Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (4) (Võ Công và Các Thế Võ ) - Đỗ Chiêu Đức


Nói đến VÕ CÔNG và CÁC THẾ VÕ trong truyện võ hiệp của KIM DUNG thì nhiều vô số kể. Ở đây ta chỉ điểm qua những võ công hoặc các thế võ thú vị hay có liên quan đến văn học mà thôi. Trước tiên, nhắc đến "Tiếu Ngạo Giang Hồ" thì không thể không nhắc đến Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần 君子劍 岳不羣, giỏi về kiếm pháp và có nhiều nghĩa cử trong võ lâm, lại là chưởng môn của phái Hoa Sơn, vừa là thầy lại vừa là cha nuôi của Lệnh Hồ Sung, nên được mọi người kính trọng và tôn xưng là QUÂN TỬ KIẾM 君子劍; cả chiêu thức kiếm pháp của ông cũng thể hiện vẻ nghiêm cẩn chính trực, như chiêu "Cổ Bách Sâm Sâm 古柏森森", có xuất xứ từ hai câu thơ trong bài Thục Tướng 蜀相 (là Thừa Tướng của nước Thục, chỉ Khổng Minh Gia Cát Lượng) của Thi Thánh Đỗ Phủ là :
<!>
丞相祠堂何處尋, Thừa Tướng từ đường hà xứ tầm,
錦官城外柏森森。 Cẩm quan thành ngoại BÁCH SÂM SÂM.
Có nghĩa :
- Đi đâu để thấy được từ đường của Thừa Tướng Gia Cát Lượng đây ?
- Ở ngoại thành của Thành Đô, nơi mà có rừng bách thâm u đó.

Đây là chiêu kiếm mà khi đối đầu với Tả Lãnh Thiền của phái Tung Sơn. Nhạc Bất Quần đã sử dụng một cách cẩn trọng. Ngoài ra để thể hiện cái tác phong quân tử của mình Nhạc Bất Quần còn sử dụng tiếp chiêu Thanh Sơn Ẩn Ẩn 青山隱隱 cũng là kiếm pháp của phái Hoa Sơn để che dấu hình tích Ngụy Quân Tử của mình, rồi sau đó bất ngờ tung ra Tịch Tà Kiếm Pháp đâm mù 2 mắt của Tả Lạnh Thiền đoạt chức Chưởng Môn Ngũ Nhạc Phái .
Chiêu "THANH SƠN ẨN ẨN 青山隱隱" có xuất xứ từ bài thơ "Ký Dương Châu Hàn Xước Phán Quan 寄揚州韓綽判官" của Đỗ Mục đời Đường là:

青山隱隱水迢迢, THANH SƠN ẨN ẨN thủy điều điều,
秋盡江南草未凋. Thu tận Giang Nam thảo vị điêu.
二十四橋明月夜, Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ,
玉人何處教吹簫? Ngọc nhân hà xứ giáo xuy tiêu ?
Có nghĩa :
Núi xanh ẩn hiện nước la đà,
Thu khắp Giang Nam vẫn cỏ hoa .
Nhị Thập Tứ Kiều đêm trăng tỏ,
Tiếng tiêu người ngọc vẳng đâu xa ?!


Trái ngược với sư phụ có tác phong đạo mạo của Quân Tử Kiếm; những chiêu kiếm của Lệnh Hồ Sung học được trong thạch động sau núi có chiêu "Vô Biên Lạc Mộc 無邊落木" phát xuất từ bài thơ nổi tiếng "Đăng Cao" của Thi Thánh Đỗ Phủ :

無邊落木蕭蕭下, VÔ BIÊN LẠC MỘC tiêu tiêu hạ,
不盡長江滾滾來。 Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Có nghĩa :
- Lá đổ rào rào trong rừng cây ngút ngàn không bờ bến; như...
- Nước của sông Trường giang cuồn cuồn chảy mãi không ngừng.

Lện Hồ Sung đã dạy chiêu kiếm nầy cho sư đệ Lục Hầu Nhi 陸猴兒 để đối phó lại với tiểu sư đê Lâm Bình Chi 林平之 mới nhập môn, nhưng đã đánh bại Lục Hầu Nhi bằng chiêu "Hữu Phụng Lai Nghi 有鳳来儀" do tiểu sư muội Nhạc Linh San dạy cho. Và... Hễ nhắc đến Tiếu Ngạo Giang Hồ thì cũng không thể không nhắc đến "Xung Linh Kiếm Pháp 沖靈劍法"...
XUNG LINH KIẾM PHÁP 沖靈劍法 là bộ kiếm pháp thô thiển và nên thơ nhất trong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Lệnh Hồ Sung 令狐沖 được sư phụ và sư mẫu nuôi dưỡng và lớn lên cùng tiểu sư muội Nhạc Linh San 岳靈珊. Cả hai là thanh mai trúc mã, cùng học tập cùng luyện võ và cùng nhau sáng chế ra bộ "XUNG LINH KIẾM PHÁP" khi đang cùng nhau tập luyện trước một thác nước trên núi Hoa Sơn; gồm có 5 kiếm chiêu chính như sau : Thanh Mai như đậu 青梅如豆、Liễu diệp tự mi 柳葉似眉、Vụ trung sơ kiến 霧中初見、Vũ hậu xạ phùng 雨後乍逢、và Đồng sanh cộng tử 同生共死. Mặc dù kiếm chiêu thô thiển, không thể dùng để đấu với cường địch được, nhưng đó là kết tinh của tình yêu đôi lứa, nên sau mỗi lần tập luyện chính, cả hai đều ôn lại những chiêu thức của tình yêu nầy.
Kim Dung cũng đã rất khéo léo khi đã giúp cho đôi Kim đồng Ngọc nữ nầy đặt tên hai chiêu kiếm đầu thật nên thơ, bằng cách lấy ý của 2 câu trong bài Từ "Nguyễn Lang Quy 阮郎歸" (là : Chàng Nguyễn trở về) của đại văn hào Âu Dương Tu đời Tống là :

青梅如豆柳如眉, Thanh Mai Như Đậu Liễu Như My,
日長蝴蝶飛。 Nhật trường hồ điệp phi.
Có nghĩa :
Mai xanh như đậu liễu như mày,
Ngày dài bươm bướm bay !


 Xung Linh Kiếm Pháp 沖靈劍法

Khi bị sư phụ là Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần trục xuất khỏi sư môn, vì cho là Lệnh Hồ Sung đã giao du với những người của Ma Giáo và Bàng môn Tả đạo; Nhưng trong trận đấu thứ ba trên chùa Thiếu Lâm, thấy Lệnh Hồ Sung đã khỏi bệnh và Độc Cô Cửu Kiếm lại rất lợi hại, Nhạc Bất Quần muốn chiêu dụ chàng ta trở về lại với phái Hoa Sơn, nên liên tiếp tung ra các chiêu kiếm trong "Hoa Sơn Kiếm Pháp 華山劍法" như sau :
- Lãng Tử Hồi Đầu 浪子回頭 là Người Lãng tử quay đầu trở về.
- Thương Tùng Nghinh Khách 蒼松迎客 Tùng xanh mọc vươn ra để đón khách.
- Lộng Ngọc Xuy Tiêu 弄玉吹簫 Lộng Ngọc là con gái của Tần Mục Công thổi tiêu.
- Tiêu Sử Thừa Long 蕭史乘龍 Chàng Tiêu Sử chồng của Lộng Ngọc cởi rồng, và...
- Năm chiêu trong Sung Linh Kiếm Pháp.

Ý của Nhạc Bất Quần là :
... Nếu Lệnh Hồ Sung quay đầu trở về như người lãng tử đã biết hối cải thì những cây tùng xanh trên núi Hoa Sơn sẽ sẵn sàng đón người khách trở lại; và như Tần Mục Công gả con gái là Lộng Ngọc thích thổi tiêu cho chàng Tiêu Sử để hai người được đoàn tụ, thì ta cũng sẽ gả Nhạc Linh San cho ngươi để cho Sung Linh Kiếm Pháp được đoàn tụ với nhau vậy !
Lúc đầu Lệnh Hồ Sung giật mình không ngờ những chiêu kiếm thô thiển của mình và tiểu sư muội sáng chế ra mà sư phụ cũng biết được, kịp đến khi Nhạc Bất Quần sử dụng lại lần thứ hai những chiêu kiếm nêu trên, chàng ta mới chợt tỉnh ngộ và hiểu ra ẩn ý của vị Sư phụ Ngụy Quân Tử nầy. Khi thấy những chiêu thức của Sung Linh Kiếm Pháp, Lệnh Hồ Sung cũng không tránh khỏi bồi hồi xúc động, nhưng vì phải cứu Nhậm Doanh Doanh, người đã vì mình mà chịu giam mình ở Thiếu Lâm Tự, nên trong bất tri bất giác chàng ta đã sử dụng Độc Cô Cửu Kiếm đả thương cổ tay phải của Nhạc Bất Quần.

Lần thứ hai, khi Nhạc Bất Quần cho Nhạc Linh San dùng võ công đã học được trong thạch động sau núi để đánh bại các phái trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái, thì Lệnh Hồ Sung với thân phận là chưởng môn của phái Hằng Sơn phải ra đấu với Nhạc Linh San. Trong lúc gươm qua kiếm lại, nhìn thấy thân hình yểu điệu thục nữ của tiểu sư muội năm xưa, Lệnh Hồ Sung chợt nhớ đến Sung Linh Kiếm Pháp của hai người thuở trước, bất giác ra chiêu "Thanh Mai Như Đậu 青梅如豆" là chiêu thứ nhất trong Sung Linh Kiếm Pháp. Nhạc Linh San kêu lên kinh ngạc, rồi cũng đáp lại một chiêu "Liễu Diệp Tự My 柳葉似眉" là chiêu thứ hai trong Sung Linh Kiếm Pháp, làm cho Lệnh Hồ Sung cứ ngẩn ngơ nhớ về quá khứ, để đến nỗi cuối cùng bị thương dưới kiếm của Nhạc Linh San. Thế mới hay, anh hùng nam qúa mỹ nhân quan, hào kiệt cũng khó thoát khỏi lưới tình giăng mắc !


Nhắc đến phái VÕ ĐANG thì mọi người đều nghĩ ngay đến Trương Tam Phong. Theo Minh Sử Liệt Truyện 明史·列傳 ghi lại : Trương Tam Phong 張三豐 tên thật là Toàn Nhất 全一, tự là Quân Bảo 君寶 và Tử Xung 子冲, hiệu là Tam Phong 三豐. Ông sanh năm 1247 mất năm 1464, thọ 218 tuổi. Theo truyện Võ hiệp của Kim Dung thì Trương Tam Phong là Tổ sư khai sáng Phái Võ Đang 武當派 và Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm; cuối đời ông còn sáng chế ra Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm 繞指柔劍 gồm có 72 kiếm chiêu, khi sử dụng phải vận nội lực làm cong thân kiếm, biến thanh kiếm mềm mại như một sợi nhuyễn tiên, vừa mềm vừa cứng làm cho kẻ địch không biết đường chống đỡ. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, khi Lục đại môn phái vây đánh Quang Minh Đỉnh, thất hiệp Mạc Thanh Cốc đã sử dụng những chiêu thức của kiếm pháp nầy đả thương Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính.
Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm 繞指柔劍 là thanh kiếm mềm mại đến có thể vòng quanh ngón tay, đó chỉ là tính ước lệ, ý là có thể lấy nhu để thắng cương, lấy mềm để thắng cứng như trong lời của bài thơ "Trùng Tăng Lư Kham 重贈盧諶" của Lưu Côn 劉琨 đời Tây Tấn :

何意百煉剛, Hà ý bách luyện cang,
化為繞指柔。 Hóa vi nhiễu chỉ nhu.
Có nghĩa :
- Là ý gì, khi mà trăm lần tôi luyện để được cứng như gang thép, lai...
- Hóa thành mềm mại đến có thể quấn quanh ngón tay được !

"Lấy nhu khắc cương" chỉ là cái công dụng bề ngoài của pho kiếm pháp, ý của Trương Tam Phong muốn gởi gắm là suốt đời cương trực cang trường giúp nước quyết chống lại Nguyên Mông đang xâm lấn cõi bờ, nhưng rốt cuộc thì nước vẫn mất nhà vẫn tan; chẳng những không "cứng" được mà còn phải chịu "mềm" đến hết mức luôn, nên ông mới mượn ý thơ của Lưu Côn mà đặt tên cho pho kiếm pháp vừa mới sáng chế là NHIỄU CHỈ NHU KIẾM.


Trương Tam Phong qua Họa tượng và Điện ảnh

Nói đến CÔ TÔ MỘ DUNG 姑蘇慕容 là mọi người sẽ nhớ ngay đến câu "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung" trong Thiên Long Bát Bộ và Võ công uyên bác của dòng họ Mộ Dung là chuyên dùng "Gậy ông đập lưng ông" mà dịch giả Hàn Giang Nhạn đã dịch rất khéo câu : Dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân 以彼之道還施彼身". Nhưng thế giới võ học rộng lớn vô bờ làm sao luyện được cho giỏi hơn người khác những tuyệt kỹ mà người ta đã khổ công luyện tập từ nhỏ ?! Thì ra, dòng họ Mộ Dung còn có một ngón nghề vô cùng đặc biệt, đó là chiêu "Đẩu chuyển tinh di 斗轉星移" là "Các vì sao đổi ngôi cho nhau". Có nghĩa là : Nếu đối thủ chuyên về chiêu thức móc mắt đối phương, thì khi đưa 2 ngón tay ra định móc mắt người khác, người của họ Mộ Dung sẽ sử dụng chiêu "Đẩu Chuyển Tinh Di" làm cho hai ngón tay của người đó quay ngược trở về để tự móc mắt mình. Đó cũng là một cách "Gậy Ông Đập Lưng Ông" tuyệt diệu của dòng họ Mộ Dung đó. Nhưng võ học gia truyền chính tông của dòng họ Mộ Dung là THAM HỢP CHỈ 参合指, mạnh tương đương với NHẤT DƯƠNG CHỈ 一陽指 của dòng họ Đoàn ở Đại Lý.
Trong một lần gặp mặt ở chuà Thiếu Lâm, Mộ Dung Bác còn ẩn mặt với chiếc tăng bào màu xám đã dạy dỗ Mộ Dung Phục rằng :"Dòng họ Mộ Dung võ học tinh áo thần kỳ nhất trên đời, chẳng qua ngươi học chưa tới nơi tới chốn mà thôi. Tham Hợp Chỉ của nhà Mộ Dung cũng đâu có thua gì Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn đâu ?!" Nói xong ông bèn điểm ra 3 chỉ làm cho Đoàn Chính Thuần và Ba Thiên Thạch phải lộn mèo nhào ngược ra sau một vòng mới tránh khỏi. Cái tên THAM HỢP CHỈ không phải Kim Dung đặt bừa nghe cho kêu cho hay, mà là có nguồn gốc hẵn hoi như sau :
Công nguyên năm 395 Bắc Ngụy và Hậu Yên đều cùng lập quốc mười năm. Hai nước ra binh tranh chấp nhau ở Tham Hợp Pha 参合陂. Quân Yên khinh địch bị quân Bắc Ngụy đánh cho đại bại; gần bốn vạn quân Yên thua trận đều bị giết và chôn sống; chỉ có Thái tử Mộ Dung Bảo cùng vài ngàn kỵ binh đào thoát. Đây là cái hận và là cái nhục của dòng họ Mộ Dung, nên khi về định cư ở Yến Tử Ổ 燕子塢 ở Giang nam, thì đặt tên cho trang viện là THAM HỢP TRANG 参合莊 và môn chỉ pháp gia truyền là THAM HỢP CHỈ 参合指, nhằm nhắc nhở con cháu luôn phải nhớ lấy cái nhục nầy mà cầu tiến chớ đừng nên khinh địch.


LĂNG BA VI BỘ 凌波微步 : LĂNG BA là Lướt trên sóng nước; VI BỘ là những bước đi vi diệu; Nên LĂNG BA VI BỘ là những bước đi vi diệu tuyệt vời như lướt trên sóng nước. LĂNG BA VI BỘ là một trong những câu văn mượt mà chải chuốt và thông dụng như những thành ngữ của Tào Tử Kiến (Tào Thực) trong bài Lạc Thần Phú 洛神赋 rất nổi tiếng của ông ở cuối đời Hán, được Kim Dung đưa vào tác phẩm võ hiệp của mình như là một môn khinh công thượng thừa của phái Tiêu Dao, mà chàng vương tử Đoàn Dự đã phát hiện và học được của Thần Tiên Tỉ Tỉ.
ĐOÀN DỰ 段譽, con trai duy nhất của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, từ nhỏ đã học theo nhân lễ nghĩa trí tín của đạo Nho và nghe về đạo từ bi bác ái của kinh Phật, nên khi lớn lên Đoàn Nam Đế bắt học môn võ công gia truyền là Nhất Dương Chỉ thì Đoàn Dự không chịu học với lý do rất chính đáng : Dạy cho nhân, lễ, nghĩa, rồi lại dạy cho lòng từ bi bác ái, bây giờ lại bắt học võ để tranh hơn thua, và để đánh người; nên chàng ta bỏ nhà đi chơi để khỏi phải học võ. Nhưng khi gặp Lăng Ba Vi Bộ của Thần Tiên Tỉ Tỉ thì chàng ta lại chịu học : Một là vì Thần Tiên Tỉ Tỉ đẹp như... Thần Tiên; hai là vì Lăng Ba Vi Bộ chỉ để... chạy trốn cho người khác đừng đánh được mình, chớ không phải để đánh người khác; Ba là vì Lăng Ba Vi Bộ là những bộ pháp bước theo những phương vị Bát quái ngũ hành của Kinh Dịch mà Đoàn Dự đã từng học qua; chỉ cần bước đúng theo tám tám sáu mươi bốn bước của Bát Quái là sẽ đi được một chu kỳ, cộng thêm các bộ pháp thần diệu được hướng dẫn bằng đồ hình... sẽ tránh được những chiêu thức mà đối thủ nhắm vào mình để tấn công.
Nhờ có Lăng Ba Vi Bộ mà Đoàn Dự thắng được kẻ ác thứ ba trong thiên hạ là Hung Thần Ác Sát Nam Hải Ngạc Thần và thay vì phải làm đồ đệ cho tên ác nhân nầy, thì trái lại Nam Hải Ngạc Thần đã phải bái Đoàn Dự làm sư phụ. Một thành tựu khác nữa là nhờ thi triển Lăng Ba Vi Bộ như một môn khinh công thượng thừa để chạy đua mà Đoàn Dự mới kết bái được với người anh hùng đệ nhất thiên hạ và là Bang chủ Cái Bang Kiều Phong.


Cũng xuất phát từ KINH DỊCH, ta còn thấy có HÀNG LONG THẬP BÁT CHƯỞNG 降龍十八掌, là 18 chưởng pháp có thể hàng phục cả rồng bay trên trời. Một số dịch giả dịch là GIÁNG LONG THẬP BÁT CHƯỞNG là "18 chưởng của rồng hiện ra". GIÁNG LONG hay LONG GIÁNG gì đều có nghĩa là "Rồng hiện ra, Rồng giáng thế" không "ăn" với nghĩa của bộ chưởng pháp mạnh mẽ thuộc loại dương cương nầy là "MƯỜI TÁM CHƯỞNG CÓ THỂ HÀNG PHỤC RỒNG"; Uy lực của loại chưởng pháp nầy ta có thể thấy qua trong điện ảnh hay đọc qua trong truyện với Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ, Hồng Thất Công và Quách Tĩnh trong Anh Hùng Xa Điêu và trong Thần Điêu Hiệp Lữ.
Đây là pho chưởng pháp trấn bang của Cái Bang. Ngoài ra còn có môn Đả Cẩu Bổng Pháp 打狗棒法 là "Phép đánh của Gậy đánh chó" của những người khất thực đi xin ăn.
Đọc tiểu thuyết Kim Dung có nhiều người thắc mắc là không biết hết được tên của 18 chưởng pháp nầy . Xin được trình bày rất vắn tắt theo tài liệu tìm thấy trên mạng như sau :

1. Kháng Long Hữu Hối 亢龍有悔 :
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Thượng Cửu. Tư thế của Quách Tĩnh khi học chiêu thức nầy là chân trái hơi chùn xuống, cánh tay phải cong vào, cổ tay xoay một vòng tròn đánh ra một chưởng,"vù" một tiếng, nhánh cây tùng phía trước mặt kêu răng rắc rồi gãy rơi xuống đất.
Nhờ có chiêu này, Quách Tĩnh đã khiến cho Sâm Tiên Lão Quái Lương Tử Ông, một cao thủ hắc đạo đã phải sất bất sang bang mấy bận, mà không làm gì được Quách Tĩnh cả, mặc dù chàng ta chỉ mới học được có một chiêu duy nhất nầy mà thôi !

2. Phi Long Tại Thiên 飛龍在天:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu Ngũ. Chiêu nầy phải phi thân lên trên không, rồi từ trên đánh xuống, uy lực vô biên. Quách Tĩnh phải mất ba ngày mới học xong chiêu thức nầy.

3. Kiến Long Tại Điền 見龍在田 :
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu nhị. Khi ông Ngư áp sát Hoàng Dung; Quách Tĩnh đã vận kình vào chưởng trái, chưởng phải đưa thẳng ra theo thế Kiến Long Tại Điền để phòng hờ Ngư ông tấn công.

4. Hồng Tiệm Ư Lục 鴻漸於陸 :
Thuộc quẻ Tiệm trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tam. Khi gặp Mai Siêu Phong, Quách Tĩnh vội vàng đánh ra hai chưởng "Hồng Tiệm Ư Lục" và "Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川" bức Mai Siêu Phong lùi lại xa xa để cho Hoàng Dung phi thân lên rường mà chạy...

5. Tiềm Long Vật Dụng 潛龍勿用 :
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Sơ Cửu. Quách Tĩnh kêu lên :"Không xong rồi!" tay trái đã bị Mai Siêu Phong nắm lấy tê rần, nên vội vàng co tay phải lại, hai ngón trỏ và ngón giữa đưa lên, nửa quyền nửa chưởng đánh vào trước ngực của bà ta, đó chỉ là nửa chiêu của "Tiềm Long Vật Dụng".

6. Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川 :
Thuộc quẻ Di trong kinh Dịch, Tượng Thượng Cửu. Đã dẫn giải về chiêu thức ở trên.

7. Đột Như Kỳ Lai 突如其來 :
Thuộc quẻ Ly trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tứ. Quách Tĩnh nghe tiếng của nàng kêu lên, tinh thần phấn chấn, tay trái đánh một chưởng, do chính là "Đột Như Kỳ Lai".

8. Chấn Kinh Bách Lý 震驚百里 :
Thuộc quẻ Chấn trong kinh Dịch; Chấn là Hanh. Âu Dương Phong đánh bồi thêm chưởng thứ hai, chưởng thứ nhất kình phong chưa dứt, thì chưởng thứ hai đã ập tới. Quách Tĩnh bèn vội vàng đưa cả hai tay lên đẩy mạnh về phía trước, đó là chiêu Chấn Kinh Bách Lý có uy lực rất mạnh mẽ trong Hàng Long Thập Bát Chưởng

9. Hoặc Diệu Tại Uyên 或躍在淵 :
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, Tượng Cửu Tứ. Quánh Tĩnh đánh ra chưởng thứ hai là Hoặc Diệu Tại Uyên. Tay trái đánh ra trước, tay phải lòn dưới tay trái đánh ra sau, chưởng lực đánh thẳng vào bụng của đối phương.

10. Song Long Thủ Thủy 雙龍取水 :
Chiêu thức nầy có nguồn gốc từ kinh Phật, còn đợi tra cứu.

11. Ngư Diệu Ư Uyên 魚躍於淵 :
Chiêu thức nầy cũng có nguồn gốc từ kinh Phật.

12. Thời Thừa Lục Long 時乘六龍 :
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, thuộc Càn Nguyên... Thế trượng rất mạnh bay về phía Giản Trưởng Lão, Quách Tĩnh nhảy lên phía trước đứng chặn ở giữa, xuất chưởng Thời Thừa Lục Long đánh về phía trượng đang phóng tới rất mạnh. Trượng bị nghiêng về một phía, Quách Tĩnh vội vàng đưa tay trái đón lấy.

13. Mật Vân Bất Vũ 密雲不雨 :
Thuộc quẻ Tiểu Súc trong kinh Dịch, Tiểu quá Lục Ngũ. Quách Tĩnh xuấy chiêu Mật Vân Bất Vũ, hai chưởng thay nhau đánh về phía trước đầu của Cừu Thiên Nhận, cánh tay trái gạt đi cây sào phía trước mặt, thân mình tiếp tục hạ xuống trước mũi thuyền địch.

14. Tổn Tắc Hữu Phu 損則有孚 :
Thuộc quẻ Tổn trong kinh Dịch, Ngươn Kiết. Quách Tĩnh thừa cơ đứng vững trên mũi thuyền, xuất thêm một chiêu rất ít khi sử dụng trong Hàng Long Thập Bát Chưởng, đó là chiêu "Tổn Tắc Hữu Phu".

15. Long Chiến Ư Dã 龍戰於野 :
Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Thượng Lục... Nào ngờ chiêu Long Chiến Ư Dã rất ư áo diệu, có thể thực có thể hư; thấy Cừu Thiên Nhận chận ngay vai trái của mình, Quách Tĩnh bèn đưa chưởng phải lên đánh "bùng" một tiếng, đánh ngay vai phải và ngực làm cho Cừu Thiên Nhận bay luôn ra cửa.

16. Lý Sương Băng Chí 履霜冰至 :
Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Sơ Lục. Quách Tĩnh vội hít sâu vào, hai khủy tay hơi nâng cao, hữu quyền tả chưởng, một đánh thẳng một xô ngang, một nhanh một chậm cùng đánh ra một lúc, đó là chiêu Lý Sương Băng Chí.

17. Đê Dương Xúc Phiên 羝羊觸蕃 :
Thuộc quẻ Đại Tráng trong kinh Dịch, Cửu Tam. Quách Tĩnh tránh qua hai mũi Thấu Cốt Đinh của Lương Tử Ông, hai tay vừa kiếm vừa chưởng, ra chiêu Đê Dương Xúc Phiên phóng thẳng vào mình Lương Tử Ông.

18. Thần Long Bãi Vỹ 神龍擺尾 :
Thuộc quẻ Lý trong kinh Dịch.... Lê Sanh nghe phía sau có hơi gió và vạt áo cũng lay động, trong một thoáng bèn đưa ngược tay ra phía sau quét ngang một chưởng đúng là chiêu Thần Long Bãi Vỹ.


Hẹn bài viết tới !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét