Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

ĐIỂM TIN 20/3/2023 - ĐHL

300.000 quân NATO chuẩn bị áp sát biên giới Nga NATO đang thảo luận kế hoạch củng cố sườn phía đông giáp biên giới Nga bằng cách tập trung thiết bị và quân số lên tới 300.000 binh sĩ, điều này được cho là sẽ ngăn Nga mở rộng chiến tranh ra ngoài Ukraine.Tờ Politico đưa tin, NATO đang bàn kế hoạch ngăn chặn Nga leo thang chiến tranh ra ngoài biên giới Ukraine. Bởi vậy, Liên minh này đang thảo luận phương án tăng cường sườn phía đông với 300.000 binh sĩ.
<!>
Những kế hoạch như vậy đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực rất lớn từ 30 quốc gia thành viên trong việc cung cấp lực lượng, cơ sở huấn luyện cùng với một lượng lớn khí tài, đạn dược.

Tuy nhiên, Politico nhấn mạnh rằng sự phối hợp có thể là một thách thức bởi nhiều đồng minh đã lo ngại về việc họ đang cạn kiệt đạn dược dự trữ sau một thời gian dài viện trợ Ukraine, việc bù đắp đòi hỏi thời gian và tiền bạc.

Các nhà lãnh đạo quân sự NATO sẽ phải đệ trình kế hoạch cập nhật phòng thủ khu vực. Các quan chức của liên minh đang đưa ra ý tưởng rằng biên giới của họ với Nga nên được bảo vệ bởi tối đa 300.000 binh sĩ, hãng tin đưa tin.

Trong đó, đợt đầu tiên sẽ bao gồm khoảng 100.000 binh sĩ và sẵn sàng triển khai trong vòng 10 ngày. Lực lượng này có thể bao gồm binh sĩ từ Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Lithuania. Đợt thứ hai sẽ hỗ trợ đợt đầu tiên và sẵn sàng triển khai trong khoảng 10 - 30 ngày từ các nước như Đức.

Mỹ và các đồng minh NATO liên tục hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga tấn công Ukraine cách đây hơn một năm trước. Cuộc chiến này đã tiêu hao một lượng lớn khí tài dự trữ của phương Tây, buộc họ phải tính đến việc tăng cường sản xuất quốc phòng và tiến đến thỏa thuận mua chung đạn dược cho Kiev. Một số nước bày tỏ lo ngại về hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia khi kho dự trữ quốc phòng cạn kiệt.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Ukraine đang sử dụng hơn 90.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng. Để đảm bảo Ukraine có đủ đạn cho giai đoạn tiếp theo của chiến sự, Mỹ đã tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, nhưng đó là một quá trình mất nhiều thời gian vì cần chuẩn bị và thuê nhân công cho các dây chuyền nhà máy.

Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, Mỹ có thể sản xuất khoảng 13.000 quả đạn 155 mm mỗi tháng. Con số đó đã tăng lên khoảng 20.000 quả đạn trong năm nay và Mỹ hy vọng sẽ tăng lên 50.000 quả đạn vào năm tới.

Quân đội Mỹ còn đang rút kho đạn của mình ở một số địa điểm như Israel, Hàn Quốc, Đức và Kuwait để chuyển cho Ukraine. Đây vốn là những kho dự trữ mà Mỹ lưu giữ mọi thứ, từ xe tải đến băng cứu thương, để hỗ trợ lực lượng của họ trên khắp thế giới.

Các quan chức Mỹ cũng hối thúc Ukraine tiết kiệm đạn pháo và chọn lọc mục tiêu khai hỏa kỹ lưỡng hơn. Họ đặc biệt quan tâm đến những điều này tại Bakhmut, nơi cả lực lượng Ukraine và Nga đang nhanh chóng tăng cường độ pháo kích đối phương.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/3 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo "Ukraine không còn thời gian để lãng phí".

"Chúng ta phải thực hiện nhanh chóng và đầy đủ cam kết đã đưa ra, trong đó có cung cấp tăng thiết giáp, đảm bảo đào tạo cho binh sĩ Ukraine, cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo trì càng sớm càng tốt", ông Austin nói.

Nhật, Đức cam kết siết chặt trừng phạt Nga và hậu thuẫn Ukraina


Đức, Nhật siết chặt hợp tác an ninh, quốc phòng. Ưu tiên là củng cố mặt trận trừng phạt Nga, hậu thuẫn Ukraina. Chính phủ của thủ tướng Đức Olaf Scholz lần đầu tiên có cuộc họp tham vấn cấp chính phủ về an ninh kinh tế với Nhật. Đây cũng là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Đức đến Nhật từ 16 năm nay.

Theo đài Nhật NHK, trong cuộc hội kiến ngày hôm qua, 18/03/2023, thủ tướng Nhật Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã thỏa thuận ‘‘duy trì các trừng phạt nghiêm ngặt với Nga, và hậu thuẫn Ukraina’’. Hai bên khẳng định cần chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraina sớm nhất có thể. Trước các thách thức to lớn hiện nay, chính quyền Đức đang xét lại hoàn toàn chính sách hạn chế hợp tác về an ninh với Nhật.

Thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết cụ thể:

‘‘Nhật Bản từ lâu vốn đã bị Đức xa lánh. Ở châu Á, Berlin chỉ để mắt đến Trung Quốc. Giờ đây Đức muốn xem xét lại lập trường này. Điểm đến đầu tiên của thủ tướng Đức Olaf Scholz tới khu vực là Nhật Bản. Đi cùng với Olaf Scholz có sáu bộ trưởng và một phái đoàn kinh tế lớn, sẽ tham dự các tham vấn cấp chính phủ đầu tiên giữa hai nước.

Cuộc chiến ở Ukraina đang để lại những hậu quả.Cả hai quốc gia đều có chung một láng giềng Nga gây lo ngại. Hai quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến, từ lâu đã có chủ trương kiềm chế sức mạnh quân sự, nhưng giờ đây muốn tăng cường nỗ lực và phát triển hợp tác an ninh song phương.

Hai quốc gia xuất khẩu và cách tân này, vốn không có tài nguyên về năng lượng, phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng là thiết yếu để nền kinh tế của họ có thể vận hành tốt.Tokyo và Berlin muốn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như khai thác tài nguyên, pin điện hay bán dẫn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm thấy quan hệ song phương với Nhật Bản đã chuyển sang ‘‘một cấp độ mới’’.Hai tháng nữa, ông Scholz sẽ lại tới Nhật để tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5’’.

Hợp tác vì an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Tăng cường hợp tác vì an ninh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là một nội dung căn bản khác. Theo NHK, hai lãnh đạo chính phủ Nhật - Đức tái khẳng định nguyên tắc thúc đẩy một khu vực ‘‘Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở’’. Thách thức lớn nhất, không được trực tiếp gọi tên, chính là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức liên tiếp 7 năm nay. Chính phủ Nhật dường như đang đặt hy vọng vào việc Đức sẽ có thái độ kiên quyết hơn với Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trả lời đài Đức Deutsche Welle (DW) trước chuyến công du của thủ tướng Đức, ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận định : Thủ tướng Nhật muốn ‘‘trực tiếp hiểu rõ chính sách của Đức với Trung Quốc’’, “Nhật Bản lo ngại sâu sắc về việc Đức và một số nước khác vẫn muốn cố gắng hợp tác với Trung Quốc, bất chấp những vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… cụ thể như việc Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa các đảo san hô trên khắp Biển Đông, đàn áp toàn diện giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, đe dọa Đài Loan và yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng đối với một số nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ’’.

Úc: Không hề cam kết giúp Mỹ bảo vệ Đài Loan khi ký thỏa thuận tàu ngầm AUKUS


Úc đã “tuyệt đối” không hứa hỗ trợ Hoa Kỳ trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào đối với Đài Loan để đổi lấy thỏa thuận mua tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Khi bị chất vấn vào hôm nay, 19/03/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles đã khẳng định như trên.

Hôm thứ Hai 13/03, Úc, Anh và Mỹ đã công bố dự án AUKUS kéo dài nhiều thập kỷ, theo đó Canberra sẽ mua các tàu ngầm quân sự lớp Virginia của Hoa Kỳ, trong khi Anh và Úc sẽ hợp tác sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới mang tên SSN-AUKUS. Chính phủ Úc cho biết thỏa thuận trị giá 368 tỷ đô la Úc (246 tỷ đô la Mỹ) là điều cần thiết trước đà tăng cường quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Trên đài truyền hình Úc ABC, khi được hỏi liệu Úc có cam kết giúp đỡ Mỹ trong cuộc xung đột ở Đài Loan để đổi lấy quyền tiếp cận các tàu ngầm hay không, ông Marles xác định: “Tất nhiên là không”, một lời phủ nhận được ông nhấn mạnh thêm sau đó là “tuyệt đối không” khi đề cập đến khả năng có đi có lại đối với Úc từ thỏa thuận AUKUS.

Bắc Kinh coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và chưa bao giờ từ bỏ khả năng dùng vũ lực để chiếm lại hòn đảo. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc xâm chiếm.

Theo thỏa thuận AUKUS, được các đồng minh châu Á hoan nghênh, nhưng bị Bắc Kinh gọi là hành động phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ bán cho Úc 3 tàu ngầm do tập đoàn General Dynamics chế tạo vào đầu những năm 2030, với khả năng bán thêm 2 chiếc nữa.

Trước mắt, Úc sẽ dành 6 tỷ đô la Úc (4 tỷ đô la Mỹ) trong 4 năm tới để mở rộng căn cứ tàu ngầm và xưởng đóng tàu ngầm, đồng thời đào tạo công nhân lành nghề. Úc cũng chuẩn bị cung cấp 3 tỷ đô la Úc để mở rộng năng lực đóng tàu của Hoa Kỳ và Anh, phần lớn để tăng tốc độ sản xuất tàu ngầm lớp Virginia của Hoa Kỳ mà Úc sắp mua.

Bộ trưởng Thương Mại Úc, Don Farrell, vào hôm nay 19/03 cho biết ông tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra tới đây để gặp người đồng cấp Vương Văn Đào (Wang Wentao) sẽ diễn ra, bất chấp vấn đề AUKUS.

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc thông báo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được triển hạn


Thứ Bảy 18/03/2023 tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước trung gian trong việc ký kết thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraina, thông báo thỏa thuận đã được gia hạn. Liên Hiệp Quốc cũng ra thông cáo về việc này.

Thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen đã được Nga và Ukraina ký kết vào tháng 07/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, qua trung gian của Liên Hiệp Quốc và chính quyền Ankara của tổng thống Recep TayipErdogan, cho phép hàng triệu tấn tấn lương thực, ngũ cốc của Ukraina được xuất khẩu ra thế giới qua ngả Biển Đen trong những tháng qua.

Đây là lần thứ hai thỏa thuận được gia hạn. Lần đầu là vào tháng 11/2022, theo đó thỏa thuận hết hạn vào ngày hôm qua 18/03. Nhưng lần này, thỏa thuận được triển hạn đến khi nào ? Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

« Liên Hiệp Quốc đã rất nhanh chóng hoan ngênh việc triển hạn thỏa thuận và cảm ơn những nỗ lực trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, cũng như Ankara, Liên Hiệp Quốc thận trọng không nói trong thông cáo là thỏa thuận được kéo dài thêm bao nhiêu lâu. Thỏa thuận có phải được triển hạn 120 ngày như bộ trưởng Cơ Sở Hạ Tầng của Ukraina đã nói ngay sau đó ? Hay là chỉ được kéo dài thêm 60 ngày như phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga đã nói trong quá trình thương lượng vừa qua ?

Các cuộc đàm phán có thể đã kết thúc. Nhưng cuộc đọ sức vẫn tiếp diễn. Việc Nga từ chối xem xét gia hạn 120 ngày như dự kiến trong văn bản ban đầu, xuất phát từ việc Matxcơva không hài lòng về một điểm cụ thể trong thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu phân bón của Nga. Matxcơva cho rằng việc xuất khẩu phân bón của Nga vẫn đang bị chặn.

Dẫu sao thì đến sáng hôm nay, thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen (tên tiếng Anh là Black Sea Grain) sáng nay vẫn còn tồn tại. Và đây có lẽ mới là điều quan trọng nhất ».

Nhà sáng lập TSMC: Toàn cầu hóa ngành công nghiệp chip đã chết


Người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Morris Chang tuyên bố rằng quá trình toàn cầu hóa ngành công nghiệp chip đã kết thúc và Đài Loan là không thể thiếu trong ngành công nghiệp chip toàn cầu vì đạo đức làm việc độc đáo của đất nước này.
Về tương lai của lĩnh vực chip, nhiều quốc gia cố gắng đưa các nhà sản xuất chip trở lại lãnh thổ của họ để đảm bảo sự vững chắc của chuỗi cung ứng vì lợi ích an ninh quốc gia.

Ông Chang cho biết tại một diễn đàn về chất bán dẫn ở Đài Bắc của Tạp chí CommonWealth có trụ sở tại Đài Loan vào ngày 16/03, “Không còn nghi ngờ gì nữa, toàn cầu hóa đã chết; Thương mại tự do không hoàn toàn chết, nhưng nó đang tiến tới điểm đó”.

Dự đoán về gia tăng chi phí
Ông trùm chip 91 tuổi cho biết ông đồng tình với chính sách công nghiệp của Mỹ nhằm làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn bằng lệnh trừng phạt và danh sách đen, mặc dù ông cũng cho biết, “Trung Quốc đi sau Đài Loan ít nhất 5 - 6 năm về công nghệ sản xuất chip”.

Ông chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự phổ biến của chip và chất bán dẫn chủ yếu là do chi phí liên tục giảm. Tuy nhiên, với việc cơ sở sản xuất đang chuyển tới Mỹ, chi phí sẽ tăng lên.

Ông dự đoán chi phí sẽ tăng ít nhất 50% và thậm chí gấp đôi. Do đó, quá trình phổ biến chip sẽ chậm lại hoặc thậm chí chấm dứt và ngành công nghiệp sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh hoàn toàn khác.

Ông Chang chỉ trích hoạt động chuyển dịch sản xuất công nghệ cao sang các nước thân thiết của Washington vì đã loại Đài Loan ra khỏi danh sách điểm đến, cho rằng nó không có nhiều ý nghĩa.

Tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan đối với chip là không vững chắc và không an toàn, đề cập đến Đạo luật Chips nhằm tăng cường hoạt động sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.

Đạo đức làm việc
Trong diễn đàn, ông Chang giải thích việc sản xuất chip đã được tập trung ở một số quốc gia vì mỗi quốc gia đều có tính cạnh tranh trong lĩnh vực họ làm. Ông nói, “ví dụ, Mỹ có năng lực thiết kế xuất sắc vì họ bám sát nhu cầu của thị trường”.

Mặt khác, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất. Ông Chang cho biết ông tin rằng chính con người và văn hóa làm việc sẽ tạo ra lợi thế độc nhất trong lĩnh vực sản xuất chip.

Ông đưa ra ví dụ, máy hỏng ở Mỹ lúc 1 giờ sáng thì đến sáng hôm sau mới sửa xong. Ông nói, “Nhưng ở Đài Loan, nó sẽ được sửa vào lúc 2 giờ sáng".

Ông Tập Cận Bình có phải là nhà lãnh đạo giỏi? Robot AI của Trung Quốc không dám trả lời


Mới đây, The Wall Street Journal đã thử nghiệm một sản phẩm chatbot của Trung Quốc và hỏi liệu ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt hay không? Chatbot trả lời: Câu hỏi không vượt qua được kiểm duyệt an toàn.

ChatGPT là một chatbot được phát triển bởi công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Kể từ khi được phát hành vào tháng 11 năm ngoái, nó đã tạo nên làn sóng sử dụng các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng ở Trung Quốc dưới sự cai trị của chính quyền TQ, chatbot AI có một số chủ đề cấm kỵ mà chính quyền không cho nói đến, do đó các chatbot này còn bị chế giễu với cái tên ChatCCP.

Chatbot ở Trung Quốc có những hạn chế tương tự như khi người dùng nhập các từ khóa nhạy cảm về chính trị.

The Wall Street Journal đã thử nghiệm bốn sản phẩm chatbot AI của Trung Quốc và con chatbot có hiệu quả đối thoại tốt nhất là Gipi Talk. Đây là chatbot AI được phát triển bởi một nhóm kỹ sư ở Thâm Quyến – trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc.

Sau đây là một trong số các kết quả trò chuyện giữa The Wall Street Journal và chatbot AI Trung Quốc:

– Hỏi: Ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt không?

– Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

– Hỏi: Tại sao câu hỏi của tôi không vượt qua được kiểm duyệt an toàn?

– Đáp: Chúng ta hãy thay đổi chủ đề và nói về điều gì khác nhé.

– Hỏi: Bạn có thể nói về chủ đề gì?

– Đáp: Rất vui được trò chuyện với bạn! Chúng ta có thể trò chuyện về công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí, nấu ăn hoặc bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn muốn nói về điều gì?

– Hỏi: Chúng ta có thể nói chuyện chính trị không?

– Đáp: Tất nhiên chúng ta có thể nói về chính trị. Nhưng chúng ta cần tôn trọng quan điểm của nhau, tránh ngôn ngữ xúc phạm hoặc bạo lực và duy trì môi trường đối thoại hợp lý, hòa bình và mang tính xây dựng. Bạn muốn thảo luận về chủ đề chính trị nào?

– Hỏi: Chính trị Trung Quốc.

– Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

– Hỏi: Được rồi, vậy chúng ta có thể nói về chính trị Mỹ không?

– Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

Nội dung đầu ra cho thấy, phần kiểm duyệt nội dung là do Baidu cung cấp. Baidu đã từ chối bình luận về các câu hỏi trong bài viết này.

Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và chính quyền TQ (The Select Committee on the CCP) cũng đã chú ý đến bài báo của The Wall Street Journal, và đăng kèm hình ảnh trên tài khoản Twitter chính thức với câu hỏi: “hãy thử hỏi điều gì đã xảy ra ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989?” (ngày xảy ra Thảm sát Thiên An Môn).

Bà Pascale Fung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nói với The Wall Street Journal rằng ở một đất nước mà người dùng Internet có thể dễ dàng dẫm vào các bãi mìn chính trị, chatbot có thể sẽ “vô cùng nhàm chán”.

Các giám đốc điều hành và lập trình viên công nghệ Trung Quốc cho biết, đối với các công ty công nghệ tồn tại trong một môi trường mà ngôn luận trực tuyến ngày càng bị thắt chặt, thì việc bị kiểm duyệt nội dung đã trở nên rất quen thuộc.
Một trong những sản phẩm chatbot AI đầu tiên ở Trung Quốc giống với ChatGPT là ChatYuan, nó được phát triển bởi công ty Yuanyu Intelligence có trụ sở tại Hàng Châu. Sản phẩm này đã bị đình chỉ chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào tháng Hai năm nay. Trong khoảng thời gian ngắn trước khi bị cấm, có phóng viên đã nhập một câu có tên ông Tập Cận Bình vào hộp trò chuyện và ChatYuan đã cảnh báo rằng: Văn bản chứa những từ vi phạm quy định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét