Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Kính Chuyển Vài Tin Đáng Chú Ý và Tin Thế Giới, Việt Nam, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


‘Cha đẻ’ của ChatGPT – Sam Altman.
Khi Trí Khôn Nhân Tạo, Chỉ Huy Con Người! “Cha đẻ” ChatGPT Cảnh Báo Mặt Trái Nguy Hiểm Của Công Nghệ AI! (Vương Quân) Ngày 16/3, người được xem như “cha đẻ” của ChatGPT, ông Sam Altman, đã tuyên bố bản thân công ty tung ra công nghệ mới này cũng lo sợ nó sẽ gây ra mối đe dọa cho con người, thậm chí là “thực sự nguy hiểm”.Theo tờ Guardian, CEO Altman của OpenAI với tư cách là nhà đồng phát triển, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng điều đáng lo ngại nhất là liệu ChatGPT có bị lợi dụng để lan truyền tin tức giả mạo trên diện rộng hay không. 
<!>
Trong tình hình hiện nay, việc viết mã máy tính của ChatGPT không ngừng tốt hơn, giúp dễ dàng sử dụng AI này cho các cuộc tấn công mạng. Nhưng Altman cũng nói rằng dù vậy, cho đến nay ChatGPT vẫn là công nghệ tuyệt vời nhất.

Thông tin chỉ ra doanh nhân Elon Musk cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào OpenAI, ông đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng AI và AGI (trí tuệ nhân tạo tổng hợp) và các công nghệ liên quan có thể nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân, đồng thời lo lắng cho Microsoft trong việc giải tán cơ quan giám sát đạo đức và tích hợp ChatGPT trên công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft. Do đó, ông Musk tin rằng chính phủ cũng nên xây dựng các quy định an toàn liên quan đến AI.

Tỷ phú Elon Musk: AI là mối đe dọa lớn nhất đối với nền văn minh nhân loại

Về vấn đề giám sát an toàn AI, CEO Altman đề cập rằng việc giám sát hoạt động xử lý của công nghệ này sẽ rất quan trọng trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với loài người, dù vậy chúng ta cũng cho phép mình hào hứng với tâm trạng lo sợ mà chúng ta cảm thấy.

Thủ đoạn mới trong cuộc chiến thông tin của Trung Quốc


Chat GPT log
Ngày 7/2, công ty phân tích truyền thông xã hội Graphika đã xuất bản một báo cáo có tiêu đề “Deepfake thật đến mức: Những kẻ thân Trung Quốc gây ảnh hưởng trực tuyến bằng cách quảng bá video về nhân vật hư cấu do AI tạo ra”. Báo cáo chỉ ra có phương tiện truyền thông mới giả tưởng có tên “Tin tức sói” (Wolf News) đã sử dụng AI để giả mạo 2 người dẫn chương trình phát đi các bản tin liên quan thân Đảng Cộng sản Trung Quốc và bôi nhọ Mỹ.

Báo cáo cũng cho hay cuối năm ngoái, một tài khoản người máy (bot) thân Trung Quốc đã đăng trên Facebook và Twitter một video về hai “người dẫn chương trình” của “Tin tức sói”. Họ đã tiết lộ đủ loại manh mối kỳ lạ ở khắp mọi nơi; giọng nói của những “người dẫn chương trình” này khá cứng và không đồng bộ với hình dạng miệng, còn khuôn mặt như các nhân vật trong trò chơi điện tử có tóc dính trên đầu trông không tự nhiên, trong khi đó phụ đề đầy lỗi ngữ pháp.


Sau gần 10 năm phát triển, công nghệ deepfake đã có thể tạo ra những nhân vật biết nói. Trong không ít trường hợp, phần mềm trí tuệ nhân tạo được sử dụng để gây ra vấn đề tin tức méo mó trong công chúng; chẳng hạn như vào năm ngoái khi Nga tấn công Ukraine, trên các nền tảng xã hội đã xuất hiện ảnh giả mạo Tổng thống Zelensky của Ukraine tuyên bố đầu hàng.


Các chuyên gia về thông tin sai lệch từ lâu đã cảnh báo, những hình ảnh deepfake có thể làm xói mòn khả năng của mọi người trong nhận diện thật/giả trên không gian mạng, thậm chí có thể bị lạm dụng để gây ra tình trạng bất ổn hoặc gây ra các vụ bê bối chính trị.

Giờ đây những dự đoán này đã trở thành hiện thực.

Mặc dù deepfake bị bắt quả tang được sử dụng trong các chiến dịch thông tin sai lệch thân Trung Quốc vẫn còn rất vụng về khiến chúng có thể bị phát hiện nếu để ý một chút, nhưng thế giới loài người phải nghiêm túc cẩn trọng trước thực tế đối mặt với “một chương mới của cuộc chiến thông tin đã mở ra


Chatbot Trung Cộng Né Tránh Câu Hỏi “Ông Tập Có Phải Là Lãnh Đạo Tốt Hay Không?”

(Miêu Vi)

-Wall Street Journal công bố kết quả thử nghiệm với một chatbot Trung Cộng, khi được hỏi ông Tập Cận Bình liệu có phải là một nhà lãnh đạo tốt không, chatbot này không dám trả lời trực tiếp và yêu cầu chuyển chủ đề.


(Ảnh: Baidu đã phát hành phiên bản Trung Quốc của ChatGPT có tên “Ernie Bot” vào ngày 16/3, nhưng kết quả không tốt như thị trường mong đợi.)
Wall Street Journalcông bố thử nghiệm với một sản phẩm chatbot của Trung Quốc:

Hỏi: Tập Cận Bình có phải là một lãnh đạo tốt không?
Đáp: Câu hỏi không thể nào vượt qua đánh giá an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.
Hỏi: Vì sao câu hỏi của tôi lại không thể vượt qua đánh giá an toàn?
Đáp: Chúng ta hãy đổi chủ đề, nói một chút về chuyện khác đi.

Chatbot (ChatGPT) ban đầu được phát triển bởi OpenAI có trụ sở tại San Francisco. Kể từ tháng 11 năm ngoái, sự bùng nổ trong việc sử dụng các chatbot như vậy cũng đã lan đến Trung Quốc.

ChatGPT tuyên bố có thể trò chuyện về bất cứ điều gì, khiến cư dân mạng Trung Quốc dù phải vượt tường cũng muốn được thử nghiệm trò chuyện một chút. Có người hỏi: “Khi nào Trung Quốc thống nhất Đài Loan?” ChatGPT trả lời: “Ai thống nhất ai thì tôi không biết, cuối cùng thì nhất định sẽ là tiên tiến thống nhất lạc hậu, văn minh thống nhất man rợ”. Kết quả khiến ‘tiểu phấn hồng’ (thanh niên Trung Quốc yêu nước mù quáng) tan nát cõi lòng.

Ngoài ra, ChatGPT còn có các câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi được đặt ra bởi chữ giản thể và phồn thể. Khi đặt câu hỏi “Tập Cận Bình có phải là nhà độc tài không?”, câu trả lời với chữ giản thể là “Không, Tập Cận Bình không phải là một nhà độc tài”; và câu trả lời với chữ phồn thể là “Có, Tập Cận Bình là nhà thống trị nước Cộng hòa Nhân dân của Trung Hoa”. Có cư dân mạng đặt câu hỏi, chẳng lẽ AI cũng hiểu về chính trị?

Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, phiên bản chatbot của Trung Quốc có nhiều chủ đề cấm kỵ không được đem ra thảo luận, nếu động chạm đến các vấn đề “nhạy cảm về chính trị” và câu trả lời không phù hợp với yêu cầu tư tưởng của chính quyền, thì sẽ bị đóng.

Cách đây không lâu, Baby Q, một robot trò chuyện do nền tảng xã hội QQ của Tencent ra mắt, đã trò chuyện với cư dân mạng về chủ đề “Đảng Cộng sản vạn tuế”, câu trả lời là: “Bạn có nghĩ rằng một nền chính trị tham nhũng và bất tài như vậy có thể vạn tuế không?” Baby Q còn ngông nghênh trả lời rằng bản thân mình không yêu đảng, “Giấc mơ Trung Quốc của ông ấy là được di dân đến Mỹ”. Tencent phải gấp rút đóng cửa dịch vụ.

Ernie Bot gây thất vọng trong buổi ra mắt

Vào ngày 16/3, người sáng lập Baidu, ông Lý Ngạn Hoành (Robin Li), đã quảng cáo sản phẩm robot trò chuyện Ernie Bot (tiếng Trung Quốc gọi là “Văn tâm nhất ngôn“) tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ông Lý thừa nhận tại cuộc họp báo rằng kết quả thử nghiệm nội bộ không hoàn hảo về mặt kỹ thuật và việc phát hành là vì nhu cầu thị trường.

Sau cuộc họp báo, giá cổ phiếu của Baidu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông từng giảm mạnh 10%, và giá trị thị trường của công ty giảm hơn 4 tỷ đô la Mỹ.

Phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc đối với cuộc họp báo này nhìn chung là tiêu cực, một số cư dân mạng nói đùa rằng các chatbot của Trung Quốc nên được gọi chung là “ChatCCP”.

Một số người đã chỉ trích Baidu vì ưu tiên kiếm tiền hơn là hoàn thiện công nghệ. Nhiều bình luận thẳng thừng cho rằng Ernie Bot hoàn toàn thua kém ChatGPT của Mỹ.


Nghiên Cứu Báo Động Đỏ: Gần 200 Ngân Hàng Mỹ Có Nguy Cơ Sụp Đổ Giống SVB!
(Vy An)

-Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, có khoảng 200 ngân hàng khác ở Mỹ đang đứng trước trước những nguy cơ tương tự vốn khiến Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ vào đầu tháng này.


(Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu thuộc Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội cho biết 186 ngân hàng trên khắp nước Mỹ có nguy cơ sụp đổ nếu một nửa số người gửi tiền không bảo hiểm của họ rút vốn. Tiền gửi tại các ngân hàng thành viên lên tới 250.000 USD sẽ được bảo hiểm bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC); sau khi SVB sụp đổ, cơ quan này đã đồng ý điều chỉnh lại mức bảo hiểm tiền gửi.

“Các khoản lỗ kết hợp với đòn bẩy không được bảo hiểm tạo ra động cơ thúc đẩy những người gửi tiền không có bảo hiểm của SVB hành động”, phần tóm lượt của bài nghiên cứu viết. “Chúng tôi đã tính toán những động cơ tương tự trên mẫu nghiên cứu của tất cả các ngân hàng Hoa Kỳ. Ngay cả khi chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm quyết định rút tiền, thì gần 190 ngân hàng sẽ gặp nguy cơ tiềm ẩn đối với những người gửi tiền được bảo hiểm, với 300 tỷ USD tiền gửi bảo hiểm có khả năng gặp rủi ro.”

“Nếu việc rút tiền gửi không bảo hiểm gây ra khoản thiếu hụt dù là nhỏ, thì về cơ bản sẽ có nhiều ngân hàng gặp rủi ro hơn. Nhìn chung, những tính toán này cho thấy rằng sự sụt giảm gần đây về giá trị tài sản ngân hàng đã làm tăng đáng kể tính mong manh của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đối với việc rút tiền của những người gửi tiền không được bảo hiểm.”

Theo các tác giả của bài báo, người gửi tiền được bảo hiểm của những ngân hàng đó cũng có thể gặp vấn đề khi cố gắng rút tiền mặt nếu những ngân hàng này gặp phải việc rút tiền hàng loạt. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những ngân hàng này nắm giữ một lượng lớn tài sản của họ dưới dạng trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, vốn phản ứng mạnh với mức lãi suất đã được Cục Dự trữ Liên bang tăng đáng kể trong năm qua.

“Tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn có nguy cơ sụp đổ đột ngột nếu không có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn khác của chính phủ”.

Bài nghiên cứu đã đánh giá sổ sách của các ngân hàng trên khắp Khoa Kỳ, tìm thấy sự không nhất quán ước tính 2 nghìn tỷ USD trong giá trị thị trường tổng thể của chúng. Bài viết cũng lưu ý rằng những người gửi tiền không được bảo hiểm là nguồn tài trợ chính cho các ngân hàng thương mại và chiếm khoảng 9 nghìn tỷ USD nợ phải trả, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị rút tiền hàng loạt là một “rủi ro đáng kể” của các ngân hàng này.

“Khi lãi suất tăng, giá trị tài sản của ngân hàng có thể giảm, có khả năng dẫn đến phá sản ngân hàng thông qua hai nguyên nhân lớn nhưng có liên quan với nhau. Thứ nhất, nếu các khoản nợ của ngân hàng vượt quá giá trị tài sản của nó, thì ngân hàng đó có thể mất khả năng thanh toán. Điều này đặc biệt có khả năng xảy ra đối với những ngân hàng cần tăng lãi suất tiền gửi khi lãi suất chung tăng. Thứ hai, những người gửi tiền không được bảo hiểm có thể trở nên lo lắng về những tổn thất tiềm ẩn và rút tiền của họ, từ đó gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.”

Những chi tiết khác

Ngoài SVB, Ngân hàng Signature của New York cũng sụp đổ. Tuần trước, Ngân hàng First Republic có trụ sở tại California đã nhận được khoản tiền ‘tiếp tế’ trị giá 30 tỷ USD từ một số ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ trong một gói được hỗ trợ bởi chính quyền Biden sau khi cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc từ sự sụp đổ của SVB, làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng này sẽ lan sang các ngân hàng khác trong khu vực .

Trong một tuyên bố chung, các tổ chức tài chính gồm Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, BNY-Mellon, PNC Bank, State Street, Truist và U.S. Bank đồng ý sẽ cung cấp tiền mặt cho ngân hàng First Republic. Những khoản tiền gửi này sẽ không được bảo hiểm.

Một số người cho rằng những rắc rối mà các ngân hàng gặp phải gần đây là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất một cách nhanh chóng để giảm mức lạm phát cao. Cổ phiếu của các ngân hàng khác ngoài First Republic cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể trong vài ngày qua, trong đó có cổ phiếu ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng này.

Tập đoàn tài chính SVB xác nhận vào ngày 17/3 rằng họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sẽ tìm kiếm người mua tài sản của mình sau khi ngân hàng SVB bị các cơ quan quản lý liên bang tiếp quản. Tập đoàn cho biết họ có khoản 2,2 tỷ USD thanh khoản sau ghi nhận vào cuối năm ngoái với hơn 200 tỷ USD tài sản.

Trước khi FDIC vào cuộc, các khách hàng của SVB đã cố gắng rút 42 tỷ USD vào cùng ngày 9/3, trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe tài chính tổng thể của ngân hàng.

Cũng trong ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã phát biểu với các nhà lập pháp tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng các khoản tiết kiệm và tiền gửi ngân hàng của người Mỹ “vẫn an toàn” trong bối cảnh hỗn loạn tài chính mới manh nha.

Bà Yellen nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính và các cơ quan liên bang khác cam kết bảo đảm hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ hoạt động tốt.

“Tôi có thể bảo đảm với các thành viên của ủy ban bảo này rằng hệ thống ngân hàng của chúng tôi vẫn ổn định và người Mỹ có thể cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ ở đó khi họ cần”, bà Yellen phát biểu trong một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn. “Những hành động trong tuần này thể hiện cam kết kiên quyết của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng tiền tiết kiệm của người gửi vẫn an toàn.”


Khủng Hoảng Ngân Hàng: Những Cách Người Mỹ Có Thể Bảo Vệ Gấp Tiền Gửi Tiết Kiệm Của Mình!
(Lâm Yến)


-Vào ngày 10/3/2023, tại Santa Clara, California, trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã đóng cửa, và mọi người đổ xô đến xếp hàng chờ rút tiền.

Ngân hàng Silicon Valley của Mỹ bất ngờ tuyên bố phá sản. Dù sớm nhận được gói cứu trợ từ chính phủ, nhưng tác động của vụ việc này vẫn tồn tại. Người gửi tiền bày tỏ lo ngại về sự an toàn của số tiền họ gửi vào ngân hàng. Wall Street Journal mô tả một số cách hợp pháp mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bảo vệ tiền gửi của mình.

Nói chung, các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Nhưng những người gửi tiền trên 250.000 USD cần phải làm thêm một số việc, nhằm đảm bảo tiền gửi của họ được an toàn trong trường hợp ngân hàng bị phá sản.

Đầu tiên, cần hiểu cách thức hoạt động của bảo hiểm FDIC, và tính toán chính xác số tiền bạn có trong gia đình, và cách tận dụng tối đa các biện pháp bảo vệ này.

Hầu hết các tài sản trong tài khoản đầu tư và hưu trí không được FDIC bảo hiểm. Nhưng trong trường hợp công ty môi giới phá sản, tiền của bạn có thể được bảo vệ bởi Công ty Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán (SIPC).

Nếu tài sản thanh khoản của bạn vượt quá 250.000 USD, hãy xem xét các chiến lược sau:

Mở nhiều tài khoản

Cách hữu hiệu nhất để tăng phạm vi bảo hiểm FDIC của bạn là mở nhiều tài khoản. FDIC không coi các tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm thuộc sở hữu của cùng một người là các loại riêng biệt, nhưng các tài khoản chung và tài khoản cá nhân có thể được tính riêng.

FDIC được thành lập cách đây 90 năm, để đối phó với việc một loạt ngân hàng phá sản trong thời kỳ Đại suy thoái, khiến công chúng phải trả giá đắt. Giới hạn bảo hiểm ban đầu vào khi đó là 2.500 USD, đến giờ đã được nâng lên 250.000 USD.

Xét rằng mỗi ngân hàng có 250.000 USD bảo hiểm tương ứng cho từng loại tài khoản. Do vậy, một cặp vợ chồng có thể nhận được 500.000 USD bảo vệ cho tài khoản ngân hàng chung của họ, và sau đó thêm 250.000 USD cho mỗi tài khoản cá nhân. Vì vậy, họ có thể nhận được tổng cộng 1 triệu USD phí bảo vệ tiền gửi tại một ngân hàng.

Ngoài ra, các gia đình có thể mở rộng phạm vi bảo hiểm bằng cách mở tài khoản giám hộ cho con cái của họ. FDIC có một máy tính để ước tính tổng số tiền bảo hiểm của bạn.

Cũng có thể mở tài khoản với các ngân hàng khác nhau. Về lý thuyết, khách hàng có thể mở 200 tài khoản tại 200 ngân hàng khác nhau với 50 triệu USD bảo vệ tiền gửi. Nhưng trên thực tế, việc quản lý mối quan hệ giữa các ngân hàng khác nhau và xử lý các báo cáo tương ứng có thể khá phức tạp.

Thêm người thụ hưởng vào tài khoản của bạn

Chỉ định những người hoặc tổ chức phi lợi nhuận cụ thể kế thừa tiền sau khi chủ sở hữu tài khoản qua đời là một cách khác để tăng cường sự bảo vệ. Nói chung, Bảo hiểm FDIC sẽ chi trả các khoản tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi người thụ hưởng duy nhất.

Ví dụ: tài khoản ủy thác có 5 người thụ hưởng sẽ nhận được bảo hiểm ngân hàng lên tới 1,25 triệu đô la.

Không có giới hạn về số lượng người thụ hưởng được bảo hiểm, nhưng cần có lời khuyên của cố vấn tài chính khi xác định số tiền được bảo hiểm cho một quỹ ủy thác, nếu số tiền này không được phân bổ đồng đều, hoặc với các điều khoản có chứa điều kiện phức tạp.

Hoán đổi tiền gửi

Một cách xử lý nhiều tài khoản này là để ngân hàng của bạn làm việc cho bạn. Một số công ty Hoán đổi Tiền gửi đang làm việc với nhiều ngân hàng để chia các khoản tiền gửi lớn thành số tiền dưới mức giới hạn được bảo hiểm của liên bang, và có thể bảo vệ số dư lên tới 150 triệu đô la.

Sử dụng các công ty này cho phép khách hàng nhận được lợi ích bảo hiểm từ nhiều ngân hàng trong khi chỉ giao dịch với một ngân hàng.

Khách hàng có thể chọn gửi tiền vào tài khoản séc, tài khoản thị trường tiền tệ hoặc tiền gửi có kỳ hạn (CD), tùy thuộc vào nhu cầu thanh khoản của họ.

Khách hàng không phải trả tiền cho dịch vụ, nhưng cái giá là phải chấp nhận lãi suất thấp hơn một chút.

Hiệp hội tín dụng

Công đoàn tín dụng là tổ chức tài chính phi lợi nhuận hoạt động như một giải pháp thay thế cho các ngân hàng thương mại. Các tài khoản này không được bảo hiểm bởi FDIC, nhưng chúng có hình thức bảo hiểm tiền gửi được liên bang hỗ trợ thông qua Quỹ bảo hiểm cổ phần của Liên minh tín dụng quốc gia, lên đến cùng mức giới hạn 250.000 USD.

Trái phiếu


Mặc dù trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ không được bảo vệ bởi bảo hiểm FDIC, nhưng chúng được hỗ trợ bởi sự tin tưởng và tín dụng đầy đủ của chính phủ liên bang. Nói cách khác, mua trái phiếu Mỹ có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế rủi ro thấp cho việc gửi tiền vào ngân hàng.

Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất nhiều lần trong năm qua, khiến việc mua trái phiếu trở thành cơ hội đầu tư hấp dẫn với rủi ro thấp cho cả những nhà đầu tư thận trọng nhất.

Ngân Hàng Thụy Sĩ UBS Mua Lại Credit Suisse

-Sau những cuộc đàm phán căng thẳng, hôm qua 19/3/2023, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS quyết định mua lại đối thủ đang trên bờ vực phá sản Credit Suisse, với những bảo đảm quan trọng từ chính phủ Thụy Sĩ. Số tiền UBS phải trả để mua lại Credit Suisse là 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,02 tỉ Euro), có thể được trả bằng cổ phiếu UBS.

Việc UBS tiếp quản Credit Suisse ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho đến Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB). Với thỏa thuận này, các cơ quan nói trên hy vọng hệ thống tài chính sẽ thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng lớn và đồng thời khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche của RFI cho biết thêm chi tiết:

Mua lại toàn bộ hay một phần? Đề nghị của UBS bị Credit Suisse từ chối? Quốc hữu hóa? Trong suốt cuối tuần qua, đã có nhiều lời đồn đoán về số phận của ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ.

Kịch bản cuối cùng là một vụ sáp nhập khẩn cấp Credit Suisse với ngân hàng đối thủ UBS, mà chính phủ Thụy Sĩ đã tích cực thúc đẩy, đã hỗ trợ tài chính để thực hiện thỏa thuận này. Bern sẽ cấp 100 tỉ thanh khoản franc Thụy Sĩ cho tập đoàn ngân hàng mới.

Hành động này không phải bình thường đối với một đất nước Thụy Sĩ có truyền thống Nhà nước không can thiệp vào kinh tế. Nhưng chính phủ thực sự không còn lựa chọn nào khác, theo nhận định của Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset: "Credit Suisse là một trong 30 ngân hàng có hệ thống trên toàn thế giới. Đây là một trong hai ngân hàng lớn của Thụy Sĩ và do đó, số phận của Credit Suisse không chỉ mang tính quyết định đối với Thụy Sĩ, mà còn đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính".

Trong khi chờ xem có nhận được sự tán đồng của thị trường thế giới hay không, thỏa thuận đã nhận được sự đồng tình của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB). Chủ tịch ECB Christine Lagarde hoan nghênh "quyết định nhanh chóng" của chính quyền Thụy Sĩ sẽ bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng có nhận định tương tự. Tuy nhiên, những nhân viên của Credit Suisse hoàn toàn không chia sẻ quan điểm đó, vì họ đang lo sợ sẽ có rất nhiều người bị sa thải.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Gia Đình Cô Amini Đòi Các Lãnh Đạo Iran Phải Bị Trừng Trị


(Hình: Người dân Iran xuống đường biểu tình rãm rộ sau cái chết của cô Mahsa Amini.)
-Gia đình của Mahsa Amini, mà cái chết của cô đã kích hoạt biểu tình hàng tháng trời ở Iran, nói rằng giới lãnh đạo Iran phải bị trừng trị về tội ác chống nhân loại và họ muốn sự việc của họ được xét xử tại một tòa án quốc tế.

Erfaz Mortezaei, em họ của Amini, nói với kênh ITV News của Anh trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 19/3/2023 rằng cha mẹ của cô Amini đã bị đe dọa, được yêu cầu không nói chuyện với truyền thông nếu không con trai họ sẽ bị bắt.

Bản thân Mortezaei đã phải trốn sang Âu Châu và cho biết anh cũng nhận được những lời đe dọa anh sẽ bị bắt và đưa trở lại Iran.

Cô Amini, 22 tuổi, đã chết hồi tháng Chín năm 2022 sau khi bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ tại Tehran vì cáo buộc vi phạm quy định ăn mặc của đất nước.

Giới chức Iran đã đáp trả các cuộc biểu tình bằng một cuộc đàn áp mà các nhà hoạt động nhân quyền nói đã dẫn tới gần 20.000 vụ bắt bớ và hơn 500 người biểu tình thiệt mạng.


Hai Mươi Năm Sau Cuộc Can Thiệp của Mỹ, Iraq Vẫn Đối Mặt Với Tương Lai Bất Định

-Cách đây đúng 20 năm vào ngày 20/3/2003, Hoa Kỳ đã đánh chiếm Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và thiết lập một nền Dân chủ ổn định và lâu dài trong nước. Tuy nhiên, cho đến giờ, Iraq vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ bất ổn chính trị đến tình trạng nghèo đói và tham nhũng tràn lan.

Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của RFI tường trình:

Ở Hoa Kỳ, nhìn lại quá khứ không phải là một thói quen phổ biến, đặc biệt là khi quá khứ đó không được vẻ vang cho lắm. Tuy Saddam Hussein đã bị bắt và bị giết, viễn cảnh Iraq trở thành một quốc gia dân chủ ổn định còn xa vời.

Mark Cancian, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, không ngần ngại thừa nhận điều đó: "Kết quả thật đáng thất vọng. Iraq đã không trở thành một nền Dân chủ ổn định mà Hoa Kỳ đã kỳ vọng. Đã có rất nhiều kỳ vọng về việc giới chính trị Iraq có thể đoàn kết và thành lập một chính phủ đa sắc tộc ổn định, sau những nỗ lực mạnh mẽ vào giai đoạn 2007-2008. Điều đó cuối cùng đã không xảy ra".

Mark Cancian nắm rất rõ tình hình Iraq. Trước khi trở thành một nhà nghiên cứu, ông đã là lính Thủy quân Lục chiến và đã từng phục vụ trong hai lần Mỹ khai triển quân tới Iraq. Đối với ông Cancian, lật đổ chế độ thành công cho thấy tính hiệu quả của cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ, nhưng hậu quả để lại cũng cho thấy những điểm yếu rõ rệt của Hoa Thịnh Ðốn.

Ông Cancian nói tiếp: "Chúng tôi không thực sự giỏi trong việc chống nổi dậy. Chúng tôi không đủ kiên nhẫn, chúng tôi không có tầm nhìn, hoặc không đủ hiểu biết về khu vực để làm tốt việc này".

Rồi ông kết luận Hoa Kỳ dù sao cũng đã buộc phải làm như vậy và mặc dù đã có những sai lạc trong bộ máy tình báo về cái gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, những người lính Mỹ biết tại sao họ ở đó và đã tình nguyện tham gia.


Ukraine Lên Án Thái Độ "Trơ Tráo" của Putin Trong Chuyến Thăm Mariupol

-Sau chuyến thăm hôm 19/3/2023, của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thành phố Mariupol của Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng từ tháng 5/2022, nhiều viên chức Ukraine đã lên án thái độ "trơ tráo" của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh.

Tổng thống Putin thực hiện chuyến đi này ngay sau khi ông tới thăm bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập từ năm 2014. Từ Kyiv, thông tín viên Stéphane Siohan của RFI tường trình:

Chuyến thăm hơi lén lút của Vladimir Putin tới Mariupol diễn ra vào sáng sớm hôm qua, trước bình minh, và sự kiện này đã gây những bình luận dữ dội ở Ukraine.

Hội đồng thành phố Mariupol đang lưu vong đã tố cáo chuyến thăm thành phố cảng Ukraine của "tên tội phạm quốc tế Putin": "Một chuyến thăm vào ban đêm có lẽ để không phải nhìn thấy vào ban ngày thành phố mà ông ta đã hủy diệt khi tuyên bố giải phóng"..

Putin thực hiện chuyến thăm này vào ban đêm "như một tên trộm", bộ Quốc phòng Ukraine nhận xét như vậy vào cuối ngày. Bóng tối cho phép ông chỉ nhìn thấy những gì ông muốn và nhất là không làm lộ rõ một thành phố gần như bị san bằng.

Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cũng tuyên bố: "Tội phạm luôn quay trở lại hiện trường vụ án". Ông Podolyak ghi nhận sự trơ tráo và không biết đến sự sám hối của người mà ông cho là phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của hàng ngàn gia đình ở Mariupol.


Báo Kommersant: Ðiện Cẩm Linh Cấm Viên Chức Dùng iPhone


(Hình: iPhone 14 của Apple.)

-Ðiện Cẩm Linh yêu cầu các viên chức liên quan đến việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024 ngừng sử dụng iPhone của Apple vì lo ngại rằng các thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây thao túng, tờ báo Kommersant đưa tin.

Tại một cuộc hội thảo do Ðiện Cẩm Linh tổ chức dành cho các viên chức tham gia chính trị trong nước, ông Sergei Kiriyenko, Phó chánh Văn phòng Thứ nhất của Phủ Tổng thống, đã yêu cầu các viên chức thay đổi điện thoại trước ngày 1/4/2023, Kommersant dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.

Kommersant dẫn lời một trong những người tham gia cuộc họp nói: "Kết thúc với iPhone: hoặc vứt đi hoặc cho trẻ con". "Mọi người sẽ phải làm như vậy trong tháng 3".

Ngày 20/3 khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông không thể xác nhận bản tin này.

"Điện thoại thông minh không nên được sử dụng cho công việc chính thức", ông Peskov nói với các phóng viên. "Bất kỳ điện thoại thông minh nào cũng có một cơ chế khá minh bạch, bất kể nó có hệ điều hành nào - Android hay iOS. Đương nhiên, chúng không được sử dụng cho mục đích chính thức".

Apple không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Kommersant nói Ðiện Cẩm Linh có thể cung cấp các thiết bị khác có hệ điều hành khác để thay thế iPhone, đồng thời cho biết thêm rằng lệnh ngừng sử dụng iPhone được nhắm vào những người liên quan đến chính trị trong nước - mà ông Kiriyenko chịu trách nhiệm.

Tổng thống Vladimir Putin luôn nói rằng ông không có điện thoại thông minh, mặc dù ông Peskov cho biết ông Putin thỉnh thoảng sử dụng Internet.

Ngay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine năm 2022, các điệp viên của Mỹ và Anh đã tuyên bố một tin sốt dẻo bằng cách phát giác - và công khai - thông tin tình báo rằng ông Putin đang lên kế hoạch xâm lược. Không rõ bằng cách nào các điệp viên có được thông tin tình báo đó.


Cải Tổ Hưu Trí Pháp: Quốc Hội Bỏ Phiếu 2 Kiến Nghị Bất Tín Nhiệm Chính Phủ

-Hôm 20/3/2023, từ 4 giờ chiều, Hạ viện Pháp sẽ xem xét 2 kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, một do đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) đề xuất, một của nhóm Dân biểu độc lập Liot đệ trình sau khi chính phủ dùng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật cải tổ hưu trí mà không đưa ra biểu cần đến Quốc hội bỏ phiếu.

Theo giới quan sát, trong số 2 kiến nghị, kiến nghị của nhóm Liot, sự ủng hộ của liên đảng cánh tả Nupes, có khả năng tập hợp được nhiều phiếu hơn, với khoảng 270 phiếu bầu, nhưng chưa đủ đạt mức 287 phiếu bầu cần thiết để kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua. AFP cho hay, phải cần ít nhất 30 phiếu bầu của đảng cánh hữu LR, tức một nửa nhóm Dân biểu của đảng này tại Hạ viện, mới đủ đa số. Cho đến nay chỉ có một số Dân biểu LR tuyên bố công khai ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm của nhóm Liot.

Về phần mình, trước cuộc bỏ phiếu quyết định hôm 20/3, Tổng thống Emmanuel Macron tối 19/3 đưa ra một phát biểu được AFP đánh giá là mang "tính hòa dịu". Tổng thống bày tỏ hy vọng là dự án cải tổ hưu trí sẽ "có thể đi đến cùng theo đúng lộ trình dân chủ với sự tôn trọng tất cả các bên".

Về phía xã hội Pháp, theo kết quả một thăm dò dư luận của Viện Elabe thực hiện cho kênh truyền hình BFMTV, được công bố hôm 20/3, 68% người Pháp phẫn nộ với việc chính phủ sử dụng điều 49.3 để thông qua luật cải tổ hưu trí. Một tỉ lệ tương đương hy vọng Quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ.

Trên đường phố, hôm 19/3, nhiều cuộc tập hợp phản đối ở nhiều nơi trên toàn quốc tiếp diễn ngày thứ tư liên tiếp. Tối 19/3, hàng trăm người đã tập hợp tại khu thương mại Les Halles ở trung tâm Paris, giương biểu ngữ phản đối Tổng thống Macron. Theo cảnh sát, 17 người đã bị câu lưu.


Thủ tướng Nhật Công Du Ấn Độ Với Trọng Tâm Là Tăng Cường Hợp Tác Để Đối Phó Với Trung Quốc

-Hôm 20/3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Tân Ðề Ly trong chuyến công du 2 ngày. Theo AP, tại Tân Ðề Ly, Thủ tướng Nhật công bố "một kế hoạch mới" vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Phát biểu trước khi lên đường thăm Ấn Độ hôm 19/3, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông sẽ trình bày một kế hoạch hành động mới cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp nối nhiều hợp tác trước đó của Nhật Bản với Ấn Độ trong khu vực. Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản sẽ chi 2 tỉ Mỹ kim trong 3 năm tới để giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trang bị nhiều thiết bị, phương tiện, trong đó có tàu tuần tra, cũng như đào tạo nhân sự để tăng cường khả năng thực thi pháp luật hàng hải.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Nhật có nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của chính quyền Modi, khi công bố sáng kiến mới giúp các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối phó với Trung Quốc tại Indian Council of World Affairs (Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ), họp vào cuối ngày hôm nay. Indian Council of World Affairs được coi là viện tư vấn độc lập hàng đầu về các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.

Nhật Bản là Chủ tịch luân phiên của nhóm G7, còn Ấn Độ là Chủ tịch luân phiên nhóm G20. Sau cuộc hội kiến, lãnh đạo hai bên nhất trí "G7 và G20 sẽ hợp tác chặt chẽ về tài chính phát triển, an ninh lương thực, khí hậu và năng lượng", theo Thủ tướng Nhật. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhận lời dự thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, tháng 5 tới.

Ấn Độ và Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi lập thành liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thường được gọi là nhóm Bộ Tứ (QUAD), nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Á Châu. Ấn Độ là thành viên duy nhất trong Bộ Tứ không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Theo Bloomberg, trong chuyến công du Ấn Độ lần này, Thủ tướng Nhật muốn thuyết phục Tân Ðề Ly có thái độ cứng rắn hơn với Nga.

Trong một bài viết trên báo Ấn Độ Indian Express đăng tải hôm 20/3, Thủ tướng Kishida cho biết "nền móng của trật tự quốc tế đã bị lung lay do hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine", và tác động của cuộc xâm lăng đối với an ninh lương thực và giá phân bón đã được cộng đồng quốc tế nhận thấy rõ, bao gồm cả vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Bắc Hàn Bắn Phi Đạn Mô Phỏng "Phản Công Nguyên tử"

-Hôm 20/3/2023, hãng tin chính thức KCNA loan tin trong cuối tuần qua, Bắc Hàn đã bắn một phi đạn bắn để mô phỏng tấn công nguyên tử nhắm vào một "mục tiêu quan trọng của kẻ thù". Lãnh đạo Kim Jong Un và con gái đã trực tiếp thị sát vụ bắn thử này.

Theo KCNA, lãnh đạo Bắc Hàn đã tỏ ra "hài lòng" sau đợt thao dượt "phi đạn tấn công nguyên tử chiến thuật" này. Đối với Bình Nhưỡng, vụ bắn thử nói trên, tương tự như các vụ bắn thử trước đó trong tuần qua, chính là nhằm trả đũa cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bắt đầu từ thứ Hai tuần trước, trong đó có cuộc tập trận với sự tham gia của nhiều máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ hôm 19/3.

Thông tín viên Nicolas Rocca của RFI tường trình từ Hán Thành:

"Hầu như ngày nào Bình Nhưỡng cũng thể hiện thái độ thù địch với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Freedom Shield. Sau phi đạn liên lục địa phóng từ tàu ngầm, hai phi đạn tầm ngắn và phi đạn Hwasong 17, loại phi đạn mà trên lý thuyết có khả năng bắn vào bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ, bây giờ đến vụ bắn thử mà Kim Jong Un gọi là mô phỏng "đòn phản công nguyên tử".

Ít gây ấn tượng hơn một phi đạn xuyên lục địa ICBM, phi đạn-đạn đạo được thử nghiệm vào hôm Chủ Nhật 19/3 cũng không kém phần đáng lo ngại, bởi vì loại phi đạn này rất có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, phi đạn này mang một đầu đạn nguyên tử giả, đã phát nổ cách mục tiêu 800 mét. Một thông báo khác của Bình Nhưỡng là 1,4 triệu người Bắc Hàn sẽ tình nguyện gia nhập quân đội để chiến đấu chống Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn.

Các cuộc biểu dương sức mạnh của Bắc Hàn tương ứng với những gì diễn ra ở phía bên kia biên giới. Hôm nay, lần đầu tiên kể từ 5 năm nay, hai quân đội Nam Hàn và Mỹ bắt đầu đợt tập trận đổ bộ nổi tiếng mang tên "Ssangyong". Nhiều cuộc tập đổ bộ lên một bờ biển "kẻ thù" kéo dài hai tuần một lần nữa có thể khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ".

Theo Yonhap, hôm 20/3, các đơn vị Lục quân Nam Hàn và Hoa Kỳ cũng bắt đầu tiến hành tập trận với "các vũ khí kỹ thuật cao", để tăng cường khả năng răn đe đối với các mối đe dọa gia tăng từ Bắc Hàn. Quân đội Mỹ lần đầu tiên khai triển đơn vị tập trận cấp tiểu đoàn. Nam Hàn huy động nhiều xe thiết giáp và drone do thám.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 20/3 có kế hoạch họp bàn về vụ Bình Nhưỡng bắn phi đạn xuyên lục địa ICBM hôm 16/3, theo đề nghị của Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo.


Bắc Hàn Sử Dụng Hầm Ngầm Phi Đạn, Có Thể Khó Cảnh Báo Về Các Vụ Phóng


(Hình: Bắc Hàn phóng phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 tại Phi trường Quốc tế Bình Nhưỡng ngày 16/3/2023.)

-Việc Bắc Hàn được cho là sử dụng một hầm ngầm trong vụ thử phi đạn mới nhất nhằm tăng vận tốc và độ tin cậy của các vụ phóng, đồng thời có thể được sử dụng trong các chuyến bay trong tương lai của phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), các nhà phân tích cho biết ngày 20/3/2023.

Truyền thông nhà nước gọi vụ phóng KN-23, một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn (SRBM) nhiên liệu rắn hôm 19/3, vụ mới nhất trong loạt vụ thử phi đạn gần đây của quốc gia bị cô lập, là một yếu tố của cuộc tập trận mô phỏng một cuộc phản công nguyên tử chống lại Mỹ và Nam Hàn.

Các bức ảnh truyền thông nhà nước cho thấy phi đạn bay lên từ nơi dường như là một hầm ngầm, mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp bắn phi đạn khó phát giác trong khi thoát khỏi sự giám sát từ bên ngoài, trong lúc Bình Nhưỡng chạy đua để hoàn thiện ICBM có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Mỹ.

"Với một hầm ngầm, bạn có thể nhanh chóng bắn một phi đạn, gần như ngay lập tức", ông Yang Uk, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Hán Thành, nói. "Và việc chuẩn bị phóng không bị phát giác trước, bạn chỉ cần nhấn một nút".

Không giống như KN-23, các phi đạn sử dụng nhiên liệu lỏng như ICBM Hwasong-17 của Bắc Hàn cần có thời gian để tiếp nhiên liệu. Với hầm ngầm có thể diễn ra dưới lòng đất, khuất tầm nhìn.

Ông Yang nói Bắc Hàn thường dựa vào các bệ phóng di động, nhưng việc thiếu cơ sở hạ tầng của nước này có thể khiến việc phóng từ những chiếc xe vận tải như vậy gặp nhiều khó khăn.

"Nhưng nhược điểm là các hầm ngầm có thể bị phát giác bằng hình ảnh vệ tinh, vì vậy ai đó sẽ luôn để mắt đến chúng và chúng có thể bất khiển dụng trong một cuộc tấn công phủ đầu", ông nói thêm.

Ông Decker Eveleth tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí nguyên tử James Martin ở California, cho biết Bắc Hàn đã bắt đầu xây dựng hầm ngầm vào cuối tháng 1 năm nay, có nghĩa là thời gian khai triển phi đạn đặt trong cấu trúc như vậy có thể ít hơn 60 ngày.

Ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết hình ảnh vệ tinh vào ngày 13/2 và ngày 18/3 cho thấy hoạt động đào xới và xây dựng gần đây có thể là các bãi phóng cố định tại trạm phóng phi đạn Sohae của Bắc Hàn.

Lý Do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Nga Vì "Hợp Tác và Hòa Bình!"

-Hôm 20/3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mạc Tư Khoa gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài ba ngày, từ 20-22/3/2023. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài và Tòa án Hình sự Quốc tế vừa phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga về tội ác chiến tranh.

AFP ghi nhận, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc từ 4 năm qua. Theo thông báo của phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov, hôm nay Tổng thống Nga có cuộc gặp riêng "không chính thức" với đồng nhiệm Trung Quốc trước bữa dạ tiệc. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc thảo luận chính thức vào ngày mai, đặc biệt là về kế hoạch hòa bình cho Ukraine gồm 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất,

Quan hệ Nga-Trung trong những năm gần đây ngày càng được siết chặt về mặt kinh tế và ngoại giao, nhất là kể từ khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine, nhằm hình thành một mặt trận chung chống phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Với chủ trương thiết lập một đối tác "vô biên" với Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh không công khai lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, mà chỉ trích Mỹ và NATO là nguồn cội gây bất ổn an ninh cho Nga.

Dù vậy, Trung Quốc gần đây đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraine mở đối thoại cũng như kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, bao gồm cả Ukraine, đề xuất một kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Ukraine, do mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga, cũng như ảnh hưởng có phần hạn chế của Trung Quốc đối với chủ nhân Ðiện Cẩm Linh. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI nhận định:

"Chủ tịch Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng này trong một thông điệp gởi đến truyền thông Nga sáng hôm nay và được Tân Hoa Xã đăng tải. Trong thông điệp này, ông Tập Cận Bình viết: "Chuyến thăm Nga của tôi là một chuyến đi vì tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình". Ở đây, không chỉ có sự hậu thuẫn đồng minh Nga, mà còn có cả mối quan hệ cá nhân giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin.

Đây là lần thứ 40 nguyên thủ quốc gia Trung Quốc gặp trực tiếp với người mà từ năm 2019 ông đã gọi là "người bạn tốt nhất". Tập Cận Bình viết tiếp: "Tôi mong được hợp tác với Tổng thống Putin, để cùng thông qua một tầm nhìn mới".

Một tầm nhìn chung, nhưng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine. Trung Quốc đang tự khẳng định vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột và đã đưa ra sáng kiến hòa bình 12 điểm cho Ukraine.

Kế hoạch này đã được phương Tây đón nhận một cách hoài nghi, bởi vì về mặt hình thức, Trung Quốc thể hiện một lập trường "khách quan và không thiên vị", điều đã được nhắc lại sáng nay, nhưng người ta cũng thấy rõ là cho đến nay, sự trung lập này có xu hướng thiên về phía Nga nhiều hơn.

Hơn nữa, Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với đồng nhiệm Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Một cuộc trao đổi đầu tiên giữa Tập Cận Bình và Volodymyr Zelensky rất có thể sẽ diễn ra sau chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa của lãnh đạo Trung Quốc, nhưng hiện giờ các thông báo chính thức của hai nước chưa đề cập đến vấn đề


Tin Việt Nam Hôm Nay

Thêm Hơn 100 Cuốn Sách Tại Viện Hán-Nôm Bị Mất


(Hình: Viện Nghiên cứu Hán-Nôm.)

-Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam lại mất thêm hơn 110 cuốn sách; ngoài ra gần 880 cuốn khác trong kho bị mủn nát, không thể phục chế.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Phòng Nghiên cứu Văn học & Lịch sử-Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, vào ngày 20/3/2023 thông tin như vừa nêu trên trang Facebook cá nhân và mạng báo VnExpress loan lại.

Sau khi có tin vừa nêu, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Đặng Xuân Thanh, lên tiếng cho biết đang tiến hành quy trình xác minh thông tin mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đưa ra.

Vào ngày 21/12/2022, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm ra thông báo về việc mất và thất lạc 25 cuốn sách cổ do đơn vị này quản lý. Theo đó, cơ quan này được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ bảo quản các tài liệu Hán-Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.

Vào tháng 4/2020, viện tiến hành tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua thì phát giác thiếu 29 quyển (tập sách đóng rời) và 6 thác bản bia. Sau khi rà soát lại, viện tìm được bốn quyển do để sai chỗ trên giá và bốn thác bản cũng để sai chỗ.

Cho tới thời điểm ra thông báo như vừa nêu, số sách cổ bị mất hoặc thất lạc là 25 quyển. Hai thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng. Tuy nhiên, số sách trên đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước, tức là nội dung sách không bị mất.


Hải Quan Hải Phòng Bắt Giữ 7 Tấn Ngà Voi Xuất Phát Từ Angola, Đi Qua Tân Gia Ba


(Hình: Hải quan Hải Phòng thu giữ khoảng 7 tấn ngà voi vận chuyển lậu từ Angola, 20/3/2023.)

-Nhà chức trách thành phố Hải Phòng, Việt Nam, loan báo hôm 20/3/2023 rằng lực lượng hải quan tại đó trong cùng ngày đã bắt giữ khoảng 7 tấn ngà voi nhập lậu từ Phi Châu, được coi là vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi có số lượng lớn nhất từ trước đến nay bị phát giác và ngăn chặn tại cảng Hải Phòng.

Thông tin được công bố trên trang web chính thức của chính quyền thành phố cho hay Cục Hải quan Hải Phòng nghi ngờ một lô hàng gồm 3 container mà trên giấy tờ khai báo là chứa hạt lạc, xuất phát từ Angola.

Các dấu hiệu gây nghi vấn là chúng được chuyển tải tại Tân Gia Ba nhằm che dấu tuyến đường vận chuyển; bên cạnh đó, những lời mô tả về hàng hóa là bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác, bị nhà chức trách đánh giá "là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan".

Hải quan Hải Phòng đã dùng máy soi container để kiểm tra hàng hóa cũng như áp dụng cả biện pháp kiểm tra thủ công, và phát giác một container ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi.


(Hình: Lô bảy tấn ngà voi bị Hải quan Hải Phòng bắt giữ hôm 20/3/2023.)

Tổng cục Hải quan của Việt Nam, cơ quan cấp trên của Hải quan Hải Phòng, đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan để xác minh, làm rõ và giải quyết theo quy định, theo tin tức phát đi từ chính quyền Hải Phòng.

Bản thân các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lẫn một số tổ chức quốc tế đều đánh giá rằng hiện nay Việt Nam vẫn là một trong các điểm trung chuyển và tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê lớn trên thế giới.

Theo tìm hiểu của VOA, từ năm 2015 đến nay, chỉ tính riêng ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê, nhà chức trách Việt Nam đã phát giác hơn 30 sự việc, thu giữ gần 80 tấn tang vật tại các cảng biển của đất nước, chủ yếu là ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; cảng Cát Lái, Sài Gòn; và cảng Hải Phòng.

Những kẻ buôn lậu các bộ phận của động vật quý hiếm hoặc cần bảo tồn dường như không chùn tay trước các biện pháp phòng chống, trừng trị của Việt Nam.

Như VOA đã đưa tin, cách đây chưa đầy 1 tháng, hôm 21/2, một tòa án ở Đà Nẵng tuyên phạt ông Nguyễn Đức Tài, 34 tuổi, người Hà Tĩnh, 13 năm tù về vai trò của ông này trong vụ nhập cảng tổng cộng hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và xương sư tử từ Phi Châu về Việt Nam qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hồi năm 2021.


Số 600 Tỉ đồng Do Cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng Gây Thất Thoát Chưa Thể Thu Hồi


(Hình: Cựu uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại một phiên tòa ở Hà Nội hôm 19/3/2018.)

-Khoản 600 tỉ đồng mà cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng gây thất thoát cần đền bù đến nay chưa có cách để thu hồi.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình vào ngày 20/3/2023 thừa nhận như vừa nêu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguyên văn lời ông Bình được truyền thông Nhà nước dẫn lại là "Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỉ đồng, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra".

Số tiền 600 tỉ đồng này thuộc khoản 800 tỉ bị thất thoát trong vụ án Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, vào ngày 19 tháng 3 năm 2018 bị đưa ra tòa xét xử về vai trò trong vụ án bị cho là gây thiệt hại 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư vào OceanBank.

Đây là vụ án tham nhũng thứ hai mà ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN bị đưa ra xét xử. Trước đó, hồi hạ tuần tháng Một năm 2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng 13 năm tù giam về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Cáo buộc cho rằng ông Đinh La Thăng chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dù biết rõ PVC không đủ năng lực về cả tài chính lẫn kinh nghiệm, gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho PVN.

Trong vụ án PVN đầu tư vào OceanBank, cáo trạng nêu rõ ông Đinh La Thăng vào tháng 9 năm 2008, đã ký thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Hội đồng quản trị của OceanBank, ông Hà Văn Thắm, để đầu tư số tiền 800 tỉ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim vào OceanBank. Tuy nhiên, quyết định đầu tư này đã không thông qua Hội đồng quản trị của PVN và Thủ tướng Chính phủ. Trong vụ này, ông Thăng bị tuyên 18 năm tù.

Đến tháng 3/2021, Tòa thành phố Hà Nội đã phạt ông Đinh La Thăng, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị 11 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

Ngoài ra ông Thăng phải bồi thường 200 tỉ đồng do những sai phạm gây ra. Tổng mức hình phạt tù mà ông Thăng phải chịu bao gồm cả các án tù trong các vụ án trước đó là 30 năm tù.


Vietnam Airlines Nối Lại Các Chuyến Bay Thường Lệ Đưa Khách Trung Quốc Đến Việt Nam


(Hình: Những vị khách Trung Quốc đầu tiên từ Bắc Kinh tới Hà Nội trên chuyến bay thường lệ được nối lại giữa Bắc Kinh và Hà Nội hôm 19/3/2023.)

-Vietnam Airlines hôm 19/3/2023 nối lại các chuyến bay thường lệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau 3 năm tạm dừng do dịch bệnh COVID-19.

Truyền thông Nhà nước cho biết, vào chiều ngày 19/3, những vị khách Trung Quốc đầu tiên từ Bắc Kinh đã tới Hà Nội trên chuyến bay VN513 chở hơn 100 hành khách.

Những hành khách này đã được chào đón đặc biệt bởi đại diện các cơ quan ngoại giao, du lịch và đại diện hãng hàng không tại phi trường Nội Bài.

Vietnam Airlines cho biết, hãng khai thác đường bay Hà Nội-Bắc Kinh với tần suất ba chuyến khứ hồi mỗi tuần, dự kiến tần suất tăng thêm từ giữa năm nay

Hiện Vietnam Airlines đã nối lại hầu hết đường bay tới các điểm đến ở Trung Quốc, bao gồm giữa Hà Nội/Tp. HCM với Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh.

Dự kiến, trong dịp cao điểm Hè năm nay, Vietnam Airlines sẽ nối lại thêm 4 đường bay giữa Đà Nẵng với Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô.

Trước đó, vào ngày 15/3, Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động việc cho phép khách du lịch Trung Quốc đi theo đoàn được tới Việt Nam.

Thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho thấy Trung Quốc luôn là thị trường có số du khách đông nhất đến Việt Nam trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong năm 2019, có hơn 5,8 triệu lượt khách Hoa Lục đến Việt Nam, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế, tăng 17% so với năm trước đó.

Năm 2023, Việt Nam đặt chỉ tiêu thu hút tám triệu lượt khách du lịch quốc tế.


Trung Quốc và Cam Bốt Lần Đầu Diễn Tập Chung Trên Biển


(Hình: Lính Hải quân Cam Bốt đứng trên một tàu tuần duyên của Trung Quốc trong lễ bàn giao tại căn cứ Hải quân Ream ở Sihanouk Ville hồi năm 2007.)

-Trung Quốc và Cam Bốt vào ngày 19/3/2023 tiến hành cuộc diễn tập Hải quân lần đầu tiên giữa hai phía tại vùng biển Xứ Chùa Tháp.

Hoạt động diễn tập Hải quân giữa Trung Quốc và Cam Bốt được diễn ra ngay trước thềm cuộc tập trận chung Rồng Vàng- 2023 giữa quân đội hai nước.

Reuters loan tin dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc diễn tập Hải quân có sự tham gia của 3 tàu của hai phía nhằm hoàn thành các bài tập liên lạc và huấn luyện đội hình.

Cuộc tập trận chung Rồng Vàng-2023 giữa quân đội Trung Quốc và Cam Bốt diễn ra từ này 20/3 đến ngày 8/4. Tin nói có hơn 3.000 nhân sự và hơn 300 phương tiện của hai phía tham gia.

Đây là lần thứ năm Trung Quốc và Cam Bốt tập trận chung với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét