Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 25/07/2023 - Long Đỗ



Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bị cách chức
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), không còn xuất hiện trước công chúng từ một tháng nay, đã bị cách chức, chỉ sau hơn nửa năm tại vị. Theo AFP, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 25/07/2023 đưa tin như trên.Ông Tần Cương họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/05/2023. AP - Thomas Peter Thùy Dương Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu lý do của việc cách chức ông Tần Cương, vị ngoại trưởng mới nhậm chức hồi tháng 12/2022. Tân Hoa Xã hôm nay chỉ cho biết là người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Vương Nghị (Wang Yi) được đưa trở lại chức ngoại trưởng.
<!>
Tuy có lịch trình làm việc dày đặc, ông Tần Cương đã không xuất hiện kể từ ngày 25/06. Ngoại trưởng Trung Quốc đã không hiện diện khi đồng nhiệm Việt Nam sang thăm Bắc Kinh. Ông Tần Cương cũng vắng mặt tại nhiều cuộc họp ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như cuộc họp với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia hồi đầu tháng 7 này.

Sự vắng mặt bất thường của ngoại trưởng Tần Cương trong thời gian qua đã làm lan truyền nhiều tin đồn trên mạng xã hội. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã viện dẫn « lý do sức khỏe » để giải thích cho sự vắng mặt này. Kể từ khi ông Tần Cương bất ngờ « biến mất », người tiền nhiệm của ông là Vương Nghị đã thực hiện một số hoạt động với tư cách cựu ngoại trưởng Trung Quốc.

Xin nhắc lại, ông Vương Nghị hiện là chủ nhiệm Văn phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tức lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, cao hơn cả chức ngoại trưởng.

Nouvelle-Calédonie :Tổng thống Pháp Macron hứa cải tổ hiến pháp "dựa trên đồng thuận"

Trong chuyến công du đến vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie, tổng thống Emmanuel Macron hôm nay, 25/07/2023, khẳng định sẽ tiến hành cải cách hiến pháp liên quan đến vùng lãnh thổ này "dựa trên sự đồng thuận".


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nouméa, Nouvelle-Calédonie, ngày 25/07/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
RFI
Về phía chính quyền địa phương của Nouvelle-Calédonie, lãnh đạo của định chế đại diện cho dân tộc Kanak, ông Victor Gogny hy vọng sẽ thúc đẩy « bầu không khí tin cậy và đối thoại… đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình hòa giải », và nhấn mạnh cần phải xây dựng một mô hình phi thực dân hóa với dân tộc Kanak và công dân lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie.

Trước sự mong đợi này, tổng thống Emmanuel Macron đã công nhận rằng ba cuộc trưng cầu dân ý của người dân Nouvelle- Calédonie, với kết quả là đa số cử tri không muốn độc lập, đã mở ra một chặng đường mới. Tuy nhiên, tổng thống Pháp cho rằng vẫn cần một thời gian tương đối dài để xây dựng một trang lịch sử chung thông qua một quá trình « sự thật và hòa giải ».

Hiệp định Nouméa về phi thực dân hóa dự trù là sau ba cuộc trưng cầu dân ý, nếu cử tri vẫn không muốn Nouvelle-Calédonie độc lập, thì sẽ tiến hành cải tổ quy chế của vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Ngoài ra, trong chuyến đi, tổng thống Macron cũng quan tâm đến những vấn đề địa chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giới trẻ của vùng lãnh thổ này.

Hôm nay, theo dự kiến, khi đến thăm Touho, vùng bờ biển phía đông Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp bàn về biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xói mòn bờ biển.

Rumani lên án Nga tấn công vào các cảng dọc sông Danube

Tổng thống Rumani Klaus Iohannis ngày 24/07/2023 đã cảnh báo về “những nguy cơ an ninh nghiêm trọng ở Biển Đen” sau khi Nga mở các cuộc oanh kích vào những cơ sở hạ tầng cảng trên sông Danube, ở vùng biên giới với Rumani và Moldova.


Ảnh tư liệu : Tổng thống Rumani Klaus Iohannis phát biểu ở Kaunas, Litva, ngày 25/11/2022. AP - Mindaugas Kulbis
Trọng Nghĩa
Trên mạng Twitter, tổng thống Rumani tuyên bố: “Tôi cực lực lên án các cuộc tấn công gần đây của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina trên sông Danube, rất gần lãnh thổ Rumani”, một quốc gia thành viên NATO.

Trước đó cùng ngày, một cư dân mạng Rumani đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh một vụ nổ ở bờ bên kia sông Danube thuộc lãnh thổ Ukraina, đối diện với bờ sông bên phía Rumani. Cảng Reni của Ukraina dường như đã bị tấn công. Thành phố Reni, đối diện với Rumani, cũng nằm cách Moldova không xa.

Hôm qua, chính quyền Ukraina xác nhận là Nga đã mở một cuộc tấn công bằng drone kéo dài 4 tiếng đồng hồ đánh vào cơ sở hạ tầng cảng ở Odessa, miền Nam Ukraina, một khu vực chiến lược cho hàng xuất khẩu của nước này.

Tổng thống Klaus Iohannis lo lắng: “Tình hình leo thang gần đây ảnh hưởng đến vận chuyển ngũ cốc của Ukraina, qua đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới”.

Căng thẳng đã gia tăng sau khi điện Kremlin không triển hạn thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraina bằng đường biển.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 02/2022, một phần ngũ cốc được vận chuyển qua sông Danube và cảng Constanta của Rumani, trên Biển Đen.

Theo ông Arthur Portier, chuyên gia phân tích tại Agritel, các cuộc tấn công mới đây của Nga đã khiến giá lúa mì tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng và sau khi hành lang trên biển bị đóng, nếu các cảng trên sông Danube bị hư hại hoặc phá hủy, khả năng Ukraina xuất khẩu nông sản sẽ giảm mạnh.

Trong một cuộc họp báo ở Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller cho biết ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thảo luận về chủ đề này với đồng nhiệm Rumani Luminita Odobescu.

Ông Miller khẳng định: “Kể từ khi xung đột nổ ra, chúng tôi đã nói rõ và sẽ tiếp tục nhắc lại rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO. Ngoại trưởng (Mỹ) đã nhấn mạnh rõ ràng điều này trong cuộc điện đàm (với ngoại trưởng Rumani)”.

Ông Blinken đã thảo luận với chính quyền Rumani về các phương án giúp xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, nhưng thừa nhận rằng “không có giải pháp hoàn hảo nào khác” có thể thay thế việc vận chuyển an toàn qua ngã Biển Đen.

Belarus sẵn sàng đối phó với xung đột vũ trang

Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Belarus hôm qua, 24/07/2023, thông báo đang chuẩn bị hoàn thiện kho vũ khí và huấn luyện quân sự để có thể sẵn sàng hỗ trợ bộ Quốc Phòng và bộ Nội Vụ nước này trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Trong cùng ngày, hàng ngàn lính đánh thuê Wagner đã đến Belarus, đóng quân cách biên giới phía bắc Ukraina 230 km.


Các binh sĩ Belarus thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SOF) và các chiến binh thuộc nhóm lính đánh thuê Wagner diễn tập gần Brest, Belarus. Ảnh được công bố hôm 20/07/2023. AP
Chi Phương
Theo Reuters, trên kênh truyền hình quốc gia Belarus 1, bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Vadim Sinyavsky cho biết : Các nhân viên sẽ « sẵn sàng hỗ trợ các bộ khác trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang hoặc các cuộc nổi loạn khiến nhiều người phải tham gia ». Trước đó, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã khẳng định muốn toàn bộ nam giới của nước này, « ít nhất đều có khả năng sử dụng vũ khí để đối phó với trường hợp bị xâm lược ».

Mặc dù Belarus không trực tiếp tham gia cuộc chiến tại Ukraina, nhưng tổng thống Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để tấn công Kiev khi tiến hành xâm lược Ukraina hồi tháng 02/2022. Minsk và Matxcơva cũng đã tổ chức nhiều cuộc thao dượt chung. Gần đây, tổng thống Belarus cũng đã làm trung gian giữa điện Kremlin và lãnh đạo Wagner Prigozhin, chấm dứt cuộc nổi loạn bất thành của Wagner và chấp thuận tiếp đón binh lính của tập đoàn bán quân sự trên lãnh thổ nước này. Theo tổ chức Belaruski Hajun, chuyên theo dõi các hoạt động quân sự, được AP trích dẫn, hôm qua, khoảng 3.450 đến 3.650 lính Wagner đã đến Asipovichy, cách biên giới Ukraina 230 km về phía bắc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 700 phương tiện và các thiết bị xây dựng cũng đã đến nước này.

Nga – Ukraina tấn công nhau bằng drone
Về tình hình chiến sự tại Ukraina, theo AFP, trong đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, lực lượng Kiev đã phát hiện và phá hủy tất cả các drone mà Nga dùng để tấn công vào thủ đô Ukraina. Đây là vụ tấn công bằng drone thứ 6 vào Kiev chỉ riêng trong tháng Bảy. Trước đó, trong cùng ngày, Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả việc Ukraina dùng drone tấn công vào thủ đô Matxcơva và bán đảo Crimée.

Trong đêm hôm qua, quân đội Nga cho biết đã phá hủy 2 drone hải quân của Ukraina, tấn công vào một trong các tàu tuần tra trên Biển Đen, cách Sebastopol 370 km.

Còn tại Ukraina, liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) hôm qua cho biết đã phát hiện một một số quả mìn sát thương cá nhân trong khu vực rào chắn ngăn cách bên trong và bên ngoài nhà máy. Lãnh đạo của cơ quan này cho rằng những loại chất nổ như vậy được tìm thấy ở khu vực này là « không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn về an ninh hạt nhân của AIEA ». Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã rơi vào tay quân đội Nga từ tháng 03/2022, từng bị hỏa hoạn và nhiều lần bị cắt điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Nga nâng trần tuổi quân dự bị động viên thêm 5 năm

Tại Nga, tuổi trần quân dự bị động viên được nâng thêm 5 năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 25/07/2023 ký ban hành luật sửa đổi quy định về tuổi trần động viên quân dự bị, sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2024.


Lực lượng dự bị Nga tập huấn tại khu vực Donetsk, Ukraina, ngày 04/10/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Thùy Dương
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin, giải thích:

« Độ tuổi tối đa cho toàn bộ quân dự bị động viên của quân đội Nga đã được tăng thêm 5 năm. Như vậy là binh lính, thủy thủ và hạ sĩ quan có thể được gọi nhập ngũ đến năm 55 tuổi. Ở cấp sĩ quan, độ tuổi này sẽ là 60 đối với đại úy, 65 đối với sĩ quan cao cấp và 70 đối với cấp tướng. Tuy nhiên, vẫn có thể có những điều chỉnh đối với những người có liên quan trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến năm 2028.

Trong quá trình biểu quyết dự luật sửa đổi tại Nghị Viện, một nghị sĩ từng nhấn mạnh là những sửa đổi này là nhằm cải thiện an ninh của Liên Bang Nga và nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước.

Đúng là những sửa đổi này đã được đề xuất vào tháng 11 năm ngoái, tức là sau khi lệnh động viên 300.000 quân dự bị được ban hành trong khuôn khổ các chiến dịch ở Ukraina. Cuộc huy động một phần quân dự bị động viên đã khiến hàng trăm ngàn đàn ông trong độ tuổi chiến đấu phải trốn ra nước ngoài.

Với những quy định mới này, quân đội Nga sẽ có thêm một lực lượng giúp họ bước đầu tránh phải tiến hành tổng động viên, nếu cần thiết ».

Liên minh Mỹ-Hàn phân tích ý đồ của Bắc Triều Tiên sau hàng loạt vụ bắn tên lửa

Trong đêm qua rạng sáng nay, 25/07/2023, Bắc Triều Tiên lại bất ngờ bắn hai tên lửa. Theo hãng tin Yonhap, liên minh Mỹ-Hàn đang phân tích toàn diện ý đồ của Bắc Triều Tiên.


Tin thời sự truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/07/2023. AFP - JUNG YEON-JE
Chi Phương | Trần Công
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

« Theo ghi nhận của liên minh Mỹ-Hàn, Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản vào lúc đêm muộn, khoảng 23 giờ 55 ngày 24/07/2023, và tên lửa thứ hai vào lúc 0 giờ ngày 25/07/2023. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về hướng khu vực Sunan từ lúc sáng sớm ngày 19/07/2023 và phóng một số tên lửa hành trình về phía Hoàng Hải vào khoảng 4 giờ sáng ngày 22/07/2023.

Hành động này được cho là để phản đối việc Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân Annapolis (SSN-760) lớp Los Angeles đến căn cứ hải quân Jeju của Hàn Quốc sáng hôm qua.

Các cơ quan quân sự và tình báo phân tích rằng, ngoài việc khiêu khích bằng tên lửa để đáp trả chuyến thăm của Mỹ tới Hàn Quốc bằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Bình Nhưỡng còn muốn củng cố đoàn kết nội bộ Đảng trước kỷ niệm ngày ký hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, 27/07/2023. Bắc Triều Tiên gọi ngày này là « Ngày Chiến thắng ».

Ông Lee Seong-joon, giám đốc các vấn đề công cộng tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết: "Cơ quan tình báo Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ, xác định nhân sự và thiết bị liên quan đến lịch trình hoạt động chính trị, quân sự của Bắc Triều Tiên"

Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đang trong giai đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay, Bình Nhưỡng liên tục kêu gọi tăng cường kho vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn Mỹ thì đã gửi tàu ngầm hạt nhân đến thăm Hàn Quốc để thể hiện khả năng răn đe, cũng như bảo vệ đồng minh châu Á. »

Theo AFP, từ năm 2006, Bắc Triều Tiên đã bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành nhiều lệnh trừng phạt vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Vào tuần trước, đặc sứ của nhiều nước thuộc khối G7 và Liên Hiệp châu Âu (EU) đã tố cáo Trung Quốc giúp Bắc Triều Tiên lách các trừng phạt đó, vì ngày càng có nhiều tàu chở dầu sử dụng đường biển của Trung Quốc để giao thương với Bắc Triều Tiên.

Hôm qua 24/07, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Bắc Kinh luôn tôn trọng các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Bắc Triều Tiên.

AFP nhắc lại rằng Hoa Kỳ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc và Nga làm « lá chắn » cho Bắc Triều Tiên, phủ quyết các nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An nhằm đưa ra trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng, khuyến khích chính quyền của Kim Jong Un tiếp tục bắn thử tên lửa.

Nắng nóng ở Âu-Mỹ có thể « hầu như không thể xảy ra » nếu không có biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới đây của mạng lưới các nhà nghiên cứu thế giới về khí tượng (WWA) cho thấy những đợt nắng nóng ở châu Âu và Mỹ hiện nay có thể « hầu như không thể xảy ra », nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu.


Ngọn lửa thiêu rụi một khu rừng ở làng Vati, trên đảo Rhodes, Hy Lạp, ngày 25/07/2023. AP - Petros Giannakouris Thùy Dương Theo AFP, nghiên cứu được công bố hôm nay 25/07/2023 đã chỉ ra những mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Tổ chức WWA nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu, do khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà con người phát thải gây ra, « đã khiến các đợt nắng nóng ngày càng gay gắt hơn, kéo dài hơn và xảy ra thường xuyên hơn ». Chẳng hạn, theo tổ chức này, biến đổi khí hậu khiến nắng nóng ở Trung Quốc có thể xảy ra nhiều gấp 50 lần.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo « những đợt nắng nóng sẽ không còn là bất thường », mà « sẽ ngày càng cao độ hơn và thường xuyên hơn », nếu thế giới không nhanh chóng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Kết luận trên được đưa ra trong bối cảnh những ngày qua thế giới ghi nhận kỷ lục nắng nóng ở nhiều khu vực : nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C tại Thung Lũng Chết ở Mỹ, nhiệt độ hơn 43 độ C ở Phoenix kéo dài 24 ngày qua, kỷ lục nắng nóng ở vùng Catalunya, Tây Ban Nha, là 45,3 độ C…

Nắng nóng tạo điều hiện cho cháy rừng hoành hành ở nhiều nơi. Riêng tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Rhodes của Hy Lạp, các đám cháy rừng bùng lên mạnh mẽ từ một tuần nay khiến khoảng 20.000 người, cả cư dân địa phương lẫn du khách, phải rời khỏi nơi ở và đến nơi trú ẩn tạm thời. Đây được xem là chiến dịch sơ tán lớn nhất từng được tiến hành tại Hy Lạp.

Nhiều du khách đã rời khỏi đảo. Một số khác không tìm được chuyến bay và cho đến hôm nay 25/07/2023 vẫn đang trú tạm ở một số nơi như trường học hay phòng tập thể thao. Thông tín viên Joël Bronner đã đến một ngôi trường tư thục tại phía nam thành phố Rhodes và gửi về bài phóng sự :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét