á Châu, Thái Bình Dương, và ba người khác bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Công an Hà Nội trong ngày 28/6 cho truyền thông hay Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Á Châu Thái Bình Dương, APS, Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu, Thái Bình Dương, API và Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam.

Cùng với quyết định khởi tố, Cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam ông Nguyễn Đỗ Lăng (Tổng Giám đốc APS), Phạm Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị), Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Nguyễn Thị Thanh (Kế toán trưởng), Phạm Thị Đức Việt (Phó phòng Dịch vụ Khách hàng) về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Các quyết định tố tụng trên đều được Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội phê chuẩn.

Sau khi ông Lăng cùng vợ và 3 đồng phạm bị bắt, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng trấn an các nhà đầu tư rằng việc điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại API, IDJ và APS là sự việc đơn lẻ liên quan tới một số tổ chức và cá nhân trên thị trường và không ảnh hưởng đến hoạt động chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2 năm gần đây có nhiều biến động do nhiều lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn bị khởi tố và bị tuyên án tù do thao túng thị trường chứng khoán như cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân….


Nam Hàn Lại Thu Hồi Sản Phẩm Ớt Việt Nam Vì Dư Lượng Thuốc Trừ Sâu Vượt Chuẩn


(Hình: Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Nam Hàn.)

-Nam Hàn đã thu hồi lô ớt khô nhập cảng từ Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho truyền thông hay tin trên trong ngày 29/6/2023, nêu rõ lô hàng bị Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Nam Hàn thu hồi là của Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Thành sản xuất, có mức dư lượng tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02-0,04 mg/kg, vượt quá ngưỡng cho phép của Nam Hàn là 0,01 mg/kg.

Các sản phẩm bị thu hồi do 3 công ty Nam Hàn phân phối từ Công ty Long Thành.

Ngay sau khi có thông tin về sản phẩm ớt khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Nam Hàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung trong ngày 29/6 cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.

Theo đó, Bộ đã gửi công văn yêu cầu lãnh đạo Công ty Long Thành (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát qui trình sản xuất, xuất cảng của doanh nghiệp và gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 27/7/2023.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, tiềm năng xuất cảng ớt VN sang Nam Hàn cũng như sang các thị trường khác đều rất tốt. Sản lượng xuất cảng ớt hàng năm khoảng 4.000-5.000 tấn với khoảng 10 triệu Mỹ kim.

Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện ớt đang được xuất cảng thí điểm sang thị trường này. Việt Nam và Trung Quốc đang hoàn tất các thủ tục để ký kết Nghị định thư.

Hôm tháng 4/2023, Bộ An toàn Thực phẩm Nam Hàn còn thông báo ngừng bán ớt của Việt Nam khi lô hàng nhập cảng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô của Việt Nam bị phát giác dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.

Nam Hàn là thị trường xuất cảng lớn thứ ba của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Nam Hàn đạt 3,79 tỉ Mỹ kim, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 7,6% kim ngạch xuất cảng cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.


GDP Quý II Của Việt Nam Tăng 4,14%


(Hình: Công nhân dệt may Việt Nam.)

-Hôm thứ Năm (29/6/2023), Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II của Việt Nam ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo cơ quan này, tính trong giai đoạn 2011 tới 2023, tốc độ tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP tăng 3,72%.

GSO cho biết rằng trong quý II, khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp tới 67,84%.

Liên quan tới việc xuất cảng hàng hóa, Tổng cục Thống kê nói rằng tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất cảng hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ Mỹ kim, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo GSO, kim ngạch nhập cảng hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 152,2 tỉ Mỹ kim, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) hồi tháng Tư đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức 6,5% trong năm nay từ mức 8% năm 2022, và tăng lên 6,8% vào năm 2024.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 "sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu".

Tuy nhiên, ông Jeffries được trích lời nói trong một thông cáo của ADB rằng chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, "sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này".


Việt Nam và Lào Tổ Chức Tham Khảo Chính Trị Lần Thứ 8

-Tham khảo chính trị lần thứ 8 cấp Thứ trưởng giữa Việt Nam và Lào diễn ra vào ngày 28/6/2023 tại thủ đô Vạn Tượng, Xứ Triệu Voi.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin sinh hoạt chính trị này cùng do hai nước đồng chủ trì. Phía Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đại diện và phía nước chủ nhà do Thứ trưởng Ngoại giao Phoxay Khaykhamphithoune đại diện.

Ngoài vấn đề quan hệ song phương giữa hai nước còn theo chủ nghĩa xã hội ít ỏi còn lại trên thế giới, hai phía lặp lại quan điểm nhất trí giải quyết các tranh chấp Biển Đông với nguy cơ gây bất ổn trong khu vực theo biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế; đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện hiệu quả Bản tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông COC hiệu lực và hiệu quả.

Kể từ khi Trung Quốc tăng tốc sự hiện diện tại Lào, Hà Nội và Vạn Tượng có những bất đồng. Lào muốn phấn đấu để trở thành "bình điện của Á Châu" bằng hàng loạt dự án thủy điện dọc sông Mekong, mà phần lớn được tài trợ thông qua các khoản vay của Trung Quốc. Việt Nam đã lên tiếng phản đối các đập này để bảo vệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội cũng háo hức đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), trong khi Lào không quan tâm đến chủ đề này vì sợ làm mất lòng người chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc.

Hai phía cho biết kỳ Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt-Lào lần thứ chín sẽ được tổ chức ở Việt Nam.


Chiến Hạm Do Ấn Độ Tặng Đã Lên Đường Sang Việt Nam


(Hình: Chiến hạm INS Kirpan.)

-Vào ngày 28/6/2023, chiến hạm INS Kirpan mà Ấn Độ tặng cho Việt Nam đã rời Thành phố cảng Visakhapatnam ở miền Đông nước này lên đường sang Việt Nam.

Truyền thông Ấn Độ và thông tấn xã Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn nguồn từ Hải quân Ấn độ nêu rõ đây là chiến hạm đang trong biên chế hoạt động đầu tiên mà Tân Ðề Ly tặng cho một quốc gia khác; và quốc gia thụ hưởng là một lân bang của Trung Quốc nhìn ra Biển Đông.

Đây là vùng biển mà một số nước có tranh chấp chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc.

Trong thông cáo đưa ra, Hải quân Ấn Độ nêu rõ động thái tặng chiến hạm này phản ánh cam kết của Tân Ðề Ly giúp đỡ cho những đối tác có cùng quan điểm trong tăng cường năng lực và khả năng phòng thủ.

Chiến hạm INS Kirpan được chính Ấn Độ thiết kế và chế tạo trong nước. Nó được đưa vào biên chế của Hải quân nước này hồi năm 1991, với những trang thiết bị gồm phi đạn, súng tầm ngắn và tầm trung…

Thông báo tặng chiến hạm INS Kirpan của Ấn Độ cho Việt Nam được Bộ trưởng Quốc phòng Raksha Mantri Rajnath Singh đưa ra với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang trong chuyến thăm đến Tân Ðề Ly hôm 19/6 vừa qua.

Trước đây, Ấn Độ từng tặng tàu nhỏ và trang thiết bị quân sự cho những nước như Maldives, Mauritius; cũng như tặng một tàu ngầm cho Miến Ðiện.


Hải Quân Trung Quốc Và Việt Nam Tuần Tra Chung Tại Vịnh Bắc Bộ


(Hình: Cán bộ, thủy thủ Hải quân Việt Nam chào tàu bạn.)

-CGTN loan tin ngày 28/6/2023 - dẫn nguồn từ Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc - cho hay vào ngày 27/6, Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc tiến hành đợt tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ.

Đây là lần thứ 34 hải quân hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ kể từ khi ký kết thỏa thuận song phương về công tác này vào năm 2005.

Hoạt động trong ngày được cho biết gồm tuần tra chung, diễn tập cứu nạn-cấp cứu, thông tin liên lạc giữa hai phía….

Vừa qua từ ngày 11 đến 13/4/2023, Cảnh sát Biển Việt Nam và Cảnh sát Biển Trung Quốc tiến hành chuyến tuần tra phối hợp tại Vịnh Bắc Bộ. Đó là lần thứ sáu hoạt động tuần tra vùng biển hai phía đường phân định Vịnh Bắc bộ do Cảnh sát Biển Việt Nam và Cảnh sát Biển Trung Quốc phối hợp tổ chức sau khi Hiệp định Hợp tác Nghề cá giữa hai nước lân bang hết liệu lực từ ngày 30/6/2020.


CSVN Yêu Cầu Các Mạng Xã Hội Dùng AI Xóa Nội Dung 'Độc Hại'


(Hình: Facebook và YouTube là hai trang mạng xã hội được sử dụng nhiều ở Việt Nam.)

-Việt Nam đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động phát giác và xóa nội dung 'độc hại', yêu cầu mới nhất của chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt mạng xã hội, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 30/6/2023.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook, YouTube, Google và TikTok phối hợp với các cơ quan chức năng để dỡ bỏ các nội dung được coi là 'độc hại', chẳng hạn như mang tính xúc phạm, sai sự thật và chống nhà nước.

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành lệnh như vậy", Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đưa tin từ buổi tổng kết giữa năm của Bộ Thông tin-Truyền thông vốn chỉ cho một số tờ báo chọn lọc được tham dự

Bản tin của VTV không nêu chi tiết về thời điểm và cách thức để các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ yêu cầu mới

Trong nửa đầu năm nay, theo yêu cầu của chính phủ, Facebook đã xóa 2.549 bài đăng, cơ quan này cho biết. YouTube đã gỡ bỏ 6.101 video trong khi TikTok lấy xuống 415 liên kết, Bộ Thông tin cho biết.

Thông báo này được đưa ra trong lúc các nước Đông Nam Á đang soạn thảo các hướng dẫn quản lý và đạo đức cho trí tuệ nhân tạo vốn sẽ đưa ra những hành lang an toàn cho công nghệ đang bùng nổ này, Reuters trước đó đưa tin.

Việt Nam trong những năm gần đây đã ban hành một số quy định cùng với luật an ninh mạng nhắm vào các nền tảng mạng xã hội ngoại quốc trong nỗ lực chống thông tin sai lệch và buộc các hãng công nghệ ngoại quốc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước.

Việt Nam hồi tháng trước đã thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok ở trong nước và kết quả ban đầu cho thấy cho thấy TikTok có nhiều vi phạm 'khác nhau', Bộ Thông tin cho biết.

VTV đưa tin Bộ Thông tin cho biết tại sự kiện hôm 30/6 rằng hãng Netflix của Mỹ đã nộp các giấy tờ cần thiết để mở văn phòng tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét