Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (5) (Võ Công và Các Thế Võ TT) - Đỗ Chiêu Đức

Thần Điêu Hiệp Lữ 神雕侠侣
Đêm xuống trên núi Hoa Sơn...
Sau khi đã ổn định các vị trí và tên gọi cho Võ Lâm Ngũ Bá mới là : Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp và Trung Ngoan Đồng 東邪,西狂,南僧,北俠,中頑童。 Dương Quá 楊過 đưa tay chào mọi người và nói lời từ biệt, đoạn nắm lấy tay của Tiểu Long Nữ 小龍女, sánh vai cùng Thần Điêu đi xuống núi... Lúc đó vầng trăng thu đang vằng vặc trên bầu trời xanh biếc, làn gió thu hiu hắt đang cuốn những chiếc lá vàng rơi xào xạc; đầu cành tiếng quạ oang oát kêu sương ... làm cho cô bé Quách Tương 郭襄 không còn cầm lòng được nữa, nhìn theo bóng Đại ca ca Dương Qúa và Tiểu Long Nữ mà nước mắt cứ đoanh tròng rồi rơi xuống áo... Quả là :
<!>
秋風清,秋月明。 Thu phong thanh, thu nguyệt minh.
落葉聚還散, Lạc diệp tụ hoàn tán,
寒鴉栖復驚。 Hàn nha thê phục kinh.
相思相見知何日 ? Tương tư tương kiến tri hà nhật ?
此時此夜難為情 ! Thử thời thử dạ nan vi tình !
Có nghĩa :
Gió thu mát, Trăng thu sáng.
Lá rụng hợp rồi tan,
Quạ lạnh kêu sương xuống.
Nhớ nhau muốn gặp biết ngày nao ?
Cảnh ấy tình nầy thêm áo não !

Truyện THẦN ĐIÊU HIỆP LỮ được kết thúc bằng tâm tình tương tư buồn thảm của Quách Tương khi vừa chớm biết yêu cũng là khi bắt đầu tuyêt vọng. Những giọt lệ không phải tự dưng mà rơi xuống, nếu không có lần gặp gỡ ở bến đò Phong Lăng, nếu không có yêu cầu gở mặt nạ để thấy được dung nhan của Thần Điêu Đại Hiệp và nếu không có những món qùa sinh nhật rực sáng một cách bất ngờ, thì trái tim ngây thơ trong sáng của cô gái mười sáu tuổi đâu có bị rung động để giờ đây phải khóc hận trước cảnh "Thu phong thanh, thu nguyệt minh..." này.
Đại hiệp Kim Dung 金庸 đã rất xuất sắc khi dùng bài thơ "Thu Phong Từ 秋風詞" của Thi tiên Lý Bạch 李白 nêu trên để kết thúc cho câu chuyện TÌNH, HIỆP một cách nên thơ hòa lẫn trong một chút tình buồn mơ màng man mác...
Rồi sau mười mấy năm đi khắp giang nam giang bắc đều không tìm lại được một lần gặp mặt với Đại Ca Ca Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá; Quách Tương đã lên núi Nga Mi xuất gia làm đạo cô và lập nên Phái Nga My. Người đệ tử đời thứ hai của phái Nga My được Quách Tương đặt cho ngoại hiệu là PHONH LĂNG SƯ THÁI 風陵師太 chắc là để nhớ đến bến đò Phong Lăng, nơi mà lần đâu tiên đã nghe kể về những sự tích anh hùng của Thần Điêu Đại Hiệp. Sáng chế ra kiếm chiêu Hắc Chiểu Linh Hồ 黑沼靈狐 và Phiêu Tuyết Xuyên Vân Chưởng 飄雪穿雲掌 để kỷ niệm lúc theo chân Đại Ca Ca Dương Quá đi bắt linh hồ trong ao bùn khi ngoài trời đang đổ cơn tuyết lớn. Sau nầy, trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, chưởng môn đời thứ ba là Diệt Tuyệt Sư Thái, lúc Lục Đại Môn Phái vây đánh Quang Minh Đỉnhcủa Minh Giáo, bà ta đã dùng Phiêu Tuyết Xuyên Vân Chưởng 飄雪穿雲掌 nầy đánh Trương Vô Kỵ ba chưởng.
Mặc dù đã xuất gia đi tu, tức là đã ngộ đạo rồi, nhưng trong lòng Tổ sư Quách Tương vẫn còn một chút "Phiêu Tuyết Xuyên Vân" là tuyết bay phơi phới xuyên qua mây, tức là vẫn còn một chút vướng mắc, nuối tiếc nào đó của cái thời mười sáu tuổi, khi con tim mới biết rung động thuở đầu đời !


Quách Tương với Thu phong thanh, thu ngyệt minh...
Trong bài thơ "Tả Thuyên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左遷至藍關示侄孫湘" của Hàn Dũ 韓愈 đời Đường có 2 câu luận rất nổi tiếng là :

雲橫秦嶺家何在, Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại ?
雪擁藍關馬不前。 Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Có nghĩa :
Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá ?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó đi !

Mây vắt ngang Tần Lĩnh, gọi tắt là "Mây Tần", như lòng của cô Kiều nhớ nhà sau mười mấy năm lưu lạc :

Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn Mây Tần xa xa !

Kim Dung đã dùng 2 câu nầy để đặt tên cho hai chiêu thức trong truyện võ hiệp của ông.
Chiêu thứ nhất là "VÂN HOÀNH TẦN LĨNH 雲橫秦嶺" trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ, Hồi thứ 10. Khi...
Dương Quá nói với Hoàng Nhan Bình :"Trong vòng ba chiêu, ta sẽ đoạt lấy cây đao trong tay cô ". Mặc dù rất phục tài của Dương Quá, nhưng Hoàng Nhan Bình không tin là trong vòng ba chiêu có thể đoạt mất đao của mình, bèn nắm chặc cán đao, cười rằng :"Cứ thử xem!" Nàng phóng đao sử dụng chiêu "VÂN HOÀNH TẦN LĨNH" nhắm đầu của Dương Quá chém tới...

Chiêu thứ hai là "TUYẾT ỦNG LAM QUAN 雪擁藍關" trong truyện Thiên Long Bát Bộ, hồi thứ 13. Khi...
Chữ Bảo Côn đánh với Tư Mã Lâm, Vương Ngữ Yên bèn chỉ điểm rằng :"Ngươi hãy sử dụng chiêu 'Hàn Tương Tử Tuyết Ủng Lam Quan', rồi hãy sử chiêu'Khúc Kính Thông U 曲径通幽'. Có nghĩa là trước sử dụng võ công của phái Bồng Lai, sau đó sử dụng võ công của phái Thanh Thành". Chữ Bảo Côn không kịp suy nghĩ, cứ thế làm theo...

Ngoài "Tuyết Ủng Lam Quan" ra, Vương Ngữ Yên còn nhắc tới "KHÚC KÍNH THÔNG U 曲径通幽" cũng là một câu thơ Đường nổi tiếng của Thường Kiến 常建 trong bài "Đề Phá Sơn Tự Hậu Thiền Viện 题破山寺后禅院 là :

清晨入古寺, Thanh thần nhập cổ tự,
初日照高林。 Sơ nhật chiếu cao lâm.
曲径通幽处, Khúc kính thông u xứ,
禅房花木深。 Thiền phòng hoa mộc thâm...
Có nghĩa :
Sáng sớm vào chùa cổ,
Nắng mai chiếu rừng già.
Đường vắng quanh co lối,
Thiền phòng rậm cỏ hoa...



Mọi người đều biết LÝ BẠCH 李白 là THI TIÊN 詩仙, là ông tiên trong rượu, như lời thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ 詩聖杜甫 đã viết về ông như sau :

李白一斗詩百篇, Lý Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
長安市上酒家眠。 Trường An thị thượng tửu gia miên.
天子呼來不上船, Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
自稱臣是酒中仙。 Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
Có nghĩa :
Lý Bạch rượu vào trăm thơ ra,
Trường An quán rượu ngủ như nhà.
Vua đòi cũng mặc thuyền không xuống,
Xưng "Tiên Trong Rượu" chính là ta !


Nhưng...
Ít ai biết LÝ BẠCH còn được người đời sau xưng tụng là THI HIỆP 詩俠, là Thi sĩ có lòng hiệp nghĩa trong thơ. Bản thân Lý cũng là một kiếm khách có lòng hiệp nghĩa, hay cứu khổn phò nguy... Khi đi ngang qua đất Yên, Triệu là nơi có nhiều hiệp khách ngày xưa, Lý đã cảm khái mà viết nên bài thơ cổ phong trường thiên HIỆP KHÁCH HÀNH 俠客行, mà sau nầy đã làm nguồn cảm hứng cho đại tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung 金庸 viết nên tác phẩm võ hiệp nổi tiếng cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH, và Bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH trở thành một pho võ công bí kíp thượng thừa trong hang động trên Đảo Hiệp Khách.

Dưới đây là bài thơ nổi tiếng Hiệp Khách Hành của Lý Bạch.

俠客行 HIỆP KHÁCH HÀNH

趙客縵胡纓, Triệu khách mạn Hồ anh.
吳鉤霜雪明。 Ngô câu sương tuyết minh.
銀鞍照白馬, Ngân yên chiếu bạch mã,
颯沓如流星。 Táp đạp như lưu tinh.

十步殺一人, Thập bộ sát nhất nhân,
千里不留行。 Thiên lý bất lưu hành.
事了拂衣去, Sự liễu phất y khứ,
深藏身與名。 Thâm tàng thân dữ danh.

閒過信陵飲, Nhàn quá Tín lăng ẩm,
脫劍膝前橫。 Thoát kiếm tất tiền hoành.
將炙啖朱亥, Tương chích đạm Chu Hợi,
持觴勸侯嬴。 Trì trường khuyến Hầu Doanh.

三杯吐然諾, Tam bôi thổ nhiên nặc,
五嶽倒爲輕。 Ngũ Nhạc đão vi khinh.
眼花耳熱後, Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
意氣素霓生。 Ý khí tố nghê sinh.

救趙揮金槌, Cứu Triệu huy kim chùy,
邯鄲先震驚。 Hàm Đan tiên chấn kinh.
千秋二壯士, Thiên thu nhị tráng sĩ,
烜赫大梁城。 Huyên hách Đại Lương thành.

縱死俠骨香, Túng tử hiệp cốt hương,
不慚世上英。 Bất tàm thế thượng anh.
誰能書閣下, Thùy năng thư các hạ,
白首太玄經。 Bạch thủ Thái Huyền Kinh.


Thi Hiệp LÝ BẠCH

* Chú Thích :
- Hiệp Khách Hành 侠客行 : HÀNH 行 là một thể loại văn học xưa, có vần điệu là một thể thơ trường thiên trong Nhạc phủ, có thể phổ nhạc và hát được.
- Triệu Khách 趙客 : Chỉ các hiệp khách đất Yên Triệu ngày xưa.
- Mạn Hồ Anh 縵胡纓 : MẠN là không có hoa văn. HỒ là xứ Hồ. ANH là Dây cột mão đội trên đầu cho chắc. Nên MẠN HỒ ANH là chỉ chung loại mão (nón) dùng để chụp cái búi tóc trên đầu của các hiệp sĩ, có hai sợi dây thòng xuống hai bên để buộc vào dưới cằm cho chắc.


Mạn Hồ Anh của Hiệp Khách

- Ngô Câu 吳鉤 : Tên một loại bảo đao xưa.
- Sương Tuyết Minh 霜雪明 : Chỉ vũ khí sắc bén sáng loáng và lạnh lùng như sương tuyết.
- Táp Đạp 颯沓 : Hình dung từ chỉ ngựa phi dồn dập.
- Hai câu "Thập bộ sát nhất nhân, Thiên lý bất lưu hành 十步殺一人,千里不留行 : Có xuất xứ từ chương Thuyết Kiếm trong sách Trang Tử 莊子說劍, chỉ sự sắc bén của thanh kiếm và sự dũng mãnh của người hiệp khách : Trong vòng mười bước sẽ giết chết một người và ngoài ngàn dặm không chừa ai cả.
- Tín Lăng 信陵 : là Tín Lăng Quân 信陵君, tức Ngụy Vô Kỵ, hợp cùng với Mạnh Thường Quân, Xuân Thân Quân và Bình Nguyên Quân thành TỨ CÔNG TỬ thời Chiến Quốc, chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách, trong số đó có rất nhiều hiệp khách giang hồ.
- Chu Hợi, Hầu Doanh 朱亥、侯嬴 : đều là những hiệp khách thời Chiến quốc, và đều là môn khách của Tín Lăng Quân.
- Hai câu "Tam bôi thổ nhiên nặc, Ngũ nhạc đão vi khinh 三杯吐然諾,五嶽倒爲輕" Có nghĩa : Chỉ cần có ba ly rượu vào bụng là sẽ có lời hứa hẹn, và đã hứa hẹn thì sẽ xem lời hứa còn nặng hơn là núi Ngũ Nhạc nữa.(Nói thêm, Ngũ Nhạc gồm có Đông Nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn 东岳山東的泰山、西岳陝西的华山、中岳河南的嵩山、北岳山西的恒山、南岳湖南的衡山).
- Tố Nghê 素霓 : TỐ là Màu Trắng, NGHÊ là Mây màu buổi sáng hoặc buổi chiều; nên TỐ NGHÊ còn gọi là BẠCH HỒNG 白虹 là Cầu vòng màu trắng quanh mặt trời, chỉ những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt khi có những sự kiện đặc biệt trong đời sống; trong bài thơ chỉ những sự việc khác người, kinh thiên động địa mà người hiệp sĩ hứa sẽ làm.
- Hai Câu "Cứu Triệu huy kim Chùy, Hàm Đan tiên chấn kinh 救趙揮金槌,邯鄲先震驚" là nhắc lại tích Tín Lăng Quân cứu Triệu : Quân Tần công phá Hàm Đan là kinh đô của nước Triệu. Bình Nguyên Quân của Triệu cầu cứu với Tín Lăng Quân của Ngụy. Tín Lăng Quân theo kế của Hầu Doanh, trộm được binh phù của Ngụy Vương, Chu Hợi lại dùng chùy giết tướng Ngụy là Tấn Bỉ, rồi tự cầm quân đi cứu Triệu và đã giải vây được cho thành Hàm Đan.


Chùy giết Tấn Bỉ Cướp Phù Cứu Triệu

- Huyên Hách 烜赫 : HUYÊN là Rực rỡ, HÁCH là Hiển Hách, chỉ sự việc hoặc chiến công rực rỡ hiển hách.
- Đại Lương Thành 大梁城 :Thành Đại Lương là kinh đô của nước Ngụy, thuộc huyên Khai Phong tỉnh Hà Nam hiện nay.
- Thái Huyền Kinh 太玄經 : là quyển kinh sách triết học của nhà tư tưởng Dương Hùng đời Tây Hán, ông từng giữ chức Hiệu San trong Tàng Thư Thiên Lộc Các của nhà vua. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Thái Huyền Kinh là một pho bí kíp võ công thượng thừa.

* Nghĩa Bài Thơ :
HIỆP KHÁCH HÀNH
Hiệp khách nước Triệu chỉ đội mão Hồ anh giản dị, nhưng bảo đao bảo kiếm đeo bên mình lại sáng lắp lánh như sương tuyết. Trên lưng bạch mã với yên cương bằng bạc băng lướt dặm trường chớp giật như gió cuốn sao sa..Trong vòng mười bước đã giết chết một mạng người, dù cho ngoài quan ải ngàn dặm cũng chẳng để thoát bao giờ. Khi việc nghĩa đã làm xong thì dứt áo ra đi, không màng tất cả mà ẩn tích mai danh. Khi nhàn rỗi thì tạt qua nhà Tín Lăng Quân uống vài chung rượu, cởi kiếm ra gát ngang trước gối. Cùng bốc thịt ăn với Chu Hợi và cùng nâng chén rượu nốc cạn với Hầu Doanh. Chỉ cần có ba chung rượu vào bụng là sẽ có những lời hứa hẹn nặng hơn cả dãy núi Ngũ Nhạc. Sau khi rượu đã ngà say, mặt đã đỏ tai đã nóng mắt đã long lên sòng sọc, thì cái hào khí bốc cao có thể nuốt cả sao Đẩu sao Ngưu, như Hầu Doanh và Chu Hợi đã hưu chùy giết chết đại tướng của Ngụy cướp binh phù đi cứu Triệu, thanh danh hiễn hách làm chấn động cả thành Hàm Đan. Tên tuổi của hai tráng sĩ ấy ngàn thu sau vẫn còn vang vội ở thành Đại Lương. Là một hiệp sĩ dù cho có chết thì cái khí cốt của hiệp khách vẫn còn lưu lại tiếng thơm đến ngàn sau và không hỗ danh của một anh hùng hào kiệt. Đã mang cái hào khí của hiệp khách thì không ai có thể vùi đầu suốt đời trên gác sách, cho đến đầu bạc như Dương Hùng đời Hán vẫn còn miệt mài mà viết quyển Thái Huyền Kinh.


Lý Bạch là một Thi Tiên, là một người học rộng biết nhiều, như "Lý Trích Tiên túy thảo Hách Man Thư 李謫仙醉草嚇蠻書" làm khiếp đãm các Phiên Vương. Nhưng khi mười lăm tuổi ông cũng đã học kiếm thuật, nên cũng tôn trọng tính cách của những hiệp khách giang hồ, với lòng hiệp nghĩa cứu khổn phò nguy mà không cần phải nhai văn nhá chữ như những con mọt sách chỉ toàn nói những lời sáo ngữ đẹp đẽ mà không thực tế với cuộc sống trước mắt. Nhà văn Kim Dung cũng nhằm vào quan điểm thực tế nầy mà viết nên tác phẩm võ hiệp cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH. Không cần phải được giáo dục theo lối hủ Nho bằng Tứ thư Ngũ kinh như Thạch Trung Ngọc 石中玉 mà gian dối xảo biện, làm những chuyện trái luân thường đạo lý, thà dốt như Cẩu Tạp Chủng 狗雜種 Thạch Phá Thiên 石破天 mà chân thật, nhân hậu trượng nghĩa, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với những thế lực đen tối để cứu khổn phò nguy, chỉ bằng vào hình tượng của những con nòng nọc cũng luyên nên được cái thế thần công mà không cần biết đến nghĩa lý của các chữ khoa đẩu đã nói gì. Đoạn kết của truyện Hiệp Khách Hành cũng là câu kết của bài thơ của Lý Bạch : Thà ăn thô uống bạo như những hiệp khách hiệp nghĩa chớ không thèm như nhà tư tưởng đời Tây Hán là Dương Hùng đến già đầu vẫn còn miệt mài chưa viết xong được quyển Thái Huyền Kinh !

Toàn bài thơ "Hiệp Khách Hành" 24 câu là một pho võ công thượng thừa tổng hợp : Câu thứ 5 "Thập bộ sát nhất nhân", câu thứ 10 "Thoát kiếm tất tiền hoành", câu thứ 17 "Cứu Triệu huy kim chùy"; Mỗi câu là một bộ kiếm pháp. Câu thứ 6 "Thiên lý bất lưu hành", câu thứ 7 "Sự liễu phất y khứ", câu thứ 8 "Thâm tàng thân dữ danh"; Mỗi câu là một thế khinh công. Câu thứ 9 "nhàn qúa Tín Lăng ẩm", câu thứ 14 "Ngũ Nhạc đảo vi khinh", câu thứ 16 "Túng tử hiệp cốt hương"; Mỗi câu là một bộ quyền pháp chưởng pháp. Câu 13 "Tam bôi thổ ngôn nặc", câu 18 "Ý khí tố nghê sanh", câu 20 "Huyên hách Đại Lương thành"; Mỗi câu là một phép hô hấp để luyện nội công.

* Diễn Nôm :
HIỆP KHÁCH HÀNH


Giải mũ Hồ phất phơ Triệu khách,
Gươm sáng choang đao sạch tợ sương.
Ngân yên bạch mã lên đường,
Thế như điện chớp nhanh dường sao sa !

Trong mười bước gian tà đều chết,
Ngàn dặm đường giết hết chẳng tha.
Xong xuôi dứt áo đi xa,
Chẳng màng danh lợi lọ là họ tên !

Khi rảnh rổi cùng lên Tín phủ,
Gát ngang gươm chén rượu khề khà.
Ba chung hơi rượu ngà ngà,
Nhẹ xem Ngũ Nhạc như là cỏ cây !

Cùng Chu Hợi bạn bầy nhai thịt,
Với Hầu Doanh chuốt chén nâng ly.
Cướp phù cứu Triệu hưu chùy,
Hàm Đan giải thoát người thì reo vui !

Ngàn thu vẫn bùi ngùi nhị khách,
Đại Lương thành hiển hách uy danh.
Nắm xương hiệp nghĩa rành rành,
Anh hùng chẳng thẹn, lưu danh muôn đời !

Chẳng như ai vùi đầu gác vắng,
Thái Huyền Kinh bạc trắng mái đầu.
Tàn đời có được gì đâu !!!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


HIỆP KHÁCH HÀNH là bài thơ Ngũ ngôn cổ phong của Thi Tiên Lý Bạch, THÁI HUYỀN KINH là quyển kinh thư về Huyền học của nhà tư tưởng Dương Hùng đời Tây Hán, cả hai đã được KIM DUNG hư cấu để trở thành bí kíp võ công thượng thừa, nhưng mĩa mai thay những người càng biết chữ nhiều lại càng chìm đắm trong suy viễn cao siêu huyễn hoặc đến mê mẫn không có lối
thoát... Cuối cùng để cho một Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên dốt nát không biết được chữ nhất lĩnh hội qua những nét bút như những lưỡi gươm đâm ngang xẻ dọc và lối chữ khoa đẩu của Thái Huyền Kinh như là những con nòng nọc quẫy đuôi đả thông kinh mạch và luyện nên thần công tuyệt thế !
Cái thâm ý sâu sắc của Kim Dung quả là một triết lý đáng cho ta suy gẫm !

Hẹn bài viết tới !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét