Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Donald, Hunter và “chủ nghĩa thế còn...?“ - BS Trần Văn Tích


Dịch tài liệu Canada “Donald, Hunter et le ‘whataboutism“, bản phân tích của Frédéric Arnould, phổ biến ngày 21 tháng 6, 2023 lúc 10:00 giờ Từ khi Hunter Biden nhận tội trong những vụ khai thuế không quan trọng và trong vụ mua sắm một khẩu súng vào giai đoạn anh ta còn nghiền ma tuý thì những người cộng hoà, đứng đầu là Trump, tố cáo rằng nền công lý đang xử sự thiên vị về phe cánh Biden trong khi lại chăm chăm truy tố cựu tổng thống, theo họ. Chẳng những chỉ so sánh cam với táo, họ cho thấy một cung cách sử dụng chiến thuật quen thuộc gọi là “whataboutism“.
<!>
Đây là một hình thức gian kế nhằm lái sự chú ý đi hướng khác, thường từng được bọn Nga xô sử dụng khi bọn chúng bị công kích vì vi phạm quyền làm người. Khi Moscou bị trách cứ vì đối đãi tàn ngược đối với tù nhân trong các trại tù goulag ở Sibérie thì đám Xô viết trả lời bằng những câu hỏi có sẵn : “Vậy Mỹ xử sự ra sao với dân da đen? Còn các vụ xử tội do đám đông trong quá khứ thì sao? Còn những vụ hạ ngục bất công hiện thời thì sao?“.

Nói gọn lại, “whataboutism“ (chủ nghĩa vậy chớ..., chủ nghĩa thế còn...“) nhằm chuyển hướng vấn đề đang được chú ý và tránh không trực tiếp đề cập đến vấn đề liên hệ qua xoay sự chỉ trích về phía người chỉ trích với chủ đích bôi nhọ kẻ đối thoại là đạo đức giả.

Ví dụ khi chế độ Trump bị chỉ trích thì những người cộng hoà bèn hỏi ngược lại : “Thế còn cái máy vi tính xách tay của Hunter Biden?“ “Và các thông tin điện tử của Hillary Clinton?“.

Hoặc trong vụ tấn công điện Capitole ngày 6 tháng giêng năm 2021 hay những toan tính của Donald Trump để huỷ bỏ vụ bầu cử năm 2020 : “Vậy chớ các vụ rối loạn dân sự năm 2020 thì sao?“; với ý định ám chỉ những vụ biểu tình tiếp theo vụ sát hại George Floyd đưa đến sự xuất hiện của phong trào Black Lives Matter.

Những kiểu so sánh khập khiểng như vậy sụp đổ ngay tức khắc khi khách bàng quan phân tích các luận điệu phản bác què quặt. Tuy nhiên, mục đích của các thành phần sử dụng biện pháp đang bàn không phải là so sánh hữu lý mà chỉ nhằm làm rối mù cuộc đối thoại.

Những đảng viên cộng hoà trở thành chuyên viên

Kỹ thuật đánh lạc hướng vốn vẫn được nhiều chính trị gia sử dụng đã trở thành đặc quyền của đảng viên cộng hoà từ mấy năm nay. Thời đại Trump tất nhiên không xa lạ với chiến thuật này.

Vụ kết tội Trump lưu giữ những tài liệu của chính phủ đưa đến những chuyện luận tội sai trái tương đương nhằm vào đối thủ chính của Donald Trump, đảng viên dân chủ Joe Biden, cùng với chuyện được xem là nhúng tay vào quyết định của bộ tư pháp Hoa Kỳ.

Các đảng viên cộng hoà, bao gồm cả nhóm vận động bầu cử của cựu tổng thống Trump cùng với đối thủ của tổng thống trong vụ chạy đua, thống đốc tiểu bang Florida, Ron DeSantis, lập tức kết tội bộ tư pháp là đã tung ra một “âm mưu“ sau khi kết án Trump, nhằm tạo cảm tưởng là nền hành chánh Biden cũng áp dụng một chính sách tương tự đối với Hunter Biden.

“Hôm nay rõ ràng là có hai hệ thống công lý ở hai tốc độ khác nhau, một dành cho phe dân chủ và một dành chống tổng thống Trump“, Steven Cheung, phát ngôn viên của tiểu ban vận động ứng cử của Trump tuyên bố như vậy. “Như tổng thống Trump đã tiên đoán vào đầu tháng, Hunter được hưởng chế độ pháp lý ưu đãi nhằm quét dọn các tội phạm của anh ta trong mục đích can thiệp vào vụ bầu cử năm 2024.“ Toán vận động luôn luôn cường điệu như vậy trong tất cả các thông cáo.

Vậy chúng ta hãy nói về đối xử ưu ái. Khi bị bắt giữ và lên án ở Miami trong khuôn khổ vi phạm an ninh quốc gia liên quan đến các tài liệu mật, Donald Trump đã không bị giữ thẻ căn cước và cũng không phải đóng tiền tại ngoại hầu cứu. Nếu một người dân thường nào đó mà đối diện với những tội trạng bị truy tố nhhư Trump thì chúng ta có thể đánh cuộc là đương sự đã bị đối xử khác hẳn.

Phe cộng hoà cho rằng bộ tư pháp đứng về phe Biden trong vụ tài liệu bí mật an ninh quốc phòng được tìm thấy tại tư gia Joe Biden. Chẳng những họ cho rằng đã có hiện tượng công lý bị “vũ khí hoá“ (weaponization), họ còn bảo là đã có sự kiện săn lùng phù thuỷ đối với Trump, trong khi tổng thống Biden thì không hề bị như thế. Nhưng họ quên mất rằng ngay cả Mike Pence cũng đã được minh oan, tuy nhiên vấn đề này không được đếm xỉa trong cung cách lập luận bán buôn của họ.

Lại phải nói thêm là cả Mike Pence và Joe Biden đều đã cùng nhau thỉnh cầu FBI đến khám xét nhà riêng của họ để kiếm tài liệu trong khi Donald Trump thì lại tìm mọi cách để giữ các tài liệu liên quan làm của riêng và hơn nữa, còn để cho những người ngoài có cơ hội đọc những tài liệu bí mật và tối mật tại tư gia ở Florida.

Đúng, nhưng Hunter trong tất cả những chuyện vừa kể?

Từ hôm thứ hai, các đảng viên cộng hoà đẩy mạnh chiến dịch “whataboutism“ qua hứa hẹn rằng họ sẽ tiếp tục điều tra cậu Hunter Biden nhằm thiết lập một mối dây liên hệ cha-con với thân phụ của cậu. Có nhiều chuyện lắm : cái máy vi tính xách tay của Hunter, những vụ gọi là thương thảo trong hậu trường, những vụ nhận tiền được suy đoán của các cơ sở kinh doanh tàu cộng, một vụ được coi như xì-căng-đan trong đó gia đình Biden nhận hàng triệu đô-la tiền hối lộ của một doanh nhân người Ukraine.

Không phải chỉ mới vài hôm đâu, từ nhiều năm nay rồi cơ. Nhưng cho tới nay, không hề có văn bản tố cáo nhào được đệ nạp cả.

Trong một dịp hội đàm với chủ tịch tiểu ban giám sát Hạ viện James Comer, người dẫn chương trình hãng Fox News là Bill Hemmer đã hỏi vị dân biểu cộng hoà về những tin tức liên quan đến kết quả điều tra lâu ngày dính dáng tới Joe Biden, nhất là về vụ ức đoán là Joe Biden đã nhận ba triệu đô-la sau khi rời chính quyền Obama.

“Ông đã nhúng tay vào vụ đó vào một lúc nào đó. Ông đã nói về những gì họ đã làm nhằm đổi lấy khoản hiện kim được đề cập. Vậy giờ Ông có câu trả lời không?“; Ông Hemmer đã hỏi như thế. “Tôi không có“, ông Comer trả lời. Và người dẫn chương trình của Fox News kết luận : “Đã năm năm rồi và chúng ta đạt được kết quả gì? Năm năm, điều tra lâu dài đấy chứ...“.

Đúng rồi, nhưng còn Trump?
Trong thời gian đó không ai nghe các đảng viên cộng hoà vừa kể lên tiếng bênh vực cung cách Trump đã quản lý các hồ sơ mật hay tối mật. Và Trump thì tiếp tục chuyền thêm đạn dược cho các biện lý, chưởng lý của vụ án các tài liệu mật và tối mật qua ngày này ngày khác tự mình kết tội mình với những lời tuyên bố bốc hoả, không ăn khớp và rõ ràng là rối loạn.

Cuộc hội kiến súc tích do Brett Baier của Fox News tiến hành chiều ngày thứ hai đã cung cấp nhiều ví dụ tốt cho tình huống hiện nay, một tình huống khiến các luật sư của cựu tổng thống phải vò đầu bứt tóc.

Kiểu cách “whataboutism“, vốn tìm cách điểm danh kẻ khác để chuyển hướng truy tố tội phạm sang một đối tượng khác nhằm tránh né tình trạng phạm pháp của bản thân, trông giống như tình cảnh trẻ con hành động khi bị bắt quả tang đang cho tay vào hũ kẹo.

Thời điểm tiềm thế 14 tháng tám liên quan đến khởi đầu vụ án xử Trump vì vụ hồ sơ quốc gia mật và tối mật cùng với những lời tố cáo xoay quanh bản luận tội can thiệp vào kết quả bầu cử ở Georgie cũng sẽ được công bố cho dư luận biết vào thời gian đó, là những cơ hội thuận tiện để cho thiên hạ tha hồ mạnh ai nấy được chuyển hướng khỏi cái hũ kẹo.

22.06.2023

Frédéric Arnould
Radio-Canada.ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét