Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

Bờ sông trăng lặn - VŨ NGỌC GIAO


Ai đi qua cũng bảo xóm Dinh buồn, chiều chạng vạng xóm Dinh đã im lìm như ngủ, nhà nào nhà nấy tối om, leo lét ngọn đèn vàng ệch. Bao nhiêu đời rồi không ai còn nhớ nữa, rẻo đất bỏ hoang đầu xóm trên có cái miếu thờ hoang lạnh, vòm tre đan võng xuống như lòng chảo, mỗi khi gió thổi qua lá tre rào rào trút như mưa. Trai gái xóm Dinh lớn lên rủ nhau xa xứ, đi rồi chẳng mấy ai về, chỉ người già ở lại vào ra ngơ ngác, đến tiếng vịt cạp cạp dưới ao cũng hiu hiu buồn, tiếng chó ẳng trong đêm cũng nghe như khóc.
<!>
Xóm Dinh cận sông, ngày trước tấp nập ghe thuyền vào ra, giờ chưa hết buổi đã thưa người, còn mỗi con đò của cụ Mương ngày cũng như đêm dập dềnh bên cây sào neo. Cụ Mương sống một mình trong lều cỏ bên sông, coi đò cũng là nhà, lúc vắng khách cụ lại làm cút rượu lên đò hát nghêu ngao, mặc đò trôi, cụ cứ uống. Nghe ai gọi “đò” cụ lại bật dậy nhổ neo. Nắng chiều tắt sớm, đường làng vắng hoe, bãi bói ven sông mới năm ngoái còn rậm rịt giờ thoáng đãng hẳn. Năm nào có lụt lớn nước ở xóm Dinh cũng lên đến mái. Năm rồi người làng phá bãi bói cơi rộng những biền dâu.

Ngần rướn người nhấc bàn chân nặng trịch đang lún trong bùn, bên mé nước xăm xắp đàn cá nhỏ mắc cạn giãy búng tanh tách, cô gỡ đám cỏ khô, đợi con cá cuối cùng bơi ngược ra sông. Qua đoạn ngã ba bùn càng lầy, Ngần dừng lại xắn ống quần cao quá gối, luồn tay cột mớ tóc dài lưng lửng, tiếc rẻ nhìn đoạn đường lầy bùn vừa lội qua, chiều nay không đi lối sông này giờ cô đã về đến nhà. Bên mé nước có tiếng hát khàn khàn cất lên “Đò trăng cắm giữa sông vắng, gió đưa câu ca về đâu, nhìn xuống đáy nước sông sâu… ừ ư ứ ừ ư…” bên cây sào neo con đò dập dềnh trong tiếng nước lóc bóc, cụ Mương nằm phểnh, chân gác lên mái chèo nghêu ngao. Ngần lắng nghe, hát một đoạn cụ lại ư ử đệm theo. Chạng vạng, làn khói lam bay lên lơ phơ từ những nếp nhà, ngoài đồng xa tiếng con cu cườm gọi bạn, gù lên một tràng rồi mất hút. Chiều yên ả tưởng như nghe được cả tiếng chân người khẽ chạm vào đất. Ngần chợt nhớ Du, có lần anh nói không đâu đẹp bằng quê mình, nhất là buổi hoàng hôn, đẹp đến mơ màng.

“Sao cụ không vào lều, nằm đây sương xuống lạnh lắm!” Ngần lội xuống mé nước. “Đứa nào? Con nhà ai đấy?” cụ Mương nghển cổ hỏi, giọng nhừa nhựa. “Con Ngần cháu cụ Tham ạ!” “À, con Ngần nay lớn bằng này rồi đây. Chà chà!” cụ Mương nhỏm dậy “Thế đi đâu giờ này còn lang thang ngoài bến?” “Con đi lấy thuốc cho bà.” Trong ráng chiều sót lại, gương mặt cụ Mương hốc hác đen sạm, sau lần áo mỏng xương xẩu cụ nhô lên hết cả. “Cụ ơi, sao cụ không vào xóm Dinh cất căn nhà ở tạm, ngoài này lạnh lẽo đêm hôm nhỡ ốm đau biết gọi ai?” Ngần ngồi ghé bên mái chèo nhìn đôi mắt mờ đục đang cố nhướn lên nhìn về phía cuối sông. “À… ta ở bến sông này hơn năm mươi năm rồi, không đi đâu được nữa.” “Sao thế cụ?” “Ta đợi, ta còn đợi một người con à!” “Đợi? Đợi một người hơn năm mươi năm cụ vẫn đợi sao?” Cụ Mương cười, tiếng cười khùng khục trong cổ họng khiến những nếp nhăn bên má rung rung. “Năm mươi năm hay một trăm năm, ta vẫn đợi, chỉ sợ rằng…” Tiếng cụ lẫn trong tiếng sóng ầm ào dội lên từ đáy sông, con đò chao nghiêng. Ngần nhích lại gần cụ Mương, chỉ nghe những tiếng thầm thì “... ta vẫn đợi.” “Mà người ta có biết cụ đợi họ không, cụ ơi?!” Cụ Mương yên lặng đầu gục xuống, mái tóc bạc lơ thơ mỏng dính rũ rượi phủ lên gương mặt sạm đen. Bốn bề im ắng, chỉ còn nghe tiếng nước lóc bóc vỗ vào bờ. Ngần ngước nhìn màu trời sâm sẩm đã lác đác vài vì sao mọc sớm, “Thôi chết! Con phải về kẻo ông bà đợi!” Ngần xoa bàn tay nhăn nheo của Mương rồi đứng lên, đi một đoạn ngoái lại Ngần vẫn còn thấy đầu cụ gục xuống như ngủ.

Con đường đất gồ ghề vắng tanh, chốc chốc một chiếc xe máy vụt qua khiến đàn muỗi nấp trong đụn rơm bay lên tán loạn. Ngang qua nhà Du, Ngần nhác thấy vườn cải đã lên ngồng, những vạt cải hoa vàng nở rộ chiều nay khiến Ngần vấn vương. Mười ba tuổi Ngần đã biết ngắt hoa cải cài lên tóc, con gái xóm Dinh đứa nào ra đồng cũng biết làm duyên. Đám trai làng đi xa rồi cũng về cưới vợ quê nhà. Trong căn nhà vách phên nằm khuất sau bụi chuối um tùm, tiếng mẹ trẻ ru hời cất lên trong chiều muộn. Tiếng ru nghe cũng nao buồn, ngoài đồng xa tiếng ếch nhái rinh lên inh ỏi. Bà nội kể, ngày trước bà về làm dâu, nhà ông còn quay mặt ra sông, ngày đó thuyền bè vào ra tấp nập, thuyền chở muối qua sông, ghe chở cá về chợ, những chiếc sà lan chở gỗ cũng đi qua khúc sông này. Thời gian đã bào mòn mảnh đất này, bờ sông lở dần, ông đưa cả nhà vào xóm trong. Cha theo ông, lớn lên cũng ở lại làng, mẹ về làm dâu rồi sinh Ngần cũng trên khúc sông quạnh vắng này.

Đến đầu ngõ nhìn vào bên trong nhà tối om, gian thờ leo lét bóng đèn đỏ quạch. Ngần nhấc cánh cổng tre, con Muồng nghe tiếng động chạy ra ư ử ngoáy đuôi. Trong bếp bà khom lưng thổi lửa, mắt nhòe nhoẹt nước vì khói từ mớ củi ẩm xịt. “Chứ con Ngần đi đâu giờ này chưa về?” Tiếng ông khù khụ ho từ trong buồng. Bà cời tro, dụi con mắt cay xè: “Nó lên ông Cử lấy thêm mấy thang thuốc cho tôi.” Cúi xuống thổi phù phù vào bếp lửa bà lại sụt sùi: “Tội nghiệp, bán được lứa vịt nào là lo thuốc cho ông cho bà.”

Ngần lẳng lặng ra giếng kéo gàu nước dội đôi chân lầy bùn, đáy giếng in những vì sao nhay nháy sáng. Ngày còn nhỏ nhớ có lần đêm hè oi ả bà dắt Ngần ra con đê trước nhà hóng gió: “Mỗi người một phận ứng với một vì sao, kia là vì sao của cháu bà!” Bà chỉ vào vì sao sáng nhất. Nghe người xóm Dinh kể ngày xưa về làm vợ ông, bà khổ cực trăm bề, sinh cha tuần trước, tuần sau bà phải ra ruộng quần quật, khổ đến mấy bà cũng cắn răng chịu, không hé môi thở than. Mẹ về làm dâu, bà cưng như trứng mỏng, mẹ ăn trắng mặc trơn như ngày con gái, chỉ làm việc nhà, chẳng phải động tay đến việc đồng áng. Mẹ sinh Ngần ở cữ đủ ba tháng mười ngày, việc chợ búa, ngoài đồng một tay bà lo. Bà con trong làng khen mẹ Ngần có phước. Năm Ngần lên sáu, cha chở mẹ về ngoại rồi đi luôn không về. Ngần còn nhớ bà run rẩy ôm Ngần vào lòng nghẹn ngào nấc lên khi người ta chít lên đầu Ngần vành tang trắng. Từ một con bé hạnh phúc đủ đầy, Ngần bỗng trở thành con bé mồ côi…

“Ủa về hồi nào đó con?” - tiếng bà hỏi vọng ra. “Con về ban nãy, ông Cử nói lấy đỡ năm thang rồi ông đến bắt mạch cho bà.” Ngần vắt khăn lên dây phơi quay sang ôm bà: “Bà nghỉ đi để con dọn cơm.”

Cơm dọn lên tấm phản kê giữa nhà. Ông ngồi vào mâm chưa ăn được miếng nào đã ho sặc sụa, dứt cơn ho ông thều thào: “Ông tính vầy, nhà mình bán đàn dê đi, con kiếm việc gì nhẹ nhàng mà làm, chứ con gái lớn rồi…” Bà cũng bỏ bát cơm xuống mâm: “Đúng đó con, đừng chăn dê nữa, quanh năm nắng mưa khổ quá!” “Con có thấy khổ gì đâu.” Ngần cười lớn: “Chiều nào cũng lùa dê lên đồi, nó ăn mình ngồi chơi, hái sim ăn chứ khổ gì đâu.” “Con khổ mà cố thôi, nhìn con vậy ông bà thêm xót.” “Ông nói phải đó” bà lại rơm rớm: “Đám con gái trong làng đứa nào cũng có nơi có chốn, thằng Du đợi con cũng lâu rồi, không ai đợi mình cả đời đâu con.” Ngần buông bát đũa xuống mâm, quay sang dụi đầu vào cái lưng gầy thơm mùi khói bếp của bà. Ngoài vườn tiếng đàn vịt cạp cạp đòi ăn, Ngần lùa vội bát cơm đứng lên: Lứa vịt sắp lớn rồi, tháng sau con bán đủ tiền lo thuốc cho ông, còn lợp lại cái mái tôn nữa, đàn dê để đấy con chăn.” Ngần tất tả ra vườn, bóng đổ dài trên sân gạch.
*
Cánh cửa chuồng vừa mở bầy dê đã nhảy lên đám cỏ nhấm nháp những cánh hoa còn ướt đẫm sương. Ngần lùa dê lên đồi trong rừng mua lả tả bay, Ngần chợt se sắt nhớ. Ngày đó Du theo Ngần lên đồi, nắng chiều còn loang mềm vạt cỏ. Ngần mười bảy, Du mười tám. Rồi Du học xa nhà, tháng nào về cũng lên đồi tìm Ngần. “Đừng đợi em, ông bà ngày càng yếu.” Ngần nhìn ngọn đồi phủ trắng dây leo bìm bìm. Du gục đầu lên cánh tay thầm thì: “Anh đợi em, bao lâu cũng chỉ đợi em.” Mưa, bất ngờ và lạnh buốt, bầy dê mải ăn rồi rượt đuổi nhau đi mất hút. Ngần hốt hoảng chạy tìm. Lùa được bầy dê về trời đã sâm sẩm tối, Ngần ướt lướt thướt, nhìn qua thấy Du cũng run rẩy vì lạnh… Giữa đồng có một cái ao sâu, lần nào lùa bầy dê đi qua Ngần cũng kín đáo soi xuống. Mới đó đã ba năm Du đi xa.

Ngoài cửa sổ ánh trăng càng về khuya càng lạnh. Đêm tĩnh đến nỗi nghe được cả tiếng con dế gáy trong đám cỏ ướt. Ngần trở mình, trên tấm phản kê giữa nhà tiếng ông thở từng quãng mệt nhọc. Ngần chợt nghĩ đến Du, không biết giờ này Du ra sao, có lẽ rồi anh cũng tìm một người con gái khác, chẳng thể đợi Ngần mãi. Trong giấc ngủ chập chờn, gương mặt Du thoáng hiện rồi tan đi, thay vào đó gương mặt cụ Mương nhăn nheo đen sạm như chiều nay Ngần nhìn thấy bên bến sông. Ngần choàng tỉnh. Vẫn là mùa hoa mua xao xác rụng tím cả ngọn đồi, xóm Dinh vẫn buồn hiu hắt. Những giọt sương rơi từ mái tranh bên bếp xuống hiên. Trong thinh không tiếng chuông chùa vẳng lại từng hồi chậm rãi, bà thức dậy lần dò xuống bếp nhóm lửa. Trên phản ông thức giấc từ bao giờ, ngồi xoa cái chân đau.

“Đàn đêm thâu trách ai khinh nghèo quên nhau…” từ xa Ngần đã nghe giọng hát khàn khàn quen thuộc. Bên mé nước cụ Mương vừa đẩy con đò vừa ngước lên nhìn đôi chim nhàn đang bay về trong ánh hoàng hôn rực rỡ hắt trên sông. Cụ đứng lặng ôm mái chèo dõi theo đôi chim, thân hình như rút lại trong bộ quần áo nâu nhăn nhúm. Ngần lấy trong túi ra gói lá chuối âm ấm còn bọc kín: “Bà nấu nồi khoai đường, con mang cho cụ một bát.” Cụ Mương vẫn lặng đứng dõi theo đôi chim vừa bay qua. “Cụ ơi!” Ngần gọi lần nữa, tim chợt nghẹn lại trước hai hốc mắt sâu hoắm đang ứa ra một giọt nước. Cụ Mương run rẩy đến bên con đò, ngoái nhìn đôi chim lần nữa: “Chim nhàn lại về, con nhìn thấy không, chúng cũng có đôi, làm sao ông không đợi…” Cụ nấc lên.

Ngần đứng chôn chân bên mé nước. Bên sông có tiếng gọi “Đò ơi!” cụ Mương sực tỉnh vội vàng khua mái chèo. Con đò chênh chao giữa dòng, Ngần sực nhớ gói khoai đường còn ấm nóng trên tay. “Con treo gói khoai đường bên cây sào, cụ nhớ quay lại nhé!” Ngần gọi với theo. Cụ Mương gật gật, miệng méo xệch trên gương mặt đầy dẫy nếp nhăn, Ngần không hiểu cụ đang khóc hay cười.
*
Tiếng con chim chích mào lảnh lót bên hàng giậu. Ngần thức giấc quờ tay sang bên. Trống trơn. Bà đi đâu, hơi ấm còn vương vất bên gối. Qua ô cửa chấn song, chút nắng cuối mùa hửng lên, con gà ri đậu trên đụn rơm vươn cổ gáy te te. Ngần xuống nhà dưới, bếp lửa lạnh tanh. Bà đi từ sớm. Trong buồng tiếng ông khùng khục ho. “Bà ra bến kiếm con cá về nấu cháo, dặn con thức dậy vốc nắm gạo vo rồi nhóm lửa cho bà.”

Ngần vo gạo bắc lên bếp, củi chưa bén lửa đã nghe tiếng lao xao ngoài ngõ. Bà hớt hải chạy vào, tóc vương đầy sương lạnh, con cá hanh còn giãy đành đạch trên tay: “Cụ Mương đi từ đêm qua, bà con xóm Dinh qua sông gọi đò mới hay cụ đã lạnh ngắt từ bao giờ, cụ nằm trên đò mắt còn chưa khép lại” bà rưng rưng kể, quay sang Ngần giục: “Làm nhoắng con cá nấu cho ông bát cháo, bà ra bến đây, xóm Dinh ở ngoài đó cả rồi, mỗi người một tay lo cho cụ Mương.”

Ngần ngồi bên thềm, nghe đâu đây tiếng sóng ầm ào cuộn lên từ đáy sông. Trong tiếng lóc bóc vỗ vào bờ có cả tiếng cụ Mương khàn khàn hát, tưởng như gương mặt cụ đang ở trước Ngần, buồn rượi, khắc khoải trong sắc áo nâu trầm.

Ngần khóc. Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại. Gương mặt cụ Mương mờ dần, tan biến vào sương. Ngoài xa tiếng chuông chùa vẫn thong thả buông từng hồi. Gió bất chợt về. Và mưa. Ngần cho thêm củi vào bếp, ánh lửa bập bùng lóe lên ngỡ như cụ Mương lại cười, hàm răng rụng trống hoác, cái miệng móm sọm méo xệch “Ta đợi, ta vẫn đợi một người…”

VŨ NGỌC GIAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét