Thơ thẩn một mình trên bến vắng
Ngắm nhìn mây nước, dậy hồn thơ
Hàng dừa xanh, thùy dương rủ bóng
Sông dài đồng rộng, trăm bến mơ
Nắng vàng ấp ủ tình quê mẹ
Hạnh phúc tràn trề tuổi ấu thơ
Dĩ vãng tựa tằm đan chiếc kén
Chờ lòng chùng xuống…nhả muôn tơ
<!>
Dòng sông quận Cái Bè tôi trôi êm như những hoa lục-bình tím dịu-dàng bồng bềnh lá xanh, với chiếc đò ngang nối hai bờ ; như thời niên thiếu tôi trôi êm trong căn nhà ven sông ấy ; căn nhà tổ ấm của tuổi thơ vô tư lự…
Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho, miền Nam Việt Nam, nổi tiếng về « chợ nổỉ » và những « cù lao » với vườn cây ăn trái xum xuê, sông rạch thơ mộng, nên rất nhiều du khách viếng thăm. Căn nhà ông bà tôi ngó ra sông, khoảng giữa chợ và vàm sông cái. Trước nhà là con lộ đá có hai hàng me. Tôi rất mê hàng me này, đến mùa me chín, sáng tôi thường dậy sớm để lượm me rụng ; có khi sau một tối mưa gió lớn, sáng ra mừng vô kể khi tìm được vài trái « me dốt » (là me bắt đầu trở chín, vỏ me không còn sát múi nữa, nhưng múi me còn xanh, một màu xanh hấp dẫn với tuổi cốm chanh, ăn không quá chua mà lại ngòn ngọt). Dọc bờ sông là hàng thùy dương và dừa xiêm cho bóng mát. Bà và các cháu thường ngồi trên băng cây, ngắm trời nước mênh mông, ghe xuồng qua lại, xem đàn vịt con xinh xắn ngoan ngoãn lội theo mẹ. Đàn vịt thật khôn, sáng được lùa xuống nước kiếm ăn, quanh quẩn gần đó ; chiều lại biết đường về nhà mới giỏi chứ ! Hàng dừa cho trái thật ngọt nước, trời nóng, giải khát với nước dừa tươi thơm ngon thì như uống cả dòng suối mát.
Vàm sông rộng đón nước Cửu Long mầu mở, chuyển đến những con rạch đầy cá tôm, thắm đượm vào đồng lúa xanh tươi, vườn tược sung túc, tạo cho người dân vùng Cái Bè một cuộc sống êm ả. Sớm tinh sương, các nhà thuyền chài đã ra ngoài vàm sông đánh cá để kịp sáng bán ra chợ. Cá sông rất ngọt thịt, lại thêm cá tươi, người dân quê được cái lợi là không xài đến cá đông lạnh như chúng mình hiện nay.
Phía vàm sông nối ra sông Cái là phía bờ lở, theo lẻ thiên nhiên của tạo hóa, một bên lở là có một bên bồi. Thế là bên kia bờ Cửu Long ta có nhiều cù-lao bồi đắp bởi đất phù sa, nên rất phì-nhiêu, trù-phú. Có những cồn ốc gạo, đến mùa ốc, chỉ việc cào lên là ta có ốc đầy giỏ. Ốc gạo Cái Bè ngon có tiếng, được chở bán xuống Mỹ Tho, qua Vinh Long, Sa Đéc, lên Sài Gòn, các tỉnh lân cận. Trưa rỗi rảnh, cả nhà quây quần trên chiếc đệm, bày sẳn bánh tráng rau thơm, chờ đợi nồi ốc gạo. Ốc gạo đem luộc với chút xíu muối, còn nóng hổi, đem ra lể ốc với gai chanh cho thơm, thịt ốc vàng mượt, mềm mại, no tròn, cuốn với dừa bào, bánh tráng, chấm nước mắm ớt chanh thì thôi tuyệt hảo, hơn cả ốc lát, ốc bươu ; so với bulot bên Pháp nó vượt xa nghìn dặm…
Dưới bờ sông trước nhà, ông tôi cho đào một cái ụ lớn để ghe đậu, có thể chứa được một xuồng, một ghe hầu, một ghe tam bản, hai ghe lườn chở 200 và 500 giạ lúa. Ghe hầu rất đẹp, trong khoang trải chiếu hoa, có màn che cửa sổ, trông thật thanh nhả, được dùng chở ông tôi đi thăm điền, hoặc bà tôi đi viếng người quen bên kia sông. Tôi rất sung sướng thường được ông bà cưng dắt theo, các chị lớn đã lên Sài Gòn học, các em còn quá nhỏ.
Ghe lườn để chở lúa thâu góp của các tá điền sau mùa gặt hái. Quang cảnh ghe về thật rộn-rịp, nhiều khi gặp chạng vạng tối, đèn manchon được đốt lên sáng trưng ; mấy anh bạn vác lúa thoăn-thoắt trên đòn dài nhún-nhịp đều theo bước đi, đem lúa đổ vào vựa. Không khí thật vui nhộn, trẻ nhỏ như tôi lúc đó rất ưa thích. Cũng như đến lúc ghe chài trên Chợ Lớn đến mua lúa , lúa từ vựa lại đuợc đong vào bao 2 giạ (mỗi giạ 40 lít) cho xuống ghe. Thế nên các anh bạn làm công quanh vùng luôn có việc. Ngoài mùa lúa, bạn ghe lại theo dòng sông vào vườn trâm bầu đốn củi. Trâm bầu dễ mọc, mau lớn ; có vài vườn như vậy là có củi xài quanh năm ; đôi khi dư ra để bán. Củi trâm bầu rất tốt, bén lửa, ít khói, nên được tiêu thụ nhiều.
Ông tôi còn cho đào một cái đìa kế bên ụ ghe, đất đào lên lại đắp bờ cao quanh đìa, có trồng mấy cây trứng cá, mấy cây bần. Tôi có nhỏ Kim Anh xấp xỉ tuổi là bạn cùng nô đùa, con bà quản gia có họ xa với ông tôi. Ngày nghỉ, chúng tôi trưa ăn cơm xong , trốn ngủ, xuống tìm hái trứng cá chín, trái nhản lòng, rượt mấy con cá thòi lòi dưới xình, bắt còng ướp muối tập làm mắm !!! Mấy trái bần vừa chát, vừa chua, chúng tôi cũng chẳng tha…chấm muối ớt cay xuýt xoa ăn vẫn ngon vô cùng !
Nghịch quá thành ra có ngày cũng phải vướng…giây. Số là một hôm vì bờ đất lở, ghe lườn bận đi chở lúa, ông tôi cho người đào đất ở phía ụ ghe để đắp bờ thêm. Kế bên nhà có một hồ bơi cho học sinh, (gọi là hồ bơi cho oai, chớ thật ra đáy và quanh thành hồ không có tráng xi măng, lót gạch gì cả). Thấy mấy anh học sinh lớn, lội, plongeon xem ngoạn mục quá nên tôi mong cũng được tài như vậy. Cưng cháu, bà tôi cho chặt mấy cây chuối để ôm chuối tập bơi. Từ chỗ cạn ôm cây chuối lội ra ngoài thì dễ, nhưng khi muốn quay vào, vì non tay chưa rành, cây chuối nặng, nên phải đứng xuống để xoay cây chuối lại. Thế là tôi rơi tõm ngay vào chỗ đã được đào đất hôm qua. Tội nghiệp chị ba canh giữ tụi nhóc con nhào đại xuống nước để cứu, nhưng chị có biết lội đâu, thế là tôi và chị hụp lặn tha hồ uống nước ; may là có bà tôi trên bờ kêu cứu, mấy anh bạn làm công vội kiếm sào dài quơ vớt chúng tôi. Trên bờ thiên hạ bu lại xem, thật là xấu hổ lại thêm một mẻ sợ kinh hồn ! Vậy mà nhờ món nào tôi cũng thích xía vô, nên sau này bơi lội tôi cũng biết ; biết cả bơi xuồng ; cưa, bửa củi ; giã gạo chày đôi hay chày đạp.
Mùa nước rong, nước xăm xắp mé bờ, nhìn thấy cá lòng tong nhởn nhơ lội từng đoàn, tụi nhỏ tôi đi « câu giật » là lưỡi câu không có mồi, chỉ gắn một hột cườm đỏ, rồi quay cần câu cho khéo, đều, liên tục theo chìu kim đồng hồ, giật mạnh sợi nhợ lên, chẳng khác cowboy quăng dây lasso khắc phục mấy chú ngựa con. Thỉnh thoảng rải một ít cám thơm, cá bu lại nhiều quá nên thế nào cũng có con cắn câu. Cá lòng tong kho tiêu, lăn bột chiên là món hảo của tôi. Có khi chúng tôi vác cần câu ra sau ghe, nắng chang chang, mỗi đứa đội cái nón lá, câu dược cả ký « cá he » vảy bạc, kỳ đỏ, mê quá quên giờ cơm trưa luôn, nên thường bị mẹ mắng. Cá he đem về cho bà bếp chiên dòn, nấu canh chua với bông sua-dủa. Cá tự mình câu lấy, nên ăn ngon không thể tả…
Nếu ai có dự mấy lúc tát đìa, còn thấy vui hơn nữa. Mỗi năm đia có khi được tát hai lần. Trước khi tát đìa, anh « sáu nhỏ » phụ việc nhà, có phận sự chiều tối canh chừng khi nước lớn, sửa soạn rang cám cho thơm, đem rải trên mặt nước, gần miệng cửa vô đìa, để nhử cá vào cho nhiều, như thế trong vài ngày liên tiếp. Khi quyết định tát là tối đến, chờ lúc nước đứng, đem tấm phên tre đan thật khít, chặn cửa vào đìa thật chắc, vì khi nước ròng, đám cá theo nước lội ra mà gặp cá to tông vào làm sút tấm phên, thì cõng trình sửa soạn tan theo dòng nước. Đến sáng nước ròng, tiếp tục tát nước còn lại cho cạn thêm, thấy cá lố nhố trườn dầy trên xình thật mê, thế là xúm nhau nhào xuống bắt. Thật không có cảnh nào vui nhộn hơn, mặc dầu mặt mày, quần áo lấm đầy bùn. Trẻ con lối xóm cũng đến « bắt hôi » và bà con lối xóm cũng được bà tôi biếu cho cá tôm tươi còn nhảy soi-sói.
Tùy mùa, ta có thật nhiều khi cá trê, khi cá lóc, khi tôm. Cá trê vàng đem kho tiêu, hoặc nấu canh bầu, hay cập gắp nướng, dầm nước mắm gừng thì ăn cơm quên thôi. Khi cá vào đìa nhiều quá, tối đến ta nghe cá lóc táp bùm bụp ; cá rô mề nhảy rèn rẹt, thật vui tai và mừng là kỳ này trúng mùa. Cá lóc lớn đem nấu cháo, nướng trui. Cá mà được bọc đất sét nướng, khi chín, gỡ lớp đất sét ra, da cá dính theo để lộ thịt cá trắng nõn, giữ được hương vị thơm ngon ; ta thoa lên chút mở hành, chấm mắm nêm thì tuyệt. Cá lóc, cá sặc, cá trèn được xẻ làm khô, làm mắm. Bà tôi để dọc theo vựa lúa nhiều khạp mắm của nhiều loại cá, nên nhà có ăn quanh năm, mắm được pha chế đủ kiểu : nào « mắm thái » « mắm lóc chưng thịt ». « mắm chưng hột vịt », « mắm kho và rau », « bún mắm »vv..
Còn mùa tôm thì toàn tôm càng, bò ngổn ngang, mà là tôm càng vỏ xanh chứ ! Tôm này đem « kho tàu » với nước mắm ngon, khi con tôm săn lại thì lăn vô gạch đỏ của nó ; trông con tôm thật đẹp, mướt rượt, hấp dẫn, ta có thể để lâu được. Tôm nướng vỏ cháy bay thơm phức ăn với bún rau, hoặc xé ra trộn gỏi với ngó sen hay củ cải trắng bào sợi. Củ cải trắng hơi cay cay, nồng nồng sánh đôi tuyệt diệu với tôm nướng thơm lừng, thịt trắng bốc, ta rắc lên rau răm đậu phộng thì hơn xa gỏi trộn với tép luộc mặc dầu tép to đi nữa. Đầu tôm đầy gạch ăn béo ngậy. Tôm càng vỏ xanh ngon nhất trong các loài tôm, hơn hẳn homard !
Nói về đìa cá, thời trước, có mấy « ông thầy dìa » chuyên tìm địa thế cho tốt, để chỉ cho thân chủ lập dìa. Mấy ông này như những nhà ngoại cảm. Khi có người nhờ đến, thì các ông đứng trên bờ quan sát, nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông rạch, nhìn hướng gió thổi mà đoán biết dưới nước, đến mùa gió chướng nước rút, cá sẽ đi đường nào, rồi chỉ chỗ để đào. Chẳng biết có linh ứng không ? Có điều là sông rạch miền Nam rất nhiều cá tôm, nên mấy đìa lớn, cái nào cũng cho trong năm cả ngàn ký cá, ít lắm cũng vài trăm. Có vài cái đìa như vậy là cất nhà ngói mấy hồi.
…Ôi dòng sông đó, có biết chăng cô bé liến thoắng thuở nọ, nay vẫn thường mộng mơ về ngày xưa cũ, với nỗi sầu viễn xứ khôn nguôi !
Hò ơ… Có ai về quận Cái Bè
Cam sành ngọt lịm… Hò ơ… trái cây đầy vườn
Cho tôi nhắn gửi người thương… Hò ơ….
Cáibè quận lỵ đẹp như mơ
Có Cửu Long giang dọc sát bờ
Dòng sông rộng mở mời du khách
Viếng thăm « chợ nổi » tiếng đồn vang
« Chợ nổi » hàng hàng xuồng lớp lớp
Rau xanh, tôm cá khẳm đầy ghe
Quả hoa trăm thứ khoe màu sắc
Xôn-xao lanh-lảnh tiếng chào mua
Tiến tiến, lui lui, xuồng nhích bước
Mái chèo khua nước rộn trên sông
Nón lá, khăn rằn che mái tóc
Nhộn nhịp vô cùng buổi chợ đông
Trắng xóa, giáo đường sừng sững đứng
Oai nghiêm, phong nhả, ngắm dòng sông
Chuông trưa theo gió…ngân ngàn dặm
Quyến-luyến dòng sông…chảy lững-lờ…
Bao mươi năm lưu lạc xứ người, viếng thăm nhiều nơi nguy nga, tráng lệ, nhiều thắng cảnh hùng vĩ, nên thơ ; nhưng những kỷ niệm êm đềm nhất, sâu đậm nhất còn đọng lại trong tôi, vẫn là dòng sông tĩnh lặng nơi cố quận, đầy cá tôm, chảy êm trước căn nhà ven sông ấy ; căn nhà tổ ấm đả nun đúc tôi, đả gói trọn tôi trong tình thương dồi dào, ngọt lịm của ông bà, cha mẹ, chị em, một quãng đời ấu thơ hoa gấm…! Thời niên thiếu nầy đeo đẳng mãi tôi như người bạn tâm tình, để vỗ về an ủi … những lúc tôi thấy lòng mình chùng xuống …
Trân Bạch Vân
thương gửi Bạch Tuyết, Bạch Mai, Bạch Cuc, Bạch Sương, Hoàng Huỳnh, V.Hản, V.Hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét