Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 1/7/2023 - Long Đỗ


Ông Trump trả lời Reuters: Binh biến làm Putin hơi yếu đi trong mắt nhiều người Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (29/6) nói với Reuters rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “hơi yếu đi” do vụ binh biến nửa vời của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner và bây giờ là lúc để Mỹ nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Ông Trump nói ông Putin đã bị thiệt hại do cuộc nổi dậy vũ trang cuối tuần qua của Tập đoàn lính đánh thuế Wagner do ông Yevgeny Prigozhin làm thủ lĩnh.
<!>
“Quý vị có thể nói rằng ông ta (Putin) vẫn ở đó, ông ta vẫn mạnh mẽ, nhưng tôi muốn nói rằng ông ta chắc chắn đã hơi yếu đi, ít nhất là trong mắt nhiều người”, ông Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin Reuters qua điện thoại hôm 29/6.

Cựu tổng thống Mỹ cho biết thêm tuy nhiên nếu ông Putin không còn nắm quyền nữa, thì “quý vị không biết điều thay thế là gì. Nó có thể là tốt hơn, nhưng nó cũng có thể là tồi tệ đi nhiều”.

Về cuộc chiến tranh Ukraine, ông Trump không loại trừ rằng chính quyền Kyiv có thể phải chấp nhận nhường một số lãnh thổ cho Nga để kết thúc cuộc chiến đã kéo dài hơn 16 tháng.

Ông Trump nói mọi thứ sẽ “còn phải đàm phán”, nếu ông là tổng thống. Nhưng ông thừa nhận người Ukraine đã tiến hành một cuộc chiến đấu dũng mãnh để bảo vệ lãnh thổ và họ xứng đáng “nhận được nhiều sự công nhận”.

“Tôi nghĩ họ sẽ có quyền giữ nhiều thứ họ đã giành được và tôi nghĩ rằng tương tự Nga cũng sẽ đồng ý về việc đó. Quý vị cần có một người trung gian đúng, hoặc một nhà đàm phán chuẩn, nhưng ngay bây giờ chúng ta không có người đó”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh NATO muốn Nga phải rút khỏi lãnh thổ mà họ đã đang chiếm giữ ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky năm ngoái đã đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút hết quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Bán đảo Crimea mà ông Putin đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ông Trump nói với Reuters: “Tôi nghĩ điều lớn nhất mà Mỹ bây giờ nên làm là dàn hòa – lôi Nga và Ukraine lại cùng nhau và dàn hòa. Quý vị có thể làm điều đó. Đây là lúc để làm điều đó, đây là lúc lôi hai bên cùng nhau để dàn hòa”.

Hồi tháng Ba, khi Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh truy nã ông Putin về tội ác chiến tranh ở Ukraine, ông Trump nói rằng số phận của ông Putin chỉ nên được thảo luận khi cuộc chiến tranh tại Ukraine kết thúc, “bởi vì ngay bây giờ nếu quý vị đưa chủ đề đó ra, quý vị sẽ không bao giờ dàn hòa được, quý vị sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận hòa bình”.


Ông Trump ca ngợi Tòa án Tối cao vì ngăn chính sách xóa nợ sinh viên


Theo thông tin mà kênh truyền thông Breitbart thu thập được trước bài phát biểu của ông Trump tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Các bà mẹ vì Tự do, cựu Tổng thống sẽ có lời khen ngợi đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vì đã ngăn chặn việc chuyển đổi khoản nợ sinh viên một cách “không công bằng” của Tổng thống Joe Biden.

Ngày 30/6, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nhận định rằng nỗ lực chuyển đổi khoản nợ 430 tỷ USD của ông Biden đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.

Tờ Breitbart News đưa tin:

Tòa án đã xem xét hai vụ kiện. Trong vụ đầu tiên, Brown kiện Hội đồng Giáo dục, Tòa án quyết định rằng các nguyên đơn, những người không đủ điều kiện để được giảm khoản vay sinh viên theo chính sách của ông Biden, không đủ tư cách để khởi kiện vì họ không thể chứng minh rằng họ đã bị tổn hại trực tiếp bởi việc này. Tuy nhiên trong vụ thứ hai, Nebraska kiện Biden, Tòa án kết luận bang Nebraska đã làm rõ rằng kế hoạch của ông Biden gây tổn hại cho MOHELA, nhà cung cấp khoản vay sinh viên phi lợi nhuận của tiểu bang.

Ông Biden, thông qua Bộ Giáo dục, đã tìm cách sử dụng thẩm quyền khẩn cấp theo Đạo luật Giải pháp Khẩn cấp Tổng thể Phục hồi Kinh tế và Sức khỏe (HEROES) để mở rộng việc hoãn khoản vay sinh viên tạm thời thành việc hủy bỏ hoàn toàn khoản vay sinh viên. Tuy nhiên, Tòa án nhận thấy rằng việc hủy bỏ đã đi xa hơn nhiều so với một “sự miễn giảm” đơn thuần được dự liệu theo Đạo luật HEROES và tương đương với việc chiếm đoạt quyền lực tài chính của bản thân Quốc hội.

Ông Trump nhận xét: “Hôm nay, Tòa án Tối cao cũng ra phán quyết rằng Tổng thống Biden không được phép xóa hàng nghìn tỷ USD nợ vay sinh viên, [chính sách của ông Biden] sẽ rất không công bằng đối với hàng triệu người đã trả nợ nhờ làm việc chăm chỉ và siêng năng.”

Sau quyết định của Tòa án về chính sách chuyển đổi nợ sinh viên và hành động quả quyết trong vấn đề tuyển sinh đại học, nhiều nhân vật thiên hữu cảm ơn ông Trump vì đã bổ nhiệm ba thẩm phán theo chủ nghĩa hợp hiến vào Tòa án Tối cao quốc gia, gồm ông Brett Kavanaugh, ông Neil Gorsuch, and bà Amy Coney Barrett.

Dân biểu Cộng hòa Jim Banks đăng trên Twitter: “Tòa án Trump là Tòa án Tối cao vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.”
Dân biểu Ronny Jackson cũng tweet: “THÊM NHIỀU CHIẾN THẮNG LỚN TẠI TÒA ÁN TỐI CAO! Có một người [chúng ta] cần cảm ơn vì điều này: TỔNG THỐNG TRUMP! Nếu không có ông ấy, sẽ KHÔNG đạt được bất cứ điều gì trong số này! Hãy đưa ông ấy TRỞ LẠI Nhà Trắng để ông có thể bổ nhiệm THÊM NHIỀU nhân vật thiên hữu tuyệt vời hơn vào tòa án!!”

Mỹ và Hà Lan sắp ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu thiết bị chip


Mỹ và Hà Lan dự kiến sẽ ban hành cùng lúc các quy định hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cho các nhà sản xuất chip của Trung Quốc trong mùa hè này, theo hãng tin Reuters.

Chính phủ Hà Lan dự định sẽ công bố các quy định mới trong ngày 30/6, trong đó có một quy định yêu cầu phải có giấy phép đối với dòng sản phẩm cao thứ hai của nhà cung cấp thiết bị quang khắc ASML là thiết bị bán dẫn sử dụng tia cực tím sâu (DUV). Loại máy tinh vi nhất của ASML là máy in khắc cực tím (EUV) đã thuộc danh sách cấm và chưa bao giờ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

ASML hồi tháng 3 dự đoán các quy định của Chính phủ Hà Lan sẽ ảnh hưởng đến mẫu máy DUV TWINSCAN NXT:2000i và các mẫu cao hơn. Nhưng kể cả các mẫu DUV thấp hơn của ASML, như mẫu TWINSCAN NXT:1980Di, cũng có thể bị Mỹ hạn chế bán cho sáu nhà máy của Trung Quốc. Theo một nguồn thạo tin, các nhà máy này của Trung Quốc sẽ được xác định trong một quy định mới của Mỹ, theo đó cho phép Mỹ hạn chế bán các thiết bị của nước ngoài có sử dụng linh kiện của Mỹ, dù với tỷ lệ nhỏ, cho các nhà máy này.

Các nguồn thạo tin cho hay các quy định mới của Hà Lan sẽ không có hiệu lực tức thì, trong đó một nguồn tin dự đoán phải đến tháng Chín các quy định này mới được áp dụng, tức hai tháng sau khi công bố.

Một nguồn tin cho biết các quy định dự kiến của Mỹ, có thể được công bố vào cuối tháng 7, sẽ yêu cầu phải có giấy phép khi xuất khẩu thiết bị đến một số nhà máy của Trung Quốc, trong đó có một nhà máy được vận hành bởi SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Người này cũng cho biết Mỹ có thể sẽ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu thiết bị cho các nhà máy này.

Quy định trên của Mỹ được dự đoán sẽ áp dụng với cả ASML, nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới và lớn nhất ở Hà Lan, vì các sản phẩm của công ty này có chứa phụ tùng và linh kiện từ Mỹ.

Hiện Chính phủ Hà Lan và ASML, cũng như Bộ Thương mại Mỹ chưa có bình luận gì về thông tin này.

Úc và Nhật Bản tập trận chung ở Biển Đông


Úc và Nhật Bản đã cử các tàu chiến và máy bay do thám tham gia cuộc tập trận chung ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, trong bối cảnh hai nước đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận quân sự diễn ra vào ngày 24/6 - 25/6, sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh (JDSC) vào tháng 10/2022 nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.

Vào thời điểm đó, giới quan sát cho rằng bản tuyên bố chung này đã mở ra cơ hội để Nhật Bản và Úc hợp tác an ninh sâu rộng hơn trong thập kỷ tới, phản ánh sự liên kết chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa hai nước.

Nội dung của JDSC nhấn mạnh rằng Úc và Nhật Bản "sẽ tham vấn cùng nhau về những bất thường có thể ảnh hưởng tới chủ quyền của chúng ta và lợi ích an ninh khu vực, cũng như cân nhắc các biện pháp đáp trả".

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần trừng phạt Úc vì tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố rằng nếu Úc can thiệp vào các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực, chẳng hạn như ở Đài Loan, thì nước này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận song phương gần đây mang tên Trident23. Tham gia tập trận có Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tàu khu trục trực thăng JS Izumo, tàu khu trục JS Samidare thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cùng hộ vệ hạm HMAS Anzac của Hải quân Úc và một máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF).

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Úc đã không đề cập công khai đến cuộc tập trận chung.

Theo Chuẩn Đô đốc Takahiro Nishiyama, Chỉ huy Lực lượng Triển khai châu Á - Thái Bình Dương (IPD23), Úc là một "Đối tác Chiến lược Đặc biệt" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản, không chỉ chia sẻ giá trị chung mà còn có chung lợi ích chiến lược trong an ninh.

“Mối quan hệ giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Úc đang phát triển. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc cải thiện hơn nữa khả năng tương tác và hiểu biết lẫn nhau với Hải quân Hoàng gia Úc nhằm cải thiện môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Chuẩn đô đốc Takahiro Nishiyama cho biết trong một tuyên bố ngày 27/6.

Trong khi đó, ĐCSTQ đã tìm cách cắt đứt quan hệ Úc - Nhật khi tuyên bố vào tháng 1/2023 rằng Nhật Bản có thể tấn công Úc trong tương lai vì Nhật Bản chưa bao giờ xin lỗi về hành động của mình trong chiến tranh. Tuy nhiên, cả Úc và Nhật Bản đều bác bỏ cáo buộc này.

Ngoài ra, theo Đài phát thanh và Truyền hình Quốc gia Úc (ABC), một tàu thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được phát hiện ở "khu vực lân cận" cuộc tập trận Trident23 nhưng không thông báo cho Hải quân Úc.

The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Úc để chứng thực cáo buộc này.

Sự hung hăng của ĐCSTQ ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng và phương Tây cảnh giác, vì ước tính thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông hàng năm trị giá lên đến 3,4 nghìn tỷ USD.

Ngoài ra, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên trong khu vực để thách thức các hành động gây hấn của Bắc Kinh.

Hơn nữa, khi mối lo ngại gia tăng về việc liệu ĐCSTQ có thể tuyên chiến với Đài Loan hay không, chính quyền Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã kêu gọi chính phủ Úc cử một Tùy viên quân sự đến làm việc tại Đại sứ quán trên thực tế của nước này tại Đài Bắc, theo tờ The Australian.

“Tôi cho rằng điều rất quan trọng vào thời điểm chính phủ Úc đang chú ý nhiều hơn đến các vấn đề an ninh khu vực để hai nước có thể chia sẻ những quan sát, đánh giá của họ về tình hình”, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cho biết vào ngày 26/6 tại Đài Bắc.

Lời kêu gọi của Đài Bắc được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Đài Loan nói với tờ Taipei Times vào ngày 27/6 rằng chính phủ Úc, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, đã bổ nhiệm một Giám đốc phụ trách các vấn đề chiến lược cho Đại sứ quán trên thực tế của họ vào năm 2022, để đáp trả mối đe dọa gia tăng từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, nhận thấy sự bành trướng của ĐCSTQ tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đã gây đe dọa đối với hòa bình của eo biển Đài Loan cũng như an ninh và ổn định khu vực, Văn phòng Úc tại Đài Loan đã bổ sung chức vụ Giám đốc các vấn đề chiến lược vào năm ngoái để liên lạc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Đài Loan. Văn phòng đại diện Đài Loan tại Úc cũng có thể liên lạc với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để trao đổi về tình hình an ninh khu vực bất cứ lúc nào.

The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để yêu cầu bình luận về việc bổ nhiệm này.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tìm cách mở rộng thỏa thuận AUKUS ba bên nhằm tăng tốc và tăng cường hợp tác về các công nghệ quốc phòng quan trọng, bao gồm công nghệ siêu thanh, tác chiến điện tử và năng lực của tàu ngầm nhằm đối đầu hiệu quả với ĐCSTQ.

Hiện tại, chỉ có Canada và New Zealand - hai thành viên cuối cùng của liên minh tình báo Five Eyes - bày tỏ mong muốn tham gia Trụ cột thứ hai của hiệp ước AUKUS.

Nhà lãnh đạo Belarus khẳng định sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân


Ngày 30/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh trung thành nhất của Điện Kremlin trong cuộc chiến ở Ukraine, khẳng định chắc chắn rằng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở nước này.

Tổng thống Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều thừa nhận, một số vũ khí chiến thuật đã được đưa đến Belarus và phần còn lại sẽ được gửi đến vào cuối năm nay.

Trong bài phát biểu kỷ niệm ngày quốc khánh của nhà nước thuộc Liên Xô cũ,ông Lukashenko cho biết, việc bố trí vũ khí ở Belarus là “sáng kiến chắc chắn nhất của tôi”.

“Chúng tôi ngày càng tin chắc rằng cần phải bố trí chúng tại Belarus, một nơi đáng tin cậy,” ông Lukashenko nhấn mạnh trong một chương trình phát sóng trực tuyến của hãng thông tấn nhà nước BelTA. “Tôi chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chừng nào chúng có mặt tại Belarus, đồng thời không một kẻ thù nào dám đặt chân lên đất nước chúng ta.”

Ông Lukashenko đã nhiều lần cáo buộc các nước phương Tây cố gắng phá hủy nhà nước của ông và cho rằng việc triển khai hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng.

Giữa tháng 6 vừa qua, ông thông báo một số vũ khí đã đến Belarus và từng có lúc nói rằng ông sẽ không ngần ngại sử dụng chúng nếu cần thiết.

Ngày 30/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus không phi phạm Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân do Nga vẫn kiểm soát chúng. Ông nói với hãng thông tấn Tass của Nga, việc triển khai là “bắt buộc” đối với Nga.

Ông Lukashenko từng hỗ trợ ông Putin khởi động một phần cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 từ Belarus và cũng ủng hộ cuộc chiến. Mới đây, ông còn làm trung gian cho một thỏa thuận cho phép thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin và các chiến binh của ông ta chuyển các hoạt động sang Belarus.

Người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia của nước láng giềng Ba Lan, Jacek Siewiera, cho hay các chiến binh Wagner chuyển đến Belarus có thể lợi dụng những người di cư từ châu Phi và các nước khác để gây bất ổn ở Trung và Đông Âu.

Những bình luận của ông Siewiera với Financial Times liên quan đến các cuộc đụng độ ở biên giới Belarus vào năm 2021 khi những người di cư cố gắng tìm đường vào Ba Lan, quốc gia cáo buộc ông Lukashenko khuyến khích họ đến nước này.

Trong bài phát biểu của mình, ông tiết lộ, các chính trị gia đối lập người Belarus, hiện hầu hết đang sống lưu vong, đã tố cáo việc triển khai vũ khí cũng chỉ trích việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân do Nga tiến hành và hiện đang vận hành ở Belarus.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét