Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

ĐIỂM TIN 31/3/2023 - ĐHL


Ông Putin ký sắc lệnh nhập ngũ mùa xuân, gần 150.000 công dân chuẩn bị vác ba lô lên đường Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/3 đã ký sắc lệnh về đợt nghĩa vụ quân sự mùa xuân. Truyền thông nhà nước Nga cho biết trong khuôn khổ của đợt tuyển quân mùa xuân trên khắp nước Nga, các chính quyền địa phương phải tuyển ít nhất 147.000 người Nga. Nội dung sắc lệnh cho biết việc nhập ngũ sẽ thực hiện từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7, áp dụng cho các công dân của Liên bang Nga từ 18 đến 27 tuổi, không thuộc lực lượng dự bị và là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự với số lượng 147.000 người.
<!>
Trước đó vào mùa xuân năm ngoái, ông Putin đã ký sắc lệnh nhập ngũ 134.500 người vào quân đội, đến mùa thu, ông đã ký sắc lệnh nhập ngũ thêm 120.000 công dân Nga.

Trung Quốc nói sẵn sàng hợp tác quân sự nhiều hơn với Nga


Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm (30/3) cho biết quân đội Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga, bao gồm tăng cường các cuộc tập trận chung 
cũng như tuần tra trên biển và trên không.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông (Đàm Khắc Phi) Tan Kefei, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng hai nước sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước, cũng như thực hiện Sáng kiến An ninh Toàn cầu.

Ông Đàm Khắc Phi nói quân đội Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với quân đội Nga để thực hiện đầy đủ sự đồng thuận quan trọng mà hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được, tăng cường hơn nữa liên lạc và phối hợp chiến lược.

Đầu tháng này, 3 nước Trung Quốc, Nga và Iran đã tổ chức cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Vịnh Ô-man. Tan mô tả cuộc tập trận này là một kế hoạch nhằm “nâng cao năng lực của ba nước để cùng thực hiện các nhiệm vụ quân sự trên biển đa dạng, làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống và hợp tác thiết thực” giữa 3 nước.

Cuộc tập trận có sự tham gia của 12 tàu từ ba quốc gia, trong đó Trung Quốc – quốc gia có sự hiện diện hải quân hạn chế trong khu vực cho đến nay – đã gửi tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến Nam Ninh.

GDP toàn cầu tăng 7% nhờ trí tuệ nhân tạo, nhưng 300 triệu nhân viên sẽ mất việc


Theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, GDP toàn cầu sẽ tăng 7% nhờ trí tuệ nhân tạo, nhưng 300 triệu nhân viên toàn thời gian sẽ mất việc, theo vneconomy.

Ngân hàng đầu tư này cho biết các hệ thống AI “sáng tạo” như ChatGPT, có thể tạo ra nội dung “y hệt” nội dung do con người tạo ra, nghĩa là không thể phân biệt được đâu là AI viết đâu là do con người viết. Điều đó có thể châm ngòi cho sự bùng nổ năng suất, cuối cùng sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hàng năm (tức GDP) lên 7% trong vòng 10 năm tới.

Nhưng nếu công nghệ này thực hiện đúng như những hứa hẹn, nó cũng sẽ mang lại “sự gián đoạn đáng kể” cho thị trường lao động, khiến tương đương 300 triệu công nhân toàn thời gian trên khắp các nền kinh tế lớn bị tự động hóa thay thế. Luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những người có nguy cơ trở nên dư thừa cao nhất.

Họ tính toán rằng khoảng 2/3 công việc ở Hoa Kỳ và Châu Âu được tiếp xúc với một số mức độ tự động hóa của AI, dựa trên dữ liệu về các nhiệm vụ thường được thực hiện trong hàng nghìn công việc.

Hầu hết mọi người sẽ thấy khoảng một nửa khối lượng công việc của họ được tự động hóa và họ vẫn có thể sẽ tiếp tục công việc của họ, với những thay đổi, dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động hiệu quả hơn.

Ở Mỹ, theo tính toán, sẽ có khoảng 63% lực lượng lao động nhận thấy công việc của họ được tự động hóa một phần và họ sẽ phải thay đổi cách làm việc. Hơn 30% người làm các công việc thể chất hoặc ngoài trời sẽ không bị ảnh hưởng, mặc dù công việc của họ có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các hình thức tự động hóa khác.

Nhưng khoảng 7% công nhân Hoa Kỳ đang làm những công việc mà ít nhất một nửa nhiệm vụ của họ có thể được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo AI và rất dễ bị thay thế.

Goldman Sachs cho biết nghiên cứu của họ chỉ ra tác động tương tự ở châu Âu. Ở cấp độ toàn cầu, do các công việc chân tay chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng số việc làm ở các nước đang phát triển, ước tính khoảng 1/5 công việc có thể được thực hiện bởi AI – tương đương khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian ở các nền kinh tế lớn.

Trung Quốc bơm 240 tỷ USD cứu trợ các nước tham gia ‘Vành đai và Con đường’ 


Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD để cứu trợ 22 quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào cuối năm 2021.

Hôm thứ Ba (28/3), phòng thí nghiệm nghiên cứu AidData của William & Mary, một trường đại học công lập ở tiểu bang Virginia (Mỹ), đã công bố một nghiên cứu ghi nhận quy mô đáng kinh ngạc của khoản cho vay cứu trợ xuyên biên giới của Trung Quốc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng gói cứu trợ trị giá 240 tỷ USD của Trung Quốc chiếm hơn 20% trong tổng số tiền cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong thập niên qua với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng là 185 tỷ USD (tương đương gần 80%) trong tổng số 240 tỷ USD. Gói cứu trợ này được gia hạn trong 5 năm gần đây, từ năm 2016 đến năm 2021.

Tuy nhiên, các khoản cho vay của Trung Quốc không rõ ràng và đắt đỏ hơn vì mức lãi suất trung bình của BRI là 5% - cao hơn so với mức 2% của IMF, và hầu như chỉ dành cho các quốc gia BRI.

“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative - BRI) - một “đại chiến lược” do đích thân Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát động cách đây 6 năm (từ 2013). Đây là sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng tỷ USD của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo đó, sáng kiến BRI đề cập đến “Vành đai”, tức là “Vành đai Tơ lụa Kinh tế”, hay còn gọi là Con đường Tơ lụa Mới trên đất liền (NSR). Con đường này chạy từ thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) băng qua các thành phố lớn gồm Almaty, Bishkek, Samarkand, Tehran, Istanbul, Moscow và Rotterdam trước khi kết thúc ở Venice. Kế hoạch của BRI là xây dựng một mạng lưới đường bộ, đường sắt và hệ thống ống dẫn dầu khí xuyên Trung Á đến châu Âu.

Tuy nhiên, dự án BRI từ lâu đã bị chỉ trích vì tạo ra gánh nặng nợ nần cho các quốc gia sở tại, phớt lờ các tác động về môi trường tại địa phương và xuất khẩu lao động Trung Quốc thay vì tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản địa. Hơn nữa, khi các “con nợ” không thể trả các khoản vay BRI, ĐCSTQ đã tịch thu tài sản và mở rộng phạm vi chiến lược cũng như quân sự của mình.

Vì vậy, BRI còn được mô tả là "ngoại giao bẫy nợ". Sri Lanka, một quốc đảo ở Nam Á, là một ví dụ điển hình. Vào tháng 12/2017, sau khi vỡ nợ khoản vay BRI trị giá 1 tỷ USD, chính phủ nước này đã cho ĐCSTQ thuê Cảng Hambantota trong vòng 99 năm và 15.000 mẫu đất xung quanh cảng này vào tháng 12/2017. Cảng Hambantota nằm gần các tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp ở khu vực Ấn Độ Dương.

Theo các tác giả của nghiên cứu trên, ĐCSTQ không bảo lãnh cho tất cả những quốc gia vay BRI đang gặp khó khăn. Thay vào đó, họ có xu hướng đưa ra các giải pháp tái cơ cấu nợ cho những con nợ có thu nhập thấp nhưng không có khoản vay mới. Trong khi đó, những con nợ có thu nhập trung bình như Argentina, Pakistan, Ai Cập, Ukraine và Venezuela đã nhận được nguồn vốn mới. Ví dụ, Argentina nhận được nhiều nhất, lên tới gần 112 tỷ USD.

Các tác giả của nghiên cứu này cũng nhấn mạnh vấn đề ngân hàng trung ương Trung Quốc khai thác các hạn mức hoán đổi trên toàn thế giới để đưa ra mức chi trả nợ. Họ nói rằng các hạn mức hoán đổi giải cứu các hoạt động cho vay của ĐCSTQ đã “làm phức tạp thêm vấn đề giám sát rủi ro nợ ở các nước đang phát triển”.

Khoảng 70% của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ USD được thực hiện thông qua hạn mức hoán đổi toàn cầu của ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Các hạn mức hoán đổi như vậy được thiết lập để cải thiện các điều kiện thanh khoản của các ngân hàng trung ương.

“Một câu hỏi quan trọng là liệu số tiền thu được từ hạn mức hoán đổi của PBOC có thể được sử dụng để trả lãi nợ vay hay không”, các tác giả của nghiên cứu này viết, đồng thời cho biết thêm rằng PBOC thường xuyên gia hạn các khoản rút ra từ hạn mức hoán đổi ngắn hạn, khiến thời hạn nợ trên thực tế lên đến vài năm. Tuy nhiên, các khoản rút ra từ hạn mức hoán đổi ngắn hạn này không thuộc diện công bố thông tin về nợ quốc tế.

Ông Christoph Trebesch tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Phát hiện này của chúng tôi có ý nghĩa đối với hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu. Chúng tôi cho rằng hệ thống này đang trở nên đa cực hơn, ít thể chế hóa hơn và kém minh bạch hơn”.

Liên quan đến việc các quốc gia này phụ thuộc vào Bắc Kinh để có thêm quỹ khẩn cấp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết trong cuộc họp báo hôm 28/3 rằng: “thường thì các dự án cơ sở hạ tầng này khiến các quốc gia gánh chịu nợ xấu, điều này cuối cùng lại khiến cho lực lượng lao động địa phương không gặt hái được lợi ích kinh tế từ Sáng kiến Vành đai và Con đường” và “thường các dự án này được thực hiện mà không quan tâm đến môi trường hoặc nhân quyền".

"Đôi khi, những quốc gia này phải gánh những khoản nợ mà họ khó có thể trả hết”, ông kết luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét