Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Kính Chuyển Tin Đang Được Chú Ý Nhất Hôm Nay và Tin Thế Giới & Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Được Chú Ý Nhất Hôm Nay: Liên Quan Đến Cựu TT Trump Trình Diện Tại Tòa Ở Miami, Trong Vụ Truy Tố Tàng Trữ Hồ Sơ Mật - Hôm qua, Ông Trump chuẩn bị trình diện tòa, vẫn được cử tri Cộng hòa yêu chuộng (Hình: Cựu Tổng thống Donald Trump đến phi trường quốc tế Miami ở Miami, Florida, ngày 12/6/2023.) -Cựu Tổng thống Donald Trump hôm 12/6 bay tới Miami để chuẩn bị ra trình diện tòa trước các cáo buộc hình sự liên bang, trong khi một cuộc thăm dò mới của Reuters/Ipsos cho thấy phần lớn các đảng viên Cộng hòa tin rằng việc buộc tội ông Trump có động cơ chính trị.
<!>
Ông Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, dự kiến sẽ có mặt tại tòa án liên bang Miami vào ngày 13/6, lúc 3 giờ chiều.

Bị buộc tội lưu giữ bất hợp pháp các tài liệu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và nói dối các quan chức khi họ tìm cách thu hồi chúng, ông Trump đã tuyên bố mình vô tội và thề sẽ tiếp tục chiến dịch giành lại chức vụ tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2024.

“Tôi hy vọng cả nước đang theo dõi những gì phe cực tả đang làm đối với nước Mỹ,” ông viết trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình trước khi khởi hành từ New Jersey.

Những tai ương pháp lý của ông Trump không ảnh hưởng đến sự yêu chuộng của cử tri Đảng Cộng hòa dành cho ông.

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố ngày 12/6 cho thấy 81% đảng viên Cộng hòa cho rằng các cáo buộc nhắm vào ông có động cơ chính trị. Cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Trump tiếp tục dẫn trước các đối thủ của mình trong đảng cuộc bầu cử tổng thống với một tỷ số cách biệt lớn.

Khoảng 43% đảng viên Cộng hòa nói ông Trump là ứng cử viên ưa thích của họ, so với 22% chọn Thống đốc Florida Ron DeSantis, đối thủ gần nhất của Trump. Vào đầu tháng 5, ông Trump đã dẫn trước ông DeSantis với tỷ lệ 49% so với 19% của ông DeSantis, nhưng đó là trước khi ông DeSantis chính thức tham gia cuộc đua.

Ông Trump cáo buộc Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Dân chủ, dàn dựng vụ kiện liên bang để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Biden tránh bình luận về vụ việc của ông Trump.

Ông Trump là người đầu tiên từng giữ vị trí tổng thống phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng các chuyên gia pháp lý nói rằng điều đó không ngăn cản ông ra tranh cử tổng thống - hoặc nhậm chức ngay cả khi ông bị kết tội.

Các chuyên gia pháp lý, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump, William Barr, nói rằng vụ này là một vụ kiện nghiêm trọng. Các cáo buộc bao gồm vi phạm Đạo luật Gián điệp vốn hình sự hóa việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng, và âm mưu cản trở công lý, với mức án tối đa là 20 năm tù.

Có thể sẽ không diễn ra bất kỳ phiên tòa liên bang nào ở Florida cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2024. Ông Trump cũng sẽ ra tòa vào tháng 3 năm 2024 trong một vụ án khác tại tòa án bang New York, bắt nguồn từ khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim khiêu dâm.


Hôm nay, Ông Trump đối mặt với cáo buộc tại tòa án Florida trong vụ án tài liệu mật!


(Hình: Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Sân bay Quốc tế Miami, để đến tòa án liên bang trong vụ án về các cáo buộc tài liệu mật, vào ngày 12 tháng 6 năm 2023.)

-Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ ra hầu tòa liên bang ở Miami vào thứ Ba 13/6 để đối mặt với các cáo buộc hình sự rằng ông đã lưu giữ trái phép các tài liệu an ninh quốc gia khi rời nhiệm sở và nói dối các quan chức đang tìm cách thu hồi chúng.

Đây sẽ là lần thứ hai ông Trump đến phòng xử án kể từ tháng 4, khi ông không nhận tội trước các cáo buộc ở New York xuất phát từ khoản thanh toán tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim khiêu dâm.

Đây là lần đầu tiên nước Mỹ có một vị tổng thống đương nhiệm hoặc một cựu tổng thống phải đối mặt với cáo buộc hình sự, và người đó là ông Trump, nhưng điều này không làm giảm hy vọng trở lại Nhà Trắng của ông.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, ông đang dẫn trước và cách xa các đối thủ trong cuộc đua để được đảng Cộng hòa chọn làm ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và 81% cử tri đảng Cộng hòa coi các cáo buộc chống lại ông là có động cơ chính trị.

Ông Trump đã khẳng định mình vô tội và miêu tả vụ việc là một nỗ lực nhằm phá hoại nỗ lực tái tranh cử của ông.

Sau khi ra tòa lúc 3 giờ chiều, ông Trump dự định sẽ bay trở lại sân gôn ở New Jersey của mình, nơi ông dự kiến sẽ có bài phát biểu vào buổi tối.

Phiên tòa vào tháng 4 của ông Trump ở New York đã tạo ra một bầu không khí giống như một rạp xiếc với những người ủng hộ to tiếng và những người phản đối. Các quan chức ở Miami đang chuẩn bị cho đám đông dự kiến lên tới 50.000 người.

Một số người lo rằng những phát biểu đầy hàm ý của ông Trump có thể kích động bạo lực, gợi lại vụ tấn công ngày 6/1/2021 vào Điện Capitol tức tòa nhà quốc hội của Hoa Kỳ.

“Tôi rất lo ngại rằng cựu Tổng thống Trump qua lời nói hoặc hành động của mình có thể truyền cảm hứng cho dù chỉ một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ cá nhân trở nên bạo lực”, John Wood, luật sư từng làm việc trong cuộc điều tra của quốc hội về vụ tấn công ngày 6/1, nói.

Công tố viên đặc biệt của Hoa Kỳ Jack Smith, người đang dẫn đầu cuộc truy tố, cáo buộc ông Trump đã lấy đi hàng nghìn giấy tờ có chứa một số bí mật an ninh quốc gia nhạy cảm nhất của Mỹ khi ông rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1/2021 và cất giữ chúng một cách bừa bãi tại phòng làm việc của ông tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, theo bản cáo trạng gửi đại bồi thẩm đoàn được công bố vào tuần trước.

Các bức ảnh có trong bản cáo trạng cho thấy các hộp tài liệu được cất trên sân khấu phòng khiêu vũ, trong phòng tắm và nằm rải rác trên sàn nhà phòng trữ đồ.

Bản cáo trạng cáo buộc ông Trump đã nói dối các quan chức khi họ cố thu hồi chúng.

Cáo trạng gồm 37 tội danh, bao gồm các hành vi vi phạm Đạo luật gián điệp, vốn hình sự hóa việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng và âm mưu cản trở công lý, với mức án tối đa là 20 năm tù.

Ông Trump bước sang tuổi 77 vào ngày 14/6.

Các chuyên gia pháp lý cho biết bằng chứng cho thấy đây là một vụ kiện lớn, nhưng nó có thể không được đưa ra xét xử cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11/2024. Ông Trump được tự do vận động tranh cử tổng thống trong thời gian chờ đợi và có thể nhậm chức ngay cả khi ông bị kết tội.

Ông Trump cáo buộc Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden dàn dựng vụ kiện liên bang để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông.

Ông Biden đã giữ khoảng cách với vụ việc và từ chối bình luận về nó.


Tại tòa hôm nay, Ông Trump đã không nhận tội trong vụ án tài liệu mật!


(Hình: Trong một bức kí hoạ bên trong phòng xử án, cựu Tổng thống Mỹ Trump ra hầu tòa về cáo buộc về tài liệu mật sau khi bị khởi tố ở cấp liên bang tại Tòa án Liên bang Wilkie D. Ferguson Jr., ở Miami, bang Florida, Mỹ, ngày 13 tháng 6 năm 2023.)

-Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 13/6 không nhận tội với các cáo buộc hình sự liên bang rằng ông đã giữ phi pháp các tài liệu an ninh quốc gia khi rời nhiệm sở và nói dối các quan chức khi họ tìm cách thu hồi.

Sự biện hộ của ông Trump được đưa ra trước Thẩm phán Jonathan Goodman tại một tòa án liên bang ở Miami.

Ông Trump, mặc vest xanh thắt cà vạt đỏ, cau mày và ngả người ra sau ghế, không phát biểu trong buổi trình diện kéo dài 47 phút.

Ông được phép rời tòa án vô điều kiện, không bị hạn chế đi lại và cũng không bị yêu cầu phải đóng khoản tiền mặt nào. Thẩm phán Goodman phán quyết rằng ông Trump không được phép liên lạc với các nhân chứng khả dĩ trong vụ án.

Trợ lý của ông Trump, ông Walt Nauta, người cũng bị buộc tội trong vụ này, xuất hiện trước tòa cùng với ông Trump nhưng không bị buộc phải nhận tội hay không nhận tội cho tới ngày 27/6 vì không có luật sư địa phương. Ông cũng được phóng thích mà không phải đóng tiền thế chân và được lệnh không trao đổi với các nhân chứng khác.

Khi đoàn xe của ông Trump rời tòa án, những người ủng hộ hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi yêu Trump.”

Đây là lần thứ hai ông Trump đến phòng xử án trong những tháng gần đây. Hồi tháng Tư, ông không nhận tội đối với các cáo buộc của tiểu bang ở New York bắt nguồn từ một khoản thanh toán tiền bịt miệng cho một ngôi sao khiêu dâm.

Ông Trump là cựu tổng thống đầu tiên bị buộc tội liên bang.

Nhà chức trách đã chuẩn bị cho tình huống bạo lực có thể xảy ra, nhưng Thị trưởng Miami, ông Francis Suarez, nói với báo giới không có bất kỳ sự cố an ninh nào.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố mình vô tội và cáo buộc chính quyền của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nhắm mục tiêu vào ông.

Rời tòa, ông Trump dừng chân tại nhà hàng Versailles. Tại đây, ông tuyên bố với những người ủng hộ rằng Hoa Kỳ bị ‘lũng đoạn’, ‘tham nhũng’ và ‘suy tàn.’

“Chúng ta có một chính phủ mất kiểm soát,” ông nói. Cộng đồng người Mỹ gốc Cuba ở Florida là một khối bỏ phiếu quan trọng của đảng Cộng hòa trong tiểu bang cạnh tranh chính trị này.

Công tố viên đặc biệt của Hoa Kỳ Jack Smith, người đang dẫn đầu vụ án này, cáo buộc ông Trump gây rủi ro cho bí mật quốc gia vì mang về nhà hàng ngàn giấy tờ nhạy cảm khi rời Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2021 và lưu giữ chúng bừa bãi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida và trong câu lạc bộ gôn New Jersey của ông.

Các tài liệu đó bao gồm thông tin về chương trình hạt nhân bí mật của Hoa Kỳ và các lỗ hổng tiềm ẩn trong trường hợp bị tấn công.

Ông Trump bị cáo buộc 37 tội danh.

Những rắc rối pháp lý không ảnh hưởng đến vị thế của ông Trump với các cử tri đảng Cộng hòa. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố đầu tuần này cho thấy ông vẫn dẫn trước các đối thủ để được đảng Cộng hòa đề cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 với tỷ số cách biệt lớn. 81% cử tri Cộng hòa coi các cáo buộc nhắm vào ông là mang động cơ chính trị.

Ông Trump đối mặt với các cáo buộc bao gồm vi phạm Đạo luật Gián điệp, vốn hình sự hóa việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng, và âm mưu cản trở công lý. Ông có thể ngồi tù tối đa 20 năm nếu bị kết tội.

Các chuyên gia cho rằng phải mất ít nhất một năm nữa phiên xử mới có thể diễn ra.

Trong khi chờ đợi, ông Trump được tự do vận động tranh cử tổng thống và có thể nhậm chức ngay cả khi ông bị kết tội.

Cựu Tổng thống Trump cáo buộc đương kim Tổng thống Joe Biden dàn dựng vụ kiện liên bang để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông.

Ông Biden tránh không bình luận về vụ việc này.


Tin đang được chú ý nhất VN, Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Sợ hãi! Nhà cầm quyền ráo riết bắt người, kiểm soát chặt thông tin!


(Hình: Công an đã huy động lực lượng hùng hậu các cảnh sát vũ trang truy bắt các tay súng ở Đắk Lắk)

-Chỉ trong vòng hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở tỉnh Đắk Lắk, giới chức Việt Nam đã bắt giữ được 45 người đồng thời kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí cũng như phần lớn dư luận về vụ việc.

Vụ nổ súng xảy ra tại các trụ sở chính quyền – nơi đặt các cơ quan như Đảng ủy và Ủy ban nhân dân – của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thuộc cao nguyên trung phần Việt Nam vào rạng sáng ngày 11/6, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 lãnh đạo xã, 4 công an viên và 3 dân thường.

Cho đến chiều ngày 13/6, tổng số người bị bắt giữ trong vụ việc đã lên đến 45 người, báo chí trong nước dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết, và nhiều vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC, bị thu giữ.

Hình ảnh các nghi pham bị bắt giữ được công bố cho thấy dường như họ thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.

Số người bị bắt có thể sẽ tăng lên khi chính quyền đang tiếp tục truy lùng. Trong lúc này, Công an tỉnh Đắk Lắk đang kêu gọi những người lẩn trốn ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền huy động lực lượng hùng hậu bao gồm cả công an và quân đội, trong đó lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Đặc nhiệm và Công an Đắk Lắk, để ráo riết truy bắt cả ngày lẫn đêm, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Trang mạng VnExpress dẫn lời một cán bộ tham gia chiến dịch bố ráp cho biết họ tổ chức các đội vũ trang tinh nhuệ để ‘khoanh vùng, vây bắt những người lẩn trốn’.

Hình ảnh do Thông tấn xã Việt Nam công bố cho thấy công an và lính đặc nhiệm cầm súng, mặc áo chống đạn trong các xe chở quân dàn trận dày đặc vây bắt các đối tượng tại một địa điểm ở cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

Hiện thông tin về vụ tấn công ở Đắk Lắk trên báo chí trong nước đang được kiểm soát chặt chẽ với nội dung tất cả các bản tin về vụ việc gần như giống nhau dựa trên những gì được Bộ Công an công bố.

Chính quyền cũng đã trừng phạt một người đàn ông 38 tuổi ở tỉnh Quảng Nam sau khi người này bị cho là đã ‘chia sẻ bài viết, bình luận xuyên tạc’ về vụ tấn công. Người đàn ông có tên viết tắt là T.R., sinh năm 1985, cư trú ở thành phố Hội An, Quảng Nam, bị phạt 5,5 triệu đồng về tội ‘cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức’, theo trang Thông tin Chính phủ và VnExpress.

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chính phủ Việt Nam, hai bộ quốc phòng và công an đều đã cử phái đoàn công tác đến hiện trường để chỉ đạo, xem xét tình hình cũng như thăm hỏi, úy lạo gia đình các nạn nhân.

Phái đoàn chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, còn các phái đoàn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lần lượt do các Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, và Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu.

Tây Nguyên là một địa bàn đặc biệt nhạy cảm về các vấn đề chính trị, sắc tộc và tôn giáo ở Việt Nam mà nổi cộm trong đó là các hoạt động đòi ly khai của người Thượng để thành lập nhà nước Degar. Địa bàn này trước đây đã từng xảy ra các vụ bạo loạn.

Hiện các đối tượng bị bắt giữ đang bị công an thẩm vấn nhưng động cơ của những người gây ra vụ tấn công vẫn chưa được công bố.


Sau vụ 6 cán bộ bị bắn chết! giờ thì công an Đắk Lắk sợ cả quần áo rằn ri!


(Hình: Một chủ cửa hàng bán quần áo rằn ri bị tịch thu hàng vô cớ)

-Tại Đắk Lắk lúc này, công an nổi cơn bắt tất cả những ai mặc đồ rằn ri và chụp mũ là nghi can vụ bạo động, trong lúc các cửa hàng bán đồ này đều bị tịch thu hàng hóa và phạt vạ vô cớ.

Mạng xã hội lan truyền clip cho thấy từ hai hôm nay, xảy ra chuyện “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, bất kỳ ai mặc đồ họa tiết rằn ri đi ngoài đường đều bị công an gô cổ, trong lúc trang phục rằn ri vốn quen thuộc với dân Tây Nguyên vì tiện và bền để đi rừng, làm rẫy.

Báo đảng hôm 13/6 cho biết, các đội quản lý thị trường được lệnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán quần áo rằn ri, quân phục và tịch thu hết hàng hóa.

Tại mỗi cửa hàng ở thị xã Buôn Hồ, hàng trăm quần áo họa tiết rằn ri bị tịch thu và chủ cửa hàng bị phạt vạ.

Điều hài hước là vụ tịch thu quần áo rằn ri được giới chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết là nhằm “ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn”.

Ngoài Đắk Lắk, lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum cũng tịch thu 1.000 bộ quần áo rằn ri nhập lậu, đã qua sử dụng.

Ông Tâm Chánh, cựu tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị bình luận: “Nhà đương cục phải để pháp luật truy đuổi, điều tra và xử lý bằng hết những người thuộc nhóm vũ trang gây án vừa rồi ở ngoại ô Buôn Ma Thuột.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng toàn dân, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ gậy gộc vây đuổi, truy bắt những kẻ phạm tội còn lẫn trốn. Vì không bao giờ nên để xảy ra cái cảnh người Kinh, mà lại nói giọng Thanh Nghệ, vây bắt người Thượng.

Cần có lựa chọn văn minh, tôn trọng con người, nhất là người ở thế yếu hơn, khi công bố, sử dụng hình ảnh hạn chế tự do của họ.

Nhà nước cần sớm có cung cấp thông tin đúng đắn về nguyên nhân của vụ tấn công vũ trang vào các trụ sở công an vừa xảy ra ở Đắk Lắk. Không nên để lan truyền các suy diễn sai lệch động cơ và diễn biến nội vụ.”


Tin Quốc Tế Đó Đây

Hy Vọng Cuộc Chiến Ukraine & Nga Sắp Chấm Dứt! Tổng Thống Ukraine "Thừa Nhận" Chiến Dịch Phản Công Đang Bắt Đầu!

-Cuộc đối đầu lớn giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu? Thắc mắc này được đặt ra vào lúc nhiều cuộc giao tranh quy mô lớn dường như đã nổ ra ở miền Nam và đông đất nước trong những ngày qua. Nếu như chính quyền Kyiv vẫn tỏ ra kín tiếng, Tổng thống Volodymyr Zelensky, khi tiếp Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau đã xác nhận điều đó đang xảy ra.

Thông tín viên đài RFI, Stéphane Siohan, từ Kyiv cho biết thêm:

"Thứ Bảy này, 10/6/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tiếp Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau và trong cuộc họp báo chung, nguyên thủ Ukraine khi trả lời giới báo chí có nói rằng chiến dịch phản công và phòng thủ dường như đang diễn ra trên mặt trận nhưng từ chối nói rõ chi tiết.

Vào buổi tối, đài phát thanh và kênh truyền hình Ukraine tường thuật cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Ukraine và Gia Nã Ðại nhưng không một lời nào về những phát biểu của ông Zelensky trong các tít chính.

Tại Kyiv, giới lãnh đạo và truyền thông tuân thủ nghiêm ngặt "im lặng về chiến dịch" theo Sắc lệnh của quân đội khi từ chối đề cập đến chủ đề phản công…

Trên thực tế, người ta biết rằng quân đoàn thiết giáp của Ukraine đã chuyển sang tấn công các đường chiến tuyến của Nga tại vùng Zaporijia trong khi binh sĩ Ukraine đang di chuyển về Donbass để chiếm lại quyền kiểm soát những vùng sườn ở Bakhmut bị Nga chiếm lấy hồi cuối mùa Xuân này.

Một điều chắc chắn, tương tự như mùa Hè năm 2022, quân đội Ukraine đã giành thế chủ động trong giao tranh, họ quay lại tấn công, thăm dò phòng thủ của Nga, nhưng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu một lần nữa chắc chắn sẽ diễn ra ở nơi không ai nghĩ tới".

Thông tấn xã AFP cho biết, trong chuyến thăm Kyiv bất ngờ này, Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu Mỹ kim, đồng thời tuyên bố hậu thuẫn Kyiv trở thành thành viên của NATO – khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.


Nga Phổ Biến Hình ảnh Về Tổn Thất Lớn của Quân Ukraine Trong Những Ngày Phản Công Đầu Tiên

-Cuộc phản công của quân đội Ukraine đã chính thức bắt đầu, theo ghi nhận cả về phía Nga cũng như tuyên bố từ phía chính quyền Kyiv. Phía Nga tung nhiều hình ảnh cho thấy quân đội Ukraine đang gánh chịu tổn thất lớn ngay trong những ngày phản công đầu tiên.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 10/6/2023, công bố hình ảnh một đoàn xe tăng và xe bọc thép do phương Tây viện trợ bị phá hủy tại khu vực phía Nam tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Trên các mạng xã hội Nga lan tràn hình ảnh về đoàn xe quân sự Ukraine bị tấn công, các xe tăng Đức Leopard-2 và xe bọc thép chở quân Mỹ bị hư hại. Trước đó, trong một phát biểu ngắn bên lề thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu (bao gồm Nga và nhiều thành viên Liên Xô cũ), họp tại Sotchi hôm qua, 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quân đội Ukraine "đang thất bại" trong các nỗ lực phản công đầu tiên.

Theo một số nhà quan sát phương Tây, bộ máy tuyên truyền của Mạc Tư Khoa đang tìm cách thổi phồng một số thiệt hại của quân đội Ukraine, để "phổ biến trong dư luận hình ảnh về một cuộc phản công bị lỡ dở của Ukraine, nhằm làm nhụt tinh thần phe ủng hộ Ukraine", như ghi nhận của Le Monde.

Trả lời RFI, chuyên gia về quân sự Stéphane Audrand thừa nhận vụ đoàn xe bọc thép Ukraine bị tấn công gây ấn tượng mạnh, nhưng đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ, và thiệt hại này không thực sự nghiêm trọng:

"Trên thực tế, điều này rõ ràng có vẻ giống với một thất bại lớn. Một đoàn xe bọc thép của Ukraine di chuyển khá sát nhau trên một tuyến đường dường như đã được xe công binh dỡ sạch mìn trước đó. Đoàn xe đã bị drone trinh sát Nga phát giác. Đoàn xe này không có lực lượng phòng không kế cận bảo vệ.

Drone đã chỉ điểm cho Pháo binh Nga. Đoàn xe di chuyển trên một tuyến đường xuyên qua các bãi mìn, nên khả năng xoay sở rất hạn chế. Một, hai xe bọc thép Ukraine bị trúng đạn. Cả đoàn bị kẹt.

Điều rất thú vị, mà chúng ta có thể thấy qua các hình ảnh là tuy nhiều có xe bọc thép bị trúng đạn, nhưng đều không bị nổ tung, không bị cháy. Điều này cho thấy chất lượng của các phương tiện phương Tây khác hẳn so với các loại phương tiện cũ kỹ thời Liên Xô. Rõ ràng là binh sĩ, trong các xe bị trúng đạn, đa số đã thoát được ra bên ngoài.

Các xe bọc thép có thể đưa về để sửa chữa và binh lính không thiệt mạng. Như vậy, cần phải đánh giá đúng mức về thất bại này. Đây rõ ràng là một thất bại, nhưng cho đến nay đoàn xe này là nạn nhân duy nhất mà chúng ta biết. Có thể nói là thất bại "không đến mức nghiêm trọng", và trở ngại này hoàn toàn có thể khắc phục được".


Quân Đội Ukraine Báo Cáo Bước Tiến Mới Đẩy Lùi Quân Nga Gần Bakhmut


(Hình: Các quân nhân Ukraine lái xe chiến đấu Bộ binh BMP-1, gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 9 tháng 6 năm 2023.)

-Ngày thứ Bảy (10/6/2023), một phát ngôn viên của quân đội cho biết các lực lượng Ukraine phản công đã tiến quân tới 1.400 mét tại một số đoạn của chiến tuyến gần thành phố Bakhmut phía Đông trong ngày qua.

Bước tiến này là bước tiến mới nhất trong một loạt các bước tiến tương tự được Kyiv báo cáo trong tuần này gần Bakhmut, mà Nga nói họ đã chiếm được hoàn toàn vào tháng trước sau trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

"Chúng tôi đang cố gắng... tiến hành các cuộc tập kích nhắm vào kẻ thù, chúng tôi đang phản công. Chúng tôi đã tiến được tới 1.400 mét trên nhiều đoạn khác nhau của mặt trận", phát ngôn viên của bộ chỉ huy quân sự miền Đông cho biết khi được hỏi về chiến sự gần Bakhmut.

Viên chức này, Serhiy Cherevaty, cho biết trong các bình luận trên truyền hình rằng chính các lực lượng Nga đang cố gắng phản công nhưng họ đã không thành công.

Ông nói các lực lượng Ukraine đã gây thương vong nặng nề cho quân Nga và phá hủy các thiết bị quân sự trong khu vực.

Thông tấn xã Reuters không thể xác minh độc lập tuyên bố đó hoặc tình hình trên chiến trường.

Mạc Tư Khoa và Kyiv đều báo cáo giao tranh ác liệt ở Ukraine vào ngày thứ Sáu, với các blogger mô tả lần đầu tiên nhìn thấy xe thiết giáp của Đức và Mỹ, báo hiệu rằng cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine đang được tiến hành.

Nga đã xây dựng các công sự rộng lớn khắp vùng phía Đông và nam Ukraine bị chiếm đóng. Tuần này Nga nói một cuộc tiến công lớn của Kyiv đã không chọc thủng được phòng tuyến của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh nói các lực lượng Ukraine đã xuyên thủng phòng tuyến đầu tiên của Nga ở một số khu vực nhưng tiến độ của Kyiv chậm hơn ở những nơi khác.

Các viên chức ở Ukraine, vốn đã chuẩn bị sẵn sàng phát động một cuộc phản công rộng lớn trong nhiều tuần qua, phủ nhận cuộc phản công đã bắt đầu và nói rằng khi điều đó xảy ra thì mọi chuyện sẽ rõ ràng.


Ukraine Loan Tin 'Giao Tranh Ác Liệt' Sau Khi Putin Khẳng Định Kyiv Đã Phản Công


(Hình: Binh sĩ Ukraine nã pháo gần Bakhmut, thành phố miền Đông Ukraine, vùng Donetsk, ngày 15/5/2023.)

-Mạc Tư Khoa và Kyiv đều loan tin có giao tranh ác liệt ở Ukraine ngày 9/6/2023, các blogger mô tả lần đầu tiên nhìn thấy thiết giáp của Đức và Mỹ, báo hiệu rằng cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine đang được tiến hành.

Hầu như không có tin tức độc lập nào từ tiền tuyến, không thể đánh giá liệu Ukraine có xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga trong nỗ lực đánh đuổi các lực lượng chiếm đóng hay không.

"Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc phản công này đã bắt đầu", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Sochi.

"Quân đội Ukraine đã không đạt được mục tiêu của họ trong bất kỳ lĩnh vực nào", ông Putin tuyên bố.

Tổng thống Ukraine, ông Voldymyr Zelenskyy cho biết đã thảo luận về các chiến thuật và "thành tựu" với các nhà lãnh đạo quân sự nhưng tiết lộ rất ít chi tiết.

"Đối với những người lính của chúng tôi, đối với tất cả những người vào thời điểm này đang tham gia vào trận chiến đặc biệt khốc liệt. Chúng tôi thấy sự anh hùng của các bạn và chúng tôi biết ơn từng khoảnh khắc trong cuộc đời của các bạn", ông nói trong bài phát biểu qua video hàng đêm của mình.

Cuộc phản công dự kiến sẽ có sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ Ukraine được phương Tây huấn luyện và trang bị. Hoa Kỳ đã công bố thêm 2,1 tỉ Mỹ kim hỗ trợ an ninh vào ngày 9/6, bao gồm phòng không và đạn dược.

Nga, vốn đã có nhiều tháng để chuẩn bị tuyến phòng thủ, cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công kể từ đầu tuần. Kyiv nói nỗ lực chính của họ vẫn chưa bắt đầu.

Mạc Tư Khoa và các blogger Nga ủng hộ chiến tranh đã đưa tin về các trận chiến dữ dội trên mặt trận Zaporizhzhia gần thành phố Orikhiv, xung quanh điểm giữa của "cây cầu trên đất liền" nối Nga với bán đảo Crimea, được coi là một trong những mục tiêu khả dĩ nhất của Ukraine.

Ông Ben Barry, thành viên cao cấp về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết các báo cáo từ các blogger Nga về xe tăng Leopard do Đức sản xuất và xe bọc thép Bradley của Mỹ gần Tokmak, phía Nam Orikhiv, nếu được xác nhận, sẽ cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy các Lữ đoàn mới do phương Tây trang bị vũ khí đã tham gia trận chiến.

Tổng cộng, Kyiv có 12 Lữ đoàn với tổng số 50.000-60.000 quân sẵn sàng tung ra cuộc phản công. Chín trong số các Lữ đoàn đã được phương Tây vũ trang và huấn luyện.

Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội của họ đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của Ukraine ở phía Nam Orikhiv và 4 cuộc tấn công gần Velyka Novosilka xa hơn về phía Đông, nơi lực lượng tấn công của Ukraine bao gồm hai Tiểu đoàn được xe tăng yểm trợ. Một số Tiểu đoàn lên tới 1.000 quân họp thành một Lữ đoàn.

Mặt trận phía Nam là nơi các lực lượng Ukraine dự kiến sẽ thực hiện đòn tấn công chính, về phía bờ biển. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar chỉ nói rằng các trận chiến ở Velyka Novosilka vẫn đang tiếp diễn và quân đội Nga đang tiến hành "phòng thủ tích cực" tại Orikhiv.

Ở phía Đông, Ukraine đã loan báo những tiến bộ xung quanh Bakhmut, nơi mà lực lượng Nga đã chiếm được vào tháng trước sau gần một năm chiến đấu trên bộ đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến.

Ukraine thường cấm các nhà báo tiếp cận chiến tuyến của họ trong các hoạt động tấn công.


Lãnh Tụ Tối Cao Iran Nói 'Không Có Vấn Đề' Về Thỏa Thuận Nguyên Tử Với Phương Tây


(Ảnh: Ông Ayatollah Ali Khamenei.)

-Hôm Chủ Nhật (11/6/2023), Lãnh đạo tối cao của Iran nói rằng một Thỏa thuận với phương Tây về chương trình nguyên tử của Tehran là điều có thể nếu cơ sở hạ tầng nguyên tử của nước này vẫn nguyên vẹn, trong bối cảnh Tehran và Hoa Thịnh Ðốn đang gặp bế tắc trong việc khôi phục Thỏa thuận Nguyên tử năm 2015.

Nhiều tháng đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Hoa Thịnh Ðốn nhằm cứu vãn Thỏa thuận Nguyên tử với 6 cường quốc đã bị đình trệ kể từ tháng 9 năm 2022, với việc cả hai bên cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu vô lý.

Sự chấp thuận thận trọng của ông Ayatollah Ali Khamenei được nêu ra vài ngày sau khi cả Tehran và Hoa Thịnh Ðốn phủ nhận một báo cáo rằng họ đang tiến gần đến một thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình nguyên tử của mình để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Thỏa thuận năm 2015 đã hạn chế hoạt động làm giàu uranium của Iran, khiến Tehran khó phát triển vũ khí nguyên tử hơn, để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Vào năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, khiến Tehran dần dần rời bỏ các hạn chế nguyên tử của thỏa thuận và làm sống lại nỗi lo ngại của Mỹ, Âu Châu và Do Thái rằng Iran có thể tìm cách chế tạo bom nguyên tử.

Nhắc lại lập trường chính thức của Iran trong nhiều năm, ông Khamenei nói rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ tìm cách chế tạo bom nguyên tử.


Ukraine: Nga Phá Hoại Đập Kakhovka Để Ngăn Cuộc Phản Công ở Miền Nam


(Ảnh: Một khu vực bị ngập lụt sau khi đập Kakhovka bị phá hoại.)

-Hôm Chủ Nhật (11/6/2023), Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, bà Hanna Maliar nói rằng đập Kakhovka đã bị lực lượng Nga cho nổ tung để ngăn các binh sĩ Ukraine tiến vào khu vực phía Nam Kherson.

Ukraine đã cáo buộc các lực lượng Nga cho nổ tung đập này từ bên trong nhà máy thủy điện. Địa điểm này đã bị Nga chiếm đóng kể từ những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Mạc Tư Khoa đã đổ lỗi cho Ukraine phá hủy đập. Hai bên cáo buộc nhau nã pháo vào thường dân khi các nỗ lực cấp cứu được thực hiện.

"Vụ nổ nhà máy thủy điện Kakhovka rõ ràng được thực hiện với mục đích ngăn chặn Lực lượng Phòng vệ Ukraine phát động một cuộc phản công tại khu vực Kherson", bà Maliar nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Bà nói rằng hành động trên, vốn gây ra một trận lụt lớn làm ngập các thị trấn và làng mạc, khiến người dân mắc kẹt và cuốn trôi toàn bộ các ngôi nhà, cũng nhằm giúp cho phép khai triển lực lượng dự bị của Nga tới các khu vực Zaporizhzhia và Bakhmut.

Hôm thứ Bảy (10/6), Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy nói rằng các hoạt động phản công và phòng thủ đang diễn ra ở Ukraine.

Ông không cho biết các chi tiết. Một phát ngôn viên quân sự cho biết rằng các lực lượng phản công của Ukraine đã tiến lên 1.400 mét tại một số khu vực của chiến tuyến gần thành phố Bakhmut ở miền Đông.


Vỡ Đập Kakhovka: Người Dân Bên Bờ Do Nga Kiểm Soát Cũng Lao Đao

-Hôm 10/6/2023 là đúng năm ngày xảy ra vụ vỡ đập nước Nova Kakhovka. Chính quyền Ukraine đưa ra số thiệt hại mới nhất cho biết vụ vỡ đập đã làm 5 người chết, 27 người bị mất tích và hơn ba ngàn người phải đi di tản tại những vùng do Kyiv kiểm soát.

Ngoài ra, nước lũ tràn nhanh đã gây ngập lụt tại hơn 78 địa phương, trong đó có 14 địa phương do Nga kiểm soát. Đối với nhiều người dân ở những vùng bị chiếm đóng, cuộc sống sẽ không thể nào trở lại giống như trước.

Từ Korsunka, cách Novaya Kakhovka một giờ đi xe và do phía Nga kiểm soát, đặc phái viên đài RFI Anissa El Jabri gởi về bài phóng sự:

"Đầu đội mũ rơm, mặc áo thun, quần short, tay kéo một chiếc thuyền đi biển, người thanh niên này lội bì bõm trên con đường ngập nước. Trên chiếc thau nhựa to cỡ vài chục cm vuông, là chiếc máy điện toán và con chó của anh. Với người thanh niên này, từng sống cạnh sông Dniepr, cuộc sống trước đây giờ chẳng còn lại gì nữa.

Anh nói: "Chẳng còn ai có thể sống ở đó được nữa. 98% ngôi nhà là hoàn toàn không thể ở được và ít nhất 30% trong số này đã bị cuốn trôi toàn bộ. Số còn lại có lẽ có thể sửa chữa được. Tuy nhiên, nếu bên ngoài đôi khi có vẻ còn nguyên vẹn, nhưng ở bên trong, nhà đã bị hỏng hoàn toàn. Tại con phố nơi tôi sinh sống, chẳng còn gì nữa cả".

Một trong số những hàng xóm của người này, sống tại một con phố ít bị ảnh hưởng hơn dẫn chúng tôi đến xem nhà của anh. Nước bùn đục ngầu, người này chỉ đường nơi nào có thể đi qua mà không bị ngập nước đến đầu gối. Ở bên ngoài, căn nhà trông có vẻ bình thường, nhưng bên trong thì thật thảm hại: Một đống bùn, mái tôn và gỗ vụn mầu nâu không thể nhận ra.

Người hàng xóm này giải thích: "Một căn nhà, cấu trúc chiếm 30% và 70% là thiết kế nội thất. Tôi nghĩ rằng trên thực tế, điều duy nhất có thể làm là phá hủy toàn bộ và xây mới lại hết. Nhưng ở đây không có việc làm. Và quý vị có hình dung chi phí xây mới lại là bao nhiêu không? Ngay cả khi tôi đã bắt đầu cải tạo bên trong với những vật liệu rẻ tiền nhưng tôi cũng đã tiêu tốn ít nhất 10 ngàn Euro".

Ở bên ngoài, thứ Bảy này trời âm u và những giọt mưa đầu tiên đã bắt đầu rơi. Sau cơn lũ là một cơn bão và những cơn mưa như thác lũ".


Vụ Vỡ Đập Kakhovka: Bán Đảo Crimea Có Nguy Cơ Mất Lợi Thế Nông Nghiệp

-1,9 triệu dân bán đảo Crimea của Ukraine mà Nga đã sáp nhập, hiện đang sống với nhiều nỗi lo sợ sau vụ vỡ đập Kakhovka.

Từ Djankoi, thông tín viên Anissa El Jabri gửi về bài phóng sự:

"Những trái mâm xôi, những quả cerise ngọt và mọng nước, những hạt đậu tươi xếp chồng lên nhau thành đống cao ngất… Nhưng mọi người dần ý thức được rằng sự phong phú đa dạng này sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Chỉ mới hai tháng trước đây, khi chúng tôi đến nơi cách khu chợ này chỉ vài cây số , người nông dân còn mơ sẽ gieo cấy lúa trở lại, rằng nông nghiệp trong vùng sẽ lớn mạnh trở lại. Giấc mơ được chẳng mấy chốc, nay lại tan biến.

Một người nói: "Gạo của vùng Crimea rất ngon. Chúng tôi cần các sản phẩm của chính chúng tôi. Quý vị thấy đấy, trái cây và rau của chúng tôi rất ngon. Tôi nói thành thật với quý vị là chúng rất ngon, rau quả ở những nơi khác của châu lục này không thể sánh bằng được đâu. Ở đây, chúng tôi trồng được những loại ngon nhất".

Thương nhân duy nhất chịu nói với chúng tôi đã nói rất dài và đã được tất cả những người khác xung quanh lắng nghe và tán đồng trong yên lặng. Ai cũng dè chừng, bởi nước là một đề tài rất nhạy cảm và mang tính chính trị. Các nông dân ở đây đã nhận được lệnh từ chính quyền là phải tuyệt đối giữ yên lặng trong thời gian nhà chức trách đánh giá tình hình. Tuy nhiên, ai cũng lo ngại về hệ đối với môi trường. Những hậu quả này sẽ rất khủng khiếp đối với tất cả mọi người. Bùn lầy, đất đai bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu, kim loại nặng… đủ thứ sẽ xảy ra.

Sau các vụ tấn công bằng drone, vụ nổ ở cầu Kertch, rồi những lời đồn thổi về chiến dịch phản công của các lực lượng Ukraine, bán đảo Crimea đã trở nên vắng vẻ. Nhưng theo báo chí Nga hôm thứ Tư (7/6), nay thì ngay cả những lao động thời vụ cũng sợ phải đến làm việc tại đây".


Nga Nói Iceland 'Hủy Hoại' Quan Hệ Bằng Việc Đình Chỉ Hoạt Động của Tòa Ðại Sứ


(Hình: Một tấm biển tại Tòa Ðại sứ Iceland ở Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 9/6/2023.)

-Ngày thứ Bảy (10/6/2023), Bộ Ngoại giao Nga nói rằng quyết định của Iceland đình chỉ hoạt động của Tòa Ðại sứ tại Mạc Tư Khoa "hủy hoại" hợp tác song phương.

Iceland ngày thứ Sáu cho biết các hoạt động sẽ bị đình chỉ từ ngày 1 tháng 8 do quan hệ thương mại, văn hóa và chính trị ở mức "thấp nhất từ trước tới nay" giữa hai nước, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã yêu cầu Nga giảm bớt các hoạt động ngoại giao ở Reykjavik.

"Quyết định của nhà chức trách Iceland nhằm hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao với Nga hủy hoại toàn bộ phạm vi hợp tác Nga-Iceland", Bộ Ngoại giao Nga nói.

"Chúng tôi sẽ cân nhắc quyết định không thân thiện này khi xây dựng mối quan hệ với Iceland trong tương lai. Tất cả các hành động chống Nga của Reykjavik chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng tương ứng", bộ nói thêm trong một phát biểu.

Khi loan báo quyết định của mình, Iceland nói quan hệ ngoại giao chưa bị cắt đứt và Tòa Ðại sứ sẽ được mở lại sau khi quan hệ bình thường hóa.


Thụy Điển Sẵn Sàng Tiếp Nhận Căn Cứ của NATO Ngay Khi Chưa Chính Thức Gia Nhập Khối

-Hôm 9/6/2023, chính quyền Thụy Điển cho biết Stockholm sẵn sàng để Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) lập một số căn cứ "có kỳ hạn" trên lãnh thổ nước này. Theo thông báo của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Pål Jonson, trên một nhật báo Thụy Điển, quyết định này nhằm chuẩn bị cho "các hoạt động chung sắp tới" của quân đội Thụy Điển với các đồng minh NATO.

Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu duy nhất chưa gia nhập NATO. Đơn gia nhập của Thụy Điển còn phải được Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi bật đèn xanh. Quyết định để NATO mở căn cứ quân sự, trong thời gian Stockholm chờ được kết nạp chính thức, là biện pháp bảo đảm an ninh quan trọng với Thụy Điển và cũng là một thông điệp gửi đến Nga. Thông tín viên Carlotta Morteo tường trình từ Stockholm:

"Tăng cường an ninh cho Thụy Điển và gửi một thông điệp mạnh đến Nga", đây là hai thông điệp mà Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển đưa ra để giải thích về quyết định cho phép một số đơn vị của NATO đồn trú tại Thụy Điển, và các phương tiện của Liên minh quân sự này được phép quá cảnh hoặc bố trí tại Thụy Điển, ví dụ như các hệ thống phi đạn phòng không.

Đây là một cách để khẳng định: "Thụy Điển không đơn độc, Stockholm xem xét rất nghiêm túc đe dọa do Nga đặt ra, và tận dụng thời gian chờ được kết nạp vào NATO, để xích gần hơn nữa với các đồng minh.

Hiện tại, NATO đang xây dựng một số kế hoạch mới để tăng cường năng lực phối hợp phòng thủ tại khu vực, bao gồm Phần Lan, thành viên mới của NATO. Thụy Điển chưa có mặt trong các kế hoạch này. Hiện tại, còn nhiều thách thức đặt ra về mặt hậu cần, về khả năng phòng vệ của bản thân Thụy Điển, cũng như khả năng kiểm soát vùng biển Baltic.

Nhìn chung, chính quyền Thụy Điển dù sao cũng xem đất nước trong hiện tại đã trở nên an toàn hơn so với trước khi đệ đơn gia nhập NATO. Tuy nhiên, Stockholm vẫn cảnh giác, bởi "không thể đoán trước được đâu là giới hạn tham vọng lãnh thổ của Putin".


Khí Hậu: Thế Giới Đối Phó Với El Nino, Nắng Nóng, Cháy Rừng…

-Tuần qua có ngày 5/6 là ngày Môi trường Thế giới, nhưng cũng trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải trải qua những đợt nắng nóng như thiêu đốt, thời tiết khô hạn, nạn cháy rừng dữ dội. Tỉnh Quebec của Gia Nã Ðại đến hôm 8/6/2023 vẫn còn hơn 150 đám cháy rừng chưa được dập tắt, trong đó có khoảng 90 đám cháy đã vượt tầm kiểm soát.

Miền Đông Bắc Mỹ rộng lớn, với hơn 111 triệu dân, cũng trở thành nạn nhân liên đới của các vụ cháy rừng ở nước láng giềng Gia Nã Ðại. Riêng ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, đến chiều tối 8/6, báo động ô nhiễm không khí đã lên đến mức "đỏ". Sự kiện dự kiến được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc vào tối thứ Năm để mừng Pride Month, tháng Tự hào của cộng đồng người đồng tính, chuyển giới LGBT+, cuối cùng đã phải hoãn lại, tương tự như một trận bóng chày chuyên nghiệp. Nhìn đến New York, theo thông tấn xã AFP, cũng giống như ở Hoa Thịnh Ðốn, các vườn thú Bronx và công viên Central Park buộc phải đóng cửa. Thứ Sáu 9/6, các trường công ở New York cho học sinh học từ xa.

Ở Âu Châu, theo Viện nghiên cứu khí hậu và môi trưởng của Na Uy (NILU), khói bốc lên từ hàng trăm đám cháy rừng hiện tại ở Gia Nã Ðại thậm chí đã lan sang tận Na Uy, cách những điểm cháy rừng ở Gia Nã Ðại hàng ngàn cây số .

Nhìn đến Á Châu, Bangladesh đang đối phó với đợt nắng nóng dài nhất tính từ gần nửa thế kỷ trở lại đây. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 8/6 hàng trăm ngàn trường tiểu học. Tại Trung Quốc, nắng nóng kéo dài ở tỉnh Hải Nam, miền Trung đất nước, vựa lương thực của Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh lương thực.

Điều đáng lo ngại đối với thế giới nói chung, theo thông báo hôm 8/6 của Cơ quan Đại dương và Khí quyển của Mỹ (NOAA), là hiện tượng thời tiết El Nino, thường gắn với sự tăng nhiệt độ trên thế giới, đã bắt đầu và có thể sẽ gây ra những đợt nhiệt độ tăng cao kỷ lục mới tại một số vùng.


Gia Nã Ðại: Cháy Rừng Tiếp Tục Hoành Hành Dù Được Ngoại Quốc Tăng Cường Hỗ Trợ

-Tình hình cháy rừng tại Gia Nã Ðại tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng cứu hỏa được sự hỗ trợ tăng cường từ nhiều nước đang cố gắng hết sức.

Cho đến ngày 9/6/2023, còn nhiều đám cháy chưa kiểm soát được. Hàng trăm hecta rừng trong các tỉnh Alberta, Nova Scotia, Québec, giờ đến lượt British Columbia đã bị thiêu trụi trước sự bất lực của chính quyền. Thông tín viên RFI Guillaume Naudin, tại Val d'or, Québec (Gia Nã Ðại), cho biết thêm thông tin:

"Chỉ là vấn đề thời gian. Từ nhiều năm nay nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở miền Tây Gia Nã Ðại. Do tác động biến đổi khí hậu và sau một mùa Xuân đặc biệt nóng và khô, hiện tượng cháy rừng đã lan tới miền Đông với cường độ cao chưa từng thấy. Nhà hoạt động môi trường và là Chủ tịch hiệp hội bảo vệ rừng Action Boréale, Henri Jacob cho biết:

"Tôi thấy ngạc nhiên là vì trong 2 -3 năm qua, chúng tôi may mắn chỉ bị một vài vụ cháy rừng, ít hơn mức trung bình. Trước vẫn xảy ra cháy rừng cực bắc nhưng không lớn lắm và chưa bao giờ với số lượng lớn như bây giờ. Có hơn 120 vụ cháy rừng đang diễn ra, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát vì có quá nhiều, người ta không đủ trang thiết bị để đối phó".

Để khắc phục, chính quyền chủ yếu trông chờ vào mưa, dự báo sẽ có trong những ngày tới. Nhưng theo ông Henri Jacob, sẽ cần phải mưa rất nhiều:

"Nếu trời mưa ba ngày thì cũng tạm được, có thể làm giảm tốc độ cháy một chút, nhưng không đủ để dập tắt các đám lửa với cường độ cao như thế này. Tôi cho rằng trời phải mưa liên tục gần như cả tháng thì mới đủ để dập cháy rừng thực sự".

Dường như cả mùa Hè này sẽ rất nóng. Giải pháp của Henri Jacob là gì? Đó là xem xét lại cách khai thác rừng, trồng lại nhiều hơn các loại cây có lá rộng và bớt các loại cây nhiều gai, tuy sinh lợi nhiều hơn cho các nhà khai thác nhưng lại dễ cháy.


Cháy Rừng Gia Nã Ðại: Khói Mù Bay Đến Tận Bắc Âu

-Sau Hoa Kỳ đến lượt Na Uy hít khói mù từ hàng trăm đám cháy rừng tại Gia Nã Ðại. Đến hết ngày 10/6/2023 Gia Nã Ðại vẫn phải đối mặt với 416 "ổ lửa" gần như từ miền Đông sang miền Tây nước này. Gần một nửa trong số đó ngoài tầm kiểm soát. Tình hình tại chỗ không hề thuyên giảm. Tính từ đầu năm 2023 hỏa hoạn cướp đi hơn 4,6 triệu hecta rừng của Gia Nã Ðại.

Trong tuần các đám khói, bụi đã bao phủ bờ đông Hoa Kỳ làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh tế, các sinh hoạt thể thao. Gió thổi khói đã băng Đại Tây Dương, tràn tới Groenland, rồi Iceland, và giờ đây đến lượt Na Uy. Lượng khói mù và bụi siêu nhỏ tại Na Uy cao "bất thường", dân chúng bị ngột ngạt vì mùi khét. Thông tín viên đài RFI trong khu vực Bắc Âu, Carlotta Morteo từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển tường trình:

"Người Na Uy sống ở bờ tây có lẽ đã ngửi thấy mùi khói khét và thậm chí là trông thấy một lớp bụi mù màu vàng úa bao phủ ở khắp nơi. Thế nhưng từ đài dự báo thời tiết ở Birkenes, miền Nam Na Uy, giới quan sát đã thấy khói từ Gia Nã Ðại thổi đến khu vực Bắc Âu, với những lượng còn rất nhỏ về khí thải carbon monoxid độc hại, và trong không khí có nhiều hạt bụi siêu nhỏ. Căn cứ vào ảnh vệ tinh, những đám khói đó xuất phát từ Gia Nã Ðại cách Na Uy 3.000 cây số.

Nạn cháy rừng càng kéo dài, khói mù càng được đẩy lên độ cao và những phân tử cực nhỏ lại càng được thổi đi xa. Trước mắt các giới chức địa phương không quá lo lắng. Khói mù từ Gia Nã Ðại không đe dọa đến sức khỏe của các công dân bắc Âu, ở mãi tận bên này Đại Tây Dương. Dù vậy các nhà nghiên cứu Na Uy theo dõi sát hiện tượng này để xem rằng những hạt bụi nhỏ có bám vào băng tuyết và nhất là bám vào những tảng băng ở Bắc Cực hay không.

Các nhà khoa học cũng cần biết rằng khói bụi đó có làm hâm nóng thêm bầu khí quyển, gây tan băng nhanh hơn hay không. Đây là kịch bản đã xảy ra hồi 2020 vì khói từ các đám cháy rừng ở tiểu bang California, Hoa Kỳ đã thổi đến quần đảo Svalbard, thuộc trung tâm Bắc Cực".


Nhật Bản Duy Trì Cảnh Báo Phòng Thủ Phi Đạn Liên Quan Tới Bắc Hàn


(Ảnh: Vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn hôm 31/5/2023.)

-Hôm Chủ Nhật (11/6/2023), Nhật Bản đã gia hạn cảnh báo về hệ thống phòng thủ phi đạn-đạn đạo, mặc dù thời điểm phóng vệ tinh của Bắc Hàn đã qua.

Nhật Bản đã đặt hệ thống phòng thủ phi đạn-đạn đạo trong tình trạng báo động vào tháng trước và quyết sẽ bắn hạ bất kỳ phi đạn nào mà nước này cho là đe dọa lãnh thổ của mình, sau khi Bắc Hàn thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh từ ngày 31 tháng 5 đến nửa đêm thứ Bảy.

"Nhật Bản sẽ duy trì lệnh liên quan đến hệ thống phòng thủ phi đạn-đạn đạo trong thời điểm hiện tại", Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn và không đưa ra lý do.

Tháng trước, Bắc Hàn đã thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh của nước này.

Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, Bắc Hàn đã phóng một vệ tinh vào ngày 31 tháng 5 nhưng thất bại, khiến phi đạn đẩy và vệ tinh rơi xuống biển.


Nam Hàn Bắt Hàng Chục Người Bị Nghi Làm Gián Điệp Công Nghiệp


(Ảnh: Quốc kỳ Nam Hàn.)

-Hôm Chủ Nhật (11/6/2023), hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng cảnh sát Nam Hàn đã bắt giữ 77 người liên quan đến 35 vụ tình nghi làm gián điệp công nghiệp, vốn bị phát giác trong một cuộc điều tra trên toàn quốc gần đây.

Hầu hết các trường hợp chỉ liên quan đến các công ty trong nước và chỉ có 8 trường hợp liên quan đến rò rỉ bí mật kỹ thuật sang Trung Quốc hoặc các nước khác, Yonhap dẫn lời Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết.

Thông tấn xã Reuters không thể liên hệ ngay với cơ quan này để yêu cầu bình luận.

Yonhap dẫn dữ liệu của cảnh sát cho biết rằng số lượng các trường hợp quốc tế cao gấp đôi so với cuộc điều tra tương tự được tiến hành một năm trước.

Một nghi phạm đã bị bắt vì gây rò rỉ thông tin mật của công ty khi chuyển từ công ty Nam Hàn sang một công ty Trung Quốc, vốn hứa hẹn hàng trăm triệu won (hàng trăm ngàn Mỹ kim) tiền trang trải chi phí nhà ở, học tập và sinh hoạt để đổi lấy thông tin, bản tin cho biết.


Nam Hàn Triệu Đại Sứ Trung Quốc Vì Phát Ngôn "Can Thiệp Nội Bộ"

-"Can thiệp vào công việc nội bộ", "phát biểu hàm hồ, khiêu khích" là các chỉ trích của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nam Hàn, Jang Ho-Jin, trong cuộc gặp Ðại sứ Trung Quốc hôm 9/6/2023.

Theo hãng tin Nam Hàn Yonhap, viên chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn nhấn mạnh là các lời lẽ chỉ trích công khai chính sách của chính quyền Hán Thành trước báo chí Nam Hàn "vi phạm các quy tắc ngoại giao và Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao". Bộ Ngoại giao Nam Hàn triệu Ðại sứ Hình Hải Minh (Xing Hai-ming), sau khi đại diện ngoại giao Trung Quốc gián tiếp lên án Nam Hàn đứng về phe Mỹ chống Trung Quốc. Phát biểu được đưa ra trong cuộc gặp hôm 8/6 tại Tòa Ðại sứ Trung Quốc, giữa Ðại sứ Xing Hai-ming và ông Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ, đảng đối lập chính ở Nam Hàn. Thông tín viên Celio Fioretti từ Hán Thành cho biết thêm:

"Những ai đặt cược vào thất bại của Trung Quốc sẽ phải nuối tiếc", Ðại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh đã phát biểu như trên hôm thứ Năm, 8/6, khi chỉ trích Hán Thành có lập trường gần gũi với Hoa Thịnh Ðốn. Bình luận này đã buộc Bộ Ngoại giao Nam Hàn phải triệu Ðại sứ Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng hồi tháng Tư sau các phát biểu của Tổng thống Nam Hàn về vấn đề duy trì nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, nếu như Nam Hàn muốn khẳng định thái độ cứng rắn trước các bình luận của Trung Quốc, Hán Thành đang bị kẹp giữa hai gọng kìm.

Như Cố vấn An ninh Quốc gia Nam Hàn Cho Tae-yong nhắc lại điều này vào ngày hôm qua, Bắc Kinh là đối tác thương mại số một của Hán Thành, chiếm 23% hàng xuất cảng của Nam Hàn. Thật khó mà nổi giận với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh hơn nữa còn đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề Bắc Hàn. Mặt khác, năm nay cũng là dịp 70 năm thành lập liên minh quân sự Mỹ - Hàn. Trong cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn, Hán Thành đang ở vào vị thế rất không thuận lợi".

Cố vấn an ninh của Tổng thống Nam Hàn Cho Tae-yong hôm qua, 9/6/2023, có bài diễn văn khai mạc Hội nghị sơ kết một năm cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol, trong lĩnh vực "ngoại giao và an ninh". Trong bài phát biểu nói trên, Cố vấn an ninh của Tổng thống Nam Hàn nhấn mạnh là, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol, khác hẳn với chính quyền tiền nhiệm, biết "phân biệt rõ" những hiểm họa thực sự, tức những thế lực thù địch đe dọa sự tồn vong của đất nước, với các quốc gia đồng minh, bạn hữu. Theo đài Nam Hàn KBS World, đây là một phát biểu gián tiếp đáp trả Ðại sứ Trung Quốc.


23 Nước Tham Gia Hội Nghị Thương Mại Trung Quốc-Khối Ả Rập

-Trung Quốc và Ả Rập Saudi tiếp tục siết chặt quan hệ.

Tại Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi hôm 11/6/2023, khai mạc hội nghị thương mại lần thứ 10 Trung Quốc – các nước Ả Rập. Hội nghị, do Ả Rập Saudi phối hợp tổ chức với Trung Quốc và Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, có chủ đề chính là "Hợp tác vì sự thịnh vượng". Hơn 2.000 khách mời từ 23 quốc gia tham dự sự kiện này.

Thông tín viên trong khu vực Nicolas Keraudren cho biết thêm:

"Tuần trăng mật giữa Riyad và Bắc Kinh tiếp tục. Ả Rập Saudi hứa hẹn là hội nghị thương mại Ả Rập-Trung Quốc lần thứ mười này sẽ là "sự kiện quan trọng nhất chưa từng được tổ chức". Tại hội nghị này, nhiều chủ đề khác nhau sẽ được thảo luận như: Kỹ thuật, nông nghiệp, bất động sản và cách tân.

Trong chuyến công du gần đây nhất tới Ả Rập Saudi hồi tháng 12 năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn khởi đầu một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ giữa hai nước. Cụ thể là, kể từ đó, Bắc Kinh đã dàn xếp việc giảm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Riyad và Tehran, kẻ thù không đội trời chung của Ả Rập Saudi. Cũng trong tháng đó, Ả Rập Saudi gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, về cơ bản do Bắc Kinh chủ trì.

Quan hệ hợp tác giữa Ả Rập Saudi và Trung Quốc được Hoa Kỳ, đồng minh lịch sử của Riyad theo dõi sát. Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công du Ả Rập Saudi, chỉ ít ngày trước hội nghị nói trên".


Thảm Sát Thiên An Môn: 34 Năm Bắc Kinh "Chiếm Đoạt Ký Ức Tập Thể" của Người Dân Trung Quốc

-Chủ Nhật 4/6/2023 là đúng 34 năm sau vụ thảm sát đẫm máu tại quảng trưởng Thiên An Môn, Bắc Kinh, hồi năm 1989, cướp đi mạng sống của hơn 1000 người biểu tình ôn hòa.

Trên thế giới, lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra tại nhiều nơi như Nhật Bản, Úc Ðại Lợi, Mỹ. Ở Tại Luân Đôn, sự kiện Thiên An Môn đã được tái hiện tại Quảng trường Trafalgar. Trong khi đó, ở Đài Loan, vở kịch "Ngày 35 tháng Năm" của tác giả Hồng Kông Candace Chong, được công diễn ở tại một nhà hát của Đài Bắc. Một lễ tưởng niệm cũng được tổ chức ở quảng trường Tự Do, trung tâm Đài Bắc, quy tụ được nhiều người dân Đài Loan và các nhà tranh đấu cho Tây Tạng hay Hồng Kông.

Ngược lại, ngay chính tại Trung Quốc, không chỉ cấm mọi hoạt động tưởng niệm, mà chính quyền Bắc Kinh còn xóa sạch mọi dấu vết của sự kiện Thiên An Môn. Mọi thảo luận về đề tài này trên các mạng xã hội bị kiểm duyệt có hệ thống. Sách giáo khoa lịch sử không hề đề cập đến vụ thảm sát năm 1989. Cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, nơi xảy ra một cuộc biểu tình hiếm hoi chống Tập Cận Bình hồi mùa Thu năm 2022, bị lực lượng an ninh theo dõi nghiêm ngặt để tránh sự việc tương tự tái diễn.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm về tình hình:

"Ngọn nến ảo mà Tòa Ðại sứ Đức tại Trung Quốc thắp sáng trên tài khoản mạng xã hội Vi Bác (Weibo) của họ hôm Chủ Nhật (4/6) không duy trì được lâu. Cũng giống như những ngọn nến tưởng niệm khác được đăng trực tuyến, ngọn nến của Tòa Ðại sứ Đức đã bị các nhà kiểm duyệt dập tắt ngay lập tức. Lực lượng kiểm duyệt là những những người làm mọi chuyện để bảo đảm rằng không có bất cứ điều gì ám chỉ đến sự kiện Thiên An Môn, thậm chí cả cụm từ ngày 4 tháng 6, nay được gọi tránh đi là ngày 35 tháng 5, cũng không được xuất hiện trên mạng.

Quảng cáo

Nhưng Luật sư Đằng Bưu (Teng Biao), trả lời đài RFI, nhận định là sau 34 năm cưỡng đoạt ký ức tập thể, nhưng chính quyền vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn ký ức về "ngày 35 tháng 5": "Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường, củng cố các hoạt động kiểm duyệt và nỗ lực tuyên truyền. Nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, ngày nay không biết chuyện gì đã xảy ra vào năm 1989. Họ cũng không biết chuyện gì đã xảy ra ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Nhưng tôi không nghĩ chính quyền có thể xóa bỏ hoàn toàn ký ức tập thể. Bởi vì đó là thời điểm quan trọng đối với rất nhiều người Trung Quốc, đến mức họ không quên vụ thảm sát Thiên An Môn".

Nhiều nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, chẳng hạn như ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), năm nay lại kêu gọi tuyệt thực hoặc ít nhất là nhịn ăn vào ngày 4/6 để tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn. Nhưng ngoài các hành động cá nhân, các cuộc biểu tình công khai là không thể. Lực lượng kiểm duyệt làm mọi việc để tránh xảy ra chuyện như hồi năm 2022, khi một chiếc bánh gateau hình xe tăng, gợi nhớ đến những chiếc xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn, xuất hiện trực tiếp trong chương trình của một người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội".

Nhìn đến đặc khu hành chính Hồng Kông, theo luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt cho thành phố, mọi hoạt động tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn cũng bị cấm tuyệt đối. Cảnh sát tăng cường giám sát an ninh tại công viên Victoria, nơi mọi năm vẫn diễn ra các hoạt động tưởng niệm quy tụ đông đảo người dân. Hôm 4/6, hơn 20 người, đa phần là các gương mặt của phong trào ủng hộ dân chủ, đã bị bắt giữ vì những cáo buộc có "hành vi gây mất trật tự ở lối đi công cộng", "gây rối trật tự công cộng", "hành động với mưu đồ nổi loạn"…


Tổng Tham Mưu Trưởng Nga-Trung Hội Đàm: Gia Tăng Tập Trận Là Trọng Tâm Hợp Tác

-Gia tăng các cuộc tập trận song phương trong thời gian tới "sẽ tiếp tục là một trục chính" trong hợp tác Trung-Nga. Trên đây là thông điệp mà tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valéri Guérassimov đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli) hôm 9/6/2023.

Theo thông tấn xã AFP, trong một đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga công bố, tổng tham trưởng Quân đội Nga khẳng định "sự phối hợp các nỗ lực của Nga và Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa trên trường quốc tế là một tác nhân giúp ổn định tình hình thế giới". Báo Hồng Kông South China Morning Post, trong bài "Quân đội Nga-Trung thỏa thuận gia tăng tập trận" ghi nhận: sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa vào tháng 3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẵn sàng tham gia nhiều cuộc tập trận và tuần tra chung hơn với Nga để "thúc đẩy hòa bình toàn cầu".

Cuộc hội đàm trực tuyến nói trên diễn ra ba ngày sau một cuộc tuần tra chung của Không quân Nga-Trung tại vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Việc phi cơ quân sự Trung-Nga xâm nhập vùng nhận dạng phòng không buộc Nam Hàn phải điều chiến đấu cơ lên giám sát.

Kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lăng Ukraine, Trung Quốc đã gia tăng hợp tác với Nga về nhiều mặt, đặc biệt là hợp tác quân sự. Phương Tây liên tục đưa ra các cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh cung cấp các phương tiện quân sự, hoặc các thiết bị lưỡng dụng, dân sự/quân sự để hậu thuẫn Mạc Tư Khoa trong cuộc can thiệp quân sự nói trên.


Trung Quốc Lập Cơ Sở Dọ Thám Mỹ ở Cuba Từ 2019

-Trung Quốc từ nhiều năm qua đã tìm cách phát triển các hoạt động dọ thám Mỹ từ Cuba và năng lực này của Trung Quốc đã được hoàn thiện hơn vào năm 2019. Lời khẳng định này được một viên chức Tòa Bạch Ốc xin ẩn danh đưa ra ngày 10/6/2023 với thông tấn xã AFP.

Cũng theo vị viên chức này, khi ông Joe Biden lên cầm quyền vào tháng Một năm 2021, các cơ quan tình báo của Tòa Bạch Ốc đã được thông tin về "những nỗ lực" này của Bắc Kinh nhằm thiết lập nhiều cơ sở "trên khắp thế giới", đặc biệt là cho mục đích dọ thám.

Trong số "các nỗ lực" này, có sự hiện diện nhiều điểm thu thập tin tình báo của Trung Quốc tại Cuba và những cơ sở này đã được "hoàn thiện hơn vào năm 2019".

Vị viên chức xin ẩn danh này khẳng định "tất cả những điều này đã được lập trong các hồ sơ tình báo Mỹ", và chính quyền Biden đã có những biện pháp đáp trả "âm thầm và cẩn trọng" các dự án thành lập căn cứ của Trung Quốc trên thế giới, bao gồm thông qua các kênh ngoại giao bên cạnh nhiều chính phủ.

Nguồn tin này, một mặt cho biết chính phủ Mỹ đã "làm chậm lại" các dự án của Trung Quốc trong việc thiết lập các cơ sở ở ngoại quốc nhưng mặt khác thừa nhận còn "có nhiều thử thách đáng quan ngại" liên quan đến mối quan hệ với Cuba. Theo vị viên chức này, "Trung Quốc vẫn sẽ ra sức tăng cường sự hiện diện của mình tại Cuba" và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục "tìm cách ngăn chặn những nỗ lực này của Bắc Kinh".

Thông tấn xã AFP nhắc lại, những tuyên bố này được đưa ra sau nhiều ngày truyền thông Mỹ tường thuật về sự hiện diện một thỏa thuận giữa Havana và Bắc Kinh trong việc lập một căn cứ dọ thám trên hòn đảo Cộng sản, chỉ cách tiểu bang Florida của Mỹ 160 cây số , cho phép thu thập các dữ liệu ở Mỹ.

Trước những thông tin này, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Tòa Bạch Ốc John Kirby trước đó đã lên tiếng bác bỏ, đánh giá thông tin của Wall Street Journal là "không chính xác". Còn chính quyền Cuba thì phủ nhận xem đấy như là những lời "đồn thổi dối trá và không có cơ sở" không tuân thủ các chuẩn mực tối thiểu về thông tin.


Donald Trump Liên Tục Tấn Công Tư pháp Mỹ

-Hai ngày sau khi bị tư truy tố trong vụ lưu giữ tài liệu mật tại tư dinh, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 10/6/2023, tại hội nghị của đảng Cộng hòa tổ chức ở tiểu bang Georgia đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một cuộc săn lùng phù thủy.

Từ New York, thông tín viên của Loubna Anaki đài RFI tường thuật:

"Hơn một tiếng rưỡi của bài phát biểu, Donadl Trump dành đến hơn một giờ để nói về những rắc rối của ông với Tư pháp Mỹ. Cáo trạng gian lận từ Viện Công tố New York, cuộc điều tra về sự can dự của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, cuộc điều tra về vai trò của ông trong vụ tấn công đồi Capitol… và tất nhiên bản cáo trạng gần đây về việc sở hữu các tài liệu mật, tất cả những điều này đều được Donald Trump phản hồi.

"Ở đây không có tội ác", Donald Trump – như thường lệ, không ngần ngại tấn công các Thẩm phán và chính quyền – đã khẳng định như thế. Ông nói tiếp: "Bản cáo trạng này lố bịch và không có cơ sở. Việc buộc tội là do một Bộ Tư pháp trong tay chính quyền Biden tiến hành. Điều này sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vụ lạm quyền nghiêm trọng nhất ở Mỹ".

Cựu Tổng thống Mỹ, ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống 2024, đã phát biểu như thế tại đại hội đảng Cộng hòa ở tiểu bang Georgia. Ông khẳng định rằng ông là nạn nhân của một âm mưu chính trị.

Theo ông, "Biden đang cố tống đối thủ nặng ký nhất vào tù, giống y như những gì người ta làm tại Nga thời Stalin hay tại Trung Quốc Cộng sản! Chẳng có gì khác cả!"

Hôm qua, Donald Trump đã được hai trong số các đối thủ cạnh tranh cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ủng hộ. Đó là Mike Pence và Ron DeSantis, cả hai đều lên án một sự lạm quyền".


Tin Việt Nam Hôm Nay

***
Đức Quan Ngại Về Việc Bắt Giữ Nhà Hoạt Động Hoàng Thị Minh Hồng


(Hình: Bà Hoàng Thị Minh Hồng, 51, tuổi là một nhà hoạt động môi trường được nhiều người biết đến kể từ sau chuyến thám hiểm Nam Cực trở về hồi năm 1997.)

-Chính phủ Đức vừa qua cho biết Bá Linh quan ngại về việc Hà Nội cho bắt giữ nhà hoạt động môi trường năng nổ Hoàng Thị Minh Hồng tại Việt Nam.

Hàng tin ABC loan tin ngày 8/6 dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ quan ngại của Bá Linh về biện pháp của Hà Nội đối với bà Hồng và những nhà hoạt động khác. Theo Bộ Ngoại giao Đức đó là một tín hiện đáng báo động cho các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam; cũng như đối với công cuộc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Bộ Ngoại giao Đức cho rằng việc bắt giữ như thế là nghiêm trọng trong tình hình sắp sửa thực thi Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT) giữa Việt Nam và Nhóm các nước G7, Đan Mạch, Na Uy.

Thỏa thuận với cam kết 15,5 tỉ Mỹ kim nhằm giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng từ than sang các nguồn tái tạo. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, tại Hội nghị 26 Các bên Tham gia Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh Quốc) vào tháng 11/2021 cam kết đến năm 2050, Việt Nam sẽ đưa mức phát thải khí gây hiệu ứng ấm nóng toàn cầu về mức bằng không (zero).

Bộ Ngoại giao Đức nhắc lại rằng trong thỏa thuận với Việt Nam có ghi rõ việc cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi. Đây là yêu cầu của Bá Linh khi ký kết thỏa thuận.

Nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng (51 tuổi), vào đầu tháng Sáu vừa qua bị bắt giam theo cáo buộc "trốn thuế". Bà là người sáng lập kiêm Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận có tên CHANGE hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng cũng nổi tiếng vì là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997. Hồi năm 2019 bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Nhờ vào những thành tích đạt được, vào năm 2015, bà được tổ chức climateheroes.org đưa vào danh sách "Các anh hùng Khí hậu" nhân Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Vào năm 2019, bà là một trong năm người được trao giải Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019, và giải Chiến binh Xanh của Năm của giải Elle Style Awards.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động thứ năm bị bắt với cáo buộc "Trốn thuế" trong hai năm qua. Bốn người trước bà là Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh - khôi nguyên giải thưởng môi trường Goldman - được trả tự do trước thời hạn 5 tháng.


Việt Nam Tổ Chức Hội Nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu


(Hình: Đoàn 6 Giám mục Việt Nam tham dự khai mạc Đại hội FABC 50 tại Thái Lan.)

-Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) với chủ đề "50 năm FABC: Nhìn lại các văn kiện và áp dụng" đã diễn ra tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, giáo xứ Bãi Dâu trong 2 ngày 5 và 6/6/2023 vừa qua.

VietCatholic News loan tin trên trong ngày 8/6, nêu rõ, Hội nghị do Văn phòng Phát triển con người và Vụ Biến đổi khí hậu tổ chức nội dung; giáo phận Bà Rịa đăng cai, có sự tham gia của chín Tổng Giám mục và Giám mục, 15 Linh mục, hai nữ tu và 11 chuyên viên đến từ 11 quốc gia.

Theo tin, các tham dự viên đã hành hương đến Nhà thờ Mồ, nơi chôn cất thi hài của khoảng 300 nam tín hữu bị thiêu sống vì đức tin rạng sáng ngày 8/1/1862. Tại đây, đoàn hành hương đã tham dự Thánh lễ do Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn chủ sự.

Ngoài ra, trong 2 ngày hội nghị diễn ra, các tham dự viên cũng đã đi thực tế để tìm hiểu về đời sống địa phương cũng như tham dự buổi giới thiệu về nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam.

Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục đã trình bày với Hội nghị về lịch sử và số liệu của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam với chủ đề "Hành trình đức tin của Giáo Hội tại Việt Nam" và Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục đã chia sẻ về sinh hoạt của Giáo Hội tại Việt Nam trước những nhu cầu về đào luyện đức tin, bác ái xã hội, giới trẻ, đời sống đức tin và môi trường sống của người tín hữu.

Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Ánh Chức - Phó ban Tôn giáo Chính phủ, và ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đến chúc mừng và tặng quà các thành viên tham dự Hội nghị.


Kỷ Luật Buộc Thôi Việc Cựu Đại Sứ Việt Nam Tại Nhật Bản

(Hình: Ông Vũ Hồng Nam.)

-Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam đã bị kỷ luật buộc thôi việc do có khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác.

Quyết định buộc thôi việc đối với ông Nam do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký và được truyền thông loan trong ngày 9/6/2023.

Theo quyết định, ông Nam bị buộc thôi việc do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Hồng Nam được thực hiện từ ngày công bố quyết định 735 ngày 30/12/2022 của Ban Bí thư về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm. Trước đó, Ban Bí thư đã quyết định khai trừ Đảng đối với ông Vũ Hồng Nam.

Ông Vũ Hồng Nam được xác định là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Quyết định nêu rõ, vi phạm của ông Vũ Hồng Nam đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bất bình trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành ngoại giao.

Tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Vũ Hồng Nam liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.

Ông Vũ Hồng Nam sinh năm 1963 tại Nam Định. Vào năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở ngoại quốc.

Từ tháng 8/2018, ông Nam được bổ nhiệm làm Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.


Việt Nam Bắt 16 Nghi Can Trong Vụ Nổ Súng Tại Đồn Công An


(Ảnh: Một trong các nghi can bị bắt giữ.)

-Hôm Chủ Nhật (11/6/2023), Bộ Công an cho biết đã bắt giữ 16 nghi can trong vụ nổ súng tại đồn công an khiến một số cảnh sát và dân thường thiệt mạng hoặc bị thương.

Một nhóm người đã nổ súng tại đồn công an ở Ea Tiêu và Ea Ktur tại tỉnh Đắc Lắc vào sáng sớm Chủ Nhật, Bộ Công an cho biết trong một thông cáo, nhưng không nói rõ chính xác con số thương vong.

Bộ cho biết rằng những người thiệt mạng bao gồm 4 công an trong độ tuổi từ 30 đến 35, đồng thời cho biết thêm rằng những người thương vong khác bao gồm các viên chức chính quyền địa phương và dân thường.

Theo thông cáo, công an cũng đã giải cứu được 2 con tin trong vụ này, đồng thời cho biết thêm rằng một con tin khác đã tự trốn thoát được.

Bộ không cung cấp thông tin chi tiết về các nghi phạm và cho biết rằng công an đang tìm kiếm các nghi can khác.

Thông cáo trên trang web của chính phủ đã chia sẻ hình ảnh của một số nghi phạm bị còng tay cũng như hình ảnh súng trường và dao của các nghi can này.

Truyền thông nhà nước đưa tin trước đó hôm Chủ Nhật rằng 5 trong số những người bị bắt đến từ tỉnh Đắc Lắc và người còn lại đến từ tỉnh Gia Lai lân cận, cả hai đều ở Tây Nguyên, vùng trồng cà-phê lớn nhất của Việt Nam.

Hiện chưa rõ liệu các nghi phạm có thuộc một nhóm chính trị nào hay không.

Vào năm 2020, một tòa án Việt Nam đã kết án 20 người với mức án từ 2 đến 24 năm tù về tội khủng bố, sau khi kết luận họ có tội liên quan đến vụ đánh bom đồn công an.


Bộ Công Thương Bắt Đầu Thanh Tra EVN; Miền Bắc Có Thể Giảm Cắt Điện Sau 13/6


(Hình: Công nhân điện tại một nhà máy thuỷ điện ở Gia Lai hồi năm 2006.)

-Bắt đầu từ hôm 10/6/2023, đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương sẽ khai triển thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN về việc quản lý và cung ứng điện.

Đại diện Bộ Công thương cho truyền thông hay tin trên đồng thời tiết lộ, thời gian thanh tra phải xong trong 30 ngày, do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trực tiếp chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, để xảy ra tình trạng thiếu điện trong những ngày vừa qua dù bất kỳ lý do gì cũng cần phải làm rõ nguyên nhân, để tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Qua đó, ông Diên yêu cầu đoàn thanh tra phải làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Trong cùng ngày, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho hay công suất nguồn điện miền Bắc sẽ được cải thiện, đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW. Trong đó, một số tổ máy nhiệt điện bị trục trặc (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được giải quyết, khắc phục để vận hành trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, cho biết tổ máy số 2 của nhà máy khởi động lại từ hôm 10/6, cấp cho miền Bắc khoảng 13 triệu kWh một ngày.

Theo kế hoạch, nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ ngày 13/6, miền Bắc có thêm 20 triệu kWh điện mỗi ngày sau khi hai tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2 vận hành, giúp giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại đây.

Tuy vậy, thực tế trong ngày 10/6, Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết toàn tỉnh tiếp tục có hàng trăm khu vực bị mất điện. Ngoài sửa chữa, bảo dưỡng đường dây điện, trạm biến áp thì lý do chính phải cắt điện là do thiếu điện.

Tại Hải Phòng, trong ngày 10/6, vẫn có nhiều khu vực dân cư ở các huyện An Dương, Thủy Nguyên, Kiến An và quận Hồng Bàng mất điện, có nơi mất điện kéo dài từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.

Bộ Công thương cho hay miền Bắc sẽ thiếu 30,9-50,8 triệu kWh một ngày, và nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo các hồ thủy điện còn "khát" nước trong 10 ngày tới khi lưu lượng nước về hồ rất thấp.


Vắc-Xin Phòng Dịch Tả Heo Đầu Tiên Sắp Được Chuẩn Thuận Tại Việt Nam



(Hình: Cán bộ thú y đang kiểm tra dịch bệnh trên đàn lợn.)

-Vắc-xin phòng dịch tả heo Phi Châu đang được thử nghiệm tại Việt Nam sắp được chuẩn thuận. Khi vắc-xin này được chuẩn thuận để sử dụng thì đó là một bước tiến lớn giúp giải quyết dịch tả heo Phi Châu.

Thông tấn xã Reuters vừa qua phỏng vấn ông Gregorio Torres, chuyên gia trưởng bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới (WOHA) và được cho biết như vừa nêu.

Theo vị chuyên gia này, sau nhiều thập niên thất bại do mức độ phức tạp của vi-rút gây dịch tả heo Phi Châu, hai loại vắc-xin do chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nghiên cứu phát triển, rồi thử nghiệm tại Việt Nam cho thấy khả năng "rất hứa hẹn".

Một Phát ngôn nhân Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Bộ này đã rà soát kết quả của loại vắc-xin có tên NAVET-ASFVAC được phía Mỹ và Công ty Việt Nam NAVETCO cùng nghiên cứu phát triển. Qua thử nghiệm, vắc-xin chứng tỏ có hiệu quả cao và không gặp vấn đề gì về an toàn.

Loại thứ hai có tên AVAC ASF LIVE chưa được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ rà soát về hiệu quả và tính an toàn.

Suốt nhiều năm qua dịch tả heo Phi Châu gây tác động đến ngành công nghiệp thịt heo trên thế giới với trị giá chừng 250 tỉ Mỹ kim. Đợt dịch bùng phát mạnh hồi năm 2018-2019 khiến phân nửa số heo tại Trung Quốc chết vì dịch này; gây thiệt hại hơn 100 triệu Mỹ kim. Trung Quốc là nhà cung cấp thị heo lớn nhất toàn cầu.

Hồi tháng 6/2019, Việt Nam thông báo phải tiêu hủy gần ba triệu con heo tại 60 tỉnh, thành vì nhiễm dịch tả heo Phi Châu.


Đồng Nai: Khởi Tố 19 Bác Sĩ, Dược Sĩ, Nhân Viên Y Tế Trong Vụ Trục Lợi Bảo Hiểm


(Hình: CA khám xét tại phòng khám Tân Long.)

-Năm Bác sĩ cùng 14 Dược sĩ, nhân viên y tế và những người môi giới làm giả giấy tờ tại các phòng khám ở Biên Hòa, Đồng Nai để trục lợi Bảo hiểm đã bị khởi tố.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa trong ngày 10/6 được truyền thông loan, đã ra quyết định khởi tố 19 người nêu trên để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, năm Bác sĩ bị khởi tố là Trưởng, Phó và Bác sĩ chuyên khoa tại các phòng khám trên địa bàn thành phố Biên Hòa gồm: Ngô Chí Luận (Trưởng phòng khám Đa khoa Tân Long, phường Long Bình Tân); Đỗ Vũ Tân (Trưởng phòng khám Đa khoa Long Bình Tân); Phạm Nguyễn Xuân Giang (Trưởng phòng khám Đa khoa Hiền Phước); Võ Khánh Hòa (Phó phòng khám Đa khoa Tam Đức) và Trần Văn Duẩn (Bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Mỹ Đức).

Trước đó, trong sáng 30/5, Công an thành phố Biên Hòa đã khám xét 6 phòng khám trên địa bàn thành phố Biên Hòa và thu giữ hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, hàng trăm thùng tài liệu, hơn 40 CPU máy điện toán cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Qua điều tra, công an xác định các chủ phòng khám trên đã chỉ đạo các nhân viên cấu kết với người ngoài làm giả các loại giấy tờ như: Giấy khám sức khỏe, giấy nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội bán cho nhiều người để trục lợi. Cơ quan công an xác định, hành vi trên đã gây thất thoát số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất lớn.


Gia Lai: Đề Nghị Truy Tố Nguyên Giám Đốc Cùng 2 Cán Bộ Sở Nội Vụ Tỉnh


(Hình: Sở Nội vụ Gia Lai.)

-Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Công an tỉnh Gia Lai cho truyền thông hay trong ngày 9/6/2023 đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố ông Tâm. Cùng bị truy tố về cùng tội với ông Tâm còn có ông Nguyễn Đình Trúc, Phó văn phòng Sở Nội vụ và ông Hồ Quang Thi, nguyên kế toán trưởng, bị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

Theo kết quả điều tra của Công an, Sở Nội vụ Gia Lai trong quá trình thực hiện gói thầu Nhập dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức (thuộc Dự án Xây dựng nhu liệu điện toán và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức) đã không bảo đảm tiến độ. Vào đầu năm 2017, ông Tâm cùng thuộc cấp đã lập khống hồ sơ rút vốn đầu tư số tiền hơn 575 triệu đồng.

Sau đó, ông Huỳnh Văn Tâm và lãnh đạo Văn phòng Sở Nội vụ đã thực hiện giao dịch ủy nhiệm chi và bị Hồ Quang Thi nhiều lần rút, chiếm đoạt trên 540 triệu đồng để tiêu xài cá nhân rồi nghỉ việc. Nguồn tin không nói rõ tại sao Cơ quan Cảnh sát Điều tra phát giác sự việc. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, ông Thi bị bắt tạm giam.

Đến tháng 4/2022 ông Tâm bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Sau quá trình xác minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã thay đổi tội danh của ông Tâm thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng ông Nguyễn Đình Trúc mới bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú thời gian gần đây.


Cục Phó Cục II và 5 Công Chức Thanh Tra Chính Phủ Chịu Kỷ Luật Vì Tham Nhũng


(Ảnh: Trụ sở Thanh tra Chính phủ Việt Nam.)

-Cục phó Cục II, Thanh Tra Chính phủ Việt Nam - ông Lê Quốc Khanh, và 5 công chức cao cấp trong ngành bị kỷ luật cho thôi việc do vi phạm quy định về phòng/chống tham nhũng, tiêu cực.

Truyền thông Nhà nước ngày 11/6/2023 loan tin dẫn quyết định do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Lê Sỹ Bảy, ký về biện pháp vừa nêu.

Cụ thể ngoài ông Lê Quốc Khanh, 5 công chức khác cũng bị kỷ luật thôi việc gồm các ông Nguyễn Nho Định- Thanh tra viên Cục II; Hoàng Văn Xuân - Thanh tra viên chính Cục II; Trần Văn Tuấn - Thanh tra viên cao cấp Vụ II; Trương Việt Hưng - Thanh tra viên chính Vụ II; và Nguyễn Duy Phương - Thanh tra viên chính Vụ II.

Theo quyết định kỷ luật, 6 viên chức cấp cao ngành Thanh tra bị kỷ luật vừa nêu “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan Thanh tra Chính phủ.”

Tin không nêu rõ cụ thể những sai phạm của sáu người bị kỷ luật vừa nêu.

Cục II là Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 gồm các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Cục II là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước và trực tiếp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các địa phương thuộc khu vực này.

Vụ II là đơn vị thuộc Thanh Tra Chính phủ phụ trách giải quyết các khiếu nại, tố cáo KHối Nội chính và Kinh tế Tổng Hợp.


VinFast Giới Thiệu Dòng Xe Điện Mini 2 Cửa


(Hình: Mẫu xe 2 cửa VF3.)

-Hãng VinFast của Tập đoàn Vingroup vừa chính thức giới thiệu dòng xe diện mini 2 cửa cho thị trường Việt Nam.

Mạng báo Nikkei Asia loan tin ngày 9/6/2023 dẫn thông báo của VinFast về việc công bố như vừa nêu. Theo đó xe điện tinh gọn dạng giống xe jeep 5 chỗ ngồi này chỉ dài 3,1 mét; trong khi loại xe tinh gọn thường có chiều dài trung bình 4 mét.

Dòng xe này có tên VF3 và sẽ được giao cho khách hàng đặt mua vào quý III sang năm (2024). VinFast cũng giới thiệu dòng xe này có giá mà đông đảo người dùng có thể tiếp cận được. Mức giá bao nhiêu chưa được cho biết.

Trong thời gian qua, VinFast thông tin tập trung nhắm vào thị trường Hoa Kỳ và có kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại đó. Tuy nhiên vào cuối tháng 5/2023, VinFast rút đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã nộp trước đó vào tháng 12/2022 tại Mỹ, và dự định nộp đơn mới sau khi sáp nhập với Black Spade.

Hôm 12/5 vừa qua, VinFast và Black Spade đã công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Sau sáp nhập, công ty hợp nhất sẽ có giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỉ Mỹ kim. Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỉ Mỹ kim, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu Mỹ kim tiền mặt tín thác.

Theo thông tấn xã Reuters, ngoài mức định giá cao quá mức, điều thất vọng nhất từ thỏa thuận mới là số tiền nhỏ nhoi được Black Spade bơm vào qua thỏa thuận SPAC là 169 triệu Mỹ kim với điều kiện là không có nhà đầu tư nào rút ra.

Tiếp đó cũng theo tin Reuters hồi ngày 25/5, VinFast phải thu hồi lô xe điện đầu tiên xuất sang Mỹ hồi năm 2022 vì lý do an toàn liên quan đến lỗi nhu liệu điện toán do cảnh báo của giới chức Mỹ. Cụ thể Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) cho biết lô 999 xe VF 8 của VinFast có lỗi nhu liệu điện toán trên màn hình hiển thị để báo người lái thông tin trong trường hợp có tuyết và có nguy cơ bị đâm va.

Hơn 700 xe trong số 999 chiếc xe đầu tiên xuất sang Mỹ hiện vẫn còn nằm trong tay của VinFast và chưa được chuyển tới khách hàng, theo ước tính của NHTSA.


Hai Hãng Trung Quốc Cân Nhắc Đầu Tư Lớn Vào Việt Nam


(Hình: Một đập thủy điện tại Việt Nam.)

-Hai hãng chuyên sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu Mỹ kim tại Việt Nam.

Thông tấn xã Reuters loan tin độc quyền vào ngày 8/6/2023 dẫn nguồn chính phủ và người trong ngành công nghiệp liên quan như vừa nêu. Cụ thể, tổng giá trị đầu tư của cả hai hãng sản xuất kết hợp lại có thể vượt mức 1 tỉ Mỹ kim.

Hai hãng được cho biết gồm Hithium Energy Storage Technology và Growatt New Energy.

Hithium có trụ sở chính tại Thành phố cảng Hạ Môn và là đơn vị khởi nghiệp đang mở rộng hoạt động tại Âu Châu, Hoa Kỳ. Một nguồn tin mà thông tấn xã Reuters có được cho biết hãng này đang tiếp cận với giới chức chính phủ và ngành công nghiệp liên quan bàn việc xây dựng một nhà máy trên diện tích 30 ha với tổng vốn đầu tư có thể lên đến 800 triệu Mỹ kim. Trong khi đó một nguồn khác lại nói khoản đầu tư đang được xem xét là ít nhất 500 triệu Mỹ kim.

Growatt New Energy là hãng đang thuê một nhà máy tiền chế tại Việt Nam cũng có kế hoạch chi 300 triệu Mỹ kim để xây nhà máy trên diện tích 15 ha trong một khu công nghiệp.

Growatt chưa trả lời của thông tấn xã Reuters yêu cầu bình luận về thông tin vừa nêu.

Việt Nam được đánh giá là thị trường đang tiềm năng cho năng lượng tái tạo vào khi ngành sản xuất đang phải chật vật trước tình trạng mất điện thường xuyên do mạng lưới điện yếu kém.

Thông tin mới nhất từ truyền thông Việt Nam vào ngày 9/6 cho biết hiện có một số hồ thủy điện ở mực nước chết gồm Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ, Trị An. Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không bảo đảm gồm Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công thương, ông Trần Việt Hòa, vào ngày 9/6, được truyền thông nhà nước dẫn lời rằng công suất khả dụng của tất cả nguồn điện ở miền Bắc Việt Nam, kể cả điện nhập cảng, là từ 17.500 đến 17.900 MW; trong khi đó như cầu sử dụng là khoảng 23.500 đến 24.000 MW.

Vào ngày 8/6, Bộ Công thương Việt Nam cho thành lập Đoàn Thanh tra Chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.

Sang ngày 9/8, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đoàn Thanh tra vừa được thành lập.


Khối ASEAN Sẽ Tiến Hành Diễn Tập Chung Đầu Tiên Tại Biển Đông


(Hình: đợt diễn tập quân sự của ASEAN tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông ngày 23/10/2018.)

-Các lực lượng vũ trang của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiến hành hoạt động diễn tập chung đầu tiên tại Biển Đông dự kiến vào tháng 9/2023 tới đây.

Thông tin vừa nêu do Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Dương, Đô đốc Yudo Margono, đưa ra vào ngày 7/6. Theo đó chỉ huy quân sự của các nước ASEAN và Timor Leste đã đồng ý về việc tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung ở khu vực biển Bắc Natuna, quần đảo Riau, thuộc Biển Đông. Hoạt động này sẽ có tên Diễn tập Đoàn kết ASEAN (ENatuna) hay Asec01N.

Hoạt động diễn tập được cho biết sẽ chú trọng vào an ninh hàng hải và cấp cứu (SAR) cũng như các dịch vụ xã hội ở khu vực Natuna.

Vào hai ngày 7 và 8 tháng năm vừa qua, Hải quân các nước ASEAN và Ấn Độ cũng tiến hành đợt diễn tập đầu tiên tại khu vực Biển Đông- AIME-2023.

Khi hoạt động này đang diễn ra, tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã vào khu vực mà Hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN diễn tập tại Biển Đông.

Thông tấn xã Reuters dẫn lời một chuyên gia độc lập Việt Nam nhận định rằng dường như Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng dân quân biển để dọa dẫm và gây gián đoạn đợt diễn tập.


Đời Sống Quanh Ta

Đang Có Một 'Đại Dịch' Súng Đạn ở Mỹ
(Vỏ Ngọc Ánh)


(Hình: Tuần hành kêu gọi kiểm soát súng tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, tháng 1/2013.)

-Hoa Kỳ cùng thế giới đã bước ra khỏi đại dịch Covid 19, nhưng 'đại dịch súng đạn' ở Mỹ vẫn chưa kết thúc.

Thêm một vụ xả súng vào chiều muộn ngày 6/6/2023 ở bờ Đông, tại Richmond, Virginia, sau buổi lễ tốt nghiệp Trung học, làm chết tại chỗ 2 người và khiến 5 người khác bị thương.

Vụ xả súng mới nhất này đưa số vụ xả súng ở Mỹ từ đầu năm đến nay lên 279 vụ.

Theo trang web trực tuyến phi lợi nhuận về bạo lực súng đạn có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, tính đến thời điểm này, nước Mỹ có 18.550 người bị chết vì súng đạn và làm 15.571 người bị thương.

Trong số những người chết có 780 em tuổi từ 17 trở xuống và ở độ tuổi này có hơn 2.000 bị thương. Trong khi đó, từ đầu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine tính đến nay mới chỉ có 535 trẻ em Ukraine thiệt mạng vì các loại vũ khí của người Nga bắn ra. So sánh này để thấy nỗi đau của các gia đình và xã hội Mỹ vì súng đạn là vô cùng lớn.

Nước Mỹ Đang Có Đại Dịch Súng Đạn

Hoa Kỳ cùng thế giới đã bước ra khỏi đại dịch Covid 19, nhưng 'đại dịch súng đạn' ở Mỹ vẫn chưa kết thúc.

Số vụ xả súng ở Mỹ gia tăng đáng lo ngại trong những năm trở lại đây: Năm 2018 có 336 vụ, sang năm 2019 có 415 vụ, qua năm 2020 có 610 vụ, đến năm 2021 có 690 vụ, và năm 2022 có 646 vụ.

Trường học, bệnh viện, văn phòng, khu mua sắm, đường phố, công viên, gõ cửa nhầm nhà… chẳng còn nơi đâu an toàn trước việc súng đạn được bán tràn lan và dễ dàng có được chúng.

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden không ngừng nhắc lại, "Bạo lực súng đạn ở Mỹ là một dịch bệnh". Nhìn vào số vụ xả súng trong suốt thời gian qua và nạn nhân của súng đạn thì nhận định này không quá.

Dù không có chiến tranh, nhưng mỗi năm súng đạn vẫn giết nhiều chục ngàn người Mỹ. Theo thống kê, năm 2021, nước Mỹ có gần 49 ngàn người ở Mỹ bị chết vì súng đạn. Trong khi đó, số người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ năm 2021 thấp hơn 6 ngàn.

Con số này trong năm 2022 có đảo ngược, nhưng số người chết vì súng đạn ở Mỹ vẫn ở mức là 43,7 ngàn người.

So sánh với số lính Mỹ chết trong hai cuộc chiến gần đây mà nước Mỹ trực tiếp tham gia. Có 2.401 lính Mỹ chết trong 20 năm tham chiến tại A Phú Hãn và 4.550 lính Mỹ chết khi tham chiến ở Iraq.

Thời điểm hiện tại, nước Mỹ có khoảng 337 triệu người, nhưng có hơn 460 triệu khẩu súng. Tỷ lệ súng trên dân ở Mỹ cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Càng đáng lo ngại, doanh thu các loại súng tấn công tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây.

Nước Mỹ Chia Rẽ Vì Súng

Và hậu quả là hàng chục ngàn cái chết oan ức, vô nghĩa vì súng đạn vẫn cứ tiếp diễn và nước Mỹ thêm chia rẽ vì súng đạn.

Các Dân biểu, đại diện các đảng phái dùng việc sở hữu, hoặc kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn để kiếm phiếu, tranh thủ cử tri.

Trong khi đảng Dân chủ muốn siết chặt hơn về việc sở hữu súng đạn thì đảng Cộng hòa vẫn muốn hiểu và bảo toàn Tu chính án số 2. Một quyền được xác lập từ hơn 234 năm trước theo một cách cực đoan của thời khai phá và lập quốc, khi dân Mỹ còn đối mặt với mọi loại kẻ thù xung quanh.

Dù nước Mỹ hôm nay với thiết chế, tổ chức nhà nước, xã hội có nhiều thay đổi, không còn là một nhà nước lỏng lẻo, mà đó là một nhà nước mạnh về mọi mặt.

Xét về kỹ thuật vũ khí hiện nay là một trời một vực so với thời điểm Tu chính án số 2 hình thành. Lúc đó, ở thế kỷ 18, chỉ có súng kiểu hỏa mai có tốc độ bắn chậm, độ sát thương không cao. Ngày nay, kỹ thuật vũ khí phát triển cho ra lò những khẩu súng hạ gục đối phương nhanh nhất trên chiến trường với tốc độ bắn hàng chục đến hàng trăm lần nhả đạn mỗi phút.

Những khẩu súng hiện đại tưởng chừng như chỉ dùng trong quân đội, trên chiến trường này lại được bày bán một cách công khai, dễ dàng mua được trong các siêu thị, cửa hiệu bán súng đạn hiện diện trên khắp nước Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy, AR-15 là khẩu súng giết nhiều nạn nhân nhất trong các vụ xả súng ở Mỹ.

Nhiều tiểu bang của nước Mỹ muốn có luật để kiểm soát tốt hơn để các loại súng tấn công không được phép bán, cũng như kiểm tra lý lịch được phép mua súng một cách nghiêm ngặt hơn.

Mới đây ngày 25/4 vừa rồi, ông Jay Inslee, Thống đốc tiểu bang Washington, nơi tôi đang sống đã ký một bộ 3 Dự luật nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn, gồm: Dự luật cấm bán một số loại súng trường có độ sát thương cao như R15, M 16…, Dự luật áp đặt thời gian chờ 10 ngày đối với việc mua súng và Dự luật dọn đường cho các vụ kiện chống lại các nhà sản xuất súng cũng như nơi bán trong một số trường hợp.

Tiểu bang Washington là một trong 9 tiểu bang ở Mỹ gần đây đã ra thêm luật để kiểm soát súng đạn tốt hơn. Những điều luật này không phải tước súng khỏi người dân mà chỉ là không cho phép bán các loại súng tấn công, kiểm tra lý lịch kỹ hơn…. Các tiểu bang có luật kiểm soát súng đoạt nghiêm ngặt hơn thường do đảng Dân chủ kiểm soát.

Vì Dân Chủ Nên Cần Phải Có Súng?

Tại Mỹ, không khó để bắt gặp một người nào đó đeo súng khi vào siêu thị, dạo trong công viên….

Trên các trang Facebook, group của người Việt ở Mỹ tôi thường xuyên thấy những cảnh báo, khu mua sắm này, chỗ kia đang có bắn nhau, hoặc mới xảy ra bắn nhau, cẩn thận khi đến đó để không nguy hiểm.

Với lý do bảo vệ, nhưng thực tế việc người dân được phép sở hữu súng đạn ở Mỹ gây ra nhiều nguy hiểm cho xã hội hơn.

Không ít người Việt tôi quen biết đã khoe về việc sở hữu súng. Thứ mà ở Việt Nam và đa số các quốc gia khác trên thế giới không dễ gì được phép có. Ngoại trừ các quốc gia đang có chiến tranh.

Thích súng, sở hữu súng, nhưng liệu những người Việt có thật sự hiểu được lịch sử việc sở hữu vũ khí cá nhân ở Mỹ? Hay chỉ xem đó là món đồ trang trí, thể hiện sự mạnh mẽ, nam tính… và biện minh cho xứ dân chủ cần có súng.

Anh Cường, sống tại Mỹ hơn 30 nay, nói với tôi về việc sở hữu súng, vì ở Mỹ là nước dân chủ nên cần phải có súng để bảo vệ bản thân và gia đình.

Một người Việt mà tôi quen biết tên Nhật lại cho rằng, ở Mỹ người ta lịch sự với nhau nhờ quyền sở hữu súng. Bởi không ai biết người kia có súng hay không, nếu không lịch sự sẽ bị xử bằng súng.

Cả hai nhận thức về việc sở hữu súng đều không ổn. Nó làm cho người nghe có cảm giác như Hoa Kỳ là quốc gia không có chính quyền, không có luật pháp… một xã hội còn hoang dã, lý lẽ do súng chi phối.

Hơn 400 triệu khẩu súng đang tạo ra những cái chết lởn vởn, lượn lờ trên đầu mỗi người dân Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét