Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Nguyễn Công Trứ — Ông Đồ gàn thời đại hay Kẻ sĩ thời nhiễu nhương? - Nguyễn Văn Lục


Danh mà chi, lợi để mà chi
Bèo mây bọt nước có ra gì
Sau đường danh lợi hai tay trắng
Cuối lớp ân tình nấm mộ xanh
Nguyễn Công Trứ
(Ký tên trong buổi Ra mắt sách.)
<!>
Lời mở
Tôi biết tác giả Nguyễn Công Trứ (NCT) khá muộn màng qua trung gian một người bạn thân của ông, ông Tăng Quốc Kiệt. Nhờ ông Kiệt đưa sách, liên lạc cho địa chỉ điện thư và nhất là cho số điện thoại và đã giúp tôi liên lạc với tác giả. Nếu không trao đổi và để giải tỏa những thắc mắc và rất nhiều chi tiết, tôi không thể viết bài này. Đó là chưa kể một số giai thoại lý thú mà tôi được ông Tăng Quốc Kiệt kể lại. Thôi thì cứ coi tôi còn nợ chưa trả vậy.

Tác giả NCT đã kể đã từng đến Montréal qua người bạn là ông Đào Bá Ngọc để giúp giới thiệu sách mà tôi không biết vì tôi ít liên hệ với cộng đồng. Nhiều người gốc Việt ở Montréal đã đọc sách của NCT trước tôi vài năm. Muộn còn hơn không.

Thứ hai, dù đã biết không ít về tác giả, nhưng khi đặt tựa đề cho bài viết về tác giả — một thầy thuốc thời VNCH, tôi thật lúng túng vì không biết phải chọn tựa đề nào cho thích hợp với ông.

Được biết ngay chính vợ tác giả cũng không tán thành và bực bội vì “những giấc mơ ngông cuồng” của ông. Hai vợ chồng xung khắc vì khác nhau về quan niệm sống. Vợ chỉ có một giấc mơ bình thường. Chồng mở phòng mạch, vợ bán thuốc tây đủ sống. Vợ ông gốc người Hoa, tốt nghiệp Dược khoa năm 1975. Sau này sang Mỹ, bà đi họclại trường Dược ở Alabama. Bà biết làm ăn, thực tế và không có nhiều cao vọng. Thời giờ còn lại bà dành lo cho ba đứa con ăn học nên người.

Vì thế, có nhiều lúc, bà gọi số của chồng là số con rệp. Những điều đó đều chính ông viết lại!

Xin thưa rằng, tác giả NCT là loại người thành thật đến ngây thơ, nên sẵn sàng ghi lại ngay cả những chuyện riêng tư mà người khác thường không tiện nói ra. Tôi chỉ là người viết lại.

Bạn bè ông, thân sơ cũng có, thường không đồng ý về cách sống của ông.
Ngay đồng nghiệp trong Quân y viện cũng không hiểu về ông nên ông viết:

“Họ đã chế nhạo tôi là một người khùng và không thực tế, có hoàn cảnh và có phương tiện, nhưng không biết hưởng thụ.”. (Memoirs Of A P.O.W. Of The Viet Nam War- 1975-1979, trang 241)

Tùy quan điểm, mỗi người có thể có nhận định khác nhau về ông. Có thể nhìn NCT là một thứ người gàn — một ông đồ bất phùng thời, không thực tế, một thứ người ở trên mây. Người khác có thể coi ông như một thầy thuốc từ tâm, vị tha mà không dễ mấy ai làm được.

Tôi nhìn ông như là một người hiếm có. Ông có thể là độc nhất. Khi tôi gợi ý này qua điện thoại, ông nhún nhường không muốn nhận. Ông là như thế. Ông khác người. Thật vậy, ngoài công việc bề bộn tại Quân y viện làm không hết và mà một thầy thuốc có lòng thì lúc nào cũng bận; ông bận vì những việc ngoài trách nhiệm của mình. Một quân y sĩ, ngoài giờ làm việc ở đơn vị, ai cấm ông làm thêm thu nhập thêm vào đồng lương ít ỏi? Nhiều người đã làm như thế!

Vì thế, ông lại tình nguyện lên giúp những tu sĩ Thiên chúa giáo người Pháp khám bệnh cho các bệnh nhân cùi và chăm sóc sức khỏe cho các trẻ mồ côi cũng ở Rạch Gầm gần đó vào những ngày thứ bẩy và ngủ lại đêm đến chiều chủ nhật được nhưng tu sĩ đưa về lại Quy Nhơn bằng xe. Ông bận như thế đấy! Thay vì ngồi xoa mạt chược, làm thêm, hoặc đánh Tennis, ông bận làm từ thiện.

Về cuộc đời ông, tôi đã thử đặt câu hỏi thẳng với một bác sĩ bạn ông. Liệu ở trong vị thế tại quân y viện Quy Nhơn trong những ngày cuối cùng 29/03/1975, ông có hành động và quyết định như bác sĩ NCT không?
Bạn tác giả trả lời không do dự: “Phần tôi thật không dám.Tôi có bổn phận lo cho tôi và gia đình trước.”

Câu trả lời rất thẳng thắn và trung thực. Không chê trách người bỏ ra đi trong những tình thế mất còn. Nhưng cũng cần tôn trọng kẻ ở lại như một thứ Kẻ Sĩ trong thời tao loạn! Chẳng biết như thế đã đủ về một dung mạo của tác giả chưa? Chắc là chưa. Vì người như ông sẽ còn nhiều thử thách phải đối đầu.

Vì thế, tôi trân trọng giới thiệu như sau đây.
Giới thiệu tập Hồi ký của Nguyễn Công Trứ
Cuốn sách được chia thành hai phần rõ rệt, phần một bằng tiếng Anh. Bìa với nhan đề chính:

“MEMOIRS OF A P.O.W. OF THE VIETNAM WAR. 1975-1979”,

NGUYEN CONG TRU (Nam Việt. 2018)
NXB: CreateSpace Publishing (06/20/2018), 516 trang.

Qua điện thoại, tôi có hỏi tác giả lý do nào có phần tiếng Anh với khá nhiều hình ảnh thu thập được về trại Phong Cùi Quy Hòa, về những người bạn tù trong trại tù K.18, về những bạn bè và những sinh hoạt khi ở trại Galang. Nội cái công thu tập hình ảnh này cũng đủ làm cho cuốn sách tăng thêm giá trị tài liệu.

Ông cho biết sở dĩ có phần tiếng Anh chính là để cho con cháu thế hệ trẻ sau này có thể đọc và hiểu cha ông họ đã sống như thế nào dưới ách của chế độ cộng sản.

Ông còn cho biết thêm, ông thường đi bộ. Vào buổi sáng năm 2011 ông bị xe tông bất tỉnh khi đi làm và được chở vào bệnh để cấp cứu. Ông bị chấn thương nặng ở xương sống, xương chậu, vai đầu gối và chân phải, tôi chỉ bị ngất đi nhưng không bị hôn mê. Khi tỉnh dậy, ông nghĩ rằng nếu không để lại một cái gì thì cũng thật uổng công. Vì thế phải viết.
Chi tiết này cho thấy, ông có bằng cấp chuyên môn về y khoa, nhưng có thể giấy phép lái xe thì ông chưa có.

Phần thứ hai, từ trang 226, với tựa đề : Vượt Qua Gian khổ nhằm gửi đến số đông người Việt lớn tuổi, hiểu hành trang của một người đã trải qua những chặng đường gian lao từ thời Trung học tại trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, tú tài I và II, 1962, thời Hiệu Trưởng Kỳ Quan Lập, rồi học trường Y, học nội trú . Khi ra trường bị động viên, là Trung úy y sĩ và được điều ra nhiệm sở ở quân y viện Quy Nhơn. Về tuổi đời và nhất là nơi sinh, gốc gác hình như ông không đề cập tới!
Ông quyết định không di tản, ở lại quân y viện Quy Nhơn, chăm sóc cho Thương bệnh binh.

Quyết định này nói thì dễ, nhưng ông cũng chỉ là một con người như mọi người. Vì thế, ông cũng đã trải qua biết bao trăn trở, do dự để rồi chịu số phận đi học tập cải tạo gần 5 năm, 1975-1979. Hết hạn tù, ông đến bịnh viện Bình Dân cũ gặp bác sĩ Bùi Văn Đức và bị “lên lớp” như một thứ cán bộ chính trị thứ thiệt và bị từ chối không cho làm việc ở Bịnh Viện Bình Dân.
Tưởng bơ vơ lạc lõng, thất vọng vì tương lai vô định thì may ông gặp bác sĩ Ngô Anh Tuấn giới thiệu với bác sĩ Trương Thìn (theo cộng sản trước 1975 sau đảm nhiệm thêm một Viện Y Học Dân Tộc).

Tác giả được đưa về làm y tế quận. Ông về trông coi một bệnh xá ở huyện Cần Giờ, một vùng khỉ ho cò gáy, nhà cửa xơ xác, dân chúng nghèo khổ. Bệnh xá chỉ như một túp lều ghép bằng ván gỗ với mái tôn, vừa làm chỗ ăn ở và vừa là nơi khám bệnh của ông. Và vốn ông chịu thương, chịu khó lo cho bệnh nhân dần dần ông được cảm tình của dân chúng quý mến.

Do một lần cô con gái ông Bí thư huyện bị được bs. Nguyễn Công Trứ chữa khỏi bịnh. Vì thế, nhiều lần ông được Bí thư huyện mời đến nhà ăn uống. Cộng thêm tính cần cù, chịu khó, thật thà nên ông được ông Bí Thư quận quý mến. Có lần ông Bí thư huyện dưa ra ý kiến đến không dám tin nổi: “Nếu tôi muốn, ông sẽ giúp tôi đến một chân trời mới, nơi đó có đầy đủ phương tiện và nhiều cơ hội để tôi có thể phát triển tài năng, tạo dựng một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.” (Sđd, trang 331)
Nghe ông bí thư quận đề nghị như thế, ông NCT giật mình sửng sốt, không biết giả hay thật. Một đòn bẫy chăng? Ông đã từ tốn cám ơn và giải thích, ông mới đi cải tạo về chưa nghĩ tới chuyện đó. Một lần khác, ông Bí thư huyện lại đề nghị như vậy. Ông vốn vẫn nghi ngại và sợ!

Trong gia đình ông bí thư, có người thân tên Ngọt vốn là công an huyện, thích tìm hiểu về y khoa nên nhờ NCT chỉ dẫn. Ngược lại, Ngọt đã có lần nói, “Ông bí thư huyện sắp đổi đi nơi khác. Cơ hội vượt biên sau này sẽ không dễ đâu.” Nghe vậy, tác giả liều mạng và nhận lời. Vào một đêm, Ngọt đã đến gõ cửa trạm xá, đưa ông đi đến một điểm hẹn, và quả thật có thuyền lớn đến đón.

Họ lên thuyền, nhưng chẳng may máy không nổ, cần sửa chữa. Tài công yêu cầu mọi người tạm rời tầu chờ sửa chữa xong sẽ lên lại. Mọi người lục tục ra khỏi tầu. Riêng tác giả bị một người kéo ở lại, đưa cho một cái nón sắt để phụ tát nước. Máy sửa chữa xong, tầu vội vã ra khơi và bỏ lại khoảng 40 người, trong đó có anh Ngọt, ở lại.

Nghĩ về chuyện này, tôi chỉ có thể nói: ở hiền gặp lành. Trong cái rủi có cái may. Nếu không đổi về trạm xá Cần Giờ, nếu không gặp ông bí thư quận tốt và chữa trị cho con con gái ông, nếu không gặp anh Ngọt. Và nhất là nhờ một người kéo ở lại tát nước thì số phận chưa biết sẽ ra sao. Cả một chuỗi tình cờ như đã được sắp đặt lớp lang mở đường cho ông trốn khỏi Việt Nam. Không muốn cũng phải tin vào số mạng.
Suốt 11 ngày đêm bị mưa to gió lớn, biển động vào tháng 11, con tầu lênh đênh trôi dạt đến Indonesia và tìm được bến bờ tự do. Tôi có hỏi ông, anh Ngọt có lên được thuyền không? Tôi có vặn hỏi ông anh ngọt có bị bỏ lại không? Khi ông về chịu tang gia đình sau này, tôi cũng hỏi ông có tìm được tông tích anh Ngọt không? Ông nói không, vì không dám ra khỏi khách sạn trong ba ngày chịu tang.

Đây là những câu chuyện của một nhân chứng sống với nhiều nghịch cảnh đến khó tin rất xúc động.

Trung tá Chỉ huy trưởng và các bác sĩ tháo chạy trong đêm

Tác giả viết,

“Đúng vào ngày tôi trực. Buổi tối đêm 28/3/1975 và rạng sáng 29/3/1975, chúng tôi đã nhận được một số lớn thương binh bị thương vì đạn pháo kích của Việt Cộng ở đèo Cù Mông.
Như thường lệ, ngay sau trong phiên trực đêm, sáng hôm đó, chúng tôi họp bàn giao phiên trực ở phòng khách của Quân Y viện, để bá cáo với bộ chỉ huy của bệnh viện, tình hình bệnh nhân trước khi mãn phiên trực. Phòng khách của bệnh viện trong buổi bàn giao nào cũng đông người và náo nhiệt, nhưng hôm đó lại vắng vẻ
 và thưa thớt lạ thường.


Chúng tôi chờ đợi hơn nửa giờ, nhưng không thấy chỉ huy trưởng là Trung tá Nguyễn Xuân Cẩm cùng các bác sĩ của bệnh viện có mặt như thường lệ.
(Sđd, trang 264)
Những quyết định quan trọng sinh tử

Với lòng vị tha , nhưng như mọi người, ông cũng có những nỗi lo cho bản thân mình về một tương lai bất định: Đi hay Ở? Chính ở chỗ thắng được cái yếu hèn làm nên cái cao cả của con người ông.

Tác giả là trung úy y sĩ, người duy nhất ở lại, đã họp bàn với Thiếu tá Sự, người chỉ huy có chức vụ cao nhất. NCT nghĩ rằng trong hoàn cảnh khó khăn này, ông không thể ép buộc các anh em phải ở lại làm việc vì ai cũng có gia đình và trách nhiệm lo cho người thân của họ. Và chính bản thân ông cũng không biết được ngày mai sẽ ra sao thì làm sao ông có thể bảo vệ cho họ được.


Trong bệnh viện Quân Y .

Quyết định ở hay đi là tùy thuộc mỗi người. Sau đó, anh em chia tay.
“Các anh em y tá trẻ tình nguyện ở lại bệnh viện nhìn tôi với con mắt ái ngại. Nếu tình trạng này tiếp tục, không biết chúng tôi sẽ tồn tại được bao lâu, vì sức người có giới hạn (…) tham sống sợ chết của một ngày mai bất ổn, không có tương lai, nhiều lúc làm cho tâm hồn tôi giao động, mất đi ý chí sáng suốt và làm cho tôi ngã lòng…”

(Sđd, trang 265- 266
)

1/4/1975: an táng 47 tử sĩ trong một nấm mồ tập thể
Ngày 30/03/1975, vào buổi chiều, Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, thuộc Sư đoàn 22 BB đến thăm bệnh viện:
“Sau khi nghe tôi bá cáo về tình trạng thương bệnh binh, thuốc men và nhân viên của bệnh viện, tôi đã đưa đại tá đi tham quan phòng cấp cứu đầy người không có chỗ nằm, phòng mổ, phòng hồi sức và phòng hậu phẫu. Trước khi rời khỏi bệnh viện, tôi đã cố gắng cầm nước mắt, hứa với đại tá, chúng tôi không vì quyền lợi cá nhân mà phản bội lại các chiến hữu thương bệnh binh những người đã hy sinh cho tổ quốc, cho màu cờ để bảo vệ cho sự an toàn cho đồng bào và đất nước…”

(Sđd, trang 266)

Ngày 31/03/1975, Đại tá Nguyễn Hữu Thông tự sát
.

ĐẠI TÁ Nguyễn Hữu Thông
Trước đó một ngày, trong lúc chúng tôi chuẩn bị:
“di chuyển các bệnh nhân ở phòng cấp cứu, phòng hồi sức và hậu phẫu ra phi trường dân sự. Tôi cũng không quên nghĩ đến sự an toàn của các Mẹ người Pháp ở trong trại cùi, các tu sĩ và các em bé ở cô nhi viện Ghềnh Ráng. Tôi cho người đến nói với họ rằng, nếu muốn di tản, họ sẽ được chấp nhận tháp tùng các bệnh binh về một nơi an toàn hơn.

Tất cả mọi người đều nghĩ là tôi sẽ cùng với các bệnh binh có mặt trong cuộc hành trình này… (…)

Nhưng trong giờ phút cuối cùng trước khi máy bay cất cánh, tôi đã quyết định ở lại nơi mảnh đất cằn cỗi này, giữ đúng lời hứa với các chiến sĩ còn đang chiến đấu bảo vệ cho sự tự do và quyền sống làm người.”

(Sđd, trang 267)

Sáng 01/04/1975: Anh em an táng 47 tử sĩ trong một nấm mồ tập thể. Trong đó có thi thể đại tá Nguyễn Hữu Thông; ông đã tự sát. Nấm mồ tập thể này được đào ngay trước cột cờ tổ quốc mà cách đây vài tuần các anh em chiến sĩ vẫn đứng đây chào lá Quốc kỳ.

Ngày 04/04/1975: Số phận một tù binh.

Một nhóm người lạ có trang bị vũ khí AK tự xưng là bộ đội miền Bắc đến tiếp thu bệnh viện. Họ ra lệnh cho mọi người ra trình diện trước sân cờ. Lá cờ Quốc Gia Việt Nam và lá cờ Hồng Thập Tự được hạ xuống và thay thế bằng lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt Trận GPMN.

“Trong buổi lễ chuyển giao bệnh viện, tôi vẫn mặc quần áo lính trận. Như có sắp đặt trước, thình lình có một phụ nữ bên phe đối phương, với tóc dài đuôi ngựa nhảy xổ tới và đạp tôi té xuống đất. Phụ nữ này chĩa súng AK vào ngực tôi và lớn tiếng quát mắng: ‘Đúng là dân khốn kiếp, đến giờ này vẫn còn ngang bướng vô nhân đạo, đã gông cùm một đồng chí trên giường bệnh và bỏ đói, bỏ khát.’”

Tôi có hỏi tác giả về bệnh binh cộng sản bị bắt, bị trói, không được cho ăn uống. Ông cho biết trong lúc dầu sôi lửa bỏng.. bwjnh binh bị bỏ quên cũng là lẽ thường tình.
Sau đó, họ giải tán quân y viện, cho nhân viên và y tá được trở về nguyên quán và cho số thương bệnh binh còn đi đứng được xuất viện, và những người nào cần được điều trị được chuyển qua Dân Y Viện.

Tác giả cũng được đưa sang bệnh viên dân sự phục vụ cho thương bệnh binh còn ở lại.
Một vài chi tiết không thể quên
Việc đầu tiên họ làm: đốt sách vở tài liệu y khoa. Nhìn cảnh tượng đó, tác giả không đành lòng hỏi họ tại sao đốt. Họ trả lời các sách vở y khoa của các nước XHCN nhiều vô số kể. Đừng tiếc, nay mai sẽ còn hàng ngàn cuốn sách giá trị hơn để trau dồi kiến thức.

Tôi lại tự hỏi, có cần thiết phải hỏi như thế không? Có ai dám đặt câu hỏi như thế không. Chắc là không, tội vạ gì.

Đốt sách sau 1975.

Ngày 6/04/1975. Sau khi bàn giao công việc đã hoàn tất. NCT xin cộng sản cho ông đi thăm trại cùi. Hai cán bộ áp tải NCT đi.

Hay tin ông đến thăm, bệnh nhân đã túa ra, hớn hở vây kín lấy ông và mừng rỡ. Mẹ bề trên trẻ còn ở lại cho giật chuông giáo đường. Chuông nhà thờ đã đổ vang dội đón một vị thượng khách trong một ngày hội lớn. Bầu không khí rộn ràng tạm thời gác bỏ những lo âu, sợ sệt.

Cán bộ ngỡ ngàng không hiểu tại sao ông này được quý mến như thế. NCT trấn an họ trả lời, “Tất cả những gì các anh thấy và nghe, đó là câu trả lời cho các anh.”

(Sđd, trang 273
Chia tay người yêu. Trong thời gian ở huyện Cần Giờ, người bạn gái của tác giả ở Quy Nhơn về Sài gòn cũng xuống ghé thăm và báo tin mừng là cô đã được chuyển về thành phố.

Xin nhắc lại, khi làm ở dân y viện, ông quen một người bạn trước làm cán sự y tế. Người thiếu nữ tên là Tuyết Đông. Hai người cảm mến và yêu nhau. Cô như một người vợ, lo chăm nom và tiếp tế cho NCT trong suốt 5 năm tù cải tạo thay cho gia đình ông. Sau ngày giải phóng, Tuyết Đông được đôn lên làm y sĩ.

Tuyết Đông xuống huyện Cần Giờ đề nghị với tác giả là đã đến lúc nên tính chuyện lập gia đình. Không quyết định và tác giả nói để tôi suy nghĩ lại. Ông về ngủ một mình ở trạm xá.

“Cô đã khóc và nói với tôi là tôi thay đổi quá nhiều trong thời gian gần đây, cho tôi là hạng người được cá quên nơm, được chim quên ná (…) Sáng hôm sau, cô chia tay từ giã về thành phố một mình, thay vì dự tính ở với tôi thêm một thời gian.”

(Sđd, trang 333)

Cảm nghĩ của người viết bài này thấy ngậm ngùi về một cuộc chia tay đầy cay đắng trong một đất nước tan rã.. phân ra từng mảnh. 


Một Thương Phế Binh VNCH bị đuổi khỏi Tổng Y Viện khi Việt Cộng tràn vào Miền Nam sau ngày 30/4/1975, khi anh vẫn chưa lành hẳn vết thương ở tay và chân nhưng buộc phải vác ba lô nặng trĩu lê từng bước ra khỏi đó, để dành chỗ cho những cán binh Cộng Sản chữa trị, dù khi chính quyền VNCH còn tồn tại, cũng chính những người lính VNCH ấy đã từng nhường chỗ cho những phiến quân Cộng Sản bị thương.

Tự tử, nhưng không thành. Nghĩ rằng công việc đã bàn giao cho kẻ thắng trận và bổn phận của mình đã hoàn tất. Ông viết:

“Tối hôm đó, tôi đã tự tay truyền thuốc mê cho tôi để ngưng thở, và uống một lần 50 viên Chloroquine. Tôi đã ngủ mê sau bao nhiều ngày lo lắng. Và trong ngày, tôi đã ói ra các viên thuốc độc liệu…. Thượng Đế muốn tôi phải sống với bao nhiêu chông gai và thử thách trước mắt.”

(Sđd, trang 273)

Nghĩ cũng hay, một bác sĩ rành thuốc men mà tự tử không chết rồi đổ tội cho Thượng Đế!

Trại Tập Trung Cải Tạo
Vào khoảng một tuần sau ngày tạm giam, họ tập trung khoảng 200 người thuộc đủ thành phần ngụy quân, ngụy quyền, bịt mắt, đẩy lên xe đến một nơi để xây dựng trại Kim Sơn, thuộc tỉnh Nghĩa Bình, ở vùng đất An Lão.

Có lẽ khỏi phải kể những chi tiết về những nỗi cơ cực, nhục nhã, bị hành hạ, bị đói ăn ra đây mà ai cũng biết. Hàng trăm tác giả người tù cải tạo đã ghi lại rồi. Xin kể lại một vài điều khá kỳ dị.

Ông cho biết, có một nữ cán bộ trẻ, có tóc dài đuôi ngựa đối xử tàn nhẫn và có những lần đánh tác giả bằng báng súng AK trong lúc lao động vì tội làm biếng. Có nhiều khi NCT bị trừng phạt bằng cách cắt khẩu phần ăn trưa. Nhưng vào một buổi tối gần nửa đêm, có du kích đến mở khóa trại giam, gọi tên tác giả đi làm việc. Bị gọi đi làm việc ban đêm như thế, nhiều phần tù nhân thường không có cơ hội quay trở về mà bị đưa đi thủ tiêu.

Ông bàng hoàng chao đảo bị áp tải đi theo hai cán bộ, tưởng cuộc đời của mình đến hồi kết thúc. Khi đến khu nhà tạm trú của các cán bộ quản giáo. Một bà y tá ra đón lên tiếng nhờ “bác sĩ”giúp khám bệnh của một nhân viên. Dưới ánh đèn bão, bệnh nhân đang nằm lăn lộn kêu cứu vì đau bụng. Có thể là bị trúng độc vì đau bụng. Hãy nghe lời kể của NCT:

“Thình lình trong cơn đau, bà đã nắm chặt tay tôi và hét lớn tiếng. Tôi giật mình tự hỏi có lẽ tôi đã làm một điều gì thất lễ đối với bà chăng, nhưng lại nghe có tiếng nhỏ giọt dưới chõng tre chỗ bà nằm. Nhìn kỹ thấy quần bà bị ướt, tôi đặt tay trên bụng của bà và nhận biết bà đã có thai và đang lúc chuyển bụng sắp sanh. Tôi vội vã nhờ bà y tá phụ giúp tôi đỡ đẻ, mấy phút sau, tôi đã giúp bà hạ sinh một cháu bé. Đứa bé sinh ra bị ngộp thở. Tôi phải làm hô hấp nhân tạo, hút sạch các chất dơ trong miệng và khí quản của cháu. Một phút sau khi cấp cứu, đứa bé đã cất được tiếng khóc chào đời. Nếu tôi không hành động kịp thời thì đứa bé sẽ mất mạng và mạng sống của tôi cũng như sợi chỉ mành treo chuông.

Tôi cắt rốn đứa bé và giữ ấm cháu bằng chiếc bao gối mà bà đang kê đầu, đồng thời giúp bà cầm máu bằng cách xoa bóp bụng. Làm xong công việc thì lúc đó trời cũng rạng sáng, bà du kích đã qua cơn nguy hiểm và mẹ tròn con vuông. (…)

Bà ôm đứa bé vào lòng nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn. Nhìn đứa bé và sản phụ mà tôi vừa chăm sóc, những hận thù của tôi bấy lâu nay hầu như tan biến, tôi đã phục vụ bệnh nhân với tình thương và trách nhiệm của người bác sĩ như lời thề của Hippocrates…

Về lại láng trại, cả đội ngạc nhiên vì lần đầu tiên một người bị kêu đi thẩm vấn vào lúc nửa đêm được an toàn trở về. Tôi đã im lặng và không tiết lộ những gì tôi đã làm đêm qua.”
(Sđd, trang 302)

Những niềm vui nhỏ kể lại trong trại cải tạo

Ông được chỉ định trông coi một vườn thuốc Nam giúp chữa trị cho tù nhân cải tạo nên ông thường đi kiếm tìm các cây thuốc. Trại tù Kim Sơn nằm dưới thung lũng và bao chung quanh trại là các dân tộc mà ta thường gọi là “Mọi” ở trên cao. Bình thường khi có người chết thì họ gióng chiêng trống vang dội một vài ngày rồi chấm dứt, rồi sau đó xác được hỏa thiêu. Nhưng theo ông NCT lần này tiếng chiêng trống vang dội không chấm dứt. Ông tò mò đi đến gần làng thì thấy vắng tanh, mùi hôi thối giống như mùi tử thi. Ông viết:

“Bước chân vào đến làng, người bệnh nằm ngổn ngang, những người này bị tiêu chảy và mất nước, ruồi nhặng như đàn ong bu cùng kiến. Nhìn thoáng qua là tôi biết ngay là dân làng đang bị bệnh dịch tả hoành hành, một chứng bệnh truyền nhiễm có thể tiêu diệt cả làng trong một thời gian ngắn. Một điều may mắn cho trại chúng tôi là đang hạn, không có mưa. Nếu không thì cả trại chúng tôi đã bị bệnh truyền nhiễm vì bị nhiễm độc ở đầu nguồn nước.”
(Sđd,trang 287)

Sau đó, ông vội vã về bá cáo lên cơ quan về bệnh dịch đang hoành hành ở làngcủa dân thiểu số. Chính quyền địa phương và ban Quản đốc đã cấp tốc lên tiếp cứu và chặn được bệnh dịch. Sau đó ngôi làng bị đốt cháy và dân dời đi sống ở chỗ khác.

Ông không bị diều tra, hạch hỏi và sau đó dân làng đã đến tặng ông một con chó con. Nó trở thành bạn thân, suốt ngày quấn quít bên ông. Niềm vui qua mau. Một ngày con chó cùng ông đuổi bắt một con vịt trời, phá hoại ruộng của trại khiến một bộ đội đã bắn chết nó. Con chót bị mổ thịt làm thức ăn cho trại. Ông kinh hãi không dám ăn và nhường phần thịt cho một bệnh nhân khác

Mối tình ngang trái
Sau này ông được đề cử là y tá trại nên sức khỏe được hồi phục, đi lại cũng dễ dàng. Một ngày nọ đang đi lang thang trong bìa rừng, có một người nữ bộ đội với bộ thường phục đã chặn ông lại, kiểm soát lý lịch. Sau đó ông được tự do, không bị làm khó dễ gì. Vài ngày sau, tôi gặp lại người nữ bộ đội này trong lúc tôi đang chăm sóc vườn thuốc Nam, bà hỏi tác giả về các dược thảo trong vườn.

Dần dần, theo ông NCT:
“Không nói ra, nhưng chúng tôi đã hiểu và rất thông cảm nhau và một tình bạn đã dần dần nảy nở (…) Thỉnh thoảng buổi tối lấy cớ đi kiểm tra canh gác đã ghé qua trạm xá y tế, chỗ tôi tạm trú để trò chuyện… Thỉnh thoảng nàng biếu tôi một chút quà nhỏ để bồi dưỡng như một trái chuối, trái bắp hay một chén đậu phụng luộc.

Tình cảm giữa chúng tôi nảy nở ngày một sâu đậm và cô kể về gia đình của cô. Phần lớn đại gia đình cô đã di cư vào miền Nam sau Hiệp định Genève, 1954.

Đang trên đường vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh để chiến đấu thì may mắn cho cô là cuộc chiến đã chấm dứt. Cô được biệt phái lên trại Kim Sơn để huấn luyện và giữ an ninh cho trại.”

(Sđd, trang 306)

“Nhưng dần dần tình cảm của người phụ nữ này đã đổi hướng. Cô bắt đầu hỏi tôi về chuyện tình cảm trong quá khứ, đến mối liên lạc và tình cảm giữa tôi và người nữ y sĩ dân y viện mà trong những ngày lễ lớn, đã đến thăm viếng và tiếp tế cho tôi. Thấy nàng đã đi quá xa về tình bạn, nghĩ đến thân phận của người đi tù cải tạo không tương lai, không có ngày mai, tôi bắt đầu run sợ. Nếu cơ quan biết được chuyện này, sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu cho cuộc đời và tương lai của đôi bên. Tôi đã cố tình khuyên can cô, nên tiếp tục giữ tình bạn và không nên tiến xa hơn, vì cả đôi bên đều bất lợi. Nhưng người thiếu nữ này, khi đã vướng vào vòng yêu đương, đâu còn đầu óc sáng suốt để nghe lời khuyên can gián của tôi…”

(Sđd, trang 307)

Cuối cùng, tôi quyết dịnh phải can đảm trình bày nỗi khổ tâm cho một cán bộ quản giáo có nhiều cảm tình với tôi. Nhờ vậy câu chuyện tình ngang trái chấm dứt. Cô được thuyên chuyển đến một nhiệm sở mới.

Câu chuyện của NCT là những tình cảnh tréo cẳng ngỗng của một thời tao loạn mà bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Thật đáng thương cho con người cả hai bên trong chế độ ấy.

Ra nhà tù nhỏ, vô nhà tù lớn
Sau khi có giấy chính thức ra trại, ông được cán bộ lãnh đạo và ban quản giáo trại giam đãi một bữa cơm thanh đạm. Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ chưa hề thấy. Sau đó, ông quay về Quy Nhơn thăm lại quang cảnh Quy Nhơn, thăm lại bạn bè. Người biết tin đã tấp nập đến hỏi thăm và chúc mừng. và nhất là thăm người bạn gái, người mà đã tận tình giúp đỡ tác giả trong thời gian trong tù và tính ở lại Quy Nhơn vài ngày nhưng số người đến chia vui đông quá làm ông sợ và đổi ý. Ngay tối hôm đó, ông đã lén lút đi cổng sau và kịp đáp chuyến xe tốc hành vào Sài Gòn.

Ông tạm trú ở nhà cô em gái mà chồng cô cũng bị đi học tập. Ông đến Bịnh viện Bình Dân, nhưng bị một bác sĩ từ chối khéo. Ông đặc biệt nhắc tên bác sĩ Bùi Văn Đức, một ngườii trở cờ xỉ vả, lên lớp ông như một thứ cán bộ thứ thiệt. Tác giả viết:

“Tôi không ngờ trong một thời gian mấy năm sống trong chế độ mới mà Bùi Văn Đức ‘tiến bộ’ đến thế hơn cả mấy năm tôi ‘học tập’ trong trại cải tạo. Anh đã hoàn toàn thay đổi hẳn, từ cử chỉ đến cách ăn nói của anh giống hệt như một cán bộ đã đi theo Bác và Đảng đã ‘kinh qua’ trong nhiều năm sống và gian khổ trong rừng núi.”
(Sđd, trang 317)

Tác giả và nhưng người vượt biển được chuyển về trại Tanjung Pinang thuộc quần đảo Riau Islands. Thành phố gần nhất của đảo Galang là Tanjung Pinang, chỗ mà họ được Hải quân Indonesia cứu vớt sau 11 ngày lênh đênh trên Biển Nam Hải trên đường đi tìm Tự Do. Mãi đến năm 1979, trại tỵ nạn Galang mới được Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chính thức thành lập và yểm trợ.

Trại có bệnh viện do Hồng Thập Tự Indonesia trông coi, trường dậy Anh ngữ, huấn nghệ, tiệm ăn và các Barracks cho người tỵ nạn. Trại có máy phát điện và nước uống được chở từ đất liền ra. Về mặt tâm linh cũng có chùa và nhà thờ do người tỵ nạn đóng góp, xây dựng.

Văn phòng Cao ủy Tị nạn LHQ chỉ còn là những căn nhà đổ nát tại trại tị nạn cũ trên đảo Galang – Ảnh: Antje Missbach (2016)

Tác giả bị sốt rét và sưng phổi nặng nên có thể ông là người được khám bệnh và cách ly với người tỵ nạn và được đưa thẳng đến bệnh viện ở Tanjung Pinang để chữa trị. Được Hải quân đại tá Ivan tận tình chăm sóc và được bồi dưỡng đầy đủ nên ông đã dần hồi phục lại sức khỏe.

Có thể nói đây là cái vui thứ nhất cho tác giả. Chỉ trừ trường hợp ông bị Post traumatic stress syndrome. Tôi có hỏi ông về trường hợp chữa trị đi đến đâu? Ông cho biết đó là trường hợp thường xảy ra cho các cựu chiến binh Hòa Kỳ sau khi tham chiến ở Iraq hay ở Aghanistan.

Ông tập thiền mỗi ngày, tuy nhiên, ông thú nhận nó không chấm dứt hẳn.

Cái vui thứ hai là ông có cơ hội gặp lại nhiều đồng nghiệp bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ. Cộng chung cũng khoảng 40 người. Mỗi người một cảnh ngộ. Có trường hợp không may như nha sĩ Nguyễn Sanh Lang có con gái 16 tuổi bị hải tặc bắt đi mất tích.
Vì có cơ hội làm việc chung với nhau cũng như sinh hoạt chung khiến những ngày ở trại tỵ nạn thêm nồng ấm và đầy hy vọng chờ ngày đi sang Mỹ, Đức, Pháp, Canada, v.v.

Cái vui thứ ba là do bạn ông gợi ý là nay đến lúc tuổi đã cao nên để ý xem ai có hợp thì nên kết bạn

Ông viết:
“Mỗi lần gặp là anh đều đề cập đến vấn đề tôi nên tìm một người bạn gái trước là làm bạn để an ủi và chia xẻ vui buồn với nhau và nếu tâm đầu ý hợp thì sau này sẽ đi đến hôn nhân. Anh thường nói trại tỵ nạn cũng là một trong những môi trường quan trọng và thuận lợi để tìm kiếm người mà mình muốn kết bạn, vì các cô gái trẻ và xinh đẹp trên đảo có rất nhiều và thuộc đầy đủ các thành phần, thuộc đủ mọi ngành nghề, giai cấp và tuổi tác.

Theo anh, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu thì trước sau gì cũng kiếm được người tâm đầu ý hiệp. Nếu chờ định cư ở một nước thứ ba thì cơ hội hiếm có như ở trại tỵ nạn sẽ là khó khăn vì không có thời gian. Hơn nữa công việc mưu sinh hàng ngày không phải dễ dàng gì như suy tưởng và nhất là các cô gái xinh đẹp thì lúc nào cũng có người đeo đuổi, mình là người mới qua chân ướt chân ráo thì làm sao phân bì được với những người đến trước đã có một cuộc sống ổn định.”
(Sđd, trang 353)

Thế rồi cá đã cắn câu nhờ cái mát tay của một người bạn trẻ. Gia đình người vợ tương lai của tác giả gồm một cô em gái, và hai người em trai cũng đến được đảo Kucu. Gia đình vợ ông là người Việt gốc Hoa; bà là tốt nghiệp trường Dược năm 1975, và em cô là Ngọc Anh, sinh viên năm thứ 5 của trường Y Khoa Sài Gòn. Hai em trai là Tâm và Hải.

Một hôm cô Ngọc Anh bị bệnh, ông bạn khuyên tác giả mượn cơ hội đó, trước là đến thăm viếng, sau là tạo điều kiện làm quen. Sau đó, đôi lần tác giả được gia đình mời đến dùng cơm và được tiếp đón ân cần. Tình cảm nảy sinh và đầy hứa hẹn. Đến năm 1985, họ mới làm hôn lễ ở Los Angeles trong một tiệc cưới đơn giản trong vòng thân thuộc. Kể cũng là khá muộn màng.

Cái vui thứ tư khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Được biết người phỏng vấn tác giả là một cựu sĩ quan Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhân viên di trú này có hỏi tác giả về chuyện ông là bác sĩ duy nhất ở lại Quân Y Viện Quy Nhơn ngày 30 tháng 4. Phỏng vấn xong, cựu chiến binh Mỹ đó đứng lên nghiêm chỉnh chào tác giả. Cử chỉ đáng kính ngạc này đã có nhiều người chứng kiến và kể lại. Tôi cũng đã hỏi tác giả vuề câu chuyện, ông cho biết: có thể viên sĩ quan này quý mến ông. Có vậy thôi.

Đi học lại lắm chông gai
Tác giả gặp quá nhiều thử thách về tiền bạc, về bất đồng ngôn ngữ, trong thời gian trở lại học. Thêm vào đó, Hội chứng PTS nên mỗi khi gặp khó khăn, tác giả mất tự tin, không làm chủ lấy mình, đầu óc trở nên lẫn lộn, tinh thần bị giao động, nói lắp bắp, ấp a ấp úng.

Có thời gian đi học, làm không công trong 4 năm 1984-1989 tại Wadsworht VA, Hospital, LA, California. Đi học, phải mất hơn 2 tiếng đi và hai tiếng về.
Tác giả gia phục vụ trong Y khoa Không quân Mỹ 1993-1995, với cấp bậc thiếu tá.

Cuối cùng tác giả theo học Fellowship y khoa, 1993-1994. Trong thời gian đi học lại tác giả bị đồng nghiệp, cười chê, chế nhạo và khinh bị. Phải cắn răng chịu đựng.

Tôi hỏi mất bao nhiêu thời gian học y khoa kể cả trước 1975 để trở thành giáo sư về quang tuyến, ông cho biết cộng chung tất cả 18 năm. Kể từ khi ra trường cho đến lúc về hưu năm 2016, ông làm việc được hơn 20 năm. Nếu tính cả thời gian học từ tiểu học lên trung học thì 2/3 cuộc đời cho sự học. 1/3 còn lại cho việc làm quả là không cân xứng.

Tôi cảm thấy bất nhẫn và uổng phí và thông cảm được nỗi khổ tâm của vợ của ông. Nhưng, tôi vẫn chỉ là người ngoại cuộc, không thể hiểu hết đủ tâm tư và nguyện vọng của ông!

Kết luận
Khi về hưu, ông tình nguyện xin làm thiện nguyện ở Trung tâm chăm sóc cuối đời (Hospice volunteer). Ông viết:

“Tôi muốn góp phần trong sự xoa dịu niềm đau và nỗi khổ của những người bệnh nan y trong hoàn cảnh neo đơn cô độc bên giường bệnh. Đó là những động lực chính yếu đã thúc đẩy tôi tham gia vào công tác thiện nguyện giúp đỡ những người kém may mắn cô đơn ở giai đoạn cuối của bệnh trạng khi các phương tiện y học hiện đại đã hoàn toàn bó tay và những người già cô độc trước giờ phút lâm chung với vai trò của một người Hospice Volunteer.”

(Sđd, trang 476)
Ông là bác sĩ duy nhất người Việt Nam đã làm 8 năm thiện nguyện như kể trên.

Và cuối cùng xin trân trọng và ghi nhận những lời nhắn nhủ cuối cùng của ông để lại cho các con như kết thúc bài viết này:

“Tôi hy vọng những giờ phút cùng cực đó các cháu sẽ nhớ lại những trang Hồi ký này và ngẫm nghĩ lại xem như cha mẹ các cháu vẫn còn bên cạnh để an ủi và nâng đỡ ủng hộ tinh thần cho các cháu để vượt qua những sóng gió.

Với thời gian và cuộc sống, tôi không hy vọng là một ngày nào đó các cháu còn nghĩ hay nhớ đến đất nước tổ quốc Việt Nam thân yêu của tôi. Cuốn Hồi Ký này sẽ giúp các cháu có thể trả lời với bạn bè về nơi chốn cha mẹ các cháu đã sinh ra và lớn lên ở một đất nước quá xa xôi và xa lạ với các cháu.

Thêm vào đó, tôi cũng mong những dòng Hồi ký này sẽ giúp giải tỏa cho các cháu những thành kiến về cha các cháu đối với gia đình trong thời gian cha chúng nó phải bôn ba xa nhà tạo dựng tương lai và sự nghiệp.”

(Sđd, trang 402)

Danh mà chi, lợi để mà chi
Bèo mây bọt nước có ra gì
Sau đường danh lợi hai tay trắng
Cuối lớp ân tình nấm mộ xanh

Nguyễn Công Trứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét