Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

MỘT QUÃNG ĐƯỜNG ĐỜI - Lưu Phương Lan


Dạo đó vào thời điểm thập niên 1970, cha tôi làm công chức, mẹ tôi dạy nữ công, gia chánh tại nhà để phụ thêm. Gia đình tôi thuộc hạng trung lưu, nhưng vì đông con, nên cuộc sống lúc nào cũng chật vật. Công chức nhỏ, nuôi nổi sáu đứa con, thật là vất vả. Sau khi gả chồng cho bốn chị của tôi, thì cha tôi về hưu vì tuổi già, sức yếu. Lương hưu của ông chỉ vừa đủ cho gia đình tiêu xài một cách tiện tặn. Lúc đó tôi mới học năm thứ ba trường thuốc. Không muốn bị bỏ học dở dang, nên tôi phải thi vào Quân y, ăn lương của Quân đội, để sau này ra trường phải phục vụ lại trong Quân đội. Lương quân y của tôi đủ để ăn học, cố nhín nhút thì cũng có dư chút đỉnh để phụ giúp gia đình.
<!>
Ba năm sau, Cộng sản đánh thắng miền Nam, lúc đó tôi vừa mới ra trường, và đang mang cấp bực trung úy quân y. Như tất cả mọi công chức, quân nhân của chế độ cũ, tôi cũng phải xếp hàng vô trại cải tạo. Xếp hàng, vì đông lắm, nhà nào cũng có người đi cải tạo, cha con, anh em, bè bạn, họ hàng làng xóm… gặp nhau ở trong trại cải tạo, thật là cười ra nước mắt. Ngày tháng của Việt cộng dài như ngày tháng của âm phủ, mười ngày, một tháng, trở thành hai năm, ba năm, có khi lâu hơn mười năm. Nhưng sau cùng, thì tôi cũng được tha về, sau ba mươi tháng phải lao động khổ sai ở trong rừng.

Nghỉ ngơi một tháng, tôi bắt đầu đi tìm việc, và xin được một chân khám bệnh tại một bệnh viện nhỏ ở ngoại ô thành Hồ. Thủ trưởng của bệnh viện là chị Tám Lê, một bác sĩ cách mạng, tốt nghiệp từ trong chiến khu. Không biết chị học tới lớp mấy, nhưng đọc, viết thông thạo chữ quốc ngữ, khả năng biết băng bó, biết xử dụng ống chích, biết kê toa thuốc xuyên tâm liên, cỏ mực, pê ni xi linh, át pi rin nờ… Được cái, chị chuyên về hành chánh nhiều hơn là chuyên môn, nên cũng ít khi đụng chạm. Hôm tôi mới được nhận vô vô làm, chị hỏi:
- Thời ngụy, anh công tác ở đơn vị nào?
- Tôi thuộc binh chủng quân y, mới ra trường, chưa được bổ nhiệm công tác.
- Như vậy, hẳn anh chưa có nhiều kinh nghiệm?
- Dạ chưa, chắc tôi còn phải học hỏi nhiều nơi chị.

Chị Tám đỏ mặt, vội đánh trống lảng:
- Ở đây có hai anh bác sĩ ngụy, cũng mới đi cải tạo về, để tôi giới thiệu.

Tưởng ai, hoá ra Cảnh và Chất, hai anh bạn học trên tôi vài lớp. Mấy cha này tếu một cây, mới gặp lần đầu, Cảnh đã mách nước:
- Làm ở đây dễ chịu lắm. Chị Tám chưa chồng, mày ạ, nhào vô tán thử coi!
- Rỡn hoài! Cho tao hai chữ bình an, bả là phe cách mạng, xếp của tụi mình, bố bảo tao cũng chẳng dám vuốt râu cọp.

Chất phì cười:
- Người đẹp như vậy, mà mày kêu là cọp? Mà vuốt được râu cọp mới oai chứ, mày sẽ nổi danh như cồn…
- Tao không ham nổi danh kiểu đó, có ngày bị vả vỡ mặt. Mày ngon, sao không nhào vô?
- Tụi tao có vợ rồi, vợ biết đổ nợ. Mày còn độc thân, tha hồ bay bướm.
- Nói bá láp hoài, bả đáng tuổi chị hai tao mà?
- Hơn vài ba tuổi ăn nhằm gì, mà tao có biểu mày lấy đâu? Tán thử coi ra sao?
- Im đi cha! Không ai mượn mày làm quân sư quạt mo. Tao có phải con nít đâu mà nghe lời mày xúi dại?

Tôi vẫn giữ thái độ kính nhi viễn chi, không trêu chọc như Chất, không đùa ác như Cảnh. Có lần, người ta đưa vào phòng khám, một bệnh nhân nóng sốt mê man. Cảnh khám bệnh thật kỹ lưỡng, xong không nói gì cả, nó đẩy qua chị Tám:
- Trường hợp này lạ quá, bác sĩ thủ trưởng ơi! Nóng sốt mà cái cần cổ cứng ngắc. Tôi chịu, không hiểu bệnh chi cả, nhờ chị coi dùm nha.

Nói xong, nó nhìn tôi nháy mắt. Chị Tám lúng túng ra mặt, rờ đầu, rờ trán, nghe tim bệnh nhân xong, nghĩ ngợi một hồi, chị kê toa át pi ri nờ, bảo y tá nhỏ nước tỏi vào mũi, rồi toan cho về. Tôi hoảng quá, sợ Cảnh đùa dai, chết bệnh nhân, nên vội vàng can thiệp, tôi bảo chị Tám:
- Theo ý tôi, thì người này cần nhập viện vì nghi là bị sưng màng óc.

Nhưng cũng có thể tôi lầm, chị nghĩ sao?
- Ấy, tôi cũng nghi như anh. Thôi, cứ cho nhập viện để theo dõi.

Nói xong, bèn nắn nót viết mấy chữ thật to “nghi ngờ viêm não” vào giấy nhập viện. Đại khái những chuyện như thế, tôi luôn luôn giữ thể diện cho chị, nên chị Tám có vẻ có cảm tình với tôi, hơn là với Cảnh và Chất. Những lúc rảnh rỗi, thỉnh thoảng chị Tám và tôi cũng hay nói chuyện tâm tình. Tôi

thành thật coi chị như một người bạn, một người chị. Giữa hai chúng tôi, không có những nghi kỵ của những người khác quan điểm chính trị.

Chị Tám làm việc siêng năng, và rất ham học hỏi. Phải công nhận chị có bộ óc thông minh, lại biết phục thiện, không hay tự ái vặt. Tôi nghĩ nếu chị có điều kiện học hành tử tế, chắc chắn chị sẽ thành công. Tôi tận tâm chỉ dẫn, tập luyện cho chị trở thành một người phụ tá giỏi trong phòng mổ. Dần dần, chị trở nên thạo việc, và trong những ca mổ, tôi vẫn thích có chị phụ giúp, vì chị rất nhanh nhẹn và tháo vát.

Cảnh và Chất công khai gọi chúng tôi là một “cặp bài trùng trong phòng mổ”. Có lần, Chất nói đùa, khi có mặt cả chị Tám và tôi:
- Hai người không thể thiếu nhau trong phòng mổ, chắc cũng không thể thiếu nhau ngoài đời, có đúng không?

Tôi hết hồn, trong lúc chị Tám đỏ mặt. Nhưng hai đứa nó vẫn không tha, Cảnh chêm vào:
- Phải đấy, còn chờ gì nữa mà không yêu nhau đi? Chị Tám biết không? Thằng Thức là con một, mẹ nó dục nó cưới vợ từ cả mười năm nay, nhưng nó cứ lắc đầu nguầy nguậy. Làm mai cô nào, nó cũng từ chối. Nó chờ chị đấy.

Lần này, chị Tám mắc cở quá, vội vàng lủi mất. Chị đi khỏi, tôi mới la cả hai đứa:
- Chúng mày không nên tạo ra sự hiểu lầm, tội nghiệp người ta.

- Không sao, đùa thôi mà. Hồi đi học, tụi mình cũng gán ghép nhau lung tung, có ai để ý đâu?

Tôi cũng tin như vậy, nên thôi không thắc mắc nữa. Thế rồi sau đó có phong trào vượt biên, Cảnh biến mất trước tiên, ba tháng sau, đến lượt hai cô y tá ngụy tự dưng mất tích. Tiếp đó đến anh dược sĩ Nhuận xin phép về thăm quê vợ ở Sóc Trăng, rồi không thấy trở lên...

Chị Tám hỏi tôi, giọng nửa đùa, nửa thật:
- Chừng nào tới lượt anh?

Tôi giật mình:
- Muốn vượt biên phải có tiền. Tôi nhà nghèo, tiền đâu? Mà dù có ý định vượt biên chăng nữa, cũng đâu dám nói với chị, để chị đi tố cáo à?

Chị Tám nhìn tôi bằng ánh mắt thật khó hiểu:
- Anh nói tôi mà đi tố cáo anh sao? Tôi mà tố cáo, thì các anh bị bắt từ lâu rồi, nói năng chẳng biết giữ gìn gì cả.

Tôi cười giã lả:
- Thì cũng phải chọn mặt gởi vàng chứ, đâu phải bạ ai tôi cũng cởi mở? Chị với tôi là chỗ thân tình, nên tôi mới nói năng tự nhiên, không cần che đậy, dấu diếm.
- Thật vậy à? Chị Tám cúi mặt xuống, dấu vẻ cảm động, giọng bỗng nhỏ hẳn lại, cám ơn anh.
- Chị cám ơn cái gì? Tôi mỉm cười, chính tôi mới phải cám ơn chị đã không tố cáo tôi.
- Bỏ hai tiếng tố cáo ấy đi, không bao giờ có chuyện đó. Còn tôi cám ơn anh, là cám ơn anh đã coi tôi như... chỗ thân tình.

Chị Tám nói xong, khẽ chớp mắt, vẻ bẽn lẽn. Chị ngập ngừng định nói gì rồi lại thôi, sau cùng, chị chỉ nhìn tôi bằng một cái nhìn thật dịu dàng, rồi quay đi. Tết năm đó, bệnh viện có tổ chức liên hoan, và chụp hình kỷ niệm. Tôi được giao nhiệm vụ làm phó nháy, rửa hình xong, tôi đưa cho chị một tấm, và nói:
- Chị Tám coi này! Chị đứng cạnh anh Năm Hoà coi đẹp đôi chưa?

Năm Hoà là trưởng phòng y vụ, một cán bộ cũng từ miền Bắc đưa vào . Anh Năm Hoà trông người xương xẩu, và hàm răng hơi hô, nhưng được cái cao ráo, trắng trẻo, anh còn độc thân, mặc dù tuổi sắp bốn mươi. Qua cử chỉ, và hành động, cả bệnh viện ai cũng biết là anh đang theo đuổi chị Tám. Dĩ nhiên là chị Tám cũng biết, nhưng không thấy chị tỏ thái độ gì cả, vì tính chị vốn kín đáo. Tôi mỉm cười:
- Chị thấy sao?

Không thấy chị trả lời, tôi lại tiếp tục:
- Mọi người đều đang mong đợi sẽ được đi dự đám cưới của hai anh chị đó.
- Thế anh có mong không?

Lần này, chị Tám mới mở miệng, giọng chị nghe là lạ, rất khác thường. Nói xong, chị ngước mắt nhìn tôi, chờ đợi. Tôi vui vẻ nhiệt tình:
- Đương nhiên là mong rồi, anh Năm với chị xưng đôi lắm. Nếu chị muốn, tôi sẵn lòng làm phù rể trong đám cưới của anh chị. Để tôi rủ Chất…
- Thôi đủ rồi! Chị Tám bỗng ngắt lời, dọng chị đột ngột trở nên giận dữ, anh mà cũng nói thế à? Anh cho rằng nồi nào úp vung nấy, tôi chỉ xứng với người như anh Năm Hòa?

Tôi giật mình:
- Tôi đã nói lỡ điều gì? Chị Tám, chị đừng hiểu lầm…
- Tôi không hiểu lầm tí nào cả. Bây giờ, tôi mới biết bụng anh, trước kia tôi cứ tưởng…

Chị ngưng lại, quắc mắt nhìn tôi một cách thù hận, mặt chị đỏ phừng phừng. Nhưng chỉ một phút sau, chị bỗng oà lên khóc, và ôm mặt chạy nhanh vào phòng riêng, khóa cửa lại. Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi, rồi lặng lẽ ra về, lòng hoang mang vô tả. Chị Tám cáo ốm hai tuần mới đi làm lại. Nhưng từ đó, chị ít nói chuyện, và cố tình tránh mặt tôi. Sau đó vài tháng, chị xin chuyển đi nơi khác. Bệnh viện vắng bóng chị, như thiếu vắng một cái gì, không khí vui vẻ không còn nữa, ai nấy đều im lặng làm việc, không còn cười đùa như trước, cả Chất và tôi cũng thế.

Một hôm, Chất ghé tai tôi, nói nhỏ:
- Dịp may đã tới rồi đó mày! Tao có tuy ô này hay lắm, người nhà tổ chức, chỉ lấy ít cây thôi, chỗ tin cậy. Mày về nhà bàn tính lại đi, xem có thể thu xếp được, thì cho tao hay.

Tôi về thưa chuyện với cha mẹ. Nghe tôi nói chỗ này tin cậy được, mẹ tôi vội vã bán hết đồ đạc, vay mượn thêm chút đỉnh, vừa đủ cho một người đi. Cha mẹ hy sinh ở lại, cho tôi vượt thoát một mình. Sau năm ngày lênh đênh trên biển, sóng lặng gió êm, nhờ ơn trên phò hộ, con tàu nhỏ đã ghé bờ bình yên. Chuyến đi thành công, tôi đã đến được xứ sở của tự do. Cảnh thì không may, nghe nói con tàu của nó bị bão đánh chìm ngoài khơi, không ai sống sót. Đúng là số mệnh do trời định đoạt.

Thời gian trôi nhanh như một thoáng mây bay, thấm thoát đã bốn mươi năm qua, cuộc đời dâu bể bao nhiêu thay đổi. Cha mẹ tôi đã khuất núi cả, các chị em thì tứ tán mỗi người một phương. Tôi bây giờ tuổi đã xế chiều, ngày tháng còn lại chẳng còn bao nhiêu. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, tôi không khỏi bùi ngùi, những kỷ niệm về một thời xa xưa vẫn in đậm trong tôi. Những người cũ đâu cả rồi? Hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua, bạn bè của tôi dạo đó, giờ ai còn, ai mất? Không biết chị Tám bây giờ ra sao?

Rồi đây trên muôn vạn nẻo đường, biết có bao giờ còn được gặp lại những người đã cùng tôi đi chung một quãng trên con đường đời dạo nọ?

Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét