Tổng thống Ukrainatuyên bố cần ‘‘vô hiệu hóa’’ cầu Crimée
Trong bài phát biểu trực tuyến tại một diễn đàn về an ninh, hôm qua 21/07/2023, tổng thống Ukraina khẳng định cầu Kerch bắc từ Nga qua bán đảo Crimée, cũng thường được gọi là ‘‘cầu Crimée’’, là một mục tiêu tấn công hợp pháp, bởi đây là cây cầu phục vụ cho cuộc xâm lăng của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhắc lại mục tiêu ‘‘thu hồi lại toàn bộ bán đảo Crimée’’, bị Nga sát nhập từ năm 2014.Trực thăng chữa cháy sau vụ nổ trên cầu nối đất Nga với bán đảo Crimée ngày 08/10/2022. A Trọng Thành
Theo Le Monde, phát biểu tại Aspen Security Forum, diễn đàn an ninh và chính trị quốc tế tổ chức hàng năm vào mùa hè tại Colorado (Hoa Kỳ), tổng thống Ukraina khẳng định: ‘‘Cầu Crimée không chỉ là một tuyến đường vận tải thông thường. Đây là con đường được sử dụng hàng ngày để cung cấp đạn dược phục vụ cho chiến tranh, và quân sự hóa bán đảo Crimée. Đây là một cơ sở mà kẻ thù xây dựng bất chấp luật pháp quốc tế, vì vậy rõ ràng đó có thể là một mục tiêu (tấn công)’’. Lãnh đạo Ukraina nhấn mạnh: ‘‘Mọi phương tiện phục vụ cho chiến tranh đều cần phải được vô hiệu hóa’’.
Cầu Crimée dài hơn 18 km, được khánh thành năm 2018, 4 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Cầu gồm hai phần, phần đường sắt và phần đường cho xe cộ. Cầu được thiết kế cho khoảng 40.000 xe qua lại mỗi ngày. Ngày 17/07 vừa qua, một dầm cầu đường bộ bị sập, sau một vụ tấn công bằng drone. Theo AFP, tình báo (SBU) và Hải quân Ukraina khẳng định đứng sau cuộc tấn công, theo một thông tin từ cơ quan tình báo Ukraina SBU.
Đây là lần thứ hai cầu Crimée bị tấn công. Cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 10/2022, bằng xe chứa thuốc nổ, đã khiến cả hai cầu đường bộ và đường sắt bị hư hại. Vào thời điểm đó, chính quyền Ukraina không chính thức thừa nhận là tác giả vụ tấn công. Nga phải mất nhiều tháng để khôi phục lại giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Bulgarie lần đầu tiên viện trợ xe bọc thép cho Ukraina
Khoảng một trăm xe bọc thép sẽ được Sophia viện trợ cho Kiev. Quốc Hội Bulgarie hôm qua, 21/07/2023, thông qua quyết định này với đa số áp đảo (148 phiếu thuận, 52 phiếu chống). Đây là các xe bọc thép chuyển quân BTR, do Liên Xô chế tạo, được Bulgarie mua từ những năm 1980, nhưng chưa bao giờ sử dụng.
Đảng Xã Hội đối lập (PSB), hậu thân của đảng Cộng Sản cầm quyền thời Chiến tranh Lạnh và đảng cực hữu thân Nga Vazrajdane, phản đối quyết định này. Đảng Vazrajdane gọi đây là một sự ‘‘phản bội’’ và ‘‘nỗi ô nhục’’.
Tổng thống Ukraina đã đến Sophia hồi đầu tháng 7/2023 để vận động chính quyền Bulgarie tăng tốc hỗ trợ vũ khí. Sau chuyến đi của ông Zelensky, chính phủ Bulgarie đã thông báo một gói viện trợ chưa từng có. Theo AFP, tại quốc gia thuộc khối cộng sản cũ này, việc cung cấp vũ khí cho Kiev gây chia rẽ trong xã hội. Chính quyền tiền nhiệm không muốn can dự vào cuộc xung đột tại Ukraina.
Nga tập trận bắn tên lửa chống hạm ở Biển Đen : LHQ báo động nguy cơ leo thang chiến tranh
Matxcơva thông báo huy động tên lửa chống hạm tập trận tại khu vực tây bắc Biển Đen và đe dọa mọi tàu bè cập cảng Ukraina trong vùng biển này, kể cả tàu dân sự. Phát biểu trước Hội Đồng Bảo An, hôm 21/07/2023, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ chiến tranh lan rộng vì một « sự cố quân sự ».
Cuộc tập trận tại Biển Đen hôm 21/07/2023. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp (Russian Defense Ministry Press Service via AP) AP
Thanh Hà
Theo AFP, phó tổng thư lý Liên Hiệp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, nhấn mạnh « đe dọa nhắm cả vào tàu dân sự ở Biển Đen là điều không thể chấp nhận được (…) bằng mọi giá cần tránh để xảy ra nguy cơ xung đột lan rộng vì đáp trả một sự cố quân sự ở Biển Đen, sự cố đó có thể do cố ý hay vô tình », bởi vì kịch bản chiến tranh leo thang sẽ là « một tai họa đối với tất cả chúng ta ». Lời lẽ cứng rắn này được đưa ra vào lúc bộ Quốc Phòng Nga thông báo bắt đầu tập trận tại Biển Đen và huy động « tên lửa chống hạm » trong các bài tập phá hủy một mục tiêu.
Thỏa thuận ngũ cốc Ukraina : Kiev trông cậy nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng chung quanh vùng biển này đã dấy lên từ đầu tuần khi Matxcơva tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina, rồi dọa xem tất cả các tàu bè cập các bến cảng Ukraina là những mục tiêu tiềm tàng, xem đó có thể là những tàu chở trang thiết bị quân sự. Để đáp trả, Kiev cũng đã đưa ra lời đe dọa « tương tự » nhắm vào tàu thuyền giao dịch với Nga ở Biển Đen.
Cũng liên quan đến hành lang ngũ cốc Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky tối 21/07 đã có cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Recep Tayyip Erdogan là người đỡ đầu thỏa thuận cho phép Ukraina xuất khẩu nông phẩm từ tháng 07/2022 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, tránh để nổ ra một cuộc khủng hoảng lương thực cho thế giới. Kiev cho biết đã kêu gọi Ankara « phối hợp nỗ lực để tiếp tục thực thi các điều khoản trong thỏa thuận ngũ cốc ».
Nga bắt giam cựu đại tá an ninh từng được điện Kremlin hậu thuẫn
Thêm một vụ việc cho thấy xung đột nội bộ chính quyền Nga thêm trầm trọng. Igor Girkin, cựu ‘‘bộ trưởng Quốc Phòng’’ nước Cộng hòa tự phong Donetsk ở miền đông Ukraina, được điện Kremlin hậu thuẫn, hôm qua 21/07/2023 đã bị tư pháp Nga bắt giam tại nhà riêng ở Matxcơva.
Igor Girkin, còn được gọi là Igor Strelkov, cựu đại tá an ninh Nga, 52 tuổi, nổi tiếng với quan điểm dân tộc cực đoan, bị cáo buộc phạm tội kích động các hành vi cực đoan, ngồi sau bức tường kính ở khu vực dành cho bị cáo, trước phiên tòa ở Matxcơva, Nga, ngày 21/07/2023. REUTERS - YULIA MOROZOVA
Trọng Thành
Theo AFP, viên cựu đại tá an ninh Nga, 52 tuổi, nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hôm thứ Ba 18/07, trong một thông điệp cuối cùng trên mạng Telegram, đã lên án ‘‘một kẻ tồi tệ’’ lãnh đạo nước Nga từ 23 năm nay, và hy vọng đất nước ‘‘sẽ không phải chịu đựng thêm 6 năm dưới quyền của phần tử hèn nhát này’’. Hành động lên án gần như trực tiếp nhắm vào tổng thống Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington, trong bản tin về Ukraina hôm qua, nhận định: ‘‘Vụ bắt giữ cựu sĩ quan an ninh Nga Igor Girkin có thể là một biểu hiện rõ ràng cho những thay đổi trong cán cân quyền lực giữa các phe phái ở điện Kremlin’’.
Thông tín viên Jean-Didier Revoin từ Matxcơva cho biết cụ thể :
‘‘Tháng 04 năm ngoái, Igor Girkin đã bị điều tra vì cáo buộc ‘‘làm mất uy tín của quân đội Nga’’.Từ hơn một năm nay, viên cựu đại tá an ninh Nga này đã chỉ trích rất dữ dội các chiến dịch quân sự ở Ukraina, và không bỏ lỡ cơ hội để chỉ ra sự kém cỏi của bộ Tổng Tham Mưu hoặc bộ trưởng Quốc Phòng Nga, hoặc thậm chí là những sai lầm chiến thuật của họ.
Các chỉ trích của Girkin đã từng được dung thứ, nhưng rõ ràng là giờ đây điều này không còn được phép.Người đàn ông có biệt danh là Strelkov, tức ‘‘xạ thủ’’ trong tiếng Nga, bị buộc tội theo chủ nghĩa cực đoan, sau khi một cựu thành viên của công ty lính đánh thuê Wagner đệ đơn kiện chống lại đương sự. Hiện tại, chi tiết về vụ này chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ này đã đặt ra một số câu hỏi về tình hình nước Nga, đặc biệt là về mối liên hệ có thể có giữa nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này và công ty lính đánh thuê Wagner,và thực chất của mối quan hệ này.
Như vậy là nhà cầm quyền Nga rút cục đã thổi còi chấm dứt trận đấu đối với ‘‘Strelkov’’.Xin nhắc lại là Igor Guirkinnằm trong số những người bị (một tòa án Hà Lan) kết án tù chung thân vắng mặt, vì vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời Ukraina hồi năm 2014, khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.’’
Vẫn theo Viện ISW, vụ bắt giữ nhân vật biệt danh ‘‘xạ thủ’’ này có thể là hệ quả của việc phe thân tổng thống Nga, đứng đầu là phó chánh văn phòng thứ nhất của phủ tổng thống Nga, ông SergeKiriyenko, đang giành lại quyền kiểm soát không gian thông tin trong nước, sau vụ ‘‘binh biến’’ bất thành của ông chủ công ty Wagner, Prigozhin. Cựu sĩ quan an ninh Girkin có khả năng đã nhận được hậu thuẫn của một thế lực trong bộ máy an ninh Nga (‘‘siloviki’’), sử dụng blogger này như một kênh tiết lộ thông tin nội bộ với các mạng xã hội do giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan Nga điều hành.
Đương kim phó chánh văn phòng SergeKiriyenko, nguyên thủ tướng Nga (từ tháng 03 đến tháng 08/1998), được coi là người đã bổ nhiệm ông Putin đứng đầu cơ quan an ninh Nga FSB tháng 07/1998. Theo France 24, Serge Kiriyenko là người đưa ra chính sách tổ chức ‘‘trưng cầu dân ý’’ nhằm sát nhập 4 tỉnh miền đông và miền nam của Ukraina hồi mùa thu 2022.
Mỹ - Úc và hơn một chục quốc gia tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre « lớn nhất từ trước tới nay »
Được tổ chức hai năm một lần, cuộc tập trận chung Mỹ - Úc, Talisman Sabre 2023, kéo dài trong hai tuần lễ (21-04/08). Năm nay được đánh giá là cuộc thao diễn « quy mô nhất » của Talisman Sabre từ khi bắt đầu được tổ chức năm 2005. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của hơn 30 ngàn lính đến từ hơn một chục quốc gia. Washington, Canberra cùng các đồng minh tăng cường hợp tác quân sự trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng lớn.
Bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, Carlos del Toro (G) họp báo cùng đồng nhiệm Quốc Phòng Úc, Richard Marles (P) khai mạc đợt tập trận Talisman Sabre, trên boong chiến hạm HMAS Canberra, cảng Sydney, hôm 21/07/2023. AP - Dan Himbrechts
Thanh Hà
Chương trình năm nay bao gồm nhiều bài tập trên bộ, trên không và trên biển. Úc và Hoa Kỳ cùng các đồng minh còn dự trù những bài tập đổ bộ. Hãng tin Reuters cho biết thêm bang Queensland ở đông bắc nước Úc là địa điểm chính diễn ra các cuộc tập trận trong hai tuần lễ sắp tới. Họp báo trong ngày đầu tiên của chiến dịch Talisman Sabre 2023, lãnh đạo Úc điều phối chiến dịch, tướng Greg Bilton, cho biết Canberra phát hiện « một tàu dọthám của Trung Quốc » đã túc trực sẵn ngoài khơi đông bắc nước Úc để quan sát tình hình.
Bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, Carlos del Toro, ngay hôm qua đã nhấn mạnh : « Thông điệp Trung Quốc cần rút ra từ cuộc tập trận này là Mỹ và các đối tác cực kỳ gắn bó với nhau vì những giá trị cốt lõi »giữa những quốc gia đó. Trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Richard Marles, nói tới cam kết của Canberra « hợp tác với các đối tác quốc tế để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực ».
Ngoài Mỹ và Úc, có thêm 11 quốc gia khác cũng tham dự chiến dịch Talisman Sabre, trong đó bao gồm Ấn Độ, Philippines, hay Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc ... Sự hiện diện của nhiều đảo quốc ở nam Thái Bình Dương như Fiji, Tonga hay New Papua Guinea cũng đáng ghi nhận. Châu Âu đã nhanh chóng hưởng ứng lời mời tham gia chiến dịch tăng cường an ninh trong vùng. Đức điều hơn 200 lính dù và lính thủy đánh bộ sang Úc Châu. Pháp gửi hai trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động trong vùng lãnh thổ hải ngoại Polynésie, huy động máy bay tiếp liệu đến nơi tập trận.
Đối thoại Ngoại Giao và Quốc Phòng : Pháp tăng cường hợp tác quân sự với Indonesia
Kết thúc cuộc họp 2+2 giữa Pháp và Indonesia ở cấp ngoại giao và quốc phòng trong 2 ngày 20 và 21/07/2023 tại Paris, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã nhấn mạnh hai nước quyết tâm « đẩy mạnh hợp tác về an ninh, quốc phòng vì lợi ích chủ quyền » của mỗi bên.
Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia, Prabowo Subianto, và ngoại trưởng Retno Marsudi, tại Điện Elysée, Paris, ngày 21/07/2023. AFP - BERTRAND GUAY
Thanh Hà
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh : Jakarta và Paris cùng « chia sẻ những giá trị về dân chủ, về một trật tự thế giới dựa trên pháp luật và quyền chủ quyền của mỗi quốc gia ». Indonesia là đối tác Đông Nam Á đầu tiên thiết lập đối thoại 2+2 với Pháp. Trong khi đó, chỉ sau có Nhật Bản và Úc, Pháp là đối tác thứ ba có hình thức đối thoại chặt chẽ này với nước đông dân nhất trong hiệp hội ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto đã đến dự đối thoại đầu tiên với hai đồng cấp Pháp là ngoại trưởng Catherine Colonna và bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu. Trong cuộc họp này, ông Lecornu nhấn mạnh đến hợp tác về quân sự với Indonesia, nhất là về vị trí chiến lược của quốc gia này trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp.
Từ trụ sở bộ Quốc Phòng, ở Paris, thông tín viên Nicolas Feldmann tường thuật :
« Hai bộ trưởng Indonesia đã được tiếp đón trọng thể với nghi thức quân đội trong khuôn viên của bộ Quốc Phòng Pháp. Paris đang tìm kiếm các đồng minh trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc và Indonesia có nhiều lợi thế. Đây là nước Đông Nam Á lớn nhất với tỷ lệ tăng trưởng hơn 5 % một năm, một quốc gia ổn định về mặt chính trị, và đương nhiên Indonesia chiếm vị trí then chốt xét về địa lý. Quốc gia này ở khu vực nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là giao điểm giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp giải thích cuộc họp sáng hôm 21/07/2023 là cơ hội để đôi bên sơ kết về tiến triển trong nhiều hồ sơ, trong đó có hợp đồng mua bán vũ khí đang trong vòng đàm phán. Jakarta dự trù trang bị 42 chiến đấu cơ Rafale, trị giá 8 tỷ đô la. Ngoài ra, Pháp và Indonesia cũng đã đề cập đến việc mở rộng hợp tác. Ông Sébastien Lecornu giải thích : « Đôi bên quyết định đẩy mạnh quan hệ song phương theo hai mục đích. Một là tăng cường các chương trình đào tạo chung nhằm củng cố an ninh trên không, trên biển và đây cũng là một trong những chủ đề mà chúng tôi phải đề cập đến. Điểm thứ nhì là các chương trình đào tạo, đặc biệt là trong việc sử dụng các trang thiết bị Pháp bán cho Indonesia ».
Indonesia, vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, giờ đây tìm cách đa dạng hóa các liên minh, và hướng về phương Tây. Vào lúc các bộ trưởng hai nước họp tại Paris, Indonesia cùng với 12 quốc gia khác, trong đó có Pháp, Mỹ, tiến hành các cuộc tập trận quy mô ngoài khơi nước Úc ».
Vụ báng bổ kinh Coran :Phản ứng của người dân Thụy Điển
Vụ một người Irak tị nạn tại Thụy Điển hôm thứ Năm 20/07/2023 giẫm đạp và xé một cuốn kinh Coran trước đại sứ quán Irak tại Stockholm đã khiến Thụy Điển vấp phải phản ứng gay gắt của nhiều nước Hồi Giáo, như Ả Rập Xê Út, Irak, Iran, Liban …
Người đàn ông Irak sống lưu vọng tại Thụy Điển, Salwan Momika, trước đại sứ quan Irak tại Stockholm, nơi anh ta đã giẫm lên và xé kinh Coran, ngày 20/07/2023. AP - Oscar Olsson
Thùy Dương
Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền Stockholm đã nổ ra ở Irak, Iran, Liban. Riêng Irak, không chỉ trục xuất đại sứ Thụy Điển sau vụ báng bổ kinh Coran, Bagdad còn dọa cắt đứt bang giao với Stockholm. Đại sứ quán Thụy Điển tại Irak cũng đã bị người biểu tình đốt phá hôm 20/05. Sáng nay 22/07, nhiều cuộc biểu tình cũng xảy ra gần đại sứ quán Thụy Điển tại Bagdad, cảnh sát đã phải giải tán đám đông.
Về phía người dân Thụy Điển, nhiều người sửng sốt những phản ứng dữ dội từ các nước Hồi Giáo. Một mặt, họ nhấn mạnh là hành vi báng bổ kinh Coran của người đàn ông Irak sống lưu vong ở Thụy Điển, Slawan Momika, không phản ánh quan điểm của đất nước họ, bởi người này còn không nói được tiếng Thụy Điển. Mặt khác, dù khẳng định tôn trọng mọi tôn giáo, nhưng người dân Thụy Điển cũng rất đề cao quyền tự do ngôn luận.
Từ Stockholm, thông tín viên Carlotta Morteo gửi về phải phóng sự :
« Đó là một trò hề ở rạp xiếc, một chương trình biểu diễn để được chú ý ». Có thể nói rằng đa phần người Thụy Điển không bày tỏ một chút thiện cảm nào đối với Slawan Momika, người đàn ông đã làm tên tuổi mình nổi bật bằng cách báng bổ kinh Coran.
Một người nói : « Tự do ngôn luận là rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ đốt một cuốn sách tôn giáo lại là một chuyện khác : đó là sự khiêu khích. »
Trên trang nhất của các tờ báo bày bán ở một cửa hiệu là những hình ảnh đại sứ quán Thụy Điển ở Irak bị người biểu tình đột nhập. Cô Julia, 22 tuổi, bàng hoàng nói : « Đa phần người Thụy Điển chúng tôi rất tốt. Thực sự là buồn khi ghét cả đất nước chỉ vì một người. Những phản ứng như vậy thật là đáng tiếc ».
Trong khi đó, người bạn của cô là Lucas, một sinh viên luật, hy vọng rằng những sự kiện này sẽ không khiến đất nước của họ phải siết chặt hơn quyền tự do ngôn luận. Anh nói : « Chúng tôi phải có quyền nói những điều làm tổn thương niềm tin của người khác. Chúng tôi là một quốc gia rất cởi mở, không phải một nước tôn giáo, chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề như thế này ».
Còn anh Sabbah, kỹ sư, người Hồi giáo, gốc Irak, đến Thụy Điển cùng với gia đình cách nay hơn 15 năm. Anh Sabbah lấy làm tiếc là người đàn ông đó đã làm hoen ố hình ảnh của Thụy Điển và của những người tị nạn. Anh chia sẻ : « Thụy Điển đã giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi biết ơn Thụy Điển. Tại sao lại gây chuyện như vậy ? Thế là không tốt. Điều đó rất có hại cho quan hệ ngoại giao, chúng ta phải giữ gìn các quan hệ đó. Người đàn ông này đang sử dụng luật pháp Thụy Điển để phục vụ mục đích cá nhân của anh ta ».
Giảm căng thẳng mà không đe dọa quyền báng bổ là một bài toán rất khó ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét