Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Hội Thảo Giới Thiệu Sách Sử Giáo Khoa Tại Hoa Thịnh Đốn - *Triều Giang

Sau buổi Hội thảo Giới thiệu sách tại Boston vào trung tuần tháng 3 thành công tốt đẹp. Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ của Đại học Oregon và Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) tiếp tục hành trình đem tin vui và hy vọng cho những trang sử Việt nam trung thực. Luồng gió mới đem đến từ hai cuốn sử đầu tiên viết về VNCH và Người Mỹ Gốc Việt do các Giáo sư, nhà nghiên cứu trẻ, phần đông là người Mỹ gốc Việt biên soạn, đã được chấp thuận đưa vào trường trung học và Đại học Hoa kỳ để giảng dạy: “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM (1920-1963)” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam (1920-1963) và “TOWARD A FRAMEWORK FOR VIETNAMESE AMERICAN STUDIES: HISTORY, COMMUNITY, and MEMORY” (Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng đồng và Ký Ức),
<!>
Trạm dừng chân ngày 6 tháng 5, năm 2023 sắp tới là thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Điện Quốc Hội

Tháp bút chì








,

 Tòa Bạch Ốc tại thủ dô Hoa Thịnh Đốn

Hoa Thịnh Đốn, biểu tượng quyền lực và văn hóa của Hoa Kỳ

Hoa Thịnh Đốn, thành phố mang tên của vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ Washington, còn được gọi là Washington DC (District of Columbia) là thủ đô của nước Mỹ với dân số khoảng 700, 000, là đơn vị hành chính độc lập, dưới quyền điều hành trực tiếp của Quốc hội,và có dân số đông đứng hàng thứ 23 của Hoa Kỳ. Đây là trung tâm quyền lực chính trị, và văn hóa của nước Mỹ, và có thể nói của toàn thế giới.

Lấy tòa nhà Quốc hội làm tâm điểm, thành phố được xây dựng thành hình 4 góc, gồm 131 khu phố. Khu trung tâm là các tòa nhà của 3 cơ quan tối cao hành pháp, tòa Bạch ốc (White House), lập pháp, Điện Quốc hội (Capital) và tư pháp, (Supreme Court) và hằng trăm các tòa nhà của chính phủ liên bang gồm trụ sở của một số đông các bộ, và 177 tòa Đại sứ của các nước trên toàn thế giới.

Ngoài ra còn nhiều di tích lịch sử và viện bảo tàng quốc gia gồm Đài tưởng niệm Jefferson, Đài tưởng niệm Lincoln và Đài tưởng niệm Washington, trụ sở của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ và các tổ chức quốc tế khác. Nhiều hiệp hội ngành, tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức tư vấn lớn nhất quốc gia, bao gồm AARP, Hội Hồng Thập Tự, Hội đồng Đại Tây Dương, Viện Brookings, Hiệp hội Địa lý Quốc gia, Quỹ Di sản, Trung tâm Wilson và các tổ chức khác.

Kiến trúc ở đây không giống kiến trúc Âu châu với những dinh thự cổ kính, cao ngất chồng chất lên nhau mang vẻ hướng thượng và ảnh hưởng tôn giáo. Ngoài đài tưởng niệm Washington Tháp Bút Chì, cao 169,29m, phần đông các tòa nhà còn lại không cao lắm với lối kiến trúc hiện đại dù hầu hết được xây cất vào cuối thế kỷ 19, và được xây cất trên những khu đất rộng rãi với những sân cỏ rộng xanh mướt. Vật liệu là những đá quý như cẩm thạch, hoa cương và sa thạch tạo nên các tòa nhà phản ánh sự rắn chắc, mạnh mẽ, trù phú, nhưng trầm mặc của trí tuệ và hài hòa với thiên nhiên và con người.

Công đồng người Việt hài hòa và tương trợ

CĐ Người Việt rước quốc kỳ VNCH tại trung Tâm Eden trong dịp Tết Nguyên Đán. Hình phải: Buổi Lễ tưởng nhớ Hai Bà Trưng của NHà Việt Nam

Người Việt khi nói đến vùng Hoa Thịnh Đốn, ý chỉ bao gồm đặc khu Washington DC, tiểu bang Virginia và Maryland với dân số trên 6.5 triệu người trong đó có khoảng trên 80,000 người Việt đang sinh sống, theo kiểm tra dân số năm 2020.

Cha ông chúng ta có câu:” Ở đâu thì âu đấy”, và cộng đồng người Việt ở đây quy tụ phần lớn tinh hoa của miền Nam Việt nam trước 1975. Họ sống bằng làm việc cho các cơ quan chính phủ, các bộ ngành. Một số thành công trong kinh doanh, thương mại, ngành IT. Thế hệ một rưỡi và hai thành công trong mọi ngành nghề.

Người Việt ở đây còn là cái trạm cho những sinh hoạt chính trị, văn hóa của người Việt khắp nơi ghé về thủ đô để vận động với quốc hội, các cơ quan liên bang, hay về đây chỉ để thăm gia đình, bạn bè, ngắm hoa anh đào vào khoảng tháng 3. Mỗi năm, khi thủ đô của nước Mỹ như một vườn thượng uyển rực rỡ hoa đào đủ màu, nhất là khu trung tâm DC, dọc hai bên đường của dòng sông thơ mộng Potomac. DC trong những ngày này có thể gọi là “xứ hoa đào”, không khác gì xứ Phù tang, Nhật bản. Hoa đào ở đây thực ra cũng do những người Mỹ gốc Nhật trồng để họ đỡ nhớ hoa đào của cố hương .

Nhà văn Lê thị Nhị, phó chủ tịch Nhà Việt Nam, chủ tịch là nhà văn Uyên Thao và đồng phó chủ tịch là nhà văn Đào Trường Phúc, gồm 3 sinh hoạt chính: cơ sở Nhà Việt Nam, nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, và nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, bà là một thuyền nhân, sinh sống tại vùng đất văn vật này gần nửa thế kỷ góp ý:

” Chưa có con số chính thức công bố, nhưng ngoài tiểu bang California thì vùng Hoa Thịnh Đốn là nơi có đông đảo nhất các cựu giới chức chính phủ, cũng như của quân đội VNCH sinh sống.

Nói về người Việt và sinh hoạt của vùng Hoa Thịnh đốn, nhìn chung các hội đoàn hài hòa, với tinh thần tương trợ và không nhiều tranh chấp ồn ào. Tổ chức Công Đồng người Việt sinh hoạt liên tục trên 40 năm qua, đóng góp rất nhiều trong việc tổ chức các Lễ hội Tết, lễ tưởng niệm 30 táng 4, các chương trình yểm trợ cho sự đấu tranh cho tự do, dân chủ trong nước, tiếp đón các phái đoàn tranh đấu từ khắp nơi về thủ đô để vận đông chính trị cũng như xã hội.

Các hội đoàn thì phải kể đến hội lâu năm và hoạt động liên tục nhất là Hội Người Việt Cao Niên, quy tụ nhiều tên tuổi, có những đóng góp mọi mặt cho cộng đồng.”


Ông Cao Nguyên, đương kim Chủ tịch hội Người Việt Cao Niên tại vùng Hoa Thịnh Đốn. 


Cảnh múa quạt nhân ngày kỷ niệm 45 năm thành lập hội

Sự đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa Việt

Hội của những người trẻ sinh hoạt cũng đông đảo về nhiều lãnh vực văn hóa, xã hội đặc biệt là các trường dạy Việt ngữ rất thành công, giúp nhiều thế hệ người Việt còn giữ được tiếng Việt như Trường Việt Ngữ có thể nói là một trong những trường ra đời sớm nhất của gia đình cố Gs. Chử Bá Anh, Trường Việt Ngữ Thăng Long, Quang Trung, các trường Việt ngữ tại một số Chùa, nhà thờ cũng đã đóng góp rất nhiều vào việc duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt cho giới trẻ.

Một số cơ quan ngôn luận, báo chí, đài phát thanh, truyền hình như đài SBTN-DC, VATV, VIETV, cũng rất khởi sắc. Hai nhà xuất bản sinh hoạt lâu năm và xuất bản đều tay là Nhà xuất bản miền Đông Bắc Hoa Kỳ do cố Gs. Nguyễn Ngọc Bích và nhà văn, Trương Anh Thụy đồng chủ tịch đã xuất bản nhiều chục tác phẩm giá trị.

Tủ sách Tiếng Quê Hương do nhà văn, nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ cho VN, từng bị tù CS 12 năm, Uyên Thao làm chủ tịch, chủ bút là nhà văn Trần Phong Vũ, và phó chủ tịch nhà văn Đào Trường Phúc ra đời hơn 20 năm qua đã xuất bản 100 cuốn sách giá trị của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

Khi quyết định chọn vùng Hoa Thịnh Đốn là một trong những điểm đến để giới thiệu hai cuốn sách: Trung tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ và Hội VAHF nghĩ rằng các nhà viết sử trẻ, sẽ đón nhận được nhiều ý kiến bổ ích cho chương trình xuất bản hàng nhiều chục cuốn sách trong tương lai.

Những liều thuốc độc hại và trang Sử Công Bằng và nhân bản


 

Nhà văn Trương Anh Thụy, 


 Trang nhà của Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

Nhà văn Trương Anh Thụy, định cư tại vùng Hoa Thịnh Đốn từ năm 1975. Gốc nhà giáo, bà là sáng lập viên của nhiều tổ chức hoạt động xã hội, từ thiện có mặt đầu tiên. Về văn hóa, bà thành lập Tủ Sách Cành Nam năm 1984. Cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích thành lập Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (1985) . Bà xuất bản nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bà thường được nhắc đến với trường thiên tiểu thuyết “Chuyển Mùa”. Bà phát biểu:

“Từ nhiều năm nay, nỗi lo lắng của tôi, và chắc cũng được đại đa số người Việt hải ngoại chia sẻ khi thấy các trường Trung Học, Đại Học Mỹ tràn ngập những tài liệu học tập về lịch sử, chiến tranh, văn hoá Việt Nam với đầy sai lạc, vì thiếu hiểu biết của các tác giả cũng có và vì cố ý xuyên tạc cũng có, nhưng vì bất cứ lý do gì, thì những tài liệu này cũng là những liều thuốc độc hại, đầu độc con em chúng ta về lâu, về dài! Ai cũng biết, văn hóa, giáo dục là phương tiện lợi hại nhất trong việc đào tạo con người, cho nên mối lo của các bậc cha mẹ là rất chính đáng…

Nỗi mừng cuả tôi không thể nào kể xiết! Hai cuốn sách trên đều được viết bởi các nhà khoa bảng Mỹ gốc Việt, một số tôi đã được hân hạnh quen biết, với kiến thức dồi dào về cả hai nền văn hóa, lịch sử Việt và Mỹ. Đặc biệt hơn nữa họ là những trí thức trẻ, không mang nặng thiên kiến, thù hận của các ông, cha… sẽ có cái nhìn về quê hương gốc của họ một cách công bằng và nhân bản…”

Không phải bắt đầu lại bằng con số không

Trái, một buổi Ra Mắt Sách cùa Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Giữa: nhà văn Lê Thị Nhị, cuối: nhà văn Uyên Thao


Nhà văn Uyên Thao chia sẻ:

“Người Việt không gìn giữ và phát triển lịch sử và văn học chính thống trong nước vì lịch sử trong nước bây giờ là lịch sử của đảng CS. Lịch sử chính thống Việt Nam bị cắt đứt từ năm 1954 tại miền bắc và năm 1975 trên toàn quốc. Người Việt hải ngoại chúng ta vô hình chung phải gánh vác công việc này, để một ngày khi CS không còn nữa, lịch sử và văn hóa của chúng ta không bị xóa sổ sạch mà còn tồn tại để nối tiếp, để phát triển mà không phải bắt đầu lại bằng con số không”.

Chính vì nhận định như vậy nên dù ở tuổi trên 90, hai “nhà văn cổ đại” Uyên Thao và Trần Phung Vũ cùng với thân hữu cũng đã sang tuổi 70 và 80 vẫn còn mài miệt trong việc đọc sách, tuyển lựa và xuất bản những cuốn sách giá trị cho độc giả trong và ngoài nước.

Mong ước đã từ lâu

Nhà hoạt động xã hội, chủ tịch Nhóm Thiện Nguyện Tình Thương VA Lê Tống Mộng Hoa đã rất nhiệt tình liên lạc với Hội VAHF ngay sau khi được biết về hai cuốn sách, bà mong mỏi Ban tổ chức sẽ đến Hoa Thịnh Đốn để giới thiệu với đồng hương ở đây. Bà chia sẻ:

“Điều này chúng tôi mong ước từ lâu. Từ bao năm thấy con, rồi cháu mình học những bài học lịch sử sai có ý xuyên tạc, chúng tôi rất buồn lòng nhưng không biết làm sao để sửa đổi, chỉ mong ước có ngày sẽ có những người làm được. Nhóm Thiện Nguyện tình thương sẽ hỗ trợ hết mình cho buổi Hội thảo tại DC”.

Và bà đã làm đúng như lời hứa. Bà đã giúp Ban tổ chức địa điểm tại Thư viện Thomas Jefferson và đang sốt sắng kêu gọi các thành viên và thân hữu đến tham dự.

Cần nhiều tác phẩm văn học Việt vào dòng chính

Riêng họa sĩ tự do Hoàng Vi Kha, Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Thăng Long đã nhận lời vào Ban tổ chức vì những lý do rất thực tiễn:

“Dù rất bận nhưng tôi quyết định giúp phổ biến hai cuốn sách này vì: Người Việt, biết sử Việt, tất cả các biên khảo, nghiên cứu nghiêm túc, có giá trị cần phải được phổ biến rộng rãi để góp phần vào giáo dục. Giáo dục nhất là tại các nhà trường phải phong phú về tài liệu cho kiểm chứng, đối chiếu chứ không một chiều, và nhất là cần góp phần khuyến khích người Việt viết sách, viết tham luận, viết báo, sáng tác văn học vào dòng chính “

Với tinh thần tương trợ vì lợi ích chung, một Ban tổ chức khá hùng hậu cho buổi Hội thảo và Giới thiệu sách tại Hoa Thịnh Đốn đã được hình thành; gồm 6 tổ chức: Trung tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ, Hội VAHF, Nhà Việt Nam, Việt Toon, Tủ sách Tiếng Quê Hương và Thư Viện Thomas Jefferson. Ban tổ chức đang ráo riết cho ngày khai mạc thứ Bảy, 6 tháng 5, 2013, từ lúc 2:30 tới 5:30 chiều. tại Thư viện Thomas Jefferson, tọa lạc tại số 7415 Arlington Blvd., Falls Church, VA. 22042

Mong đợi của diễn giả và nhận định của người mới đến (newcomer)

Gs.Tường Vũ, giám gốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ và là chủ biện của hai cuốn sách sử giáo khoa sẽ được giới thiệu trong buổi Hội thảo chia sẻ với những lời lẽ chừng mực và khiêm tốn của một nhà giáo:

“Tôi đã đến DC nhiều lần và được các cô chú bác anh chị tại đây yêu quý và giúp đỡ rất nhiều. Lần này tôi mong muốn được sự ủng hộ và hỗ trợ của đồng hương cho nỗ lực giáo dục và nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ’.

Riêng Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi, quản thủ Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, một trong 12 đồng tác giả của cuốn: XÂY DỰNG MỘT QUỐC GIA CỘNG HÒA TẠI VIỆT NAM (1920-1963) sẽ là diễn giả cùng với Gs. Tường Vũ trong cuộc Hội Thảo tại DC, để tiếp xúc và lắng nghe độc giả và đồng hương cho những công trình biên khảo kế tiếp, ông đã rất vui khi được hỏi: ông nghĩ gì về cộng đồng người Việt tại Hoa Thịnh Đốn và ông mong mỏi gì về chuyến gặp gỡ này? Ts. Lương Hải Khôi đã trả lời đầy phấn kích:

Lần đầu tiên tôi và gia đình tới DC là năm 2017, khi may mắn được nghiên cứu ở Viện AICGS của Đại học Johns Hopkins tại đây. Ấn tượng đầu tiên với DC chính là hệ thống bảo tàng quốc gia thuộc Smithsonian Institution của Mỹ. Những bảo tàng này thay đổi hoàn toàn cách tôi hiểu về bảo tàng trước đây. Không cần so sánh với Việt Nam, tôi đã thăm nhiều bảo tàng lịch sử, nghệ thuật ở Nhật Bản nhưng ngay cả Nhật Bản cũng không thể so sánh được với hệ thống bảo tàng của Mỹ. Nước Mỹ đã xây dựng hệ thống bảo tàng như là biểu trưng cho văn hóa và tri thức của quốc gia. Hệ thống bảo tàng này không chỉ lưu trữ các giá trị mà nước Mỹ và nhân loại tạo ra trong quá khứ mà còn trở thành không gian cho những sáng tạo mới.

Hệ thống bảo tàng ấy cũng phản ánh tinh thần Mỹ. Nước Mỹ tự định vị bản thân mình như là một quốc gia toàn cầu, thu hút, lưu trữ và tạo ra những giá trị toàn cầu, nơi các vùng văn hóa khác nhau đều tìm thấy mình ở đó. Chỉ có văn hóa Mỹ mới nuôi dưỡng và tạo ra được tinh thần ấy. Họ không cố ý tạo ra một bản sắc Mỹ theo cách làm cho Mỹ khác biệt với thế giới, nhưng rốt cục, chính tinh thần rộng mở này của người Mỹ làm cho họ trở nên khác biệt, trở thành bản sắc Mỹ.

Với cộng đồng lên tới 2,5 triệu người, cộng đồng người Mỹ gốc Việt thực sự là một cộng đồng mạnh. Vùng DC cũng là một trong những vùng có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông đảo và phát triển nhất, với Khu thương mại Eden Center như một biểu tượng về kinh tế và văn hóa xã hội của cộng đồng. Tôi có thể tìm được mọi thứ thuộc về Việt Nam mà mình cần ở đó.

Vùng DC cũng là vùng mà sau 1975 giới tinh hoa của Việt Nam Cộng Hòa hội tụ và định cư, cùng với bang California. Sau gần 50 năm kể từ 1975, vùng DC là nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt cống hiến cho nước Mỹ nhiều nhân tài trong khoa học, công nghệ, giáo dục, văn chương nghệ thuật, những nhà hoạt động xã hội, những doanh nhân tài năng và các nhà hảo tâm (philanthropists) nổi tiếng và có những đóng góp quan trọng cho nước Mỹ và cho thế giới nói chung. Và sau cùng nhưng quan trọng nhất, nhưng nhân tài trong chính trị Mỹ xuất thân từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở khắp nước Mỹ đều tập trung về đây.

Sau gần 50 năm, giới tinh hoa của VNCH thế hệ đầu tiên đã và đang lần lượt ra đi, nhưng thế hệ hai đã tiếp nối. Tôi nghĩ rằng ghi lại lịch sử của giới tinh hoa VNCH (hiện đang dần dần ra đi theo thời gian) là một công việc quan trọng. Đó vừa là một phần của lịch sử Hoa Kỳ, và cũng là một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Khi bài báo này lên khuôn chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày khai mạc. Rất mong quý vị Lãnh Đạo Tinh thần, Tôn Giáo, Hội Đoàn, Thân hào, Nhân sĩ, cùng toàn thể quý Đổng hương tham dự để khuyến khích và góp phần vào việc bảo tồn lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là đưa vào dòng chính để cải thiện những trang sử sai sót xuyên tạc đã được lưu truyền hơn nửa thế kỷ qua.



Hai bích chương thiết kế bởi Họa sĩ Vi Kha

Triều Giang.
(04/2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét