Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 31/07/2023 - Long Đỗ


TT Ukraina tuyên bố : Chiến tranh lan sang đất Nga là ‘‘chuyện dĩ nhiên và lẽ công bằng’’ Trong một thông báo hàng ngày với truyền thông, hôm qua 30/07/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định ‘‘chiến tranh sẽ dần dần trở lại đất Nga’’.Drone Ukraina rớt xuống Moscou City - trung tâm kinh doanh ở thủ đô Matxcơva, nơi có nhiều cơ sở của chính phủ Nga, ngày 30/07/2023. AP Trọng Thành Trên Twitter, tổng thống Zelensky nhận định, vào ngày thứ 522 kể từ khi Nga tiến hành xâm lăng, Ukraina đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Nguyên thủ Ukraina nhấn mạnh rằng ‘‘các cơ sở quân sự, các địa điểm trung tâm mang tính biểu tượng của Nga’’ sẽ bị tấn công, và đây là một tiến trình ‘‘không thể tránh khỏi, là chuyện dĩ nhiên và hoàn toàn công bằng’’. 
<!>
Cũng trong thông điệp nói trên, tổng thống Ukraina nhắc nhở người dân Ukraina chuẩn bị đối mặt với ‘‘các cuộc tấn công mới của các lực lượng khủng bố Nga nhắm vào lĩnh vực năng lượng và các cơ sở hạ tầng nhạy cảm khác của đất nước trong mùa đông này’’.

Tuyên bố của tổng thống Ukraina được đưa ra ngay sau khi Matxcơva thông báo đã ngăn chặn được 2 vụ tấn công bằng drone, được cho là do Ukraina tiến hành, một vụ nhắm vào thủ đô Matxcơva, vụ thứ hai nhắm vào bán đảo Crimée của Ukraina bị Nga sáp nhập từ năm 2014. Theo chính quyền Nga, trong tuần lễ vừa qua, đã có 3 đợt tấn công bằng drone nhắm vào Matxcơva.

Ngoài ra, theo AFP, trong đêm hôm qua, một drone của Ukraina đã oanh kích một trụ sở cảnh sát Nga tại tỉnh biên giới Briansk, giáp với vùng đông bắc Ukraina. Tỉnh trưởng Nga cho biết không có nạn nhân nào trong vụ tấn công này.

Nga lại đe dùng hạt nhân, nếu cuộc phản công của Ukraina thắng lợi
Theo Reuters, Matxcơva một lần nữa đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Hôm qua, 30/07/2023, cựu tổng thống Nga, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Dmitry Medvedev, khẳng định điện Kremlin ‘‘có thể sẽ phải dùng vũ khí hạt nhân nếu cuộc phản công của Ukraina thành công’’, ‘‘đơn giản là sẽ không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, kẻ thù của chúng ta nên cầu nguyện cho (thành công của) các chiến binh của chúng ta. Như vậy họ sẽ được bảo đảm rằng ngọn lửa chiến tranh hạt nhân toàn cầu không bùng lên’’.

Ông Medvdev đã nhiều lần đe dọa dùng hạt nhân. Trước đây, Medvedev cũng đã nhiều lần bị chỉ trích có những tuyên bố đe dọa hạt nhân nhằm ngăn cản phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

Giáo Hoàng kêu gọi Nga trở lại với « Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen »

Hôm qua, 30/07/2023, người đứng đầu đạo Công giáo, kêu gọi Matxcơva khôi phục « Thỏa thuận ngũ cốc tại Biển Đen », tránh để nạn đói đe dọa sinh mệnh hàng chục triệu người. Về phần mình, tổng thống Ukraina khẳng định phát biểu của giáo hoàng Phanxicô là một kêu gọi « vô cùng quan trọng ».


Ảnh tư liệu: Một tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ cảng Odessa của Ukraina chờ bốc hàng hôm 29/07/2022. AP - David Goldman
Trọng Thành
Theo báo Pháp Le Figaro, trước hàng ngàn tín đồ, khách hành hương, tập hợp tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: « Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho nước Ukraina tử đạo, nơi mà chiến tranh phá hủy mọi thứ, kể cả lúa mì. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với Thiên Chúa, bởi lúa mì là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại, tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang phải chịu đói thấu đến Thiên Chúa. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, chính quyền Liên bang Nga, hãy khôi phục Sáng kiến Biển Đen và để lúa mì có thể được vận chuyển an toàn. »

Trong một thông điệp sau đó trên các mạng xã hội, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky,nhấn mạnh, « phản ứng của các lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới chốnng lại sự tàn bạo của các tên lửa Nga, chống lại việc phá hủy các sản phẩm nông nghiệp Ukraina là hết sức quan trọng để bảo vệ toàn thế giới ». Ông Zelensly cam kết « Ukraina sẽ bảo đảm an toàn lương thực thế giới, đặc biệt cho nhân dân các nước châu Phi và châu Á… và điều chủ yếu là phải ngăn chặn bàn tay hủy diệt của Nga, và áp dụng đầy đủ Kế hoạch Hòa bình ». Trong Kế hoạch Hòa bình 10 điểm Kiev đưa ra vào tháng 11/2022 tại hội nghị G20, có điều khoản Nga phải rút toàn bộ quân khỏi Ukraina.

Trước đó, tại thượng đỉnh Nga – Châu Phi ở Saint Petersburg, tổng thống Nga Vladimir Putin hứa cấp miễn phí 50.000 tấn ngũ cốc cho một số nước châu Phi. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm 27/07/2023 nhận định : vài chục nghìn tấn ngũ cốc mà tổng thống Nga hứa tặng chỉ là « hỗ trợ nhỏ », không thể bù đắp tác động khủng khiếp từ việc Nga rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina.

Đảo chính tại Niger : Cộng Đồng Kinh tế Tây Phi ra tối hậu thư đe dọa can thiệp quân sự

Hôm qua, 30/07/2023, Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi – Cédéao, bao gồm 15 thành viên, trong đó có Niger, sau cuộc họp đặc biệt tại Nigeria,đã đưa ra tối hậu thư cho quân đội đảo chính ở Niger, yêu cầu lập lại trật tự hiến định trong vòng một tuần, trả tự do ngay lập tức cho tổng thống Mohamed Bazoum và khẳng định có thể can thiệp quân sự nếu cần.


Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Tây Phi khác sau cuộc gặp ở Abuja Nigeria, Chủ Nhật, 30/07/2023. AP - Chinedu Asadu
Chi Phương
Thông tín viên RFI tại khu vực Tây Phi Serge Daniel giải thích thêm :

« Chính tổng thống Nigeria Bola Tinubu, trong vai trò chủ tịch Hội đồng Kinh Tế các nước Tây Phi, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, đã nhấn mạnh : « Nếu trong vòng một tuần nữa, các định chế ở Niger không được lập lại, thì một trong những lựa chọn của Cédéao có thể là can thiệp quân sự. Tại sao tổ chức này lại có phản ứng cứng rắn và có thể cực đoan, đối với nhóm quân sự đảo chính ở Niger mà không có thái độ tương tự đối với trường hợp ở Guinée, Mali, Burkina Faso, là những nước cũng do quân đội lãnh đạo ?

Một nhà ngoại giao Ghana trả lời : « Đó là vấn đề khả tín. Nếu chúng tôi bỏ qua cuộc đảo chính này, thì nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm hơn và Cooédéo chỉ còn là một định chế nào đó ».

Một nhân vật khác thuộc tổ chức này giải thích rằng « ngay khi thượng đỉnh cuối cùng của Cédéao kết thúc tại Bissau, các chuyên gia đã làm việc về việc thành lập một lực lượng dự phòng tiểu khu vực. Dự án này gần như đã hoàn thành ».

Tại Abuja, theo nguồn tin của chúng tôi, nhiều quốc gia đã thông báo sẵn sàng cung cấp lực lượng quân sự nếu cần thiết. Một nhà ngoại giao Nigeria còn nói rõ hơn : « Về phần mình, một số lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng, ở cách biên giới với Niger không xa, để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự ».

Cédéao cũng quyết định đình chỉ tất các các giao dịch thương mại, tài chính giữa các nước thành viên với Niger, đóng băng tài sản của các quan chức quân sự tham gia vào cuộc đảo chính do tướng Abdourahamane Tchiani lãnh đạo.

Theo AFP, nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nga đã lên án cuộc đảo chính. Hôm nay, theo AFP, Hoa Kỳ và Liên Âu ủng hộ quyết định của Cedeao. Cũng giống Pháp, sáng nay, Đức quyết định đình chỉ viện trợ phát triển cho Niger.

Mặc dù có nguồn uranium dồi dào, với khoảng 20 triệu dân, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Biển Đông : Liên Âu tăng cường hợp tác với Philippines về an ninh hàng hải

Trong chuyến công du Philippines hôm nay, 31/07/2023, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, khẳng định sẵn sàng hợp tác với Manila để bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công du Philippines kể từ hơn nửa thế kỷ nay.


Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trong cuộc họp báo chung tại dinh tổng thống Malancanang, Manila, Philippines, ngày 31/07/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Thành
Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết cụ thể là Liên Âu có thể hợp tác với Philippines về ‘‘chia sẻ thông tin, tiến hành đánh giá các đe dọa và xây dựng năng lực cho lực lượng tuần duyên’’ của quốc gia Đông Nam Á này.

Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu cũng tái khẳng định ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, năm 2016, xử thắng cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông. Bà von der Leyen nhấn mạnh: ‘‘Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực có tính ràng buộc pháp lý, tạo cơ sở để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình’’. Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của Tòa.

Về phần mình, tổng thống Marcos khẳng định: Philippines và Liên Âu là ‘‘hai đối tác có cùng chí hướng’’, ‘‘chia sẻ các giá trị chung về dân chủ, thịnh vượng bền vững và toàn diện, pháp quyền, hòa bình và ổn định cũng như nhân quyền".

Hiệp định thương mại: Liên Âu tái khởi động đàm phán với Manila

Cũng trong buổi làm việc hôm nay, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về việc tái khởi động các đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA), vốn bị đình trệ từ năm 2017. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hy vọng hiệp định thương mại này sẽ cho phép Liên Âu và Philippines bước sang một ‘‘kỷ nguyên hợp tác mới’’.

Liên Âu là đối tác thương mại lớn thứ tư của Philippines, và nếu FTA được ký kết, thì đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do song phương thứ hai của Manila, sau Nhật Bản.

Bà Von der Leyen cũng cho biết Liên Âu sẽ hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo AFP, Liên Âu sẽ giúp Manila 466 triệu euro để thúc đẩy ‘‘năng lượng xanh’’ và tái chế nhựa, cũng như cung cấp dữ liệu vệ tinh để giúp nước này đối phó tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khí hậu là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Marcos. Lãnh đạo Philippines chủ trương nâng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của đất nước lên 35% vào năm 2030.

Bộ trưởng Quốc Phòng Ý: Tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc là một quyết định “tồi tệ”

Ý đã đưa ra một quyết định “ngẫu hứng và tồi tệ” khi tham gia Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường (tên tắt tiếng Anh là BRI) của Trung Quốc cách đây 4 năm, cụ thể là vào năm 2019. Trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 30/07/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Ý Guido Crosetto đã có nhận xét như trên.


Ảnh minh họa) - Các container hàng tại cảng Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ngày 19/02/2021. AP
Trọng Nghĩa
Phát biểu trên báo Corriere della Sera, ông Guido Crossetto giải thích: “Quyết định tham gia Con Đường Tơ Lụa (Mới) là một hành động ngẫu hứng và tồi tệ” vì đã giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu sang Ý, nhưng lại không có tác động tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc.

Theo vị bộ trưởng nặng ký trong chính quyền Ý hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để rút ra khỏi thỏa thuận đã ký mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh vì “Trung Quốc quả thực là một đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là một đối tác”.

Ý đã ký kết thỏa thuận tham gia sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc vào năm 2019 dưới thời chính phủ tiền nhiệm của thủ tướng Giuseppe Conte, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây tham gia dự án của Bắc Kinh, bất chấp việc kế hoạch này luôn bị coi là công cụ công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.


Tuy nhiên, ngay từ trước khi lên cầm quyền tại Roma sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 09/2022, bà Giorgia Meloni đã không che giấu ý muốn rút nước Ý ra khỏi sáng kiến của Trung Quốc.


Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 27/07 vừa qua, thủ tướng Ý Meloni cho biết chính phủ vẫn đang cân nhắc về BRI và “sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12” tới đây.

Khi để Ý tham gia sáng kiến của Trung Quốc vào năm 2019, thủ tướng lúc bấy giờ, Giuseppe Conte, hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế kém hiệu quả của Ý.

Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong 4 năm qua, thỏa thuận này đã không mang lại lợi ích mong muốn, với xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng nhẹ, đạt tổng cộng 16,4 tỷ euro vào năm 2022 so với 13 tỷ euro vào năm 2019. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc vào Ý đã tăng vọt từ 31,7 tỷ năm 2019, lên thành 57,5 tỷ năm 2022. Không những thế, vào năm ngoái, hai đối tác thương mại chính của Ý trong khu vực đồng euro là Pháp và Đức đã xuất khẩu nhiều hơn đáng kể sang Trung Quốc, mặc dù không nằm trong dự án BRI.

Trên nguyên tắc, thỏa thuân Ý-Trung Quốc về Con Đường Tơ Lụa Mới sẽ hết hạn vào tháng 03/2024 và sẽ tự động được triển hạn trừ phi một trong hai bên thông báo quyết định rút lui.

Nga củng cố lực lượng Hải Quân, bổ sung thêm 30 tàu chiến các loại

Hôm qua, nhân Ngày Hải Quân Nga, 30/07/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến dự lễ duyệt binh, tại Saint Petersburg, phô trương lực lượng Hải Quân. Nguyên thủ Nga cũng thông báo sẽ bổ sung thêm 30 tàu chiến các loại vào hạm đội của nước này, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraina vẫn căng thẳng. Nhiều lãnh đạo châu Phi đã được mời tới dự sự kiện này.


Tổng thống Nga Vladimir Poutine (P) và đồng nhiệm Congo, Brazzaville Denis Sassou Nguesso (T), dự buổi lễ kỷ niệm ngày Hải Quân Nga, ngày 30/07/2023, tại Saint-Pétersbourg. © Alexander Kazakov, Sputnik-Kremlin/via AP
Chi Phương
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tường trình :

“Cùng với nguyên thủ của 4 nước châu Phi, tổng thống Nga đã dự buổi lễ kỷ niệm ngày Hải Quân Nga ở cố đô Nga Saint Petersburg, ngay sau thượng đỉnh Nga-châu Phi, kết thúc một ngày trước đó.

Trước sự hiện diện của lãnh đạo BurkiaFaso (Ibrahim Traoré), Mali (Assimi Goïta), CH Congo (Denis Sassou-Nguesso) và Eritrea (Isaias Afwerki), tổng thống Nga đã hoan nghênh các thủy thủ “dũng cảm”của các tàu chiến và tàu ngầm Nga, nhất hạm đội biển Đen, hạm đội đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công ở Ukraina qua việc thường xuyên tham gia vào các vụ oanh tạc.

Ông Putin nhấn mạnh : “Các thủy thủ của chúng ta đã dốc toàn bộ sức lực, thể hiện một chủ nghĩa anh hùng thực sự và đã chiến đấu dũng cảm, giống như tổ tiên vĩ đại của chúng ta”. Nhưng ông Putin lại không ám chỉ đến các chiến dịch đang được tiến hành ở Ukraina.

Đây cũng là dịp để tổng thống Nga chỉ rõ rằng Matxcơva đang không ngừng củng cố sức mạnh của lực lượng hải quân. 45 tàu chiến và tàu ngầm cùng 3000 thủy thủ, tham gia vào lễ diễu hành, nhân ngày Hải Quân Nga. Đây là ngày lễ mà người Nga tổ chức hàng năm trên khắp đất nước, từ biển Baltic cho đến vùng Vladivostok, qua vùng biển Caspi.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét