Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :31//7/2023 - NXDuc


Ukraina tuyên bố sẽ đàm phán hòa bình ở Ả Rập Xê Út
Cố vấn TT Ukraina, ông Andriy Yermak cho biết, Ả Rập Xê Út sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraina bao gồm phương Tây và một số nước đang phát triển. “Chúng tôi đang chuẩn bị cuộc họp tiếp theo với sự tham dự của các cố vấn lãnh đạo liên quan đến việc thực hiện Công thức Hòa bình của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, cuộc họp sẽ sớm diễn ra ở Ả Rập Xê Út”.
<!>
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky lần đầu nêu công thức hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, trong đó có việc Nga rút quân, chấm dứt chiến tranh và khôi phục biên giới của Ukraina với Nga, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng cho Ukraina

Trước đó, Tạp chí Phố Wall đã đưa tin về cuộc đàm phán này. Cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của Ukraina, các quốc gia phương Tây và các nước đang phát triển quan trọng như Ấn Độ và Brazil – nhưng Nga sẽ không tham gia.

Ông Yermak không cung cấp thời gian cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh, nhưng Tạp chí phố Wall đưa tin rằng cuộc họp sẽ diễn ra tại thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 8.

Ông Yermak nói rằng: “mỗi điểm của Công thức Hòa bình đang được thảo luận dưới hình thức cá nhân và tập thể với đại diện của hơn 50 quốc gia trên thế giới gần như hàng tuần”.

Cố vấn Yermak cho biết thêm, mục tiêu của các cuộc đàm phán là “đoàn kết thế giới xung quanh Ukraina”.

“Mục tiêu này rất rõ ràng: chúng tôi liên quan đến các nước phương Tây, phương Đông, phương Bắc và phương Nam”.

Hôm thứ Bảy ngày 29/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Matxcova chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraina. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, để bắt đầu tiến trình chấm dứt chiến tranh, cần có một thỏa thuận từ cả hai bên, nhưng rất khó để đạt được một thỏa thuận trong khi quân đội Ukraina đang tấn công.

Lao động Trung Á bị Matxcơva dùng làm bia đỡ đạn nơi chiến trường Ukraina


Theo báo L’Express của Pháp, gần 10 triệu công dân Trung Á đi lao động tại Nga đã biến thành mục tiêu của các nhà tuyển quân để bổ sung cho các đơn vị của Nga.

Tháng 9 năm ngoái, có những đoàn xe kéo dài hàng mấy chục cây số ở biên giới giữa Nga và Kazakhstan. Hàng nghìn người Nga chạy sang Trung Á để tránh bị động viên, và ngược lại, công dân các nước này sang Nga để kiếm việc làm.

Quý I năm nay, số lao động nhập cư vào Nga từ Uzbekistan, Tadjikistan, Kirghizstan và Kazakhstan là gần 2 triệu người. Từ 20 năm qua, những người Trung Á bán sức lao động giá rẻ đã đóng góp 8-10% GDP của Nga, đa số làm trong ngành xây dựng hoặc dịch vụ.

Theo nhà nghiên cứu Yan Matusevitch của City University, chỉ riêng năm 2022, thành phố Matxcơva đã thu được khoảng 30 tỷ rúp tiền thuế. Ở chiều ngược lại, kiều hối từ Nga chiếm 30% GDP của Tadjikistan và Kirghizstan trong năm ngoái.

Nhưng từ sau lệnh động viên của Nga, không ít người lao động Trung Á đã bỏ sang nước khác làm việc. Rất nhiều trong số họ đã trở thành nguồn cung cấp bia đỡ đạn lý tưởng cho Nga. Không thể biết được con số cụ thể, nhưng theo BBC, đến ngày 14/6 đã có 93 công dân Trung Á chết trên chiến trường Ukraina.

Bà Valentina Tchoupik, một luật sư chuyên về di dân hàng ngày nhận được 1.400 lời kêu gọi giúp đỡ của những người sắp phải vào lính, và đã hỗ trợ được 2.000 người từ đầu cuộc chiến. Bà cho biết, tại các trung tâm nhập cư, họ được đưa cho cả chồng giấy tờ để ký mà không được đọc trước, trong đó có hợp đồng tình nguyện nhập ngũ, rồi bị đưa đến đơn vị.

Nga cần các công nhân để xây dựng các thành phố sáp nhập từ Ukraina bị tàn phá. Họ được hứa trả công khoảng 70-80 nghìn rúp (tức quanh 800 đô la) một tháng. Một khi đến nơi, họ chỉ nhận được 1/3 tiền lương đã hứa, và khi kết thúc thời hạn họ bị cấm quay trở về đất Nga.

Các lao động này kẹt lại Ukraina với số tiền không thể xài được vì chuyển vào thẻ tín dụng Mir, chỉ có giá trị tại Nga. Các đại sứ quán liên quan không dám làm mất lòng Matxcơva, và sự sa lầy của Nga tại Ukraina khiến tình trạng của họ khó lòng được cải thiện.

Drone Ukraina lại tấn công thủ đô Nga và bán đảo Crimée


Ngày 30/07/2023, Nga thông báo đã phá vỡ hai vụ tấn công bằng drone, được cho là do Ukraina tiến hành, một vụ nhắm vào thủ đô Matxcơva, vụ thứ hai nhắm vào bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập từ năm 2014. Cả hai vụ không gây tử vong. Sân bay quốc tế ở Matxcơva bị đóng cửa trong một thời gian ngắn.

Thông tín viên RFI Didier Revoin tại Matxcơva tường trình:

« Theo chính quyền Nga, ba chiếc drone đã bị vô hiệu hóa trong đêm, vào khoảng 3 giờ sáng, ở Matxcơva. Một trong những thiết bị này đã bị bắn hạ ở vùng Matxcơva, hai chiếc khác đã bị vô hiệu hóa và rơi xuống khu vực Moscou City - trung tâm kinh doanh của thành phố, nơi cũng có nhiều cơ sở của chính phủ.

Chính quyền cho biết đây là vụ tấn công bằng drone lần thứ ba trong tuần. Ngày 24/07, nhiều chiếc drone đã tấn công hai tòa nhà không phải chung cư ở thủ đô. Bốn ngày sau, ngày 28/07, đô trưởng Matxcơva Sergey Sobyanin cho biết một vụ tấn công khác đã bị đẩy lùi.

Vẫn theo đô trưởng Matxcơva, vụ tấn công đêm qua chỉ gây thiệt hại vật chất, không có người bị thương. Vụ tấn công nhắm vào khu kinh doanh Moscou City của thành phố, nhất là nhắm vào nhiều tòa nhà cao tầng bằng kính, nơi cũng đặt ăng-ten của nhiều bộ như bộ Tài Chính, bộ Phát Triển Kinh Tế và bộ Công Thương.

Vẫn theo chính quyền thành phố, các drone này khi bị ngăn chặn và khi rơi xuống, đã gây hư hại cho mặt tiền của hai tòa tháp trong khu kinh doanh. Thành phố cũng cho biết là không có nạn nhân hay người bị thương, nhưng hãng tin TASS thì đưa tin một nhân viên bảo vệ dường như bị thương. Cuối cùng, vụ tấn công đã khiến sân bay Vnoukovo, ở phía tây thủ đô, bị đóng cửa tạm thời. Các chuyến bay được điều hướng đến một số sân bay khác ».

Bán đảo Crimée, ở miền nam Ukraina, bị Nga sáp nhập cũng bị 25 drone Ukraina tấn công sáng 30/07 nhưng không gây thương vong. Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga khẳng định « 16 chiếc drone Ukraina đã bị hệ thống phòng không phá hủy, 9 chiếc drone khác đã bị các phương tiện tác chiến điện tử vô hiệu hóa và rơi xuống Biển Đen ».

Hai vụ mới nhất này nằm trong loạt tấn công bằng drone vào một số vùng lãnh thổ Nga và Matxcơva cáo buộc Ukraina tiến hành. Hoạt động của sân bay Vnoukovo từng bị xáo trộn vào đầu tháng 07 sau khi 5 drone Ukraina bị bắn hạ.

Nga tiếp tục oanh kích nhiều thành phố Ukraina

Trên chiến trường Ukraina, một cơ sở giáo dục ở thành phố Sumy nằm gần biên giới Nga bị trúng một tên lửa Nga tối 29/07, khiến ít nhất một người thiệt mạng và 5 người bị thương. Theo AFP, trước đó, vào cùng ngày, hai người Ukraina đã bị thiệt mạng ở thành phố miền nam Zaporijjiado bị quân Nga oanh kích.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đến động viên quân nhân gần chiến tuyến trong vùng Bakhmut ở miền đông. Đây là một trong những điểm quan trọng trong đợt phản công hiện nay của Ukraina. Trên mạng Telegram ngày 29/07, ông Zelensky giải thích không có quyền tiết lộ những chiến dịch hiện tại nhưng ông ca ngợi lực lượng đặc biệt đang làm nhiệm vụ « thực sự anh hùng ».

Ba Lan, Litva lo ngại lính Wagner trà trộn vào di dân thâm nhập lãnh thổ


Ba Lan và Litva tính đến khả năng đóng cửa biên giới với Belarus trong trường hợp bị lực lượng Wagner khiêu khích đe dọa. Cả hai nước đã nhiều lần cảnh báo các đồng minh NATO về việc lính đánh thuê Wagner có thể trà trộn giả làm người xin tị nạn nhằm vượt biên giới giữa Belarus và Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 28/07/2023, Ba Lan và Litva lại nhấn mạnh đến khả năng « các nhóm di dân bất hợp pháp được điều đến nhằm mục đích gây hỗn loạn » ở biên giới.

Thông tín viên RFI Martin Chabal tại Vacxava cho biết Ba Lan theo dõi « nhất cử nhất động » của Wagner bên phía Belarus :

« Khoảng 100 lính Wagner dường như đã tiến gần đến biên giới Ba Lan-Litva, ở phía tây bắc Belarus, theo Trung Tâm Kháng Chiến Quốc Gia Ukraina. Điều này khiến thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lo ngại. Ông sợ là nhóm người vũ trang này tham gia vào các chiến dịch hỗn hợp để gây bất ổn đất nước. Ông đã theo dõi sát sao mọi chuyển động của Wagner nhưng khi họ đến gần biên giới thì lo ngại trở nên cụ thể hơn.

Ông Mateusz Morawiecki sợ là lực lượng này giúp người tị nạn thâm nhập bất hợp pháp vào Ba Lan chẳng hạn, thậm chí là cải trang thành di dân để vào Ba Lan mà không bị phát hiện. Vì vậy, chính quyền Vacxava có lẽ sẽ suy nghĩ về việc đóng cửa biên giới với Belarus.

Hơn nữa, khu vực biên giới này là một vùng nhạy cảm kể từ khi Nga xung đột với các lực lượng của NATO. Các chuyên gia về chiến lược quân sự thường xuyên nhấn mạnh đến vùng này, mà họ gọi là « hành lang Suwałki ». Đây là một hành lang dài, tưởng tượng, nối từ vùng Kaliningrad của Nga đến Belarus và có thể được điện Kremlin quan tâm để cô lập các nước Baltic.

Nhưng hiện giờ, thủ tướng Ba Lan chú ý hơn hết đến làn sóng di dân ở biên giới, có thể căng thẳng trở lại do được Wagner hỗ trợ. Thêm một vấn đề vào tình hình đã rất nhạy cảm trong khi chỉ còn vài tháng là đến kỳ bầu cử ở Ba Lan. Đảng của thủ tướng hiện nay hy vọng tiếp tục nắm quyền ».

AFP nhắc lại là từ hai năm qua, Ba Lan và Litva đã xây hàng rào dọc đường biên giới của hai nước này với Belarus và Nga, đồng thời cáo buộc Matxcơva và Minsk khuyến khích người nhập cư muốn vào Liên Âu thử vận may.

Hoa Kỳ săn lùng các phần mềm độc hại Trung Quốc cài vào hạ tầng an ninh Mỹ
 

Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/07/2023, các quan chức Hoa Kỳ đang truy lùng các phần mềm độc hại của Trung Quốc, tức là các mã độc bị tình nghi là đã được cài trong các hạ tầng an ninh quan trọng, âm mưu làm gián đoạn các hoạt động liên lạc, và tiếp ứng quân sự của Hoa Kỳ trong trường hợp xung đột xảy ra, ví dụ như trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình :

« Cuộc săn lùng đã diễn ra từ nhiều tháng qua. Quân đội, tình báo, an ninh quốc gia, tất cả các cơ quan đều đang tìm kiếm phần mềm gián điệp.

Theo The New York Times, ban đầu, các báo cáo chỉ ra có lỗ hổng thông tin, bắt đầu được loan truyền từ tháng Năm vừa qua, nhưng trên thực tế, tình trạng này đã kéo dài hơn một năm. Nhật báo Mỹ trích dẫn các nguồn tin từ quân đội, chỉ ra rằng lỗ hổng này đáng lo ngại hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Chương trình độc hại có thể được đặt ở bên trong một mạng lưới chiến lược, quản lý hạ tầng của quân đội Hoa Kỳ. Một khi được kích hoạt, nhất là trong trường hợp xung đột, chương trình này có thể làm rối loạn mạng lưới điện, nước uống và nhất là mạng lưới liên lạc. Điều này có thể làm gián đoạn các hoạt động của quân đội và chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ. The New York Times nhận định rằng như vậy thì chẳng khác nào « một quả bom nổ chậm. »

Hiện tại, Washington vẫn chưa rõ quy mô của lỗ hổng thông tin (do mã độc của Trung Quốc), nhưng bảo đảm rằng không ảnh hưởng đến hệ thống bảo mật. Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng. Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã khá căng thẳng. »

Bộ trưởng Kinh Tế Phápkhẳng định ý muốn “tiếp cận” Trung Quốc tốt hơn


Nhân chuyến công du Trung Quốc, bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp Bruno Le Maire đã tiếp xúc với giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh. Phát biểu vào hôm nay, 30/07/2023, ông Le Maire khẳng định rằng Pháp không hề muốn “tách rời” khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà chỉ muốn tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và có mối quan hệ thương mại “cân bằng” hơn.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, một hôm sau cuộc đàm phán thương mại mà ông gọi là "mang tính xây dựng" với phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) bộ trưởng Kinh Tế Pháp xác định: “Chúng tôi không muốn đối mặt với một số rào cản pháp lý hoặc một số rào cản khác khi tiếp cận thị trường Trung Quốc…Đó tất nhiên là cốt lõi trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếp cận tốt hơn và cân bằng hơn với thị trường Trung Quốc.”

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Pháp đã nhắc lại rằng Pháp không hề muốn “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, một quan điểm chung của Liên Hiệp Châu Âu.

Các quan chức châu Âu đã nhiều lần nói rằng họ không muốn “tách rời” hay “đoạn tuyệt” với kinh tế Trung Quốc – từ tiếng Anh là “decouplinh”, mà chỉ muốn “giảm thiểu rủi ro” (tiếng Anh là “derisking”) trước cái mà Nhóm G7 gọi là hành vi “ép buộc kinh tế” của Trung Quốc.

Theo ông Le Maire: “Giảm thiểu rủi ro không có nghĩa là Trung Quốc là một rủi ro. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn độc lập hơn và chúng tôi không muốn đối mặt với bất kỳ rủi ro nào trong chuỗi cung ứng của mình nếu có một cuộc khủng hoảng mới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Covid với sự sụp đổ hoàn toàn của một số chuỗi giá trị.”

Theo ghi nhận của Reuters, trong cuộc họp hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết là Bắc Kinh hy vọng Paris có thể giúp hạ nhiệt trong quan hệ EU-Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pháp trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, nhưng các công ty Pháp ngày càng lo ngại rằng họ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, hai siêu cường kinh tế của thế giới.

Khi được hỏi về lo ngại của một số nhà sản xuất ô tô châu Âu rằng xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường châu Âu, ông Le Maire cho biết Pháp có kế hoạch riêng và đang hợp tác với châu Âu để tập trung tốt hơn các khoản trợ giá cho xe điện tại Pháp và châu Âu nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Pháp đồng thời khuyến khích giới đầu tư Trung Quốc: “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô ở Pháp và châu Âu”. Đối với ông, sẽ là “một điều rất tốt” khi các công ty Trung Quốc đầu tư và phát triển ở châu Âu.

Bí ẩn cái chết của phó tư lệnh Lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc


Ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), phó tư lệnh Lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc
Gần đây có rất nhiều tin tức tiêu cực về các tướng lĩnh của Lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc. Mới đây nhất, trên mạng có tin đồn rằng ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), phó tư lệnh Lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc, đã tự sát.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, ông Ngô Quốc Hoa chết ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 7 ‘vì bạo bệnh’.

Tin tức nhanh chóng xuất hiện trong các tìm kiếm nóng trên Internet của Trung Quốc, nhưng chúng nhanh chóng bị xóa khỏi danh sách tìm kiếm nóng. Các bài báo liên quan từ nhiều phương tiện truyền thông cũng bị xóa, cho thấy chính quyền đang cố tình ém nhẹm tin tức.

Ngày 27/7, một cáo phó do văn phòng tang lễ của ông Ngô Quốc Hoa đưa ra vào ngày 25/7 đã được lan truyền trên Twitter, nói rằng ông qua đời ở tuổi 66.

Theo nguyện vọng của gia đình, tang lễ sẽ được tổ chức đơn giản. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào sáng ngày 30/7 tại Nhà tang lễ Bát Bảo Sơn (Babaoshan).

Tin tức ông Ngô Quốc Hoa chết được một số phương tiện truyền thông Trung Quốc liên tục chuyển tiếp và lan rộng. Tuy nhiên, sau đó các trang web khác đã xóa các bài báo..

Cái chết của một trung tướng phó tư lệnh không phải là chuyện bình thường, mà lại bị ém nhẹm như vậy.

Theo thông tin công khai, từ năm 1995, ông Ngô Quốc hoa liên tiếp giữ nhiều chức vụ quan trọng như: nguyên cục trưởng Cục 3 Bộ Tổng tham mưu; năm 2010, ông được thăng quân hàm Phó Tư lệnh Quân đoàn Pháo binh 2; tháng 7/2012, ông được thăng quân hàm trung tướng. Sau khi thành lập Lực lượng hỏa tiễn, ông giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn hỏa tiễn Trung Quốc.

Truyền thông Hong Kong đưa tin ông Ngô Quốc Hoa qua đời vì xuất huyết não đột ngột sau nỗ lực cấp cứu bất thành.

Tuy nhiên, có tin đồn được lan truyền rằng ông Ngô đã treo cổ tự tử, điều này có liên quan đến Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), chỉ huy của Lực lượng hỏa tiễn, người đã bị bắt đi để điều tra.

Vào ngày 29/6, cựu Trung tá Diêu Thành (Yao Cheng) của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã thông báo trên Twitter rằng chỉ huy Lực lượng hỏa tiễn Lý Ngọc Siêu đã bị đưa đi khỏi văn phòng vào sáng ngày 27/6, có thể liên quan đến việc phản bội cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc.. Từ tháng 3 đến nay, Lực lượng hỏa tiễn đã mất 3 tư lệnh, 2 phó tư lệnh và một số sĩ quan cấp quân chủng, cấp sư đoàn.

Đảo chính ở Niger: Liên Âu ngừng viện trợ, các nước Tây Phi chuẩn bị trừng phạt


Bốn ngày sau cuộc đảo chính của quân đội Niger, lật đổ chính quyền của tổng thống Mohamed Bazoum, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu hôm 29/07/2023 tuyên bố ngừng viện trợ cho Niger. Liên Hiệp Châu Phi (AU )cũng đưa ra tối hậu thư 15 ngày cho quân đội nước này, để khôi phục trật tự Hiến Pháp.

Theo AFP, Pháp đã viện trợ 120 triệu euro cho Niger và có thể sẽ hỗ trợ nhiều hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính do tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo, trong một thông cáo hôm qua, bộ Ngoại Giao Pháp đã tuyên bố đình chỉ « tất cả các hỗ trợ tài chính và viện trợ phát triển » tại nước châu Phi này, yêu cầu lập lại trật tự, đưa tổng thống được người Niger bầu ra quay trở lại vị trí lãnh đạo.

Niger cũng là một trong những đối tác ưu tiên của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Sahel. Hôm qua, Bruxelles cũng đã tuyên bố không công nhận chính quyền của quân đội Tchiani và thông báo tạm ngừng tất cả các hợp tác trong lĩnh vực an ninh với nước này. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laure Broulard giải thích thêm :

« Sự hợp tác an ninh giữa Liên Hiệp châu Âu và Niger trước tiên là qua chươngtrình EUCAP Sahel Niger, một nhiệm vụ dân sự được triển khai từ năm 2012 để hỗ trợ lực lượng an ninh Niger. Hơn 120 nhân viên châu Âu đã được điều đến để hỗ trợ. Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao châu Âu cho rằng « trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động đào tạo, tư vấn đều bị đình chỉ, trong khi chờ đợi tình hình trở nên rõ ràng hơn. »

Vào đầu năm nay, Bruxelles đã tăng cường hỗ trợ Niger qua việc triển khai một chương trình hợp tác quân sự, trong thời gian ban đầu là 3 năm, với tên gọi EUMPM. Mục đích là tăng cường năng lực của quân đội Niger trước nguy cơ khủng bố. Chương trình vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, sự hiện diện trên thực địa còn hạn chế. Một nguồn ngoại giao cho biết các dự án đã được dự trù thực hiện, nhưng vẫn chưa bắt đầu. Song song với các nhiệm vụ này, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã hỗ trợ 40 triệu euro cho Niger, trong khuôn khổ kế hoạch ‘Facilité européenne pour la paix’ : hỗ trợ của châu Âu cho hòa bình. Các thiết bị vũ khí không có tính sát thương, dự trù được gửi đến cho lực lượng vũ trang Niger, vẫn chưa được gửi đi. (Với cuộc đảo chính của quân đội), việc chuyển giao các thiết bị này cũng sẽ bị ngừng.

Hôm nay, theo AFP, Cộng Đồng Kinh Tế các nước Tây Phi – Cédéao - tổ chức cuộc họp « đặc biệt » tại Abuja, để đánh giá tình hình ở Niger sau vụ đảo chính của quân đội và có khả năng đưa ra các trừng phạt đối với nước thành viên này. Vào tối hôm qua, quân đội Niger đã tố cáo rằng cuộc họp mang tính « khu vực » này chẳng khác nào là « xác nhận lên kế hoạch xâm lược Niger », đồng thời nêu ra đe dọa về một cuộc can thiệp quân sự sắp xảy ra ở Niamey.

Hôm nay, theo lời kêu gọi của quân đội Niger, lên nắm quyền sau khi lật đổ chính phủ dân sự, hàng ngàn người đã biểu tình, phản đối hành động của « nước ngoài » bị cho là can thiệp vào nội bộ Niger. Nhiều người biểu tình đã đến trước sứ quán Pháp tại Niger và xô xát đã xẩy ra.Một số người biểu tình cố đột nhập vào trong sứ quán, gỡ bỏ biển ghi chữ Sứ Quán Pháp tại Niger, treo cờ Niger và cờ Nga. Ngay trong ngày điện Elysée đã lên án hành động bạo lực và tuyên bố sẽ đáp trả "ngay lập tức và cứng rắn" trong trường hợp công dân Pháp bị tấn công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét