Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Truyền thông Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam - BaoMai


Nếu năm 1950 chỉ có khoảng dưới 10% gia đình Mỹ có truyền hình thì đến năm 1966, khi cuộc chiến Việt Nam leo thang và có khoảng hơn 400 ngàn lính Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam với khoảng sáu ngàn binh sĩ tử trận, đã có hơn 90% gia đình Mỹ có truyền hình và theo dõi tin tức chiến sự từ Việt Nam qua truyền hình. Truyền thông với cuộc chiến truyền hình (television war) đã đóng vai trò và ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc chiến?
<!>

Khác với trong Đệ Nhị Thế Chiến, truyền thông trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đổi nhiều, nếu không nói là hoàn toàn khác biệt từ sự tham dự, cách đưa tin cho đến nghiệp vụ, kỹ thuật sử dụng và cung cấp tin tức đến người dân Mỹ và thế giới.

Nếu trong Đệ Nhị Thế Chiến các phóng viên chiến trường là những quân nhân làm nhiệm vụ chụp và thu hình trực tiếp trong chiến trận để làm tư liệu cho quân đội thì hầu hết các ký giả dân sự chỉ tập trung tại các khu vực phi quân sự để tường trình tin tức.

Những ký giả muốn có các tin tức, tài liệu quân sự phải có những hồ sơ nhân thân được quân đội duyệt xét và cung cấp những điều có thể cung cấp. Tin tức về A-bomb, tức bom hạch tâm không được công chúng biết đến cho đến khi chiến tranh kết thúc. Phần lớn các tin tức chuyển về Mỹ là những tin tức khích lệ và gây sự lạc quan, hy vọng về chiến thắng của Mỹ và quân đồng minh.


Những điều này đã thay đổi trong chiến tranh Việt Nam khi vào thời điểm cao nhất, đã có hơn 600 ký giả đủ quốc tịch thường trú tại Việt Nam làm công việc tường trình, phân tích và chuyển tin cho các hệ thống truyền thông Hoa Kỳ. Cơ quan Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ MACV đã tạo cơ hội và phương tiện di chuyển để họ có thể theo chân các binh sĩ Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa để viết tin, làm phóng sự giữa khói lửa. Phần lớn thì thường trú tại Sài Gòn để đưa tin qua các cuộc họp báo với các ủy ban quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.


Các phương tiện kỹ thuật và nghiệp vụ tân tiến hơn gấp bội so với Đệ Nhị Thế Chiến, các ký giả trẻ luôn muốn có những tấm ảnh, thước phim hay các phóng sự trực tiếp và đầu tiên đến công chúng Mỹ và thế giới. Các thước phim thu được đã nhanh chóng chuyển về Tokyo để hoàn tất các bước kỹ thuật và biên tập cần thiết và chuyển về Mỹ để phát sóng hay có thể dùng vệ tinh cho các bản tin nóng sốt, được đăng báo hay phát trên truyền hình, nơi người dân Mỹ có thể theo dõi chiến cuộc cùng tin tức con cái họ ngay trong phòng khách của mình.



Các phong trào nhân quyền phát triển mạnh mẽ hơn, một trong điều được giới sử gia nhìn nhận là truyền thông trong chiến tranh Việt Nam đã không bị kiểm duyệt nhờ vào quyền tự do báo chí. Không chỉ theo dõi các hình ảnh, các phóng sự, công chúng Mỹ còn dựa vào các bình luận của những nhà bình luận chính trị và phân tích thời cuộc. Hàng loạt các tên tuổi truyền thông gạo cội của Hoa Kỳ được biết đến từ thời chiến tranh Việt Nam.


Chính vì vậy mà tin tức và diễn biến của chiến tranh Việt Nam đã áp đảo tại Mỹ trong nửa cuối thập niên 60s tại Mỹ đã gây nên cảm xúc và ảnh hưởng đến nhìn nhận của đại chúng. Lần đầu tiên người dân Mỹ chứng kiến những hình ảnh và thước phim hoặc nguyên thủy hay kịch tính hóa về sự khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh với hình ảnh gian khổ, nguy hiểm rồi thương tích, chết chóc của người lính đánh động vào người xem rất lớn, dẫn đến làn sóng phản đối chiến tranh khi con số tử vong của binh sĩ Hoa Kỳ cùng chi phí chiến tranh ngày càng tăng cao.


Những người chống chiến tranh cho rằng đó là một cuộc chiến không cần thiết và người lính Mỹ chết tại nơi xa lạ nào đó không phải để bảo vệ cho chính họ, cho chính nước Mỹ. Mà nó là sự sai lầm của chính phủ để bị sa lầy vào một cuộc chiến thoạt đầu ngỡ chỉ là một cuộc thanh trừng phiến quân sẽ nhanh chóng kết thúc khi 3,500 lính Thủy Quân Lục Chiến thiện chiến được chỉ huy bởi những cấp chỉ huy tài ba trong chiến tranh Triều Tiên hay Đệ Nhị Thế Chiến đổ bộ xuống Đà Nẵng vào tháng Ba năm 1963.


Truyền thông Hoa Kỳ đã bị đổ trách nhiệm cho việc thất bại trong cuộc chiến Việt Nam và là nguyên nhân gây chia rẽ giữa hai bên ủng hộ và phản chiến. Còn giới truyền thông bào chữa rằng, họ chỉ làm công việc tường trình chiến tranh còn các quyết định hay chiến lược là từ Ngũ Giác Đài và các đời tổng thống. Họ không có thẩm quyền hay khả năng can dự, bắt đầu hay kết thúc cuộc chiến ngoài việc thực hiện vai trò của mình.

Trên thực tế thì giới truyền thông cũng không lường trước về cuộc chiến như những cấp thẩm quyền quân đội và chính phủ Hoa Kỳ.


Nhiều ký giả trẻ đã hào hứng xin qua Việt Nam ngay những ngày đầu tiên để tường trình cuộc tiễu trừ phiến quân cộng sản mà họ e rằng, nếu không nhanh chân thì họ sẽ bị lỡ chuyến đò và nó sẽ nhanh chóng kết thúc. Các nhà sử học và giới nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam ghi nhận rằng cho đến năm 1968, giới truyền thông Hoa Kỳ cũng đã ủng hộ cuộc chiến và đưa tin tức khá tích cực về nó. Nhưng rồi cuộc chiến đã kéo dài và mất mát nhiều hơn gấp bội những ai đã từng tưởng tượng đã làm thay đổi điều này.


Truyền thông cũng trả giá cho thách thức nghề nghiệp đó khi có hơn 60 ký giả thiệt mạng khi tường trình về cuộc chiến. Một số ký giả mất mạng ngay tại chiến trường, một số bị bắn hạ khi theo chân các cuộc hành quân hay thị sát chiến trường, trong đó có nhiều ký giả tài ba của các hãng thông tấn tên tuổi thế giới. Trong vai trò truyền thông, các ký giả đã để lại cho các thế hệ sau nhiều tấm ảnh, thước phim quý giá về cuộc chiến Việt Nam.


Không ít người cho rằng truyền thông đã góp phần ảnh hưởng và chịu trách nhiệm về sự thất bại của cuộc chiến Việt Nam. Nhưng điều này cũng chỉ một phần khi nguyên nhân trực tiếp có thể thấy được là tổn thất tài chính và nhân mạng của binh lính Hoa Kỳ cùng sự phản đối của người dân Mỹ đã buộc chính phủ Hoa Kỳ phải tìm kiếm một giải pháp khác nhằm rút quân và kết thúc chiến tranh. Bởi cuối cùng thì các đời tổng thống Mỹ và Quốc Hội Hoa Kỳ là những người quyết định trực tiếp về cuộc chiến tranh Việt Nam.


Sau gần nửa thế kỷ, có vô số lý do và sự thật về cuộc chiến Việt Nam vẫn đang còn là điều gây tranh cãi, khó lòng thỏa mãn cho tất cả những bên dự phần. Nhìn vào vai trò và trách nhiệm ở mỗi góc khác nhau, kể cả vai trò của truyền thông Hoa Kỳ, sẽ cho người ta ghép lại phần nào bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến đầy ám ảnh này.

Những bài tựa đề 30-4-1975



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét