Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Nóng Như Trên Chảo Lửa: Ông Trump Ra Tòa Hôm Nay! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Hôm qua, Ông Trump đã bay tới New York, để hôm nay, trình diện trước tòa! trong bối cảnh an ninh thắt chặt chưa từng thấy! -Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bay từ Florida đến Thành phố New York hôm qua, 3/4, trước phiên tòa theo lịch trình của ông liên quan đến khoản tiền được cho là nhằm bịt miệng trả cho một ngôi sao khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016, khi an ninh được thắt chặt khắp nơi ở Manhattan, theo Reuters. Ông Trump, cựu tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đối mặt với cáo buộc hình sự, sẽ bị buộc tội, lấy dấu vân tay và chụp ảnh tại tòa án trung tâm Manhattan vào hôm nay, ngày 4/4. Các luật sư của ông nói rằng ông ấy sẽ không nhận tội.
<!>
Các cáo buộc cụ thể trong bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn chưa được tiết lộ; phiên tòa thông báo tội trạng ngày hôm nay, 4/4 đánh dấu lần đầu tiên ông Trump xuất hiện trước tòa và trước một thẩm phán trong vụ án.

Doanh nhân trở thành chính trị gia Đảng Cộng hòa đã bay từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida vào trưa ngày hôm qua, 3/4, sau đó đến New York trong ngày và nghỉ qua đêm tại tòa Tháp Trump ở Manhattan trước khi đến tòa án vào sáng hôm nay, ngày 4/4, một cố vấn cho biết.

Một quan chức tòa án cho biết phiên tòa thông báo tội trạng này được lên kế hoạch vào lúc 2:15 chiều ngày 4/4. Ông Trump sau đó sẽ trở lại Florida và phát biểu tại Mar-a-Lago lúc 8:15 giờ tối, văn phòng của ông cho biết.

Cảnh sát New York trong những ngày cuối tuần đã bắt đầu dựng rào chắn dọc theo mép vỉa hè xung quanh Tháp Trump và tòa nhà Tòa án Hình sự Manhattan ở trung tâm thành phố, đồng thời một số phòng xử án khác sẽ được giải tỏa.

Các cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra tại các địa điểm đó và cảnh sát tuyên bố sẽ chuẩn bị sẵn sàng. “Các sĩ quan an ninh đã được đặt trong tình trạng báo động và sở vẫn sẵn sàng ứng phó khi cần thiết và sẽ đảm bảo mọi người có thể thực hiện các quyền của mình một cách hòa bình”, Sở Cảnh sát New York cho biết trong một tuyên bố.

Trước khi thông báo truy tố, đại bồi thẩm đoàn đã nghe bằng chứng về khoản thanh toán 130.000 đôla cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Bà Daniels cho biết bà được trả tiền để giữ im lặng về cuộc gặp gỡ ân ái giữa bà và ông Trump tại một khách sạn ở thành phố Lake Tahoe vào năm 2006. Ông Trump phủ nhận chuyện này.

Ông Trump, 76 tuổi, giữ chức tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021 và vào tháng 11/2022 ra tuyên bố giành lại chức vụ tổng thống vào năm 2024, nhằm mục đích từ chối Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nhiệm kỳ thứ hai.

Thông tin về bản cáo trạng, phát sinh từ cuộc điều tra do công bố viên quận thuộc đảng Dân chủ của Manhattan, Alvin Bragg, công bố vào ngày 30/3. Ông Trump tự nhận mình vô tội và ông và các đồng minh của mình đã mô tả các cáo buộc là có động cơ chính trị.

Joe Tacopina, một luật sư của Trump, cho biết vào Chủ nhật (2/4), ông hy vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết xung quanh vụ buộc tội sẽ được giải quyết vào thứ Hai (3/4) và lưu ý rằng Cơ quan Mật vụ, cơ quan bảo vệ các cựu tổng thống, cũng có vai trò vào thứ Ba (4/4).

Ông Tacopina nói thêm rằng các luật sư của ông Trump sẽ “mổ xẻ” bản cáo trạng sau khi nó được công khai và sẽ xem xét “mọi vấn đề tiềm ẩn” để thách thức, đồng thời nói thêm rằng ông ấy dự đoán một lúc nào đó sẽ đưa ra kiến nghị bác bỏ các cáo buộc.

“Thành thật mà nói, tôi không biết chuyện này sẽ diễn ra như thế nào - hy vọng là suôn sẻ nhất có thể - và sau đó chúng tôi bắt đầu cuộc chiến để sửa sai”, ông Tacopina nói với chương trình “State of the Union” của đài CNN, khi nói về vụ buộc tội.

Ông Trump dự kiến sẽ xuất hiện trước Thẩm phán Juan Merchan, thẩm phán cũng là người chủ trì phiên tòa hình sự năm ngoái, trong đó công ty bất động sản của ông Trump bị kết tội gian lận thuế. Bản thân Trump không bị buộc tội trong trường hợp đó.

Một quan chức tòa án cho biết hôm Chủ nhật (2/4) rằng thẩm phán đã yêu cầu cả hai bên đệ trình quan điểm của họ về việc có nên cho phép máy ảnh và video trong phòng xử án hay không và sẽ quyết định về vấn đề này vào ngày 3/4.


Trước giờ trình diện, ông Trump nổi giận, đòi "truy tố" công tố viên Alvin Bragg!

*Không chỉ yêu cầu công tố viên Alvin Bragg phải bị "truy tố", ông Trump còn muốn ông Bragg phải "từ chức!".


(Ảnh: Ông Trump xuất hiện tại New York trước khi trình diện tại tòa vào ngày 4/4.)

-Một phóng viên của Yahoo News cho biết đã nhận được thông báo về cáo trạng liên quan tới ông Trump, trong đó nói rằng cựu Tổng thống Mỹ bị cáo buộc 34 tội. Phóng viên này cũng mô tả khá chi tiết các cáo buộc - dự kiến được công bố vào ngày hôm nay, 4/4.

Cựu Tổng thống Mỹ vô cùng tức giận khi biết thông tin này và nói rằng công tố viên Alvin Bragg - người đứng sau cuộc điều tra về ông Trump - phải bị truy tố vì "làm rò rỉ thông tin bản cáo trạng".

"Công tố viên Bragg đã làm rò rỉ các thông tin về bản cáo trạng liên quan đến tôi. Tôi biết phóng viên đã nhận được các thông tin rò rỉ đó và anh ta cũng biết tôi", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social đêm hôm qua, 3/4.

"Điều này có nghĩa là Bragg phải bị truy tố ngay lập tức. Nếu không muốn làm hoen ố thanh danh của một công tố viên, ông ta hãy tự truy tố. Điều đó sẽ khiến Bragg đi vào lịch sử tư pháp Mỹ và khiến vợ ông ta tự hào", cựu Tổng thống Mỹ viết.

Ông Trump tiếp tục công kích công tố viên Bragg và yêu cầu ông này từ chức.

"Ông ta làm rò rỉ cáo trạng và gây ra một mớ hỗn độn. Bragg nên từ chức ngay lập tức", ông Trump viết.

Bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump được đưa ra trước khi cựu Tổng thống Mỹ ra trình diện tại tòa vào ngày 4/4 liên quan đến cáo buộc ông chi tiền “bịt miệng” ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels, để cô này không tiết lộ về quan hệ tình ái của 2 người, trong thời điểm tranh cử tổng thống năm 2016.

Cựu Tổng thống Mỹ bác bỏ cáo buộc này và cho rằng việc ông bị truy tố là "có mục đích chính trị" khi ông Trump đang chuẩn bị cho hoạt động tái tranh cử.


Thống kê vào giây phút cuối cùng: Tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn tăng mạnh, bất chấp bị truy tố!

-Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nới rộng khoảng cách, dẫn trước các ứng viên đối thủ của đảng Cộng hòa trong cuộc vận động tranh cử tổng thống.


(Ảnh: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump)

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm qua, ngày 3/4, khoảng 48% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa nói rằng, họ muốn Trump trở thành ứng cử viên tổng thống đại diện đảng ra tranh cử vào năm 2024. Con số này tăng từ mức 44% trong cuộc thăm dò ngày 14-20/3.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ứng viên đối thủ của ông Trump, Thống đốc Florida Ron DeSantis, giảm từ mức 30% tháng trước, xuống 19%. Các đối thủ khác được thăm dò chỉ có mức ủng hộ một con số. Những tuần gần đây, ông DeSantis hứng nhiều chỉ trích sau tuyên bố hôm 13/3 rằng, việc lún sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine và Nga không phải là lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ

Cuộc thăm dò trực tuyến được tiến hành từ ngày 31/3 đến ngày hôm qua, 3/4, sau khi có thông tin bồi thẩm đoàn tòa án Manhattan quyết định truy tố ông Trump và ông sẽ ra trình diện vào ngày hôm nay, 4/4 vì các cáo buộc hình sự liên quan đến khoản tiền bịt miệng 130.000 USD trả cho một ngôi sao khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải đối mặt với cáo trạng hình sự!

Bất chấp rắc rối pháp lý bủa vây tới tấp, ông Trump vẫn thu về lượng lớn tiền ủng hộ tái tranh cử. Trong vòng 3 ngày, kể từ khi xuất hiện tin tức chính thức bị truy tố, chiến dịch vận động tranh cử của ông nhận được số tiền kỷ lục, hơn 7 triệu Đô La tiền quyên góp!


Phản ứng Cử tri gốc Việt: ông Donald Trump bị truy tố là đúng hay oan?

(VOA Tiếng Việt)


-Ông Donald Trump trên đường tới New York để chuẩn bị trình diện trước tòa

Trong khi người ủng hộ bất bình việc ông Donald Trump bị truy tố và cho rằng nó mang tính chính trị thì cũng có nhiều người nói pháp luật phải nghiêm minh và ông Trump phải chịu trách nhiệm về những điều sai trái ông đã làm, theo tìm hiểu của VOA trong cộng đồng gốc Việt.

Ông Donald Trump hôm 30/3 đã bị chánh biện lý Manhattan, ông Alvin Bragg, tống đạt quyết định truy tố của đại bồi thẩm đoàn về việc ông đã trả 130.000 đô la cho một người mẫu khiêu dâm để giữ bí mật về mối quan hệ với ông trong giai đoạn ông ra tranh cử tổng thống hồi năm 2016.

Việc này đã gây chấn động trong xã hội Mỹ vì ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt cáo trạng hình sự với các cử tri có ý kiến trái ngược nhau theo quan điểm đảng phái, trong đó có cử tri gốc Việt.

Tư pháp thiên lệch?

Ông Vũ Hoàng Hải, một nhà đấu tranh dân chủ trong nước hiện đã trở thành công dân Mỹ ở bang California, nói với VOA rằng ông ‘ngỡ ngàng’ khi nghe tin ông Trump bị truy tố.

Đối với ông, cáo trạng này đối với ông Trump vào lúc ông Trump đang bắt đầu cuộc đua sơ bộ trong nội bộ Đảng Cộng hòa là ‘có mưu đồ chính trị’ và tệ hơn nữa, nó ‘thể hiện một nền tư pháp thiên kiến’.

“Có cái gì đó không được minh bạch cho lắm,” ông Hải, người ủng hộ nhiệt thành ông Trump từ năm 2016, nói. “Nếu pháp luật công minh thì sao không xử bà Hilary Clinton, Hunter Biden (con trai Tổng thống Joe Biden) và gia đình Biden mặc dù có tội chứng rõ ràng?”

Ông Hải chỉ trích Chánh biện lý Alvin Bragg ‘không nhắm vào nạn tội phạm ở New York mà cứ chĩa mũi dùi vào ông Trump’.

“Vụ này (trả tiền bịt miệng) trước đây Bộ Tư pháp đã bỏ qua rồi mà sao nay ông Alvin Bragg lại lật lại?” ông đặt vấn đề với ý nghi ngờ chánh biện lý ở New York có động cơ không trong sáng.

Ông Hải nói tội ‘trả tiền bịt miệng’ của ông Trump ‘chưa rõ ràng’. “Ông Trump nói ông không làm điều đó. Trong khi ông Michael Cohen (luật sự cũ của Trump, người ra khai chứng trước đại bồi thẩm đoàn về việc này) đã nói dối Quốc hội nhiều lần rồi thì làm sao tin lời khai của ông ta được?” ông lập luận.

Theo lời ông việc ‘trả tiền bịt miệng’ là ‘việc rất nhỏ’ mà sao ‘phe Dân chủ phải cố tình làm hoen ố hình ảnh một cựu tổng thống?’

Ông nói vụ việc đưa được ra vào lúc này ‘có dấu hiệu can thiệp vào bầu cử’ và lên án cơ quan tư pháp Mỹ trong vụ này ‘không công bằng, có thành kiến với Trump’ và thậm chí, theo lời ông, ‘thể hiện sự chuyên chế, độc tài như ở chế độ cộng sản vì truy tố có chọn lọc’.

Ông đồng ý rằng không có ai đứng trên pháp luật và ông Trump sẽ phải chứng minh sự trong sạch của mình ở tòa nhưng ‘không phải vào lúc này’.

“Việc ông ấy xuất hiện như tội phạm, phải chụp hình, lấy dấu vân tay sẽ tạo hình ảnh không tốt cho ông Trump trong giai đoạn tranh cử. Giả sử ông ấy đắc cử tổng thống thì khi ông ấy đi công du nước ngoài thì nó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh nước Mỹ,” nhà hoạt động dân chủ lưu vong này nói.

Ủng hộ viên trung thành này của ông Trump nói ngay cả khi ông Trump bị kết án thì ông vẫn ủng hộ ông Trump ra tranh cử và vẫn sẽ bầu cho ông Trump làm tổng thống.

“Quan trọng là năng lực. Tôi tin ông Trump là người có năng lực vì trong bốn năm cầm quyền của ông ấy không xảy ra chiến tranh, không có lạm phát tăng cao,” ông nêu lý do vẫn ủng hộ ông Trump.

“Chỉ có ông Trump mới làm cho Trung Cộng suy yếu. Mà Trung Cộng suy yếu thì Việt Nam sẽ suy yếu và chuyển sang dân chủ hóa nhiều hơn,” ông nói thêm.

‘Sai phải chịu phạt’

Tuy nhiên, ông Long Tran, một chủ doanh nghiệp ở Atlanta, bang Georgia, lại có ý kiến khác hoàn toàn với ông Vũ Hoàng Hải.

Theo lời ông thì việc truy tố Trump là ‘tiến trình pháp lý bình thường ở Mỹ’ vì ông Trump ‘đã làm điều phi pháp thì ông ta phải chịu trách nhiệm’. Điều khiến ông quan ngại là có những người ‘thiếu hiểu biết’, trong đó có đông đảo cử tri gốc Việt, đã ‘tấn công vào hệ thống pháp luật của đất nước’.

“Tư pháp vững mạnh là một trong những nền tảng cốt lõi của nước Mỹ khiến Mỹ khác với các nước độc tài,” ông Long nói và cho rằng quá trình truy tố Trump ‘đã được thực hiện tuần tự kỹ lưỡng từ lâu, từ trước khi Alvin Bragg nhậm chức, và trải qua đầy đủ quy trình (due diligence).

Theo lời ông sở dĩ quá trình này diễn ra lâu như vậy vì cơ quan tư pháp ‘phải xử lý thận trọng, thu thập rất nhiều bằng chứng, thẩm vấn rất nhiều nhân chứng, mất thời gian tạo hồ sơ’.

Với lại, vào lúc ông Trump đang là tổng thống thì ông được đặc cách miễn truy tố nên quá trình bị bị ngưng lại mất bốn năm, cũng theo lời người chủ doanh nghiệp này. Ông khẳng định quá trình truy tố Trump đã diễn ra từ trước khi Trump lên làm tổng thống chứ không phải đợi đến giờ.

Cho nên, ông cho rằng việc thông báo truy tố ông Trump vào lúc ông đang bắt đầu vận động tranh cử ‘hoàn toàn là trùng hợp’ và rằng nhiều người bên Đảng Dân chủ còn muốn ông Trump bị truy tố từ lâu và họ than phiền các công tố viên trong các vụ án của ông Trump, trong đó có cáo buộc ông gian lận bầu cử ở bang Georgia, ‘làm việc quá chậm chạp’.

Ông Long Tran không cho rằng hành vi của ông Trump là ‘tội nhẹ’ như những người ủng hộ ông lập luận. Ông lưu ý ông Trump không bị truy tố vì có hành vi mua dâm hay quan hệ ngoài hôn nhân mà là vì ông ‘đã trả tiền để buộc người ta im miệng’ và ‘nói dối cũng như che giấu về khoản chi trả đó’.

Điều này vi phạm nghiêm trọng pháp luật liên bang, mà cụ thể là Đạo luật công bố thông tin tài chính tranh cử, ông Long chỉ ra.

“Khi ra tranh cử, luật yêu cầu các ứng viên phải công bố chi tiền như thế nào, nhất là tiền từ trong quỹ vận động tranh cử.”

Ông so sánh với trường hợp tương tự của cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton khi bị phát hiện có quan hệ ngoài luồng với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky mà phe ủng hộ Trump cho là ‘luật pháp Mỹ có thiên kiến’.

“Ông Clinton cũng không hề bị buộc tội có nhân tình mà là bị buộc tội nói dối về việc đó. Ông ấy đã bị Quốc hội đưa ra luận tội về tội khai man (perjury) nhưng bất thành,” ông chỉ ra.

“Bill Clinton đâu có trả tiền để yêu cầu im miệng đâu, và cũng đâu có trả tiền cho luật sư riêng để nhờ đi dọn dẹp mọi việc đâu?” ông đặt vấn đề. “Nên nhớ vì việc này của ông Trump mà ông Michael Cohen đã bị tù tội.”

“Hãy nhìn những thuộc cấp của Trump trong chính quyền cũng như những người thân cận của ông ấy đã bị truy tố và kết án, trong đó có tổ chức Trump Organization,” ông nhấn mạnh.

“Tại sao họ đều bị truy tố vì vi phạm pháp luật mà Trump không có liên can gì hết, hoặc là nói ông ta không biết gì hết?”

“Ông Trump làm sai thì bị pháp luật đụng đến thôi chứ không có thiên kiến gì ở đây hết,” ông Long quả quyết.

Ông bác bỏ việc truy tố này là ‘làm ảnh hưởng danh dự một tổng thống và làm mất mặt nước Mỹ’. “Những người ủng hộ Trump nghĩ vậy vì họ sợ bị mất mặt khi họ đã sai ngay từ đầu.

Họ không muốn thừa nhận là họ đã bỏ phiếu bầu cho một người vi phạm pháp luật,” ông lý giải.


Ai Là Người Cả Gan Truy Tố Cựu Tổng Thống Trump?

(Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) - Trọng Thành)

-Ngày 30/12/2023 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu Tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố. Đáng chú ý hơn nữa là cựu Tổng thống bị truy tố là người đầy uy lực trong công luận và chính giới Mỹ: Tỉ phú Donald Trump. Thành phố New York phải huy động hơn 50.000 nhân viên cảnh sát và dân sự để bảo vệ an ninh trong thời gian ông Trump dự kiến trình diện tòa ngày 4/3, theo các nguồn tin của NBC News. Ai là người đã cả gan truy tố Trump?

Ngày 30/3, một đại bồi thẩm đoàn của tiểu bang New York đã thông qua quyết định truy tố ông Donald Trump, theo đề nghị của Biện lý Alvin Bragg, người đứng đầu cơ quan Công tố Manhattan, tiểu bang New York. Hiện thời cáo trạng chưa được chính thức công bố, nhưng một trong những cáo buộc được truyền thông nhắc đến nhiều là việc ông Trump, trước khi đắc cử Tổng thống, đã chi tiền bất hợp pháp để bịt miệng một nữ diễn viên phim khiêu dâm, cô Stormy Daniels, mà đương sự có quan hệ.

Áp Lực Hạ viện: Lên Án “Vụ Lạm Quyền Chưa Từng Có”

Theo ABC News, ngay sau khi có thông tin về khả năng ông Trump bị truy tố, ngày 20/3, nhiều đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, đứng đầu là Dân biểu Jim Jordan tiểu bang Ohio, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp đã gửi thư đến viên Biện lý để gây áp lực. Đêm 30/3, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trên Twitter tố cáo Biện lý Alvin Bragg là “kẻ lạm dụng quyền lực chưa từng có”, đã “sử dụng hệ thống pháp lý thiêng liêng” của nước Mỹ để “chống lại Tổng thống Donald Trump”.

Biện lý Alvin Bragg, 49 tuổi, người đứng đầu cơ quan Công tố Manhattan, tiểu bang New York, cũng là người da đen đầu tiên phụ trách cơ quan này. Alvin Bragg sinh trưởng tại khu Harlem, New York. Ngay từ nhỏ Alvin Bragg đã bị chấn động trước những hành xử bạo lực, phi pháp của lực lượng an ninh đối với các cộng đồng thiểu số da đen và gốc Mỹ Latinh. Năm 2021, khi hồi tưởng lại thời trẻ, Biện lý Alvin Bragg cho biết, hồi đó ông đã nhận ra rằng đất nước không thể có được an ninh thực sự, nếu người dân không tin vào luật pháp.

Không Nhắm Người Phạm Tội Vặt, Mà Nhắm Kẻ Máu Mặt

Biện lý Alvin Bragg tốt nghiệp luật ở Harvard, từng là cấp phó của Chưởng lý tiểu bang New York, và từng làm việc tại một cơ sở của cơ quan Công tố liên bang tại New York. Ngay từ khi kế nhiệm Biện lý Cyrus Vance Jr. hồi tháng 1/2022, Biện lý Alvin Bragg đã coi “giới tội phạm cổ cồn trắng” là mục tiêu (“cổ cồn trắng” là cụm từ thường dùng để chỉ nhóm xã hội thượng lưu).

Biện lý Alvin Bragg hứa hẹn một thành phố New York “công bằng và an ninh”. Xúc động bởi cái chết oan ức của người da đen George Floyd dưới tay một cảnh sát da trắng, Biện lý Alvin Bragg đã cam kết cố gắng không truy tố các vi phạm được đánh giá là nhỏ, như đi lậu vé tàu, kháng cự lại hành động câu lưu của cảnh sát. Đối với ông, nhà tù là biện pháp cực chẳng đã với những thành phần dân cư thấp cổ bé họng.

Ngược lại, “giới tội phạm cổ cồn trắng” là đích chính của ông. Một trong những “thành tích” của ông trong thời gian hơn một năm lãnh đạo cơ quan Công tố Manhattan vừa qua là đã buộc Trump Organization, doanh nghiệp gia đình của tỉ phú Trump, phải nộp phạt 1,6 triệu Mỹ kim tiền biển thủ tài chánh, trốn thuế. Allen Weisselberg, cựu Giám đốc Tài chánh của Trump Organization, một người thân tín của Trump, đã chấp nhận hợp tác với Tư pháp, nộp phạt 2 triệu Mỹ kim, và chịu án 5 tháng tù.

Gershman: “Cuộc Điều Tra Táo Bạo”

Giới trong ngành có những đánh giá trái ngược về Biện lý Alvin Bragg. Báo Mỹ New York Times từng thuật lại việc viên Biện lý hồi 2022 bị hai Phụ tá Chưởng lý cáo buộc đã do dự trước quyết định có cần truy tố cựu Tổng thống hay không. Hai nhân vật nói trên đã từ chức vào tháng 2/2022 để tố cáo thái độ “hoài nghi” của Alvin Bragg về cuộc điều tra nhắm vào Donald Trump. Ngược lại, trả lời thông tấn xã AFP, cựu Biện lý Bennett Gershman, nguyên Phụ tá đặc biệt của Chưởng lý tiểu bang New York, thừa nhận “Bragg là một người khôn khéo và thực tế”, đồng thời hoan nghênh “cuộc điều tra táo bạo” nhắm vào Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Cựu Biện lý Bennett Gershman cũng là một nhân vật kỳ cựu, và nổi tiếng trong giới luật học. Ông là chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về ngành Công tố, đồng sáng lập trường Luật - Đại học Pace năm 1976.

Cuộc đối đầu giữa Biện lý Alvin Bragg và cựu Tổng thống Donald Trump hứa hẹn nhiều bất ngờ. Theo The Washington Post hôm 31/3, ông Trump sẽ từ Florida bay đến New York vào thứ Hai (3/4), trước ngày ra trình diện tòa. Luật sư Joe Tacopina của cựu Tổng thống, ngày 31/3, cũng cho biết, thân chủ của ông không có ý định cố thủ ở Mar-a-Lago.

Hiện tại, tình hình ở New York trước ngày cựu Tổng thống ra trình diện Tư pháp có vẻ yên ắng. Theo thông tấn xã AFP, ngày 31/3, mới chỉ có khoảng vài chục người ủng hộ hay phản đối Trump có mặt ở Manhattan. Một số người ủng hộ cuồng nhiệt cựu Tổng thống, trong đó có Dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, báo trước sẽ biểu tình trước tòa án trong thời gian ông Trump ra trình diện.

“Không Khí Kỳ Lạ” ở New York

Trước trụ sở tòa án New York, nơi an ninh siết chặt từ mươi ngày nay, một phụ nữ qua đường cho thông tấn xã AFP biết hệ thống chính trị nước Mỹ, cơ chế cân bằng quyền lực ở nước Mỹ đang bị chao đảo với những nỗ lực “gây chia rẽ đất nước” của Donald Trump. Pilar Banos, một nữ du khách Tây Ban Nha 72 tuổi, ghé thăm New York, ghi nhận vụ truy tố cựu Tổng thống đang tạo ra một “bầu không khí kỳ lạ” ở thành phố này.

Cựu Tổng thống Trump thường xuyên lên án Biện lý Alvin Bragg là “kỳ thị chủng tộc” và “thiên tả”. Ngược lại, viên Biện lý New York cam kết các “nỗ lực nhằm hù dọa các nhân viên công lực, đe dọa chống nhà nước pháp quyền ở New York sẽ không được khoan thứ”.


Đưa Một Cựu Tổng Thống Ra Tòa?

(Ngô Nhân Dụng – VOA)


(Hình: Theo kinh nghiệm ở Mỹ, nếu bị truy tố, dù có bị kết án, năm 2024 ông Trump sẽ được thêm nhiều phiếu bầu.)

-Những nhà chính trị Cộng hòa muốn tranh được với ông Trump làm ứng cử viên Tổng thống năm 2024 thấy họ bị lép vế! Theo Hiến pháp Mỹ, dù ông Trump bị kết tội khi ra tòa, ông vẫn giữ nguyên quyền ứng cử Tổng thống.

Năm 1872, Tổng thống Ulysses S. Grant đang điều khiển chiếc xe ngựa trên đường phố Hoa Thịnh Ðốn thì bị cảnh sát quơ tay ra lệnh ngừng. Ông Grant bị bắt về bót, nộp phạt, vì xe chạy quá tốc độ. Hoa Kỳ đúng là một nước có truyền thống dân chủ.

Năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump bị Biện lý Alvin Bragg ở New York truy tố, theo quyết định của một đại bồi thẩm đoàn. Chưa biết lệnh truy tố nêu ra những “tội” gì, nhưng ai cũng biết vụ này liên quan đến chuyện tổ chức thương mại mang tên Trump khai gian khi thanh toán số tiền 130.000 Mỹ kim với Luật sư Michael Cohen. Năm 2016, Cohen trả tiền cho cô Stormy Daniels để cô không đưa lên báo câu chuyện cô với ông Trump trước ngày dân Mỹ bỏ phiếu. Theo sổ sách của công ty, Cohen được trả nhiều ngân phiếu $35.000, nhưng ghi là chi phí về tư vấn pháp luật. Khi ra tòa năm 2018, ông ta đã nhận tội khai man và bị kết án tù.

Tổng thống Trump đã phủ nhận không hề quan hệ với cô Daniels; ông đồng ý cho Cohen trả tiền chỉ vì muốn tránh một chuyện rắc rối tung ra trước ngày bầu cử. Ông phản đối lệnh truy tố của ông Bragg, một người thuộc đảng Dân chủ. Ông tố cáo hành động này nhằm mục đích chính trị, vì ông Trump đã tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống vào năm 2024.

Một vị Tổng thống Mỹ có thể bị truy tố hay không? Trong khi tại chức, họ được miễn, vì không thể bắt họ phải bận rộn lo việc kiện tụng, sao lãng việc cai trị. Chỉ Quốc hội có quyền, nếu Hạ viện đàn hạch và Thượng viện biểu quyết kết án một Tổng thống, với 2 phần 3 số phiếu. Ông Trump đã bị đàn hạch hai lần, lên Thượng viện đều được trắng án.

Nhưng một cựu Tổng thống thì khác. Điều I, khoản 3 Hiến pháp Mỹ quy định một cựu Tổng thống có thể bị truy tố, xét xử, kết tội và trừng phạt theo luật lệ, dù đã bị đàn hạch và truất phế rồi. Ông Bill Clinton đã bị đàn hạch và thoát nạn trên Thượng viện. Trước khi mãn nhiệm, ông đã thỏa hiệp với Công tố viện, tự ý đóng tiền phạt 25.000 Mỹ kim và treo bằng Luật sư trong 5 năm; đổi lại khi ông về hưu sẽ không bị truy tố về vụ Whitewater cũ nữa.

Trong tuần tới, ông Trump có thể sẽ đi trình diện theo “trát tòa;” những người ủng hộ ông sẽ biểu tình phản đối khắp nơi. Nếu ông Trump ra tòa, các vị Thẩm phán sẽ không xét đến “động cơ chính trị” của Biện lý mà chỉ cứu xét các sự kiện, theo luật pháp. Nhưng ông Trump có thể trắng án vì các điều buộc tội không đủ sức thuyết phục.

Trước hết, theo luật lệ tiểu bang New York, bị cáo chỉ có tội nếu chính mình khai gian trong sổ sách kế toán, hoặc ra lệnh cho nhân viên làm. Ông Trump có thể biện hộ rằng nhân viên của ông tự ý làm, chính ông không biết, nhất là trong thời gian bận rộn khi ông làm Tổng thống. Ông Allen Weisselberg, phụ trách Tài chánh cho công ty Trump đã bị tòa án Manhattan kết tội làm sổ sách gian để trốn thuế, từ năm 2021.

Cũng theo luật lệ New York, một người chỉ bị kết tội khai gian trong sổ sách nếu việc đó làm thiệt hại tiền bạc hoặc tài sản của người khác. Trong vụ này, không có nạn nhân nào bị thiệt hại.

Công tố viện có thể mời Michael Cohen và Stormy Daniels ra tòa làm chứng cho các lời cáo trạng. Nhưng Luật sư của ông Trump sẽ thuyết phục tòa án rằng ông Cohen và cô Daniels không phải là các nhân chứng đáng tin cậy. Ông Cohen đã từng bị kết tội khai man để trốn thuế; cô Daniels đã từng được trả tiền để kể lại nhiều điều trái ngược nhau. Ông Allen Weisselberg ra làm chứng cũng khó được tin tưởng.

Biện lý Bragg có thể truy tố ông Trump một tội hình sự, vì việc trả tiền và gian lận sổ sách nhằm mục đích che đậy việc nhận số tiền đóng góp của ông Cohen quá lớn cho cuộc tranh cử (giới hạn là 5.000 Mỹ kim). Nhưng người đưa tiền cho cô Daniels là ông Cohen chứ không đi qua quỹ vận động của Trump.

Với những cáo trạng không đủ vững chắc như thế, tại sao ông Bragg lại đưa ông Trump ra tòa? Ở tiểu bang New York, với hàng triệu công ty thương mại, ngày nào chẳng có một vụ sổ sách kế toán sai lạc! Tại sao lại nhắm vào một ông cựu Tổng thống, nếu không phải vì lý do chính trị?

Ông Alvin Bragg đứng trong một tình thế lưỡng nan. Nếu truy tố ông Trump thì bị quy cho vì lý do chính trị; nếu bỏ qua thì sẽ bị kết tội là né tránh không đụng tới một vị cựu Tổng thống, vi phạm quy tắc “mọi người bình đẳng trước pháp luật”. Có lẽ ông đã chọn, thà bị nghi ngờ về động cơ chính trị còn hơn bị coi là không tôn trọng nguyên tắc pháp luật công minh.

Ông Bragg có thể chối bỏ lý do chính trị, nhưng lệnh truy tố của ông đã đưa uy tín của ông Trump lên mạnh hơn rất nhiều.

Tất cả các đại biểu Quốc hội, hầu hết các Thống đốc thuộc đảng Cộng hòa đều lên tiếng phản đối lệnh truy tố của ông Bragg. Ai cũng đồng ý với ông Trump là hành động này nhằm cản trở cuộc tranh cử năm 2024 của ông. Những người trung thành với ông càng nổi giận hơn. Ngay khi ông loan báo mình “sắp bị bắt” và kêu gọi mọi người ủng hộ, trong một tuần đã nhận được hơn 2 triệu Mỹ kim. Khi lệnh truy tố được tiết lộ, dù chưa rõ nội dung, thêm hàng triệu Mỹ kim đóng góp nữa và cứ thế tiếp tục.

Những nhà chính trị Cộng hòa muốn tranh được với ông Trump làm ứng cử viên Tổng thống năm 2024 thấy họ bị lép vế! Theo Hiến pháp Mỹ, dù ông Trump bị kết tội khi ra tòa, ông vẫn giữ nguyên quyền ứng cử Tổng thống. Năm 1920, ứng cử viên Eugene V. Debs đã tranh cử Tổng thống Mỹ, dù đang bị tù vì chống chiến tranh. Ông được 919.799 phiếu bầu, bằng 3.4% tổng số.

Theo kinh nghiệm ở Mỹ, nếu bị truy tố, dù có bị kết án, năm 2024 ông Trump sẽ được thêm nhiều phiếu bầu. Phần lớn các nhà chính trị Mỹ bị truy tố đã đắc cử dễ dàng hơn. Năm 2014, Bộ trưởng Tư pháp Ken Paxton, tiểu bang Texas bị truy tố về tội lừa đảo một số nhà đầu tư; sau đó ông được dân bầu thêm hai nhiệm kỳ nữa. Năm 2020, tám người cộng sự cao cấp của ông tố cáo ông lợi dụng chức vụ để bao che một người góp tiền tranh cử. Trong cuộc bỏ phiếu cuối năm, ông vẫn được tín nhiệm, qua mặt đối thủ hơn 10 điểm.

Năm 2015, Nghị sĩ Robert Menendez, tiểu bang New Jersey, sau khi đắc cử bị kết án 14 tội lừa đảo và nhận hối lộ. Năm 2017 ông ra tòa, bồi thẩm đoàn không quyết định; năm 2018 Ủy ban Đạo Đức Thượng viện chính thức khiển trách ông. Nhưng sau đó ông tranh cử lại vẫn thắng!

Dân Mỹ hiện đang bị chia rẽ nặng nề giữa hai khuynh hướng chính trị, những người ủng hộ đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ Tổng thống Donald Trump mạnh hơn nữa, nếu ông bị ra tòa. Họ sẽ tin tưởng vào lời tố cáo của ông, coi đây là một hành động nhằm triệt hạ một ứng cử viên Tổng thống. Hơn nữa, đây còn được xem là một âm mưu chính trị phá hoại phong trào MAGA do ông Trump phát động. Người ta sẽ tổ chức biểu tình khắp nước Mỹ chống lại âm mưu này. Tất nhiên, hiện tượng đó sẽ khích động, gây phản ứng của những người ủng hộ đảng Dân chủ và một phần những cử tri độc lập. Cuối cùng, chỉ cần nhắc đến tên Stormy Daniels cùng một lúc với tên Donald Trump là cũng khiến nhiều người, khi cầm lá phiếu trong tay, băn khoăn suy nghĩ. Vì vậy, Thống đốc Florida, Ron DeSantis, khi lên tiếng phản đối lệnh truy tố ông Trump, cũng không quên nhắc đến vụ cô “tài tử phim khiêu dâm” này.

Nhiều người Mỹ tiếc nuối thời quá khứ khi các nhà chính trị đối xử nhã nhặn và kính trọng lẫn nhau hơn. Ngôi vị và phẩm cách các Tổng thống từng được mọi người tôn trọng, kính nể. Năm 1872, khi ông cảnh sát, tên là William H. West, thấy Tổng thống Grant ngừng xe, đã tới lễ phép nói: “Xin lỗi Tổng thống, tôi phải thi hành trách nhiệm, dù ngài đứng đầu cả nước còn tôi chỉ là một cảnh sát viên bé nhỏ, nhưng trách nhiệm là trách nhiệm. Thưa ngài, tôi phải bắt ngài về bót”. Ông Grant đã vâng lời, được dẫn về đồn cảnh sát, đóng 20 Mỹ kim tiền phạt “speeding”, được tha lên xe đi tiếp. Ở nước Mỹ bây giờ, mọi người vẫn bình đẳng trước pháp luật, nhưng cách cư xử với nhau, ngôn ngữ, thái độ đã khác trước rất nhiều.



Chủ Nhật Tuần Này: Mừng Lễ Phục Sinh!

Giáo Hoàng Francis Xuất Viện, Tươi Cười Nói ‘Tôi Vẫn Còn Sống!’


(Hình: Đức Giáo hoàng Francis nói chuyện với các nhà báo khi ông rời Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli ở Rome, ngày 1/4/2023, sau khi bị điều trị bệnh viêm phế quản.)

-Đức Giáo hoàng Francis xuất viện và trở về Vatican vào ngày thứ Bảy (1/4/2023), sau khi được điều trị bệnh viêm phế quản. Ông coi nhẹ bệnh tình của mình, nói: “Tôi vẫn còn sống đây này”.

Giáo hoàng, 86 tuổi, được đưa vào bệnh viện Gemelli ở Rome hôm thứ Tư (29/3), sau khi ông phàn nàn là khó thở, nhưng phản ứng nhanh chóng với truyền thuốc kháng sinh, đội ngũ y tế của ông cho biết.


Để cho thấy mình đã hoàn toàn bình phục, ông bước ra khỏi xe trước khi rời khỏi khuôn viên bệnh viện, dùng gậy để chống.

Ông chào những người đến chúc lành và nói chuyện trong giây lát với các phóng viên đang chờ, xác nhận rằng ông sẽ chủ trì thánh lễ Chủ Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô và sẽ có bài phát biểu hàng tuần như thường lệ trước các tín hữu.

Lễ Chủ Nhật bắt đầu tuần lễ Phục sinh và Vatican sau đó cho biết Giáo hoàng sẽ tham gia các hoạt động kỷ niệm đó, với sự hỗ trợ của các hồng y.

Trước khi quay trở lại xe, ông ôm lấy một người mẹ đang khóc nức nở vì con gái nhỏ của bà đã chết trong bệnh viện qua đêm, rồi cầu nguyện với cả hai cha mẹ.

Đức Giáo hoàng, đánh dấu kỷ niệm 10 năm giáo triều của mình vào tháng 3, đã mắc một số bệnh trong những năm gần đây.

Lần gần đây nhất ông nhập viện là vào năm 2021 để phẫu thuật ruột kết, nhưng vào dịp đó, công chúng không được cho nhìn thấy ông khi ông khi rời khỏi Gemelli.



MỪNG LỄ PHỤC SINH! SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

«Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người» (Gl 6,9-10a)

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận lợi cho việc canh tân ở phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, hầu dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Đối với hành trình Mùa Chay, thiết nghĩ sẽ rất tốt cho chúng ta khi suy ngẫm về lời khuyên của Thánh Phaolô đối với tín hữu Ga-lát: «Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairós), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người» (Gl 6,9-10a).

1. GIEO VÀ GẶT

Trong đoạn thư này, Thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh về việc gieo và gặt – một hình ảnh rất đỗi thân thương đối với Đức Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một chairós: đó là thời gian thuận lợi để gieo điều tốt trong viễn ảnh của một mùa gặt hái. Đối với chúng ta, thời gian thuận lợi đó là gì? Chắc chắn rằng đó là Mùa Chay, nhưng cũng là toàn bộ cuộc sống trần thế, mà cách nào đó Mùa Chay là một hình tượng [1]. Trong cuộc sống của chúng ta, thường thì lòng tham và sự kiêu ngạo lại chiếm ưu thế, ước mong có của cải để tích lũy và tiêu xài, như được diễn tả qua dụ ngôn về người khờ dại trong Tin mừng, là kẻ coi cuộc sống của mình được bảo đảm và hạnh phúc, nhờ tích lũy thật nhiều lúa thóc trong kho lẫm (x. Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải và thay đổi não trạng, và như thế cuộc sống của chúng ta mới có được chân lý và vẻ đẹp của nó, không hệ tại ở việc có thật nhiều của cải, mà chính là trong sự trao ban, cũng không phải trong việc tích lũy thật nhiều, nhưng là gieo điều tốt và sự sẻ chia.

Chính Thiên Chúa là nhà nông đầu tiên, và với lòng quảng đại, Người «tiếp tục gieo vãi những hạt giống tốt trong nhân loại» (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 54). Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đáp trả ân ban của Thiên Chúa bằng việc đón nhận Lời «sống động và hữu hiệu» của Người (x. Hr 4,12). Việc chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa giúp trưởng thành trong sự ngoan ngoãn sẵn sàng đối với tác động của Người (x. Gc 1,21), điều này làm cho cuộc sống của chúng ta sinh hoa kết trái. Nếu điều này đã khiến chúng ta vui mừng, tuy nhiên còn vui mừng hơn nữa, khi được mời gọi trở thành «cộng sự viên của Thiên Chúa» (x. 1Cr 3,9). Hãy tận dụng tốt thời buổi hiện tại (x. Ep 5,6) để chúng ta cũng vãi gieo bằng cách làm điều tốt. Lời mời gọi gieo điều tốt này không nên xem như một gánh nặng, nhưng là ân huệ mà Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta nối kết cách tích cực với sự hào phóng phong nhiêu của Người.

Còn mùa gặt hái? Chẳng phải gieo giống đều nhằm mục đích thu hoạch sao? Chắc chắn vậy. Mối liên hệ mật thiết giữa gieo và thu hoạch được tái xác nhận bởi chính Thánh Phaolô. Thánh nhân khẳng định rằng: «Ai gieo ít thì gặt ít, còn kẻ gieo nhiều thì sẽ gặt nhiều» (2 Cr 9,6). Nhưng đó là vụ mùa nào? Hoa trái tốt lành đầu tiên được gieo vào trong chính chúng ta, trong các mối tương quan thường nhật và ngay cả trong những cử chỉ bé nhỏ nhất của tình thương mến. Và trong Thiên Chúa, không có hành vi yêu thương nào - dù nhỏ - và không có «cố gắng quảng đại» nào lại bị mất đi (x. Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, s. 279). Xem quả thì biết cây (x. Mt 7,16.20), vì thế một cuộc sống đầy tràn những việc tốt lành sẽ được chiếu sáng (x. Mt 5,14-16) và lan tỏa hương thơm của Chúa Ki-tô vào trong thế gian (x. 2 Cr 2,15). Hãy phụng sự Thiên Chúa, hầu thoát khỏi ách tội lỗi và làm chín muồi các hoa trái thánh hóa, vì phần rỗi của mọi người (x. Rm 6,22).

Trong thực tế, chúng ta chỉ thấy được một phần nhỏ thành quả của những gì chúng ta gieo, giống như câu tục ngữ trong Phúc âm, «người này gieo, kẻ kia gặt» (Ga 4,37). Chính khi gieo rắc những điều tốt đẹp vì lợi ích của người khác, là lúc chúng ta tham dự vào sự rộng lượng của Thiên Chúa: «Thật là cao cả khi có thể bắt đầu các quá trình mà thành quả của họ sẽ được người khác gặt hái, với niềm hy vọng được đặt vào sức mạnh tiềm ẩn của điều tốt đã được gieo vãi»(x. Thông điệp Fratelli tutti, số 196). Gieo điều thiện lành cho người khác sẽ giải phóng chúng ta khỏi những lý luận hạn hẹp của lợi ích cá nhân, mang lại “phạm vi bao quát nhưng không” cho hành động của chúng ta và tháp nhập chúng ta vào trong chân trời kỳ diệu của những kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.

Lời Chúa mở rộng và nâng cao thêm tầm nhìn của chúng ta: báo cho ta biết về mùa gặt đích thật, đó là ngày cánh chung, nghĩa là ngày cùng tận và chẳng hề lụi tàn. Hoa trái thành tựu của đời sống và hành động của chúng ta đó là «thu hoa lợi để được sống muôn đời» (Gv 4,36), nó sẽ là «kho tàng trên trời» (Lc 12,33; 18,22) của chúng ta. Chính Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống gieo vào lòng đất phải chết đi mới trổ sinh nhiều hạt, để diễn tả mầu nhiệm về sự chết và sống lại của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô cũng dùng lại hình ảnh ấy để nói về sự phục sinh nơi thân xác chúng ta: «Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí» (1 Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng lớn lao mà Chúa Kitô Phục sinh mang lại cho thế gian: «Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu» (1 Cr 15,19-20), để những ai được kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong tình yêu, «nên một với Người trong cả cái chết» (Rm 6,5), cũng được kết hợp với sự phục sinh của Người, hầu được sống đời đời (x. Gv 5,29): «Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ» (Mt 13,43).

2. “KHI LÀM ĐIỀU THIỆN, CHÚNG TA ĐỪNG NẢN CHÍ”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế bằng «niềm hy vọng lớn lao» về đời sống vĩnh cửu và đã mang lại căn nguyên của ơn cứu độ trong hiện tại (x. Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 3 và 7). Trước sự thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi trăn trở về những thách đố đang phải đối diện và trước sự chán nản vì sự nghèo nàn trong phương tiện của mình, chúng ta bị cám dỗ khép mình nơi lòng ích kỷ cá nhân, để rồi trốn tránh và dửng dưng trước những khổ đau của tha nhân. Thực ra, ngay cả các nguồn lực tốt nhất cũng có giới hạn: «Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo» (Is 40,30). Nhưng Thiên Chúa «ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng [...]. Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân» (Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa(x. 1 Pr 1,21), để chỉ với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh(x. Hr 12,2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của vị Tông đồ: «Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí» (Gl 6,9).

Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng. Đức Giêsu đã dạy về sự cần thiết phải «cầu nguyện luôn, đừng nản chí» ( Lc 18,1). Chúng ta cần phải cầu nguyện bởi vì chúng ta cần Chúa. Thật là một ảo tưởng nguy hiểm khi tự coi mình là đủ. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta sờ chạm tận tay đến thân phận mong manh nơi cá nhân mình và xã hội, thì Mùa Chay này lại cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm ủi an của đức tin vào Thiên Chúa, vì nếu không có đức tin, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai tự cứu thoát một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung trên cùng một con thuyền giữa những phong ba bão táp của lịch sử [2]; nhưng trên hết, không ai tự cứu mình được mà không cần đến Chúa, bởi vì chỉ có Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên những vùng biển tối tăm của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những khổ đau của kiếp người, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Kitô; với niềm trông cậy lớn lao như thế sẽ không phải thất vọng, cùng với bảo chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).

Không ngừng loại bỏ điều ác khỏi cuộc sống chúng ta. Việc giữ chay phần xác mà Mùa Chay mời gọi chúng ta, ước gì củng cố thêm tinh thần để chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mỏi mệt cầu xin ơn tha thứ nơi Bí tích Sám hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi trong việc thứ tha [3]. Chúng ta đừng nản chí khi chiến đấu chống lại dục vọng, vì sự yếu đuối đó thúc đẩy xu hướng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà chúng ta đã gặp thấy nó tồn tại nơi những phương thế khác nhau qua các thời đại, để rồi đẩy con người vào đường tội lỗi (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 166). Nguy cơ nghiện các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng là một trong những số đó, nó làm nghèo đi các mối quan hệ giữa con người với nhau. Mùa chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này, và thay vào đó biết trau dồi mối giao tiếp giữa con người với nhau cách trọn vẹn hơn (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 43), vốn được tạo nên từ những «cuộc gặp gỡ thực sự» (Thông điệp Fratelli tutti, số 50), mặt giáp mặt.

Đừng nàn chí làm điều thiện, nhiệt tình trong việc bác ái hướng đến tha nhân. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành việc bố thí, cho đi một cách vui vẻ (x. 2 Cr 9,7). Thiên Chúa «cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng» (2 Cr 9,10) không chỉ để cho mỗi người chúng ta có lương thực đủ dùng, mà để chúng ta còn có thể quảng đại làm việc bác ái đối với người khác. Nếu quả thực cả đời chúng ta là thời gian để gieo điều tốt lành, thì chúng ta hãy tận dụng cách đặc biệt Mùa Chay này, để chăm sóc những người thân cận với chúng ta, hãy gần gũi với những anh chị em đang bị thương tổn trên hành trình của đời sống (x. Lc 10,25-37). Mùa Chay là thời gian thuận lợi để tìm kiếm, chứ không phải trốn tránh những người đang cần chúng ta; để gọi mời, chứ không làm ngơ, đối với những ai muốn nghe một lời tốt đẹp; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người đang đau khổ trong sự cô đơn. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện lời kêu gọi làm điều tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người bé nhỏ và ít được bảo vệ nhất, những người bị bỏ rơi và bị khinh miệt, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 193).



3. “VÌ ĐẾN MÙA CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC GẶT, NẾU KHÔNG SỜN LÒNG”

Hằng năm Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng «điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không phải đạt được một lần là có mãi; nhưng cần phải chinh phục mỗi ngày» (Thông điệp Fratelli tutti, số 11). Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mình sự kiên định nhẫn nại của nhà nông(x. Gc 5,7), để từng bước một, chúng ta không ngừng làm điều thiện hảo. Ai té ngã thì hãy chìa tay ra cho Chúa Cha, Đấng luôn đỡ nâng chúng ta lên. Ai sa ngã hay bị lừa dối bởi những lời dụ dỗ của ma quỷ, đừng ngần ngại trở về với Chúa, «vì Người luôn rộng lòng thứ tha» (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, hãy tìm sự nâng đỡ nơi ân sủng của Thiên Chúa, và trong sự hiệp thông với Giáo hội, chúng ta đừng nản chí gieo vãi điều thiện lành. Việc ăn chay như để chuẩn bị thửa đất, lời cầu nguyện giúp tưới gội, và việc bác ái làm cho sinh hoa kết trái. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng «vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng», và với ân ban của lòng kiên trì, chúng ta tin sẽ lãnh nhận những điều đã hứa (x. Hr 10,36) cho phần rỗi của chính mình và của người khác (x. 1 Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì ta (x. 2 Cr 5,14-15) và chúng ta được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời, khi đó Thiên Chúa sẽ là «tất cả trong mọi sự» (1 Cr 15, 28).

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, từ cung lòng Mẹ, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra và Mẹ luôn ghi nhớ mọi điều và «suy niệm trong lòng» (Lc 2,19), ban cho chúng ta quà tặng của lòng kiên nhẫn và gần gũi với chúng ta bằng sự hiện diện của tình mẫu tử, để thời gian hoán cải này mang lại hoa trái của ơn cứu độ muôn đời.

(Đức Thánh Cha Phanxicô)


Tin Quốc Tế Đó Đây

Nga: Đe Dọa của Mỹ Về Vụ Bắt Giữ Phóng Viên Sẽ ‘Gặt Bão’


(Hình: Phóng viên của báo The Wall Street Journal của Mỹ, Evan Gershkovich, rời khỏi tòa án ở Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 30/3/2023.)

-Ngày thứ Sáu (31/3/2023), Nga nói rằng nếu Mỹ đe dọa Mạc Tư Khoa về vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của báo The Wall Street Journal (WSJ), thì việc này sẽ “gặt bão”, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 kêu gọi Mạc Tư Khoa “hãy thả anh ấy ra”, sau khi chính quyền của ông ngày thứ Năm nói rằng việc Nga nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ là không thể chấp nhận được và kêu gọi tất cả người Mỹ ở Nga rời đi ngay lập tức.

WSJ bác bỏ chuyện anh Gershkovich là gián điệp và trong mục ý kiến, ban xã luận của WSJ đăng bài viết: “Trục xuất Ðại sứ Nga tại Mỹ, cũng như tất cả các nhà báo Nga làm việc tại đây, sẽ là điều tối thiểu mà chúng tôi kì vọng”.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết trục xuất các nhà ngoại giao Nga “không phải là kế hoạch lúc này”.

Phát biểu trong chương trình “60 Phút” của kênh Rossiya 1 hàng đầu của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói Mỹ không cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh Gershkovich.

“Họ ngay lập tức quay sang đe dọa, trả đũa nhắm vào các nhà báo Nga. Nếu logic này tiếp tục ở nơi công cộng, họ sẽ gặt bão”, bà Zakharova nói.

Cả bà Zakharova và phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov ngày thứ Năm đều nói anh Gershkovich bị “bắt quả tang” nhưng không đưa ra bằng chứng nào củng cố tuyên bố của họ.

Anh Gershkovich đã tuyên “không có tội” ngày thứ Năm khi tòa án ra lệnh tạm giam anh trong hai tháng trước khi xét xử.


Nga Làm Chủ tịch Hội Đồng Bảo An: Ukraine Cực Lực Lên Án, Liên Hiệp Âu Châu Đề Cao Cảnh Giác!

-Kể từ hôm 1/4/2023, Nga chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong vòng một tháng.

Sự kiện này đã làm dấy lên những lời đả kích nặng nề từ phía Ukraine, coi đó là biểu hiện của một sự “phá sản” của định chế quốc tế. Về phần mình, Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào hôm 2/4, xác định sẽ rất cảnh giác trước các hành động của Mạc Tư Khoa trong tư cách Chủ tịch Hội Đồng Bảo An.

Trong một thông điệp công bố tối 1/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski không ngần ngại khẳng định: “Khó có thể tưởng tượng ra một điều gì chứng tỏ rõ hơn sự phá sản hoàn toàn của những thể chế như vậy”. Đối với Tổng thống Ukraine, Nga là một nước đã không từ bất cứ một hình thức khủng bố nào, vì vậy không được quyền chủ trì bất kỳ một tổ chức quốc tế nào.

Tổng thống Ukraine một lần nữa kêu gọi “cải cách các định chế toàn cầu, bao gồm cả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba đã mô tả việc Nga lên làm Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An là một “cái tát vào mặt… cộng đồng quốc tế”, trong bối cảnh nước này “tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa; Tổng thống Nga là một tội phạm chiến tranh bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì tội bắt cóc trẻ em”.

Theo Ngoại trưởng Kouleba, cần phải “ngăn chặn mọi nỗ lực” của Nga nhằm “lạm dụng chức vụ chức vụ Chủ tịch” Hội Đồng Bảo An. Lời kêu gọi trên như đã được Liên Hiệp Âu Châu đáp ứng. Phát biểu vào hôm 2/4 trên mạng Twitter, ông Josep Borrell, người lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cho biết là Brussels “sẽ phản đối bất kỳ hành vi lạm dụng nào” của Nga trong vai trò Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chính trị gia này không ngần ngại mỉa mai rằng “Việc Nga trở thành Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xứng đáng là một trò đùa Cá tháng Tư”.


Ukraine: Sáu Người Chết, Tám Người Bị Thương Trong Vụ Pháo Kích của Nga ở Miền Đông


(Hình: Ông Andriy Yermak.)

-Sáu thường dân đã thiệt mạng và 8 người bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào Kostiantynivka ở miền Đông Ukraine vào sáng Chủ Nhật (2/4/2023), một viên chức cấp cao của Ukraine cho biết.

Kostiantynivka, nơi sinh sống của khoảng 70.000 người trước chiến tranh, nằm cách Bakhmut 20 cây số về phía Tây.

Bakhmut là tâm điểm giao tranh trong ít nhất 8 tháng qua khi lực lượng Nga tìm cách chiếm thành phố này.

“Người Nga đã tiến hành pháo kích quy mô lớn vào thị trấn Kostiantynivka”, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Ông nói rằng 16 tòa nhà chung cư, 8 ngôi nhà dân, một trường mẫu giáo và một tòa nhà hành chính đã bị hư hại.

Ông Yermak cũng đã đăng các bức ảnh cho thấy sự phá hủy một phần của các tòa nhà và các hố lớn trên mặt đất do các vụ nổ gây ra.

Thông tấn xã Reuters không thể xác minh độc lập tính xác thực của các bức ảnh hoặc con số thương vong.


Nam Phi và Nga Thảo Luận Về Chủ Đề “Điều Chỉnh Lại Trật Tự Thế Giới”

-Hôm 1/4/2023, đảng cầm quyền tại Nam Phi Đại hội Dân tộc Phi Châu (ANC) cho biết đã cử một đoàn đại diện cấp cao đến Nga nhằm tăng cường hợp tác với đảng cầm quyền Nga, Nước Nga Thống Nhất, với một chủ đề chính là “điều chỉnh trật tự thế giới”.

Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của đảng Đại hội Dân tộc Phi Châu: “Các thảo luận về việc điều chỉnh lại trật tự thế giới có mục tiêu đảo ngược các hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới và của thế giới đơn cực, từng ở thế thượng phong trước đây”. Thông cáo của ANC cho biết thêm về lý do của chuyến đi là để “đáp lại lời mời của đảng Nước Nga Thống Nhất, đảng chính trị lớn nhất nước Nga, đồng minh và bạn lâu năm của đảng ANC”.

Chuyến công tác của đoàn đại diện đảng ANC diễn ra từ ngày 30/3 đến hôm 2/4. Đoàn do một thành viên đầy quyền lực trong đảng Obed Bapela dẫn đầu.

Kể từ khi Nga xâm lăng, chính quyền Nam Phi bị nhiều chỉ trích vì tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với Nga. Pretoria bỏ phiếu trắng về Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine của Đại Hội Đồng Liên Quốc, và khẳng định duy trì quan điểm “trung lập”, từ chối tham gia vào các kêu gọi của phương Tây lên án Nga.

Nam Phi là thành viên của nhóm BRICS, gồm 5 cường quốc trỗi dậy (4 nước khác là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ba Tây). Năm nay, Nam Phi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của nhóm. Một thượng đỉnh của BRIC sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối tháng 8 tới. Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế quyết định truy nã Tổng thống Nga vì nhiều “tội ác chiến tranh”, chính quyền Nam Phi hiện tại lo ngại về khả năng phải đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp thượng đỉnh BRISC.

Là thành viên của Quy chế Roma về Tòa Hình sự Quốc tế, Nam Phi có nghĩa vụ phải bắt giữ Tổng thống Nga Putin, nếu đương sự có mặt trên lãnh thổ nước này. Cách nay ít hôm, Ngoại trưởng Nam Phi cho biết đang chờ cập nhật “quan điểm pháp lý” về vấn đề nêu trên, nhưng thừa nhận đây là một chủ đề “đáng quan ngại”. Đảng đối lập chính, Liên minh Dân chủ, kêu gọi Tổng thống Cyril Ramaphosa không để ông Putin đến Nam Phi.


Học Thuyết Ngoại Giao Mới: Nga Đặt Mục Tiêu Phá Bỏ Thế Thống Trị của Phương Tây

-Ngày 31/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố học thuyết ngoại giao mới, cập nhật dựa trên phiên bản năm 2016, xem Phương tây như “một mối đe dọa cho sự tồn vong” mà Mạc Tư Khoa phải phá bỏ “thế thống trị” trong bối cảnh đang có “những xáo trộn trên trường quốc tế”.

Học thuyết về chính sách ngoại giao mới của Nga đã được đăng tải trên trang web của Ðiện Cẩm Linh. Theo thông tấn xã AFP, thông qua ngôn từ và nội dung, tài liệu dài hơn 40 trang gợi nhắc lại sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong thế kỷ 20 và đặt nước Nga như thành trì ngăn cản việc phương Tây dùng mọi cách làm suy yếu thế giới Nga. Theo học thuyết mới, phương Tây là “những quốc gia không thân thiện” và Mỹ là nước “xúi giục và chỉ huy chính đường lối chống Nga” thông qua “một cuộc chiến tranh tổng hợp kiểu mới”.

Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri của Đài RFI cho biết chi tiết:

“Sự đoạn tuyệt vốn đã rõ nét, nay lại được ghi thành giấy trắng mực đen trong hơn 40 trang tài liệu của học thuyết mới đã được Vladimir Putin ký ban hành ngay lập tức. Ngôn từ được sử dụng nhắc lại sự đối đầu thời Chiến tranh lạnh nhưng tài liệu này không nói tới một cuộc chiến tranh lạnh mới mà là một cuộc chiến tranh tổng hợp, mà theo Mạc Tư Khoa là do phương Tây tiến hành chống lại nước Nga.

Phương Tây, mà trước hết là Mỹ, bị xem là một mối đe dọa đến sự tồn vong không chỉ vào nước Nga mà nhắm cả vào thế giới Nga. Nước Nga là thành trì chống lại mối đe dọa đó, cho nên Mạc Tư Khoa nhận định cần phải chiến đấu chống thế “thống trị” của phương Tây.

Chính vì điều này, tài liệu đã chỉ rõ những nước mà Nga dự tính cùng tiến hành cuộc chiến. Đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Có cả một chương được dành cho các nước này. Trong học thuyết mới, Phi Châu cũng có một vị trí quan trọng.

Và cuối cùng, vốn dĩ tự cho mình là người đi đầu trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga lại càng củng cố hướng bảo thủ của họ. Có một bước mới là học thuyết này của Nga cho rằng, xin trích, cần vô hiệu hóa những nỗ lực áp đặt các nguyên tắc nhân văn và tự do giả hiệu, dẫn đến việc đánh mất các nguyên tắc đạo đức”.


Pháp và Ukraine Bàn Việc Tổ Chức “Thượng Đỉnh Vì Hòa Bình”

-Hôm 1/4/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm bàn về việc tổ chức “một cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình” và “hợp tác về quốc phòng giữa Pháp và Ukraine”.

Theo thông cáo của phủ Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo Pháp - Ukraine đã điểm lại tình hình quân sự tại Ukraine. Tổng thống Macron tái khẳng định sự ủng hộ đối với Kyiv để chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Về phía Ukraine, trên mạng Telegram, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết là trong cuộc điện đàm trong vòng 1 tiếng đồng hồ, ông và đồng nhiệm Pháp Macron đã bàn về “những bước tiếp theo để khai triển kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm”. Tổng thống Ukraine còn khẳng định hai nhà lãnh đạo Pháp-Ukraine đã phối hợp hành động để chuẩn bị cho những “sự kiện quốc tế” sắp tới.

Theo thông tấn xã AFP, một nội dung trao đổi khác là tình hình đáng lo ngại tại Zaporijjia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu, một vài ngày sau chuyến thăm Ukraine của Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA). Nhà máy hiện đang bị quân Nga chiếm đóng.

Cũng trong ngày 1/4, theo báo Le Parisien, Bộ trưởng Quân lực Pháp, Sébastien Lecornu, khẳng định Pháp và Ý Ðại Lợi đang đẩy nhanh việc giao thiết bị phòng không cho Ukraine chống quân Nga xâm lược. Những hệ thống này sẽ cho phép tạo một “vùng trời được bảo vệ rất lớn” quanh các khu vực dân cư sinh sống, chẳng hạn như thủ đô Kyiv.

Mạc Tư Khoa đã lên tiếng về việc Quốc hội Pháp hôm 28/3 công nhận Holodomor, nạn đói khiến nhiều triệu người chết mà chính quyền Liên Xô gây ra cho người dân Ukraine hồi những năm 1930 là “nạn diệt chủng”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho rằng việc bỏ phiếu nói trên của Quốc hội Pháp là thể hiện “thái độ hung hăng bài Nga đáng ghê tởm”, nhất là khi Pháp “vẫn chưa khép lại trang sử về các tội ác thời đô hộ thuộc địa”.


“Vulkan Files”: Lộ Thông Tin Về Hoạt Động Tin Tặc của Nga

-Tin tặc Nga hoạt động như thế nào? Từ bao giờ Vladimir Putin chủ trương mở “Chiến tranh cyber”? Ngày 30/3/2023 một nhóm phóng viên từ nhiều cơ sở truyền thông quốc tế công bố kết quả điều tra Vulkan Files, dựa trên những thông tin rò rỉ từ hãng chuyên về an ninh mạng NTC Vulkan, trụ sở tại Mạc Tư Khoa. Vulkan “nhận nhiệm vụ” từ các cơ quan tình báo quân đội và an ninh Nga.

Tham gia nhóm điều tra truyền thông quốc tế nói trên có phóng viên từ các tờ báo lớn như Paper Trail Media, Süddeutsche Zeitung và Der Spiegel của Đức, The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp hay nhật báo Mỹ The Washington Post. Vulkan Files bao gồm khoảng 5.000 tài liệu do một “chuyên gia Nga về an ninh mạng, phẫn nộ vì Nga xâm lược Ukraine” cung cấp, trong thời gian từ 2016 đến 2021. Đầu não các hoạt động tin tặc của Nga là NTC Vulkan. Công ty về danh nghĩa chuyên về an ninh mạng của Nga này trên thực tế đã chế ra những công cụ để “tiến hành những vụ tấn công cyber ở quy mô lớn”.

Ai là thân chủ của NTC Vulkan? Báo Anh The Guardian trả lời: Hãng này có liên hệ với bên FSB lo về an ninh đối nội, SVR lo về an ninh ở ngoài lãnh thổ Nga, và với Tình báo Quân đội (GRU). Le Monde hơi ngạc nghiên vì thông thường ba tổ chức nói trên “nghi kỵ lẫn nhau, ít giao dịch với nhau và tránh sử dụng những công cụ như nhau”.

Từ 2010 ngành an ninh Nga tăng cường khả năng can thiệp trong lĩnh vực cyber. Do thiếu phương tiện nên Mạc Tư Khoa không ngần ngại “giao việc” cho một số hãng tư nhân, tuyển mộ nhân tài ngay tại các trường Đại học. Quân đội Nga “càng lúc càng cần nhiều chuyên viên điện toán cao cấp”. Cùng năm Putin cho lập ra NTSOUO, một trung tâm đặc trách về quốc phòng, phụ trách việc thực thi “chiến tranh hỗn hợp” bao gồm từ “các chiến dịch quân sự truyền thống, đến các hoạt động tin tặc, chiến tranh tuyên truyền”….

Năm 2011 NTSOUO chính thức đi vào hoạt động. NTC Vulkan bắt lấy cơ hội. Công ty này được cấp giấy phép “hoạt động trong những dự án thuộc phạm vi bí mật quốc phòng”, giành được hợp đồng với các viện nghiên cứu quân sự và bên quân đội.

Vulkan ban đầu có hai nhiệm vụ: Bảo đảm an ninh và kiểm soát mạng internet của Nga. Le Monde và các đồng nghiệp xác nhận rõ dự án Skan, cho phép thu thập những “thông tin về những điểm yếu của các hệ thống tin học” của Nga dễ bị tấn công. Skan là một công cụ phục vụ cho bên tình báo quân đội Nga. Vulkan là cánh tay đắc lực của FSB - hậu thân của mật vụ KGB, có nhiệm vụ tăng cường kiểm duyệt và “mức độ” an toàn của mạng internet tại Liên Bang Nga. Nhờ đó, 2016 rồi 2019 Mạc Tư Khoa ban hành hai đạo luật quan trọng trong việc kiểm duyệt internet và mạng lưới viễn thông. Chính quyền Nga đề phòng trước những vụ tấn công xuất phát từ trong nước cũng như là những vụ “đến từ bên ngoài”.

Vulkan lại cho ra đời một công cụ mới: Amezit-B, tai mắt của “công an Nga” để theo dõi dân tình trên các mạng xã hội. Một trong những nhiệm vụ của nhu liệu điện toán đó là “tạo ra và quản lý những tài khoản giả trên mạng xã hội, “quét dọn” những nguồn thông tin độc lập. Vulkan không chỉ dừng lại ở đó. Báo The Guardian chú ý nhiều hơn đến quy mô hoạt động ở cấp “quốc tế” của nhu liệu điện toán này. Theo tờ báo Anh, có nhiều khả năng Vulkan “đứng đằng sau các chiến dịch tung tin giả, thâm nhập các hệ thống kiểm soát không lưu, giao thông đường biển và hệ thống xe lửa” của các mục tiêu mà nước Nga nhắm tới.

Một tiết lộ thú vị khác từ điều tra của các tờ báo phương Tây liên quan đến thành phần nhân sự của Vulkan: Đó là những Kỹ sư tốt nghiệp từ những trường vốn có “liên hệ mật thiết với bên quân đội”. Sinh viên của những trường liên quan là “những sản phẩm trực tiếp thời Liên Xô cũ để lại”: Họ phải là “những người lính phụng sự cho các tập đoàn công nghiệp quân sự” của chế độ. Nhưng khác với những thế hệ cha chú, dàn Kỹ sư của Nga giờ đây “tiếp cận với kỹ thuật của phương Tây và đó là những người đã hoàn toàn kết nối với toàn thế giới”. Một số Kỹ sư này của Nga thậm chí đã chen chân vào các công ty lớn trên thế giới như Siemens của Đức hay Amazon của Mỹ.

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine hiện nay, nhiều chuyên gia tin học của Nga đã nhanh chân chạy ra ngoại quốc, trốn lệnh động viên…. The Guardian đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người trong số đó là nhân viên của Vulkan? Đến nay “Ðiện Cẩm Linh vẫn coi đội ngũ Kỹ sư tinh nhuệ là những con cờ có nghĩa vụ với tổ quốc trong thời chiến”.


Chiến Tranh Ukraine: Quản Thúc Tổng Giám mục Chính Thống Giáo, Bị Nghi Dính Líu Đến Nga

-Trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ, Tư pháp Ukraine hôm 1/4/2023 đã ra lệnh quản thúc tại gia 60 ngày đối với Tổng Giám mục Pavlo, người đứng đầu tu viện Các Hang Động Kyiv, từng là trụ sở của một chi nhánh Chính Thống giáo của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Tu viện Các Hang Động Kyiv đã chính thức cắt đứt quan hệ với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhưng bị cáo buộc vẫn duy trì liên hệ.

Tổng Giám mục Pavlo,sau khi bị đưa đến thẩm vấn tại một tòa án ở Kyiv, sẽ bị quản thúc tại gia 24/24 tiếng đồng hồ cho đến hết ngày 30/5/2023, phải đeo thiết bị giám sát điện tử và không được giao tiếp với những người là nhân chứng trong khuôn khổ cuộc điều tra hình sự sơ bộ. Theo SBU, cơ quan an ninh Ukraine, Tổng Giám mục Pavlo bị nghi ngờ là đã”biện minh cuộc tấn công của Quân đội Liên bang Nga nhắm vào Ukraine” và đã”tôn vinh những kẻ tham gia”, cũng như “vi phạm quyền bình đẳng công dân liên quan đến sắc tộc, quốc gia, vùng miền và niềm tin tôn giáo”.

Về phía Tổng Giám mục Pavlo, hôm 1/4, trong một video đăng trước khi có lệnh quản thúc, ông cho biết là tu viện Các Hang Động Kyiv đã bị khám soát. Theo thông tấn xã AFP, Tổng Giám mục Pavlo bác bỏ cáo buộc là ông ủng hộ cuộc xâm lăng của Nga, khẳng định ông “lên án mọi mưu đồ chống lại Nhà nước Ukraine”và xem”những gì Nga và Putin đã làm là không thể biện minh được”.

Thông báo quản thúc của Tư pháp Ukraine được đưa ra trong bối cảnh trước đó 3 hôm, 29/3, các tu sĩ ở tu viện Các Hang Động Kyiv, bắt đầu phải rời đi theo yêu cầu của Kyiv vì chính phủ Ukraine muốn giảm ảnh hưởng của các tu sĩ Chính Thống giáo thân Nga. Cho đến hôm 2/4, các tu sĩ vẫn từ chối rời khỏi tu viện. Trước đó, Bộ An ninh Quốc gia Ukraine cho biết tạm thời chính quyền Ukraine chưa đưa ra hạn chót và không dự tính dùng vũ lực để buộc các tu sĩ rời đi.


Học Thuyết Chống Phương Tây của Nga: Ấn Độ Tỏ Thái Độ Cẩn Trọng

-Ngày 31/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố học thuyết ngoại giao mới kêu gọi “chống phương Tây”.

Trong chiến lược mới này của Nga, Ấn Độ được coi là một đối tác quan trọng. Nhưng nếu Tân Ðề Ly vui vẻ tận dụng các cơ hội thương mại với Mạc Tư Khoa, thì nền ngoại giao vẫn im lặng trước các dự án vòng cung Á-Âu do Nga đề xuất.

Từ Bangalore, thông tín viên đài RFI, Come Bastin nhận định:

“Sẽ không quá lời khi nói rằng Ấn Độ đã thu lợi trong những trao đổi thương mại với Nga kể từ cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt. Giao thương giữa hai nước dường như đã vượt mức 35 tỉ Euro trong năm 2022.

Ấn Độ cũng từ chối lập trường chống lại Nga. Những ai hy vọng rằng Tân Ðề Lysẽ có một đường lối rõ ràng hơn khi chủ trì khối G20 chỉ sẽ “hoài công phí sức”. Hơn nữa nước Nga tuần này đánh giá vai trò Chủ tịch của Ấn Độ là “tuyệt vời”.

Nhưng hiện tại, Ấn Độ từ chối dấn thân vào khối ý thức hệ mà Mạc Tư Khoa mời gọi gia nhập. Học thuyết mới của Mạc Tư Khoa, hiện gián tiếp kêu gọi Ấn Độ tham gia vào cuộc chiến của Nga chống Phương Tây, cho đến nay vẫn chưa cho thấy bất kỳ phản ứng nào.

Phải nói rằng Tân Ðề Ly lo lắng duy trì một thế cân bằng ngoại giao với khối phương Tây. Ý tưởng một khối liên minh tay ba với Trung Quốc do Nga đề xướng cũng khó thuyết phục ở đây, trong khi cuộc xung đột biên giới với Bắc Kinh trên dãy Himalaya vẫn còn đó.

Cuối cùng, Lực lượng Không quân Ấn Độ gần đây đã kín đáo lưu ý rằng Mạc Tư Khoa đã chậm trễ trong việc tôn trọng việc giao vũ khí của mình. Về phần mình, Mạc Tư Khoa cũng tỏ ra mất kiên nhẫn trong việc thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng rupi (rúp) mà Tân Ðề Ly đã hứa”.

Bảo Gia Lợi Bầu Quốc hội Trước Thời Hạn Lần Thứ 5 Trong Vòng 2 Năm

-Vào hôm 2/4/2023, cử tri Bảo Gia Lợi một lần nữa lại được mời đến phòng phiếu để bầu một Quốc hội mới. Đây là lần thứ năm trong vòng hai năm: Một kỷ lục ở Liên Hiệp Âu Châu (EU). Sự kiện Nghị viện Bảo Gia Lợi phải bầu đi bầu lại phản ánh cuộc khủng hoảng trầm trọng tại quốc gia Đông Âu này.

Theo hãng tin Pháp AFP, khác xa những hy vọng nảy sinh từ làn sóng biểu tình chống tham nhũng vào mùa Hè năm 2020, quốc gia 6,5 triệu dân thuộc diện nghèo nhất Liên Hiệp Âu Châu vẫn tiếp tục lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị gây nhiều tác hại. Kể từ khi chính quyền của cựu Thủ tướng đảng bảo thủ Boïko Borissov sụp đổ sau một thập kỷ cầm quyền, các đảng khác nhau đã không thể xây dựng một liên minh vững chắc khiến cho các chính phủ bị lật đổ liên tục.

Khủng hoảng thêm nghiêm trọng với cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine tại một đất nước rất gần gũi về mặt lịch sử và văn hóa với Nga, vào lúc mà quan điểm chung của Liên Hiệp Âu Châu là ủng hộ Kyiv.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hai thế lực chính trị chính đang trong thế ngang ngửa, với từ 25 đến 26% cử tri có ý định bầu cho mỗi bên. Hai đảng chính là đảng Gerb bảo thủ của ông Borissov, 63 tuổi, và phong trào cải cách thân phương Tây của Kiril Petkov, một doanh nhân 42 tuổi, người đã cầm quyền trong thời gian ngắn vào năm 2022. Tình trạng này lại dự báo cho nguy cơ Bảo Gia Lợi lại sẽ không có được một liên minh ổn định để cầm quyền. Cử tri có thể sẽ lại phải bầu một Quốc hội mới.

Tại Phần Lan, một quốc gia Liên Hiệp Âu Châu khác, vào hôm 2/4 cũng diễn ra cuộc bầu lại Nghị viện. Theo giới quan sát, vấn đề cần theo dõi tại quốc gia Bắc Âu có 5,5 triệu dân này là mức độ vươn lên của phe cực hữu.

Theo thông tấn xã AFP, đảng Dân chủ Xã hội cánh tả, của Thủ tướng sắp mãn nhiệm, bà Sanna Marin, có nguy cơ bị cánh hữu, thậm chí cánh cực hữu chống nhập cư đánh bại.

Một trận chiến tay ba với kết quả dự báo sẽ rất sít xao. Ba đối thủ là bà Marin, đảng Dân chủ Xã hội, ông Petteri Orpo lãnh đạo Liên Minh Quốc Gia, được xếp vào phe trung hữu, và lãnh đạo đảng cực hữu Riikka Purra, được cho là đang nhắm tới một chiến thắng chưa từng thấy với một tỷ lệ kỷ lục.

Theo các nhà quan sát, Phần Lan rất có thể sẽ đi theo xu hướng ghi nhận được tại Thụy Điển và tại Ý Ðại Lợi, nơi các đảng cực hữu đã vươn lên mạnh mẽ.


Financial Times: Công tố Viên Thụy Sĩ Điều Tra Vụ Thâu Tóm Credit Suisse


(Hình: Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ.)

-Công tố viên liên bang của Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra về vụ tập đoàn UBS Group mua lại ngân hàng Credit Suisse mà nhà nước hậu thuẫn, tờ Financial Times đưa tin hôm Chủ Nhật (2/4/2023).

Công tố viên có trụ sở tại Bern đang xem xét khả năng vi phạm luật hình sự Thụy Sĩ của các viên chức chính phủ, cơ quan quản lý và Giám đốc điều hành tại hai ngân hàng, vốn đã đồng ý về việc sáp nhập khẩn cấp vào tháng trước, bản tin dẫn lời cơ quan có thẩm quyền cho biết.

Có “nhiều khía cạnh của các sự kiện về Credit Suisse” cần được điều tra và cần được phân tích để “xác định bất kỳ tội trạng nào có thể thuộc thẩm quyền của [Công tố viên]”, bản tin nói thêm.

Công tố viên liên bang của Thụy Sĩ và Credit Suisse đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Tháng trước, UBS đã mua lại đối thủ Credit Suisse trong một thỏa thuận trị giá 3 tỉ Franc Thụy Sĩ (3,3 tỉ Mỹ kim).


Bộ Trưởng Nội Vụ Anh: Rwanda An Toàn Cho Di Dân


(Hình: Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman trong chuyến thăm đến thủ đô Kigali của Rwanda vào ngày 19/3/2023.)

-Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nói bà tin rằng Rwanda là một quốc gia an toàn để tái định cư các di dân đến Anh bất hợp pháp, nhưng bà từ chối đưa ra bất kỳ thời hạn nào cho những đợt trục xuất đầu tiên tới Rwanda.

Chính phủ Anh đang hy vọng đưa hàng ngàn di dân đi hơn 4.000 dặm tới quốc gia Đông Phi này như một phần của thỏa thuận trị giá 120 triệu bảng Anh (148 triệu Mỹ kim) nhằm làm nhụt chí những người xin tị nạn băng qua eo biển Manche từ Pháp trên những chiếc thuyền nhỏ.

Kế hoạch được công bố vào tháng 4/2022, nhưng chuyến bay trục xuất đầu tiên đã bị chặn bởi lệnh của Tòa án Nhân quyền Âu Châu. Tòa án cấp cao của Luân Đôn đã ra phán quyết vào tháng 12/2022 rằng kế hoạch này là hợp pháp, nhưng những người phản đối đang tìm cách kháng cáo phán quyết đó.

Tháng trước, Anh đã đưa ra chi tiết về một luật mới cấm nhận những người xin tị nạn đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ qua eo biển Manche, theo đó ngăn họ xin tị nạn và sẽ trục xuất họ trở về quê hương hoặc đến những nước được gọi là nước thứ ba an toàn.

Một số tổ chức từ thiện cho rằng luật được đề xuất có thể không thực tế và hình sự hóa những nỗ lực của hàng ngàn người tị nạn chân chính.

Bà Braverman đã được hỏi bởi Laura Kuenssberg của BBC về một cuộc biểu tình bạo lực về khẩu phần ăn tại một trại ở Rwanda vào năm 2018 mà cảnh sát Rwanda cho biết đã dẫn đến cái chết của ít nhất 5 người tị nạn.

Bà Braverman cho biết bà không rõ về vụ đó nhưng nói “có cơ sở vững chắc” khi nói rằng Rwanda là một quốc gia an toàn và bà nói thêm rằng đó là giải pháp phù hợp cho vấn đề di dân tới Anh trên những thuyền nhỏ.

Bà Braverman, vốn đã đến thăm Rwanda vào tháng 3/2023, không đưa ra thời hạn cho chuyến bay đầu tiên khởi hành tới Rwanda.


Cải Tổ Hưu Trí Pháp: Các Nghiệp Đoàn Nhận Lời Đối Thoại Với Thủ Tướng

-Hôm 31/3/2023, Liên hiệp các Nghiệp đoàn Pháp chống dự án cải tổ hưu trí của chính phủ đã chấp nhận lời mời đối thoại của Thủ tướng Elisatbeth Borne vào ngày 5/4 tới. Tuy nhiên hai bên đều duy trì quan điểm rất cứng rắn. Lãnh đạo nghiệp đoàn CGT, nghiệp đoàn lớn thứ hai tại Pháp, tuyên bố đối thoại sẽ chấm dứt, nếu chính phủ từ chối xét lại cải cách. Về phần mình, Thủ tướng bác mọi khả năng “ngưng” cải cách.

Theo thông tấn xã AFP, Thủ tướng Elisatbeth Borne đã hoan nghênh quyết định của liên hiệp các nghiệp đoàn. Bà Borne khẳng định trong cuộc đối thoại này, chính phủ và các nghiệp đoàn có thể trình bày lập trường về rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề “chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa với lao động nặng nhọc”, cũng như về luật cải cách hưu trí. Tuy nhiên, Thủ tướng Borne cũng nói rõ là kiên quyết không chấp nhận ngưng cải cách hưu trí với giải thích: “đây là một Dự luật đã được thông qua tại Quốc hội, và đang chờ Hội Đồng Hiến pháp xem xét”.

Phản ứng của một nghiệp đoàn trong liên hiệp các nghiệp đoàn chống luật cải tổ hưu trí có thể khác nhau, nhưng tất cả chia sẻ một mục tiêu chung: buộc chính phủ trở lui về điều khoản nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Tân lãnh đạo nghiệp đoàn CGT, Sophie Binet, đắc cử Tổng Thư ký hôm 31/3, trong phát biểu đầu tiên đã khẳng định: Đòi hỏi đầu tiên của liên hiệp các nghiệp đoàn, khi đến phủ Thủ tướng, sẽ là yêu cầu chính phủ rút luật cải cách.

Tân Tổng Thư ký CGT nhấn mạnh: Cuộc đối thoại “có thể sẽ chỉ kéo dài 5 phút”, nếu chính phủ từ chối xét lại cải cách và biện pháp chính nâng tuổi về hưu. Việc nghiệp đoàn CGT, vừa thay đổi lãnh đạo, tiếp tục chủ trương tranh đấu đã được nghiệp đoàn số một nước Pháp CFDT hoan nghênh. Theo bà Marylise Léon, nhân vật số hai của CFDT, đây là “một dấu hiệu rất tích cực” thể hiện rõ sự đoàn kết của mặt trận các công đoàn.

Nghiệp đoàn giới chức CFE-CGC cũng bày tỏ niềm tin là động lực tranh đấu của các nghiệp đoàn chống luật hưu trí “sẽ tiếp tục” được duy trì. Nghiệp đoàn ngành giáo dục Unsa đặt hy vọng vào việc luật sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý theo thể thức RIP, hiện đang được Hội Đồng Hiến pháp xem xét. Theo Tổng Thư ký Unsa, Laurent Escure, đây sẽ là “cửa thoát mang tính hướng thượng” cho khủng hoảng hiện nay.

Nhiều đảng phái cánh tả và cực tả cũng đặt hy vọng vào việc Hội Đồng Hiến pháp chấp thuận thể thức trưng cầu dân ý RIP. Trước đó, hôm 30/3, hai đảng, đảng Nước Pháp Bất Khuất và đảng Cộng sản, thông báo từ chối lời mời đối thoại của Thủ tướng. Các Dân biểu đảng Cộng sản dự kiến tổ chức một “cuộc tuần hành Cộng hòa” vào ngày 4/3, từ Quốc hội đến điện Elysée, để trực tiếp trao kiến nghị đến Tổng thống, yêu cầu rút luật cải tổ hưu trí.


Phát Giác Mức Độ Hoạt Động Cao Tại Địa Điểm Nguyên Tử Chính của Bắc Hàn


(Hình: Lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un.)

-Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ hoạt động cao tại địa điểm nguyên tử chính của Cộng sản Bắc Hàn, một viện nghiên cứu ở Mỹ loan tin ngày thứ Bảy (1/4/2023), sau khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn ra lệnh gia tăng sản xuất nhiên liệu bom để mở rộng kho vũ khí nguyên tử của nước này.

Dự án theo dõi tên 38 North Korea có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn cho biết hoạt động mà họ phát giác, dựa trên các hình ảnh từ ngày 3 và 17 tháng 3, có thể cho thấy rằng Lò phản ứng Nước nhẹ Thử nghiệm (ELWR) tại địa điểm Yongbyon gần hoàn tất và chuyển sang trạng thái hoạt động.

Báo cáo nói những hình ảnh cho thấy một lò phản ứng 5 megawatt tại Yongbyon tiếp tục hoạt động và việc xây cất đã bắt đầu trên một tòa nhà hỗ trợ xung quanh ELWR. Hơn nữa, nước thải đã được phát giác từ hệ thống làm mát của lò phản ứng đó. Hoạt động xây cất mới cũng đã bắt đầu xung quanh nhà máy làm giàu uranium của Yongbyon, có thể mở rộng khả năng của nó.

“Những diễn biến này dường như phản ánh chỉ thị gần đây của Kim Jong Un là gia tăng sản xuất vật liệu phân hạch để mở rộng kho vũ khí nguyên tử của đất nước”, báo cáo cho biết thêm, nhắc đến lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn.

Ngày thứ Ba, Cộng sản Bắc Hàn ra mắt các đầu đạn nguyên tử mới nhỏ hơn và tuyên bố sẽ sản xuất nhiều thêm vật liệu nguyên tử cấp vũ khí nữa để mở rộng kho vũ khí của mình, đồng thời lên án các cuộc tập trận quân sự gia tăng của Nam Hàn và Mỹ.

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn cho biết ông Kim đã ra lệnh sản xuất vật liệu cấp vũ khí như một “cách phòng xa” để tăng cường kho vũ khí nguyên tử của đất nước “theo cấp số nhân”.

Không rõ liệu Cộng sản Bắc Hàn đã phát triển đầy đủ các đầu đạn nguyên tử thu nhỏ cần thiết để lắp vào các vũ khí nhỏ hơn mà nước này trưng ra hay chưa và các nhà phân tích cho rằng việc chế tạo thành công các đầu đạn như vậy rất có thể sẽ là mục tiêu chính nếu nước này tái tục thử nghiệm nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Nam Hàn và Mỹ đã cảnh báo từ đầu năm 2022 rằng Bắc Hàn có thể tái tục thử nguyên tử bất cứ lúc nào.

Trong một báo cáo năm 2022, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính Cộng sản Bắc Hàn đã lắp ráp tới 20 đầu đạn nguyên tử và có thể sở hữu đủ vật liệu phân hạch cho khoảng 45-55 thiết bị nguyên tử.


Khu Tổ Hợp Nguyên Tử Chính của Bắc Hàn Hoạt Động ở Mức Cao

-Dựa vào các hình ảnh vệ tinh, cơ quan tư vấn 38 North, có trụ sở tại Mỹ, hôm 2/4/2023, nhận định khu tổ hợp nguyên tử chính của Cộng sản Bắc Hàn đang hoạt động ở mức cao và dường như việc xây dựng lò phản ứng nước nhẹ tại cơ sở nguyên tử Yongbyon “sắp sửa được hoàn thành”.

Báo cáo của tổ chức 38 North dựa trên các hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 3/3 đến 17/3, phát giác nước được xả ra từ hệ thống làm mát, cho thấy lò phản ứng sắp “đi vào hoạt động”. Một lò phản ứng 5 megawatt tại cơ sở Yongbyon, nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100 cây số về phía Bắc, vẫn tiếp tục hoạt động. Nhiều hoạt động xây dựng mới cũng đã bắt đầu xung quanh nhà máy làm giàu uranium của cơ sở nguyên tử Yongbyon, rất có thể là để phục vụ cho việc tăng công suất của cơ sở này.

38 North nhận định những chuyển biến này “dường như phản ánh chỉ thị gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong Un về việc gia tăng sản xuất vật liệu nguyên tử để củng cố kho vũ khí nguyên tử” của Bình Nhưỡng. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn công bố một số hình ảnh cho thấy ông Kim Jong Un đang thị sát một số đầu đàn cỡ nhỏ, có thể là đầu đạn nguyên tử chiến thuật. Theo thông tấn xã AFP, nhiều chuyên gia cho rằng các vũ khí nguyên tử chiến thuật này là dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đã đạt những tiến bộ kỹ thuật và dường như cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm nguyên tử lần thứ 7.

Cũng trong sáng 2/4, theo Yonhap, các phương tiện truyền thông Bắc Hàn tuyên bố khả năng nguyên tử của Bình Nhưỡng không phải là “vô cơ sở”, lưu ý Mỹ và các nước đồng minh không bao giờ được quên là Bắc Hàn sở hữu “một năng lực nguyên tử tấn công thực sự”, chứ không phải “nói suông”.


Tokyo Dự Kiến Hạn Chế Xuất Cảng Thiết Bị Sản Xuất Linh Kiện Bán Dẫn, Bắc Kinh Giận Dữ

-Sau Hoa Kỳ và Hòa Lan, ngày 31/3/2023 đến lượt Nhật Bản thông báo ý định hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023. Trong thông báo, dù không nêu tên trực tiếp Trung Quốc nhưng Tokyo đã ngay lập tức hứng chịu phản ứng phẫn nộ của Bắc Kinh.

Theo thông tấn xã AFP, dù tuyên bố với báo giới là biện pháp hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn của Tokyo là nhằm mục đích “đề phòng” việc chuyển đổi sử dụng kỹ thuật sang phục vụ các mục đích quân sự, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, hôm thứ Sáu (31/3) khẳng định biện pháp này không nhắm cụ thể đến bất cứ một nước nào.

Tokyo dự tính tham vấn công khai về các biện pháp hạn chế xuất cảng 23 loại thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn tân tiến. Hãng tin Jiji, dẫn các nguồn tin chính phủ, cho biết các biện pháp mới sẽ liên quan đến hàng chục công ty của Nhật, trong đó có Tokyo Electron và Nikon.

Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế trong những qua ngày càng gia tăng trong lĩnh vực chiến lược về thiết bị bán dẫn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật hôm qua khẳng định Nhật Bản “muốn đóng một vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” với tư cách là nước có kỹ thuật thẻ nhớ điện tử tân tiến.

Đáp lại thông báo của Bộ trưởng Kinh tế Nhật, bà Mao Ninh, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “chính trị hóa, công cụ hóa và quân sự hóa các vấn đề thương mại và kỹ thuật là cố tình gây bất ổn cho chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới”. Đối với Bắc Kinh, Nhật Bản “làm hại người khác, nhưng cũng làm hại chính mình”.

Dường như để làm dịu căng thẳng, cũng trong ngày 31/3, Tokyo cũng thông báo Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi công du Trung Quốc từ hôm 1/4. Đây là lần đầu tiên tính từ 3 năm qua một Ngoại trưởng của Nhật Bản có chuyến thăm Trung Quốc.

Là cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ thương mại rất quan trọng, trái lại quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh lại xuống cấp trong những năm gần đây, do những tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở Á Châu-Thái Bình Dương, nhất là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraine hồi đầu năm 2022. Giống như các nước trong khối G7, Tokyo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Bắc Kinh thì xích lại gần Mạc Tư Khoa hơn.


Nhật Bản và Trung Quốc Đồng Ý Cải Thiện Quan Hệ Bất Chấp “Nhiều Thách Thức” Còn Tồn Tại

-Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã đến Bắc Kinh vào hôm 1/4/2023. Đây là chuyến công du đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật đến Trung Quốc từ tháng 12/2019 đến nay. Sau cuộc tiếp xúc vào hôm 2/4 với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương, Ngoại trưởng Nhật Bản xác nhận là hai nước đều đồng ý cải thiện quan hệ bất chấp “nhiều thách thức” còn tồn tại.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cho biết là mặc dù có “nhiều thách thức”, việc Nhật Bản và Trung Quốc hướng tới các mối quan hệ song phương “mang tính xây dựng và ổn định” là một điều “ngày càng quan trọng”, đúng theo những gì từng được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 11 năm 2022. Một cách cụ thể, theo Ngoại trưởng Hayashi, ông và đồng nhiệm Tần Cương đã đồng ý duy trì liên lạc chặt chẽ “ở tất cả các cấp” để cải thiện quan hệ, kể cả giữa các lãnh đạo và Ngoại trưởng.

Trong cuộc hội đàm kéo dài khoảng tiếng đồng hồ, Ngoại trưởng Nhật đã bày tỏ quan ngại về việc tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền, cũng như các hoạt động quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga gần lãnh thổ Nhật Bản. Về Đài Loan, ông Hayashi cho biết là ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng eo biển Đài Loan trong bối cảnh áp lực quân sự của Trung Quốc gia tăng trong khu vực.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản cũng cho biết là ông kêu gọi Bắc Kinh đóng “vai trò có trách nhiệm”, dựa trên luật pháp quốc tế, trong việc hướng tới hòa bình và ổn định ở Ukraine, quốc gia đang chống lại một cuộc xâm lược của Nga. Bắc Kinh gần đây đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, được Mạc Tư Khoa đánh giá tích cực, nhưng đã bị những người chỉ trích cho rằng không công bằng vì trong kế hoạch này, không có nội dung kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nhật Bản xác nhận là đã cực lực phản đối việc Trung Quốc gần đây đã bắt giam một công dân Nhật Bản và kêu gọi trả tự do cho công dân này càng sớm càng tốt. Công dân này là một cán bộ cấp cao của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma Inc, bị bắt ở Trung Quốc vào tháng trước.

Theo Kyodo News, về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần Cương đã lưu ý rằng năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày ký kết Hiệp ước Hòa Bình và Hữu Nghị song phương năm 1978 và “những lựa chọn đúng đắn” phải được thực hiện để tôn vinh tinh thần của Hiệp ước. Ông cam kết sẽ hợp tác với đồng nhiệm Nhật Bản để hai nước có thể “tiến lên phía trước bằng cách loại bỏ các trở ngại”.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm 31/3 vừa qua, ông Vương Nghị, lãnh đạo tối cao của ngành ngoại giao Trung Quốc hiện nay, đã hàm ý cảnh cáo Tokyo khi cho rằng “có lý do để lo ngại về khả năng chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc có thể bị thụt lùi, với câu hỏi là liệu Nhật Bản có tiếp tục tuân theo định hướng phát triển hòa bình hay không”.

Ngày 31/3, trước chuyến công du của Ngoại trưởng Nhật Bản, Tokyo và Bắc Kinh chính thức khởi động đường dây nóng quốc phòng, được thiết kế để phòng ngừa “các cuộc đụng độ ngoài ý muốn” giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Trung Quốc. Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu thiết lập một cơ chế liên lạc để ngăn chặn các vụ đụng độ ngẫu nhiên trên biển hoặc trên không vào tháng 6/2018, trong đó có “đường dây nóng quốc phòng”, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2022, nhưng bị đình lại.


Ngoại Trưởng Nhật Bản Kêu Gọi Trung Quốc Thả Công Dân


(Hình: Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.)

-Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã gặp người đồng cấp Trung Quốc hôm Chủ Nhật (2/4/2023) và kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh nhanh chóng thả một công dân Nhật Bản đang bị giam giữ.

Cuộc gặp giữa ông Hayashi với ông Tần Cương là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật Bản trong hơn 3 năm, trong khi hai cường quốc Á Châu đối địch tìm kiếm tiếng nói chung trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

Một nhân viên của Astellas Pharma đã bị giam giữ tại Trung Quốc mà không rõ lý do, một phát ngôn viên của công ty cho biết một tuần trước. Năm công dân Nhật Bản cũng hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc, và hai trong số họ đã bị xét xử và bị kết tội, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

“Tôi đã phản đối việc giam giữ một người Nhật Bản gần đây ở Bắc Kinh và thể hiện quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi về vấn đề này, bao gồm cả việc trả tự do sớm cho công dân này”, ông Hayashi nói với các phóng viên.

Ông Tần trả lời rằng Trung Quốc “sẽ giải quyết (sự việc) theo luật pháp”, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Hayashi nói rằng Nhật Bản đang tìm kiếm sự minh bạch trong quy trình pháp lý liên quan đến các vụ giam giữ và đã yêu cầu Trung Quốc bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng và an toàn. Ông không cho biết chi tiết về phản ứng của Trung Quốc.

“Điều này xảy ra khi chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc và chúng tôi thấy có sự bất nhất ở đó”, phó thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yukiko Okano nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật (2/4), đồng thời cho biết thêm rằng điểm này đã được ông Hayashi nêu ra trong các cuộc họp của ông ở Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Nhật Bản cũng truyền đạt mối quan ngại sâu sắc của Tokyo về sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả sự hợp tác với Nga và sự hiện diện hàng hải của nước này ở Biển Hoa Đông, ông nói.

Ông Hayashi cho biết rằng ông đã trao đổi với ông Tần về “tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Bắc Kinh cho biết rằng ông Tần đã cảnh báo Nhật Bản “không can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào”, nhấn mạnh rằng Đài Loan là “cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.


Mỹ Sắp Mở Tòa Đại Sứ tại Vanuatu


(Hình: Quần đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương.)

-Hoa Kỳ mới công bố ý định mở Tòa Ðại sứ tại Vanuatu.

Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố ra hôm thứ Sáu (31/3/2023) tuần trước rằng việc thành lập Tòa Ðại sứ tại Vanuatu sẽ “tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương”.

Việc Hoa Thịnh Ðốn mở Tòa Ðại sứ tại quốc gia Nam Thái Bình Dương được nhiều người coi là một biện pháp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Hoa Kỳ cũng đã công bố kế hoạch mở Tòa Ðại sứ tại các đảo quốc Thái Bình Dương khác là Kiribati và Tonga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét