Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 29/07/2023 - Long Đỗ

Mỹ sẽ giúp Úc xây dựng ngành công nghiệp chế tạo tên lửa
Nhân đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Úc ở cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng - AUSMIN, kết thúc vào hôm nay 29/07/2023, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận là Washington sẽ hỗ trợ Canberra trong việc xây dựng ngành sản xuất tên lửa, một lĩnh vực còn non trẻ tại Úc. Hệ thống tên lửa M142 (HIMARS) của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận ở Philippines, ngày 13/10/2022. AP - Aaron Favila Trọng Nghĩ Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brisbane, lãnh đạo Lầu Năm Góc Mỹ cho biết: "Chúng tôi (tức là phía Mỹ) đang theo đuổi một số sáng kiến hai bên cùng có lợi với ngành công nghiệp quốc phòng Úc, trong đó có một cam kết giúp Úc sản xuất các hệ thống tên lửa (dẫn đường) phóng loạt (GMLRS)… vào năm 2025”.
<!>
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cũng xác nhận: “Chúng tôi hy vọng việc sản xuất tên lửa sẽ bắt đầu ở Úc trong vòng hai năm tới đây, trong khuôn khổ một cơ sở công nghiệp chung giữa hai nước chúng ta”.

Theo hãng tin Pháp AFP, ngành công nghiệp tên lửa nội địa của Úc còn sơ khai, và với sự giúp đỡ của Mỹ, Úc có thể bảo đảm một nguồn cung ứng vũ khí đạn dược đáng tin cậy cho các lực lượng vũ trang của chính họ trong tương lai.

Úc hiện đang hiện đại hóa quân đội, hướng tới khả năng tấn công tầm xa để ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng như Trung Quốc. Đối thoại chiến lược Mỹ-Úc kéo dài hai ngày lần này, tập trung vào hợp tác quân sự và an ninh khu vực, trong bối cảnh Washington và các đồng minh, cố gắng hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh : “điều quan trọng nhất” trong số các cuộc thảo luận cấp cao vào hôm nay giữa Mỹ và Úc là quyết tâm chung trong việc bảo vệ một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và an toàn.

Ngoại trưởng Blinken xác định: “Hai nước chúng ta đang bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhân tố đã bảo đảm hòa bình và an ninh trong nhiều thập niên”. Đối với ông, Mỹ và Úc “đang làm điều đó, một phần bằng cách làm việc với Trung Quốc, nhưng cũng phản đối những nỗ lực của nước này nhằm phá hoại quyền tự do hàng hải ở các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc, đảo ngược hiện trạng vốn đang gìn giữ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, gây sức ép trên các nước thông qua cưỡng chế về mặt kinh tế.”

Cùng lúc với đối thoại chiến lược AUSMIN, quân đội Mỹ và Úc cũng tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre với 11 quốc gia khác. Tuy nhiên, cuộc tập trận đã bị đình lại sau khi một trực thăng quân sự của Úc rơi xuống biển khiến bốn người trên trực thăng bị mất tích.

Pháp cam kết hợp tác, tái cấu trúc nợ cho Sri Lanka

Ông Emmanuel Macron là tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm Sri Lanka. Trong cuộc họp ngày 29/07/2023, nguyên thủ hai nước đã thảo luận về nhiều chủ đề, từ quan hệ song phương đến những thách thức trong khu vực. Chuyến công du của tổng thống Pháp tuy ngắn nhưng « mang ý nghĩa lịch sử » và đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay tổng thống Sri Lanka Ranil Wickermesinghe, ở phủ tổng thống tại Colombo, Sri Lanka, ngày 28/07/2023. © AP/Sri Lanka President's office
Thu Hằng
Theo AP, Pháp là 'chủ nợ' lớn thứ tư của Sri Lanka. Tổng thống Macron đã cam kết hợp tác để tái cấu trúc nợ giúp quốc gia Nam Á phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Trước đó, vào tháng 03/2023, Trung Quốc - chủ nợ chính của Sri Lanka, đã chấp nhận phân bổ lại kỳ hạn trả nợ cho chính quyền Colombo.

Trong tin nhắn trên Twitter sau cuộc họp, tổng thống Pháp nhấn mạnh : « Sri Lanka và Pháp là hai quốc gia ở Ấn Độ Dương có chung mục tiêu : một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, toàn diện và thịnh vượng ». Ông khẳng định « một kỷ nguyên mới cho quan hệ đối tác » song phương đã được mở ra.

Còn tổng thống Sri Lanka hoan nghênh vai trò quan trọng của Pháp trên nhiều hồ sơ lớn của thế giới, từ chống biến đổi khí hậu, đến tái cấu trúc nợ và các vấn đề liên quan đến vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) hỗ trợ, Sri Lanka đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế khó khăn, dù trên nguyên tắc, quốc gia Nam Á này có nguy cơ bị phá sản đến năm 2026. Sri Lanka cũng là nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo AFP, Pháp muốn mở rộng ảnh hưởng theo cách khác. Ông Macron mời tổng thống Sri Lanka « gia nhập Hiệp ước Paris vì con người và hành tinh ». Đây là sáng kiến được hình thành tại thượng đỉnh tháng 06/2023 ở Paris, để cố tái định hướng nguồn tài chính thế giới phục vụ khí hậu.

Ukraina dùng rocket Bắc Triều Tiên và xăng dầu Nga trên chiến trường

Theo báo Anh Financial Times ngày 29/07/2023, Ukraina đã sử dụng rocket Bắc Triều Tiên do một nước « bạn » tịch thu và giao lại cho Kiev để tấn công quân Nga. Thông tin được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ tiếp tục nghi ngờ Nga mua vũ khí của Bắc Triều Tiên phục vụ cho cuộc xâm lược Ukraina.


Một xe tăng bị cháy ở Staromaiorske, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 27/07/2023. via REUTERS - 35TH SEPARATE MARINES BRIGADE OF
Thu Hằng
Trả lời báo giới tại Brisbane, Úc, ngày 29/07/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh Nga tìm kiếm hỗ trợ quân sự ở bất kỳ nơi nào có thể, chẳng hạn với Iran, nhà cung cấp drone để phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraina. Hoa Kỳ vẫn cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga bằng đường biển nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Tuy nhiên, nếu thông tin của bộ Quốc Phòng Ukraina được xác nhận, thì có khả năng Bình Nhưỡng đã cung cấp vũ khí cho Nga. Số rocket có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên bị tịch thu, đã được quân Ukraina sử dụng để tấn công Nga, trong hệ thống pháo phản lực Grad thời Liên Xô trên mặt trận gần thành phố Bakhmut, miền đông Ukraina, nơi giao tranh diễn ra ác liệt.

Ngoài ra, Ukraina dường như cũng đang sử dụng xăng dầu của Nga để cung ứng cho các bệnh viện và xe tăng. Do các nhà máy lọc dầu không hoạt động từ khi xảy ra chiến tranh, Ukraina phải mua nhiên liệu trên thị trường quốc tế, từ Litva, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary... Một trong những nhà cung cấp chính của Ukraina là một công ty Hungary lại nhập dầu thô của Nga, lọc và bán lại cho Kiev.

Thông tín viên RFI Florence La Bruyère tại Budapest giải thích :

« Nếu như xe tăng của Ukraina tiếp tục chạy được, đó là nhờ dầu của Nga. Ukraina mua nhiên liệu từ công ty MOL của Hungary. Thế nhưng công ty này lại tinh lọc dầu thô mua từ Nga, được họ mua rẻ hơn giá thị trường tới 30% nhờ mối quan hệ hữu hảo với Matxcơva.

Nhà nghiên cứu Michal Paszkowski, Viện Trung Âu, giải thích : « Đối với công ty MOL, tình hình rất thuận lợi vì họ mua được dầu thô giá rẻ. Dầu từ Nga, đi qua Belarus và Ukraina. Sau đó, MOL biến nó thành sản phẩm tinh chế và bán lại trực tiếp cho Ukraina ».

Trong 6 tháng vừa qua, doanh nghiệp Hungary đã tăng gấp đôi khối lượng dầu diesel bán cho Ukraina (theo thống kê của hải quan Ukraina). MOL có thể giao hàng nhanh, bằng tầu hỏa hoặc một đường ống dẫn dầu cũ đã được kích hoạt trở lại. Theo ông Michal Paszkowski, « đường ống này có từ năm 1976, mới đây đã được Hungary sử dụng lại vì nối thẳng từ nhà máy lọc dầu Duna của Hungary đến Ukraina ».

Đúng là Liên Hiệp Châu Âu cấm vận dầu lửa Nga nhưng biện pháp lại không áp dụng đối với dầu được chuyển qua đường ống dẫn dầu. Chính thủ tướng Hungary Viktor Orban đã yêu cầu khoản miễn trừ này ».

Ukraina và Nga oanh kích lãnh thổ của nhau
Cùng lúc với cuộc phản công của Kiev, quân Nga tiếp tục oanh kích các địa phương ở Ukraina. Có ít nhất 9 người bị thương ở thành phố Dnipro (miền trung) ngày 28/07, sau khi Nga oanh kích một khu chung cư và một tòa nhà của bộ phận an ninh. Cùng ngày, 15 người bị thương trong một quán cà phê ở thành phố Taganrog của Nga, sau vụ nổ do một tên lửa của Ukraina bị Nga bắn chặn. Taganrog chỉ cách biên giới Ukraina khoảng 50 km, nằm trên trục đường đến cảng Mariupol, hiện bị Nga chiếm đóng.

Ai Cập kêu gọi Nga khẩn cấp triển hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Đến Saint Petersburg, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al Sissi ngày 28/07/2023, đã hối thúc Matxcơva khởi động trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen mà Nga đã đình chỉ vào tuần trước, với lý do là Ukraina và phương Tây không tôn trọng các cam kết đối với Nga.


Image d'illustration. Getty Images - Roberto Moiola / Sysaworld
Trọng Nghĩa
Theo thông tín viên RFI Alexandre Buccianti tại Cairo, Ai Cập là quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ :

“Ai Cập là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất qua ngã Biển Đen. Trong quý đầu tiên của năm 2023, quốc gia này đã mua về gần hai triệu rưỡi tấn lúa mì, trong đó có 2 triệu đến từ Nga và 200.000 từ Ukraine.

Việc ngừng xuất khẩu lúa mì qua Biển Đen có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho Ai Cập, quốc gia phải nhập khẩu một nửa trong số 20 triệu tấn lúa mì được tiêu thụ hàng năm, phần lớn được dùng để sản xuất bánh mì được trợ giá bán ra cho dân với giá tương đương nửa xu euro một ổ. Loại bánh này quan trọng đến mức được người Ai Cập gọi là “al aych”, có nghĩa là “sự sống”.

Giá cả tăng cao cùng với lạm phát gần 40% đã khiến cuộc sống hàng ngày của 1/3 người dân Ai Cập sống dưới ngưỡng nghèo khó ngày càng khó khăn. Các nhà quan sát cho rằng: “Chỉ cần thiếu hụt bánh mì là chắc chắn xã hội bùng nổ”.

Ngay sau lời kêu gọi của tổng thống Ai Cập, đến lượt Liên Hiệp Châu Phi lên tiếng yêu cầu khôi phục khẩn cấp thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Lãnh đạo châu Phi khẳng định "có quyền kêu gọi hoà bình cho Ukraina"

Trong cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 28/07/2023, tại Saint Peterburg, dù không trực tiếp chỉ trích Nga, lãnh đạo các nước châu Phi kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina, đồng thời bảy tỏ quan ngại về an ninh lương thực của châu lục, nhất là về việc gia hạn thoả thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraina trên biển Đen.


Phó tổng thống Nigeria Kashim Shettima bắt tay tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề cuộc họp thượng đỉnh Nga-Châu Phi, tại St-Peterburg, Nga, ngày 28/07/2023. AP - Mikhail Metzel
Chi Phương
Tại ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng diễn ra thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Saint-Petersburg, hôm qua, theo Reuters, chủ tịch Uỷ bản Liên Hiệp Châu Phi Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh “và chiến tranh chỉ có thể chấm dứt nhờ vào công lý và lẽ phải”. Trong cuộc hội đàm với Vladimir Putin, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định : “Mình có quyền kêu gọi hòa bình”, vì cuộc xung đột đang diễn ra cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chúng tôi.”

Nhân đây, các lãnh đạo châu Phi cũng nhắc đến tác động từ chiến tranh, đặc biệt là giá lương thực tăng do Nga từ chối triển hạn thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraina xuất khẩu từ cảng biển Đen (dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ).

Về phần mình, vốn bị cô lập trên trường quốc tế từ khi xâm lược Ukraina, tổng thống Nga đã trình bày các tham vọng đối với quan hệ với các nước châu Phi. Tuy nhiên các nước tại châu lục này muốn Nga có hành động cụ thể, hơn là những tuyên bố “xuông”. Thông tín viên RFI, Anissa ElJabri, tường trình từ Matxcơva :

“Biểu tượng của các mối quan hệ mà Nga muốn gia tăng hơn nữa với châu Phi, Nga sẽ tăng cường hiện diện về mặt ngoại giao, cử thêm nhiều cán bộ ngoại giao, mở thêm nhiều sứ quán. Vladimir Putin cũng thông báo « sớm » tái lập hoạt động của các phái bộ ngoại giao Nga ở Burkina Faso và ở Cộng Hòa Guinea Xích Đạo. Giữa lúc cuộc xung đột với Ukraina vẫn đang tiếp diễn, tổng thống Putin cũng muốn cho thấy Nga vẫn có thể và sẽ mãi mãi duy trì thứ hạng của mình trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông khẳng định: “Để tăng cường năng lực phòng thủ của châu lục, chúng tôi phát triển quan hệ đối tác trong các lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự. Nga đã ký một thoả thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự với hơn 40 quốc gia châu Phi. Đó là những nước mà chúng tôi đã cung cấp nhiều vũ khí và thiết bị. Nga đã chuyển giao miễn phí một số loại vũ khí cho các nước này để tăng cường an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.”

Thế nhưng, chủ tịch Uỷ Ban Châu Phi Moussa Faki Mahamat thì nhấn mạnh đến một kỳ vọng cụ thể hơn. Ông nói : “Dĩ nhiên, vì tác động từ bối cảnh kinh tế, bị đánh dấu bởi đại dịch Covid-19 và có lẽ là từ sự thiếu kiên quyết trong việc lên chương trình hành động, những tiến bộ trong hợp tác giữa Nga và châu Phi còn hạn chế kể từ thượng đỉnh Sotchi năm 2019. Đặc biệt là việc tăng cường hợp tác về hoà bình, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố, đòi hỏi các hành động hơn là các tuyên bố ý định”.

Thượng đỉnh và danh sách các tham vọng, các hợp đồng được tiếp tục được đưa ra thảo luận cho đến tối thứ Sáu, nhưng trước đó, điện Kremlin, thông qua phát ngôn viên, đã khẳng định rằng thượng đỉnh tiếp theo giữa Nga và châu Phi đã được lên kế hoạch.”

Theo AFP, vào cuối ngày hôm qua, Nga và đại diện các nước châu Phi đã đăng một tuyên bố chung, nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác, về cung cấp lương thực, năng lượng cũng như các hỗ trợ phát triển giữa hai bên. Thượng đỉnh Nga-châu Phi sẽ được tổ chức 3 năm một lần.

Nga cũng kêu gọi “tạo ra một trật tự thế giới đa cực, kiên quyết phản đối bất cứ hình thức đối đầu nào ở châu Phi”. Matxcơva cũng hứa hẹn hỗ trợ châu Phi đòi bồi thường thiệt hại kinh tế và nhân đạo do “chính sách thực dân mà phương Tây gây ra ở châu lục này”.

Trung Quốc đổ lỗi "tàu chiến, máy bay nước ngoài" làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Một số nước thường xuyên điều tàu chiến và chiến đấu cơ để « chứng tỏ sức mạnh quân sự vì lợi ích riêng của họ » đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 29/07/2023, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đưa ra những cáo buộc trên khi bình luận về Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản, đồng thời khẳng định tình hình ở hai vùng biển trên nhìn chung là ổn định.


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) và các chiến hạm hộ tống của Mỹ bên cạnh hai khu trục hạm JS Ikazuchi và JS Chokai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ ngày 19/09/2021. AP - MC2 Haydn Smith
Thu Hằng
Ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chỉ trích Sách Trắng của Nhật Bản đã đưa ra một « nhận thức sai lầm » về Trung Quốc và « cố tình phóng đại điều gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ». Ông cho biết Bắc Kinh đã gửi công hàm nghiêm khắc tới Tokyo, kiên quyết phản đối lời cáo buộc.

Theo Reuters, trong Sách Trắng 2023 được công bố ước đó, Nhật Bản dành một phần khẳng định « sức mạnh của quân đội Trung Quốc là thách thức chưa từng có về mặt chiến lược ». Các chương trình tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga cũng khiến Tokyo lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina do Matxcơva phát động. Tiền lệ dùng vũ lực để giải quyết bất đồng khiến Nhật Bản quan ngại có thể áp dụng đối với Đài Loan, được Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời.

Để giúp Đài Loan tự vệ, Hoa Kỳ thường xuyên hỗ trợ quân sự cho hòn đảo. Ngày 28/07, tổng thống Joe Biden đã cho phép một khoản viện trợ mới cho chính quyền Đài Bắc, trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan, bao gồm « trang thiết bị quốc phòng » và « huấn luyện quân sự ». AFP trích dẫn một quan chức chính phủ Mỹ cho biết : đợt hỗ trợ này được xuất trực tiếp từ kho vũ khí của Mỹ, bao gồm nhiều thiết bị giám sát và trinh sát, đạn dược, linh kiện và một số thiết bị khác để giúp Đài Loan « tăng cường năng lực răn đe ngay từ bây giờ và trong tương lai ».

Bắc Kinh chỉ trích nước ngoài làm gia tăng căng thẳng trong vùng, vào lúc quân đội Trung Quốc cũng khoanh vùng tập trận tại nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Từ ngày 29/07 đến 02/08/2023, tàu thuyền bị cấm qua lại tại khu vực bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield.

TT Mỹ: Lãnh đạo Việt Nam muốn sớm gặp ông để thảo luận việc nâng cấp quan hệ

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày hôm qua 28/07/2023 đã tiết lộ là lãnh đạo Việt Nam muốn hội đàm với ông tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tớiđây ở New Delhi, Ấn Độ, nhằm thảo luận về việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ.


Ảnh lưu trữ : Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (phía sau) và phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 07/07/2015. AP - Manuel Balce Ceneta
Trọng Nghĩa
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu trước hàng chục nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024, nhân một cuộc vận động tranh cử tại Freeport, tiểu bang Maine, tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ: “Tôi nhận được một cuộc gọi từ lãnh đạo Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tôi tới thượng đỉnh G20. Ông ấy muốn nâng quan hệ với Hoa Kỳ, lên thành một đối tác lớn, cùng với Nga và Trung Quốc”.

Nhân một cuộc tiếp xúc hồi tháng Tư vừa qua, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn siết chặt thêm quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á, để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Ông Blinken đã bày tỏ hy vọng rằng điều đó có thể xảy ra “trong những tuần và tháng sắp đến”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của tổng thống Mỹ Biden.

Theo Reuters, Washington đã và đang nỗ lực nâng cấp quan hệ với Hà Nội từ mức đối tác “toàn diện” trong một thập kỷ qua lên hàng đối tác “chiến lược”, cho dù Hà Nội vẫn thận trọng trước nguy cơ làm phận ý Nga, một đối tác truyền thống, và láng giềng Bắc Kinh. Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành xuất khẩu Việt Nam.

Các quan chức Mỹ chưa nói rõ mối quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp đó sẽ thể hiện ra sao, nhưng theo các chuyên gia, đó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Washington và các tập đoàn quốc phòng Mỹ đã công khai cho biết ý muốn tăng cường việc cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, cho đến nay chủ yếu giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện.

Tuy nhiên, theo Reuters, các thỏa thuận quân sự của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những trở ngại tiềm tàng, trong đó có nguycơ bị giới lập pháp Mỹ cản trở vì lý do nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét