30 Tháng 4 và Câu Chuyện Cô Gái Mang Tên Nguyễn Thị Di Tản! -Đến nay 48 năm qua, tôi đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg, buồn hắt hiu như tâm sự “Người Di Tản Buồn” - bản nhạc của nhạc sĩ Nam Lộc mà mẹ rất yêu thích. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã dùng ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ nói đêm nào không nghe bài hát ấy, thì tôi không ngủ! Đến lúc tôi bập bẹ biết nói, mẹ dạy tôi hát bài hát này. Tôi vừa quấn quít bên mẹ, vừa thỏ thẻ hát những câu cuối cùng:
<!>
“Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi!”.
Bạn bè đến chơi, mẹ đem “con sáo nhỏ” của mẹ ra khoe, bảo tôi hát. Mỗi lần hát xong, các bà bạn của mẹ đều rươm rướm nước mắt! có bà nước mắt đầm đề! Có lần tôi thỏ thẻ hỏi:
“Sao con hát hay, mà tại sao mẹ với các bác lại khóc?”
Mẹ ôm tôi vào lòng và nói: “Bao giờ lớn lên, con sẽ hiểu”.
Trí óc non nớt của tôi mơ hồ cảm nhận có điều khác thường ở mẹ, một sự mất mát rất lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh, sau giờ cơm chiều mẹ thường dạy tôi nói:
- Con là người nước nào?
- Dạ thưa, con là người Việt Nam.
- Con tên gì?
- Con tên là Di Tản.
- Con có yêu nước Việt Nam không?
- Con yêu Việt Nam lắm, vì đó là quê hương yêu dấu của con!
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen với cái tên Di Tản, thấy nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao á.
Khi tôi 5 tuổi, mẹ dắt tôi đến trường gần nhà ghi tên đi học. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt xa lạ.
Cô giáo cũng thế. Lúc mẹ chào cô ra về, tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi ngồi cô đơn trong góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi:
“What is your name?” (Tên con là gì?)
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản”.
Cô giáo chừng như không hiểu, xem lại quyển sổ và nói: “Your name is Đaithen”.
Tôi lắc đầu và lặp lại “Di Tản”. (DiTan). Cả lớp rộ lên cười. Và tôi bật khóc!
Sau buổi học, mẹ đón tôi về. Suốt quãng đường về nhà tôi lặng thinh, không nói điều gì. Mẹ âu yếm hỏi:
- Con đi học có vui không?
Chừng như chỉ chờ mẹ hỏi, tôi òa lên khóc và nói:
- Sao mẹ không đặt cho con cái tên nào dễ kêu như Helen, Cathy, Cindy hay Linda như tụi nó, mà lại đặt tên là Di Tản? Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con!
Mẹ tôi dịu dàng, xoa đầu, từ tốn bảo:
- Con có biết cả nước Canada có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không? Còn tên Di Tản chỉ có mỗi mình con thôi. Con không thấy con đặc biệt sao? Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải chứ!
Tôi nũng nịu, pha chút hờn dỗi:
- Mà cô giáo đọc là Đaithen Mẹ thấy có kỳ không?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
- Tại cô không biết cách phát âm của người Việt mình thôi. Con phải đọc lại cho cô biết, rồi từ từ cô sẽ đọc đúng mà!
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt:
- Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi! Chỉ còn cái tên Việt Nam, mà mẹ gởi trong cái tên của con, con biết không?
Đầu óc của một đứa bé lên năm, làm sao hiểu được hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ hôn và nói:
- Con xin lỗi mẹ. Con đã làm mẹ buồn lắm phải không?
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ:
- Không phải đâu, con của mẹ ngoan lắm!
Đó là chuyện ngày tôi 5 tuổi. Mãi cho đến những năm sau này, tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Nhưng chọc ghẹo cho vui chớ không có ác ý nào cả.
Lúc vào Highschool (Trung học) tôi đã lớn rồi. Tôi đã hiểu rõ ý nghĩa của cái tên Nguyễn Thị Di Tản, chứa đựng những u uất đau thương của đời mẹ và thương mẹ hơn bao giờ hết.
Thấm thoát tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái, mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi, vẫn là một đề tài nổi bật nhất!
Lại thêm cái tên Di Tản độc đáo nữa. Lúc này tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ, đã biết cách phát âm tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ, nhưng nghe cũng tạm được.
Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp, mỗi khi giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế, ngập ngừng hồi lâu mới đọc được.
Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư Canada, đọc cái tên lạ hoắc chưa bao giờ nghe thấy. Trên tay cầm bài test của tôi, ngập ngừng rồi thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên: “Oh, my god!”. Giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh. Cả lớp nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linda ngồi cạnh hích cùi chỏ vào tôi khẽ bảo:
- Di Tản, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm:
- Di Tản, Di Tản not Đai then! Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ, biết là mình phát âm sai, ông gục gặc đầu nói xin lỗi và lập lại “Di Tản, Di Tản”…
Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây, Tàu, Mễ, Gia Nã Đại, đều “cứu bồ” mỗi lần có tình trạng như trên xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương.
Đến giờ nhớ lại những lời mẹ nói ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Nó chứa tất cả dĩ vãng không quên của mẹ! Mà tôi thì thương mẹ vô cùng. Quê hương Việt Nam gắn với mẹ tôi, như hình với bóng, trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng, “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương, nhưng không thể nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”.
Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì, như phép lạ sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của cha tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng cha còn sống và sẽ có ngày gia đình tôi đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản, cha hứa sẽ gặp lại mẹ sau.
Vậy là, mẹ bụng mang dạ chửa lên phi cơ theo đoàn người di tản tại Phi trường Tân Sơn Nhất và mong có ngày gặp lại. Nhưng niềm hy vọng đó vơi dần theo năm tháng, cho đến ngày mẹ được tin cha đã kiệt sức, nằm xuống nơi trại tập trung cải tạo Gia Trung. Cuộc sống của mẹ đã thầm lặng từ bấy lâu, nay càng thầm lặng hơn.
Ngoài giờ ở sở, về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát, rồi mẹ vào phòng. Sống với cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của cha và mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Mỗi lần nhắc tới cha, mẹ như trẻ lại, mắt long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng sĩ quan Hải quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi thuộc nhiều bài hát Việt lắm nên ghẹo: “Mẹ và cha giống em hậu phương và anh nơi tiền tuyến quá!”.
Ngoài tình mẹ con, tôi như người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để mẹ trang trải nỗi niềm. Nào là “con biết không, cha con hào hoa, đẹp trai lắm trong bộ quân phục"… v.v… và v..v…
Tôi nịnh Mẹ: “Cha không đẹp trai, làm sao cua được mẹ!”.
Mẹ cười thật dễ thương. Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng, không ai có thể thay thế hình bóng cha trong tim mẹ. Tôi muốn cùng mẹ nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của mẹ và cha đến suốt cuộc đời.
Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 44 của cha, con muốn thưa với cha một điều: Con cám ơn cha mẹ đã tạo cho con nên vóc nên hình. Dù chưa một lần gặp mặt, cha đã nằm xuống, đã đi thật xa, không trở lại với mẹ với con. Song với con, cha vẫn hiện hữu bên con từng giờ, từng phút. Con nghĩ cha đã che chở mẹ con và con gần nửa thế kỷ qua. Xin cha hãy giữ gìn, che chở mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Con mong ngày nào đất nước thật sự thanh bình, tự do, không còn CS độc tài, mẹ sẽ đưa con về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ!
Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương, con sẽ thấy cha mỉm cười và nói với con: “Cha sung sướng lắm, con biết không? Con yêu dấu...! vì sao con có tên Nguyễn Thị Di Tản!”
(Hoàng Thị Tố Lang)
Giới Thiệu Sinh Hoạt Tháng Tư: Hỏi Lại Nước Mỹ, Những Câu Chưa Hỏi Trong 50 Năm Qua!
(Phạm Phú Nam)
Kính gửi quý thân hữu xa gần:
Sau một hai năm vì nạn đại dịch Covid nên chúng ta ít gặp nhau. Nay Covid đã giảm hẳn nếu không nói là đã chấm dứt. County đã mở rộng cửa cho chúng ta gặp nhau. IRCC, Viet Museum cùng với Dân Sinh Media đã tận dụng ngay cơ hội này tổ chức một buổi hội ngộ trong vòng thân hữu có chủ đề: HỎI LẠI NƯỚC MỸ, những câu chưa hỏi trong 50 năm qua nhân dịp 48 năm sau tưởng niệm biến cố 30/4/1975.
Chúng tôi đã mời Giáo Sư Sử Học JAY VIETH, Một người Mỹ, sau bao năm nghiên cứu đã chịu ngồi "lãnh đạn" để trả lời những câu hỏi hóc búa nhất của khán giả.
Cùng ngồi kế bên chịu đạn lạc là Giáo Sư VŨ TƯỜNG, một học giả Uyên Thâm người Việt cũng sẵn sàng cho những câu hỏi chưa hỏi bao giờ.
Cách tổ chức quen thuộc chính là tạo cơ hội cho thân hữu chúng ta gặp nhau, tay bắt mặt mừng chúc nhau mọi điều sức khoẻ, uống ly cà phê hay nước trà nóng hàn huyên rồi tham dự buổi hội ngộ trong sự hào hứng nhất.
Quý vị sẽ nghe chúng tôi (Phạm Phú Nam & Vũ Văn Lộc kể chuyện, xem lại những thước phim lịch sử hiếm hoi, có thể sẽ gặp một vài vị "anh hùng" từng chiến đấu đến phút cuối cùng của ngay 30/4 và sẽ nghe những khuôn mặt xinh đẹp ngây thơ sinh sau 1975 nhưng lại có thể đặt những câu hỏi rởn tóc gáy.
Và chắc chắn quý vị sẽ nghe một bản nhạc mà kể từ ngày ra mắt đã làm bao nhiêu triệu trái tim rung động, biết yêu đời lính và người lính, và làm cả đất trời VNCH trở nên một, một quốc gia đang cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung.
Nhưng những âm mưu chính trị nào, âm mưu lừa lọc nào, sự bội phản nào đã làm cho VNCH đổ sụp và tan rã, dẫn đến ngày 30/4/1975.
Chúng ta cần hỏi lại nước Mỹ một lần.
Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự ngày Hội Ngộ "Hỏi Lại Nước Mỹ", sẽ được tổ chức lúc 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa Thứ Bảy 29/4/2023 tại phòng hội quận hạt Santa 70 West Hedding Street, San Jose
Trân trọng kính mời
Thông Báo
v/v Hủy Buổi Văn Nghệ Tưởng Niệm Tháng 4 Đen, do Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali Tổ Chức.
-Kính thưa Quý Bậc Trưởng Thượng
-Kính thưa Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể Người Việt Quốc Gia
- Kính thưa Quý Cơ Quan Truyền Thông Báo Chí
Vào Tháng 4 Đen, trong tâm tình cùng toàn thể người Việt tị nạn Cộng Sản tưởng niệm ngày Miền Nam Tự Do, Dân Chủ, bị bức tử bởi sự cưỡng chiếm, bởi ý đồ nhuộm đỏ của CS Hà Nội, với sự tiếp tay của CS quốc tế,
Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, có dự định tổ chức 1 buổi văn nghệ Tưởng Niệm Tháng 4 Đen, vào Chủ Nhật, ngày 23 tháng 4 năm 2023 tới đây, tại Cà Phê Lover đường Capitol.
Tuy nhiên vì lý do sức khỏe, Anh phụ trách văn nghệ của Hội, bị bịnh bất ngờ, nên chúng tôi xin được hủy buổi văn nghệ Tưởng niệm này.
Kính thông báo và mong quý vị thông cảm và thứ lỗi, về lý do bất khả kháng này.
Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali
Tin Cộng Ðồng:
Cực Lực Lên Án Nhà Cầm Quyền Côn Đồ CSVN, Với Những Biện Pháp “Đàn Áp Những Người Đấu Tranh, Đối Lập Xuyên Biên Giới!”
Người Việt Tị Nạn ở Thái Lan Cảm Thấy Bất An, Lo Sợ Sau Việc Ông Đường Văn Thái Bị Bắt!
(Ảnh chụp màn hình: Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường
-Người Việt tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng họ rất “hoang mang, lo sợ” sau vụ nhà báo độc lập Đường Văn Thái bất ngờ mất tích ở Vọng Các và sau đó được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam loan rằng ông đã bị bắt vì “nhập cảnh trái phép”.
“Người tị nạn rất lo lắng, hoang mang bởi vì đây là trường hợp đầu tiên người đã có quy chế tị nạn và đã phỏng vấn tái định cư mà bị Cộng sản Việt Nam bắt cóc về”, ông Đoàn Huy Chương, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, cho biết hôm 18/4/2023.
Hôm 13/4, ông Đường Văn Thái, sử dụng mạng xã hội với tên Thái Văn Đường, đã biến mất tại phi trường Vọng Các nơi ông chuẩn bị đón một người bạn.
Các nhà hoạt động cho biết vào buổi sáng ngày mất tích, ông Thái đã có một cuộc phỏng vấn tái định cư với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), cơ quan đã cấp quy chế tị nạn cho ông từ năm 2020.
Đến ngày 16/4, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng nhà chức trách Hà Tĩnh đã bắt giữ một “đối tượng” có tên Đường Văn Thái mà họ cho là “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam.
Ông Lê Văn Thương, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và đang tị nạn tại Thái Lan, chia sẻ với VOA:
“Nếu như chính quyền Cộng sản Việt Nam thực hiện một vài vụ bắt cóc trót lọt và không có một tổ chức quốc tế nào lên tiếng về vấn đề này thì tất nhiên sẽ diễn ra các cuộc bắt cóc tiếp theo và thực hiện đồng loạt với quy mô lớn hơn. Đó là vấn đề mà người tị nạn tại Thái Lan đang lo sợ, lo sợ bị chính quyền Việt Nam bắt rồi đưa về nước và sau đó tiến hành các hình thức trả thù rất nặng nề đối với họ”.
“An ninh Cộng sản, chim mồi Cộng sản có mặt khắp mọi nơi ở Thái Lan, họ có thể bắt cóc hay thủ tiêu chúng tôi ở mọi thời điểm nào”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, người tị nạn tại Thái Lan, chia sẻ với VOA.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, một phật tử ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam, cho biết thêm rằng bà đã có quy chế tị nạn từ tháng 9/2020 và vừa phỏng vấn tái định cư tị nạn với UNHCR hôm 12/4, cùng thời gian với cuộc phỏng vấn tương tự của ông Đường Văn Thái.
Ông Đoàn Huy Chương nói rằng ông không nghĩ chính quyền Thái Lan có liên quan hay tiếp tay cho chính quyền Việt Nam trong việc bắt ông Đường Văn Thái.
Theo tổ chức phi chính phủ BPSOS, hiện nay có khoảng 800 người Việt Nam đã được xét có quy chế tị nạn tại Thái Lan, và nhiều người trong số họ phải chờ nhiều năm để có cơ hội đi định cư ở các nước thứ ba.
Sau khi truyền thông Việt Nam loan tin về việc ông Đường Văn Thái “nhập cảnh trái phép” – một vi phạm thường bị giải quyết bằng hình thức xử phạt hành chính – một số tờ báo nhà nước lại tiếp tục đăng tin về ông như một “đối tượng chống phá nhà nước”.
“Đối tượng Đường Văn Thái vừa bị bắt giữ trùng tên và địa chỉ quê quán với một Youtuber thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với tên gọi “Thái Văn Đường” Đối tượng Thái Văn Đường thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước” trang Công Thương đăng tin hôm 17/4. Trang VietnamPlus cũng có phóng sự tương tự.
“Việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam loan tin như vậy là nhằm tránh né việc họ bắt cóc một người trên một đất nước thuộc khối ASEAN. Chúng tôi phản đối việc làm bất hợp pháp đó và chúng tôi rất lo lắng”, ông Đoàn Huy Chương nhận định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của VOA.
Báo Đức Taz hôm 17/4 dẫn lời ông Daniel Bastard thuộc tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho biết vụ bắt cóc mới này được cho là do cơ quan mật vụ Việt Nam thực hiện cho thấy “sự vô đạo đức ngày càng tăng của chính quyền Việt Nam trong việc theo đuổi những tiếng nói độc lập”.
Nếu vụ bắt cóc này được xác nhận, đây sẽ là vụ bắt cóc công dân Việt Nam ở ngoại quốc thứ bảy do mật vụ Cộng sản Việt Nam thực hiện kể từ năm 2003, cũng theo Taz. Theo tờ báo này, các vụ bắt cóc trước đó bao gồm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Bá Linh vào mùa Hè năm 2017; vụ nhà sư và nhà bất đồng chính kiến Thích Trí Lực bị bắt cóc từ Cam Bốt về Việt Nam năm 2003, nhà bất đồng chính kiến Lê Trí Tuệ năm 2007 và cựu viên chức kinh tế Dương Chí Dũng năm 2012; vụ cặp vợ chồng Phạm Bá Huy và Phạm Thị Phượng tị nạn ở Thái Lan bị bắt cóc năm 2010, và gần nhất là vụ nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt vào năm 2019.
Tờ báo Đức cho biết nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phủ nhận tất cả các vụ bắt cóc này. Trường hợp duy nhất có điều tra giải quyết ở nước sở tại là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Bá Linh, mà đến nay có 2 người gốc Việt bị phạt tù.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Cuối Cùng Công An Hà Tĩnh Phải Xác Nhận, YouTuber Thái Văn Đường Đã Về Nước! (Thật Ra Là Bị Bắt Cóc, Mang Về Việt Nam!)
(Hình: Ông Đường Văn Thái.)
-Vào ngày 16/4/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo trên trang web chính thức việc phát giác một “đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1”. Theo thông báo, người bị phát giác là Đường Văn Thái, sinh năm 1982, trùng danh tính của một blogger, YouTuber đang tị nạn chính trị tại Thái Lan và đã mất tích khỏi nơi ở cách đây 2 ngày.
Vào ngày 14/4, những người bạn tại Thái Lan của ông Đường Văn Thái (người còn được biết với cái tên Thái Văn Đường) xôn xao về khả năng ông đã bị an ninh Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc mang về Việt Nam sau khi ông rời nhà trọ đi đón bạn vào sáng ngày 13/4 ở phi trường và từ đó biệt vô âm tín. Mọi liên lạc điện thoại với ông vào chiều cùng ngày đều không có trả lời. Những người bạn của ông đến nhà ông vào tối 14/4 thì thấy cửa khóa và không có ai ở nhà.
YouTuber Thái Văn Đường là người sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và là người có nhiều bài viết đăng tải trên Facebook, YouTube cá nhân chỉ trích Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Đảng Cộng sản.
Theo người quen của ông Thái (giấu tên vì lý do an ninh), ông Thái đã có cuộc phỏng vấn định cư với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) qua video vài tiếng đồng hồ trước khi bị mất tích.
Nghi ngờ về khả năng ông Thái bị an ninh Cộng sản Việt Nam bắt cóc trên đất Thái Lan được nhiều người Việt quen biết ông cho rằng có cơ sở khi đã từng có một trường hợp tương tự là blogger Trương Duy Nhất bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin tị nạn tại Thái Lan vào năm 2019. Công an Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ xác nhận thông tin này.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã liên hệ với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Vọng Các để hỏi thông tin về Đường Văn Thái nhưng không có ai trả lời.
Diễn Biến “Lạ!” Từ Truyền Thông Việt Nam Xung Quanh Vụ Blogger Thái Văn Đường “Mất Tích!”
(Quốc Phương)
(Hình: Ông Đường Văn Thái (còn được biết đến với tên Thái Văn Đường.)
-Blogger, nhà hoạt động mạng xã hội Việt Nam, ông Thái Văn Đường, được nhiều người đang tìm quy thế tỵ nạn tại Thái Lan bị cho là “mất tích” hôm 13/4/2023. Đến ngày 16/4, tin từ truyền thông nhà nước khiến người đọc thấy có sự trùng lặp. Theo đó có một người nhập cảnh bất hợp pháp vào Hà Tĩnh ở miền Trung Việt Nam mà một số đặc điểm nhận diện trùng với nhà hoạt động này, trong đó có tên tuổi.
Hôm 16/4/2023, truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin liên quan, trong đó, trang mạng Chính phủ đăng tựa đề: “Phát giác Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam”.
Báo Tuổi trẻ đăng cùng lúc bài với hàng tít: “Phát giác người đàn ông tên Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam”.
Hàng tựa lớn trên báo Pháp luật Tp. HCM được đọc thấy cùng ngày là “Công an bắt người tên Đường Văn Thái xâm nhập vào Việt Nam trái phép”.
Trong khi đó, tờ Tiền Phong chạy tựa: “Đường Văn Thái bị bắt vì xâm nhập trái phép vào Việt Nam”.
Tin này cũng được Thông Tấn Xã Việt Nam quan tâm đưa, với một bài trên trang Tin tức, có tựa đề: “Bắt giữ đối tượng khai nhận tên là Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam”.
Từ Hà Nội, hôm thứ Hai, 17/4, trên trang Facebook cá nhân, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, một nhà quan sát thời sự Việt Nam đưa ra bình luận trong một dòng trạng thái, ông viết:
“Sự kiện truyền thông chưa từng có: Bắt một kẻ “vô danh”, “tội” quá nhẹ, nhưng… hàng loạt báo lớn cùng đưa tin cực nhanh; lại cùng nội dung và “minh họa” bằng ảnh bắt người… Trung Quốc”.
“Nhưng… thật may!, (như đã được chuẩn bị sẵn), một báo… có ngay bài công phu, “tiết lộ” chút ít điều “bí ẩn” đó”.
Và blogger Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh từng làm việc tại Bộ Công an Việt Nam trước khi trở thành nhà hoạt động báo chí, mạng xã hội độc lập, chú thêm: “(Ảnh nhân vật còn bị gạch chéo như thể đã... CHẾT)”, trước khi dẫn thêm tựa đề từ báo mạng Công Thương, với hàng tít nhấn mạnh và ghi rõ: “Bộ mặt thật của đối tượng Đường Văn Thái”.
Tờ báo thuộc Bộ Công thương của Việt Nam viết:
“Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa bắt giữ đối tượng nhập cảnh trái phép có tên Đường Văn Thái trùng tên với một kẻ chuyên thông tin sai sự thật chống phá Nhà nước….
“Bước đầu, đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái (sinh năm 1982), quê quán ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội….
“Đáng chú ý, đối tượng Đường Văn Thái vừa bị bắt giữ trùng tên và địa chỉ quê quán với một YouTuber thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với tên gọi “Thái Văn Đường”. Đối tượng Thái Văn Đường thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước. Theo một số nguồn tin, thời gian gần đây, đối tượng Thái Văn Đường đang tị nạn tại Thái Lan”.
“Đóng Kịch Nhưng Vụng Về, Giấu Đầu Hở Đuôi”?
Theo dõi diễn biến này từ Nha Trang, về ứng xử của truyền thông Việt Nam với sự kiện trên, nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước khá quen thuộc với khán, thính và độc giả của RFA Tiếng Việt, hôm 17/4 đưa ra bình luận:
“Tôi cho rằng cái này là giấu đầu, hở đuôi, vụng về. Nếu người nào tinh ý một chút thì đều phát giác ở đây có một sự gọi là đóng kịch.
“Thực sự là như thế, chứ làm sao mà lại đồng loạt được như thế. Tôi chắc các báo đều đối chiếu và khớp với bên trên và với nhau, và nếu không có lệnh của một ông ‘nhạc trưởng’ nào đó, từ bên công an hay bên tuyên giáo, thì làm sao các báo lại có thể làm đồng loạt được như thế?”
“Cái đó theo tôi là lộ liễu quá!”
Khi được hỏi là nếu đúng như nhận định đó, thì tại sao sự kiện này lại diễn ra như vậy với truyền thông ở Việt Nam đưa tin theo cách thức như thế, nhà báo Võ Văn Tạo đáp:
“Tại vì những lần Việt Nam làm theo ý của Việt Nam, như là vụ Trịnh Xuân Thanh ở bên Cộng hòa Liên bang Đức, rồi vụ nữa cũng ồn ào, mang tiếng, là vụ Trương Duy Nhất, về mặt đối ngoại.
“Cho nên tôi nghĩ lần này họ tìm cách làm như vậy, tức là thay bằng cách khác. Nhưng mà cách nào, chứ cách như thế này, thì những người mà tinh ý một chút mà để ý chuyện này thì biết ngay rằng không phải sự thật là như thế.
“Mà chủ yếu là họ (chính quyền) tránh né chuyện mang tiếng can thiệp, hoặc xâm phạm vào chủ quyền của các quốc gia khác.
“Tôi biết từ lâu rằng ngay cả Tân Gia Ba cũng ‘sợ’ Việt Nam, ngay cả an ninh Tân Gia Ba cũng đặt vấn đề, nhưng họ có vẻ cũng để cho an ninh Việt Nam qua bên đó để “bắt”, rồi “rong về”.
“Còn Thái Lan thì hồi nào đến giờ, họ vẫn ‘khiếp’ Việt Nam rồi, nhưng họ cũng thực dụng lắm, họ không đánh đổi quan hệ của họ lấy mấy ‘ông dân chủ’ ở Việt Nam làm gì, tôi nghĩ giới (hoạt động) dân chủ ở Việt Nam chẳng là cái gì đối với Chính phủ Thái Lan, không là cái gì hết.
“Cho nên đời nào họ đánh đổi, và nếu phía Việt Nam có ‘đặt vấn đề’, thì họ ok, đồng ý liền”.
(Hình AFP: Cựu viên chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình Nhà nước Việt Nam hôm 4/8/2017. Ông Thanh bị an ninh Cộng sản Việt Nam bắt cóc khi đang xin quy chế tị nạn tại Đức.)
“Một Sự Dàn Dựng Bất Chấp?”
Từ Bá Linh, cùng ngày thứ hai, nhà báo Võ Thị Hảo, người từng xin quy chế tị nạn chính trị tại Cộng hòa Liên bang Đức nhiều năm về trước, cho hay bà có theo dõi sự việc này và về cách thức truyền thông, báo chí chính thống của Nhà nước Việt Nam đưa tin, bà bình luận:
“Tôi được biết là ngày 14/4/2023, bạn của nhà bất đồng chính kiến Đường Văn Thái (tức Thái Văn Đường) đã xôn xao thông tin rằng ông bị mất tích và có khả năng bị an ninh Việt Nam sang tận Thái Lan bắt cóc về Việt Nam. Báo chí Việt Nam đã im lặng, đến tận ngày 16/4 thì đồng loạt đưa tin rằng ông Thái đã “xâm nhập Việt Nam trái phép” và bị bắt tại cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh....
“Xét hoàn cảnh, theo kinh nghiệm của tôi cũng như nhiều nhà thạo tin thì thủ đoạn đổ cho người bị bắt cóc tội “xâm nhập trái phép” là cách đưa tin có nhiều khả năng là bất chấp sự thật, đưa tin theo chỉ đạo của cấp trên để che giấu cho việc bắt cóc rất đáng hổ thẹn.
“Trên góc nhìn, quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hiếm có ai tin rằng đó không phải là một sự dàn dựng của mật vụ Việt Nam, rồi đổ cho người bị bắt tội “xâm nhập trái phép”. Sự việc diễn biến cũng cùng cách tương đồng với vụ nhà bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc năm 2019 tại Thái Lan”.
Và nhà báo, nhà quan sát thời sự Việt Nam từ Bá Linh tiếp tục nêu nhận định mang tính giả thuyết của mình, bà nói:
“Còn nếu thông tin về việc nghi ông Thái Văn Đường bị mật vụ Việt Nam bắt cóc không được một số tờ báo hải ngoại tung ra trước ngày 16/4 thì có thể công an Việt Nam đã ém nhẹm sự việc này?
“Vì sự việc xảy ra từ 13/4 nhưng không tờ báo Việt Nam nào đưa tin. Khi thông tin đã tung ra thế giới, tận ngày 16/4, các báo, trong đó có báo Hà Tĩnh – mới đồng loạt đưa tin là ông Đường Văn Thái hay Thái Văn Đường xâm nhập trái phép! Vậy ai có thể thực sự tin rằng đây không phải là một sự dàn dựng bất chấp?
“Qua diễn biến, sự việc này, tôi cho rằng Việt Nam thêm một lần ngạo nghễ tuyên bố với thế giới: mật vụ Việt Nam có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến dám nói lên sự thật, dù họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đặc biệt dễ tổn thương là đồng bào Việt Nam đang phải rời quê hương để nương náu tại các nước Đông Nam Á, dẫu là họ đang ở Thái Lan là một trong những hiếm hoi tại khu vực này còn lòng nhân đạo, có thể giúp đỡ người tị nạn”.
Theo nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, diễn biến mới này còn chứng tỏ Việt Nam “công bố thêm” một “sự đe dọa” đối với tự do ngôn luận và người bất đồng chính kiến.
“Chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới thăm Việt Nam mà Việt Nam thực hiện hành vi này, chắc chắn không phải là ngẫu nhiên.
“Đó là một tảng đá khổng lồ được nhóm quyền lực nào đó đặc biệt thiết kế để chặn đường tiến tới quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Mỹ”, bà Võ Thị Hảo đưa ra nhận định trên quan điểm cá nhân, hôm 17/4.
Còn về phía Việt Nam, trước đó, hôm Chủ Nhật 16/4/2023, bài báo có tựa đề ‘Bắt giữ đối tượng khai nhận tên là Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam’ đăng chính thức và công khai trên trang Tin Tức đưa tin và khẳng định:
“Ngày 16/4, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận vừa phát giác và bắt giữ một đối tượng không có giấy tờ tùy thân khi đang xâm nhập trái phép vào Việt Nam.
“Trước đó, vào chiều tối 14/4, lực lượng Công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) phát giác một đối tượng không có giấy tờ tùy thân xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn nên đã đưa về trụ sở để làm rõ.
“Bước đầu, đối tượng khai nhận tên là Đường Văn Thái (sinh năm 1982), quê quán ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
“Ngay sau đó, Công an xã Sơn Kim 1 đã bàn giao đối tượng cho Công an huyện Hương Sơn để kiểm tra, xác minh, làm rõ và giải quyết theo quy định của pháp luật”, trang tin mạng thuộc thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin cho hay.
Còn như tin RFA Tiếng Việt đã đưa từ hôm 15/4/2023, RFA đã có nỗ lực liên lạc bằng cách gọi điện cho Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Vọng Các, Thái Lan để hỏi thông tin về Đường Văn Thái nhưng tại thời điểm liên lạc đó đã không có ai trả lời. RFA Tiếng Việt cũng gửi thư điện tử cùng lúc tới các cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi cùng thời điểm.
Vẫn theo tin bài đã đưa trên RFA Tiếng Việt, ông Đường Văn Thái được cho là một nhân vật nhiều tranh cãi. Trong khi có nhiều người thường xuyên theo dõi tin tức chia sẻ từ ông trên các kênh Facebook và YouTube, thì có một số người khác cho rằng tin tức mà ông chia sẻ không có độ tin cậy cao.
CSVN Bắt Đường Văn Thái Vì ‘Xâm Nhập Trái Phép’ Giữa Lúc Có Tin Nhà Hoạt Động Tị Nạn Chính Trị Mất Tích Bí Mật ở Thái Lan
(Hình: Cựu nhà báo bất đồng chính kiến Đường Văn Thái bị cho là mất tích ở Thái Lan cùng thời điểm nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thông báo bắt giữ ông khi “xâm nhập trái phép” qua cửa khẩu ở Hà Tĩnh.)
-Hôm 16/4/2023, truyền thông do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quản lý đồng loạt đưa tin rằng các nhà chức trách đã bắt giữ một “đối tượng” có tên Đường Văn Thái mà họ cho là “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam giữa lúc có các thông tin rằng nhà hoạt động đang xin tị nạn này bị mất tích ở Thái Lan.
Báo Điện tử Chính phủ và nhiều tờ báo chính thống trong nước cùng đăng một bản tin có nội dung tương tự, trong đó nói rằng công an Hà Tĩnh đang xác minh, làm rõ “người đàn ông xâm nhập trái phép vào địa phương này qua đường mòn, lối mở”.
Người đàn ông mà tờ báo chính thống của Chính phủ Việt Nam và nhiều báo do nhà nước kiểm duyệt gọi là “đối tượng” bị công an Hà Tĩnh phát giác vào Việt Nam trái phép qua lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Kim Sơn 1.
Theo báo Chính phủ, người đàn ông này không có giấy tờ tùy thân nhưng khai nhận tên Đường Văn Thái, sinh năm 1982, quê quán thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thuộc Hà Nội.
Trước đó, nhiều nhà hoạt động xã hội trong và ngoài nước lên tiếng về sự mất tích của YouTuber bất đồng chính kiến Đường Văn Thái, hiện đang xin tị nạn chính trị và sống ở Thái Lan.
Bà Grace Bui, một nhà hoạt động nhân quyền và thiện nguyện trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan, cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết bà được tin ông Thái bị bắt ngày 14/4 và gọi ngay cho ông nhưng điện thoại “chuông reo nhưng không bắt máy”. Trước đó hôm 12/4, theo bà Grace Bui, ông Thái “có phỏng vấn tái định cư với UNHCR (Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc)”.
Một bài báo bằng tiếng Thái Lan được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhắc đến Thai Van Duong (tên trên mạng xã hội của ông Đường Văn Thái) và hình ảnh những đăng tải cuối cùng của ông trên Facebook về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Hà Nội và Lễ té nước Songkran ở Thái Lan. Theo anh Chinh Nhân, người chia sẻ thông tin và bản thân cũng đang xin tị nạn ở Thái Lan, cho VOA biết bài viết của báo Thái Lan nói “họ nghi ngờ hai bài viết cuối cùng của Thái là do những người an ninh CSVN viết đăng lên nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận là thời điểm đó TVĐ (Thái Văn Đường) vẫn còn bình an vô sự, thực chất thì TVĐ đã bị (an ninh) CSVN bắt trước đó rồi”.
Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) không thể độc lập kiểm chứng các thông tin trên.
Trước đây vào năm 2019, nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất cũng được cho là đã “đột ngột mất tích ở Thái Lan” khiến 3 Dân biểu Quốc hội Mỹ phải yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra sự việc bị nghi là do các đặc vụ Việt Nam thực hiện. Chính quyền Việt Nam sau đó kết án ông Nhất 10 năm tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Trước đó hai năm, chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đưa các đặc vụ đến bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh tại Bá Linh, nơi mà ông này khi đó đang xin bảo hộ tị nạn. Việt Nam sau đó nói ông Thanh “tự về nước đầu thú” và kết án ông tù chung thân với cáo buộc tham nhũng.
Ông Thái, một cựu nhà báo ở Việt Nam, từng tham gia nhóm “Lều của đầy tớ”, một trang Facebook chia sẻ thông tin về nhà cửa dinh thự của viên chức chính quyền. Ông cũng đưa nhiều tin tức khó kiểm chứng về tham ô hay sự cấu kết giữa các viên chức hay của viên chức và doanh nghiệp sân sau.
Bà Grace Bui cho biết bà đã báo với UHNCR ở Thái Lan về việc ông Thái, người đến tị nạn ở Thái Lan từ tháng 2/2019, bị mất tích. VOA đã gửi yêu cầu bình luận đến văn phòng UNHRC ở Vọng Các.
Ông Thái từng nói với VOA hồi đầu năm 2022 rằng ông và những người Việt Nam đang tị nạn ở Thái Lan lo ngại việc văn phòng của UNHRC tại Bangok chậm mở cửa lại sau đại dịch sẽ dẫn đến việc thẻ tị nạn của họ bị hết hạn và có nguy cơ bị an ninh nước sở tại bắt giữ.
Người Việt tị nạn ở Thái Lan hiện không có trại tị nạn, sống bấp bênh và phải tự bươn chải trong khi chính phủ Thái Lan xem mọi người đào tị là di dân bất hợp pháp, và những người tị nạn này có thể bị chính quyền nước sở tại bắt bất cứ lúc nào. Theo tổ chức BPSOS, hiện nay có khoảng 800 người Việt Nam đã được xét có quy chế tị nạn tại Thái Lan, và nhiều người trong số họ phải chờ nhiều năm để có cơ hội đi định cư ở các nước thứ 3.
Truyền thông trong nước cho biết công an Hà Tĩnh đang “kiểm tra, xác minh, làm rõ, giải quyết theo quy định của pháp luật” đối với việc “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam của ông Đường Văn Thái.
Có Thật Đường Văn Thái ‘Xâm Nhập Việt Nam’ và Không Tin Thì... Thôi!
(Trân Văn)
-Chưa rõ vì sao mà “Thái Văn Đường” hay Đường Văn Thái rất thạo “tin cung đình”. Những thông tin mà ông Thái cung cấp cho công chúng qua Facebook hay YouTube không chỉ sớm mà còn khá chính xác về nội tình thượng tầng chính trị Việt Nam....
Vài ngày sau khi nhiều người sử dụng mạng xã hội kháo với nhau rằng dường như “Thái Văn Đường” (tên mà ông Đường Văn Thái sử dụng trên mạng xã hội) đã bị công an Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt loan báo: Tối 14/4/2023, Công an xã Sơn Kim 1 của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã phát giác một người đàn ông không có giấy tờ tùy thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1. Người đàn ông này khai nhận tên Đường Văn Thái (41 tuổi, quê quán ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Hiện Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiếp nhận người đàn ông này để kiểm tra, làm rõ, giải quyết theo quy định của pháp luật.
***
Chưa rõ vì sao mà “Thái Văn Đường” hay Đường Văn Thái rất thạo “tin cung đình”. Những thông tin mà ông Thái cung cấp cho công chúng qua Facebook hay YouTube không chỉ sớm mà còn khá chính xác về nội tình thượng tầng chính trị Việt Nam nên số người theo dõi các tài khoản của cá nhân ông trên mạng xã hội có lúc lên tới hàng triệu, chưa kể những thông tin do ông Thái cung cấp còn được nhiều người sử dụng mạng xã hội khác dẫn lại. Cũng vì vậy, ông Thái là một cái gai mà nhiều cá nhân, nhiều nhóm trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam muốn nhổ song không nhổ được bởi ông Thái cư trú ở bên ngoài Việt Nam. Cách duy nhất mà chính quyền Cộng sản Việt Nam trị ông Thái là tìm đủ cách để vô hiệu hóa các tài khoản của ông trên mạng xã hội....
Đây là... “tố giác” mới nhất của một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam về ông Thái Văn Đường: Y sinh năm 1982 và có quê quán tại thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ năm 2001, Thái Văn Đường tham gia công tác đoàn tại thôn Hà Lâm 3. Năm 2009, Thái Văn Đường làm hợp đồng tại Trung tâm Quỹ đất huyện Đông Anh – Hà Nội. Năm 2013, Thái Văn Đường thi công chức nhưng không đỗ và xin nghỉ việc. Từ năm 2016 đến 2017, Thái Văn Đường theo học Thạc sĩ Quản lý đất đai tại Hán Thành, Nam Hàn. Từ cuối năm 2017, Thái Văn Đường về nước trú ngụ tại Tp. HCM. Trong quá trình đi học, Thái Văn Đường giao du kết thân với nhiều phần tử chống phá nhà nước Việt Nam. Sau đó, Thái Văn Đường lần lượt tham gia các tổ chức hội nhóm bất hợp pháp như “Hội Nhà báo độc lập”, “Hội Anh em dân chủ” và tiến hành nhiều hoạt động chống nhà nước. Thái Văn Đường còn khởi tạo và tham gia điều hành nhóm “Lều của Đầy tớ” trên mạng xã hội Facebook, thường xuyên đăng tải và phát tán những hình ảnh, thông tin sai lệch về nhà cửa, gia thế của các viên chức, lãnh đạo. Thậm chí, nhiều lần Thái Văn Đường còn lợi dụng các vấn đề như sự việc do Formosa gây ra để kích động biểu tình, bạo loạn. Thái Văn Đường còn là nhân vật cốt cán của nhóm “Bạn hữu đường xa”. Nhóm này được các tổ chức phản động như: Đảng Việt Tân, Đảng Dân chủ Việt, Chính phủ Việt Nam tự do tài trợ hàng trăm triệu để ngày ngày tổ chức gây rối ở BOT Cai Lậy. Gần đây, Thái Văn Đường tìm cách trốn sang Thái Lan để chờ xin đi tỵ nạn chính trị ở các nước phương Tây. Khi trốn chạy tại Thái Lan, Thái Văn Đường đã liên tục đăng tải các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, công kích, sai sự thật về sự kiện nóng trong nước... nhằm bôi đen nhà nước với mục đích mong các thế lực thù địch ở hải ngoại hỗ trợ cho y được phép tị nạn tại một nước thứ ba. Bên cạnh đó, tại Thái Lan, Thái Văn Đường còn thường xuyên đăng tải những bài viết, thông tin xào nấu, bóp méo sự thật liên quan đến các doanh nghiệp, doanh nhân, đời tư lãnh đạo hòng chống phá nhà nước và kiếm tiền bất chính, trục lợi cho bản thân.
Không cần ngẫm nghĩ nhiều ắt cũng có thể tự kết luận, thông tin về việc “vừa bắt được người đàn ông tên Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới” cũng như lời lẽ và nội dung... “tố giác” như vừa dẫn giống sản phẩm của một cơ quan truyền thông đúng nghĩa hay giống giọng điệu của... Công an Nhân dân Việt Nam. Trong khi một số cơ quan truyền thông lập lờ... “còn phải chờ cơ quan chức năng xác định Đường Văn thái có đúng là Thái Văn Đường hay không” thì một số cơ quan truyền thông khác... “tố giác” như... “đúng rồi”! Thậm chí, ngoài... “tố giác”, có trang web được lập ra để “đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch trên Internet” còn... “phán đoán” rằng... “đối tượng đang tìm mọi cách để tiếp cận Ngoại trưởng Mỹ nhằm tìm cơ hội đến một nước thứ ba sau cuộc phỏng vấn mới nhất tại Thái Lan”.
***
Cứ như những gì các cơ quan truyền thông chính thức và trang web... phò đảng mới công bố thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam biết rất rõ, tuy là công dân Việt Nam nhưng ông Đường Văn Thái đã được Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công nhận đủ điều kiện để được hưởng Quy chế Tị nạn từ ngày 3/4/2020. Ông Thái chỉ tạm trú tại Thái Lan trong khi chờ đợi hoàn tất những thủ tục liên quan tới việc sẽ được quốc gia nào đó tiếp nhận định cư. Một người tị nạn vừa được UNHCR phỏng vấn vào đầu tháng này để tiếp tục giải quyết tiến trình tìm nơi định cư như... “tố giác” có sẵn sàng rời Thái Lan, băng qua Lào để “xâm nhập trái phép Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới” thuộc địa phận Hà Tĩnh?
Rõ ràng, việc ông Đường Văn Thái hay “Thái Văn Đường” đã “xâm nhập trái phép Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới” chẳng khác gì việc ông Trịnh Xuân Thanh bí mật từ Đức tìm đường về Hà Nội... “đầu thú” hồi 2017, hay việc ông Trương Duy Nhất đột nhiên “mất tích” khi đang xúc tiến thủ tục xin hưởng Quy chế Tị nạn với UNHCR tại Thái Lan hồi năm 2020, sau đó đột nhiên bị đưa ra xét xử tại Việt Nam và bị phạt 10 năm tù. Đường Văn Thái hay “Thái Văn Đường” chỉ là một ví dụ nữa về “pháp chế Xã hội chủ nghĩa” về “cam kết thăng tiến nhân quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế” và nếu bị truy vấn, lên án gắt gao quá thì thản nhiên tuyên bố, kiểu như: Về Báo cáo Nhân quyền năm 2019, thật đáng tiếc - một cơ quan, tổ chức lớn như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại xuyên tạc sự thật, đồng thời phá hoại quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là khi thời kỳ chiến tranh lạnh đã khép lại (1991), thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra. Đặc biệt, khi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã sang một trang mới, tốt đẹp, đầy hứa hẹn…. Về trường hợp Trương Duy Nhất bị các cơ quan chức năng bắt, xử phạt hình sự thì sao? Câu trả lời rằng: Đây là điều bình thường, giải quyết đúng theo pháp luật quốc gia. Còn chuyện bắt Trương Duy Nhất như thế nào thì thuộc quyền của cơ quan chức năng .
Hoa Kỳ Sẽ Cung Cấp Thêm Cho Việt Nam Một Tàu Tuần Duyên Nữa
(Hình: Tàu CSB 8021 ở Seattle, Mỹ.)
-Mạng báo Naval Recognition chuyên về mảng tin Hải quân loan ngày 17/4/2023 cho hay Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm một tàu tuần duyên nhằm giúp Hà Nội tăng cường an ninh trên biển.
Theo đó, phái đoàn các Nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam hôm ngày 8/4 vừa qua cho biết Quốc hội và Chính phủ Hoa Thịnh Ðốn đều ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược. Trong khuôn khổ này, ngoài hai tàu tuần duyên mà phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam, phía Hoa Kỳ sẽ sớm cung cấp thêm cho Hà Nội một tàu tuần duyên nữa. Việc này sẽ được thực hiện sau khi mọi chi tiết liên quan được hoàn tất.
Vào ngày 20/4/2022, Ðại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper khi đến nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội cũng nhắc đến vấn đề chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam. Ông Marc Knapper nhắc lại cam kết hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này để tăng cường năng lực của Hà Nội trên phương diện an ninh hàng hải.
Ông Marc Knapper nhắc lại vào năm 2021, Hoa Kỳ bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu CBS 8021 và vào năm 2017 là chiếc CBS 8020.
Vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trong cương bị người đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ. Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Blinken đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Phi Luật Tân Áp Thuế Chống Bán Phá Giá Với Xi-Măng Việt Nam
(Hình: Công nhân đang chất các bao xi-măng tại bến ở Sông Hồng, Hà Nội, hôm 21/5/2020.)
-Hôm 17/4/2023, truyền thông nhà nước dẫn nguồn tin từ Hiệp hội xi-măng Việt Nam (VNCA) cho biết hàng chục doanh nghiệp xi-măng của Việt Nam mới đây đã phải chịu thuế chống bán phá giá tạm thời từ Phi Luật Tân, sau 2 năm Manila xem xét đơn khởi kiện của các công ty xi-măng tại Phi Luật Tân.
Một số tên doanh nghiệp xi-măng Việt Nam được nêu tên điển hình gồm: Xi-măng Long Sơn, Hạ Long, Thăng Long, Vissai Ninh Bình, Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng.
Phi Luật Tân là thị trường nhập cảng xi-măng, clinker lớn với khoảng 15-17 triệu tấn/năm, nhập cảng từ Việt Nam khoảng bảy triệu tấn/năm, theo số liệu của Bộ Công thương.
Hồi đầu năm 2021, một số nhà máy sản xuất xi-măng tại Phi Luật Tân khởi kiện các doanh nghiệp xuất cảng xi-măng Việt Nam vào Phi Luật Tân bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất xi-măng của Phi Luật Tân.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Phi Luật Tân khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi-măng Việt Nam vào ngày 24/4/2021.
Theo VNCA, cơ quan này đã họp với các doanh nghiệp Việt Nam để bàn phương án giải quyết, đồng thời phối hợp với các công ty luật trong quá trình trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp và viết các văn bản phản bác.
Theo đó, phía Phi Luật Tân đồng ý, xi-măng của Việt Nam xuất cảng vào Phi Luật Tân không gây ra thiệt hại đáng kể đối với các nhà sản xuất xi-măng tại nước này và thiệt hại của ngành sản xuất xi-măng Phi Luật Tân còn do những ảnh hưởng khác, như đại dịch COVID-19, giảm nhu cầu của thị trường nội địa.
Theo VNCA, sau quá trình tham vấn, trả lời câu hỏi và đưa ra các dữ liệu chứng minh, dù không áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xi-măng của sáu doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn có hàng chục doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá, có những doanh nghiệp bị áp thuế khá cao, đến hơn 23%.
Thời gian áp thuế tạm thời là năm năm đối với hàng nhập cảng xi-măng portland thông thường loại 1 (AHTN 2017/2022 phân nhóm số 2523.29.90) và xi-măng hỗn hợp loại 1P (AHTN 2017/ 2022 phân nhóm số 2523.90.00) có xuất xứ Việt Nam.
Gang Thép Thái Nguyên Báo Lỗ, Công Ty Thép Trung Quốc Xây Dựng Nhà Máy ở Việt Nam
(Hình: Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên.)
-Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) báo cáo lỗ 19 tỉ đồng trong quý 1 năm 2023. Báo cáo tài chánh của công ty này cho thấy doanh thu thuần trong quý một giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo, hàng tồn kho trong quý 1/2023 của Tisco tăng 21% so với thời điểm đầu năm; như vậy hàng tồn kho đang chiếm hơn 73% tài sản ngắn hạn của Gang Thép Thái Nguyên.
Khoản được báo chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng tài sản của công ty này là khoản được gọi “tài sản dở dang dài hạn” với gần 6.400 tỉ đồng; trong đó chủ yếu là chi phía xây dựng dự án “cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang Thép Thái Nguyên- giai đoạn 2”
Dự án này là một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ của Việt Nam trong cả chục năm qua.
Trong khi Gang Thép Thái Nguyên báo cáo thua lỗ, vào ngày 17/4, Công ty Yongjin Metal của Trung Quốc thông báo sẽ đầu tư 125 triệu Mỹ kim để xây dựng một nhà máy thép tại Việt Nam. Nhà máy mới sẽ có công suất 260.000 tấn/năm.
Hiện Yongjin Metal đã có một nhà máy tại Việt Nam và bắt đầu hoạt động sản xuất từ tháng Tư năm 2022. Sản phẩm của nhà máy này là thép không gỉ được xuất sang các thị trường EU, Bắc Mỹ và Đông Nam Á. Còn nhà máy sắp đầu tư sẽ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa Việt Nam.
40% Xe Trượt Kiểm Định Lần Đầu Sau Vụ Sai Phạm Tại Các Trung Tâm Đăng Kiểm
(Hình: trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vi phạm tại Cần Thơ.)
-Trong ngày 17/4/2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho truyền thông hay tỷ lệ xe hơi kiểm định lần đầu không đạt yêu cầu lên đến 40%, gấp 4 lần so với giai đoạn trước, và nói thêm thậm chí có xe kiểm định lại đến 6 lượt mới đạt yêu cầu.
Lý giải việc này, đại diện Cục cho biết do sau khi công an điều tra sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm nên hiện các đơn vị siết chặt công tác kiểm định theo đúng quy định, không buông bỏ, để lọt xe không đạt tiêu chuẩn như trước.
Tuy vậy, Cục cũng thừa nhận do nhiều phương tiện không đạt yêu cầu nên phát sinh chi phí, ùn tắc. Hiện Cục đăng kiểm Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Vận tải-Xe hơi Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp và người sử dụng chủ động kiểm tra xe, khắc phục hư hỏng trước khi đi kiểm định.
Từ giữa tháng 12/2022, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khởi tố gần 500 người của hơn 70 trung tâm về các tội: Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, cũng trong ngày 17/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu sớm đưa hai vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm 65-02D, 65-04D, 65-06D và Chi cục đăng kiểm 8 ra truy tố, xét xử.
Ông Trường cùng với đó đã ký ban hành Công văn đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố.
VinFast Báo Cáo Lỗ 2,1 Tỉ Mỹ Kim Vào Năm 2022! Và VinFast Xuất Cảng Lô Xe Điện Thứ Hai Sang Bắc Mỹ
(Hình: Mẫu xe điện VF8 của VinFast tại một cửa hàng ở Santa Monica, California hôm 13/9/2022.)
-Hôm 17/4/2023, hãng xe điện VinFast tuyên bố xuất cảng lô xe điện thứ hai gồm 1.879 xe VF8 sang thị trường Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Dự kiến, lô xe này sẽ được chuyển tới khách hàng Mỹ vào tháng Năm và khách hàng Gia Nã Ðại vào tháng Sáu tới.
Hồi tháng 11 năm 2022, hãng xe điện non trẻ của Việt Nam đã xuất lô xe đầu tiên gồm 999 chiếc VF8 sang California (Hoa Kỳ), nhưng việc chuyển xe tới khách hàng bị trì hoãn tới tận tháng Ba vừa qua.
Thông báo của VinFast mới đây cho biết, lô xe mới sẽ mất 20 ngày để đến được thị trường Bắc Mỹ.
Cũng theo thông báo mới, VinFast cho biết công ty có dự kiến sẽ xuất lô 700 xe VF8 đầu tiên sang thị trường Âu Châu vào giữa tháng Bảy năm nay và sẽ sớm nhận đơn đặt hàng toàn cầu cho hai mẫu xe mới.
VinFast đã bàn giao 865 xe VF8 cho khách hàng nội địa vào quý I năm nay và có công suất sản xuất là 250.000 xe mỗi năm. Hãng cho biết đã nhận được 55.000 đơn đặt hàng toàn cầu tính đến tháng 12 năm 2022, trong số đó có 12.000 đơn tại Mỹ.
VinFast cũng dự kiến sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện và sản xuất pin điện tại tiểu bang North Carolina, Mỹ, với vốn đầu tư ước tính là 4 tỉ Mỹ kim. Hồi năm 2022, hãng đã nộp đơn xin được phát hành cổ phiếu ra công chúng ở thị trường Nasdaq, Mỹ, để mở rộng sản xuất.
VinFast báo cáo lỗ 2,1 tỉ Mỹ kim vào năm 2022, doanh thu đạt được là 634 triệu Mỹ kim.
Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Tim Hà Nội Thừa Nhận “Là Người Có Lỗi Cao Nhất”
(Hình: Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn tại tòa.)
-Truyền thông nhà nước loan tin cho hay Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội ra xét xử trong chiều ngày 17/4/2023. Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn đã thừa nhận sai phạm trong đấu thầu gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.
Trả lời tại tòa, ông Tuấn thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp “gửi vật tư” để bệnh viện có hàng hóa, thiết bị điều trị. Trang điện tử VOV dẫn lời ông Tuấn tại tòa rằng: “Chỉ định thầu là sai nhưng bị cáo không còn các nào khác. Sai phạm chỉ định thầu từ năm 2016 kéo theo sai phạm năm 2017”.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, được các công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát tặng số quà Tết gồm 10.000 Mỹ kim, một chai rượu, hộp xì-gà trong các năm 2016 đến 2017. Tính đến thời điểm này, ông Tuấn đã nộp lại số tiền và còn được gia đình nộp thay sáu tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng: “Bị cáo đã vi phạm dưới vai trò người quyết định, chỉ đạo. Bị cáo là người có lỗi cao nhất”.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu năm gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỉ đồng. Quá trình khai triển, ông Tuấn cùng các cựu lãnh đạo, cán bộ bệnh viện đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Kết quả, công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát đã trúng hàng loạt gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Tim Hà Nội.
Sau khi trúng thầu, giá các gói thầu được xác định bị nâng lên cao hơn nhiều so với thực tế. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định tổng thiệt hại trong vụ án là hơn 53 tỉ đồng.
Bình Định: Xét Xử Đường Dây Đánh Bạc Ngàn Tỉ
(Hình: Các bị cáo trong đại án đánh bạc ngàn tỉ.)
-Ông Thái Thanh Giảng, Võ Văn Cương và 41 người khác trong đường dây đánh bạc lên đến gần một ngàn tỉ đồng đã bị đưa ra xét xử Sơ thẩm trong hai ngày 17 và 18/4/2023.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/4 đồng thời cho biết đây là vụ án do Cục Cảnh sát Hình sự (C02) phối hợp với Cục an ninh mạng Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Định triệt phá trong năm 2021.
Cáo trạng thể hiện, từ tháng 8/2020 đến ngày 5/7/2021, ông Cương cùng các đồng phạm đã nhận tài khoản siêu tổng đại lý Super Master, rồi chia thành nhiều tài khoản đại lý giao cho các thành viên còn lại, dùng đường link http://bong88.com để tổ chức cá độ túc cầu qua mạng Internet.
Tòa xác định, với cách thức đó, nhóm của Giảng và Cương đã tổ chức cá độ đá bóng với số tiền lên đến gần một ngàn tỉ đồng. Trong đó, riêng Cương với tổng số tiền 121.328.130.125 đồng, Hoàng Công Bình 595.725.089.000 đồng, Thái Thanh Giảng 67.611.568.700 đồng. Các thành viên còn lại có tổng số tiền từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng.
Hôm tháng 3/2023, năm mươi mốt bị cáo trong đường dây đánh bạc trăm tỉ đồng đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên án. Đây được coi là vụ án có số lượng bị cáo nhiều nhất được đưa ra xét xử tỉnh này.
Kết thúc phiên tòa, nhiều bị cáo cầm đầu đường dây đánh bạc đã lãnh án từ thấp nhất 30 tháng tù đến 5 năm tù giam.
Thủ Tướng Phạm Minh Chính Mời Thủ Tướng Úc Ðại Lợi Thăm Việt Nam
(Hình: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese tại cuộc họp của ASEAN ở Nam Vang, Cam Bốt, vào ngày 12/11/2022.)
-Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa gửi lời mời người đồng cấp Úc Ðại Lợi, Anthony Albanese, thăm chính thức Việt Nam trong buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Ðại Lợi Don Farrell tại Hà Nội vào ngày 17/4/2023, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Ông Phạm Minh Chính hoan nghênh kết quả của Cuộc họp Đối tác Kinh tế Việt Nam-Úc Ðại Lợi lần thứ ba, trong đó hai bên xem xét lại quá trình hợp tác kinh tế song phương và khai triển Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Úc Ðại Lợi-Việt Nam 2021, cũng như đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.
Hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều năm vào năm 2022 đạt 15,7 tỉ Mỹ kim, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Úc Ðại Lợi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc Ðại Lợi.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi thương mại theo hướng cân bằng hơn thông qua việc tăng cường xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang Úc Ðại Lợi. Ông đề nghị Úc Ðại Lợi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các mặt hàng điện tử, giày dép, dệt may, nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Úc Ðại Lợi nhằm giúp giải quyết việc làm cho người dân giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đang bị thu hẹp.
Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị có các cơ chế hợp tác mới và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, lao động, du lịch, nông nghiệp kỹ thuật cao....
Đáp lại, Bộ trưởng Úc Ðại Lợi Don Farrell khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa đối tác thương mại của Úc Ðại Lợi. Ông nói thêm rằng cộng đồng người Việt đông đảo tại Úc Ðại Lợi là nhân tố thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Úc Ðại Lợi trước đó nói rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Farrell là nhằm thể hiện cam kết của Chính phủ Úc Ðại Lợi trong việc tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế trong khu vực.
“Úc Ðại Lợi và Việt Nam là những đối tác và bạn bè mạnh mẽ, với năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của chúng ta. Chúng tôi chia sẻ tham vọng nâng mối quan hệ của chúng ta lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”, Bộ Ngoại giao Úc Ðại Lợi nói trong thông cáo báo chí hôm 16/4.
Việt Nam và Úc Ðại Lợi đã nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược vào tháng 3/2018. Tại cuộc gặp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Toàn quyền David Hurley trong tháng này, hai bên đã nhất trí trao đổi để nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp.
Bình Luận Thời Cuộc:
Nga Hụt Hơi Xích Gần Với Trung Quốc Buộc Việt Nam Cân Nhắc Nâng Cấp Quan Hệ Với Mỹ?
(Thu Hằng)
Mỹ có thuyết phục được Việt Nam nâng cấp quan hệ trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện? Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có những hoạt động thắt chặt quan hệ song phương trong thời gian gần đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden điện đàm ngày 29/03. Ông Blinken có chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam trong tư cách Ngoại trưởng Mỹ từ 14-16/4.
Trước đó một tuần là một phái đoàn các nhà Lập pháp Hoa Kỳ. Từ 21 đến 23/3 là một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mỹ. Trong thái độ lưỡng lự này, Trung Quốc là một yếu tố, nhưng quan trọng nhất là Nga, theo đánh giá của Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.
Trong thư điện tử ngày 10/4/2023 trả lời một số câu hỏi của Ban tiếng Việt Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Giáo sư Vuving cho rằng về lâu dài, Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ hơn về phía Mỹ vì những bước đi về phía Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi… sẽ không đủ để bù đắp sự “hụt hẫng” do Nga có thể sẽ bị dính phần nào vào Trung Quốc.
*
RFI: Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có những hoạt động, trao đổi trong thời gian gần đây. Xin ông cho biết là những hoạt động đó diễn ra trong bối cảnh như nào?
Giáo sư Alexander Vuving: Bối cảnh lớn nhất của các hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay là cuộc xâm lược Ukraine của Nga và những địa chấn chính trị của nó. Cuộc chiến tranh này đã buộc lịch sử thế giới phải sang trang.
Trước hết, ở tầm vóc toàn cầu, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã hoàn toàn chấm dứt. Đặc điểm chủ đạo của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là hợp tác nước lớn vượt trội cạnh tranh nước lớn. Chính vì thế mà toàn cầu hóa đã có cơ hội phát triển vượt bậc và trở thành một xu thế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nhưng từ khoảng 2008, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đi vào thoái trào, cạnh tranh nước lớn dần trở nên lấn át hợp tác nước lớn.
Các sự kiện lớn nói lên điều này là việc Nga xâm lược Gruzia năm 2008, Trung Quốc lập Vùng nhận dạng Phòng không ở Biển Hoa Đông năm 2013 và cũng khoảng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, rồi năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crưm của Ukraine.
Trong thời kỳ 2008-2016, nước Mỹ dưới trào Tổng thống Obama phản ứng yếu ớt với các hành động hung hăng của Nga và Trung Quốc nên cạnh tranh nước lớn chỉ mạnh về một chiều. Nhưng sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, chính phủ Mỹ chuyển cách nhìn đối với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Bản thân Trump khai mở một cuộc “thương chiến” với Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế quan nặng nề lên một số lượng lớn hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
Và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Nó mở toang cánh cửa đã được hé mở từ một thập kỷ trở lại đây để thế giới đi vào một thời kỳ mới trong đó cạnh tranh nước lớn là chủ đạo, hợp tác nước lớn vẫn tồn tại nhưng chỉ là thứ yếu.
Cạnh tranh nước lớn ở đây trước hết là giữa Mỹ một bên và Nga và Trung Quốc ở bên kia. Điều này khiến cho toàn bộ cấu trúc quan hệ đối ngoại của Việt Nam bị lung lay. Sau Chiến tranh Lạnh, Việt Nam phấn đấu làm bạn với tất cả các nước, đặc biệt là giữ quan hệ tốt với các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Khi hợp tác nước lớn mạnh hơn cạnh tranh nước lớn, Việt Nam có thể xây dựng một cấu trúc đối ngoại vững chắc với một mạng lưới các quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc. Nhưng cuộc chiến tranh Ukraine đã khiến cho quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng như phương Tây trở nên thù địch. Nếu Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây thì sẽ làm phật lòng Nga. Ngược lại, Việt Nam tăng cường quan hệ với Nga cũng sẽ làm phật lòng Mỹ và phương Tây.
Đồng thời, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi. Có thể có một vài sự hàn gắn nhất thời nhưng xu thế chung trong thời gian tới là cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Mà tâm điểm địa lý của cuộc tranh hùng Mỹ-Trung là khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm các nước ven biển Hoa Đông và Biển Đông. Khác với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, Việt Nam chỉ nằm ở ngoại vi của cuộc tranh hùng giữa Liên Xô và Mỹ, nay Việt Nam nằm ngay ở “đường đứt gãy” trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Do đó, những hoạt động ngoại giao gần đây giữa Mỹ và Việt Nam là nằm trong cố gắng tập hợp lực lượng của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga, cũng như những cố gắng của Việt Nam nhằm giữ thế cân bằng cho “con thuyền” của mình giữa cơn phong ba địa-chính trị của khu vực và thế giới. Trong cơn phong ba địa-chính trị đó có cả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và ở Đông Dương, là những chuyện sát sườn Việt Nam phải đối phó. Giữ con thuyền khỏi tròng trành, đối với Việt Nam, còn bao gồm cả việc bảo đảm nguồn cung tài chánh từ bên ngoài (ví dụ thông qua ngoại quốc đầu tư) và thị trường xuất cảng cho hàng Việt Nam (ngoại thương Việt Nam có giá trị gần gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội). Thêm nữa, chính quyền Hà Nội còn có mối lo giữ chế độ cho đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy là những quan tâm hàng đầu của hai nước Việt-Mỹ trong quan hệ song phương.
RFI: Có thể coi đó là dấu hiệu cho thấy có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư?
Giáo sư Alexander Vuving: Cả Mỹ và Việt Nam đều muốn tăng cường quan hệ, trong đó hợp tác kinh tế là một cột trụ quan trọng. Hợp tác quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng, nhưng do sự nhạy cảm của nó đối với các quan hệ nước lớn khác nên nhiều khi hai nước phải đi đường vòng hoặc có lúc tiến lúc lùi thay vì đi thẳng và liên tục tiến.
Năm nay, hai nước Việt-Mỹ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”. Từ đầu năm đã có nhiều đoàn trao đổi, trong đó nổi bật có chuyến thăm Việt Nam của đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, một đoàn đông đảo các doanh nghiệp Mỹ muốn tăng cường làm ăn với Việt Nam và tuần trước là đoàn Nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Thông điệp lớn nhất của phía Mỹ là chính phủ Mỹ, bao gồm cả hành pháp và Lập pháp, cũng như giới kinh doanh đều muốn nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”.
Trong bối cảnh Mỹ muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam càng trở nên quan trọng. Việt Nam cũng rất mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. Nếu nhìn vào cán cân thương mại của Việt Nam, ta có thể thấy Việt Nam nhập cảng nhiều nhất từ Trung Quốc, Nam Hàn và các nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á), nhưng lại xuất cảng nhiều nhất sang Mỹ, Trung Quốc và các nước Liên Hiệp Âu Châu. Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất cho hàng Việt Nam, chiếm khoảng 30% thị phần, và là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, thay thế vị trí mà Anh đã giữ suốt hai thập kỷ vừa qua.
RFI: Tuy nhiên, về ngoại giao, có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa sẵn sàng nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ? Hà Nội lo về những điểm gì?
Giáo sư Alexander Vuving: Chủ trương lâu dài của Việt Nam là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn, cụ thể là các nước ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã lập quan hệ này với Nga (2001), Trung Quốc (2008), Anh (2010), Pháp (2013). Chỉ còn Mỹ là chưa. Hai nước đã lỡ một số cơ hội lớn trong quá khứ.
Năm 2015, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ lần đầu tiên, Mỹ cũng đã muốn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhưng Việt Nam ngại rằng như thế sớm quá, vì mới lập quan hệ “đối tác toàn diện” được hai năm, và đề nghị chỉ nâng nửa vời lên “đối tác toàn diện sâu rộng”. Mỹ không đồng ý. Quan hệ tiếp tục được gọi là “đối tác toàn diện”. Chuyến đi này diễn ra khoảng một năm sau sự kiện “giàn khoan” (Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan HYSY-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), gây ra sự chuyển hướng chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam.
Đến khoảng năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn tất xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và tăng cường quấy rối cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, Hà Nội bắt đầu thấy cần thiết phải nâng cấp quan hệ với Hoa Thịnh Ðốn lên đối tác chiến lược. Dự định là trong chuyến thăm Mỹ vào nửa cuối năm 2019 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Trump, hai nước sẽ nâng cấp quan hệ. Nhưng chuyến đi đã không bao giờ được thực hiện vì sức khỏe ông Trọng không cho phép.
Chính quyền Tổng thống Biden lên thay tiếp tục mong muốn đưa quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược”. Đặc biệt việc Mỹ viện trợ vắc-xin Covid cho Việt Nam với số lượng rất lớn và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo, trong khi Trung Quốc viện trợ ít hơn nhiều và gần như luôn đi kèm điều kiện, đã khiến nhiều người trong chính giới Việt Nam thấy “ai là bạn và ai chỉ là đối tác thôi”. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2021, không có cơ hội nào cho lãnh đạo tối cao hai nước gặp nhau nên chưa thực hiện được việc nâng cấp.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên thù địch, Việt Nam quyết định đóng băng vấn đề nâng cấp quan hệ với Mỹ. Hà Nội giải thích là để thể hiện “độc lập, cân bằng, tự chủ”. Sâu xa hơn thì là để chứng tỏ cho Nga thấy là Việt Nam không đi với Mỹ để chống Nga.
Trước đó, cuối năm 2021, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Việt Nam đến năm 2030. Tuyên bố này có mấy điểm đáng lưu ý. Một là lần đầu tiên Nga hứa “sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở” với Việt Nam. Hai là hai bên khẳng định “không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau”.
Như vậy, mấu chốt để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là Nga hiểu rằng việc đó không có nghĩa là Việt Nam đi với Mỹ để chống Nga. Chính vì thế mà khi đón các đoàn Mỹ sang thăm, lãnh đạo Việt Nam vẫn nói ủng hộ nâng tầm quan hệ nhưng phải chờ “khi điều kiện phù hợp”.
Phản ứng của Trung Quốc cũng là một vấn đề Việt Nam phải lo ngại, nhưng tôi cho rằng yếu tố này không đủ lớn để làm Việt Nam chùn bước. Thứ nhất là Trung Quốc tiếp tục gia tăng chống phá Việt Nam ở hướng biển. Trung Quốc cũng thâm nhập sâu vào Cam Bốt và Lào. Các căn cứ quân sự trá hình mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cam Bốt cũng khiến Việt Nam thêm lo ngại. Việt Nam cần Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.
Đối tác chiến lược không phải là liên minh nên không xâm phạm 3 trong “4 Không” của Việt Nam (Không tham gia liên minh quân sự, Không đi với nước này để chống nước kia, Không cho ngoại quốc đặt căn cứ quân sự trên đất Việt Nam, Không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Vấn đề chỉ còn cư xử thế nào để Nga và Trung Quốc khó phàn nàn là Việt Nam âm mưu đi với Mỹ để chống lại họ.
Việt Nam không muốn tạo cớ cho Trung Quốc làm mạnh nên đã có chuyến đi phá lệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc tháng 11/2022. Theo thông lệ thì Tổng Bí thư sẽ đi thăm Lào đầu tiên sau khi nhậm chức. Nhưng lần này ông Trọng đi Trung Quốc là ngoại quốc đầu tiên sau khi ông được tái đắc cử ở Đại hội Đảng lần thứ 13 đầu năm 2021. Thỏa thuận trong chuyến đi cho thấy Hà Nội nhượng bộ một số chuyện nhỏ “không mất gì” nhưng vẫn nhất quyết không tham gia “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc và cũng chỉ nói lời đãi bôi với các Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, là những khuôn khổ hợp tác chiến lược mới của Trung Quốc cho thời kỳ cạnh tranh nước lớn.
RFI: Chiến tranh Ukraine đã buộc Nga phải xích lại gần với Trung Quốc. Đây có phải là điểm bất lợi cho Việt Nam hay không, trong khi Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, còn Nga từng là nhà cung cấp vũ khí, là đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam?
Giáo sư Alexander Vuving: Nga xích lại gần Trung Quốc là điểm bất lợi lớn đối với Việt Nam. Nga không chỉ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, mà các công ty dầu khí Nga còn đóng vai trò quan trọng trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời trong chiến lược “cân bằng quan hệ” với các nước lớn của Hà Nội, Moskva cũng là một yếu tố đáng kể. Nga cảm tình với chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam, không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam, lại là một cường quốc nguyên tử và thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Quan hệ với Nga giúp Hà Nội cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Nay Nga suy yếu về kinh tế, quân sự và ngoại giao, phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn, thì tức là cán cân lực lượng giữa các cường quốc đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu ví cấu trúc đối ngoại của Việt Nam như chiếc kiềng nhiều chân, trong đó các chân lớn là quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nga, các chân nhỏ hơn là quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Pháp, Anh, Đức, Úc Ðại Lợi, Nam Hàn… thì rõ ràng khi “chân” Nga yếu đi, lại phải dựa vào Trung Quốc, thì chiếc kiềng của Việt Nam mất cân bằng.
Cách Việt Nam làm hiện này là tìm cách kéo Nga về phía mình, trong khi đẩy mạnh quan hệ với các nước “cận cường quốc” như Nhật Bản và Ấn Độ và các nước “bậc trung” như Nam Hàn, Úc Ðại Lợi, đồng thời tiếp tục “giữ cầu” để khi có thời cơ thì nâng quan hệ với Mỹ.
Trong một năm qua, Việt Nam đã tiếp tục thắt chặt quan hệ với Nhật Bản theo châm ngôn “chân thành, tình cảm, tin cậy”, tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Nam Hàn lên “đối tác chiến lược toàn diện” tháng 12/2022. Dự định cuối năm nay sẽ nâng quan hệ với Úc Ðại Lợi lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Xu hướng dài hạn là Nga sẽ khó lòng khôi phục vị thế và sức mạnh trước cuộc xâm lược Ukraine và nhiều khả năng Nga sẽ sa lầy tại Ukraine, tiếp tục đối đầu với Mỹ, tiếp tục xích lại gần Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ hơn về phía Mỹ vì những bước đi về phía Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi… sẽ không đủ để bù đắp sự “hụt hẫng” của “chân” Nga mà nay có thể sẽ bị dính với “chân” Trung Quốc phần nào.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.
Việt Nam Lúng Túng Giữa Tam Giác Mỹ-Trung-Nga
(Hình: Hành trình khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc từ 7/4 đến hôm 17/4/2024.)
-Theo dữ liệu mà Ðài Á Châu Tự Do (RFA) ghi nhận từ Marinetraffic, tàu khảo sát của Trung Quốc Hải dương Địa chất 4 rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ 3 đến 5/4/2023, nhưng trở lại từ ngày 7/4 đến nay. Trong những ngày qua, chiếc tàu này khảo sát một khu vực rất rộng, phía Bắc cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 150 hải lý, phía Nam khảo sát khu vực thăm dò dầu khí Tư Chính mà Việt Nam đang hợp tác với Nga. Cuộc khảo sát này vẫn diễn ra “bình thường” trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Việt Nam từ ngày 14 đến 16/4/2023. RFA phỏng vấn Tiến sĩ Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson về các đường hướng ngoại giao của Việt Nam trong tương lai, giữa quan hệ với 3 nước Mỹ, Trung, Nga.
RFA: Trước và sau chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Nga hôm 20/3/2023, tàu khảo sát của Trung Quốc Haizhang Dizhi 4 Hao (Hải dương Địa chất 4) xâm nhập dài ngày trong bãi Tư Chính, nơi Việt Nam hợp tác với Nga khai thác dầu khí. Ngày 3/4/2023, nó trở về Hải Nam nhưng sau đó trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/4/2023 đến nay, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Việt Nam (14 đến 16/4/2023). Những điều này có hàm ý gì cho Việt Nam hay không?
Tiến sĩ Nagao Satoru: Động thái của Trung Quốc ở Biển Đông chứng tỏ Trung Quốc đang tìm “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) ở khu vực khai thác dầu khí mà Việt Nam và Nga hợp tác. Trong khoa học chính trị, thuật ngữ “khoảng trống quyền lực” chỉ tình trạng ai đó ở vị trí nắm quyền lực, nhưng rồi mất quyền kiểm soát một thứ gì đó, và không ai thay thế.
Trong quá khứ, ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ hành động khi tìm thấy khoảng trống quyền lực. Vào những năm 1950, khi Pháp rút khỏi khu vực, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa. Vào những năm 1970, khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm thêm một nửa quần đảo Hoàng Sa. Vào cuối những năm 1980, sau khi quân đội Liên Xô giảm quân số ở Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Và vào thập niên 1990, sau khi Mỹ rút khỏi Phi Luật Tân, Trung Quốc đã chiếm đá Vành Khăn.
Giờ đây, Nga đang tập trung mọi nỗ lực vào Ukraine. Do đó, không có khả năng Nga đang ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thật vậy, hợp tác Nga-Trung gần đây cho thấy hợp tác với Nga không hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc.
Ví dụ, trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô không xuất cảng vũ khí sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, Nga lại xuất cảng nhiều loại vũ khí sang Trung Quốc, kể cả chuyển giao kỹ thuật để Trung Quốc tự chủ sản xuất.
Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine bắt đầu, Nga dựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Thu nhập của Nga dựa vào xuất cảng tài nguyên thiên nhiên. Nhưng do lệnh trừng phạt chống lại Nga, Trung Quốc là nước nhập cảng tài nguyên thiên nhiên chính từ Nga. Ngoài ra, vì thiếu nguồn lực, Nga cần hỗ trợ vật chất từ Trung Quốc để tham chiến ở Ukraine. Giờ đây, đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng.
Trong Chiến tranh Lạnh, hợp tác với Liên Xô là một phương pháp hữu ích để ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, hợp tác với Nga sẽ không có tác dụng đối với Việt Nam để ngăn chặn Trung Quốc hành động nữa. Việt Nam cần những đối tác mới như Mỹ, Nhật Bản, Úc Ðại Lợi, Ấn Độ và các nước cùng chí hướng.
RFA: Trung Quốc càng thắt chặt quan hệ với Nga khi Nga sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine. Tại sao?
Nagao Satoru: Trung Quốc đã quyết tâm thách thức Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc gần đây đang tăng số đầu đạn nguyên tử của họ lên 1000 vào năm 2030 và 1500 vào năm 2035. Hoa Kỳ có 1500 đầu đạn nguyên tử cho mục đích chiến lược. Trung Quốc đang cố gắng sở hữu cùng số lượng đầu đạn nguyên tử cho mục đích chiến lược, tương tự như Mỹ.
Theo SIPRI (một think tank ở Thụy Điển), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự 72% trong giai đoạn 2012-2021 (một thập kỷ) trong khi Mỹ giảm 6,1% trong cùng thời kỳ.
Trung Quốc đang thách thức Mỹ. Vì vậy, đối với Trung Quốc, thái độ của Nga đối với Mỹ cũng giống như thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ. Trung Quốc và Nga cùng chia sẻ một cái nhìn về nước Mỹ. Vì vậy nếu Trung Quốc cần thách thức Mỹ, Trung Quốc cần hợp tác với Nga.
Nga có 1.500 đầu đạn nguyên tử. Nếu Trung Quốc và Nga kết hợp với nhau, Mỹ sẽ phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc ủng hộ Nga một cách rõ ràng, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Trung Quốc muốn tránh tình trạng như vậy. Do đó, hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga cho đến nay vẫn ở trạng thái bí mật. Ví dụ, Trung Quốc đã xuất cảng súng trường cho Nga dưới danh nghĩa “mục đích săn bắn”.
RFA: Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam tính toán điều gì khi nhiều nước trong số họ “không chọn bên” trong cuộc chiến Ukraine? Họ có tính toán đến nhân tố Trung Quốc không?
Nagao Satoru: Nhìn từ trật tự dựa trên luật lệ, rõ ràng các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam nên đứng về phía Ukraine. Nếu cho phép hành động đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, có khả năng Trung Quốc sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh tương tự với các nước xung quanh Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, các nước trong khu vực như Việt Nam đang lo lắng về một thực trạng khác. Ngay cả khi các nước trong khu vực chọn lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc và Nga, các nước này vẫn lo ngại rằng Mỹ và các nước cùng chí hướng sẽ không hỗ trợ cho họ đầy đủ.
Trong trường hợp này, các nước trong khu vực biết những gì xảy ra trong Ðệ nhị Thế chiến. Khi Đức ném bom Luân Ðôn vào năm 1940, Tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch tham chiến để hỗ trợ người Anh.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cần những lý do chính đáng để thuyết phục công dân Mỹ huy động và tổ chức lại quân đội tham chiến. Trước khi đồng minh của Đức là Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941, Mỹ không thể biện minh cho việc can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Anh-Đức.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang có một mối lo ngại rằng tình trạng tương tự sẽ tái diễn.
Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ cần chia sẻ nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề Ukraine, liệu Mỹ có thể hỗ trợ các nước Đông Nam Á trước sự đe dọa của Trung Quốc? Mối quan tâm này đang vang lên trong tâm trí người Đông Nam Á. Do đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi tình hình một cách thận trọng và trì hoãn quyết định chọn bên.
Góc nhìn từ phía người Nhật như tôi, phía Mỹ có lợi cho các nước Đông Nam Á. Nhưng chính phủ các nước ấy vẫn chưa quyết định
RFA: Sự khác biệt cơ bản về mặt nhận thức của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, Nga đối với các vấn đề quan trọng nhất như Đài Loan, Ukraine là gì?
Nagao Satoru: Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đứng ở hai phía đối lập ít nhất trên hai phương diện. Thứ nhất là khoảng cách giữa họ về nhận thức. Thứ hai, tính toán hai mặt: lợi ích và chi phí của họ.
Khoảng cách nhận thức giữa hai nước này trước hết đặc biệt tồn tại ở nhận thức đối với quy tắc quốc tế hiện hành. Nhật Bản (và Mỹ) đã cố gắng duy trì trật tự hiện tại trên thế giới. Trái ngược với điều này, Trung Quốc muốn thách thức trật tự dựa trên luật lệ hiện tại.
Vấn đề Đài Loan là một trong những ví dụ điển hình. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đài Loan hiện nay đã độc lập. Nhưng Trung Quốc yêu cầu nhiều nước chấp nhận logic của họ rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Do đó, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác tôn trọng yêu sách của Trung Quốc, cái gọi là “Chính sách Một Trung Quốc” với tư cách là một yêu sách của Trung Quốc (chứ không phải yêu sách của Hoa Kỳ hay Nhật Bản). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa hài lòng và có nhiều động thái chuẩn bị về mặt quân sự để cưỡng ép và chiếm đóng Đài Loan. Theo quan điểm của Mỹ và Nhật Bản, thái độ như vậy của Trung Quốc là thách thức trật tự dựa trên luật lệ và là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Tuy nhiên, nhận thức của Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Nỗ lực của Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc nhằm cưỡng ép Đài Loan mới là hành vi thay đổi hiện trạng, vì theo logic của họ, Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Nhìn từ khoảng cách nhận thức như vậy, Mỹ và Nhật Bản coi hành động quân sự của Nga ở Ukraine là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Nhưng nhìn từ phía Trung Quốc, động thái của Nga đối với Ukraine cũng giống như động thái của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Khi so sánh tính toán lợi ích và chi phí, Nhật Bản và Trung Quốc chọn những bên khác nhau. Nhật Bản là đồng minh chính thức dựa trên một Hiệp ước của Mỹ và dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Ví dụ, khả năng răn đe nguyên tử của Nhật Bản phụ thuộc vào khả năng răn đe mở rộng của Mỹ (chiếc lược “chiếc ô nguyên tử”).
Nhật Bản sát cánh với Ukraine là lập trường rất rõ ràng với tư cách là đồng minh của Mỹ.
RFA: Nhật Bản và Trung Quốc đối lập nhau gay gắt về cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các vấn đề an ninh ở Á Châu, trong khi Việt Nam duy trì quan hệ hữu nghị với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Vậy chiến lược của Việt Nam hiện nay là gì? Và Việt Nam có khả năng sẽ lựa chọn như thế nào trong tương lai?
Nagao Satoru: Đối với Việt Nam, Trung Quốc là mối đe dọa an ninh của họ. Vấn đề an ninh rất quan trọng. Như vậy, Nhật Bản và Mỹ tốt hơn nhiều cho Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đồng thời phải thấy rằng, nếu Việt Nam rõ ràng chọn bên Mỹ-Nhật, khả năng cao Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự đối với Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. “Mời gọi” những biện pháp trừng phạt như vậy không phải là lợi ích cho Việt Nam. Vì vậy, ở thời điểm này, việc chọn bên là quá khó đối với Việt Nam. Cách chọn của Việt Nam hiện nay là dễ hiểu.
Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng cần nghĩ về những gì sẽ xảy ra trong dài hạn. Điều gì sẽ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai? Đặc biệt là cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, bên nào sẽ thắng? Thật vậy, tôi tin rằng nước Mỹ đang trên đường giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Có 3 lý do.
Thứ nhất, Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu của SIPRI chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ vào năm 2020 lớn hơn 3 lần so với Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ có nhiều đồng minh chính thức bao gồm Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước Trung và Nam Mỹ, Do Thái, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản (tổng cộng 53), nhưng đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc là Bắc Hàn.
Thật vậy, số lượng đồng minh là một yếu tố rất quan trọng trong việc xác định bên nào cuối cùng sẽ thắng thế. Ví dụ, trong Ðệ nhất Thế chiến, bên chiến thắng bao gồm 32 quốc gia, nhưng bên thua cuộc chỉ bao gồm 4 quốc gia. Trong Ðệ nhị Thế chiến, bên thắng có 54 nước, nhưng bên thua chỉ gồm 8 nước. Trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô-Hoa Kỳ, bên thắng có 54 nước, bên thất bại chỉ có 26 nước.
Thứ ba, những hành động gần đây của Hoa Kỳ cho thấy Hoa Kỳ có kế hoạch dài hạn để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Ví dụ, không có sự khác biệt trong chính sách Trung Quốc giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Chính quyền Barack Obama bắt đầu “tái cân bằng” lực lượng quân sự Hoa Kỳ khỏi Âu Châu và hướng tới Á Châu. Kể từ đó, cả Chính quyền Trump và Chính quyền Biden đều tiếp tục chính sách này. Nhiều người tin rằng cái gọi là “chiến tranh kỹ thuật cao” là một chính sách của Chính quyền Trump. Nhưng cuộc chiến kỹ thuật cao, cấm sản phẩm của Huawei và ZTE, bắt đầu khi “Báo cáo điều tra về các vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ do các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE gây ra” được xuất bản vào năm 2012, dưới thời Chính quyền Obama.
Thật vậy, lịch sử của Hoa Kỳ chỉ ra rằng Hoa Kỳ sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Trong lịch sử 246 năm của mình, Hoa Kỳ đã biến đổi từ một thuộc địa duy nhất của Đế quốc Anh thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Trong thời gian này, tất cả các đối thủ của Mỹ, kể cả Đức, Nhật Bản và Liên Xô đều biến mất.
Và thực sự, Mỹ đã có một kế hoạch dài hạn để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Ví dụ, trước Ðệ nhị Thế chiến, Mỹ đã có “Kế hoạch màu da cam” (“Orange Plan”) để đánh bại Nhật Bản và đã thực hiện nó. Nhưng khi kế hoạch được giải mật vào năm 1974, thế giới đã ngạc nhiên khi biết rằng cũng có những kế hoạch khác bao gồm “Kế hoạch Đỏ” để đánh bại Anh và Gia Nã Ðại. Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ. Nếu Tổng thống Biden nói rằng Trung Quốc là “đối thủ nặng ký nhất” của mình, thì đương nhiên có thể kết luận rằng Mỹ có kế hoạch đánh bại Trung Quốc.
Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Mỹ có thêm nhiều đồng minh. Và Mỹ có một kế hoạch để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Ngay cả khi Mỹ phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng trong ngắn hạn, kết quả dài hạn sẽ vẫn như vậy.
Nếu vậy thì Việt Nam phải làm gì? Việt Nam cần chuẩn bị trước cho cuộc leo thang cạnh tranh Mỹ-Trung trong tương lai. Nếu nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế ấy có nguy cơ trở thành hành khách của một chiếc tàu chìm. Tất nhiên, gần đây, Việt Nam đang thực sự chuẩn bị cho tình huống đó. Ví dụ, Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm tạo ra một thị trường mới không phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam cũng đang tăng cường thương mại với Mỹ. Điều đó có lợi cho Việt Nam với tư cách là một chiến lược trường kì.
Việt Nam Trong Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự Do
(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên máy bay rời Hà Nội hôm 16/4/2023.)
-Nhật Bản được coi là người tạo ra khái niệm chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” hiện do Hoa Kỳ và các đồng minh lớn dẫn đầu. Theo Reuters, khi đến thăm Ấn Độ vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, như một sáng kiến chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một kế hoạch mới cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. Nhân dịp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 16 tháng 4, 2023, trước khi đến Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh Ngoại trưởng G-7 ngày 16 đến 18/4/2023, RFA phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer ở Đại học New South Wales, Úc Ðại Lợi, về vị trí của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do.
RFA: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 16/4, trước khi dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G7 tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 16-18/4/2023. Liệu có mối liên hệ nào giữa hai sự kiện này?
Carlyle A. Thayer: Nếu “chiến lược” được định nghĩa là mục đích, cách thức và ý nghĩa, thì các chuyến đi của Bộ trưởng Blinken tới Nhật Bản và Việt Nam là phương tiện để đạt được mục tiêu chiến lược trong các chiến lược An ninh Quốc gia và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden. Hoa Kỳ đang cố gắng huy động và duy trì một liên minh quốc tế để phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan và đe dọa các quốc gia ven Biển Đông.
RFA: Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do đặt ra hai vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của Việt Nam: Vấn đề Tự do và Mở trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, và chương trình “Đối tác Mekong-Hoa Kỳ”. Xin cho biết lập trường của G-7 về hai vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản năm 2023? Vị trí của Việt Nam trong chiến lược này là gì?
Carlyle A. Thayer: Tất cả các thành viên của Nhóm 7 hoặc đã ban hành tài liệu về chính sách chiến lược quốc gia về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoặc thuộc về một thực thể đa phương đã phê chuẩn chính sách chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như QUAD, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhật Bản, Gia Nã Ðại và Mỹ cũng như các nước Âu Châu nhận thức sâu sắc rằng an ninh tương lai của họ phụ thuộc sống còn vào hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của họ với khu vực.
Họ có chung quan điểm rằng Trung Quốc là thách thức lớn đối với trật tự dựa trên luật lệ hiện nay, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Tất cả các thành viên của G-7 đều chia sẻ mối quan tâm về một quan hệ đối tác Nga-Trung “không có giới hạn”. Đó là lý do tại sao tất cả họ đều ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. Ngoại trừ Ý Ðại Lợi, tất cả các thành viên khác của G-7 đều khai triển chiến hạm đến Biển Đông trong những năm gần đây.
Bởi vì G-7 là các nước công nghiệp tiên tiến, họ sẽ xem xét cách tốt nhất để sử dụng sức mạnh kinh tế của mình nhằm củng cố khả năng phục hồi của khu vực trước thách thức của các vấn đề phi truyền thống, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và con người.
Chính trong bối cảnh này, việc hỗ trợ phát triển bền vững ở Tiểu vùng sông Mekong trở nên quan trọng. Hỗ trợ cho các quốc gia ven sông Mekong cung cấp các giải pháp thay thế cho việc phụ thuộc vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Phát triển bền vững của Tiểu vùng sông Mekong có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt và Lào.
Việt Nam luôn ủng hộ sự hiện diện của cái gọi là các quốc gia “ngoài khu vực” với tư cách là đối tác chiến lược hoặc toàn diện. Điều này bao gồm hỗ trợ cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do, cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.
(Ảnh Đại học New South Wales: Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Úc Ðại Lợi.)
RFA: Trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 20 tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói muốn cải thiện năng lực giám sát và cảnh báo hàng hải của ASEAN. Tại sao vấn đề này lại quan trọng?
Carlyle A. Thayer: ASEAN với tư cách là một nhóm đại diện cho một trong những động lực tăng trưởng chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ASEAN đại diện cho một thị trường có 634 triệu dân với tổng GDP là 33,5 ngàn tỉ Mỹ kim, ASEAN đã thông qua một tài liệu chính sách, “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)”, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối trong các vấn đề khu vực, bao gồm cả cấu trúc an ninh của khu vực. AOIP cũng nhấn mạnh rằng ASEAN sẽ không đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động đến an ninh ở Đông Nam Á, nhất là ở Biển Đông. Chính sách của Nhật Bản hỗ trợ năng lực cảnh báo và giám sát hàng hải của ASEAN phù hợp với chính sách của Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi được gọi chung là QUAD. Sự hỗ trợ này rất quan trọng trong việc xây dựng năng lực phát giác và ngăn chặn các hoạt động đánh cá, khai thác và khảo sát của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
RFA: Theo ông, việc Việt Nam chấp nhận nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm đối tác chiến lược có khả thi trong năm nay?
Carlyle A. Thayer: Có. Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí trong cuộc điện đàm vào cuối tháng Ba về “tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương”. Ngoại trưởng Anthony Blinken hiện đang ở Hà Nội để thảo luận về thể thức cho các chuyến thăm trao đổi của Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Trọng lần lượt vào tháng Năm và tháng Bảy, theo các báo cáo chưa được xác nhận.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí chỉ định “các cơ quan hữu quan của hai bên để thảo luận chi tiết nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước”.
Đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược là khả thi trong năm nay vì hai lý do. Thứ nhất, Tổng Bí thư Trọng đã đặt nền móng bằng chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 và 11 năm 2022 để gặp Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Thứ hai, năm tới sẽ đánh dấu thời điểm bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử năm 2024 ở Mỹ. Khi các chuyến thăm cấp cao diễn ra, sẽ có nhiều thời gian để hai bên đi đến thống nhất về nội dung của quan hệ Đối tác chiến lược.
RFA: Tại sao năm 1991, Việt Nam nhanh chóng đề nghị bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong khi Trung Quốc vừa tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa năm 1988 giết chết 64 bộ đội Việt Nam, nhưng Việt Nam lại chậm trễ đáp ứng đề nghị của Mỹ nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ? Mỹ đề nghị nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ năm 2011, đến nay đã 12 năm, nhưng vì sao Việt Nam từ chối?
Carlyle A. Thayer: Tháng 10 năm 1991, cộng đồng quốc tế đã đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột ở Cam Bốt. Đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Trung-Việt. Vào thời điểm đó, Việt Nam đang bị Hoa Kỳ cấm vận, và trong các tài liệu nội bộ của đảng, được coi là “kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp nhất của Việt Nam”. Việt Nam lo ngại trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh và sự bất ổn chính trị ở Liên Xô.
Việt Nam đã tìm cách tạo ra một liên minh gồm các quốc gia xã hội chủ nghĩa bao gồm cả Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không muốn xa lánh Hoa Kỳ vì họ cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô. Người ta nói rằng Trung Quốc đã từ chối sáng kiến của Việt Nam bằng lời tuyên bố hai bên là “đồng chí, không đồng minh”.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào tháng 7 năm 1995 sau khi giải quyết những bất đồng của họ về việc giải trình đầy đủ đối với những người mất tích và tù binh Hoa Kỳ cũng như những đóng góp của Hoa Kỳ trong việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” (bom đạn chưa nổ còn sót lại và chất độc da cam điôxin).
Ngoại trưởng Hillary Clinton thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược nhưng cuối cùng cả hai bên đều đồng ý rằng thời điểm chưa chín muồi. Đây là trường hợp “đồng sàng dị mộng”. Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đều có những ý kiến khác nhau về “quan hệ đối tác chiến lược”. Hoa Kỳ nhấn mạnh đến khía cạnh quân sự, trong khi Việt Nam nhìn nhận quan hệ đối tác trên các khía cạnh toàn diện hơn (kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học và kỹ thuật, v.v.). Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
RFA: Vậy trong tương lai, Việt Nam sẽ ưu tiên những lĩnh vực nào trong quan hệ với Hoa Kỳ?
Carlyle A. Thayer: Theo truyền thông Việt Nam, Tổng Bí thư Trọng đã kêu gọi quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật là “động lực” trong quan hệ song phương. Dưới sự bảo trợ của quan hệ kinh tế, ông Trọng ưu tiên thương mại cân bằng và phát triển bền vững, chuỗi cung ứng và hậu cần mới, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, tăng học bổng cho người Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, chăm sóc sức khỏe, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các vấn đề di sản chiến tranh, hỗ trợ với hoạt động gìn giữ hòa bình, quốc phòng và an ninh của Liên Hiệp Quốc, trao đổi thông tin và phòng chống tội phạm.
RFA: Nếu quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp trong năm nay, Mỹ sẽ được lợi gì? Việt Nam nhận được lợi ích gì?
Carlyle A. Thayer: Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cho vấn đề thương mại cân bằng hơn, mở những cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, ưu tiên cho sự tham gia của Việt Nam vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn.
Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác chính trị-ngoại giao chặt chẽ hơn với Việt Nam trong các thể chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và các hiệp hội liên quan đến ASEAN.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi gián tiếp bằng cách hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực để giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông nhằm củng cố một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do.
Việt Nam nhắm tới những lợi ích trên diện rộng, từ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ; những hỗ trợ trong việc phát triển khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo; hợp tác giáo dục; môi trường (chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh), và vấn đề y tế cũng như việc trao đổi thông tin; và giải quyết các di sản chiến tranh.
RFA xin cảm ơn Giáo sư Carlyle A. Thayer đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Ngoại Trưởng Mỹ Uống Bia 333 ở Hà Nội, Nhiều Người Ngậm Ngùi, Tiếc Nuối Về Bia Việt Trong Tay Người Thái Lan!
-Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngỏ lời cảm ơn “chính quyền Việt Nam và những người dân Việt Nam tuyệt vời” đã tiếp đón ông hôm 15/4/2023, trang Facebook chính thức của Tòa Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội cho hay. “Chúng tôi hơn bao giờ hết cam kết nâng tầm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cùng hợp tác để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, vẫn lời ông Blinken.
Tòa Ðại sứ Mỹ đăng kèm lời cảm ơn là một số bức ảnh chụp vị Ngoại trưởng Mỹ, bao gồm một bức cho thấy ông và các viên chức tháp tùng ăn cơm trong một quán ở Hà Nội, họ uống bia 333 và bia Sài Gòn.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, trong khi đông đảo người xem ảnh tỏ ý khen ngợi phong cách “khiêm tốn”, “gần gũi”, “dễ mến”, “bình dân” của một Ngoại trưởng Mỹ, cũng có một số người bày tỏ “ngậm ngùi” vì loại bia ông uống giờ do doanh nhân Thái quản lý, và sâu xa hơn là mối lo khi người Thái thôn tính dần các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Thái Lan, ThaiBev, của một tỉ phú gốc Hoa đã chi gần 5 tỉ Mỹ kim hồi năm 2017 để thâu tóm xấp xỉ 53,6% cổ phần hãng bia Sài Gòn, Sabeco, nơi sản xuất ra các thương hiệu bia như 333, Sài Gòn….
Các số liệu của hãng công bố cho thấy lũy kế cả năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 35 ngàn tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế gần 5 ngàn 500 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2021, và đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Sabeco kể từ khi về tay người Thái cuối năm 2017.
Lợi nhuận gia tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc vị chủ người Thái thụ hưởng số tiền cổ tức khủng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng việc Sabeco – hãng sở hữu những thương hiệu uy tín và rất có lãi – nay thuộc sự sở hữu nắm quyền chi phối của doanh nhân Thái là điều “đáng tiếc”.
Trong nhiều năm trở lại đây, chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc tư nhân hóa một phần hoặc toàn phần các doanh nghiệp nhà nước, được gọi là “cổ phần hóa”, để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đó, đồng thời giảm bớt gánh nặng quản lý, điều hành lẫn sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.
“Những doanh nghiệp nhà nước có tính chiến lược quan trọng thì nhà nước Việt Nam sẽ giữ cổ phần đủ lớn để kiểm soát. Còn những doanh nghiệp nào nhà nước đánh giá là không quan trọng thì có thể để các nhà đầu tư ngoại quốc mua, dần dần mua lại”, Tiến sĩ Doanh nói.
Báo chí Việt Nam dẫn lại dữ liệu của Bộ Tài chánh cho hay trong giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi hãng có quy mô lớn là Sabeco được bộ đánh giá là “đạt hiệu quả cao”, tương tự là các thương vụ với Vinamilk, Vinaconex, v.v….
Trong khi Bộ Tài chánh dường như có cái nhìn tích cực về việc Sabeco nằm dưới sự chi phối của người Thái, báo chí và dư luận Việt Nam bày tỏ lo ngại khi thấy các doanh nhân Thái đẩy mạnh các hoạt động thâu tóm, thôn tính các doanh nghiệp ở Việt Nam trong một loạt các lĩnh vực gồm bán lẻ, nước giải khát, bao bì, chăn nuôi và năng lượng thời gian qua.
Một số thương vụ đình đám là Central Group thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi, thâu tóm chuỗi siêu thị Big C rồi đổi tên thành GO!.
TCC mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam và đổi tên thành MM Mega Market.
Tập đoàn Siam Cement Group mua lại 70% vốn tại hãng sản xuất nhựa Duy Tân, đồng thời cũng quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng-vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Super Energy Corporation sở hữu 10 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió tại Việt Nam.
Những người am hiểu kinh tế đưa ra quan sát rằng khi người Thái nói riêng và các chủ doanh nghiệp ngoại quốc nói chung nắm quyền sở hữu chi phối các doanh nghiệp Việt, họ có lợi thế đưa hàng hóa từ nước họ vào tiêu thụ ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội ngày càng bị thu hẹp hoạt động, thậm chí phải “khai tử”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích với VOA rằng tình hình kể trên diễn ra vì Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, cũng như mở rộng cửa cho các nhà đầu tư ngoại, trong khi các doanh nghiệp nội “chưa lớn mạnh đủ nhanh để cạnh trạnh”. Ông nói thêm:
“Vì vậy, [nhà nước] Việt Nam sẽ phải xem xét lại những lĩnh vực nào phải đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm quyền kiểm soát của Việt Nam vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân và của quốc gia”.
Hôm 12/4, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết trong đó nêu mục tiêu đến năm 2025 “phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp” và “tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”.
Một số bài báo ở Việt Nam cho rằng đó là mục tiêu rất tham vọng, khó đạt được nếu xét đến thực tế là kinh tế của đất nước “lịm đi” trong thời gian gần đây, số doanh nghiệp “chết đi” nhiều hơn số doanh nghiệp mới ra đời.
Nhiều nhà kinh doanh ở Việt Nam nói trong các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí chính thống hoặc bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ không thể hoặc không muốn làm ăn lớn do bị nhũng nhiễu hoặc vướng phải nhiều quy định luật pháp có tính chất trói buộc, theo quan sát của VOA.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đồng ý về thực trạng đó và nêu lên ví dụ điển hình là Tp. HCM trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng trưởng rất thấp.
Về lối thoát cho điều kể trên, Tiến sĩ Doanh nói: “Liên đoàn Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam VCCI đã có kiến nghị để tạo điều kiện cởi trói để các doanh nghiệp có thể phát triển. Tp.HCM nói riêng muốn có những giải pháp, những chính sách đặc thù để Tp.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân”.
Số liệu của Việt Nam hồi tháng 1 năm nay cho thấy kinh tế tư nhân có phần đóng góp chiếm 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.
Một Số Hàm Ý Qua Chuyến Viếng Thăm của Ông Antony Blinken Tới Việt Nam
(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Mỹ Marc Knapper dự lễ động thổ Tòa Đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 15/4/2023.)
-Một nguồn đáng tin cậy không muốn nêu tên cho Ðài Á Châu Tự Do (RFA) biết là mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”.
Có nhiều chuyện xảy ra xung quanh chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Việt Nam từ 14 đến 16 tháng 4, 2023 khiến cho các nhà quan sát quan hệ Việt Mỹ quan tâm. Đó là những sự kiện liên quan đến việc ông Blinken gặp gỡ ai ở Việt Nam và những gì xảy ra với ba nhà bất đồng chính kiến ngay trước khi máy bay ông Blinken hạ cánh xuống Nội Bài chỉ hai ngày.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng không có chứng cứ chắc chắn để kết luận về những gì thực sự diễn ra đằng sau các hiện tượng này nhưng bằng cách quan sát và phân tích các sự kiện, họ có thể phán đoán ra một số hàm ý của nó.
Lịch Trình của Ông Blinken ở Việt Nam
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Tân Gia Ba nhận xét về những hàm ý có thể thấy từ lịch trình của Ngoại trưởng Antony Blinken ở Việt Nam:
“Ông Blinken đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Bùi Thanh Sơn mà không gặp Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam.
Điều này cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính có sự chủ động cao độ trong quan hệ Việt-Mỹ. Cả hai bên muốn mối quan hệ của hai nước đi vào đi vào thực chất, nhắm trực diện vào các vấn đề chiến lược, chứ không mất thời gian vào những vấn đề có tính lễ tân, nghi thức”.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhắc lại lần ông Phạm Minh Chính gặp ông Antony Blinken và ông Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ở Tòa Ðại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn năm 2022, để thấy sự chủ động của hai bên là rất nhất quán.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, có thể nhìn thấy sự chủ động tích cực xích lại gần nhau của cả hai phía trong sự kiện này.
“Hai ông Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhận lời đến gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thể hiện Mỹ rất chủ động và năng động trong mối quan hệ này.
Lẽ ra Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, còn ông Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thì gặp cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thế nhưng các ông ấy cũng gặp Thủ tướng Chính”.
Tiến sĩ Hợp cho rằng điều này cho thấy Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Mỹ, và Thủ tướng Việt Nam đã vượt qua mọi nghi thức lễ tân để gặp gỡ trực tiếp với các cấp của Mỹ. Ông kết nối chuyến thăm năm 2023 này với cuộc gặp năm 2022:
“Năm 2022, trong bữa tiệc Tổng thống Joe Biden chiêu đãi đoàn ASEAN, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan được xếp ngồi giữa ông Biden và ông Chính, bỗng nhiên, sau khi nâng ly, ông Sullivan bỏ đi đâu đó, để cho ông Chính ngồi vào ghế của ông Sullivan vì ông Biden quay sang nói rất nhiều với ông Chính. Hai bên nói với nhau hơn 15 phút, để cho tám nhà lãnh đạo ASEAN còn lại ngồi nhậu với nhau”.
Tin cho hay trong chuyến thăm năm 2022 của ASEAN tới Hoa Kỳ, Cam Bốt là trưởng đoàn và họ không đồng ý các cuộc gặp song phương mà Hoa Kỳ phải gặp tập thể ASEAN. Như vậy, dường như Hoa Kỳ và Việt Nam đã bằng một cách nào đó ngồi riêng với nhau.
Nhìn lại quan hệ hai nước Việt Mỹ theo một quá trình như vậy, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, lịch trình chuyến thăm của ông Antony Blinken ở Việt Nam trong hai ngày 14-16/4/2023, chỉ gặp Tổng Bí thư, Thủ tướng và người đồng cấp, cho thấy hai bên muốn đi thẳng vào các vấn đề kinh tế và chính trị một cách thực chất.
Hàm Ý Kinh Tế Đối Ngoại của Chuyến Thăm
Tiến sĩ Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson cũng nhận định với RFA rằng chuyến thăm của ông Blinken, với hai cuộc gặp với Tổng Bí thư và Thủ tướng, cho thấy kinh tế chính trị quốc tế là mối quan tâm chính chứ không đơn giản là ngoại giao theo kiểu xã giao.
Ông Nagao chỉ ra rằng thương mại Việt-Mỹ hiện đang phát triển mạnh mẽ. Đây là một tình hình tốt để Việt Nam có tiềm lực để có thể dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào TPP và IPEF, những mạng lưới kinh tế không bao gồm Trung Quốc, với tư cách là một thành viên. Mặc dù có tạo ra một số vấn đề nhỏ giữa thương mại Mỹ-Việt, điều này cũng tốt cho Mỹ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nagao cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang muốn vào TPP trong khi đó Mỹ muốn từ chối Trung Quốc. Oái oăm là nước Mỹ là nước đề xướng ý tưởng về TPP nhưng họ đã rời TPP từ thời Tổng thống Trump nên Mỹ không còn quyền phủ quyết sự gia nhập của Trung Quốc. Mỹ cần thuyết phục các thành viên TPP khác từ chối cho Trung Quốc vào TPP. Đó là cũng là một lý do Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam.
Ba Sự Kiện Liên Quan Đến Các Nhà Bất Đồng Chính Kiến
Ông Antony Blinken đến Việt Nam ngày 14/4/2023 thì trước đó hai ngày, hôm 12/4, tòa án Hà Nội kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng sáu năm tù giam và hai năm quản chế. Đồng thời, nhà hoạt động Thái Văn Đường (hay Đường Văn Thái) đang tị nạn ở Thái Lan bỗng mất tích khỏi nơi ở hôm 13/4, và ngày 16/4, Công an Hà Tĩnh thông báo đã bắt một người cùng tên vì “nhập cảnh trái phép”. Cũng trong dịp này, một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cho biết gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã được đến Hoa Kỳ tị nạn ngày 14/4/2023.
Liệu cả ba sự kiện liên quan đến ba nhà bất đồng chính kiến (một có thể đã bị bắt, một bị kết án tù và một được tị nạn tại Hoa Kỳ) diễn ra ngay trước chuyến thăm của ông Blinken chỉ là sự ngẫu nhiên hay có mối quan hệ nào? Nếu đó chỉ là ngẫu nhiên thì tại sao? Và nếu các sự kiện này có liên hệ với nhau thì chúng liên hệ với nhau như thế nào?
Có Hay Không “Phe Thân Tàu” và “Phe Thân Mỹ”?
Trong một bài phân tích trên The Diplomat hôm 10/3/2023, nhà nghiên cứu Vũ Khang cho rằng không tồn tại cái gọi là hai phe, “phe thân Tàu” và “phe thân Phương Tây”, trong chính trị Việt Nam hiện nay. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đồng tình với nhận định này. Nếu không tồn tại hai phe như vậy trong chính trường Việt Nam thì việc bắt bớ hay kết án tù các nhà bất đồng chính kiến ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ không phải là do “phe thân Tàu” thực hiện để đẩy Việt Nam ra xa Hoa Kỳ.
Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học ở Đại học Oregon và ông Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật khoa Tạp chí, trao đổi với RFA rằng bởi vì không nhà quan sát nào có bằng chứng trực tiếp nên chúng ta không thể khẳng định, cũng không thể phủ định điều gì. Cũng có thể là chính quyền Việt Nam kết án tù ông Nguyễn Lân Thắng, và có khả năng nào đó là đã bắt ông Thái Văn Đường (việc bắt ông Thái Văn Đường chưa được xác nhận chính thức cho đến ngày 16/4/2023), ngay trước chuyến thăm của ông Blinken là có thể liên quan đến quan hệ quốc tế.
Giáo sư Vũ Tường cho rằng, về việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng ngay trước chuyến thăm của ông Antony Blinken, nếu muốn biết hai sự kiện này có quan hệ với nhau hay không, chúng ta cần biết lịch trình chuyến thăm được quyết định khi nào. Phiên tòa xét xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã được quyết định cách đây vài tháng, còn không ai biết rõ chuyến thăm của ông Blinken được quyết khi nào, có thể mới được quyết định gần đây, sau cuộc điện đàm của ông Biden và ông Trọng. Vì vậy không thể phủ nhận cũng không khẳng định chắc chắn là hai sự kiện có quan hệ với nhau.
Nhiều năm trước, ông Nguyễn Lân Thắng là người tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc gây hấn Việt Nam ở Biển Đông. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc Tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Hoa Kỳ, và ông Trịnh Hữu Long, việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng cũng không hẳn là để làm hài lòng Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể chỉ quan tâm đến những “món quà” lớn hơn.
“Thông Điệp” Gửi Đến Giới Phản Biện Xã Hội?
Theo ông Trịnh Hữu Long, vì không có bằng chứng chính xác cho nên các nhà quan sát cũng không thể phủ nhận một khả năng khác, là những sự kiện này có khả năng cao là liên quan đến chính trị nội địa nhiều hơn. Tức là chính quyền muốn gửi một thông điệp tới các nhà phản biện xã hội rằng chúng tôi sẽ không nương tay dù quan hệ với Mỹ tốt đẹp thế nào đi nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trao đổi đổi với RFA rằng không đợi đến khi có chuyến thăm của ông Blinken, chính quyền đã luôn luôn gửi thông điệp cứng rắn đến cho người dân rồi.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng việc thả gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên có thể là “món quà” cho Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken. Nhưng với việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng hai ngày trước khi ông Blinken hạ cánh, ông Trịnh Hữu Long có một cách tiếp cận khác, từ cơ cấu chính trị nội bộ của Việt Nam. Theo ông Long, trong bộ máy chính trị Việt Nam, người quyết định các án chính trị thường ở cấp cao, nhưng những nhân vật cấp cao quyết định theo tham mưu của giới chức bậc trung. Nhóm viên chức bậc trung này hành động trước hết vì nhu cầu chứng minh lòng trung thành, sự mẫn cán với chế độ để thăng tiến trong hệ thống. Theo ông Long, đây là lý do chính. Những viên chức bậc trung này hành động vì lợi ích riêng của mình trong hệ thống chứ không quan tâm nhiều lắm đến tác động của việc bắt bớ, kết án người bất đồng chính kiến tới quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Chuyến Thăm Việt Nam của Ngoại Trưởng Mỹ: Nhân Quyền Có Phải Là Chủ Đề Quan Trọng?
(Quốc Phương)
(Hình: Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào chiều 15/4/2023.)
-Nhân quyền Việt Nam và việc đặt quan tâm thế nào với phía Mỹ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang diễn ra tại Việt Nam (từ 14-16/4/2023) là một chủ đề được một số nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam bình luận vào thời điểm này.
Thế nhưng trước hết, hôm thứ Bảy, 15/4/2023, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam kéo dài ba ngày của ông Antony Blinken theo lời mời của người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, theo truyền thông quốc tế, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã có những động thái đề cập vấn đề này với phía Việt Nam:
“Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Bảy nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền sau khi gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tới quốc gia Đông Nam Á này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết”, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Còn ngay trước thềm chuyến thăm của ông Blinken tới Hà Nội, vẫn theo Reuters, hôm thứ năm, 13/4, Hoa Kỳ đã lên tiếng “lên án” việc Việt Nam tuyên án tù giam một nhà hoạt động, blogger được nhiều người biết, đó là Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, và phía Mỹ nói rõ rằng quan hệ song phương chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam đáp ứng có điều kiện.
Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời hôm 13/4, nói:
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền.
“Trước chuyến thăm Hà Nội của ngài Ngoại trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo các quy định luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình”.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 15/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tới thăm một tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội, đi cùng ông còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc Knapper, khi đoàn đến thăm địa điểm được truyền thông đưa tin là Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37, phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo ý kiến từ trong cộng đồng giáo dân Công giáo tại Hà Nội và từ giới quan sát thời sự Việt Nam cũng như bang giao Mỹ-Việt thì “rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo” và đây là “một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo” mà Ngoại trưởng Antony Blinken và phái đoàn Mỹ bày tỏ, trong mối liên hệ có thể hiểu rằng đây là một lĩnh vực quan trọng nằm trong và đồng hành với các quyền tự do của con người và các quyền công dân trong xã hội văn minh hiện đại.
Ông Blinken gặp sơ Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Hà Nội – Nữ tu Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh sáng 15/4
Mỹ Có Quan Tâm Tới Hợp Tác Nhân Quyền Với Việt Nam Hay Không?
Có một câu hỏi được đặt ra vào thời điểm nhà lãnh đạo số một ngành ngoại giao Mỹ tới thăm Việt Nam và hai nước đang đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, mà một số nhà quan sát, phân tích chính trị-xã hội Việt Nam và bang giao Mỹ-Việt đã thảo luận, đó là liệu nhân quyền có là một quan tâm và ưu tiên trong hợp tác của Mỹ với Việt Nam hay không vào thời điểm hiện nay, khi có thể hai bên đang hướng tới xác nhận đúng thực chất một quan hệ đối tác đã có tính chiến lược trên thực tế quan hệ song phương.
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp. HCM, nêu quan điểm:
“Như phần lớn người dân, một số giới cũng muốn Hoa Kỳ tác động nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, tuy nhiên tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trọng tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề an ninh khu vực là ưu hàng đầu, Hoa Kỳ chắc chắn không coi vấn đề nhân quyền trở nên ưu tiên nữa, mặc dù trong thời gian qua cũng có một số đề nghị là ông Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập với Chính phủ Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ đây không phải là trọng tâm của chuyến đi.
“Và do đó ông Blinken sẽ qua để làm tốt mối quan hệ này bằng cách là sẽ bàn những vấn đề về an ninh khu vực nhiều hơn.
“Và chúng ta thấy là trong 2 năm vừa rồi, chính Hoa Kỳ cũng là nước giúp Việt Nam nhiều nhất trong vấn đề thuốc men, vắc-xin chống COVID-19, thì chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ luôn luôn mở rộng khả năng để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam một cách tối đa.
“Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi không đặt vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ không giúp gì cho người dân Việt Nam.
“Tôi nghĩ mối quan hệ ngày càng sâu hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nói chung cho tình hình phát triển của Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh là hiện giờ nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những sự khó khăn nghiêm trọng, việc nâng cấp mối quan hệ này về mặt thực tế, tôi không nói về mặt danh nghĩa, cũng có thể mang lại những lợi ích nhiều hơn cho người dân Việt Nam”.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cộng tác viên cao cấp của Viện nghiên cứu Iseas (của Tân Gia Ba) nói:
“Trước hết, tôi xin nói là người Mỹ sẽ không nói chuyện về dân chủ, nhưng chắc chắn là người ta nói chuyện về nhân quyền.
“Vừa rồi nhóm Nghị sĩ Quốc hội Mỹ do ông Michael McCaul, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, vào Việt Nam, đã dành thời gian rất nhiều để nói về vấn đề nhân quyền.
“Vì vậy, chắc chắn ngày 15/4, ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói về vấn đề đó, những chủ đề cụ thể thì có thể chưa được biết, nhưng chắc chắn là có và ở đâu cũng thế thôi, mong muốn lớn nhất của người ở trong nước Việt Nam là được thực hiện những quyền ấy của mình.
“Trong khi những mong muốn ấy được thể hiện ra, thì cũng lại có những mong muốn khác rằng thực hiện những quyền của mình, thì người ta sẽ thực hiện trong một khung cảnh, thứ nhất là đúng với Hiến pháp và thứ hai là đúng với nền tảng pháp lý tự nhiên của vấn đề, chứ không phải là một nền tảng pháp lý đang có.
“Tôi chắc là ông Ngoại trưởng Mỹ nói một cách rất rõ ràng và cụ thể, nhưng hoàn toàn không có tính chất tác động gì cả, mà là mang tính chất đối thoại.
“Không nghe một cách cụ thể lắm, nhưng ở một mức độ phong thanh, tôi nghĩ ông Ngoại trưởng Mỹ nói về một số trường hợp rất cụ thể mà hiện nay đang bị giam cầm.
“Nói về một số trường hợp cụ thể liên quan đến thực hành tôn giáo, và có thể có thể một số khía cạnh về tương trợ Tư pháp liên quan các quyền đó....
“Có ba thứ đó, tôi nghe phong thanh, nhưng tôi chưa được biết cụ thể lắm, nhất là từ phía Mỹ, thế còn từ phía Việt Nam cũng đã dự đoán như vậy. Và chắc chắn là việc này xảy ra trong buổi sáng ngày 15/4”.
‘Thời Điểm Thuận Lợi và Nhân Quyền Là Một Chủ Đề Rất Quan Trọng’
Khi được hỏi liệu đây là những chủ đề được phía Mỹ đặc biệt lựa chọn ra để đối thoại, hợp tác với Việt Nam, hay là không, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
“Thực ra đây không phải là những lựa chọn gì đặc biệt lắm, nhưng trong tất cả những cuộc mà người ta đặt ra về vấn đề nhân quyền, thì chủ đề bao giờ cũng là như thế, nó không phải là ưu tiên chọn lọc trong lúc này.
“Thứ hai là về thời điểm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam là một thời điểm thuận lợi, mà trước hết là thuận lợi cho Mỹ, thứ hai mới đến là thuận lợi cho Việt Nam.
“Và nó càng thuận lợi hơn, khi mà ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ngớt đi rồi, các hoạt động quay trở lại rất bình thường, thì đó là một thuận lợi cho ông Blinken đến thăm.
“Hơn nữa là các sự kiện quan trọng mà có vai trò của Mỹ, gần như là vai trò chủ trì, đều xảy ra ở khu vực này, thì trong thời điểm tháng năm hay tháng 6/2023, ví dụ như là Hội nghị G7 ở bên Hiroshima, Nhật Bản, có sự đóng góp rất lớn của Mỹ.
“Và những hoạt động như thế này như chúng ta đã biết, Thủ tướng Nhật Bản đã có thư mời chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam dự cuộc họp G7 ở Hiroshima, và chắc là ông Thủ tướng Việt Nam đã nhận lời, và đó là một dịp rất là tốt để phía Việt Nam có thể tăng cường đối thoại không những đối với Mỹ, với Nhật, mà còn với năm nước khác, là những nước lớn ở trong khối G7 đó.
“Đó là một dịp rất là tốt, cho nên việc kết hợp mà ông Blinken đi Việt Nam lần này là một sự sắp xếp công việc rất khoa học và hợp lý, với một lịch trình như thế này, thì những ưu tiến lớn đặt ra là rất khác.
“Ưu tiên lớn là an ninh, là phát triển kinh tế, là hợp tác về thương mại, rồi giao lưu con người và chủ đề rất quan trọng chính là chủ đề về nhân quyền”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chia sẻ trên quan điểm riêng từ Hà Nội.
Cũng từ thành phố này, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Xã hội (IDS - đã tự giải thể), nhân dịp này đề nghị một tiếp cận mà có thể được hiểu là mang tính chủ động hơn từ nội bộ Việt Nam.
Ông nói: “Tôi nghĩ trong những chuyện mà muốn Việt Nam tôn trọng những vấn đề nhân quyền, hay những cam kết, điều ước quốc tế, mà đó chính là luật quốc tế, mà Việt Nam đã tham gia, thì người Việt Nam hay có thói quen là nhờ các ngoại quốc gây sức ép.
“Cái đó cũng đúng, nhưng mà tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người ở Việt Nam đều lên tiếng, và có thể không cần phải đòi gì to tát nhưng mà trong việc làm hàng ngày của mình, thực hiện các quyền của mình mà đã được Hiến pháp ghi một cách long trọng như thế, và chừng nào hàng chục người Việt Nam hiểu được quyền của họ và thực hiện những quyền ấy, thì nếu có những kẻ vi phạm chính những quyền ấy của người dân, thì người ta phải lên tiếng, và đấy là cách duy nhất… và đấy mới thực sự là áp lực đối với chính quyền…” ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh trên quan điểm riêng từ Hà Nội.
Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp báo vào chiều 15/4 tại Hà Nội khẳng định: “Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Và chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của các bạn.
“Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh những tiến bộ về nhân quyền trong tương lai là cần thiết để khơi mở tiềm năng của người dân Việt Nam. Đó cũng là trọng tâm của Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam”, theo bản ghi và bản dịch tiếng Việt từ Tòa Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội gửi ra cho phóng viên.
Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam trong cùng ngày loan tin rộng rãi về chuyến thăm và hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày thứ hai thăm chính thức Việt Nam.
Trong số đó, báo Quốc tế, cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa tin cho hay:
“Sáng 15/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
“Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ duy trì đà phát triển tích cực nhờ nền tảng quan hệ đã được hai bên gây dựng, vun đắp trong 28 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế….
“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 2015, đồng thời khai triển kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 3/2023).
“Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, các biện pháp để duy trì đà và đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện thời gian tới, nhất là các lĩnh vực mới”, vẫn theo bản tin của báo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngoại Trưởng Mỹ Thăm Tu Viện Tại Hà Nội: “Một Thông Điệp Mạnh Ủng Hộ Quyền Tự Do Tôn Giáo!”
(Quốc Phương)
(Hình: Ngoại trưởng Blinken thăm tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội vào sáng 15/4/2023.)
-Trong lịch trình dày đặc và khá kín của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam với chuyến thăm 3 ngày (14-16/4/2023), ngay trong ngày thứ Bảy (15/4), theo thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đến thăm một cơ sở tôn giáo tại Hà Nội.
Các bức ảnh của phóng viên hãng tin Reuters đăng tải trong sáng 15/4 cho thấy, Ngoại trưởng Blinken và Đại sứ Marc Knapper đến thăm Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37 đường Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chuyến thăm này theo lịch dày đặc và bận rộn của phái đoàn Mỹ và xếp hàng thứ ba, sau khi trước đó, Ngoại trưởng Blinken có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào lúc 8 giờ 15 phút sáng và dự lễ động thổ Tòa Ðại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội vào lúc 9 giờ 25 phút sáng cùng ngày.
Vẫn theo lịch làm việc và kế hoạch của đoàn Mỹ, chuyến thăm tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội thậm chí còn diễn ra trước cả bữa trưa trao đổi làm việc (working lunch) giữa Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn.
“Một Thông Điệp Mạnh Ủng Hộ Tự Do Tôn Giáo”
Từ Hà Nội, một giáo dân Công giáo, ông Josephe N.V.T., người xin được giới hạn trong giới thiệu danh tính, đưa ra cảm tưởng của mình, ông nói:
“Tu viện này có từ xưa, sau này còn lại bên cạnh Bệnh viện St. Paul Hà Nội.
“Nếu ở Sài Gòn thì tu viện tương tự nằm ở đường Tôn đức Thắng, thuộc phường Bến Nghé, ở Quận nhất.
“Như vậy là ông Ngoại trưởng có thể sẽ đến thăm một trong hai cơ sở của dòng nữ tu và chọn tại Hà Nội.
“Thực ra vì Bệnh viện St. Paul đã lấy hết cơ sở ở 72, phố Nguyễn Thái Học rồi, nên tu viện chuyển về Dòng Mến Thánh giá ở 31 Nhà Chung, Hà Nội
“Tôi cho rằng đây là một hành động có tính chất biểu trưng, gửi thông điệp mạnh về việc ủng hộ tự do tôn giáo.
“Bởi vì tu viện này thuộc dòng nữ tu và trước đặt xây cất ở Bệnh viện St. Paul Hà Nội bây giờ, nhưng nhà nước đã lấy hết đất, nên phải chuyển về Dòng Mến Thánh giá như đã nói.
“Hiện vẫn chưa đòi lại được vì Nhà nước sử dụng cho Bệnh viện cho mục đích công ích.
Tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội được xây dựng trong thời Pháp thuộc tại Việt Nam vào năm 1883.
Theo một tường trình trên mạng công giáo quốc tế liên quan dòng Nữ tu toàn cầu, trong một cao điểm đấu tranh đòi lại đất đai và tài sản của giáo hội và dòng tu, các nữ tu thuộc tu viện St. Paul de Chatres hồi năm 2016 đã tiến hành nhiều hoạt động khiếu nại, thắp nến cầu nguyện, hiệp thương đòi giải quyết tranh chấp, chấm dứt các vi phạm tài sản của dòng và đã có kiến nghị tới các cấp, sở, ban ngành của chính quyền tại Hà Nội.
Theo nguồn này, vào ngày 26/8/2016, các nữ tu Thánh Paul de Chartres và những người ủng hộ giáo dân đã yêu cầu các viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trả lời về khiếu nại của họ về việc ai kiểm soát các khu đất lịch sử của tu viện của họ ở thủ đô Việt Nam.
Ngày 28/8 cùng năm, hơn một chục nữ tu, giáo dân đã có đơn gửi tới Ủy ban Nhân dân quận sở tại, Thành phố Hà Nội và cơ quan công an thành phố Hà Nội. Họ cũng đã gửi kiến nghị tới các lãnh đạo chính phủ, nhà nước Việt Nam khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các cơ quan nhà nước khác.
Và trong một cuộc phản đối mạnh mẽ nhất, khoảng 50 nữ tu và giáo dân Công giáo đã tuần hành ôn hòa dưới ánh nến vào sáng sớm ngày 25/7/2016 tới địa điểm tranh chấp gần tu viện của họ, nơi nhóm tuần hành cùng cầu nguyện và hát thánh ca.
Sau đó, đoàn tuần hành đến trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận, yêu cầu các viên chức quận sở tại đưa cho họ một biên bản cuộc gặp trước đó giữa hai bên. Trong cuộc họp đó, 30 nữ tu, trong đó có cả những người già ngồi xe lăn, và giáo dân đã yêu cầu chính quyền Quận đình chỉ việc xây dựng trên đất của họ.
Vẫn theo nguồn từ truyền thông Dòng Nữ tu toàn cầu nói trên, thì đến ngày 28/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phải ra lệnh đình chỉ việc xây dựng công trình và yêu cầu Sở Tài nguyên-Môi trường giải quyết khiếu nại của nữ tu theo pháp luật.
“Chỗ Nào Lấy Rồi Thì Khó Đòi Lại”
Ông Joseph N.V.T, nói thêm: “Mấy năm trước xảy ra vụ tranh chấp ở khu vực Bệnh viện Việt Nam - Cuba thuộc chỗ dòng Sainte Marie.
“Nhà thờ tu viện Sainte Marie thì nằm ở số 37 trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, thì đã bị chiếm và xâm phạm trái phép, việc đó làm hư hỏng nghiêm trọng công trình tu viện, và với giáo dân và dòng tu, giáo hội, thì đã gây ra sự vị phạm pháp luật và xúc phạm tình cảm tôn giáo của người dân và giáo dân Việt Nam.
“Bây giờ họ (chính quyền) cởi mở hơn bằng cách cho cải tạo hoặc xây mới một số Nhà thờ ở một số nơi. Nhưng chỗ nào họ lấy rồi thì khó đòi lại được.
“Và Vatican cũng có giúp đỡ, tài trợ cho Giáo hội ở Việt Nam”, ông Joseph N.V.T chia sẻ.
Theo một số tổ chức theo dõi nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, tại Việt Nam đến nay xảy ra ít nhất hàng chục, hàng trăm vụ khiếu kiện lớn nhỏ trong đó các giáo hội thuộc các tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng khác nhau vẫn liên tục có đơn từ, khiếu nại đòi nhà nước, chính quyền các cấp giải quyết, trao trả lại đất đai, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, mà trong số đó đa số các chủ thể khiếu nại đều có các giấy tờ, chứng từ, chứng nhận có giá trị và bằng chứng, làm rõ về chủ quyền của bên khiếu nại và đòi đất đai, tài sản của các nhà thờ, dòng tu, các nhà chùa và các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trong cả ba miền.
Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn diễn ra vẫn theo các đánh giá này là còn chậm, thậm chí rất chậm và trong nhiều trường hợp còn chưa thỏa đáng, và chỉ giải quyết với số lượng chưa đáng kể, với nơi được “giải quyết”, thì đa số trường hợp chỉ được giải quyết một phần, hoặc những giải pháp thay thế, đền bù, nếu có hy hữu xảy ra, có thể không tương ứng với giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo và kể cả về mặt giá cả thực tế về đất đai, bất động sản v.v… trên thị trường.
Trong khi đó, vẫn theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng quốc tế và khu vực, vẫn có nhiều phản ánh từ khắp cả nước ở Việt Nam về việc nhiều cơ sở tôn giáo tín ngưỡng bị xâm phạm, hoặc đe dọa xâm phạm đối về mặt hoạt động và tài sản, đất đai, trong số đó các nơi nào mà việc thành lập, hoạt động, dù trong quá khứ từ trước, hay gần đây, mà nhà nước, chính quyền cho là chưa, hay không được công nhận chính thức, có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động, với các cơ sở có thể bị xóa bỏ, tịch thu, thu lại, xung công, nhiều trường hợp có liên quan tới bắt bớ, trấn áp đã được đưa tin.
“Rõ Ràng Là Một Biểu Tượng của Tự Do Tôn Giáo”
Tuy nhiên, nhà nước và chính quyền Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, luôn khẳng định và tuyên bố nhà nước và chính quyền luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cả quyền tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo của công dân.
Họ cho rằng các tranh chấp diễn ra, nếu có chỉ là dân sự và các trường hợp nếu có xảy ra các vụ bắt giữ, xét xử, đều do các cá nhân, chủ thể là các đối tượng vi phạm pháp luật của nhà nước, trong đó có pháp luật hình sự; và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã ký kết như một thành viên, trong đó có các văn bản, điều ước, Hiệp định quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc liên quan các quyền con người, trong đó có các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh các quyền công dân khác trong xã hội dân sự và xã hội truyền thống.
Truyền thông chính thống của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng đưa tin cho hay chính quyền đã thường xuyên có các cuộc đối thoại “cởi mở”, “xây dựng”, “công khai” với các tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại quốc, quan tâm đến các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, có nhiều cuộc đối thoại với các cộng đồng trong nước, trong đó có các giáo hội, giáo dân, Phật tử, tín đồ v.v… để đáp ứng các quyền liên quan. Riêng về quan hệ với một số tôn giáo quốc tế, nhà nước cũng đã có lộ trình thiết lập các trao đổi và bang giao chính thức mang tính xây dựng.
Trở lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến tu việnSt. Paul de Chartres, dòng tu nữ, hôm 15/4/2023, một nhà quan sát chính trị và xã hội Việt Nam từ trong nước, cũng xin được không tiết lộ danh tính, cùng ngày đưa ra bình luận:
“Có 2 cơ sở ở Hà Nội mà ông Ngoại trưởng và đoàn Mỹ có thể lựa chọn lấy một để đến thăm thuộc tu viện Thánh Paul the Sartres.
“Nếu tiện hơn thì sẽ là cơ sở ở khu trục đường Nguyễn Thái Học-Trần Phú, cạnh đó vẫn có một khoảnh lớn không ai đụng tới và Vẫn đầy nữ tu sĩ.
“Rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo, trong lúc riêng về Công giáo, nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị lập quan hệ chính thức ở cấp Ðại sứ với Vatican”, nhà quan sát nêu quan điểm riêng của mình từ Hà Nội.
Những Đột Phá Bởi Chuyến Thăm Hà Nội của Blinken
(Trần Hiếu Ch
-Những biến cố và sự kiện được cho là đột phá trong chuyến công du Hà Nội đầu tiên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken có thể là: i) Lễ động thổ Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỉ Mỹ kim; ii) Tuyên bố của Tổng Bí thư ĐCSVN, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ về thời điểm được cho là chín muồi đối với việc nâng cấp quan hệ song phương Việt-Mỹ; và iii) Tái cam kết về các cuộc đàm phán IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu.
Quần Thể Biểu Trưng Sức Mạnh Mỹ
Tòa Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện nay đặt tại số 7, đường Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8/2021, thỏa thuận về địa điểm mới và thời gian thuê đất 99 năm cho Tòa Ðại sứ mới đã được công bố. Ngân sách dành cho khu phức hợp dự kiến khoảng 1,2 tỉ Mỹ kim, sẽ là một trong những Tòa Ðại sứ đắt nhất của Mỹ trên thế giới. Quần thể này nằm giữa không gian thành phố và công viên Cầu Giấy, Hà Nội, với thiết kế lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long. Trong khi đó, thiết kế cảnh quan bên ngoài khu phức hợp lại dựa trên cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
Hôm 15/4, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng các viên chức hai nước Mỹ và Việt Nam làm lễ động thổ tòa Tòa Ðại sứ mới trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày của ông đến Việt Nam. Phát biểu tại lễ động thổ, ông Blinken nói: “Buổi lễ động thổ này và Tòa Ðại sứ mới thể hiện một bước đi đầy ý nghĩa nữa tiến tới tăng cường mối quan hệ đối tác có tầm quan trọng to lớn giữa hai nước và nhân dân hai nước chúng ta”. Phụ tá Ngoại trưởng Kritenbrink từng phát biểu: “Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng chưa đầy 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ và chuyển đến Tòa Ðại sứ đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1995, giờ đây chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng một biểu tượng mới tuyệt đẹp về cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác và hữu nghị lâu dài với Việt Nam”. Dự kiến có khoảng 5.000 công nhân Mỹ sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, trong thời gian sáu năm. Tòa Ðại sứ Mỹ mới sẽ cao tám tầng. Nhờ đó, số cửa làm hồ sơ Lãnh sự sẽ tăng gấp bốn lần hiện nay để có thể giải quyết được nhiều thị thực hơn và nhanh hơn. Dự kiến, trong quá trình cơ sở mới này được hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho 1.800 người dân sở tại, đồng thời đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam thêm 350 triệu Mỹ kim, vẫn theo lời ông Blinken phát biểu tại lễ khởi công.
“Đối Tác Chiến Lược”: Thời Điểm Chín Muồi
Vấn đề Đối tác chiến lược Mỹ-Việt đã được đề cập cách đây hàng chục năm, trước cả khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton từng đến Việt Nam quảng bá cho chính sách “Xoay trục” của Tổng thống Obama (tháng 7/2012). Theo quan niệm của Mỹ, quan hệ Đối tác chiến lược nhắm đưa quan hệ với những quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới đi vào thực chất, sâu rộng, bao trùm hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Từ phía Việt Nam, ít nhất có hai quan ngại chính liên quan đến việc tăng cường các chất lượng chiến lược trong quan hệ với Hoa Kỳ: Phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào đối với sự nâng cấp quan hệ? Và độ bền vững trong các cam kết của Hoa Kỳ sẽ kéo dài đến đâu?
Vì những lẽ trên, khi cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thì rõ ràng các quan ngại nói trên đã được hóa giải. Có hai nhân tố góp phần vào quá trình hóa giải ấy. Thứ nhất, “mối quan hệ ‘Chiến lược toàn diện’ mới được ký kết gần đây giữa Mỹ và ASEAN mang lại một vỏ bọc cho mỗi quốc gia trong khối thiết lập quan hệ ‘Đối tác chiến lược’ với Hoa Thịnh Ðốn ở cấp độ song phương, bất chấp Trung Quốc có suy nghĩ như thế nào’, ông Jonathan R. Stromseth, nhà nghiên cứu cấp cao từ Brookings Institute lập luận như vậy với truyền thông quốc tế hôm 16/4.
Nhân tố thứ hai, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành “Luật Khoa học và Chip” (8/2022), phân bổ hàng chục tỉ Mỹ kim cho sản xuất và nghiên cứu khoa học chất bán dẫn trong nước, được cho là thúc đẩy khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Cùng với bộ Luật này, Hoa Kỳ đặt trọng tâm nhiều hơn vào hợp tác an ninh và quốc phòng trong ý nghĩa của một đối tác chiến lược. Theo đó, Việt Nam lần đầu tiên được nhìn nhận là đối tác đã cùng với Mỹ “xây dựng được một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả sau một thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện”. Tính từ khi Việt Nam được đánh giá “như một đối tác chiến lược tiềm năng của Hoa Kỳ trong bản Tổng kết Quốc phòng Quý IV năm 2010” cho đến khi Việt Nam được đánh giá là đã “sát cánh cùng với Mỹ trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất” là mười ba năm có lẻ.
Hai “Fact Sheet” – Một nỗ lực
Trước chuyến thăm Hà Nội của ông Bliken, ngày 13/4/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Thông báo “Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam: Kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện và 28 Năm Quan hệ Ngoại giao” (The United States-Vietnam Relationship: Celebrating 10 Years of Comprehensive Partnership and 28 Years of Diplomatic Relations).
Thông báo trên đây kết nối chặt chẽ đến “Kế hoạch hành động” với tựa đề “Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ” (Strengthening the U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership), cũng do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành ngày 25/8/2021 trong lúc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang ở Hà Nội. Hai “Fact Sheet” này có lẽ là minh chứng rõ rệt nhất cho những nỗ lực của Mỹ cam kết hành động liên tục và mang tính hệ thống để hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, lành mạnh và kiên cường.
Những kết nối giữa kinh tế và an ninh thông qua hai Thông báo trên đây đã được Ngoại trưởng Blinken thảo luận với phía chủ nhà nhằm “thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và khắp khu vực”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho xuất cảng các sản phẩm như dệt may và điện tử của quốc gia Đông Nam Á này. Thông qua “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF), Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Hoa Kỳ cung cấp.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, ông đã thảo luận về nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và trên toàn khu vực, thông qua (IPEF). Việt Nam đã tham gia đàm phán về cả bốn trụ cột của IPEF, qua đó giúp dẫn đầu những nỗ lực về các vấn đề có vai trò định hình nền kinh tế trong thế kỷ 21, gồm sức chống chịu của chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng sạch và kết nối kỹ thuật số, từ đó mang lại lợi ích cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới.
Trực Tiếp: Chuyến Thăm của Ngoại Trưởng Mỹ Tới Việt Nam và Các Bình Luận Bên Lề
(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp người đồng cấp phía Việt Nam trưa 15/4/2023 tại Hà Nội.)
-Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14/4 đến 16/4/2023 và dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của nước chủ nhà, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và bàn về các dự định nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược”.
Các bạn vui lòng nhấn F5 để theo dõi các cập nhật mới của Đài Á Châu Tự Do.
•Gia đình cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Anh Tú cùng con đi tị nạn chính trị tại Mỹ trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam.
Bà Nghiên hôm 14/4 xác nhận với phóng viên RFA là đã đến Mỹ tuy nhiên còn cảm thấy mệt do di chuyển xa nên chưa nói gì thêm.
Bà Phạm Thanh Nghiên là tác giả cuốn sách “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”, bị bắt hồi năm 2008 khi đang tọa kháng tại nhà ở Hải Phòng trước hai khẩu hiệu về Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà sau đó bị tuyên án 4 năm tù giam với cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.Chồng bà là ông Huỳnh Anh Tú, cựu tù chính trị mãn án 14 năm tù hồi năm 2013 cùng với em trai là Huỳnh Anh Trí, ông Trí qua đời vài tháng sau khi ra tù vì bị AIDS.
Cả hai cưới nhau và sau đó có một đứa con, nhiều lần gia đình bà bị sách nhiễu đàn áp, bị đập nát căn nhà mới xây ở khu Vườn Rau Lộc Hưng vào dịp Tết Nguyên đán 2019.
(Ảnh: Bà Phạm Thanh Nghiên và chồng là Huỳnh Anh Tú.)
•Ông Antony Blinken đến thăm các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, các nữ tu của dòng này nhiều lần biểu tình, khiếu nại với chính quyền để đòi lại các phần đất bị phía chính quyền và một số gia đình dân lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất có đầy đủ giấy tờ của nhà dòng.
(Ảnh: Ông Blinken gặp một nữ tu tại Hà Nội)
•Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sáng 15/4 dự lễ động thổ để tiến hành xây dựng khu phức hợp Tòa Ðại sứ Mỹ trị giá 1,2 tỉ Mỹ kim tại Hà Nội.
Thỏa thuận về địa điểm và thời gian thuê đất (99 năm) cho Tòa Ðại sứ Mỹ mới được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 82021.
Trong buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Mỹ Marc Knapper.
Từ trái qua: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ảnh: Reuters
(Ảnh: Cận cảnh mô hình Tòa Ðại sứ Mỹ mới dự kiến được xây dựng)
•Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ có chuyến thăm tu viện St. Paul de Chartres, thộc dòng thánh PhaoLô tại Hà Nội vào sáng 15/4.
Đây được xem là cuộc gặp có tính biểu tượng vì các nữ tu của dòng này trong các năm qua nhiều lần biểu tình để phản đối chính quyền xây dựng trên các khu đất thuộc sở hữu của nhà dòng.
Riêng tu viện St. Paul de Chartres Sisters dành cho các nữ tu được xây từ thời Pháp thuộc ở Hà Nội từ hồi năm 1883, và dòng có đầy đủ giấy tờ.
Hồi năm 2016, nếu không đấu tranh quyết liệt, thì đã bị người ta xây công trình lấn chiếm, chiếm luôn. Có lần khoảng 50 sơ đã dũng cảm công khai đứng ra tự tụ tập ôn hòa nhưng cương quyết tại khu đất đó, có chuyện nói là khi đó lúc cao điểm có tới khoảng 100 phần tử xã hội đen tới đó bảo kê, hăm dọa, công an có biết nhưng bị cáo buộc là không có hành động phù hợp, rõ ràng và kịp thời để ngăn chặn. Đặc biệt là có 30 nữ tu ngồi xe lăn đã thắp nến cầu nguyện, hát thánh ca để gây chú ý.
(Ảnh: Các nữ tu Dòng Phaolô Hà Nội hôm 17/7/2019 tuần hành để đòi lại quyền sở hữu hợp pháp trên mảnh đất 42 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.)
•Trước chuyến đi, Luật sư Lê Công Định, một nhà quan sát chính trị từ Sài Gòn bình luận với Đài Á Châu Tự Do cho rằng, quan hệ của hai nước đã vượt xa “đối tác toàn diện” và tiệm cận với “đối tác chiến lược”. Ông Định cũng cho rằng, chính phủ Hà Nội sẽ chọn giải pháp khéo léo vừa có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ vừa không chọc giận Trung Quốc.
Xem bài viết: Luật sư Lê Công Định: Quan hệ Việt-Mỹ đang vượt lên cả “đối tác toàn diện”
•Sáng 15/4, ông Blinken gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội. Cả hai đã từng gặp gỡ chính thức vào hồi tháng 5/2022 tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Mỹ. Trước cuộc gặp, đoạn video quay trực tiếp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho thấy ông Chính ăn nói bỗ bã với các viên chức tháp tùng như “Mẹ nó, sòng phẳng, sợ gì”.
(Ảnh REUTERS.)
•Tối 14/4, Ngoại trưởng Antony Blinken đến phi trường Nội Bài, Hà Nội và nghỉ ngơi để sáng hôm sau bắt đầu lịch trình bận rộn của mình.
Chưa Thấy Có Gì Đột Phá Trong Chuyến Thăm Hà Nội của Ngoại Trưởng Blinken
(Trần Đông A)
(Hình: Ông Blinken)
-Giới quan sát có thể còn có đánh giá khác nhau. Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được một số kết quả cụ thể thúc đẩy bang giao, nhưng chưa đạt được điểm đột phá. Có thể là vì chủ nhà, cả ông Tổng Bí thư lẫn ông Thủ tướng đều như ngồi trên “núi lửa” để tiếp khách.
Tiến Triển Nhưng Chưa Có Đột Phá
“Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng sâu rộng, ổn định và vững chắc”, “Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”…
Đó là hai trong hàng loạt những tiêu đề lớn từ “Cổng thông tin điện tử” của Chính phủ Hà Nội cho đến tối 15/4 (giờ Việt Nam), lúc ông Blinken vẫn chưa kết thúc chuyến thăm. Trong một phóng sự dài trên 2.500 từ với 5 tiêu đề lớn ngang ngửa nhau (Nhớ là tất cả đều là “title” chứ không phải “subtitle”) – một kiểu trình bày báo chí khác với truyền thống thường ngày – đủ cho thấy, các cơ quan từ Chính phủ Việt Nam thực sự muốn chuyển tải “càng nhiều càng tốt” những thông tin cơ bản đến độc giả.
Đối với thể loại đề tài còn ít nhiều nhậy cảm như quan hệ Việt-Mỹ, bản báo vẫn dành một thời lượng nổi bật khác thường như vậy là động thái hiếm hoi và cho thấy tiến triển lạc quan trong quan hệ Việt-Mỹ. Vẫn từ “Cổng thông tin điện tử”, độc giả còn được “chiêm ngưỡng” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken. Phóng sự này tuy độ dài chưa bằng một nửa phóng sự nói trên, nhưng đổi lại, gần 1200 từ ấy đã chốt lại một thông điệp khá rõ ràng: Tổng Bí thư Trọng đánh giá những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cảm ơn, đề nghị các cơ quan liên quan thu xếp vào thời điểm thích hợp và nhắc lại lời mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định lại Tổng thống Joe Biden mong sớm sang thăm Việt Nam.
Liệu đây đã phải là nội dung đột phá mà Ngoại trưởng Blinken đã cất công “cưỡi mây” hàng vạn cây số, mang sang tận Văn phòng Tổng Bí thư để trao cho Nguyễn Phú Trọng? Có lẽ là chưa phải! Thông tin này, quan trọng thật đấy nhưng nó đã có từ cuộc điện đàm ngày 29/3. Vậy đâu là thông điệp quan trọng nhất của chuyến đi? Rất có thể là thỏa thuận nếu Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư ĐCSVN cùng nhắc lại lời mời lẫn nhau, thì cụ thể thời điểm của mỗi chuyến đi sẽ rơi vào quãng nào trong năm nay? Mà điều này thì như một nguyên tắc bất thành văn của Lễ tân Việt Nam thường chỉ công bố trước khi chuyến thăm xảy ra dăm ngày.
Tiến triển lớn tiếp theo có thể ghi nhận qua các tiếp xúc cấp cao lần này là cả Tổng Bí thư và Thủ tướng Việt Nam lẫn Ngoại trưởng Mỹ đều gặp nhau ở một điểm cốt lõi, đó là nhận thức quan hệ song phương Việt-Mỹ, Mỹ-Việt đã đến lúc cần nâng cấp (upgrade). Báo chí quốc tế, từ “Japan Time” đến “Nikkei” cũng đồng điệu với mạch tư duy ấy. Tờ “Japan Times” chạy tít lớn: “Blinken tìm kiếm chiến lược nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam” (Blinken to seek strategic upgrade of U.S.-Vietnam ties). Tờ báo này còn thuyết minh thêm về vị thế của Hà Nội: Việt Nam là một trong tám quốc gia không phải là thành viên G7 được Nhật Bản mời tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima khi Tokyo tìm cách thành lập một mặt trận quốc tế thống nhất về các vấn đề như thách thức của Trung Quốc đối với Trật tự dựa trên luật lệ và đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Hy vọng, Việt Nam sẽ không khước từ lời mời vinh dự này.
Phát biểu khi gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Bùi Thanh Sơn trước đó, ông Blinken nói, trong hành trình mối quan hệ 28 năm qua, hai nước đã cùng nhau xây dựng nền tảng rất vững chắc cho mối quan hệ song phương. Ông Blinken cũng cho biết: “Và bây giờ chúng ta có một cơ hội, tôi hy vọng, để đưa mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn nữa trong những tuần tới và tháng tới”. Vẫn lời Ngoại trưởng Mỹ: “Những gì chúng tôi từng bàn về khí hậu, năng lượng, chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật, giáo dục và rất nhiều lĩnh vực khác nữa đã đem đến nhiều hứa hẹn to lớn cho người dân cả hai nước. Cam kết chung của chúng ta về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nó đang bị thách thức, nhưng cả hai nước đều cùng nhau thẳng thắn đấu tranh cho trật tự đó”.
Như Ngồi Trên “Núi Lửa” Tiếp Khách
Trong những ngày Ngoại trưởng Blinken ở Hà Nội, giới quan sát ít nhận ra sức nóng như “núi lửa” tỏa ra do sự bất an cả ngoại giao lẫn nội trị của chủ nhà. Về nội trị, bốn lãnh đạo trong “Bộ tứ” thường đứng ra tiếp các quốc khách trong những dịp như thế này. Nhưng với ông Blinken, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã không xuất hiện. Trong trường hợp này, Việt Nam không bao giờ đưa ra lời giải thích chính thức, nhưng sự bất bình thường ấy không thể che dấu những biến sự trên thượng tầng Ba Đình. Cuộc đấu đá nội bộ trong những tuần sắp đến (có tin là trong tháng Năm tới) khiến cho cả ông Trọng lẫn ông Chính không thể ăn nói một cách tự tin, đề cập tới một tầm nhìn dài hạn về nội trị Việt Nam trước các chính khách Hoa Kỳ. Những lãnh đạo được cho là cao nhất trên thượng tầng không chỉ phải dè chừng lẫn nhau khi tiếp xúc với các khách quốc tế, ở đây là với Hoa Kỳ, mà họ còn phải đề phòng bị Trung Quốc “đánh tụt điểm”.
Cho nên Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò tích cực góp phần nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một tập hợp lực lượng của Hoa Kỳ chống Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lại tránh đề cập đến cái không gian chiến lược rất nhạy cảm ấy đối với ĐCSTQ. Chính quyền Biden công khai tuyên bố, việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một phần trọng tâm trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, bên cạnh việc hiện đại hóa liên minh với Phi Luật Tân, củng cố quan hệ với Tân Gia Ba và Nam Dương. Theo các chuyên gia, chính do mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc, việc nâng cấp với Hoa Thịnh Ðốn vẫn là vấn đề “nóng” với Hà Nội.
Trong chuyến công du lần này của ông Blinken, Việt Nam vẫn chưa “chốt” câu trả lời là do những tính toán về lợi và hại của động thái này. Hoa Thịnh Ðốn cần phải chứng tỏ rằng, họ cam kết với mối quan hệ và sẽ mang lại những kết quả rõ ràng để vượt qua bất kỳ trở ngại kinh tế và ngoại giao nào mà Việt Nam sẽ phải đối mặt từ Trung Quốc. Cho dù các viên chức Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng, các mối quan hệ song phương nên được nâng cấp, nhưng ý tưởng này chưa bao giờ được thực thi, một phần do Việt Nam lo ngại rằng điều đó có thể bị Bắc Kinh hiểu là thù địch với Trung Quốc. Chưa nói, động thái của Việt Nam hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược có thể gây khó chịu cho một vài nước khác nữa chứ không chỉ Trung Quốc. Một phần cộng đồng ASEAN, nhất là Lào và Cam Bốt, nay đang trong sức hút vào quỹ đạo của Bắc Kinh, chưa hẳn đã hồ hởi với sự nâng cấp này.
Cho đến trưa 16/4, vẫn không thấy bất cứ một thông cáo báo chí nào về việc ông Blinken kết thúc thăm Việt Nam. Thay vào đó, cư dân mạng có thể đọc mấy dòng Tweet thật tình cảm của ông Ngoại trưởng: “Xin cảm ơn những người dân tuyệt vời của Việt Nam và chính quyền Việt Nam đã tổ chức chuyến thăm đầu tiên của tôi trên cương vị Bộ trưởng. Cam kết hơn bao giờ hết trong việc nâng cao Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cùng nhau hợp tác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở“. Điều này cho thấy, cả Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Ðốn đều kín tiếng về những thỏa thuận quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam, trước khi ông Blinken báo cáo cho Tổng thống.
Mỹ: Xả Súng Tiệc Sinh Nhật ở Alabama, 4 Người Chết, 28 Người Bị Thương
(Hình: Người thân dự lễ cầu nguyện cho nạn nhân vụ xả súng, ngày 16/4/2023, ở Dadeville, Alabama, Hoa Kỳ.)
-Ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có một cầu thủ bóng bầu dục của trường Trung học, trong một vụ nổ súng nổ ra trong bữa tiệc sinh nhật được tổ chức bên trong một phòng tập khiêu vũ ở thị trấn nhỏ Dadeville, tiểu bang Alabama, cảnh sát tiểu bang và phương tiện truyền thông địa phương cho biết hôm 16/4/2023, theo hãng thông tấn AP.
Nhà chức trách cho biết hơn 28 người bị thương, một số trong tình trạng nguy kịch, trong vụ xả súng cách thủ phủ Montgomery của tiểu bang khoảng 100 cây số về phía Đông-Bắc.
Họ cũng cho biết vụ nổ súng bắt đầu ngay sau 10 giờ 30 phút tối giờ địa phương ngày 15/4 nhưng từ chối trả lời các câu hỏi hoặc cung cấp thêm thông tin chi tiết trong cuộc họp báo hôm 16/4.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo một cách rất có phương pháp để giải quyết vụ này, xem xét sự thật và bảo đảm rằng công lý sẽ được thực hiện cho các gia đình”, ông Jeremy Burkett, một Trung sĩ của Cơ quan Thực thi Luật pháp Alabama cho biết.
Tờ báo Montgomery Advertiser đưa tin rằng một trong 4 người thiệt mạng trong vụ bạo lực là một cầu thủ bóng bầu dục của trường Trung học, người nằm trong số những người tham dự tiệc sinh nhật lần thứ 16, còn gọi là “Sweet 16” của em gái mình khi một tay súng nổ súng. Thông tấn xã Reuters không thể xác nhận độc lập thông tin hoặc tìm hiểu danh tính của 3 nạn nhân khác.
Bữa tiệc được tổ chức bên trong phòng tập khiêu vũ Mahogany Masterpiece Dance Studio, được chuyển đổi từ một tòa nhà ngân hàng cũ nằm cách Tòa Thị chánh khoảng nửa dãy nhà ở Dadeville, một thị trấn có khoảng 3.000 cư dân.
Các viên chức không cung cấp thông tin về nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng hoặc liệu có bất kỳ nghi phạm nào đã bị giết hoặc bị bắt hay không, nhưng ông Burkett cho biết không còn bất kỳ mối đe dọa nào đối với cộng đồng.
“Đất nước của chúng ta đã đi đến đâu khi trẻ em không thể tham dự một bữa tiệc sinh nhật mà không sợ hãi?” Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 16/4.
Ông Biden gọi bạo lực súng đạn đang gia tăng ở Hoa Kỳ là “thái quá và không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Quốc hội thông qua luật buộc các nhà sản xuất vũ khí phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về bạo lực súng đạn, cấm vũ khí tấn công và băng đạn công suất lớn, đồng thời yêu cầu cất giữ vũ khí và bối cảnh an toàn kiểm tra việc mua bán súng.
Các vụ xả súng hàng loạt đã trở nên phổ biến ở Mỹ, với hơn 163 vụ từ đầu năm 2023 đến nay, theo Gun Violence Archive. Nhóm phi lợi nhuận này định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là bất kỳ vụ nào có bốn người trở lên bị thương hoặc thiệt mạng, không bao gồm kẻ xả súng.
Mỹ: Bao Nhiêu Người Sẽ Chết Vì Súng?
(Ngô Nhân Dụng)
(Hình: Hội Súng Toàn Quốc (NRA) Hoa Kỳ đang họp đại hội ở Indianapolis, tiểu bang Indiana, 4 ngày sau vụ bắn giết ở Louisville.)
-Những người cổ động trang bị thêm nhiều súng cho các trường học quên một lời khuyên của Chúa Giê Su. Trong Phúc Âm theo Thánh Ma Thi Ơ, “Chúa nói… Hãy cất lưỡi gươm về chỗ của nó: Vì những kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Matthew 26, 26:52).
Tháng 1 năm 2023, một chú bé 6 tuổi tại trường Tiểu học Richneck, thị xã Newport News, tiểu bang Virginia đã cầm súng bắn cô giáo. Cô Abby Zwerner đang ngồi bên chiếc bàn học thì cậu bé chĩa mũi súng vào cô bắn một tràng mấy viên đạn. Cô giáo 25 tuổi bị thương ở ngực và bàn tay, nhưng vẫn lo hô hoán báo động các học sinh, và dẫn đám trẻ ra khỏi lớp, trước khi cô được đưa đi nhà thương điều trị trong hai tuần.
Cô giáo đã kiện Ban Giám đốc trường và học khu vì họ đã không ngăn cấm cậu học sinh 6 tuổi mang súng, sau khi chính cô và nhiều người khác đã báo cáo và yêu cầu “tước khí giới” cậu bé. Cô đòi $40 triệu tiền bồi thường, để bù lại nỗi nguy hiểm và sợ hãi cô phải trải qua.
Cảnh sát cho biết chú bé đã dùng một khẩu súng của bà mẹ, việc bà mua súng hoàn toàn hợp pháp. Trong thị xã 185.000 dân này, nhiều gia đình giữ súng trong nhà. Bà mẹ chú bé không biết con bà đã làm cách nào lấy được khẩu súng, vì bà vẫn cất trong hộp, để trên cao.
Trong tuần này bà vẫn bị bắt vì tội bất cẩn để cho con lấy được khẩu súng đem bắn cô giáo. Bà tự đến trình diện Sở Cảnh Sát Newport News, đóng 5.000 Mỹ kim tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra. Các bản tin không cho biết tên bà mẹ, để giữ kín danh tính của chú bé vị thành niên, theo luật định. Luật sư của bà mẹ viết trong email rằng: “Bà ấy hoang mang và sợ hãi vì cả đời chưa bao giờ bị bắt!”
Có lẽ nên tha tội cho bà mẹ này. Riêng chịu đựng nỗi đau lòng thấy con mình sách súng đi bắn cô giáo trong mấy tháng qua đã đủ là một hình phạt cho bà mẹ rồi!
Không ai biết tại sao chú bé lại bắn cô giáo. Có lẽ chú đã coi, đã thấy nhiều cảnh bắn súng trên ti vi. Coi cả tin tức về những vụ bắn súng giết người trong trường học, trong siêu thị, trong ngân hàng, toàn là những cảnh quen thuộc chú vẫn lui tới, vẫn đi qua hàng ngày. Một cậu bé 6 tuổi rất dễ nẩy ra ý muốn bắt chước người lớn! Cậu đã thấy mẹ có súng, lâu lâu đem ra nâng niu lau chùi. Muốn thỏa mãn óc tò mò coi cái cảm giác khi bắn súng nó thế nào, cậu bé tìm ra cách lấy trộm cây súng của mẹ, dù bà có cất trên cao. Vì tâm thần cậu bé không ổn định, thường bố hay mẹ vẫn đến trường với con mỗi ngày. Tới một bữa cả hai bận không đi theo con được, cậu đã lấy khẩu súng đem tới trường, thử một lần cho biết!
Trẻ em ở Mỹ không xa lạ gì với súng. Muốn có súng không khó khăn gì mấy, nhiều khẩu súng ở ngay trong nhà mình. Số súng trong tay các người dân bình thường cao hơn dân số Mỹ. Chữ “súng” trong các bản thống kê là những khẩu súng lẻ, một người có thể mang theo được. Theo nghiên cứu của Small Arms Survey, năm 2018 thường dân ở Mỹ làm chủ 393 triệu khẩu súng, trung bình cứ 100 người thì có 120,5 khẩu súng – con số cao nhất thế giới, nhiều gấp đôi hai xứ đứng hạng hai, hạng ba là Falkland Islands - 62,1 khẩu và Yemen - 52,8 khẩu.
Vì vậy, số người chết vì súng ở Mỹ cũng đứng đầu thế giới. Những cái chết không biết lý do, không vì ai chủ ý giết, và có thể ngăn ngừa được, lên tới 48,830 vụ trong năm 2021 – tăng 8% so với con số 45,222 người chết năm 2020. Trong số người chết đó, 54% là tự sát, 43% là bị giết, và 1% là do tai nạn.
Muốn thấy con số người chết vì súng đạn đáng sợ thế nào, có thể so sánh với số người chết vì xe cộ. Theo báo cáo hàng năm của ASIRT (Annual United States Road Crash Statistics), trung bình mỗi năm có 46.000 người Mỹ chết vì tai nạn xe hơi. Số xe hơi chạy trong nước Mỹ cũng thấp hơn hơn số súng, năm 2021 là 278 triệu chiếc xe (con số đầy đủ là 278.063.737 xe lớn, nhỏ).
Những người thích súng ở Mỹ tự biện hộ bằng Tu chính án số 2 trong Hiến pháp, xác định người dân có quyền làm chủ súng. Nhưng khi bản Hiến pháp được soạn thảo, nói đến súng là nói đến những loại “mút cơ tông” bắn từng phát một, bắn xong phải nạp thuốc súng vào vỏ đạn, nhét đạn vào nòng, trước khi đưa lên, bóp cò. Bây giờ, những hung thủ mới giết chết 3 học sinh và ba người lớn ở Nashville, Tennessee, và bắn chết 5 người tại một ngân hàng ở Louisville, Kentucky, đều dùng những khẩu súng máy A-15 bắn chết người hàng loạt.
Trong 175 quốc gia trên thế giới có ba nước ghi quyền mang súng trong Hiến pháp, là Mỹ, Mễ Tây Cơ , và Guatemala. Nhưng tại hai nước sau, người ta có nhiều luật lệ kiểm soát việc mua bán và giữ súng.
Hội Súng Toàn Quốc (NRA) đang họp đại hội ở Indianapolis, tiểu bang Indiana, bốn ngày sau vụ bắn giết ở Louisville. Nhưng các diễn giả không ai nhắc đến các nạn nhân mà chỉ cổ động, ca ngợi quyền mang súng. Năm 2022, họ vẫn họp ở Houston, Texas, sau vụ tàn sát 19 học sinh và 2 người lớn tại trường Tiểu học ở Uvalde, Texas, cách đó 280 dặm. Năm 1999, sau vụ súng bắn làm chết 15 người ở Columbine High School, tại Littleton, Colorado, hội NRA đã tính hoãn họp đại hội, nhưng lại cứ tiếp tục.
Trước khi hội NRA họp, Tối cao Pháp viện Mỹ đã quyết định tạm cho thi hành một phán quyết của tòa dưới, cấm một số loại súng tự động như AR-15, chờ ngày xét xử chính thức. Trong khi chờ đợi, không biết sẽ xảy ra bao nhiêu vụ bắn giết khác. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Harvard Youth Poll cho thấy 63 phần trăm những người Mỹ tuổi từ 18 tới 29 muốn luật lệ kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn.
Những người yêu súng, và hội NRA, thường biện luận rằng nếu muốn giảm bớt số học sinh bị những kẻ điên khùng bắn chết thì phải tăng thêm số nhân viên an ninh mang súng. Họ còn yêu cầu các thầy giáo, cô giáo cũng phải mang súng. Nếu thực hiện các yêu cầu này, những công ty sản xuất súng sẽ tăng thêm lợi nhuận!
Thử tưởng tượng, nếu Cô giáo Abby Zwerner ở thị xã Newport News mang súng trong người. Cô sẽ làm gì khi một học sinh cầm súng nhắm vào mình? Cô có thể phản ứng nhanh, rút súng ra để tự vệ. Cô có thể bắn cậu bé 6 tuổi, không chết thì cũng bị thương! Hình ảnh đó sẽ ám ảnh lương tâm cô suốt đời.
Những người cổ động trang bị thêm nhiều súng cho các trường học quên một lời khuyên của Chúa Giê Su. Trong Phúc Âm theo Thánh Ma Thi Ơ, “Chúa nói… Hãy cất lưỡi gươm về chỗ của nó: Vì những kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Matthew 26, 26:52). Tỷ số những người mang gươm tại vùng Palestine thời chúa Giê Su chắc thấp hơn tỷ số người mang súng ở Mỹ bây giờ. Nếu thời đó súng cũng thông dụng, chắc Chúa sẽ nói, “Những kẻ thích dùng súng sẽ chết vì súng!”
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét