Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Truy Tố Ông Trump! Vẫn Là Chuyện Hàng Đầu, Đang Được Chú Ý Nhất! và Tình Hình Việt Nam Sau 48 Năm, Tiến Lên “Thiên Đàng Xã Hội Chủ Nghĩa!” - Lê Văn Hải


Theo Luật: Sau Khi Bị Truy Tố, Ông Trump Sẽ Phải Ra Trình Diện! (Hình: Những người ủng hộ Trump, trong đó có cô Trang Le đến từ Orlando, bên phải, xuống đường hôm 30/3/2023, sau khi có tin ông Trump bị truy tố.) -Hôm nay, đang trên đường đi, sau khi ra tòa tại New York, ông Trump sẽ lên tiếng từ Florida Sau khi ra toà tại thành phố New York nhận quyết định truy tố của đại bồi thẩm đoàn, cựu Tổng Thống Donald Trump sẽ lên tiếng trước công chúng từ Florida vào Thứ Ba, 4 Tháng Tư, theo Reuters.
<!>
Ông Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ và ứng viên hàng đầu để đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2024, sẽ bị chụp hình tội phạm, lấy vân tay và ra tòa vào tuần tới này khi bị truy tố trong cuộc điều tra về việc trả tiền để bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm – lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một cựu Tổng thống bị truy tố.

Các cáo buộc cụ thể đối với ông Trump vẫn chưa được biết vì cáo trạng vẫn đang được niêm phong, nhưng CNN hôm 30/3/2023 đưa tin ông Trump phải đối mặt với hơn 30 tội danh liên quan đến gian lận kinh doanh.

Ông Trump, 76 tuổi, tuyên bố ông 'hoàn toàn vô tội' và cáo buộc Biện lý quận Manhattan là ông Alvin Bragg, đảng viên Dân chủ đang dẫn đầu cuộc điều tra, 'tìm cách gây tổn hại' cuộc tranh cử của ông.

"Đây là cuộc truy bức chính trị và can thiệp bầu cử ở cấp cao nhất trong lịch sử", ông Trump nói trong một tuyên bố.

Không lâu sau đó, ông Trump đã kêu gọi ủng hộ viên góp tiền để tranh đấu pháp lý.

Ông đã quyên góp được hơn 4 triệu Mỹ kim kể từ ngày 18/3, theo ban vận động tranh cử của ông, và ông kêu gọi mọi người xuống đường phản đối.

Một số ủng hộ viên đã tập hợp bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida hôm 30/3, cầm cờ Trump 2024, đội mũ MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và vẫy tay với những chiếc xe chạy qua, bấm còi ủng hộ cựu Tổng thống.

Tại New York, nơi ông Trump rất không được ủng hộ, một người chỉ trích đã giơ một biểu ngữ gần văn phòng Biện lý ghi rằng: "Nhốt ông ta lại rồi ném chìa khóa đi".

Cuộc điều tra ở Manhattan chỉ là một trong nhiều thách thức pháp lý liên quan đến ông Trump. Ông cũng đối mặt với một cuộc điều tra hình sự khác về việc liệu ông có tìm cách lật ngược thất bại bầu cử năm 2020 ở Georgia một cách bất hợp pháp hay không, và hai cuộc điều tra của một Công tố viên đặc biệt bao gồm cả việc ông giải quyết các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở.

Các cáo trạng ở Manhattan có thể sẽ được một Thẩm phán mở niêm phong trong những ngày tới và ông Trump sẽ phải đến đó để lấy dấu vân tay và chụp hình tội phạm, còn gọi là ngày 'trình diện', và một viên chức tòa án cho biết có thể là vào ngày 4/4.

Sau đó, ông sẽ ra trước một Thẩm phán và chính thức bị truy tố.

Việc đại bồi thẩm đoàn truy tố ông hôm 30/3 diễn ra sau nhiều tháng nghe bằng chứng về khoản thanh toán 130.000 Mỹ kim cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels trong những ngày cuối cùng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2016.

Nhưng bất kỳ phiên tòa nào cũng phải ít nhất hơn một năm nữa mới diễn ra, các chuyên gia pháp lý cho biết. Điều này có nghĩa là trong hay sau chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Các Luật sư của ông Trump, Susan Necheles và Joseph Tacopina, thề quyết sẽ chống lại các cáo trạng.

Ông Trump nhận được sự ủng hộ từ nhiều đối thủ tiềm năng trong cuộc đua nội bộ của Đảng Cộng hòa bao gồm Thống đốc Florida Ron Desantis và cựu Phó Tổng thống Mike Pence.

"Điều này sẽ chỉ chia rẽ đất nước chúng ta hơn mà thôi", ông Pence nói.

Còn ông Desantis viết trên Twitter: "Việc sử dụng hệ thống pháp lý làm vũ khí để thúc đẩy mục tiêu chính trị làm đảo lộn nền pháp trị. Nước Mỹ không phải như vậy".

Trong số những người trung thành với ông Trump tập trung bên ngoài Mar-a-Lago, ông Jill Cohen, 57 tuổi, cho biết việc truy tố sẽ 'chỉ làm cho ông Trump mạnh thêm'.

"Anh có thực sự cho là họ sẽ loại Tổng thống Trump ra khỏi cuộc đua vì một việc xảy ra từ đời nào đó không? Không! Tôi không hề tin vào điều đó một chút nào", ông Cohen nói.

Khoảng 44% các cử tri Cộng hòa nói rằng ông Trump nên rút lui khỏi cuộc đua nếu bị truy tố, theo một cuộc thăm dò của Reuters/ Ipsos được công bố hồi tuần trước.

Khi còn là Tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021, ông Trump thường xuyên đụng độ với các đồng minh về thương mại và quốc phòng, và khả năng ông trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine.

Tại Sydney, Úc Ðại Lợi, một người tên Kim Frank nói với Reuters ông hoan nghênh việc truy tố ông Trump 'bởi vì ông ấy không thể thoát khỏi những gì ông ấy đã làm và ông ấy đã làm rất nhiều điều tệ hại. Vì vậy, ông ấy phải bị trừng trị vì những điều tệ hại đó. Ít nhất điều này là bước đi đúng hướng".


Tìm Hiểu Về Đại Bồi Thẩm Đoàn ở Mỹ Có Vai Trò Như Thế Nào?


(Hình: Những người biểu tình đòi Công lý cho Tất cả tuần hành tại New York ngày 13/12/2014 để phản đối vụ giết hại 2 người Mỹ gốc Phi Châu. Đại bồi thẩm đoàn đã quyết định không truy tố các cảnh sát trong vụ giết ông Eric Garer tại New York và ông Michael Browm tại Ferguson, Missouri.)

-Đại bồi thẩm đoàn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống Tư pháp Hoa Kỳ. Họ có nhiệm vụ lắng nghe bằng chứng do các Công tố viên và nhân chứng đưa ra, sau đó quyết định bằng cách bỏ phiếu kín xem có đủ bằng chứng để buộc tội một người phạm trọng tội hay không, là bất kỳ tội hình sự nào có thể bị phạt ít nhất 1 năm tù.

Đại bồi thẩm đoàn được yêu cầu trong các vụ truy tố trọng tội liên bang và nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng một hệ thống tương tự. Tuy nhiên, ở một số tiểu bang, các Công tố viên cũng có thể đưa ra bằng chứng của mình trước Thẩm phán, người sau đó sẽ quyết định liệu một người nào đó có thể bị truy tố về một tội hay không.

Đại bồi thẩm đoàn liên bang gồm từ 16 đến 23 thành viên. Ít nhất 12 bồi thẩm viên phải đồng ý trước khi một bản cáo trạng — một cáo buộc chính thức — có thể được đưa ra chống lại một người nào đó. Các đại bồi thẩm viên được chọn từ cùng một nhóm công dân bình thường, những người làm các bồi thẩm viên xét xử. Những người này được xác định từ các hồ sơ công cộng như bằng lái xe và thẻ cử tri. Các đại bồi thẩm viên phục vụ từ 18 đến 36 tháng, thường họp vài lần một tháng và có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và đưa ra trát đòi hầu tòa.

Ông Peter Joy, Giáo sư luật tại Đại học Hoa Thịnh Ðốn ở St. Louis, nói: "Hệ thống đại bồi thẩm đoàn rất quan trọng trong việc quyết định ai sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng cũng quan trọng trong việc công dân dính líu vào hệ thống Tư pháp hình sự". "Nguồn gốc của hệ thống đại bồi thẩm đoàn, theo một nghĩa nào đó, dựa trên một mức độ cố gắng giữ cho chính phủ lương thiện".

Đại bồi thẩm đoàn ban đầu được hình thành như một biện pháp bảo vệ chống lại quyền lực của chính phủ. Nhưng cựu Công tố viên liên bang Bruce Green không tin cái gọi là "uỷ ban nhân dân" hoàn thành chức năng đó một cách có ý nghĩa.

"Nếu ý tưởng ban đầu của những người lập quốc là kiềm chế quyền lực của chính phủ… thì đó có lẽ không phải là một công cụ hiệu quả để bảo vệ mọi người khỏi bị truy tố thái quá", ông Green, người hiện đang là Giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham nói. "Và có một rủi ro khá lớn là, nếu Công tố viên nghĩ trong đầu rằng ai đó có tội, họ có thể đạt được một bản cáo trạng cho dù người đó có tội hay không".

Đại bồi thẩm đoàn hiếm khi từ chối truy tố. Trong năm 2010, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy rằng các đại bồi thẩm đoàn liên bang đưa ra các cáo buộc hơn 99%.

Nguy Cơ Cao

Mặc dù đại bồi thẩm đoàn có thể là bù nhìn trong hầu hết các trường hợp, nhưng ban hội thẩm có nhiều khả năng đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong các trường hợp thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Ông Joy nói: "Tôi nghĩ rất có thể các Công tố viên khi trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn đã cố gắng đưa ra nhiều bằng chứng hơn mức họ có thể làm trong một vụ án đơn cử và trình bày theo cách cân bằng".

Một số tiểu bang yêu cầu các Công tố viên đưa ra bằng chứng rằng bị cáo có thể vô tội. Tuy nhiên, các Công tố viên liên bang không bắt buộc phải làm như vậy.

"Bị cáo có nhân thân càng cao thì càng có nhiều khả năng là Công tố viên thực sự muốn có một vụ án chắc chắn, và họ sẽ muốn kiểm tra bằng chứng theo cách có thể mang lại cho họ nhiều tự tin hơn", ông Joy nói.

"Bởi vì rủi ro rất cao, một Công tố viên thông minh — nếu có một số bằng chứng trái ngược mà có thể khiến người ta đặt dấu hỏi là có tội hay vô tội — thì họ dường như sẽ sử dụng đại bồi thẩm đoàn như một tiến trình [trắc nghiệm] cho điều đó".


Vậy Bản Cáo Trạng Là Gì?


Trụ sở Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ở thủ đô Washington

-Bản cáo trạng là lời buộc tội chính thức rằng một người đã phạm tội. Văn bản này chứa đựng thông tin cơ bản về các tội danh bị khởi tố.

Vì sao cần đến cáo trạng?

Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền phải lập ra được một bản cáo trạng trước khi truy tố ai đó về tội đại hình ở cấp độ liên bang.

Khởi tố ở cấp bang thì sao?

Trong khi Tu chính án thứ năm chỉ áp dụng với việc khởi tố ở cấp liên bang, nhiều tiểu bang cũng đã thiết lập một hệ thống tương tự, yêu cầu phải có các bản cáo trạng khi khởi tố các vụ trọng tội.

Trọng tội là gì?

Trọng tội thường được định nghĩa là hành vi phạm tội có thể bị phạt tù ít nhất 1 năm. Trọng tội là các vi phạm có mức độ nghiêm trọng hơn các tội nhẹ. Hầu hết các tội nhẹ đều không buộc phải có cáo trạng mới khởi tố.

Một bản cáo trạng bắt đầu như thế nào?

Sau khi xem xét các dữ kiện của vụ án, công tố viên sẽ quyết định xem có đủ bằng chứng để tiếp tục theo đuổi vụ án hay không và nếu có, sẽ trình vụ việc ra trước một hội đồng gồm các công dân, gọi là đại bồi thẩm đoàn.

Đại bồi thẩm đoàn là gì?

Đại bồi thẩm đoàn xem xét bằng chứng về một vụ án và quyết định liệu có lý do hợp lý để khởi tố hình sự hay không. Bồi thẩm viên trong đại bồi thẩm đoàn không phán xét việc nghi phạm có tội hay vô tội. Đại bồi thẩm đoàn cấp liên bang bao gồm từ 16 đến 23 người. Ít nhất 12 bồi thẩm viên phải đồng ý trước khi bản cáo trạng có thể được ban hành.

Bản cáo trạng có thể được niêm phong?

Bởi vì bản cáo trạng được đưa ra sau khi đại bồi thẩm đoàn xem xét nhưng thường là trước khi tiến hành bắt giữ, nên công tố viên có thể niêm phong bản cáo trạng hoặc không công bố bản cáo trạng đó trong một khoảng thời gian cần thiết để ngăn bị cáo hoặc các nghi phạm khác bỏ trốn hoặc tiêu hủy bằng chứng.

Điều gì xảy ra sau khi có cáo trạng?

Sau khi đại bồi thẩm đoàn đề nghị đưa ra cáo trạng, nghi phạm thường bị bắt và bị khởi tố chính thức. Vụ án sau đó được đưa ra tòa án, với khả năng có những con đường pháp lý khác nhau, bao gồm thỏa thuận nhận tội hoặc xét xử.


Theo Luật Bị Kết Án Một Trọng Tội Có Thể Làm Tổng Thống Mỹ Hay Không?


-Báo Mỹ đăng tin cựu Tổng thống Donald Trump bị một đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan, Thành phố New York đề nghị truy tố hình sự.

Người bị kết án trọng tội có thể làm tổng thống Mỹ không?

Không có nhiều đòi hỏi đề ra đối với một người muốn làm tổng thống Mỹ. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, bất kỳ ai ít nhất 35 tuổi, là công dân sinh ra tại Hoa Kỳ và cư trú tại Hoa Kỳ trong ít nhất 14 năm đều đủ điều kiện để được bầu làm tổng thống. Bởi vì Hiến pháp không đề cập đến hồ sơ tội phạm, một người bị truy tố hoặc bị kết án trọng tội sẽ không bị cấm đảm nhận vai trò tổng thống miễn là họ đáp ứng các yêu cầu khác.

Có thể thêm các tiêu chuẩn đối với ứng viên tổng thống chăng?

Bởi vì các điều kiện để làm tổng thống đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ, Quốc hội không thể bổ sung thêm các hạn chế mà không tu chính Hiến pháp. Tu chính hiến pháp không phải là một chuyện dễ dàng, không chỉ đòi hỏi phải có đa số phiếu 2/3 ở cả Hạ viện và Thượng viện, mà còn phải được 3/4 các cơ quan lập pháp tiểu bang của cả nước phê chuẩn.

Việc làm nào khiến một người không đủ tư cách làm tổng thống?

Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm bất kỳ ai tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại Hoa Kỳ nắm giữ chức vụ công. Điều khoản này được viết sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ và không đề cập đến các tội khác.

Trước nay có tổng thống Mỹ nào phạm trọng tội không?

Không có tổng thống Mỹ nào bị kết án trọng tội. Tổng thống Richard Nixon bị coi là đồng phạm không bị truy tố vào năm 1974 vì vai trò của ông trong vụ bê bối Watergate nhưng chưa bao giờ bị buộc tội. Ông từ chức trước khi thủ tục luận tội bắt đầu và sau đó được Tổng thống Gerald Ford ân xá. Tổng thống Andrew Johnson, Bill Clinton và Donald Trump đều đã bị Hạ viện Hoa Kỳ luận tội nhưng được Thượng viện tha bổng. Các bản luận tội không phải là cáo buộc hình sự.

Trọng tội bị kết án có thể phục vụ trong Quốc hội không?

Được. Như với nhiệm kỳ tổng thống, Hiến pháp Hoa Kỳ đặt ra một số yêu cầu để phục vụ trong Quốc hội. Các thành viên trong Hạ viện phải ít nhất 25 tuổi, đã là công dân Hoa Kỳ ít nhất bảy năm và sống ở tiểu bang mà họ đại diện. Các thượng nghị sĩ cũng có những yêu cầu tương tự, nhưng yêu cầu về thời gian cư trú của họ là chín năm và phải từ 30 tuổi trở lên. Không có đề cập đến vấn đề hồ sơ tội phạm.

Còn các quy định của Quốc hội thì sao?

Hạ viện có một quy tắc nội bộ rằng bất kỳ thành viên nào bị kết án phạm tội có thể dẫn đến hai năm tù trở lên đều không được bỏ phiếu hoặc tham gia các hoạt động của ủy ban. Tuy nhiên, các đặc quyền của người đó có thể được khôi phục nếu người đó tái đắc cử vào Quốc hội. Thượng viện không có một quy tắc tương tự. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có thể trừng phạt các thành viên của mình tại Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả việc loại bỏ họ khỏi các ủy ban nếu thấy phù hợp.

Có hạn chế nào khác đối với việc tranh cử vào chức vụ dân cử liên bang?

Tu chính án thứ 22 của Hiến pháp Hoa Kỳ giới hạn một tổng thống chỉ được làm hai nhiệm kỳ. Tu chính án được thông qua sau cái chết của Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1945, người đã đắc cử bốn lần. Không có giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Quốc hội.


Phản Ứng Về Việc Ông Trump Bị Truy Tố, Cho Thấy Sự Chia Rẽ Càng Lớn, Càng Trầm Trọng Hiện Nay Tại Nước Mỹ


-Cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bị một đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan, New York, truy tố hôm 30/3/2023.

Những phản ứng xung quanh việc truy tố ông Donald Trump, lệnh truy tố đầu tiên của một cựu tổng thống Hoa Kỳ, là hoàn toàn có thể đoán trước được trong ngôi nhà chính trị Mỹ sôi sục chia rẽ. Các đảng viên Cộng hòa của ông Trump đả kích công tố viên về điều mà họ cho là một cuộc tấn công hoàn toàn mang tính đảng phái, trong khi các đảng viên Dân chủ cho rằng không ai được phép đứng trên luật pháp.

Ngay cả những đảng viên Cộng hòa đang nhắm cạnh tranh với ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống 2024 cũng lên tiếng bảo vệ ông sau khi đại bồi thẩm đoàn ở New York truy tố ông về các cáo buộc liên quan đến khoản tiền 130.000 đô la vào năm 2016 trả cho một nữ diễn viên phim người lớn để bịt miệng về chuyện tình ái mà bà tuyên bố đã có với ông Trump một thập kỷ trước đó. Ông Trump từ lâu đã phủ nhận tuyên bố của ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Thống đốc Florida Ron DeSantis, người chưa công bố tranh cử tổng thống năm 2024 nhưng đứng thứ hai trên toàn quốc sau ông Trump về đề cử, lên Twitter tố cáo công tố viên New York, Alvin Bragg, một đảng viên Dân chủ, là triển khai hệ thống pháp luật “để thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị” mà ông cho là “lật ngược nguyên tắc cai trị pháp quyền.”

Ông DeSantis nói ông sẽ không làm việc với các quan chức New York để dẫn độ ông Trump từ Florida. Luật sư của ông Trump nói cựu tổng thống sẽ bay tới New York để trình diện.

Bà Nikki Haley, cựu đại sứ của ông Trump tại Liên hiệp quốc, người đã tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, nhận xét về lệnh truy tố ông Trump rằng: “Đây là một sự trả thù hơn là công lý.”

Ông Mike Pompeo, ngoại trưởng dưới thời chính quyền ông Trump và là một ứng cử viên tổng thống tiềm năng khác, đã cáo buộc công tố viên “chơi trò chính trị”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Nam Carolina, Tim Scott, một ứng cử viên khả dĩ khác, nói trong một tuyên bố: “Chưởng lý New York ủng hộ tội phạm này đã không duy trì luật dành cho tội phạm bạo lực, mà lại vũ khí hóa luật chống lại kẻ thù chính trị. Đây là một trò hề, và nó không nên diễn ra ở đất nước vĩ đại nhất trên Trái đất.”

Những kẻ thù lâu năm của ông Trump thuộc đảng Dân chủ thì có quan điểm khác, nói rằng không ai có thể thoát khỏi việc truy tố nếu bị cáo buộc làm sai nhưng nên có ngày ra tòa để trả lời các cáo buộc.

Bà Nancy Pelosi, cựu chủ tịch Hạ viện, đã viết trên Twitter: “Đại bồi thẩm đoàn đã hành động dựa trên sự thật và luật pháp. Không ai đứng trên luật pháp và mọi người đều có quyền được xét xử để chứng minh mình vô tội.”

“Hy vọng rằng cựu Tổng thống sẽ tôn trọng một cách ôn hòa hệ thống vốn đã trao cho ông ấy cái quyền đó,” bà nói thêm.

Lãnh đạo đa số ở Thượng viện, ông Chuck Schumer của đảng Dân chủ, nói trong một tuyên bố: “Ông Trump phải tuân theo luật giống như mọi người Mỹ. Ông có thể tận dụng hệ thống luật pháp và bồi thẩm đoàn, chứ không phải chính trị, để quyết định số phận của mình theo sự thật và luật pháp. Không nên có ảnh hưởng chính trị bên ngoài, đe dọa hoặc can thiệp vào vụ án. Tôi khuyến khích cả những người chỉ trích và ủng hộ ông Trump hãy để quá trình diễn ra một cách hòa bình và theo luật.”

Phản ứng trước tin tức này trên đường phố New York là lẫn lộn.

“Cuối cùng. Lẽ ra ông ta phải bị truy tố về hàng triệu thứ và cuối cùng ông cũng bị truy tố về một điều gì đó. Đến lúc rồi đấy!” bà Caroline, cư dân New York, nói.

Một cư dân khác ở New York tên là Oscar nói ông tin rằng việc truy tố này sẽ giúp ông Trump tái đắc cử. “Đây có lẽ là điều họ muốn – ban vận động tranh cử của Trump muốn điều này. Đó là sự tiếp thị miễn phí. Ông sẽ bước ra. Nếu ông thắng – và nói rằng tôi đã thắng! Bầu cho tôi!”

Ông James, đến từ Connecticut, cho biết ông tin rằng bản cáo trạng củng cố luật pháp. “Tôi nghĩ rằng bản cáo trạng này cho thấy chúng ta đang sống trong một xã hội dân sự và không ai đứng trên luật pháp. Và hy vọng rằng, nếu ông phạm tội, thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó.”

Ông Steve, cư dân Chicago, lại có quan điểm khác: “Tôi nghĩ đó là một khoản phí ngớ ngẩn. Nước Mỹ có thể dành nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng hơn là đuổi theo một con chuột quanh bếp mà… thực sự đây không phải là một con chuột mà thực sự là một người đã đóng góp rất nhiều cho đất nước này.”


Chuyện Việt Nam


Bài Học Mất Nước: Âm Mưu Thâm Độc, Tây Tạng Đang 'Chết Dần Chết Mòn' Từ Từ Xóa Sổ, Dưới Tay Sắt Của Trung Quốc!


(Hình: Ông Penpa Tsering, người đứng đầu Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA).)
-Tây Tạng đang "chết dần chết mòn" dưới sự cai trị của Trung Quốc, người đứng đầu tổ chức có trụ sở tại Ấn Độ được gọi là chính phủ Tây Tạng lưu vong ngày 28/3/2023 tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Một số nhà hoạt động Tây Tạng than thở về những gì mà họ gọi là sự lơ là đối với các vi phạm nhân quyền bị cáo giác của Trung Quốc ở Tây Tạng trong bối cảnh Mỹ và phương Tây ngày càng chú tâm tới việc Bắc Kinh mở rộng quân sự, áp lực đối với Đài Loan dân chủ và đàn áp ở Hồng Kông cũng như ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

"Nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đảo ngược hoặc thay đổi các chính sách hiện tại của mình, thì Tây Tạng và người dân Tây Tạng chắc chắn sẽ chết dần chết mòn", ông Penpa Tsering, được biết đến với cái tên Sikyong của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), nói với một Ủy ban Điều hành Quốc hội lưỡng đảng trong cuộc điều trần về Trung Quốc qua liên kết video.

Vai trò ông Sikyong được thành lập vào năm 2012 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần 87 tuổi của người Tây Tạng, từ bỏ quyền lực chính trị để ủng hộ một tổ chức có thể tồn tại lâu hơn ông. Một nguồn tin Quốc hội cho biết đây là bài phát biểu đầu tiên như vậy của ông Sikyong trước một cơ quan của Quốc hội Mỹ, và điều này có khả năng chọc giận Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng và Trung Quốc không công nhận CTA, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 người Tây Tạng lưu vong sống ở khoảng 30 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nepal, Gia Nã Ðại và Hoa Kỳ.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn không hồi đáp yêu cầu bình luận về phiên điều trần.

Trung Quốc đã cai trị khu vực Tây Tạng ở phía Tây từ năm 1951, sau khi quân đội của họ tiến vào và giành quyền kiểm soát trong cái mà họ gọi là "giải phóng hòa bình". Trung Quốc phủ nhận hành vi sai trái ở đó và nói rằng sự can thiệp của họ đã chấm dứt "chế độ nông nô phong kiến lạc hậu".

Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền, phát biểu tại phiên điều trần rằng Trung Quốc tiếp tục "tiến hành một chiến dịch đàn áp nhằm tìm cách Hán hóa" 6 triệu người Tây Tạng trong nước và loại bỏ di sản tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của Tây Tạng.

Các phúc trình gần đây về các trường nội trú do chính phủ điều hành và việc thu thập DNA hàng loạt không tự nguyện ở các khu vực Tây Tạng đã "gây sốc lương tâm", bà Zeya, người với tư cách là điều phối viên đặc biệt về các vấn đề của Tây Tạng lãnh đạo sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho người Tây Tạng, cho biết. Bắc Kinh đã từ chối giao tiếp với bà.

Dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban, nói có sự tập trung toàn cầu vào Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương, nhưng "chúng tôi không thể rời mắt khỏi nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người dân Tây Tạng".

Diễn viên và nhà hoạt động Tây Tạng lâu năm Richard Gere nói với phiên điều trần rằng các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng ngày càng "phù hợp với định nghĩa về tội ác chống nhân loại".


48 Năm Rồi, Vẫn Còn Những Cái Chết Bỏ Nước Ra Đi! Mười Sáu Xác Trôi Dạt Vào Đài Loan Hầu Hết Là Người Việt!


(Hình: Báo cáo cho biết nguyên nhân cái chết vẫn đang được điều tra.)

-Hôm 29/3/2023, Cục Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) cho biết họ tìm thấy tổng cộng 16 thi thể trôi dạt ngoài khơi và ven biển phía Tây của hòn đảo trong tháng này, chắc là người Việt, tuy nhiên họ lưu ý rằng chỉ có hai trong số các thi thể được xác nhận là nam giới quốc tịch Việt Nam.
Trang tiếng Anh của hãng thông tấn trung ương Đài Loan (Focus Taiwan) dẫn thông tin từ CGA cho biết, các Công tố viên địa phương được mời đến khám nghiệm các thi thể trong khi các cơ quan hữu quan đang điều tra khả năng sự việc có liên quan đến nhập cư bất hợp pháp.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi đài TVBS đưa tin cho hay, thi thể của một người đàn ông được tìm thấy trên bệ tua-bin gió trong một trang trại điện gió ngoài khơi cảng Đài Trung vào ngày 7/3.
Báo cáo cho biết trong khi nguyên nhân cái chết vẫn chưa rõ ràng, lực lượng tuần tra ven biển đã tìm thấy thêm 7 thi thể bán khỏa thân, cả nam và nữ, dọc theo bờ biển trải dài từ Đài Trung đến Cao Hùng bắt đầu hai tuần sau khi phát giác đầu tiên.

Báo cáo cũng thể hiện, các thi thể được tìm thấy ngoài khơi Đài Trung, Vân Lâm, Đài Nam và Cao Hùng, và được cho là đều là người Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng người ta nghi ngờ rằng các nạn nhân có thể đã bị một đường dây buôn người ném xuống biển.

CGA cho biết không có hoạt động đáng ngờ nào được xác định bởi radar ven biển trong khoảng thời gian được báo cáo. Các cơ quan hữu quan đã yêu cầu hỗ trợ từ văn phòng đại diện của Việt Nam tại Đài Bắc và các Công tố viên đã mở một cuộc điều tra, cơ quan này cho biết.

Công tố viên trưởng Văn phòng Công tố Cấp cao Đài Loan Chang Tou-hui cho biết hôm thứ Tư rằng các văn phòng Công tố cấp quận có liên quan đã được chỉ thị để rà soát các vụ án liên quan.


Theo Trung Cộng, Nhưng Vẫn Đu Theo Mỹ! Tổng Thống Biden và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng Điện Đàm, Bàn Việc 'Củng Cố và Mở Rộng Quan Hệ Song Phương'

(Khánh An)


(Hình: Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng (trái) từng gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào năm 2015.)

-Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vào sáng 29/3/2023, giờ Hoa Thịnh Ðốn, là buổi tối cùng ngày, theo giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược, một trong những nội dung đang được quan tâm nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và trên nền tảng đó, hai nhà lãnh đạo thảo luận một thoả thuận mới về hợp tác quốc phòng, theo nguồn tin am tường nói với VOA.

Cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền Mỹ và người nắm thực quyền chính trị cao nhất ở Việt Nam diễn ra sau khi một cuộc gặp tương tự đã được lên kế hoạch vào cuối năm 2022 của họ bị hoãn lại vào phút cuối.

Cuộc điện đàm lần này diễn ra sau khi có những thông tin và bình luận cho rằng việc nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể có những trở ngại và đây không còn là ưu tiên của phía Mỹ nữa.

"Điều đó cho thấy bên ngoài người ta không biết được những nỗ lực của cả phía Việt Nam và Mỹ để tiến tới mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Tân Gia Ba, nói với VOA.

Nội Dung Điện Đàm

Trong thông cáo phát đi vào chiều 29/3 theo giờ Hoa Thịnh Ðốn, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden "củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập".

Thông cáo nói thêm rằng "hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tình hình an ninh và môi trường đang xấu đi dọc sông Mekong".

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, sự tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Trong khi đó, thông tin chính thức từ Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Phía Việt Nam nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden cũng nhất trí với các ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác.

Tiến Triển Chậm Nhưng Tốt

Không giống như cuộc điện đàm từng dự tính vào tháng 11 năm 2022, cuộc điện đàm lần này giữa hai lãnh đạo Mỹ-Việt không được thông tin chính thức cho đến sau khi nó chính thức diễn ra.

Theo nguồn tin của VOA, cuộc điện đàm còn đề cập đến hai nội dung chính là nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ và ký thoả thuận hợp tác quốc phòng mới giữa hai bên.

Tiến triển trong mối quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua có phần chậm lại, nhưng trong cái nhìn tổng quan, thực tế mối quan hệ này không hề xấu đi, theo quan sát của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.

"Nói đến chất lượng của mối quan hệ (Việt-Mỹ) thì từ năm 1994, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thì nó ngày càng tốt lên. Đấy là chất lượng. Còn về mặt nhịp độ, có lúc nó chậm lại, có lúc lại nhanh lên. Có những lúc nhanh lên nhưng dở đi một chút, có lúc nhanh và tốt lên. Bây giờ thì chậm lại nhưng kết hợp với chất lượng thì tôi thấy dù chậm lại nhưng tốt lên", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp giải thích thêm.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến triển chậm hơn mong muốn trong việc phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ, chẳng hạn như Hoa Kỳ thời gian qua tập trung vào việc giải quyết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ngoài ra, nước Mỹ cũng đang tập trung giúp cho các đồng minh NATO vượt qua những khó khăn và thách thức từ hệ luỵ của cuộc chiến tại Ukraine và chiến lược đối phó với Trung Quốc giữa những căng thẳng trong quan hệ hai nước lớn.

Nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng không loại trừ khả năng Hoa Kỳ có thể xem xét những đánh giá về nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam và điều này nếu có cũng sẽ góp phần làm chậm lại tiến độ.

Bình luận về khả năng việc nâng cấp mối quan hệ lên mức chiến lược giữa hai nước được thực hiện trong năm nay, là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói "Có thể không chắc chắn nhưng khả năng là không thấp, bởi vì người ta đang cố đi đến đấy".

Trong một bài viết trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào ngày 28/3, nhà nghiên cứu cấp cao Murray Hiebert đề xuất rằng Tổng thống Joe Biden nên viết tên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào thiệp mời ngoại giao năm 2023 của mình.

Một số ý kiến cho rằng nếu điều này xảy ra, đây có thể là dịp tốt để hai bên chính thức nâng cấp mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hợp Tác Quốc Phòng

Theo quan sát của VOA, thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng tối 29/3 đã thu hút sự chú ý và đem lại hứng khởi cho nhiều người theo dõi thời sự, bao gồm cả giới quan sát lẫn công chúng Việt Nam, giữa bối cảnh những hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 ở Biển Đông đang gây bất bình công luận.

"Một (thoả thuận) hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam bây giờ là vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi vì hàng ngày Trung Quốc quấy Việt Nam và các nước có biển trong Đông Nam Á này", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Bình luận về quan điểm cho rằng việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động từ phía Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định "Trung Quốc không có năng lực và không có quyền gì can thiệp vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cả. Nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn nói câu này câu kia. Hầu hết những câu nói của họ mang tính chất can thiệp thì Việt Nam đều biết rất rõ".

Nhà nghiên cứu sống tại Hà Nội cũng nhắc đến nguyên tắc của Việt Nam là "không quan hệ với nước này để xâm hại lợi ích của một nước khác", và nỗ lực phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đơn thuần là "phục vụ cho lợi ích quốc gia của Việt Nam và của Mỹ".

"Quan hệ quốc tế bây giờ không phải là quan hệ ý thức hệ, mà nó là quan hệ lợi ích quốc gia. Trên cơ sở lợi ích quốc gia của các nước thì phải làm thế nào để khi quan hệ, các nước trong mối quan hệ đó đều có lợi. Cho nên, nói như thế thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn không phải là mối quan hệ về ý thức hệ, mà lợi ích quốc gia chắc chắn phải đứng cao hơn, cao nhất và trên mối quan hệ ý thức hệ. Mối quan hệ ý thức hệ tồn tại là vì hai đảng cầm quyền của hai nước đều là Cộng sản. Nhưng nhìn kỹ thực chất thì không còn đảng nào là Cộng sản nữa, mà cả hai đảng này đều đi theo một hình thái hoạt động mà người ta gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Trước đây, ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng đã từng gặp nhau vào năm 2015 trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Biden khi đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.


Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Điện Đàm Với Tổng Thống Hoa Kỳ


(Hình: Tổng Bí thư CSVqN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã từng gặp nhau vào năm 2015.)

-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ- Joe Biden vào tối 29/3/2023 (giờ Việt Nam).

Thông tấn xã Việt Nam loan tin trên trong cùng ngày đồng thời cho rằng cuộc gọi đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).

Nội dung cuộc điện đàm chưa được truyền thông Việt Nam tiết lộ tuy nhiên trước đó, trong ngày 27/3, một bài viết trên trang csis.org có tựa "Biden should invite Vietnam's Party Chief for a visit" của tác giả Murray Hiebert có đề cập rằng, Tổng thống Hoa Kỳ nên mời ông Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Thịnh Ðốn để bàn về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

Bài báo có đoạn nhận định "Việt Nam trong những năm gần đây đã nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất của Hoa Thịnh Ðốn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là quốc gia tuyến đầu đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông".

Reuters hôm 23/3 cũng có bài viết của tác giả Francesco Guarascio, cho rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong năm nay, lý tưởng nhất là trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nước này vào tháng 7/2023.

Trả lời với Reuters trong bài viết, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Tân Gia Ba, cho biết Việt Nam chắc chắn muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Thịnh Ðốn, nhưng khó có khả năng đồng ý điều đó trong năm nay.

Nhưng, ông nói thêm "việc nâng cấp có thể không còn là ưu tiên của Mỹ trong tương lai",

Trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra hôm 23/3, tờ Tuổi Trẻ dẫn phát biểu của Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng rằng: "Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Bà Hằng đồng thời cho hay trong các tuyên bố chung và các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhất quán khẳng định việc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc; luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Hoa Kỳ đồng thời nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Đây cũng là khẳng định của các viên chức cấp cao Hòa Kỳ trong mỗi chuyến thăm đến Việt Nam thời gian qua.

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam-Hoa Kỳ đã gặp trực tiếp vào năm 2015 khi ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Mỹ nhân dịp tròn 20 năm thiết lập quan hệ. Ông Biden khi đó đang là Phó Tổng thống dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Hôm 13/11/2022, nhân cuộc gặp giữa hai bên tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Nam Vang (Cam Bốt) Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời sang thăm Việt Nam của ông Trọng tới Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ được cho là đã nhận lời, hứa sẽ thu xếp chuyến thăm vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên.


Ủa 48 Năm Rồi Mà! Tại Sao Ông Trọng, Ông Thưởng, Ông Huệ, Ông Chính 'Không Nghĩ, Không Làm'?

(Trân Văn)


(Hình: Khi "Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" đã trở thành một loại tuyên ngôn của "nhà nước pháp quyền XHCN" ở Việt Nam thì tại sao từ trên xuống dưới vẫn cứ phải lập đi lập lại về "dám nghĩ, dám làm"?)

-Xét về bản chất, Dự thảo "Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" là sự thừa nhận chủ trương, chính sách bất cập, phi lý....

Chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục chứng minh họ có thể làm những chuyện mà phần còn lại của nhân loại "không thể", "không dám", "không cần", "không muốn"... làm và Dự thảo "Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" do Bộ Nội vụ soạn và công bố chính là bằng chứng mới nhất.

Theo Dự thảo vừa kể thì chính quyền Việt Nam không chỉ... "khuyến khích" cán bộ "dám nghĩ, dám làm" mà đang lập quy để... "bảo vệ" những cán bộ... "dám nghĩ, dám làm". Không những không giải quyết, chính quyền Việt Nam còn có ý định... "tuyên dương, khen thưởng" những cán bộ... "dám nghĩ, dám làm" và hứa hẹn sẽ "ưu tiên bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp".
***
Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) "công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm" (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau "công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép" (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed; but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền và điều này trở thành nền tảng luật pháp của nhiều quốc gia.

Tuy không công khai xác lập quan điểm vừa đề cập là nền tảng luật pháp nhưng rất nhiều tài liệu, giáo trình liên quan đến "công chức, công vụ" ở Việt Nam thừa nhận - "công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm" và "công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép". Chẳng hạn trong "Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp khối đảng, đoàn thể năm 2011", ở phần về "Chế độ công vụ và quản lý cán bộ, công chức" nhấn mạnh: Trong khi mọi người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm thì cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Chấp nhận sự hạn chế về quyền (quyền hạn) là yêu cầu chủ yếu của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ - theo quan điểm "chấp nhận sự thiệt thòi về phía nhà nước (công chức) để đem lại lợi ích cho xã hội". Có thể phối kiểm bằng cách download tài liệu mới dẫn từ website của Tạp chí Xây dựng đảng và xem trang 22.

Đâu phải tự nhiên mà chính quyền Việt Nam đề ra - giương cao khẩu hiệu "Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật". Khi "Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" đã trở thành một loại tuyên ngôn của "nhà nước pháp quyền XHCN" ở Việt Nam thì tại sao từ trên xuống dưới vẫn lải nhải về "dám nghĩ, dám làm", giờ thậm chí còn toan... "lập quy" – ban hành "Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"?

Xét về bản chất, Dự thảo "Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" là sự thừa nhận chủ trương, chính sách bất cập, phi lý, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không chỉ trì trệ mà còn hết sức kém cỏi nên hiệu quả hoạt động tệ hại đến mức phải sử dụng biện pháp... "lập quy" thúc giục cá nhân công chức... "mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn"! Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương như thế, có cần phải dùng đến 75% tổng thu ngân sách để nuôi và duy trì hoạt động hay không? Tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng không nghĩ, không làm để tạo ra sự thay đổi cần thiết, bảo đảm "Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" vẫn là tôn chỉ của "nhà nước pháp quyền XHCN" mà lại khuyến khích cá nhân công chức "dám nghĩ, dám làm"?

Hồi trung tuần tháng 9 năm 2022, trước tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ, khi họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, ông Phạm Minh Chính lấy tư cách Thủ tướng ra lệnh: "Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài".

Dường như nhận thấy chừng đó chưa đủ để thiên hạ hoang mang, lúc ấy, ông Chính – người có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật – giải thích thêm: "Ai làm sai thì phải giải quyết, kỷ luật nhưng không để vì giải quyết, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân". Có động não tới... nhũn não cũng không thể hiểu tại sao đã "cương quyết, dứt khoát" không để "thủ tục hành chính" và "quy định" cản trở khiến "thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế" khiếm hụt rồi trở thành "thiếu trách nhiệm", mà... "làm sai thì phải giải quyết, kỷ luật"? Tại sao đã "làm sai thì phải giải quyết, kỷ luật" mà còn đòi hỏi "không để vì giải quyết, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân"?

Tại sao những người vừa góp mặt trong cơ quan ban hành văn bản Lập pháp (ĐBQH), vừa đứng đầu các cơ quan Hành pháp (Thủ tướng) nơi ban hành những văn bản lập quy như ông Chính lại đặt ra các quy phạm pháp luật gây "vướng mắc" nhưng thay vì bãi bỏ, sửa đổi lại khuyến khích thuộc cấp nên "dũng cảm" làm ngược lại? Bởi ông Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nói chung như thế nên tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ mới kéo dài cho đến giờ này!
***
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam từng tôn vinh ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Bá Thanh như những điển hình "dám nghĩ, dám làm". Tháng 2/2015, ở tang lễ ông Nguyễn Bá Thanh, ông Tô Huy Rứa thay mặt lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội chính phủ ca ngợi ông Thanh là "một người tài năng, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm". Bây giờ thiên hạ đã rõ hậu quả của việc ông Thanh "dám nghĩ, dám làm" nghiêm trọng và nặng nề thế nào! Tương tự, tháng 3/2016, ông Thăng còn được tung hô là "hiện tượng", là tấm gương về "văn hóa lãnh đạo" vì "dám nghĩ, dám làm". Một năm sau, cũng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam trở mặt, chỉ trích ông Thăng, bảo ông nên "dám chịu trách nhiệm" (8). Ông Thăng đã bị truy cứu trách nhiệm, đã bị phạt nhưng ngoài thường dân đã, đang, cũng như sẽ còn gánh chịu hậu quả, có ai "dám nhận trách nhiệm" liên đới không?


Đau Thương! Đài Loan Vớt 16 Thi Thể, Toàn Người Việt Chết Trong Đường Dây Buôn Người!


(Hình: Tàu của Lực lượng Tuần duyên Đài Loan. Lực lượng này đã phát giác 16 thi thể nghi là người Việt Nam trên bờ biển phía Tây Đài Loan trong tháng 3/2023.)

-Cảnh sát biển Đài Loan vừa báo cáo đã phát giác 16 thi thể dọc theo bờ biển phía Tây hòn đảo này trong tháng 3, nghi toàn bộ là người Việt Nam trong đường dây buôn người, truyền thông Đài Loan đưa tin vào ngày 29/3.

Tin cho hay 16 thi thể đã được phát giác dọc theo bờ biển giữa các thành phố Đào Viên và Cao Hùng từ ngày 4/3 đến 17/3, làm dấy lên nhiều nghi vấn về hoạt động buôn người.

Hầu hết các nạn nhân, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, được Lực lượng Tuần duyên Đài Loan phát giác trên các bãi biển hoặc trôi nổi gần bờ biển.

Sự việc đã được chuyển đến Văn phòng Công tố quận ở Đào Viên, Đài Trung, Đài Nam, Vân Lâm, Chương Hóa và Cao Hùng để điều tra.

Phía Đài Loan chưa xác nhận được liệu các thi thể có liên quan với nhau hay không.

Trong khi nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân vẫn chưa xác định được, báo cáo của Đài Loan nói người ta tin rằng toàn bộ đều là người Việt Nam và là nạn nhân của đường dây buôn người vào Đài Loan.

Cho tới nay, hai trong số các thi thể đã được xác định là công dân Việt Nam, còn 14 thi thể khác vẫn chưa được xác định.

Dựa trên tình trạng phân hủy của các thi thể, nhà chức trách tin rằng thuyền của những kẻ buôn người có thể đã bị lật gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào khoảng đầu tháng 3. Thi thể của các nạn nhân có thể đã trôi dạt về phía Nam xuống bờ biển Đài Loan theo dòng hải lưu.

Các giới chức Đài Loan cho biết không có hoạt động đáng ngờ nào được xác định bởi radar ven biển trong khoảng thời gian được báo cáo.

Đài Loan cho biết đã yêu cầu Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc hỗ trợ và các Công tố viên đã mở một cuộc điều tra về vụ này.


Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam Trong Quý 1, Rất Chậm Chạp, Do Xuất Cảng Sụt Giảm


(Hình: Một cửa hàng bán đồ may mặc xuất cảng của Việt Nam ở Hà Nội. Xuất cảng sụt giảm do lạm phát cao và nhu cầu giảm sút khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 chậm lại.)

-Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại trong quý đầu tiên của năm nay do xuất cảng sụt giảm vì nhu cầu của người dùng giảm sút, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê (GSO) đưa ra hôm 29/3.

Tăng trưởng GDP của quốc gia Đông Nam Á chỉ ở mức 3,32% trong ba tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,92% trong quý 4 của năm 2022. Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý 1 năm 2023 của GSO còn cho biết mức tăng trưởng này gần như ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của quý I năm 2020, thời điểm mà đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Trước đó hồi đầu năm, Ngân hàng HSBC dự báo rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có triển vọng tăng trưởng GDP cao nhất ở Đông Nam Á với mức kỳ vọng 5% trong quý 1/2023.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày 29/3, GSO cho biết mức tăng trưởng chậm của Việt Nam trong ba tháng đầu năm "diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn".

"Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao", GSO cho biết, viện dẫn sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cho lý do mức sụt giảm về GDP của quý đầu năm nay.

Dữ liệu của GSO cho thấy tổng kim ngạch xuất-nhập cảng hàng hóa ba tháng đầu năm giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 154,27 tỉ Mỹ kim, trong đó xuất cảng giảm 11,9% và nhập cảng giảm 14,7%.

Việt Nam, một trung tâm sản xuất của khu vực, ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong xuất cảng điện thoại thông minh và thiết bị điện tử. Theo thống kê của GSO, các lô hàng điện thoại thông minh giảm 15% và các lô hàng điện tử giảm 10,9% trong 3 tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng này cho biết sẽ cắt giảm một số lãi suất điều hành để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong một động thái bất ngờ khiến Việt Nam khác biệt với các nước trong khu vực giữa bối cảnh bất ổn tài chánh toàn cầu.

Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cuối năm 2022 nói rằng hơn 630.000 người bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm ở các nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Trong một báo cáo đưa ra gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng và hàng hóa như Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương do nhu cầu xuất cảng chậm lại, bao gồm cả từ Trung Quốc. WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức 6,3%, giảm từ mức hơn 8% năm 2022.


Reuters: Vincom Retail tại Việt Nam Đang Đàm Phán Bán Phần Lớn Cổ Phần


(Hình: Một trung tâm mua sắm của Vincom tại Hà Nội.)

-Tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup đang thảo luận để bán đi cổ phần của hãng thành viên chuyên về mảng trung tâm mua sắm, đồng thời tìm cách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Reuters dẫn năm nguồn tin cho biết hôm thứ Tư (29/3/2023).

Vincom Retail, nhà điều hành các trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam, do Vingroup kiểm soát gần 60%, hiện có giá trị thị trường là 2,8 tỉ Mỹ kim.

Hãng thông tấn Anh dẫn các nguồn tin cho biết tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group và các công ty khác đang đàm phán để mua cổ phần của Vincom Retail.

Ba trong số các nguồn tin nói Vingroup sẵn sàng bán phần lớn cổ phần nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, và các cuộc thảo luận với những người mua tiềm năng vẫn đang diễn ra.

Vingroup và Central Group từ chối bình luận với Reuters về thông tin này. Các nguồn tin cũng yêu cầu không tiết lộ danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề.

Căn cứ vào thị giá trị hiện tại của Vincom Retail, một thỏa thuận tiềm năng mua phần lớn cổ phần của nhà điều hành bất động sản này có thể đánh dấu một trong những giao dịch M&A (Sáp nhập và Mua lại) lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Các cuộc đàm phán diễn ra giữa bối cảnh Vingroup, tập đoàn kinh doanh trải rộng từ bất động sản, nghỉ dưỡng cho đến xe hơi, đang rót hàng tỉ Mỹ kim trong cuộc đua phát triển hãng VinFast, nhà sản xuất xe hơi điện còn non trẻ, đang nhắm mở rộng và phát triển tại thị trường Hoa Kỳ.

Tháng này, VinFast đã giao 45 chiếc xe hơi đầu tiên cho khách hàng ở California, đánh dấu lần bán hàng đầu tiên bên ngoài Việt Nam, là đỉnh cao trong nỗ lực kéo dài 5 năm để phát triển một trung tâm sản xuất xe hơi tại Việt Nam cho các thị trường Bắc Mỹ và Âu Châu.

Hồi đầu tháng, Reuters cũng trích dẫn các nguồn tin am tường cho biết công ty bất động sản Vinhomes của Vingroup đang đàm phán để bán tài sản trị giá khoảng 1,5 tỉ Mỹ kim cho Tập đoàn bất động sản khổng lồ Á Châu CapitaLand.

Vincom Retail hiện sở hữu 83 trung tâm mua sắm tại Việt Nam, nơi có tốc độ tăng trưởng 8% vào năm 2022 và nổi lên là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Á Châu. Vincom Retail, được tách ra từ Vingroup, bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán địa phương vào năm 2017.

Cổ phiếu của công ty này đã tăng 11% từ đầu năm đến nay so với mức tăng 5% của chỉ số chứng khoán chuẩn.


Kinh Tế Việt Nam Chậm Lại Do Chi Phí Gia Tăng, Xuất Cảng Kém Hơn


(Hình: Các công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ lao động ở Hà Nội.)

-Kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm 2023 bị chậm lại với tăng trưởng chỉ dưới mức 3,3%. Nếu so với mức tăng trưởng 5,05 của cùng kỳ năm 2022 và 5,9% của quý cuối năm 2022 thì tình hình năm nay giảm sút đáng kể.

Tổng cục Thống kê Việt Nam vào ngày 29/3/2023 công bố như vừa nêu và cho biết nguyên nhân tình trạng chậm lại là do các nhà xuất cảng phải gánh chi phí sản xuất gia tăng và nhu cầu ít hơn.

Thực trạng kinh tế quý một năm nay cũng tồi tệ như hồi đầu đại dịch COVID-19 và là mức thấp thứ hai trong quý đầu một năm suốt thời kỳ 12 năm qua.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam còn cho thấy tổng lượng nhập cảng và xuất cảng trong quý một năm nay giảm 13%. Hai ngành chủ lực sản xuất và xây dựng chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng điện thoại thông minh xuất đi giảm 15% và hàng điện tử giảm gần 11%.

Hồi năm 2022 có hơn 630.000 công nhân nhà máy tại Việt Nam mất việc hoặc bị cắt giảm giờ làm.

Dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% so với mức 8% của năm 2022.


Bộ Thông Tin và Truyền Thông: Gần 2 Triệu Thuê Bao Có Nguy Cơ Bị Khóa Sau Ngày 31/3


(Hình RFA: Khách hàng đăng ký thông tin cho MobiFone.)

-Còn gần hai triệu thuê bao chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân và nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao sau ngày 31/3/2023.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết tin trên trong ngày 28/3 và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 29/3.

"Nếu lùi thời hạn sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc chuẩn hóa thông tin khi nhận được thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3 và các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho những thuê bao bị khóa", ông Long xác nhận trên tờ Vietnamplus.

Cũng trong ngày 28/3, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tính đến ngày 28/3 đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa.

Ông Nhã đồng thời cho hay từ 31/3 các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó nhà mạng sẽ tiếp tục khóa thông tin hai chiều và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Cũng theo ông Nhã, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của các nhà mạng, doanh nghiệp.


Tàu Dầu Mang Cờ Hiệu Việt Nam Bị Nghi Nhận Dầu Thô của Iran




(Hình: Tàu dầu mang cờ Việt Nam tại vịnh Oman, gần Iran.)

-Tàu dầu mang cờ Việt Nam Abyss và tàu chở dầu thô Oceania mang cờ Bỉ bị nghi có thể chuyển dầu cho nhau trên biển.

AP loan tin dẫn hình ảnh vệ tinh và dữ liệu theo dõi hàng hải được phân tích về sự việc vừa nêu. Theo đó Nhóm có tên Liên kết chống Iran Nguyên tử ra cảnh báo đối với sở hữu chủ của chiếc tàu chở dầu thô Oceania, hãng Euronav, về nghi vấn chiếc Abyss nhận dầu thô Iran vào hồi cuối tháng hai vừa qua.

Trong thư đề ngày 28/3, Nhóm Liên kết Chống Iran Nguyên tử cho biết nhóm tin rằng chiếc Abyss đã nhận dầu thô tại cảng Bandar Mashahr, tại Vịnh Ba Tư, cách thủ đô Tehran chừng 600 cây số về phía Tây-Nam, Chiếc Abyss tắt hệ thống nhận dạng tự động AIS từ ngày 18/2 khi đi về hướng cảng Bandar Mashahr.

Nghi vấn được đưa ra vào khi Iran vẫn có thể trao đổi dầu thô trên biển bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với hoạt động làm giàu uranium của Tehran.

Phát ngôn viên của Euronav cho AP biết hãng luôn bảo đảm tuân thủ mọi quy định và tiếp tục theo dõi để có biện pháp phù hợp đối với những sự việc cụ thể.

Quản lý của chiếc Abyss mang cờ hiệu Việt Nam chưa trả lời yêu cầu bình luận của AP.

Tàu dầu Abyss do hãng PetroVietnam Transportation tại Sài Gòn quản lý. Đây không phải lần đầu tiên tàu dầu Việt Nam bị nghi buôn lậu dầu thô Iran, mà trong quá khứ từng xảy ra.


Đảng Cộng sản Việt Nam Tăng Cường Kiểm Soát Gắt GaoTư Tưởng Với Cổng Thông Tin Điện Tử!


(Hình: Lễ khai trương Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.)

-Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kênh thông tin chính thống, chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng trên mạng Internet….

Đó là tuyên bố của Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, tại lễ khai trương cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 29/3/2023.

Cổng thông tin này được cho biết tích hợp dữ liệu từ các cổng thông tin, tạp chí của hơn 100 cơ quan đảng trung ương; tổ chức chính trị-xã hội; bộ, ngành; tỉnh/thành ủy.

Đề án xây dựng cổng thông tin điện tử đảng Cộng sản Việt Nam được phê duyệt vào ngày 22/4 năm 2022.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29/3, đại diện đảng Cộng sản Việt Nam và đại diện đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc hội thảo lý luận lần thứ 17 giữa đôi bên.

Chủ đề cuộc hội thảo trực tuyến là "Kinh nghiệm về sáng tạo quản lý xã hội trong thời đại thông tin hóa".

Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của trưởng đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, rằng "cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của làn sóng kỹ thuật mới cũng đưa đến nhiều vấn đề mới đối với quá trình Đảng lãnh đạo quản lý phát triển xã hội, đặt ra yêu cầu Đảng phải đổi mới, sáng tạo trong quản lý xã hội để thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ của thời đại thông tin hóa".


Phó Thủ Tướng: Giải Quyết Vướng Mắc Cổ Phần Hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam Trước 25/4


(Hình: Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, đổ nát, hoang tàn.)

-Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu giải quyết sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Đó là nội dung trong công văn từ Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 28/3 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc giải quyết vướng mắc cổ phần hóa tại VFS. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.

Trong công văn, Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình kiểm tra cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, kiến nghị biện pháp giải quyết khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Tp. HCM quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 (Sài Gòn), và giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chánh, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Chính phủ để giải quyết những nội dung liên quan.

Trước đó, hôm 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.

Thủ tướng yêu cầu tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án giải quyết tồn tại trước ngày 23/3.

Chỉ đạo được đưa ra sau nhiều tờ báo nhà nước viết bài nêu thực trạng ngổn ngang của điện ảnh Việt Nam, đồng thời nêu ý kiến của các nghệ sĩ mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam.


Tp. HCM: Xét Xử Sơ thẩm Vụ Cháy Chung Cư Carina Vào Ngày 5/4


(Hình: Những tàn tích của xe gắn máy bị cháy tại chung cư Carina ngày 23 tháng 3 năm 2018.)

-Tòa án Nhân dân Tp. HCM sẽ đưa ra xét xử Sơ thẩm vụ vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy xảy ra tại chung cư Carina (quận 8) trong tháng 4 và có 70 người liên quan được triệu tập đến tòa.

Tờ Pháp luật.vn loan tin trên trong ngày 29/3/2023. Phiên tòa trước đó đã bị hoãn tuy nhiên, dự kiến lần này phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 5/4 đến ngày 10/4.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có đến 70 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập tham gia phiên tòa. Trong khi đó, con số bị hại lên đến hàng trăm người.

Vào tháng 2/2022, Viện kiểm sát nhân dân Tp. HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố hai ông Nguyễn Văn Tùng (cựu Giám đốc Công ty Hùng Thanh – chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (cựu trưởng ban quản lý chung cư Carina) về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo khoản 3 Điều 313 BLHS (khung hình phạt 7-12 năm tù).

Cơ quan tố tụng xác định hai ông Tùng và Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ cháy chung cư Carina Plaza tại 1648 Võ Văn Kiệt quận 8, làm 13 người chết, 60 người bị thương.

Đến tháng 9/2022, Tòa án Nhân dân Tp. HCM có quyết định trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung xác định rõ thiệt hại trong vụ án. VKS cũng xác định Công ty Hùng Thanh đã bồi thường cho các bị hại số tiền hơn 119 tỉ đồng.

Trong phiên tòa lần này, ông Tùng có năm Luật sư bào chữa và ông Tuấn có một Luật sư bào chữa và Công ty Hùng Thanh có bốn Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.


Bộ Trưởng Tài Chánh Khen Việc Triệt Phá Vụ Các Tiếp Viên Mang Hơn 11 Kg Ma Túy Về Nước


(Hình: Bộ trưởng Bộ Tài chánh Hồ Đức Phớc.)

-Các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển hơn 11 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam do các tiếp viên Vietnam Airlines được Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc gửi thư khen ngợi.

Bức thư đề ngày 28/3/2023 do ông Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc ký nêu rõ "Chiến công của các đồng chí là kết quả của sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữ lực lượng Hải quan với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu nói chung và công tác phòng/chống tội phạm ma túy nói riêng…"

Như tin đã loan, vào ngày 16/3, cơ quan chức năng phát giác nhóm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin được Hải quan và Công an cung cấp cho báo chí, trong bốn vali của các tiếp viên, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

Trong các tuýp kem đánh răng bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát giác 157 tuýp chứa tổng cộng hơn 11 kg ma tuý các loại là ketamine và MDMA.

Trong cuộc họp báo hôm 17/3, Hải quan Tp. HCM cho biết nhóm tiếp viên, sau khi bị phát giác mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

Theo cơ quan công an, vì các tiếp viên không biết bên trong các tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có chứa ma túy nên chưa đủ căn cứ để xử hình sự.

Biện pháp cho những tiếp viên vận chuyển ma túy bị cấm về nước được gia đình bảo lãnh tại ngoại gân xôn xao trong công luận. Nhiều người cho rằng đây là hành xử bất công khi lâu nay nhiều người bị kết luận vận chuyển, buôn bán ma túy bị án nặng đến mức cao nhất là chung thân hay tử hình.


Nguyên Cục Phó Cục Thuế Tp. HCM Bị Truy Tố Về Vụ Thuduc House


(Hình: Cục thuế Tp. HCM.)

-Nguyên Cục phó Cục Thuế Tp. HCM, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, chính thức bị truy tố về hành vi gây thất thoát hơn 331 tỉ đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 29/3/2023 cho truyền thông nhà nước biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh và các bị can khác trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (tên tiếng Anh là Thuduc House).

Tổng số gần 70 bị can trong vụ án bị truy tố theo nhiều tội danh khác nhau. Trong số này có 18 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Thuế Tp. HCM, bị truy tố tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí"; bảy người thuộc Cục Hải quan Tp. HCM bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Vào ngày 12/11 năm 2022 Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an khởi tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng một số người khác về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Biện pháp vừa nêu là diễn biến trong quá trình điều tra vụ án "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; sản xuất hàng giả; buôn lậu và nhận hối lộ" xảy ra tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam liên quan Thuduc House.

Kết luận điều tra cho rằng từ năm 2016-2020, một người có tên Trịnh Tiến Dũng chủ mưu chỉ đạo những người khác dùng chứng minh nhân dân giả thành lập hằng trăm doanh nghiệp ở trong nước và cả ngoài nước. Từ đó ký giả chữ ký Giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất-nhập cảng CD Rom chứa nhu liệu điện toán và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng…) với các công ty ngoại quốc tại Hoa Kỳ, Cam Bốt, Tân Gia Ba, Mã Lai Á….

Ông Trịnh Tiến Dũng và bà Lưu Thị Ngát - Giám đốc Công ty Khánh Hưng, còn thành lập và sử dụng 16 công ty "ma" xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hợp thức hóa đầu vào cho các công ty gồm Thuduc House, Sài Gòn Tây Nam, Hoàng Nam Anh để xuất cảng và hoàn thuế GTGT.

Bà Ngát móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ các chi cục thuế Quận 1, Quận 3 và Quận 5 để các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Ông Trịnh Tiến Dũng đang bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế.

Trong vụ án này, C03 cũng đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng- Tổng Giám đốc Thuduc House, cùng 32 người khác với cáo buộc chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỉ đồng tiến thuế giá trị gia tăng; vận chuyển trái phép hơn 51 triệu Mỹ kim ra ngoại quốc, hơn 22 triệu Mỹ kim về Việt Nam; buôn lậu lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỉ đồng; nhận hối lộ hơn 7,4 tỉ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá gần 981 tỉ đồng.


Quảng Trị: Cựu Giám đốc Công An Thừa Nhận Xuất Hiện Trong Clip "Phản Cảm"


(Hình: Người được cho là Đại tá T.Đ.V - cựu Giám đốc Công an Quảng Trị tham gia vào bữa nhậu phản cảm xôn xao mạng xã hội.)

-Cựu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị - Đại tá T.Đ.V xác nhận ông là một trong những người xuất hiện trong clip đang được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua, được đánh giá là phản cảm.

Ông V cho truyền thông hay tin trên trong ngày 29/3 đồng thời cho biết clip dài hơn một phút đó quay cảnh bữa tiệc do nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Quảng Trị tổ chức cách đây quá lâu và ông là một trong những khách mời tới dự.

Ông V cũng cho hay người đàn ông có hành động bị cho là phản cảm khi vít cổ, hôn thắm thiết một phụ nữ là khách mời và đang làm ngoài Bộ.

Chia sẻ trên tờ VTCNews ông V nói mình không làm gì sai. Hôm đó chỉ đến dự và nghe hát bài chòi (tại thành phố Hội An) xong rồi về.

Liên quan đến clip này, bà Trương Thị Ngọc Cẩm-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và truyền thanh Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết đoạn clip đó ghi lại bữa tiệc cách đây 6 năm. Bà cũng xác nhận, trong số những người xuất hiện trong clip trên có hai nhân viên hát bài chòi đang làm việc tại trung tâm.

Trả lời trên tờ Pháp luật điện tử, Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết theo tìm hiểu thì clip được quay lại cách đây hơn 5 năm và ông T.Đ.V hiện đã nghỉ hưu.

Tối 28/3, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết, Thường trực Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến đoạn clip nói trên.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh bữa nhậu với hai bàn tròn và có khoảng 10 người tham gia. Vị trí người quay clip là ngồi cùng bàn với người được cho là Đại tá T.Đ.V. - cựu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Trong clip, có hai người phụ nữ đứng hát bài chòi. Tại giây thứ 40, một người đàn ông chưa rõ danh tính vít cổ một cô gái ôm hôn thắm thiết. Đến giây thứ 50, người được cho là Đại tá T.Đ.V. liên tục rút các tờ tiền từ một cục tiền để trên bàn nhậu, mệnh giá 500 ngàn đồng "bo" cho các cô gái.


Cần Sa và Ảo Mộng Làm Giàu của Người Việt Nơi Xa Xứ

(Chi Phương)
-Đi tìm miền đất hứa, khát vọng đổi đời, một số người Việt ở hải ngoại đã chọn con đường làm giàu bằng việc trồng cần sa, hay còn gọi là nghề "chăn mèo". Không ít các trang trại cần sa được canh tác trên diện rộng đã bị triệt phá, nhiều người vướng vào vòng lao lý, như trường hợp của ông Tô Giang. Hành trình "buôn trắng bán cần" đã được cựu nhà báo bộc bạch lại trong cuốn Đường Xanh Viễn Xứ và Nếu Không Có Ngày Mai.

Trong những năm gần đây, tin tức về người Việt bị bắt vì trồng cần sa trái phép trên diện rộng tại Úc Ðại Lợi và Anh không xa lạ đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những trang trại cần sa bị thu giữ, trị giá lên đến hàng triệu Mỹ kim do người gốc Việt làm chủ. Như vào tháng 1/2022, cảnh sát Úc Ðại Lợi đã phát giác gần 20.000 cây cần sa được trồng trong nhà kính trên 90.000 mét vuông, tại một khu đất "biệt lập và hẻo lánh" ở phía Tây tiểu bang New South Wales. Trị giá của trang trại cần sa trái phép này lên đến 67 triệu Mỹ kim, một con số kỷ lục. Sáu người bị bắt, được cho là gốc Việt và thuộc băng nhóm tội phạm có mối liên hệ quốc tế. Một vụ khác, vào tháng 5/2022, trang Daily Telegraph của Úc Ðại Lợi đưa tin 3 công dân Việt Nam nhận tội vì canh tác cần sa ở Central Coast và phía Tây-Nam Sydney, có trị giá hơn 6 triệu Mỹ kim.

Đọc thêm: Pháp phá vỡ một mạng lưới người Việt trồng cần sa và buôn ma túy

Tại Úc Ðại Lợi, chính phủ cho phép trồng cần sa vì mục đích y tế từ năm 2016, quá trình này cần thông qua nhiều cơ quan kiểm định và nhiều thủ tục liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng để giải trí, tàng trữ, trồng và buôn bán cần sa là vi phạm pháp luật. Tùy từng địa phương mà hình phạt có thể khác nhau. Tại một số tiểu bang, người bị bắt giữ vì tàng trữ một lượng nhỏ cần sa, có thể bị phạt 50 Euro, trong khi một số tiểu bang khác, đây có thể bị quy vào tội hình sự, bị phạt một số tiền lớn và có thể bị kết án tù.

Tuy nhiên, những lời cám dỗ "triệu đô" đã khiến một số người "xuất ngoại" tìm kiếm giấc mơ giàu sang nơi đất khách. Những người trồng cần sa còn được gọi trong giới theo tiếng lóng là "dân chăn mèo". Vì hoạt động trong thế giới ngầm nên cũng có quy tắc ngầm, họ cần phải làm mọi cách để có thể che mắt, lẩn trốn sự truy lùng của luật pháp. Họ được ví như những chú chuột và chính quyền chính là những chú mèo. Muốn chăn mèo thành công thì phải biết cách luồn lách luật pháp, tìm ra những lỗ hổng để "siết chặt yết hầu con mèo".

Hiếm khi nào mà những thông tin về phương thức hoạt động trong thế giới ngầm này được tiết lộ công khai, nhưng ông Nguyễn Tô Giang, từng là một dân chăn mèo, là trường hợp đặc biệt đó. Trong cuốn tự truyện Đường Xanh Viễn Xứ, do công Ty Cổ Phần Văn Hóa và Truyền Thông Nhã Nam xuất bản năm 2021, ông Giang thuật lại quãng thời gian sống trong thế giới ngầm ở Úc Ðại Lợi: từ một người xa xứ làm công ăn lương, trở thành ông chủ cần sa xứ chuột túi ra sao, cho đến khi sa lưới luật pháp.

Từng là một nhà báo, biên tập viên của đài truyền hình Nghệ An, năm 2013, ông Giang đã quyết định nghỉ việc để đi tìm miền đất hứa ở Úc Ðại Lợi dưới vỏ bọc "du học sinh", học tiếng Anh ở Học viện Kỹ thuật Melbourn (MIT). Với mục đích là đi để kiếm tiền, ông nhanh chóng móc nối với cộng đồng người Việt, và tìm được việc "trồng cần sa", chính thức dấn thân vào nghề "chăn mèo". Trong cuốn sách của mình, ông Giang không ngần ngại chỉ ra những mánh khóe nghề, từ việc ăn cắp điện, cách vận chuyển, cho đến cách tạo vỏ bọc "thiện lương" với hàng xóm và cả những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp ở Úc Ðại Lợi.

Đường Xanh Viễn Xứ là những lời bộc bạch với chính mình, nhưng cũng như là lời cảnh tỉnh của tác giả với người đọc về sự cám dỗ, những toan tính và thủ đoạn làm giàu trong bóng tối, đem lại cuộc sống trụy lạc chớp nhoáng, mà để lại chuỗi ngày dài đau khổ. Cuốn tự truyện này đã được dịch sang tiếng Anh bởi nhà nghiên cứu Lương Thanh Hải, chuyên nghiên cứu về tội phạm học và được phát hành ở Úc Ðại Lợi bởi nhà xuất bản Bonfirebooks với tên gọi Hearding Cats.

Gần đây, ông Tô Giang đã tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai, để tiếp nối câu chuyện của mình, với tên gọi Nếu Không Có Ngày Mai, do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam biên tập. Cuốn sách thuật lại những năm tháng tù tội tại Úc Ðại Lợi cho đến ngày trở về "bị còng tay", bị trục xuất khỏi nước Úc và con đường tìm lại ánh sáng.

RFI đã có dịp trao đổi với tác giả Tô Giang về lựa chọn viết sách của mình, mô tả chặng đường làm giàu trong bóng tối để rồi sa ngã, cũng như con đường hoàn lương trắc trở nhưng không hẳn là đầy chông gai.

RFI Tiếng Việt cảm ơn ông Tô Giang đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của đài trong mục Tạp chí Xã Hội tuần này. Trước tiên, đâu là lý do khiến ông quyết định viết sách, viết lại những trải nghiệm chân thật của một nghề trong bóng tối, thường ít ai muốn chia sẻ, để lộ thông tin?

Viết là một trong những đam mê của tôi, từ khi còn sinh viên, tôi đã là cộng tác viên cho các báo thể thao ở Việt Nam. Sau đó, tôi đi làm báo và cũng đam mê viết, nhưng cuộc đời khiến mình ngắt quãng, khi nhìn lại bản thân mình thì thấy cái sai và muốn tìm lại bản năng viết của mình. Khi tôi đã quyết định viết sách thì là phải viết thật, tự truyện là phải chân thật. Con đường mình đã đi như lên thác xuống ghềnh, cũng gặp nhiều biến cố, mình từ một công nhân trở thành ông chủ, cũng đối chọi nhiều, từng ở các băng nhóm, cũng đã từng bị cướp, đã từng thành công, đã từng thất bại, với những âm mưu này kia, nhưng cuối cùng thì sao? Đó là phải rời khỏi nước Úc, bị còng tay, áp giải ra phi trường và trục xuất khỏi nước Úc. Đó là những hình ảnh nhục nhã, đau đớn cho một cuộc đời, tôi đã về Việt Nam và cũng suy nghĩ, phải sống ra sao, tránh các ánh mắt đấy như thế nào.

Mình đã định ra đi, tìm đến cái chết, vì đau khổ, vì thất bại của một người đàn ông. Nhưng nếu mình sống thì phải sống mạnh mẽ và tìm đến tri thức, thiện lương để thay đổi bản thân mình. Ba mươi tháng trong tù, tôi xem đây là một trường học lớn, một lớp học vĩ đại để thúc đẩy tôi mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn, thực hiện sứ mệnh làm người.

Trong cuốn Đường Xanh Viễn Xứ, ông viết: " Tôi đã lọt vào ma trận để rồi không có đường thoát, bước chân tôi đã ra đi, việc quay đầu về quê hương để làm lại là không thể vì hai chữ sĩ diện". Vậy khi quay trở về Việt Nam, cho đến nay, ông nhìn nhận chữ sĩ diện đó như thế nào? Điều gì mà ông thấy khó khăn nhất khi phải đối diện?

Sĩ diện là một thứ không có giá trị nhưng ai cũng giữ bằng mọi giá, Tôi nghĩ vẫn cần sĩ diện nhưng không phải vì chuyện đó nữa. Hiện câu chuyện sai lầm của mình đã khép lại, mình đang bước sang một chặng đường mới. Tôi thấy quãng thời gian viết sách, ngồi ở nhà, chăm mẹ ốm (rất khó diễn tả). Mẹ nhìn tôi mà không biết là tôi đã đi Úc Ðại Lợi 7 năm, mẹ tôi đã vô tri không còn nhận biết gì nữa, đó là một trong những nỗi đau mà tôi phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Đau đớn đó chuyển qua quyết tâm của tôi xây dựng thành một con người mới sống có ý nghĩa, tìm một lối đi tốt nhất.

Thông điệp mà ông muốn truyền tải qua hai cuốn sách là gì?

Khi tôi ở trong tù, tại cái Tết năm 2017, có gần 200 người Việt đón Tết ở một nhà tù gần Melbourn, tức gần một phần năm số tù nhân ở đó, tôi rất chua xót. Tôi thấy tôi cũng như những người Việt khác ở đây, ra đi với lý tưởng đổi đời để rồi lọt vào đây, thì đó là nỗi đau, nó khắc sâu vào tim và tôi phải làm gì đó, viết để chuyển biến, để thay đổi. Ý tưởng viết sách đã được nhen nhóm khi tôi còn trong tù. (Khi sách được xuất bản), rất nhiều người ở Úc Ðại Lợi, ở Anh đã nhắn tin cho tôi, một số người đã nói đến ý định bỏ đường chăn mèo. Đó là hạnh phúc của người viết, mình có tác dụng với người đọc. Tôi chưa nói rộng là ở xã hội, đối với cộng động, những người đang còn mải mê với tham ái, để biết cuộc sống này còn nhiều thứ, để mà chúng ta tiếp tục, sống một cách đẹp. Đó là những thông điệp mà tôi chuyển qua cuốn sách của mình.

Nếu Đường Xanh Viễn Xứ là vết trượt dài để rồi té ngã, thì Nếu Không Có Ngày Mai là sự đứng dậy của một con người. Tôi đã viết cuốn thứ hai với cảm giác đỉnh cao của tuyệt vọng, nó đau, nhưng mà được chuyển hóa thành trang sách, vừa cảnh báo, vừa chữa lành những ai còn đau khổ vấp váp, hãy tin vào sự nhân ái của cuộc đời, tin vào sự thiện lương.

Mặc dù có nhiều trường hợp phạm tội trồng cần sa trái phép đã bị pháp luật giải quyết. Bộ Nội vụ Úc Ðại Lợi đã trục xuất 380 công dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017. Nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chọn con đường này để làm giàu?

Rất nhiều người Việt, rất nhiều, tôi không nói là đa số, ở Úc Ðại Lợi, Anh, nhiều người lựa chọn con đường làm giàu nhanh là trồng cần sa. Tôi biết hệ thống pháp luật của những nước này không chặt chẽ nên nhiều người lựa chọn trồng cần sa. Trong khi cộng đồng ai cũng làm thì mọi người nói chuyện làm ăn, trồng cần sa với nhau như chuyện bình thường. Quá trình tôi ở Úc Ðại Lợi, ban đầu tôi chưa làm nhưng đi đâu ai cũng nghe nói câu chuyện này, khiến mình cũng phải nghĩ đến đây là con đường làm giàu bình thường.

Rất đông, nhiều người nữa, cứ đi ngoại quốc là phải kiếm tiền bằng mọi giá, và chính vì vậy mình phải viết để những người ở nhà biết cuộc sống hải ngoại rất khó khăn, đừng gây sức ép, cuối cùng người đi xa phải kiếm tiền bằng mọi thứ. Không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa. Sau đó là cám dỗ của đồng tiền và nhận thức. Tôi cứ tưởng trước đây mình được đào tạo để trở thành người này người nọ nhưng nhận thức của mình chưa có. Mình đang chạy theo giá trị vật chất tầm thường. Nhưng đừng đánh mất lương tri, tôi đã đánh mất điều đó và nay tôi đang cố gắng tìm lại. Chạy theo chủ nghĩa vật chất rất nguy hiểm, không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa, nó kéo đổ thành trì đạo đức, khiến xã hội xuống cấp. Hai cuốn sách của tôi là sự cảnh tỉnh về chủ nghĩa quá coi trọng vật chất, cuối cùng đẩy người ta kiếm tiền bằng mọi giá.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Tô Giang vì những chia sẻ của mình!


Việt Nam Cần Tăng Cường Sức Đề Kháng, Để Chống "Cưỡng Bách Kinh Tế" của Trung Quốc, Thì Mới Có thể Sống Còn!


(Hình: CSIS công bố Báo cáo về chính sách cưỡng bách kinh tế của Trung Quốc đối với các nước bất đồng về chính trị, hôm 22/3/2023.)

-Hôm 22/3/2023, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), một think tank ở Hoa Thịnh Ðốn, tổ chức lễ ra mắt Báo cáo "Các chiến thuật chống lại chính sách cưỡng bách kinh tế của Trung Quốc: vô hiệu hóa, bẻ hướng và ngăn ngừa". Báo cáo này do Matthew P. Goodman, Phó Giám đốc của Trung tâm, và Matthew Reynolds, một nghiên cứu viên của Trung tâm này, thực hiện.

"Cưỡng bách kinh tế" là chiến lược Trung Quốc thực hiện để ngăn cản các nước có xung đột lợi ích chính trị với nó được tiếp cận thị trường và nguồn cung nguyên liệu khổng lồ của mình. Theo Báo cáo này, chính sách "cưỡng bách kinh tế" giúp Trung Quốc có thể buộc các nước không tuân theo các yêu sách chính trị của họ phải nhượng bộ mà không cần dùng đến biện pháp quân sự.

Báo cáo này khảo sát chính sách "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc nhắm vào các nước Na Uy, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mông Cổ, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi, Gia Nã Ðại, Lithuania. Báo cáo không đề cập đến Việt Nam, tuy nhiên trao đổi với RFA tại buổi ra mắt báo cáo, hai tác giả của Báo cáo này cho rằng Việt Nam từ lâu cũng là một nước bị Trung Quốc "cưỡng bách kinh tế". Theo họ, các biện pháp cưỡng bách này của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng tương tự như các biện pháp Trung Quốc đối xử với các nước khác.

Đối với Na Uy, năm 2010, Trung Quốc chặn hàng xuất cảng và đóng băng visa nhập cảnh sau khi Ủy ban Giải Nobel trao Giải Nobel Hòa Bình cho Giáo sư Lưu Hiểu Ba. Năm 2011, họ chặn bán đất hiếm cho Nhật sau khi Nhật Bản bắt thuyền trường tàu đánh cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Cảnh sát Biển Nhật. Trung Quốc chặn Phi Luật Tân xuất cảng nông sản sau nước này phản đối Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 và kiện Trung Quốc ra tòa PCA năm 2016. Đối với Mông Cổ Trung Quốc khóa cửa khẩu và các trừng phạt kinh tế khác, sau khi Mông Cổ cấp visa cho đức Dalai Lama nhập cảnh năm 2016. Cũng năm 2016, Nam Hàn bị nước này đóng cửa và phát động phong trào tẩy chay doanh nghiệp sau khi đồng ý cho Hoa Kỳ lắp đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trước đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn. Úc Ðại Lợi bị Trung Quốc ngăn chặn hàng xuất cảng sau khi thông qua Luật chống Can thiệp ngoại quốc năm 2017, và kêu gọi điều tra nguồn gốc virus COVID-19 năm 2020. Năm 2019, Trung Quốc khóa cửa thông quan hàng hóa với Gia Nã Ðại sau khi nước này bắt Giám đốc Tài chánh của Huawei là Mạch Vãn Chu. Lithuania (tức Litva) năm 2021 bị họ ngăn chặn xuất cảng và các dự án kinh tế, sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện.

Từ lâu, RFA đã tường trình về những cách thức "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc đối với Việt Nam: Cách thứ nhất là đóng cửa biên giới, ngăn cản nông sản thông quan. Cách thứ hai là chặn nước sông Mekong, gây ra khô hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Cách thứ ba là cưỡng ép Việt Nam từ bỏ các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cũng nằm trong "đường lưỡi bò" của họ trên Biển Đông. Cách thứ tư là cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bao gồm cả trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, hoặc cướp phá tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.

Dường như Việt Nam vẫn lúng túng trước chính sách có hệ thống này của Trung Quốc. Nhưng như Báo cáo của CSIS nêu trên đã chỉ ra, Trung Quốc không chỉ "cưỡng bách kinh tế" với một mình Việt Nam. Hầu hết các trường hợp bị Trung Quốc "cưỡng bách kinh tế" mà Báo cáo nói trên phân tích đều xây dựng các chiến lược đối phó và đáp trả.

Hầu hết các nước mà Báo cáo này khảo sát đều thành công với các chiến lược như "tăng cường sức đề kháng", "vô hiệu hóa" chính sách của Trung Quốc, chỉnh hướng khiến cho chính sách của Trung Quốc không còn tác động mạnh, hoặc ngăn ngừa Trung Quốc, khiến họ không muốn gây ra những động thái như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Theo Báo cáo, các chiến lược này có hiệu quả và khiến Trung Quốc phải rút lui hoặc tạm ngừng chính sách cưỡng bách của mình, khi bản thân chính sách ấy cũng mang lại thiệt hại cho chính Trung Quốc.

Một ví dụ về chiến lược ngăn ngừa Trung Quốc có động thái "cưỡng bách kinh tế" trong tương lai là thực thi các cơ chế trừng phạt trả đũa và loại bỏ các tác động từ chính sách ấy. Ví dụ năm 2021, Ủy ban Âu Châu công bố "công cụ chống cưỡng bách kinh tế" (Anti-coercion instrument, viết tắt là ACI), cho phép Ủy ban thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa kinh tế, khiến cho "đối tác" nhìn thấy trước thiệt hại mà không áp dụng "cưỡng bách kinh tế" đối với họ.

Việt Nam tất nhiên không thể học được các biện pháp mạnh của các nước mạnh. "Trả đũa" theo kiểu ăn miếng trả miếng là điều một nước như Việt Nam không làm được. Chẳng hạn như Mông Cổ đã phải bày tỏ "hối tiếc" vì cấp visa cho đức Dalai Lama năm 2016, sau khi "thấm đòn" từ các biện pháp "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc.

Nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam có thể áp dụng các bộ giải pháp có tính hệ thống khác. Trao đổi với RFA về những chiến lược mà một nước như Việt Nam có thể làm để đối phó với chính sách "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc, Tiến sĩ Matthew P. Goodman, Phó Giám đốc của CSIS, nhận xét:

"Việt Nam là một nước có vị trí đặc thù. Nước này có một sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc, và có rất nhiều rủi ro liên quan đến dòng đầu tư và thương mại. Việt Nam có một mối quan hệ rất khó khăn với Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi không nghiên cứu trường hợp Việt Nam nhưng chúng tôi thấy Việt Nam cũng gánh chịu những hành vi tương tự từ Trung Quốc đối với các nước khác. Và chúng tôi nghĩ rằng có thể đề xuất cho Việt Nam bộ giải pháp tương tự như các nước khác đã thực hiện, đó là chiến lược tăng cường sức đề kháng".

Còn ông Andrew Jory, Tham tán Công sứ (Thương mại), Tòa Ðại sứ Úc Ðại Lợi tại Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam có thể tham khảo bài học từ nước Úc, bằng cách thực thi một loạt các biện pháp có tính hệ thống để nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế quốc gia:

"Nếu các bạn nhìn vào những yếu tố mà nước Úc đã thực thi, được phản ánh trong Báo cáo nói trên của CSIS, tăng cường sức đề kháng kinh tế thực sự là chiến lược quan trọng.

Chiến lược này tạo ra những mạng lưới thương mại thay thế, những Hiệp ước Thương mại Tự do với các đối tác khác. Điều quan trọng là phải giữ vững những thể chế dựa trên tinh thần pháp quyền thay vì dùng sức mạnh bắt nạt. Các bạn có thể nhìn vào các trường hợp mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giải quyết.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần nhận thức rõ về các điểm yếu của mình để khắc phục, bằng cách cộng tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, nâng cao nhận thức về những gì đang xảy ra tại các diễn đàn quốc tế như WTO, OECD, G-7, G-20, APEC. Ngoài ra, nên tìm kiếm các nguồn đầu tư từ nội lực để xây dựng sức đề kháng, tạo ra những cơ hội giao thương mới và những nguồn cung ứng mới".


Thỉnh Nguyện Thư Phản Đối Chính Quyền CSVN 'Can Thiệp' Vào Tự Do Tôn Giáo

(Huy Nguyễn)


(Hình: Thỉnh nguyện thư đang được đăng trên trang Vietlist.us.)

-Một bức thỉnh nguyện thư được hơn 110 người trong và ngoài nước ký tên liên quan đến hai sự việc riêng biệt trong đó cáo buộc chính quyền "can thiệp" vào tự do tôn giáo tại Việt Nam và Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Sự việc thứ nhất là việc Giám mục Nguyễn Hữu Long được cho là đã huyền chức và đang giam lỏng Linh mục Đặng Hữu Nam tại tòa Giám mục không theo giáo luật hay luật pháp. Sự việc thứ hai là việc ông Hồ Hữu Hòa được cho là "đã ngang nhiên trở thành Linh mục" trong khi ông bị cho là có quá khứ "bất hảo".

Thỉnh nguyện thư hiện tại đang được nhiều người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại quan tâm, với mong muốn kêu gọi mọi người cùng ký tên để phản đối nhà nước Việt Nam "không tôn trọng quyền tự do tôn giáo" của con người, đồng thời thỉnh Sứ Thần Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Hội đồng Linh mục Giáo Phận Vinh lên tiếng để Giám mục Nguyễn Hữu Long cần phải từ nhiệm vì lợi ích của Giáo phận Vinh nói riêng và của Giáo hội Công giáo nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Nam, một người Công giáo, đang sinh sống tại Paris là một trong những người đã đưa ra thỉnh nguyện thư, trao đổi với VOA hôm 24/3 rằng thỉnh nguyện thư này có ba mục đích chính: Mọi người lên tiếng về việc ông Hồ Hữu Hòa được phong làm Linh mục mà ông Nam nói là "biến cố 3H"; lên tiếng về những chuyện xảy ra ở Giáo xứ Vinh; và lên tiếng cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, khi mà đang bị vi phạm nghiêm trọng.

"Thỉnh nguyện thư sẽ gởi đến các cơ quan có thẩm quyền, có liên hệ đến những việc để mà họ lên tiếng, để tìm hiểu sự thật", Ông Nam nói. "Bởi vì sự thật là cái gì mà cả đời mình luôn luôn phải tìm hiểu. Đó là ba cái mục tiêu của thỉnh nguyện thư".

Ông Nam cho biết thêm rằng các chữ ký sẽ là một cách để vận động quốc tế, nhắm tới Vatican và Uỷ ban Tự do Tôn Giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Ngoài ra, cũng sẽ vận động thêm 27 Giáo phận tại Việt Nam.

"Đó là ba nơi mà sẽ gởi đi để mà vận động vì giai đoạn vận động quốc tế rất quan trọng", Ông Nam nói. "Bên Âu Châu sẽ gởi một phái đoàn đi Vatican để mà vận động tại địa phương. Bên Việt Nam là những anh chị em trong nước sẽ lo. Và vận động về Tôn giáo quốc tế sẽ là các Châu mà có người Việt Nam ở. Mỹ Châu có Liên hội Người Việt Gia Nã Ðại và Cộng đồng Liên bang Hoa Kỳ. Ở tại Âu Châu có Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản Âu Châu. Ở bên Úc Châu có Cộng đồng Liên bang Úc Châu. Đó là bốn nơi cộng đồng chúng ta ở và dùng tiếng nói của người Việt chúng ta để vận động quốc tế".

Ông Lê Quang Thành, một người Việt hiện đang sống và sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Munich, Đức, và cộng đồng người Việt tị nạn chính trị tại Âu Châu, trao đổi với đài VOA hôm 27/3 rằng khi bắt đầu làm thỉnh nguyện thư, mọi người đã suy nghĩ rất kỹ càng vì đây là một đề tài về Công giáo nên rất là "nhạy cảm".

"Họ có trình bày là chúng tôi ở trong nước không có làm được việc gì nữa rồi, chúng tôi bị đàn áp, bị làm khó dễ, bị trói tay, trói chân, bó buộc không làm được việc gì hết", Ông Thành nói. "Mà bây giờ chỉ còn nhờ các anh em, các cộng đồng người Việt hải ngoại hay lên tiếng giùm cho chúng tôi. Chính vì vậy cho nên là các anh em ở ngoài này khi chúng tôi họp liên hội, các hội đoàn đoàn người Việt, không riêng gì ở Âu Châu mà kể cả ở bên Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, hay Úc Ðại Lợi, chúng tôi đồng ý là chúng ta cần phải lên tiếng".

Ông Thành cho biết thêm: "Cần phải có một cái lá thư. Thứ nhất là tố giác tất cả các sự việc xảy ra. Cái thứ hai là để phản đối nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ đã can thiệp một cách trắng trợn và thô bạo vào trong cái công việc mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, cũng như là các tôn giáo ở bên Việt Nam nói chung mà trong quá khứ đã xảy ra từ hồi nào đến giờ".

Hồi năm 2016, những người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa đã không còn đất sống khi mà môi trường biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, và còn bị chính quyền địa phương cướp trắng trợn và bị đàn áp các cuộc biểu tình để che dấu sự thật. Trước sự việc đó, Linh mục Đặng Hữu Nam đã lên tiếng cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Formosa.

Giám mục Nguyễn Hữu Long, sau khi được lên chức Giám mục tại Giáo phận Vinh, được cho là "đã huyền chức và triệt hạ" Linh mục Nam. Ngoài ra, Giám mục Long còn được cho là "cấu kết với đảng chính quyền Việt Nam để treo chén và cô lập" Linh mục Nam. Treo chén được hiểu là tước bỏ một phần hay toàn bộ các hoạt động như một thành viên hàng giáo sĩ, và giới hạn năng quyền của Linh mục đó.

"Điều này cho thấy rõ Giám mục Nguyễn Hữu Long treo chén Linh mục Đặng Hữu Nam là do áp lực từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam", thỉnh nguyện thư viết.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Luân thuộc Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Quận Cam, tiểu bang California (Mỹ), nói với đài VOA hôm 25/3 rằng việc huyền chức một Linh mục phải do Tòa thánh Vatican quyết định sau khi đã điều tra và được Đức Giáo hoàng quyết định, chứ không phải là Giám mục hay đương sự quyết định, và rằng việc huyền chức một Linh mục cũng phải dựa trên nhiều yếu tố.

"Chẳng hạn như là vị Linh mục đó làm sai giáo luật, mang tiếng cho Hội, hoặc có thể là vị Linh mục giả nữa", Linh mục Luân nói. "Nhưng cái đó cũng phải điều tra thì mới có thể đưa đến kết luận được chứ không phải là một yếu tố mà nhiều yếu tố khác nhau. Cái nào đã làm cho Giáo hội bị mất đi phẩm giá thì đương sự sẽ bị huyền chức".

Trong thời gian được cho là bị giam giữ, Linh mục Nam không được cho dâng lễ như trước đây cũng như không được chu cấp các chi phí ăn uống, và khi bị bệnh từ đầu tháng 3/2022 đến cuối tháng 5/2022, Linh mục Nam không được Giám mục Long cho đi bệnh viện cấp cứu mặc dù đã xin những đều bị từ chối vì nghi ngờ Linh mục Nam giả vờ bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Nam nói hiện tại tình hình Linh mục Đặng Hữu Nam "rất tội nghiệp" khi cha đang ở trong viện dưỡng lão dành cho các đức cha. Ông cho biết thêm rằng Linh mục Nam cũng không được quyền thực hành quyền của một Linh mục và bị theo dõi ở tại viện dưỡng lão.

"Cha Nam bây giờ vẫn tiếp tục kêu oan và đang bị đau rất nặng vì hai bệnh ung thư", Ông Nam chia sẻ. "Bệnh ung thư não và ung thư máu. Mà ông còn bị trù dập đến độ họ đã cắt hết tất cả các chu cấp, bỏ kinh phí ăn uống từ tháng 10/2021 cho đến bây giờ, trong khi ông đang đau ốm. Mỗi ngày tốn 5-7 triệu tiền thuốc cho nên hiện nay cha đang rất khó khăn và đau rất nặng".

Cha Đặng Hữu Nam đã từ chối trả lời phỏng vấn của đài VOA vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến Cha và cho rằng sẽ không khách quan. "Người trong cuộc mà nói ra sẽ không khách quan ở chuyện này", Cha Nam nói. "Về vấn đề này, cho tôi xin thong thả một chút một thời gian thì tôi sẽ trả lời vì lúc này chưa có tiện cho tôi".


(Kontum: Chính quyền xông vào giựt sách, yêu cầu Linh mục đang làm lễ về 'làm việc'.)

Sự việc thứ hai trong thỉnh nguyện thư liên quan đến việc ông Hồ Hữu Hòa trở thành Linh mục vào năm 2022. Hồ Hữu Hòa, 39 tuổi, hành nghề thầy "phong thuỷ" đã từng bị kết án 2 năm 8 tháng tù với tội danh "Môi giới hối lộ" trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), cựu thượng tá tình báo công an đang thụ án tù chung thân với các cáo buộc liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Ông Hồ Hữu Hòa có bằng Tốt nghiệp khóa Thần học 4 năm từ năm 2018-2022, nhưng lại bị ngồi tù từ 2019-2021. Điều đó đã làm dấy lên sự nghi ngờ giữa các giáo dân, theo các nhà quan sát.

Theo một thông báo bằng văn thư chính thức của giáo phận Maasin, Philipines, do Giám mục Preciono D. Cantillas ký ngày 17/2/2023, xác nhận ông Hồ Hữu Hòa đã lãnh nhận Phó tế ngày 8/9/2022 và thụ chức Linh mục ngày 7/12/2022.

Văn bản trên cũng xác nhận ông Hồ Hữu Hòa được tiến cử vào các tác vụ Thánh Phó tế và Linh mục bởi Giám mục Nguyễn Hữu Long. Theo giới quan sát, thông thường thời gian cho các thủ tục văn thư gởi đi và xác nhận ít nhất là một năm từ hai tòa Giám mục Vinh và Maasin và thời gian để lãnh nhận giữa hai tác vụ thánh này cách nhau là 1 năm để ứng viên có thời gian thi hành tác vụ Phó tế. Nhưng chỉ vỏn vẹn có 3 tháng là Hồ Hữu Hòa đã trở thành một vị Linh mục tại Giáo phận Vinh.

Ông Nam nói rằng một người "mê bói toán" như ông Hồ Hữu Hòa với những "khách hàng" là những đại gia và những cán bộ cao cấp của nhà nước thì ông ta mặc nhiên là "con cưng" của nhà cầm quyền.

"Ông ta mạnh đến nỗi mà nghe nói ổng chỉ cần cầm điện thoại gọi lên thì Bộ trưởng Bộ Y tế phải trả lời", Ông Nam nói.

Ông Thành nói rằng vụ ông Hồ Hữu Hòa trở thành Linh mục là không có đúng với những quy tắc và giáo luật, cùng với đó là quá khứ của ông Hòa và thời gian học ra làm Linh mục không có diễn ra theo đúng thực tế nên mọi người không đồng ý.

"Nếu bây giờ chúng ta coi nó như một giọt nước tràn ly tại vì từ hồi nào đến giờ thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ đã can thiệp rất nhiều vào trong những công việc phục vụ Thánh lễ của các tôn giáo, không riêng gì Công giáo", ông Thành nói. "Mà riêng Công giáo là một tôn giáo có tổ chức có hệ thống quy củ rõ ràng, có những quy định chặt chẽ từ trên Vatican xuống đến các quốc gia, các giáo phận. Mà nếu sự việc này chúng ta không lên tiếng thì trong tương lai có thể xảy ra những việc khác nữa".

Trong một email gởi đến đài VOA, ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Tự do tại Pháp và là một trong những người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho biết ông là một người Công giáo với hy vọng nói lên tiếng nói cho giáo dân Việt Nam về nhiệm vụ của một Linh mục trong chế độ Cộng sản vô thần mà ở đó họ đang tìm mọi cách xâm nhập vào Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên trang Vietlist, một trang đấu tranh cho tự do, dân chủ của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại, bức thỉnh nguyện thư đạt được hơn 110 chữ ký và con số vẫn đang được tiếp tục cập nhật.

"Qua hai sự việc trên, chúng tôi nhìn thấy được sự xâm nhập ngõ hầu kiểm soát và phá hoại quyền tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với Giáo hội Công giáo nói riêng và các Tôn giáo tại Việt Nam nói chung", thỉnh nguyện thư viết.

VOA đã gởi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam để hỏi ý kiến về thỉnh nguyện thư này nhưng không có phản hồi.

VOA không thể liên lạc được với Giám mục Nguyễn Hữu Long và ông Hồ Hữu Hòa để xin ý kiến bình luận.

"Với bức thư này mình phải gửi, phổ biến cho tất cả người Việt hải ngoại bất kể người đó có đạo Công Giáo hay bên đạo khác hay không có đạo để tất cả mọi người cùng biết rõ. Và cái thứ hai là gửi đến các vị giới hữu trách ở tại bên Vatican để họ cùng biết và mong rằng họ sẽ nhìn thấy sự việc và sẽ tìm hiểu kỹ hơn với cái điều kiện mà họ sẵn có để điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và can thiệp theo đúng luật. Đó là điều tôi mong muốn". Ông Thành chia sẻ.


Hai Người Theo "Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời" Bị Tuyên Giữ Nguyên Án 12 Năm


(Hình: Bà Dương Thị Bé và ông Nguyễn Văn Nghĩa tại phiên Tòa Sơ thẩm tháng 10/2022.)

-Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Tp. HCM ngày 28/3/2023 giữ nguyên bản án tổng cộng 12 năm tù đối với hai người được cho là thành viên của tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" có trụ sở tại Mỹ của ông Đào Minh Quân.

Theo báo mạng Nhân dân, trong phiên Tòa Phúc thẩm tại trụ sở của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang vào sáng thứ Ba, ông Nguyễn Văn Nghĩa, 48 tuổi, bị án tù bảy năm còn bà Dương Thị Bé, 41 tuổi, bị án năm năm tù giam về tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là mức án mà tòa án tỉnh đã tuyên cho hai người này trong phiên Sơ thẩm vào ngày 6/10/2022.

Cáo trạng nói rằng, vào năm 2014 ông Nguyễn Văn Nghĩa vào trang chủ của tổ chức có trụ sở ở California (Hoa Kỳ) để tìm hiểu. Đến năm 2018 ông Nghĩa tham gia "trưng cầu dân ý" bầu công dân Mỹ gốc Việt Đào Minh Quân làm Tổng thống "Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa".

Ông Nghĩa còn bị cho là đã lôi kéo nhiều người tham gia và vào cuối tháng 10/2021 ông làm hồ sơ cho bà Bé, bạn gái của ông, tham gia tổ chức. Ông cũng bị cho là đã kêu gọi cán bộ, lực lượng vũ trang tại Việt Nam hiện nay tham gia tổ chức.

Cáo trạng còn nêu, vào giữa năm 2021, ông Nghĩa tham gia chỉnh sửa các bài viết trên mạng Internet với nội dung về ông Hồ Chí Minh. Cuối năm này, ông được giao nhiệm vụ làm phát ngôn nhân chính thức của tổ chức lưu vong trên ở trong nước.

Cáo trạng nói bà Bé tham gia vào "Đoàn nữ quân nhân" của tổ chức với nhiệm vụ tuyên truyền tiểu sử của ông Đào Minh Quân, lôi kéo nhiều người tham gia chiến dịch "Trưng cầu dân ý" và tham gia tổ chức.

Theo thống kê của RFA, từ năm 2017 cho đến nay, có ít nhất 60 người bị kết án vì cáo buộc theo tổ chức lưu vong của ông Đào Minh Quân. Họ đều bị bị khép vào tội "hoạt động chống chính quyền" và nhiều trong số họ bị kết tội thực hiện các hành vi bạo lực, khủng bố như chế tạo bom xăng, đốt nhà để xe phi trường…

Tuy nhiên, có một số người như ông Trần Văn Lượng, người bị kết án năm năm tù giam năm 2017 và mãn hạn tù năm 2022, nói với RFA rằng ông không phải là thành viên của tổ chức bị Bộ Công an CSVN xếp vào danh sách khủng bố.

Ông Lượng nói ông bất mãn với nhà cầm quyền hiện nay và chỉ lên tiếng phản biện trên mạng xã hội Facebook, nhưng an ninh bắt giữ và buộc ông phải nhận tội có liên hệ với tổ chức của ông Đào Minh Quân và tham gia hành động khủng bố.

Một lãnh đạo của tổ chức trên nói với RFA sẽ hành động để trợ giúp những người bị bắt giữ ở Việt Nam, tuy nhiên không tiết lộ họ sẽ làm gì.


CSVN Tuyên Phạt Ông Trương Văn Dũng 6 Năm Tù


(Hình: Nhà hoạt động Trương Văn Dũng kêu gọi trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh.)

-Hôm 28/3/2023, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt nhà hoạt động Trương Văn Dũng sáu năm tù với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", nhưng Luật sư bào chữa nói với VOA rằng các quan tòa "chưa có đủ căn cứ" để buộc tội ông Dũng.

Ông Lê Đình Việt, một trong hai Luật sư bào chữa, cho VOA biết sau phiên xử rằng hội đồng xét xử không có đủ căn cứ để buộc tội thân chủ của ông:

"Tôi nhận thấy là việc kết tội ông Dũng theo quy định tại Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999 là không có căn cứ, có thể nói là chưa có đủ căn cứ để kết tội".

Ông Dũng không phải chịu án quản chế sau khi mãn án tù, vẫn theo Luật sư Việt.

Trong khi đó bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Dũng, người được phép vào dự phiên tòa, cho VOA biết rằng chồng bà vô tội.

"Tôi nghĩ bản án 6 năm tù đó là cao vì chồng tôi không có tội".

Nhận định về bản án đối với ông Dũng, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho VOA biết: "Phán quyết đối với Trương Văn Dũng là thái quá và không thể chấp nhận được, một lần nữa cho thấy tòa án Việt Nam hoạt động như một cơ quan bị Đảng Cộng sản chi phối, đưa ra bất cứ bản án khắc nghiệt nào mà các cán bộ đảng cầm quyền cho là phù hợp".

"Ở Việt Nam không có công lý cho bất kỳ ai dám thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình để nêu những vấn đề mà chính phủ không thích", ông Robertson nêu nhận định qua email.

VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. Hà Nội, đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.

Ngay sau phiên xử, tổ chức HRW hôm 28/3 kêu gọi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

"Ông Trương Văn Dũng là người mới nhất trong hàng loạt những người bảo vệ nhân quyền bị chính phủ Việt Nam bịt miệng vì phản đối các vi phạm nhân quyền và vận động cải cách", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của HRW cho biết trong một tuyên bố.

Ông Robertson kêu gọi "các chính phủ dân chủ đang củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam cần lên tiếng công khai và mạnh mẽ ủng hộ ông ấy và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và thực hiện các bước cải cách thực sự".

Một ngày trước phiên xử, HRW đưa ra lời kêu gọi tương tự đối với ông Dũng, đồng sáng lập viên Hội Bầu bí Tương thân.

Công an Hà Nội bắt giam ông Trương Văn Dũng, 65 tuổi, vào tháng 5/2022 với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", một cáo buộc mà các tổ chức nhân quyền cho rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thường dùng để đàn áp các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến.

Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kết án ít nhất 163 người kể từ năm 2018 vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận hoặc lập hội theo các điều luật "mơ hồ hoặc quá rộng" nhằm hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến phản đối hoặc chỉ trích chính phủ, vẫn theo HRW.

Tổ chức này cho biết ít nhất 18 người khác đã bị buộc tội và đang chờ xét xử, và rằng các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố nhiều trường hợp trong số này qua cáo buộc "tuyên truyền", tội phạm hóa theo điều 88 và 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng chỉ bắt giam và xét xử những ai "vi phạm pháp luật".


Nhà Hoạt Động Trương Văn Dũng Bị Kết Án 6 Năm Tù Giam, Tố Cáo Bị Nhục Hình


(Hình: Ông Trương Văn Dũng cầm biểu ngữ ở Hà Nội năm 2016.)

-Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 28/3/2023 kết án nhà hoạt động Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng) với bản án 6 năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 vì bị cáo buộc "trả lời phỏng vấn báo đài ngoại quốc và tàng trữ sách lậu".

Trong phiên tòa kết thúc trong buổi sáng thứ ba, chỉ có vợ ông, bà Nghiêm Thị Hợp được vào dự với tư cách là người làm chứng. Nhiều nhà hoạt động ở thủ đô Hà Nội cho biết họ bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh theo sát nhằm ngăn cản họ đến gần khu vực tòa án.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, ông Ngô Anh Tuấn, một trong hai Luật sư bào chữa cho ông Dũng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

"Quan điểm của ông Dũng và Luật sư thì chúng tôi nói là ông Dũng không phạm tội và các Luật sư đều đồng nhất quan điểm là trả tự do tại tòa. Còn lại là nhận định và kết luận của phía đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử thì họ vẫn tuyên ông Dũng có tội và tuyên sáu năm tù".

Bị Kết Án Vì Trả Lời Phỏng Vấn và Tàng Trữ Sách Xuất Bản Không Phép

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị cáo buộc trong thời gian từ ngày 24/10/2015 đến tháng 5/2022 đã trả lời phỏng vấn của chương trình "Từ cánh đồng mây" của Radio Sài Gòn Dallas ở Hoa Kỳ với nội dung bị cho là tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý thông qua các bài phỏng vấn, video clip đăng tải trên mạng xã hội.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông tàng trữ hai đầu sách mang tên "Những mảnh đời sau song sắt" của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và "Chính trị bình dân" của nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Theo đó, hai cuốn sách này bị cho là được in và phát hành bất hợp pháp với nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.

Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ ông Dũng, thuật lại điều này:

"Cái bài phỏng vấn Cánh đồng mây thì Trương Văn Dũng không nhận của mình nhưng bên đó (Công tố- PV) vẫn nói là bên gì (Sở Thông tin và Truyền thông- PV) kết luận đúng rồi. Thế là nó cứ dựa vào đấy để kết tội thôi. Hai Luật sư nói đi nói lại nhiệt tình lắm nhưng họ vẫn kết luận như thế".

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết tòa đã không truy cứu những cáo buộc liên quan đến các bài viết trên trang Facebook Dũng Trương vì không đủ cơ sở kết luận trang này là của ông Trương Văn Dũng.

Ngoài ra, công an còn thu giữ ở nhà riêng của ông 31 băng rôn và biểu ngữ được in trên vải bạt và 14 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung bị cho là chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Dũng Tố Cáo Bị Công An Dùng Nhục Hình

Bà Hợp cho biết trong phiên tòa hôm nay, ông Dũng có tố cáo việc mình bị công an đánh đập trong lúc hỏi cung.

Cụ thể, vào ngày 15/9/2022, ông Dũng bị trích xuất từ Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội và đưa đến Phòng an ninh điều tra ở 89 Trần Hưng Đạo của Công an thành phố Hà Nội để hỏi cung. Tại đây, ông bị cán bộ an ninh hành hung. Bà Hợp thuật lại:

"Trương Văn Dũng không hợp tác, đến tận trưa rồi mà không hợp tác thì người ta cho ăn một hộp cơm. Ăn xong là chúng nó cho hai thằng hai bên đánh bằng cùi chỏ. Sau một lúc sau nó chở về và giả về Hoả Lò.

Trương Văn Dũng bị chúng nó đánh đau. Đêm hôm ấy Trương Văn Dũng đau và được đưa đi cấp cứu. Cấp cứu suốt 15 ngày, có ngày cấp cứu hai lần".

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, trong suốt thời gian xử án, ông Dũng không đề cập đến việc bị công an Hà Nội đánh đập, mà đưa ra lời tố cáo này trong phần phát biểu cuối cùng trước khi tòa nghị án. Vì vậy, Luật sư không thể khai thác hoặc thêm ý kiến về việc này.

Vị Luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho biết trong những lần gặp trong trại tạm giam để chuẩn bị cho việc bào chữa, thân chủ của ông không đề cập đến việc bị đánh đập trong quá trình hỏi cung.

Tuy nhiên, một Luật sư khác của ông Dũng là ông Lê Đình Việt viết trên Facebook cá nhân cho biết, trong cuộc thăm gặp vài ngày trước phiên xử, thân chủ của ông tố cáo bị dùng nhục hình thời điểm bị trích xuất từ trại giam đến cơ quan An ninh điều tra, sau đó ông Dũng phải thường xuyên nhờ đến sự hỗ trợ về y tế của Trại tạm giam để đối phó với sự hành hạ của những cơn đau.

Ông Dũng, 65 tuổi, một người bất đồng chính kiến được biết nhiều từ các hoạt động ôn hòa trên đường phố, bị bắt ngày 21/5/2022.

Ông tích cực tham gia các phong trào biểu tình ôn hòa phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, việc chặt hàng ngàn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố Hà Nội, việc xả thải của Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung năm 2016, vi phạm nhân quyền, và đòi tự do cho nhiều tù nhân lương tâm.

Ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong ngày 27/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng thúc giục chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách.

Hiện nay vẫn còn ít nhất 11 nhà hoạt động đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" và chưa có lịch xét xử Sơ thẩm.


Tòa Việt Nam Có Thể Không Để Xảy Ra Án Oan Sai?


(Hình: Ông Nguyễn Trường Chinh và gia đình ra Hà Nội kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng.)

-Chủ tịch nước Việt Nam mới đây yêu cầu Tòa án xét xử không được để xảy ra oan sai. Ông Võ Văn Thưởng đưa ra yêu cầu vừa nêu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hôm 27/3/2023.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, đại diện ngành Tư pháp cho biết số lượng các vụ án tòa án các cấp giải quyết tăng bình quân 6%/năm với chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa ở mức thấp, dưới 1,5%, thời gian gần đây chưa phát giác trường hợp kết án oan.

Một Luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/3 nhận định:

"Án oan thì chia thành nhiều giai đoạn. Sau 30/4/1975 lúc đó Việt Nam chưa có luật nên xử oan nhiều người, người ta kêu oan 30-40 năm bây giờ mới được minh oan, chứ không phải là án oan bây giờ. Sau khi cải cách Tư pháp từ năm 2005 đến 2018, tầm nhìn 2020 thì án oan mới có vẻ ít hơn. Nhưng vấn đề thứ hai quan trọng hơn, là những Luật sư bảo vệ cho những vụ án oan hiện nay giống như là bị bịt miệng gần hết. Trước đây đụng đâu cũng thấy án oan, ví dụ như người dân gõ cửa nhà tôi là thấy án oan, tôi đọc hồ sơ thấy oan thì kêu anh em vô. Nhưng bây giờ các Luật sư như vậy bị bịt miệng hết, bị rủi ro hết. Thành ra án oan bị chặn đứng".

Nhưng theo Luật sư này, án oan bị chặn đứng không phải là không có án oan, mà để chứng minh một mệnh đề "oan" hay "không oan" đã bị chặn đứng. Ông nói tiếp:

"Như vậy giai đoạn trước đổ thừa là do lịch sử để lại. Còn giai đoạn bây giờ Luật sư vào trong tòa không được mang laptop, không được mang điện thoại di động, tại sao chính phủ điện tử mà không có Luật sư điện tử? Luật sư bây giờ vô tòa chẳng lẽ mang cả một thư viện hồ sơ vụ án mấy chục ngàn bút lục? Cấm hẳn Luật sư không được mang điện thoại, laptop như vậy thì Luật sư thì làm sao bào chữa?"

Trong nhiều năm gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long.

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.

Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng bốn lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.

Mới nhất là năm 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án "Cướp tài sản riêng của công dân" với số tiền lên đến hơn sáu tỉ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.


(Ảnh AFP, minh họa.)

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ án kêu oan hàng chục năm qua vẫn không được chính quyền giải quyết, như vụ hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại hôm 28/3:

"Tôi đã đi kêu oan đòi công lý tự do cho con tôi từ năm 2007, đến giờ đã hơn 16 năm mà chưa thấy có tiến triển gì. Họ vẫn giữ nguyên, bây giờ họ chỉ trả lời bằng miệng nói rằng trường hợp nhưng anh Chưởng đang được xem xét. Tôi chỉ yêu cầu trả lời bằng văn bản là Chưởng có tội hay không có tội, nhưng họ không trả lời. Có một Luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho tôi là Luật sư Lê Văn Hòa, theo dõi vụ án oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng từ năm 2009, ông nắm rất rõ và nói rằng đây là oan sai, hiện ông vẫn đang tiếp tục kiến nghị. Theo tôi có nhiều án oan sai lắm, nhưng đặc biệt là có hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Tử tù Hồ Duy Hải đã kêu oan 15 năm, còn Nguyễn Văn Chưởng hơn 16 năm".

Trong vụ án bị cho là oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Sinh thuộc công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra. Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người, trong đó người thanh niên này bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân.

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án. Người thanh niên này tố cáo bị đánh đập và ép cung bởi điều tra viên trong khi các lời khai của các nghi can mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp…. Nhưng đến nay vẫn chưa thể minh oan.

Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh "giết người, cướp tài sản" tại cả 3 phiên Tòa Sơ thẩm, Phúc thẩm và cả Giám đốc thẩm.

Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các Luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA trước đây cho biết, án oan tại Việt Nam không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít:

"Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Điển hình là vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…".

Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Tổng cộng có sáu người đã bị cáo buộc tội '"Giết người". Trong đó, có hai người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.


Khi Tiền Không... Quan Trọng!
(Trân Văn)


(Hình VOA, minh họa.)

-Có nên xem thái độ, cách hành xử theo kiểu tiền không... quan trọng như vậy là quan trọng đối với hiện tại của từng cá nhân và cả với tương lai của con cháu không?

Dẫu xã hội chìm trong bầu không khí nặng nề, ảm đạm vì kinh tế suy sụp, thất nghiệp tràn lan, chẳng riêng người nghèo mà các thành phần khác ở giai tầng cao hơn cũng tuyệt vọng vì thiếu thốn, bế tắc nhiều mặt thì với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, tiền vẫn không phải là thứ... quan trọng!

Tiền không... quan trọng nên mới có chuyện "tháo dỡ nhiều hạng mục" để... "nâng cấp và đổi hướng trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa" – một đơn vị hành chính thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo tờ Người Lao Động, trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa gồm hai khối nhà mới được xây dựng năm 2010 với chi phí khoảng bốn tỉ đồng. Cách nay vài năm, công thự này mới được nâng cấp, công quỹ chi thêm vài tỉ để thay toàn bộ hệ thống cửa gỗ bằng cửa có khung bằng nhôm, lắp kính. Thế rồi mới đây, dân chúng trong xã thấy nhà thầu đến tháo gỡ toàn bộ hệ thống cửa đó để chuẩn bị thay bằng hệ thống cửa mới hơn. Chỉ riêng chi phí đổi cửa đã là 600 triệu đồng....

Tuy nhiên khoản 600 triệu đồng ấy chỉ là... tiền lẻ. Tổng chi phí cho đợt "cải tạo, nâng cấp khuôn viên trụ sở xã Hưng Hòa" lần này lên tới... 6 tỉ. Chủ tịch xã Hưng Hòa giải thích đây là dự án do chính quyền thành phố Vinh thẩm định-phê duyệt. Có thể vì vừa xót xa, vừa bất bình bởi nhà cầm quyền phung phí quá mức nên dân chúng mới liên lạc với báo chí.... Khi trò chuyện với phóng viên tờ Người Lao Động, dân chúng địa phương thắc mắc: Hưng Hòa là xã nghèo ven thành phố, hạ tầng còn thiếu đủ thứ. Trụ sở còn tốt như thế sao không để vậy mà sử dụng. Tại sao thành phố không đầu tư cho những chuyện khác thiết yếu hơn như đường giao thông, mương thoát nước, tái định cư (1)...

Những thắc mắc như vừa kể đã xuất hiện từ lâu, ở khắp mọi nơi song... còn thắc mắc có nghĩa là không... đồng điệu và chưa... đồng cảm với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam. Với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, bất kể kinh tế-xã hội thế nào thì tiền cũng không... quan trọng. Quan trọng là dùng thế nào.

Ai cũng biết tiền để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam có một phần từ thuế, một phần do khai thác tài nguyên đem bán và một phần khác từ hỏi vay khắp nơi, cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Giống như chính quyền của tất cả các quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam không làm ra tiền, những hệ thống này được dân chúng ủy nhiệm để thu tiền và dùng tiên sao cho "quốc thái, dân an".

Khác với chính quyền của tất cả các quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam không báo cáo thu – chi rạch ròi với chủ (dân). Nếu có báo cáo thu – chi rạch ròi sẽ không có những chuyện như chuyện chi ra... 6 tỉ vì thấy cần... "đổi hướng trụ sở xã Hưng Hòa từ Đông-Nam sang Tây-Bắc" cho nên phải tổ chức... "cải tạo, nâng cấp khuôn viên". Sáu tỉ đã và đang chi ra là công quỹ, không phải tiền riêng của chính quyền xã Hưng Hòa, chính quyền thành phố Vinh hay chính quyền tỉnh Nghệ An. Về nguyên tắc, dùng tiền trong công quỹ phải hợp lý nên phải báo cáo, phải thẩm tra, phải cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới được phê chuẩn. Tuy nhiên bởi ở Việt Nam tiền không... quan trọng nên nguyên tắc vừa kể vốn phổ quát nhưng không cần... tôn trọng.
***
Trong vụ án liên quan tới việc Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) được chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn làm doanh nghiệp cung cấp 16 gói thầu cho Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ mà Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu năm nay (2) có một tình tiết cần phải nhớ: Đó là dù xin tiền để xây dựng bệnh viện cho dân chúng Đồng Nai nhưng ngay cả Bí thư tỉnh Đồng Nai cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để "xin vốn Trung ương". Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ để làm "vỏ" Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương mới cấp thêm 754 tỉ để nhồi "ruột" (mua sắm các thiết bị y tế). Do bà Nhàn có thể làm được những chuyện như thế, các viên chức lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... "tạ ơn" từ bà Nhàn. Trước tòa, ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để kể về dự án xây bệnh viện đa khoa cho tỉnh bị thiếu vốn và nhờ bà Nhàn "góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói", bởi "Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương. Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết" (3). Dẫu hệ thống Tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng ghi nhận rồi thôi chứ... không làm gì thêm!

Nếu không quên lời khai của ông Trần Đình Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư Đồng Nai - bị can trong vụ án liên quan đến AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì tự nhiên sẽ hiểu tại sao chính quyền tỉnh Nghệ An, chính quyền thành phố Vinh có tiền và mạnh tay chi tiền cho những dự án như "nâng cấp và đổi hướng trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa", trong khi giáo dục, y tế thiếu đủ thứ và những người thuộc thành phần yếu thế không được hỗ trợ nào để có cơ hội sống an ổn như công dân các xứ khác. Trong nhận thức của các cá nhân đang điều hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam, tiền không... quan trọng nên 2.358 công nhân của Công ty PouYeun ở Sài Gòn mới phải nộp 10% thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp mà công ty này tự nguyện trả thêm khi phải cho họ nghỉ việc. Đó không phải lần đầu tiên, hồi tháng 7/2020, khoảng 2.800 công nhân khác của Công ty PouYeun bị mất việc do tác động của dịch COVID-19 cũng phải nộp 10% thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp do Công ty PouYeun tự nguyện trả thêm. Công ty PouYeun và một số cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân đã đề nghị Cục Thuế Tp. HCM và Tổng Cục Thuế xem lại chuyện này nhưng theo tờ Lao Động thì... "sự việc cũng chỉ dừng ở đó" (5).

Có nên xem thái độ, cách hành xử theo kiểu tiền không... quan trọng như vậy là quan trọng đối với hiện tại của từng cá nhân và cả với tương lai của con cháu không?


Củ Chi Mới Trong Thành Phố

(Liêu Bá Tước)


(Hình: Một người dân trong căn nhà rộng 2 mét vuông ở Sài Gòn hôm 2/5/2018.)

-Huyện Củ Chi thuộc Sài Gòn, thời chiến tranh được những người Cộng sản mệnh danh là đất thép. Vì người dân nơi này cương quyết bám trụ mảnh đất ông bà tổ tiên, mặc bom đạn vẫn một tấc không đi, một ly không rời.

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, ai ngờ đâu ngay giữa lòng Sài Gòn lại mọc lên những Củ Chi mới. Trên cao, dưới thấp, trung tâm, ngoại thành, chung cư hay nhà riêng, vườn rau hay bãi chợ, bất cứ nơi nào địa thế đẹp, dân cư đông đúc sôi động, giao thông thuận lợi phù hợp kinh doanh buôn bán thì gần như đều có những Củ Chi mới nối nhau mọc lên.

Dọc đường Trần Hưng Đạo có nhiều chung cư cũ được xây từ trước 1975. Trước kia chúng là những ngôi nhà to rộng, cao ráo, thoáng đãng, nằm ngay trong trung tâm thành phố nhộn nhịp nên giá bán không rẻ. Thành phố càng phát triển, trung tâm ngày càng đông đúc sầm uất, việc buôn bán kinh doanh hay sinh sống của những người dân ở đó cũng theo đó thuận lợi hơn. Giá đất thì khỏi nói, nó tăng phi mã. Đó chính là tài sản, vốn liếng lớn của những người chủ sở hữu nhà, đất ở đó.

Tuy nhiên, do chuyển từ sở hữu tư nhân thành sở hữu nhà nước nên những chung cư này nhanh chóng xuống cấp.

Nhà Tư Thành Nhà Chung-Cha Chung Không Ai Khóc

Trước 1975, chúng là tài sản của những người chủ cụ thể. Họ xây dựng và kinh doanh những chung cư này, có Ban điều hành chuyên nghiệp để bảo quản và khai thác kinh doanh tòa nhà theo cách tốt nhất. Ở quận 5, rất nhiều tòa nhà xây dựng theo kiểu shop house, tầng trệt là cửa tiệm kinh doanh buôn bán, các tầng trên là nơi ở của chủ nhân. Chất lượng xây dựng của các tòa nhà này đều rất tốt. Sau 1975, khi chuyển về thuộc sở hữu Nhà nước thì chúng đều lâm cảnh cha chung không ai khóc. Ban điều hành chuyên nghiệp bị giải thể, các chủ nhân mạnh ai nấy sống hoặc đi nơi khác sống và cho thuê lại. Lối sống tùy tiện, cẩu thả của một số người được dịp lộng hành. Cùng với tình trạng khốn khổ thiếu điện, thiếu nước, thiếu ăn của hàng chục năm bao cấp, người ta tha hồ đục đẽo nối ống nước lên lầu, xây thêm bể chứa nước trong nhà, làm gác xép, thậm chí dùng luôn phòng tắm để nuôi heo, nuôi chó kiểng cải thiện đời sống… khiến những ngôi nhà biến dạng trầm trọng. Tất cả thang máy đều hư hỏng hoặc trở thành hố rác, những cánh cửa kim loại bị người ta tiểu tiện vào đến han rỉ mục nát dưới chân. Các đường ống dẫn rác chạy suốt nhiều tầng lầu biến thành hố rác công cộng, không thể sử dụng được nữa. Hồ bơi và hồ chứa nước trên sân thượng cạn kiệt. Hệ thống đèn cầu thang và hành lang lờ nhờ tối tăm. Bãi giữ xe chật cứng luôn tiềm tàng nguy cơ cháy nổ…. Từ những tòa nhà vốn đẹp đẽ, chúng nhanh chóng biến thành những khu ổ chuột nhiều tầng, nhếch nhác và tàn tạ.

Sau nhiều năm, Nhà nước bèn yêu cầu dân sống trong chung cư dời đi chỗ khác, lý do là nơi ở của họ đã tiềm tàng nguy hiểm. Ngôi nhà cũ sẽ bị đập ra, sau đó miếng đất đó dùng làm gì thì chỉ Nhà nước biết.

"Củ Chi"

Nhưng, "một tấc không đi một ly không rời", dân bây giờ khôn rồi, chẳng ai đi cả. Mặc dù ngôi nhà hiện tại tồi tàn thật đấy, nhưng nó chắc chắn là của họ, chưa ai lấy mất được của họ chốn cư trú này. Giờ nghe lời Nhà nước đi qua nơi tạm cư, diện tích rộng hơn thật, Nhà nước thưởng 50 triệu cho gia đình nào rời đi sớm và cho ở miễn phí hai năm tại nơi tạm cư. Nhưng hai năm qua nhanh lắm, hết hai năm mà vẫn chưa thỏa thuận được giá bồi thường cho căn chung cư/ngôi nhà cũ thì sao? Tiền đâu thuê nhà? Ở nhà cũ tuy xập xệ nhưng chỉ cần nấu xe hủ tíu cho ngon đứng bán lề đường thì đủ nuôi cả nhà. Qua chỗ mới mặt bằng không có, mối mang bạn hàng đều không có, mưu sinh bằng cách nào? Rồi chừng nào người ta mới bồi thường đủ cho mình? Tiền bồi thường không đủ mua nhà mới có vị trí tốt, thuận lợi buôn bán, học hành… bằng nhà cũ thì sao?

Nói nào ngay, không người nào không muốn được sống an toàn trong một ngôi nhà bền vững. Nhưng những bài học từ Thủ Thiêm, từ vườn rau Lộc Hưng đau đớn quá khiến người dân không còn dám tin vào chính quyền: Người dân đang an cư lạc nghiệp bỗng bị đuổi ra khỏi nhà, xe ủi xúc giật hết mọi thứ xuống thành đống đổ nát. Nhưng đuổi người dân đi rồi thế nào? Sau bốn năm (với vườn rau Lộc Hưng), sau hơn 20 năm (với Thủ Thiêm), mảnh đất đang sầm uất nhộn nhịp, tiền bạc đẻ ra dồi dào mỗi ngày vẫn bị bỏ hoang bất động, cỏ hoang vươn lên khắp nơi làm chủ nhân thay con người. Những người chủ cũ phiêu bạt tứ tán ở thuê ở mướn khắp nơi, thậm chí nhiều người đã qua đời nhưng giấc mơ về ngôi nhà thuộc sở hữu của mình vẫn xa tít tắp.

Năm 2016, Thành ủy Tp. HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải giải quyết 50% số chung cư cũ hư hỏng (237 chung cư) trong tổng số 474 chung cư cũ xây trước năm 1975 (gồm 565 lô). Trong đó, 14 chung cư cấp D cần tháo dỡ khẩn cấp. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, thành phố chỉ mới giải tỏa được 32 chung cư cũ hư hỏng.

Về sự bất lực của nhà cầm quyền khi muốn di dời dân ra khỏi những chung cư kém an toàn, một Phó Chủ tịch UBND quận 5 nói "pháp luật quy định với nhà ở hết niên hạn sử dụng hoặc có nguy cơ sập thì chính quyền phải di dời để bảo đảm tính mạng cho người dân. Thế nhưng luật lại không quy định cụ thể về việc lập phương án bồi thường dạng nhà chung cư. Quận giống như "đi giữa hai làn đạn", một bên người dân yêu cầu phải cho biết số tiền cụ thể mới chịu di dời, một bên lại không quyết định được mức bồi thường nhưng trách nhiệm phải đưa người dân ra khỏi nơi nguy hiểm (UBND thành phố mới có quyền quyết định-người viết).

Vậy là có những chung cư tuy đã được chính quyền cảnh báo là "có thể sập bất cứ lúc nào" nhưng người dân trong đó vẫn bám trụ sống tiếp từ cả mớ năm nay.

Tuy thế, chung cư ở Tp. HCM dù có cũ nát xuống cấp cách mấy cũng không thể sánh với mức độ tồi tệ của những ngôi nhà ở khu phố cổ Hà Nội.

Phố Cổ Hay… Những Cái Lỗ Được Gọi Là Nhà?

À mà không thể gọi là nhà, vì chúng thực sự chỉ là những cái hang, cái lỗ tăm tối, ẩm thấp. Mốc meo bò kín từ chân tường đến trần nhà quanh năm hôi hám sặc mũi, nằm xung quanh những con ngõ tối đen sâu hun hút chỉ vừa hai người ngược chiều lách tránh qua nhau. Chúng là những tàn tích quái gở dị hợm của công cuộc phân bổ các biệt thự hoặc nhà cổ của Hà Nội trước kia cho các nhân viên Nhà nước, vào khoảng giữa thế kỷ 20. Khi đó một ngôi biệt thự vốn dành cho khoảng 4-6 người ở, với nhiều phòng riêng, nhà bếp, gara, vườn, bể bơi… đã bị băm nát như bèo để dúi mỗi hộ vào một căn phòng riêng, thậm chí một gara, một nhà vệ sinh cũ.

Ai có thể tưởng tượng 600 ngôi biệt thự được phép bán của Hà Nội lại có đến… gần 6.000 hộ có hợp đồng mua hoặc thuê với Nhà nước? Tương đương gần 10 hộ đã và đang chiếm cứ trong không gian mỗi biệt thự. Trung bình mỗi hộ có ít nhất bốn người thì ngôi biệt thự đang chứa ít nhất 40 người, gấp tối đa 10 lần so với thiết kế đầu tiên của nó.

Thế nên mới có chuyện dân trong phố cổ sáng sớm phải xếp hàng đi vệ sinh, mỗi người cầm xấp giấy trên tay đứng cạnh nhau trò chuyện rôm rả. Nấu nướng thì phải bày hết ra sân chung, ra hành lang. Thậm chí trẻ con và đàn ông thì cứ đánh trần, mặc mỗi cái quần đùi xuống bể nước chung múc nước tắm gội. Các bà các cô thì ngồi giặt áo quần ngay cạnh đấy.

Nhưng ngoài chuyện bám chắc vỉa hè phố cổ để mưu sinh thì với vị trí lõi của lõi trung tâm Hà Nội, mỗi tấc đất phố cổ chính là vàng. Cái giá để hàng ngàn người dân đang sống chui rúc trong phố cổ đồng ý dời đi nơi khác thì tiền không đếm được mà phải tính bằng tấn. Thế nên suốt ba bốn mươi năm, dân kêu cứ kêu, khách du lịch cứ chui vào trố mắt chụp ảnh lia lịa như mới được ngược về thời tiền sử, nhưng Hà Nội cũng bó chiếu, không có cách nào để đền bù di dời, chỉnh trang đô thị cho đẹp mắt và an toàn.

Nguyên do cũng chỉ vì luật pháp Việt Nam hiện tại quy định toàn bộ đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy đất đai đã có từ trước "Nhà nước", người dân cũng đã khai hoang, thừa kế hoặc mua bán nhà đất đó từ trước "Nhà nước", nhưng thấp cổ bé họng, họ biết làm cách nào ngoài việc cố sức ôm ghì lấy mảnh đất, ngôi nhà đó trước mọi lực giằng giật?


(Hình AFP: Người đi đường đi qua dãy nhà ở khu phố cổ ở Hà Nội.)

Tại Sao Chưa Thừa Nhận Quyền Sở Hữu Tư Nhân Về Đất Đai?

Lẽ ra khi cần giải tỏa một khu vực dân cư (ngoài các trường hợp vì an ninh quốc gia), chính quyền phải tìm mọi cách để đạt được thỏa thuận với người dân đang cư ngụ tại đó. Nếu cần quy hoạch, xây dựng lại cho khang trang thì sau khi quy hoạch, mảnh đất ấy vẫn phải dành cho những người chủ đang sở hữu (một miếng, một phần) ở đó. Họ phải được tái định cư tại chỗ, có tính toán đến chênh lệch giá trị đất cũ và mới. Hoặc họ phải được tự quyết việc bán đấu giá và chia lại đất hay tiền, tùy họ. Vì, người dân đang sinh sống ổn định và lâu đời ở đó đâu cần một trung tâm thương mại lộng lẫy mọc lên ngay trên đất họ? Cái họ cần là pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản chính đáng ấy, để an tâm sinh sống, hưởng lợi từ vị trí đó, ngôi nhà đó, mảnh đất đó… đến hết đời mình rồi để lại con cháu.

Những lý do nghe rất cao thượng như bảo đảm an toàn cho dân, hay chỉnh trang đô thị, nâng cấp giá trị đất đai… mà Nhà nước đưa ra đều bị phản bội trắng trợn khi chính trên những mảnh đất mà người chủ nghèo vừa bị đuổi đi bằng mọi cách thì người ta xây những ngôi nhà khác bán thật đắt đỏ cho người giàu.

Lý do cần giải tỏa gấp để bảo đảm an toàn cho người dân càng là sự nói dối buồn cười hơn nữa, khi chính quyền sốt ruột thúc giục người dân đi, nhưng tiền bồi thường thì vẫn ì ra không thỏa đáng. Mà mất an toàn thế nào khi người dân vẫn bám lại nơi ở đó suốt nhiều năm nhưng không có tai nạn nào xảy ra?

Nhà đầu tư chỉ nghĩ đến tiền. Nhà nước chỉ nghĩ đến nhiệm vụ được cấp trên giao phải hoàn thành (đây là nói những người trong sáng nhất, mà khéo họ tuyệt chủng hết rồi). Có ai đặt mình vào hoàn cảnh những người dân dù lo sợ và yếu thế nhưng vẫn phải gắng gỏi giữ chặt lấy mảnh đất, ngôi nhà của mình, để lên tiếng đòi pháp luật phải thay đổi theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai?

Quyền sở hữu tư nhân về đất đai là quyền chính đáng của người dân. Đã nhiều năm nay các chuyên gia kiến nghị đưa điều này vào luật.

Nhưng đất đai cũng chính là cái nồi cơm Thạch Sanh bảo đảm no béo nhiều đời cho số ít người đang được hưởng lợi từ việc độc quyền thông tin, quy hoạch và phân phối nó. Bảo họ nhả á? Nhả thì… cạp đất mà ăn à?

Chính vì thế nên cứ hết Củ Chi nọ lại Củ Chi kia nối nhau mọc lên giữa trung tâm các đô thị. Không chỉ Hà Nội hay Sài Gòn mà bất cứ nơi nào đang, đã và sẽ diễn ra những quy hoạch ám muội, giải tỏa mù mờ. Khổ thay, dân khôn rồi, thưa các cụ!


Không Còn Bóng Cây! Mái Che Cho Đường Lê Lợi Có Thể Thế Cây Xanh?


(Hình: Khu trung tâm Sài Gòn.)

-Mới đây, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM đề xuất việc xây dựng mái che cho tuyến đường Lê Lợi (quận 1, Sài Gòn). Mục đích được đại diện sở này nói là để làm đẹp thành phố và che mưa, che nắng cho người dân, khách du lịch.

Báo Người lao động dẫn lời ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1 rằng: "Qua xem xét, thảo luận, quận 1 thống nhất và ủng hộ phương án thiết lập hệ thống mái che là giải pháp tăng cường che nắng che mưa, tạo không gian đi bộ, thương mại-dịch vụ cho trục đường Lê Lợi".

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ Online làm một cuộc thăm dò, kết quả cho thấy, tính đến ngày 27 tháng 3 đã hơn 84% bạn đọc "Không đồng ý" đề xuất làm mái che vỉa hè đường Lê Lợi với lý do mái che sẽ hư hỏng nhanh vì thời tiết và đề nghị trồng cây xanh.

Ông Quang, một Kỹ sư xây dựng ở Sài Gòn, không đồng ý với đề xuất này. Ông giải thích với RFA sáng 28 tháng 3:

"Từ xưa đến nay, ở các đô thị người ta phát triển về cây xanh để bảo vệ môi trường, đồng thời chống được cái nắng. Cho nên một trong những tiêu chí để đánh giá một đô thị là phải xanh, sạch và đẹp. Xanh có nghĩa là diện tích cây xanh bình quân trên đầu người, chứ không ai đánh giá bao nhiêu mét vuông mái che bình quân trên đầu người cả.

Mái che vừa không phù hợp với mỹ quan đô thị, vừa không phù hợp với các quy chuẩn trong xây dựng. Cho nên, nếu chính quyền Tp. HCM làm mái che trên đường phố như vậy thì nó không bảo đảm được cái tiêu chí xanh, sạch và đẹp. Còn nói về mặt chi phí đầu tư xây dựng thì về trước mắt cũng như lâu dài, cây xanh vẫn là giải pháp tối ưu. Do đó, đề xuất làm mái che trên đường Lê Lợi là một xuất ngớ ngẩn".

Trao đổi với truyền thông nhà nước, Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp. HCM cho rằng, thành phố phải tận dụng cơ hội làm nhanh để thu hút khách du lịch. Khi thiết kế mái che thì chắc chắn phải sao cho hài hòa với cảnh quan.

(Hình: Một con đường với cây xanh ở Sài Gòn năm 2020.)

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng, không thể làm mái che cho hài hòa trên con đường Lê Lợi, vì bản chất kiến trúc nhà cửa trên con đường này vốn đã không hài hòa. Ông nói thêm:

"Cái quy hoạch của đường Lê Lợi vốn đã không đồng bộ bởi nó xen kẽ giữa cũ và mới. Bây giờ mà làm mái che lên thì tôi cho rằng nó rất hỗn độn. Nó không đạt được cái tính hài hòa, thẩm mỹ.

Đây là một con đường lớn, quan trọng ở thành phố. Nhưng rất tiếc mấy chục năm qua, vấn đề mái che dưới mắt của các nhà quy hoạch và kiến trúc của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, họ nhìn nó như một công trình phụ. Làm chỉ với mục đích che mưa, che nắng.

Chính vì họ nhìn vấn đề không có văn minh như vậy, cho nên bây giờ làm cái mái che cho đường Lê Lợi thì tôi tin rằng nó không đạt được cái tiện lợi như họ mong muốn, lại càng không đạt được tính nghệ thuật của cái mái che. Mái che sẽ trở thành nhưng mảnh vá, dù là những mảnh cá rất mới".

Ngày 23 tháng 3 năm 2016, Tp. HCM ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mục tiêu để khai triển các dự án giao thông gồm tuyến xe điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son…. Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga xe điện ngầm.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM, hiện trạng tuyến đường Lê Lợi hiện không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Vì vậy, giải pháp trước mắt là phải làm mái che.

Cô Tuyết, nhân viên một công ty ngoại quốc có văn phòng đặt tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1 nói với RFA ý kiến của cô sáng 28 tháng 3:

"Bao nhiêu năm họ chống ngập tốn biết bao nhiêu tiền của dân mà ngập ngày càng nặng. Giờ họ bày ra trò chống nắng. Tôi thấy họ làm chuyện trời ơi không hà. Hồi trước cây xanh khắp nơi mấy ổng chặt hết. Giờ trồng lại hàng cây đó che nắng trước đi. Ai đời chỗ này thì chặt cây, chỗ khác làm mái che tránh nắng.

Thành phố này chỉ đổi tên sau năm 1975 chứ đâu phải nó mới thành lập. Mấy trăm năm qua có chính quyền nào làm mái che cho đường phố Sài Gòn dù cái nắng nóng thì có từ mấy trăm năm nay rồi. Mấy ông làm ơn hỏi ý dân và tôn trọng ý kiến của dân trước khi làm. Đừng có làm ẩu rồi về hưu là xong. Dân tụi tui khổ nhiều lắm rồi".

Nhắc đến câu chuyện chống ngập, từ năm 2001, thành phố đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỉ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.

Tại cuộc họp thường kỳ hôm 31 tháng 3 năm 2021, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã đạt 96% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

Cho đến hôm nay, tình trạng ngập lụt ngày càng nặng không chỉ ở Sài Gòn hay Hà Nội mà các thành phố cao nguyên hay ven biển cũng không thoát cảnh ngập lụt sau mưa.


Lại Tính Chuyện Dựng 'Mái' Để... 'Che'?
(Trân Văn)


(Hình: Trên một đường phố Sài Gòn.)

-Liệu lần này, UBND Tp. HCM có làm... "mái" để "che" cho "sáng kiến" của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM như trước nay, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn làm như thế với đủ loại "sáng kiến" bất kể thường dân xúm vào phân tích thiệt -hơn thế nào?

Tờ Tuổi trẻ vừa công bố kết quả cuộc khảo sát ý kiến độc giả về "sáng kiến" mà Sở Quy hoạch-Kiến ở Tp. HCM vừa đệ trình UBND Tp. HCM: Làm "mái che" cho vỉa hè đường Lê Lợi trên địa bàn quận 1.

Theo kết quả cuộc khảo sát vừa đề cập thì 84,4% không tán thành "sáng kiến" của Sở Quy hoạch-Kiến trúc. Theo họ, "mái che" sẽ sớm hư hỏng do thời tiết. Muốn tạo bóng mát, tốt nhất là trồng thêm cây trên lề của trục đường này.

***
"Sáng kiến" dựng... "mái che" có chiều ngang 4 mét, chạy dọc vỉa hè đường Lê Lợi được giới thiệu hồi cuối tuần trước. Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM cho rằng cần làm điều này vì.... Đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng nhưng cảnh quan và các tiện ích cho hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân cũng như du khách vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, trong khi đây là trục đường có tính chất thương mại, nơi dừng chân của du khách và là cầu nối của các công trình trọng điểm cho nên cần phải nghiên cứu xây dựng trục đường này trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại. Bởi không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên cần đầu tư từ 20 tỉ đến 30 tỉ tăng cường mái che nắng mưa, tạo không gian đi bộ.

Kết quả cuộc khảo sát do tờ Tuổi Trẻ thực hiện đã giúp hình dung dân chúng đánh giá "sáng kiến" dựng "mái che" trên vỉa hè đường Lê Lợi thế nào. Còn các chuyên gia? Họ cũng thế!..

Không có chuyên gia nào tận tình ủng hộ "sáng kiến" dựng "mái che" khi trả lời phỏng vấn của VnExpress. Ông Võ Kim Cương (cựu Phó Kiến trúc sư trưởng Tp. HCM), bà Nguyễn Thị Lan Thi (Giảng viên Đại học Khoa tự nhiên Tp. HCM), khẳng định họ không đồng tình vì "mái che" làm giảm sự thông thoáng, ngoài chi phí đầu tư còn phải chi thêm tiền bảo trì, không an toàn nếu mưa to gió lớn. Mái che vỉa hè thường chỉ được dựng ở những khu vực đã có metro hoặc mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ nhưng đường Lê Lợi chưa hội đủ các yếu tố này. Cách tốt nhất trong việc khôi phục cảnh quan, tạo bóng mát là trồng lại cây. Ông Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Tp. HCM), bà Hoàng Ngọc Lan (Đại học Kiến trúc Tp. HCM), không phủ nhận "sáng kiến" nhưng lưu ý phải đánh giá kỹ hiệu quả giữa chi phí đầu tư và tác dụng. Ông Nguyên nhắc đến chuyện đang... "rất thiếu nhà vệ sinh công cộng" còn bà Lan thì đề cập đến việc phải bảo đảm "yếu tố thẩm mỹ, cảnh quan khu vực".

***

Việc thi công hạ tầng cho tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đã khiến phần lớn vỉa hè dọc trục Lê Lợi... trọc lóc. Khôi phục cảnh quan, bóng mát ở khu vực trung tâm Sài Gòn là chuyện tất nhiên nhưng tại sao Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM không tha thiết với chuyện trồng cây như suy nghĩ của đa số dân chúng và chuyên gia mà lại thích giải pháp tạm thời là dựng... "mái che" – vốn phức tạp và dễ dàng dẫn tới nhiều chuyện phiền toái hơn trong tương lai? Tại sao trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến dân sinh, tư duy của những viên chức hữu trách vẫn khác hẳn với đa số thường dân – đối tượng thụ hưởng phúc lợi?

Liệu lần này, UBND Tp. HCM có làm... "mái" để "che" cho "sáng kiến" của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Tp. HCM như trước nay, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn làm như thế với đủ loại "sáng kiến" bất kể thường dân xúm vào phân tích thiệt – hơn thế nào?


Tòa Án Đồng Nai Tuyên Giữ Nguyên Án Sơ thẩm Đối Với Vợ Chồng Youtuber "Nói Bằng Thực TV"


(Hình: Bà Vũ Thị Kim Hoàng và ông Nguyễn Thái Hưng.)

-Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai trong phiên Phúc thẩm ngày 29/3/2023 tuyên giữ nguyên bản án Sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thái Hưng, chủ kênh YouTube "Nói Bằng Thực TV" và vợ chưa cưới là bà Vũ Thị Kim Hoàng.

Hồi tháng 11 năm 2022, ông Hưng bị Tòa án Nhân dân huyện Tân Phú tuyên án bốn năm tù về tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Bà Hoàng, mặc dù không tham gia vào công việc của chồng nhưng cũng bị tuyên 2 năm 6 tháng tù với cùng tội danh.

Khác với phiên Sơ thẩm không có Luật sư, trong phiên Phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho ông Hưng còn Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh trợ giúp pháp lý cho bà Hoàng. Nhiều nhà hoạt động bị lực lượng an ninh buộc phải rời khu vực xử án khi họ có ý định đến quan sát phiên tòa.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau khi phiên Phúc thẩm kết thúc vào trưa thứ tư, bà Kim Hoàng nói về bản án dành cho chồng:

"Quá bất công. Vì anh Hưng lên tiếng anh ấy nói chỉ là sử dụng quyền tự do ngôn luận và muốn cho xã hội tốt hơn chứ không chống phá Nhà nước. Và Luật sư có bài bào chữa cho anh ấy rất phù hợp vì Việt Nam mình đã ký Công ước quốc tế về nhân quyền".

Bà Hoàng cũng cho biết, bản thân bị kết tội với vai trò người giúp sức chỉ vì chăm sóc cho chồng và cho mượn tài khoản ngân hàng, máy điện toán xách tay cũng như cung cấp chỗ ở.

Bà Vũ Giáng Tiên, chị ruột của bà Hoàng, người cũng có mặt trong phòng xử án, thuật lại phần biện hộ của Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho ông Hưng trong phiên toà:

"Quá trình tranh luận Luật sư nói rất hay. Luật sư đưa ra bằng chứng là những cái đó không đủ bằng chứng buộc tội (ông Hưng), hoặc theo Điều 25 Hiến pháp là được tự do ngôn luận theo Công ước quốc tế.

Nhưng mà Luật sư trình bày là chuyện của Luật sư, còn tòa án quyết định là chuyện của tòa án".

Tương tự, bà Tiên cho biết Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh đã cố gắng bào chữa cho em gái của bà, nói bà Hoàng không có phát ngôn nào trên mạng nhưng hội đồng xét xử vẫn như nguyên quan điểm buộc tội.

Sau phiên tòa, ông Hưng bị đưa trở lại trại tạm giam của Công an Đồng Nai, còn bà Hoàng được phép trở về nhà để chờ quyết định thi hành án.

Ông Hưng, 51 tuổi, bị bắt giữ khi đang có bài nói chuyện trực tuyến trên kênh YouTube "Nói Bằng Thực TV" có khoảng 40.000 người đăng ký. Bà Hoàng, 45 tuổi, cũng bị bắt trong ngày 05/01/2022. Sau gần bốn tháng bị tạm giam, bà Hoàng được tại ngoại.

Ông Hưng bị cho là thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến trên kênh Youtube của mình từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt với nội dung bị cho là "nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế-xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những sự việc nổi bật diễn ra gần đây".

Những sự việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ Cộng sản, pháp luật Việt Nam…. Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.

Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube. Kênh YouTube này đã không còn nội dung nào sau khi hai người bị bắt giữ.

Bà Hoàng cho biết trước và sau phiên xử Sơ thẩm, công an Đồng Nai nhiều lần thuyết phục bà và chồng nhận tội để được giảm án.


Xã Hội Dân Sự: Độc Lập, Đối Tác, Hay Đối Lập Với 'Nhà Nước'?
(Vũ Đức Khanh)

-Nhà cầm quyền Việt Nam nên xem lại các luật lệ về tổ chức hội đoàn, không chỉ trên giấy tờ mà cả việc thực thi luật pháp nữa.

Vũ Đức Khanh (từ Ottawa, Gia Nã Ðại)

Xây dựng đất nước Việt Nam có hiệu quả là tiến trình trong đó xã hội dân sự là một thành phần quan trọng cần được phát triển. Quốc gia không có đặc tính xã hội dân sự là một quốc gia nhà nước hóa, trong đó mọi người dân đều nằm dưới sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước và như vậy, người dân bình thường không có tiếng nói và đóng góp gì trong những vấn đề quan trọng của quốc gia. Trên lý thuyết và trong thực tế, xã hội dân sự phải độc lập với chính quyền và đóng vai trò phản biện trong những chính sách của chính phủ.

Xã Hội Dân Sự Là Gì?

Xã hội dân sự là tất cả những tổ chức độc lập không thuộc guồng máy nhà nước và cũng không thuộc hệ thống doanh nghiệp tư nhân, liên doanh hay quốc doanh, được tổ chức từ những công dân tự nguyện tham gia.

Việc tham gia này hướng về một lãnh vực mà các công dân thành viên cùng chia sẻ, từ văn hóa, chính trị, khoa học cho đến tôn giáo, môi trường hay từ thiện…

Điểm chung của các xã hội dân sự là sự hoạt động độc lập với chính quyền và doanh nghiệp và không vì lợi nhuận.

Tổ chức dân sự có thể nhận được sự đóng góp trực tiếp từ các tổ chức khác, thậm chí từ chính quyền hay doanh nghiệp nhưng mọi đóng góp phải công khai và không ảnh hưởng tới tính độc lập của xã hội dân sự.

Ở Việt Nam, một tổ chức như "Đoàn Thanh niên Cộng sản" thì không phải là xã hội dân sự vì sự lãnh đạo, cán bộ điều hành cho đến kinh phí đều từ guồng máy nhà nước. Ngay cả những hiệp hội văn hóa như Hội Nhà văn Việt Nam cũng không được xem là xã hội dân sự vì sự lệ thuộc của lãnh đạo hội này vào các cơ quan nhà nước, kinh phí và các ưu đãi đều từ các cơ quan của nhà nước, nghĩa là thiếu sự độc lập.

Ngoài yếu tố tham gia tự nguyện và độc lập với nhà nước và doanh nghiệp, các xã hội dân sự thường còn hoạt động trên tinh thần ái hữu giúp đỡ lẫn nhau, lên tiếng vì những điều ảnh hưởng chung cho cả xã hội như muốn có công lý, bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người và hoạt động cùng nhau trong một tổ chức hướng về các thế hệ hiện nay cũng như tương lai.

Theo Viện Brookings của Hoa Kỳ, "xã hội dân sự là một khối xây dựng thiết yếu của sự phát triển và sự gắn kết quốc gia. Ở một đất nước có hòa bình và ổn định, xã hội dân sự lấp đầy khoảng trống mà chính phủ và khu vực tư nhân không thể chạm tới. Ở một quốc gia mong manh và đầy xung đột, nó đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ thường là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp và có thể đặt nền tảng cho sự hòa giải".

Những Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Tại Các Nước Phát Triển

Ta thử điểm qua vài tổ chức xã hội dân sự phổ thông tại Mỹ hay các nước phát triển, qua vài mục đích thành lập tiêu biểu.

- Các hội chuyên gia: Hội Kế toán gia Mỹ, (American Accounting Association), Hội Luật gia Mỹ (American Bar Association), Hội Kỹ sư Cơ khí Mỹ (American Society of Mechanical Engineers), Hội các nhà địa chất gia Mỹ (Geological Society of America), Hội Y Sĩ Gia Nã Ðại (Canadian Medical Association)…

- Các hội từ thiện như: Hội Chữ Thập Đỏ (Red Cross Society), Ngân hàng Thực phẩm (Food bank), CLB Phù Luân Quốc tế (Rotary Club International), Tổ chức Con Đường Chung (United Way), Hội Bác sĩ không biên giới (Médecins sans frontières), vv…

- Các hội giải trí, giáo dục: Hội các viện Bảo tàng Gia Nã Ðại (Canadian Museum Association), Hội Hướng Đạo Mỹ (Boy/Girl Scouts Of America), Hội Dịch vụ Đại học Thế giới Gia Nã Ðại (World University Service of Gia Nã Ðại), vv...

- Các hội với mục đích xã hội, môi trường: Hội Giúp đỡ Trẻ em (Children's Aid Society), Tổ Chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Tổ Chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Hội Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders), vv…

Khi có những vấn đề lớn của quốc gia, guồng máy nhà nước thường quay sang hỏi ý kiến những nhà chuyên môn. Thí dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-2009, Hội Kế toán gia Mỹ và Viện Phân tích gia Tài chánh (Chartered Financial Analyst Institute) được yêu cầu đánh giá và góp ý. Một thí dụ nữa là Quỹ hưu bổng của Mỹ được Hội các nhà Nghiên cứu Rủi ro (Society of Actuaries of America) quan sát, cập nhật và theo dõi kỹ lưỡng. Tương tự như vậy, các chính sách kinh tế, ngoại giao, chính trị cũng được các thành viên của các viện nghiên cứu (như Brookings Institution, Cato Institute, RAND Corporation, vv…) khảo sát và đưa khuyến nghị.

Với các tổ chức từ thiện, thường người dân đóng góp qua các tổ chức xã hội dân sự mà họ tin tưởng hơn là qua các guồng máy nhà nước. Qua các bản báo cáo tài chánh công khai của mỗi xã hội dân sự về từ thiện, người dân có thể đánh giá các tố chức này và quyết định đóng góp như thế nào. Một tổ chức từ thiện lớn như Tổ Chức Con Đường Chung (United Way) được nhiều người đóng góp và tổ chức sẽ chuyển tiền xuống cho các tổ chức xã hội dân sự nhỏ hơn hoạt động. Tất cả qua hệ thống kế toán minh bạch.

Về xã hội, môi trường, các tổ chức xã hội dân sự nhiều khi là đa quốc gia, có tiếng nói chung trên cả hành tinh. Những vi phạm nhân quyền luôn được Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) quan tâm và lên tiếng. Các tổ chức Phóng Viên không Biên giới (Reporters Without Borders), Giáo Viên không biên giới (Teachers Without Borders) luôn có sự đóng góp từ những quốc gia phát triển hướng về các nước đang và chậm phát triển.

Xây Dựng Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều triển vọng. Để có sự đóng góp của toàn dân hữu hiệu cần chú trọng mở rộng xã hội dân sự hơn nữa.

Trước hết, chính quyền cần nới lỏng sự kiểm soát của họ với các tổ chức mà ở các nước khác là xã hội dân sự. Một thí dụ là Hội Nhà văn. Thay vì để "Ban Tuyên Giáo" và các cơ quan khác của đảng và nhà nước thao túng nhân sự lãnh đạo, dùng sự trợ cấp về vật chất như một cách ràng buộc Hội Nhà văn vào sự kiểm soát của mình, họ nên cổ võ Hội như một tổ chức xã hội dân sự thực sự, trong đó thành viên tham gia tự nguyện, độc lập vì yêu thích văn chương. Và tương tự như vậy, các tổ chức như công đoàn, các hội đoàn thanh niên, phụ nữ cũng nên được nới lỏng khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Nếu không những tổ chức này chỉ là những cánh tay nối dài của đảng và nhà nước mà thôi.

Hơn nữa, nhà cầm quyền Việt Nam nên xem lại các luật lệ về tổ chức hội đoàn, không chỉ trên giấy tờ mà cả việc thực thi luật pháp nữa. Công dân có được tự do thành lập tổ chức xã hội dân sự không hay nhà cầm quyền chỉ muốn mọi thứ luôn nằm trong sự kiểm soát và quản lý của họ. Những tổ chức xã hội dân sự với mục đích phản biện các chính sách của nhà nước cần được khuyến khích thay vì trấn áp, tạo một không khí thảo luận lành mạnh để các công dân khác có thể tham gia. Khi nhà nước tự tin, các phản biện của chính sách nhà nước nên được coi là cơ hội để nhà nước bày tỏ trước dân chúng, hơn là coi những tiếng nói khác ý như thù địch.

Những quyền tự do dân quyền liên quan như tự do biểu tình. Cho đến nay gần 48 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa có một luật về biểu tình, vốn là một cách bày tỏ ý kiến, quan điểm về những vấn đề chung quan trọng của đất nước. Mọi cuộc biểu tình ôn hòa không vi phạm pháp luật cần được sự giúp đỡ của nhà cầm quyền thay vì bị đàn áp. Điển hình có thể kể đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông hay các cuộc tuần hành đòi đất của dân oan và vv..., trong những năm gần đây.

Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động độc lập và lớn mạnh sẽ góp phần giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự này sẽ là nguồn cung cấp ý tưởng có thể là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề cần giải quyết. Chỉ có như vậy chúng ta mới mong có một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng.

Không có nhận xét nào: