Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Việt Nam ‘phục dựng thành công’ nỏ thần trong truyền thuyết - VOA

 

Kỹ sư Vũ Đình Thanh bên cạnh chiếc 'nỏ thần' do ông cùng ê-kíp của mình phục dựng

Một kỹ sư Việt Nam được cho là đã tái hiện được chiếc nỏ thần ‘bách phát bách trúng’ tương truyền đã giúp cho An Dương Vương đẩy lùi được quân xâm lược của Triệu Đà từ phương bắc gần 2.300 năm trước, hãng tin nhà nước của Việt Nam đưa tin.
<!>

Theo đó, ông Vũ Đình Thanh, một kỹ sư tên lửa hiện đang làm việc cho một công ty Nga, đã dựa vào một di vật khảo cổ là chiếc mũi tên đồng được khai quật ở khu di tích Cổ Loa, để nghiên cứu phục dựng lại chiếc nỏ thần trong nhiều tháng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Chiếc nỏ thần phục dựng này đã được trưng bày trong khuôn khổ hội thảo khoa học ‘Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại’ và được Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đích thân bắn thử, theo tờ Lao Động.

Hãng tin nhà nước cho rằng chiếc nỏ thần này là ‘phương pháp duy nhất trên thế giới cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên’ và nó đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp quyền sáng chế.

Điểm đặc biệt của chiếc nỏ này là mũi tên ba cạnh giúp nó có độ xoáy rất lớn khi bay theo nguyên lý khí động học. “Mũi tên có thể xoay như mũi khoan, có độ sát thương cao, cùng đó nỏ có thể bắn cùng lúc nhiều mũi tên trúng mục tiêu với khoảng cách hàng trăm mét,” bản tin của Thông tấn xã Việt Nam miêu tả.

“Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để ‘phanh’ ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước,” kỹ sư Thanh mô tả với trang Trí thức và Đời sống.

Không chỉ bắn cùng lúc nhiều mũi tên, cách bắn bằng ống tên này còn giúp mũi tên có thể ‘bay xa đến hàng ngàn mét với vận tốc nhanh hơn gấp đôi những chiếc nỏ thông thường, tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam cho biết.

Loại nỏ này chỉ bắn được mũi tên đồng ‘vì đồng có tỉ trọng thắng được sức cản không khí’, tờ tạp chí này dẫn lời diễn giải của kỹ sư Thanh nói trong khi mũi tên tre, gỗ thì không. Ngoài ra, nỏ còn dùng vuốt rùa vốn rất cứng làm lẫy nỏ nên giữ được ống tên. Những chi tiết này giống với mô tả chiếc nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết.

Lịch sử Việt Nam ghi lại, An Dương Vương, người sáng lập ra triều đại Âu Lạc với kinh đô là Cổ Loa, ngày nay thuộc ngoại thành Hà Nội, sau khi đánh tan quân Tần vào năm 257 trước Công Nguyên là người sáng chế ra chiếc nỏ thần.

Nước Âu Lạc thường bị Triệu Đà ở nước Nam Hải đưa quân sang xâm lược nhưng lần nào cũng bị nỏ thần của An Dương Dương đánh cho đại bại. Đến khi Triệu Đà bày kế gián điệp, cho con là Trọng Thủy sang Âu Lạc làm rể. Trọng Thủy đã lừa công chúa Mỵ Châu để đánh cắp bí mật nỏ thần khiến cho Âu Lạc bị diệt vong.

Truyền thuyết kể lại là An Dương Vương được thần Kim Quy trao cho chiếc móng và dạy cách làm nỏ ‘bắn cùng lúc trăm mũi tên, bách phát bách trúng’.

Các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm ra các di tích về nỏ thần như lò đúc, khuôn đúc, kho mũi tên ở thành Cổ Loa nhưng cho đến nay vẫn không biết cách chế tạo nỏ.

Hiện tại mô hình phục dựng nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Thanh cũng đang được trưng bày tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét