Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

“Lưu bút viếng liệt sĩ Vị Xuyên của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Văn là người?” - Cù Huy Hà Vũ - (TD)

Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Nguồn: VOV
Sáng 28-5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi an nghỉ của 1870 liệt sĩ trong số hơn 4000 liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng đất này chống xâm lược Trung Quốc suốt 10 năm, từ 1979 đến 1989.Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã ghi vào sổ lưu niệm của nghĩa trang như sau: 
<!>
“Nhân dịp chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang. Tôi và đoàn Công tác Của Chính phủ của nước CHXHCN Việt Nam vô cùng xúc động tới Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, dâng hoa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. (Sic)

Lưu bút này của Thủ tướng Chính xuất hiện trên internet và nhiều người tấm tắc khen Thủ tướng Chính viết chữ đẹp. Một người bạn của tôi còn khẳng định, đó là kết quả của “công phu luyện tập viết” của Thủ tướng! Thế nhưng mới nhìn lướt qua, tôi đã có thể khẳng định ngay rằng lưu bút được người khác viết sẵn và Thủ tướng Chính chỉ làm mỗi cái việc là ký tên bên dưới.

Thực vậy, chữ ký của Thủ tướng Chính và chữ của lưu bút khác hẳn nhau cả về màu mực lẫn nét bút. Này nhé: màu mực tuy cùng xanh nhưng sắc độ khác nhau; nét của lưu bút thì chỗ thanh chỗ đậm, thường thấy ở bút mực, trong khi nét của chữ ký thì đều chằn chặn, hẳn viết bằng bút bi. Thực ra, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng thường ký tên bên dưới bài viết được người khác viết sẵn và với việc ký như vậy họ chứng thực và chấp nhận toàn bộ bài viết đó từ hành văn cho đến nội dung. Như vậy, dù không tự tay viết nhưng ký tên bên dưới lưu bút, Thủ tướng Chính chịu trách nhiệm về lưu bút trên mọi phương diện.

Nhặt sạn

Lưu bút vỏn vẹn có 10 dòng nhưng tôi nhặt ra tới 10 lỗi, cả về hành văn lẫn nội dung.

Thứ nhất, lưu bút mở đầu bằng câu “Nhân dịp chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang.” Đây là lỗi ngữ pháp rất nghiêm trọng. "Nhân dịp…" là trạng ngữ chỉ hoàn cảnh diễn ra của một hoặc nhiều hành động thường được biểu thị bởi một mệnh đề. Vậy, để cho có đầu có đuôi, “Nhân dịp chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang” phải được đi kèm bởi mệnh đề “tôi và đoàn Công tác Của Chính phủ của nước CHXHCN Việt Nam vô cùng xúc động tới Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, dâng hoa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hành phúc của Nhân dân.”

Thứ hai, trong cụm từ "đoàn Công tác", "công tác” là một danh từ bổ nghĩa cho danh từ "đoàn", cụ thể là mô tả hoạt động hoặc nhiệm vụ của “đoàn”. Như vậy, “công tác” với chức năng là danh từ phụ không thể được viết hoa khi danh từ chính là “đoàn” không được viết hoa. Cũng như vậy, ngay cả khi “đoàn” được viết hoa, “công tác” không nhất thiết được viết hoa.

Thứ ba, trong cụm từ "đoàn Công tác Của Chính phủ", "của" là giới từ chỉ sở hữu. Mà giới từ chỉ sở hữu không bao giờ được viết hoa cả, kể cả trong các ngôn ngữ la tinh khác như tiếng Pháp (de), tiếng Anh (of).

Thứ tư, trong cụm từ “Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia”, “liệt sĩ” và “quốc gia” đều là danh từ và cùng có chức năng bổ nghĩa cho “nghĩa trang”, cụ thể là làm rõ đặc điểm của nó. Tuy nhiên, "liệt sĩ" có thể được xem là quan trọng hơn “quốc gia” trong cum từ này vì “liệt sĩ” chỉ ra lý do tồn tại của nghĩa trang này. Do đó, “quốc gia” chỉ có thể được viết hoa nếu “liệt sĩ” được viết hoa.

Thứ năm, giữa “Vị Xuyên” và “tỉnh Hà Giang” phải đánh dấu “phảy” vì đây không phải là một mà là hai danh từ riêng!


Lưu bút của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên ngày 28/5/2023. Nguồn: Chính Trị-Văn Hoá -Xã Hội/ Tik Tok

Thứ sáu, “tới” trong câu “Tôi… tới Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia” là một động từ biểu thị sự di chuyển. Thế nhưng tại thời điểm Thủ tướng Chính ghi vào sổ lưu niệm của nghĩa trang thì sự di chuyển đến nghĩa trang đã kết thúc. Vả lại, việc ghi vào sổ lưu niệm mặc nhiên bao hàm “tới” (không”tới” thì làm sao ghi vào sổ được!). Tóm lại, “tới” là thừa trong câu này.

Thứ bảy, viết “dâng hoa” thì được chứ viết “dâng hương” là sai vì “hương” là để thắp. Thực vậy, bằng việc thắp hương, người thắp hi vọng rằng mùi thơm của hương sẽ lan tỏa và đưa thông điệp, lời cầu nguyện hay sự tưởng nhớ đến thần linh hay người đã khuất. Vậy phải đổi “dâng hương” thành “thắp hương”.

Thứ tám, như đầu bài viết này đã đề cập, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng lãnh thổ này của Việt Nam chống xâm lược Trung Quốc. Do đó, lưu bút của Thủ tướng Chính không thể hiện các liệt sĩ Vị Xuyên đã hy sinh vì “toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” là một sự tránh né lý do mà vì nó họ đã ngã xuống, điều này dĩ nhiên làm tổn thương đến hương hồn các liệt sĩ.

Việc Thủ tướng Chính không nêu “toàn vẹn lãnh thổ” trong lưu bút còn làm tổn thương ngay chính Tổ quốc Việt Nam bởi cụm từ này cùng với “độc lập”, “chủ quyền”, “thống nhất” là yếu tố cấu thành của Tổ quốc Việt Nam, điều mà Hiến pháp Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định. Cộng đồng quốc tế cũng long trọng xác nhận các thành tố này của Việt Nam với Điều 7, Điều 11 Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 21/7/1954 (1), Điều 1 Hiệp định Paris về Việt Nam 1973 (2) và nhất là với việc kết nạp Việt Nam làm thành viên Liên Hợp Quốc (3) vào ngày 20/9/1977.

Không chỉ có thế, việc Thủ tướng Chính không đề cập “toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam khi viếng các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc có nguy cơ gây tổn hại trực tiếp đến toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực vậy, nó khiến Bắc Kinh tin rằng Hà Nội kỳ thực là sợ đối đầu quân sự với họ để rồi quyết đoán hơn nữa trong kế hoạch đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa cũng như thôn tính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!

Thứ chín, câu “Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân” là không phù hợp với Hiến pháp Việt Nam 2013 (hiện hành) vì không có điều, khoản nào của luật tối cao này quy định Chính phủ và Thủ tướng trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, Đảng cộng sản Việt Nam cũng như bất cứ tổ chức nào khác dù đông đến mấy cũng chỉ là bộ phận của Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam. Hiến pháp cũng khẳng định điều này khi tuyên bố Nhà nước Việt Nam là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Do đó, việc Thủ tướng Chính và Chính phủ của ông trong tư cách đại diện quốc gia Việt Nam đồng nhất với Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam thề trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam là bắt cái tổng thể trung thành với cái bộ phận, tức làm cái chuyện ngược đời. Huống hồ số đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam chỉ chiếm 5o/o (năm phần trăm) dân số (4).

Bất luận thế nào, việc Thủ tướng Chính và Chính phủ của ông thề trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam trước rồi mới đến Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam là hành vi tiếp tay cho luận điệu tuyên truyền của “các thế lực thù địch” theo đó Đảng cộng sản Việt Nam đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam!

Thứ mười, cụm từ “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” là xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Ngay trước và trong phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011 của Tòa án Hà Nội xử tôi về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tôi đã tuyên bố: “Mọi người Việt Nam chỉ có một Tổ Quốc là Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội không phải là Tổ Quốc của người Việt Nam!” Thực vậy, “Tổ Quốc” có nghĩa “quốc gia do tổ tiên tạo lập” trong khi “Chủ nghĩa xã hội” là học thuyết chính trị, dĩ nhiên không phải là “Quốc gia”, càng không thể là “Quốc gia” do các vua Hùng tạo lập. Do đó, nói “Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” hay “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” là đánh tráo khái niệm, xuyên tạc bản chất của “Tổ Quốc.” (5).

Quan điểm này còn được tôi trình bày trong bản Góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà tôi gửi Quốc hội Việt Nam từ nhà tù vào ngày 30/9/2013, văn bản này đã được vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, công bố ngay sau đó. Tôi viết: “Tổ quốc” trong tiếng Việt có nghĩa “quốc gia do Tổ tiên tạo lập” đồng nghĩa Tổ Quốc của người Việt Nam chỉ có một, là quốc gia do Tổ tiên của người Việt Nam là Vua Hùng tạo lập. Do đó “Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa” không gì khác hơn là phủ nhận Vua Hùng, phủ nhận quốc gia của người Việt Nam đã có từ 4000 năm nay hay phủ định chính Tổ Quốc của người Việt Nam!” (6)

Kết quả là Quốc Hội Việt Nam đã tiếp thu ý kiến này của tôi nhưng một cách nửa vời. Cụ thể, Quốc Hội đã thay “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” ghi tại đề mục của Chương 4 Hiến pháp 1992 (7) bằng “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam” cho đề mục của Chương 4 Hiến pháp 2013 (8) nhưng vẫn giữ lại cụm từ đó tại Điều 64 thuộc chương này.

Văn là người?

“Văn là người” có nghĩa là phẩm chất của một người có thể nhận biết được qua bài viết của người đó. Nhân đây cũng cần nói một chút về xuất xứ của châm ngôn này. Trong bài “Luận về văn phong” (Discours sur le style) đọc tại Viện Hàn lâm Pháp trong lễ kết nạp ông vào ngày 25/8/1753, Georges-Louis Leclerc, Bá tước xứ Buffon của Pháp đã phát biểu: “Le style est l’homme même” (văn phong chính là người). Phạm Quỳnh đã dịch câu đó thành “văn là người”. Như vậy, với học giả họ Phạm, “văn phong” (le style) đã được chuyển hóa thành “văn” với nội hàm được mở rộng gồm cả văn phong lẫn nội dung.

Cứ thế mà suy thì một bài viết ngắn nói chung, lưu bút nói riêng, mà có quá nhiều lỗi từ hành văn (đặt câu, dùng từ không hợp lý, không logic dẫn đến tối nghĩa, viết hoa tùy tiện…) cho đến nội dung (không phù hợp với ngữ cảnh, nhận thức chung về lịch sử, pháp lý…) cho thấy người viết có một học vấn tồi tệ. Thế nhưng cách suy diễn như vậy quyết không thể đúng trong trường hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính bởi ông có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng ở Rumani… Vậy lưu bút đầy “sạn” của Thủ tướng Chính chỉ có thể là kết quả của sự cẩu thả. Theo định nghĩa của từ điển, “cẩu thả” là thiếu cẩn thận, không chú trọng đến chi tiết, độ chính xác, thiếu kiểm tra để đảm bảo chất lượng công việc…

Điều cần nói là sự cẩu thả của một lãnh đạo quốc gia, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ, sẽ gây tác hại đáng kể đối với quốc gia. Do đó, Thủ tướng Chính không thể không khắc phục ngay nhược điểm này của mình, mà theo tôi không có gì là khó. Tốt nhất là ông tự viết. Nếu không, chỉ cần ông kiểm tra lại văn bản do người khác chép hoặc soạn theo ý của ông một cách kỹ lưỡng trước khi hạ bút ký.

Bất luận thế nào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ việt Nam phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam trước nhất cũng như phải bỏ cách gọi “Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” để trở về với “Tổ Quốc Việt Nam”. Đây không chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc mà còn là giải pháp thiết thực để tập hợp mọi người Việt Nam bất kể chính kiến, từ trong nước ra ngoài nước, cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích:


2.Hiệp định Paris về Việt Nam 1973, Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

3.Điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc.” United Nations Charter.

4.Hết năm 2021, có 5.248.607 đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (Bạc Liêu online ngày 13/01/2022). Tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2022, dân số Việt Nam đạt 99,2 triệu người (Quân đội nhân dân, 12/3/2023).



7.Hiến pháp năm 1992, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

8.HIến pháp năm 2013, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét