Năm 2019, tôi đọc trên mạng xã hội có một vị nào đó viết một bài liệt kê các trường nữ trung học trên toàn miền Nam VN trước 1975. Không thiếu một trường nào. Từ Đồng Khánh Huế đến Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie Sài Gòn. Từ Couvent des Oiseaux, Bùi Thị Xuân Đà Lạt đến nữ trung học Nha Trang, nữ trung học Quảng Ngãi, nữ trung học Hồng Đức Đà Nẵng, mà tuyệt nhiên không nhắc đến một trường nữ lừng danh một thời, có số phận hẩm hiu nhất đất nước, đó là trường NỮ TRUNG HỌC QUẢNG TÍN!…
Không nhắc cũng có lý, vì trường NTHQT sinh muộn, chết sớm so với các trường khác, lý do là tỉnh Quảng Tín được thành lập trễ, tách ra từ tỉnh Quảng Nam tháng 7 năm 1962 với dân số khoảng 400 ngàn người, lấy thị trấn Tam Kỳ khoảng 100 ngàn dân làm thủ phủ.
Tôi không hiểu sao ngày đó trường được xây trên một con đường mới mở dẫn lên toà tỉnh lỵ, nhà thương, trại lính và khu gia binh, nằm ở rìa thị trấn từ quốc lộ 1 dẫn vào mang tên thi hào Nguyễn Du, hai bên là ruộng và không một bóng cây. Trường lại được bố trí sát cạnh nhà thương Tam Kỳ, có lẽ để đề phòng mấy anh vi xi có pháo kích hoặc khủng bố thì kịp thời cấp cứu, hoặc để những tà áo trắng tung bay trong nắng gió với cặp sách trên tay, nón lá che nghiêng, làm duyên cho thị trấn và cho các chiến sĩ cọng hoà được ngắm nhìn các nữ sinh xinh đẹp sau những ngày hành quân vất vả???( ngày ấy các cô chủ yếu đi bộ hoặc đi xe đạp)…
Trường được xây dựng bài bản với đa số các thầy cô từ Đà Nẵng, Huế vào quản lý và giảng dạy trong thời gian ngắn ngủi 13 năm cho tới 30/4/75 thì đã bị hoán đổi thành trường Trần Cao Vân, tên một chí sĩ Quảng Nam trong phong trào khởi nghĩa Thái Phiên (bị Pháp chém ở Cống Chém An Hoà phía bắc kinh thành Huế). Còn 2 trường nam Trần Cao Vân đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, có một truyền thống vẻ vang không kém thì đổi mang tên Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản, ông Lý Tự Trọng. Cách mạng là vậy. Họ muốn xoá hết cái cũ dẫu cái cũ là văn hoá là truyền thống!…
Không những thế. Người ta còn “hằn học” với trường NTH QT đến nỗi hơn 10 năm sau họ đập nát luôn trường, xây trên nền đất cũ một công trình khác, coi như chính thức đào mồ chôn một ký ức xinh đẹp, vẻ vang, “tử hình” tất cả những kỷ niệm tuổi trẻ của những người con gái duyên dáng Quảng Tín một thời. Tất cả vùi sâu!…
Vùi sâu nhưng không vùi quên. Những nữ sinh Quảng Tín ngày ấy nay đã nhiều người thành đạt trong sự đổi đời. Họ thành giáo sư, cán bộ, thương gia…bươn chải khắp nơi trong nước và nước ngoài. Ký ức Nữ Trung Học Quảng Tín không mất mà luôn được cất giữ, hâm nóng và hồi sinh trong lòng các chị các em. Họ điện thoại, email, messenger, thì thầm với nhau hò hẹn: “Sang năm về hội trường!” (như người Do Thái: “Sang năm về Jerusalem!”) để rồi họ đã tổ chức thành công từ nhỏ đến lớn các cuộc hội trường trường Nữ Trung Học Quảng Tín…
Đã mất tên, không còn đất, họ thuê hội trường để gặp nhau, tri ân thầy cô, ôn về trường cũ, một cách chân tình, đoàn kết, yêu thương, dân chủ và trang trọng. Tôi, cựu học sinh Trần Cao Vân, được mời dự các khoá hội 2016, 2018, 2023, mới thấy một sự hồi sinh mãnh liệt của các bạn học sinh nữ. Họ rủ rê thế nào, tập dượt thế nào mà các ngày hội lại trắng xoá những tà áo dài với những bạn bè, khối lớp bài bản và quy củ. Chương trình văn nghệ nghiêm túc, mang đầy hoài niệm.
Lần này, ngày 05.3.2023, ngày hội trường lần thứ năm của học sinh Nữ Trung Học Quảng Tín mừng 60 năm thành lập. Tôi choáng ngợp khi biết số cựu học sinh đăng ký lên trên 800 người, hội tụ từ mọi miền tổ quốc, từ các quốc gia…
Thành phố bé nhỏ Tam Kỳ những ngày đầu tháng ba rộn ràng sôi động. Từng khối lớp tổ chức những cuộc gặp chung, riêng. Đi thăm cố đô Huế, Bà Nà, Đà Nẵng, Hội An. Trên face book đầy hình ảnh các nàng tưng bừng khoe sắc. Ngày 4/3, trước ngày hội chính, là ngày gặp mặt của từng khối lớp. Dường như thời gian đang ngưng đọng lại, những nữ sinh xinh đẹp năm xưa vẫn trẻ trung nguyên vẹn hôm nay, ồn ào, nghịch ngợm…
Hội trường rộng thênh thang đã kín chỗ ngồi, rộn ràng tiếng nói cười với những tà áo trắng. Mọi chuyện được phân công nề nếp, khoa học và trật tự. Tôi thấy đông đủ các thầy cô cũ dầu bước chân đã chậm, đầu tóc bạc phơ nhưng mỗi khuôn mặt đều hân hoan rạng rỡ. Đa số các thầy cô vẫn còn mẫn tiệp. Có cả cô hiệu trưởng khởi thuỷ Nguyễn Thị Phong Ty, đặc biệt là sự có mặt của thầy Nguyễn Tri Tài, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường trung học Trần Cao Vân đã tuổi 90, từ Mỹ cũng trở về. Gặp chào thầy, nhắc đến cụ thân sinh tôi, thầy Tài rưng rưng nước mắt, “Tôi với ông nhiều mối chân tình, nhắc cảm động muốn rơi nước mắt em ơi!…”
Chương trình hội trường quá súc tích, phong phú và sinh động. Tôi thật sự ngạc nhiên khi các chị các em, giờ đã U 80, U70, U60, vẫn có thể quỳ ngồi, xoay, múa tưng bừng trên sân khấu. Những hoạt cảnh “Trưng Vương hồn nước”, “Ngày Hội Ngộ”, “Trăng sáng vườn chè”, ca múa “Mùa Xuân Đầu Tiên”, v.v… của từng khối lớp thật sự thành công, thật sự linh động… Hẳn họ đã phải có một tinh thần yêu thương vô bờ với lớp, với trường… Tập san CÒN MÃI TRƯỜNG XƯA đầy những bài viết hay, chân thực và cảm động. Nhìn chương trình được xây dựng một cách bài bản, khoa học với số lượng học sinh và khách mời trên một ngàn người tôi thật sự kính phục các bạn nữ của tôi, dành những lời khen chân tình cho ban tổ chức, cho chị Nguyễn Thị Ngại, trưởng ban liên lạc và điều hành tổ chức hàng năm. Giỏi quá. Giỏi quá. Tôi đã dự nhiều cuộc hội trường ở khắp mọi nơi, phải công nhận không đâu tổ chức được cuộc hội lớn một cách bài bản đoàn kết thành công và đầy tình thương yêu như ở nơi đây!…
…
Nghiêng mình trước các chị các em, các thầy cô trường NỮ TRUNG HỌC QUẢNG TÍN. Tôi nghĩ, họ, chính họ với một tinh thần yêu quê hương, yêu trường cũ, đã nắm tay nhau, truyền lửa cho nhau, gầy nên sức mạnh tuyệt vời, để TỪ MỘT CÕI CHẾT, HỌ HỒI SINH!…
Nguyễn Quang Chơn
05.3.2023
Tặng Nguyễn Thị Ngại và các bạn trường Nữ TH Quảng Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét