Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Kính Chuyển Vài Tin Ngắn Trong Ngày Và Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Vài Tin Ngắn Trong Ngày - Tin Làm Cả Nước Mỹ Lo Âu: Ngân Hàng First Republic Có Nguy Cơ Sụp Đổ! - Lại Thêm Một Ngân Hàng Nữa Của Mỹ Đứng Trên Bờ Vực Phá Sản! -Hôm Chủ nhật, giới chức nước này đã gấp rút hoàn thiện thoả thuận dàn xếp bán First Republic, một ngân hàng với tài sản khoảng 200 tỷ đô la, trước khi thị trường châu Á mở cửa vào thứ Hai. Một số ngân hàng, bao gồm cả JPMorgan Chase, nằm trong số những người mua tiềm năng. Điểm mấu chốt chính là làm thế nào để chia sẻ những tổn thất của First Republic, với những người mua lại tiềm năng yêu cầu có hỗ trợ vững chắc từ chính phủ.
<!>
Cũng như các ngân hàng khác của Mỹ sụp đổ gần đây, First Republic bị người gửi tiền quay lưng và bị giảm giá trị tài sản khi lãi suất tăng. Quá trình mở sổ sách của ngân hàng này và công khai chính sách hỗ trợ đã diễn ra có trật tự hơn so với hồi tháng 3. Nhưng vụ sụp đổ của nó vẫn diễn ra nhanh một cách đáng kinh ngạc, từ giá trị thị trường 20 tỷ đô la hai tháng trước cho đến bán tháo như hiện tại, làm dấy lên lo ngại lây lan sâu rộng hơn nữa.

Chính Phủ Kêu Gọi Các Ngân Hàng Khác Mua Lại?

Hai ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase và PNC nằm trong số khoảng sáu ngân hàng được chính phủ nước này kêu gọi tham gia đấu thầu mua lại First Republic, một ngân hàng đang gặp khó khăn. Hạn chót nộp thầu mua lại các khoản tiền gửi và tài sản của First Republic là buổi trưa Chủ nhật ở New York, và dự kiến sẽ có thỏa thuận vào tối cùng ngày. Cổ phiếu của First Republic giảm 49% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ Sáu, sau khi có tin tài sản của hãng có thể bị nhà nước quản lý.

Giao Tranh Ác Liệt Tiếp Diễn Ở Thủ Đô Khartoum Của Sudan!

-Sau khi lệnh ngừng bắn ba ngày có hiệu lực từ hôm thứ Năm bị phá vỡ. Hàng triệu người đang bị kẹt lại trong thành phố với nguồn cung thực phẩm và thuốc men cạn dần. Tính đến nay trên toàn Sudan đã có hơn 500 người thiệt mạng sau hai tuần giao tranh. Hàng ngàn công dân nước ngoài đã được sơ tán khỏi đất nước.


Hoạt Động Sản Xuất Tại Trung Quốc Bất Ngờ Sụt Giảm Trong Tháng 4.

-Một dấu hiệu cho thấy tốc độ phục hồi không ổn định của nước này sau phong toả covid. Chỉ số quản lý mua hàng của ngành sản xuất đạt 49,2, giảm từ 51,9 của tháng 3 (con số thấp hơn 50 cho thấy suy thoái). Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do Reuters công bố từng dự đoán chỉ số này đạt 51,4 trong tháng 4.


Cử Tri-Paraguay Đang Bầu Tổng Thống và Các Vị Trí khác.

-Thăm dò ý kiến cho thấy một cuộc chạy đua tổng thống sát sao giữa Santiago Peña, thuộc Đảng Colorado cầm quyền, và Efraín Alegre, người đứng đầu liên minh trung tả. Đảng Colorado đã nắm quyền ở Paraguay suốt gần 75 năm qua, nhưng bị cáo buộc tham nhũng. Ông Alegre đã thách thức chính sách công nhận Đài Loan chứ không phải Trung Quốc của Paraguay.


Chính Phủ Cuba Hủy Bỏ Cuộc Diễn Hành Ngày 1/5.

-Vốn thường được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng nhân Ngày Quốc tế Lao động, với lý do thiếu nhiên liệu cần thiết để đưa hàng trăm ngàn người tham dự đến thủ đô Havana. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và giảm nhập khẩu dầu từ Venezuela đã khiến hòn đảo này thiếu nhiên liệu đến mức một số tài xế phải xếp hàng nhiều ngày chỉ để đổ xăng.


Đức Thánh Cha Francis Kêu Gọi Giúp Người Di Cư

-Một giáo đoàn ở Budapest không đóng cửa đối với người di cư và những người chạy trốn xung đột. Trong chuyến thăm ba ngày tới Hungary, nhà lãnh đạo Công giáo nhiều lần bày tỏ mối quan ngại của ông về cuộc chiến ở Ukraine. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, đã tỏ ra kém nhiệt tình hơn các nhà lãnh đạo EU khác trong việc ủng hộ Ukraine. Gần đây, ông thậm chí cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.


Arm, Một Nhà Thiết Kế Chip Của Anh, Có Những Hoạt Động Bí Mật!

-Thuộc sở hữu SoftBank, xác nhận đã đăng ký bí mật để niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Công ty được cho là đang đặt mục tiêu huy động 10 tỷ đô la trong đợt IPO lớn nhất năm. Quy mô các vụ IPO ở Mỹ trong năm nay đã giảm khoảng 22% trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế bất ổn.


Giới Công Đoàn Pháp Tiếp Tục Biểu Tình!

-Tám công đoàn Pháp đặt mục tiêu dùng Ngày Lao động Quốc tế để tiếp tục phản đối các quy tắc lương hưu mới. Cải cách tăng tuổi hưởng lương hưu tối thiểu từ 62 tuổi lên 64 của tổng thống Emmanuel Macron đã trở thành luật từ tháng 4. Nhưng biện pháp này không được ủng hộ và các nhà lãnh đạo công đoàn đang hy vọng ngày thứ 13 đình công liên tiếp kèm biểu tình vào thứ Hai sẽ buộc tổng thống đổi ý.

Biểu tình cũng là phép thử cho gương mặt đại diện mới của chủ nghĩa công đoàn cấp tiến ở Pháp. Hồi tháng 3, Sophie Binet, một cựu lãnh đạo phong trào sinh viên 41 tuổi, đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Confédération Générale du Travail, công đoàn hiếu chiến nhất của đất nước, có liên kết với Đảng Cộng sản. Ngay cả khi số lượng người xuống đường không như ý muốn, các công đoàn vẫn sẽ tìm cách quấy rầy cuộc sống của ông Macron bằng cách tổ chức biểu tình đập chảo ồn ào khi ông đi thăm đất nước nhằm “kết nối lại” với người dân.

Hôm 28 tháng 4, cơ quan xếp hạng Fitch đã hạ bậc nợ công của Pháp, một phần vì bất ổn xã hội làm phức tạp quá trình hoạch định chính sách. Ông Macron có được cải cách của mình, nhưng phải trả giá bằng tương lai bất ổn phía trước.


Mỹ và Philippines Xích Lại Gần Nhau

-Tổng thống Joe Biden và người tổng thống Philippines, Ferdinand “Bongbong” Marcos, sẽ gặp nhau tại Washington vào thứ Hai để thảo luận về việc thắt chặt liên minh quân sự song phương. Vì những lý do riêng, hai nước đều phản đối hành vi xâm lấn vũ trang của Trung Quốc trên các phần của Biển Đông mà Philippines có tuyên bố chủ quyền được quốc tế công nhận.

Việc lấn chiếm cản trở Philippines khai thác tài nguyên thiên nhiên. Và nó đe doạ khả năng Mỹ dùng Philippines làm căn cứ để bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hòn đảo này.

Một liên minh chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines có thể ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Điều đó hấp dẫn ông Biden. Và ông Marcos hy vọng mối quan hệ được cải thiện với Mỹ sẽ ngăn cản các tàu có vũ trang của Trung Quốc, vốn hầu hết là dân sự bên cạnh một số tàu hải quân, xâm phạm vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Sau một thời gian dài tự tung tự tác ở Biển Đông, Trung Quốc đang bị thách thức.

-Cứ ba năm một lần, Liên minh Các Nhà Sản xuất Phim và Truyền hình Mỹ sẽ đàm phán một hợp đồng mới với Hiệp hội Biên kịch WGA. Năm nay, đàm phán trở nên tồi tệ khi mô hình kinh doanh cũng như điều kiện làm việc của các hãng phim và giới biên kịch bị phát trực tuyến làm đảo lộn. Phần lớn các thành viên WGA đã bỏ phiếu đình công nếu hợp đồng của họ hết hạn vào thứ Hai mà không có thỏa thuận.

Nếu một cuộc đình công của các nhà biên kịch khiến Hollywood đóng cửa, thì quay phim, thiết kế trang phục và những người khác cũng sẽ mất việc. Các doanh nghiệp gần trường quay cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Lần đình công gần đây nhất vào năm 2007 và 2008 đã khiến kinh tế California bị thiệt hại tới 2,1 tỷ đô la.

Sự việc trên một lần nữa cho thấy vấn đề cơ bản của Hollywood: liệu ngành công nghiệp điện ảnh có thể tồn tại khi người Mỹ ít đến rạp hơn? Trong khi các giám đốc điều hành hãng phim nghiền ngẫm câu hỏi đó, Hollywood nên làm quen với các vụ đình công


Thế Giới Đó Đây
Biden và Trump, Quyết Đấu Hiệp Nhì, Vẫn Gây Cấn Khó Đoán!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Năm 2020, ông Biden thắng vì tới lúc ông Trump bị nhiều người chán. Đến năm 2024, kết quả có thể tùy thuộc một số cử tri độc lập chán ông Biden, chán ông Trump hoặc chán cả hai. Chưa biết bên nào đông hơn và đi bỏ phiếu mạnh hơn.)

-Dân Mỹ hiện đang chia thành hai khối cử tri rõ rệt, bất đồng ý kiến kịch liệt trên nhiều vấn đề căn bản; như chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, những người đổi giống nam nữ, chính sách xã hội và y tế công cộng, vân vân....

Có thể đoán, cuối năm 2024 hai ông Donald Trump và Joe Biden sẽ tái đấu, xin dân cho cơ hội làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Biden coi như chắc chắn sẽ được đảng Dân chủ đưa ra tranh cử. Hiện chỉ có 2 người muốn giành với ông. Robert Kennedy Jr. được chú ý vì ông bố, một Nghị sĩ và ông bác, một Tổng thống, đều bị ám sát. Trong chính trị ông nổi tiếng khi chống các loại thuốc chích ngừa, chống tất cả, từ trước khi có Covid-19. Người thứ nhì là bà Marianne Williamson, nổi tiếng vì từng làm Cố vấn tinh thần cho Oprah Winfrey, một nhân vật truyền hình đông khán giả. Có thể nói cả hai người đều rất yếu, so với Biden.

Bên đảng Cộng hòa có vẻ sôi nổi hơn một chút, vì nhiều ứng cử viên “nặng ký” muốn đối đầu với ông Trump. Bà Nikki Haley công bố ý định sớm nhất, là con của một di dân gốc Ấn Độ, từng làm cựu Thống đốc South Carolina, cựu Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Nghị sĩ Tim Scott, cũng từ tiểu bang South Carolina, người gốc Phi Châu. Ông Vivek Ramaswamy, một doanh nhân giàu có, chưa bao giờ ra tranh cử chức vụ nào. Trong số những người đã chính thức tuyên bố sẽ tranh cử, ông Asa Hutchinson, cựu Thống đốc Arkansas là người duy nhất công khai đả kích cựu Tổng thống Trump.

Những người chưa công bố chính thức đông hơn, nổi bật là ông Ron DeSantis, Thống đốc Florida đã được đài Fox chọn, thay vì ủng hộ ông Trump. Thống đốc New Hampshire, ông Chris Sununu và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie đều có tham vọng làm Tổng thống từ lâu, và có thể thay thế ông Trump. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence bị những cử tri căn bản của Tổng thống Trump ghét thậm tệ. Ông Trump coi Ron DeSantis là đối thủ đáng ngại nhất, với những chủ trương không khác gì ông Trump, nhưng tuổi trẻ hơn và không bị tai tiếng.

Một cuộc thăm dò dư luận hồi đầu năm nay cho thấy Ron DeSantis có thể đánh bại Joe Biden, nếu dân Mỹ bỏ phiếu lúc đó. Nhưng ngôi sao DeSantis đang xuống; trong nội bộ Cộng hòa, ông Trump vẫn được ủng hộ nhiều nhất. Cho nên, cuối cùng chắc ông Trump sẽ là ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa. Tim Scott, Nikki Haley hy vọng sẽ là ứng cử viên Phó Tổng thống.

Các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy Tổng thống Joe Biden ở thế yếu. Trong hai năm qua số người ủng hộ ông chỉ ở mức trên dưới 40%. Ngay trong đảng Dân chủ, số người muốn ông tái tranh cử cũng dưới 50%. Ông Trump được 60% đến70% người cùng đảng ủng hộ. Một cuộc nghiên cứu của NBC News gần đây nhất yêu cầu dân Mỹ chọn giữa ông Biden và một ứng cử viên Tổng thống chưa có tên của đảng Cộng hòa. Ông Biden thua với tỷ số 47%-41%.

Dân Mỹ hiện đang chia thành hai khối cử tri rõ rệt, bất đồng ý kiến kịch liệt trên nhiều vấn đề căn bản; như chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, những người đổi giống nam nữ, chính sách xã hội và y tế công cộng, vân vân.Trong tình trạng này, dù Trump hay Biden đắc cử thì kết quả cũng rất “sát nút;” nghĩa là rất khó tiên đoán. Càng khó tiên đoán, vì phương thức chọn Tổng thống của Liên bang Hoa Kỳ độc đáo, không phải cứ ai được nhiều phiếu của dân nhất thì đắc cử.

Chức Tổng thống Mỹ sẽ tùy thuộc ai thắng ở những tiểu bang nào. Mỗi tiểu bang có một số “phiếu cử tri đoàn”, ai chiếm đa số phiếu ở đó sẽ được hưởng trọn. Năm 2000, ông George Bush chỉ hơn ông Al Gore trên 500 phiếu tại Florida nhưng được cộng thêm tất cả 26 phiếu cử tri đoàn, thế là đủ thắng rồi. Năm 2020, ông Biden thắng ông Trump tại năm tiểu bang quan trọng, chiếm hết năm “cử tri đoàn” lớn, nên đắc cử; nhưng tổng cộng cả năm nơi cũng chỉ hơn ông Trump khoảng 20.000 lá phiếu.

Những cuộc bầu Tổng thống Mỹ gần đây cho thấy có một số tiểu bang nghiêng hẳn về một đảng. Thí dụ Alabama, South Dakota thường Tổng thống bầu Cộng hòa, còn New York, Vermont bầu Dân chủ. Kết quả sau cùng do một số tiểu bang gọi là “ngang ngửa” quyết định, khó đoán trước họ sẽ bầu cho ai. Các ứng cử viên Tổng thống sẽ phải dồn sức vào các “bãi chiến trường” này, giành giật từng lá phiếu.

Những “tiểu bang ngang ngửa”, cũng thay đổi tùy mùa bầu cử. Trước năm 2000, Florida, Ohio và Iowa đều coi là ngang ngửa, nhưng nay hầu như nghiêng hẳn về phía Cộng hòa. Ngược lại, Colorado, Virginia và New Hampshire đang ngả sang Dân chủ.

Hiện nay Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, Nevada, Arizona và Michigan có thể coi là các tiểu bang ngang ngửa, không biết chắc dân sẽ bầu cho Trump hay Biden nhiều hơn. Căn cứ vào kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2022 ở hai tiểu bang, Joe Biden có hy vọng. Ở Pennsylvania và Michigan Đảng Dân chủ năm 2022 đã đoạt chức Thống đốc và chiếm đa số ở các nghị viện. Số cử tri đoàn của Pennsylvania khá nhiều, nếu ông Biden thắng ở đó thì sẽ thêm số cử tri đoàn gần đủ để đắc cử, chỉ cần thắng thêm một trong ba tiểu bang ngang ngửa Wisconsin, Georgia và Arizona.

Nhưng dân Mỹ nhiều khi tạo thế quân bình, chọn một đảng cho nắm quyền ở tiểu bang, lại chọn ông Tổng thống thuộc đảng đối nghịch. Hoặc cho một đảng nắm quyền Hành pháp, đảng kia giữ quyền Lập pháp. Năm 2022, dân Wisconsin chia phiếu cho cả hai đảng: Thống đốc Dân chủ Tony Evers và Nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson, đều được tái nhiệm. Georgia cũng vậy, đảng Cộng hòa thắng lớn các chức từ Thống đốc đến Bộ trưởng Nội vụ; đảng Dân chủ vẫn chiếm ghế Nghị sĩ liên bang. Làm cách nào chinh phục những “tiểu bang ngang ngửa?”

Nói “dân chúng chọn” thì nghe mơ hồ. Ai là dân chúng? Chọn thế nào? Ở mỗi tiểu bang, dù là ngang ngửa, đều có nhiều cử tri trung thành với một trong hai đảng. Bình thường, những lá phiếu quyết định là do các cử tri độc lập, không nghiêng hẳn về đảng nào, và mỗi lần bỏ phiếu lại sẵn sàng thay đổi. Chính họ là những cử tri quyết định cho ai thắng, sau khi phán xét chính sách của mỗi đảng đối với các vấn đề mà họ coi là quan trọng nhất.

Đề tài lớn nhất, tất nhiên là phán xét công việc của ông Biden trong mấy năm làm Tổng thống. Đảng Cộng hòa sẽ tấn công trên các vấn đề kinh tế xuống thấp, lạm phát lên cao, cộng thêm những mối lo về di dân tới đông quá, chính phủ nợ nhiều quá. Đảng Dân chủ sẽ chứng tỏ rằng kinh tế đã hồi phục sau tai họa bệnh dịch, tỷ số thất nghiệm xuống mức thấp kỷ lục, lương công nhân lên cao chưa từng thấy. Họ sẽ đề cao các chương trình sửa chữa hoặc xây dựng đường xá, cầu cống (hơn ngàn tỉ Mỹ kim); các món đầu tư sản xuất chất bán dẫn (cũng ngàn tỉ Mỹ kim) tạo công việc làm; và mô tả những mối lo khác là không quan trọng.

Trong cuộc tranh cử năm 2024, các vấn đề văn hóa, phong tục, đạo lý sẽ được đưa lên hàng đầu, có thể ảnh hưởng mạnh trên lá phiếu hơn những chuyện cơm áo gạo tiền. Ngay bây giờ đã thấy hai đảng chọn những đề tài mà họ sẽ dùng để vận động tranh cử năm 2024, khi người Mỹ bầu Tổng thống, các Dân biểu Hạ viện và một phần ba số Nghị sĩ trên Thượng viện.

Hai đảng đều sẽ nhấn mạnh đến vấn đề phá thai, với lập trường đối nghịch nhau. Đảng Cộng hòa sẽ đòi bảo vệ quyền tự do mang súng; đảng Dân chủ muốn đặt thêm luật để kiểm soát. Các vấn đề như người đồng tính, người đổi giống nam, nữ, có thể thành đề tài tranh cử tại nhiều tiểu bang.

Cá nhân các ứng cử viên sẽ ảnh hưởng trên lựa chọn của cử tri. Với ông Joe Biden, tuổi già sẽ khiến nhiều người lo lắng ông còn đủ sáng suốt. Với ông Donald Trump, nhiều thông tin sẽ khiến cử tri ngần ngại; vì trong hai năm tới ông còn phải ra tòa vì các chuyện quan hệ với phụ nữ, kinh doanh, và tiếp tục gọi cuộc bỏ phiếu năm 2020 là gian lận, dù đều bị các tòa án bác bỏ.

Ý kiến các cử tri về cá nhân ứng cử viên Tổng thống có thể quyết định một cuộc bầu cử, nhưng không biết quyết định đến mức nào. Năm 2016, ông Trump có thể đắc cử chỉ vì nhiều cử tri ghét bà Clinton hơn. Năm 2020, ông Biden thắng vì tới lúc ông Trump bị nhiều người chán. Đến năm 2024, kết quả có thể tùy thuộc một số cử tri độc lập chán ông Biden, chán ông Trump hoặc chán cả hai. Chưa biết bên nào đông hơn và đi bỏ phiếu mạnh hơn.


Di Dân Trung Quốc Dùng Truyền Thông Xã Hội Tìm Đường Ồ Ạt Tới Biên Giới Mỹ!


(Hình: Nhân viên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) trao các túi nhựa cho di dân Trung Quốc tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ để che mưa và tránh gió ở Fronton, Texas, ngày 5/4/2023.)

-Khó khăn xin thị thực Mỹ và dư chấn kinh tế do phong tỏa COVID của Trung Quốc đã làm tăng mạnh số công dân Trung Quốc có mặt tại biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ. Trong số những người đến được biên giới này có một số đã dùng các ứng dụng và các trang truyền thông xã hội để nghiên cứu cách tiến hành cuộc hành trình dài và nguy hiểm, theo nguồn tin từ các di dân, chuyên gia di trú, Luật sư di trú và các viên chức Mỹ đương nhiệm cũng như tiền nhiệm nói với thông tấn xã Reuters.

“Xâm nhập lãnh thổ Mỹ tại biên giới phía Nam là một việc tốn kém và rủi ro. Nhưng nếu người ta có lý do cá nhân hoặc kinh tế để làm như vậy, thì họ chọn con đường đó”, ông Erik Finch, Giám đốc Chiến lược Di trú tại công ty khởi nghiệp kỹ thuật pháp lý Boundless Immigration có trụ sở tại Seattle, tiểu bang Washington, và cũng là cựu viên chức Bộ Ngoại giao có kinh nghiệm ở cả Trung Quốc và Mễ Tây Cơ, nói với thông tấn xã Reuters.

“Thực tế chúng ta thấy ngày càng có nhiều người tận dụng phương cách này chứng tỏ đây là một sản phẩm của xu hướng chung và cũng là do các tuyến đường khác thậm chí còn trở nên bất khả thi hơn”.

Trong suốt 3 tuần chụp ảnh và đưa tin từ một vùng biên giới xa xôi ở Đông-Nam Texas, thông tấn xã Reuters đã chứng kiến hàng trăm dân di cư gốc Trung Quốc băng qua biên giới vào Hoa Kỳ và thông tấn xã Reuters đã phỏng vấn hơn hai chục người bằng tiếng Quan Thoại.

Tất cả những người được phỏng vấn cho biết dựa vào mạng xã hội, họ nảy sinh ý tưởng đi đường bộ đến Hoa Kỳ và trông cậy vào những người có ảnh hưởng, các nhóm tư nhân và các bình luận để lên kế hoạch cho cuộc hành trình.

Khoảng một nửa cho biết họ từng là chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, điều hành các cửa hàng trên mạng, trang trại cừu và một công ty sản xuất phim.

Một số đeo thánh giá và mang theo kinh Thánh tiếng Hoa. Họ nói rằng họ là những người theo đạo Cơ đốc và cảm thấy không thể tự do thực hành tôn giáo của mình tại quê nhà. Hiến pháp của Trung Quốc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng trong những năm gần đây, các bên chỉ trích, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh đã thắt chặt các hạn chế đối với các tôn giáo được coi là thách thức đối với chính quyền của đảng Cộng sản cầm quyền.

Một di dân nói chuyện với thông tấn xã Reuters xong yêu cầu không đưa hình ảnh của ông ấy lên. Di dân này cho biết lộ trình của ông đi qua Hồng Kông, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Ecuador.

“Trước tiên, từ Hồ Bắc tôi tới Hồng Kông, rồi đi máy bay qua Thái Lan, sau đó bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, qua Nam Mỹ, tới Mỹ”, di dân này nói.

Ông cho biết cảm thấy nhẹ nhõm khi đến Mỹ.

“Tôi cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn rồi. Hiếm thấy lắm, người dân ở đây, cảnh sát ở đây, rất tốt bụng. Và đó là nước Mỹ trong đầu tôi. Vậy đó. Thật tốt. Thật tuyệt”, di dân này nói.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn nói trong một email rằng chính phủ phản đối việc di cư bất hợp pháp, đây “là một vấn đề quốc tế đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia”, nhưng không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề tự do tôn giáo.

Ứng dụng video ngắn Douyin, thuộc ByteDance vốn cũng sở hữu TikTok, là một trong những nguồn doanh thu chính của công ty kỹ thuật khổng lồ Trung Quốc.

ByteDance, công ty cũng sở hữu Xigua Video, không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.

Các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc tại biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ lên tới hơn 6.500 ca trong sáu tháng kể từ tháng 10 năm 2022, mức cao nhất được ghi nhận và tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).

Dữ liệu của CBP cho thấy, mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm ngàn di dân đến biên giới phía Tây-Nam, nhưng người Trung Quốc là nhóm dân tăng nhanh nhất trong sáu tháng đó.

Giới hữu trách CBP hôm 16/3 nói sự gia tăng này “tạo ra sự căng thẳng cho lực lượng của chúng tôi do sự phức tạp của rào cản ngôn ngữ và kéo dài quá trình giải quyết”.

Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao, trong năm tài khóa 2021, tỷ lệ từ chối visa du lịch Mỹ cho công dân Trung Quốc lên tới 80% và trong năm 2022 là hơn 30%, hai năm cao nhất được ghi nhận. Mặc dù việc cấp thị thực của Hoa Kỳ trên toàn cầu hầu hết đã phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng số lượng thị thực Mỹ cấp ở Trung Quốc vào năm 2022 vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch của năm 2019 là 90%.

“Do chính sách zero-COVID của họ, tác động thực tế của COVID đã kéo dài quá mức, có rất nhiều hạn chế và mọi thứ nghiêm trọng hơn so với phần còn lại của thế giới, đến mức có rất nhiều COVID vào năm 2022 và cuối năm 2022, tình hình COVID ở Trung Quốc đang ở mức nghiêm trọng nhất, do đó đã hạn chế việc đến và đi từ Trung Quốc trong thời gian đó, ngay cả sau khi các hạn chế đã được dỡ bỏ ở hầu hết các nơi còn lại trên thế giới”, ông Finch, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao bao gồm nhiệm vụ giám sát các dịch vụ visa khác nhau ở Trung Quốc, nói.

Những người có visa và những người vượt biên giới có thể xin tị nạn tại Hoa Kỳ khi đến nơi nếu họ sợ bị đàn áp ở quê nhà. Theo dữ liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những người xin tị nạn từ Trung Quốc đã thắng tại tòa án di trú Hoa Kỳ trong 58% trường hợp.

Bộ Ngoại giao trong một tuyên bố gửi qua email cho biết, năm 2021 và 2022 “không phải là những năm tiêu chuẩn”. Bộ cho biết việc cấp visa dự kiến sẽ tăng lên khi Trung Quốc “bắt kịp lượng sổ thông hành tồn đọng và du lịch hàng không tái tục sau khi kết thúc chính sách zero-COVID”.

Di dân Trung Quốc đã không chờ đợi và chọn theo chân những người đã học qua mạng xã hội.

Lướt qua các thông tin trên mạng xã hội, một di dân tình cờ biết ông “Baozai”, một nhân vật nổi tiếng trên mạng có hàng chục ngàn người theo dõi trên Douyin, Video Xigua, YouTube và Twitter vì đăng video về việc ông di cư đến Hoa Kỳ. Thông tấn xã Reuters không thể xác nhận danh tính của Baozai một cách độc lập và trong các tin nhắn gửi cho thông tấn xã Reuters, ông phủ nhận ông là một người có ảnh hưởng và nói rằng ông chỉ là một di dân.

Tài khoản gốc của Baozai “Baozai phiêu lưu thế giới một mình” bị chặn trên Douyin vì vi phạm “quy định kỷ luật cộng đồng”.

Ông hiện đang đăng bài dưới một tài khoản mới có cùng tên trên Douyin, với nội dung về cuộc sống của ông ở Hoa Kỳ.

Douyin không trả lời yêu cầu bình luận về Baozai.

Hướng dẫn đường đi nước bước trên truyền thông xã hội phù hợp với các mô tả mà di dân đưa ra cho Luật sư di trú Xiaosheng Huang có trụ sở tại Hoa Kỳ, người nói rằng ông đã đại diện cho 15 công dân Trung Quốc tới Mỹ qua con đường Ecuador kể từ mùa Hè năm 2022.

“Họ bắt đầu nói về việc rời khỏi đất nước trên mạng xã hội, chẳng hạn như Doiyin, Tik Tok phiên bản Trung Quốc, Kuaishou và một số nền tảng khác. Họ trao đổi thông tin: làm thế nào để rời khỏi đất nước, làm thế nào để đến Ecuador, từ Âu Châu hay Macao, Hồng Kông”, ông Huang nói và cho biết thêm rằng hầu hết khách hàng của ông bỏ xứ ra đi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Tại một bệnh viện ở Quito, một di dân nói ông biết một nhóm di dân Trung Quốc đã liên lạc với một hướng dẫn viên người Colombia địa phương tên là “Carlos”.

Di gân này và một số người khác cho hay ông Carlos và các cộng sự tính phí khoảng 1.230 Mỹ kim cho mỗi người lớn và 700 Mỹ kim cho mỗi trẻ em để sắp xếp việc đi lại và khách sạn từ Ecuador đến Panama, bao gồm cả chuyến đi bộ có người dẫn đường qua ngả Darien.

Họ cũng được cung cấp lều ngủ tạm trong rừng và ngựa để di chuyển một phần đoạn đường nếu chịu trả thêm khoản phụ phí, những di dân cho biết.

Một phóng viên của thông tấn xã Reuters đã liên lạc với một người đàn ông Colombia thông qua một số liên lạc được chia sẻ trên Douyin. Khi bắt máy, người này đã trả lời khi được gọi là Carlos. Ông ta từ chối cho biết tên họ đầy đủ và nói rằng không đưa bất kỳ ai qua biên giới một cách bất hợp pháp hoặc nhận tiền từ những di dân. Nhưng ông cho biết đã giúp một số người Trung Quốc tìm kiếm vé xe buýt và vé phà.

Thông tấn xã Reuters phát giác các tài khoản mạng xã hội khác đưa ra lời khuyên bằng tiếng Quan thoại về việc băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ.

Vào ngày 7/4, một bài đăng trên Twitter từ một tài khoản có tên Lee Gaga cho biết những kẻ đưa lậu người đánh dấu vị trí của các đặc vụ Biên phòng Hoa Kỳ trên bản đồ và khuyên di dân tự trình diện. “Tất nhiên bạn có thể thử bỏ chạy, nhưng chớ nên”, bài đăng cho biết. Twitter chỉ khả dụng ở Trung Quốc cho người dùng có VPN hoặc các mạng lưới tư nhân, cho phép người dùng internet truy cập các trang web ở ngoại quốc bị chính quyền cấm.

Tài khoản Lee Gaga đăng trên Twitter rằng: “Tôi khá may mắn. Tôi được thả chỉ sau ba ngày ba đêm. Tôi gặp may vì gần đây chính sách biên giới rất tốt”.


Phi Luật Tân Chỉ Trích Bắc Kinh Về ‘Hành Động Nguy Hiểm’ ở Biển Đông


(Hình: Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5201 chặn tàu tuần duyên BRP Malapascua của Phi Luật Tân khi di chuyển vào cửa Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 23/4/2023.)

-Hôm 28/4/2023, Phi Luật Tân cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện “các hành động nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” ở Biển Đông, trong một cuộc đối đầu hàng hải khác giữa hai nước vào thời điểm căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ.

Sự việc xảy ra vào Chủ Nhật trong một cuộc tuần tra của lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây do Phi Luật Tân nắm giữ, một điểm nóng cho các cuộc xung đột trước đó, nằm cách bờ biển của nước này 105 hải lý (195 cây số).

Trong một tuyên bố, lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cho biết hai tàu Trung Quốc đã có hành động hung hăng và gây ra “mối đe dọa đáng kể đối với sự an toàn và an ninh của tàu Phi Luật Tân cùng thủy thủ đoàn”. Một trong hai tàu Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm” cách một tàu Phi Luật Tân khoảng 150 feet (45,72 m).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, Teresita Daza, nói Trung Quốc đã can thiệp vào một cuộc tuần tra thường lệ, và họ nên “kiềm chế các hành động có thể gây ra sự việc không đáng có”.

Bãi Cỏ Mây là nơi đóng quân của một đơn vị quân đội nhỏ của Phi Luật Tân trên một chiếc tàu gỉ sét từ thời Ðệ nhị Thế chiến của Hoa Kỳ được cố ý cho neo đậu vào năm 1999 để củng cố các yêu sách lãnh thổ của Phi Luật Tân. Vào tháng 2, Phi Luật Tân cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một trong các tàu tiếp tế của họ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông với “đường chín đoạn” trên bản đồ kéo dài hơn 1.500 cây số ra khỏi đất liền và xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương. Một phán quyết trọng tài quốc tế vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách đó vì không có cơ sở pháp lý.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 28/4 nói các tàu Phi Luật Tân đã xâm phạm vùng biển của Trung Quốc và “thực hiện các hành động khiêu khích có chủ ý”.

“Chúng tôi kêu gọi Phi Luật Tân tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của Trung Quốc”, bà Mao nói, đồng thời thêm rằng các tàu Trung Quốc đã hành động một cách chuyên nghiệp và kiềm chế.

Sự việc xảy ra vào ngay tuần lễ mà Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đến thăm Manila, nơi ông gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Tổng thống Marcos sẽ gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc vào tuần tới. Cuộc gặp diễn ra khi hai nước nhanh chóng tăng cường các cam kết quốc phòng, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và việc Hoa Kỳ mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ của Phi Luật Tân gần đây. Trung Quốc đã phản đối thỏa thuận về căn cứ này.

Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cho biết trong cuộc tuần tra từ ngày 18 đến ngày 24/4 ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và các thực thể do Phi Luật Tân nắm giữ, họ đã phát giác hơn 100 chiếc thuyền mà họ cho là dân quân Trung Quốc, cũng như các tàu hải cảnh và một tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc.


Tin Chiến Sự Ukraine

Nga Mở Đường Cho Việc Trục Xuất Người ở Các Khu Vực của Ukraine Bị Chiếm Đóng


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

-Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một Sắc lệnh cho phép những người sống ở các khu vực của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa có thể trở thành công dân Nga, nhưng điều này cũng có nghĩa là những người từ chối hoặc không hợp pháp hóa tình trạng quốc tịch của họ có thể bị trục xuất.

Sắc lệnh, được các hãng thông tấn Nga đưa tin hôm thứ Sáu (28/4/2023), bao gồm bốn khu vực của Ukraine mà Nga đơn phương tuyên bố là của mình và kiểm soát một phần: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Kyiv nói họ sẽ chiếm lại cả 4 khu vực và cáo buộc Mạc Tư Khoa cố cưỡng ép công dân của họ chấp nhận quốc tịch Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Malyar, tuần này cáo buộc Nga cố thay đổi cái mà bà gọi là “bản chất sắc tộc” của lãnh thổ bị chiếm đóng bằng cách đưa những người định cư từ các vùng xa xôi của Nga vào trong khi trục xuất những người bị nghi ngờ thân Ukraine.

Sắc lệnh đặt ra những cách thức mà công dân Ukraine hoặc những người mang sổ thông hành do các nước Cộng hòa ly khai được Nga hậu thuẫn và sống ở bốn khu vực có thể bắt đầu quá trình trở thành công dân Nga hoặc hợp pháp hóa tình trạng của họ với chính quyền Nga.

Nhưng Sắc lệnh cũng nói rằng bất kỳ ai không thực hiện như vậy trước ngày 1/7/2024 sẽ được coi là công dân ngoại quốc, điều đó khiến họ có nguy cơ bị trục xuất khỏi lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa coi là một phần của Nga.

Sắc lệnh cũng cho phép trục xuất những người được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc tham gia các cuộc hội họp trái phép trong bốn khu vực trên.

Cụ thể, Sắc lệnh loại riêng ra những người có khả năng bị trục xuất, những người ủng hộ “sự thay đổi bạo lực” trật tự Hiến pháp của Nga hoặc những người tài trợ hay âm mưu tấn công khủng bố.


Một Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Tố Cáo Tình Trạng Bài Ukraine Tại Nga

-Cách nay 2 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh đòi các công dân Ukraine tại Donetsk, Luhansk, Zaporijjia, Kherson và Crimea nhập quốc tịch Nga trước ngày 1/7/2024. Nếu không, những người này sẽ bị trục xuất khỏi 5 vùng lãnh thổ đã bị Mạc Tư Khoa xâm chiếm. Mạc Tư Khoa lại bị Liên Hiệp Quốc lên án vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, kích động hận thù nhắm vào người Ukraine.

Hôm 28/4/2023, một Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc nhằm xóa bỏ mọi hành vi kỳ thị chủng tộc đã lên án Nga - đặc biệt là các phương tiện truyền thông của nhà nước Nga - miệt thị, tuyên truyền chống người Ukraine.

Từ Geneva (Thụy Sĩ), thông tín viên Jérémie Lanche của Đài RFI tường trình:

“Công Ước Quốc Tế xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc là một trong những văn bản luật pháp quốc tế đạt được đồng thuận hơn cả về. Hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn văn bản đó. Thậm chí Nga còn phê chuẩn bản công ước này trước cả Pháp và Mỹ.

Thế nhưng, Mạc Tư Khoa thản nhiên chà đạp những nghĩa vụ của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trong báo cáo, các chuyên gia lên án các kênh truyền thông chính thức của Nga gieo rắc hận thù chống lại người Ukraine. Mạc Tư Khoa chủ yếu huy động các sắc tộc thiểu số tại Nga lên tuyến đầu trên mặt trận Ukraine. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc tố cáo Mạc Tư Khoa tra tấn, sát hại những người Ukraine rơi vào tay quân đội chính quy và các lực lượng bán quân sự của Nga, tức là vào tay lực lượng Wagner.

Ủy ban của Liên Hiệp Quốc cũng đã nêu bật trường hợp trẻ em Ukraine bị đưa sang các vùng lãnh thổ Nga, có thể là hàng ngàn người. Tuy nhiên, tài liệu của Liên Hiệp Quốc tránh đưa ra một con số cụ thể. Như thường lệ các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã phải vất vả điều tra để có được bản báo cáo này bởi phía Nga từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban liên quan đến xung đột Ukraine”.


Putin Ký Sắc Lệnh Nâng Án Tù Lên Mức Chung Thân Cho Tội Phản Quốc


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

-Ngày thứ Sáu (28/4/2023), Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một Sắc lệnh chính thức nâng mức án tối đa cho tội phản quốc lên tù chung thân, một phần trong nỗ lực đàn áp quan điểm bất đồng chính kiến kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine.

Sắc lệnh được đăng trên website của Ðiện Cẩm Linh. Các nhà Lập pháp trước đó đã biểu quyết tăng các mức án dài nhất cho tội phản quốc lên tù chung thân, từ mức 20 năm.

Các nhà Lập pháp cũng chấp thuận tăng mức án tối đa cho tội thực hiện “hành động khủng bố” - được định nghĩa là hành động gây nguy hiểm đến tính mạng và nhằm gây bất ổn cho nước Nga - lên 20 năm tù, từ mức 15 năm hiện thời.

Những người bị kết tội phá hoại cũng có thể bị phạt tù 20 năm, tăng từ 15 năm, trong khi những người bị kết tội “khủng bố quốc tế” có thể bị kết án tù chung thân, tăng từ 12 năm. Sắc lệnh không giải thích “khủng bố quốc tế” là gì.

Ông Putin ký Sắc lệnh mới vào thời điểm các nhóm nhân quyền nói rằng chính quyền đang tăng cường nỗ lực nhằm dập tắt những tiếng nói đối lập ít ỏi còn sót lại.

Nga nói phải có những luật như vậy để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm nhập của Ukraine và các cơ quan tình báo phương Tây.


Nga Nói Thỏa Thuận Nguyên Tử Mỹ-Hàn Có Thể Gây Bất Ổn Khu Vực


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phía sau) và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol bày tỏ cảm xúc hào hứng tại Quốc yến ở Tòa Bạch Ốc, trong chuyến thăm của ông Yoon Suk Yeol tới Hoa Kỳ vào ngày 26/4/2023.)

-Hôm thứ Sáu (28/4/2023), Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Thỏa thuận Nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, nói rằng nó sẽ gây bất ổn cho khu vực và thế giới rộng lớn hơn, đồng thời cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng.

Hôm thứ Tư (26/4), Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho Nam Hàn cái nhìn sâu sắc hơn về kế hoạch nguyên tử của nước này, trong khi Hán Thành hứa sẽ không tự tìm kiếm vũ khí nguyên tử trong một thỏa thuận mà cả hai bên đều nói là nhằm chống lại Bắc Hàn.

Nga đã nhiều lần chỉ trích điều mà họ coi là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Hoa Kỳ trên khắp Á Châu.

“Diễn biến này rõ ràng là gây bất ổn về bản chất và sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với an ninh khu vực, ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu”, Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố.

Mạc Tư Khoa nói nỗ lực giành “ưu thế quân sự quyết định” của Mỹ và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ “chẳng mang lại gì ngoài căng thẳng leo thang” và có thể “kích động một cuộc chạy đua vũ trang”.

Hoa Thịnh Ðốn cáo buộc Mạc Tư Khoa đe dọa nguyên tử trong nhiều tuyên bố của các viên chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của mình.

Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tuần này, nhà lãnh đạo Nam Hàn Yoon Suk Yeol nói thỏa thuận này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Nam Hàn trước chương trình vũ khí nguyên tử đang phát triển nhanh chóng của Bắc Hàn.


-Hỏa Hoạn Tại Kho Nhiên Liệu ở Crimea Được Dập Tắt Sau Vụ Tấn Công Bằng Drone


(Hình: Bức ảnh do Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev công bố trên kênh Telegram ngày 29/4/2023 cho thấy khói và lửa bốc lên từ một thùng nhiên liệu đang cháy ở Sevastopol, Crimea.)

-Một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở trữ nhiên liệu ở thành phố cảng Sevastopol trên Bán đảo Crimea, gây ra bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone), đã được dập tắt hoàn toàn, Thống đốc do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm cho biết ngày thứ Bảy (29/4/2023).

Các chuyên gia đã khám nghiệm địa điểm và nhận thấy “rõ ràng chỉ có một drone có thể tiếp cận bể chứa dầu”, Mikhail Razvozhaev cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Một drone khác đã bị bắn rơi, xác của nó được tìm thấy trên bờ biển gần kho nhiên liệu, ông nói thêm. Trước đó ông nói không có ai bị thương.

Một viên chức tình báo quân đội Ukraine cho biết hơn 10 thùng chứa các sản phẩm dầu có sức chứa khoảng 40.000 tấn dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị phá hủy, RBC Ukraine đưa tin.

Viên chức này, Andriy Yusov, không tuyên bố Ukraine chịu trách nhiệm về vụ nổ trong các phát biểu được RBC đăng tải, thay vào đó mô tả vụ nổ là “sự trừng phạt của Chúa” cho cuộc tấn công của Nga nhắm vào một thành phố của Ukraine vào ngày thứ Sáu.

Phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Ukraine trước đó nói ông không có bất cứ thông tin nào cho thấy Ukraine chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn.

Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, nói trên Telegram rằng lực lượng phòng không và tác chiến điện tử ngày thứ Bảy đã bắn hạ hai drone bay bên trên Bán đảo Crimea.

“Không có thương vong hay thiệt hại”, ông nói.

Sevastopol, thuộc Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công từ trên không kể từ khi Nga xâm lược toàn bộ đất nước này vào tháng 2 năm 2022.

Các viên chức Nga quy cho Ukraine thực hiện cuộc tấn công.


Ukraine Oanh Kích Vào Nhiều Nơi Trên Lãnh Thổ Nga

-Quân đội Ukraine tấn công Nga ở 3 điểm cách xa nhau trong cùng ngày 29/4/2023. Ở mặt trận miền Đông, Kyiv tuyên bố kiểm soát được trục đường tiếp tế chính đến Bakhmut, trong khi lực lượng bán quân sự Nga Wagner dọa sẽ rút quân khỏi thành phố miền Đông nếu Mạc Tư Khoa không gửi thêm đạn dược.

Trả lời phỏng vấn một cơ quan truyền thông địa phương sáng 30/4, phát ngôn viên của các lực lượng phía Đông, Serhiy Cherevatyi, cho biết quân Ukraine đã đẩy lùi 58 cuộc tấn công của Nga trong ngày 29/4 dọc chiến tuyến từ Bakhmut đến Avdiivka và tới Maryinka ở phía Nam vùng Donetsk. Theo sĩ quan này, “từ nhiều tuần qua, Nga nói đến việc chiếm tuyến đường huyết mạch”, tình hình ở đó “thực sự khó khăn nhưng lực lượng phòng vệ (Ukraine) đã không cho phép quân Nga “chặn” tuyến đường tiếp viện của chúng ta”. Đến sáng 30/4, có 9 địa phương ở tỉnh Donetsk lại bị Nga oanh kích.

Trong khi đó, quân Ukraine tấn công 3 địa điểm ở Nga trong ngày 29/4. Làng Suzemka, ở vùng Bryansk, cách biên giới Đông-Bắc với Ukraine khoảng 10 cây số, đã trúng nhiều phi đạn, 4 người bị thiệt mạng, một tòa chung cư bị phá hủy hoàn toàn và hai ngôi nhà bị hư hại, theo thông báo trên Telegram của Thống đốc Alexandre Bogomaz. Năm ngôi làng khác ở vùng Belgorod (phía Đông Ukraine) bị mất điện sau khi trúng pháo của Ukraine. Và ở miền Nam là vụ tấn công bằng drone vào kho dầu ở cảng Sebastopol trên bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập từ năm 2014.

Trả lời RFI, nhà phân tích địa chiến lược Ulrich Bounat cho rằng vụ tấn công Sebastopol nhằm mục đích vô hiệu hóa phần nào kho xăng dầu chiến lược, và như vậy hạn chế khả năng di chuyển trong ngắn hạn của quân Nga, như từng làm trước khi tiến hành phản công ở Kherson và Kharkiv năm 2022. Về chiến lược “tung hỏa mù” khi tấn công nhiều địa điểm khác nhau, nhà nghiên cứu Ulrich Bounat phân tích:

“Như chúng ta đã thấy với vụ xâm nhập bên kia bờ Dnipro cách đây vài ngày, có nhiều khả năng là trong những tuần tới, chúng ta sẽ thấy Ukraine thử ở hầu hết khắp nơi trên mặt trận để trắc nghiệm khả năng kháng cự của Nga, để tìm cách khiến Nga tin rằng các chiến dịch sẽ diễn ra ở địa điểm này nhưng cuối cùng lại xảy ra ở nơi khác trước khi tổ chức phản công, có thể là vào tháng 05 hoặc muộn nhất là tháng 06.

Cũng cần biết rằng Ukraine không được phép thất bại trong trận đó bởi vì các nước phương Tây đã chuyển cho Kyiv gần hết số xe bọc thép mà họ có thể cung cấp vào thời điểm này, nên giờ chẳng còn gì nhiều hoặc cần thời gian củng cố kho ở phương Tây để gửi sang Ukraine. Vì thế, rõ ràng là Ukraine có cơ hội nhưng cơ hội đó cũng có cái giá bởi vì nếu chẳng may cuộc phản công đó không tiến triển, Ukraine sẽ không thể nhanh chóng khởi động lại chiến dịch”.


Uzbekistan: Trưng Cầu Dân Ý Về Sửa Đổi Hiến Pháp Để Đương Kim Tổng Thống Tiếp Tục Cầm Quyền

-20 triệu cử trị Uzbekistan ở vùng Trung Á, được mời đến phòng phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp hôm 30/4/2023. Về mặt chính thức, văn kiện do Tổng thống Chavkat Mirzioïev đề nghị nhằm biến Uzbekistan thành một Nhà nước “xã hội”. Trên thực tế, cuộc bỏ phiếu nhằm mục tiêu duy trì ông Mirzioïev ở cương vị Tổng thống càng lâu càng tốt.

Một trong các điểm sửa đổi được đưa ra bỏ phiếu lần này là đề nghị kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống từ 5 lên 7 năm. Hiến pháp hiện hành cũng như Hiến pháp mới đều cho phép Tổng thống ra tái cử 2 lần và riêng trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm, số nhiệm kỳ của ông sẽ được tính lại từ đầu, mở đường cho ông Mirziyoyev tái tranh cử vào năm 2026 và 2033, và nếu đắc cử, nhân vật này sẽ làm Tổng thống cho đến năm 2040.

Theo chính quyền Uzbekistan, sửa đổi Hiến pháp sẽ cải thiện sự quản lý điều hành đất nước, cũng như chất lượng cuộc sống của quốc gia 35 triệu dân và lớn nhất vùng Trung Á này.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016 sau khi người tiền nhiệm, nhà độc tài Islam Karimov đột ngột qua đời, ông Mirziyoyev đã thực hiện một số cải cách ở Uzbekistan.

Đầu tiên, ông thực hiện những cải cách kinh tế lớn với việc chấm dứt chế độ lao động cưỡng bức, cho tiền tệ được tự do chuyển đổi, tư nhân hóa, giảm thuế hải quan và mở cửa đón ngoại quốc đầu tư. Các quyền tự do dân sự cũng được phục hồi với việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Trên trường quốc tế, Tổng thống đã nối lại đối thoại với các nước láng giềng ở Trung Á.

Tuy nhiên, báo chí tại Uzbekistan vẫn bị bịt miệng, trong lúc xã hội dân sự tiếp tục sống trong sợ hãi.


Anh Quốc: Tài Liệu Mật của Hải Quân Hoàng Gia Được Tìm Thấy Trong Nhà Vệ Sinh của Một Quán Rượu!

-Theo The Sun, một tập tài liệu tuyệt mật của Hải quân Anh về cách vận hành của tàu ngầm nguyên tử được phát giác trong một quán bar ở thị trấn Barrow, vùng Cumbria, miền Tây-Bắc nước Anh vào tối thứ Bảy, 29/4/2023.

Tài liệu được cho là nhạy cảm và chỉ được chia sẻ cho những người cần được biết và hậu quả sẽ rất lớn nếu bị mất, bị đánh cắp hoặc được công khai. Thông tín viên RFI Emeline Vin tường trình:

“Giống như tất cả những buổi thứ Bảy, quán bar The Furnace Tailway đông nghịt người, khi một người, có thể là một khách hàng hay một nhân viên, đi vào nhà vệ sinh và tìm thấy những tài liệu của Hải quân Hoàng Gia Anh, mô tả phương thức hoạt động của một tàu ngầm nguyên tử, được xếp loại tuyệt mật.

Tài liệu cho biết Tàu HMS Anson, trị giá khoảng hơn 1,5 tỉ Euro, thuộc vào lớp Astute, lớn nhất và mạnh nhất, cũng như tối tân nhất trong số các loại tàu ngầm tấn công.

Người tìm thấy những tài liệu, xin giấu tên, cho rằng một gián điệp Nga có thể đã nhúng tay vào tài liệu này. Quán rượu nằm cách bến tàu, khoảng 5 phút đi bộ. Đây là nơi đặt trụ sở của BAE Developers, tập đoàn sản xuất vũ khí.

Hải quân Anh bảo đảm đó là những tài liệu đào tạo chung, được chuyển cho các tân binh để giải thích về hệ thống tàu tương tác với nhau chứ không phải cách tàu vận hành. Do đó, không có bất cứ thông tin nhạy cảm nào có thể đã bị tiết lộ. Phát ngôn viên của Hải quân cũng cho biết đang mở một cuộc điều tra để tìm hiểu về hoàn cảnh xảy ra sự việc, khi phát giác những tài liệu này”.

Đây không phải là vụ rò rỉ tài liệu mật đầu tiên ở Anh Quốc. Vào năm 2021, khoảng 50 trang tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Anh đã được phát giác ở một trạm xe buýt ở Kent.


Hãng Thẩm Định Tài Chánh Fitch Hạ Điểm Tín Nhiệm của Pháp Vì Tình Trạng “Bế Tắc Chính Trị”

-Trong một quyết định mang tính chất cảnh báo nhắm vào chính quyền Pháp, hãng thẩm định tài chánh quốc tế Fitch ngày 28/4/2023 đã hạ xuống một nấc thứ hạng của nước Pháp, nêu lý do tình trạng “bế tắc chính trị” và xã hội liên quan đế kế hoạch cải cách chế độ hưu trí.

Trong một bản thông cáo, hãng Fitch cho biết đã hạ bậc xếp hạng của Pháp xuống mức “AA-”, so với “AA”. Cơ quan này giải thích: “Bế tắc chính trị và các phong trào xã hội (đôi khi biến thành bạo lực) gây rủi ro cho chương trình cải cách của Tổng thống Macron”.

Phản ứng trước quyết định hạ điểm của Fitch, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh Pháp Bruno Le Maire đã lấy làm tiếc về “đánh giá bi quan” của Fitch, cho rằng cơ quan xếp hạng này “đánh giá thấp hệ quả của các cải cách”, đặc biệt là về lương hưu.

Chính phủ Pháp trong thời gian qua đã sử dụng điều 49.3 để thông qua cải cách hưu trí, tăng tuổi về hưu pháp định từ 62 lên thành 64, gây nên những phản ứng dữ dội, vẫn kéo dài cho đến nay.

Ngoài các cuộc biểu tình tuần hành, do các công đoàn tổ chức hay tự phát, trong thời gian gần đây, nhiều cuộc biểu tình nhỏ phản đối cải cách hưu trí cũng đã bùng lên ở nhiều nơi mỗi khi có sự hiện diện của các Bộ trưởng, Thủ tướng, thậm chí Tổng thống.

Một ví dụ điển hình liên quan đến trận chung kết Cúp Túc cầu nước Pháp diễn ra tối 29/4 trên sân vận động Stade de France, ngoại ô Paris, giữa hai câu lạc bộ Nantes và Toulouse, dự kiến sẽ có đến 78.000 khán giả.

Theo truyền thống, Tổng thống Pháp sẽ đến xem trận chung kết và trao Cúp cho đội thắng, nhưng các phong trào phản đối cải cách hưu trí đã tuyên bố sẽ có mặt để phản đối, buộc chính quyền phải ban hành những biện pháp an ninh chặt chẽ.

Để tránh chuyện không hay, Sở Cảnh sát Paris đã có 3 quyết định: Cấm các cuộc biểu tình mà các công đoàn dự kiến gần Stade de France vào tối 29/4, không để cho Tổng thống xuống sân cỏ để chào hai đội như thông lệ, và sẽ để Tổng thống trao Cúp trên khán đài thay vì dưới sân.


Tin Lạ! Cha của Trên Hàng 500 Trăm Đứa Trẻ! Bị Tòa Án Hòa Lan Cấm Hiến Tinh Trùng!


(Hình: Bồn bảo quản tinh trùng đông lạnh tại một phòng thí nghiệm ở Paris, Pháp.)

-Ngày 28/4/2023, một tòa án Hòa Lan ra lệnh cho một người đàn ông mà các Thẩm phán cho là cha của 500-600 đứa trẻ trên khắp thế giới phải ngừng hiến tặng tinh trùng.

Theo phán quyết của tòa, người đàn ông Hòa Lan 41 tuổi mà tờ Telegraaf xác định là Jonathan Meijer bị cấm hiến thêm tinh dịch cho các bệnh viện. Ông ta có thể bị phạt 100.000 Euro cho mỗi vi phạm.

Tòa án cũng yêu cầu ông Meijer viết thư cho các bệnh viện ở ngoại quốc yêu cầu họ tiêu hủy bất kỳ tinh dịch nào của ông mà họ còn trong kho.

Quyết định này được đưa ra sau một vụ kiện dân sự bắt đầu bởi một tổ chức đại diện cho quyền lợi cho các trẻ em sinh ra từ tinh trùng hiến tặng và các bậc cha mẹ Hòa Lan đã sử dụng tinh trùng hiến tặng của ông Meijer.

Họ lập luận rằng việc ông Meijer tiếp tục hiến tặng đã vi phạm quyền có cuộc sống riêng tư của những đứa trẻ này vì khả năng hình thành các mối quan hệ yêu đương của các em bị cản trở bởi nỗi sợ vô tình loạn luân và cận huyết.

Việc hiến tặng hàng loạt của ông Meijer lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2017 và ông đã bị cấm hiến tặng cho các bệnh viện hỗ trợ sinh sản ở Hòa Lan, nơi ông đã là cha của hơn 100 đứa trẻ.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục hiến tặng ở ngoại quốc, bao gồm cả ngân hàng tinh trùng Đan Mạch tên là Cryos hoạt động trên phạm vi quốc tế. Theo nhật báo Algemeen Dagblad, ông Meijer cũng đã tự giới thiệu mình với tư cách là người hiến tinh trùng trên các trang web, đôi khi sử dụng một tên khác.


Bắc Hàn Tăng Tốc Phát Triển Tổ Hợp Nguyên tử Yongbyon

-Nhiều hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 24/4/2023 cho thấy Cộng sản Bắc Hàn gia tăng phát triển và phục hồi tổ hợp nguyên tử Yongbyon. Thông tin này càng làm dấy lên lo ngại là Bình Nhưỡng biến lời nói thành hành động sau khi em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi tăng “gấp bội” năng lực nguyên tử của Bắc Hàn để đáp trả mối đe dọa quân sự Mỹ-Hàn.

Theo nhóm tư vấn Mỹ 38 North, được Yonhap trích dẫn ngày 30/4, những hình ảnh mới cho thấy hoạt động được gia tăng ở khu Yongbyon với nhiều công trình đang được xây ở khu vực Trung tâm Nghiên cứu khoa học nguyên tử Yongbyon, nằm ở tỉnh Bắc Pyongan và nhất là ở quanh lò phản ứng nguyên tử 5 megawatt và khu làm giầu uranium.

Chuyên gia của nhóm 38 North cũng nhận thấy kênh dẫn nước từ sông Kuryong đã được nâng cấp và có thêm nhiều cơ sở khác trong khu tổ hợp. Trong khi đó, việc xả nước liên tục ở phía Nam của trạm bơm REL cho thấy các hoạt động thử nghiệm hoặc làm mát đang được tiến hành.

Cuối tháng 3, khi thị sát Viện Vũ khí Nguyên tử (NWI) ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un kêu gọi tăng khả năng sản xuất vật liệu nguyên tử có thể sử dụng sản xuất vũ khí nguyên tử và nhằm mục đích cải thiện kho vũ khí này. Giới chuyên gia lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tăng tốc sau khi Mỹ và Nam Hàn ra “Tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn” trong đó có điểm “khai triển thường xuyên hơn các phương tiện chiến lược ở Nam Hàn trong khuôn khổ răn đe mở rộng”.

Ngay sau tuyên bố của Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, về việc Bình Nhưỡng sẽ phải đưa ra những biện pháp “quyết đoán hơn”, cơ quan thông tấn Nhà nước KCNA đăng bài xã luận ngày 30/4 khẳng định Bắc Hàn sẽ tăng “sức răn đe quân sự” để đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Joe Biden là “chấm dứt chế độ” nếu Bình Nhưỡng tấn công nguyên tử.

Trước mối đe dọa nguyên tử và phi đạn-đạn đạo Bắc Hàn, các nhà đàm phán nguyên tử hai nước Nam Hàn và Mỹ gặp nhau lần thứ ba để thảo luận những đường hướng cần khai thác nhằm hợp tác hiệu quả hơn. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nam Hàn ngày 30/4, ông Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về Bắc Hàn đã gặp đồng nhiệm Kim Gunn bên lề hội nghị an ninh Asan Plenum 2023 diễn ra hôm 27/4 tại Hán Thành.


Thủ Tướng Gia Nã Ðại Ám Chỉ Trung Quốc Sử Dụng Lao Động Nô Lệ Trong Sản Xuất Lithium


(Hình: Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau.)

-Hôm thứ Sáu (28/4/2023), Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau ám chỉ Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ trong sản xuất lithium khi ông thảo luận về những nỗ lực của Gia Nã Ðại nhằm đẩy mạnh sản xuất kim loại quan trọng được sử dụng trong xe điện và các loại pin khác.

Mùa Thu năm 2022, Gia Nã Ðại công bố một chính sách cứng rắn hơn đối với đầu tư vào loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là từ nhà sản xuất chiếm ưu thế là Trung Quốc, khi nước này nỗ lực củng cố nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng trong nước sau khi đại dịch toàn cầu phơi bày ra các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra sự gián đoạn sản xuất lớn.

Thủ tướng Trudeau nói Gia Nã Ðại có nguồn lithium đáng kể. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã đưa ra những lựa chọn chiến lược giúp nước này trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về lithium được sử dụng trong điện thoại di động và xe điện, ông nói thêm trong bài phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York.

“Thành thật mà nói, lithium được sản xuất ở Gia Nã Ðại sẽ đắt hơn, bởi vì chúng tôi không sử dụng lao động nô lệ”, ông Trudeau nói.

“Bởi vì chúng tôi đặt ra trách nhiệm với môi trường như một điều mà chúng tôi thực sự mong đợi được tuân thủ. Bởi vì chúng tôi tin tưởng vào việc hợp tác, hợp tác với người dân bản địa, trả mức lương đủ sống cho họ, mong đợi các tiêu chuẩn an ninh và an toàn”.

Đại diện của Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Ottawa không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.

Căng thẳng ngoại giao giữa Gia Nã Ðại và Trung Quốc đã tăng cao kể từ vụ giam giữ Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, của Trung Quốc vào năm 2018. Sau đó, Bắc Kinh bắt giữ hai người Gia Nã Ðại với cáo buộc gián điệp.

Vào tháng 11, Gia Nã Ðại đã ra lệnh cho ba công ty Trung Quốc thoái vốn đầu tư vào các khoáng sản quan trọng của Gia Nã Ðại, với lý do an ninh quốc gia. Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Ottawa sử dụng lý do an ninh quốc gia và nói rằng lệnh thoái vốn vi phạm các quy tắc thị trường và thương mại quốc tế.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Trudeau đã đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại các chế độ độc tài vào tháng trước khi ông Biden đến thăm thủ đô Gia Nã Ðại vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Mạc Tư Khoa.


Iran Kêu Gọi Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải Lập “Vành Đai An Ninh Hàng Hải” Nhằm Đe Dọa Phương Tây

-Iran muốn tăng cường hợp tác với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đồng thời kêu gọi thành lập một “vành đai an ninh hàng hải” trước sức ép từ các nước phương Tây mà Tehran cho là ngày càng “hung hăng”. Đề xuất được Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammed Reza Ashtina đưa ra trong cuộc họp ngày 28/4/2023 với các đồng nhiệm tại Tân Ðề Ly, Ấn Độ.

Ý tưởng của Iran là thành lập “Vành đai an ninh hàng hải Thượng Hải” (Shanghai Maritime Security Belt) - một cơ chế bảo đảm an toàn và an ninh cho các tuyến hàng hải và duy trì ổn định thương mại toàn cầu với các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tuy nhiên, mục đích sâu xa hơn, theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran, là củng cố hợp tác giữa các nước thành viên nhằm làm đối trọng với “những cách tiếp cận đơn phương và độc đoán” của các nước phương Tây.

Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, bị Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây trừng phạt vì phát triển chương trình nguyên tử và vi phạm nhân quyền, lên án ngược lại rằng “chính sách bành trướng của phương Tây và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã làm tăng tốc hồi sinh một thế giới đơn cực”. Do đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải “phải thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên toàn cầu và cân bằng quyền lực”.

Trang Jerusalem Post ngày 30/4 trích thông tin từ kênh thông tin Al-Mayadeen thân Iran và Syria, cho rằng Iran muốn sử dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng, đồng thời muốn Ấn Độ đóng vai trò trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Tân Ðề Ly lại tham gia nhiều cơ chế tương tự với phương Tây và là một đối tác chiến lược với Do Thái.

Cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ diễn ra ở Goa ngày 4 và 5/5. Cuộc họp thượng đỉnh dự kiến được tổ chức ở Tân Ðề Ly ngày 3 và 4/7 và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia.


Trung Quốc Cảnh Báo, Nói Đài Loan ‘Rước Sói Vào Nhà!’


-Ngày 27/4/2023, Trung Quốc nói Đài Loan ‘rước sói vào nhà’ khi tổ chức một diễn đàn công nghiệp quốc phòng Mỹ vào tuần tới, đồng thời tố cáo rằng tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ tìm cách xuất cảng chiến tranh để kiếm lợi nhuận.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan dù thiếu quan hệ ngoại giao chính thức, và đề tài này là nguồn căng thẳng thường xuyên giữa Bắc Kinh với Hoa Thịnh Ðốn. Bắc Kinh nói Đài Loan thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ-Đài Loan, cùng với Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan, sẽ tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ-Đài Loan tại Đài Bắc vào ngày 3/5, tập hợp các công ty Mỹ và Đài Loan để thảo luận hợp tác.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi, tuyên bố trong một cuộc họp báo hàng tháng rằng Trung Quốc ‘hết sức quan ngại’ khi hay tin về diễn đàn này.

“Những ‘tổ hợp công nghiệp-quân sự’ của Mỹ muốn bán vũ khí trên khắp thế giới, xuất cảng chiến tranh và tìm kiếm lợi nhuận trên trời rơi xuống”, ông nói.

“Việc chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan rước sói vào nhà thật đáng ghê tởm và sẽ chỉ mang đến thảm họa sâu sắc cho đồng bào Đài Loan”, ông nói thêm, đề cập đến đảng cầm quyền của Đài Loan.

Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan để tìm cách và ép buộc hòn đảo dân chủ này phải chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh, trong đó có việc tổ chức các cuộc tập trận trong tháng này.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và nói rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình.


Mỹ Nói Cảnh Sát Biển Trung Quốc Càng Ngày Càng Hung Hăng Quấy Rối Tàu Phi Luật Tân


(Hình: Một tàu Hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5201 chặn tàu tuần duyên Phi Luật Tân BRP Malapascua khi nó di chuyển vào Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 23/4/2023.)

-Ngày thứ Bảy (29/4/2023), Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối các tàu Phi Luật Tân ở Biển Đông, cam kết sát cánh với Phi Luật Tân vào lúc mà căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ.

“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi khiêu khích và không an toàn”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo.

Phi Luật Tân ngày thứ Sáu cáo buộc lực lượng hải cảnh của Trung Quốc dùng “những chiêu thức hung hăng” sau một sự việc trong cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển của Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Phi Luật Tân kiểm soát, một điểm nóng cho các vụ đụng độ trước đó nằm cách bờ biển nước này 105 hải lý (195 cây số).

Bãi Cỏ Mây là nơi trú đóng của một đội quân nhỏ trên một chiếc tàu rỉ sét từ thời Ðệ nhị Thế chiến của Mỹ được cố ý đưa lên cạn vào năm 1999 để củng cố các yêu sách chủ quyền của Phi Luật Tân. Vào tháng 2, Phi Luật Tân nói một tàu Trung Quốc đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một trong các tàu tiếp tế của họ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông với “đường chín đoạn” trên bản đồ kéo dài hơn 1.500 cây số cách đất liền và lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương. Một phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm 2016 đã bác bỏ đường chín đoạn đó vì không có cơ sở pháp lý.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Sáu nói các tàu của Phi Luật Tân đã xâm phạm vùng biển Trung Quốc và thực hiện các hành động khiêu khích có chủ ý.


Biển Đông: Mỹ Yêu Cầu Trung Quốc Chấm Dứt Các Hành Vi “Khiêu Khích”

-Hai hôm trước ngày Tổng thống Mỹ tiếp đón đồng nhiệm Phi Luật Tân tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ vào hôm 29/4/2023 đã tố cáo Trung Quốc về một vụ “sách nhiễu và hù dọa” tàu Phi Luật Tân tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động “khiêu khích và thiếu an toàn” đồng thời khẳng định rằng mọi hành vi tấn công vào tàu thuyền hay máy bay công vụ của Phi Luật Tân tại vùng Thái Bình Dương sẽ bi đáp trả đúng theo Hiệp định phòng thủ hỗ tương đã được ký kết giữa Hoa Thịnh Ðốn và Manila.

Trong một thông cáo báo chí với lời lẽ cứng rắn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác định rằng Hoa Kỳ sát cánh với Phi Luật Tân trước các vụ Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thông cáo ghi nhận rằng: “Hình ảnh và video được các phương tiện truyền thông công bố gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng về hành vi sách nhiễu và hù dọa của Trung Quốc nhắm vào tàu thuyền của Phi Luật Tân khi các chiếc tàu này thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”, Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt các hành vi khiêu khích, thiếu an toàn”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không ngần ngại nhắc nhở Trung Quốc rằng “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Phi Luật Tân, bao gồm cả các phương tiện của lực lượng Tuần Duyên Phi Luật Tân, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ ghi trong Điều IV của Hiệp ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi Luật Tân năm 1951”.

Sự việc giữa tàu Trung Quốc và Phi Luật Tân xảy ra hôm Chủ Nhật 23/4 gần Bãi Cỏ Mây, vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông) khi một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc đột ngột cắt ngang đường di chuyển của một chiếc tàu Tuần Duyên Phi Luật Tân, buộc phía Phi Luật Tân phải bẻ lái để tránh va chạm.

Bắc Kinh tố cáo tàu Phi Luật Tân khiêu khích khi xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc, trong lúc Phi Luật Tân tái khẳng định quyền tuần tra trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Tuyên bố cứng rắn của Mỹ về Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr chuẩn bị công du nước Mỹ trong 4 ngày và sẽ được đồng nhiệm Mỹ Joe Biden tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 1/5.

Theo hãng tin Anh Reuters, một viên chức Mỹ cấp cao tiết lộ rằng nhân chuyến công du của Tổng thống Phi Luật Tân, ngoài các thỏa thuận kinh doanh, hai bên sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh thêm hợp tác quốc phòng, như khả năng tổ chức các cuộc tuần tra chung với Mỹ-Phi Luật Tân trên Biển Đông và các vùng biển khác, hay kế hoạch tăng cường đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân về an ninh khu vực.


Mỹ: Cổ Phiếu Ngân Hàng First Republic Tụt Giá Mạnh Tại Wall Street!

-Trước tin đồn ngân hàng First Republic của Mỹ bị giải thể, trong phiên giao dịch hôm 28/4/2023, cổ phiếu của tập đoàn tài chánh này mất giá 43% trên sàn chứng khoán Wall Street. First Republic là ngân hàng lớn thứ 14 trên toàn quốc và là tập đoàn tài chánh thứ ba của Mỹ bị phá sản sau SVB và Signature Bank.

Cùng ngày, Cục Dự Trữ Liên Bang - FED công bố báo cáo về nguyên nhân, trách nhiệm của các giới chức liên quan trong hai vụ các ngân hàng SVB và Signature Bank phá sản.

Từ Hoa Thịnh Ðốn thông tín viên thường trực của RFI Guillaume Naudin giải thích:

“Đây là điều mà người ta gọi là quét dọn sạch sẽ ngay trước cửa nhà. Nếu như lãnh đạo của các ngân hàng SVB và Signature Bank đã phạm phải những sai lầm trong việc thẩm định mức độ rủi ro, thì các giới chức tài chánh của Hoa Kỳ cũng đã phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trên các hồ sơ này.

Tránh nêu đích danh những nhân vật có liên quan, nhưng văn bản đã nêu bật một sự bất cẩn vào lúc mà các tín hiệu báo động đã hiển nhiên. Những tín hiệu báo động đó nhiều hơn so với ở các ngân hàng cùng tầm cỡ trong những lĩnh vực khác. Vậy mà các bên đã chậm phản ứng. Đối với Phó Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (FED), Michael Barr, thì đây là một vấn đề liên quan đến cách tổ chức và do guồng máy hành chính nặng nề.

Về mặt chính thức, các chi nhánh địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát tình hình, thế nhưng quyền lực thì lại chủ yếu tập trung ở Hoa Thịnh Ðốn. Do vậy, FED đề nghị siết chặt thêm các quy định huy động vốn và tỷ lệ về tiền mặt của các nhân hàng cỡ trung bình như là những ngân hàng đang gặp khó khăn, ví dụ First Republic có trụ sở tại San Francisco. Trong những năm gần đây, những quy định đó đã được nới lỏng, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Trump.

Sau báo cáo được công bố hôm 28/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ, Jérôme Powell, khẳng định ông tin tưởng rằng những khuyến cáo của FED sẽ mang lại kết quả”.


Nhà Chức Trách Mỹ ‘Rất Quan Ngại’ Về Hình Thức Xổ Số Visa H-1B


(Hình: Đơn xin visa H-1B của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.)

-Ngày 28/4/2023, nhà chức trách Mỹ cho biết số lượng đơn xin visa (thị thực nhập cảnh) trong ngành kỹ thuật tăng vọt trong năm thứ hai liên tiếp, làm dấy lên “những lo ngại nghiêm trọng” rằng một số người đang thao túng hệ thống để đạt được lợi thế không công bằng.

Có 780.884 đơn xin visa H-1B trong cuộc xổ số bằng máy điện toán năm nay, tăng 61% so với 483.927 vào năm 2022, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo gửi tới “các bên liên quan”. Số lượng đơn đăng ký năm 2022 đã tăng 57% so với 308.613 đơn đăng ký của năm trước.

Mỗi năm, có tới 85.000 người được chọn để cấp visa H-1B, trụ cột chính cho những công ty kỹ thuật khổng lồ như Amazon, công ty mẹ của Google là Alphabet, công ty mẹ của Facebook là Meta và công ty International Business Machines.

Năm 2022, chính phủ Mỹ bắt đầu yêu cầu những người lao động trúng xổ số được visa H-1B ký bản tuyên thệ rằng không cố đánh lừa hệ thống bằng cách kết hợp với những người khác để nộp nhiều hồ sơ dưới nhiều tên công ty khác nhau cho dù không có lời mời làm việc nào. Bằng cách chiến thắng ít nhất một lần, các công ty này có thể tiếp thị dịch vụ của họ cho các công ty kỹ thuật muốn lấp đầy các vị trí nhưng không có visa, trở thành nhà thầu lao động một cách hiệu quả.

Sở Di trú nói họ đã “tiến hành các cuộc điều tra gian lận rộng rãi” dựa trên các hồ sơ xổ số trong hai năm qua, từ chối một số đơn thỉnh cầu và “đang trong quá trình” chuyển một số trường hợp cho các Công tố viên liên bang về các tội danh khả dĩ.

Số lượng ghi danh liên quan đến những người ghi danh nhiều lần đã tăng lên 408.891 trong năm nay từ 165.180 của năm 2022 và 90.143 của năm trước.

Sở Di trú nói: “Chúng tôi vẫn cam kết ngăn chặn và ngăn ngừa việc lạm dụng quy trình ghi danh và bảo đảm chỉ những người tuân thủ luật mới đủ điều kiện nộp đơn yêu cầu giới hạn H-1B”.

Visa H-1B, được sử dụng bởi các Kỹ sư nhu liệu điện toán và những người khác trong ngành kỹ thuật, là cột thu lôi trong cuộc tranh luận về di trú. Những người chỉ trích nói rằng các visa này làm ảnh hưởng tới công ăn việc làm của thường trú nhân và công dân Mỹ. Chúng được cấp trong ba năm và có thể được gia hạn thêm ba năm nữa.

Các công ty kỹ thuật nói H-1B rất quan trọng đối với các vị trí khó tìm người. Khi số lượng đơn ghi danh tăng vọt trong hai năm qua, các công ty lớn đã nhận thấy số lượng đơn trúng xổ số giảm dần.

Ông Andrew Greenfield, một đối tác tại công ty Luật Fragomen, đại diện cho các công ty kỹ thuật lớn, cho biết sự gia tăng số lượng đơn ghi danh là “kỳ lạ” do tình trạng sa thải phổ biến trong ngành. Khách hàng của ông có tỷ lệ thành công khoảng 15% khi tham gia xổ số trong năm nay, giảm so với khoảng 30% vào năm 2022.

“Thật tàn khốc”, ông Greenfield nói. “Khách hàng của chúng tôi là những nhà tuyển dụng hợp pháp không thể tìm đủ nhân tài ở Hoa Kỳ để đáp ứng mọi nhu cầu tuyển dụng của họ”.

Xổ số do máy điện toán vào tháng rồi đã chọn 110.791 người chiến thắng cho 85.000 vị trí. Các công ty có thời hạn đến cuối tháng 6 để xác nhận rằng họ có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng. Nếu xác nhận không đủ 85.000, chính phủ có thể tổ chức một cuộc xổ số khác để lấp đầy các vị trí còn lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét