Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

TIN HOA KỲ NGÀY 20-6 VÀ 21-6-2023 -


Chuyên gia: Thông điệp của ông Blinken có thể khuyến khích Trung Quốc thực hiện hành động nhắm vào Đài Loan Một bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu cảnh Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trên một màn hình lớn bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
<!>
 
Hannah Ng
Tiffany Meier
21/06/2023 - Theo ông Michael Sekora, người sáng lập và giám đốc Dự án Socrates, một chương trình cộng đồng tình báo Hoa Kỳ được thành lập dưới thời Tòa Bạch Ốc của cố Tổng thống Reagan, thông điệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến công du Trung Quốc tuần này có thể khuyến khích Trung Quốc thực hiện một hành động nhắm vào Đài Loan.

Sau khi gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 19/06, ông Blinken nói với các phóng viên rằng ông đã có một “cuộc trò chuyện thẳng thắng” với nhà lãnh đạo Trung Quốc này và các nhà ngoại giao hàng đầu khác trước khi kết thúc chuyến công du hai ngày.

Tuy rằng ông Blinken và ông Tập đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục liên lạc, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường của mình đối với các vấn đề như Đài Loan.

Tại một cuộc họp báo hôm 19/06, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của nước này, theo đó Hoa Thịnh Đốn chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc.

Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan nêu rõ rằng quyết định của Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bang giao với Trung Quốc thay vì Đài Loan dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các giải pháp hòa bình.

Ông nói: “Về vấn đề Đài Loan, tôi đã nhắc lại chính sách ‘Một Trung Quốc’ lâu đời của Hoa Kỳ. Chính sách đó chưa thay đổi. Chính sách đó dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo Chung, Sáu Bảo đảm. Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi vẫn phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng của bất kỳ bên nào. Chúng tôi tiếp tục mong đợi giải pháp hòa bình cho sự khác biệt giữa các quốc gia.”

“Chúng tôi và nhiều nước khác lo ngại sâu sắc về một số hành động khiêu khích mà Trung Quốc đã thực hiện trong những năm gần đây, kể từ năm 2016,” ông nói với các phóng viên. “Lý do tại sao đây là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia, không chỉ Hoa Kỳ, là vì nếu có một cuộc khủng hoảng về vấn đề Đài Loan, thì có thể điều đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế có khả năng thực sự ảnh hưởng đến toàn thế giới.”

Theo ông Sekora, thông điệp của ông Blinken có nghĩa là chính phủ Tổng thống Biden ủng hộ việc Trung Quốc cộng sản thống nhất Đài Loan miễn là nước này không dùng đến hành động quân sự.

“Vì vậy, họ chưa chọn bên nào, và họ đang cho Trung Quốc thêm một chút cơ hội để tiến lên phía trước,” ông Sekora nói với chương trình “China in Focus” trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

“Nhìn chung thì chính phủ này đã không còn giữ một lập trường mạnh mẽ trong việc bảo vệ Đài Loan.”
Chính sách yếu đuối trước Trung Quốc

Theo ông Sekora, việc chính phủ Tổng thống Biden liên tục đề nghị Bắc Kinh thiết lập lại các liên lạc bình thường khiến người Mỹ lo ngại vì họ xem đây là một chính sách yếu đuối trước Trung Quốc và lo ngại ảnh hưởng đến các đồng minh của Hoa Kỳ.

“Họ đang kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để đẩy lùi Trung Quốc. [Thế nhưng,] họ không nhìn thấy sự phản kháng đối với Trung Quốc, đó là điều thứ nhất, và điều thứ hai, điều tệ hại không kém, là có rất nhiều lo ngại về những gì sẽ xảy ra với các đồng minh của chúng ta.”

Ông nói: “Ngoài ra, những nước không nhất thiết phải là đồng minh, nhưng họ không phải là đối thủ, và họ chưa chọn bên… Tôi đã được một số quốc gia mà chúng tôi đang làm việc cùng họ cho biết, họ đang thấy Hoa Kỳ trên đà sa sút, còn Trung Quốc đang trỗi dậy.”

Ông Sekora cho hay, sự yếu kém của Hoa Kỳ sẽ có một tác động xấu đến quyết định ủng hộ bên nào của các đồng minh.

Ông nói: “Nếu họ [các đồng minh] thấy Hoa Kỳ ở một vị thế rất yếu và không sẵn sàng thúc đẩy điều đó, thì họ [các đồng minh] sẽ đứng về phía Trung Quốc nhiều hơn, không nhất thiết phải hợp tác với Trung Quốc như họ nói, mà là không khiến [Trung Quốc] phải lo lắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

“Người Mỹ thấy điều đó bởi vì chúng ta biết rằng rất nhiều sức mạnh của Mỹ quốc luôn đến từ các đồng minh của chúng ta, như Úc, các nước Âu Châu, những nơi như thế. Và nếu chúng ta thấy rằng những nước này ngày càng rời xa chúng ta, thì điều đó sẽ khiến hầu hết người Mỹ ngày càng lo lắng về tương lai với Trung Quốc,” ông nói thêm.
‘Đứng vững trước Trung Quốc’

Ông Sekora kêu gọi Hoa Kỳ “hãy bảo vệ nền dân chủ… bảo vệ những quốc gia quyết không khuất phục trước áp lực của Trung Quốc.”

Ông nói: “Và đó là bao gồm tất cả các quốc gia khác nhau. Thêm nữa, như chúng ta đã biết, trong một thời gian dài, Trung Quốc rất mềm mỏng trong cách tiếp cận với các quốc gia này, nhưng giờ đây, họ đã trở nên cứng rắn hơn như đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với những nơi mà họ đã có về các địa điểm khai triển khác nhau, và họ đang ngày càng gây áp lực lớn hơn. Và Mỹ cần có khả năng đứng vững trước Trung Quốc.”

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đề nghị bình luận.

Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li và Frank Fang
Thanh Nguyên biên dịch

Ông Blinken: Trung Quốc đã bảo đảm sẽ không gửi vũ khí cho Nga


Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một sự kiện vinh danh Những anh hùng chống Buôn người năm 2023 tại tòa nhà Harry S. Truman, trụ sở Bộ Ngoại giao, ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/06/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Aldgra Fredly
21/06/2023

Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/06, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Trung Quốc đã bảo đảm với Hoa Kỳ và các quốc gia khác rằng họ sẽ không cung cấp cho Nga các vũ khí sát thương có thể được sử dụng để tấn công Ukraine.

Ông Blinken cho biết không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Trung Quốc đã chuyển giao vũ khí hoặc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Ông là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi năm 2021.

Ông nói với các phóng viên, “Liên quan đến vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine, Trung Quốc đã bảo đảm với chúng tôi và các quốc gia khác rằng họ không và sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine.”

Ông Blinken đã thừa nhận rằng Bắc Kinh đã đưa ra những bảo đảm tương tự “trong những tuần gần đây,” không chỉ trong chuyến thăm của ông.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Hoa Kỳ này cho biết có những lo ngại về việc các công ty Trung Quốc cung cấp cho Nga công nghệ có thể được sử dụng để tấn công Ukraine và kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thận trọng về điều đó.

Ông nói: “Điều chúng tôi lo ngại là các công ty tư nhân ở Trung Quốc có thể cung cấp sự trợ giúp, trong một số trường hợp là công dụng kép, trong một số trường hợp rõ ràng là nhằm tăng cường năng lực quân sự của Nga ở Ukraine.

Ông Blinken nói thêm, “Đó là một mối lo ngại, và đó là điều mà tôi đã nêu ra cho các đối tác Trung Quốc của chúng tôi và kêu gọi họ thận trọng trong việc kiểm soát điều đó.”


Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trước cuộc gặp của họ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP qua Getty Images)

Hôm 18/06, ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trước khi mạn đàm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hôm 19/06. Không giống như các cuộc đàm thoại với ông Tần và ông Vương kéo dài vài giờ, cuộc gặp giữa ông với ông Tập kéo dài khoảng 35 phút.

Chính phủ Tổng thống Biden từ lâu đã lo sợ rằng ĐCSTQ có thể chọn cách cung cấp vũ khí sát thương cho Nga bên cạnh sự trợ giúp về kinh tế và ngoại giao mà nước này đã mang lại cho Điện Kremlin.

Hôm 24/02, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Chuẩn Tướng Patrick Ryder cho biết rằng mặc dù không có bằng chứng nào về việc Trung Quốc trực tiếp gửi vũ khí cho Nga, nhưng ĐCSTQ vẫn không loại trừ khả năng đó.

Ông nói, một quyết định như vậy sẽ cho thấy rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc tìm cách hủy diệt toàn bộ Ukraine, và sẽ kéo dài một cách vô ích sự khổ sở và tình trạng người dân Ukraine vô tội thiệt mạng.

Ông Ryder nói: “Nói rộng ra, những gì quý vị sẽ thấy là một quốc gia như Trung Quốc, rõ ràng có năng lực và vũ khí tân tiến, [và] đã công khai tuyên bố trung lập, hiện giờ lại đứng về một phe và nói rằng ‘chúng tôi muốn ở trong phe đang tìm cách tiêu diệt đất nước Ukraine.’”

Điều đó sẽ kéo dài cuộc xung đột này. Điều đó sẽ gây ra đau khổ vô ích cho những người dân Ukraine vô tội,” ông nói thêm.
Hoa Kỳ sẽ không cung cấp công nghệ cho Trung Quốc

Ông Blinken nói rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận với công nghệ của mình do lo ngại về an ninh quốc gia. Ông nói rõ rằng quyết định này không nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Ông Blinken nói với các phóng viên ở Bắc Kinh, “Nhưng đồng thời, như tôi đã nói, chúng tôi không có lợi khi cung cấp cho Trung Quốc công nghệ có thể được sử dụng để chống lại chúng tôi.”

Ông nói thêm: “Vào một thời điểm mà họ tham gia xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân của mình một cách rất mờ ám, khi họ chế tạo phi đạn siêu thanh, khi họ sử dụng công nghệ cho mục đích đàn áp chính người dân của mình, thì việc cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ cụ thể đó làm sao mà đem lại lợi ích cho chúng tôi đây? Và các quốc gia khác cũng cảm thấy như vậy.”

ĐCSTQ đã từ chối nối lại liên lạc quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ bất chấp những nỗ lực “lặp đi lặp lại” của ông Blinken để nêu ra vấn đề này trong chuyến công du hai ngày của ông.

Khi được hỏi lý do tại sao Hoa Thịnh Đốn muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc mặc dù rõ ràng là phía bên kia không muốn có các mối liên lạc quân sự cởi mở, thì ông Blinken lập luận rằng những nỗ lực như vậy là cần thiết để tạo ra những thay đổi.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ không đạt được thành công trong mọi vấn đề giữa chúng tôi vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng trong nhiều lĩnh vực khác nhau — theo các điều khoản mà chúng tôi đặt ra cho chuyến đi này, chúng tôi đã đạt được tiến bộ, và chúng tôi đang xúc tiến.”

Mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xấu đi vì một số vấn đề, bao gồm Hồng Kông và đặc biệt là Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc xem là của mình và tuyên bố sẽ chiếm giữ bằng mọi cách cần thiết.

Trước đó trong tháng này (06/2023), một chiến hạm Trung Quốc đã suýt nữa va chạm trong phạm vi 150 yard (137 mét) với một khu trục hạm Hoa Kỳ đang thực hiện một nhiệm vụ đi biển chung giữa Canada và Hoa Kỳ qua Eo biển Đài Loan. Hoa Thịnh Đốn mô tả cuộc diễn tập hải quân này là “không an toàn,” trong khi Bắc Kinh bảo vệ các hành động của mình bằng cách cáo buộc “các nước liên quan” cố tình gây rủi ro.

Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke, Eva Fu, Dorothy Li, và Frank Fang
Thanh Nguyên biên dịch

Khó khăn tài chính càng nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đè nặng lên người đi làm


Một nhân viên bổ sung thịt tại một cửa hàng bách hóa ở Bắc Miami, hôm 17/01/2023. (Ảnh: Wilfredo Lee/AP Photo)
Tom Ozimek
21/06/2023

Người đi làm [ăn lương] ở Mỹ và trên toàn thế giới đang lên tiếng về mức độ khó khăn tài chính cao hơn khá nhiều so với năm ngoái (2022), do nền kinh tế đang chậm lại và lạm phát cao đã khiến ngày càng nhiều người thiếu tiền mặt và dự định bỏ việc để tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn.

Theo nghiên cứu mới nhất về lực lượng nhân sự của PriceWaterhouse Coopers (PwC), bất chấp nền kinh tế đang suy yếu và người đi làm [ăn lương] cho biết về mức độ căng thẳng tài chính ngày càng tăng, dường như trào lưu “Đại Bỏ Việc” vẫn tiếp diễn.

Chỉ hơn một phần tư (26%) người đi làm [ăn lương] được PwC khảo sát dự trù sẽ thay đổi công ty trong 12 tháng tới với hy vọng tìm được công việc được trả lương cao hơn, tăng từ 19% vào năm ngoái.

Khoảng 42% cho biết họ đang dự trù sẽ yêu cầu tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt cao hơn, tăng từ 35% vào năm ngoái.

Ông Bhushan Sethi, đồng lãnh đạo toàn cầu về hoạt động tổ chức và con người của PwC, cho biết trong một tuyên bố: “Với tình hình kinh tế bất ổn đang diễn ra, chúng tôi nhận thấy lực lượng nhân sự toàn cầu muốn được trả nhiều tiền hơn và công việc của họ có ý nghĩa hơn.”

Mặc dù áp lực lạm phát đã giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch, bòn rút [tiền bạc] các gia đình và làm suy giảm phúc lợi tài chính.
Thời buổi khó khăn lan rộng hơn

Người đi làm [ăn lương] ở Hoa Kỳ và các nơi khác ngày càng cảm thấy thiếu tiền mặt khi những thách thức về lạm phát và những khó khăn về kinh tế tiếp tục tác động đến túi tiền của họ.

“Khảo sát Lực lượng Nhân sự Toàn cầu về Hy vọng và Sợ hãi năm 2023” của PwC, đã khảo sát 54,000 người đi làm [ăn lương] ở 46 quốc gia, cho thấy ngày càng có nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn hàng tháng hoặc không thể thanh toán hóa đơn trong hầu hết thời buổi này.

Tỷ lệ người đi làm [ăn lương] cho biết thời buổi này gia đình họ không thể thanh toán hóa đơn đã tăng gấp đôi từ 2% năm ngoái lên 4% vào năm 2023.


Mọi người mua bánh mì tại một siêu thị ở Monterey Park, California, vào ngày 19/10/2022. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Đồng thời, tỷ lệ người đi làm [ăn lương] cho biết gia đình họ có thể thanh toán tất cả các hóa đơn hàng tháng và vẫn còn dư một số tiền để tích trữ hoặc chi tiêu tùy ý như các kỳ nghỉ đã giảm mạnh từ 47% xuống 38%.

Khoảng một phần năm người đi làm [ăn lương] đang làm nhiều công việc, với 69% nói rằng họ làm việc đó để kiếm thêm thu nhập và chỉ có 36% là để học các kỹ năng mới.
Vòng lặp hồi đáp tiêu cực

Những người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính cũng ít có khả năng đáp ứng những thách thức trong tương lai, gồm cả đầu tư vào phát triển các kỹ năng mới và thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).

Những người phải chật vật thanh toán hóa đơn ít có khả năng (50%) để chủ động tìm kiếm những cơ hội phát triển kỹ năng mới như những người có thể thanh toán chi phí một cách thoải mái (62%).

Tương tự, những người đi làm [ăn lương] có sự an toàn về tài chính (57%) có nhiều khả năng mưu cầu sự hồi đáp và cải thiện hiệu suất của họ trong công việc so với những người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính (45%).

Hơn một phần ba (37%) người đi làm [ăn lương] an toàn về tài chính tin rằng AI sẽ nâng cao năng suất của họ, trong khi chỉ có 24% người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính cũng nghĩ như vậy.

Khoảng cách giữa những người có kỹ năng chuyên môn và những người không có kỹ năng là một vấn đề ngày càng lớn, cản trở năng suất và sự đổi mới đối với các các công ty và làm trầm trọng thêm căng thẳng tài chính của người đi làm [ăn lương].

Ông Bob Moritz, chủ tịch toàn cầu của PwC, cho biết: “Lực lượng nhân sự toàn cầu được chia thành hai nhóm — nhóm những người có kỹ năng có giá trị sẵn sàng tiếp tục học hỏi, và nhóm những người không có kỹ năng này.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nhận thấy rằng, những người không có những kỹ năng này thường kém an toàn hơn về tài chính và ít có khả năng tiếp cận đào tạo về các kỹ năng trong tương lai.”

Cuộc khảo sát của PwC cho biết các phương thức tuyển dụng lỗi thời đang cản trở sự tự tin của nhân viên vào khả năng khám phá những cơ hội mới của họ trong lực lượng nhân sự.

Trong một thị trường việc làm cạnh tranh, các nhà tuyển dụng không khai thác được những tài năng có giá trị do các phương pháp tuyển dụng và phát triển truyền thống tập trung vào văn bằng hơn là kỹ năng.

Nghiên cứu mới đây do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) hợp tác với PwC thực hiện cho thấy rằng việc áp dụng các phương thức tuyển dụng ưu tiên các kỹ năng có thể giúp hơn 100 triệu người trên toàn thế giới có được việc làm chất lượng cao hơn.

Một tấm biển tuyển dụng được dán trên cửa sổ của một nhà hàng Chipotle ở New York, vào ngày 29/04/2022. (Ảnh: Shannon Stapleton/File Photo/Reuters)
Thị trường lao động đang mất động lực

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng là 3.7%, nhưng dữ liệu thị trường lao động mới đây cho thấy tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ đã tăng tốc trong tháng Năm, cho thấy các điều kiện đang nới lỏng.

Báo cáo bảng lương ngành phi nông nghiệp hàng tháng mới nhất, được công bố vào đầu tháng Sáu, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp nhất trong 53 năm qua là 3.4% trong tháng Tư.

Ông Sal Guatieri, kinh tế gia cao cấp tại BMO Capital Markets ở Toronto, cho biết: “Các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang ráo riết tuyển dụng, có khả năng đáp ứng nhu cầu ổn định của người tiêu dùng.”

Ông nói thêm, “Tuy nhiên, các lĩnh vực yếu kém khác trong báo cáo này cho thấy thị trường lao động đang mất dần động lực.”

Tăng trưởng tiền lương trong tháng Năm có sự giảm nhẹ, với thu nhập trung bình mỗi giờ giảm lại còn 4.3% so với mức 4.4% trước đó.

Tỷ lệ tham gia lực lượng nhân sự không thay đổi ở mức 62.6%, cho thấy sự ổn định về số lượng người chủ động tham gia lực lượng lao nhân sự. Tuy nhiên, số giờ trung bình hàng tuần đã giảm nhẹ, giảm từ 34.4 giờ xuống 34.3 giờ.

Vân Du biên dịch

Mỹ quốc cần được thay máu


Khung cảnh Silicon Valley nhìn từ Monument Peak gần Milpitas, California (Ảnh: Yuval Helfman/Shutterstock)
David Parker

21/06/2023
Mỹ quốc cần được thay máu. Một phần ba dân số của quốc gia đã mất đi điều mà cố Ngoại trưởng Alexis de Tocqueville của nước Pháp thế kỷ 18 ngưỡng mộ nhất về Mỹ quốc — tinh thần tự chịu trách nhiệm — nên được thay thế loại máu mới.

Chúng ta cần những người có đầu óc kinh doanh, có học thức, và có tay nghề — những phẩm chất đã làm nên quốc gia vĩ đại này.

Tôi không nói đùa đâu (ngoại trừ việc “thay máu” ra thì còn có thể là “tiếp thêm máu”). Theo tờ The Mercury News của San Jose, 71% toàn bộ nhân công ở Silicon Valley được sinh ra ở ngoại quốc. Các trường đại học Hoa Kỳ tràn ngập sinh viên ngoại quốc nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và giỏi hơn các sinh viên Hoa Kỳ trong kỳ thi SAT.

Các trường công lập của Mỹ quốc, vốn được đánh giá cao trong những năm 1950 và 1960, giờ đây lại nằm trong số những trường chót bảng trên thế giới. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Hãy khám phá cuốn “A People’s History of the United States” (Lịch Sử Dân Tộc Mỹ) của nhà sử học Howard Zinn để biết được rằng các nhóm bị gạt ra bên lề (do họ tự nhận) của Mỹ quốc đã gây áp lực buộc các trường học Mỹ phải chú trọng các nền văn hóa của họ. Có lẽ điều này không làm giảm giá trị các tiêu chuẩn, nhưng bản thân nó đã góp phần khiến việc giảng dạy lịch sử và văn hóa của các nền dân chủ Anh – Mỹ bị bỏ bê.

Trên toàn cầu không có quốc gia nào làm như thế. Ví dụ, ở Pháp, theo luật, các trường học và người thuê mướn nhân công bị cấm hỏi về chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, hoặc giới tính. Các trường học Pháp giảng dạy về lịch sử và văn hóa Pháp — những điều mà quốc gia này tin rằng sẽ gắn kết các công dân của mình và giúp tình yêu đất nước này thấm nhuần trong tâm khảm họ.

Trường học Mỹ làm điều ngược lại. Qua việc hạ thấp tầm quan trọng của các Tổ phụ Lập quốc và truyền thụ thuyết chủng tộc trọng yếu cho học sinh, các trường học Mỹ gửi các em về nhà cùng sự bối rối và thậm chí là tình cảm yêu ghét lẫn lộn về quốc gia của mình.

Trung Quốc đang chế nhạo Hoa Kỳ khi họ tiến hành thay thế vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự thế giới của Hoa Kỳ. Còn chúng ta đang giúp Trung Quốc làm việc đó khi tự hủy hoại đất nước của mình.

Chúng ta không thể nào cạnh tranh với một quần thể dân số đông gấp bốn lần dân số của chúng ta, có lực lượng công dân và học sinh – sinh viên thường xuyên phải làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần, và xem nền văn minh phương Tây (sự tự do về xã hội, chính trị, và kinh tế) là bất lợi cho ý thức cộng đồng của họ. Trung Quốc sở hữu lợi thế chiến lược đó.

Tuy nhiên Trung Quốc có thể đang đánh giá thấp Mỹ quốc. Mặc dù ban đầu Hoa Kỳ không có ý định tham gia Đệ nhị Thế chiến nhưng dân chúng của đất nước đã hiệp đồng lại khi chú voi Mỹ bị đánh thức và nổi dóa, đồng thời Đức và Nhật Bản nhận ra rằng họ đã phạm sai lầm.

Tuy nhiên, để đương đầu với Trung Quốc, thì Mỹ thực sự cần những thành quả tốt hơn. Mỹ sẽ đạt được điều đó bằng cách nào? Bằng cách làm ngược lại với những gì Trung Quốc đang làm: thông qua việc tạo ra sự tự do về xã hội, chính trị, và kinh tế — điều mà các Tổ phụ Lập quốc đã trao cho chúng ta: Sự tự do không lệ thuộc vào chính phủ.

Tiếp đó, với sự tiếp thêm máu là 100 triệu công dân có tinh thần tự chịu trách nhiệm và thấy hứng thú với những giá trị đó, các cử tri Hoa Kỳ rất có thể bãi bỏ Thỏa Thuận Mới năm 1933 (the 1933 New Deal), vốn kết hợp sự tự do với chính phủ.

Bãi bỏ tất cả các đạo luật từ năm 1933 ư? Đúng vậy, ngoại trừ quyền công dân! An sinh xã hội, Medicare, Cuộc chiến chống Đói nghèo, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền — tất cả đều phải bị xóa bỏ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ. Trước khi có Medicare năm 1966, giá của bảo hiểm y tế ngang với bảo hiểm xe hơi (hoặc bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm nhân thọ), khoảng 200 USD/tháng (50 USD/tháng cho một người trẻ tuổi) theo giá trị tiền tệ của năm 2023 — nếu chính phủ hoàn toàn bị loại khỏi thị trường chăm sóc sức khỏe thì giá Medicare sẽ giảm về mức này.

Bảo hiểm y tế mà ở mức 1,000 đến 2,000 USD/tháng thì không phải là bảo hiểm, mà là dịch vụ chăm sóc sức khỏe trả trước. Người sử dụng lao động xóa bỏ các chính sách như một chi phí kinh doanh; người tiêu dùng Medicare không bao giờ mặc cả về giá cả. Bị cấm mua bảo hiểm y tế ở tiểu bang khác (vi phạm luật thương mại giữa các tiểu bang), nên công dân ở New Jersey không thể mua bảo hiểm y tế ở Pennsylvania với chi phí chỉ bằng một phần ba. Medicare không phải là một dịch vụ theo cơ chế thị trường.

Vì mỗi tháng phải đóng 1,200 USD phí Medicare, nên các nhân viên cho rằng ít ra lương của họ phải cao hơn 14,400 USD/năm. Sau 40 năm, con số này sẽ là 576,000 USD tiền mặt mà họ sẽ có trong tài khoản tiết kiệm y tế của mình. Vậy số tiền đó sẽ ở đâu? Mất trắng.

Medicare đã khơi dậy nhu cầu cao hơn đáng kể so với những gì người dân vẫn hay mong muốn, tức là 100,000 USD cho sáu tháng cuối đời. Thông thường, người dân sẽ để lại số tiền đó cho con cháu của mình. Chi tiêu không kiểm soát cho thuốc men và phẫu thuật đã đẩy giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Mỹ lên gấp đôi so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Chúng ta sẽ làm ngược lại năm 1933 ư? Không, nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể hành động: Chúng ta có thể tạo ra một lợi thế so sánh về kinh tế bằng cách giảm thuế suất của đất nước so với những nước khác của thế giới. Điều đó sẽ giúp giảm giá hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đồng thời giúp nền kinh tế phát triển.

Hoa Kỳ sẽ có thêm doanh thu để giảm nợ quốc gia miễn là giải quyết được vấn đề khó khăn nhất của một nền kinh tế năng động: tình trạng thiếu nhân công làm tăng giá cả tất cả hàng hóa – dịch vụ. Vấn đề này chính là lý do tại sao Hoa Kỳ cần 100 triệu công dân như đã nói ở trên, và tại sao đất nước này lại có thái độ khác biệt đối với vấn đề nhập cư trái phép.

Nhật Bản, Nam Hàn, và Trung Quốc cũng gặp phải vấn đề này. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong 20 năm qua, lương của nhân sự quản lý cấp trung ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần.

Nói cách khác, với 31 ngàn tỷ USD nợ quốc gia và 100 ngàn tỷ USD khoản tiền phải trả chưa được cấp ngân sách vào năm 2023, nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vị thế kinh tế và quân sự của mình, thì họ phải gia tăng doanh thu. Để làm được điều đó, đất nước phải cắt giảm thuế và nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết trong 50 năm qua, chỉ có 36% học sinh Mỹ thành thạo môn đọc và môn toán. Vậy họ có thành thạo các môn khoa học, công nghệ, toán học, và kỹ thuật (STEM) không? Chắc chắn là không; nên chúng ta cần sự truyền máu như thế.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Doanh Doanh biên dịch

Ông Trump phản ứng về việc Hunter Biden đạt thỏa thuận nhận tội

Xuân Thành
21/06/2023


Cựu Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba (20/6) đã lên án thỏa thuận nhận tội hình sự mà các nhà chức trách liên bang Mỹ đã đạt được với Hunter Biden, con trai của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.
Luật sư Christopher Clark đại diện cho Hunter Biden nói rằng thân chủ của ông sẽ chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội xảy ra trong khi ông ta bị nghiệm ma túy. Ông Trump đã lên án thỏa thuận nhận tội giữa các công tố viên liên bang và Hunter Biden là để tha tội cho con trai tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Trong bài đăng trên Truth Social hôm 20/6, ông Trump nói rằng Bộ Tư pháp đã trao cho con trai của Tổng thống Joe Biden giấy thông hành miễn phí.

“Wow! Bộ Tư pháp hủ bại của Biden vừa mới xóa sổ hàng trăm năm trách nhiệm hình sự bằng việc trao cho Hunter Biden chỉ một ‘vé thông hành’. Hệ thống của chúng ta đã bị PHÁ VỠ!” ông Trump viết.

“Mọi người đang náo loạn cả lên về Trò lừa bịp giữa Hunter Biden và Bộ Tư Pháp”, ông Trump viết tiếp.

Theo thỏa thuận nhận tội được công bố hôm 20/6, Hunter Biden sẽ tránh được bị truy tố hình sự về sỡ hữu súng bất hợp pháp nếu ông ta thừa nhận các cáo buộc phạm tội nhẹ về thuế.

Ông Trump và một số thành viên nổi bật khác của Đảng Cộng hòa cũng đã lên án thỏa thuận giữa Hunter Biden và Bộ Tư pháp là “thỏa thuận yêu thương”. Nếu thẩm phán quyết định theo các khuyến nghị này của các công tố viên, thì Hunter Biden, 53 tuổi, sẽ không phải ngồi tù.

Các tội nhẹ liên quan đến thuế và sở hữu súng bất hợp pháp sẽ là rất nhỏ nếu so sánh với những cáo buộc gần đây chống lại gia đình Biden liên quan đến các vụ làm ăn kinh doanh bất chính hàng triệu USD với các lợi ích nước ngoài dựa vào tầm ảnh hưởng của ông Biden khi còn là phó tổng thống dưới thời Chính quyền Obama. Quốc hội liên bang vẫn đang tiếp tục điều tra về các cáo buộc mua bán ảnh hưởng này của gia đình Biden.

Ông Trump và một số người khác trước đó đã từng tuyên bố rằng Hunter Biden dù bị điều tra trong nhiều năm qua cuối cùng sẽ nhận được sự đối xử đặc biệt bởi vì bố của ông ta là đương kim tổng thống Mỹ.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump hôm 6/6 đăng trên Truth Social tuyên bố rằng cựu tổng thống gần đây dự đoán về Hunter Biden sẽ được khoan hồng. Ông Trump nhận định: “Họ sẽ áp cho Hunter một tội nhỏ nào đó để làm cho cuộc tấn công của họ nhắm vào tôi trông có vẻ ‘công bằng’”.

Xuân Thành


Các ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa phản ứng với thỏa thuận nhận tội của Hunter Biden


Xuân Thành
21/06/2023


Khi tin tức lan truyền hôm 20/6 về thỏa thuận mặc cả nhận tội của Hunter Biden với các công tố viên liên bang, nhìn chung đa số các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự tức giận và thất vọng với hệ thống tư pháp Mỹ “đã bị phá vỡ”, chỉ có rất ít ứng viên tổng thống của đảng cánh hữu này lựa chọn cách im lặng.
Bộ Tư pháp liên bang Mỹ hôm thứ Ba (20/6) đã loan báo rằng ông Hunter Biden, con trai của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nhận hai cáo buộc tội nhẹ về cố tình không nộp thuế thu nhập và đạt thỏa thuận né tránh tiền xử án để tránh khả năng bị buộc một trọng tội về sở hữu súng bất hợp pháp.

Phản ứng với tin tức nêu trên, cựu Tổng thống Donald Trump viết trên Truth Social: “Wow! Bộ Tư pháp hủ bại của Biden vừa mới xóa sổ hàng trăm năm trách nhiệm hình sự bằng việc trao cho Hunter Biden chỉ một ‘vé thông hành’. Hệ thống của chúng ta đã bị PHÁ VỠ!”

“Mọi người đang náo loạn hết cả lên về Trò bịp bợm giữa Hunter Biden và Bộ Tư pháp!” ông Trump viết trong một bài đăng khác trên Truth Social.

Một ứng cử viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa là Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng đã lên tiếng phản ứng về vụ thỏa thuận nhận tội của con trai Tổng thống Biden. Ông DeSantis lên án vụ mặc cả nhận tội đó là “thỏa thuận yêu thương”.

“Trông có vẻ như Hunter đã nhận được một thỏa thuận yêu thương và sẽ không phải đối mặt với bất kỳ buộc tội nào về những cáo buộc tham nhũng rất lớn”, ông DeSantis viết trên Twitter.

“Nếu Hunter không có mối quan hệ với giới tinh anh [Washington] DC, thì ông ta đã bị bỏ tù từ lâu rồi”, ông DeSantis viết tiếp.

Tương tự, ứng viên tổng thống, Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott phát biểu trên Twitter rằng thỏa thuận nêu trên là “sự trừng phạt quá nhẹ nhàng” từ Bộ Tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật này “ném bồn rửa chén bát vào các đối thủ chính trị”.

Một ứng viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa, người dẫn chương trình phát thanh Larry Elder nói rằng không bỏ tù [Hunter] Biden chỉ là “một ví dụ khác của hệ thống tư pháp đảng phái, hai tầng”.

Nữ ứng viên tổng thống, cựu Đại sứ quán Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cựu Thống đốc Nam Carolina, bà Nikki Haley cũng đặt dấu hỏi về tính công bằng của hệ thống tư pháp Mỹ. Bà nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng thỏa thuận nhận tội “chỉ dấy lên thêm những câu hỏi về các tội danh của Hunter Biden và tiêu chuẩn kép của hệ thống tư pháp trong chính phủ liên bang của chúng ta”.

“Rõ ràng có nhiều điều hơn nữa gia đình Biden phải trả lời”, bà Haley nói thêm.

Ứng viên tổng thống, doanh nhân Vivek Ramaswamy cũng đồng tình với quan điểm của các chính trị gia nêu trên. Ông gọi thỏa thuận nhận tội là “trò đùa” với mục đích làm phân tán các cuộc điều tra đang tiếp diễn nhắm vào Tổng thống Joe Biden.

“Mục tiêu thực sự là các cuốn băng ghi âm về cáo buộc Hunter và Joe Biden đã nhận hối lộ từ tài phiệt Ukraine sở hữu công ty Burisma. Và hàng trăm tỷ USD của người nộp thuế Mỹ đã được chuyển tới Ukraine để nhận lại sự ủng hộ. Đừng mua sự đánh lạc hướng này, đó chỉ là tung hỏa mù”, ông Ramaswamy viết trên Twitter.

Trong khi đó, ứng viên tổng thống, cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đã có phản ứng khác. Ông cho rằng việc Hunter Biden nhận tội là “một bước tiến quan trọng”, nhưng “còn nhiều việc hơn phải làm”.

“Điều quan trọng đối với đất nước ta là phải có câu trả lời cho những cáo buộc từ người tố giác và Công tố viên Mỹ cùng Bộ Tư pháp nên minh bạch bằng việc tuyên bố rõ ràng về tình trạng của cuộc điều tra này; lý do cho việc trì hoãn 5 năm mới đạt được kết quả hôm nay; và cuộc điều tra này sẽ tiếp tục như thế nào và ai sẽ lãnh đạo nó”, ông Hutchinson tuyên bố trên Twitter.

“Nếu David Weiss, công tố viên do ông Trump chỉ định, đã kết luận cuộc điều tra này, thì câu hỏi rõ ràng đặt ra là liệu có cần một công tố viên đặc biệt để điều tra các cáo buộc được tố cáo khác hay không. Việc đảm bảo tất cả các cáo buộc phải được điều tra và được giải quyết theo luật là quyền lợi hợp pháp của công chúng”, ông Hutchinson nói tiếp.

Theo tuyên bố của Công tố viên David Weiss, cuộc điều tra của ông đối với Hunter Biden vẫn đang tiếp diễn.

Một số ứng viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa như cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie đã lựa chọn im lặng về thỏa thuận nhận tội của Hunter Biden.

The Epoch Times cho biết hãng tin này đã liên lạc với ông Pence và ông Christie để yêu cầu bình luận về sự vụ mới nhất liên quan đến nhà Biden, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)


Hoa Kỳ: Ông Hunter Biden sẽ nhận tội trước các cáo buộc liên bang


Ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, tại Tòa Bạch Ốc, vào ngày 18/04/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Zachary Stieber

21/06/2023

Hôm 20/06, các công tố viên cho biết con trai của Tổng thống (TT) Joe Biden đã đồng ý nhận tội về các hành vi phạm tội liên bang trong một thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ.

Biện lý David Weiss cho biết trong một lá thư gửi tòa án liên bang ở Delaware rằng ông Hunter Biden, 53 tuổi, đã thừa nhận cố tình không nộp thuế thu nhập liên bang. Ông Hunter Biden có kế hoạch nhận tội trong một phiên điều trần sắp tới về hành vi vi phạm luật cấm những người “cố tình không” khai thuế hoặc nộp thuế.

Theo một bản cáo trạng, ông Hunter Biden đã nhận được hơn 1.5 triệu USD thu nhập chịu thuế trong năm 2017 và hơn 1.5 triệu USD nữa vào năm 2018. Theo luật, ông phải nộp hơn 100,000 USD tiền thuế thu nhập của mình trong mỗi năm đó. Nhưng ông “cố ý không” nộp thuế.

Các tội danh đó đều là các khinh tội. Mức án cho mỗi một tội sẽ là tối đa một năm tù giam.

Theo hồ sơ tòa án, chưa có phiên điều trần nào được lên kế hoạch.

Hồi cuối năm 2022, ông Hunter Biden cho biết chính phủ đang điều tra “các vấn đề về thuế” của ông. Ông “tin tưởng một cuộc điều tra chuyên nghiệp và khách quan về những vấn đề này sẽ chứng minh rằng tôi đã giải quyết công việc của mình một cách hợp pháp và phù hợp.”

Một trát lệnh, được công bố hồi năm 2022, cho thấy ông Weiss đang thúc ép Ngân hàng JP Morgan Chase giao hồ sơ ngân hàng của ông Hunter Biden. Sau đó, các nhân viên IRS đã đưa ra cáo buộc rằng cuộc điều tra này đã không được tiến hành đúng cách.


Từ trái qua: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Đệ nhất Phu nhân Jill Biden, ông Hunter Biden, và bà Ashley Biden tham dự một sự kiện tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, Pennsylvania, hôm 15/05/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)
Cáo buộc khác

Ông Hunter Biden cũng bị buộc tội vi phạm một luật khác.

Hồi năm 2018, ông Hunter Biden, “biết rằng mình là người sử dụng bất hợp pháp và nghiện chất bị kiểm soát… đã cố ý sở hữu một khẩu súng, đó là một khẩu súng lục ổ quay Colt Cobra 38SPL có số seri RA 551363, cho biết khẩu súng này đã được giao và vận chuyển bằng hình thức thương mại giữa các tiểu bang,” một bản cáo trạng nêu rõ.

Luật được đề cập ở trên nghiêm cấm sở hữu súng đối với những người bị kết án về một tội có thể bị phạt tù hơn một năm hoặc những người sử dụng trái phép hoặc nghiện một chất bị chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt như được định nghĩa trong Đạo luật về các Chất bị Kiểm soát.

Một số hãng thông tấn đã đưa tin rằng ông Hunter Biden đã sở hữu một khẩu súng vào năm 2018 và bạn gái của ông khi đó là bà Hallie Biden — góa phụ của anh trai ông Hunter, ông Beau — đã ném khẩu súng vào thùng rác trước khi các nhà chức trách thu hồi. Ông Hunter Biden đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng ông đã sử dụng ma túy đá vào năm đó.

Theo ông Weiss, ông Hunter Biden đã đồng ý một thỏa thuận chuyển hướng trước khi xét xử sang các hệ thống thay thế (pretrial diversion) cho cáo buộc này.


Biện lý Quận Delaware David Weiss trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Bộ Tư pháp thông qua The Epoch Times)

Các chương trình chuyển hướng trước khi xét xử cho phép các bị cáo được bác bỏ các cáo buộc nếu họ đáp ứng các tiêu chí nhất định. Theo Bộ Tư pháp, mục tiêu của các chương trình này bao gồm ngăn chặn hoạt động tội phạm trong tương lai và thúc đẩy giáo dục cải tạo.

Cáo buộc này có thể dẫn đến hình phạt 10 năm tù giam và/hoặc phạt tiền lên đến 250,000 USD.

Ông Christopher Clark, một luật sư đại diện cho ông Hunter Biden, đã từ chối bình luận.

“Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân yêu thương con trai của họ và ủng hộ cậu ấy khi cậu ấy tiếp tục làm lại cuộc đời,” ông Ian Sams, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc, nói với các hãng thông tấn trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẽ không có bình luận gì thêm.”

Ông Joe Biden trước đây từng tuyên bố rằng con trai ông “đã không làm gì sai”.

“Tôi tin tưởng Hunter. Tôi có niềm tin vào con trai mình, và điều đó tác động đến nhiệm kỳ tổng thống của tôi bằng cách khiến tôi cảm thấy tự hào về con trai mình,” tổng thống nói trên MSNBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây.


Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói chuyện tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump ở Bedminster, New Jersey, hôm 13/06/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Phản ứng của cựu TT Trump

Cựu Tổng thống Donald Trump, người gần đây bị buộc tội với 37 cáo buộc, nói rằng thông tin mới cho thấy hệ thống tư pháp đã bị phá vỡ.

“Chà! Bộ Tư pháp tham nhũng của ông Biden vừa loại bỏ hàng trăm năm trách nhiệm hình sự bằng cách trao cho ông Hunter Biden một chiếc ‘vé phạt giao thông’ đơn giản. Hệ thống [tư pháp] của chúng ta ĐÃ BỊ PHÁ VỠ!” ông Trump viết trên Truth Social.

Bộ Tư pháp đã không phúc đáp ngay một đề nghị bình luận.

Ông Weiss được ông Trump bổ nhiệm vào năm 2017 và được Thượng viện xác nhận năm sau đó. Ông là một trong số ít biện lý liên bang từ chính phủ cựu TT Trump được TT Biden giữ lại.

Trước đây, ông Trump từng nói ông tin rằng ông Hunter Biden sẽ bị buộc tội với “một điều gì đó nhỏ nhặt” để khiến vụ án liên bang truy tố ông “trông có vẻ công bằng”.

Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích thỏa thuận được công bố này.

“DOJ của ông Biden đang đối xử nhẹ nhàng với ông Hunter, trao cho ông ta một thỏa thuận mà chỉ con trai của tổng thống mới có thể nhận được,” Dân biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklabama) cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng thỏa thuận này “sẽ không ngăn cản cuộc điều tra của chúng tôi về gia đình tội phạm Biden.”

“Bất cứ ai đều có thể thấy DOJ của ông Biden đã mềm mỏng với ông Hunter Biden,” Dân biểu Darrell Issa (Cộng Hòa-California) cho biết.

Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã và đang điều tra các giao dịch tài chính của gia đình Biden, và phát hiện ra các hồ sơ ngân hàng mà họ nói rằng cho thấy một kế hoạch rửa tiền phức tạp. Tòa Bạch Ốc cho biết các khoản thanh toán cho các thành viên gia đình trong thời gian ông Biden giữ chức phó tổng thống sẽ không ảnh hưởng đến ông.

Nguyễn Lê biên dịch

Thẩm phán ra lệnh cho ông Trump và các luật sư không chia sẻ bằng chứng trước khi xét xử


Cựu Tổng thống Donald Trump tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump ở Bedminster, New Jersey, hôm 13/06/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Zachary Stieber

20/06/2023

Hôm 19/06, cựu Tổng thống Donald Trump và các luật sư của ông đã được lệnh không được chia sẻ bằng chứng trong vụ án hình sự của ông Trump với bất kỳ người nào không liên quan đến vụ án.

Thẩm phán Bruce Reinhart của Tòa Sơ thẩm Liên bang cho biết trong lệnh này, rằng ông Trump, đồng bị đơn Waltine Nauta, và các luật sư của họ không được tiết lộ các tài liệu khám phá (discovery materials) cho công chúng hoặc các hãng truyền thông, cũng như không đăng những tài liệu đó lên bất kỳ “nền tảng tin tức hoặc mạng xã hội nào” mà không có sự đồng ý của chính phủ Hoa Kỳ hoặc sự chấp thuận của tòa án.

DocumentCloud

Sau những cáo buộc truy tố ông Trump và ông Nauta về nhiều tội danh, trong đó có che giấu các tài liệu, các quan chức chính phủ đang chuẩn bị giao các tài liệu khám phá cho các bị cáo và đại diện của họ.

Những tài liệu này sẽ gồm có lời khai của các nhân chứng trước đại bồi thẩm đoàn vốn đã phê chuẩn những cáo buộc này và các bằng chứng khác mà các công tố viên dự định trình bày tại phiên tòa.

Ông Reinhart — người được các thẩm phán khác bổ nhiệm và đã chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội — đã ban hành lệnh này nhằm đáp ứng việc các công tố viên đề nghị một lệnh như vậy.

Chính phủ cho biết họ sẵn sàng cung cấp các tài liệu không phải cơ mật cho bên bào chữa, nhưng việc tiết lộ thông tin này có thể ảnh hưởng đến các cuộc điều tra đang diễn ra và công khai danh tính của những người chưa bị buộc tội.

Biện lý Đặc biệt Jack Smith cho biết trong đề nghị này, “Do đó, chính phủ đề nghị các biện pháp bảo vệ trước việc phổ biến các tài liệu khám phá và thông tin nhạy cảm trong những tài liệu khám phá đó.”

Theo ông Smith, các luật sư của ông Trump và ông Nauta không phản đối kiến nghị này. Các luật sư này đã không phúc đáp các đề nghị bình luận.


Trong hình ảnh phác thảo phòng xử án này, luật sư Todd Blanche đứng khi đang tuyên bố vô tội thay cho cựu Tổng thống Donald Trump (thứ hai từ phải sang), tại tòa án liên bang ở Miami hôm 13/06/2023. Từ trái sang: ông Stanley Woodward, ông Walt Nauta, ông Blanche, ông Trump, và ông Chris Kise. (Ảnh: Elizabeth Williams qua AP)
Thông tin thêm về lệnh này

Tuy rằng ông Reinhart nói rằng ông có thể cho phép một số người nhất định tiết lộ thông tin, nhưng những luật sư của hai bị cáo này phải thực hiện các bước trước khi tiết lộ thông tin.

Theo ông Reinhart, sau khi một người được cho phép nhận thông tin này, những luật sư này phải đưa cho người đó một bản của lệnh hôm 19/06 và người đó phải ký một thỏa thuận không phổ biến những tài liệu mà người đó nhận được.

Những luật sư này phải giữ một bản của mỗi thỏa thuận đã ký.

Ông Reinhart viết: “Không được phép tiết lộ cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào chưa ký Thỏa thuận đó, trừ phi có lệnh tiếp theo của Tòa án. Các nhân chứng tiềm năng và luật sư của các nhân chứng tiềm năng đó có thể được cho xem các bản của Tài liệu Khám phá khi cần thiết để chuẩn bị cho việc bào chữa, nhưng họ không được phép giữ các bản tài liệu mà không có sự cho phép trước của Tòa án.” Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm rằng các bị cáo cũng không được sao chép hoặc mô phỏng lại các tài liệu đó, trừ trường hợp cần chuẩn bị cho phiên tòa.

Ông Reinhart cũng ra lệnh cho các bị cáo không được giữ lại các bản tài liệu này và nói rằng họ không thể xem trước các tài liệu trừ phi họ “chịu sự giám sát trực tiếp của luật sư bào chữa hoặc một thành viên trong nhóm nhân viên của luật sư bào chữa.”

Hai bị cáo này có thể ghi chép khi xem nhưng tài liệu này, nhưng ngay cả những ghi chép đó cũng phải do luật sư lưu trữ chứ không phải bản thân các bị cáo.

Thẩm phán cho biết hành vi vi phạm lệnh này có thể đưa đến cáo buộc xem thường tòa án hoặc các biện pháp trừng phạt khác.

Ông Trump bị buộc tội với 31 cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp vì lưu giữ những hồ sơ nhạy cảm và sáu cáo buộc hình sự khác như cản trở và đưa ra các tuyên bố sai sự thật.

Các công tố viên cáo buộc rằng ông Trump đã không giao nộp các hồ sơ cho chính phủ một cách bất hợp pháp sau khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/01/2021, và rằng ông đã cố gắng cản trở cuộc điều tra trong việc không giao nộp hồ sơ này. Theo các nhà chức trách, ông Trump đã trả lại một số hồ sơ nhưng không phải tất cả. Ông Trump cũng bị cáo buộc đã cho những người không có giấy phép an ninh xem những hồ sơ này, trong đó có một nhà văn kiêm chủ báo.

Theo một bản cáo trạng, ông Nauta, một trợ lý hàng đầu của ông Trump, đã giúp đỡ làm như vậy bằng cách chuyển dời các thùng đựng tài liệu và đã có lúc khai man với các đặc vụ FBI rằng ông không biết những thùng đó được cất giữ ở đâu.

Ông Trump đã nói rằng bản thân mình vô tội. Trước đó, một luật sư của ông Nauta đã từ chối bình luận về các cáo buộc này.


Ông Walt Nauta, từng là một phụ tá của cựu Tổng thống Donald Trump, đến thăm nhà hàng Versailles ở Miami cùng ông Trump, hôm 13/06/2023. (Ảnh: Alex Brandon/AP Photo)
Lệnh trước đó

Ông Trump cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc trọng tội ở New York. Trong vụ án đó, thẩm phán cũng ra lệnh rằng ông Trump và các luật sư của ông không được tiết lộ tài liệu khám phá trước khi xét xử.

Lệnh từ Thẩm phán Lâm thời Tòa án Tối cao New York Juan Merchan nêu rõ rằng ông Trump không thể cung cấp thông tin như vậy cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc cho “bất kỳ nền tảng tin tức hoặc nền tảng truyền thông xã hội nào … mà không có sự chấp thuận trước của tòa án.”

Lệnh đó đã được ban hành sau khi ông Alvin Bragg, Biện lý Quận Manhattan, đưa ra một đề nghị như vậy.

Văn phòng của ông Bragg đã lập luận trong một hồ sơ tòa án rằng ông Trump “có một lịch sử lâu dài và có lẽ là độc nhất về việc tấn công các nhân chứng, điều tra viên, công tố viên, bồi thẩm viên xét xử, đại bồi thẩm đoàn, thẩm phán, và những người khác liên quan đến vụ án nhắm vào ông, đặt những người đó cùng gia đình họ vào tình thế rủi ro an toàn đáng kể.”

Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly

Thanh Nhã biên dịch

Nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tìm cách loại bỏ dần các chương trình liên bang trị giá hơn 510 tỷ USD


Dân biểu Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) đã bảo trợ cho một trong bốn dự luật kêu gọi chấm dứt các biện pháp khẩn cấp COVID-19 đã được Ủy ban Quy tắc Hạ viện thông qua, ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 30/01/2023. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)
Mark Tapscott

20/06/2023
Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) muốn loại bỏ dần hơn 1,100 cơ quan và chương trình liên bang “zombie” (chương trình tồn tại nhờ tài trợ từ chính phủ) đã duy trì trong nhiều năm sau khi sự ủy quyền lập pháp hết hạn. Các chương trình này hằng năm lãng phí hơn 358 tỷ USD.

Đề xướng của bà McMorris Rodgers được gọi là Đạo luật Chi tiêu Không được ủy quyền (Unauthorized Spending Act, USA), mà bà đã giới thiệu trong mọi nhiệm kỳ Quốc hội kể từ năm 2016. Nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Washington này tin rằng dự luật này (H.R. 1518) là cần thiết để khôi phục lại cho các cử tri quyền về trách nhiệm giải trình ở thủ đô của quốc gia này.

“Ngày nay, chúng ta gặp phải một cuộc khủng hoảng tài khóa ở nước Mỹ, quá nhiều hoạt động của chính phủ liên bang đang vận hành một cách vô thức. Người dân Mỹ có lý khi thất vọng về một chính phủ cho rằng họ biết rõ nhất,” bà McMorris Rodgers giải thích trong một tuyên bố trên trang web chính thức của mình. “Những sự thất vọng này là dấu hiệu cho thấy người dân đã mất đi quyền lực của chúng ta trong việc bảo đảm từng đồng của tiền thuế và mọi quyết định của các cơ quan liên bang đều phải chịu sự giám sát của người dân.”

“Đạo luật USA nhằm mục đích khôi phục ‘sức mạnh hầu bao’ của người dân Mỹ bằng cách loại bỏ chi tiêu trái phép hoặc các chương trình ‘Zombie’ — chi tiêu cho các chương trình của chính phủ chưa được các đại diện của người dân trong Quốc hội cho phép. Dự luật này khá đơn giản, bảo đảm rằng từng đồng tiền thuế đều phải chịu sự giám sát kỹ lưỡng của người dân Mỹ.”

“Điều đó có nghĩa là những người đại diện của người dân đang làm công việc của họ để xem xét, suy nghĩ lại một cách hiệu quả, và có thể loại bỏ những chương trình nào không còn cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa là khôi phục sức mạnh của hầu bao và chấm dứt chi tiêu trái phép.”

Tại Hạ viện, đề xướng của bà hiện có 11 người đồng bảo trợ, tất cả đều thuộc Đảng Cộng Hòa. Không có phiên điều trần nào được sắp xếp về dự luật này, mà đang chờ hành động tiếp theo ở Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Giải trình Hạ viện và Ủy ban Ngân sách Hạ viện.


Dân biểu Dan Newhouse (Cộng Hòa-Washington) đặt câu hỏi cho Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Phillip Swagel khi ông điều trần trước Tiểu ban Nhánh Lập pháp của Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 12/02/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)

Trong một báo cáo hồi tháng Tư, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), “đã xác định 1,108 ủy quyền phân bổ đã hết hạn trước khi bắt đầu năm tài khóa 2023 và 355 ủy quyền sẽ hết hạn trước khi kết thúc năm tài khóa này. CBO cũng phát hiện ra 510 tỷ USD phân bổ cho năm 2023 có liên quan đến 428 ủy quyền phân bổ đã hết hạn.”

Đề xướng USA “đặt tất cả các chương trình không được ủy quyền đi đến kết thúc trong ba năm, vốn được thực thi bằng cách giảm ủy quyền tổng ngân sách dựa trên tổng giá trị của các chương trình không được ủy quyền,” theo một tờ thông tin trên trang web của bà McMorris Rodgers.

“Trong năm đầu tiên sau khi hết hạn, ủy quyền tổng ngân sách được giảm 10% tổng giá trị chi tiêu không được ủy quyền. Trong năm thứ hai và thứ ba, con số đó tăng lên 15%. Các chương trình được đề cập đến này sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm tài khóa thứ ba sau khi hết hạn,” tờ thông tin cho biết.

Quốc hội cũng có thể quyết định tái ủy quyền cho một cơ quan hoặc chương trình zombie, nhưng cá nhân các thượng nghị sĩ và dân biểu sẽ phải ghi vào hồ sơ xem có nên loại bỏ dần tài trợ hay tái ủy quyền hoạt động đó hay không.

Quá trình quyết định phải làm gì với một cơ quan hoặc chương trình zombie cụ thể sẽ được giám sát bởi một Ủy ban Trách nhiệm Giải trình Chi tiêu (SAC) mới được giao nhiệm vụ thiết lập lịch trình tái ủy quyền, tiến hành đánh giá hiệu quả của các cơ quan và chương trình đó, đồng thời đề xướng cắt giảm ngân sách bắt buộc “để được sử dụng làm khoản bù đắp tiềm năng để khôi phục ủy quyền ngân sách đã bị giảm do các chương không được ủy quyền.”

Các cơ quan liên bang zombie, là những chương trình, đặc biệt là những chương trình tiếp tục được tài trợ nhưng không được tái ủy quyền, “là dấu hiệu của một chính phủ liên bang quá toàn quyền đến nổi tổ chức của Quốc hội không thể quản lý,” ông David Ditch, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Trung tâm Grover M. Hermann về Ngân sách Liên bang tại tổ chức tư vấn Quỹ Di sản, cho biết.

“Không có tổ chức nào trong lịch sử nhân loại có thể quản lý đúng cách một tổ chức [như chính phủ liên bang] mà sử dụng rất nhiều người làm rất nhiều việc và chi rất nhiều tiền cho rất nhiều chủ đề như vậy.”

Trước khi gia nhập Quỹ Di sản, ông Ditch từng làm việc trong Ủy ban Ngân sách Thượng viện, tại đó, ngoài nhiều việc khác ra thì ông phân tích các cơ quan và chương trình zombie.

Ông Ditch nói với The Epoch Times rằng trọng tâm của vấn đề này là cách mà “Quốc hội, thay vì làm công việc khó khăn là phân tích hiệu quả hoạt động của một cơ quan hoặc chương trình liên bang hiện có, thì bản năng là tạo ra những thứ mới mà quý vị có thể nhận lấy công trạng chính trị khi trở về nhà.
4 thập niên làm một Zombie

“Đặc biệt là khi quý vị kết hợp những động lực chính trị đó với sự lớn mạnh vượt bậc của chính phủ liên bang diễn ra trong thế kỷ 20 và vốn đã được để cho tiếp tục phát triển và lụi tàn theo thời gian, thì quý vị sẽ trở thành một sự kết hợp của những zombie nhỏ mà có lẽ nên bị loại bỏ, và tôi muốn nói rằng các chương trình lớn quan trọng gần như không có đủ sự giám sát,” ông Ditch nói.

Trong số những hậu quả của sự rối loạn chức năng chính trị như vậy là các cơ quan liên bang — chẳng hạn như Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Arts) và Quỹ Nhân văn Quốc gia (National Endowment for the Humanities) — đã tiếp tục nhận được hàng tỷ dollar tiền thuế mặc dù các ủy quyền lập pháp của họ đã hết hạn từ nhiều thập niên trước, vào năm 1993.

Các ví dụ khác về các chương trình zombie bao gồm Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Đề mục X của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã hết hạn vào năm 1985, mà ông Ditch lưu ý là chủ yếu cung cấp tài trợ cho một trong những bên nhận trợ cấp liên bang được tranh cãi sôi nổi nhất, Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình của nước Mỹ (Planned Parenthood Foundation of America).

“Nếu như chương trình đó gây tranh cãi đến mức chúng ta không thể tái ủy quyền, thì tại sao lại có quyền tiếp tục hoạt động trong bốn thập niên với hàng tỷ dollar trong khoảng thời gian đó bằng quỹ liên bang?”

Cẩm An biên dịch


Texas ký thành luật dự luật đầu tiên của Hoa Kỳ chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh


Các học viên Pháp Luân Công tham gia diễn hành tại National Mall ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 21/07/2022 nhằm tưởng niệm 23 năm ngày chính quyền Trung Quốc phát động cuộc đàn áp nhóm tinh thần này. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Eva Fu
20/06/2023

Texas vừa ký thành luật một dự luật lưỡng đảng nhằm chống lại tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc, đưa tiểu bang này trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ chống lại hành vi lạm dụng thông qua các biện pháp pháp lý.
Theo dự luật SB 1040 , được Thống đốc Greg Abbott ký hôm 18/06 và có hiệu lực từ ngày 01/09, sẽ là bất hợp pháp nếu các nhà cung cấp bảo hiểm y tế tài trợ cho các ca cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được biết là có liên quan đến hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Dự luật này đã được cả hai viện lập pháp của tiểu bang đồng thuận thông qua hồi tháng trước.

Dưới sự giám sát của nhà cầm quyền Trung Quốc, hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng quan trọng từ những người còn sống để kiếm lời đã phát triển thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, đồng thời làm tăng thêm tình trạng lạm dụng các nhóm không có khả năng tự vệ như các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đang bị giam giữ. Pháp Luân Công là một nhóm tín ngưỡng với hàng chục triệu người theo học đã phải đối mặt với chiến dịch đàn áp không ngừng của Bắc Kinh kể từ năm 1999.

Dân biểu Tom Oliverson, nhà bảo trợ chính của dự luật này, nhớ lại cuộc gặp với các học viên Pháp Luân Công nhiều năm trước. Họ đã cho ông xem trang web của các bệnh viện ở Trung Quốc quảng cáo với thế giới rằng những người hiến tặng còn sống đang sẵn sàng trợ giúp ngành y tế nước này tìm cách thu hút khách du lịch ghép tạng.

“Tôi chỉ thấy kinh hoàng. Hết sức kinh hoàng không thể tin nổi,” ông nói với The Epoch Times. Trong khi ông Oliverson làm việc để vận động cho vấn đề đạo đức trong hoạt động cấy ghép nội tạng để bảo đảm rằng mọi người là những người hiến tạng tự nguyện ngay tại Hoa Kỳ, ông nói rằng ông “chưa bao giờ gặp trường hợp nào mà một người nào đó còn minh mẫn, tỉnh táo, và có thể tự mình ký vào bản đồng ý nhưng không muốn trở thành người hiến tạng bị cưỡng bức phải hiến tạng.”

“Chuyện này nghe giống như một thứ gì đó trên phim ảnh vậy,” ông nói.


Dân biểu tiểu bang Texas Tom Oliverson nói tại một cuộc họp báo ở Austin, Texas, hôm 29/03/2023, nêu bật nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc, trong ảnh tĩnh từ đoạn phim. (Ảnh: The Epoch Times)

Kể từ đó, ông Oliverson đã nghiên cứu một số biện pháp khác, bao gồm SCR 3, một nghị quyết được đồng thuận thông qua hồi tháng 04/2021 để lên án “hành vi bại hoại của nạn cưỡng bức lấy nội tạng người để cấy ghép” của Bắc Kinh. Hồi tháng Ba, ông đã giới thiệu TX HB3914, một dự luật nhằm cấm Viện Nghiên cứu và Phòng chống Ung thư Texas, nhà tài trợ nghiên cứu ung thư của tiểu bang, cấp tiền tài trợ cho một người nộp đơn có thể nhận nội tạng từ một bệnh viện ở Trung Quốc.

Đối với ông Oliverson, việc ngăn chặn các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho các bộ phận nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc là chìa khóa để chấm dứt hoạt động du lịch ghép tạng không có sự đồng thuận như vậy. Phẫu thuật cấy ghép nội tạng đắt đỏ đến mức đại đa số người Mỹ dựa vào bảo hiểm y tế để thực hiện.

Ông nói, ý tưởng này “về cơ bản ngăn chặn khả năng” để ai đó được chi trả khi tham gia vào hành vi lạm dụng ở Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Ông nói: “Cách tốt nhất để ngăn chặn thành công khả năng này là làm cho một quốc gia không thể thành công về mặt kinh tế nếu quốc gia đó không xem con người là con người mà rõ ràng là xem như một nguồn thu nhập.”


Các học viên Pháp Luân Công diễn hành ở Manhattan, New York để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, hôm 12/05/2023. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)

Ông Oliverson nhận thấy còn nhiều việc phải làm. Ông hy vọng rằng các tiểu bang khác có thể xem luật này như một bản hướng dẫn và ban hành các phiên bản của riêng họ để chống lại nạn lạm dụng đồng loại để cưỡng bức thu hoạch nội tạng quan trọng của họ. Để tạo thuận lợi cho việc này, ông muốn đưa luật này đến các hội nghị của các cơ quan lập pháp tiểu bang do các tổ chức như Hội nghị Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang thực hiện và trình bày như một luật mẫu để các tiểu bang khác xem xét.

“Tôi muốn xem đây là điều gì đó sẽ được thông qua ở tất cả 50 tiểu bang. Đó sẽ là mục tiêu cuối cùng của tôi — để tất cả người Mỹ đứng lên hiệp lực chống lại hành động đáng ghê tởm này,” ông nói.

“Nếu tất cả 50 tiểu bang đều có lệnh cấm này, thì về căn bản sẽ không có đồng tiền nào của người Mỹ được chuyển đến các bệnh viện Trung Quốc đang tham gia buôn bán nội tạng, vì vậy, họ sẽ không thể chi trả cho việc đó.”

Tịnh Nhi biên dịch

Thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu tại Hạ viện tiết lộ các bước tiếp theo trong cuộc điều tra gia đình Biden


(Trái) Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình của Hạ viện James Comer (Cộng hòa-Kentucky) tổ chức một cuộc họp báo để trình bày những phát hiện sơ bộ về cuộc điều tra của họ đối với gia đình Tổng thống Joe Biden, tại Hoa Thịnh Đốn hôm 10/05/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images); (Phải) Giám đốc FBI Christopher Wray điều trần trước một tiểu ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện về yêu cầu ngân sách năm 2024 của tổng thống cho cơ quan chính phủ này ở Hoa Thịnh Đốn hôm 10/05/2023. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

Jack Phillips
20/06/2023

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết sẽ có nhiều nhân chứng và nguồn tin hơn liên quan đến cuộc điều tra của ủy ban của ông về cáo buộc hối lộ và lợi dụng tầm ảnh hưởng để trục lợi dưới danh nghĩa của gia đình Tổng thống (TT) Joe Biden.

“Tôi nghĩ chúng tôi đã làm hết sức có thể với những trở ngại mà chúng tôi phải vượt qua,” ông Comer nói với Fox News hồi cuối tuần qua. “Không ai nghĩ tôi sẽ lấy được các hồ sơ ngân hàng. Không ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ có quyền truy cập vào Bộ Ngân khố, các báo cáo hoạt động đáng ngờ của Nội các, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận câu trả lời là không.”

Ông Comer nói thêm rằng công việc của ông với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Giám sát Hạ viện là “lần theo các khoản tiền” liên quan đến cuộc điều tra này, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi sắp có thêm các hồ sơ ngân hàng.” Đi vào chi tiết các kế hoạch của mình, ông Comer cho biết ông “sẽ bắt đầu lấy lời khai của những nhân vật chủ chốt” trong các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden “và tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, mặc dù chúng tôi đang phải đối đầu với FBI, với [Bộ Tư pháp], đối đầu với Đảng Dân Chủ trong Quốc hội, và với giới truyền thông thiên tả.”

Cuộc điều tra của ông hiện tập trung vào các khoản thanh toán gián tiếp cho các thành viên của gia đình ông Biden khi ông Biden còn là phó tổng thống. Ông nói với đài Fox rằng những khoản chuyển khoản đó được thực hiện thông qua các công ty vỏ bọc tới 9 thành viên của gia đình Biden, đồng thời cho biết thêm rằng việc phát hiện ra một mẫu FBI-1023 có nghĩa là Bộ Tư pháp đã chọn không điều tra các cáo buộc hối lộ của những người tố cáo.

“Mặc dù họ sẽ nói với quý vị và quý vị đã nghe trong phiên điều trần khi [các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa] Ted Cruz và Josh Hawley chất vấn phó giám đốc FBI về lý do tại sao họ không công bố Mẫu-1023, họ nói, ‘À, chúng tôi không muốn gây nguy hiểm đến tính mạng của người cung cấp thông tin được trả lương của chúng tôi, một trong những người cung cấp thông tin FBI đáng tin cậy nhất, được trả lương cao nhất, uy tín nhất của chúng tôi,’” ông Comer nói với đài Fox.

Chủ tịch nói thêm, “Vì vậy, nếu chuyện này là xác thực và người cung cấp thông tin của FBI đáng tin cậy như thế, rồi người cung cấp thông tin của FBI nói với FBI rằng phó tổng thống Hoa Kỳ đã nhận hối lộ từ một công dân ngoại quốc để đổi lấy chính sách đối ngoại và viện trợ từ hải ngoại, thì tại sao FBI đã không điều tra vụ này?”

Bằng cách cáo buộc một lần nữa rằng các cơ quan liên bang đã chọn cách tiếp cận không trực tiếp đối với bằng chứng, ông Comer cho biết Sở Thuế vụ (IRS) sẽ chỉ xem xét các khiếu nại có thể liên quan đến trốn thuế đối với ông Hunter Biden, con trai của tổng thống, người từ lâu đã bị Đảng Cộng Hòa chỉ trích vì các giao dịch kinh doanh của ông.

“Họ không muốn điều tra những công ty vỏ bọc này. Họ không muốn điều tra vụ rửa tiền. Và sau đó chúng tôi biết rằng Bộ Tư pháp đã không làm bất cứ điều gì, vì vậy có một mô hình ở đây là chính phủ liên bang, các cơ quan hành chính nhà nước ngầm, đã nhắm mắt làm ngơ [trước các hành động của] ông Joe Biden,” ông nói.

Trước đó vào tháng này, Ủy ban Giám sát Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát thông báo rằng FBI đã quyết định cung cấp quyền truy cập vào mẫu FD-1023 nói trên mà ông Comer đã cố gắng có được trong nhiều tuần bằng cách đe dọa gửi trát lệnh. Đảng Cộng Hòa đã cảnh báo Giám đốc FBI Christopher Wray rằng ông sẽ bị khép tội khinh thường Quốc hội nếu không giao các tài liệu đó.

Tuy nhiên, biểu mẫu này chưa được công bố ra công chúng. Ông Comer và các thành viên khác của Ủy ban Giám sát Hạ viện chỉ có thể bí mật xem xét biểu mẫu đó.

“Sau nhiều tuần thậm chí từ chối thừa nhận hồ sơ FD-1023 tồn tại, FBI đã nhượng bộ và hiện đang cho phép tất cả các thành viên của Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình xem xét hồ sơ không phải là cơ mật này vốn ghi chép các cuộc trò chuyện của một người mật báo với một người ngoại quốc vốn tuyên bố đã hối lộ Phó Tổng thống đương thời Joe Biden,” ông Comer nói trong một tuyên bố.
Các phản ứng

Dù ông Wray đã nói với các thành viên Đảng Cộng Hòa hôm 31/05 rằng tài liệu này tồn tại, nhưng FBI vẫn miễn cưỡng chuyển giao biểu mẫu trên. Trước đây FBI đã nói với ông Comer trong một bức thư hôm 10/05 rằng việc công bố các biểu mẫu này có thể khiến các nguồn tin mật của họ gặp rủi ro.

“Những người mật báo thường cung cấp thông tin cho FBI phải đối diện với rủi ro lớn đến với chính họ và những người thân yêu của họ,” FBI cho biết trong một bức thư (pdf). “Do đó, việc bảo vệ danh tính và thông tin do những người mật báo cung cấp khỏi bị tiết lộ không cần thiết hoặc ảnh hưởng quá mức là rất quan trọng không chỉ vì những lo ngại về an toàn mà còn để tránh làm họ mất lòng tin hoặc sự sẵn sàng tiếp tục báo cáo cho FBI.”

Trong một cuộc họp báo gần đây, TT Biden đã hồi đáp một câu hỏi về các cáo buộc tham nhũng bằng cách gọi đó là một “câu hỏi ngớ ngẩn.”

Một phóng viên của New York Post đã hỏi ông, “Tại sao hồ sơ cung cấp thông tin của FBI về Ukraine lại gọi ông là ông lớn?”

TT Biden đã hồi đáp, “Tại sao anh lại đặt ra một câu hỏi ngớ ngẩn như vậy?”

Thành viên hàng đầu của Ủy ban Giám sát Hạ viện, Dân biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland) trước đây đã bác bỏ các tuyên bố của ông Comer và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác, đồng thời khẳng định họ về căn bản là có động cơ chính trị.

Hôm 04/06, khi xuất hiện trên chương trình “State of the Union” của CNN, ông Raskin tuyên bố rằng cuộc điều tra này có động cơ chính trị và cho rằng Bộ Tư pháp của ông Barr đã khép lại cuộc điều tra này khi TT Donald Trump còn đương chức.

Ông Raskin cáo buộc khối đa số Đảng Cộng Hòa đã “cố tình ngăn cản sự tham gia của” Đảng Dân Chủ và nói rằng, do đó, ông không chắc chắn về nội dung của mẫu FD-1023. Tuy nhiên, từ các tin tức công khai, ông nói rằng ông hiểu biểu mẫu này cho thấy có một sự liên kết với các hoạt động kinh doanh của ông Hunter Biden ở Ukraine.

Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen-Ly và Joseph Lord.

Nhã Đan biên dịch

BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Disney vấp phải chỉ trích sau khi tiếp tục tăng cường ủng hộ LGBT


Công viên Vương quốc Phép thuật trong bức ảnh phát tay này do Walt Disney World Resort cung cấp, được chụp vào ngày 08/10/2014. (Ảnh: Matt Stroshine/Walt Disney World Resort qua Getty Images)
T.J. Muscaro
20/06/2023

“Xứ sở Hạnh phúc nhất trên Trái Đất” một lần nữa đang đối mặt với sự chỉ trích trên toàn quốc do hành động thúc đẩy gây tranh cãi của họ về biểu hiện LGBT xung quanh trẻ em.

Hôm 31/05, một video lan truyền cho thấy một nam diễn viên mặc trang phục của phụ nữ làm việc với các bé gái tại Bibbidi Bobbidi Boutique ở Công viên Disneyland.

Lấy tên và nguồn cảm hứng chung từ bộ phim truyện “Cinderella” của Walt Disney Animation và những câu thần chú của Bà tiên đỡ đầu đã biến Cinderella từ [một cô bé] “rách rưới thành giàu có”, cửa hàng thời trang này là một dịch vụ thu phí bổ sung đã có từ lâu nhằm mang đến cho những vị khách dưới 12 tuổi cơ hội để ăn diện như nàng công chúa yêu thích của các em. Các bé trai cũng có cơ hội hóa thân thành chàng Hoàng tử Bạch Mã hay một hiệp sĩ.

Cho đến nay, cửa hàng trên được một đội ngũ nhân viên toàn nữ với danh hiệu Bà Tiên Đỡ đầu điều hành. Nhưng video này từ Disneyland dường như chứng tỏ những ngày đó đã qua. Và mặc dù việc đưa nam giới vào tiệm làm đẹp theo nhân vật của Disney có thể không làm quá nhiều người mếch lòng, nhưng đoạn video này cho thấy rõ ràng là nam diễn viên Disneyland này ăn mặc như phụ nữ — trang điểm, mặc váy, và những thứ khác nữa.

Đoạn video được đăng lên TikTok khi một bà mẹ cho thấy con gái mình đang được đối xử như công chúa.

“Tên tôi là Nick, tôi là một trong những người học việc của Bà tiên đỡ đầu,” nam diễn viên chào đón con gái cô ở cửa nói. “Tôi ở đây để đưa bạn đi mua sắm và thực hiện tất cả các lựa chọn của bạn trong ngày.”

Người mẹ không bình luận gì về sự hiện diện của người đàn ông trong trang phục phụ nữ này, nhưng nhiều người xem đã nhanh chóng phản đối trong các bình luận và trên internet.

“Tiệm làm đẹp mà tôi đã đến nhiều lần này là dành cho các bé gái từ 4-10 tuổi. Đây là một nơi vui thích từ đầu đến cuối, và là một trong những thứ dễ thương nhất để xem. Một trải nghiệm nhập vai đúng chất ‘phép màu Disney’ – một trong số rất ít những điều còn lại ở công viên này,” cô Peachy Keenan, nhà văn và cũng là một bà mẹ, viết trên Twitter về video này.

Cô viết: “Một người đàn ông giả nữ không chỉ kỳ dị và không phù hợp mà còn khiến các khách hàng mất ‘cảm hứng’ – ảo tưởng vỡ tan tành. Không có gì quan trọng ngoài nghị trình và đứa trẻ 4 tuổi của quý vị là một con tốt mà họ sẵn lòng thao túng.”

Đoạn video này chỉ là ví dụ mới nhất về điều có vẻ là xu hướng trong nhiều năm của Disney hướng tới việc trở nên “hòa nhập” hơn.
Xóa bỏ giới tính tại Disney?

Theo bà Jill Bivins, chuyên gia về Công viên Disney và là cây viết của DisneyDining.com, Công viên Disney đã thiết lập một xu hướng trong hai năm qua để trở nên “hòa nhập hơn.” Sự hòa nhập đã trở thành yếu tố quan trọng thứ năm để trở thành một diễn viên, và những người nắm quyền thực hiện một số thay đổi cho thấy sự chuyển đổi theo hướng “linh hoạt về giới tính” hơn.

Những thay đổi này dù nhỏ nhưng đáng kể. Đầu tiên, Công viên Disney loại bỏ giới tính khỏi các thông báo của họ. Khách hàng không còn là “quý bà và quý ông, cậu bé và cô bé” mà giờ họ là “những kẻ mộng mơ đủ mọi lứa tuổi.”

Sau đó, dữ kiện về giới tính đã bị loại bỏ khỏi kịch bản của dàn diễn viên, loại bỏ truyền thống gọi tất cả các khách hàng nữ là “công chúa.”

Bibbidi Bobbidi Boutique vẫn đóng cửa lâu hơn hầu hết các cơ sở của Công viên Disney với lý do những lo ngại liên quan đến COVID. Nhưng khi những người nắm quyền cuối cùng đã mở cửa trở lại nhà máy sản xuất công chúa xa hoa này, thì sự trung lập về giới tính đã được đưa vào. Tất cả các Bà tiên đỡ đầu đều bị giáng cấp xuống thành “những người học việc của Bà tiên đỡ đầu.”

Đoạn phim về một người đàn ông trưởng thành — có ria mép và cả những điểm khác — trang điểm và mặc váy, hộ tống các bé gái đến một chiếc ghế trong phòng khách khiến người xem phản đối, nhưng đây chỉ là biểu hiện mới nhất của phong trào cấp tiến đang diễn ra tại Công ty Walt Disney.

Và cảnh tượng này xảy ra trước sự trở lại của “Ngày của người Đồng tính” tại Disney World và Disneyland quyết định tổ chức sự kiện Đêm Tự hào (diễn hành của những người LGBT) đầu tiên ở Anaheim, California.
‘Ngày của người Đồng tính’ và Đêm Tự hào tại Disney

Công ty Walt Disney có lịch sử đồng cảm đối với các thành viên của cộng đồng LGBT và trong nhiều thập niên, một trong số các ví dụ đáng chú ý nhất về sự đồng cảm này đó là một sự kiện không chính thức mang tên “Ngày của người Đồng tính.” Kể từ năm 1991, các thành viên của cộng đồng này đã đổ xô đến Walt Disney World Resort, gây chú ý cho sự hiện diện của họ với những bộ trang phục sắc đỏ rực rỡ.

Walt Disney World không và chưa bao giờ chính thức tài trợ cho “Ngày của người Đồng tính”, nhưng tương tự nhiều tổ chức bên thứ ba khác trong giới chính trị, đã chọn “Sứ sở Kỳ diệu Nhất Trên Trái đất” làm địa điểm gặp mặt hàng năm.

Tuy nhiên, không giống như các tổ chức khác, trạng thái “thân thiện với gia đình” từ những hành động “ăn mừng” của họ trong công viên giải trí và khách sạn nghỉ dưỡng — chẳng hạn như việc ăn mặc giả trang nữ và thể hiện tình cảm đồng giới nơi công cộng — tiếp tục là một cuộc tranh cãi.


Du khách đi dọc Main Street tại Vương quốc Phép thuật của Thế giới Walt Disney ở Orlando, Florida, hôm 30/9/2022. (Ảnh: Bryan R. Smith/AFP/Getty Images)

Mặc dù Disney World không chính thức giúp đỡ hoặc viện trợ cho sự kiện này, nhưng họ chưa bao giờ tiết lộ ngày diễn ra sự kiện cho những vị khách thông thường khác cũng như miễn trừ đặc biệt đối với phí hủy và đổi lịch tham quan cho họ, khiến nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ rơi vào tình huống khó xử với rất nhiều lời giải thích.

Bà Bivins giải thích rằng bất kỳ gia đình nào đến Disney World vào khoảng thời gian đó đều phải tự biết khi nào nên đến vì khu vui chơi lớn này không bị bắt buộc phải hoàn tiền trong bất kỳ trường hợp hủy vé nào vào phút cuối.

Bà cho biết: “Thật khó khăn cho những người muốn tránh xa sự kiện này vì đó là điều quý vị cần phải biết và phải tìm hiểu từ trước.”

Tại Disneyland, lần đầu tiên một khoản tài trợ chính thức — và một lời cảnh báo sớm gửi đến tất cả các bậc cha mẹ — đã được công bố.

Sự kiện này mang tên “Disney After Dark: Pride Nite,” và đây sẽ là một sự kiện ngoài giờ mở cửa được tổ chức vào ngày 13/06 và ngày 15/06. Không giống với “Ngày của người Đồng tính” tại Disney World, đây sẽ là một sự kiện riêng biệt diễn ra sau khi công viên đóng cửa đối với khách tham quan và chỉ có thể tham gia bằng một vé phụ.

Theo Disney Parks Blog, sự kiện đặc biệt này sẽ có “Pride Nite Cavalcade,” được mô tả là một cuộc diễn hành quy mô nhỏ có Chuột Mickey cùng những người bạn mặc trang phục cầu vồng và ba bữa tiệc khiêu vũ khắp công viên.

Hồi tháng Tư, nhóm vận động Equality Florida (Bình đẳng Florida) đã đưa ra một lời khuyến nghị đi lại cho những người trong cộng đồng LGBT đến Tiểu bang Ánh dương (Sunshine State) này. Tuy nhiên vào ngày 01/06, truyền thống này đã được xác nhận là vẫn sẽ tiếp tục, bất chấp những lời khuyến nghị đi lại đó. Mười ngàn người tham dự sẽ đến Vương quốc Phép thuật vào ngày 03/06.

“Bây giờ không phải là lúc để trốn chạy. Không phải là lúc để ra đi,” ông Joseph Clark, Tổng giám đốc của Gay Days Inc. cho biết, theo The Associated Press. “Đã đến lúc thể hiện rằng chúng ta đang ở đây, chúng ta là những người đồng tính và chúng ta sẽ không đi đâu cả.”
Những người hâm mộ Disney chia rẽ vì ‘nghị trình công khai về người đồng tính’

Ngay lối vào của Magic Kingdom ở Florida và Disneyland ở California, có một tấm biển với nội dung: “Tại đây, quý vị rời khỏi thế giới thực tại và bước vào thế giới của ngày hôm qua, ngày mai, và thế giới của trí tưởng tượng.” Điều đó dường như không còn đúng nữa khi “các vấn đề trong thế giới thực” được đưa vào chủ nghĩa thoát ly của các công viên Disney, cũng như truyền hình và phim ảnh của công ty này.

“Điều này hủy hoại sự ảo tưởng rằng quý vị đang ở trong một thế giới giả tưởng, nơi không có bất kỳ thứ xấu xa nào,” bà giải thích. “Và điều đó không phải nói rằng sự hòa nhập là xấu bởi vì không phải vậy. Nhưng việc tập trung vào cuộc tranh luận và lắng nghe các phản ứng, cả tích cực và tiêu cực, đưa cuộc chiến văn hóa trở lại là tâm điểm mà chúng ta nhận thấy bản thân mình trong đó.”

Bà giải thích thêm rằng ý tưởng về việc Disney phá vỡ ảo tưởng của chính mình cũng có thể được nhận thấy trong quyết định gây tranh cãi khi lần đầu tiên trong lịch sử của công ty họ cho phép các diễn viên để lộ hình xăm.

Nhưng theo bà Bivins, những người hâm mộ cuồng nhiệt của Disney vẫn có quan điểm hết sức mâu thuẫn.

“Trong số quý vị sẽ có những người nói rằng điều đó thật tuyệt vời. Quá tuyệt. Lẽ ra họ nên làm việc này ngay từ đầu mới phải. Và quý vị có những người nói rằng ‘hãy cứ thức tỉnh đi, hãy phá sản đi. Tẩy chay Disney,’” bà nói. “Hiện tại có rất nhiều sự phân cực trong cộng đồng Disney.”

Bà Bilvins cũng nhận thấy sự chia rẽ chính trị đang nổi lên giữa những người hâm mộ lấy Disneyland làm trung tâm và những người thường xuyên lui tới Disney World, theo một cách nào đó phản ánh sự chia rẽ chính trị hiện tại giữa Florida và California.

Hiện tại, có vẻ như công ty này đã đưa ra quyết định của mình trong sự chia rẽ liên quan đến “tính hòa nhập.” Cùng với việc tổ chức “Ngày của người Đồng tính” và hiện đang công khai tài trợ cho các sự kiện LGBT dành cho khách mời, Disney cũng đã tài trợ cho các sự kiện tự hào dành cho các thành viên của công ty.


Ê kíp diễn viên của phim “Strange World” tham dự một sự kiện đa phương tiện tại Picturehouse Central vào ngày 19/1/2022, ở London, Anh. (Ảnh: Gareth Cattermole/Getty Images)

Ngoài các công viên giải trí, tin tức về “một nghị trình công khai dành cho người đồng tính” trong bộ phận Phim Hoạt hình của Walt Disney, đã bị rò rỉ. Các nhân vật và cặp đôi đồng tính nữ và đồng tính nam đã được giao những vai nổi bật trong các bộ phim truyện mới nhất của các hãng phim hoạt hình này, đáng chú ý nhất là “Lightyear” của Disney/Pixar và “Strange World” của Walt Disney Animation.

Một lần nữa, người hâm mộ lại không có cùng quan điểm về vấn đề này.

“Có rất nhiều bậc cha mẹ đã không đưa con mình đi xem “Lightyear” hay “Strange World” vì trong đó có lồng ghép nội dung liên quan đến LGBT,” bà nói. “Và đó chỉ là điều mà nhiều bậc cha mẹ đã cố gắng chọn lọc cho con của họ.”
Quan điểm của diễn viên

Các nhân viên của Disney cũng bị chia rẽ về vấn đề này, năm 2022 nhiều người trong số họ đã tham gia các cuộc biểu tình của người hâm mộ phản đối các chính sách của công ty.

Người biểu tình tập hợp phản đối lập trường của Công ty Walt Disney mâu thuẫn với một dự luật của Florida vừa được thông qua bên ngoài trụ sở chính của công ty ở Burbank, California, hôm 06/04/2022. (Ảnh: Jill McLaughlin/The Epoch Times)

Ông Nick Caturano đã theo dõi phong trào cấp tiến này phát triển này trong suốt 18 năm làm diễn viên. Ông giải thích rằng Disney có lẽ có một trong những lực lượng nhân viên đa dạng nhất so với bất kỳ công ty nào và phong trào đó bắt đầu một cách từ từ như bình thường. Các thành viên đã chấp nhận con người thật của nhau và đối xử tốt với nhau.

Ông nói, không ai lo lắng về những gì người khác nghĩ hoặc niềm tin của họ là gì, nhưng rồi cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 diễn ra, kéo theo đó là lo lắng và văn hóa tẩy chay.

“Tôi nghĩ đó thời điểm tất cả mọi thứ bắt đầu,” ông Caturano nói. “Quý vị có thể ở phía đúng đắn về mặt chính trị, hoặc quý vị ở bên đối lập, và đã có nỗ lực biến mọi người thành lực lượng xấu.”

“Thật khó để chỉ ra chính xác nguyên nhân của việc này, nhưng nó giống như toàn bộ sự cởi mở này, toàn bộ sự đúng đắn về chính trị… thật khó để nói ra.”

“Phong trào này cứ thế phát triển và mọi thứ có thể diễn ra quá nhanh đến nỗi một điều gì đó ngày hôm qua có vẻ quan trọng thì vào ngày hôm sau lại là tin cũ và điều đó được bình thường hóa. Và quý vị không nghĩ về nó nữa. Đột nhiên, nó ở khắp mọi nơi.”

Ông Nick Caturano (ở giữa) lên tiếng phản đối Disney với Thống đốc Florida Ron DeSantis trên Fox News. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Nick Caturano)

Disney đã đưa ra một số lời giải thích cho những thay đổi này.

“Chúng tôi muốn khách hàng của mình nhìn thấy nguồn gốc và truyền thống của chính họ được phản ánh trong những câu chuyện, trải nghiệm và sản phẩm mà họ có được tại Disney. Và chúng tôi muốn các diễn viên của mình – và các diễn viên trong tương lai – cảm thấy gắn bó với công việc,” Disney cho biết trong một tuyên bố năm 2021.

“Cách tiếp cận mới của chúng tôi mang lại sự linh hoạt hơn đối với các hình thức thể hiện cá nhân xung quanh các kiểu tóc, trang sức, kiểu móng tay, và lựa chọn trang phục có sự hòa nhập về giới tính; và cho phép để lộ hình xăm thích hợp. Chúng tôi đang cập nhật những chính sách này để không chỉ phù hợp với nơi làm việc ngày nay mà còn cho phép các thành viên của chúng tôi bộc lộ tốt hơn văn hóa và cá tính của họ tại nơi làm việc.”

Ông Caturano nói với The Epoch Times rằng trong khi ê kíp diễn viên say mê các quà tặng như sự kiện tự hào và tự do hóa hình ảnh và trang phục của diễn viên, thì động lực thúc đẩy Disney ủng hộ LGBT hơn đến từ các giám đốc điều hành cao cấp hơn là sự thúc đẩy từ những người làm việc cấp thấp tại công viên giải trí. Và sự thúc đẩy của Disney diễn ra song song với sự thúc đẩy trên toàn bộ các công ty tại Mỹ quốc.
Hòa nhập so với truyền bá tư tưởng tình dục

Kể từ khi ủng hộ và ký Luật Quyền của các Bậc cha mẹ trong Giáo dục năm 2022, Thống đốc Ron DeSantis đã tiếp tục thẳng thắn phản đối ý tưởng ép buộc các chủ đề về tình dục và nhận dạng giới đối với trẻ nhỏ trong tiểu bang, cũng như bảo vệ người dân Floridia ở mọi lứa tuổi không bị ép buộc chấp nhận và tuân thủ các hệ tư tưởng tình dục nhất định.

Đối với người diễn viên này thì đạo luật “Stop W.O.K.E” của Florida nhằm bảo vệ mọi người khỏi bị buộc phải tuân theo các khái niệm nhất định dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, và nguồn gốc quốc gia. Tuy nhiên, luật đó đã phải đối mặt với những thách thức tại tòa án liên bang.

Tại một điểm dừng chân trong chiến dịch vận động tranh cử ở vùng nông thôn Bắc Florida hôm 03/11/2022, Thống đốc Florida Ron DeSantis, một thành viên Đảng Cộng Hòa, chỉ trích hệ tư tưởng cánh tả, nói rằng “Florida là nơi ‘sự thức tỉnh’ sẽ chấm dứt.’ (Ảnh: Nanette Holt/The Epoch Times)

Về phía khách của công viên này, luật gần đây bao gồm Dự luật Thượng viện 1438, được các thành viên của giới truyền thông đặt biệt danh là “Dự luật Cấm biểu diễn Giả trang nữ”, vốn cấm trẻ em tham dự một “buổi biểu diễn trực tiếp dành cho người lớn.”

Điều gì tạo nên một “buổi biểu diễn trực tiếp dành cho người lớn” dường như là một vấn đề cần tranh luận khi các bậc cha mẹ của Disney tranh luận các định nghĩa về hành vi “thân thiện với gia đình.”

“Luật này quy định rằng quý vị không được trình diễn khiêu dâm mặt trẻ em. Và tôi không nghĩ rằng có một cách dễ dàng để ‘tránh luật’ đó,” ông Jeremy Redfern, phát ngôn viên của Thống đốc Florida Ron DeSantis, nói với The Epoch Times. “Tôi không nghĩ đó là vấn đề ở Disney World. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ có một bình luận.”

Ông Redfern đã được hỏi liệu việc xuất hiện trong buổi trình diễn giả trang nữ có phải là một trải nghiệm liên quan đến tình dục hay không.

“Sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi không có định nghĩa chung,” ông Redfern nói. “Đó không nhất thiết là biểu diễn giả trang nữ, mà là ý định hoặc hành động đằng sau nó.”

“Ngày của người Đồng tính” thường có các sự kiện như biểu diễn giả trang nữ và tiệc bể bơi tại các khách sạn nghỉ dưỡng của Disney không đóng cửa đối với công chúng, khiến những người đi nghỉ bất ngờ phải chứng kiến đầy đủ các màn thể hiện tình cảm và tình dục đồng tính công khai.

“Họ nói rằng họ không có liên quan gì tới việc đó. Tuy nhiên, các gia đình đã không được cảnh báo và họ cảm thấy không thoải mái,” ông Caturano nói.

“Sau đó, có vẻ như về mặt chiến lược đã có rất nhiều thứ giúp họ quen với việc này, bình thường hóa mọi thứ… quý vị đã thấy từng chút một khi họ nới rộng các giới hạn, sau đó có sự phẫn nộ và mọi người lùi lại, sau đó họ im lặng trong một khoảng thời gian, và sau đó thì họ đẩy mạnh hơn nữa,” ông nói.

Bà Bivins nói thêm về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà một số du khách vô tình gặp phải vào những ngày như vậy.

“Điều đó trở nên khó khăn tại các sự kiện như Ngày của người Đồng tính, nơi quý vị không thể biết được — nếu quý vị đã lên kế hoạch cho một chuyến đi, thì sẽ không thể tránh được,” bà Bivins nói, giải thích về vấn đề nan giải được nhiều độc giả của bà bày tỏ. “Và… một mặt khác là có rất nhiều người công khai ủng hộ và ăn mừng sự kiện đó và thực sự, thực sự hào hứng với nó.

“Có sự chia rẽ cực độ trong việc này, và toàn bộ đất nước hiện giờ chính là được chia thành hai màu đỏ hoặc xanh, và không còn màu tím nữa.”
Hy vọng cho tương lai của Disney?

Khi các cuộc tranh luận diễn ra, câu hỏi về tương lai của Disney vẫn chưa có lời giải đáp.

Giá cổ phiếu của Disney tiếp tục giảm, và những bộ phim “thức tỉnh” nhất của họ không thành công tại phòng vé, với một số quốc gia từ chối chiếu toàn bộ phim, mặc dù không có xác nhận chính thức nào cho thấy có mối tương quan giữa việc giảm giá cổ phiếu và sự gia tăng các hoạt động ủng hộ LGBT.

Trong khi đó, ông Caturano không chắc rằng luật bảo vệ và những khó khăn tài chính sẽ giúp thay đổi mọi thứ, vì không chỉ Disney mà dường như tất cả các công ty Mỹ đang thúc đẩy hệ tư tưởng “thức tỉnh.”

“Tôi khen ngợi thống đốc vì tất cả các trận chiến mà ông ấy đã thực hiện đối với phong trào thức tỉnh và ESG, chí ít điều đó cũng mang lại nhận thức về những vấn đề này. Và ông ấy đang cố gắng đưa ra các giải pháp và không chịu khuất phục. Nhưng tôi không biết… bởi vì Disney đã gửi đi tín hiệu — những thứ này vẫn ổn. Và hiện nay có quá nhiều áp lực văn hóa đối với những người trẻ tuổi mà tôi không biết điều đó sẽ như thế nào. Và tôi không biết vấn đề sụt giảm về tài chính của họ sẽ có ảnh hưởng gì đến việc này.”

Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng.

“Tôi nghĩ chúng ta yêu Disney. Tôi chắc chắn đã yêu thích công viên này. Tôi thích dành thời gian với gia đình của tôi. Không có điều gì hơn thế.. Quý vị biết đấy, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người đang rất băn khoăn… nhưng họ luôn nói về những kỷ niệm mà họ đã có với gia đình. Và thật khó để từ bỏ,” ông Caturano nói.

Ông nói về các biện pháp khả thi để gây ảnh hưởng đến Disney quay trở lại với những gì họ từng cung cấp, chẳng hạn như sự phản đối từ các nhà đầu tư hoạt động xã hội và những người có ảnh hưởng tài chính.

“Có rất nhiều người ở bên trong ngành này,” ông nói thêm. “Tôi biết nhiều người nói chuyện với tôi. Nếu tất cả họ bắt đầu lên tiếng từ cả bên trong lẫn bên ngoài, [thì tình hình có thể thay đổi].”

Disney đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

PHÂN TÍCH: Hoa Kỳ nhắm mục tiêu chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Vào năm 2023, Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những biện pháp này bao gồm chấm dứt tư cách quốc gia đang phát triển của Trung Quốc và thiết lập một hệ thống chuỗi cung ứng quốc tế không có ảnh hưởng của ĐCSTQ. (Ảnh: Shutterstock)
Shawn Lin
20/06/2023

Theo nhà bình luận Nhật Bản Ji Lin, Hoa Kỳ đang thực hiện một số biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình “phi Trung Quốc hóa” chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giải quyết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một diễn biến đáng chú ý khác về xu hướng này là việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua “Đạo luật Chấm dứt Vị thế Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc” hôm 08/06. Dự luật này kêu gọi ngoại trưởng Hoa Kỳ theo đuổi một sự thay đổi tư cách của Trung Quốc từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển thông qua những hiệp ước hiện có và các quy định khác.

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một quốc gia nhận được nhiều khoản đầu tư ngoại quốc đáng kể, nhưng Trung Quốc đã vẫn khăng khăng khẳng định vị thế là một quốc gia đang phát triển, điều mang lại cho nước này những đặc quyền và sự linh hoạt nhất định. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (Dân Chủ-Maryland) cho biết: “Từ quy mô kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho đến các khoản đầu tư lớn vào các quốc gia trên thế giới, rõ ràng là Trung Quốc không còn là một quốc gia đang phát triển nữa. Trong một thời gian dài, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng danh nghĩa này để đạt được những lợi thế không công bằng trong các hiệp định đa phương.”

Tương tự, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) tuyên bố: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là một trong những quốc gia công nghiệp hóa nhất trên thế giới. Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới thậm chí còn phân loại Trung Quốc là quốc gia có ‘thu nhập trung bình cao.’ Ý tưởng cho rằng Trung Quốc là một ‘nước đang phát triển’ là vô lý.”

Nghị quyết hôm 08/06 do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua giờ đây sẽ được đưa ra tại toàn thể Thượng viện.

Một dự luật tương tự có tên “Đạo luật PRC Không phải là một Quốc gia Đang phát triển”, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trước đó đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hồi tháng Ba với kết quả 415 phiếu thuận–0 phiếu chống. Bất chấp sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Hoa Kỳ, dường như có sự đồng thuận đáng kể khi nói đến việc đối phó với ĐCSTQ.

Trao đổi với Epoch Times hôm 12/06, ông Lin giải thích rằng ĐCSTQ lợi dụng vị thế quốc gia đang phát triển của mình để được hưởng các biện pháp trợ giúp thương mại, miễn trừ chống bán phá giá từ Tổ chức Thương mại Thế giới, ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm khác nhau, trợ giúp tài chính từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, và các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nếu Trung Quốc mất đi vị thế là quốc gia đang phát triển, thì những lợi ích tương ứng này sẽ chấm dứt.

Ông Lin cũng lưu ý rằng mặc dù có hàng trăm triệu người nghèo khổ ở Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ không sử dụng những lợi ích nhận được để nâng đỡ những công dân bình thường. Thay vào đó, họ chuyển hàng trăm tỷ dollar vào các dự án cơ sở hạ tầng để mở rộng ảnh hưởng thông qua các sáng kiến như sáng kiến “Vành đai và Con đường.”
‘Phi Trung Quốc hóa’ chuỗi cung ứng đã bắt đầu

Tiến triển đã đạt được trong “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF), khi Hoa Kỳ đã công bố hồi cuối tháng Năm rằng 14 quốc gia thành viên đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt hơn. Sự việc này thể hiện một kết quả hữu hình của IPEF vốn được đưa ra cách đây một năm.

Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng thỏa thuận được thiết lập gần đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này, yêu cầu mỗi quốc gia tham gia thành lập một ủy ban chuyên điều phối các hoạt động của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, một “mạng lưới ứng phó với khủng hoảng” sẽ được thiết lập để đưa ra các cảnh báo về khả năng gián đoạn nguồn cung ứng cho toàn bộ các quốc gia thành viên của IPEF.

Thỏa thuận này nhằm cung cấp cho các quốc gia IPEF một kênh liên lạc khẩn cấp để tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bằng cách thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn, các quốc gia thành viên có thể ứng phó hiệu quả hơn và phục hồi nhanh hơn trong các cuộc khủng hoảng.

Các cuộc đàm phán chuỗi cung ứng đại diện cho một trong bốn trụ cột của IPEF, bên cạnh thương mại, năng lượng sạch, và nền kinh tế công bằng. Các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để đạt được các thỏa thuận quan trọng.

Được Hoa Kỳ dẫn dắt, IPEF đã chính thức ra mắt hồi tháng 05/2022. Các thành viên khác là Nam Hàn, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, và Fiji. Gộp cả lại, 14 quốc gia này đóng góp khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc không phải là một phần của IPEF. Một trong những ý định chính đằng sau việc Hoa Kỳ thiết lập khuôn khổ này là cung cấp cho các quốc gia trong khu vực một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.

Nhà phân tích Lin đã bày tỏ niềm tin rằng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu này tiếp tục chứng kiến xu hướng “phi Trung Quốc hóa”, đặc trưng bằng việc các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm Trung Quốc và áp đặt mức thuế cao hơn đối với chúng, thì xu hướng này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc tổn thất nặng nề.

“Bản chất của IPEF là hợp tác kinh tế dựa trên các giá trị phổ quát được chia sẻ,” ông Lin nói. “Các quốc gia có giá trị như vậy có nhiều khả năng hợp tác và định hình lại trật tự kinh tế thế giới. ĐCSTQ đã là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hơn 20 năm nhưng đã không thực hiện các cam kết của mình, bản thân WTO cũng không có cơ chế trừng phạt mạnh, nên Hoa Kỳ chỉ có thể tự mình giải quyết.”

Ông Lin nói thêm: “Các hành động gần đây của Hoa Kỳ, gồm cả việc chấm dứt vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc và thúc đẩy phi Trung Quốc hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, là nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ĐCSTQ.” Ông Lin tin rằng việc nâng cao nhận thức giữa các nền kinh tế lớn về các hành vi không công bằng của ĐCSTQ là điều cần thiết để khái niệm phi Trung Quốc hóa nhận được nhiều chú ý hơn.

Ngày 09/06, Hoa Kỳ cùng với 5 quốc gia đồng minh là Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, và Vương quốc Anh đã ra tuyên bố chung lên án chính sách cưỡng bức kinh tế và phi thị trường trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Mặc dù tuyên bố này không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng nhiều người hiểu rằng tuyên bố đang nói đến các hành động của Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, thị phần của Trung Quốc trong ngoại thương của Hoa Kỳ đã giảm dần. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố hôm 07/06 rằng trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng Tư năm nay, Trung Quốc chỉ chiếm 15.4% hàng hóa nhập cảng của Hoa Kỳ. Con số đó thể hiện tỷ lệ nhỏ nhất kể từ tháng 10/2006 và là giá trị thấp nhất trong 17 năm qua. Xu hướng giảm này phản ánh sự thay đổi trong động lực của quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Bản tin có sự đóng góp của Ellen Wan
Nhật Thăng biên dịch

Hoa Kỳ: Nguy cơ đóng cửa chính phủ xuất hiện khi trận chiến chi tiêu trở nên căng thẳng tại Hạ Viện

Dân biểu đắc cử Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida) (giữa), Dân biểu đắc cử Andy Ogles (Cộng Hòa-Tennessee) (trái), và Dân biểu đắc cử Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) (phải) theo dõi tiến trình tại Hạ viện trong ngày thứ ba của cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 05/01/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Lawrence Wilson

20/06/2023


Từ “đóng cửa” đã được truyền tai nhau về Điện Capitol khi cuộc đối đầu về việc nâng mức trần nợ của quốc gia đã biến thành một cuộc chiến phân bổ ngân sách tại Hạ viện giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa và thành viên Đảng Dân Chủ cứng rắn.

Một bản phác thảo về chi tiêu liên bang năm 2024 đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Tổng thống Joe Biden, đỉnh điểm là việc lưỡng đảng thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa. Dự luật này đã được ký thành luật hôm 03/06, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 4 tháng đối với chi tiêu liên bang.

Đảng Dân Chủ đã đồng ý giảm nhẹ các khoản chi tiêu tùy ý phi quốc phòng và tăng nhẹ chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, với mức tăng chi tiêu tùy ý giới hạn ở mức 1% cho năm 2025. Đổi lại, Đảng Cộng Hòa đồng ý đình chỉ mức trần nợ cho đến ngày 01/01/2025.

Thỏa thuận này đã khiến một số thành viên Đảng Cộng Hòa theo phái bảo tồn truyền thống nhất tại Hạ viện tức giận. Họ tin rằng ông McCarthy đã quá dễ dàng nhượng bộ yêu cầu của họ về việc hạn chế tài khóa lớn hơn nữa.

Giờ đây, các thành viên Đảng Cộng Hòa đang khôi phục yêu cầu ban đầu của họ đối với các dự luật phân bổ ngân sách năm 2024 bằng cách hạn chế chi tiêu ở mức chi tiêu của năm 2022.
Tận dụng

Các thành viên Đảng Cộng Hòa chiếm đa số nhỏ trong hạ viện, mà điều này đã cho phép một số lượng tương đối nhỏ các thành viên theo phái bảo tồn truyền thống gây áp lực lên ông McCarthy kể từ khi bắt đầu Hạ viện nhiệm kỳ 118 vào tháng Một.

21 thành viên Đảng Cộng Hòa đã có thể trì hoãn cuộc bầu cử ông McCarthy làm Chủ tịch thông qua 15 lá phiếu, một con số chưa từng thấy kể từ trước Nội Chiến. Ông McCarthy chỉ bước lên bục sau khi nhượng bộ nhóm mà, sáu người trong số họ đã bỏ phiếu “hiện diện” trong lá phiếu cuối cùng để tránh trực tiếp ủng hộ việc bầu cử ông.

Sau khi Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua, một số thành viên từ nhóm phản kháng này đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối việc ông McCarthy giải quyết dự luật đó bằng cách bỏ phiếu chống lại đảng này về các quy tắc thủ tục hôm 06/06, hoàn toàn khiến hoạt động của Hạ viện bị đình trệ.


Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) trình bày trong một sự kiện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, hôm 05/06/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Ông McCarthy đã gặp gỡ những người bất đồng và có thể hàn gắn quan hệ sáu ngày sau đó.

“Ông ấy vừa cam kết với chúng tôi rằng ông ấy sẽ thúc đẩy một nghị trình có tư tưởng bảo tồn truyền thống về mặt tài khóa,” Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNN hôm 15/06. “Và ông ấy đã hứa với chúng tôi rằng ông ấy sẽ làm việc với chúng tôi và cập nhật thông tin cho chúng tôi.”
Đường giới hạn

Trong khi đó, hôm 14/06, Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa Hạ viện (RSC) đã công bố đề xướng ngân sách năm 2024, trong đó sẽ đặt chi tiêu tùy ý phi quốc phòng ở mức chi tiêu của năm 2022 như đề xướng ban đầu của Đảng Cộng Hòa.

Chủ tịch Kay Granger (Cộng Hòa-Texas) sau đó cho biết bà sẽ chuyển các dự luật năm 2024 thông qua Ủy ban Phân bổ ngân sách ở mức đó, dường như đưa ra một đường hướng chi tiêu cứng rắn.

Điều đó khiến các thành viên Đảng Dân Chủ tức giận khi cho rằng thỏa thuận được soạn thảo trong Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa sẽ có tính ràng buộc.

“Cuối cùng, bất kỳ thỏa thuận chi tiêu nào đạt được vào cuối năm phải nhất quán với việc giải quyết cuộc khủng hoảng vỡ. Nếu không, tất cả là để làm gì?” Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Cộng Hòa-New York) cho biết hôm 15/06.

“Chúng ta đã có một thỏa hiệp được đàm phán, rất rõ ràng, với tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Hạ viện,” dân biểu Annie DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNN hôm 15/06. “Và giờ đây họ vừa tránh xa thỏa thuận này.”

Đảng Cộng Hòa nhìn nhận điều đó theo cách khác.

Dân biểu Ben Cline (Cộng Hòa-Virginia) cho biết mức chi tiêu mà ông McCarthy đồng ý là mức tối đa, không phải mức tối thiểu. Ông Cline, người chủ trì lực lượng đặc nhiệm ngân sách RSC cho biết: “Nếu ủy ban phân bổ ngân sách chọn chi tiêu ít hơn những mức trần đó, thì sự phân bổ này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ đã thỏa thuận.”
Một bế tắc khác

Thượng viện dự kiến sẽ thảo luận về các dự luật phân bổ ngân sách năm 2024 vào tuần tới dựa trên các điều khoản của Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng rất khó có khả năng thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ đồng ý cắt giảm chi tiêu xuống mức năm 2022, gây ra sự bất đồng giữa hai viện.

Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska) nói chuyện với các phóng viên tại Điện Capitol hôm 10/01/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Rõ ràng là không nản lòng, một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã công khai nói về khả năng xung đột có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa sau khi kết thúc năm tài khóa vào ngày 30/09.

“Chúng ta không nên sợ chính phủ đóng cửa,” Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) cho biết hôm 15/06, văn phòng của ông xác nhận với The Epoch Times. “Nếu chúng ta đóng cửa chính phủ nhằm tìm cách mang lại sự ổn định tài khóa và khả năng thanh toán tài khóa, thì việc đó sẽ cứu được quốc gia này từ một quan điểm kinh tế và tài khóa cho con cháu chúng ta.”

Theo Punchbowl News, Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida) đã nói: “Tôi không sợ [chính phủ] đóng cửa. Cuộc sống của người Mỹ không dừng lại bởi vì các văn phòng chính phủ đóng cửa.” Ông nói thêm: “Chúng ta phải nghiêm túc trong việc chi tiêu.”

Theo ông Jeffries, việc khiến chính phủ đóng cửa có thể là mục tiêu của một số thành viên Đảng Cộng Hòa. Ông nói: “Việc đóng cửa chính phủ nằm trong DNA của họ vì họ là những kẻ vô trách nhiệm.”
Khó đạt được sự đồng thuận

Các cuộc xung đột này thể hiện phạm vi những ý kiến [khác nhau] trong Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.

“Các thành viên Đảng Cộng Hòa không nên chấp nhận việc đóng cửa chính phủ,” Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska) cho biết theo xác nhận của một nhân viên với The Epoch Times. Cho rằng gần như không thể khiến Thượng viện và Tòa Bạch Ốc đồng thuận được với nhau về việc cắt giảm chi tiêu hơn nữa, ông Bacon cho biết thêm, “Quý vị sẽ đạt được một thỏa hiệp.”

Khi được hỏi liệu một thành viên cụ thể của Quốc hội có đứng về “phe McCarthy” trong một vấn đề hay không, một nhân viên của Quốc hội nói với The Epoch Times, “Tôi sẽ gọi đó là những người muốn thấy nơi này hoạt động đúng đắn.”

Năm cuộc họp kín chính của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện hình thành nên một phổ các triết lý chính trị từ nhóm Họp kín của những người Giải quyết Vấn đề (Problem Solvers Caucus), có cả các thành viên Đảng Dân Chủ và tập trung vào sự hợp tác lưỡng đảng, đến nhóm Họp kín Tự do của Hạ viện (House Freedom Caucus), được biết đến với việc ủng hộ các quan điểm theo tư tưởng bảo tồn truyền thống trung thành.

Cho đến nay, ông McCarthy đã có thể kiểm soát được sự căng thẳng trong các quan điểm. Theo ông Burchett, giao tiếp với “tất cả các phe phái khác nhau của đảng” là chìa khóa cho điều đó.

Ông nói, “Sự giao tiếp đó có rất nhiều biến số.”

Nhật Thăng biên dịch

Những cám dỗ về toàn trị trong giới tinh anh cấp tiến


(Ảnh: Lightspring/Shutterstock)
William Brooks

20/06/2023

Trong một chương trình buổi sáng của đài CBS hồi giữa tháng Năm, người dẫn chương trình Nate Burleson đã hỏi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng liệu có điều gì về đất nước này khiến ông thao thức hàng đêm hay không.

Ông Obama nói : “Điều mà tôi lo ngại nhất đó là mức độ chia rẽ của một cuộc đối thoại mà chúng ta hiện đang đối mặt, một phần là vì chúng ta có một hệ thống truyền thông không đồng nhất. … Khi tôi vừa đắc cử, chúng ta đã ba đài truyền hình. Và mọi người đều có cảm nhận tương tự nhau về điều gì là đúng đắn và điều gì không, điều gì là chân thật và điều gì là giả dối. Ngày nay, điều tôi quan tâm nhất là, do sự chia rẽ của các phương tiện truyền thông, chúng ta gần như nắm bắt những hiện thực khác nhau.”

Câu trả lời của ông Obama vừa gây lo lắng vừa có thể dự đoán trước được. Một số nhà bình luận tin tức phe bảo tồn truyền thống không hài lòng với câu trả lời của ông ấy, nhưng ông không bị ông Burleson phản đối và đã được các phương tiện truyền thông thiên tả của Mỹ hoàn toàn chấp thuận.

Trước thời ông Obama, người Mỹ ít kiên nhẫn hơn nhiều đối với những hành vi vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền. Tự do báo chí và tự do ngôn luận thường được coi là những nguyên tắc căn bản của nền dân chủ. Giờ đây những người cấp tiến có xu hướng tin tưởng rằng tự do báo chí chỉ là một trở ngại cố chấp khác đối với những người thực sự nên phát triển “ý thức như nhau về điều gì là đúng và điều gì không.”

Đây cũng chính là khuynh hướng đáng lo ngại mà học giả người Ba Lan Rysard Legutko gọi là “cám dỗ về toàn trị.” Người ta chỉ có thể kết luận từ cuộc phỏng vấn của ông Burleson rằng, ngay cả các cựu biên tập viên của Tạp chí Luật Harvard cũng không còn coi trọng các quyền của Tu chính án thứ Nhất nữa.
Một trường phái chính thống mới đen tối

Đảng Dân Chủ thiên tả đã từng mặc nhiên có ác cảm đối với việc bịt miệng các đối thủ. Tuy nhiên, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, họ đã áp dụng cùng một loại chiến thuật chính trị phát xít mà họ hiện đang lên án các quốc gia khác.

Trong những năm gần đây, những người tuyên bố về sự hết lòng tận tụy cho nền dân chủ tự do, chủ nghĩa đa văn hóa, nhân quyền, công bằng xã hội, sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, có xu hướng ủng hộ cho chủ nghĩa tân Marxist của ông Herbert Marcuse vốn kêu gọi cho “sự khoan dung hà khắc” nhiều hơn so với trường hợp vì tự do ngôn luận được những người thiên tả ở thế kỷ 19 đề ra, như nhà triết học John Stuart Mill chẳng hạn.

Cánh tả hiện đang khẳng định rằng “tự do ngôn luận là diễn ngôn thù hận.” Họ sẽ cố gắng hết sức để cản trở việc tiếp cận các sự kiện hoặc ý tưởng không phù hợp với các quan điểm thức tỉnh của mình.

Những nhà tư tưởng như ông Marcuse đã từng khuấy đảo những phản ứng chống cộng sản một cách mạnh mẽ từ những người Mỹ thiên tả. Việc đàn áp các ý tưởng từng được xem là một hành vi phạm tội đối với lợi ích chung. Những người ủng hộ sự kiểm duyệt được coi là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Ngày nay, một trường phái chính thống mới đầy đen tối đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa của Đảng Dân Chủ. Trường phái này kêu gọi một tầng lớp trí thức ảo tưởng bảo vệ một liên minh những người đồng tính chống lại các thế lực tưởng tượng như chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, kỳ thị đồng tính, kỳ thị người chuyển giới, bài ngoại, và tầng lớp trung lưu phản cách mạng của Mỹ quốc, đang hủy diệt hành tinh này.

Để bảo vệ sự cấp tiến của Mỹ quốc trước sự vu khống của dân thường, những sự thật phũ phàng phải bị dập tắt. Sự đồng thuận là điều bắt buộc và diễn ngôn cởi mở là điều không thể chấp nhận được.

Do đó, những người tố cáo phơi bày tham nhũng chính trị trong FBI đang bị sách nhiễu và trừng phạt. Công dân bị cấm đoán đọc lá thư tuyệt mệnh của một người chuyển giới bị cáo buộc sát hại một đứa trẻ. Các kênh truyền thông lớn đã giấu nhẹm công chúng về lượng người di cư bất hợp pháp, những kẻ lang thang nghiện ma túy, và những tên tội phạm mất kiểm soát. Người Mỹ bị báo chí và chính phủ của họ thường xuyên lừa dối nhiều hơn cả việc một người vợ cả tin bị người chồng ngoại tình của mình lừa gạt.
Văn hóa của người Mỹ Anglo-Saxon nên duy trì sự đối kháng

Khi còn viết bài cho cho Viện Adam Smith cách đây vài năm, tác giả người Anh Madsen Pirie đã lập luận rằng những người quá lo ngại về việc sống chung với sự chia rẽ không biết gì về giá trị của một nền lịch sử chính trị vùng sử dụng Anh ngữ.

Từ cuộc Cách mạng Vinh quang thế kỷ 17 cho đến chính thể đại nghị đương đại, nền dân chủ của người Mỹ Anglo-Saxon đã được phục vụ tốt nhờ nền văn hóa chính trị đối kháng của chúng ta. “Luật pháp và khoa học của chúng ta cũng vậy,” ông Pirie viết. “Chúng ta để cho các đảng phái phản đối nhau, đối mặt với các đối thủ của họ trong Nghị viện được ngăn cách bởi một khoảng tương đương với chiều dài của hai thanh gươm, chứ không phải trong các phòng kiểu móng ngựa được ưa chuộng ở châu Âu lục địa. Các đại cử tri đưa ra tranh luận về người chiến thắng và họ bỏ phiếu tương ứng.”

Chính trị có thể có phần gay gắt và chia rẽ. Những nhà tư tưởng thường nhận thấy mục tiêu của họ là chính đáng và cấp thiết đến mức họ không thể dung thứ cho sự đối lập. Tuy nhiên, qua trực giác, những người đàn ông và phụ nữ bình thường hiểu rằng một nền văn hóa khuyến khích tranh luận sẽ vượt trội so với các chế độ thẩm tra và kiểm duyệt.

Văn hóa chính trị của người Mỹ Anglo-Saxon nên duy trì tính đối kháng như nó vốn luôn như vậy. Một xã hội dân chủ thực sự không được phục vụ tốt bởi những kẻ chuyên quyền, những người khăng khăng nói với mọi người những gì họ có thể nghe và nói.

Người Mỹ nên thận trọng khi nghe lời khuyên từ những người lo lắng về việc cho phép công dân có một “cuộc trò chuyện chia rẽ” về “điều gì là đúng và điều gì không.”

Sự thật là, mọi người không bị chia rẽ và không hạnh phúc chỉ vì nền văn hóa của chúng ta là đối kháng. Trước giờ vẫn luôn như vậy.

Mọi người đang trở nên cáu kỉnh và bực dọc vì có quá nhiều chính trị gia đã mất đi lòng khoan dung đối với bất đồng chính kiến và sự tự do bày tỏ ý kiến của những người khác.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Doanh Doanh biên dịch

Ngoại trưởng Blinken: Ông Tập từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ về đường dây nóng khủng hoảng quân sự


Ngoại trưởng Antony Blinken tổ chức họp báo tại Trung tâm về Mỹ quốc tại Bắc Kinh của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/AFP qua Getty Images)
Eva Fu

20/06/2023

Trung Quốc đã từ chối nối lại liên lạc quân sự trực tiếp với Hoa Thịnh Đốn bất chấp những nỗ lực không ngừng của Ngoại trưởng Antony Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết hôm 19/06 ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi ông “nêu ra hết lần này đến lần khác” về khả năng thiết lập một đường dây liên lạc trong khủng hoảng giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì “tại thời điểm này, Trung Quốc chưa đồng ý xúc tiến việc đó,” ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo khi ông kết thúc chuyến công du hai ngày đến Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ đây là một vấn đề mà chúng tôi cần tiếp tục giải quyết,” ông nói. “Việc chúng ta khôi phục các kênh liên lạc này là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta đồng ý rằng chúng ta có trách nhiệm quản lý mối bang giao này một cách có trách nhiệm, nếu chúng ta đồng ý rằng lợi ích chung của chúng ta là bảo đảm rằng các khía cạnh cạnh tranh của mối bang giao không leo thang thành xung đột, thì chắc chắn chúng ta có thể tìm được điểm tương đồng và nhận thấy nhu cầu phải bảo đảm rằng các kênh liên lạc mà cả hai chúng tôi đã nói là cần thiết để thực hiện điều này sẽ có các kênh quân sự tới quân sự.”

Khi căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh đã từ chối nỗ lực không ngừng của Hoa Kỳ nhằm mở ra các kênh liên lạc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát xung đột tiềm ẩn. Kể từ năm 2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối hoặc phớt lờ hơn một chục yêu cầu đàm phán với Ngũ Giác Đài và khoảng 10 lời mời tham gia cấp công tác từ phía Hoa Kỳ, Reuters đưa tin, dẫn lời một quan chức quốc phòng cao cấp ẩn danh của Hoa Kỳ.

Điều này bao gồm sự kiện hồi tháng Hai sau khi một phản lực cơ của quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) cũng từ chối một lời mời tham dự cuộc gặp chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng này.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách ngoại trưởng, vốn khiến ông trở thành quan chức cấp cao nhất của chính phủ Tổng thống Biden thực hiện chuyến công du như vậy, ông Blinken đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh Vương Nghị, sau đó có một cuộc gặp trong thời gian ngắn với ông Tập.

Khi được hỏi tại sao Hoa Thịnh Đốn muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc bất chấp sự miễn cưỡng rõ ràng của phía bên kia trong việc đạt được các kênh thông tin liên lạc quân sự cởi mở, ông Blinken lập luận rằng những nỗ lực như vậy là cần thiết để mang lại sự thay đổi.


Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trước cuộc gặp của họ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/AFP qua Getty Images)

“Chúng tôi sẽ không đạt được thành công trong mọi vấn đề giữa chúng tôi chỉ trong một ngày, nhưng trong nhiều lĩnh vực khác nhau — theo các điều khoản chúng tôi đã đặt ra cho chuyến đi này, chúng tôi đã đạt được tiến triển và chúng tôi đang tiến về phía trước,” ông nói mà không nêu chi tiết. “Nhưng một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có vấn đề nào trong số này sẽ được giải quyết, giải quyết chỉ trong một chuyến công du, một chuyến đi hay một cuộc hội đàm. Đó là cả một quá trình. Và hy vọng và kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ tích cực hơn trong những việc đó.”

Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu Robert Spalding, hiện là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, nhận thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn.

Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng kênh liên lạc quân sự “như một con bài thương lượng để nhận được nhiều nhượng bộ hơn từ chính phủ Tổng thống Biden,” ông nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

“Chúng ta là những người đang yêu cầu điều đó, và thành thật mà nói, người duy nhất sẽ đưa ra bất kỳ quyết định quân sự nào là chính ông Tập Cận Bình,” ông nói.

“Về căn bản, tôi nghĩ rằng chúng ta đang cố có được thứ mà người Trung Quốc không thực sự quan tâm, và do đó, họ đang dùng nó như một con bài thương lượng cho thứ mà họ thực sự quan tâm.”

Tại một cuộc họp báo hôm 19/06, Thám vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã mô tả chuyến công du của ông Blinken là một “bước tiến tốt.”

“Cuộc họp đó mang tính xây dựng, vốn là điều quan trọng — quan trọng đối với lợi ích của người Mỹ và quan trọng đối với người dân Mỹ,” bà nói. “Chúng tôi tin rằng việc Bộ trưởng có một cuộc hội đàm mang tính xây dựng với Chủ tịch Tập là một bước tiến tốt.”

Nhưng ông Spalding cho biết ông tin rằng Hoa Kỳ đã “thực sự vừa mắc sai lầm về điều gì là quan trọng trong mối quan hệ này.”

Ông nói: “Trung Quốc đang cố gắng khai thác nền kinh tế Hoa Kỳ và không có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta thực sự sẵn sàng bảo vệ nền kinh tế của mình.” Thay vào đó, ông đề nghị giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, đồng thời việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ nên là ưu tiên cao hơn trong việc quản lý mối bang giao với Trung Quốc.

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao để đề nghị bình luận nhưng không nhận được phúc đáp vào thời điểm phát hành bản tin này.

Nguyễn Lê biên dịch

 
 MHP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét