Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

TIN THẾ GIỚI 01/03/2023 - ĐHL


Tình báo Mỹ nhắm vào Trung – Nga – Iran Gần đây, các quan chức cấp cao của cơ quan tình báo quân đội Hoa Kỳ đã lên tiếng, chỉ trích chính phủ độc tài Trung Quốc, Nga và Iran. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình CBS vào ngày 26/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), William Burns, đã chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình và quân đội Trung Quốc, những người vốn luôn tự tin vào việc thôn tính Đài Loan, có thể quan ngại về một cuộc xâm lược Đài Loan thành công, bởi vì cuộc chiến ở Ukraina của đồng minh Nga trong năm qua đã quá tồi tệ.
<!>
Ông Burns nói rằng, ông Tập đã chỉ đạo quân đội chuẩn bị xâm lược Đài Loan vào năm 2027, thậm chí sớm hơn, nhưng mục tiêu này không cố định. Hoa Kỳ đánh giá rằng hoạt động của quân đội Nga ở Ukraina đã làm lung lay niềm tin của ĐCSTQ trong việc tấn công Đài Loan, đồng thời, viện trợ của Hoa Kỳ và Châu Âu cho Ukraina đã thể hiện sự đoàn kết của phương Tây, đây cũng là một yếu tố khiến ĐCSTQ phải dè chừng.

Chuyên gia Burns tin rằng không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào cẩn thận quan sát kinh nghiệm của tổng thống Putin ở chiến trường Ukraina, và diễn biến của cuộc chiến, hơn ông Tập Cận Bình. “Ông Tập bối rối trước tình hình của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, ngạc nhiên trước thành tích quân sự yếu kém của Matxcova, và ngạc nhiên trước mức độ đoàn kết và ủng hộ Ukraina của phương Tây.”

Tuy nhiên, ông Burns cũng nói rằng, không thể đánh giá thấp tham vọng tấn công Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ, vì vậy Hoa Kỳ cần duy trì sự cẩn thận trọng. Ông nhấn mạnh, nếu Bắc Kinh ủng hộ Matxcova thì đó sẽ là một canh bạc rất thiếu khôn ngoan và mạo hiểm. Washington nhất định sẽ ngăn chặn điều này, đồng thời đã nói rõ với ĐCSTQ về hậu quả của việc ủng hộ Nga.

Tiếp theo, người đứng đầu CIA tiết lộ chuyện nội bộ của Nga, cho rằng ông Putin đã “quá tự tin” vào khả năng của quân đội Nga trong việc buộc Ukraina phải khuất phục.

Chuyên gia Burns cho biết, ông đã cảnh báo người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Nga, ông Serge Naryshkin, rằng không được khai triển vũ khí hạt nhân ở Ukraina, nhưng tình thế không khả quan. Tổng thống Putin cho rằng thời thế vẫn đứng về phía mình, ông có thể khiến Ukraina và phương Tây mệt mỏi. Nhưng ông Putin đã đánh giá thấp quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Ukraina.

Ông Burns chỉ ra rằng: “Sự kiêu ngạo của ông Putin đã đặt Nga vào tình thế hiện tại. Hiện ông Putin nhận ra rằng mình không thể chiến thắng trong một thời gian, nhưng lại không thể để thua cuộc chiến.”

Cuối cùng, người đứng đầu CIA nhắm vào Iran, nói rằng chương trình hạt nhân của nước này đã bị Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ. Các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát hiện ra rằng Iran đã làm giàu uranium đến độ tinh khiết 84%. Để sử dụng vào vũ khí, Uranium được làm giàu cần đạt 90% độ tinh khiết. Bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ của Tehran, vụ việc đã khiến ngoại giới kinh ngạc.

Ông Burns cảnh báo rằng Iran vẫn còn một chặng đường dài phía trước về khả năng phát triển vũ khí thực sự, nhưng nước này đang “tăng trưởng với tốc độ đáng báo động” về tiến độ làm giàu uranium và các hệ thống tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân”.

Hệ thống HIMARS đắt hàng sau thành công ở Ukraina


Nhà máy sản xuất Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) của tập đoàn Lockheed Martin ở Camden, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ, đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất hệ thống này sau khi nhiều nước muốn mua nhờ hệ thống hoạt động thành công ở Ukraina.

Theo Reuters, HIMARS trở thành loại vũ khí được công nhận rộng rãi sau khi xuất hiện một video quay bằng điện thoại ghi lại hình ảnh hệ thống này đang hoạt động ở Ukraina.

Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh tên lửa của Lockheed Martin, bà Jennifer McManus, cho biết: “Khi có một hệ thống đã được kiểm chứng về khả năng chiến đấu và xuất hiện trên tin tức hàng ngày, điều đó sẽ làm tăng nhu cầu với hệ thống này”.

Hoa Kỳ đã gửi HIMARS cho Ukraina và đội quân của Kyiv đang tích cực sử dụng các hệ thống này để chống lại các mục tiêu ở Donbass. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina, ông Oleksiy Reznikov cho rằng nước này cần ít nhất 50 hệ thống HIMARS để chống Nga và để chuyển sang phản công, thì họ cần có gấp đôi số lượng HIMARS – nghĩa là 100 hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin từng tuyên bố rằng trong tương lai, Ukraina sẽ chỉ có thể nhận được thêm 4 hệ thống HIMARS. Theo số liệu chính thức, Ukraina hiện có 12 hệ thống M142 HIMARS.

Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Boltenkov, hạn chế chính của HIMARS ở Ukraina là tầm bắn. Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ cung cấp cho Ukraina tên lửa GMLRS có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách từ 70-80km. Để chống lại sự xâm lược của Nga, HIMARS cần phải được khai triển gần tiền tuyến, nơi chúng có thể bị máy bay không người lái Nga phát hiện. Sau đó, thông tin về địa điểm của HIMARS được chuyển đến sở chỉ huy, nơi những người có thẩm quyền đưa ra quyết định tấn công.

Tuy nhiên, chuyên gia Boltenkov cũng lưu ý rằng việc phát hiện và loại bỏ các bệ phóng HIMARS sẽ trở nên khó khăn hơn khi Ukraina nhận được tên lửa tầm xa chính xác cao ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km. Khi đó HIMARS sẽ có thể hoạt động lùi sâu trong các công sự của quân đội Ukraina chứ không phải tiếp cận chiến tuyến.

Các ngoại trưởng nhóm G20 họp tại Ấn Độ, vẫn bị chia rẽ về chiến tranh Ukraina


Ảnh minh họa: Khung cảnh khu hội nghị, nơi diễn ra G-20, tại Bengaluru, Ấn Độ, ngày 22/02/2023. AP - Aijaz Rahi
Thanh Phương
Hôm nay, 01/03/2023, các ngoại trưởng của nhóm G20 khai mạc cuộc họp 2 ngày tại New Delhi, Ấn Độ, trong bối cảnh các nước thành viên của nhóm này vẫn bị chia rẽ về chiến tranh Ukraina.

Cuộc họp các ngoại trưởng G20, quy tụ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Liên Hiệp Châu Âu, diễn ra vài ngày sau cuộc họp các bộ trưởng Tài Chính của nhóm này, kết thúc hôm thứ Bảy tuần trước mà không đưa ra được một thông cáo chung do các bất đồng về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.

Theo hãng tin AFP, Trung Quốc và Nga là hai nước duy nhất trong nhóm G20 đã không phê chuẩn các đoạn nói đến chiến tranh Ukraina trong bản thông cáo chung.

Tham dự cuộc họp hôm nay ở New Delhi có ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc họp lần trước của nhóm G20 ở Bali, Indonesia, lãnh đạo ngoại giao Nga-Mỹ có mặt trong cùng một phòng họp, nhưng không dự trù gặp riêng với nhau tại thủ đô Ấn Độ.

Theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga, được công bố hôm qua, ông Lavrov sẽ nhân cuộc họp G20 để lên án Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã “đẩy thế giới đến bên bờ thảm họa”.

Theo AFP, ngoại trưởng Blinken cũng không chắc sẽ gặp riêng đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương, do quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện đang rất căng thẳng, nhất là do vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc bị nghi là được sử dụng để do thám Hoa Kỳ. Vụ này đã khiến ngoại trưởng Blinken vào giờ chót đã đình hoãn vô thời hạn chuyến đi Bắc Kinh, được dự trù vào đầu tháng 2, nhằm làm dịu căng thẳng Mỹ-Trung.

Là chủ tịch luân phiên của nhóm G20, Ấn Độ đã đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ này là giảm nghèo đói và gia tăng tài trợ để giúp các nước nghèo đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng chiến tranh Ukraina làm xáo trộn việc thực hiện các mục tiêu đó. Cuộc xung đột khiến New Delhi lâm vào thế khó xử, vì Ấn Độ mua rất nhiều vũ khí của Nga và từ một năm nay đã gia tăng nhập khẩu dầu hỏa từ Nga.

Úc, Nhật Bản có thể tuần tra chung với Philippines và Mỹ ở Biển Đông


Lực lượng tuần duyên Philippines tuần tra tại khu vực bãi Đá Vành Khăn (Whitsun Reef), trong vùng Biển Đông, ngày 14/04/2021. AP
Thu Hằng
Philippines đang bàn với Mỹ về khả năng tổ chức tuần tra chung bốn bên, kết hợp với Úc và Nhật Bản ở Biển Đông. Ngày 27/02/2023, đại sứ Jose Manuel Romualdez của Philippines tại Mỹ cho biết « các cuộc họp đã được ấn định », đồng thời nhấn mạnh đó vẫn chỉ là « ý tưởng đang thảo luận ».

Theo đại sứ Jose Manuel Romualdez, các cuộc tuần tra chung nhằm « bảo đảm là có bộ luật ứng xử và tự do lưu thông hàng hải » ở Biển Đông. Ba nước Mỹ, Úc và Nhật Bản vẫn tổ chức các đợt tập trận chung. Các đợt tuần tra chung với ba nước này có lẽ « tốt cho Philippines và cả khu vực ». Đại sứ Philippines tại Mỹ khẳng định : « Chúng tôi muốn có tự do lưu thông hàng hải ».

Trước đó, Úc và Mỹ đã lần lượt thảo luận với Philippines về các cuộc tuần tra song phương. Ông Romualdez cho rằng các cuộc tuần tra « ban đầu có thể xuất phát từ nước này với nước kia » nhưng cũng có thể được mở rộng « vì đó là những đồng minh của chúng tôi (Philippines), những nước có chung ý tưởng ».

Theo Reuters, nếu kế hoạch được xúc tiến, đây là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra đa phương ở Biển Đông. Quyết định này có thể khiến Bắc Kinh tức giận nhưng cho thấy lo ngại của chính quyền Manila trước những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Viễn cảnh 4 nước tuần tra chung trong khu vực còn là thông điệp về đoàn kết gửi đến Trung Quốc cùng với khẳng định về sự hiện diện thường trực của vài trăm chiến hạm ở Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của Philippines và luật pháp quốc tế.

Mỹ và Thái Lan mở lại cuộc tập trận chung Cobra Gold trên quy mô lớn


Ảnh do Quân đội Hoàng gia Thái cung cấp: Tướng Chalermpol Srisawasdi, tổng tư lệnh quân đội Thái Lan (T) bắt tay chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, trong lễ khai mạc cuộc tập trận Cobra Gold ngày 28/02/2023, Thái Lan. AP
Trọng Nghĩa
Hôm nay, 28/02/2023, Hoa Kỳ và Thái Lan đã khởi động trở lại cuộc tập trận thường niên đa quốc gia Cobra Gold (Hổ Mang Vàng). Bị thu hẹp trong hai năm vừa qua vì dịch bệnh Covid-19, cuộc tập trận Cobra Golf năm nay có quy mô lớn, diễn ra trên trên lãnh thổ Thái Lan cho đến ngày 10/03, huy động khoảng 10 ngàn quân nhân đến từ 30 nước. Viêt Nam tham gia sự kiện với tư cách quan sát viên.

Phát biểu nhân lễ khai mạc cuộc tập trận, đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố: “Thông qua Cobra Gold, chúng tôi thể hiện quyết tâm cùng nhau ứng phó để bảo đảm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở sao cho mọi các quốc gia được hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Theo đô đốc Aquilino, chính nhờ thao diễn chung trong khuôn khổ cuộc tập trận Cobra Gold trước đây mà Mỹ và Thái Lan đã phản ứng tốt sau trận động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và các thảm họa thiên nhiên khác.

Được công nhận là cuộc thao diễn quân sự quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cuộc tập trận Cobra Gold năm nay huy động hơn 6000 quân nhân Mỹ, trong đó có 3800 lính thuộc lực lượng trên bộ, và 3000 binh sĩ Thái Lan. Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, đối với Mỹ, đây là một lực lượng hùng hậu nhất được huy động trong một thập kỷ gần đây.

Bên cạnh hai thành phần chủ lực kể trên, hàng trăm binh sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia các cuộc tâp trận chính, trong lúc 10 quốc gia khác - Bangladesh, Brunei, Canada, Fiji, Pháp, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Philippines và Vương Quốc Anh - sẽ tham gia các cuộc hội thảo về việc thiết lập kế hoạch tác chiến đa quốc gia. Trung Quốc, Ấn Độ và Úc sẽ tham gia diễn tập nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Mười nước khác đã cử quan sát viên đến theo dõi cuộc tập trận, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam Bốt và một số quốc gia ngoài khu vực như Brazil, Đức, Thụy Điển, Hy Lạp, Sri Lanka…

Tính chất hùng hậu của cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay trái ngược hoàn toàn với quy mô thu nhỏ của sự kiện này trong hai năm 2021 và 2022. Năm ngoái chẳng hạn, Cobra Gold chỉ huy động 3.460 quân nhân đến từ bảy quốc gia chính, với nhiều hoạt động bị hạn chế, bị hủy bỏ hoặc chỉ được thực hiện qua mạng.

Tất cả các hoạt động đều sẽ được tái lập vào năm nay, kể cả những bài tập đổ bộ. Theo ghi nhận của báo Nikkei Asia, lần đầu tiên sẽ có những bài tập ứng phó với các thảm họa đến từ không gian có thể ảnh hưởng đến hệ thống liên lạc vệ tinh

Phần Lan bắt đầu xây tường dọc biên giới với Nga


Một đoạn tường ngăn biên giới Phần Lan với Nga tại khu vực Pelkola, in Imatra, Phần Lan, ngày 18/11/2022. AFP - ALESSANDRO RAMPAZZO
Thu Hằng
Ngày 28/02/2023, Phần Lan khởi công xây tuyến hàng rào mới dài 200 km dọc biên giới với Nga. Quyết định được Helsinki đưa ra năm 2022 sau khi Nga tấn công Ukraina và để bảo vệ biên giới, hiện được ngăn cách bằng các hàng rào gỗ, chủ yếu để ngăn gia súc chạy sang.

Theo lực lượng biên phòng Phần Lan, công trình bao gồm một dự án trọng điểm dài 3 km gần thành phố Imatra. Thêm 70 kmhàng rào được dự kiến xây trong năm 2023-2025, chủ yếu ở tây nam Phần Lan. Để thực hiện dự án, « nhiều cánh rừng bị chặt, sau đó một con đường sẽ được xây và dựng hàng rào ».

Theo AFP, mục tiêu của Helsinki là dựng được 200 km hàng rào kiên cố cột sắt cao 3 mét, có dây kẽm gai phía trên. Những khu vực được cho là nhạy cảm còn được lắp thêm camera hồng ngoại, đèn cao áp và loa phóng thanh. Dự án có tổng ngân sách 380 triệu euro và dự kiến hoàn thiện giai đoạn cuối vào năm 2026.

Sau khi điện Kremlin phát động cuộc chiến tại Ukraina, Phần Lan, nước có đến 1.340 km đường biên giới với Nga, lo ngại Matxcơva có thể sử dụng di dân để gây sức ép chính trị nên đã sửa đổi luật về lực lượng biên phòng vào tháng 07/2022 nhằm tạo thuận lợi cho việc xây hàng rào biên giới kiên cố hơn.

Tháng 09/2022, đông đảo người dân Nga đã tràn sang Phần Lan sau khi tổng thống Vladimir Putin ban hành lệnh động viên một phần để bổ sung lực lượng cho cuộc chiến ở Ukraina. Trước làn sóng di dân đông đảo này, chính quyền Helsinki đã thắt chặt kiểm soát ở biên giới, hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga.

Mỹ: Chính quyền Liên Bang yêu cầu loại TikTok trong vòng 30 ngày


Ảnh minh họa: Logo của TikTok. REUTERS - DADO RUVIC
Trọng Thành
Tại Hoa Kỳ, toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang phải bảo đảm là trong thời hạn một tháng, không còn phương tiện điện tử nào còn cài đặt các ứng dụng của TikTok, nền tảng kỹ thuật số được hơn một tỉ người sử dụng trên toàn cầu.

Lệnh cấm của chính quyền Mỹ được đưa ra hôm qua, 27/02/2023, ít ngày sau một lệnh tương tự của Ủy Ban Châu Âu cấm nhân viên sử dụng TikTok vì lý do an ninh. Lệnh cấm nói trên không liên quan đến các cơ sở không trực thuộc chính quyền Liên Bang, cũng như hàng triệu cá nhân sử dụng TikTok. Chính quyền nhiều nước phương Tây nghi ngờ các ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc ByteDance được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin.

Công chức Canada bị cấm dùng TikTok từ hôm nay
Hôm qua, chính quyền Canada cũng thông báo cấm công chức sử dụng Tiktok kể từ ngày 28/02.

Thông tin viên Pascale Guéricolas tường trình từ Québec :

‘‘Không còn các công thức nấu ăn, những bàn thắng đẹp nhất của đội khúc côn cầu yêu thích hay các mẹo trang điểm trên điện thoại công vụ của các công chức Canada. Chính quyền Canada lo ngại các dữ liệu cá nhân của họ sẽ lọt vào tay ban lãnh đạo của công ty Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, một công ty có liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo : “Tôi hy vọng rằng nhiều người Canada, cả doanh nghiệp và cá nhân, sẽ lưu tâm đến việc bảo mật dữ liệu của chính họ và có thể sẽ có các hành động phù hợp’’.

Một cuộc khảo sát vừa được tiến hành tại Canada để kiểm tra xem liệu dữ liệu của người dùng TikTok tại đây có được bảo vệ đầy đủ hay không, đặc biệt là với giới trẻ. Theo một số khảo sát, hơn ba phần tư dân Canada trong độ tuổi 18-24 sử dụng ứng dụng này. Về phần mình, công ty Trung Quốc lấy làm tiếc rằng chính phủ Canada đã không thông báo cho họ về quyết định liên quan đến các công chức. Người phát ngôn của công ty nói họ sẵn sàng thảo luận với chính quyền về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư’’.

Nghị Viện Châu Âu cấm TikTok, Mỹ sắp ban hành thêm biện pháp mới


Ảnh minh họa với nền là thương hiệu Tik Tok. Ảnh chụp ngày 07/11/2019. REUTERS - Dado Ruvic
Thu Hằng
Ngày 28/02/2023, Nghị Viện Châu Âu đã quyết định cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại công vụ. Quyết định được đưa ra sau khi Nhà Trắng ban hành lệnh cấm tương tự. Một ủy ban Quốc Hội Mỹ cũng đang xem xét dự luật cho phép tổng thống Joe Biden cấm ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Theo Reuters, lệnh cấm của Nghị Viện Châu Âu được áp dụng đối với điện thoại cá nhân của nhân viên nhưng được cài ứng dụng để truy cập thư điện tử của Nghị Viện, cũng như những mạng lưới khác. Tuần trước, Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu cũng đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại, do lo sợ chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng của tập đoàn ByteDance để thu thập dữ liệu của người sử dụng phục vụ mục đích riêng.

Nhiều nước như Mỹ, Canada và Ấn Độ đã ban hành các biện pháp hạn chế sử dụng TikTok. Sau khi ra lệnh cho toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang loại TikTok khỏi điện thoại thông minh trong vòng 30 ngày, Nhà Trắng cho biết sẽ « tiếp tục xem xét nhiều biện pháp khác », « kể cả việc phối hợp như thế nào với Quốc Hội về chủ đề này trong tương lai ».

Ngày 28/02, Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ xem xét một dự thảo luật, do các nghị sĩ Cộng Hòa đề xuất, cho phép tổng thống Joe Biden cấm hoàn toàn TikTok ở Hoa Kỳ. Ông Michael MacCaul, chủ tịch ủy ban, cáo buộc : « TikTok là con ngựa thành Troy của đảng Cộng Sản Trung Quốc, được sử dụng để theo dõi người Mỹ và khai thác thông tin cá nhân của họ ».

Theo AFP, dự thảo luật sẽ còn phải chờ được hai viện Quốc Hội thông qua nhưng có thể sẽ không gặp khó khăn do các biện pháp chống Trung Quốc là một trong những chủ đề hiếm hoi có được đồng thuận của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Quốc Hội Mỹ.

TikTok đánh giá lệnh cấm của Mỹ mang « ý nghĩa chính trị » và lấy làm tiếc là quyết định đó « lại được các chính phủ khác trên thế giới bắt chước ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét