(Ảnh: Ông Nguyễn Minh Phúc mặc quần áo tu sĩ trong quán bar khi công an bao vây, kiểm tra hoạt động của quán, tối 22/7/2023.) Dư luận nhăn mặt, bất bình, khi nhìn thấy hình ảnh Vụ ‘Sư’ bị bắt, ăn chơi trong quán bar! Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi đã cảnh báo nhiều lần! Nhưng nhà cầm quyền vẫn bao che! (Sơn Nguyên) -Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi (TP.HCM) khẳng định ông Nguyễn Minh Phúc – người mặc Pháp phục có mặt tại quán bar tối 22/7 – không phải là tu sĩ Phật giáo.
<!>
Ngày 24/7, báo Giác Ngộ dẫn thông tin Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) huyện Củ Chi đã ký báo cáo mới nhất gửi Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM về việc ông Nguyễn Minh Phúc giả dạng tu sĩ Phật giáo.
Ông Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) nằm trong nhóm người có mặt tại quán bar Love Garden (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị Công an quận Gò Vấp đưa về trụ sở, kiểm tra ma túy vào tối 22/7. Ông Phúc có kết quả âm tính với ma túy nên được cho về.
Tuy nhiên, hình ảnh ông Phúc mặc áo tu sĩ vàng, đeo tay nải, xuất hiện trong quán bar và tại trụ sở công an nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Trong một clip do người dân ghi lại sau đó, ông Phúc giải thích được một đệ tử mời đến dự sinh nhật ở quán bar trên, sau khi ngồi chơi được một tiếng thì bất ngờ bị công an bao vây rồi đưa về trụ sở cùng nhiều người khác.
“Thầy đến dự sinh nhật thôi. Vừa vô được một tiếng đồng hồ tự nhiên công an bao vây. Nó vô kiểm ra quán, nó hốt thầy lên đồn, hốt hết cả nhân viên và khách luôn”, ông Phúc nói trong video.
Giải thích về việc tới quán bar dự sinh nhật, ông Phúc nói do đệ tử dẫn tới. “Mình đâu có nghĩ đệ tử dẫn mình tới một nơi bất ngờ thế này. Đâu là bao nhiêu gái đẹp, bao nhiêu trai sáu múi không…”, ông Phúc nói.
Theo báo cáo do Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi ký, UBND huyện Củ Chi đã từng triệu tập các cuộc họp xử lý vụ việc ông Phúc với sự tham gia của nhiều cơ quan như Ủy ban MTTQVN, Công an, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa và Thông tin… cùng Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi.
Qua thẩm tra, các loại giấy tờ chứng minh ông Nguyễn Minh Phúc là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm có chữ ký của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự Trung ương, khuôn dấu của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông Phúc tự làm, giả mạo.
Các huân chương, huy chương, bằng khen của Nhà nước, Chính phủ cũng là do ông Phúc tự làm giả.
Báo Giác Ngộ dẫn nguồn tin từ UBND huyện Củ Chi cho biết ông Phúc thường xuyên lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân và tụ tập đông người tại nhà riêng (thực chất là nhà tình thương do Ủy ban MTTQVN huyện cấp cho mẹ của ông vì gia cảnh neo đơn).
Từ năm 2014, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) đã xác nhận ông Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ xuất gia ở chùa Hoằng Pháp và thông báo rộng rãi lưu ý đừng để bị lừa gạt.
Từ năm 2015 đến nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần cử đoàn đến làm việc về những sự việc bất hợp pháp trên và đã nhiều lần mời ông Phúc đến làm việc nhưng ông này đều vắng không có lý do
‘Nhà sư’ tự xưng là Đại Đức Thích Tâm Phúc, nổi tiếng ăn thịt chó, chửi thề liên tục, đi chơi quán bar ở Sài Gòn, cuối cùng bị ‘sờ gáy!’ nhưng lại được cho ra về ngay!
– Ông Ngô Minh Châu, phó chủ tịch ở Sài Gòn, vừa giao Công An Thành Phố chủ trì, phối hợp Ban Tôn Giáo và các cơ quan hữu trách “nhảy vào kiểm tra, làm rõ nhân thân ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là Đại Đức Thích Tâm Phúc, 40 tuổi, ở huyện Củ Chi, trong vụ ‘nhà sư vào quán nhậu’.”
Theo báo Người Lao Động hôm 27 Tháng Bảy, sau khi làm việc tại trụ sở Công An Quận Gò Vấp, ông Nguyễn Minh Phúc được cho ra về ngay sau đó!
(Hình: Cảnh “nhà sư” Nguyễn Minh Phúc ăn thịt được các Youtuber đăng lên mạng xã hội.)
Không phải đến khi những hình ảnh ông Nguyễn Minh Phúc trong trang phục nhà sư trong một quán nhậu ở quận Gò Vấp được lan truyền thì mạng xã hội và giới truyền thông mới xôn xao dư luận về “nhà sư” này.
Ông Phúc đã được các Youtuber, TikToker “săn đón” để bình luận, kể về nhiều việc. Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các clip về ông ta.
Liên quan tới các Youtuber quay và phát tán các clip “có nội dung xuyên tạc thậm tệ Phật giáo,” Thượng Tọa Thích Tâm Hải, trưởng Ban Thông Tin-Truyền Thông Giáo Hội Phật Giáo CSVN ở Sài Gòn, cho biết Ban Trị Sự đã đề nghị Giáo Hội có văn bản gửi Sở Thông Tin và Truyền Thông, Công An Thành Phố xử lý.
Thượng Tọa Thích Tâm Hải khẳng định: “Ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, không phải là tu sĩ Phật giáo.”
Nơi ở của ông Phúc tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, là nhà để ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là chùa Hoằng Pháp Trung Ương.
“Về việc ông Nguyễn Minh Phúc, từ năm 2014, Thượng Tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp ở huyện Hóc Môn, đã xác nhận không phải là tu sĩ xuất gia ở chùa Hoằng Pháp và thông báo rộng rãi lưu ý,” sư Hải nói.
Từ đầu năm 2021, ông Nguyễn Minh Phúc được nhiều người biết đến với biệt danh “thầy chùa ăn thịt chó.” Thời điểm đó, ông này được nhiều YouTuber tìm đến và quay lại các video với nội dung ăn thịt chó, bún đậu, vịt quay, hột vịt lộn… Trong các video clip, ông này tự xưng mình là Đại Đức Thích Tâm Phúc và là trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung Ương.
Không những gây bất bình cho người xem về việc thầy tu ăn thịt chó, ông Phúc còn có những phát ngôn gây sốc, sai lệch, xúc phạm Phật giáo nặng nề!
Ngoài ra, Giáo Hội Phật Giáo CSVN ở Sài Gòn cho biết các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo nhà nước, chính phủ cũng được cơ quan hữu trách khẳng định là do ông Phúc tự làm giả.
Liên quan đến những dư luận không tốt của ông Nguyễn Minh Phúc, nhiều người dân bất bình mong giới hữu trách cần nhanh chóng xử lý, điều tra, bởi “ông Phúc giả danh tu sĩ Phật giáo làm nhiều chuyện khó coi.”
Độc giả “Phạm Lê Khanh” bày tỏ trên báo Người Lao Động: “Thời gian vừa qua, tôi rất bất bình với người giả mạo tu sĩ này. Kính đề nghị các cấp lãnh đạo, không bao che nên xử lý triệt để, tránh làm ảnh hưởng đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!”
(Ảnh: Hình ảnh gây xôn xao mạng xã hội về ông Nguyễn Minh Phúc đi quán bar mới đây.)
Đồng quan điểm, độc giả “NamChau” đề nghị: “Ông này bê bối lâu rồi. Chỉ mong qua vụ này cơ quan chức năng xử lý lần chót cho xong. Chứ cứ vậy sẽ ảnh hưởng nhiều mặt xấu xã hội.”
Một số người cho rằng có lẽ đây cũng là chiêu thức mà các YouTuber và ông Phúc phối hợp, đánh vào sự tò mò, quan tâm của nhiều người, nhằm quay clip kiếm tiền, bất chấp việc đó xúc phạm tôn giáo. Người sử dụng mạng xã hội cần biết chọn lọc thông tin để xem, tránh bị những người này lợi dụng, móc nối nhà cầm quyền bao che để kiếm tiền.
Người dân yêu cầu, phải làm rõ thông tin, cấp “chính quyền”, không bao che, mà phải xử lý nghiêm vụ việc nhà sư giả mặc pháp phục, trong quán nhậu, ăn chơi!
*Ủy ban Nhân dân thành phố HCM yêu cầu các đơn vị làm rõ nhân thân Nguyễn Minh Phúc - người tự xưng 'đại đức Thích Tâm Phúc' xuất hiện trong quán nhậu đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
-Ngày 23/7, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh công an kiểm tra quán nhậu có sự xuất hiện của một người đàn ông đầu trọc, mặc đồ giống nhà sư. Người này là ông Nguyễn Minh Phúc (trú tại huyện Củ Chi, thành phố HCM), nổi tiếng trên mạng với các clip mặc đồ nhà sư, ăn thịt, tự xưng Đại đức Thích Tâm Phúc.
(Hình: Ông Nguyễn Minh Phúc mặc áo giống nhà sư xuất hiện trong quán nhậu.)
-Liên quan đến vụ việc trên, theo VTC News, ngày 26/7, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố HCM Ngô Minh Châu về kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh ông Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983) - tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" khiến dư luận xôn xao những ngày qua.
Văn bản được gửi đến Công an thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo thành phố và Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, nơi ông Phúc sinh sống.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Công an, phối hợp Ban Tôn giáo thành phố HCM, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cùng các bên liên quan phải kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc nêu trên. Nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thường trực Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.
(Ảnh: Hình ảnh ông Phúc mặc pháp phục quay clip ăn thịt.)
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động phát hiện, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp lợi dụng sự việc để xuyên tạc, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước đó, cung cấp thông tin về ông Nguyễn Minh Phúc, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố HCM khẳng định, tất cả giấy tờ chứng minh tu sĩ, quyết định bổ nhiệm, quyết định thành lập chùa, quyết định bổ nhiệm trụ trì của người này với danh nghĩa do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cấp đều là giả mạo.
Các cơ quan chức năng khẳng định ông Phúc còn giả mạo các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cũng thông tin, ông Nguyễn Minh Phúc thường xuyên lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân bất hợp pháp và tụ tập đông người tại nhà riêng. Đây là nhà tình thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cấp cho mẹ của ông vì gia cảnh neo đơn.
Từ năm 2015 cho đến nay, chính quyền địa phương nhiều lần cử đoàn đến làm việc về những sự việc bất hợp pháp trên và nhiều lần mời ông Phúc đến làm việc nhưng ông đều vắng không có lý do.
Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo việc ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, đồng thời yêu cầu ông Phúc tháo gỡ tất cả các bảng hiệu có nội dung không đúng quy định, trong đó có bảng hiệu để tên gọi là Chùa Hoằng Pháp Trung ương.
Đủ cơ sở pháp lý để xử lý ông Nguyễn Minh Phúc
Theo Báo Người Lao Động, Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho biết, với các giấy tờ mà ông Nguyễn Minh Phúc làm giả, các cơ quan chức năng có thể khởi tố tội "Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu ông Phúc giả mạo tu sĩ hoặc dùng các tài liệu giả mạo để lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, ông Phúc có thể bị xử lý hành chính về những hành vi sau:
Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng).
Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng)...
Lại xung đột, tranh chấp quyền lợi! Bộ Tài Chính và Chùa Ba Vàng tranh cãi về việc báo cáo tiền công đức!
(Khánh Vy)
(Ảnh: Sư Chùa Ba Vàng nhận cúng dường.)
-Chùa Ba Vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức và nêu lý do là không được yêu cầu. Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Tài chính đã lên tiếng phản bác vấn đề này.
Tiền công đức chưa sử dụng cần gửi vào Kho bạc, Ngân hàng để ‘an toàn, minh bạch’
Ngày 23/7, truyền thông trong nước dẫn lời bà Vũ Thị Hải Yến – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo về vấn đề thu, chi tiền công đức là Bộ Tài chính báo cáo dựa trên báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh. Do đó, việc Chùa Ba Vàng nói không được yêu cầu báo cáo là không đúng.
Cụ thể vào ngày 23/5, UBND TP. Uông Bí ra văn bản về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên tại thành phố. Ban Trị sự Chùa Ba Vàng là một trong những nơi nhận văn bản này do UBND TP. Uông Bí gửi đi.
Một nội dung trong văn bản gửi cho Ban Trị sự Chùa Ba vàng là trước ngày 15/6 phải có báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa này.
Vào ngày 21/7 vừa qua, Bộ Tài chính gửi báo cáo đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái của Chính phủ Hà Nội về kết quả thực hiện thí điểm công tác kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, và đề xuất kế hoạch kiểm tra tương tự trên phạm vi toàn quốc.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính, Chùa Ba Vàng là một trong hơn 50 di tích không có dữ liệu báo cáo.
Chùa Ba Vàng liền có thông báo cho rằng không có đoàn điểm tra nào đến cơ sở này để trực tiếp kiểm tra việc thu, chi tiền công đức, cũng như không hề nhận được văn bản nào yêu cầu Chùa Ba Vàng nộp báo cáo thu, chi tiền công đức.
Ban Trị sự Chùa Ba Vàng trong thông báo còn nói báo chí Nhà nước đưa tin về việc cơ sở này không báo cáo thu, chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Ba vàng do ông Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng “oan gia trái chủ” bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức “giải vong” cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến “thỉnh vong”.
Sau khi vụ việc bị phát giác, ông Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải sám hối đại tăng.
Vào năm 2022, Chùa Ba Vàng lại gây “bão” trên mạng xã hội nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức tại chùa.
Các hình ảnh và video cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử nhân lễ này.
Sau đó, giới chức thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu gỡ những video hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng khỏi mạng xã hội vì gây ảnh hưởng không tốt. Chùa Ba Vàng.
Đâu Phải Lúc Nào Cũng Sướng! Nỗi Niềm Cay Đắng Khi Làm Một Nhà Sư Quốc Doanh!
(Lộc Dương)
(Hình minh họa)
-Tại cái bàn bằng đá phía sau một ngôi chùa quốc doanh, giữa những hàng chậu cây cảnh khủng, có hai người đang ngồi đàm đạo với nhau. Đó là ông sư Phó trụ trì và viên cảnh sát khu vực. Trước mặt họ là 2 cái ly nhựa có nắp đậy và ống hút, dưới chân là cái bao xốp đựng mấy vỏ lon bia. Mọi lần, sau khi đã thu tiền hụi chết của chùa đóng cho công an phường, tay cảnh sát chỉ ngồi một lúc rồi về ngay, nhưng hôm nay trời mát lại vắng khách thập phương, nên tay cảnh sát cứ ngồi nấn ná lại:
- Thì làm thêm lon nữa đi thầy.
- Không được, chiều nay thầy còn phải đọc kinh. Rồi tối lại có 2 cái hẹn chữa bịnh cho nữ phật tử.
Đang dằng co thì điện thoại của sư reo. Sư hấp tấp móc ra nghe: “Sao? Bị bắt rồi à, hồi nào vậy?” Vừa nói sư vừa bước nhanh ra tuốt phía sau để được riêng tư. Nghe một hồi thì mặt sư xanh mét như tàu lá chuối, điện thoại cúp rồi mà sư vẫn đứng đó thất thần, quên hẳn tay khu vực ngồi chờ chán chê đã bỏ về.
Có gì đâu. Điện thoại của người nhà báo cho sư biết Hùng thẹo mới vừa bị bắt. Cách đây 8 năm, sư và Hùng thẹo là cặp đôi chuyên vận chuyển, mua bán ma tuý. Kiếm tiền khá dễ dàng. Tuy nhiên, sau một lần bị bắt hụt, cả hai sợ quá bèn chia tay, mạnh ai nấy trốn. Hùng thẹo biệt tăm biệt tích. Riêng sư, nhờ một người bà con giới thiệu, bèn thay tên đổi họ, cạo trọc đầu và trở thành một nhà sư mới toanh, được Giáo Hội phật giáo quốc doanh cử về tăng cường cho một ngôi chùa do chính quyền bỏ vốn xây dựng. Ngày khai trương được nguyên dàn lãnh đạo Tỉnh đến cắt băng khánh thành.
Lúc mới vào chùa, sư cũng chịu nhiều cảnh khổ, cay đắng. Ngoài nỗi nhớ rượu, nhớ gái, lại không được chửi thề, khiến cho cái miệng của sư cứ cứng ngắc như bị bịnh đau quai hàm. Đã thế sư còn chịu cảnh “sư cũ bắt nạt sư mới", cay đắng vô ngần. Thế nhưng nhờ tài lường gạt chữa bịnh bằng cách vỗ đầu của sư, tiếng lành đồn xa, phật tử khắp các tỉnh thành nườm nượp bao xe tới chùa để xin được “sư thầy” trừ tà trị bệnh. Từ đó vị thế của sư được nâng lên nhanh chóng. Rồi cách đây mấy năm, sư đã vận dụng sáng chế ra trò “giải sao trừ hạn” cũng thành công một cách đáng kể. Tiển vô như nước. Lâu lâu lại có các bà vợ quan lãnh đạo, đi xe biển xanh, đội cả mâm vàng tới xin thầy “cúng sao giải hạn” giùm cho các đức ông chồng liêm chính, suốt đời học tập theo gương bác, của các bà ấy.
Thu tiền, vàng thì dễ. Lúc chia mới khó. Phải tính phần trăm cho lãnh đạo Huyện, lãnh đạo Tỉnh. Phần trăm cho ngân sách Giáo Hội nhà nước, phần chung chi cho xã hội đen bảo kê, phần chia cho các sư tăng có máu mặt trong chùa. Sư trụ trì bối rối lắm. Lần chia tiền công đức nào cũng có cãi nhau. Có lần còn suýt gây án mạng. Thấy vậy sư mới xung phong đứng ra chia. Nhanh, gọn, chính xác như cái hồi sư chia tiền lời ma tuý. Ai cũng vui vẻ, hài lòng. Sư trụ trì thích quá mới đề nghị lên trên cho sư được thăng chức Phó Trụ Trì.
Từ ngày lên chức, sư coi trời bằng vung. Sư bắt đầu được mời ngồi cùng họp hành, ăn nhậu trong phòng kín với các quan lãnh đạo tỉnh, thậm chí có lần sư còn được bắt tay với Thủ Tướng Phúc. Sư có tài khoản riêng ở 2 ngân hàng, chỉ thua sư trụ trì là chưa có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài thôi. Lợi tức kiếm được còn khá hơn hồi đi buôn ma tuý. Lâu lâu thèm thịt, sư cải trang thành dân thường, bảo tài xế chở qua thành phố bên cạnh, húp tô phở tái chín bò viên, tỉnh cả người.
Cuộc sống đang thăng hoa như thế, bổng đâu tin Hùng thẹo bị bắt như sét đánh ngang tai. Thế nào Hùng thẹo cũng khai ra sư. Công an việt cộng mà đánh thì đến bố mẹ nó, nó cũng khai, chứ sư thì nhằm nhò gì. Mà một khi đã bị lộ thì trốn đâu bây giờ ? Có thay tên đổi họ, có trốn qua Singapore như Vũ Nhôm, hay trốn mãi tận bên Đức như Trịnh Xuân Thanh, công an còn moi về được thì cái chùa này có nghĩa địa gì?
Trời đã ngã về chiều, sư Phó trụ trì cứ đứng chôn chân một chỗ, lòng tơi bời hoa lá, đầu óc luẩn quẩn nghĩ về các phương cách chạy án nếu thật sự bị lộ. Một đoàn nữ phật tử lễ mễ khiêng quà vào chánh điện. Thấy sư, họ từng người tiến lại chắp tay thành kính lậy. Theo thói quen, sư chắp tay lậy trả lễ, nhưng lúc ấy trong lòng sư bổng dâng lên một niềm cay đắng hết sức hiếm hoi: Cái xã hội này kỳ quái thật, chỉ bằng lừa mị, dối trá và dựa vào hơi hướm chính quyền, một nhúm nhỏ lưu manh như sư vẫn có thể khiến cho đám đông quần chúng tin tưởng, kính trọng, thậm chí là thuần phục nữa...
Chờ cho đoàn phật tử vào trong chánh điện hết, sư mới sực tỉnh và nhanh chóng chạy đi dấu mấy cái vỏ lon bia mà hồi nãy sư uống vẫn chưa đủ đô. “Ai bảo làm Sư Quốc Đoanh là sướng! cũng có nhiều cái khổ!” mà người…ngoài không thể biết! rồi sư cất lên bài ca “Có những niềm riêng, làm sao nói hết!”
Người Việt Khắp Nơi:
Nữ Chuyên Gia Mỹ Gốc Việt, Ở Sacramento, Đứng Đầu Nghiên Cứu Về 8 Yếu Tố Giúp Sống Thọ Thêm 24 Năm!
(Hình: Binh sĩ Mỹ huấn luyện thể chất tại căn cứ Ft. Bragg, tiểu bang North Carolina, tháng 1/2023.)
-Một nghiên cứu mới, do chuyên gia Mỹ gốc Việt Xuan-Mai T. Nguyen đứng đầu và được công bố hôm 24/7/2023 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ ở Boston, cho thấy áp dụng 8 thói quen lành mạnh khi đến tuổi trung niên có thể giúp sống thọ thêm tới 24 năm.
Cuộc nghiên cứu thu thập dữ liệu từ hơn 719.000 cựu chiến binh trong giai đoạn 2011-2019 chỉ ra 8 thói quen tốt là tích cực vận động thể chất, không nghiện chất ma túy giảm đau (opiod), không hút thuốc, quản lý tâm trạng căng thẳng (stress), chế độ ăn uống tốt, không uống rượu bia kéo dài, ngủ đủ giấc và có những mối quan hệ xã hội tích cực.
Theo kết quả nghiên cứu, đàn ông có đủ 8 thói quen ở tuổi 40 được dự báo sẽ sống thọ thêm 24 tuổi so với đàn ông hoàn toàn không có thói quen nào như vậy. Phụ nữ có toàn bộ 8 thói quen ở tuổi trung niên được dự báo tăng tuổi thọ thêm 21 năm so với phụ nữ không hề có các thói quen đó.
Bà Xuan-Mai T. Nguyen, chuyên gia khoa học sức khỏe thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cho VOA biết qua email rằng đội ngũ nghiên cứu do bà đứng đầu đã chọn thực hiện đề tài này vì "chúng tôi muốn cung cấp cho các cựu chiến binh thêm thông tin để cải thiện sức khỏe của họ hơn nữa ngoài việc 'ăn uống lành mạnh và tập thể dục'".
Nữ chuyên gia 39 tuổi sinh ra ở Mỹ nói thêm với VOA: "Chúng tôi muốn lượng hóa những lợi ích tiềm tàng đối với các cựu chiến binh/bệnh nhân để hiểu rõ sự thay đổi lối sống lành mạnh có gắn bó thế nào với sức khỏe của họ. Vì vậy, chúng tôi nhắm đến xem xét kết quả là tuổi thọ và vòng đời vì mọi người thường muốn sống lâu hơn".
Bà Mai, người có bằng Tiến sĩ của Đại học Cornell và dự kiến sẽ nhận bằng Bác sĩ vào tháng 4/2024 của trường Y Carle Illinois College of Medicine, nhấn mạnh rằng "sự thay đổi về lối sống không đòi hỏi phải dùng thuốc men hay can thiệp của Bác sĩ, hoàn toàn nằm trong tay của bệnh nhân/cựu chiến binh".
Kết quả cuộc nghiên cứu được nhiều báo, đài ở Mỹ đưa tin, bao gồm cả CNN, CBS…, theo quan sát của VOA. Bà Mai nói với VOA rằng bà hy vọng việc các báo, đài đưa tin "sẽ giúp tạo động lực và trao thêm sức mạnh cho mọi người tạo ra sự thay đổi".
Nói trong một thông cáo báo chí về cuộc nghiên cứu, được các đài, báo Mỹ đăng lại, bà Mai cho hay: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy là áp dụng lối sống lành mạnh thật quan trọng đối với sức khỏe của công chúng lẫn của cá nhân. Càng áp dụng sớm càng tốt, nhưng ngay cả khi ta có một thay đổi nhỏ ở tuổi 40, 50 hay 60, điều đó vẫn có ích lợi".
Nhà khoa học nữ người Mỹ gốc Việt cho VOA biết rằng các bước tiếp theo là bà cùng đội ngũ của mình sẽ tìm hiểu 8 yếu tố kể trên có mối quan hệ thế nào với các nhóm bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác nhau, chẳng hạn như những người bị bệnh tim mạch hay tiểu đường, v.v… "Chúng tôi cũng hy vọng tiếp tục thu thập các đo lường về 8 yếu tố đó để nghiên cứu về những thay đổi theo thời gian", bà nói.
Bà Mai sinh ra ở Sacramento, California, với cha mẹ - ông Canh Minh Nguyen và bà Ngoc-Nhung Viec - đều là người Việt chạy tị nạn khỏi Việt Nam do chiến tranh năm 1975. Bố mẹ bà Mai gặp nhau và kết hôn ở Mỹ, bà cho biết.
Người và cả gia đình chạy trốn Cộng Sản, nay tranh ghế thượng nghị sĩ liên bang!
(Ảnh: Ông Hùng Cao và gia đình)
-“Khi gia đình tôi chạy trốn Cộng Sản năm 1975, chúng tôi tin Hoa Kỳ là hy vọng cuối cùng cho tự do và cơ hội trên thế giới. Mọi công dân Mỹ phải được đối xử công bằng, không lo sợ bị kỳ thị,” Hải Quân Đại Tá Hùng Cao viết trên Twitter.
Ông Hùng Cao, cựu Hải Quân đại tá Hoa Kỳ, vừa tuyên bố tranh cử chức thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Virginia tại Thượng Viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024.
Tin này được ông đưa ra qua một băng video hôm Thứ Ba, 18 Tháng Bảy.
Chức này hiện do ông Tim Kaine (Dân Chủ) nắm giữ từ năm 2013 và ông sẽ tái ứng cử vào năm tới. Ông Kaine từng là thị trưởng Richmond, phó thống đốc, và thống đốc Virginia, và cũng từng ứng cử phó tổng thống trong liên danh với bà Hillary Clinton hồi năm 2016.
Hải Quân Đại Tá Hùng Cao cho biết lý do ra ứng cử: “Tôi là một trong nhiều người Mỹ thấy tội phạm tràn lan, giá xăng và thực phẩm tăng, và khủng hoảng ma túy ở biên giới. Tôi không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người muốn đến Washington, DC đấu tranh cho cư dân Virginia và người Mỹ, để giải quyết các vấn nạn này.”
Trong đoạn video tranh cử dài 3 phút 21 giây, ông Hùng Cao cho biết: “Đất nước chúng ta ngày càng đi xuống. Tôi vẫn tin vào nước Mỹ là đất nước của cơ hội. Tôi có trách nhiệm phải chống lại những người muốn kiểm soát đời sống chúng ta, làm tan nát gia đình chúng ta. Chúng ta cần những chiến binh thực thụ, chứ không phải chính trị gia, không phải những người quan liêu, không phải những người mặc quần áo sang trọng ngồi làm việc trên bàn phím.”
Hồi năm 2022, ông Hùng, thuộc đảng Cộng Hòa, từng ứng cử tranh chức dân biểu liên bang Địa Hạt 10 của Virginia, do Dân Biểu Jennifer Wexton (Dân Chủ) nắm giữ, và thua bà 6 điểm.
Khi được hỏi là kinh nghiệm cuộc bầu cử trước có giúp ích gì không, ông Hùng cho biết: “Tôi học được nhiều điều và chúng tôi có thể thắng, vì thông điệp của tôi lần này sẽ nhắm vào cử tri ngoại ô các thành phố. Địa Hạt 10 là một trong những vùng ngoại ô của tiểu bang, và tôi đạt thêm 13 điểm trong khu vực này. Tổng Thống Joe Biden thắng Virginia chỉ có 10 điểm.”
“Nói một cách đơn giản, chúng tôi có thể một lần nữa lấy được 13 điểm, và thắng ông Kaine,” ông Hùng cho biết một cách tự tin.
Về chính sách ngoại giao, vì đây là lĩnh vực của Thượng Viện, vị Hải Quân đại tá cho biết, nếu thắng cử, ông sẽ “đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương để cổ vũ cho nhân quyền cho người dân Việt Nam, và hơn thế nữa, cho họ hàng chúng ta.”
Ông Hùng Cao đến Mỹ cùng gia đình năm 1975 sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, theo ông cho biết trong video tranh cử.
“Khi gia đình tôi chạy trốn Cộng Sản năm 1975, chúng tôi tin Hoa Kỳ là hy vọng cuối cùng cho tự do và cơ hội trên thế giới. Mọi công dân Mỹ phải được đối xử công bằng, không lo sợ bị kỳ thị,” Hải Quân Đại Tá Hùng Cao viết trên Twitter.
Khảo sát quy mô: Đại đa số người Việt ở Mỹ đã quen, hầu hết không ai muốn về Việt Nam để sống!
*Phần lớn người Việt trưởng thành có thiện cảm với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, theo kết quả của một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington thực hiện.
-Hơn tám trên mười người Mỹ gốc Việt nói có thiện cảm với nước Mỹ trong khi đại đa số nói rằng họ sẽ không dọn về Việt Nam sinh sống nếu có cơ hội, theo kết quả của một cuộc khảo sát quy mô lớn về người Mỹ gốc Á được công bố hôm 19 tháng 7.
Khoảng 84% người Việt Nam trưởng thành nói rằng họ có quan điểm tích cực, trong đó 57% nói họ rất có thiện cảm với nước Mỹ, theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington thực hiện với bảy nhóm sắc dân gốc Á khắp toàn nước Mỹ từ ngày 5 tháng 7 năm 2022 tới ngày 27 tháng 1 năm 2023. Chỉ 6% người Mỹ gốc Việt có cái nhìn không thiện cảm với nước Mỹ.
Với tỉ lệ này, người Việt chỉ đứng sau người Ấn Độ (86%) về cái nhìn tích cực đối với nước Mỹ và cao hơn tỉ lệ trung bình 78% của tất cả người gốc Á tính chung, bao gồm cả người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và người Hoa.
Về quan điểm của người Mỹ gốc Việt đối với Việt Nam, cứ mười người thì có khoảng sáu người nói rằng họ có thiện cảm. 21% có quan điểm không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực trong khi 16% có quan điểm hơi tiêu cực và rất tiêu cực.
Dù phần lớn người Việt trưởng thành có ấn tượng tích cực về Việt Nam, quan điểm của họ về quê cha đất tổ của mình không mạnh bằng đa số nhóm dân gốc Á khác được khảo sát. Ở mức 59%, người Việt ở Mỹ chỉ đứng trên người Hoa, 41%, trong khi người Nhật Bản và Hàn Quốc có thái độ tích cực nhất về quê hương của mình, lần lượt ở mức 92% và 86%.
Người Việt trưởng thành dành nhiều thiện cảm cho Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan hơn chính quê hương của mình, với tỉ lệ lần lượt là 77%, 64%, và 62%.
Trung Quốc được người Việt nhìn nhận với quan điểm kém tích cực nhất (11%) trong số bảy nước Châu Á được khảo sát. Khoảng hai phần ba người Việt trưởng thành (64%) nói họ không có thiện cảm đối với Trung Quốc, trong đó 39% nói rằng họ rất không có thiện cảm.
“Người Việt có thiện cảm với Hoa Kỳ ở mức cao nhất vì Hoa Kỳ đã cứu họ và gia đình họ, cho họ một tương lai và cơ hội còn hơn khi họ còn ở Việt Nam,” Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân nhận định từ bang California của Mỹ, nơi người tị nạn từ Việt Nam đến định cư đông đảo nhất sau chiến tranh trong những năm 1970 và 1980.
“Nếu họ còn ở Việt Nam thì họ là công dân hạng ba, bị chế độ (cộng sản) bài đãi. Hãy nhìn cách các thương phế binh bị đối xử thiếu nhân đạo và con em của họ bị kỳ thị, không được đi học vì là ‘con ngụy.’ Chính quyền xã hội chủ nghĩa bạc đãi họ thì làm sao mà có thiện cảm được.”
Tiến sĩ Quân cho biết chính ông cũng từng bị đưa đi “học tập cải tạo” sau năm 1975 và vượt biên đến lần thứ chín mới thành công. Sau đó, ông đã có dịp quay trở lại Việt Nam trong tư cách chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cố vấn cho chính phủ vào năm 1992 và từ năm 1994 tới 1997.
“Mặc dù có cơ hội giúp Việt Nam và muốn Việt Nam thăng tiến như Nam Hàn, Nhật Bản hay Đài Loan, nhưng cơ chế Việt Nam vẫn là chuyên chế, do đó khó mà thay đổi cách suy nghĩ của người Mỹ gốc Việt đối với Việt Nam,” ông nhận định.
Phần lớn người Việt trưởng thành có thiện cảm với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam có cái nhìn tích cực hơn đàn ông Việt Nam về đất nước của mình, theo cuộc khảo sát. Hai phần ba phụ nữ cho biết quan điểm của họ về Việt Nam là rất hoặc có phần tích cực, so với khoảng một nửa đàn ông Việt Nam có suy nghĩ như vậy. Những người Việt Nam dưới 50 tuổi và những người sinh ra ở Mỹ cũng có quan điểm đặc biệt tích cực về Việt Nam (72% và 70%).
Cuộc khảo sát của Pew cũng cho hấy hầu hết người Mỹ gốc Việt (78%) trả lời không khi được hỏi liệu họ sẽ dọn về Việt Nam sống không. Người Việt sinh ra ở nước ngoài nói rằng họ sẽ dọn về Việt Nam sống với tỉ lệ 21%, cao hơn một chút so với những người sinh ra ở Mỹ, 14%.
Pew dẫn phát biểu từ một cuộc phỏng vấn trong cuộc khảo sát với một người phụ nữ gốc Việt 22 tuổi sinh ra ở Mỹ. Cha mẹ cô nói với cô rằng Việt Nam bây giờ khác nhiều so với lúc họ rời đi, nhưng ở Mỹ cuộc sống của họ sung túc hơn, đặc biệt là ở nơi cô sinh sống có nhiều người Việt Nam với thức ăn ngon hơn ở những nơi khác ở Mỹ.
“Họ nói họ sẽ không dọn về đó ở mà chỉ dẫn tôi và anh tôi về chơi thôi,” cô gái được dẫn lời nói.
Bình luận về kết quả này, Tiến sĩ Quân cho rằng sự tự do là điều giữ chân người gốc Việt ở lại Mỹ, nơi mà nhiều người đã tìm tới sau khi rời bỏ Việt Nam hàng chục năm trước vì thiếu tự do.
“Lý do 78% không về là đang ở một đất nước tự do mà tại sao lại tự mình đưa mình vào nhà tù? 22% muốn vì một là về hưu (những người già cô đơn) hay là vì cá nhân lấy chồng lấy vợ. Họ không muốn về cũng là lẽ thường thôi, họ có suy nghĩ và biết suy nghĩ dựa trên kinh nghiệm các người đi trước,” ông nói.
Người Mỹ gốc Á có cái nhìn tích cực về Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Người Mỹ gốc Á có cái nhìn tích cực về Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế này nói không có gì khó hiểu khi các nhóm sắc tộc thiểu số gốc Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Hoa ở Mỹ có thiện cảm với Mỹ nhiều hơn thiện cảm dành cho chính quê hương họ. Từng làm việc trong lĩnh vực phát triển tại các nước đó, ông nói những người này di cư sang Mỹ để có cuộc sống tốt hơn và để con cháu họ có tương lai tươi sáng hơn.
“Trong nước các sắc tộc này gặp nhiều khó khăn (bất công, tiền, cơ hội thăng tiến, vv.) cho nên họ có thiện cảm vời Mỹ vì đây là nước cho họ và gia đình cơ hội thăng tiến,” Tiến sĩ Quân nhận định.
“Đối với người Mỹ gốc Việt và Hoa còn thêm yếu tố chính trị: họ thoát khỏi một chế độ chuyên chế sau khi gặp rất nhiều đau thương trong cuộc sống của họ với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với rất nhiều người Việt, vết thương này chưa lành mặc dù là nay nhiều người có cơ hội về Việt Nam.”
Trong số những người nói rằng họ sẵn sàng chuyển về Việt Nam, những lý do chính được nêu ra là chi phí sinh hoạt thấp hơn (35%) hoặc để được gần bạn bè hoặc gia đình hơn (32%). Một số ít hơn nói quen thuộc với văn hóa Việt Nam (11%), cảm thấy an toàn hơn ở Việt Nam (6%) hoặc được hỗ trợ nhiều hơn cho người lớn tuổi (4%) là lý do chính khiến họ muốn dọn về đó ở.
Ông gốc Việt đem cá cơm ở Mỹ về Phú Quốc làm nước mắm!
(Hình: Chai nước mắm làm từ cá cơm ở Mỹ, sản xuất ở chính Phú Quốc, và nhập cảng về thị trường Mỹ)
-“Tôi đi một vòng thế giới để rồi khi quay về, biết được nguyên liệu tốt nhất là cá cơm Mỹ nhưng môi trường sản xuất nước mắm tốt nhất là Phú Quốc, Việt Nam,” Danny Trần cho hay.
Chai nước mắm chính thức xuất hiện trên các quầy kệ của siêu thị Whole Foods nổi tiếng của Mỹ ở Arizona, California, Connecticut, Idaho, New Jersey và New York.
Đó là Son Fish Sauce (Nước Mắm Sơn) của vợ chồng Danny Trần, thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt sáng lập và làm chủ. Vợ của Danny, Albee Trần, chính là truyền nhân đời thứ tư của ông “chúa đảo” Phạm Văn Khôn, chuyên sản xuất nước mắm ở Hòn Sơn Rái từ năm 1951.
Một bước tiến đáng kể khác, Tháng Chín năm nay, Son Fish Sauce của Danny và Albee sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên trong lịch sử làm nghề của gia đình: Nước Mắm Cá Cơm Mỹ. Đây là loại nước mắm làm từ cá cơm ở Mỹ, sản xuất ở chính Phú Quốc, và nhập cảng về thị trường Mỹ.
Để có được ngày hôm nay, là chặng đường mười năm cho quy trình sản xuất, trong đó có ba năm “chạy đua” để vợ chồng Danny Trần và Albee Trần đưa sản phẩm vào siêu thị Whole Foods.
Từ California, Danny phấn khởi gửi những tấm ảnh đầu tiên anh chụp được trong siêu thị Whole Foods. Những chai nước mắm truyền thống Son Fish Sauce hoàn toàn là sản phẩm từ Việt Nam, của người gốc Việt làm chủ, sản xuất và nhập cảng vào Mỹ.
Khi Danny Trần, một người sang Mỹ từ năm 8 tuổi, tự nhận là thế hệ 1.5, biết về lịch sử và di sản kinh doanh của gia đình vợ mình ở Hòn Sơn Rái, anh muốn cùng với cô mang truyền thống đó phát triển ở hải ngoại.
“Tôi muốn cho người Việt ở Mỹ, và cả người Mỹ bản xứ biết đây là sản phẩm thật sự của người Việt, là vị nước mắm thật, chứ không phải những nhãn hàng từ Thái Lan, Trung Quốc mạo danh hương vị truyền thống của dân mình,” Danny nói về ý tưởng thành lập Son Fish Sauce của 10 năm trước.
Danny quyết định phải có sản phẩm nước mắm “Việt chính chủ” trên nước Mỹ. Và thế là năm 2014, thương hiệu Son Fish Sauce ra đời ở California. Như bao người trẻ khởi nghiệp khác, vợ chồng Danny và Albee phải cố gắng rất nhiều, kể cả trải qua không ít khó khăn tưởng như thất bại.
Sau 5 năm đầu tiên, nước mắm Son Fish Sauce trở thành sản phẩm được nhiều nhà hàng uy tín ở Mỹ tin dùng, như “The Slanted Door” ở San Francisco, “MGM Group” ở Las Vegas, “Cosmopolitan,” “Treasure Island,” “T-Mobile Arena”, “Chom Chom” ở Hong Kong, “NKU” ở Đài Loan…
Nước mắm “Sơn” khác biệt với những thương hiệu khác là do làm đúng với công thức truyền thống: Cá cơm tươi của Son Fish Sauce được ủ với tỷ lệ bảy tấn cá với ba tấn muối suốt một năm trong thùng gỗ mít để có hương vị đặc biệt.
Thành phần của Son Fish Sauce chỉ có cá cơm và muối biển thôi,” Albee nói, “Nước mắm truyền thống hoàn toàn không có hóa chất.”
Khi sản phẩm đạt được độ tin dùng của khách hàng, Danny bắt đầu thực hiện điều anh mong mỏi: Đưa nước mắm “Việt chính chủ” lên quầy kệ của siêu thị Mỹ.
“Đó là quá trình của ba năm để sản phẩm được có mặt ở Whole Foods,” Danny nói, “họ không chỉ kiểm tra phẩm chất của nước mắm hoặc kiểm tra HASSA (Health and Sanitation Safety Awareness – Nhận thức An Toàn Sức Khoẻ và Vệ Sinh) mà còn kiểm tra về độ tin cậy xã hội (social audit) của sản phẩm đó, ví dụ như công ty có bóc lột sức lao động không chẳng hạn. Và quan trọng là sản phẩm đó phải nổi trội so với những nhãn hàng khác. Đó là những điều cần thiết để Whole Foods xem xét lựa chọn,” Danny kể.
Ngay từ khi khởi nghiệp Son Fish Sauce 10 năm trước, Danny đã nhận thức được một thực tế từ thiên nhiên: nguồn cá đã cạn. Câu chuyện về sản phẩm đầu tiên trong lịch sử làm nghề của gia đình Danny và Albee tiếp tục trong lời kể hào hứng:
“Mười năm trước, người trong nghề cũng biết là không chỉ ở Việt Nam mà cả Châu Á đã hết cá. Cá lớn, cá nhỏ, cá nào cũng hết vì nhu cầu đánh bắt quá lớn. Thời điểm ra mắt nước mắm truyền thống Son Fish Sauce, tôi và vợ đã đi tìm hiểu khắp nước Mỹ, thậm chí chúng tôi đã sống ở Mississippi gần một năm để tìm nguồn cá ở Mỹ.”
Trong thời gian chu du, anh nhận ra hai điều quan trọng: Nguồn cá ở Mỹ tốt, nhưng môi trường để sản xuất nước mắm ở Mỹ không tốt. Ví dụ nguồn nước vùng Gulf Coast cứ vài năm lại bị đục. Dù Gulf Coast có khí hậu nóng ẩm nhưng cũng bị tuyết hàng năm.
Do đó, Danny kết luận:
“Tôi đi một vòng thế giới để rồi khi quay về, biết được nguyên liệu tốt nhất là cá cơm Mỹ nhưng môi trường sản xuất nước mắm tốt nhất là Phú Quốc, Việt Nam.”
Phú Quốc có khí hậu nóng, ẩm, phần lớn là môi trường thiên nhiên. Đó cũng là cái nôi của nước mắm, là nơi có lịch sử sản xuất nước mắm mấy nghìn năm. Mang cá cơm của Mỹ về quê hương của nước mắm để sản xuất, rồi lại nhập cảng thành phẩm trở lại Mỹ – một chiến lược kinh doanh đúng tính cách của thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt như Danny Trần.
Với nguyên liệu chỉ là cá cơm của Mỹ, ý tưởng của Danny được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ và bảo trợ. Và do đó, chai Nước Mắm Cá Cơm Mỹ là sản phẩm chính thức dán nhãn “Product of USA.”
Tin Việt Nam Hôm Nay
Việt Nam Lạc Quan Về Quan Hệ Ngoại Giao Với Vatican
(Hình AFP, minh họa: Giáo hoàng Francis gặp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican hôm 23/11/2016.)
-Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican sẽ có những triển vọng mới qua chuyến thăm của Chủ tịch Võ Văn Thưởng đến quốc gia nhỏ bé nhưng có hàng tỉ tín đồ Công giáo La Mã trên khắp thế giới.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hằng, về mối quan hệ được cho có tiến triển trong thời gian qua và sẽ tích cực hơn trong thời gian tới sau chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 27/7. Đây là hoạt động tiếp xúc đầu tiên cấp cao nhất giữa hai phía trong vòng 7 năm qua, và là sự kiện quan trọng để trao đổi về thúc đẩy mối quan hệ cũng như hoạt động của giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Vào ngày 31/3 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu phái đoàn phía Việt Nam tham gia cuộc họp Vòng X Nhóm Công tác Hỗn hợp giữa hai phía diễn ra ở Vatican.
Vào ngày 16/7 vừa qua, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn từ một chức sắc cấp cao Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội thạo tin liên quan về việc Việt Nam sẽ cho phép Tòa Thánh cử một vị đại diện thường trú cho Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam.
Thỏa thuận này được cho biết có thể được công bố nhân chuyến thăm của ông Võ Văn Thưởng đến Vatican lần này. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2016 giữa vị giáo chủ Công giáo La Mã và Chủ tịch nước Việt Nam; lúc đó Giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến ông Chủ tịch Việt Nam tại Vatican.
Việc cho phép một đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai phía.
Sau cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975, Hà Nội cắt đứt quan hệ với Vatican. Lúc đó, Đảng và Chính phủ Cộng sản cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ lịch sử gắn bó với thực dân Pháp.
Đến năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam-Vatican để gặp gỡ bàn về vấn đề liên quan giáo hội Công giáo tại Việt Nam và mối quan hệ song phương hai phía.
Thống kê cho thấy có gần bảy triệu tín đồ Công giáo La Mã tại Việt Nam; con số này chỉ chừng 6,6% dân số trong nước.
Năm người trong một gia đình ở Hà Giang bị ngộ độc nấm, 3 người đã tử vong!
(Thạch Lam)
(Ảnh: Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại Trung tâm.)
-Một người phụ nữ ở Hà Giang đi rừng hái nấm về cho gia đình gồm 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ ăn. Sau ăn 12 tiếng, cả gia đình 5 người có biểu hiện ngộ độc, được đưa vào viện cấp cứu. Trong đó, 3 người đã tử vong.
Ngày 20/7, tin từ Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (TP. Hà Nội) cho biết ngày 11/7 đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đến trong tình trạng suy gan cấp, theo dõi ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin.
Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó, ngày 10/7, chị Bàn Thị N. (ở Hà Giang) đi lên rừng hái nấm về cho cả nhà ăn. Bữa cơm gồm có 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ 3 và 5 tuổi.
Đến sáng ngày hôm sau, những người trong gia đình xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi nên được đưa tới bệnh viện. Một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và cháu còn lại nhẹ hơn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 3 người nhập viện gồm bố mẹ và bác của 2 cháu nhỏ. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu, mạch rất chậm, ảnh hưởng đến huyết động.
Trong đó, 2 bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng, máy không định lượng được, suy gan, chỉ số men gan cao nhất khoảng 8.000 UI/L. Đồng thời các bệnh nhân còn có biểu hiện suy thận, suy gan rất nặng nề, phải đặt ống nội khí quản, lọc máu hấp phụ.
Các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực, thay huyết tương 2 lần/ngày và nhiều phương pháp hỗ trợ khác nhưng tình trạng bệnh nhân cải thiện rất chậm, đã rơi vào trạng thái hôn mê gan, tiên lượng rất nặng và 2 bệnh nhân đã tử vong đêm 19/7.
Hiện chỉ còn bệnh nhân Bàn Thị N., sau khi điều trị thay huyết tương, dùng thuốc đặc hiệu giải độc gan, hỗ trợ chức năng gan thì men gan đã về mức 500 UI/L, đang có xu hướng cải thiện, tiến triển tốt hơn.
Như vậy, trong vụ cả gia đình bị ngộ độc sau khi ăn nấm rừng, có 3 người đã tử vong.
Bác sĩ Nguyên cho biết ngộ độc nấm chia làm 2 loại: nhanh và chậm. Sau khi ăn đến dưới 6 tiếng, xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài… là ngộ độc nhanh. Với loại nấm gây ngộ độc nhanh, các cơ sở y tế tại tuyến dưới vẫn kiểm soát điều trị tốt, bệnh nhân sẽ nhanh phục hồi.
Còn các loại nấm gây ngộ độc chậm thì nguy hiểm hơn, phổ biến hiện nay là các loại nấm chứa độc tố amatoxin gây tổn thương gan, suy gan. Khi ăn vào, độc tố biểu hiện chậm, sau quá 6 tiếng, thậm chí 24 tiếng mới có biểu hiện ngộ độc, lúc đó độc tố đã ngấm vào hết trong cơ thể, có độc tính cao nên điều trị rất khó và phức tạp.
Trường hợp gia đình chị Bàn Thị N. biểu hiện ngộ độc là sau 12 tiếng.
Theo bác sĩ Nguyên, sai lầm của người dân khi cho rằng những cây cỏ ngoài tự nhiên là an toàn, lành tính. Loại nấm trông ngon nhất, nhìn lành tính nhất lại chính là loại nấm độc nhất.
Người dân không nên tự ý hái các loại nấm hoang dại để ăn. Các địa phương cần tăng cường phổ biến kiến thức về tác hại của nấm độc tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận thông tin.
Việt Nam: Mỗi năm có khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) người đột quỵ, kỷ lục tăng nhiều nhất ở người trẻ!
(Thạch Lam)
(Ảnh: Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau điều trị đột quỵ.)
-Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ với tỉ lệ tử vong là 20%, bệnh đang có xu hướng tăng ở những người trẻ.
Trong buổi hội nghị đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện vào chiều 21/7, bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết – Khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong 20% và có xu hướng tăng ở những người trẻ. Riêng tại Bệnh viện Thống Nhất, số bệnh nhân đột quỵ tăng nhiều và mặt bệnh đa dạng hơn.
Vị bác sĩ này cho hay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề. Sau đột quỵ, có khoảng 70% người bệnh khuyết tật về chức năng vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn nuốt, rối loạn tiểu tiện, nhận thức. Khoảng 75% người không trở lại làm việc, 85% ảnh hưởng chức năng chi trên.
Biến chứng sau đột quỵ có thể là teo cơ, cứng khớp; đau khớp vai, bán trật khớp vai bên liệt; loét tì đè; nhiễm trùng viêm phổi do hít sặc, xẹp phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Tuy nhiên, phục hồi chức năng có thể phòng ngừa và điều trị các biến chứng, thương tật thứ cấp; xử trí các rối loạn, khiếm khuyết sau đột quỵ
Việc phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh.
Bác sĩ Tuyết nhấn mạnh thêm: “Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và hội đột quỵ Mỹ, vận động sớm trong vòng 24 giờ với cường độ cao có thể làm giảm kết quả có lợi sau 3 tháng. Phục hồi chức năng sớm có thể có hại cho người bệnh chảy máu não nặng, đặc biệt lưu ý, người bệnh đột quỵ nặng”
Bên lề hội nghị, BS chuyên khoa 1 Lê Thị Thúy Uyên – Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất trao đổi thêm rằng trong thời gian gần đây, số bệnh nhân đột quỵ được điều trị và quản lý tại khoa tăng nhiều và mặt bệnh càng đa dạng hơn.
Theo đó, tại khoa có 58 giường nhưng số bệnh nhân thực tế luôn dao động 64-68 ca, thậm chí có thời điểm lên đến 70 bệnh nhân.
Do đó, Bệnh viện phải kê thêm giường bệnh. Bệnh nhân đột quỵ tại đây sẽ được điều trị toàn diện, khi đủ điều kiện xuất viện sẽ được về nhà và được hẹn tái khám và tập phục hồi chức năng ngoại trú.
Theo bác sĩ Uyên, hiện khoa điều trị được tất cả dạng, các giai đoạn của đột quỵ. Ví dụ, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp thì được tiêm huyết khối để tái thông (bằng dụng cụ), phối hợp với ngoại thần kinh để phẫu thuật bệnh nhân.
Vào năm 2000, bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ. Đến nay, với những số liệu và kết quả có được thì khoa đạt tiêu chuẩn bạch kim, tuy nhiên còn chờ công nhận chính thức.
Bên cạnh điều trị đột quỵ, điểm “sáng” của khoa là điều trị người bệnh bị sa sút trí tuệ. Là bệnh viện lão khoa nên số lượng bệnh nhân bị sa sút trí tuệ tại bệnh viện tương đối lớn, bác sĩ Uyên cho hay.
Báo Động! Mưu Toan 'Đường Lưỡi Bò' và Thủ Đoạn 'Lấn Biển, Lấn Đất' Tinh Vi Bởi Trung Quốc Đối Với Việt Nam!
(Quốc Phương)
(Hình: Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.)
-Trong một động thái trên truyền thông được cho là khá hy hữu, một cơ quan nghiên cứu, phân tích chính sách (think tank) được biết đến khá nhiều ở Ấn Độ là Quỹ nghiên cứu, quan sát Observer Research Foundation (ORF) ngay trong hạ tuần tháng Bảy này đã lên tiếng vạch trần tham vọng và phương cách thúc đẩy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc rất đáng 'lo ngại' khi tiếp tục sử dụng 'bản đồ đường 9 đoạn' làm công cụ, và cho rằng Việt Nam và các nước ở khu vực 'có lý' khi phản đối.
"Mặc dù bản đồ được hiển thị trong cảnh (phim) thực sự là 'hoạt hình' với các hình dạng méo mó hầu như không giống các quốc gia, nhưng việc mô tả đường 9 đoạn ngay cả trên một bản đồ như vậy vừa vô nghĩa vừa đáng lo ngại. Ngay sau khi có thông báo về lệnh cấm của Việt Nam, mạng xã hội Trung Quốc đã bùng nổ để ăn mừng điều được 'công nhận' là quyết định của hãng Warner Bros trong việc 'đưa đường 9 đoạn' vào sản phẩm phim ảnh của hãng này", bài viết của nhà nghiên cứu Pratana Shree Basu của ORF hôm 21/7/2023 nêu quan điểm.
'Thông Điệp Chiến Lược Tinh Vi'
Gọi phương cách 'yêu sách chủ quyền' này của Trung Quốc như một một hình thức đưa ra 'thông điệp chiến lược' tinh vi, bài viết của nhà nghiên cứu trên trang mạng của think tank Ấn Độ tiếp tục nhận định:
"Việc hợp pháp hóa một cách sai trái chủ quyền bị xuyên tạc thông qua hình ảnh giải trí cũng là một vấn đề địa chính trị giống như việc các tàu đánh cá của Trung Quốc đi vào lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam hoặc Phi Luật Tân ngay cả khi nó không có ý nghĩa an ninh truyền thống".
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ấn Độ, Bắc Kinh đã 'thực hiện các bước tiến lãnh thổ' trên biển 'một cách có hệ thống và hung hăng', trực tiếp đi ngược lại các giới hạn lãnh thổ trên biển do UNCLOS đặt ra, và coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực với phán quyết khẳng định quyền chủ quyền của Phi Luật Tân đối với phạm vi vùng biển của nước này ở Biển Đông và 'xuất bản các bản đồ' thể hiện toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của chính họ được phân định bởi 'đường 9 đoạn'.
Và bài viết trên tổ chức Think tank của Ấn Độ tỏ ra chia sẻ với việc Việt Nam, bên cạnh một số nước khác trong khu vực, đã 'có lý' khi lên tiếng phản đối phương cách được coi là 'mập mờ' nhưng rất 'tinh vi' về đưa ra yêu sách chủ quyền này của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua truyền thông và các sản phẩm truyền thông, văn hóa quốc tế:
"Đường 9 đoạn là đường phân định được Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn đối với gần như toàn bộ Biển Đông…. Sự phản đối là có cơ sở bởi vì mặc dù đây chỉ là những bộ phim và chương trình truyền hình có ít hoặc không có mối liên hệ rõ ràng nào với các trật tự địa chiến lược, nhưng việc sử dụng đường 9 đoạn đã được coi là ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, mâu thuẫn trực tiếp với các yêu sách của các quốc gia khác trong khu vực và quan trọng nhất là luật biển quốc tế.
Do đó, các trường hợp lặp đi lặp lại việc sử dụng một phiên bản bản đồ cụ thể (điều hoàn toàn kỳ lạ là phiên bản bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông dường như là phiên bản duy nhất mà nhiều nhà sản xuất sử dụng bất chấp gặp sự phản đối nhiều lần) có thể được coi là chứng thực hoặc hợp pháp hóa một lập trường địa chính trị cụ thể. Bản đồ là công cụ quan trọng để thiết lập các ranh giới lãnh thổ có chủ quyền. Và đây là lý do tại sao các phản đối của Việt Nam và khiếu nại do các quốc gia khác đưa ra không chỉ có giá trị mà còn phải được thực hiện nhiều lần như (phản đối chính thức) các trường hợp vi phạm", bài của quỹ nghiên cứu ORF nhấn mạnh.
Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực, ông Đỗ Thông Minh đưa ra bình luận trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về ý kiến từ think tank của Ấn Độ:
"Cá nhân tôi cũng chia sẻ suy nghĩ của think tank của Ấn Độ đưa ra, và chúng ta theo dõi tình của Việt Nam trong thời gian qua, tôi ghi nhận ít nhất mười lần (Trung Quốc) cố tình đưa 'đường lưỡi bò' hoặc cờ năm sao 'ngũ tinh kỳ' vào… Vấn đề 'đường lưỡi bò' đã được đưa ra từ lâu, từ thời Tưởng Giới Thạch, lúc đầu giao thông ít, và nội bộ, sách của họ có, thế giới bên ngoài không để ý. Sau này đến thời Tập Cận Bình, (Trung Quốc) đưa nhiều tàu thăm dò khắp mọi nơi, cũng như lắp đặt, trang bị vũ khí ở những đảo v.v…, vấn đề mới trở nên trầm trọng hơn.
Nguyên thủy bản đồ này là 11 đường, nhưng khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc về Hiệp định trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ, đã chia Vịnh Bắc Bộ theo một Hiệp định mới, nên Trung Quốc mới bỏ hai đường mà 'đâm' vào Vịnh Bắc Bộ, thành ra bây giờ còn có 9 đường. Phương Tây đôi khi gọi đó là 'chuỗi hạt trai', còn Việt Nam gọi là 'đường lưỡi bò'".
'Nhấn Mạnh Để Lưu Ý Hơn'
Theo ông Đỗ Thông Minh, yêu sách 'bản đồ đường 9 đoạn' do Trung Quốc đơn phương đưa ra là một vấn đề tranh chấp lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc và bài báo trên think tank của Ấn Độ đã "nhấn mạnh những chuyện xảy ra trong quá khứ để mọi người lưu ý hơn".
Về phần mình, trong dịp này, nhà quan sát thời sự này cũng đưa ra một số điểm để công luận cùng lưu ý liên quan những điều mà ông cho là những 'chiêu thức', 'thủ đoạn' mà Trung Quốc đã sử dụng có hệ thống từ trước tới nay, gây ra nhiều thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, ông nói:
"Trong thời gian chiến tranh (Nam-Bắc Việt Nam), Nhà nước Việt Nam giấu hết, đến khi chiến tranh năm 1979, Nhà nước Việt Nam mới tung ra cuốn bạch thư nhỏ, trong đó (hé lộ) có những vụ Việt Nam nhờ Trung Quốc in hộ bản đồ, do Bắc Việt Nam không in được bản đồ, bản đồ phải in nhiều lớp màu, nên phải vẽ theo một phương cách đặc biệt để in, chứ không phải in màu bình thường như bây giờ. Thành ra khi Trung Quốc vẽ bản đồ, in cho Việt Nam, họ đã dời biên giới được vẽ trên bản đồ về phía đất Việt Nam, tức là họ lấn đất của Việt Nam, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là đường xe hỏa, xe hỏa của Bắc Việt Nam lúc đó nhỏ, chỉ có tám tấc, một mét (chiều rộng đường ray), còn đường của Trung Quốc thường là 1,2 mét – 1,4 mét, cho nên khi tới biên giới, đi qua Việt Nam không được nữa, cho nên nhất là trong thời chiến, muốn chuyển vũ khí đi sâu vô Việt Nam, do Bắc Việt Nam không có hệ thống đúc đường sắt, nên cũng nhờ công binh Trung Quốc giúp, thành ra Trung Quốc mới mở những con đường sắt đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, mà sau này Trung Quốc tuyên bố 'đường sắt đó đi đến đâu, thì đất của chúng tôi tới đó'. Đây là hai trong ba điều được nêu rõ trong cuốn bạch thư của Việt Nam, khi đó 'chửi hăng lắm', trước đó thì giấu, bây giờ thì lại giấu, cất giấu những cái đó đi".
Một 'thủ đoạn' khác nữa của Trung Quốc được ông Đỗ Thông Minh đề cập trong dịp này là vấn đề 'di dời cột mốc' và 'lấn biên giới' trên đường biên giới trên bộ Việt - Trung, nhà quan sát nói:
"Cột mốc biên giới, cho đến nay vẫn còn là một sự mù mờ. Trong lúc thảo luận cả chục năm trước, nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ công khai bản đồ biên giới và những cột mốc, nhưng cho tới ngày hôm nay vẫn chưa có gì. Có một số cột mốc cũ, Trung Quốc đào lên và đem về 'làm kỷ niệm', và bây giờ cột mốc mới, Trung Quốc lấn qua đất Việt Nam. Thí dụ như Thác Bản Giốc, ngày xưa có con sông ở đó và Thác Bản Giốc kể như là thác hoàn toàn của Việt Nam, nhưng đến khi điều đình, Trung Quốc không chịu. Khi nhìn vào Thác Bản Giốc, có nghĩa là nhìn vào chiều từ đông sang tây, lưng quay ra biển, chứ không phải là theo hướng Bắc-Nam khi ta nhìn vào Thác Bản Giốc đó.
Thác này ở bên tay trái cao, nên nước ít, còn thác ở bên tay phải thấp, do nước chảy lâu ngày làm mòn nên thấp, khiến nước càng chảy phía bên này nhiều, cho nên đẹp hơn. Khi hai bên điều đình với nhau, chia lại thác đó, thác thấp chia đôi, còn thác cao vẫn của Việt Nam; trước đây là của Việt Nam trọn vẹn, có cả tem của Thác Bản Giốc nữa, còn bây giờ Việt Nam đành chấp nhận chia đôi phần thác thấp, còn cái hồ ở phía dưới là chung. Vì là hồ, nước đi qua lại, nên không chia đôi hồ, là hồ chung, nhưng du khách có thể lên thuyền, ở phía Việt Nam thì lên thuyền phía Việt Nam, có thể đi qua giữa hồ, qua phía bên kia, nhưng không được lên bờ. Khách Trung Quốc cũng vậy, đi lên thuyền ở phía bên Trung Quốc, có thể đến gần phía Việt Nam, nhưng không được quyền bước chân lên bờ. Có luật về việc đó".
(Hình: Khách du lịch Trung Quốc ở thác Bản Giốc trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009.)
'Từ Ải Nam Quan Tới Bãi Tục Lãm'
Ví dụ tiếp theo mà ông Đỗ Thông Minh đưa ra là trường hợp của Ải Nam Quan, mà Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan, nhà quan sát nói tiếp với RFA:
"Ải Nam Quan, chúng ta may mắn có một số hình ảnh người Pháp chụp thời Pháp-Thanh, hai cổng như nhà ở hai ngõ có hai cửa, không bao giờ hai cửa sát tịt vào nhau hết, bao giờ cũng phải cách cái ngõ. Ở đây, ở Ải Nam Quan có hai sườn núi, cho nên đi lên hai sườn núi có xây tường, để tránh chuyện người ta đi lậu, khi người ta không đi cửa chính, người ta đi sườn núi. Nhưng những chuyện đó xưa lắm rồi, bây giờ không còn nữa, hình thì còn, nhưng trên thực tế thì không còn. Còn hai cổng là các cổng của phía Trung Quốc ngày xưa, ở dưới là cổng vòm tròn, ở trên là hai tầng, cổng đó bây giờ cũng tan rồi, họ xây lại cổng mới, thì ở dưới là vòm tròn, ở trên là ba tầng.
Còn cổng ở phía Việt Nam, nhìn theo tỷ lệ ở trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy hai cổng cách nhau qua một đường trống ở giữa khoảng 6m, đường phân chia ở phía Nam cổng của Trung Quốc mà bây giờ còn là 3m. Còn cổng ở bên phía Việt Nam, không biết vì lý do gì, về sau biến mất, cho nên Việt Nam chỉ làm trạm bên đường thôi, chứ không phải là hai cổng đấu vào nhau; và ở phía Nam cổng của Trung Quốc mà họ gọi là Hữu Nghị Quan, chỉ cách có 3m. Nhưng bây giờ, nó vào sâu đất của Việt Nam cả trăm mét, và cả khu rộng đó, bây giờ trở thành một quảng trường của phía Trung Quốc mà họ quản lý, mà từ cây số số 0 của đầu Quốc lộ 1A thì mới là của Việt Nam. Thành ra, đứng ở cột cây số 0 cây số ở đầu đường 1A, chúng ta không còn nhìn thấy cổng của Trung Quốc ở đâu nữa hết, bởi vì nó cách cả trăm mét, tức là nó lấn về phía đất Việt Nam theo chiều sâu là cả trăm mét, còn chiều dài thì không biết, có thể là cả mấy cây số, hay mấy chục cây số. Đó là nguyên chuyện (Ải Nam Quan) đó".
Ví dụ tiếp theo được nhà quan sát từ Tokyo đề cập là trường hợp của Bãi Tục Lãm, ông Đỗ Thông Minh nói:
"Ở Bãi Tục Lãm có con sông Bắc Luân, con sông Bắc Luân này có một nhánh nhỏ ở dưới, ở giữa nó có một cái đảo Châu, ngày xưa, thời Pháp thuộc, Pháp điều đình với Trung Quốc (Công ước Pháp – Thanh 1887), lấy con sông chính làm đường ngăn chia, cho nên đường ngăn chia (phân giới) thuộc con sông Bắc Luân nhánh chính ở trên, thì đảo Châu thuộc Việt Nam. Nhưng khi điều đình mới đây (ký kết 12/2000, phê chuẩn 6/2004), thì Trung Quốc không chịu, Trung Quốc nói là phân chia phải theo cả nhánh lớn và nhánh nhỏ, cho nên đảo Châu đó bị chia ra, một phần tư đảo Châu đó bây giờ là thuộc Trung Quốc. Như thế không phải là như nhánh chính chia đôi, thì đảo Châu thuộc Việt Nam, mà như Trung Quốc nói tính theo cả con sông nhánh nhỏ nữa, thì Trung Quốc chiếm ¼ Bãi Tục Lãm đó. Người nào đã từng coi sơ bản đồ đó, nói ra là biết ngay sự kiện như vậy".
Về vấn đề liệu Việt Nam có thiệt hại hay không trong phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, liên quan Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000, phê chuẩn ngày 30/6/2004, ông Đỗ Thông Minh nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do vẫn trên quan điểm riêng:
"Ngày xưa, thời Pháp – Thanh, từ mũi Móng Cái, là nơi con sông Bắc Luân đổ ra biển, thời Pháp vẽ một con đường thẳng từ Móng Cái vẽ thẳng xuống, gọi là một con đường đỏ (red line) cho dễ nhận ra, trong khi Vịnh Bắc Việt của Việt Nam trũng về phía Tây, ở ngoài khơi có đảo Hải Nam, thành ra khi vẽ thẳng con đường từ Móng Cái xuống, Việt Nam được 65% Vịnh Bắc Bộ. Nhưng đây không phải là Việt Nam ký, mà Pháp với nhà Thanh ký. Bây giờ họp bàn, Trung Quốc không chịu, cho nên Trung Quốc nói rằng con đường phân chia phải ở giữa Vịnh Bắc Bộ, đường ven bờ biển Việt Nam với đảo Hải Nam, khi làm một con đường (phân giới) cong về phía Tây, bây giờ Việt Nam chỉ còn 55% thôi, và Trung Quốc được 45%, thay vì Việt Nam được 65%; như thế, Việt Nam bị mất ở chỗ đó từ 10.000 cây số vuông cho tới 12.000 cây số vuông.
Việt Nam còn giữ được một chút là đảo Bạch Long Vĩ, nên còn một chút lợi, nếu không Trung Quốc đòi chia đôi 50-50 ra, thì Việt Nam sẽ mất rất nhiều. Như vậy, trên đất liền, ví dụ như các khu vực Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Việt Nam mất tổng cộng từ 700 tới 720 cây số vuông. Ông Lê Công Phụng, từng một thời làm Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, có lần được ông Lý Kiến Trúc phỏng vấn trên báo Văn Hóa, khi ông Phụng làm Đại sứ ở Mỹ, nói rằng lúc chiến tranh, Trung Quốc giữ khoảng 27 cứ điểm, nhưng khi họp bàn và điều đình, Trung Quốc trả lại cho Việt Nam 21 cứ điểm, còn lại sáu cứ điểm Trung Quốc giữ".
Làm Gì Sau 'Thiệt Thòi'?
Theo ông Đỗ Thông Minh, sáu cứ điểm này là những nơi Trung Quốc làm nghĩa trang, hoặc đóng quân, và ông nói tiếp:
"Thí dụ như ở vùng Vị Xuyên, sau trận Vị Xuyên – Núi Đất năm 1984, trận mà Việt Nam chết trên 3.000 người, cộng với trước sau đó là 4.000 người, nhưng bây giờ nghĩa trang Vị Xuyên của Việt Nam chỉ có 1.700 liệt sĩ mà thôi, còn hơn 2.000 vẫn còn nằm ở bên đất bên kia.
Tôi không hiểu chuyện chết 'nghĩa tử là nghĩa tận' rồi, mà hai bên ký kết '16 chữ vàng, 4 tốt' v.v…, mà sao hơn hơn 2.000 tử sĩ Việt Nam, trong đó đa số là người trẻ, ở những đơn vị tân lập đưa lên để hỗ trợ cho mặt trận quân khu I, quân khu II, cho tới ngày hôm nay vẫn để nguyên như vậy, không có đem xác về".
Khi được hỏi Việt Nam liệu có thể làm được gì trước những điều được cho là 'thiệt thòi' về lãnh thổ, lãnh hải trong phân định với Trung Quốc như ông đã đề cập ở trên, ông Đỗ Thông Minh đáp:
"Chuyện mà Việt Nam hy vọng một ngày nào đó lấy lại (đất đai, biển đảo), tôi thấy rất là khó, có viên chức lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rồi rằng 'thời này mà không lấy lại được, thì thời sau con cháu sẽ lấy lại', nói một cách thực ra là hơi vô trách nhiệm, tự nhiên đời anh, anh không cố gắng giữ, anh để mất, anh lại bảo để cho con cháu. Con cháu chưa ra đời, thì đã mang gánh nặng nợ nần về vay mượn (tài chánh), bây giờ cái nợ nữa là nợ mất đất, mất biển, mà trong khi thế hệ hiện tại tự vỗ ngực mình là 'anh hùng, đỉnh cao trí tuệ' mà lại không làm gì".
Cuối cùng, khi được hỏi Việt Nam nay cần làm gì để bảo đảm cho việc giữ gìn, bảo vệ được chủ quyền quốc gia và lãnh thổ, lãnh hải tốt hơn, trước các yêu sách chủ quyền đầy thách thức của nước láng giềng Trung Quốc, nhà quan sát nhấn mạnh:
"Tôi nghĩ rằng mời bạn bè vào tiếp tay cho mình, thí dụ như Ấn Độ, cho họ khai thác dầu hỏa, họ có quyền lợi thì đương nhiên họ phải gắn vô, và Ấn Độ vừa tặng cho Việt Nam một chiến hạm của Ấn Độ đóng, nó cũng hơi cũ, nhưng cho thấy Việt Nam với Ấn Độ rất thân thiết với nhau, rồi thân thiết với Nhật, thân thiết với Úc Ðại Lợi, thân thiết với Mỹ v.v… kéo thêm đồng minh để có thể đối đầu được với Trung Quốc".
Báo Cáo của Sáng Kiến Đánh Giá Nhân Quyền (HRMI) Vẫn Còn Nương Tay Với Việt Nam Nhiều!
(Hình: Một cuộc biểu tình bị đàn áp ở Việt Nam.)
-Trong báo cáo thường niên công bố hôm 26/7/2023, tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative- HRMI) có trụ sở tại Tân Tây Lan nói tình trạng nhân quyền của Việt Nam trong năm 2022 suy giảm tới mức tệ hại sau khi có cải thiện chút ít trong năm trước đó.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của HRMI, Việt Nam có điểm số 4,9 ở mục An toàn trước Nhà nước và 2,7 ở mục Trao quyền trên thang điểm 10 trong năm 2022, so với mức điểm tương ứng 5.3 và 3,0 của năm 2021.
Điểm An toàn trước Nhà nước đang ở mức dưới trung bình, cho thấy nhiều người Việt không an toàn trước một hoặc nhiều điều như: bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn và bị ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua tòa án.
"Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 43 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về quyền được an toàn trước nhà nước", HRMI nói trong báo cáo.
Nhận xét về đánh giá của HRMI cho mục An toàn trước Nhà nước, Luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi sát sao hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều năm qua, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/7:
"Tôi đánh giá trang điểm mà tổ chức nhân quyền này đưa ra như vậy vẫn còn cao hơn so với thực tế. Tình trạng thực tế nó tệ hơn rất là nhiều, ở các mục như bắt giữ tùy tiện hay là tra tấn đối xử hay là vấn đề kết án tử hình thì ba cái đó là cái điểm ở mức rất tệ. Như vậy cái thang điểm ấy chỉ khoảng từ 1,5 đến 2 điểm thôi. Và khi tổng hợp lại họ cho 4,9 thì rất là cao".
Trong báo cáo, HRMI chấm điểm Trao quyền ở mức 2,7 cho thấy nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và tự do chính trị như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và các quyền dân chủ.
Chi tiết hơn, Việt Nam được chấm 3,0 cho hai tiêu chí Tự do Hội họp và Hiệp hội, và Tự do Quan điểm và Biểu đạt. Tiêu chí Tham gia chính phủ được chấm điểm 2,5 còn mục Tôn giáo và Tín ngưỡng được cho 3,1.
"Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 41 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về các quyền về trao quyền", báo cáo đánh giá.
Nhận xét về điểm số mà HRMI chấm cho Việt Nam, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng tổ chức này vẫn còn "ưu ái" cho Hà Nội, vì trên thực tế nhà nước độc đảng đàn áp mọi tổ chức dân sự độc lập và nhiều lãnh đạo dân sự có đăng ký với nhà nước cũng bị giam cầm; nhà nước bỏ tù, phạt hành chính hoặc sách nhiễu những người dám thực hiện quyền biểu đạt. Ông nói:
"Bốn cái tiêu chí của Trao quyền thì ba tiêu chí đầu tôi đánh giá bằng Không (0) hết, chỉ có tiêu chí tự do tôn giáo và tín ngưỡng có khá hơn một chút. Vì vậy, tổng điểm 2,7/10 vẫn là cao, nó chỉ đạt 1 điểm thôi".
Trong mục Chất lượng cuộc sống, HRMI nói về Việt Nam như sau:
"So với các quốc gia khác ở Đông Á, Việt Nam đang thực thi tốt hơn mức trung bình khi chúng tôi đối chiếu các quyền dựa trên dữ liệu mà chúng tôi có".
Tổ chức này xếp tiêu chí Có thực phẩm ở mức tệ, còn ba tiêu chí còn lại là Được chăm sóc y tế, Có nơi ở, và Có công ăn việc làm ở mức khá.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
"Chất lượng cuộc sống ở Việt Nam được HRMI đánh giá có vẻ quá cao so với thực tế. Có lẽ họ đánh giá theo tiêu chuẩn tối thiểu. Đặc biệt, HRMI cho điểm khá cho tiêu chí Có công ăn việc làm cho dù thực tế tỷ lệ thất nghiệp cao của người trong độ tuổi lao động".
Nhận xét tổng thể về báo cáo của HRMI về nhân quyền Việt Nam trong năm 2022, Luật sư Nguyễn Văn Đài, người bị buộc sống lưu vong ở Đức từ năm 2019, nói:
"Tổng hợp lại thì cái bản báo cáo này về khía cạnh chất lượng cuộc sống thì nó tạm được, còn tất cả về vấn đề an toàn nhà nước hay là vấn đề trao quyền cho người dân thì họ đánh giá cao hơn cái thực tế, nó tệ hơn nhiều so với những gì mà báo cáo nhân quyền này đưa ra".
Phóng viên có gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của HRMI nhưng không nhận được ngay phản hồi.
HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, 19 nước vào năm 2019, 33 nước vào năm 2020, 39 quốc gia năm 2021, và 44 quốc gia trong năm 2022.
Tổ chức này hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới.
Thông qua việc đánh giá nhân quyền, tổ chức đang làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra, và đưa ra cho các chính phủ một sự đánh giá để khích lệ việc đối xử với mọi người dân tốt hơn.
Mỗi năm, dữ liệu nhân quyền về chính trị và dân sự của tổ chức này lại được tập hợp bằng khảo sát đa ngôn ngữ được soạn thảo cẩn thận, với người tham gia là những chuyên gia địa phương trong lĩnh vực này.
Việt Nam Ký Hiệp định Thương mại Tự do Với Do Thái
(Hình: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Do Thái (VIFTA) hôm 25/7/2023.)
-Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Do Thái (VIFTA) chính thức được ký vào ngày 25/7/2023 tại Văn phòng Thủ tướng Do Thái ở thủ đô Do Thái.
Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày và cho biết VIFTA được ký kết sau 7 năm và trải qua 12 kỳ đàm phán. Tính đến thời điểm hiện nay, Do Thái là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam, và Việt Nam là quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đầu tiên ký FTA với Do Thái.
VIFTA gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ- đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý- thể chế.
Qua VIFTA, Việt Nam và Do Thái sẽ nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết đối với Do Thái là 92,7% số dòng thuế, và đối với Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Hai phía kỳ vọng thương mại song phương sẽ đạt mức ba tỉ Mỹ kim và cao hơn trong thời gian tới.
Vào năm 2022 Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Do Thái là nguồn cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga. Mạng báo Haaretz cũng dẫn các nguồn liên quan cho thấy trong một thập niên qua, Do Thái đã bán cho Việt Nam vũ khí trị giá 1,5 tỉ Mỹ kim.
Việt Nam cũng đàm phán để mua hệ thống phòng không Barak 8 trị giá nửa tỉ Mỹ kim của hãng IAI Do Thái.
Hoa Kỳ Ra Kết Luận Sơ Bộ Việc Rà Soát Hành Chính Thuế Chống Trợ Cấp Đối Với Lốp Xe Hơi Việt Nam
(Hình REUTERS, minh họa: Lốp xe đã qua sử dụng.)
-Vào ngày 18/7/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp đối với lốp xe hơi nhập từ Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam thông báo tin vừa nêu và truyền thông nhà nước loan đi ngày 25/7.
Tin cho biết DOC sơ bộ xác định doanh nghiệp Việt Nam xuất cảng lốp xe hơi sang Hoa Kỳ không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc. Đối với một chương trình cáo buộc còn lại về định giá thấp tiền tệ, DOC tính mức thuế trợ cấp sơ bộ là 1,26% trong giai đoạn từ 10/11 đến cuối tháng 12/2020, và 0% trong giai đoạn 1/1 đến 31/12/2021; những mức này thấp hơn mức áp dụng hiện nay là 6,46%.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) hôm 23 tháng 6 năm 2021 cho biết DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với lốp xe nhập cảng từ Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 27 tháng 5 năm 2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lúc bấy giờ lên tiếng bác bỏ quy kết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ rằng mặt hàng lốp xe khách và xe vận tải nhẹ của Việt Nam được trợ giá thông qua tỷ giá hối đoái thấp.
Vụ Việt Á: Cựu Phó Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ninh Ra Hầu Tòa
(Hình: Cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành.)
-Vào ngày 26/7/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử Sơ thẩm đối với năm cựu viên chức thuộc tỉnh Quảng Ninh bao gồm cựu Phó Chủ tịch tỉnh là ông Phạm Văn Thành. Những người này bị cáo buộc có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ án mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, sự việc xảy ra vào cuối tháng 1/2021 khi đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh. Ông Phạm Văn Thành đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Cổ phần Kỹ thuật Việt Á (Công ty Việt Á), đại diện là Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc, về việc mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của doanh nghiệp này.
Từ tháng 1-2021 đến tháng 3/2021, Công ty Việt Á đã cung cấp ống môi trường, que tăm bông cho Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều để tổ chức lấy mẫu, còn kit xét nghiệm và kit tách chiết chuyển đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển để thực hiện xét nghiệm theo quy định phân luồng của tỉnh Quảng Ninh.
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích dẫn, các bị cáo đã ký các tài liệu, thủ tục và hoàn tất việc thanh toán cho Công ty Việt Á tăng vượt 16.539 kit xét nghiệm và 16.548 kit tách chiết, gây thiệt hại hơn 7,2 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo công ty Việt Á hiện đang bị cáo buộc đã nâng giá các bộ xét nghiệm lên khoảng 45% và hối lộ các đối tác số tiền khoảng 800 tỉ đồng. Các bộ xét nghiệm của công ty được bán rộng khắp cho các tỉnh thành của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Số bị can bị khởi tố trong vụ Việt Á đã lên đến hơn 100 người, trong đó có các cựu viên chức Chính phủ
Theo báo Nhà nước, vào cuối năm 2021, khi Bộ Công an giải quyết vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á, ông Phạm Văn Thành và Nguyễn Văn Bình (cựu Phó trưởng Ban Dân vận Thị ủy Đông Triều) đã sử dụng tiền cá nhân, huy động các doanh nghiệp để bù lại toàn bộ số tiền đã thanh toán cho Công ty Việt Á trên 18 tỉ đồng.
Cam Bốt Bàn Giao 33 Người Việt Bị Cưỡng Bách Lao Động Trong Sòng Bài Về Việt Nam
(Hình: Lực lượng chức năng rà soát thông tin của các công dân vừa tiếp nhận từ lực lượng chức năng Cam Bốt.)
-Vào chiều ngày 25/7/2023, Cam Bốt bàn giao cho phía Việt Nam 33 người Việt tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Những người này bị nghi là đã bị cưỡng bức lao động trong khu sòng bài Casino Robot ở tỉnh Svay Reing.
Truyền thông nhà nước cho biết, vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều ngày 18/7, tại tòa nhà 6 tầng thuộc Khu Casino Robot, ấp Bavet, phường Bavet, thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Cam Bốt, có nhiều công nhân làm việc trong tòa nhà đã la lớn, đập cửa kính cầu cứu lực lượng chức năng Cam Bốt đưa ra ngoài.
Sau khi nhận được tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài theo dõi tình hình và trao đổi với lực lượng chức năng Cam Bốt về diễn biến sự việc, đồng thời thông báo đến Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Cam Bốt để thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân.
Đến khoảng 8 giờ tối cùng ngày, chính quyền tỉnh Svay Rieng đưa tất cả 35 người trong sòng bài bao gồm 33 người Việt và hai người Cam Bốt về trụ sở công an thành phố Bavet.
Tình trạng người Việt bị cưỡng bức lao động cho các sòng bài trực tuyến ở các nước bao gồm Cam Bốt và Phi Luật Tân khá phổ biến thời gian gần đây và Bộ Công an Việt Nam đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.
Sự việc gây chú ý dư luận nhiều nhất xảy ra vào tháng 8 năm 2022 khi 40 người Việt bị dụ làm việc cho một casino ở Cam Bốt đã phá cửa chạy ra ngoài và bơi qua sông Bình Di, thị trấn Long Bình, An Giang để về nước.
Sau đó Cam Bốt đã mở chiến dịch truy quét các sòng bài để trấn áp nạn cờ bạc phi pháp.
Những sòng bài ở Cam Bốt và Phi Luật Tân chủ yếu do người Trung Quốc đầu tư. Họ thuê lao động từ các nước Đông Nam Á sang làm việc bao gồm cả người Việt Nam.
RSF: Cáo Buộc Chống Lại Nhà Báo Độc Lập Đường Văn Thái Là Vô Lý
(Hình: Nhà báo Đường Văn Thái trước khi bị bắt cóc.)
-Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" mà Việt Nam quy cho nhà báo chống tham nhũng Đường Văn Thái; cho rằng đó là điều vô lý, đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay cho ông này.
Nhà báo tự do Đường Văn Thái (còn được gọi là Youtuber Thái Văn Đường) đang bị Công an Việt Nam giam giữ để điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Đường Văn Thái, người tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2019, bị mất tích ở gần nhà trọ của mình ở tỉnh Pathum Thani vào ngày 13/4. Ba ngày sau, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái vì "thâm nhập bất hợp pháp" từ Lào vào địa phận tỉnh này. Sau 3 tháng, giữa tháng 7, Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an gửi thông báo về gia đình ông Đường Văn Thái ở Hà Nội với nội dung ông này bị tạm giam đến ngày 12/8 để điều tra về cáo buộc "đã có hành vi: Thu thập thông tin, tài liệu để biên tập, viết bài, quay video clip có nội dung vi phạm pháp luật, phát tán trên mạng Internet, phạm vào Điều 117 Bộ luật Hình sự".
Phản ứng về thông tin ông Đường Văn Thái bị điều tra về cáo buộc theo Điều 117, ngày 25/7, RSF ra thông cáo báo chí chỉ trích Hà Nội về đàn áp đối với nhà báo tự do mà tổ chức có trụ sở ở Paris coi là nhà báo chống tham nhũng.
"Bắt cóc xuyên biên giới, coi thường Bộ luật Hình sự một cách trắng trợn, và cáo buộc dựa trên những lý do vô lý: vụ Đường Văn Thái minh họa cho sự coi thường của chế độ Việt Nam đối với tự do báo chí", ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Á Châu-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo.
Ông cũng kêu gọi các cường quốc kinh tế trừng phạt Hà Nội vì các vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do báo chí:
"Chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế lớn của Hà Nội, cụ thể là Hoa Kỳ, Nam Hàn, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để đòi tự do cho nhà báo này và 42 nhà báo tự do khác đang bị giam giữ tại quốc gia này".
RSF cũng nhắc lại Đường Văn Thái là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức không được chính quyền độc đảng ở Hà Nội công nhận. Ông cũng là một nhà hoạt động được Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Vọng Các cấp quy chế tị nạn từ năm 2020.
Phóng viên có liên hệ với ông JB Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và được ông cho biết hội viên Đường Văn Thái đưa khá nhiều tin tức lên mạng xã hội và đặc biệt những tin tức của người này có nguồn từ nội bộ ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và khá bí mật.
Về nghi ngờ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc từ Thái Lan bởi an ninh Cộng sản Việt Nam và sau đó bị điều tra về cáo buộc chống nhà nước, ông JB Nguyễn Hữu Vinh nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/7:
"Đấy là hành động mà chúng ta thấy không lạ lùng nhiều lắm mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam giải quyết đối với người bất đồng chính kiến và người có tiếng nói độc lập.
Chúng tôi nghĩ rằng những hành động như thế cần phải loại bỏ khỏi đời sống chính trị không chỉ trong một nước mà trong các liên hệ quốc tế.
Chúng ta cần lên tiếng để yêu cầu sự minh bạch rõ ràng đối với mọi công dân, trong đó có Đường Văn Thái".
Đây là lần thứ hai RSF lên tiếng về Đường Văn Thái. Hai tuần sau khi ông bị mất tích ở Thái Lan, tổ chức này đã yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội minh bạch tình trạng của ông, người bị cho là bị an ninh Cộng sản Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc mang về nước chỉ vì ông phanh phui thông tin về tình trạng tham nhũng và đấu đá của viên chức Việt Nam.
Cùng với RSF, hàng chục tổ chức nhân quyền và nghề nghiệp quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), đã lên tiếng đòi Việt Nam trả tự do cho ông.
Theo RSF, Đường Văn Thái là nhà báo Việt Nam thứ hai bị bắt cóc và đưa về Việt Nam với sự đồng lõa rõ ràng của chính quyền Thái Lan. Người thứ nhất là nhà báo Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA), đã bị bắt cóc ở Vọng Các vào đầu năm 2019 sau khi ông nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị cho Liên Hiệp Quốc. Sau đó, ông bị kết án 10 năm tù giam về tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".
Vẫn theo RSF, trước đó, vào tháng 10/2015, nhà xuất bản gốc Hoa Gui Minhai (Quế Dân Hải) quốc tịch Thuỵ Điển cũng bị bắt cóc ở Thái Lan. Vài tháng sau, ông bị buộc nhận tội trên kênh truyền hình CCTV của Nhà nước Trung Quốc và bị kết án 10 năm tù vào năm 2020 vì "cung cấp thông tin tình báo bất hợp pháp" cho ngoại quốc.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia ở cuối bảng về xếp hạng tự do báo chí thường niên của RSF. Năm 2023, quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á này xếp thứ 178 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới RSF và thuộc số các quốc gia giam cầm nhiều nhà báo nhất toàn cầu.
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) Lên Án Việc Ông Đường Văn Thái Bị Buộc Tội 'Tuyên Truyền Chống Nhà Nước'
(Ảnh chụp màn hình Trang Facebook của nhà báo độc lập Đường Văn Thái.)
-Ngày 25/7/2023, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp lên án việc nhà cầm quyền Hà Nội buộc tội Đường Văn Thái "tuyên truyền chống nhà nước" là vô lý và kêu gọi phóng thích ông ngay lập tức.
Ba tháng sau khi xuất hiện thông tin ông Đường Văn Thái bị bắt cóc ở Thái Lan, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã chính thức buộc tội ông "tuyên truyền chống nhà nước".
RSF dẫn tin từ gia đình ông sau khi họ nhận được thư từ Bộ Công an vào tháng 7 rằng ông Đường Văn Thái, một nhà báo chống tham nhũng của Việt Nam, gần đây đã bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự và ông phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù.
Vẫn theo thông cáo của RSF, ông Đường Văn Thái bị bắt cóc hôm 13/4/2023 tại miền Trung Thái Lan, nơi ông đã sống tị nạn từ năm 2019. Ba ngày sau, công an Việt Nam thông báo bắt giữ ông với cáo buộc "tìm cách nhập cảnh trái phép từ Lào", nhưng sau đó không cung cấp thông tin cập nhật khi hết thời hạn tạm giữ tối đa chín ngày, theo quy định của pháp luật.
Ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Phóng viên Không Biên giới (RSF) Á Châu-Thái Bình Dương, nói: "Bắt cóc xuyên biên giới, coi thường Bộ luật Hình sự một cách trắng trợn, và truy tố dựa trên những lý do vô lý: Vụ án Đường Văn Thái minh họa cho sự coi thường sâu xa của chính quyền Việt Nam đối với tự do báo chí. Chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế lớn của Hà Nội, cụ thể là Hoa Kỳ, Nam Hàn, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để phóng thích cho nhà báo vừa kể cùng 42 người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam giữ tại quốc gia này".
RSF nói ông Đường Văn Thái phơi bày nạn tham nhũng trong chính phủ và tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng và ông cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật. Mặc dù ông đã được Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Vọng Các trao quy chế tị nạn vào năm 2020, nhưng ông vẫn lo lắng cho sự an toàn của mình ở Thái Lan, bạn bè của ông cho biết.
RSF tố cáo đây không phải là lần đầu tiên một nhà báo ngoại quốc bị cưỡng chế "hồi hương" với sự đồng lõa rõ ràng của chính quyền Thái Lan. Ông Trương Duy Nhất, cộng tác viên cho Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA), đã bị bắt cóc tại Vọng Các vào tháng Một năm 2019 và sau đó bị kết án mười năm tù tại Việt Nam với những cáo buộc mà RSF cho là ngụy tạo.
Việt Nam đứng thứ 178 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF năm 2023 và nằm trong số các nước bỏ tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới.
Hà Nội lâu nay vẫn một mực bác các tố cáo vi phạm nhân quyền, cho rằng đó là những luận điệu xuyên tạc, không có cơ sở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét