Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Du khách người Anh bị ngã vì cố leo lên “mỏm đá tử thần” ở Hà Giang - An Vui


Ngồi trên “mỏm đá tử thần” để check-in là cảm giác thành công của nhiều phượt thủ ưa mạo hiểm – Ảnh: Abtrip Vì cố leo lên “mỏm đá tử thần” ở Hà Giang để chụp ảnh, nam du khách quốc tịch Anh đã bị trượt chân rơi xuống. May mắn là khoảng cách rơi xuống chỉ 2m (6.5 feet) nên nam du khách này chỉ chấn thương ở chân trái, nhưng chảy máu nhiều. Sự việc xảy ra chiều 17 Tháng Ba 2023, tại địa phận thôn Xéo Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Sau khi được cứu hộ, nam du khách đã được bác sĩ trạm y tế xã Pải Lủng sơ cứu và chuyển nạn nhân về bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc, sau đó đưa về Hà Nội.
<!>
“Mỏm đá tử thần” hay còn gọi là “mỏm đá sống ảo” nhô ra khỏi núi, độ cao chênh vênh, là nơi có cảnh quan đẹp, với rất nhiều tảng đá lớn xếp chồng lên nhau nhưng không chắc chắn. Mỏm đá du khách hay đứng chụp ảnh có mặt nhẵn, lại không có lan can nên rất dễ trơn trượt và rơi xuống, có thể mất mạng. Vài du khách chụp được bức ảnh ngồi trên đầu mỏm đá này khoe lên mạng, đã kích thích mong muốn chinh phục của các phượt thủ Việt và du khách ngoại quốc.

Dưới chân núi có một con đường hẹp mà xe gắn máy có thể đi lên gần khu vực này. Sau đó du khách sẽ phải leo bộ khoảng 30 – 40 m (0.018 miles – 0.024 miles), đường khó đi, có nhiều đá nhọn và trơn trượt.

Nhà cầm quyền huyện Mèo Vạc đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở chân dốc và khu vực, cách mỏm đá khoảng 3m (9.8 feet), đồng thời lập rào chắn đoạn leo lên gần “mỏm đá tử thần”, cấm xe gắn máy đi lên đoạn đường ra mỏm đá này nhưng dân phượt tự do và du khách ngoại quốc có máu mạo hiểm và mê chụp hình “check-in” vẫn ưa thích địa điểm này.


Khu vực mỏm đá sống ảo đã được dựng rào chắn nhưng nhiều người vẫn leo lên, chứng tỏ sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên – Ảnh: Vnexpress

Trao đổi với Vnexpress ngày 19 Tháng Ba, ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc phàn nàn: “Chúng tôi không đủ nhân lực để túc trực suốt ngày nên dựng rào chắn, nhưng rào cũng không hiệu quả”. Ông Lưu cũng cho biết trước kia “mỏm đá tử thần” không nằm ở vị trí này, do thời tiết, đá trên cao rơi xuống tạo thành mỏm cheo leo. Sau sự việc nam du khách người Anh trượt chân ngã xuống, họ đang gia cố lại rào chắn ở đây, nhằm ngăn chặn đường leo lên của những người đam mê chụp ảnh và có máu mạo hiểm.
Năm 2021, một phượt thủ đến từ Sơn La cũng gặp tai nạn tại đây và bị chấn thương phần mềm. Kể lại tai nạn trên “mỏm đá tử thần” ở huyện Mèo Vạc với Vnexpress ngày 13 Tháng Giêng 2021, phượt thủ Mai Thế Hải, 29 tuổi, cho biết mình đã suýt phải trả giá bằng mạng sống khi rơi tự do từ mép đá – chỗ đứng chụp ảnh gần “mỏm đá tử thần” xuống khe đá phía dưới, trong khoảng cách 25m (82 feet). Ông nhớ lại: “Khi ấy tôi hoàn toàn tỉnh táo nhưng sự việc xảy ra quá nhanh. Tôi tưởng mình sắp chết”.


Trước đó, ngày 10 Tháng Giêng 2021, Hải và một người bạn đã đến Hà Giang để chụp ảnh. Khi đi qua xã Pải Lủng, Hải dừng lại chỗ mỏm đá, mong chụp một bức ảnh “để đời”. Đây không phải lần đầu tiên Hải đến chỗ này nên ông không sợ hãi, lần này ông bước xa hơn và đứng sát mép. Điều không ngờ là do không khí lạnh và loãng khiến Hải choáng váng, ông bị cóng tay chân rồi ngã xuống. Sau khi va đập vào vách đá, ông lăn lộn một đoạn rồi túm được vào cành cây nhỏ.

May mắn là ông Hải được cứu hộ kịp thời, gần nửa tiếng sau, ông Hải được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đồng Văn, sau đó chuyển về bệnh viện huyện Quản Bạ để có thân nhân chăm sóc. Sau cú ngã, ông Hải bị rạn xương chậu, nhiều nơi trên cơ thể bầm tím và có một vết rách sâu ở đùi khoảng 20 cm (7.8 inches) vì bị đá cứa
.

Đường đi lên “mỏm đá tử thần” nhỏ hẹp và quanh co thế này – Ảnh: Vnexpress

Dù sức khỏe và tinh thần đã ổn định hơn, ông Hải vẫn cảm thấy sợ hãi mỗi khi nhớ lại tai nạn và nói với vẻ hối hận: “Tôi đã phải trả giá cho hành động của mình. Tôi hy vọng những du khách có sở thích du lịch mạo hiểm hãy cẩn trọng. Ai cũng có ước mơ, đam mê riêng, nhưng làm gì cũng cần nhìn về phía sau, nghĩ về gia đình, người thân”. Sau tai nạn của Hải, xã Pải Lủng đã lập rào chắn dài 4m (157 inches), cao 1.2m (3.9 feet) tại các đường lên mỏm đá, một phương án tạm thời để ngăn du khách trèo lên, cho đến khi có thể thay thế bằng cách khác an toàn.

Dưới bài viết, một số bạn đọc Vnexpress cho rằng đây là địa điểm đẹp, du khách có nhu cầu khám phá và chụp ảnh thì huyện Mèo Vạc không nên rào chắn và đặt biển cấm, mà nên nghiên cứu làm sao để du khách chụp ảnh được an toàn và có đội cứu hộ sẵn sàng ứng cứu.

Bạn đọc Bình Luận đặt vấn đề: “Trên đỉnh Everest còn đầy người nằm lại mà họ vẫn tổ chức tour hàng ngày mà sao ở VN cứ có tai nạn xảy ra là phải đóng các điểm check-in nhỉ? Cứ cắm cái biển nguy hiểm không lại gần, xảy ra tai nạn phải tự chịu trách nhiệm và chịu phạt thế là xong. Với những nước du lịch chi phí thấp như VN thì du khách tới vì một điểm check-in là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và họ đủ nhận thức về sự nguy hiểm, họ thích cảm giác mạnh thì phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Sao cứ phải chặn nguồn lợi của mình lại?”. Bạn đọc Maytinhnamviet46: “Đồng tình ý kiến với bác. Giống cafe đường tàu thôi, muốn thu hút nhiều khách du lịch, muốn họ tiêu nhiều tiền… nhưng cách quản lý thì ối dồi ôi. Nói ra lại tự ái nhưng cách làm du lịch vẫn rất lạc hậu, không theo kịp tư duy của thế giới”.

Lucky@Cường Hùng đề nghị: “Đã làm con đường lên mỏm đá thì có vẻ đã đồng tình cho du lịch khám phá, nên thu phí để nuôi nhân sự quản lý cứu hộ cho an toàn”.
Tất cả ý kiến của bạn đọc đều đúng, nhưng “cấm” là biện pháp dễ nhất và được nhà cầm quyền Việt Nam chọn lựa nhiều nhất. Mặt khác khi chọn “cấm” là cách thừa nhận năng lực còn giới hạn, kiểu biết mình “yếu thì không ra gió”, có lẽ vậy
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét