(Hình: Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.)Chế Độ Bạo Tàn Nào, Đi Ngược Lòng Dân Thì Cũng Có Ngày Tàn! CSVN Có Nhiều Dấu Hiệu, Khó Vượt Qua Nổi Những Vấn Đề Khó Khăn Trước Mắt Khủng Hoảng Lãnh Đạo: Quốc Hội Kêu Gọi Gấp Nhóm Họp Bất Thường Bầu Chủ Tịch Nước Mới!- Thông tấn xã Reuters trích dẫn nguồn tin các nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ nhóm họp bất thường trong tuần này để bầu Chủ tịch nước mới thay ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa mới xin từ chức giữa nhiệm kỳ hồi tháng 1/2023 vừa qua.
Theo các nguồn của thông tấn xã Reuters và của Ðài Á Châu Tự Do (RFA), người được chọn vào vị trí Chủ tịch nước nhiều khả năng là Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, hiện là người trẻ nhất trong hàng ngũ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo các trang tin của các địa phương Khánh Hòa và Bình Phước, Quốc hội Việt Nam sẽ họp phiên đặc biệt vào thứ tư tuần này, ngày 1/3.
Phiên họp Quốc hội thường niên dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.
Khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức Chủ tịch nước vì những sai phạm của các cán bộ dưới quyền trong thời gian vừa qua, đã có những dự đoán về người sẽ thay thế ông ở vị trí này với những cái tên đáng để ý như: Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, trong một phỏng vấn với RFA vào tuần trước, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi – chuyên gia về vấn đề an ninh và chính trị Việt Nam – cho biết các nguồn tin thân cận của ông nói rằng ông Tô Lâm đã xin rút tên tại cuộc họp của Bộ Chính trị, bày tỏ nguyện vọng được hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Bộ trưởng Công an.
Nhận xét về ông Võ Văn Thưởng, Giáo sư Carl Thayer cho rằng “Ông ta đúng nghĩa là một người của Đảng. Sau khi tìm hiểu về điều này, tôi càng tin rằng ông Thưởng là người phù hợp. Nói cách khác, ông ta là một phần của bộ máy, ông ta sống và hít thở nó”.
Trước khi là Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng đã từng tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM. Ông cũng có các bằng cấp về Chủ nghĩa Mác-Lênin, triết học, tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nói như nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, “sự nghiệp chính trị của ông ấy là làm công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ, lý luận, tuyển dụng, giảm quan liêu…”.
Vào khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, Giáo sư Carl Thayer cho rằng thành tựu đáng chú ý nhất của ông Thưởng “là đã không phạm lỗi”.
ấReuters: Quốc Hội Việt Nam Sắp Phải Họp Bât Thường, Cần Một Tân Chủ Tịch Nước!
(Hình: Ông Võ Văn Thưởng, Thường Trực Ban Bí thư.)
-Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường trong tuần này để bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các viên chức và giới ngoại giao cho biết hôm 27/2/2023.
Nhiều viên chức và nhà ngoại giao cho biết ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, hiện là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị, sẽ là tân Chủ tịch, chức vụ phần lớn mang tính lễ nghi.
Việc bổ nhiệm ông Thưởng diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng được mệnh danh là “đốt lò”, theo đó hàng trăm viên chức bị điều tra và nhiều nhân vật chính trị hàng đầu bị cách chức, trong đó có hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Ông Thưởng được xem là người thân cận với nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng.
Một viên chức Việt Nam cho thông tấn xã Reuters biết kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ tuân theo quyết định của Đảng, dự kiến vào nửa đầu tuần này, để bầu tân Chủ tịch nước.
Một nguồn tin khác cho thông tấn xã Reuters biết phiên họp bất thường sẽ bắt đầu vào thứ Tư (1/3). Một nguồn tin khác cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng sẽ tổ chức một hội nghị trung ương vào sáng ngày 1/3.
Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm truyền thông thay mặt chính phủ, không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
(Hình: Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.)
Giới quan sát nhận định rằng ông Thưởng là nhân vật phù hợp nhất để giữ chức Chủ tịch vào thời điểm này.
Ông Quang Hữu Minh ở Sài Gòn, một người quan sát tình hình chính trị Việt Nam, chia sẻ nhận định của ông với VOA:
“Ông Võ Văn Thưởng đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo địa phương như Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi.
“Ông Thưởng hiện là phó trưởng ban thường trực phòng chống tham nhũng Trung ương, trong thời gian qua có công nhiều với ông Nguyễn Phú Trọng trong vụ “đốt lò”, và chưa kể ông Thưởng còn có thể đoàn kết các phe phái trong Đảng.
“Ông Thưởng là người miền Nam, việc này cũng hợp lý để cân bằng tính vùng miền trong Đảng mà vừa qua bị lãng quên”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi ở Canberra, nêu nhận hôm 25/2 trong một bản tin rằng ông Thưởng còn khá mới mẻ về đối ngoại, và cũng không kỳ vọng rằng ông sẽ có sáng kiến thúc đẩy sự một đổi mới nào trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Giáo sư Thayer lưu ý rắng hồi năm 2022 ông Thưởng có tháp tùng ông Trọng trong chuyến công du sang Bắc Kinh hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hồi tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ từ chức sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền đổ lỗi cho ông về “những vi phạm và sai trái” của các viên chức dưới quyền. Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, đang giữ chức quyền Chủ tịch nước.
Giới quan sát nhận định Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, người vừa lên thay ông Phạm Bình Minh, sẽ được bổ nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng Thường trực. Thông tin này được ông Alexander Vuving, Giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Á Châu Thái Bình Dương (Asia Pacific Center for Security Studies) ở Honolulu, Hawai, viết trên Twitter hôm 23/2.
Truyền thông Việt Nam hôm 27/2 cho biết Trần Lưu Quang đã lên đường tham dự và có bài phát biểu tại phiên họp cấp cao khóa 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) tại Geneva (Thụy Sĩ). Được biết, đây là chuyến công ngoại quốc đầu tiên của ông Quang trên cương vị mới.
Khi ông Thưởng lên nắm chức Chủ tịch nước, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đồng thời cũng là Phó ban Phòng chống Tham nhũng Trung ương, sẽ thay ông Thưởng giữ chức Thường Trực Ban Bí thư, cũng theo ông Vuving.
Tổng Trọng Không Còn Ngủ Yên! Đang Đau Đầu Bí Lối, Vì Những Điều Gì?
(Nguyễn Bá Bình)
Tóm lại, từ nay cho tới Hội nghị Trung ương bất thường đầu tháng Ba và Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng làm thế nào thiết kế được một “dàn Bộ tứ” – vừa theo đúng tính toán chi ly của ông, vừa khớp với “chiếu chỉ” của “thiên triều” – là cả một đại sự!
Như thế là hội nghị Trung ương đặc biệt và nhóm họp Quốc hội đặc biệt có thể phải lùi lại đến đầu tháng Ba. Tất nhiên, nguồn tin chưa thể kiểm chứng. Nhưng từ trước đến nay, đối với mọi tin đồn thì chỉ có một số ít là “tin vịt”. Còn đại đa số đều khớp như thế! Râm ran cả tuần nay, họp lần này là để “gắn mác” Ủy viên Bộ Chính trị cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Chủ tịch nước cho Võ Văn Thưởng.
Nói “gắn mác”, vì thực ra hai chuyện này đã được Bộ Chính trị quyết trong một cuộc họp bí mật cách đây cả tuần lễ có dư. Tuy nhiên, quá tình dàn xếp “chia lại ghế” từ sau Tết đến nay trên thượng tầng chính trị Ba Đình cho thấy, mọi việc không thật sự suôn sẻ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trù tính. Việc ông Trọng phải lấy quyết định, lại triệu tập một Hội nghị Trung ương đặc biệt nữa, và đây là lần thứ ba trong vòng ba tháng là cả một sự chẳng đừng. Bứng được Nguyễn Xuân Phúc như một hậu họa, nhưng sau sự kiện “tự nguyên xin thôi việc” của ông Chủ tịch nước, ai sẽ là tân Chủ tịch nước Việt Nam, hóa ra lại là vấn đề khá phức tạp.
Dư luận còn nhớ, ngày 17/1 năm nay, việc ông Chủ tịch nước “xin từ chức” về hưu khi đương nhiệm và việc hai ông Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Minh và Đam, bị “hạ bệ” là chưa có tiền lệ trong lịch sử ĐCSVN. Tuy nhiên, lý do không được công bố rõ ràng, chưa có quy chế về “chịu trách nhiệm chính trị”, khiến khoảng một phần ba số Uỷ viên trung ương của Ban Chấp hành khóa 13 và cũng với tỷ lệ như vậy, số Đại biểu Quốc hội khóa 15 đã không đồng ý tại các hội nghị được triệu tập một cách bất thường trước Tết âm lịch. Sự kiện này báo hiệu nhiều chuyển động bất ổn trên thượng tầng.
Trong nội bộ Trung ương và Quốc hội tỷ lệ đòi “hất Phúc” không cao là một chuyện. Đã thế dư luận còn chất vấn, nếu quy trách nhiệm do cấp dưới phạm sai lầm mà cấp trên phải về vườn thì mọi con mắt lại đổ dồn vào Tổng Bí thư, vì ông Trọng từng là Trưởng ban Nhân sự Đại hội 13 ĐCSVN. Tất cả những “thanh củi gộc” trước nay, từ Đinh La Thăng đến Phạm Bình Minh… tất cả đều đích thân do một tay ông chọn qua 5 bước – 7 bước. Dân chúng tại các quán café vỉa hè tưởng là không quan tâm đến chính trị, hóa ra không phải thế. Họ thì thào bàn tán, thậm chí nhiều nơi còn công khai truyền nhau câu sấm rất “hot” trong những ngày này.
Câu sấm truyền rằng: “Bỉnh chúc vô minh, Quang tự diệt/ Trọng Ngân bạc Phúc, Sản tất vong”. Giải nghĩa: ngọn đuốc (bỉnh chúc) mà không có nguồn sáng (vô minh), thì ánh sáng tự mất (Quang tự diệt). Ham hố tiền bạc (Trọng Ngân) nhưng không chịu tu nhân tích đức, khiến cho Phúc mỏng (bạc Phúc) thì của nả, tài sản rồi cũng biến hết. Tuy nhiên, ý nghĩa thâm thúy và sâu xa của câu sấm truyền lại được hiểu theo nghĩa khác: Trong “Bộ tứ cũ”, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Kim Ngân đã “rớt đài”. Nay thiên hạ chỉ mong Tổng Trọng sớm “ra đi” để chấm dứt toàn trị (Cộng sản tất vong), mọi chuyện lúc ấy mới đi vào yên ổn….
Hiện nay, một trong những câu chuyện đại sự với ông Trọng là làm thế nào để ngăn chặn một cách chắc chắn tình trạng “vỡ trận” trong các kỳ họp Trung ương đặc biệt, cũng như thường kỳ đầu tháng Ba và trong tháng Năm tới? Mặc dầu Bộ Chính trị ĐCSVN đã họp bàn và chọn được người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng trong cuộc họp cách đây một tuần, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chủ động xin rút lui, không nhận chức Chủ tịch nước. Lâm vẫn xin tiếp tục chức vụ Bộ trưởng Công an. Vì Tô Lâm biết rằng, nếu rời Bộ Công an thì ông ta chẳng khác nào “hổ về đồng bằng”, nhiều “tay thợ săn” đang chờ ông….
Nếu Võ Văn Thưởng là tân Chủ tịch nước Việt Nam thì Thưởng sẽ phục vụ ông Trọng trên cương vị thành viên thứ tư trong “Bộ tứ” cho đến khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2026. Nhưng cho tới lúc đó, dưới sức ép của công luận và ngay trong nội bộ Đảng, ông Trọng không thể không cho phép Bộ Công an sờ đến một số đệ tử ruột của mình – kẻ đứng đầu bảng hiện nay là Phụ tá Hồ Mẫu Ngoạt. Nếu chẳng may Ngoạt “rớt đài” thì chiếc ghế Tổng Bí thư thật khó an toàn. Hiền lành và “ngoan” như Thưởng làm thế nào có thể giúp ông chế ngự được các kẻ thù của Hồ Mẫu Ngoạt và Tô Lâm? Bao giờ thì có thể cho phép Bộ Công an giải quyết Hồ Mẫu Ngoạt?
Tóm lại, từ nay cho tới Hội nghị Trung ương bất thường đầu tháng Ba và Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng làm thế nào thiết kế được một “dàn Bộ tứ” – vừa theo đúng tính toán chi ly của ông, vừa khớp với “chiếu chỉ” của “thiên triều” – là cả một đại sự! Chiều hướng cho thấy bất ổn chính trị được cảnh báo, nguy cơ lớn dần, bởi người dân hoàn toàn “đứng ngoài cuộc”. Quan điểm “dân là gốc” vẫn chỉ là tuyên truyền, và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” – từng được là “điểm mới” trong Văn kiện Đại hội 13 cũng chỉ là khẩu hiệu, khi những nguyên tắc dân chủ không được thể chế hóa, và vì vậy không có cơ sở pháp lý, điều kiện để nhân dân thực thi.
Giáo Dục: Sợ Sinh Viên Học Sinh Nổi Loạn, CSVN Đưa Tòa Án Vào Học Đường Để Răn Đe! Cảnh Báo Về Điều 331 Bộ Luật Hình Sự Cho Học Sinh Trung Học Phổ Thông
(Hình: Phiên tòa giả định xét xử người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự tại trường Trung học Phổ thông Thủ Thiêm - thành phố Thủ Đức.)
- Hôm 27/2/2023, học sinh trường Trung học Phổ thông Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) dự một phiên tòa giả định xét xử những người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo truyền thông nhà nước, phiên tòa giả định được Ban chấp hành Chi đoàn Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Đức phối hợp với Trường Trung học Phổ thông Thủ Thiêm tổ chức, và được xác định là hoạt động thường niên giữa hai đơn vị nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh.
Thông tin về phiên tòa giả định này xuất hiện vào khi liên tục trong hai ngày 24 và 25 tháng 2, có ít nhất ba người bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc vi phạm Điều 331. Ngoài ra, nhóm năm Luật sư bào chữa cho các thành viên thuộc một cơ sở tu tại gia ở Long An là Tịnh Thất Bồng Lai hôm 25/2 cho biết họ cũng bị công an điều tra về tố cáo vi phạm Điều 331.
Điểm đáng chú ý là những người vừa bị bắt giam hoặc bị điều tra đều bị cáo buộc là có những phát biểu trên mạng xã hội bị xác định là vi phạm Điều 331.
Hai người bị bắt giam hôm 24 và 25/2 là nhà báo Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sĩ bị một cá nhân là bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo là đã sử dụng mạng xã hội đưa các thông tin xúc phạm, vu khống cá nhân.
Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị bắt giam vào ngày 24/3/2022 cũng với cáo buộc vi phạm Điều 331 vì các livestream bị xác định là xâm phạm đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân của những người khác.
Trong phiên tòa giả định dành cho học sinh, bị can được xác định là có hành vi phát tán nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các nhóm Facebook công khai như: “Hội người Việt Nam tại Đài Loan – TaiWan”; “Những người bạn của Đảng Dân chủ Tự do”;….
Các bài viết nêu trên thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục.
Các hành vi này bị cơ quan Công an giám định và xác định là đã vi phạm các Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản….
Theo báo Nhà nước, các em học sinh tham dự phiên tòa dù ở độ tuổi chưa thực sự trưởng thành nhưng đã tỏ ra rất am hiểu về tội danh này và trả lời chính xác các câu hỏi.
Điều 331 vốn được Chính phủ Việt Nam sử dụng để kết án những người bất đồng chính kiến và bị quốc tế chỉ trích là mơ hồ, cần được bỏ khỏi Bộ luật Hình sự.
Đưa Tòa Án Đấu Tố Nhân Dân Vào Học Đường: Học Sinh Ở Sài Gòn Phải Học Tập Xử Án Nặng Tội ‘Lợi Dụng Tự Do Dân Chủ!’
– Nhà cầm quyền CSVN tổ chức một phiên tòa giả định tại một trường trung học ở Sài Gòn xử vụ án cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nhằm đe dọa học sinh.
Nhiều báo tại Việt Nam ngày Thứ Hai 27 Tháng Hai đưa tin tòa án thành phố Thủ Đức, Sài Gòn, phối hợp với trường trung học phổ thông Thủ Thiêm “tổ chức một phiên tòa giả định, xử tội người bị cáo buộc vi phạm điều 331 Luật Hình Sự.”
(Hình: Phiên tòa giả định xử vụ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” tại Trường THPT Thủ Thiêm ngày 27 Tháng Hai, 2023.)
Hiến pháp CSVN điều 25 công nhận “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Nhưng lại buộc chặt lại khi viết là các quyền đó chỉ được thực hiện theo “quy định của pháp luật”. Từ đó, đẻ ra điều luật hình sự 331 kết án đến bảy năm tù những ai bị quy chụp cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Điều luật này cùng một số điều luật hình sự khác của CSVN bị Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là mơ hồ, giải thích thế nào cũng được, chỉ nhằm bỏ tù bất cứ ai bị vu cho tội “phản động,” “chống phá” chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.
Phiên tòa giả định tổ chức tại trường trung học phổ thông Thủ Thiêm có nội dung tương tự những vụ bắt bỏ tù nhiều người trước đây với cáo buộc vi phạm điều 331.
Bản án theo tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nhẹ hơn nhiều so với điều 88 là “tuyên truyền chống nhà nước…” với bản án có thể đến 20 năm tù. Hoặc theo điều 117 “làm, tàng trữ, phát tán hoặc thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống chế độ cũng bị tới 20 năm tù.
Phiên tòa giả định nhằm đe dọa giới thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội phát biểu những điều bị coi là “chống phá” chế độ được tổ chức chỉ vài ngày sau khi công an bắt giam nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gon Giải Phóng và một số người bị cáo buộc theo điều 331.
Bà Hàn Ni và bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội rồi cuối cùng cả hai đều bị bắt với cùng một tội danh.
Nhưng phiên tòa giả định đe nẹt học sinh Thủ Thiêm không “giả định” chuyện bôi bẩn lẫn nhau, dựng đứng những chuyện không có thật của đời tư cá nhân, mà là “tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước lên các hội nhóm trên Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục”.
(Hình: Học sinh trường THPT Thủ Thiêm theo dõi phiên tòa giả định.)
Nhà cầm quyền CSVN đại kỵ tất cả các loại thông tin phê phán, đụng chạm tới hình ảnh lãnh tụ, chính sách nhà nước. Khi những thứ này được nhiều người chuyền đi trên mạng xã hội, kèm theo những lời bình phẩm, chỉ trích, đều không được tha thứ, hoặc coi như sự phê bình trái chiều bình thường trong một xã hội dân chủ để bỏ qua. Nó phải dẫn tới đe nẹt, cấm đoán. Cấm đoán không được thì bỏ tù.
Phiên tòa giả định diễn tiến theo trình tự như đã từng diễn ra trong thực tế khi coi bị cáo là “nguy hiểm” vì “xâm phạm lợi ích” về chính trị, kinh tế của chế độ, vì cố ý lập đi lập lại trong một thời gian dài. Kết quả phiên tòa là kẻ bị lôi ra tòa bị kết án nhằm làm gương cho người khác sợ, không còn can đảm đòi hỏi tự do, nhân quyền gì cả. Luật sư biện hộ dù có giỏi đến đâu cũng không có tác dụng.
Không thấy có thống kê nào cho biết có bao nhiêu học sinh sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là bàn luận, trao đổi về các vấn đề thời sự. Có thể là ít nhưng phiên tòa giả định được tổ chức có vẻ như răn đe trước một khuynh hướng suy nghĩ của học sinh trước khi nó lan rộng.
Khủng Hoảng Y Tế Cả Nước: Ngành Y Gặp Khó hay Chất Lượng Quốc Gia Đang Xuống Cấp? Nhiều Bệnh Viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức….Có Nguy Cơ Đóng Cửa!
(Ảnh AFP, minh họa.)
-Tháng 9 năm 2022, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, thuốc giải độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.
Tháng 2 năm nay, Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết, do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất nên kể từ đầu tháng 3, bệnh viện hạn chế tối đa các ca mổ hẹn trước để ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu. Lên tiếng trên truyền thông nhà nước, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, dù bệnh viện đã cố gắng thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... đúng quy định pháp luật, nhưng một số hóa chất đã sắp hết vì vướng mắc trong việc đấu thầu.
Còn ở Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng loan tin đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để chữa trị cho bệnh nhân. Cả bệnh viện có sáu chiếc máy chụp CT scanner, nhưng năm chiếc đã hư chưa sửa được. Hiện chỉ còn một máy hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, giá gói thầu đang là vấn đề khó khăn nhất của bệnh viện. Nếu tiếp tục chờ đợi ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau theo quy định, chắc chắn bệnh viện sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất.
Lỗi Có Hệ Thống?
Nhìn nhận về vấn đề trên, Bác sĩ Đinh Đức Long, nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) quan điểm của ông trong sáng 27 tháng 2 năm 2023:
“Mình khẳng định rõ ràng đây là lỗi của cơ chế quản lý, lỗi của con người cụ thể. Tại sao trước đây có thuốc, có vật tư y tế, bây giờ không có?
Đây không phải lỗi do khách quan. Mà nói về ngành Y thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là tư lệnh ngành, tức Bộ trưởng Bộ Y tế. Tư lệnh ngành Y tế hiện nay không phải là người học ngành Y.
Còn cụ thể phải sửa như thế nào thì mình không phải người quản lý nên mình không biết cụ thể nó vướng chỗ nào. Nhưng để xảy ra như vậy thì Bộ trưởng Bộ Y tế phải là người chịu trách nhiệm.
Trong lịch sử chế độ Cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay, tất cả Bộ trưởng Y tế đều từ ngành Y ra. Đây là lần đầu tiên có một Bộ trưởng Y tế không biết gì về ngành Y, mà trong 100 ngày cầm quyền, tức là hơn ba tháng, là đủ để biết Bộ trưởng có thể tạo ra đột phá hay không, có làm được việc hay không. Chế độ độc tài có quyền lực tuyệt đối. Có quyền lực tuyệt đối mà không làm được việc thì lỗi tại mình. Không thể đổ lỗi cho ai được hết”.
Bộ trưởng Y tế Việt Nam hiện nay là bà Đào Hồng Lan, người chưa từng học ngành Y. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về việc không phải là người trong ngành Y, bà Đào Hồng Lan cho rằng: “Bản thân không xuất phát từ ngành Y, mọi việc đều rất mới, nhưng trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân nên mọi công việc sắp tới cũng rất mới”.
Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 25 tháng 2 năm 2023 đã ký công điện số 72 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đây không phải lần đầu ông Phạm Minh Chính lên tiếng về tình trạng này. Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng đã kêu gọi một giải pháp phù hợp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng đến nay, tình hình xem ra vẫn chưa được cải thiện.
Ách Tắc Do Cơ Chế?
(Hình minh họa.)
Một số chuyên gia y tế nhận định rằng, sở dĩ mọi chuyện bị “trì trệ” như vậy là do ông Chính chỉ nói mà không đưa giải pháp cụ thể nào cả.
Các chuyên gia cũng cho rằng điều cần làm ngay là Bộ Y tế phải cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà trong thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.
Bác sĩ Nguyễn Viện ở Sài Gòn nêu quan điểm của ông:
“Bây giờ hầu như các điểm khám bảo hiểm thì đều thiếu thuốc. Một số đồng nghiệp của tôi cho rằng, đây là do vấn đề đấu thầu thuốc gần đây có những cái quy định khắt khe hơn. Thuốc phải trong danh mục. Còn với y tế tư nhân thì người ta có thể mua tất cả các loại thuốc trên thị trường.
Bảo hiểm của nhà nước hay bệnh viện công thì gặp khó khăn sau hàng loạt vụ bê bối Việt Á, người ta sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tóm lại, theo tôi nghĩ, việc thiếu thuốc, thiếu vật tư là do cơ chế đấu thầu mà ra”.
Việt Á được coi là một đại án với hàng loạt cán bộ từ trung ương đến địa phương bị khởi tố, bị bắt giam, trong đó có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học & Kỹ thuật. Đại án này gây chấn động ngành Y tế và bị cho là tác nhân gây tâm lý sợ đấu thầu thuốc và thiết bị y tế. Chính điều đó dẫn tới hậu quả là bệnh nhân thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng.
Tháng 9 năm 2022, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết về vụ án Việt Á và cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Bài báo nêu ra một thực tế là vụ án này đã tác động mạnh đến tâm lý cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế vài tháng nay em chẳng làm gì cả”. Thực tế này đáng báo động. Vậy thực hư câu chuyện là gì? Đúng sai, phải trái ở đâu? Có ý kiến cho rằng, “Y tế và Giáo dục phản ánh chất lượng quốc gia”. Ngành Y đang bị quá nhiều scandal và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ khi hàng loạt sai phạm trong thi cử bị phanh phui.
Trở lại với ngành Y tế trong thời điểm “khó khăn” hiện nay, có thể thấy tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư không phải chỉ mới bắt đầu mà đã có nhiều tháng trước.
Tháng 11 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Truyền thông nhà nước dẫn lời Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy rằng: “Thực tế từ ngày 1-1-2022, khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay thì việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao...Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh”.
Một số người cho rằng, ngành Y tế đã trở lại “thời kỳ bao cấp” khi bệnh viện không có thuốc, không có máy chụp CT dù là bệnh viện lớn nhất, nhì thành phố lớn nhất nước như Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nghe Tin Xấu, Bệnh Nhân Đổ Xô Đi ‘Xin Đòi Mổ Ngay!’ Vì Biết Bệnh Viện Ở Hà Nội Thiếu Trầm Trọng Vật Tư Y Tế!
– Sáng 28 Tháng Hai, hàng trăm bệnh nhân chen lấn tại khu vực khám bệnh của bệnh viện Việt Đức để chờ đợi đến lượt, mong được xếp lịch mổ sớm vì lo sợ sẽ không kịp khi nơi này thông báo “hạn chế giải phẫu” do thiếu vật tư y tế, kể từ ngày 1 Tháng Ba.
Ngồi ở ghế đầu, ngay cửa phòng khám, bà Mai, 52 tuổi, quê Nam Định, thấp thỏm chờ bác sĩ gọi đến lượt. Bà bị thoái hóa gối, gần đây đau nhiều, do công việc buôn bán bận rộn nên vẫn trì hoãn mổ.
(Hình: Bệnh nhân chờ khám tại Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình bệnh viện Việt Đức hôm 28 Tháng Hai.)
“Nghe thông tin bệnh viện chuẩn bị hạn chế mổ, tôi phải đóng cửa quán để lên Hà Nội ngay tranh thủ khám, xin bác sĩ xếp lịch sớm xem sao,” bà Mai lo lắng nói với báo VNExpress.
Cạnh bà Mai, ông Đoan, quê Phú Thọ, bị tiêu chỏm xương đùi phải ngồi xe lăn. Trước khi đến viện, ông đã tham khảo ý kiến của bác sĩ quen và biết bệnh của ông chắc chắn phải giải phẫu. Chưa kịp đến Việt Đức thì nghe tin “hạn chế,” ông tức tốc đi khám ngay với hy vọng được lên lịch trong một, hai hôm nữa.
“Bệnh viện thông báo chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, trường hợp của tôi không rõ có được ưu tiên không. Nếu phải chờ thì bệnh của tôi chuyển nặng mất,” ông Đoan lo lắng nói.
Tại khu khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hay khu cột sống, các bệnh nhân đều chung tâm lý lo lắng “không được mổ.”
Chị Hằng, 35 tuổi, đưa mẹ từ tỉnh Nghệ An ra khám cột sống, đã chuẩn bị đủ tư trang sẵn sàng, song bác sĩ nói “muốn mổ phải chờ, nếu muốn sớm có thể sang bệnh viện khác.”
“Mẹ tôi đã có chỉ định giải phẫu nhưng lịch của bệnh viện đã kín, chưa biết ngày nào đến lượt. Hai mẹ con tôi chắc lại khăn gói về quê, đành chờ đợi,” chị Hằng cho biết.
Nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng bình thường đi khám, có chỉ định mổ thì cũng phải chờ trung bình một tuần. Nay, bệnh viện còn hạn chế thì không biết đến khi nào mới đến lượt.
Một bác sĩ không muốn nêu tên, cho biết “buồn vì điều chưa bao giờ xảy ra là bệnh viện phải hạn chế lịch mổ theo kế hoạch để dồn vật tư y tế cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu.”
“Cả trăm bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối Tháng Ba tới. Giờ tất cả phải hoãn lại,” một bác sĩ khác cho biết và bày tỏ sự ái ngại khi gọi điện thoại báo cho những bệnh nhân của mình hoãn nhập viện.
Nhiều bác sĩ cũng cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi đầy lo lắng từ người nhà bệnh nhân, như “bố đau quá rồi, chờ lâu quá rồi;” “chờ mổ lâu thế có sao không bác sĩ…”
Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y Tế Việt Nam, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2022 đến nay, bệnh viện này thực hiện hơn 79,000 ca mổ. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 2,000 bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ giải phẫu.
Trước tình trạng thiếu vật tư, hóa chất và bệnh viện ưu tiên cho mổ cấp cứu như trên, Giáo Sư Trần Bình Giang, giám đốc bệnh viện Việt Đức, nhìn nhận khi bệnh viện hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất thì rõ ràng người bệnh quá thiệt thòi, phải chờ đợi lịch mổ.
“Nhưng chúng tôi không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể giải phẫu bằng mồm,” ông Giang nói, và thêm rằng đang chờ chính phủ giải quyết để có vật tư, tiếp tục tiến hành các ca mổ như bình thường.
(Hình: Nhiều bệnh nhân lo sợ sẽ không được giải phẫu chữa bệnh.)
Trường hợp bệnh nhân vẫn đến khám và yêu cầu mổ, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu về tình hình của bệnh viện. Nếu bệnh nhân chấp nhận chờ, bệnh viện sẽ xếp lịch khi có hóa chất, vật tư y tế.
“Bệnh viện cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người,” ông Giang nói thêm.
Kinh Tế Việt Nam Tê Liệt! Nhà Cầm Quyền CS Đổ Lỗi Vì Thị Trường Thế Giới!
– Hoạt động sản xuất kỹ nghệ và xuất nhập cảng của Việt Nam chậm lại theo tình hình tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới.
Tổng Cục Thống Kê trực thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam công bố ngày Thứ Ba, 28 Tháng Hai, bản báo cáo định kỳ hằng tháng về các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy cho hay sản xuất công nghiệp Tháng Hai gia tăng so với Tháng Giêng, nhưng cộng cả hai tháng vẫn thấp hơn cùng thời kỳ này năm ngoái.
(Hình: Thùng hàng hóa chuẩn bị đưa xuống tàu xuất cảng từ Hải Phòng.)
“Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) Tháng Hai ước tính tăng 5.1% so với tháng trước và tăng 3.6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6.3% so với cùng kỳ năm trước,” bản báo cáo của Tổng Cục Thống Kê viết. Cuộc chiến kéo dài tại Ukraine ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu dùng khắp nơi.
Do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường khách hàng chậm lại, Tổng Cục Thống Kê cho hay gộp chung cả hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất cảng chỉ được $49.44 tỷ, giảm 10.4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Trong đó, hàng công nghiệp chế biến chiếm đến 89.8%. Cũng vì xuất cảng giảm, nhập cảng nguyên vật liệu và phụ kiện để sản xuất xuất cảng cũng giảm theo 16% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.
Theo hãng tin Reuters, các loại điện thoại thông minh mà giới đầu tư ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam giảm sản lượng gần 10% trong khi sản xuất các bộ phận rời cho điện thoại giảm gần 15%. Tuy nhiên điện thoại thông minh xuất cảng vẫn gia tăng 14.7% nhiều phần nhờ các nhà sản xuất hạ thấp hàng tồn kho trong Tháng Hai.
Sản xuất giày dép gia tăng gần 19% trong Tháng Hai và xuất cảng tăng 4.1% sau khi đã giảm mạnh trong Tháng Giêng. Nói chung, cộng cả hai tháng lại thì xuất cảng giày dép đã giảm mất 16% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Công ty Pou Chen của Đài Loan, nhà thầu cung cấp giày dép cho các công ty Adidas, Nike, dự trù sa thải tới 6,000 công nhân tại Việt Nam từ nay tới cuối năm vì nhu cầu thế giới giảm.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập cảng nguyên liệu và phụ kiện chính yếu phục vụ sản xuất xuất cảng của Việt Nam.
Tổng Cục Thống Kê cho hay hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ số lượng hàng hóa trị giá $13.1 tỷ, trong khi nhập cảng từ Trung Quốc $14.6 tỷ. Dù vậy, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại được $2.3 tỷ.
(Hình: Gian hàng quảng cáo vận động đầu tư chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử Việt Nam tổ chức ở Las Vegas, Nevada, hồi Tháng Giêng.)
Thứ Sáu tuần trước, hãng tin tài chính Nikkei của Nhật Bản tường thuật môt cuộc họp ở Sài Gòn nói rằng có đến 59% các doanh nghiệp kêu ca luật lệ và thủ tục hải quan cồng kềnh cùng với nạn vòi vĩnh hối lộ đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi cần phải thông quan hàng hóa. Điều này vừa mất thêm nhiều thời gian, vừa gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất và xuất cảng.
Các loại “phí không chính thức,” một cách nói tránh vòi vĩnh hối lộ, tại hải quan từng được đề cập suốt bao nhiêu năm qua đến nay vẫn còn nguyên. Thỉnh thoảng, một vài viên chức hải quan bị lôi ra tòa chỉ là “các đồng chí bị lộ.”
Khan Hiếm Xăng Dầu Khắp Nơi: Giới Bán, Không Chịu Bán, Vì Kẹt Chính Sách ‘Định Hướng Thị Trường!’
– Bắt mở cửa bán xăng dù người ta lỗ vốn, chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn chưa chịu cởi trói ngay cho giới bán lẻ.
Các báo tại Việt Nam đưa tin tại cuộc họp ở Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam ngày 28 Tháng Hai, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính “giải trình” về tình hình thị trường xăng dầu khủng hoảng mấy tháng vừa qua và các biện pháp cần phải thi hành để đối phó.
(Hình: Dân Hà Nội chầu chực đổ xăng khi nghe tin xăng sắp tăng giá.)
Ngoài các bộ ngành của chính phủ tại cuộc họp, còn có sự hiện diện và phát biểu của một số chuyên viên kinh tế cũng như giới kinh doanh xăng dầu trong nước. Hầu hết các báo đưa tin theo kiểu có chuyện đó xảy ra nhưng không cho người đọc biết cái người ta cần biết nhất.
Giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu, tức các cây xăng, lâu nay bị ép phải bán lỗ nhưng không được đóng cửa, họ được giải quyết thế nào để tránh khủng hoảng thị trường tiêu thụ kéo dài, thì các báo đều không nói. Chỉ có một báo duy nhất là VNExpress đưa tin “Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục đòi chiết khấu.”
Một cách đơn giản, “chiết khấu” là nhóm từ chỉ tỉ lệ giảm giá từ công ty bán sỉ cho công ty bán lẻ, nhờ đó, khi bán hàng ra họ còn tí tiền lời để kinh doanh. Những tháng gần đây, giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu bị các công ty bán sỉ bán hàng cho với “chiết khấu bằng không.”
Vì giá bán sỉ cũng như giá bán lẻ đều do nhà nước ấn định, chủ cây xăng khi bán ra, như vậy, phải tự nuốt tất cả mọi tốn kém từ lương nhân viên, tiền thuê nhà, đất, hao hụt bốc hơi, trả lãi ngân hàng… nói gì tới tiền lời dư ra cho kẻ kinh doanh. Theo lời kêu rên của giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong cuộc họp ở Quốc Hội, họ đã bị lỗ tổng cộng khoảng 3,000 tỷ đồng ($126.2 triệu) đến 4,000 tỷ đồng ($168.3 triệu) hơn một năm qua.
Đó là hệ quả từ “cơ chế điều hành thị trường không phù hợp,” theo bản tin VNExpress. Cơ quan nắm “cơ chế điều hành” thị trường xăng dầu tại Việt Nam lâu nay là hai bộ Công Thương và Tài Chính phối hợp. Giới kinh doanh xăng dầu đã nhiều lần yêu cầu sửa đổi chính sách lỗi thời gây ra cuộc khủng hoảng, kêu gọi phải giải quyết ngay nhưng tới nay vẫn chưa thấy.
Giá nhập cảng và sản xuất xăng dầu tại Việt Nam lên xuống theo thị trường thế giới từng ngày, nhưng lối điều hành “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo định kỳ, nhanh nhất là sau 10 ngày mới điều chỉnh. Thêm nữa, nhà nhập cảng hay công ty bán sỉ lại có quyền cho nhà bản lẻ bao nhiêu phần trăm “chiết khấu” nên chẳng còn gì cho nhà bán lẻ, đẩy họ vào chỗ chết.
(Hình: Chính sách “định hướng” trái thị trường tạo ra nạn khan hiếm xăng bất thường.)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, cựu viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, dịp này thúc giục “cơ quan quản lý xăng dầu cần giải quyết ngay bất cập trước mắt là đưa ra giải pháp để hệ thống bán lẻ không lỗ.” Theo ông, “bán lẻ là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu, nên phải duy trì, phát triển chứ đừng để mắt xích này hao mòn.”
Rất nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán vì không chịu được lỗ vốn mãi, đã bị phạt và bị dọa rút giấy phép kinh doanh. Theo Dân Trí tường thuật, cuộc họp ở Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội không hề thấy hai bộ Công Thương và Tài Chính trả lời thẳng cho giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu về cái kẹt của họ.
Chỉ thấy “lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài Chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.” (TN) [qd]
Rất Ít Khi Thấy: Tuần Hành ‘Sát Cánh Với Ukraine’ Diễn Ra ở Hà Nội!
(Ảnh: Thành viên ngoại giao đoàn tham gia cuộc tuần hành ở Hà Nội.)
-Một cuộc tuần hành ‘Sát cánh với Ukraine’ để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này đã diễn ra ở Hà Nội hôm 25/2 để đánh dấu tròn một năm Nga xua quân vào xâm lược Ukraine, Tòa Ðại sứ Ukraine ở Việt Nam cho biết.
Cuộc tuần hành chủ yếu có sự tham gia của các vị Ðại sứ, đại diện ngoại giao và cộng đồng kiều dân các nước Âu Châu và các nước phương Tây, cộng đồng Ukraine ở Việt Nam và một vài người Việt Nam ủng hộ Ukraine.
Hình ảnh được Tòa Ðại sứ Ukraine đăng tải trên Facebook cho thấy khoảng hơn một trăm người đã xuống đường mang theo quốc kỳ Ukraine và các nước phương Tây và biểu ngữ ‘Stand with Ukraine’, tức ‘Sát cánh với Ukraine’, đi quanh hồ Gươm và các đường phố ở trung tâm Hà Nội.
Đại sứ Ukraine tại Hà Nội, ông Oleksandr Gaman, cũng được thấy tham gia vào cuộc tuần hành. Cuộc tuần hành diễn ra suôn sẻ mà không gặp cản trở gì từ công an hay những kẻ phá rối.
Dưới phần bình luận, một số người Việt Nam bày tỏ tiếc nuối vì không biết trước để tham dự cuộc tuần hành hay mong mỏi có sự kiện tương tự ở Tp. HCM để họ có thể tham gia. Nhiều người cũng gửi lời chúc và cổ vũ người dân Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột
Tuy nhiên, cũng có người cho biết một số công dân Nga ở Vũng Tàu phản đối cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã xuống đường giương biểu ngữ lên án cuộc chiến nhưng đã bị công an đến tịch thu biểu ngữ và nói rằng ‘những hành động như vậy là bị tuyệt đối cấm ở Việt Nam’.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA mới đây, ông Gaman nói rằng ông mong ‘Việt Nam đứng về phía chính nghĩa’ trong cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ các nước Âu Châu lâu nay cũng vận động Hà Nội từ bỏ lập trường thân Nga trong cuộc chiến nhưng bất thành.
Trước đó, vào tối ngày 24/2, Tòa Ðại sứ Cộng hòa Czech ở Hà Nội cũng đã tổ chức buổi chiếu phim tài liệu ‘Mariupol – Niềm hy vọng không tắt’ để cho thấy thực tế tàn khốc ở thành phố từng bị quân Nga bao vây.
Bên cạnh các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, buổi trình chiếu còn có sự tham gia của khán giả Việt Nam, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. “Con số vượt quá mong đợi của chúng tôi”, Tòa Ðại sứ Ukraine viết trên Facebook.
“Sau khi phim kết thúc, có một sự im lặng tuyệt đối và thật khó di chuyển trong vài phút”, Tòa Ðại sứ Ukraine cho biết
Cả Nước Tham Nhũng: Hà Nội, Lại Thêm 18 Lãnh Đạo và Nhân Viên Đăng Kiểm Bị Tạm Giam Vì Nghi Ngờ “Nhận Hối Lộ”
(Hình: Công an huyện Gia Lâm tống đạt quyết định tạm giữ hình sự đối với các nghi phạm)
- Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) hôm 27/2/2023 vừa quyết định tạm giữ 18 người là lãnh đạo và nhân viên của 2 trung tâm đăng kiểm để điều tra cáo buộc “Nhận hối lộ”.
Truyền thông nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an huyện Gia Lâm cho biết những người bị bắt thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V đóng trên địa bàn.
Trong số những người bị tạm giam có ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, và ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V.
Công an huyện Gia Lâm xác định từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022, ông Thắng đã chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền để bỏ qua lỗi. Mỗi ngày, ông Thắng được chia từ 200.000-500.000 đồng, tùy theo thu được ít hay nhiều.
Trong khoảng thời gian trên, số tiền thu bất chính khoảng 500 - 600 triệu đồng. Trong đó, ông Thắng được chia khoảng 90 triệu đồng, mỗi đăng kiểm viên được khoảng 50 triệu đồng và nhân viên văn phòng được chia khoảng 20 triệu đồng.
Tại Trung tâm đăng kiểm 29-02S, công an xác định từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022, ông Tâm là đăng kiểm viên đã nhận chỉ đạo của cấp trên để cùng đồng nghiệp nhận tiền của các lái xe hơi đến đăng kiểm để bỏ qua lỗi.
Số tiền nhận trái quy định được tập hợp sau đó chia nhau theo tỷ lệ. Trong đó, ông Tâm đút túi khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Ông Tâm bị xác định là đã được chia tổng cộng khoảng 130 triệu đồng trong khoảng thời gian này.
Đầu năm 2023, ông Tâm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-02S, đã chỉ đạo dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ các chủ xe vì biết công an đang điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo thống kê của Bộ Công an, sau 3 tháng, cơ quan điều tra ở 23 tỉnh, thành phố đã khám xét hơn 50 trung tâm đăng kiểm, khởi tố khoảng 300 bị can với các cáo buộc liên quan đến các tội “Hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu người làm việc, đồng thời cảnh báo tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm trong tháng 4.
Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho báo chí biết, thời gian qua nhiều đăng kiểm viên không dám đi làm, đổ bệnh vì quá mệt mỏi áp lực. Thậm chí, tại các đơn vị đăng kiểm của Cục có 7-8 người tự ý nghỉ việc và nhiều người khác làm đơn xin nghỉ đang chờ được giải quyết.
Từ Chuyện Khủng Hoảng Y Tế: Nhân Sự Theo Quy Trình; và Khốn Khổ, Chết Đúng... Quy Trình!
(Trân Văn)
(Hình: Xây dựng bệnh viện cho dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”.)
Do bà Nhàn có công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ ơn”.
Phần 1
Gần như hoạt động của toàn bộ các bệnh viện lớn nhất tại Việt Nam đều đã chuyển từ trạng thái bình thường sang cầm chừng. Tuy tất cả các cơ sở y tế bất kể quy mô đều thiếu đủ thứ (dược phẩm, hóa chất, trang bị, thiết bị,...) để có thể khám bệnh, chữa bệnh là hết sức bất thường, nhưng việc các điểm tựa cuối cùng cho sức khỏe, tính mạng của những người đang “thập tử, nhất sinh” như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. HCM),... cũng thiếu đủ thứ khiến bệnh nhân và thân nhân nếu không muốn chết mòn thì phải tự di chuyển nhiều nơi để tìm mua thuốc, tìm mua vật dụng y tế, hoặc làm các xét nghiệm,... rồi giao lại cho Bác sĩ của họ chẩn đoán, xác định cách thức điều trị ... rõ ràng là không thể tưởng tượng được!
27 tháng 2 hàng năm là Ngày Thấy thuốc Việt Nam và năm nay, vào dịp này, các nhân viên y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế chỉ đề cập đến một chuyện, không chỉ ngành y tế mà những người Việt cần được khám bệnh, chữa bệnh đều đang ngắc ngoải. Hôm 23/2/2023, Cổng Thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm nhân dịp 27 tháng 2 nhưng chủ đề lại là “Ngành y vượt khó”. Ở cuộc tọa đàm ấy, Bác sĩ Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh việt Việt Đức - cảnh báo: Tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến mua sắm y tế, các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được nữa!
Tương tự, khi đón ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư BCH Trung ương đảng kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của BCH Trung ương đảng đến tặng hoa, chúc mừng nhân Ngày Thấy thuốc Việt Nam, giống như các đồng nghiệp trên toàn quốc, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – dành phần lớn thời gian để trình bày về những bất cập của quy định hiện hành: Muốn mua sắm thì phải tổ chức đấu thầu. Muốn xét chọn thầu thì phải có ba bảng chào giá nhưng trên thực tế, tỉ lệ gói thầu có đủ ba bảng chào giá chỉ chừng 30% đến 40%. Có thể vì biết yêu cầu đó khó khả thi nên Bộ Tài chánh hướng dẫn thêm rằng nếu không đủ ba bảng chào giá thì có thể thẩm định giá kê khai nhưng trên thực tế, không có cơ quan hữu trách nào thẩm định giá kê khai có đúng hay không.... Vì vậy mua sắm trong ngành y tế rất nhiều rủi ro vì rất dễ trở thành “cố ý làm trái”....
Thiết bị kỹ thuật cao rất đa dạng. Chẳng hạn máy chụp cắt lớp (Computed tomography – CT) có hàng trăm loại, mỗi loại có độ phân giải, chức năng khác nhau. Do đặc điểm, các bệnh viện cấp tỉnh có thể chỉ cần mua máy CT 64 lát cắt nhưng những bệnh viện “tuyến cuối” cần phải loại 258 hay 512 lát cắt.... Do đó, cũng là máy CT nhưng giá rất khác nhau và rất dễ bị buộc phải giải trình, dễ gặp rắc rối. Theo Bác sĩ Thức, Bệnh viện Chợ Rẫy cần thiết bị đặt stent mạch vành nhưng không đủ ba bảng chào giá cho gói thầu này nên có thể chỉ tiến hành đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, những trường hợp khác sẽ phải chờ.... Vào lúc này, 3/5 máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy bị hư nhưng thiếu ba bảng chào giá nên không thể sửa chữa hay mua máy mới để thay thế. Tình trạng tương tự là máy siêu âm, 10/35 máy đã hư....
Thiếu trang bị, thiết bị, nhân viên y tế phải làm thêm giờ (có khoa như Xạ trị phải làm từ 6 giờ sáng hôm nay đến rạng sáng hôm sau), căng thẳng hơn, cực nhọc hơn nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng ngại nhất. Điều đáng ngại nhất là bệnh nhân lãnh đủ. Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu phải đi nơi khác để được chụp, chiếu rồi mang kết quả về Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bác sĩ chẩn đoán. Trước, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám – điều trị cho khoảng 6.000 bệnh nhân ngoại trú, nay - con số này chỉ còn... 2.000! Báo điện tử VietNamNet mới giới thiệu một phóng sự ảnh về Bệnh viện Chợ Rẫy và gọi đó là... “cảnh tượng chưa từng thấy”: Hàng loạt thiết bị kỹ thuật cao hư hỏng, bất khiển dụng nhưng không thể mua sắm, sửa chữa nên bệnh viện “tuyến cuối” cho cả khu vực Tây Nam, Đông Nam của miền Nam vốn nổi tiếng đông đúc, giờ thưa vắng khác thường.
***
Giống như nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực y tế tại Việt Nam cũng có đủ loại scandal liên quan đến đầu tư hạ tầng, mua sắm dược phẩm, trang bị, thiết bị,.... Giống như nhiều lĩnh vực khác, tham nhũng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam cũng là vấn nạn trầm kha đã vài thập niên. Nỗ lực chấn chỉnh bằng việc đặt ra đủ loại quy định, soạn lập quy trình, rồi thanh tra, điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự như đã thấy trong vài năm gần đây đối với lĩnh vực y tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung không những không khả quan mà còn cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã mục ruỗng đến mức vô phương cứu vãn! Dựa trên những gì đã biết, không thể chỉ xem yêu cầu ba bảng chào giá đang gieo vạ cho cả y giới lẫn dân chúng là biểu hiện của bất trí, trong nhiều trường hợp, sự vô lý đến mức không thể lý giải vì sao chính là đặt bẫy để kiếm lợi....
Đầu tháng trước, Tòa án thành phố Hà Nội công bố hình phạt đối với 36 bị cáo dính líu tới vụ giao cho Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) 16 gói thầu trong Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ (5). Diễn biến của phiên xử kéo dài gần hai tuần này bộc lộ một điều mà không cá nhân hay cơ quan hữu trách nào ở Việt Nam chịu thừa nhận: Chính quy định, quy trình là bà đỡ vụ án này. Xây dựng bệnh viện cho dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ để làm “vỏ” Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các thiết bị y tế).
Do bà Nhàn có công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ ơn”. Trước tòa, ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để kể về dự án xây bệnh viện đa khoa cho tỉnh bị thiếu vốn và nhờ bà Nhàn “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương. Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết” (6). Hệ thống Tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) chỉ ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng... không nói gì thêm!
Tin rất Đáng Chú Ý! Bộ Năng Lượng Mỹ Khẳng Định: Virus Corona Rò Rỉ Từ Phòng Thí Nghiệm ở Trung Quốc!
- Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các phòng thí nghiệm sinh học, cho rằng một sự việc rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc rất có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19, theo các kết luận mới mà truyền thông Mỹ tiết lộ hôm 26/2/2023.
Theo các nguồn tin ẩn danh được The Wall Street Journal, The New York Times và CNN trích dẫn, một số yếu tố tình báo mới đã khiến phân tích của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nghiêng về giả thuyết có sự rò rỉ virus corona từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Theo nhật báo kinh tế Mỹ, Bộ Năng lượng đã phối hợp cùng FBI, nhận định đại dịch phát sinh hồi đầu năm 2020, cướp đi sinh mạng của gần 7 triệu người và làm chao đảo hoạt động của thế giới trong suốt nhiều tháng, là kết quả của sự vận hành kém cỏi trong một cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các báo nhấn mạnh rằng phân tích mới này được công bố “với mức độ tin cậy thấp” của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, trong cuộc họp báo thường nhật hôm 27/2, chỉ trích những cáo buộc mới của Mỹ làm “vấy bẩn” Trung Quốc.
Thông tấn xã AFP nhắc lại là cho đến nay các cơ quan tình báo Mỹ vẫn có những kết luận theo các chiều hướng khác nhau. Theo Wall Street Journal, bốn cơ quan tình báo khác của Mỹ tin rằng Covid-19 xảy ra do lây nhiễm tự nhiên và hai cơ quan tình báo khác vẫn chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng. Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, Jake Sullivan, nói với CNN hôm Chủ Nhật: “Tại thời điểm này, vẫn chưa có phản hồi dứt điểm nào từ cộng đồng tình báo về vấn đề này”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào giữa tháng 2/2023, kiên quyết bác bỏ thông tin cho rằng WHO đã ngừng điều tra. Người đứng đầu định chế này cam kết sẽ làm mọi điều để có “câu trả lời” về nguồn gốc của Covid-19. Giới khoa học cho đến nay, vẫn khẳng định việc biết được nguồn gốc đại dịch là rất quan trọng, để có thể phòng chống đại dịch tốt hơn, thậm chí cho phép tránh để xảy ra một đại dịch mới.
Đói Trước Mắt, Mà Vẫn Còn Đòi Đe Dọa Cả Thế Giới! Bắc Hàn Họp Gấp Về Nông Nghiệp, Trong Bối Cảnh Khan Hiếm Lương Thực Trầm Trọng!
- Theo báo chí chính thức của Cộng sản Bắc Hàn, hôm 27/2/2023, lãnh đạo Kim Jong Un đã mở một cuộc họp quan trọng của đảng Lao Động Triều Tiên về phát triển nông nghiệp, trong bối cảnh mà, theo Hán Thành, quốc gia bị cô lập này đang gặp tình trạng khan hiếm lương thực.
Theo hãng tin AFP, bình thường, cuộc họp toàn thể các cán bộ cao cấp của đảng Lao Động Triều Tiên chỉ được triệu tập một hoặc hai lần mỗi năm, nhưng cuộc họp hôm qua lại diễn ra chỉ hai tháng sau cuộc họp trước, cũng bàn về các vấn đề nông nghiệp. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Nicolas Rocca của Đài RFI tường trình:
Đây là một nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp”. Khẳng định này của Rodong Sinmun, nhật báo chính thức của đảng Lao Động Triều Tiên, là lời thú nhận chính quyền Bình Nhưỡng rất lo ngại về tình hình hiện nay.
Đang có rất nhiều lời đồn đoán về tình hình an ninh lương thực của 25 triệu dân Bắc Hàn vào lúc mà khối lượng nhập cảng đã giảm sút mạnh trong ba năm mà Bắc Hàn bị cô lập.
Nhà nghiên cứu Peter Ward của Đại học Kookmin, một chuyên gia về kinh tế Bắc Hàn, cho biết: “ Không chỉ sản xuất gặp tình trạng thiếu phân bón và thuốc trừ sâu nhập từ ngoại quốc, mà thị trường nông phẩm còn bị thiếu nguồn nhập cảng. Thu nhập của người lao động thì bị giảm rất nhiều do các vấn đề kinh tế liên quan đến việc đóng cửa các biên giới Bắc Hàn”.
Để giải quyết khủng hoảng, Kim Jong Un yêu cầu các nông gia phải thi hành một cách hệ thống hơn các chỉ thị của Nhà nước. Nhưng theo chuyên gia Peter Ward, ở Bắc Hàn còn có một nền nông nghiệp không chính thức:
“Người dân đã tìm được cách để sống mà không cần lương thực nhập cảng. Có cả một nền nông nghiệp ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Người dân trồng rau quả trong vườn hoặc trên các sườn đồi. Nhà nước đã ban hành lệnh cấm, nhưng không thể bảo đảm được việc tuân thủ”.
Rất khó mà biết được chính xác tình hình an ninh lương thực hiện nay ở Bắc Hàn, cho dù chắc chắn là tình hình ở miền nông thôn khó khăn hơn. Vào năm 2022, Chương trình Lương thực Thế giới đã thẩm định là 40% dân số Bắc Hàn bị thiếu
Chiến Tranh Ukraine Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Các Nước Độc Tài, Chuyên Quyền
(Chi Phương)
-Sau một năm Nga xâm lược Ukraine, tác động của cuộc chiến đối với các nước theo chế độ chuyên quyền, Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Hàn, như thế nào?
Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) xin trích dịch, giới thiệu bài phân tích của Raymond Kuo, nhà nghiên cứu về chính trị tại viện tư vấn RAND Corporation, tác giả của cuốn “Following the Leader” (2021) and “Contests of Initiative” (2021).Bài đăng trên trang The Diplomat ngày 21/2/2023.
Chiến tranh Ukraine có củng cố quyền lực cho các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn hay không?
Tôi không nghĩ rằng cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine, củng cố quyền lực cho các nước chuyên quyền. Nếu có tác động nào, thì cuộc chiến này đã làm nổi bật mức độ nguy hiểm của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, độc tài. Các chế độ lãnh đạo bởi các cá nhân độc tài như chế độ của Putin, thường bị bao phủ bởi sự thiếu thông tin và lối tư duy tập thể (groupthink), dẫn đến việc chính sách đối ngoại dễ thay đổi và xung đột quốc tế. Hành động của Nga đã làm suy giảm sức hấp dẫn của hình thái chính phủ chuyên chế, cũng như là uy tín và vị thế toàn cầu của Mạc Tư Khoa.
Sự kháng cự của Ukraine đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. Mạc Tư Khoa là một trong những nhà xuất cảng vũ khí hàng đầu nhưng nay lại cần những vũ khí đó cho lực lượng của mình. Điều này đã hạn chế một trong những công cụ ngoại giao chính của Nga và hiệu quả yếu kém của các loại vũ khí đó trên chiến trường đã khiến Ấn Độ hủy bỏ việc mua máy bay trực thăng Ka-3.
Những hành động của 4 quốc gia Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Hàn đã làm tổn hại an ninh toàn cầu như thế nào?
Chiến tranh đã cho thấy là trật tự an ninh toàn cầu mong manh đến mức nào, thôi thúc các nước Âu Châu và Á Châu tăng cường quốc phòng và siết chặt các liên minh. Đáng chú ý là những đối tác lớn của Hoa Kỳ: Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nam Hàn, Úc Ðại Lợi, … đã gia tăng hợp tác chính sách để đối phó lại với Nga và Trung Quốc, gợi mở ra mối quan tâm lớn hơn đối với an ninh toàn cầu, bởi vì chế độ Nga và Trung Quốc - hai thách thức nổi bật nhất.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một hạn chế về mức độ áp dụng và hữu íchkhi xem xét dưới góc độ chế độ dân chủ so với chế độ chuyên quyền để hiểu tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Trong khi có ít nghi ngờ về cấu trúc chính trị trong chính sách của nước Nga, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định tiến hành cuộc chiến của Putin, việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ dường như đã kích động phản ứng toàn cầu, chứ không nhất thiết là phải do mô hình chế độ.
Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hầu hết đều đã bỏ phiếu lên án hành động xâm lược của Nga và việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Có thể thấy một sự đa dạng về chế độ của các nước đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết này: dân chủ, quân chủ chuyên chế, đảng cầm quyền chuyên chế,…Đúng là những nước đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu phản đối những Nghị quyết đó hầu như là các nước độc tài.
Nhưng các nước này cũng có xu hướng trở thành những nước bị tẩy chay, cô lập, vì vậy chủ nghĩa xét lại, chứ không phải mô hình chế độ, là động cơ khiến họ có lập trường như vậy.
Lãnh đạo của các nước này sử dụng chiến tranh Ukraine để thúc đẩy kế hoạch hành động của họ như thế nào?
Chiến tranh đã thắt chặt quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn. Mạc Tư Khoa đã mua vũ khí từ Iran và Bắc Hàn và khai triển ở Ukraine. Bình Nhưỡng đã ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, ví dụ như bỏ phiếu phản đối hai Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như đã nêu ở trên. Bắc Kinh cũng hỗ trợ Matcơva về mặt ngoại giao và đặc biệt là đã làm suy yếu các trừng phạt Nga từ Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản.
Hơn nữa cũng dễ hiểu là việc Hoa Thịnh Ðốn dồn mối quan tâm vào Âu Châu và Đông Á đã tạo ra một mối lo ngại ở các khu vực khác về mức độ ưu tiên của các vùng này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc, gia tăng quan hệ, ví dụ với Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GGC).
Bốn quốc gia Iran, Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga đã thống nhất đổ lỗi chiến tranh xảy ra (ít nhất là một phần) là do sự bành trướng của Hoa Kỳ và NATO. Lập luận này có thể đã tạo chút tiếng vang ở Mỹ Châu La Tinh và Phi Châu. Tuy nhiên đại đa số các quốc gia trong số 28 nước ủng hộ Ukraine, mặc dù thậm chí có nhiều nước hơn, muốn đứng ngoài cuộc chiến.
Điều này có thể chỉ ra một hạn chế quan trọng đối với khả năng của các nước chuyên chế. Có một mối lo ngại và chính đáng về các chiến dịch xuyên tạc thông tin của 4 nước này. Tuy nhiên lý do Nga xâm lược Ukraine thường không được chấp nhận. Các quốc gia này có thể đạt được hiệu quả, làm trầm trọng thêm các chia rẽ vốn có giữa các phe phái trong một nền Dân chủ mà họ nhắm tới. Nhưng cả bốn nước này đều gặp khó khăn trong việc thúc đẩy và kiểm soát các thông tin “tích cực” của chính các nước này. Điều này phản ánh hạn chế trong quyền lực mềm của 4 nước.
Hoạt động của các nước chuyên quyền này thách thức và ảnh hưởng ra sao đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ?
Nếu như Nga giành chiến thắng quyết định và nhanh chóng tại Ukraine, thì chúng ta có thể chứng kiến một sự chuyển hướng lớn ở nhiều nước đối với Mạc Tư Khoa và có thể là cả với Bắc Kinh. Chiến thắng đó có thể củng cố quyền lực của Nga ở Âu Châu hoặc gần lục địa này, nâng cao uy tín của Nga và làm Hoa Kỳ bị bẽ mặt vì bất lực trong việc ngăn cản Nga xâm chiếm Ukraine. Điều này cũng có lẽ đã mở ra một cánh cửa rộng lớn đối với chủ nghĩa xét lại về lãnh thổ bởi vì các quốc gia đã nhận thấy rằng Hoa Kỳ ít có khả năng và/ hoặc ít sẵn sàng ngăn cản sự đã rồi (Nga xâm lược Ukraine). Một vài đối tác của Hoa Kỳ ở Âu Châu và Đông Á có thể sẽ tăng cường các chuẩn bị về mặt an ninh, giống như những gì mà họ đang làm hiện nay. Tuy nhiên, một số khác thì sẽ cố gắng thích nghi với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, làm suy yếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên là điều đó không phải là những gì đang xảy ra hiện nay. Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn, nhìn chung, đang tuân theo chính sách đối ngoại đã có từ trước, nhưng các nước này phải đối mặt với một nhóm gồm các đối tác Âu Châu và Đông Á có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đặc biệt là Mạc Tư Khoa đã phải đối mặt với mọi thứ mà nước này muốn tránh đó là: NATO hồi sinh, Âu Châu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, kinh tế và quân sự bị tàn phá. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Mạc Tư Khoa đã làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Âu Châu. Châu lục này gần đây đã bắt đầu đánh giá lại lập trường của mình đối với tình hình an ninh ở Đông Á.
Thêm vào đó, 4 nước này đang phải đối mặt với những cơn gió thổi ngược khác. Một trong số đó là sự mất cân bằng trong nền kinh tế của Trung Quốc, đe dọa đến khả năng tiếp tục tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn và mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế của nước này. Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến sự suy yếu trong các nỗ lực của các nước chuyên quyền để thách thức Hoa Kỳ, và sự ủng hộ mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với các chuẩn mực làm nền tảng cho trật tự quốc tế, như là chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.
Làm sao có thể đánh giá tác động của các hành động chuyên quyền lôi kéo các nước Nam Bán Cầu chấp nhận giải pháp thay thế, đi theo chế độ quản trị phi tự do?
Tôi đã vẽ ra một bức tranh nhìn chung là tích cực về tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên có hai thứ có thể làm giảm các tác động tích cực đó. Đầu tiên, Ukraine vẫn chưa giành được một chiến thắng mang tính quyết định mặc dù có sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ bên ngoài, nhưng điều này có thể thay đổi.
Thứ hai, chiến tranh và các xu hướng lớn hơn, như là tôi đã đề cập ở trên, đã làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn của các mô hình chế độ độc tài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác, không nhất thiết phải cung cấp một giải pháp thay thế tích cực. Việc người ta muốn thoát khỏi một thứ gì đó thì vẫn chưa đủ mà phải được đưa ra cái gì đó để hướng mục tiêu tới đó. Đó là lý do tại sao mà tôi thấy rằng sự thay đổi trong nước được chính quyền Biden nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia là yếu tố quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất để đạt được. Nếu không có điều này, thì các quốc gia, đặc biệt là ở Nam Bán Cầu sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, vì có ít lợi ích tích cực khi chọn phe
Tin Quốc Tế Đó Đây
Chiến Tranh Ukraine Là Tâm Điểm Trong Khóa Họp Tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay kể từ ngày27/2/2023, và kéo dài trong 6 tuần lễ, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc họp lại tại Geneva (Thụy Sĩ) để xem xét tình trạng nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, từ Iran, Ethiopia, cho đến Haiti, Nicaragua….
Tranh cãi giữa các thành viên Hội Đồng chắc chắn sẽ bùng lên gay gắt, đặc biệt trên cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Nga khởi động từ hơn một năm nay, với đỉnh điểm là việc công bố một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh xẩy ra ở nước này.
Theo hãng tin Pháp AFP, gần 150 lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả những người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Iran và Ukraine, sẽ lần lượt phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền từ thứ Hai (27/2) cho đến thứ Năm (2/3). Đây là một kỷ lục.
Riêng đại diện Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov sẽ tham dự vào thứ Năm. Bất chấp những lời kêu gọi từ các tổ chức phi chính phủ, năm nay không chắc là các nhà ngoại giao phương Tây sẽ rời bỏ hội trường vào lúc ông phát biểu như đã từng làm vào năm 2022 khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu qua cầu truyền hình.
Ngay từ phiên khai mạc hôm nay, các phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và cao ủy nhân quyền Volker Türk rất được chờ đợi sau khi đaị đa số quốc gia vào tuần trước đã thông qua Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân “ngay lập tức” khỏi Ukraine.
Căng thẳng cũng sẽ tăng cao vào cuối khóa họp khi Hội Đồng Nhân Quyền bỏ phiếu về việc tiếp tục công việc của các nhà điều tra về Ukraine, những người này, vào ngày 20 tháng 3, sẽ trình bày báo cáo bằng văn bản đầu tiên của họ về tội ác chiến tranh tại Ukraine.
Đại sứ Ukraine Yevheniia Filipenko yêu cầu “củng cố” thêm Nghị quyết xác định nhiệm vụ của các nhà điều tra, nhưng không chắc văn bản chung cuộc sẽ đáp ứng ý muốn này vì Kyiv và các đồng minh phương Tây sẽ phải thuyết phục một số thành viên không muốn chỉ trích Nga.
Việc gia hạn nhiệm vụ của Báo Cáo Viên về tình hình nhân quyền ở Nga cũng sẽ là chủ đề của các cuộc thảo luận gay gắt.
Theo thông tấn xã AFP, chưa bao giờ một khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lại kéo dài như vậy. Đối với nhiều quốc gia, đó là một dấu hiệu chứng tỏ tầm quan trọng định chế này vào thời điểm kỷ niệm 75 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ngược lại, theo một số nước thiếu tôn trọng nhân quyền và đang đòi chấm dứt nhiệm vụ của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, khóa họp kéo dài này là kết quả của việc Liên Hiệp Quốc can thiệp quá nhiều vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Phe Đối Lập Belarus Khẳng Định Đã Cho Nổ Tung Một Máy Bay Nga
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay phe đối lập Belarus hiện đang lưu vong tại ngoại quốc tuyên bố hôm 26/2/2023 là một máy bay của Nga đã bị phá hủy tại một phi trường gần Minsk. Phe đối lập Belarus khẳng định đây là “chiến dịch ngầm phá hoại thành công nhất” của họ nhắm vào quân Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra.
Trên Twitter, Franak Viacorka, một trong những Cố vấn chính của nhà đối lập Belarus, Svetlana Tsikhanovskaïa, viết rằng “Các ủng hộ viên (…) đã xác nhận sự thành công của một chiến dịch đặc biệt nhằm làm nổ tung một trong những chiếc máy bay của Nga hiếm hoi tại phi trường Matchulishchy, gần Minsk”. Theo Franak Viacorka, “hai người Belarus đã thực hiện chiến dịch” bằng drone, “họ đã rời khỏi đất nước và được bảo vệ an toàn”.
Theo thông tấn xã AFP, ông Franak Viacorka không nói rõ máy bay Nga bị phá hủy thuộc loại nào nhưng cho biết chiếc máy bay có giá khoảng 330 triệu Euro. Còn theo các phương tiện truyền thông thân cận với phe đối lập, đó là loại phi cơ trinh sát và chỉ huy A-50. Cũng trên Twitter, nhà đối lập Tsikhanovskaya viết: “Tôi tự hào về tất cả những người Belarus đang tiếp tục chống trả sự chiếm đóng phối hợp của Nga tại Belarus và đấu tranh cho tự do của Ukraine”.
Tuy nhiên, thông tấn xã AFP chưa kiểm chứng được các thông tin nói trên qua các nguồn tin độc lập. Quân đội Nga cũng chưa có phản ứng.
Belarus hiện giờ là đồng minh Âu Châu duy nhất của Mạc Tư Khoa chống lại Kyiv. Minsk không tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, nhưng đã để cho Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine từ lãnh thổ Belarus cách nay một năm. Theo Kyiv, Mạc Tư Khoa cũng đang sử dụng các phi trường của Belarus để tấn công Ukraine. Kyiv lo ngại Minsk có thể tham gia vào cuộc xung đột trong bối cảnh những tháng gần đây Nga và Belarus tăng cường tập trận chung.
Pháp Xác Định Chiến Lược Ngoại Giao Mới Tại Phi Châu
(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.)
- Vào lúc ảnh hưởng của Pháp tại Phi Châu ngày càng bị tranh chấp, trong một diễn văn quan trọng vào hôm 27/2/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nêu bật chiến lược ngoại giao và quân sự mới của Paris, trước khi lên đường công du bốn nước miền Trung Phi là Gabon, Angola, Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo điện Elysée được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, Tổng thống Macron dự trù nêu rõ “tầm nhìn về quan hệ đối tác với các nước Phi Châu” cũng như “đường lối” mà ông dự định theo đuổi trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, đồng thời trình bày “những ưu tiên và phương pháp để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác giữa Pháp, Âu Châu và lục địa Phi Châu”.
Ông cũng sẽ đề cập đến hồ sơ rất nhạy cảm là vị thế quân sự của Pháp tại Phi Châu sau khi chiến dịch chống khủng bố Barkhane ở vùng Sahel kết thúc và quân đội Pháp bị buộc phải rút khỏi Mali và Burkina Faso.
Tại Mali, chính quyền quân sự đang cầm quyền đã bị một số quốc gia cáo buộc là sử dụng các dịch vụ của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, thân cận với Ðiện Cẩm Linh, vốn cũng đang hoạt động ở một thuộc địa cũ khác của Pháp, Cộng hòa Trung Phi.
Tại Burkina Faso, chính quyền đã hủy bỏ các thỏa thuận phòng thủ giữa Paris và Ouagadougou và lực lượng đặc biệt Pháp, và khoảng 400 binh sĩ đóng quân ở đó, đã phải rút đi vào tuần trước.
Ở khu vực này và trên toàn lục địa Phi Châu nói chung, ảnh hưởng của Pháp và phương Tây đang bị Nga và Trung Quốc đẩy lùi. Một ví dụ cụ thể: Ba trong số bốn quốc gia mà Tổng thống Pháp sắp ghé thăm - Gabon, Congo và Angola - đã bỏ phiếu trắng vào thứ Năm tuần trước trong cuộc bỏ phiếu về Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Riêng đối với Pháp, như nhận xét của hãng tin Mỹ AP, tâm lý bài Pháp ngày càng tăng đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở một số quốc gia Tây và Bắc Phi chống lại cường quốc thuộc địa cũ.
Ngoài ra, các mối quan hệ kinh tế lịch sử mà Pháp có với khu vực đang bị thách thức sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thách thức.
Thêm 60 Thuyền Nhân Chết Đuối Ngoài Khơi Ý Ðại Lợi, Ủy Ban Âu Châu Kêu Gọi Cấp Tốc Cải Tổ Quyền Tị Nạn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay h ôm 26/2/2023, lại có thêm 60 người di cư bị thiệt mạng trong một vụ đắm thuyền ở trên Địa Trung Hải, ngoài khơi thị trấn Crotone ở vùng Calabria, miền Nam nước Ý Ðại Lợi. Trước thảm kịch mới này, Ủy Ban Âu Châu đã kêu gọi toàn khối “nỗ lực gấp đôi” để cải cách quyền tị nạn.
Trong một tin nhắn Twitter, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã kêu gọi đẩy nhanh tiến trình cải cách quyền tị nạn trong Liên Hiệp Âu Châu. Theo bà, cái chết của những thuyền nhân là một “thảm kịch” và bà đặc biệt yêu cầu EU đẩy nhanh việc thông qua bản Hiệp ước về Di Cư và Quyền Tị Nạn, cũng như Kế Hoạch Hành Động cho miền Trung Địa Trung Hải.
Bản Hiệp ước Tị Nạn và Di Cư mà bà Von der Leyen trình bày vào tháng 9 năm 2020, có mục tiêu cải cách rộng rãi chính sách nhập cư của Âu Châu, một chính sách đã cho thấy rõ những thiếu sót kể từ cuộc khủng hoảng di dân trong giai đoạn 2015-2016.
Tuy nhiên kế hoạch cải cách nhập cư này cho đến nay vẫn bị chặn ở cấp độ Âu Châu. Từ Brussels (thủ đô của Bỉ), thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry giải thích:
“Hiệp Định về Di Cư và Tị Nạn chủ yếu dựa trên việc củng cố các biên giới bên ngoài của EU, dự trù việc giải quyết các đơn xin tị nạn ngay tại quốc gia mà người di cư nhập vào, và giải quyết nhanh hơn. Ý tưởng là đưa những ai có ít cơ hội được tị nạn hồi hương nhanh hơn – đặc biệt là những người đến từ một quốc gia được EU coi là “an toàn”.
Lưới sàng lọc đầu tiên này nhằm mục đích làm nản chí những người muốn đến Âu Châu.
Thế nhưng đây chính là đầu mối gây bất đồng giữa 27 nước Âu Châu. Lý do là một hệ thống như vậy khiến phần lớn chính sách nhập cư của Âu Châu, giống như ngày nay, đè nặng lên các quốc gia được gọi là ở tuyến đầu, cụ thể là Malta, Chypre, Hy Lạp hoặc Ý Ðại Lợi, vốn thường xuyên phàn nàn về vấn đề này.
Để giảm bớt gánh nặng cho cho các nước tuyến đầu, Hiệp định dự trù một cơ chế đoàn kết trong khối, phân bổ những người xin tị nạn ra toàn thể các quốc gia thành viên. Vấn đề là các nước Đông Âu, đi đầu là Hung Gia Lợi và Ba Lan, đã bác bỏ mọi hình thức bắt buộc họ tiếp nhận người di cư. Về phần các quốc gia tuyến đầu, họ chỉ chấp nhận việc tăng cường kiểm soát biên giới khi nào được bảo đảm về tình đoàn kết nói trên.
Kết quả là kế hoach cải cách, trên nguyên tắc phải được hoàn thành trước mùa Xuân năm 2024, vẫn bị bế tắc”.
Hậu Brexit: Liên Hiệp Âu Châu và Anh Quốc Họp Thượng Đỉnh Để Giải Quyết Khúc Mắc Về Bắc Ái Nhĩ Lan
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 27/2/2023, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula Von Der Leyen, đến Luân Đôn gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak để bàn về Nghị định thư Bắc Ái Nhĩ Lan về kiểm tra hải quan hậu Brexit ở tỉnh Bắc Ái Nhĩ Lan của Anh, vốn dĩ là một chủ đề gây bất đồng lớn giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu trong gần 3 năm qua. Giới quan sát hy vọng thượng đỉnh Luân Đôn - Brussels lần này sẽ cho phép tháo gỡ vướng mắc.
Tối 26/2, Phủ Thủ tướng Anh thông báo hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào trưa hôm 27/2, gần Luân Đôn để có các “thảo luận cuối cùng”, sau các cuộc thương lượng căng thẳng trong những tuần qua giữa Luân Đôn và Brussels. Nếu Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu đạt được thỏa thuận về Nghị định thư Bắc Ái Nhĩ Lan, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula Von Der Leyen, và Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, sẽ có cuộc họp báo chung vào chiều tối, giờ Luân Đôn, để ra thông báo.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, Nghị định thư Bắc Ái Nhĩ Lan, được đàm phán cùng lúc với thỏa thuận Brexit, duy trì Bắc Ái Nhĩ Lan, nơi có biên giới đất liền duy nhất của Anh với Liên Hiệp Âu Châu, trong thị trường Âu Châu, đồng thời cung cấp các biện pháp kiểm tra hải quan giữa Bắc Ái Nhĩ Lan và phần còn lại của Vương quốc Anh. Văn bản nhằm mục đích duy trì thỏa thuận hòa bình năm 1998, chấm dứt 3 thập niên xung đột đẫm máu trên đảo Ái Nhĩ Lan, bằng cách tránh thiết lập trở lại biên giới giữa nước Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (thành viên của Liên Hiệp Âu Châu) và tỉnh Bắc Ái Nhĩ Lan của Anh Quốc, và để bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường chung Âu Châu.
Tuy nhiên, Anh đã ra quyết định đơn phương đảo ngược các điều khoản về kiểm tra hải quan, yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu đặc biệt nới lỏng các biện pháp kiểm tra hải quan giữa Bắc Ái Nhĩ Lan và phần còn lại của Vương quốc Anh. Nghị định thư Bắc Irland gây căng thẳng giữa Liên Hiệp Âu Châu và Luân Đôn nhưng cũng trở thành vấn đề nội bộ đối với Thủ tướng Rishi Sunak, đang vấp phải sự phản đối từ phe ủng hộ Brexit cứng rắn và những người theo chủ nghĩa hợp nhất ở Belfast, vốn dĩ từ chối bất kỳ áp dụng bất kỳ quy định nào của Âu Châu tại tỉnh của Anh. Sự thay đổi của Luân Đôn đã dẫn đến việc Brussels và Anh Quốc phải mở các cuộc đàm phán mới từ năm 2022.
Cấp Vũ Khí Cho Nga: Hoa Kỳ Gia Tăng Áp Lực Với Trung Quốc
- Ngày 27/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Hoa Kỳ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về vấn đề cung cấp vũ khí cho Nga. Hôm 26/2, viên chức nước này đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” này
Theo hãng tin AFP, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên đài truyền hình CBS được phát hôm 26/2, Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ William Burns khẳng định Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc dự trù cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, ông William nói thêm Hoa Thịnh Ðốn “chưa ghi nhận có một quyết định dứt khoát nào” của Bắc Kinh trên vấn đề này và “cũng không ghi nhận có bằng chứng nào” về việc cung cấp vũ khí cho Trung Quốc.
Cũng trong ngày 26/2, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã lên nhiều đài truyền hình để nhấn mạnh là Mỹ rất “cảnh giác” về khả năng Bắc Kinh cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa. Ông Sullivan tuyên bố, nếu cung cấp vũ khí cho Nga, Trung Quốc sẽ gánh chịu “những tổn thất nặng nề”.
Từ khoảng một tuần nay, Hoa Kỳ vẫn liên tục cảnh cáo Trung Quốc là không nên cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cực lực bác bỏ các cáo buộc đó.
Theo báo chí Mỹ, nhất là nhật báo The Wall Street Journal và đài truyền hình NBC, Trung Quốc chủ yếu dự trù cung cấp cho Nga các máy bay không người lái và đạn dược.
Ngoài Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn hôm 26/2, Giám đốc CIA William Burns còn bày tỏ quan ngại về sự leo thang “nguy hiểm” trong hợp tác quân sự giữa Teheran với Mạc Tư Khoa. Ông William Burns tiết lộ rằng “có những dấu hiệu cho thấy Nga đề nghị giúp Iran về chương trình phát triển phi đạn và cũng dự trù cấp chiến đấu cơ cho Iran”.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nhắc lại là Teheran đã cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho quân Nga để tấn công vào thường dân Ukraine và vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, cũng như đã cung cấp nhiều xe tăng và đại pháo cho Mạc Tư Khoa.
Cũng theo phân tích của Giám đốc CIA trên đài CBS, trước những khó khăn mà quân Nga đang gặp phải ở Ukraine, Tổng thống Putin biết rằng ông không thể chiến thắng trong lúc này, nhưng tin rằng trong cuộc chiến hao mòn, Mạc Tư Khoa sẽ giành chiến thắng cuối cùng và như vậy ông dứt khoát không dự trù đến một phương án nào khác.
Động Đất Mạnh 6,1 Độ Richter ở Miền Bắc Nhật Bản
(Ảnh: Phóng viên báo chí tại Bán đảo Nemuro.)
- Một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi phía Đông đảo Hokkaido nằm ở phía Bắc Nhật Bản hôm thứ Bảy (26/2/2023), chính quyền cho biết, và không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học Trái đất và Chống chịu Thảm họa, trận động đất xảy ra ngoài khơi bán đảo Nemuro ở độ sâu 61 cây số.
Không có báo cáo ngay lập tức về thương tích hoặc thiệt hại.
Tại hai đô thị ở Hokkaido, trận động đất được ghi nhận “thấp hơn cấp 5” trên thang cường độ 7 điểm của Nhật Bản, vốn đo chuyển động của mặt đất.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, đó thường là mức mà các mặt hàng rơi ra khỏi kệ và đồ đạc không được cố định có thể di chuyển.
Chiến Đấu Cơ Trung Quốc “Đối Đầu” Với Máy Bay Mỹ ở Vùng Biển Đông
(Ảnh: Máy bay FA-18 cất cánh từ hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt ở Biển Đông hôm 10/4/2018.)
- Máy bay chiến đấu J-11 của quân đội Trung Quốc được trang bị phi đạn không-đối-không đã bay sát máy bay tuần tra P-8 của Hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông hôm 24/2/2023 vừa qua.
Phóng viên CNN có mặt trên máy bay tuần tra Mỹ tường thuật lại sự việc, cho biết trạm mặt đất từ phía Trung Quốc đã phát loa về phía máy bay Mỹ.
Máy bay Mỹ, đây là Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Các bạn đang tiến vào vùng trời của Trung Quốc. Đề nghị giữ khoảng cách an toàn, nếu không chúng tôi sẽ can thiệp”- loa phát từ phía Trung Quốc hướng về phía máy bay P-8 của Mỹ nói như vậy.
CNN tường thuật rằng chỉ trong vài phút, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay cách máy bay Mỹ chỉ khoảng 500 feet (tương đương 150 mét).
Máy bay Trung Quốc bay gần đến nỗi mà phóng viên CNN có thể nhìn thấy phi công Trung Quốc trong khoang lái quay đầu nhìn họ.
Phía Mỹ cũng phát lại loa nói: “Máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc, đây là máy bay P-8A của Hải quân Mỹ… tôi thấy các bạn ở bên cánh trái và tôi sẽ tiếp tục đi về hướng tây. Tôi đề nghị các bạn làm tương tự. Hết”.
Máy bay Trung Quốc không có trả lời nhưng tiếp tục bay theo máy bay Mỹ thêm 15 phút nữa trước khi bỏ đi, CNN tường thuật.
Những vụ “đối đầu” tương tự giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông xảy ra khá hường xuyên.
Hồi tháng 12 năm 2022, Mỹ đã cáo buộc chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay ở cự ly quá gần khoảng 20 feet tới máy bay trinh thám của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Bắc Kinh cáo buộc máy bay Mỹ chuyển lái đột ngột hướng về máy bay Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu từ phía Mỹ về những thảo luận liên quan đến những vụ chạm trán quân sự nguy hiểm.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bất chấp những phản đối của những quốc gia láng giềng. Hoa Kỳ phản ứng bằng cách đưa máy ba và chiến hạm đến tuần tra ở khu vực này nhắm thách thức những đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, đồng thời khẳng định quyền tự do đi lại trên biển và vùng trời ở Biển Đông.
Bắc Kinh gọi những hành động này của Mỹ là gây mất ổn định và hòa bình trong khu vực.
New York Times: Twitter Sa Thải 10% Lực Lượng Lao Động
(Ảnh: Logo của Twitter tại trụ sở công ty ở San Francisco, California, Hoa Kỳ.)
- Tờ New York Times đưa tin vào cuối ngày Chủ Nhật (26/2/2023) cho hay Twitter Inc đã sa thải ít nhất 200 nhân viên, tương đương khoảng 10% lực lượng lao động của mình, trong đợt cắt giảm việc làm mới nhất kể từ khi ông Elon Musk tiếp quản trang tiểu blog vào tháng 10 năm 2022.
Vụ sa thải vào tối 25/2 liên quan đến những người quản lý sản phẩm, các nhà khoa học dữ liệu và Kỹ sư làm việc về máy học và độ tin cậy của trang web, giúp duy trì các tính năng khác nhau của Twitter trực tuyến, bài báo của New York Times cho biết, viện dẫn thông tin từ những người am tường sự việc này.
Twitter không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
Công ty này có khoảng 2.300 nhân viên đang hoạt động, theo lời ông Musk vào tháng trước.
Lần cắt giảm việc làm mới nhất diễn ra sau đợt sa thải hàng loạt hồi đầu tháng 11, khi Twitter cho nghỉ việc khoảng 3.700 nhân viên trong một biện pháp cắt giảm chi phí của ông Musk, người đã mua lại công ty với giá 44 tỉ Mỹ kim.
Vào tháng 11, ông Musk cho biết dịch vụ này đang trải qua “sự sụt giảm doanh thu lớn” khi các nhà quảng cáo cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lo ngại về việc kiểm duyệt nội dung.
Twitter gần đây đã bắt đầu chia sẻ doanh thu từ quảng cáo với một số người sáng tạo nội dung của mình.
Trước đó một ngày, The Information đưa tin rằng nền tảng truyền thông xã hội này đã sa thải hàng chục nhân viên vào thứ Bảy, nhằm bù đắp cho tình trạng sụt giảm doanh thu.
NASA và Spacex Hoãn Đưa Phi Hành Đoàn Lên Trạm Không Gian
(Hình: Các phi hành gia của NASA vẫy tay trước khi lên tàu SpaceX để phóng lên không gian từ Trung tâm Không gian Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, Hoa Kỳ, vào ngày 26/2/2023.)
- NASA và SpaceX vừa hoãn kế hoạch phóng một phi hành đoàn gồm 4 thành viên lên Trạm không gian Quốc tế (ISS) vào thứ Hai (27/2/2023) do trục trặc hệ thống mặt đất.
Quyết định được đưa ra chưa đầy 3 phút trước khi tàu không gian chuẩn bị cất cánh từ Trung tâm không gian Kennedy của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) ở Cape Canaveral, tiểu bang Florida.
Ngày phóng dự phòng đã được ấn định vào thứ Ba, nhưng NASA cho biết do điều kiện thời tiết không thuận lợi, lần phóng tiếp theo sẽ là ngày 2/3.
Phi hành đoàn bốn người, bao gồm hai người Mỹ, một người Nga và một phi hành gia đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
NASA cho biết sứ mệnh kéo dài 6 tháng theo kế hoạch của họ gồm một loạt các thí nghiệm khoa học, bao gồm nghiên cứu cách vật liệu cháy trong môi trường vi trọng lực, thu thập các mẫu vi sinh vật từ bên ngoài trạm không gian và “nghiên cứu chip mô về chức năng của tim, não và sụn”.
Nam Dương: Du Lịch Đe Dọa Đảo Rồng Komodo
- Trên trang La Croix, tờ báo chú ý đến đảo Komodo của Nam Dương, nơi có loài thằn lằn khổng lồ nổi tiếng Rồng Komodo.
Trên hòn đảo lớn này có vườn quốc gia Komodo được chính phủ thành lập từ năm 1980 là nơi trú ngụ của loài rồng Komodo không có ở nơi nào khác trên thế giới, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 3.000 cá thể. Năm 1991, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã xếp hạng khu công viên quốc gia này trong danh sách di sản thế giới và cũng từ đó chính quyền Nam Dương đã tập trung đầu tư để hòn đảo trở thành điểm du lịch lớn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Bài phóng sự: “Trên đảo Komodo, loài rồng và con người gặp nguy hiểm”, cho thấy từ khi chính quyền xếp đảo Komodo là “vùng du lịch chiến lược”, các dự án bất động sản mọc lên trên đảo đã trở thành mối đe dọa cho hệ động thực vật ở đây. Không những thế người dân bản địa, những thổ dân người Ata Modo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, đang lo sợ bị cưỡng bách di rời khỏi nơi sinh sống bao đời nay của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét