Nhắc Nhở Miền Bắc Cali Từ Ngày Mai! Giới Thiệu 2 Sinh Hoạt Đầu Tháng 3: Buổi Tụng Kinh Cầu Siêu Cho Những Nạn Nhân Trên Tỉnh Lộ 7B Và Lễ Chào Cờ Đầu Tháng. (Chiều Thứ Sáu và Sáng Thứ Bảy Tuần Này!) Không Thể Nào Quên! Xin Dành Một Phút Tưởng Niệm! Tháng Ba…Gãy Súng! Tháng Có Những Thất Bại Nặng Nề Nhất Của Quân Đội VNCH, Trong Suốt Cuộc Chiến Chống CS Bắc Việt Xâm Lăng Hơn 20 Năm! Tháng Đẫm Máu Và Nước Mắt, Của Cuộc Triệt thoái Cao Nguyên! Để Từ Đó Dẫn Đến Cái Chết Đau Thương Của Việt Nam Cộng Hòa!
*Trong đoàn người di tản, ước lượng trên 200 ngàn người, rời bỏ cao nguyên. Con số thiệt hại này, của CS, của phe thắng cuộc cung cấp, là 20 ngàn dân thường chạy nạn, bị lọt vào ổ phục kích, phần đông bị bắn giết và số ít, bị giữ lại ở Cheo Reo. (Đây là tội ác kinh hoàng! ghê tởm! Con vật cũng không xé xác đồng loại của chúng dã man như thế, chỉ có bọn CS mới đủ nhẫn tâm, tàn sát tàn bạo bằng đại pháo, B40, lựu đạn, súng to, súng nhỏ, bắn vào đoàn người di tản như thế, mà hầu hết là phụ nữ và trẻ em!)
*Chúng khoe: 4 Liên đoàn Biệt động quân, nhiều đơn vị của Sư đoàn 23 Bộ binh, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ và toàn bộ pháo binh của Quân đoàn II của VNCH, đã bị bị xóa sổ hoàn toàn!
* Liên tỉnh lộ 7B, lót dầy đặc xác người, xếp đều như ngói và…máu lênh láng, chảy như suối!
Tháng Ba! Tháng Tràn Ngập Máu và Nước Mắt Đau Thương!
Nhắc lại về cuộc triệt thoái. Đương nhiên, chỉ huy cao nhất là Tư lệnh Quân đoàn II, Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Trước đó, từ 10 đến 11 tháng 3, tướng Phú đã để mất Ban Mê Thuột. Do Ban Mê Thuột thất thủ, sáng 11 tháng 3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp khẩn ở lầu 3 Dinh Độc Lập, với 3 vị cố vấn, là các ông Viên, Khiêm, và Quang.
Cuộc họp đưa đến quyết định rút bỏ toàn bộ Quân đoàn II khỏi Pleiku và Kontum, tái phối trí về vùng duyên hải, để chiếm lại Ban Mê Thuột. Thật ra, đây là chiến lược đã được bàn đến và đáng lẽ ra phải được khai triển sớm hơn.
3 ngày sau đó, ông Thiệu và 3 vị trên, tổ chức một cuộc họp lịch sử ở Cam Ranh.
Trong cuộc họp này, tướng Phú chính thức nhận lệnh triệt thoái. Ông có 72 tiếng để thi hành và hoàn tất cuộc triệt thoái!
Bên cạnh việc tái phối trí toàn bộ quân chính quy, tướng Phú phải để lại các lực lượng địa phương quân, nghĩa quân, của hai tiểu khu Pleiku và Kontum, để cầm chân địch. Người Mỹ cũng không được biết về toàn bộ cuộc chuyển quân này.
Để đi từ Cao nguyên về vùng duyên hải, tướng Phú có 3 lựa chọn. Thứ nhất, Quốc lộ 19 từ Pleiku chạy về Quy Nhơn là con đường ngắn nhất, thì đã bị cắt ít nhất 2 nơi, ở 2 bên đèo An Khê.
Thứ hai, Quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang thì chắc chắn là không dùng được. Vì để chuyển quân từ Pleiku đến đường 21, phải theo Quốc lộ 14, xuống Ban Mê Thuột trước.
Mà Quốc lộ 14 đã bị Sư đoàn 320 Bắc Việt chiếm giữ, đóng chốt nhiều nơi.
Phương án cuối cùng là dùng Liên tỉnh lộ 7B, từ Pleiku qua Phú Bổn, xuống Phú Yên. Đây là con đường hẹp, rất xấu, đoạn cuối gần đến Tuy Hòa, còn bị quân đội Nam Hàn gài mìn chằng chịt.
Chưa kể đường 7B có hơn 10 cây cầu phải sửa chữa, đặc biệt có một đoạn qua sông Ba, phải bắt lại cầu dài gần 600m. Nhưng tướng Phú đề xuất với TT Thiệu, chọn con đường này để gây bất ngờ cho địch quân.
Đây là một phương án hợp lý của tướng Phú, cũng như tái phối trí khỏi Cao nguyên, là một chiến lược hợp lý của Tổng thống Thiệu.
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn, đã cùng tướng Phú, hoàn thành kế hoạch triệt thoái ngay trong đêm 14.
Kế hoạch chia làm 3 giai đoạn rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch vì thiếu tổ chức và sự bằng mặt, mà không bằng lòng, giữa các cấp chỉ huy trực tiếp, đã gây nên một thất bại thảm hại nhất trong cuộc chiến!
Ngày 15 tháng 3, các đơn vị Công binh xuất phát trước, để lo việc kiến thiết cầu đường. Tiếp theo các đơn vị Biệt động quân và Thiết giáp, di chuyển đến Cheo Reo, tỉnh lỵ của Phú Bổn, chờ làm xong cầu, sẽ băng qua.
Đáng tiếc trong 2 ngày từ 15 đến 17, dân thường ở Pleiku và Kontum đều biết kế hoạch triệt thoái, đáng lý ra phải được giữ tuyệt mật. Do đó, hàng vài chục ngàn dân, với hàng ngàn xe cộ, bỏ nhà cửa, chạy theo đoàn quân. Gây nên cảnh tắc nghẽn, ứ đọng từ Pleiku đến Cheo Reo.
Trong khi chờ làm xong cầu, đoàn chiến xa của Quân đoàn II, bị phục kích ở đèo Tuna (hiện nay là đèo Tô Na) trong đêm tối. Trên đoạn đường đèo hẹp và hiểm trở, xe tăng và thiết vận xa không có bộ binh tùng thiết, trở thành mồi ngon, xếp hàng cho B-40 “xơi tái” hoàng loạt!
Khi trận chiến đang diễn ra, đoàn xe thường dân liều lĩnh vượt đèo, gây thêm cảnh hỗn loạn, khiến chiến xa phải bật đèn để không thì cán trúng xe dân. Dịch không cần nhắm, cứ thấy đèn sáng là bắn!
Việc này càng làm tổn thất nặng nề hơn nửa. Phải đến ngày hôm sau, Biệt động quân phối hợp với chiến xa, phản công giải tỏa được đèo Tuna.
Nhưng do sự thiếu phối hợp trong kế hoạch chuyển quân, đoàn xe và người, càng ngày càng ùn đến đông như kiến và tắc nghẽn ở Cheo Reo, trong khi cầu thì chưa làm xong.
Thấy được yếu điểm, lỗ hổng to lớn về sự chuyển quân của VNCH, Sư đoàn 320 của Bắc Việt, từ phía Bắc Ban Mê Thuột, truy kích bắn giết, đến Cheo Reo (Hậu Bổn) trong ngày 18.
Lúc đó, đoàn quân và dân thường, bị mắc kẹt ở tỉnh lỵ heo hút miền núi này, đã lên đến hàng mấy chục ngàn người.
Pháo binh Sư đoàn CS 320 tác xạ thẳng vào đoàn người di tản! gây nên cảnh kinh hoàng hỗn loạn, tiếng la hét, cầu cứu vang lên cả một góc trời! Hàng ngàn dân thường tử thương! xác chết la liệt khắp nơi! Tỉnh lộ 7B, không còn thấy đường! vì chỗ đâu cũng thấy xác người chết!
Tháng Ba, Tỉnh lộ 7B, có tên gọi mới, Tỉnh Lộ Máu!
Vẫn chưa hết đau thương, thêm vào đó, lính địa phương quân người Thượng nổi loạn cướp phá, khiến tình hình càng thêm rối bời. Các chỉ huy hoàn toàn mất kiểm soát binh sĩ của mình. Mạnh ai nấy chạy, giữ thân.
Đến giữa trưa ngày 19, hầu như toàn bộ các đơn vị của Quân đoàn II bị mắc kẹt và tan hàng ở Cheo Reo.
Con số của phe thắng cuộc cung cấp, là khoảng 20 ngàn dân thường chạy nạn bị giết và giữ lại ở Cheo Reo.
Quân VNCH bị tiêu diệt, bị bắt và đầu hàng ở đây, lên đến khoảng 15 ngàn!
Chỉ có 1/3 chiến xa và một ít Biệt động quân, vượt thoát khỏi đèo Tuna và đến được Củng Sơn, cùng vài ngàn thường dân.
4 Liên đoàn Biệt động quân, nhiều đơn vị của Sư đoàn 23 Bộ binh, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ và toàn bộ pháo binh của Quân đoàn II xem như bị xóa sổ.
Đây là thất bại nặng nề nhất của quân đội VNCH, trong suốt cuộc chiến dài hơn 20 năm.
Kết
Tiếng súng đã im, không còn vang vọng gần nửa thế kỷ qua, nhưng tiếng la hét cầu cứu trong tuyệt vọng, của đoàn người di tản từ cao nguyên, bị bọn CS tàn sát, bắn giết tự do, vẫn còn vang vọng bên tai, như mới ngày hôm qua!
Không biết tại sao, cứ mỗi tháng Ba về, lồng ngực như có ai bóp nghẹt, làm trái tim lại muốn…bật Máu!
Kính Mời Tham Dự Buổi Tụng Kinh Cầu Siêu Truyền Thống, Vào Mỗi Tháng 3 Hàng Năm! Cho Các Nạn Nhân Bị CS Tàn Sát Trên Tỉnh Lộ 7B.
*Một biến cố đẫm máu nhất, mà lại ít khi được nhắc đến trong Tháng Tư Đen đau thương, đó là cuộc tàn sát trên tỉnh lộ 7B, trong Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên. Khi CS chiếm đến Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku. Đoàn người, hơn 200 ngàn dân quân, di tản về đồng bằng, kẹt cứng tại cầu sắt Phú Bổn, CS đã mở cuộc tàn sát bằng đạn pháo, lựu đạn, súng lớn, súng nhỏ, làm cả hàng chục ngàn người chết! Tỉnh lộ 7B thành tỉnh lộ đẫm máu nhất trong cuộc chiến!
Trong tinh thần tưởng niệm, hàng năm, một số người Lính VNCH, trong Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali, có xin một Buổi Tụng Kinh Cầu Siêu cho những nạn nhân đã bỏ xác trên tỉnh lộ 7B, Năm nay cũng thế, kính mời tham dự, buổi tụng kinh được tổ chức vào:
Lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2023
Tại Chùa An Lạc, 1647 E. San Fernando St, San Jose, Ca 95116 (408) 254-1710.
* Sau buổi lễ, chùa và BTC, có khoản đãi một tô bún chay và nước giải khát!
*Sự Hiện diện của Quý Vị, nhất là những Đồng hương Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột góp lời cầu kinh, để hương linh những nạn nhân chết tức tưởi trên tỉnh lộ 7B, được siêu thoát.
Trân Trọng Kính Mời
Đại Diện, Người Lính LVH.
THƯ MỜI
THAM DỰ LỄ CHÀO QUỐC KỲ HK VÀ VNCH ĐẦU THÁNG BA NĂM 2023
Trân Trọng Kính Mời:
Quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo
Quý bậc Trưởng thượng, Thân hào, Nhân sĩ.
Quý Hội đoàn Cựu Quân Nhân QLVNCH và quý Chiến hữu.
Quý Hội đoàn, Đoàn thể, Chính Đảng.
Quý Cơ Quan Truyền Thông, Báo chí.
Quý Đồng Hương
Kính thưa quý vi.
Trong tinh thần giữ gìn và tôn vinh lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
Như thường lệ mỗi Thứ Bảy đầu tháng Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng Bắc Cali phối hợp cùng Anh chị Phụng Sự Cộng Đồng và các em Liên Đoàn Hướng Đạo Diên Hồng phối hợp tổ chức một buổi Lễ Chào Quốc Kỳ VNCH và HK tại:
VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT
1499 Roberts Ave – San Jose – CA 95122
Vào lúc 9:00 Sáng Ngày Thứ Bảy 04 tháng 3 năm 2023
Ban tổ chức trân trọng kính mời quý đồng hương Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản, quý Thân hào, Nhân sĩ, quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể, Chính Đảng cùng các quý chiếu hữu QLVNCH Bắc California tham dự.
• Điểm tâm nhẹ và cà phê sáng do Cô Brenda Huỳnh (nhân viên phụ trách các dịch vụ Bảo hiểm Sức khỏe và Medicare ) yểm trợ.
• Xin Thông Báo: Để tránh những sinh hoạt bị trùng hợp cùng ngày và cùng giờ của các Hội Đoàn, Đoàn Thể tại Bắc California San Jose. Ban Tổ Chức Lễ Chào Quốc Kỳ tại Vườn Truyền Thống VIỆT đề nghị quý Hội đoàn, Đoàn thể thông báo cho Ban Tổ Chức biết chương trình sinh hoạt của Quý Hội để có thể thông báo đến quý đồng hương trong buổi Lễ Chào Quốc Kỳ mỗi Thứ Bảy đầu tháng.Và chúng tôi có thể thông báo trên hệ thống Radio 1430 Vì Dân Media Network.
Trân Trọng Kính Mời Quý Đồng Hương và quý chiến hữu QLVNCH tham dự.
Uỷ Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng/ Bắc Cali.
Bs Phạm Đức Vượng
Điện thoại liên lạc : Trần song Nguyên (669)234-6580 Trần Chánh Tuỳ (408)941-5043, Long Đặng (408)886-0178, Hoàng Thưởng (408)219-4334, Phan Hà (408)666-6415, Jimmy Phan (408)210-5405, Triệu Hà (408)646-8752, Phạm đức Vượng (408)226-8844, Phát Kiên ( 408)605-7636
Tin Việt Nam Hôm Nay
Hơn 130 Tàu Đánh Cá Việt Nam Bị Kẹt ở Trường Sa Kêu Cứu!
(Hình: Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang lên hàng.)
- Ngày 28/2/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của báo chí trong nước đưa tin cho hay hơn 130 tàu đánh cá của tỉnh Bình Thuận với hơn 500 ngư dân mắc kẹt nhiều ngày tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa do đang kêu cứu vì đang cạn dần thức ăn và nước uống,.
Nguyên nhân bị mắc kẹt là do sau khi ra khơi đánh bắt từ đảo Phú Quý từ sau Tết, tức khoảng đầu tháng 2, các tàu đánh cá này đã gặp bão và phải tìm chỗ trú tránh bão ở quần đảo Trường Sa. Cho đến nay, tức là đã gần một tháng, các tàu đánh cá này vẫn chưa thể về nhà được do thời tiết xấu, tờ Người Lao Động cho biết.
Theo tờ báo này, trong thời gian qua, vùng biển khu vực Trường Sa có gió giật rất mạnh với, sóng cao từ 3 đến 4,5 mét. Tình hình thời tiết này đã kéo dài liên tục cho đến giờ.
Trong khi đó, các tàu đánh cá này chỉ đem theo dự trữ lương thực, thực phẩm đủ cho khoảng 20 ngày, tức là khoảng thời gian đủ để đánh bắt và quay về, và đến nay đã cạn kiệt. Dự báo thời tiết mưa bão do gió mùa Đông-Bắc sẽ tiếp tục trong hơn một tuần nữa.
Trước tình hình đó, chính quyền huyện đảo Phú Quý đã kêu cứu lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận. Chủ tịch tỉnh này, ông Đoàn Anh Dũng, đã có công văn cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó biến cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Vùng 3 và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 nhờ giúp đỡ, cũng theo Người Lao Động.
(Hình: Ngư dân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.)
“Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì các tàu đánh cá neo đậu tại các âu tránh trú bão sẽ thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nước ngọt nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của ngư dân”, tờ Tuổi Trẻ dẫn công văn của tỉnh Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết.
Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 đã chỉ đạo lực lượng trú đóng trên đảo Đá Lát cung cấp cho mỗi tàu 15 ký gạo và 60 lít nước ngọt. Ngoài ra, cơ quan này còn yêu cầu các tàu đang làm nhiệm vụ ở khu vực đảo Đá Lát, nơi các tàu đánh cá đang tránh bão, ‘sẵn sàng hỗ trợ các ngư dân gặp nạn’.
Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 cũng cho biết đến sáng ngày 28/2, lực lượng của họ mới tiếp cận được các tàu đánh cá và đưa được ngư dân lên các đảo, Tuổi Trẻ cho biết.
Tổng Cục Thống Kê: Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Tháng 2 Tăng 0,45%
(Hình: Giá xăng dầu tăng kép theo CPI tháng 2 tăng.)
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho truyền thông hay tin trên trong ngày 28/2/2023 đồng thời cho biết nguyên nhân khiến CPI tháng 2 tăng là do giá xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng tính CPI, có năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, sáu nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Chỉ số giá nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,11% vì giá xăng, dầu tăng 5,66% do ảnh hưởng các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 13 và 21/2.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,58%. Trong đó, giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng tết tăng cao.
Trong 6 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 0,57%, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 0,66%. Nguyên nhân là do Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023.
Cũng theo Tổng Cục thống kê, bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%.
Hà Nội: Bắt Chín Lãnh Đạo và Nhân Viên Trung Tâm Đăng Kiểm Nhận Hối Lộ 5 Tỉ Đồng
(Hình: Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D ở Hà Nội.)
- Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) hôm 28/2/2023 cho báo chí Nhà nước biết đơn vị này vừa tạm giữ chín người thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.
Trong số những người bị bắt có ông Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm và Phạm Trung Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm. Bảy người còn lại là các đăng kiểm viên.
Báo Nhà nước dẫn thông tin từ cơ quan công an địa phương cho biết những người bị bắt đã khai nhận là họ được Giám đốc Trung tâm giao thay nhau thu tiền của khách để bỏ qua lỗi vi phạm khi đăng kiểm xe.
Công an xác định qua điều tra, từ khoảng cuối năm 2018 đến khoảng tháng 9/2022, những người này đã nhận hối lộ khoảng năm tỉ đồng. Bình quân mỗi tháng, tùy theo chức vụ, vị trí công việc, các cá nhân được nhận “tiền ngoài luồng” từ hai triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngày 27/2, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng bắt giữ 18 người là lãnh đạo và nhân viên tại hai trung tâm đăng kiểm khác tại Hà Nội với cáo buộc “Nhận hối lộ”.
Theo thống kê của Bộ Công an, sau ba tháng, cơ quan điều tra ở 23 tỉnh, thành phố đã khám xét hơn 50 trung tâm đăng kiểm, khởi tố khoảng 300 bị can với các cáo buộc liên quan đến các tội “Hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.
Lào Cai: Phê Chuẩn Lệnh Bắt Phó Giám Đốc Trung Tâm Đăng Kiểm
(Hình: Trung tâm đăng kiểm 24-01D ở Lào Cai.)
- Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai vừa phê chuẩn lệnh bắt Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 24-01D ở Lào Cai, người vừa bị bắt giữ về tội “Nhận hối lộ”. Một Giám đốc công ty tư nhân bị bắt về tội “Đưa hối lộ”.
Hai người này đã bị Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai tạm giữ từ hôm 18/2/2023 vừa qua.
Truyền thông nhà nước hôm 28/2 cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với hai người gồm: Dương Đức Minh (SN 1979), Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai; Nguyễn Kim Dương (SN 1984), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại tổng hợp Việt Lâm (địa chỉ tại đường Trần Đại Nghĩa, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai).
Công an cho biết, Nguyễn Kim Dương đã thực hiện cải tạo phương tiện xe hơi tại xưởng sửa chữa của mình rồi đưa đến Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai, mã số 24-01D để kiểm định. Sau khi kiểm định, Dương đã chi phí cho Minh với mỗi phương tiện là 15 triệu đồng. Công an không nêu rõ tổng cộng số tiền đưa và nhận hối lộ giữa hai người là bao nhiêu.
Thanh Tra Chính Phủ: Sai Phạm Tại Công Ty Cổ Phần Thể Dục Thể Thao Việt Nam Gây Thiệt Hại Hàng Tỉ Đồng
(Hình: Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam.)
- Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra sau khi công bố kết luận về hàng loạt các sai phạm tại Công ty Cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hàng tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước hôm 28/2/2023 cho biết Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra tại Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Những sai phạm tại công ty này được Thanh tra Chính phủ chỉ ra bao gồm: việc xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền 1,4 tỉ đồng của Vinasport; trả trước 150.000 Euro cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, không có khả năng thu hồi làm mất vốn; phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện gây thiệt hại tài sản Nhà nước 7,5 tỉ đồng; mua bán phôi thép với Công ty trách nhiệm hữu hạn An Việt Úc không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền gần 5,9 tỉ đồng.
Những sai phạm này xảy ra trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2021. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo bộ qua từng thời kỳ.
Trước đó, vào năm 2015, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam là ông Bùi Duy Nghĩa bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Ông Nghĩa bị cáo buộc đã lấy danh nghĩa công ty tham gia các dự án bất động sản, dẫn đến hàng loạt sai phạm.
Tp. HCM Kiến Nghị Kéo Dài Thời Gian Sắp Xếp Cán Bộ Dôi Dư Tại Thành Phố Thủ Đức
(Hình: Tại một đơn vị hành chính ở thành phố Thủ Đức.)
- Năm mươi bốn trường hợp đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó tại thành phố Thủ Đức, sau 2 năm, vẫn chưa được xếp sắp, bố trí lại theo đúng quy định.
Trong số đó, 40 người là công chức, 14 người là viên chức. Có nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, được đào tạo bài bản và có nguyện vọng cống hiến lâu dài.
Đó là nội dung trong báo cáo của Ủy ban Nhân dân Tp. HCM gửi Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã cũng như chính sách đối với trường hợp dôi dư khi tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp quận, huyện, xã và thành lập thành phố Thủ Đức. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 28/2/2023.
Lý do được Ủy ban Nhân dân Tp. HCM đưa ra trong báo cáo là nhân sự phân cấp theo Nghị định 34/2019 chưa phù hợp. Sau khi sáp nhập, thành phố Thủ Đức có địa bàn rộng, dân số đông trong khi số lượng cán bộ, công chức giảm.
Việc phải hoàn thành đề án trong hai năm trong khi số lượng dôi dư cần sắp xếp lớn và phải bảo đảm sự phù hợp giữa nguyện vọng, vị trí việc làm tạo áp lực lên thành phố Thủ Đức. Nhất là việc sắp xếp, bố trí lại đối với các trường hợp đang là lãnh đạo và kéo giảm, sắp xếp lại số lượng cấp phó đúng theo quy định.
Qua đó, Ủy ban Nhân dân Tp. HCM kiến nghị Thủ tướng và Bộ Nội vụ xem xét éo dài thời gian hoàn thành sắp xếp là năm năm, thay vì hai năm.
Sản Xuất Trong Các Ngành Công Nghiệp Chủ Lực của Việt Nam Giảm Trong 2 Tháng Đầu Năm
(Hình: Công nhân làm việc ở Dệt may Nam Định.)
- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, tạo sức ép cho tăng trưởng cả năm là 6,5%.
Đó là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023 và được truyền thông loan trong ngày 28/2/2023.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2023, hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực thực phẩm đều giảm hoặc tăng rất thấp, riêng ngành thiết bị điện giảm trên 50%.
Cụ thể, tính chung 2 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm, riêng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,9%. “Đây là điều chưa từng có trong cùng kỳ hai tháng các năm từ 2001 đến nay”, báo cáo viết.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất-nhập cảng hàng hóa đều giảm, mặc dù xuất cảng sang Trung Quốc tăng 5,6% nhưng không bù đắp được sự suy giảm của các thị trường lớn như Mỹ giảm 20,4%, Nam Hàn giảm 5,7%, ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á) giảm 7,9%, EU giảm 2,6%….
Ngoài ra, bộ này đánh giá áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tăng cao, khi lạm phát hai tháng tăng 5,08% là mức tăng cao nhất cùng kỳ hai tháng từ năm 2016 đến nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, áp lực cạnh tranh tăng do thị trường xuất cảng lớn suy yếu, nên nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế
Hôm 27/2 nguồn thông tấn xã Reuters cho biết sản lượng nhà máy Việt Nam tăng trong tháng 2 mặc dù sản xuất điện thoại thông minh giảm. Cũng theo thông tấn xã Reuters, tính chung hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện thoại thông minh tại nhà máy Samsung đã giảm gần 10% trong năm và sản lượng linh kiện điện thoại di động giảm gần 15%. Tuy nhiên, xuất cảng điện thoại thông minh đã tăng 14,7%, được thông tấn xã Reuters nhận định, có thể các công ty đã giảm lượng hàng tồn kho trong tháng Hai.
Cùng với đó, xuất cảng giày dép hai tháng đầu năm giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thông tấn xã Reuters, việc này do công ty Pou Chen của Đài Loan, nhà sản xuất giày thể thao có thương hiệu lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp hàng đầu cho Nike và Adidas, có kế hoạch cắt giảm khoảng 6.000 nhân sự tại Việt Nam.
Nhìn chung, xuất cảng của Việt Nam đã tăng mạnh trong tháng 2 lên 25,88 tỉ Mỹ kim, sau khi giảm 21,3% trong tháng Một.
Với việc nhập cảng giảm 6,7% trong tháng 2, nước này ghi nhận thặng dư thương mại 2,3 tỉ Mỹ kim trong tháng.
Việt Nam: Chỉ Số Công Nghiệp và Xuất Cảng Tăng Trong Tháng Hai
(Hình: Công nhân Việt Nam.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) công bố hôm thứ Ba (28/2/2023), xuất cảng của Việt Nam đã tăng 11% trong tháng Hai so với một năm trước đó, và sản lượng công nghiệp của nước này tăng 3,6% trong cùng tháng.
Theo GSO, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan nhà nước này cho biết thêm rằng chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu của cơ quan của Việt Nam cho biết thêm rằng giá tiêu dùng trong tháng Hai tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.
GSO cho biết, kim ngạch nhập cảng hàng hóa tháng Hai ước đạt 23,58 tỉ Mỹ kim, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập cảng hàng hóa ước đạt 46,62 tỉ Mỹ kim, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết rằng về thị trường xuất-nhập cảng hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỉ Mỹ kim.
Trong khi đó, tin cho hay, Trung Quốc là thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỉ Mỹ kim.
Tân Huấn Luyện Viên Đội Tuyển Việt Nam Nhắm Đến Suất Dự World Cup
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm thứ Hai (27/2/2023), Huấn luyện viên người Pháp Philippe Troussier đã ký hợp đồng 3 năm để dẫn dắt đội tuyển túc cầu Việt Nam và ngay lập tức đặt mục tiêu lần đầu tiên tham dự Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) cho đội bóng này.
Ông Troussier, 67 tuổi, người kế nhiệm Huấn luyện viên Park Hang-seo của Nam Hàn, đã huấn luyện khoảng hai chục đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ trong suốt sự nghiệp của mình.
Ông đã dẫn dắt Nhật Bản giành chức vô địch Asian Cup năm 2000 và huấn luyện đội tuyển đồng chủ nhà tại World Cup 2002.
Ông Troussier có thời gian dẫn dắt đội Marseille (Pháp) trong khoảng thời gian 2004 - 2005, và sau đó là ở Trung Quốc và Tunisia.
Ông trở thành Huấn luyện viên của tuyển U19 Việt Nam vào năm 2019.
Việt Nam, xếp hạng 96 theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA), đang chuẩn bị tham dự Asian Cup 2023 tại Qatar, và ngày diễn ra giải đấu vẫn chưa được xác định.
Nhưng ông Troussier nói rõ rằng ông đặt mục tiêu cao hơn.
“Việc mở rộng lên 48 đội tại World Cup 2026 là cơ hội cho Việt Nam. Đây là mục tiêu cuối cùng mà tất cả chúng ta hướng tới”, ông Troussier nói trong lễ ký kết, theo truyền thông nhà nước.
Hợp đồng của ông Troussier kéo dài từ tháng 3 năm 2023 đến tháng 7 năm 2026, VNExpress đưa tin.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Phương Tây Muốn Tẩy Chay Nga Tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khai mạc vào hôm 27/2/2023 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Mục tiêu của các nước phương Tây là tiếp tục gây áp lực với Mạc Tư Khoa, cụ thể là tẩy chay bài phát biểu của đại diện phía Nga vào ngày 2/3 tới. Từ trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche của Đài RFI tường trình:
Có nên tẩy chay bài phát biểu của đại diện phía Nga? Câu hỏi đang làm xôn xao các nước phương Tây, giữa mong muốn đặt hồ sơ Ukraine ở vị trí cao nhất trong chương trình nghị sự về nhân quyền và nỗi lo phản ứng thái quá. Trong khi nhiều cuộc khủng hoảng khác cũng cần phải được Hội đồng đề cập đến như tình hình ở Syria, Ethiopia hay A Phú Hãn.
Nhưng cuộc xâm lăng của Nga không chỉ là vấn đề của Âu Châu, như nhận định của Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna: “Cuộc xung đột này đáng để tất cả mọi người phải chú ý tới. Nó không chỉ liên quan đến lục địa Âu Châu. Không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản nhất của hiến chương Liên Hiệp Quốc và thực ra, việc vi phạm các nguyên tắc này phải khiến cho toàn bộ cộng đồng quốc tế quan tâm bởi các quốc gia phải hiểu rằng họ sẽ không thể an toàn nếu những cuộc xâm lược được đền đáp”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov sẽ phát biểu vào thứ Năm (2/3), nhưng ý định về việc tẩy chay đã nảy sinh từ hôm 27/2 sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Iran. Cuối cùng, chỉ có các tổ chức phi chính phủ rời khỏi phòng họp để phản đối việc đàn áp phong trào biểu tình chống chính quyền Tehran. Có thể khẳng định một điều là bức tranh tổng thể về nhân quyền vô cùng ảm đạm. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết là các quyền này đang bị tấn công từ mọi phía. Antonio Guterres, người đã nói rằng nhân quyền không phải là thứ xa xỉ mà chúng ta có thể bỏ qua trong khi chờ giải quyết các vấn đề của thế giới. Bảo vệ nhân quyền, đó chính là giải pháp cho các vấn đề của thế giới.
Zelensky Kêu Gọi Phương Tây Từ Bỏ “Húy Kỵ” Về Chiến Đấu Cơ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay việc giao chiến đấu cơ cho Ukraine hay không tiếp tục là điểm nóng. Tối 27/2/2023, Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky một lần nữa kêu gọi các nước phương Tây vượt qua “húy kỵ” về chiến đấu cơ.
Theo thông tấn xã Reuters, lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, “chúng tôi sẽ không thể bảo vệ được không phận của mình chừng nào mà húy kỵ về chiến đấu cơ không được dỡ bỏ hoàn toàn”, cho dù “các phi công, các đơn vị phòng không và các chuyên viên khác của lực lượng Không quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Cũng trong phát biểu hôm 27/2, Tổng thống Zelensky thông báo “tình hình đang ngày một khó khăn hơn” tại khu vực Bakhmut, thành phố miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine bị quân đội Nga bao vây từ nhiều tháng nay.
Tổng thống Ukraine cho biết “kẻ thù đang phá hủy một cách hệ thống tất cả những gì mà phía Ukraine có thể sử dụng để phòng vệ”.
Về phía Nga, trong một phát biểu trên truyền hình Nga hôm 27/2, thủ lĩnh vùng Donetsk ly khai, Denis Pushilin, được Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, bảo đảm là mọi tuyến đường vào Bakhmut “nằm trong tầm bắn” của các lực lượng Nga.
Việc đồng minh cấp phi cơ chiến đấu không chỉ giúp Ukraine bảo vệ vùng trời các khu vực mà quân đội Ukraine hiện đã kiểm soát. Theo Phó Chỉ huy Tình báo Quân sự Ukraine (GUR), Vadim Skibitskyi, vũ khí phương Tây cung cấp là một yếu tố quyết định đối với “thời điểm phản công”. Trả lời báo Đức Berliner Morgenpost, ngày 26/2, ông Skibitskyi cho biết là quân đội Ukraine sẵn sàng cho một đợt phản công lớn vào mùa Xuân tới, với một trong các mục tiêu chính trước mắt là “chọc thủng phòng tuyến của quân đội Nga tại miền Nam, cắt lìa bán đảo Crimea với miền Tây nước Nga”.
Trong bản tin hôm 27/2, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng cho biết có nhiều khả năng quân đội Ukraine sẽ cố gắng chọc thủng phòng tuyến Nga tại tỉnh miền Nam Zaporijjia. Phó Chỉ huy Tình báo Quân sự Ukraine Vadim Skibitskyi cho biết thêm là quân đội Ukraine chuẩn bị oanh kích vào cả “các kho chứa và phương tiện quân sự trên lãnh thổ Nga, ví dụ khu vực gần thành phố Belgorod (cách biên giới với Ukraine khoảng 35 cây số)”, nơi Nga tổ chức các cuộc tấn công vào đất Ukraine.
Chính quyền Nga cũng tiếp tục răn đe phương Tây là không nên cấp thêm vũ khí tối tân cho Ukraine. Hôm 27/2, trong một bài viết trên trang mạng Izvestia, mang tựa đề “Điểm không thể vãn hồi”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Dmitri Medvedev, cáo buộc phương Tây mưu đồ “tiêu diệt Liên bang Nga”, đe dọa “tương lai nhân loại”, khi rót thêm vũ khí cho Ukraine.
Các Đối Tác của Mỹ Chia Sẻ Lo Ngại Trung Quốc Xem Xét Viện Trợ Vũ Khí Sát Thương Cho Nga
(Hình: Nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Đông Á, ông Daniel Kritenbrink.)
- Hôm thứ Ba (28/2/2023), nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đông Á, Daniel Kritenbrink, cho biết Hoa Kỳ đã chia sẻ mối quan ngại rằng Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ vũ khí sát thương cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine và nhiều đối tác của Mỹ cũng chia sẻ mối quan ngại đó.
Ông Kritenbrink đưa ra nhận xét trên trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về Trung Quốc.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Mạc Tư Khoa trong cuộc xung đột thì đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng của Bắc Kinh trong mối quan hệ với các nước trên thế giới.
Chiến Tranh: Cơ Hội Giải Phóng Ukraine Khỏi “Ách” Đầu Sỏ
- Báo Le Monde hôm 28/2/2023 quan tâm nhiều đến thời sự quốc tế. Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị ở Venezuela, sức hút của tấm sổ thông hành Bồ Đào Nha, về chiến tranh Ukraine, Le Monde nhận định các nhà đầu sỏ (oligarque) Ukraine đã bất ngờ sụp đổ do chiến tranh và xem đó là một bước ngoặt lịch sử đối với Ukraine, một quốc gia mà giới đầu sỏ các nhà tài phiệt đã “làm mưa, làm gió”, thao túng suốt 30 năm qua.
Giới đầu sỏ (quả đầu) Ukraine được hình thành từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sau làn sóng tư hữu hóa lớn hồi thập niên 1990. Chiến tranh bùng nổ, người dân sống trong cảnh bom đạn nhưng giới đầu sỏ Ukraine cũng trở thành những nạn nhân một cách không mấy ai có thể ngờ tới: mất hết ảnh hưởng cả về truyền thông, chính trị và kinh tế.
Trước hết, về sức mạnh truyền thông, trước chiến tranh, 6 nhân vật đầu sỏ nắm giữ tới 70% các kênh truyền hình. Nay, 8 kênh lớn nhất đều phải phát cùng một chương trình trong khuôn khổ “cuộc đua đường trường về thông tin”, theo yêu cầu của thiết quân luật.
Về kinh tế, các lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho giới tài phiệt là các nhà máy luyện kim, các mỏ quặng ở vùng Donbass, các khu cảng ở Hắc Hải và biển Azov, thế nhưng những khu công nghiệp này, cũng như các vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất, đều nằm ở miền Đông-Nam đất nước, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt nhất. Le Monde nêu một ví dụ: tài sản của nhà tài phiệt Rinat Akhmetov đã giảm từ 13,7 tỉ Mỹ kim xuống còn 4,4 tỉ Mỹ kim.
Về vị thế chính trị, quyền lực của giới đầu sỏ Ukraine cũng đã tiêu tan. Chiến tranh nổ ra, tất cả các Dân biểu đều đã quyết định đồng lòng đứng về phía Tổng thống Zelensky để đối phó với Mạc Tư Khoa. Theo Le Monde, không có ai dám chỉ trích Tổng thống Zelensky, nếu không muốn bị quy là kẻ phản bội đất nước. Họ đều hiểu ra là nên đứng về phía nhân dân, bảo vệ chính phủ, chống Nga thay vì chống lại Nhà nước Ukraine. Le Monde trích dẫn nhà chính trị học Konstantin Batovsky, theo đó lần đầu tiên trong đời, giới đầu sỏ Ukraine có chung vận mệnh với nhân dân, ai cũng phải chịu nỗi đau. Dù không mất mạng, nhưng giới đầu sỏ mất tài sản và ảnh hưởng. Chiến tranh là cơ hội để nhân dân Ukraine dẹp trừ giới đầu sỏ, cho dù cái giá phải trả là rất đắt.
Sự suy yếu chưa từng có của giới đầu sỏ Ukraine được Brussels theo dõi sát sao, bởi Kyiv muốn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Brussels rất cảnh giác bởi những kẻ đầu sỏ mới lại có thể nổi lên trong quá trình tái thiết đất nước Ukraine. Kyiv cũng hiểu điều đó. Một Cố vấn của lãnh đạo Văn phòng phủ Tổng thống khẳng định xã hội sẽ không thể dung thứ nếu Kyiv lại để một thế hệ đầu sỏ có cơ hội ra đời.
Le Monde kết luận bài viết với nhận định của Daria Kaleniouk, Tổng Giám đốc Trung tâm hành động chống tham nhũng của Ukraine, theo đó để tránh nguy cơ giới đầu sỏ hồi sinh, Kyiv phải củng cố các định chế, cải tổ Ủy ban chống độc quyền, bởi chính vì các định chế của Ukraine suy yếu nên Putin mới tự tin xâm lược Ukraine. Cách duy nhất để bảo vệ người Ukraine khỏi các cuộc tấn công mới của Nga là “xây một pháo đài không tham nhũng, không có các nhà đầu sỏ”.
NATO: Thổ Nhĩ Kỳ Thông Báo Nối Lại Đàm Phán Với Thụy Điển và Phần Lan
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 27/2/2023, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cho biết, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan về việc hai nước Bắc Âu này xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), sẽ được nối lại vào ngày 9/3 tới.
Theo thông tấn xã AFP, trong một cuộc họp báo tại Ankara, Ngoại trưởng Çavuşoğlu gợi ý rằng cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan có thể sẽ diễn ra ở Brussels, nơi có trụ sở của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngưng các cuộc đàm phán với hai nước Bắc Âu vào cuối tháng Một và hoãn cuộc họp 3 bên, dự kiến ban đầu được tổ chức vào tháng 2, sau một số cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ và chống Hồi giáo ở Stockholm.
Mặc dù Ankara thừa nhận những tiến bộ nhất định từ phía Thụy Điển trong các cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng là chưa đủ. Và đe dọa: “Nếu Stockholm không đạt được những tiến bộ cụ thể hơn, chúng tôi không thể ‘đồng ý’ cho Thụy Điển gia nhập NATO”.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các chiến binh người Kurdistan, đặc biệt là những người thuộc đảng Lao động Kurdistan (PKK), mà Ankara cáo buộc là “những thành phần khủng bố”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngỏ ý vào đầu tháng 2 rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan mà không có Thụy Điển.
Nước Đức và “Kỳ Tích” Zero Khí Đốt của Nga
- Nếu như chiến tranh là bước ngoặt lịch sử để Ukraine thoát “tai ương” tài phiệt, thì đối với Le Monde, ngày 24/2/2022, ngày Putin xua quân xâm lược Ukraine cũng là dấu mốc lịch sử để nước Đức chấm dứt kỷ nguyên lệ thuộc 55% vào khí đốt của Nga.
Không chỉ “thoát Nga” về năng lượng, đây còn là cơ hội để nước Đức chuyển đổi về quân sự. Le Monde dành cả tựa trang nhất “Quân đội, năng lượng: Sự chuyển đổi của Đức”, bài xã luận “Nước Đức phải tiếp tục chuyển đổi” và bài viết dài 2 trang “Nước Đức không khí đốt của Nga” cho các đề tài này.
Riêng về năng lượng, điều đáng nói đối với Le Monde là Bá Linh chỉ mất những thời gian ngắn kỷ lục để ra những quyết định mà trước đó từng bị xem là không thể nghĩ tới: tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than và đẩy mạnh sản xuất điện than, khánh thành 2 trạm tiếp nhận khí hóa lỏng GNL, thông qua các biện pháp thuế khóa để kìm hãm đà tăng giá khí đốt và điện…
Trong một năm chiến tranh Ukraine, Bá Linh đã cho thấy Đức có khả năng chống đỡ nhanh hơn dự báo ban đầu. Không những hoàn toàn ngưng nhập cảng khí đốt của Nga sau 8 tháng, Đức còn không bị suy thoái kinh tế, không vấp phải làn sóng phá sản, thất nghiệp, đình công diện rộng, cho dù lạm phát tăng cao. Khách quan mà nói, theo Le Monde, nước Đức cũng được hưởng lợi từ tình trạng chậm tăng trưởng của Trung Quốc do chính sách Zero Covid, cũng như mùa Đông không quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là những thay đổi mang tính cấu trúc của nền kinh tế Đức.
Hơn nữa, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế, Robert Habeck, đều rất tích cực trong chính sách “ngoại giao năng lượng”, xông pha khắp nơi trên thế giới, từ Nam Phi, Namibia, Gia Nã Ðại, Na Uy, các nước vùng Vịnh, đến cả Mỹ Châu la-tinh, để tìm kiếm đối tác cung cấp khí đốt và hydrogene, cũng như kim loại hiếm phục vụ công cuộc chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn lithium.
Tổng Thống Macron Xác Nhận Pháp Giảm Bớt Sự Hiện Diện Quân Sự ở Phi Châu
- Trong bài phát biểu hôm 27/2/2023 phác họa chính sách Phi Châu “mới” của nước Pháp nhằm chuẩn bị cho chuyến công du 4 nước miền Trung Phi Châu bắt đầu từ ngày 1/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng Phi Châu không nên là “sân sau” của nước Pháp nữa. Ông đồng thời thông báo việc sẽ “cắt giảm rõ rệt” số lính Pháp trú đóng ở lục địa Phi Châu.
Đối với Tổng thống Macron, giờ đây nước Pháp cần “thể hiện thái độ rất khiêm tốn trước những gì đang diễn ra” trên một lục địa mà Paris đang mất dần ảnh hưởng vào tay các cường quốc như Trung Quốc và Nga, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.
Theo Tổng thống Macron, Phi Châu hiện nay không còn là “sân sau” của nước Pháp, “càng không phải là một lục địa mà người Âu Châu và người Pháp có thể áp đặt một khuôn khổ phát triển, mà là một nơi chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, cân bằng và có trách nhiệm, để cùng nhau chiến đấu vì những mục đích chung - khí hậu là một vấn đề vô cùng quan trọng -, bảo vệ lợi ích của chúng ta và giúp các nước Phi Châu thành công”.
Sau khi khẳng định Pháp không thể là “bảo hiểm nhân thọ cho việc giải quyết các vấn đề chính trị” của các nước Phi Châu, ông Macron tuyên bố Paris từ nay sẽ chỉ còn các căn cứ quân sự “đồng quản lý” với các nước sở tại ở Phi Châu, và lực lượng Pháp đồn trú tại đấy sẽ được “cắt giảm rõ rệt”, trong lúc các nỗ lực về đào tạo và thiết bị sẽ được tăng cường.
Pháp hiện có các căn cứ quân sự ở Dakar (Senegal), Abidjan (Côte d’Ivoire), Libreville (Gabon), Niamey (Niger), N’Djamena (Chad) và Djibouti. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp nói rõ là Djibouti sẽ không nằm trong số căn cứ sẽ được tổ chức lại trong thời gian tới.
Đây là một điều dễ hiểu vì Djibouti, nhìn ra Ấn Độ Dương, đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Paris muốn thúc đẩy.
Mùa Đông Khô Hạn Kỷ Lục, Nông Dân Pháp Lo Lắng, Chính Phủ Vận Động Dùng Nước “Điều Độ”
- Báo Công giáo La Croix, trang nhất tờ báo hôm 28/2/2023 đặc biệt quan tâm đến tình trạng nước Pháp khô hạn bất thường, chủ yếu do thiếu mưa. 2/4 trang trong mục Sự kiện được dành cho 2 bài viết có tiêu đề “Nước Pháp khô hạn ngay trong mùa Đông” và “Nông dân ngày càng lo lắng”.
Tình trạng khô hạn mùa Đông ở Pháp đang lên đến mức cao kỷ lục: thiếu mưa, đất đai khô cằn, mực nước ở các sông ngòi và hồ chứa trong tháng Hai này đã xuống dưới mức thấp nhất trong cả nước. Lo sợ “một năm đen tối”, giới nông dân Pháp kêu gọi Nhà nước khai triển các biện pháp dự trữ nước, bởi “không có nước thì không thể có nông nghiệp”.
Về phía Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp, ông Marc Fessneau vẫn bảo vệ ý tưởng xây những bể chứa nước khổng lồ, hút nước từ các mạch nước ngầm. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng những bể chứa khổng lồ đó chỉ tạo thuận lợi cho các nhà công nghiệp trồng trọt vốn sử dụng rất nhiều nước, nhất là ngành trồng ngũ cốc phục vụ chăn nuôi gia súc, mà phần thiệt thòi thì vẫn là các nông dân nhỏ lẻ phải gánh chịu.
Nhìn sang Le Figaro, tờ báo cũng cho biết “Chính phủ đang huy động lực lượng chống khô hạn”. Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Christophe Béchu đã kêu gọi các tỉnh trưởng ra văn bản hạn chế việc sử dụng nước. Các chuyên gia dự báo trong những năm tới, do biến đổi khí hậu, lượng nước có thể sử dụng sẽ giảm 10-40%, thế nên cách duy nhất, theo Le Figaro, là dùng nước “điều độ”.
Báo kinh tế Les Echos nhắc lại là vào cuối tuần qua, tại Hội chợ Nông nghiệp, một sự kiện lớn thường niên của Pháp, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh là nước Pháp cần có một kế hoạch về sử dụng nước điều độ, tương tự như đối với năng lượng. Tổng thống cho biết một quy định thúc đẩy việc tái sử dụng nước thải hiệu quả hơn mới đây đã được chuyển đến Tham Chính Viện. Để chống lãng phí nước, việc tái sử dụng nước thải được xem là một trong những biện pháp có thể sẽ được đưa vào kế hoạch về nước mà chính phủ đang xây dựng và theo sự kiến sẽ được công bố vào tháng 3/2023.
Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản Họp Về Khả Năng Phục Hồi Chuỗi Cung Ứng
(Hình: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29/6/2022. Ba nhà lãnh đạo đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11/2022.)
- Hôm thứ Ba (28/2/2023), Văn phòng Tổng thống Nam Hàn cho biết các viên chức của Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa tổ chức cuộc đối thoại an ninh kinh tế đầu tiên trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển kỹ thuật.
Mặc dù Nhật Bản và Nam Hàn là những láng giềng thường không thoải mái với nhau, nhưng cả ba nước đều mong muốn mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng và trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn và một Bắc Hàn khó lường.
“Cuộc đối thoại này có ý nghĩa trong việc mở rộng hợp tác an ninh kinh tế song phương với Hoa Kỳ lên cấp độ ba bên”, văn phòng của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol cho biết trong một thông cáo.
“Dự kiến sẽ tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và ứng phó khủng hoảng chính của ba quốc gia, đồng thời đóng vai trò thúc đẩy hợp tác để thúc đẩy và bảo vệ các kỹ thuật chính và mới nổi”, thông cáo cho biết thêm.
Tổng thống Nam Hàn Yoon, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc và Nga vũ khí hóa chuỗi cung ứng để phá vỡ nền kinh tế toàn cầu và gây ra căng thẳng địa chính trị.
Tại các cuộc đàm phán hôm thứ Hai ở Hawaii, các viên chức đã thảo luận về việc trao đổi trong các lĩnh vực bao gồm kỹ thuật lượng tử, sinh học và vũ trụ, cũng như các phương cách để đẩy mạnh hợp tác nhằm ổn định chuỗi cung ứng chất bán dẫn, pin và khoáng chất cốt lõi, văn phòng của ông Yoon cho biết.
Các lãnh đạo cũng thảo luận về việc hợp tác để bảo vệ kỹ thuật và dữ liệu cũng như các lỗ hổng phát sinh từ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Nhật Bản và Úc Ðại Lợi Có Thể Tham Gia Cùng Mỹ và Phi Luật Tân Tuần Tra Biển Đông
(Hình: Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Mỹ thả neo ngoài khơi Vịnh Manila của Phi Luật Tân. Phi Luật Tân đang đàm phán để có thể đưa Úc Ðại Lợi và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ.)
- Phi Luật Tân đang đàm phán để có thể đưa Úc Ðại Lợi và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao cấp cao cho biết hôm thứ Hai (27/2/2023), trong một dấu hiệu lo ngại khác về các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược.
“Các cuộc họp đã được ấn định và có lẽ chúng tôi có thể mời Nhật Bản và Úc Ðại Lợi tham gia”, Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez nói với thông tấn xã Reuters.
“Họ muốn tham gia tuần tra chung để bảo đảm có quy tắc ứng xử và tự do hàng hải”, đồng thời ông nói thêm rằng đây vẫn là “một ý tưởng đang được thảo luận”.
Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Phi Luật Tân tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương trên Biển Đông, một động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn trong vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Úc Ðại Lợi và các Tòa Ðại sứ của Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
Nhật Bản sẽ “khám phá khả năng hợp tác với các đối tác để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải”, Tòa Ðại sứ Nhật Bản tại Manila nói hôm thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng không có kế hoạch hay cuộc thảo luận cụ thể nào về các cuộc tuần tra chung.
Các cuộc đàm phán về tuần tra và tái cam kết với Hoa Kỳ nhấn mạnh mức độ mà Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. muốn tổ chức lại mối quan hệ với đồng minh lịch sử của mình, loại bỏ cách tiếp cận thù địch của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte đối với Hoa Thịnh Ðốn trong khi vẫn theo đuổi sự can dự kinh tế chặt chẽ với cường quốc khu vực Trung Quốc.
Úc Ðại Lợi và Hoa Kỳ đã thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Phi Luật Tân, giữa những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có khoảng 3,4 ngàn tỉ Mỹ kim thương mại đi qua mỗi năm.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Ðại Lợi đã tiến hành các cuộc tập trận Hải quân ba bên và các cuộc tuần tra chung với các nước này sẽ “tốt cho Phi Luật Tân và cho toàn bộ khu vực”, ông Romualdez nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi muốn có tự do hàng hải”.
Thái Lan Đón Hàng Ngàn Lính Mỹ Tham Gia Cuộc Tập Trận ‘Hổ Mang Vàng’ Hàng Năm
(Hình: Thủy quân Lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng” Hoa Kỳ-Thái Lan trên bãi biển Hat Yao ở tỉnh Chonburi vào ngày 17/2/2018. Cuộc tập trận năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 7.000 quân nhân đến từ 30 quốc gia.)
- Thái Lan và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc tập trận quân sự vào thứ Ba (28/2/2023) với sự tham gia của hơn 7.000 quân nhân từ 30 quốc gia, với các cuộc tập trận hàng năm lần đầu tiên bao gồm nội dung tập trung vào các cuộc tập trận không gian.
Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” ra mắt đầu tiên vào năm 1982, là một trong những cuộc tập trận quân sự đa phương kéo dài nhất thế giới và lớn nhất ở Đông Nam Á, đóng vai trò nền tảng chính để Hoa Thịnh Ðốn củng cố các liên minh ở Á Châu vào thời điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết sau khi các cuộc tập trận được thu nhỏ lại trong thời gian xảy ra đại dịch, gần 6.000 binh sĩ Hoa Kỳ sẽ tham gia trong năm nay.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Aquilino nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành các hoạt động tích hợp trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng với các đối tác”.
Ông cho biết cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 10/3, cho thấy việc cùng nhau ứng phó sẽ giúp “duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở như thế nào, để tất cả các quốc gia có thể duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Căng thẳng đã gia tăng trong khu vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan tự trị.
Năm nay, cuộc tập trận lần đầu tiên bao gồm nội dung tập trận trên không gian, với trọng tâm là tìm hiểu tác động của các hiện tượng trên không như bão mặt trời đối với các hoạt động quân sự, thông tin liên lạc và vệ tinh, một tuyên bố của Tòa Ðại sứ Mỹ cho biết.
Các cơ quan vũ trụ quân sự và dân sự từ Thái Lan, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tham gia.
Sẽ có tổng cộng 7.394 nhân sự từ 30 quốc gia tham gia vào cuộc tập trận “Hổ mang vàng” năm nay, với bảy thành viên tham gia đầy đủ bao gồm Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Nam Hàn, Mã Lai Á và Nam Dương.
Trung Quốc, Ấn Độ và Úc Ðại Lợi tham gia các bài tập về cứu trợ nhân đạo.
Mỹ: Chính Quyền Liên Bang Yêu Cầu Loại TikTok Trong Vòng 30 Ngày
- Ngày 28/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại Hoa Kỳ, toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang phải bảo đảm là trong thời hạn một tháng, không còn phương tiện điện tử nào còn cài đặt các ứng dụng của TikTok, nền tảng kỹ thuật số được hơn một tỉ người sử dụng trên toàn cầu.
Lệnh cấm của chính quyền Mỹ được đưa ra hôm 27/2, ít ngày sau một lệnh tương tự của Ủy Ban Âu Châu cấm nhân viên sử dụng TikTok vì lý do an ninh.
Lệnh cấm nói trên không liên quan đến các cơ sở không trực thuộc chính quyền Liên Bang, cũng như hàng triệu cá nhân sử dụng TikTok. Chính quyền nhiều nước phương Tây nghi ngờ các ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc ByteDance được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin.
Hôm 27/2, chính quyền Gia Nã Ðại cũng thông báo cấm công chức sử dụng Tiktok kể từ ngày 28/2. Thông tin viên Pascale Guéricolas của Đài RFI tường trình từ Québec (Gia Nã Ðại):
“Không còn các công thức nấu ăn, những bàn thắng đẹp nhất của đội khúc côn cầu yêu thích hay các mẹo trang điểm trên điện thoại công vụ của các công chức Gia Nã Ðại. Chính quyền Gia Nã Ðại lo ngại các dữ liệu cá nhân của họ sẽ lọt vào tay ban lãnh đạo của công ty Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, một công ty có liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau cảnh báo: “Tôi hy vọng rằng nhiều người Gia Nã Ðại, cả doanh nghiệp và cá nhân, sẽ lưu tâm đến việc bảo mật dữ liệu của chính họ và có thể sẽ có các hành động phù hợp”.
Một cuộc khảo sát vừa được tiến hành tại Gia Nã Ðại để kiểm tra xem liệu dữ liệu của người dùng TikTok tại đây có được bảo vệ đầy đủ hay không, đặc biệt là với giới trẻ. Theo một số khảo sát, hơn ba phần tư dân Gia Nã Ðại trong độ tuổi 18-24 sử dụng ứng dụng này. Về phần mình, công ty Trung Quốc lấy làm tiếc rằng chính phủ Gia Nã Ðại đã không thông báo cho họ về quyết định liên quan đến các công chức. Phát ngôn viên của công ty nói họ sẵn sàng thảo luận với chính quyền về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét